Dilgo Khyentse Rinpoche giảng KHO TÀNG TÂM CỦA ĐẤNG GIÁC NGỘ

PHẦN MỘT: CHƯỚNG DUYÊN THỜI MẠT PHÁP

Sau khi tán dương đảnh lễ Tam Bảo, đức Patrul Rinpoche bước vào phần đầu của bài pháp.

– Đường Đi Của Phật

4. Bậc Chân Hiền Thánh, trên cả loài trời,
đắc chân thật địa nhờ tu chân đạo,
chân thật hiển bày chân đạo vô thượng cho khắp chúng sinh,
bằng không sao gọi là Chân Hiền Thánh?

Vào thời Ấn độ cổ, các bậc hiền thánh Rishi tóc dài sống đời khổ hạnh nơi rừng sâu, sống nhờ khất thực xa lánh cảnh gia đình, phố chợ, ruộng vườn, cùng hết thảy mọi bận bịu thế gian. Chư vị được gọi là Rishi, tiếng Tạng gọi là Trangsong, nguyên nghĩa là “trực,” là “chân,” vì chư vị luôn chính trực, chân thật, xứng đáng được tôn vinh.

Các vị Rishi này, có vị là Phật tử, có vị không phải, nhiều trình độ tâm linh chứng đắc cao thấp khác nhau. Có vị đạt thần thông nhờ định lực thiền lực, có thể sống lâu hàng a tăng tỳ kiếp, có thần nhãn, thần túc, cưỡi mây bay trên trời không một cách dễ dàng. Nhưng dù thành tựu thần thông vượt bực chăng nữa, chư vị vẫn chưa đoạn lìa gốc rễ vô minh phiền não, vì vậy vẫn còn nguy cơ bị ngã mạn tác hại, vẫn mong được người đời tôn kính ngợi khen. Đức Phật Thế tôn, ngược lại, là đấng vương tử vô song dòng họ Thích, ngã chấp đã diệt tận gốc rễ kể từ thời điểm ngài thành tựu tâm bồ đề. Làm sao có thể có được thành tựu này? Là vì khi tìm cầu quả giác ngộ, đức Phật chỉ vì lợi ích của chúng sinh mà tìm cầu. Và chính vì như vậy đức Phật được gọi bậc Rishi chân chính.

Vào lúc một ngàn lẻ hai vị Phật lập đại nguyện vì chúng sinh thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã phát nguyện cứu giúp chúng sinh thời mạt pháp. Không ngại ngần vì nạn ngũ trược, cũng không lo vì tâm chúng sinh bị phiền não thô lậu che mờ, bị ngọn gió thất tình lục dục khuynh đảo, cứng cỏi hoang dại, khó giáo huấn. Vì đại nguyện cao cả này mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giữa chư Phật thời hiền kiếp, nổi trội như đóa sen trắng sáng ngời.

Từ khi bồ đề tâm khởi sinh, đức Phật buông bỏ mọi dấu vết của lòng vị kỷ, chỉ hướng về lợi ích của chúng sinh. Ròng rã ba thời kỳ vô số và hàng trăm kiếp tái sinh, Phật không ngừng tích lũy công đức. Bằng sự kiên quyết và tài tháo vác vô tận, Phật vận dụng đủ mọi phương tiện để nâng đỡ chúng hữu tình. Ví dụ, trong một đời, Phật sinh làm vị hoàng tử trẻ, vào rừng gặp cọp mẹ, đói lả không còn hơi sức kiếm mồi nuôi con. Lòng từ bi bao la mãnh liệt dấy lên, vị hoàng tử trẻ cắt thịt của chính mình cho cọp mẹ ăn. Nhưng cọp mẹ vì quá yếu, cả thịt tươi cũng không thể nhai, vị hoàng tử tự cắt cổ tay cho cọp uống máu, chờ cọp mẹ hồi tỉnh rồi mang hết thân mình cho cọp ăn.

Nhờ lòng đại bi phi thường và sự tinh tấn bất tận, đức Phật cuối cùng đạt quả chánh đẳng giác. Theo chánh đạo đến tận cùng, ngã chấp tận diệt, đấng Thế Tôn tỏa rạng như mặt trời sáng soi toàn cõi thế, hết thảy chỉ vì lợi ích của chúng sinh.

Mọi thành tựu này, đều là vì chúng sinh mà thành tựu, và chính nhờ tấm gương toàn hảo này, nhờ giáo pháp không chút mê lầm này, mà chúng ta ngày nay có được cơ hội đưa tâm mình vào trong chánh pháp, đạt quả vị Phật. Chọn chánh hạnh, bước theo chánh pháp, rồi chúng ta sẽ có thể đạt chánh quả. Sẽ được như Phật, không còn bị lừa dối bởi chính mình hay bởi bất cứ một ai. Đức Thế Tôn là đấng chân thật, nói lời chân thật hoàn toàn đúng như sự thật. Ai có lỗi, Phật chỉ cho thấy lỗi. Ai muốn trọn đời tu, Phật bảo: ”hãy bỏ đời sống gia đình, làm người xuất gia không nhà, giữ ba bộ y, đắm mình trong văn, tư và tu.” Cho người tại gia, Phật dạy từ bỏ mười việc ác, theo mười việc thiện. Với vô vàn phương tiện, Phật dẫn dắt chúng sinh đủ loại căn cơ sống đúng với chánh đạo và tu đúng với chánh pháp.

Tất cả những ai noi theo gót chân Phật, dù là bậc đại thánh hiền, đại hành giả, hay chỉ đơn giản là kẻ phàm phu thế tục như chúng ta đây, tất cả đều phải bước theo đường tu cho đúng cách. Cả trong đời sống hàng ngày, người nào sống thẳng thắn chân thật vẫn được người đời kính nể, còn kẻ bất lương dối trá thì chẳng ai tin.

Nên chúng ta phải thiết tha cầu nguyện ân sư từ bi chỉ cho thấy lỗi. Bao giờ ân sư chỉ lỗi, phải biết ơn mà nhận lấy lời huấn thị để tự quét lỗi mình. Ở đây lời huấn thị đức Patrul Rinpoche tặng cho chúng ta được trực tiếp truyền xuống từ chính đức Phật, qua một dòng truyền thừa không gián đoạn – đây chính là tiếng lời của đấng Như lai.

– Thời Kỳ Suy Đồi

5. Tiếc thay cho người sống thời mạt pháp,
trực tâm héo tàn, chỉ còn dối láo.
Ý nghĩ vặn vọ, lời nói quanh co,
khôn khéo lừa người, ai tin cho được?

Vào thời kỳ hoàng kim, mọi sự đều toàn hảo. Không cần ánh sáng mặt trăng, mặt trời, thân thể mọi người đều tự tỏa hào quang. Ai cũng tùy ý du hành trong không gian, sống mà không cần ăn uống. Vào thời ấy, ai ai cũng giữ đủ mười thiện nghiệp. Nhưng rồi thời gian trôi qua, tâm ý dần biến chuyển, họ bắt đầu gây hại cho nhau, từ từ nổi tham chấp, rồi trộm cắp, rồi dối gạt. Hào quang tắt lịm, phải dùng ánh sáng của mặt trăng, mặt trời; không còn khả năng bay trong không gian; phải ăn để mà sống. Rồi đến lúc cả trâu như nguyện và vụ mùa không cần cấy trồng cũng biến mất, họ phải tự cày bừa để có mà ăn. Đến thời của chúng ta đây, những tánh đức thời hoàng kim chỉ còn sót lại đôi chút cặn bã, như sau bữa tiệc linh đình chỉ còn chút món ăn thừa. Ai người có mắt tuệ, thấy rõ cảnh sống của chúng sinh trong thời kỳ suy đồi này đều không thể nào không buốt dạ xót thương.

Ở thời kỳ dữ dội đầy tranh chấp này, con người sống với ác tâm, dối láo. Luôn đưa mình lên trước, chà đạp quyền lợi người khác. Ai khen thì xem là bạn, ai trái ý hay chống đối thì gọi là thù. Thái độ này dần dần khiến cho mọi việc làm, mọi lời nói, mọi ý tưởng trong tâm họ đều trở nên méo mó. Con người càng lúc càng xoắn vặn quanh co, như gốc cây già cong queo, cuối cùng tâm ý họ suy đồi đến nỗi mọi khái niệm về thiện và ác đều mất hết.

Chúng ta sống trong thời kỳ mà sự giận dữ, tham chấp, dục vọng, mê muội, kiêu mạn và ganh ghen trở thành mẫu mực đời thường. Đây là lúc mặt trời chánh pháp đã khuất sau bờ vai của rặng núi phía Tây, phần lớn chư đại đạo sư đã bỏ sang cảnh giới khác, người tu lạc bước mù khơi trong pháp thiền, tại gia hay xuất gia đều không sống thuận chánh pháp. Chạy theo giá trị dối láo của thời kỳ này, người đời có thể tìm được đôi chút lợi lạc nhất thời, nhưng xét cho cùng, làm như vậy chẳng phải lừa dối ai khác hơn là bản thân của chính mình.

Chất độc phiền não ứ trong tâm người đời nay. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cho họ phải trôi lăn vô tận trong vòng quay sinh tử. Để đối trị phiền não, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, theo gương chư đại đạo sư dòng Kadampa. Chư vị thường nói: “Tôi ôm mũi lao chánh niệm để canh chừng cửa ý. Phiền não tấn công, tôi lập tức phản công; đợi phiền não thu móng tôi mới sẽ thu lao.

6. Than ôi! chúng sinh thời đại suy đồi!
Than ôi! chẳng biết tin vào nơi ai!
Như lạc giữa chốn quỉ ăn thịt người.
Hãy suy nghĩ kỹ, để tự cho mình một ân huệ lớn.

Lạc xứ quỉ ăn thịt nguời thì chẳng thể lơi là, biết rõ mọi người quanh mình dù thân thiện đến đâu vẫn có thể thình lình bị họ tấn công, nhai tươi nuốt sống. Tương tự như vậy, người thế gian bất kể tốt đến đâu, lỡ theo lời họ khuyên là gặp tai họa. Và nếu cần phải khuyên họ cũng sẽ gặp rắc rối. Vậy tốt hơn hãy lo tự xét lỗi mình. Lỗi lầm dù nhiều đến đâu cũng không thể tồn tại vĩnh viễn, lúc nào cũng có thể sửa lỗi. Chuyển ý nghĩ bất thiện thành tín tâm yêu thương; chuyển chuyện phiếm với người đời thành câu kinh cầu nguyện; chuyển việc làm vô bổ thành lễ Phật, nhiễu Phật. Làm như vậy gọi là tự ban ân huệ. Thọ giới xuất gia, tôn kính ân sư, tinh tấn văn tư tu, miệt mài sửa lỗi, đều là những ân huệ quí giá tột bực mà ta có thể tự ban cho chính mình. Như giọt vàng ròng có thể làm thay đổi giá trị cả hũ sơn, tương tự như vậy, áp dụng chánh pháp sẽ làm thay đổi toàn bộ tâm mình.

Tự ban ân huệ cho mình như nói ở đây không phải là thái độ ích kỷ, mà có nghĩa là thay vì kéo dài khổ đau của mình và của người bằng cách rong ruổi theo cảnh luân hồi với tham cùng sân, ta hãy xét thử xem nên sống như thế nào cho thật có ý nghĩa. Mục tiêu chân chính của bồ tát là độ chúng sinh thoát khổ luân hồi. Để thực hiện điều này, trước đó phải tự độ chính mình thoát luân hồi. Muốn tự độ, trước đó phải hiểu rõ luân hồi có gì không ổn để mà phải giải thoát.

Sách có câu, “có sinh là có tử, có hợp là có tan, hội ngộ rồi li biệt, có thăng phải có trầm.

Như hầm than đỏ, như ổ rắn độc, thành quách quỉ dữ, cõi thế gian này chỉ có thể mang đến cho ta nỗi khổ lớn lao cùng cực. Cứ hãy tưởng tượng trên thân mình đục khoét 360 lỗ, trong mỗi lỗ này cắm bấc vào mà đốt, đau đớn bao nhiêu vẫn không thể sánh với nỗi khổ đến từ một tia lửa cỏn con trong cõi địa ngục.

Trong hiện tại phải chịu bao nhiêu khổ não, hãy dùng khổ này để nhắc nhở mình mở lòng thương yêu, để quét ác nghiệp ác chướng, để thúc dục mình trên đường tu giải thoát. Phải thấy rõ thực chất của sinh tử luân hồi để hiểu rằng khổ đau này chỉ có một cách đối trị duy nhất, đó là tu theo Phật-pháp.

– Chết và Vô Thường

7. Trước đây tâm mới lang thang một mình,
bị gió nghiệp cuốn, sinh vào hiện tại.
Rồi chẳng mấy chốc, lại như sợi tóc tuốt khỏi tảng bơ,
một mình lang thang, bỏ lại tất cả.

Hãy nên thận trọng, kẻ thù đang đến. Không phải kẻ thù bình thường, mà là kẻ thù vô địch: cái chết. Dù khéo léo đến đâu, không lời van xin nào có thể thuyết phục được cho cái chết chậm bước dù chỉ vài năm hay chỉ vài giây. Cho dù là chiến sĩ dũng mãnh, cho dù thống lãnh mọi đội quân thiện chiến nhất trên toàn cõi thế gian, cũng không thể khiến cái chết ngoảnh mặt quay đi dù chỉ mảy may sợi tóc. Không thể dùng tiền tài để mua chuộc, cũng không thể dùng sắc đẹp để cám dỗ.

Quí vị nhiều khi nghĩ rằng tốt nhất cứ dành mười năm để gầy dựng sự nghiệp, rồi thu xếp thêm mười năm để tu tập theo Phật-pháp. Nhưng ai dám chắc mình sẽ còn sống thêm được 20 năm? Ai biết chắc đâu là lúc mình trút hơi thở cuối cùng? Ẩn tu trên núi mà nhóm lửa tối nay thì phải nghĩ rằng chẳng biết ngày mai có còn đây để nhóm lửa nữa hay không. Có người đang ngủ mà chết. Có người đang đi mà chết. Có người đang ăn mà chết. Có người ra trận mà chết. Kẻ chết non, người chết già. Mọi sự trong đời đều có thể biến thành nguyên nhân mang đến cái chết. Thêm trăm năm nữa, ai người đang sống đây vẫn sẽ còn tại thế? Chúng ta một mình vào đời; rồi cũng sẽ một mình lìa đời. Tuy một mình nhưng vẫn có chiếc bóng luôn bám dính theo ta. Một mình sau khi chết, tâm vẫn mang theo chiếc bóng của việc thiện ác đã làm. Đợi đến lúc sắp phải bước vào cõi trung hữu rồi mới thuận ý muốn tu thì đã quá muộn. Nhưng nếu từ trước đã có sự chuẩn bị, đã đủ tự tin với pháp hành, đã biết rõ phải làm thế nào để vãng sinh vào cõi Phật, được như vậy cái chết sẽ không gây khổ đau.

Hôm nay còn sống đây, lại sống rất tốt, ở một nơi đầy đủ tự do tự tại để mà tu. Không ai bảo tôn giáo của quí vị là bị cấm, cũng không ai nói quí vị không được phép trì niệm Lục tự chú. Vậy ngay bây giờ mới chính là thời điểm thích hợp nhất để chuẩn bị cho cái chết. Tương lai bao giờ cũng khiến chúng ta âu lo. Bỏ biết bao công sức để bảo đảm sau này không phải thiếu tiền, thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng trong tất cả mọi việc sẽ xảy đến trong tương lai, chẳng phải cái chết là việc hệ trọng nhất hay sao? Vì sợ bị ám toán mà vua chúa, thủ nguyên đều cho hộ vệ túc trực quanh mình; nhưng còn tay sát thủ lợi hại bậc nhất với bước tiến không một ai có thể ngăn chận thì sao? Khi vào đời, làm gì có chồng có vợ, bằng hữu hay bạn đồng hành. Nay có thể chúng ta có đông người quen, cũng có thể có thêm vài kẻ thù, nhưng khi cái chết đến, hết thảy đều phải bỏ lại phía sau, như cọng tóc bị tuốt ra khỏi tảng bơ. Không một thân nhân bằng hữu nào có khả năng cứu ta, sẽ phải một mình đối diện với cái chết. Thân thể này đây, vốn không thể chịu nổi dù chỉ một vết đâm bé nhỏ của đầu kim hay vết phỏng tí hon của tia lửa, bây giờ sắp phải đi vào cõi chết. Thân thể này đây, cưng quí biết nhường nào, bây giờ sắp biến thành xác chết mà đến cả người thân cũng chỉ muốn tống khứ đi càng sớm càng tốt.

Rồi sẽ phải lang thang trong cõi trung hữu, trần trụi, hốt hoảng không biết đang về đâu, một mình đơn độc, trĩu nặng gánh ác nghiệp đã gieo. Trước mặt là bóng đêm vô tận, sau lưng là ngọn gió nghiệp đỏ ngòm cuốn thốc, tứ bề trùng điệp sứ giả Diêm vương hò hét “bắt nó đi! giết nó đi!” Đến lúc đó mà còn nhớ được đến ân sư, dù chỉ trong thoáng chốc, thì cảnh hiện hãi hùng cõi trung hữu sẽ lập tức nhòa tan, ta sẽ sinh vào cõi Phật. Chí ít cũng sẽ được sinh trở lại làm người. Nhưng nếu lúc ấy tâm bị ác nghiệp đè nặng, đến nỗi giáo pháp đã học không áp dụng được chút gì, thì bao hy vọng đưọc sinh vào thiện đạo đều mất cả. Như hòn đá rơi xuống từ đỉnh núi Tu Di, ta sẽ rơi thẳng vào ác đạo, hoàn toàn vô vọng. Chúng ta, thứ người mà cả chút khổ đau cỏn con trong đời này cũng không thể gánh, sẽ phải rơi vào cõi khổ nạn cùng cực triền miên.

Người quyền thế có thể dựa vào thế lực để làm giàu; kẻ thối nát có thể tạo sưu cao thuế nặng để bóc lột dân đen. Đến lúc mạng chung, tiền tài của cải, danh vọng quyền uy, cùng mọi thỏa mãn tạm bợ mà đời sống ngắn ngủi này có thể mang đến, tất cả đều phải vất lại phía sau, còn quả báo đến từ ác nghiệp lại bền bỉ theo đuổi, gieo thống khổ kinh hoàng cho tương lai. Đến khi chết, chỉ còn hậu quả của những việc đã làm là bám dính không rời, và chỉ có Phật-pháp mới có khả năng bảo vệ cho ta. Nay nếu bỏ bê Phật-pháp, để cho những lo toan vụn vặt đời thường thao túng, như vậy nhất định sẽ bị chất độc phiền não cuốn phăng đi, sẽ phải tích lũy bao nhiêu là nợ nghiệp. Không có Phật-pháp, chúng ta sẽ hoàn toàn vô vọng. Thay vì bận tâm việc thế gian, chẳng phải chúng ta nên làm hết những điều cần làm để có thể hành trì ngay hay sao?

Đây mới là việc hệ trọng nhất trong đời, không thể chần chờ. Đợi rảnh mới tu, đợi già mới tu, hay đợi có chỗ tu đàng hoàng rồi mới tu, cứ như vậy sẽ chẳng bao giờ tu được cả. Ngài Padampa Sangye dạy rằng: “đợi hết bận rộn thì chẳng bao giờ có cơ hội tu. Vừa nghĩ đến là phải mau làm ngay thôi, hỡi dân Tingri.” Vậy, nếu muốn làm điều thật sự có ích trước khi chết, chúng ta nhất định phải quay về với chánh pháp. Đó là điều chánh văn giải thích trong câu kệ tiếp theo đây.

– Tu Là Nẻo Lành

8. Mình tự muốn tốt, ấy việc đương nhiên,
Vậy tự với mình, không thể không thật:
Không tự vì mình đạt tinh túy pháp,
chẳng phải đã tự hại đời mình sao?

Không ai giữ ác ý với chính mình. Chẳng ai cho rằng tật bệnh khổ đau là sướng, cũng không ai muốn mình què quặt, nghèo hèn, hay  bị cướp bóc. Điều mà ai ai cũng mong cầu, là chính mình được hạnh phúc, là cảnh sống thoải mái giàu sang. Nhưng ý tưởng này từ đâu sinh ra? Chính vì chúng ta tin rằng có một cái tôi. Vì niềm tin sâu rễ này mà chúng ta lo lắng bận tâm cho hạnh phúc của chính mình. Với cái tâm như vậy sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Dù thành bậc đế vương ngự trị trên toàn cõi thế gian, ta vẫn sẽ khao khát thêm nhiều quyền uy, tài sản và lạc thú.

Tình cảm dành cho thân nhân bằng hữu cũng vậy. Vì thương yêu vợ, chồng, con cái, bạn bè, mà ta xem trọng họ hơn ai hết. Ai khen ngợi giúp đỡ cho họ, ta sẽ thấy vui vẻ khác thường. Nhưng đây không phải là tình yêu thương chân chính mà chỉ vì ta nghĩ họ là của ta.

Chúng ta tuy thương mình hơn ai hết, nhưng lại không biết phải tìm hạnh phúc ở đâu. Như kẻ điên rồ, chúng ta tìm cầu hạnh phúc trong lạc thú, danh vọng, tiền tài, quên mất những điều này rồi sẽ bị cái chết cướp hết đi. Bước qua thềm cửa tử, sở hữu vất vả ký cóp dù một món cũng không thể mang theo. Mọi cố công vất vả trong đời, cùng lắm chỉ có thể mang về đôi chút niềm vui tạm bợ – kết quả quá nhỏ nhoi so với khối công sức khổng lồ.

Muốn tìm nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh cữu chỉ có một cách, rất chắc chắn, đó là đơn giản hướng tâm về thiết tha thỉnh cầu ân sư, và tu cho đúng cách. Nương vào luật nhân quả và lực gia trì của Tam Bảo, mọi kiếp về sau đều sẽ luôn được sinh vào nơi chánh pháp hưng thịnh, sẽ luôn gặp được bậc thiện tri thức, sẽ luôn tiến bộ trên đường tu giác ngộ – kết quả vĩ đại so với khối công sức nhỏ nhoi.

Ngược lại, nếu nghĩ rằng pháp hành và thiện hạnh là điều vô nghĩa, làm ác cũng chẳng sao, nếu cho rằng điều quan trọng nhất là phải lo hưởng lạc thú đời này càng nhiều càng tốt, làm như vậy chúng ta chắc chắn sẽ đọa rơi vào cõi dữ, hay sinh vào một nơi mà đến cả chữ “Pháp” cũng không từng được nghe.

Tập quán thế gian khiến ta tin rằng việc đáng làm nhất trong đời là chăm sóc người thân và hàng phục kẻ thù. Nghĩ như vậy là lầm. Nếu thật sự muốn làm điều có ý nghĩa trong cuộc sống, hãy hiến mình cho chánh pháp.

Ở những bước đầu trong đạo pháp, điều thiết yếu là phải dồn hết nỗ lực quyết tâm để tự chế ngự chính mình, thay vì non dại gánh vác cho người. Hiện giờ, chuyện bứng sạch gốc rễ của ngã chấp hãy còn rất xa; với cái tâm chưa thuần mà lo việc độ sinh, chẳng phải đáng cười lắm sao. Vì vậy giáo pháp dạy rằng, “chứng ngộ cho mình, từ bi cho người.” Theo kiến, tu và hạnh rồi sẽ có khả năng tận diệt ngã chấp và phiền não, nhờ đó thật sự đủ sức độ sinh. Càng thuần luyện tâm mình bằng giới luật, khuyết điểm càng tan biến, thiện đức của một đấng bồ tát sẽ càng nở rộ. Ngài Long Thọ có câu nói rằng: “ai ban đầu phóng dật, rồi sau biết tự chế, thật đẹp như trăng sáng thoát khỏi áng mây che.”

Bất kể ngã chấp cứng cỏi khó trị đến đâu, chúng ta vẫn có khả năng diệt ngã chấp và khai mở lòng từ bi.

Thọ bất cứ bộ giới luật biệt giải thoát nào, cũng sẽ có được nền tảng vững chắc để thuần tâm. Nhờ giữ giới thanh tịnh, chúng ta có được khả năng phân biệt điều gì cần giữ trên đường tu, và điều gì cần bỏ. Ở thời điểm này dù chưa có khả năng hiểu toàn bộ Phật-pháp, nhưng nếu chúng ta tìm được bậc chân sư; phụng sự ân sư cho đúng cách; từ nơi ân sư thọ nhận giáo pháp về kiến, tu và hạnh; và mang ra thực hành, được như vậy chúng ta nhất định sẽ đủ khả năng chứng được tinh túy của chánh pháp.

Nếu có được niềm tin trọn vẹn nơi ân sư thì mọi thành tựu tâm linh của ân sư sẽ vững vàng triển khai trong ta, như cây thường mọc giữa rừng trầm trên núi Malaya, nhiều năm thấm đượm giọt trầm từ bao nhánh lá, sẽ có ngày cũng thơm ngát mùi trầm. Tuy nhiên, nếu chân sư không gặp, lại nương theo thầy bà mê muội, dạy cho cách tạo thêm ác nghiệp, khi ấy muốn tẩy cho sạch cũng khó như là rửa nhánh cỏ thi rơi vào ống cống. Vì vậy mà nói “trước khéo chọn Thầy; sau khéo hầu Thầy; cuối cùng khéo tu giáo pháp Thầy dạy. Khéo được cả ba nhất định vững tiến không bao giờ lạc trên đường giải thoát.

Ở thời kỳ suy đồi này, vì trí hẹp lại thiếu quyết tâm nên người ta cần một giáo pháp thật cô đọng để tu. Pháp môn phối hợp giữa tâm tôn kính đạo sư –thấy Thầy bất nhị với đức Quan Thế Âm– và công phu trì tụng Lục tự chú có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Lục tự chú vừa dễ trì tụng vừa hàm chứa tinh túy của toàn bộ kinh điển. Đây là cốt tủy của trái tim đức Quan Thế Âm, cho ta nguồn năng lực gia trì vô cùng tận. Lấy việc trì tụng chú này làm công phu chính thì hết thảy trời, người, và cả tà ma quỉ dữ cũng sẽ đều xử tốt với ta, ta sẽ được đời sống trường thọ, vắng tật bệnh ác chướng, đời sau sẽ sinh vào cõi Phật Cực lạc núi Phổ đà, hay ít ra cũng được sinh vào nơi Phật-pháp hưng thịnh, tất cả đều nhờ lực gia trì vô biên và lòng từ bi của chư Phật đà.

Cho bất cứ việc gì, chìa khóa của thành công nằm ở sự quyết tâm. Quyết tâm làm giàu thì dù khởi đầu bằng mớ tiền lẻ vẫn có thể trở thành triệu phú. Quyết tâm học thì có ngày sẽ thành bậc học giả. Quyết tâm tu thiền, nhất định sẽ có lúc biết cách tháo gỡ mọi ràng buộc để tu theo Phật-pháp. Tùy chọn mục tiêu sao cho đúng. Tu theo Phật-pháp, ta sẽ được như đấng quốc vương bách chiến bách thắng, kẻ địch của ông cha đều hàng phục hết thảy, sẽ có thể tức thì và vĩnh viễn đoạn diệt ngã chấp đã hành hạ ta trong vô lượng đời kiếp.

– Đời Là Nẻo Dữ

9. Chúng sinh mạt pháp, tâm hạnh xấu ác.
Chẳng ai giúp ta, chỉ toàn dối gạt;
muốn giúp cho người cũng khó lắm thay!
tốt hơn bỏ hết trò tất bậc này.

Thời nay, đến cả cha mẹ cũng không thể nương vào để mà học cách sống thuận theo chánh pháp. Thân nhân bằng hữu, mặc dù đầy hảo tâm, nhưng đối với họ thì việc đáng làm trong đời là tích lũy tiền tài của cải, hàng phục kẻ thù, bảo vệ quyền lợi cá nhân. Họ không ngừng theo đuổi những giá trị này, tâm họ liên tục một dòng đầy những tham và sân. Họ luôn bận tâm vì cha mẹ yếu bệnh, con cái vô ơn, nhà cửa cần sửa chữa. Nhưng nếu tâm cứ xoay vần quanh những mối bận tâm này thì như vậy là đã đánh mất Phật-pháp. Đương nhiên vẫn phải hết lòng chăm lo cho cha mẹ và người thân, nhưng điều quan trọng là thân khẩu và ý phải hướng thiện và  phải cố gắng hành trì càng nhiều càng tốt.

Được chút lạc thú nào, dù chỉ một muỗng thức ăn ngon, ta đâu hề mong ai khác hưởng thay mình, nhất định sẽ muốn giữ hết cho riêng mình. Sự tham lam ích kỷ này, xét cho cùng, chẳng nghĩa lý gì cả, không những làm cho người khác khổ mà về lâu về dài lại còn mang khổ đau đến cho chính mình. Chỉ biết đến bản thân là buông bỏ hạnh nguyện siêu việt của bồ tát. Cứ đặt hết niềm tin vào bậc đạo sư, buông bỏ mọi ích kỷ khăng khăng trước tài sản, thực phẩm, y phục và người thân, chẳng tốt hơn sao?

Nếu chạy theo người đời thì sẽ trở thành giống như họ, một tên lừa bịp chuyên nghiệp. Quí vị sẽ lãng phí đời mình rong ruổi theo những mục tiêu không bao giờ với tới, sẽ như đứa trẻ mải mê chơi, không biết đói biết lạnh, không biết ngày đang qua, đến khi bóng tối phủ đầy mới chợt nhớ đến mẹ, cất tiếng khóc oà. Nếu thật lòng muốn độ sinh, trước tiên phải hoàn thiện chính mình. Còn nếu cứ tham lam toan tính đủ điều, bận rộn việc bán buôn đổi chác, thâu nhặt đệ tử, tự tôn làm Thầy, rồi sẽ trở thành giống như một con nhện kẹt trong tấm lưới của chính mình. Phí bỏ thời gian để giăng tấm lưới này, quí vị sẽ không thấy ra thời gian qua nhanh như thế nào, đến khi giật mình nhìn lại, cái chết đã kề bên. Khi ấy năng lực cũng đã cạn, khổ nhọc cũng đã chịu, thế nhưng chẳng phải giống thử thách khi tu, khổ nhọc kia chẳng giúp quí vị cải thiện bản thân được chút nào.

Các bậc đại đạo sư dòng Kadampa thường vẫn tu trong kham khổ, gạt bỏ mọi tiện nghi, giải trí. Bổn sư của chúng ta là đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, từ bỏ hoàng cung, sáu năm sống đời khổ hạnh. Là những người bước theo gót chân Phật, chẳng phải ta cũng nên buông bỏ mọi bận tâm thế tục, quên hết nỗi xôn xao bất tận do thân nhân và bằng hữu mang đến để hết lòng noi theo huấn từ của bậc chân sư hay sao? Lún sâu sinh tử nào có gì hay? Mọi sự trong đời lên xuống không chừng. Triệu phú biến thành ăn mày; ăn mày trở thành triệu phú. Có bao nhiêu cũng không vừa lòng. Được một triệu sẽ muốn hai, được hai triệu sẽ muốn ba, làm sao thỏa mãn cho được. Chỉ có một thứ đừng bao giờ nên thấy đủ, đó là pháp hành của chính mình. Hãy giống như trâu đói, vừa nhai cỏ vừa nhìn ra phía trước xem chỗ nào còn cỏ để mà ăn. Tu được như vậy nhất định sẽ không phải thất vọng.

Còn nếu cố gắng thực hiện tất cả những gì mình mong muốn trong đời này, sẽ chẳng bao giờ đủ thời gian. Sách có câu nói rằng: “những lo toan trong đời giống như trò chơi trẻ nhỏ, chạy theo sẽ chẳng bao giờ xong, chỉ cần buông xuống, tất cả đồng loạt ngưng.

10. Phục dịch kẻ trên, họ chẳng vừa ý;
chăm lo người dưới, họ chẳng toại lòng;
Giúp đỡ cho người, người nào giúp mình.
Hãy suy nghĩ kỹ để hạ quyết tâm.

Dù làm gì cũng chẳng thể khiến cho thế gian vừa lòng –kẻ quyền thế cao sang với thường dân không khác. Dốc sức lo cho họ, họ cũng chẳng biết ơn, ngược lại chỉ cần quí vị phạm chút lỗi nhỏ là họ sẽ nổi dóa, bắt phạt, đánh đập, vất vào ngục sâu. Còn những người sống nương nhờ vào quí vị, dù có thương lo cho họ, họ vẫn không bao giờ thỏa mãn. Bạn bè dù tốt đến đâu, nghe theo lời khuyên của họ sẽ chỉ khiến quí vị vướng sâu hơn vào mạng lưới sinh tử. Không làm gì có kết thúc cho việc chống đối kẻ thù và chăm sóc người thân, đều chỉ là lãng phí thời gian. Muốn giúp người, trước đó phải tự hoàn thiện chính mình. Muốn hoàn thiện chính mình, trước đó phải đoạn lìa ba loại ràng buộc: vâng lịnh cửa quyền; vướng bận độ sinh, và nghe lời người đời.

Cố gắng làm vui lòng cửa quyền thế chỉ là để chịu thêm bao thăng trầm khổ não. Cố gắng mang tài vật ra giúp người chỉ là để châm thêm chất đốt vào ngọn lửa sinh tử. Cùng lắm chỉ được chút thỏa mãn nhất thời, chẳng giúp được ai lúc mạng chung. Đây thật ra chỉ là hiểu sai về lòng từ bi. Từ bi thật sự thì phải đưa chúng sinh đến với nguồn hỉ lạc bất tử của quả vị Phật.

Làm người vướng kẹt trong sinh tử, quí vị phải tự thấy mình giống như tù nhân trong ngục tối, trong tâm chỉ thôi thúc với ý nghĩ vượt ngục. Hiểu rõ việc đời phù du vô nghĩa, chư đạo sư dòng Kadampa thường nói: “Đặt tâm nơi Pháp. Đặt Pháp nơi đời sống khiêm nhường. Đặt đời sống khiêm nhường nơi niệm tưởng về cái chết. Đặt cái chết nơi hang đá hoang tịch.”

Ẩn cư nơi hẻo lánh, xa mọi chộn rộn cõi thế gian, đây là cách tốt nhất để bảo đảm mình sẽ thật sự tu.

Chẳng phải chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ tất cả những điều này trong tâm, và cần dụng công hoàn thiện chính mình hay sao?

Đây chính là bước đầu tiên dẫn đến khả năng độ sinh chân chính.

– Rong Ruổi Vô Ích

11. Đời nay đa văn chẳng lợi chánh pháp, chỉ thêm tranh biện;
Đời nay chứng ngộ chẳng lợi chúng sinh, chỉ thêm phê phán;
Đời nay địa vị chẳng giúp trị nước, chỉ gieo nổi loạn.
Nghĩ chuyện đời nay, tâm lại càng thêm xót xa chán ngán.

Những bậc thầy vĩ đại chứng ngộ cao vẫn xuất hiện giữa đám người mê muội trong thời kỳ suy đồi này như giọt thủy ngân rơi vào đám bụi trần. Chư vị thông làu ngũ minh, rộng rãi thuyết pháp, nhưng phần lớn chúng sinh không nghe, vì tâm trí xiêu vẹo chỉ thích phê phán, hoặc vì không quan tâm đến chánh pháp. Dù chịu nghe cũng chỉ được đôi ba ngày là chán, họ không hiểu chánh pháp hiếm hoi quí giá đến mức nào. Thọ pháp rồi không tu, họ có thể đạt được chút trí tuệ cạn cợt, chỉ làm tăng thêm kiêu mạn; họ có thể giữ giới được phần nào, chỉ càng thêm tự mãn trước giới hạnh của chính mình; họ có thể đạt được chức vị cao, chỉ để thêm tràn lan lòng tham lam, lạm dụng và nổi loạn. Đệ tử kiểu này chẳng hơn gì kẻ phàm phu, không hộ trì chánh pháp, cũng chẳng phụng sự chúng sinh.

Trong các thời quá khứ, bậc chân sư khéo thuyết chánh pháp; mở cuộc biện luận để chỉnh sửa lầm lạc; tác luận để minh giải chân nghĩa. Ba việc làm này như việc tinh lọc vàng, giữ gìn và hoằng dương chánh pháp, dẫn dắt chúng sinh vào đường tu chân chính cho đến tận quả vị Phật. Nhưng đời nay, những việc làm này chỉ để đưa các tông phái khác nhau lên đỉnh cao của kiêu căng tật đố, cháy bỏng vì ganh đua, chỉ trích và ác ý, gãy vỡ mật thệ samaya, làm nhiễm độc bầu không khí thanh bình của pháp tu chân chính. Ngay cả bậc giác ngộ viên mãn như đức Liên Hoa Sinh và đức Vimalamitra, là những bậc thần thông vượt bực, đạt ngũ thông, khả năng độ sinh cao đến nỗi, bất kể là ai, chỉ cần thấy, nghe hay nhớ nghĩ đến hai vị là có thể nhập giải thoát đạo. Vậy mà vẫn có người thấy lỗi, hoài nghi khả năng thành tựu của hai vị, nghĩ rằng “chỉ giỏi bịp bợm, làm trò phù thủy gạt người.” Đệ tử thời mạt pháp có cái nhìn méo mó như vậy nên họ chỉ có thể làm gãy vỡ samaya. Vì lý do này mà các bậc thánh giả không thể toàn thành lợi ích chúng sinh, chánh pháp không thể lan xa hưng thịnh.

Ngay cả những bậc trị thành trị quốc, khéo lo cho dân bằng trọn tấm lòng thành, vẫn sẽ có người chống đối, nổi loạn, thậm chí sát hại. Vì vậy mà có câu nói rằng: “địa vị càng cao, khổ đau càng lớn.” Vì sao mà cả bậc chứng ngộ cao cũng khó lòng độ giúp chúng ta? Câu kệ tiếp theo giải thích về điều này.

12. Dù có giải thích, họ cũng không hiểu và cũng chẳng tin;
dù mang tâm ý chân thật vì người, họ vẫn thấy ngược;
đời nay, kẻ méo nhìn vào việc thẳng chỉ thấy cong queo,
chẳng thể giúp ai, đừng nhiều kỳ vọng.

Đời nay, khi quí vị nói chánh pháp, người đời sẽ bảo: “Đồ khùng! Biết chút ít Phật-pháp nhưng thật chẳng hiểu chi việc đời.” Nếu quí vị cố công giải thích làm cách nào đạt nguồn hạnh phúc chân thật, làm sao khỏi đọa sinh ác đạo, họ sẽ đơn giản không tin. Với cái nhìn xiêu vẹo, họ hiểu sai tất cả mọi điều quí vị nói ra. Giữa ban ngày, đám người mù đồng ý với nhau là trời đang đêm, vấn đề nằm ở cái thấy hư vọng của họ. Lề thói của người đời nay cắt lìa họ ra khỏi thiện tâm vốn có của chính mình.

Nếu bằng tâm ý trong  sáng nhất, quí vị cho họ đôi lời khuyên lành mạnh, họ sẽ nghĩ quí vị đang khôn ngoan cố tình lợi dụng họ. Nếu quí vị bảo họ tu theo chánh pháp, họ sẽ nghĩ, “dứt bỏ đời sống gia đình và sự nghiệp thì còn được gì cho tôi!” Thậm chí họ chẳng ý thức được rằng quí vị đang tận tâm giúp họ. Nếu giảng dạy nhiều, họ sẽ bảo, “ôi, cái ông này thật khéo ăn nói!” nhưng họ sẽ chẳng quan tâm đến ý nghĩa của lời quí vị nói ra. Hoàn toàn không có khả năng thấy được việc gì về lâu về dài sẽ mang lại lợi ích, họ chỉ nghĩ rằng quí vị đang cố tình hại họ mà thôi. Xoắn vặn như cội cây già, nhìn việc gì tâm họ cũng chỉ thấy méo mó cong queo.

Vào thời hoàng kim xa xưa, cha mẹ khuyên gì, con cái đều nghe theo. Đời nay chẳng thế, vậy tốt hơn thôi đừng nói. Chẳng mấy ai thật sự nghe theo lời dạy của sư phụ, chỉ biết dốc sức kiếm tiền, gầy dựng sự nghiệp, tranh dành địa vị công danh. Vì theo đuổi những mục tiêu này, họ dần dần bị lòng ham muốn và tham vọng bất chánh làm cho méo mó. Để thắng người khác, họ lừa dối, chỉ quan tâm đến những mục tiêu ích kỷ của chính mình. Méo mó như vậy làm sao có thể giúp đỡ lẫn nhau? Nếu chịu khó xét cho kỹ cảnh đời đáng buồn này, quí vị sẽ thấy mọi hoạt động điên cuồng trong luân hồi thật rỗng không vô nghĩa. Càng lúc quí vị sẽ càng biết chắc rằng điều duy nhất đáng đeo đuổi là dấn thân vào pháp hành.

Noi theo gương đức Jetsun Milarepa chẳng phải là điều tốt nhất hay sao. Thoát ly cảnh thế tục, ẩn cư chuyên tâm tu tập một mình. Nếu quí vị làm được như vậy, rồi ra quí vị sẽ đạt được những thành tựu mà không ai có thể cướp mất đi.

Phải tu như thế nào? Đối với chư đại đạo sư dòng Kadampa, pháp tu phối hợp tánh không và từ bi là quí giá nhất. Chư vị liên tục thuần dưỡng từ, bi, hỉ, xả, nhờ bốn tâm vô lượng này mà khả năng gánh vác chúng sinh phát sinh một cách tự nhiên không dụng công. Luôn hành trì sát theo chánh pháp không bao giờ lìa, không từng nhượng bộ, chư vị tự rèn luyện, trước bằng sự học, sau bằng kinh nghiệm trực chứng đến từ sự tu. Tu như vậy là đúng cách, sẽ tiến dần trên con đường dẫn đến đại lạc của quả Phật cứu cánh.

Bậc đại hiền thánh Atisa cát tường, sơ tổ dòng tu Kadampa được mọi người xem là “đức Phật thứ hai,” đã đưa pháp luyện tâm và phát tâm bồ đề vào nơi Xứ Tuyết. Ngài khi tu luôn tu với tâm từ bi. Nếu chúng ta tu được giống như ngài, vì lòng thương yêu chúng sinh mà khởi chí nguyện tu thành Phật, được như vậy, sẽ không có việc gì không thể làm. Nhưng nếu thiếu đi tâm nguyện này, tâm từ bi của chúng ta sẽ chỉ là bản sao mờ nhạt của lòng từ bi chân thật. Sách có câu nói rằng, “mong cho người khác được an vui, kể cả những ai gây hại cho mình, đây chính là cội nguồn an lạc chân chính.” Khi đạt đến trình độ này, lòng từ bi dành cho chúng sinh sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên không cần cố gắng.

Đức Phật khi còn ngự trên cung trời Đâu Xuất, ở thời điểm sắp trở thành vị Phật thứ tư của thời hiền kiếp này, đức Phật nói rằng nay đã đến lúc nên sinh vào cõi Diêm Phù Đề, thị hiện công hạnh Phật. Chư bồ tát cùng chư Thiên khi ấy hết lời can ngăn. Bây giờ thời mạt pháp, họ nói, tà kiến đã lan tràn khắp mọi nơi. Nhưng đức Phật trả lời rằng Phật biết chắc sẽ thực hiện được tâm nguyện độ sinh. Dựa vào đâu đức Phật có thể có được niềm tự tín đến như vậy? Là vì tâm từ bi của Phật rộng vô biên. Là vì Phật biết với năng lực của lòng từ bi, không có gì là không thể thực hiện. Rồi để khẳng định cho lời nói này, đức Phật thổi lên tiếng ốc tù và. Tiếng ốc hùng tráng đẹp ngời, dù là âm thanh của toàn cõi thiên cũng không sao sánh nổi.

Để có được lòng từ bi tầm cỡ như Phật, chúng ta cần buông bỏ lề thói của người đời, nỗ lực thuần luyện cái tâm cứng cõi bất thuần của chính mình. Nếu trộn lẫn pháp hành với việc thế gian, thành tựu dù có được cũng sẽ bất toàn, như khối vàng bị mờ ố. Thay vì vội vã thực hiện những việc chỉ sánh bằng chiếc bóng mờ nhạt của bồ tát hạnh chân chính, chúng ta hãy nên thuần luyện tâm của mình trước. Bao giờ chứng được sự bất nhị giữa tánh không và tâm bi, khi ấy sẽ có khả năng bước theo gót chân của Phật đà, bồ tát một cách tự nhiên không cần cố gắng.

– Hư Vọng Bủa Vây

Thử xét lại cho kỹ những giá trị của người đời khiến mình rong ruổi, xem do đâu mà có, quí vị sẽ thấy gốc rễ nằm ở sự thiếu suy xét. Thông thường, mọi việc ta làm đều là làm với cái thấy sai lầm, tin rằng mọi sự đều thật có. Nhưng nếu xét cho kỹ, sẽ thấy thế giới hiện tượng này chỉ như cầu vồng hiện, màu sắc rõ ràng nhưng hoàn toàn không có một thực thể nào cả.

Cái nhìn hư vọng của chúng ta về thực chất của sự vật có thể được chia thành nhiều loại, tương ứng với từng lãnh vực của sự vật: sắc, thanh hay ý.

— SẮC LÀ VỌNG

Đối với vọng kiến về sắc, chánh văn nói như sau:

13. “Vạn pháp như huyễn,” Phật dạy điều này;
Nhưng đến đời nay lại càng hư huyễn hơn bao giờ hết.
Ảo ảnh tạo ra bởi nhà ảo thuật ranh ma quỉ quái,
hãy nên thận trọng với cảnh hư vọng thời mạt pháp này.

Tất cả mọi sự trong cảnh luân hồi và niết bàn đều như cảnh ảo thuật. Khắp cõi thế gian không thể tìm đâu ra một thực thể, duy nhất, thường còn, có tự tánh.

Không vua nào làm vua vĩnh viễn; không người nào sinh ra mà không chết đi; không đám đông nào có hợp không tan. Mọi sự đều như một tấn tuồng với những tài tử diễn màn chinh chiến, đam mê, và tử vong. Tất cả đều như một giấc mơ, khi thì gặp mộng đẹp, lúc lại gặp ác mộng. Nhưng thời đại suy đồi này mới chính là đỉnh cao của ảo ảnh. Người đời từ lâu đã quên hết sự trong sáng của thời hoàng kim. Họ không nghĩ gì đến kiếp tương lai, chỉ lo việc trước mắt. Không thể tin cậy, luôn khó tính vòi vĩnh, họ chôn vùi chánh pháp dưới ngọn núi cao ác hạnh. Cảnh và người đều chóng đổi thay như cọng lúa đong đưa trước gió, sáng đúng chiều sai. Mưa, tuyết, mưa đá, nóng, và lạnh trái thời khiến bốn mùa điên đảo. Đã là như vậy thì cũng nên hiểu rằng không có gì để phải quá vui khi gặp chuyện lành: việc lành chẳng bao lâu sẽ biến thành tai hoạ; cũng không cần gì phải sầu thảm khi gặp chuyện dữ: vì nỗi bất hạnh của mình thật quá nhỏ nhoi so với khổ đau của vô lượng chúng sinh trong khắp cõi ác đạo.

Nhà ảo thuật chẳng bao giờ bị màn ảo thuật của chính mình lừa gạt. Khi gọi lên nào ngựa nào trâu nào xe, dù giống thật đến đâu, anh ta cũng biết rõ hết thảy đều không thật. Tương tự như vậy, bồ tát chứng tánh không của vạn pháp, biết rõ tánh chất hư vọng của cảnh đời, dù sống tại gia cũng không nhiễm phiền não, ngã chấp. Hiểu rõ việc làm thế tục vốn là không, nên bồ tát không tham, cũng không sợ, không cầu thành công, cũng không e thất bại. Bồ tát có được niềm tự tin nơi văn, tư và tu của chính mình, đến nỗi bất kể đang làm gì cũng đều là bước đến gần hơn với quả giác ngộ.

Tuy vậy, người đời nay có được sự chứng biết này thật chẳng mấy ai. Vô minh chất chồng trên hư vọng, tràn lan như bầy khỉ bắt chước lẫn nhau, lạc xa đến nỗi không còn biết lối thoát. Chân tánh của sự vật mất hút trong tầm mắt, thật khó lòng không lãng phí đời mình. Tuy nhiên, như chư Phật các đời quá khứ đã từng nói, “mọi sự đều là hữu vi; pháp hữu vi đều vô thường; vô thường là khổ não.” Vậy chúng ta cần phải thấy cho đúng thực chất của cảnh đời, buông bỏ mối bận tâm về tiền tài, ẩm thực, và y phục, thôi lợi dụng người và nỗ lực để hòa tâm mình vào với chánh pháp. Nếu buông ra được đời sống thế gian bận bịu thì pháp tu của chúng ta sẽ thẳng một đường đến với mục tiêu cứu cánh.  Pháp tu và việc thiện thật ra không hơn gì một giấc mộng, nhưng nhờ vào công đức như huyễn, chúng ta sẽ thành tựu quả Phật như huyễn.

Cần nắm rõ thực chất của mọi sự dưới nguồn ánh sáng của hai chân lý, chân đế và tục đế. Nói cho ngắn gọn, tục đế là lãnh vực của cảnh hiện, sinh ra từ sự phối hợp của nhân và duyên qua chuỗi duyên sinh. Vì mọi sự vốn có mối tương quan mật thiết với nhau như vậy, cho nên, trong cảnh giới của tục đế, nhân và quả vốn không sai: việc thiện đưa đến quả hạnh phúc, việc bất thiện dẫn đến quả khổ đau, không thể tránh. Nhân duyên hội đủ thì quả sinh ra, không gì có thể ngăn cản được. Ví như mùa xuân, nếu như trong lòng đất có sẵn hạt mầm, mặt trời cho hơi ấm, mưa cho chất ẩm, hạt sẽ nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn thận trọng với việc mình làm, dù là việc nhỏ nhất. Cũng cần phải thấy ra rằng đủ duyên để tu là điều hiếm hoi quí giá đến mức nào. Trong hiện tại còn được như vậy, nhưng duyên may này bất cứ lúc nào cũng có thể bị cái chết cướp mất đi; không thể lãng phí thời gian. Luôn nhớ nghĩ đến cái chết để thúc dục mình trên đường tu. Đức Phật dạy rằng: “Trong số các dấu chân thì chân voi là lớn nhất; trong số mọi nhớ nghĩ thì nhớ nghĩ vô thường là tối cao.”

Chứng vạn pháp vô thường cũng là chìa khóa dẫn vào chứng ngộ tánh không của vạn pháp. Đây là chân đế, chỉ có những bậc thành tựu viên mãn mới biết thấu. Và, rốt lại, hai chân lý này bất nhị trong cảnh giới phối hợp giữa tướng hiện và tánh không.

— THANH LÀ VỌNG

Đối với vọng kiến về âm thanh, chánh văn nói như sau:

14. “Ngôn từ chẳng qua chỉ là tiếng vang,” Phật dạy điều này;
nhưng đến đời nay lại thành tiếng vang của những tiếng vang.
Tiếng vang nói gì,  ý nghĩa chẳng hề phù hợp với âm.
Thôi đừng bận tâm âm vang quỉ quái.

Tất cả ngôn từ và thái độ của người đời, dù dễ chịu hay khó chịu, dù khen hay chê, đều chỉ là tiếng vang của tánh không. Đứng ở đầu mõm núi mà lớn tiếng khen chê, lẽ nào lại cảm thấy buồn vui khi nghe tiếng vang vọng về? Âm thanh của vũ trụ, tiếng lửa, tiếng gió, tiếng nước, tiếng hú của cầm thú, tiếng nói của loài người, hết thảy đều không có thực thể. Chỉ là những âm vang trống rỗng không thể nắm bắt.

Kể chuyện đời xưa, nói chuyện đời nay, luận việc tương lai, phần lớn chỉ là biểu hiện của lòng tham và sân vô nghĩa. Ngôn từ đến rồi đi, không có cơ sở, không lưu dấu tích. Buổi sáng ngợi khen, buổi chiều miệt thị là chuyện thường tình. Có khi miệng ngoài ngon ngọt nhưng trong tâm đầy hiểm ác. Cũng có khi tâm ý tốt lành nhưng ngôn từ khó nghe. Nếu để mình sinh tâm vướng bận, nhất định sẽ lạc lối. Vậy chuyện phiếm người đời, ta hãy làm ngơ, tốt hơn nên cầu nguyện, trì chú, lớn tiếng tụng kinh.

Vui buồn vì lời khen tiếng chê chỉ là nỗi buồn vui tạm bợ. Bao giờ được khen, thay vì cảm thấy hãnh diện, hãy nên xem lời khen kia như tiếng vang vọng của giấc mơ hay trí tưởng tượng. Hãy tự nhủ rằng chẳng phải bản thân ta được khen, chỉ là lời khen dành cho những thiện đức đến từ pháp hành. Nói cho cùng, chỉ những ai đạt quả giải thoát mới thật sự xứng đáng được ngợi khen.

Bao giờ bị chê, hãy tiếp nhận, xem đây là cơ hội nhận diện lỗi lầm tàng ẩn, tăng lòng khiêm cung. Có câu nói rằng, “Phỉ báng ngược đãi là gốc rễ của đóa hoa tu thiền.” Đây chính là chân sư giúp ta diệt ái thủ. Nếu chuyển thành đường tu thì lời khen tiếng chê sẽ giúp ta tăng nguồn cảm hứng và củng cố giới hạnh. Biết lấy gì đền trả ơn này? Đối với bồ tát chứng đắc tánh như huyễn của âm thanh thì lời phỉ báng lăng nhục sẽ chỉ khiến pháp tu của chư vị thêm thăng tiến. Bất kể cảnh thuận hay nghịch đều giúp bồ tát tăng nguồn công đức trí tuệ. Không bao giờ bị lo âu tham dục cuốn đi, vì tâm của bồ tát luôn đứng yên không lay động trong tri kiến toàn hảo. Nhờ buông bỏ mọi mong cầu thế tục, bồ tát tuy không cầu mà vẫn được mọi người tôn vinh.

Còn như chúng ta đây, dù có dốc toàn tâm toàn lực để tìm cầu danh vọng trên toàn cõi thế gian, vẫn sẽ gặp người chê bai chỉ trích. Hay cho dù thật sự thành công đi chăng nữa, danh tiếng có được, bất kể cho việc gì, lòng can đảm, sắc đẹp hay sức mạnh,… đều chỉ là danh tiếng nhất thời mà thôi.

Vậy khi được khen, hãy nghĩ rằng đây là nhờ mình làm theo chánh pháp. Khi bị chê, hãy để lời chê nhắc nhở mình tăng thêm lòng từ đối với chúng sinh và dứt bỏ bận tâm thế tục.

— TÂM LÀ VỌNG

15. Những kẻ con gặp, nào phải là người, toàn là kẻ bịp;
những lời con nghe, nào phải chân thật, toàn là dối láo.
Đời nay thật sự chẳng có một ai có thể tin vào,
chi bằng một mình ung dung tự tại.

Sống trong thời kỳ này chẳng khác gì bị nhốt trên đảo đầy giống quỉ ăn thịt người, làm sao có thể sẩy tâm. Gặp cảnh nào cũng có thể biến thành thảm cảnh; gặp ai cũng có thể bị dẫn đi lạc đường. Chỉ có một điều có thể biết chắc, đó là chỉ có bậc chân sư mới có thể giúp ta lời khuyên hữu ích. Đây là điều ta cần phải hiểu cho thật rõ.

Tâm này dễ bị sắc trần thao túng, cũng dễ bị kẹt trong ngôn từ hư vọng cõi thế gian. Tìm một nơi hoang vắng để tu chẳng tốt hơn sao? Đây là phương pháp tốt nhất để khởi tâm từ bi đối với chúng sinh. Giữ được như vậy, ngày một ngày hai sẽ có lúc quí vị đủ khả năng hành thiện với tấm lòng từ bi vô lượng của một bậc bồ tát.

Điều quan trọng là phải hết lòng quán niệm về tâm bồ đề, cho đến khi thấy rõ mọi việc trong đời thật phù phiếm đáng chán biết bao. Tâm sẽ xúc động, xót thương cho thân phận của chúng sinh trong thời kỳ đen tối này, từ đó phát sinh ý chí mãnh liệt muốn vượt thoát sinh tử. Tâm này nếu thật sự bắt rễ thì mọi công đức, mọi thành tựu Đại thừa nhất định sẽ từ đó đâm chồi. Nhưng nếu tâm này chưa thật sự bắt rễ trong tâm thì pháp hành cũng sẽ không có khả năng phát huy viên mãn.

16. Nếu việc con làm thuận với chánh pháp, họ sẽ chống con;
nếu lời con nói thuận với sự thật, họ sẽ hận con;
nếu tâm ý con trong sáng hiền lành, họ vẫn bươi lỗi.
Chính lúc này đây con phải dấu kín đường đi của mình.

Thời gian chưa chín mùi để có thể mở ra cho người khác thấy tầm vóc thật của chính mình. Cũng chưa đến lúc có thể giúp người một lời khuyên, mong họ cải thiện, làm như vậy chỉ khiến họ thêm bực bội. Đây là lúc cần phải tự xét lỗi mình và tự sửa chính mình.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà tâm lý con người vô cùng xáo trộn. Lời nói ngoài miệng không mấy khi phù hợp với ý nghĩ trong tâm. Người đời và việc đời thay đổi nhanh đến nỗi chẳng thể trông cậy ở nơi ai cho bất cứ việc gì. Nói cho cùng, không ai cho ta lời khuyên đáng tin cậy, ngoại trừ bậc đạo sư chân chính.

Trong quá khứ, ai thọ giới xuất gia, khoát áo tăng sĩ – là biểu  tượng uy nghi của Phật-pháp – và hành trì theo Phật-pháp sẽ luôn được mọi người tôn kính và hỗ trợ. Nhưng đời nay, nếu làm việc này, người đời sẽ cho rằng quí vị phô trương, hay nghĩ rằng quí vị bất tài không thể thích nghi với đời sống thế tục.

Nếu giúp người bằng trái tim trong sáng, họ sẽ nghi ngờ quí vị lừa gạt họ. Nếu vạch lỗi cho người thấy bằng lời chân thật, họ sẽ chẳng muốn nghe. Chân giá trị của mình tốt hơn nên giữ kín, như than hồng tiềm ẩn giữa bụi tro. Ẩn bằng cách nào, chánh văn giải thích trong câu kệ kế tiếp.

 — ẨN DẬT THÂN KHẨU Ý

17. Ẩn thân trên núi hoang vu một mình;
ẩn khẩu bằng cách quả giao kiệm ngôn;
ẩn tâm bằng cách lỗi mình luôn nhớ:
như vậy đúng nghĩa du già ẩn tu.

[ND: quả giao: ít giao thiệp; kiệm ngôn: tiết kiệm lời nói]

Quí vị sẽ không bao giờ thoát ly được vọng tâm nếu còn vướng kẹt giữa trăm công ngàn việc khiến tâm tán loạn. Quan trọng là phải sống một mình nơi thanh vắng, lánh xa mọi bận bịu cõi thế gian.

Để sống và để chết, không đâu bằng hang động nơi thung lũng vắng dấu chân người, chỉ thấy chim rừng, thú hoang. Ở một nơi như vậy, từ bi sẽ tăng trưởng, tham sân sẽ biến mất, pháp thiền sẽ không bị ngoại cảnh chi phối.

Cửa miệng là cửa sa đọa. Ngôn từ tuôn ra rất dễ dàng, hậu quả lại nặng nề dài lâu. Phần lớn những câu chuyện phiếm đều chỉ là biểu hiện của ham muốn và thù ghét. Nói nhiều sẽ tự gây hại cho chính mình, như con két kẹt trong lồng kín. Vậy hãy nên buông bỏ hết mọi lời nói không cần thiết.

Tâm là thứ khiến trôi lăn luân hồi. Chính tâm này là thủ phạm, liên tục tạo năm chất độc tham, sân, si, kiêu mạn và tật đố, khiến vọng cảnh bủa vây ba cõi. Đừng để con khỉ tâm tinh quái này tùy ý hại ta, phải luôn xét kỹ lỗi của chính mình, chất độc vừa dấy lên, lập tức áp dụng liều thuốc trị độc. Ví dụ trị nọc tham thì dùng tâm bất tham; trị nọc sân thì dùng tâm từ bi bất hại; trị nọc si thì quán chiếu về chuỗi duyên sinh tạo luân hồi như thế nào. Then chốt của thiện hạnh là thuần luyện tâm ý, vì vậy mà nói “trọng điểm của pháp tu khổ hạnh là điều phục tâm, bằng không tu khổ hạnh để làm gì?” Thường xuyên tự xét xem tâm mình đang thuận với chánh pháp hay đang bị chất độc phiền não xâm lấn. Nếu giữ tâm không phóng dật và luôn tỉnh giác thì thân và khẩu đều sẽ tự nhiên theo. Tự làm chủ tâm, đây chính là bậc đạo sư chân chính. Pháp là điều cần được áp dụng trong mọi lúc, bằng không chẳng để làm gì!

Du già ẩn tu là bậc du già không chung đụng với người đời, cũng không dính vào việc thế tục, là người không tìm cầu tiếng tăm hay đệ tử, luôn cháy bừng tấm lòng khát khao cầu đạo, nắm vững ý chí cầu thoát sinh tử, là gốc rễ của chánh pháp. Quí vị có thể tự hỏi, “nếu bây giờ buông hết việc thế gian, liệu sau này sẽ ra sao? Lấy gì mà ăn, mà ở, mà chu toàn những thứ khác?” Nhưng nỗi băn khoăn mê muội này, nếu để lộng hành, chúng nhất định sẽ thao túng hết cuộc đời còn lại của quí vị, sẽ càng lúc càng siết chặt thêm mạng lưới sinh tử. Còn đua theo thói quen thâm căn cố đế này là còn khổ. Quí vị sẽ không thể tu nếu chưa thật sự biết chán cảnh sống thế gian, biết vui với những gì mình có.

– Quay Lưng Sinh Tử

18. Chán ngán là vì chẳng thể tin ai;
buồn vì mọi sự chỉ là vô nghĩa;
quyết tâm là vì không đủ thời gian đạt điều mình muốn:
ba điều nhớ đủ, sẽ gặp sự lành.

Thông thường hễ ai tốt với mình thì mình xem là bạn, còn ai ngăn cản bước đi thì mình cho là kẻ thù. Nhưng sự phân định này không đáng tin cậy. Kẻ gọi là bạn dễ dàng biến thành thù, và ngược lại. Không việc gì thật sự cố định để có thể tin vào.

Những mối bận tâm thế tục cuối cùng chẳng để lại dấu vết gì vững bền hơn là ngón tay vẽ hình trên mặt nước. Bất kể cố gắng cỡ nào để gầy dựng thành công hạnh phúc trong đời, dù nỗ lực đến phải ngã quỵ vì kiệt sức, cũng chỉ hoài công mà thôi. Có mang theo được gì đâu, khi bước qua thềm cửa tử. Dấn thân vào bất cứ việc gì, tâm luôn đầy ắp hồi ức về quá khứ, bận bịu cho tương lai, mất hết chánh niệm sáng suốt đối với hiện tại; kiểu này khó lòng thoát vòng kềm tỏa của phiền não. Bất kể thế nào, đời này nhất định quí vị không làm gì có có đủ thời gian để thực hiện dù chỉ phân nửa những kế hoạch và ý tưởng cưu mang.

Đã biết rõ việc đời phù phiếm như thế nào, cùng cực chán ngán cho mọi lo toan thế tục, vậy chẳng phải chỉ nên ở lại với pháp hành thôi sao? Không ai là không chết. Đến cả đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đấng giác ngộ, đầy đủ ba mươi hai tướng chánh và tám mươi tướng phụ của một đấng Phật đà, cũng xả bỏ thân xác để nhắc chúng sinh nhớ đến vô thường. Đến cả Phạm Thiên, Đế Thích cùng chư thiên sống lâu hàng đại kiếp trong cảnh giới cao nhất cõi luân hồi này, rồi cũng sẽ chết, cũng sẽ đọa sinh vào ác đạo vì chưa đoạn diệt phiền não chướng, huống chi chúng ta đây, với tấm thân yếu đuối thấp kém bất toàn này. Cứ tự mãn với sự vĩ đại của chính mình, khó ở một chút là nổi cơn bực bội, thì sẽ không bao giờ là một hành giả chân chính. Từ đó đến giờ, quí vị đã chỉ biết quan tâm đến chính mình, tiện nghi, thành công, gia đình, bằng hữu. Từ vô lượng đời kiếp đã luôn tìm cầu hạnh phúc cá nhân. Bây giờ đã đến lúc phải bắt đầu mong cho người khác được sự tốt lành. Những buồn vui quí vị phải trải qua trong hiện tại, chẳng qua chỉ là hoa trái trổ từ hạt nhân gieo trồng trong quá khứ, cần gì phải bận tâm mong chờ hay sợ hãi. So với phúc lợi của vô lượng chúng sinh, thật chẳng có gì đáng nói. Vậy cứ hãy chào đón khổ đau, lấy khổ đau làm lời nhắc nhở cảnh sinh tử bất toàn để càng tăng thêm ý chí tu, và cũng là cơ hội để gánh khổ cho chúng sinh. Hạnh phúc cũng vậy, cứ hãy tận dụng hạnh phúc để huân dưỡng nguồn nghị lực dẫn đến quả giác ngộ, và để tăng trưởng lòng từ.

Nhìn lại như vậy, tự nhiên buồn, chán ngán và quyết tâm sẽ đồng loạt phát sinh. Buồn vì thấy rõ hoàn cảnh của chúng sinh mà bản thân lại bất lực không thể cứu giúp. Chán ngán với cảnh trôi lăn trong vòng quay sinh tử quái ác; và quyết tâm dấn thân vào pháp hành.

19. Đâu có thời gian để hưởng hạnh phúc, chóng qua thế thôi;
đã không muốn khổ thì dùng chánh pháp để mà diệt khổ.
Dù vui hay khổ, con ơi hãy biết đó là nghiệp lực.
Từ nay về sau, đối với mọi người, đừng mong, đừng nghi.

Ngay bây giờ quí vị có thể đang hưởng lạc thú an vui; nhưng đều không bền lâu nên quí vị đừng để tâm dính vào. Trong đời này, quí vị sẽ bắt buộc phải trải qua đủ loại khó khăn, tật bệnh và những điều bất hạnh khác; quan trọng nhất là phải từ đó nhìn cho ra chân lý của chánh pháp.

Gặp việc khổ hay sướng, bần cùng hay sung túc, đều chỉ vì những gì quí vị làm trong các đời quá khứ. Hiện tại được mạnh khỏe, nổi danh, hay giàu có, đều là nhờ việc thiện đã làm trong quá khứ. Còn nếu phải chịu cảnh khổ đau vì tật bệnh, chướng ngại, hay gặp cảnh phiền toái, đều là do quả báo của việc bất thiện đã gieo. Bất kể rơi vào hoàn cảnh như thế nào, quí vị cũng đều có thể tịnh hóa tâm mình. Khi đớn đau, từ trong đáy tim quí vị hãy cầu nguyện chịu khổ đau này thay thế cho chúng sinh, cho khổ đau vơi cạn vĩnh viễn. Càng khổ lại càng có thể tu pháp nhận lãnh khổ đau dùm cho chúng sinh.

Một khi đã biến thành yếu tố thúc đẩy việc tu, khổ đau trở thành thuận duyên chứ không còn là chướng ngại. Đức Milarepa là tấm gương toàn hảo, chuyển hết đớn đau gian khổ thành đường tu giác ngộ. Theo gương đức Milarepa chẳng nên lắm sao? buông bỏ mọi bận tâm mong cầu đời sống an vui thoải mái, sẵn sàng đón nhận bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cho mình, lấy đó làm lương thực nuôi sống pháp hành, chẳng phải nên sao?

20. Vì nhiều mong đợi ở nơi người khác, nên cứ phải cười;
vì nhiều nhu cầu cho chính bản thân, nên cứ phải lo;
toan tính trước sau, trong tâm chứa đầy mong đợi, e ngại:
Từ nay về sau, bất kể thế nào, hãy đừng như thế.

Vì tìm cầu tiền tài, địa vị mà quí vị phải đi ton hót nơi cửa quyền. Cứ phải xum xoe cười giả dối, hy vọng đạt được những điều mình muốn. Vừa chớm bước chân vào thế giới của quyền uy thế lực là tâm nhuốm đầy lo âu, luôn bận tâm vì quá khứ, hiện tại và tương lai. Và rồi dù quyền uy phú quí đến đâu đi chăng nữa, quí vị cũng vẫn sẽ không thấy đủ.

Chúng ta không bao giờ vừa lòng với những gì mình đã có. Vì vậy mà có câu nói rằng: “Tham lam như chó đói.” Được nếm nước cam lồ cõi trời vẫn sẽ thèm thuồng thứ ngon hơn; mặc được áo xống xênh xang vẫn sẽ khát khao thứ sang trọng hơn. Vậy thôi, đừng khiến bản thân kiệt quệ vô ích, cần gì phải như trẻ nhỏ rượt bắt ánh cầu vồng! Những mục tiêu trong cõi thế gian này đều phù phiếm như nhau; hãy phát lòng tin xác quyết rằng mục tiêu duy nhất xứng đáng trong đời, là tu theo Phật-pháp để độ sinh.

Điểm tinh yếu của Phật-pháp là phải dẹp sạch mọi mong cầu và sợ hãi trước niềm vui nỗi buồn trong đời. Một mình sống nơi hoang tịch, vui với những gì mình có, quí vị sẽ được an toàn, không còn bị sự cần và sự muốn hành hạ. Việc tu trở nên dễ dàng, không vướng chướng ngại, tán tâm, hay xung đột. Còn nếu trọn đời nỗ lực để tìm cầu lợi lạc thế gian, chẳng khác gì chăng lưới bắt cá trên dòng sông cạn nước. Phải hiểu thật rõ điều này, hạ quyết tâm không để mình rong ruổi theo những con đường vô ích như vậy.

– Không Uổng Kiếp Người

21. Dù chết hôm nay, nào có gì buồn? sinh tử luân hồi vốn là như vậy.
Dù sống trăm năm, nào có gì vui? tuổi trẻ từ lâu đã không còn nữa
Nay dù sống chết, thử hỏi đời này có gì hệ trọng?
Tu cho đời sau, mới là trọng yếu.

Nếu quí vị tu, vậy là cuộc đời của quí vị đã có ý nghĩa. Cho dù ngày hôm nay thình lình bị sét đánh chết đi, cũng chẳng ân hận.

Nếu quí vị chưa tu, thì ít nhất có một điều quí vị không cần phải lo, đó là đánh mất luân hồi. Việc này sẽ không bao giờ xảy ra. Bây giờ quí vị ở trong luân hồi, và nhiều đời sau vẫn sẽ ở trong luân hồi, như con ong kẹt trong cái hũ, khi bay lên, lúc lại bay xuống, nhưng không thể thoát ra ngoài. Rốt lại nếu đã sống phí thì dù sống một vài năm hay một trăm năm cũng có khác gì đâu.

Quí vị từ trước đến nay có thể là đã lãng phí thời gian, nhưng một khi quí vị bắt đầu tu theo chánh pháp thì từ đó trở đi, bất kể sống thêm được bao lâu, mỗi phút giây trong ngày đều là một cơ hội quí giá vô ngần để có thể về với ân sư, nghe lời Thầy giáo huấn, và hết lòng tu theo, cho đến khi chết. Rồi quí vị sẽ thấy rõ không có gì xứng đáng hơn Phật-pháp, và quí vị sẽ thấy rằng tu theo Phật-pháp để thuần luyện bản thân là mối đầu tư quí giá nhất trong đời này, và mọi đời kiếp về sau.

Khi cái chết đến, quí vị sẽ đón tiếp như tiếp một người bạn lâu năm, biết rõ toàn bộ thế gian này thực ra chỉ như mộng huyễn vô thường. Ngài Gampopa vô song có câu nói rằng, khi chết, người tu hàng thượng căn cạn hết tập khí, hội nhập cõi diệu minh; người tu hàng trung căn không sợ hãi, tự tin đi thẳng vào cõi Phật; người tu hàng sơ căn, có được chút ít công phu, ít ra cũng không hối tiếc, biết mình an toàn không phải đọa rơi ác đạo.

Cho dù quí vị có bám chặt vào mọi thứ trong đời, vẫn không cách nào giữ được, đơn giản chỉ vậy thôi. Lạc thú tuổi trẻ sẽ qua nhanh, không có Phật-pháp thì dù sống trăm năm cũng chỉ để gánh thêm khổ đau tuổi già. Tâm còn bị tám mối bận tâm thế tục khuynh đảo thì không văn, tư hay tu nào có thể giúp quí vị giải thoát. Mục tiêu cõi thế gian nhiều bất tận và không chút giá trị chân thật nào. Nhưng nếu tu với ý nghĩ đạt quả giác ngộ chỉ để độ sinh thì đó là hướng về mục tiêu cao quí và xứng đáng hơn cả. Đây chính là bồ đề tâm, tinh túy của mọi đường tu, là một pháp thành tựu tất cả.

Việc gì cũng có thời điểm của nó. Người nông dân biết đâu là thời điểm thích hợp để cày bừa, để gieo, để hái, không từng bỏ không làm việc cần làm. Nay quí vị có đủ mọi giác quan, gặp được đạo sư, lại được từ nơi Thầy thọ pháp, chẳng lẽ để cánh đồng giải thoát này bỏ hoang không cấy trồng hay sao?

Phần lớn ai cũng toan tính việc tương lai với rất nhiều hoạch định, nhưng tương lai ấy chẳng qua chỉ ứng với vài năm trong đời này. Thật rất thiển cận; chúng ta còn một con đường rất dài phải đi qua trong biết bao nhiêu đời kiếp phía trước. Cái chết là một bậc thềm ta phải đi qua, một mình, chỉ có thể nương dựa vào tín tâm nơi đạo sư và Tam Bảo, cùng niềm tự tín trong pháp hành. Thân nhân, bằng hữu, quyền thế, tài sản, và tất cả những điều mà quí vị đã quen nương dựa vào, khi ấy sẽ đơn giản không còn đó nữa. Vậy nếu bây giờ lãng phí đời này với những việc cỏn con không dứt, quí vị có thể biết chắc rằng đến lúc mạng chung quí vị sẽ khóc nức nở vì hối hận và sẽ kinh hoàng hốt hoảng như kẻ trộm vừa bị vất vào ngục tối, hoang man với hình phạt sắp phải chịu. Như lời đức Jetsun Milarepa nói với thợ săn Chirawa Gönpo Dorje: “người ta thường nói có được sự tự tại và thuận tiện của thân người là điều quí giá, nhưng nay gặp người như ông, tôi thấy chẳng quí giá chút nào.

Một người cho dù không có thức ăn, áo mặc, hay nhà ở, nhưng nếu trong tâm đầy ắp niềm tin tưởng ân sư và Tam Bảo, người ấy sẽ sống và chết với trái tim vui vẻ tự tín.

Phần đầu này được thuyết trong phạm vi của Tứ Diệu Đế, giáo pháp Phật dạy trong thời kỳ chuyển pháp luân thứ nhất, tương ứng với bước đầu trong ba đường tu, là đường tu Tiểu thừa. Vạch rõ khuyết điểm của luân hồi nói chung, thúc đẩy lòng chán ghét nỗi xấu ác của thời kỳ đen tối nói riêng. Ý chí cương quyết vượt thoát sinh tử luân hồi là nền tảng của mọi pháp hành. Phần hai sẽ giải thích tiếp về phương pháp đối trị luân hồi: kiến, tu và hạnh của Đại thừa.

image_pdfimage_print