Lama Tsongkhapa: LAMRIM TINH YẾU LUẬN: Chứng Đạo Ca

BẢN DỊCH CŨ 2004 

(1) Con xin chí thành
đảnh lễ đức Phật,
là người đứng đầu
dòng họ Thích Ca.
Thân Phật nhiệm màu
phát sinh ra từ
vô vàn thiện hạnh
cùng với vô vàn
thành tựu viên mãn.
Ngữ Phật nhiệm màu
hoàn thành ước nguyện
vô lượng chúng sinh.
Ý Phật nhiệm màu
thấy hết khắp cả
đúng như sự thật.

(2) Con xin đảnh lễ
Bồ tát Di lạc,
Bồ tát Văn thù,
là bậc trưởng tử
của đấng Đạo Sư,
không đâu sánh bằng.
Hai vị là người
giữ gìn thiện hạnh
của mười phương Phật;
thị hiện sắc thân
hằng sa cõi giới.

(3) Con xin đảnh lễ
dưới chân hai ngài
Long thọ, Vô Trước,
quí như châu ngọc
trang hoàng cõi Nam.
Danh hiệu hai ngài
vang lừng ba cõi,
là người thuyết giảng
ý nghĩa “Phật mẫu”,
giáo pháp thâm sâu
khó tin nhận nhất
hoàn toàn thuận theo
ý thật của Phật.

(4) Con đảnh lễ thầy
Đi-pam-ka-ra,
[đức A-ti-sha]
là người tiếp giữ
kho tàng chánh pháp,
giữ gìn ngọn đèn
soi đường giác ngộ.
Bao nhiêu tinh túy
đường tu quảng, thâm,
truyền lại từ hai
bậc đại tổ sư
đều được giữ gìn
chính xác nguyên vẹn
trong giáo pháp này.

(5) Con xin kính cẩn
đảnh lễ đạo sư.
Đạo sư là mắt
giúp chúng con nhìn
vào biển kinh điển
bao la vô tận;
là lòng sông cạn
nâng đỡ gót chân
cho kẻ thiện duyên
vượt sang bờ giác.
Thầy mở lòng từ
vô lượng vô biên,
vận dụng muôn vàn
phương tiện thiện xảo
giúp cho mọi sự
rõ ràng trong sáng.

(6) Con đường tuần tự
dẫn đến giác ngộ
được các bậc thầy
nối gót hai tổ
Long Thọ, Vô Trước
khéo léo giữ gìn.
trong số chư Tăng
nơi vùng đất Nam
các thầy là hạt
ngọc châu vương đỉnh.
tràng phang các thầy
cao trội hơn cả.
Tu theo con đường
tuần tự giác ngộ
sẽ có khả năng
hoàn thành ước nguyện
chín loại chúng sinh.
Vì vậy pháp này
là đấng Pháp vương,
là lòng biển rộng
cho ngàn dòng suối
luận văn đổ về.

(7) Pháp này vi diệu
– giúp cho người tu
hiểu được dễ dàng
trăm vạn pháp môn
vốn không mâu thuẫn;
– giúp cho toàn bộ
biển rộng kinh điển
đồng loạt tỏa rạng
trong trí người tu
như lời giáo hóa
dành riêng cho mình;
– giúp cho dễ dàng
hiểu được ý Phật;
– hộ trì người tu
thoát khỏi hố thẳm
sai lầm tai hại.
Vì bốn lợi ích
lớn lao như vậy
nên các hành giả
Ấn độ, Tây tạng
ai người có trí
cũng đều hoan hỉ
với diệu pháp này;
là pháp chỉ rõ
con đường tuần tự
dẫn đến giác ngộ
tùy theo căn cơ;
là pháp cao tuyệt
mà kẻ thiện duyên
luôn luôn dốc tâm
tinh tấn tu hành.

(8) Diệu pháp này do
ngài A-ti-sa
thu gọn tinh túy
của lời Phật dạy
mà soạn thành luận.
Vì vậy dù chỉ
đọc nghe một lần
cũng sẽ có được
vô vàn công đức,
như là tu tập
toàn bộ chánh pháp.
Huống chi gắng công
chuyên cần học hỏi,
giảng giải phong phú
cho người cùng nghe,
chắc chắn công đức
sẽ như sóng cả.
Vì vậy các con
hãy gắng chú tâm
(Tu học pháp này
Cho thật đúng đắn.)

(9) (Sau khi phát tâm
Qui y Tam Bảo)
Các con phải thấy
gốc rễ điều lành
của kiếp hiện tiền
và mọi kiếp sau
đều nằm ở tâm
nương dựa đúng cách
nơi đấng đạo sư,
trong từng ý tưởng
trong từng hành động.
Đạo sư là người
đưa các con vào
đường tu giác ngộ,
vì vậy các con
phải gắng làm cho
Đạo sư hoan hỉ
bằng cách chăm chỉ
tinh tấn tu hành
theo đúng như lời
của đạo sư dạy;
dù mất mạng sống
cũng không từ bỏ
lời dạy của thầy,
lấy sự tu hành
dâng thành cúng phẩm.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(10) Kiếp người này có
tám sự tự tại,
quí giá còn hơn
bảo châu như ý,
đến chỉ một lần,
cực kỳ khó gặp,
nhưng lại dễ mất,
tựa như tia chớp
thoắt trên trời không.
Nhìn rõ kiếp người
chóng vánh như vậy
thấy chuyện thế tục
khác gì trấu lép.
Các con hãy gắng
vắt lấy tinh túy
của kiếp sống này,
trong từng phút giây,
ngày cũng như đêm
đừng để phí uổng.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(11) Khi vào cõi chết
Khi vào cõi chết
không thể biết chắc
mình sẽ không rơi
vào cõi ác đạo.
Chỉ có Tam Bảo
là đủ khả năng
che chở cho con
thoát cơn sợ hãi.
Vì vậy phải gắng
giữ tâm qui y
cho thật vững chắc,
đừng để sơ sót
phá hạnh qui y.
Muốn được như vậy
phải hiểu nghiệp quả
sống thuận chánh pháp
làm mọi thiện hạnh
lánh mọi ác pháp.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(12) Thân người đầy đủ
tám sự tự tại
nếu như thiếu đi
thì không thể có
bước nhảy vượt bực
trên con đường tu
thành tựu giác ngộ.
Do đó phải nên
lánh ác làm lành
để khỏi tái sinh
vào cảnh khiếm khuyết;
cũng nên siêng năng
tẩy sạch ác nghiệp
phá phạm giới hạnh
đang vấy bẩn ba
cửa thân miệng ý;
và nhất là để
tẩy loại nghiệp chướng
khiến ta không thể
tái sinh làm người.
Các con hãy gắng
siêng năng áp dụng
bốn lực sám hối
thanh tịnh chướng nghiệp.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(13) Nếu không cố gắng
quán chiếu về khổ
sẽ không thể nào
tinh tấn nhất tâm
hướng về giải thoát.
Không biết đâu là
nguyên nhân của khổ,
không biết điều gì
ràng buộc mình trong
cảnh sống luân hồi
thì không thể thấy
đâu là phương tiện
bứng sạch gốc rễ
của vòng tái sinh
triền miên lẩn quẩn.
Các con nên biết
chán cảnh sinh tử
từ bỏ luân hồi;
phải biết quán sát
điều gì trói chặt
mình trong sinh tử.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(14) Cốt tủy đại thừa
là sao cho tâm
vô thượng bồ đề
luôn luôn tăng trưởng.
Đây là căn bản
cũng là nền tảng
của khắp mười phương
hành trạng giác ngộ
trùng trùng vời vợi
như sóng đại dương
[của chư Phật đà].
Tựa như thuốc tiên
hóa sắc thành vàng
tâm bồ đề cũng
có được khả năng
khiến mọi hành động
biến thành hai bồ
tư lương phước trí,
tích lũy kho tàng
công đức đồ sộ
đến từ vô lượng
tánh đức bồ đề.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(15) Thí ba la mật
là ngọc Như Ý
có được khả năng
hoàn thành ước nguyện
của mọi chúng sinh;
là loại vũ khí
hữu hiệu bậc nhất
chặt phăng nút thắt
của lòng keo bẩn.
Thái độ vì người
sẽ làm tăng nguồn
can đảm, tự tín.
Người có hạnh Thí
mười phương thế giới
sẽ đều tán dương.
Vì biết điều này
nên người có trí
dốc tâm tinh tấn
tu hành hạnh Thí,
cho đi toàn vẹn
thân thể, của cải,
cho cả hai bồ
tư lương công đức.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(16) Giới là nước trong
giặt sạch tất cả
vết nhơ ác nghiệp.
Giới là trăng thanh
xoa dịu tất cả
vết bỏng nhiễm tâm.
Ai người tu Giới
thân thể rạng ngời
như núi Tu Di
chiếu soi khắp cả
chín loại chúng sinh.
Năng lực của Giới
sẽ giúp các con
thuần phục tất cả
không cần thị uy.
Chúng sinh cứng cõi
sẽ đều qui thuận.
Vì biết điều này
nên các bậc Thánh
giữ gìn giới hạnh
quí như đôi mắt.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(17) Nhẫn là trang sức
đẹp nhất cho người
có nhiều quyền năng.
Nhẫn là pháp tu
khổ hạnh tốt nhất
cho người thường bị
vọng tâm tác hại;
là cánh chim ưng
bay vút trời cao,
khắc tinh của rắn
sân hận giận dữ;
là áo giáp dày
ngăn chận tất cả
vũ khí thóa mạ.
Vì biết điều này
nên người có trí
tu tập đủ cách
thích ứng tâm mình
với lớp áo giáp
Hạnh Nhẫn tối thượng.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(18) Khoát được giáp bào
của hạnh Tinh Tấn
khi ấy sức học,
tu hành, chứng ngộ
sẽ tăng trưởng nhanh
như vầng trăng non
đang đến độ rằm,
hành động nào cũng
tràn đầy ý nghĩa
hướng về giải thoát
và đều mang lại
kết quả mong cầu.
Vì biết điều này,
nên chư bồ tát
cuộn sóng tinh tấn
quét sạch hết thảy
giải đãi biếng lười.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(19) Định là đại vương
ngự trị tâm thức.
Khi thâu tâm lại,
tâm sẽ an trụ
như núi Tu Di,
vững không lay động.
Khi mở tâm ra
tâm sẽ thâu nhiếp
toàn bộ thiện pháp.
Định khiến thân tâm
nhu nhuyễn bén nhạy
hỉ lạc khinh an.
Vì biết điều này
nên các hành giả
ai người khéo tu
cũng đều dốc sức
miên mật thiền chỉ
cố gắng hàng phục
kẻ thù tán tâm.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(20) Tuệ là đôi mắt
thâm chứng tánh Không
và là con đường
bứng sạch toàn bộ
gốc rễ luân hồi.
Tuệ là tất cả
kho tàng nhiệm màu
mà bao kinh luận
vẫn hằng tán dương.
Là đèn tối thượng
phá tan bóng tối
cố chấp hẹp hòi.
Vì biết điều này
nên người có trí
mong cầu giải thoát
đều dốc tâm sức
nỗ lực bước theo
con đường tu Tuệ.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(21) Có Định thiếu Tuệ
chẳng đủ khả năng
chặt đứt gốc rễ
ràng buộc luân hồi.
Có Tuệ thiếu Định
thì dù quán sát
miên mật đến đâu
cũng không thể nào
tách lìa vọng cảnh.
Vì vậy các bậc
Đạo sư luôn lấy
mắt Tuệ thâm nhập
vào chân thực tại
mà trụ vững vàng
trên lưng ngựa Định,
rồi dùng vũ khí
cực kỳ bén nhọn
của luận Trung Đạo,
thoát mọi cực đoan,
phá hủy nền tảng
chấp thường chấp đoạn
chấp bám cực đoan,
nhờ vậy Không-Tuệ
dần dần khai mở.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(22) Nhờ quen tu định
đến khi đạt chỉ
bấy giờ tu quán.
Tâm càng quán chiếu
lại càng an định
vững vàng thấy rõ
chân tánh thực tại.
Vì biết điều này
ai người tinh tấn
phối hợp chỉ-quán
đều thấy nhiệm mầu,
huống gì các con!
hãy nên mong cầu!
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(23) (Đến khi chỉ quán
phối hợp được rồi)
hãy nên quán chiếu
hai loại tánh Không:
không – tựa không gian,
thu nhiếp tất cả
khi nhập vào định;
không – tựa huyễn cảnh,
hiện ra như mộng
khi từ trong định
mà bước trở ra.
Nhờ tu như vậy
phương tiện, trí tuệ
thuần nhất bất nhị
nên được tán dương
là người viên toàn
các hạnh bồ tát.
Vì ngộ điều này
mà bậc thiện duyên
không bao giờ nhận
đường tu phân chia.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(24) – Chán khổ sinh tử,
– phát tâm bồ đề,
– trực chứng tánh không,
là ba yếu tố
căn bản cần thiết
để bước lên hai
cỗ xe Đại Thừa:
là xe tu nhân
và xe tu quả.
Vậy khi các con
phát huy đúng đắn
ba điểm này rồi
phải nên nương dựa
vào đấng đạo sư
đầy đủ phẩm hạnh.
Xin thầy hộ niệm
đưa các con vào
(cỗ xe tu quả)
vượt qua biển rộng
bốn bộ Mật tông.
Ai biết tôn kính
noi theo lời dạy
của đấng đạo sư
sẽ không phí uổng
kiếp người hiếm hoi
đầy tự tại này.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

(25) Vì để thuần dưỡng
tâm của chính mình
và để lợi ích
cho kẻ thiện duyên
(đã gặp được đấng
Đạo sư chân chính
và đủ khả năng
tu tập đúng theo
những gì thầy dạy)
nên Thầy dùng lời
rõ ràng dễ hiểu
nói lại trọn vẹn
đường tu giác ngộ
mà mười phương Phật
vẫn hằng hoan hỉ.
Nguyện công đức này
giúp cho chúng sinh,
không bao giờ xa
đường tu trong sáng
chắc thật, nhiệm mầu.
Thầy là hành giả
đã tu như vậy;
các con ai người
đang cầu giải thoát
hãy tự thuần dưỡng
đúng theo lối này.

[Hết]

Đến đây chấm dứt bài Tiểu Luận về Đường Tu Tuần Tự Giác Ngộ, soạn theo thể dạng cực ngắn, dễ nhớ khó quên. Luận giải do tỷ kheo Losang Dragpa [Lama Tông Khách Ba] soạn thảo – là hành giả đã thọ trì nhiều chánh pháp – viết tại Tu viện Ganden Nampar Gyelwa’i, trên ngọn núi Riwoch, Tây tạng.

Nguyên bản Anh ngữ : The Short Lamrim or Lines of Experience or Songs of Spiritual Experiences. trích trong Illuminating the Path to Enlightenment, do đức Đalai Lama thuyết giảng, Thubten Dhargye Ling Archive, Long Beach, California ấn hành.

image_pdfimage_print