Đức Đalai Lama: LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT

Để Sống Xứng Đáng Hơn

Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.

MỤC LỤC

CHƯƠNG 9. ĐỐI MẶT CÕI TRUNG HỮU

Xác định rằng “Tôi rồi sẽ chết” 
Thời sẽ thôi không còn khiếp sợ.
Đến cả như ảo tượng cõi chết,
Cũng có gì để phải sợ đâu!
—Lời Phật

BÀI KỆ SỐ 14 [NHẬP ĐỊNH NHƯ HUYỄN THAY VÌ VÀO TRUNG HỮU]

  1. Khi xuất định chân-như / thay vì vào trung hữuNguyện nhập định như huyễn: / lấy tâm khí vi tế Của chân như cửa tử / hiện thành báo ứng thân Đầy đủ mọi tướng hảo / chánh phụ của Phật đà.

Khi từ đại định chân-như-chứng-tánh-không trở ra, hành giả trở ra bằng cái thân thuần khí và tâm, với đầy đủ mọi tướng hảo chánh phụ của Phật đà. Đây không chỉ là tưởng tượng, hay bắt chước, mà thật sự là như vậy. Thay vì vào cõi trung hữu, hành giả từ cửa tử hiện thành cái được gọi là thân huyễn. Thân này có hai loại, một là thân huyễn bất tịnh, hai là thọ dụng thân của Phật, còn gọi là báo thân. Bài kệ này là ước nguyện viên thành sự chuyển hóa thậm thâm như vậy.

Tâm bản giác chân như và khí chở tâm này vốn chỉ là một, nhưng dùng khái niệm phân hai để mà nói đến. Khí là nhân chính của thân huyễn, còn tâm là duyên hỗ trợ. Hai nhánh nhân duyên này tạo nên thân huyễn với sắc tướng tương tự như sắc tướng của đấng bổn tôn trong pháp bổn tôn du già đang tu, không phải thân máu thịt. Tánh chất của thân này chỉ thuần là khí và tâm, sáng trong vô ngại như cầu vồng.

Sắc tướng của đấng bổn tôn được ví như cá nhảy ra khỏi mặt hồ. Trong một thời gian dài, quý vị quán tưởng mình là bổn tôn, huân dưỡng cái thấy ấy, quán thân mình toàn hảo như vậy là để chuẩn bị cho sự chuyển hóa này. Mục tiêu pháp tu cuối cùng đã được thực hiện. Giả bộ bắt chước đã biến thành sự thật.

TRÌNH ĐỘ NGƯỜI TU

Từ đầu tôi đã gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tu tập đúng với trình độ căn cơ của mình. Mật tông tối thượng du già bao gồm ba trình độ. Từ nãy đến giờ chúng ta đang xem trường hợp của bậc hành giả trình độ chứng ngộ cao, nhưng chưa đủ khả năng thành Phật ngay trong đời này. Người như vậy bắt đầu vào cửa tử theo lực đẩy của nghiệp và phiền não ô nhiễm, nhưng nếu chuyển được chân như mẹ cửa tử thành chân như con thành đạo, sẽ không cần phải đi qua cõi trung hữu phàm phu đưa đến kiếp tái sinh mà có thể đạt thẳng thân huyễn chân chính, không phải chỉ là tưởng tượng.

Hành giả ở trình độ tiếp theo (sẽ được nói đến trong bài kệ 15) không thể chuyển tâm chân như cửa tử thành đạo nên không hiện được thân huyễn, dù vậy vẫn không cần phải đi qua cái chết phàm phu. Hành giả này có khả năng chuyển tâm chân như cửa tử thành một dạng đạo, dù không phải là dạng có thể làm hiện thân huyễn thật sự, nhưng đủ khả năng hiện thành thân huyễn tưởng tượng để đi qua cõi trung hữu phàm phu. Hành giả ở trình độ này có thể nương vào bi lực, nguyện lực và niệm lực để tự chọn cho mình nơi tái sinh.

Người tu ở trình độ tiếp theo nữa (sẽ được nói đến trong bài kệ 16) không thể chuyển hóa chân như cửa tử thành bất cứ một dạng nào của đạo. Dù vậy, sau thời gian bất tỉnh ở cuối giai đoạn đen-cận-thành-tựu, khi tâm chân như hiển lộ, hành giả trình độ này vẫn nhớ được pháp hành mật tông ở một dạng nào đó. Người như vậy đi vào cõi trung hữu phàm phu, tái sinh kiểu phàm phu, nhưng đủ khả năng khởi được pháp lợi tha nhờ lực đẩy của việc thiện đã làm trong quá khứ, phối hợp cùng nội duyên và ngoại duyên.

Cả ba trình độ nói trên đều tìm cách chuyển tâm chân như thành trí chứng tánh không, vì vậy trước khi bước vào quá trình tan nhập, họ đều khởi chánh niệm nhớ tánh không. Nhất là trong thời gian đất nước lửa gió tan, bốn không hiện—tâm trắng-hiện, đỏ-cam-tăng-hiện, đen-cận-thành-tựu, và chân như—chư vị đều nương vào niệm lực để quán chiếu tánh không không tự tánh, là trạng huống không chết, chân tánh của vạn pháp.

Hành giả trình độ cao có khả năng chuyển tâm chân như cửa tử thành trí tuệ chứng tánh không, và trí tuệ này là thuốc chữa cái chết bất lực. Từ đó về sau người tu sẽ không còn bị sinh tử buộc ràng. Nhìn trên phương diện này, bản tánh chân thật của vạn pháp là điều mang đến sự bất tử (như trong bài kệ có nói đến).

Cái chết xuất hiện từng giai đoạn, từ đất tan vào nước cho đến hết giai đoạn ló dạng chân như. Sau đó, trong trường hợp cái chết của người phàm phu (không có trình độ chứng ngộ), tám giai đoạn cận tử sẽ lần lượt xảy ra theo thứ tự ngược: từ chân như đến đen-cận-thành-tựu, rồi đến đỏ-cam-tăng-hiện, rồi đến trắng-hiện, rồi đến lửa nến, rồi đến đom đóm, rồi đến khói, và rồi là ảo ảnh. Cuối cái chết của người phàm phu có ba hiện tượng xảy ra cùng một lúc, (1) chân như ngưng; (2) người tu xuất ra từ chân-như-cửa-tử, đi vào rực rỡ đen-cận-thành-tựu, và (3) cõi trung hữu bắt đầu (sau đó là những bước còn lại của trình tự ngược). Tương tự như vậy, hành giả Mật tông tối thượng du già ở trình độ thứ nhất, nếu trú nơi chân-như-tương-tự thì sẽ xuất ra từ chân-như, đi vào rực rỡ cận-thành-tựu và đồng thời hoạt hiện thân huyễn. Còn hành giả mật tông tối thượng du già trình độ thứ nhất nhưng trú ở tâm chân như chân chính thì khi xuất ra từ chân như chân chính này sẽ không đi ngược về tâm cận-thành-tựu vân vân. Mọi tầng tâm thức thô lậu hơn đều đoạn dứt.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

14.1. Hành giả chứng ngộ cao có khả năng lấy tâm chân như cửa tử và khí mà tâm này cưỡi trên làm nhân tố chính để hóa hiện tâm và thân thanh tịnh tương ứng.

14.2. Để có thể từ tâm chân như hóa hiện thành thân thanh tịnh bằng khí, điều cần phải làm là trước đó tập luyện tưởng tượng chính mình có được tâm và thân đầy vị tha ấy. Những gì làm trong sự tưởng tượng bắt chước rồi sẽ dẫn đến thành tựu thật sự.

14.3. Muốn thành tựu được sự chuyển hóa tối hậu này, phải dứt được sự đảo ngược của tâm bản giác chân như về lại những trạng thái tâm thô lậu. Làm được như vậy là đạt được quả bất tử.

BÀI KỆ SỐ 15 [NẾU VÀO TRUNG HỮU, GIỮ TRI KIẾN THANH TỊNH]

  1. Nếu như vì nghiệp cũ, / trung hữu vẫn hiện ra
    Nguyện lập tức quán và / chứng sự không tự tánh
    Của sinh lão bệnh tử / cùng với cõi trung hữu
    Nhờ đó mà vọng cảnh / hết thảy đều tịnh sạch.

Ở cuối giai đoạn mà tâm vi tế nhất còn ở trong thân, khí chở tâm chân như này chuyển động nhẹ, giọt tủy với hai tinh chất trắng đỏ nơi tim mở ra, khí vi tế nhất cùng tâm vi tế nhất xuất ra từ đó,  lìa xác thân. Một ít máu đỏ sẽ xuất ra từ mũi và một ít tinh trắng sẽ xuất ra từ bộ phận sinh dục. Đây là những dấu hiệu cho thấy tâm đã lìa thân. Những dấu hiện này có thể không xảy ra nếu thân bị bệnh dữ tàn phá. Từ thời điểm này trở đi, thi thể bắt đầu thối rữa, bốc mùi.

Trong số những hành giả đời này chưa thành Phật, người giỏi nhất sẽ đạt được thân huyễn thay vì thân trung hữu. Người phàm phu không có chứng ngộ cao, không có khả  năng hiện ra thân huyễn, sẽ bị nghiệp lực đẩy vào cõi trung hữu phàm phu. Nếu điều này xảy ra, quý vị phải lập tức nhận diện và hiểu rõ hoàn cảnh của mình.

Khi tâm chân như dứt, bảy giai đoạn còn lại bắt đầu chuyển động theo thứ tự ngược, đó là điểm khởi đầu cõi trung hữu. Đầu tiên quý vị sẽ trải qua tám giai đoạn cũng giống như lúc tỉnh giấc, lúc bắt đầu mơ, lúc tỉnh lại sau khi xỉu, hay khi trở ra từ cực khoái. Tám giai đoạn theo trình tự ngược như sau:

  1. Chân như; 7. trời tâm màu đen rực rỡ; 6. trời tâm màu đỏ-cam rực rỡ; 5. trời tâm màu trắng rực rỡ; 4. lửa ngọn đèn; 3. đom đóm; 2. khói; 1. ảo ảnh.

Cũng giống như khi ngủ, quý vị hiện ra thân-chiêm-bao, khi vào cõi trung hữu cũng vậy, quý vị sẽ đột nhiên hiện ra một cái thân với tướng dạng giống như tướng dạng sẽ có sau khi tái sanh. Thường là giống lúc khoảng 5, 6 tuổi. Cũng như thân-chiêm-bao, thân-trung-hữu cũng được hình thành từ khí và tâm. Khí chở tâm chân như là nhân tố chính của thân trung hữu, đồng thời cũng là duyên tố hỗ trợ cho sự hình thành của tâm trung hữu. Còn tâm chân như thì lại là nhân tố chính của tâm trung hữu, và là duyên tố hỗ trợ cho sự hình thành của thân trung hữu.

Có một vị sư viên chức thuộc dòng Gelug, là một hành giả rất giỏi, và cũng là người rất can đảm. Khi Quân đội Giải phóng Trung quốc kéo đến vùng Chamdo tỉnh Kham Tây tạng để “giải phóng,” ông đang là cấp dưới của đại diện chính phủ Tây tạng gần khu vực đó. Ông đại diện cảm thấy việc gặp người Trung quốc là điều quan trọng, nên hỏi cấp dưới xem có ai tình nguyện làm việc này hay không, nhưng ngoại trừ vị thầy này và một vị khác, ngoài ra ai nấy đều sợ không muốn đi. Vị thầy đáng tin cậy và can đảm này đã kể cho tôi nghe có lần mẹ ông nói với ông rằng, “Mẹ sẽ ngủ rất sâu, đừng ai đụng vào người mẹ nhé.” Rồi bà ngủ say suốt một tuần lễ, sau đó tỉnh dậy. Trong tuần lễ ấy, tâm của bà đã viếng thăm rất nhiều nơi. Người con không có lý do gì để dối tôi cả, và cũng không phải là chuyện nghe từ lời đồn. Đây không phải là trường hợp chết đi sống lại, mà có vẻ là một loại thân-chiêm-bao đặc biệt.

Ở trong cõi trung hữu, vì thân của quý vị được hình thành từ khí và tâm nên có đủ ngũ giác, nhưng trong veo như cầu vồng, không có bóng, cũng không để lại dấu chân. Nhờ sức mạnh thần diệu của nghiệp lực, quý vị tự nhiên có được khả năng du hành thần tốc, có thể trong chớp mắt đi đến mọi nơi trong thế giới hệ này, không bị đất đá, núi non, hay nhà cửa cản trở.  Tuy vậy, một khi nhập vào thai mẹ rồi là không còn trở ra được nữa. Dù quý vị có nói chuyện, nhưng thân nhân bằng hữu, không ai có thể nghe được lời quý vị nói, vì vậy không có ai trả lời. Quý vị sẽ không thấy được mặt trời, mặt trăng, hay tinh tú. Mặc dù trước đây không có thần thông, nhưng bây giờ quý vị sẽ có được một vài thần thông hạn chế.

Nếu nhận ra có những dấu hiệu cho thấy mình đang ở trong cõi trung hữu, quý vị phải nghĩ như thế này, “mình đã chết, hiện giờ đang ở trong cõi trung hữu.” Vận dụng sức mạnh của chánh niệm để thấy rằng mọi cảnh hiện ra trước mắt dù dễ chịu hay khó chịu cũng đều là sản phẩm của tâm hư vọng, giữ lấy chánh niệm để hiểu rằng không việc gì phải tham luyến thứ dễ chịu, hay bực bội thứ khó chịu. Thay vào đó, hãy tưởng tượng thân mình là thân huyễn, ý thức rằng cảnh khổ của cái chết, trung hữu và tái sinh đều không tự tánh, hết thảy đều không thật có. Biết cảnh hiện ra đều là do nghiệp cũ, mà nghiệp thì vốn không chút mảy may nào là thật có.

Giống như khi tu pháp bổn tôn du già, người tu phải cố tình tưởng tượng mọi sự đều là vô biên thanh tịnh, và đều do tâm từ bi và trí tuệ hình thành. Ở đây cũng vậy, quý vị thấy mọi hữu tình đều là thiên nam thiên nữ, mọi cảnh giới đều là điện ngọc nhiệm mầu, nhờ đó tâm buông ra, không còn chán ghét cảnh xấu hay ham thích cảnh đẹp, chỉ làm sao cho bất cứ cảnh hiện nào cũng đều từ tánh không hiện ra, và bất cứ cảnh không nào cũng đều là sắc tướng thị hiện hỉ lạc của đấng bổn tôn.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

15.1. Nhận diện những dấu hiện cho thấy mình đã vào tới cõi trung hữu, đây là điều rất quan trọng.

15.2. Thấy mọi cảnh hiện và kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu đều do nghiệp tốt nghiệp xấu của chính mình mà có.

15.3. Thay vì chấp nhận cảnh hiện này, hãy tưởng tượng mình hóa hiện thành thân huyễn, tưởng tượng mọi chúng sinh quanh mình đều là tướng hiện của từ bi và trí tuệ toàn hảo, và mọi cảnh vật quanh mình đều là cõi Phật nhiệm mầu.

15.4. Tránh đừng sinh tâm thích đẹp ghét xấu.

15.5. Ý thức rằng cảnh hiện muôn vạn và khổ đau cõi chết, trung hữu và tái sinh, đều không có tự tánh, không tự có một cách độc lập.

BÀI KỆ SỐ 16 [CHUYỂN CẢNH VÃNG SINH]

  1. Khi hiện bốn âm thanh / của tứ đại đảo chiều,
    Ba cảnh dữ hãi hùng, / và các cảnh bất định…,
    Nguyện trước tướng hiện này / nương vào pháp du già
    Chuyển ngoại, nội và mật, / để tịnh độ vãng sinh.

Khi còn sống, tất cả mọi khí và niệm đều đắm trong khuôn mẫu phàm phu, vượt ngoài tầm kiểm soát. Vào trong cõi trung hữu, khí của bốn thành phần đất nước lửa gió đảo ngược không còn theo khuôn mẫu quen thuộc nữa. Sự đảo ngược này làm phát ra âm thanh dữ dội kinh hoàng. Khí của đất tan làm hiện ra âm thanh như núi lở. Khí của nước tan làm hiện ra âm thanh như biển gầm. Khí của lửa tan làm hiện ra âm thanh như rừng già bốc lửa cuồng nộ. Khí của gió tan làm hiện ra âm thanh như gió hú cuồng phong. Lại còn cảnh hiện hãi hùng cõi địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh, hết thảy đều do nghiệp cảm mà thành. Có nghiệp làm hiện ra cảnh Thần Chết vung vũ khí hét lớn, “Đánh! Giết!” khiến kinh hoàng hoảng sợ.

Ở cõi trung hữu này, vị trí, chỗ nương, hành vi, thực phẩm, bằng hữu, cảm thọ, tất cả đều bất định. Vị trí bất định có nghĩa là phải liên tục đi đến nhiều chỗ khác nhau. Chỗ nương bất định, có nghĩa là phải tìm chỗ ẩn náu ở những nơi tạm bợ như là cây cầu, cái giếng, vân vân. Hành vi bất định, có nghĩa là phải luôn thay đổi đột ngột, phất phơ như sợi lông trước gió. Thực phẩm bất định, có nghĩa là thấy thức ăn ngon nhưng không ăn được, trừ phi là thức ăn hồi hướng cho mình. Bằng hữu bất định, có nghĩa là phải ngẫu nhiên đi cùng với người lạ. Cảm thọ bất định, có nghĩa là tâm trạng thay đổi đột ngột—thoắt vui, thoắt đau, thoắt buồn, thoắt giận vân vân.

Thêm vào đó, cõi trung hữu này còn có ba khe núi hãi hùng hiện ra. Nếu nặng nghiệp tham sẽ thấy hiện ra khe đỏ lớn, nặng nghiệp si sẽ thấy hiện ra khe xám lớn, nặng nghiệp sân sẽ thấy hiện ra khe đen lớn. Lại có bốn con đường cho thấy sẽ tái sinh về đâu: nếu đi đâu cũng thấy đường đi ánh sáng trắng, đó là dấu hiệu sẽ tái sinh vào cõi trời hay cõi a tu la; thấy đường đi ánh sáng vàng thì tái sinh vào cõi người hay cõi súc sinh; thấy đường đi ánh sáng đen thì tái sinh vào địa ngục; thấy đường đi ánh sáng đỏ thì tái sinh làm ngạ quỷ.

Trong cõi trung hữu, ai kiếp sau tái sinh vào địa ngục thì thân màu như củi cháy; tái sinh cõi súc sinh thì thân màu như khói; tái sinh cõi ngạ quỹ thì thân màu như nước; tái sinh vào cõi trời dục giới hay cõi người thì thân màu vàng hoàng kim; tái sinh cõi trời hữu sắc thì thân mầu trắng. Hướng chuyển động cũng cho thấy sẽ tái sinh về đâu: tái sinh địa ngục, ngạ quỹ, súc sinh thì chổng đầu đi xuống; tái sinh cõi trời dục giới và cõi người thì đi thẳng phía trước mặt; tái sinh cõi trời hữu sắc thì đi lên.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

16.1. Chuẩn bị tinh thần khi vào cõi trung hữu sẽ gặp nhiều cảnh hiện bất thường, kỳ diệu hay hãi hùng đều có. Hiểu rằng bất kể cảnh hiện thế nào, đều có thể dùng pháp hành để chuyển hóa.

16.2. Hãy bình tĩnh. Tưởng tượng cảnh tượng đẹp ví dụ như cung điện đẹp tuyệt vời giữa phong cảnh an bình. Thấy mọi người đều mang bản tính của từ bi và trí tuệ. Thấy ý thức của chính mình là tâm hỉ lạc chứng tánh không.

16.3. Làm như vậy sẽ giúp tái sanh vào cõi thuận tiện để tiếp tục tiến xa hơn trên đường tu giác ngộ.

MỤC LỤC

image_pdfimage_print