Đức Đalai Lama: CẢNH GIỚI ĐỨC MẠN THÙ

ĐỐI THOẠI GIỮA ĐẠI SƯ THÁNH NGHIÊM (SHENG YEN) VÀ ĐỨC ĐALAI LAMA

Đại Sư Thánh Nghiêm: Lục Tổ Huệ Năng có lẽ là bậc thiền sư lỗi lạc nhất. Chứng ngộ đầu tiên của ngài xảy đến khi nghe đọc một câu kinh Kim Cương “hãy đừng ở nơi nào mà sinh tâm ra”. Kinh Kim Cương chủ yếu dạy chúng ta hãy sinh cái tâm giác ngộ, cái tâm bồ đề, và tuyên thuyết về tánh không.

Kinh Lăng Già [Lankavatara Sutra] cũng có tác dụng rất lớn đối với Thiền tông. Kinh này nói về Như Lai Tạng, về Chân Như, còn được gọi là Phật tánh.  Khuyên chúng ta hãy tin rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Nói cách khác, kinh này nói rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.

Lục tổ Huệ Năng dạy rằng để có thể kiến tánh, thành Phật, thì phải vượt thoát mọi khái niệm đối đãi, đánh giá tốt xấu. Ngay lúc đó, ta sẽ có thể thấy được bản lai diện mục của mình, nói cách khác, thấy được thật sự mình là ai.

Trong mẫu đối thoại giữa Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma và đệ tử là Nhị tổ Huệ Khả cũng có nghĩa tương tự. Một hôm Huệ Khả xin Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho mình, Bồ Đề Đạt Ma không chỉ cách an tâm, mà lại nói “tâm động của ông đâu, đưa ra ta an cho.”

Thiền tông không có phương pháp tu đặc biệt, chỉ khuyến khích người tu quán xét thấu đáo cái tâm phiền não hư vọng. Pháp tu Phật giáo truyền thống vào thời Ấn Độ xưa đúng là rất khó, người tu phải tu theo phương pháp, ví dụ như quán ngũ triền cái, quán sổ tức, thiền tứ niệm xứ v.v… Còn Thiền tông thì lại dạy đừng nên phân tích, đừng vận dụng lý trí để truy tìm. Thiền tông ngược lại dạy cách đột nhiên xua tan tâm hư vọng bằng cách truy tìm tâm hư vọng.

Bao giờ tự thân chứng được sự vắng mặt của tâm, khi ấy tự nhiên sẽ thấy tánh không. Hơn nữa, để có thể chân chính tu theo thiền tông, người tu cần phải phát tâm bồ đề, thọ bồ tát giới. Nếu bản thân đạt giác ngộ thì mọi hành trạng đều không còn bị sắc tướng hình thái trói buộc.

Trong thiền tông, đại định [samadhi] thật ra là một trạng thái tương ưng với tuệ giác tánh không. Thiền tông không nói đến hành trì chỉ quán theo trình tự tách lìa. Ngược lại, Thiền tông nhấn mạnh vào sự bộc phát của trí tuệ chứng tánh không. Khi người tu đạt đại trí tuệ thì đó cũng là đạt đại định. Nói cách khác, Thiền tông đặc biệt nhấn mạnh vào cả hai thành tựu định và tuệ.

Để bước vào đường tu, người tu cần có lòng tin chân thành nơi lời của đức Phật dạy, rằng chúng sinh đều có Phật Tánh, đều có khả năng thành Phật. Phái Tào Động – là một tông phái Thiền – dạy pháp tu thiền gọi là đơn thuần ngồi, ý thức mình đang ngồi, và ý thức sự vận hành của tâm. Một khi tâm đủ sáng, sẽ tách lìa khỏi mọi chấp bám nơi tứ đại, ngũ uẩn, tâm, thức, cùng mọi tâm vương, tâm sở.  Ngay vào lúc đó, người tu sẽ trực diện với câu hỏi, “ta là ai?”

Có một phương pháp dễ hơn, đó là khi đối đãi với ngoại cảnh, sự vật, mà nội tâm suy nghĩ thế này hay thế kia, hãy đừng khởi niệm, đừng đánh giá, đừng chấp bám vào đó. Như vậy sẽ luôn thuận với chân tánh bồ đề. Thuận với trí tuệ tánh không thì ngay lúc ấy chính là giác ngộ. Tuy nhiên trạng thái này không phải là trạng thái tăm tối ù lì như khi bị người ta đập lên đầu.

Trong Thiền tông, có khi sư phụ cầm gậy thình lình đánh đệ tử, hoặc thình lình lớn tiếng la mắng đệ tử. Làm như vậy chận đứng tâm hư vọng. Cho nên có nhiều người ngây thơ cho rằng “Ôi, vậy thì đạt giác ngộ quá dễ, chỉ cần kiếm người phang lên đầu là thoát mọi ý niệm”. Ngừng hết phiền não và ý niệm kiểu này, phải chăng là giác ngộ? Tôi không nghĩ như vậy. Bị sốc nặng thì đúng hơn. Tại sao? Vì điều này không thuận với chân tánh, không thuận với tuệ giác chứng tánh không.

Dòng Lâm Tế có pháp tu Hua Tou (thoại đầu) hỏi những câu hỏi như là, “Ai phiền não?” “Ai chấp bám?”, “Ai có những thói quen xấu này?” “Ai?” “Ai?”, cứ liên tục hỏi chính mình như vậy cho đến khi thoát mọi ý niệm phân tán. Khi ấy sư phụ giúp cho một cú có khi lại được việc.

Những năm gần đây tôi có dấn thân vào công tác xã hội mà tôi đặt tên là Xây Dựng Tịnh Độ Trên Cõi Địa Cầu. Chúng ta có thể làm được việc này nhờ thanh tịnh tâm mình. Tâm tịnh thì việc làm hành động đều tịnh. Việc làm tịnh thì tạo tác dụng thanh tịnh ở xung quanh. Được như vậy, thế gian sẽ trở thành tịnh độ. Để thanh tịnh thì cần phải có tuệ giác tánh không.

Nếu không làm được như vậy, chí ít phải thấy được phiền não trong mình, không để biến thành hành động, không để tác hại nhiều hơn. Thấy được phiền não thì sẽ có khả năng chế ngự và diệt bỏ phiền não. Thấy phiền não là sống thuận với tâm thanh tịnh. Lúc ban đầu sẽ thấy khó, nhưng đừng tuyệt vọng, đừng hối tiếc. Hễ thấy phiền não phát sinh thì lập tức thả ngay xuống. Có thể dùng pháp Hua Tou, hay pháp sổ tức [quán hơi thở] để mang tâm phiền não về lại trạng thánh quân bình, không dễ chao động. Được như vậy thì sống thuận với tịnh tâm.

Một vị thiền sư ngày xưa có nói “một niệm thanh tịnh, niệm đó là Phật. Niệm niệm thanh tịnh, đó là thành Phật.” Kinh Pháp Hoa [Saddharmapundarika] nói rằng nếu bước vào chùa mà có thể niệm Nam mô Phật, xưng tán Phật, thì đó là đạt quả vị Phật.”

Thường nói đức Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Ta có thể nhìn thân mình mà tin tưởng rằng đây chính là hóa thân của Phật. Vậy sao không thấy mọi người trong thế giới này đều là Phật? Thế giới này chẳng phải là xứ Phật hay sao?

Đức Đalai Lama: Dĩ nhiên là ngay chính Lama Tông Khách Ba cũng chấp nhận khái niệm đốn ngộ, thế nhưng ngài cũng nói rằng cái mà chúng ta thấy có vẻ như là đốn ngộ thật ra là sự hội tụ của rất nhiều nhân duyên. Đến khi gặp chất xúc tác, hoát nhiên giải thoát.

Lama Tông Khách Ba lấy ví dụ từ trong kinh Phật. Chuyện kể câu chuyện của một quốc vương Ấn Độ Trung thổ nhận được phẩm vật quí giá từ một vị quốc vương miền xa. Quà tặng quá quí giá nên quốc vương không biết làm sao hồi đáp, mới đến hỏi Phật. Phật dạy hãy nên gửi tặng một bức tranh vẽ bánh xe luân hồi với mười hai chi duyên khởi kèm theo câu kệ giải thích ở bên dưới. Bức tranh được gửi đi, với lời nhắn gửi là phải long trọng tiếp đón phẩm vật này. Vị quốc vương kia rất tò mò khi nhận tin, tưng bừng mở hội đón tiếp phẩm vật. Đến khi mở quà, quốc vương kinh ngạc thấy bức tranh nhỏ. Vua mở tranh ra xem, đọc câu kệ giải thích về bánh xe luân hồi mười hai duyên khởi, hoát nhiên đại ngộ. Chứng ngộ xảy ra đột ngột chẳng nguyên do, chỉ nhờ xem tranh và đọc lời minh giải.

Theo ngài Tông Khách Ba thì mặc dù sự kiện xảy ra đột ngột, nhưng vẫn do nhiều nhân duyên hội tụ. Thình lình chứng ngộ chỉ là vì có một điều gì thình lình xảy ra, làm chất xúc tác.

Trong giáo pháp Đại Viên Mãn [Dzogchen], đặc biệt là pháp tu thiền của Đại Viên Mãn, mặc dù không thể nói Đại Viên Mãn cũng dùng gậy như thiền sư vừa kể, nhưng cũng có một phương pháp tương tự. Người tu hô lên chủng tự PHAT, khi âm thanh này được hét lớn, ngay lúc ấy chuỗi ý tưởng thình lình đoạn đứt, đưa đến một cảm giác đột xuất, được giải thích là vô cùng mầu nhiệm. Kinh nghiệm này siêu việt khái niệm, một trạng thái vắng bặt ý tưởng.

Có một câu kệ được xem là của một vị đại thành tựu giả dòng Sakya, mặc dù có một vài sư phụ dòng Sakya vẫn tranh luận về tác giả của câu kệ này, nói rằng ở giữa những khe hở của dòng ý tưởng, kinh nghiệm chân như vẫn xảy ra đều đặn. Nói như vậy có nghĩa là khi thình lình la lớn chữ PHAT [phát âm: Pây], và tiếp theo là hoát nhiên cảm nhận sự nhiệm mầu trong trạng thái siêu việt khái niệm này, đó là lúc trực chứng chân như. Xảy ra trong chớp nhoáng.

Cho người [thiện] nghiệp đã thành thục chín mùi, sung mãn thiện căn công đức, mọi thiện duyên đều hội tụ đầy đủ, một người như vậy ngay lúc ấy có thể chứng được tánh không. Nói theo ngôn từ của Đại Viên Mãn, một khi hét lớn tiếng PHAT và có được cảm nhận nhiệm mầu nhờ cắt đứt chuỗi khái niệm ý tưởng, lúc ấy nếu hội đủ những yếu tố khác như là có được lực gia trì hộ niệm của bậc đạo sư, thì kinh nghiệm kia có thể chuyển thành kinh nghiệm trí giác. Đại Viên Mãn nói rằng khi tâm hiển lộ ánh sáng chân như, cảm giác nhiệm mầu siêu việt khái niệm, người tu sẽ thấy toàn bộ cõi thế tan vào trong tánh không.

Đại Sư Thánh Nghiêm: Người tu có thể duy trì trạng thái chân như chứng ngộ tánh không như vậy được bao lâu? Kinh nghiệm này có dần dần nhạt đi không? Người tu khi ấy có còn phiền não? Kinh nghiệm này tạo ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ của người ấy?

Đức Đalai Lama: Khi Đại Viên Mãn nói đến tâm chân như, thì điều họ muốn nói đến đó là chân tánh của tâm thức, vậy hễ tâm thức còn liên tục thì tâm chân như vẫn sẽ liên tục. Hễ nước còn thì tánh trong của nước cũng còn. Nhiều khi nước bị vẩn đục nên không thể thấy chân tánh của nước là tánh trong. Muốn thấy tánh trong của nước, chỉ cần để lắng xuống. Tương tự như vậy, cho dù là nghĩ thiện hay nghĩ ác, cả hai đều là trạng thái của tâm và đều nằm trong bản tánh chân như. Xét trên phương diện tu chứng chân như thì nghĩ thiện hay nghĩ ác gì cũng đều là chướng ngại. Trọng tâm của pháp tu này là để cho tâm lắng xuống bằng cách ngưng khởi niệm, dù là niệm ác hay niệm lành, làm như vậy để chứng tâm chân như.

Ở đây có rất nhiều điểm tương đồng với pháp tu đốn ngộ của Thiền tông. Khi chứng được tâm chân như thì đương nhiên điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến nét linh hoạt của giấc mơ. Tuy vậy, pháp đốn ngộ của Đại Viên Mãn đòi hỏi người tu phải trải qua quá trình tu sơ khởi. Thuật ngữ Đại Viên Mãn gọi là “tìm khuôn mặt thật của tâm bằng cách quán sát chỗ xuất phát, chỗ trụ và chỗ về của tâm. Ở đây pháp quán này gần giống với Đại Thủ Ấn trong các pháp quán “mâu thuẫn [dilemma]” và “luận lý bốn gốc” của Trung Quán [the four-cornered logic].

Xin hỏi Lục Tổ Huệ Năng sống vào thế kỷ thứ mấy?

Đại sư Thánh Nghiêm: Thế kỷ thứ tám.

Đức Đalai Lama: Lý do tôi hỏi như vậy, là vì có một chút liên quan đến sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Chúng ta biết rằng Lama Tông Khách Ba là một trong những vị chỉ trích kịch liệt pháp đốn ngộ thiền tông Tây Tạng. Tuy vậy, vào thế kỷ thứ tám dưới thời vua Trisong Deutsen, ở tu viện Samye, nếu nhìn vào bản đồ sẽ thấy có nhiều biệt viện dành cho nhiều tông phái khác nhau. Có một dãy dành cho người tu Kim cang thừa, một dãy dành cho các bậc dịch giả và cũng có một dãy gọi là “Thiền Xứ”, là nơi dành cho thiền tông. Đây là biệt viện dành cho các đại sư Trung Hoa.  Chúng ta đang nói về thế kỷ thứ tám, thời điểm tu viện Samye được xây cất. Và đây cũng là thời gian mà hai vị đại sư Ấn Độ là ngài Thiện Hải Tịch Hộ và ngài Liên Hoa Giới đang hoằng pháp tại Tây Tạng.

Tôi nghĩ nếu ngài Thiện Hải Tịch Hộ dành hẳn một biệt viện dành cho các đại sư Trung Hoa Thiền tông, như vậy cũng có nghĩa là ngài Thiện Hải Tịch Hộ rất hoan nghênh và mặc nhiên thừa nhận giá trị quan trọng của Thiền tông Trung Hoa trong sự phát triển của Phật giáo. Tuy vậy, đến thời ngài Liên Hoa Giới, đệ tử của ngài Thiện Hải Tịch Hộ, thì dường như có một số đệ tử Thiền tông lại tu khác hơn một chút, nhắm đến sự tuyệt diệt tâm niệm, không phải chỉ trong một pháp tu đặc biệt mà là nói chung, diệt niệm trở thành gần như một cơ sở triết lý tuyệt đối, đoạn diệt mọi tư duy suy nghĩ. Đây là khuynh hướng tu mà ngài Liên Hoa Giới phản bác. Thiền tông ở Tây Tạng có vẻ như chia thành hai kiến giải khác nhau.

Đại sư Thánh Nghiêm khi nãy có nhắc đến một loại kinh nghiệm về tánh không, người tu an trụ trong chứng ngộ này một cách không gián đoạn. Kinh nghiệm chứng ngộ như vậy chỉ có thể xảy ra ở giai đoạn tu tập cao hơn nhiều lắm. Muốn được như vậy, người tu phải có khả năng điều khiển cả hai loại kinh nghiệm nhập định và chứng không [định và tuệ]. Trước khi đạt giác ngộ viên mãn, định và tuệ luôn xen kẽ với nhau. Chỉ khi nào đạt vô thượng bồ đề mới có khả năng đồng loạt hiện hành định tuệ. Nói như vậy, khả năng từ trong định mà trực chứng tánh không, niệm trước niệm sau liên tục không gián đoạn, việc như vậy chỉ có thể xảy ra khi đã thành tựu quả vị Phật.

Đại Sư Thánh Nghiêm: Trạng thái giác ngộ viên mãn không phải là trạng thái chấm dứt phiền não, mà là trạng thái không bao giờ còn hoài nghi về Phật Pháp. Người đạt giác ngộ viên mãn có thể vẫn còn phiền não, nhưng không để phiền não tác động thành lời nói hành động. Không thoát được mọi phiền não, nhưng thấy rõ đường tu mình phải theo.

Thiền tông không nói đến quá trình tu định theo phương pháp tuần tự. Bản thân tôi tuy có học và có chút kinh nghiệm, thế nhưng kinh nghiệm kiến tánh vẫn quan trọng hơn. Đây là một tên khác của giác ngộ. Như nếm vị của nước, đó là điều mình phải tự nếm tự biết. Kinh nghiệm về tánh không cũng vậy. Phải tự thân chứng lấy, nếu không chẳng bao giờ có thể biết được. Cho dù có nghe nói thì cũng chỉ vậy thôi. Giác ngộ viên mãn thì khác với kiến tánh, là vì kiến tánh rồi vẫn có thể rơi về lại với tâm thế tục, và vẫn không biết được phiền não vọng tâm phát sinh ra sao, hiện ra như thế nào. Còn giác ngộ viên mãn rồi thì lúc nào cũng ý thức được hoạt động của phiền não. Tâm của người giác ngộ vô cùng sáng.

Đức Đalai Lama: Điều tôi thấy có vẻ như chính xác, đó là như trong kinh Phật có nói, người tu khi trực chứng tánh không thì kinh nghiệm trực chứng này khác với kinh nghiệm có nhờ hiểu biết kiến thức. Tánh không vượt ra khỏi lãnh vực của chữ nghĩa, ngôn từ, ý tưởng, không thể diễn tả, không thể nghĩ bàn. Kinh nghiệm trực chứng của hành giả thì không thể nào dùng lời để mà diễn tả được.

Tôi muốn nhắc lại về công tác xã hội mà đại sư Thánh Nghiêm lúc nãy có nhắc đến: xây dựng xã hội và môi trường sống thanh tịnh, khởi từ sự thanh tịnh hóa tâm thức của từng cá nhân. Tôi thấy đây là một khích lệ đối với tôi, vì bản thân tôi cũng luôn nghĩ như vậy. Giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi vẫn thấy giống như là chuyện của từng cá nhân. Trên lãnh vực cộng đồng xã hội, điều quan trọng hơn có lẽ là phải cố gắng xây dựng một niết bàn, một xã hội với ít hận thù, giận dữ, ganh ghen. Đây mới chính là điểm gặp gỡ của nhiều tự tưởng. Nếu trong tương lai có thể có những trao đổi luận thảo như thế này, nhất là về tánh không, ở ngay trên Núi Ngũ Hành Sơn ở Trung Hoa, thì thật quá tuyệt diệu.

[Bài giảng chấm dứt ở đây]

Mọi sai sót là của người dịch
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh


[1] đọc thêm  Tinh Túy Bát Nhã Tâm Kinh của đức Đalai Lama thuyết giảng, chương 11, Thành Tựu Đạo Quả.

[2] tiếng Anh: three conditions. Chữ conditions này còn có thể gọi là “duyên”. Bản tiếng Anh không thấy nhắc đến điều kiện thứ ba.

image_pdfimage_print