Gedun Rinpoche: HẠNH PHÚC Cần Chi Đau Đáu Trông Tìm

Tác giả: Đại Sư Drakpu Gedun Rinpoche
Việt ngữ: Hồng Như

Hạnh phúc đâu thể tìm
Bằng nỗ lực, ý chí,
Vốn đã sẵn cạnh bên
Trong an nhiên, buông xả

Con ơi đừng vất vả
Không cần làm gì cả

Những điều hiện trong tâm
Nào có quan trọng gì.
Không mảy may thật có
Dây vướng vào làm chi

Cũng chẳng cần phê phán
Để trò chơi tự diễn
Tự nhồi lên, dập xuống
Vẫn có khác gì đâu
Rồi sẽ tan biến hết
Sẽ mới lại từ đầu
Không bao giờ kết thúc

Vì cứ mãi tìm cầu
Nên không thể nào gặp
Rượt đuổi ánh cầu vồng
Làm sao mà nắm bắt

Là vì không thật có
Nên luôn ở cạnh ta
Chưa bao giờ lìa xa

Những kinh nghiệm trải qua
Dù an vui hung hiểm
Con ơi, đừng tin vào
Chỉ như cầu vồng hiện

Tại sao muốn nắm bắt
Điều không thể nắm bắt
Để hao mòn kiệt quệ
Nào được lợi ích chi

Chỉ cần tâm buông ra
Là không gian bao la
Luôn rộng mở đón mời

Con ơi hãy tận hưởng
Vốn đã là của ta
Hãy thôi, đừng tìm kiếm
Đừng lặn lội rừng sâu
Tìm voi, voi đang vẫn
Ung dung đợi ở nhà

Đâu có gì để làm
Đâu cần gì cố gắng
Đâu việc gì phải mong
Muôn sự tự nhiên thành.//.




Gedun Rinpoche: NHƯ NGỌN LỬA LỚN

 Tác Giả: Đại Sư Drakpu – Gendun Rinpoche
Việt ngữ: hồng như – bản dịch 2015.

Tâm đại thừa của bồ tát là ước nguyện khi tu có được bao nhiêu quả đều dành hết cho chúng sinh. Tu có tiến bộ được hay không là tùy ở mức độ rộng hẹp của ước nguyện này. Nếu ước nguyện của bồ tát thật sự khởi sinh trong tâm, pháp hành
của chúng ta  sẽ trở nên vô cùng rộng lớn, đạt kết quả lớn lao.

Bao giờ thật sự có được tâm vì chúng sinh, thật lòng muốn như vậy, tự nhiên chính tâm nguyện này sẽ trở thành cội rễ của niềm vui. Chúng ta sẽ luôn hoan hỉ, tràn đầy niềm hứng khởi và hăng hái muốn tu. Công phu hành trì không còn là chữ nghĩa đầu môi, mà thật sự mang ý nghĩa sâu xa, xuất phát từ niềm vui này.

Niềm vui đang nói đây là niềm vui gì ?

Là điều cho chúng ta thấy rằng đời sống này thật ra không vô vọng, cũng không tuyệt vọng. Đã đủ thiện duyên để gặp Phật Pháp, lại được quy y, thấy được tiềm năng của chính mình, đời sống của chúng ta nhờ đó trở nên tràn đầy ý nghĩa. Chúng ta tự nói với mình rằng, “tôi đã hiểu ý nghĩa của đời sống này, từ nay sẽ luôn dốc sức nỗ lực mang hạnh phúc về cho chúng sinh.” Niềm vui sẽ dấy lên sâu xa, cùng với nguồn nghị lực và khả năng vô biên, quyết tu cho đến khi đạt quả.

Chúng ta liên tục phát tâm như vậy, không để dây vướng vào những ý nghĩ tiêu cực như là “mình có đủ sức tu hay không?” “mình tu có sẽ được quả gì hay không?” Không còn hoài nghi về chính mình, việc tu trở thành việc tự nhiên, là thành tựu tự nhiên của niềm hoan hỉ trong tim.

Càng cảm thấy vui, chúng ta càng hiểu vui được là nhờ chánh pháp. Càng hiểu được như vậy, niềm vui lại càng lớn thêm, cho đến khi trở nên không còn giới hạn. Chúng ta bị niềm vui xâm chiếm, càng lúc càng rạng ngời tỏa sáng với nguồn ánh sáng nội tại quét tan mê chướng, quét tan mọi thói quen bấn loạn, mọi ác nghiệp đã gieo. Công phu hành trì trở nên dễ dàng, tự nhiên và tự khởi. Chúng ta không cần ép mình, cũng không cần cố gắng, công phu tu tập sẽ phát triển một cách tự nhiên không dụng công, nhờ vào sức mạnh của niềm vui này, như trận lửa lớn, càng lúc càng lan rộng, không thể kiềm chế, thiêu rụi mọi ác nghiệp, mọi phiền não khổ đau. Không còn chỗ để mà buồn phiền, giải đãi, hoài nghi, hay tự vấn, ngược lại chỉ còn lòng tự tín và tín tâm, càng lúc càng tăng. Nguồn ánh sáng nội tại này phá tan mọi thói quen bất thiện, mọi khuynh hướng tiêu cực và mọi hoài nghi. Việc muốn tu trở thành điều hiển nhiên, vô cùng tự nhiên.

Tại sao khi tu, chúng ta luôn cảm thấy nặng nề, thân thể trì trệ, đầu râm rang nhức, không làm sao có thể tu? Tại sao chúng ta luôn có cảm giác tu là thứ gì quá khó, không thể làm nổi?

Là vì tâm của chúng ta đầy cả tham, sân và si, luôn kéo chúng ta rơi về lại với chính mình. Chúng ta bị cầm tù. Chúng ta luôn căng thẳng, không ngừng chất vấn về bản thân và về khả năng tu của chính mình. Chúng ta tự cho rằng mình sẽ không làm sao có thể có được tâm hướng đạo sư chân chính, chỉ vì chúng ta không ngừng tự nói với mình rằng, “tôi phải là người tốt,” “tôi phải làm được,” bận tâm cho cái tôi đến mức dù một câu chú cũng không tài nào đọc nổi. Chúng ta bị tê liệt vì hình tượng của chính mình, và vì nỗi bận tâm muốn chứng minh mình là ai.

Thái độ bám dính vào cái tôi này chính là cội nguồn của mọi khó khăn, mọi vấn đề. Chúng ta bị xâu xé giữa hai cực mâu thuẫn, kẹt cứng trong nỗi bận tâm muốn sống cho tốt, muốn làm người tốt, đến nỗi chính điều này lại ngăn cản không cho chúng ta tự sửa mình. Buông bỏ thứ muốn này đi thì khó khăn mất hết, chúng ta sẽ tiến tới một cách tự nhiên.

Trong đời sống hàng ngày, khi cần thực hiện mục tiêu mà chúng ta tin tưởng và khao khát thì việc gì cũng làm được, thừa sức vượt qua mọi khó khăn không hề thoái chí. Nhưng khi bước vào đường tu thì chúng ta lại cảm thấy quá khó. Chúng ta giận dữ. Chúng ta bực bội, không vừa lòng. Là vì sao? Vì chúng ta chưa thật sự muốn tu. Vì chúng ta chưa có được tâm nguyện thật sự hướng về quả giác ngộ.

Nếu chúng ta có thể hăng hái tu giống như hăng hái làm việc đời thì quả giác ngộ đã không ngoài tầm tay.