Changkya Rolpai Dorje: NHẬN BIẾT MẶT MẸ: Tri Kiến Chứng Đạo Ca

Tựa đề Tạng ngữ ༄༅། །ལྟ་མགུར་ཨ་མ་ངོས་འཛིན་བཞུགས་སོ། །
Tựa đề Việt ngữ: Nhận Biết Mặt Mẹ: Tri Kiến Chứng Đạo Ca
Tác luận: Changkya Rolpai Dorje
Chuyển Việt ngữ: Hồng Như Thupten Munsel, bản dịch tạm tháng 01/2021

E MA HÔ!

1. Trần trụi tánh nhiệm mầu / của duyên khởi thâm sâu,
Ân sư đã chỉ ra / đúng y như sự thật.
Lòng từ ái của Thầy / thật vô bờ vô bến,
Xin trụ giữa tim con, / cho con nói đôi lời /
về ý tưởng thoạt hiện / thấp thoáng trong tâm con.

2. Đứa con điên khùng này / lạc mẹ già đã lâu,
Nay sắp sửa tình cờ
Thấy được điều chưa thấy,
Rằng mẹ hiền xưa nay / vẫn luôn cạnh bên mình.

3. Hay có khi mẹ là / những không-không-có-có
Như người anh Duyên-khởi / đã lặng lẽ mách cho.
Đối đãi nhị nguyên này / là nụ cười của mẹ,
Sinh tử biến chuyển này / là lời mẹ nói dối.

4. Người mẹ không hư ngụy / đã dối gạt tôi rồi!
Dù mong anh Duyên-khởi / đến che chở cho tôi,
Nhưng rốt lại cũng chỉ / nhờ vào ơn của mẹ
Tôi mới mong tìm được / nguồn hy vọng giải thoát.

5. Đối đãi phân biệt kia / nếu đúng như mình thấy
Thì dù Phật ba thời / cũng vô phương cứu độ,
Nhưng thiên biến vạn hóa / thật ra cũng chỉ là
Nét mặt Mẹ-bất-biến, / nên vẫn còn lối ra.

6. Người mẹ này của tôi / không thể nào diễn tả.
Không có ở đâu cả, / nhưng giả hiện khắp nơi.
Riêng mối tương quan này / là lời dạy trọng yếu.

7. Tìm cha già không gặp
Thì như vậy thật ra / là tìm thấy mẹ già.
Ngay ở trong lòng mẹ / mà tìm gặp được cha,
Nghe nói đây là cách / cha mẹ hiền cứu con.

8. Diện mạo của mẹ tôi / không một cũng không khác,
Hiện rõ trong tấm gương / của Duyên-khởi anh tôi,
Giống như là thật có / nhưng không thể nắm bắt.
Nhưng kẻ khùng như tôi / nào đâu có biết gì.

9. Đức Long Thọ, Nguyệt Xứng / gửi huấn từ vào gió
Và đức Văn Thù Tạng / nhờ chú chim mang về.
Để tránh nỗi khó khăn / phải tìm tòi lâu lắc,
Tôi mong mình thấy được / mẹ già ở cạnh bên.

10. Ngày nay có vẻ như / một số người có trí
Vướng kẹt trong chữ nghĩa / như “tự khởi,” “thật hữu,”
Chỉ lo tìm những thứ / có sừng để mà diệt,
Cảnh ngờ ngờ trước mắt / lại cứ để y nguyên.

11. Nhưng ở trên khuôn mặt / không che chướng của mẹ
Nghe nói đâu hề có / cảnh đối đãi rạch ròi.
Lắm tranh cãi lạc đề / mãi mê trong hý luận,
Chắc chỉ khiến mẹ già / phải trốn chạy mất thôi.

12. Tuy có nhưng không phải / là có kiểu như vầy,
Không phải kiểu cứng ngắt / của đối đãi lưỡng phân.
Tương quan bất khả phân / của cha mẹ từ hòa
Đúng ra phải thật là / dịu nhẹ và yên vui.

13-14. Tông môn Tì[1], Kinh[2], Duy[3], / và Tam Trí Đông Ấn[4],
Cho dù họ đối với / Mẹ Voi Trắng Như Vôi,
Gán đặt đủ thứ tên / phong phú đầy màu sắc
Giống như là “ngoại cảnh, / ” là “hổ vằn cười nhăn,”
là “chủ thể chấp thủ,” / là “khỉ điên mất trí,”
Là “tự tánh bất nhị” / là “gấu hoang hung dữ,”
Sao thấy họ dường như / đã lạc mất mẹ già.

15-16. Nhiều học giả hành giả / dòng Sa[5], Nying[6], Kar[7], Druk[8],
Tự hào phô đủ loại / chữ nghĩa thật phong phú,
Như là “tâm tự biết“: / phi chủ thể, sáng – không;
Là “tánh tịnh bản nhiên:” diện mục đức Phổ Hiền;
Hay là “đại thủ ấn:” / bản tánh vô dụng công;
Phi hữu, phi phi hữu,” / siêu việt mọi khẳng định.
Nói vậy nếu trúng đích / thì thật là điều lành,
Nhưng chẳng rõ chư vị / muốn trỏ vào điều chi!

17. Vì cảnh vật bên ngoài / không hề bị phá bỏ
Nên Tì bà, sa bộ / cùng với Kinh lượng bộ /
không cần phải bận tâm, / xin cứ hãy vui đi.
“Tâm tự biết” tuy không, / nhưng vẫn có sự biết / và chủ thể sự biết,
Nên hết thảy Duy thức / xin cứ hãy vui đi.
Tự tướng tuy không có, / duyên khởi vẫn rành rành,
Nên Tam Trí Đông Ấn / xin cũng cứ vui đi.

18. Sáng – không không mâu thuẫn / nên đều có thể giữ:
Chư chấp trì huấn giáo / không cần phải e sợ.
Dù bản lai thanh tịnh, / lành ác vẫn ứng lý:
Chư du già minh trì[9] / không cần phải chấp tịnh.

19. Dù thiền còn dụng công / tánh bản lai vẫn khởi,
Nên thiền giả lâu năm / không cần quá cố gắng.
Niệm có, không, hết thảy / đều siêu việt được cả
Nên luận giả cứng đầu / không cần phải bực bội.

20. Có lẽ đó chỉ vì / do sự học còn non,
Không biết cách vận dụng / cảnh tục đế quy ước.
Tôi không hề có ý / bất kính với chư vị,
Nếu như lỡ xúc phạm / xin lượng thứ dùm tôi.

21. Tuy không là toàn giác / nhưng tôi biết cách cưỡi
Thớt ngựa quý thuần giống / của khế kinh chính tông,
Với nỗ lực kiên trì / bền bỉ đầy sốt sắng,
Hy vọng sẽ vượt qua / mọi bước đường hiểm trở.

22. Không cần phải tìm kiếm / vì là chính người tìm;
Đừng chấp là chân thật / vì chỉ là giả thôi;
Nhưng giả cũng đừng tránh / vì đó là chân lý:
Hãy về đây ngơi nghỉ, / chốn không đoạn, không thường.

23. Cho dù không thấy mẹ, / chỉ cần tên gọi thôi
Đã như về hội tụ / với mẹ cha từ hòa,
Bấy lâu nay thất lạc / bỗng như về cạnh bên.

24. Ôi Long Thọ phụ tử / ơn thật lớn lắm thay!
Ôi Losang Drakpa / ơn thật lớn lắm thay!
Ôi Ân sư của con / ơn thật lớn lắm thay!
Để đền trả ơn này / xin làm vui lòng mẹ.

25. Do con nhỏ có trí / về gặp gỡ sum vầy
Với mẹ già không sinh / và không thể diễn tả,
Từ đó hạnh phổ hiền / tưng bừng ngày hội lớn,
Nguyện dẫn mẹ đa sinh / đến với niềm thường lạc.

26. Ôi tuyệt vời! Rolpai Dorje!
Đã thế thì nay ngay tại đây
A ha! Ta múa điệu vui này
Để làm cho đẹp lòng Tam Bảo.

Trên đây là đôi hàng vọng ngữ nói về chuyện nhận biết mặt mẹ, mệnh danh “Âm Điệu của Tiếng Vang,” do kẻ ngưỡng mộ sâu xa Đại Trung Quán là Changkya Rölpai Dorjé viết tại thánh địa Ngũ Đài Sơn. Tỷ kheo Gelek Namkha ghi chép.

Chuyển Việt ngữ: Hồng Như Thupten Munsel, dịch từ tiếng Tạng nhờ tham khảo với bản dịch Anh ngữ 2021 của Thupten Jinpa, tựa đề: Recognizing My Mother: An Experiential Song on the View. Bản tiếng Việt tạm dùng, chưa hiệu đính. Tháng 1 năm 2021. [Translated from Tibetan by Hong Nhu Thupten Munsel with precious help from the English translation by Thupten Jinpa (2021), entitled Recognizing My Mother: An Experiential Song on the View. First draft January 2021.

Mọi sai sót là của người dịch
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh

GHI CHÚ

[1] Tì bà sa bộ [Vaibhāṣika]

[2] Kinh lượng bộ [Sautrāntika]

[3] Duy thức tông [Vijñānavāda]

[4] Tam Trí Đông Ấn là ba vị luận sư Trung quán Y tự khởi  [Madhyamika Svātantrika], sống vào thế kỷ thứ 8 vùng Đông ấn, đó là đức Trí Tạng [Jana Garbha], đức Thiện Hải Tịch Hộ [Shantaraksita] và đức Liên Hoa Giới [Kamalashila].

[5] Sakya

[6] Nyingma

[7] Karma – thuộc dòng Kagyu

[8] Drukpa – thuộc dòng Kagyu

[9] vidyādhara yogis