Tag Archives: phát tâm

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ Cùng Đức Đalai Lama XIV

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ – CÙNG THÁNH ĐỨC ĐALAI LAMA XIV

English: https://youtu.be/b7u05-Qjq50
Tiếng Việt: https://youtu.be/xhEVpLNGMjU
Đánh máy, nhuận văn, dịch các bài tụng niệm trích dẫn: Hồng Như Thupten Munsel
 
Hạ Tải PDF: <PDF tiếng Việt>

Điều kiện hành trì: Đức Đalai Lama XIV dạy tất cả mọi người, bất kể thuộc tôn giáo nào, đều có thể hành trì theo nghi thức ở đây. 

THÁNH ĐỨC ĐALAI LAMA XIV

Ghi chú của hongnhu-archives: Ngày 5 tháng 6 năm 2020, Đức Đalai Lama XIV vô vàn từ hòa đã cùng mọi người phát tâm bồ đề, và nói rằng nếu mọi người thiết tha với pháp này thì trong 15-20 năm tới, Ngài vẫn sẽ còn đây để cùng mọi người phát tâm vào dịp Phật đản. Vì duyên lành lớn lao như vậy, xin chép lại nghi thức và bài giảng của ngày hôm ấy để tạo điều kiện cho bản thân và mọi người thường xuyên đọc tụng, làm mới lại tâm nguyện của mình, mong hàng năm có đủ thuận duyên để cùng Ngài phát tâm.

LỜI GIẢNG CỦA ĐỨC ĐALAI LAMA: Ý NGHĨA CỦA SỰ PHÁT TÂM

Hôm nay là Phật đản, kỷ niệm ngày đức Phật thành đạo cũng là ngày Phật nhập niết bàn, nhằm ngày 15 tháng 4 Tạng lịch. Vào dịp cát tường này, là Phật tử, chúng ta hãy nên nỗ lực noi theo công hạnh thân, khẩu và ý của Phật, đặc biệt là ý.

Đức Phật vì lòng từ bi đã tìm xem có cách nào giúp chúng sinh loại trừ phiền não, trí tuệ tạp nhiễm. Đức Long Thọ kết thúc Căn Bản Trung Quán Luận bằng bài kệ tán dương đức Phật Thích Ca như sau:

Vì thôi thúc bởi / tấm lòng từ bi
Phật đã thuyết cho / diệu pháp này đây
Để giúp đoạn trừ / hết thảy tri kiến,
Trước đức Cồ Đàm / con xin đảnh lễ.

Bài kệ này dạy rằng chúng ta cần phải đoạn diệt vô minh hiểu sai về thực tại bằng cách khai mở trí tuệ chứng biết chân thực tại đúng như sự thật. Ngài Nguyệt Xứng mở đầu Nhập Trung Quán Luận với câu kệ như sau:

Thanh văn, duyên giác / từ Phật mà có,
Phật thì lại từ / bồ tát sanh ra,
Tâm đại bi và / trí bất nhị và
Tâm bồ đề, là / nhân sanh bồ tát.

Vì thế đối với / vụ mùa tuyệt hảo / của quả vị Phật
Tâm Từ Bi vừa / là hạt giống, vừa / là nước ươm lớn
Vừa là trái ngọt / hưởng thụ lâu dài
Nên tôi trước hết / xưng tán đại bi.

Muốn đền trả ơn Phật, quan trọng nhất là phải quán niệm về tâm bồ đề, là tâm đại bi phối hợp với trí tuệ chứng tánh không. Hướng Phật quả bằng trí tuệ, hướng chúng sinh bằng đại bi, thường xuyên tư duy suy nghĩ về điều này. Được như vậy quý vị sẽ là đệ tử xứng đáng nhất của Phật, và sẽ có thể đáp đền ơn sâu của Phật.

Nhân ngày Phật đản này, quý vị ở nhiều nơi có thể là đang chuẩn bị nhiều pháp lễ khác nhau để cúng dường tôn kính Phật, nhưng theo tôi nghĩ, không có cách nào đền trả ơn Phật thù thắng hơn là cùng ngồi lại với nhau để phát tâm bồ đề. Vậy quý vị bất kể ở đâu, thuộc truyền thống tôn giáo nào, nghe được giọng nói của tôi thì, nhất là cho những người đang tu theo giáo pháp của Phật, nhân ngày cát tường này, chúng ta hãy cùng nhau khéo nhớ nghĩ đến tâm bồ đề.

Để làm việc này, hãy tưởng tượng trước mặt là đức Phật Thích ca,  thật sự đang có mặt. Chúng ta hãy cùng nhau đối trước đức Phật để phát tâm bồ đề. Không phải là tôi làm lễ cho quý vị phát tâm, đọc trước cho quý vị lặp lại, không phải như vậy. Chúng ta sẽ cùng nhau phát tâm. Tôi là một tỷ kheo, ngoài điểm này ra, tôi với quý vị đều giống như nhau. Chúng ta hãy cùng nhau phát tâm bồ đề trong tinh thần như vậy.

Trước tiên là Bảy hạnh Phổ hiền. Hãy tưởng tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni thật sự hiện diện chứng minh, xung quanh có đức Long Thọ cùng 17 vị Hiền Thánh Na-lan-đà đều đang có mặt đầy đủ.  Nói về 17 vị Hiền thánh Na-lan-đà, tác phẩm của chư vị vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay, chúng ta vẫn có thể học, tư duy nghĩa lý, rồi chứng ngộ được giáo pháp chư vị dạy. Vì thế, phẩm cúng dường xứng đáng nhất có thể dâng hiến đó là siêng năng học và tư duy phân tích cho đến khi giáo pháp ấy thấm nhuần vào trong dòng tâm thức của mình.

 Quý vị hãy tưởng tượng trước mặt mình có đức Phật Thích Ca, xung quanh là đức Long Thọ cùng chư trưởng tử như đức Nguyệt xứng vân vân. Rồi có đức Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi của khắp chư Phật; đức Văn Thù, hiện thân của trí tuệ của khắp chư Phật; đức Tara, hiện thân của thiện hạnh giác ngộ của khắp chư Phật; rồi đức Di lạc, đức Địa Tạng vân vân. Hãy quán tưởng chư Phật đà bồ-tát đang hiện diện chứng minh ở phía trước mặt.

Như Lama Tsongkhapa nói trong Xưng Tán Duyên Khởi:

  1. Theo gót đấng bổn sư / tôi xuất gia thanh tịnh,
    Tu học lời Phật dạy / không để cho kém cỏi.
    Tỷ kheo này cố gắng / tu tập hạnh du già
    Để tỏ lòng tôn kính / bậc Đại Chân Thật giả.

Vậy hãy nhớ nghĩ đến chánh pháp Phật dạy, sao cho tâm ngập tràn cảm xúc, nước mắt tuôn trào, lông tóc dựng đứng, rồi với cảm xúc mãnh liệt như vậy, đọc tụng Bảy Hạnh Phổ Hiền.

BÀI TỤNG 1: BẢY HẠNH PHỔ HIỀN

Trích Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương, câu kệ từ 1 đến 12

Đệ tử kính lễ Bồ Tát Văn Thù Đồng Tử.

 (1) Hết thảy chư Phật / trong ba thời gian /
là bậc sư tử / trong cõi con người
tại các thế giới / khắp cả mười phương
tôi vận dụng đủ / ba nghiệp trong sạch
kính lạy khắp cả / không có thiếu sót.

(2) Năng lực uy thần / của hạnh phổ hiền
làm tôi hiện khắp / trước chư Như lai,
Một thân tôi hiện / thân như cực vi
lạy khắp chư Phật / cũng như cực vi.

(3) Trong một cực vi / có chư Phật đà / nhiều bằng cực vi,
và đều ở trong / chúng hội Bồ tát;
cực vi tất cả / pháp giới vô tận / cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật / thật sâu và đầy.

(4) Nên biển âm thanh / tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận / lời chữ nhiệm mầu,
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai
tán dương biển cả / công đức của Phật.

5) Tôi đem vòng hoa / tốt đẹp hơn hết,
âm nhạc, hương xoa, / tàn lọng, bảo cái,
đèn, hương, phẩm vật / hơn hết như vậy,
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

(6) Y phục hơn hết, / hương liệu hơn hết,
hương bột, hương đốt, / cùng với đèn đuốc,
tất cả đều như / diệu cao núi lớn (núi tu di),
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

(7) Tôi đem cái biết / cao rộng hơn hết
tin tưởng sâu xa / tam thế chư Phật,
vận dụng sức mạnh / hạnh nguyện phổ hiền
mà khắp hiến cúng / chư vị Như lai.

(8) Bao nhiêu nghiệp dữ / xưa kia tôi làm,
đều bởi vô thỉ / những tham sân si,
động thân ngữ ý / mà phát sinh ra,
ngày nay tôi nguyện / sám hối tất cả.

(9) Mười phương hết thảy / các loại chúng sinh,
cùng với các vị / Thanh văn, Duyên giác, / tu học tiếp tục,
tu học hoàn tất, / tất cả Như lai, / cùng với Bồ tát,
công đức có gì / tôi tùy hỷ cả.

(10) Mười phương đâu có / ngọn đèn thế giới
khi mới thành tựu / tuệ giác vô thượng,
tôi xin thỉnh cầu / tất cả các Ngài
chuyển đẩy bánh xe / diệu pháp vô thượng.

(11) Chư vị Như lai / muốn hiện niết bàn,
thì tôi chí thành / thỉnh cầu các Ngài
sống với đời kiếp / nhiều như cực vi,
để làm lợi lạc / hết thảy chúng sinh.

(12) Lạy Phật, khen Phật, / và hiến cúng Phật,
xin Phật ở đời / và chuyển Pháp luân,
tùy hỷ sám hối / bao thiện căn ấy
tôi đem hồi hướng / nguyện thành trí Phật.

LỜI GIẢNG CỦA ĐỨC ĐALAI LAMA: CẦN PHỐI HỢP VỚI TÁNH KHÔNG  (tiếp theo)

Như lúc nãy đã nói, Đức Phật trước tiên phát tâm bồ đề, khởi tâm nguyện vì chúng sinh nên cầu vô thượng giác. Do đại bi thúc đẩy, Phật khai mở trí tuệ chứng tánh không duyên khởi, rồi trải qua ba lần vô lượng kiếp tích lũy tư lương phước trí. Trong kiếp này đức Phật xuất gia, tu sáu năm khổ hạnh rừng già, rồi cuối cùng thị hiện thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, vào một buổi sớm mai.

Nếu đã tích lũy đầy đủ mọi công đức qua ba lần vô lượng kiếp, vậy tại sao Phật còn phải tu sáu năm khổ hạnh rừng già? Đó là vì Phật muốn thị hiện cho chúng ta thấy rằng muốn tiêu trừ phiền não chướng và trí chướng [tập khí của phiền não] thì phải lấy trí tuệ chứng tánh không làm thuốc đối trị. Trí tuệ chứng tánh không này được gọi là “trí tuệ chứng tánh không đầy đủ mọi đặc tính,” có nghĩa là phải được phối hợp cùng với tâm bồ đề.

Muốn được như Phật thì phải bước theo con đường Phật đi: hiểu lý duyên sinh, khai tuệ giác tánh không phối hợp với tâm bồ đề. Vậy mỗi năm cứ vào mùa Phật đản, nếu chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau phát tâm bồ đề như ngày hôm nay thì thật là một điều lành. Ở các tu viện lớn như Drepung, Sera, nếu quý vị có thể tổ chức lễ phát tâm bồ đề hàng năm làm truyền thống, thì đương nhiên là tôi trong vòng 15 năm, 20 năm tới, hay nhiều hơn, sẽ vẫn còn ở đây đồng hành cùng quý vị. Vậy nếu quý vị duy trì pháp lễ này đều đặn mỗi năm, tôi nghĩ sẽ là điều rất tốt.

Bây giờ ta hãy cùng nhau đọc câu Quy Y Tam Bảo.

BÀI TỤNG 2: QUY Y

Nơi Phật, nơi Pháp, cùng Tăng tôn quý
Cho đến bồ đề / xin về quy y
Nhờ công đức tu / sáu hạnh toàn hảo
Nguyện vì chúng sinh / viên thành Phật đạo (3 lần)

LỜI GIẢNG CỦA ĐỨC ĐALAI LAMA: CẦN PHỤNG SỰ CHÚNG SINH

Tiếp theo là câu kệ Phát Tâm Bồ Đề. Phát tâm với mục đích làm lợi cho khắp chúng sinh, nên uy lực rất lớn. Như câu kệ có nói, muốn lợi ích cho bản thân thì phải phát tâm bồ đề; muốn lợi ích cho người khác cũng phải phát tâm bồ đề; muốn được hạnh phúc khỏe mạnh, cũng phát tâm bồ đề; muốn bước vào các chứng địa chứng đạo, cũng phải phát tâm bồ đề. Đức Phật thành Phật được  là nhờ tu tâm bồ đề. Vậy khi nghĩ đến tâm bồ đề là nhớ đến Phật, sao cho nước mắt tuôn trào, lông tóc dựng đứng. Đức Phật gia lực và truyền cảm hứng cho chúng ta, vì Phật đã phát tâm bồ đề.

Hết thảy mọi thành tựu nhất thời hay vĩnh cữu có thể có được đều đến từ tâm bồ đề. Thành ra tôi hay nói rằng nếu muốn sống ích kỷ thì hãy nên ích kỷ một cách thông minh. Tâm bồ đề là phương pháp sống ích kỷ thông minh bậc nhất, là vì nhờ vào đó, bản thân và mọi người xung quanh đều sẽ được an vui hạnh phúc. Đối xử tốt với người khác, tự nhiên sẽ có nhiều bạn hơn. Còn nếu giữ tâm lý thiển cận chỉ biết lo cho chính mình thì bản thân mình cũng sẽ không vui, lúc nào cũng phải nhìn xuôi nhìn ngược, không tin được ai, nên cũng chẳng ai tin nơi mình. Có tiền có địa vị thì họa may được nhiều người bu lại tâng bốc, nhưng chỉ là ngoài mặt, họ không thật sự quý trọng mình. Còn nếu có được tâm lợi tha, cho dù có Phật pháp hay không, đến cả thú vật cũng yêu mến. Có tâm vị tha kèm với trí tuệ chứng chân thực tại, quý vị sẽ có khả năng thành tựu được tất cả mọi mục tiêu trước mắt và lâu dài về sau.

Tâm bồ đề này không phải chỉ là cái tâm lương thiện, mà là thái độ muốn độ chính mình và tất cả chúng sinh không chừa sót một ai. Như trong bài kệ phát tâm có nói, “vì tự lợi, lợi tha, nguyện phát tâm bồ đề.” Rồi lại nói “phát tâm bồ đề rồi, nguyện mời hết chúng sinh về đây làm khách quý.” Quý vị thật sự mời hết chúng sinh về dự tiệc. Lấy ví dụ quý vị mời khách đến nhà dự tiệc nhưng đến khách đến thì lại chỉ cho uống trà suông, làm vậy không được hay cho lắm. Để tiếp đãi cho khách vui lòng, thực tiễn nhất là vận dụng thiện hạnh giác ngộ tối thượng để phụng sự chúng sinh. Chúng sinh cùng tận không gian ai cũng muốn an vui, không ai muốn khổ, vậy chúng ta hãy phát nguyện cùng tận không gian sẽ luôn phụng sự chúng sinh. Như tôn giả Tịch Thiên từng nói:

X.55
Không gian chưa cùng
Chúng sinh chưa tận
Nguyện tôi còn vẫn, ở lại chốn này
Quét khổ thế gian.

Mỗi ngày tôi đều niệm câu này.

Như đã nói, để có thể ích kỷ một cách thông minh, quý vị cần tu phát tâm bồ đề. Tôn giả Tịch Thiên nói rằng:

VIII.129.
Hết thảy hạnh phúc / trong cõi thế gian
Đến từ nơi tâm / cầu lợi cho người.
Hết thảy khổ nạn / trong cõi thế gian
Đến từ ham muốn / thủ lợi riêng mình.

Và ngài nói tiếp như sau

VIII.130.   Phàm phu ấu trĩ / thủ lợi riêng mình, / Còn chư Phật đà / luôn vì lợi tha. / Khác biệt ra sao / Có cần phải nói?

VII.30.      Bồ tát cưỡi trên / lưng ngựa bồ đề, / biến tan mỏi mệt.
Từ cảnh vui này / vào cảnh vui khác, / làm sao có thể / thoái chí nản lòng?

VIII.131.
Không đổi vui mình / để lấy khổ người, / thì vô thượng giác / sẽ không thể đạt,
trôi trong sinh tử / không chút niềm vui.

Lời dạy rất cô đọng.

Ngày hôm nay, chúng ta đã gặp được giáo pháp của đức Phật, đặc biệt là lời hướng dẫn cách tu phát tâm bồ đề, nhờ đó chúng ta sẽ có cơ hội phụng sự chúng sinh một cách chân chính. Vì không có gì vĩ đại hơn là sống vì người khác bằng cách tu phát tâm bồ đề.

BÀI TỤNG 3: NGUYỆN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Nguyện quy y Tam bảo;
Nguyện sám hối nghiệp chướng;
Nguyện tùy hỉ công đức / của khắp cả chúng sinh ;
Nguyện gìn giữ trong tâm / bồ đề của chư Phật.

Con xin về quy y / nơi Phật, Pháp và Tăng
Cho đến khi giác ngộ.
Vì tự lợi, lợi tha
Nguyện phát tâm bồ đề

Phát tâm bồ đề rồi
Nguyện mời hết chúng sinh / về đây làm khách quý.
Hạnh bồ tát siêu việt / nguyện sẽ luôn hành trì.
Vì hết thảy chúng sinh / nguyện viên thành Phật đạo. (3 lần)

LỜI GIẢNG CỦA ĐỨC ĐALAI LAMA: LÀM SAO PHÁT TÂM ?

Như Nhập Bồ Đề Hạnh Luận có nói:

III.30.        Đây là thuốc thần / chữa mọi ác bệnh,
Của khắp chúng sinh / trôi lăn sinh tử;
Là gốc đại thụ / cho chúng hữu tình
Trên đường trôi lạc / ghé đến nghỉ chân;

Nếu quý vị có được chí nguyện muốn gánh vác chúng sinh, thì dù thân vẫn còn bị ràng buộc trong sinh tử, nhưng tâm hướng bồ đề nên cảm nhận được sự an vui cõi niết bàn. Vì vậy mà nói tâm bồ đề này là cây đại thụ tỏa bóng mát cho khách trần trên bước đường sinh tử. Thân tuy vẫn bị nghiệp và phiền não ràng buộc, nhưng tâm hưởng được bóng mát của tâm bồ đề.

III.31.        là chiếc cầu chung / đưa khắp chúng sinh / vượt thoát khổ nạn / ác đạo luân hồi; / là trăng ngời sáng / giữa nền trời tâm, / xoa dịu cơn đau / rát bỏng phiền não;

III.32.        và cũng chính là / mặt trời chiếu sáng, / quét sạch màn sương / mê muội vô minh; / là bơ kết tinh / trên sữa diệu Pháp.

III.33.        Khách trần lang thang / trên đường sinh tử, / mong sao nếm thử / chút vị an vui, / thì đây là nguồn / an vui thắng diệu, / khách trần chắc chắn / sẽ rất hài lòng.

III.34.        Hôm nay đối trước / mọi nẻo qui y, / tôi mời chúng sinh / về làm khách quí, / hưởng an vui đến / vô thượng bồ đề. / Chư thiên, thiện thần, / cùng khắp mọi loài, / kính xin chư vị / tùy hỉ cho tôi.

Ngài còn nói

I.9              Chúng sinh khốn khổ / trôi lăn luân hồi / mà phát được tâm, / thì ngay lúc ấy / sẽ được gọi là / Như lai trưởng tử, / thành nơi xứng cho / trời, người hiến cúng.

Khi phát tâm bồ đề thì hết thảy các loài trời và người đều sẽ giúp cho, đều sẽ hoan hỉ. Vậy bây giờ ta hãy thử nhìn lại xem bồ đề ấy, làm cách nào đạt được?

Bản tâm của chúng ta vốn trong sáng. Phật đạt đại bồ đề thành Phật được là nhờ thích ứng với tâm chân như, với tánh sáng và tánh biết của tâm. Chúng ta tuy ở trong sinh tử luân hồi nhưng đều có Phật tánh, đều có tâm chân như sáng trong. Tâm chân như này vốn đã sẵn có, không cần phải đi tìm ở nơi nào khác.

Tâm chân như của chúng ta so với tâm chân như của Phật không khác, chỉ là chúng ta thì bị nhiễm tâm che chướng, nhưng nhiễm tâm này không phải là bản chất của chân như, chỉ là hiện tượng sinh diệt do duyên hợp giả tạm của tà kiến mà có. Do vô minh biết sai về thực tại nên phiền não phát sinh, phiền não này không có khả năng làm nhiễm ô tâm thức. Vì lý do đó, nếu áp dụng thuốc đối trị thì mọi nhiễm tâm phiền não, cùng với tập khí của phiền não trong tâm thức đều có thể tận diệt không còn sót lại chút gì. Chúng ta có khả năng chứng đắc những phẩm tính như đức Phật, là vì mọi uy lực và uy năng của Phật đều sẵn có trong tâm của chúng ta.

Vì vậy những gì nói trong Đại Thừa Tối Thượng Tục Luận rất quan trọng. Hiện Quán Trang Nghiêm Luận cũng có dạy con đường dẫn đến giác ngộ, giảng về nhị đế, là bản chất của đường tu. Rồi để giải thích về nhị đế nên giảng về tứ đế, về Tam bảo. Cũng như đức Long thọ đã nói, giáo pháp của đức Phật là chân đế và tục đế.

Vậy giáo pháp này của Phật nếu chỉ cầu nguyện thôi là không đủ. Làm thiện bằng thân và khẩu là điều mọi truyền thống tôn giáo đều có, nhưng giáo pháp của đức Phật chủ yếu là làm thiện bằng cái tâm. Mật thừa nói tâm thức có nhiều mức độ vi tế khác nhau, có tâm thô, tâm vi tế, và tâm tối vi tế, cần vận dụng để bước trên các chứng địa và chứng đạo, đây là những điểm rất đặc thù. Nên chúng ta tri ân Phật pháp các bậc đạo sư, các bậc thánh hiền, bất phân bộ phái, đã hoằng dương Phật pháp đến Tây tạng, với các bộ phái Sakya, Nyingma, Kagyu, Gelug v.v… nhờ vậy ngày hôm nay chúng ta mới có được đầy đủ trọn vẹn giáo pháp Phật dạy, tiểu thừa, đại thừa hiển tông, đại thừa mật tông. Cơ duyên hiếm hoi đầy đủ như vậy, nếu bây giờ không lo thực hành thì đợi đến lúc nào mới thực hành. Bây giờ mà không thực hành, sẽ khó lòng có cơ hội gặp lại Phật pháp. Như chư đạo sư Kadampa và các bậc đạo sư Tây tạng khác đã nói,

Nhờ phước báu đời trước
Nay có được kiếp người
Nguyện không tự đẩy mình
Vào vực thẳm ác đạo.

Chúng ta có được thân nguời quý giá, có cơ hội văn tư tu giáo pháp Phật dạy, quý vị tỷ kheo nếu không thận trọng thì sẽ rơi vào vực thẳm của ác đạo. Nên tất cả chúng ta hãy hết sức thận trọng, nỗ lực thực hành. Như đức Tsongkhapa có nói:

Nhờ đó tâm xác quyết
Tin tưởng đấng đạo sư.
Nguyện trì pháp Mâu ni
Sáng soi lý duyên khởi,
Mọi đời kiếp về sau
Xả bỏ cả thân mạng,
Không bao giờ xao lãng
Dù chỉ thoáng chốc thôi.
[Xưng Tán Duyên Khởi, câu kệ 55d., 56abcd.]

Nhân dịp Phật đản, tôi làm lễ phát tâm bồ đề là để khuyến khích thúc dục quý vị hành trì Phật pháp. Nếu quý vị có thể tu theo như vậy, trong vòng 20 năm tới tôi vẫn sẽ còn đây, cứ mỗi dịp rằm tháng 4, chúng ta lại cùng nhau phát tâm bồ đề. Nhớ nghĩ đến tánh không trước, rồi phát tâm bồ đề.

BÀI TỤNG 4: CHO BỒ ĐỀ TÂM TĂNG TRƯỞNG

Xin bồ đề tâm / vô vàn trân quý
Nơi nào chưa có / nguyện cho phát sinh
Nơi nào đã sinh / nguyện không thoái chuyển
Vĩnh viễn tăng trưởng / không bao giờ ngừng.

Tri kiến tánh không / vô vàn trân quý
Nơi nào chưa có / nguyện cho phát sinh
Nơi nào đã sinh / nguyện không thoái chuyển
Vĩnh viễn tăng trưởng / không bao giờ ngừng.

BÀI TỤNG 6: NGUYỆN GIÁO PHÁP HƯNG THỊNH - Từ Lời của Phật

Phật Tỳ Bà Thi ; Thi Khí ; Tỳ Xá Phù ;
Câu Lưu Tôn ; Câu Na Hàm Mâu Ni ; Ca Diếp ;
Và đức Phật Thích Ca Mâu Ni—Cồ Đàm, trên cả loài trời,
Trước bảy đức Phật đại hùng: con xin kính lễ.

Nhờ xưa kia con vì lợi chúng sinh
Bao nhiêu khổ đau con đều gánh trọn,
Hạnh phúc của mình con từ bỏ hết,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ xưa kia con cứu giúp kẻ bệnh,
Thân mạng của mình con thí xả hết ,
Che chở những ai bần cùng, nguy khốn,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con thí xả con trai, con gái,
Vợ, tài sản, cùng xe ngựa và voi
Là để tìm cầu bồ đề trân quý,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con cúng dường hết thảy chư Phật,
Độc giác, thanh văn, cùng với mẹ cha,
Cúng dường các bậc đại-chân-thật-giả
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Trải qua biết bao muôn ngàn đại kiếp,
Gánh chịu đủ loại khổ não lớn lao,
Chỉ để mong nghe được pháp giác ngộ,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con thọ trì nghiêm tu giới luật,
Hạnh đầu đà con thường vẫn tuân theo,
Nhờ con cúng dường khắp mười phương Phật,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ khi xưa con vẫn thường tinh tấn,
Luôn vững vàng thắng quấy nhiễu bên ngoài
Để khắp chúng sinh con đều độ thoát
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con không ngừng thực hành hạnh nhẫn,
Thường luôn kiên nhẫn với người làm ác,
Họ bị ô trược phiền não quấy động,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ có hằng sa chánh định, giải thoát,
Định vô sắc và đại định tam muội,
Nương vào sức mạnh định lực của con
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con khi xưa vì cầu trí tuệ,
Vào tận rừng sâu tu hạnh đầu đà,
Thuyết giảng cho người vô số giáo pháp,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ có lòng từ, cho cả máu thịt,
Đến cả tánh mạng con cũng cho ra,
Hay là chân tay, bộ phận thân thể,
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Nhờ con khi xưa, chúng sinh xấu ác
Con dùng tâm từ khiến họ thuần thục
Rồi dẫn họ vào với ba cỗ xe
Nguyện cho pháp thí lan xa hưng thịnh.

Nhờ xưa con dùng phương tiện trí tuệ
Để cứu chúng sinh thoát mọi ác kiến
Rồi dẫn dắt họ vào với chánh kiến,
Nguyện cho chánh pháp tăng trưởng toàn diện.

Nhờ con vận dụng cả bốn nhiếp pháp
Để độ chúng sinh thoát lửa phiền não,
Chận cho tiêu tan đà tăng ác hạnh
Nguyện người quanh con an trú lâu dài.

Nhờ độ ngoại đạo, cùng mọi người khác
Vượt thoát ra khỏi dòng nước tri kiến
Đưa họ vào với tri kiến thanh tịnh,
Nguyện người quanh con giữ lòng thâm tín
Nguyện cho chánh pháp chói rạng dài lâu.

Và đọc thêm câu này:

Chánh pháp đấng Pháp Vương / Lama Tông Khách Ba
Nguyện luôn luôn hưng thịnh ;
Mọi tướng hiện ma chướng / nguyện đều được tịnh yên ;
Nguyện thuận cảnh thuận duyên / đều luôn luôn đầy đủ.

Xin nương khắp ba thời / tư lương phước và tuệ
Của con cùng chúng sinh
Nguyện cho giáo pháp của / đức Losang Dragpa,
Chói sáng thật lâu dài.

BÀI TỤNG 7:LAM - RIM THI NGUYỆN HỒI HƯỚNG CUỐI

Bấy lâu gắng tu / được nhị lương này
Rộng như trời rộng, / xin gom hết thảy,
Vì để dắt dìu / những ai mắt tuệ / khuất vì vô minh
Nên con nguyện xin / thành Phật dẫn đường.

Khi chưa được vậy / nguyện mọi kiếp sau
được đức Mạn thù / thương yêu gìn giữ,
trọn vẹn thắng pháp / trình tự đạo giác,
nguyện gặp và tu / khiến Phật đẹp lòng

Chứng đúng như thật, cốt lõi đường tu
lấy lực đại từ / làm thiện phương tiện
quét sạch bóng tối / trong tâm hữu tình
giữ cho Pháp Phật / tồn tại dài lâu.

Thắng Pháp quý giá / phương nào chưa thịnh,
hoặc là đã thịnh / nhưng rồi đã suy
Nguyện lấy đại bi / rung động lòng người
khai mở rạng ngời / kho tàng phúc lạc

Nương hạnh nhiệm mầu / của Phật, Bồ tát
cùng với trình tự / đường tu giác ngộ
nguyện làm rực rỡ / tâm người cầu thoát,
huân dưỡng lâu dài / thiện hạnh Thế tôn.

Nguyện làm thuận duyên / cho pháp lành này
nghịch duyên quét hết, / loài nhân,  phi nhân
mọi đời kiếp sau / không bao giờ lìa
đường tu trong sáng / mà Phật tán dương.

Nguyện cho bao giờ / ở nơi thắng thừa
thuận theo thập thiện / hành trì tinh tấn,
sẽ luôn được chư / Đại lực nâng đỡ,
biển rộng cát tường / tràn khắp mọi nơi.

BÀI TỤNG 8: CHÂN NGỮ TỤNG

༄༅། །བདེན་གསོལ་སྨོན་ཚིག །The Prayer Of The Words Of Truth,  by HH the Dalai Lama XIV

Nam mô Tam Bảo

Chư vị ngự trị / biển cả tánh đức  / vô lượng rạng ngời,
Chăm sóc chúng sinh / như chăm con một,
Nguyện chư Thiện Thệ, / bồ tát, đệ tử / ở khắp ba thời
Lắng nghe cho lời / ta thán chân thật / của chúng con đây.

Chánh pháp Phật dạy / vốn đủ khả năng /
xóa mọi khổ nạn / luân hồi niết bàn,
Nguyện giáo pháp này / lan xa hưng thịnh, /
khắp cõi Diêm Phù, / mang nguồn lợi lạc / đến cho khắp cả,
Nguyện bậc trí giả, / bậc thành tựu giả / chấp trì chánh pháp
Cho mười pháp hạnh / được luôn tăng trưởng.

Vì chìm ngập trong / nghiệp dữ bất tận
Chúng sinh triền miên / chịu khổ không ngớt
Nguyện cho tật dịch / chiến tranh, nạn đói / sợ hãi khó kham
Đều được tịnh yên, / lắng dịu nhờ vào / biển rộng hỉ lạc.

Đặc biệt cho người / tín tâm xứ Tuyết
Bị quân man rợ / tàn nhẫn bức bách
Máu và nước mắt / đổ xuống thành dòng
Nguyện dòng sông này / sớm ngày ngưng chảy /
nhờ vào sức mạnh / của lòng từ bi.

Là vì họ bị / tà ma phiền não / làm cho nổi điên
Nên gây họa lớn / cho mình và người. /
Với người như vậy / phải mở lòng thương,
Nguyện cầu cho họ / có được chánh kiến /
biết điều cần lấy / và điều cần bỏ,
Trở thành bạn hiền / của lòng từ ái.

Đã bao lâu rồi / lòng tôi vẫn mong
Cho xứ Tây tạng / hưởng được tự do / với nền tự trị
Nguyện mau thành tựu, / việc đạo, việc đời [tôn giáo, chính trị] /
hài hòa phối hợp
Cho tôi sớm được / cùng với mọi người / mở tiệc mừng vui.

Nguyện bậc tu chứng, / vì giữ chánh pháp, /
văn hóa, truyền thống,
Mà phải hy sinh / thân mạng, tài sản,
Gánh chịu muôn vàn / khổ nhục đớn đau,
Nguyện cho chư vị / được đấng Pháp Vương /
điện Phổ Đà La / thương yêu bảo vệ.

Tóm lại, nguyện cho / đức Quan Thế Âm
Đối trước chư Phật / cùng chư bồ tát
Vì xứ Tây tạng / đã nguyện những gì
Nguyện cho quả lành / quảng đại nguyện ấy /
bây giờ ở đây / tức thì thành tựu.

Nương vào năng lực / của lý duyên khởi /
thâm sâu pháp tánh /  tướng hiện, tánh không ;
Nương vào năng lực / Tam bảo từ bi, /
Nương vào năng lực / tiếng lời chân thật,
Nương vào sức mạnh  / nhân quả không sai,
Nguyện chân ngữ này / sớm ngày thành tựu /
không chút chướng ngại.

Tibetan & English : https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/fourteenth-dalai-lama/words-truth

HỒI HƯỚNG, NGHI THỨC TỰ CHỌN

[Theo nghi thức hồi hướng chùa Thầy Dawa ở Sydney]

དགེ་བ་འདི་ཡིས་མྱུར་དུ་བདག ། བླ་མ་སངས་རྒྱས་འགྲུབ་གྱུར་ནས ། །
Ge wa di yi n yur du dag / La ma sang gyä drub gyur nä
Nương công đức này / nguyện con mau chóng  / Thành tựu địa vị / đức Phật – Đạo Sư
འགྲོ་བ་ཅིག་ཀྱང་མ་ལུས་པ ། ། དེ་ཡི་ས་ལ་འགོད་པར་ཤོག །
Dro wa chig kyang ma lü pa / De yi sa la gö par shog
Để rồi phổ độ / cùng khắp chúng sinh / không sót một ai / vào quả vị này.
བྱང་ཆུབ་སེམས་མཆོག་རིན་པོ་ཆེ ། ། མ་སྐྱེད་པ་རྣམས་སྐྱེད་གྱུར་ཅིག །
Jang chub sem chog rin po che / Ma kye pa nam kye gyur chig
Nguyện bồ đề tâm / vô vàn trân quí / nơi nào chưa có / nguyện sẽ nảy sinh
སྐྱེད་པ་ཉམས་པར་མེད་པ་ཡང་། ། གོང་ནས་གོང་དུ་འཕེལ་བར་ཤོག །
Kye pa nyam pa me pa yang / Gong nä gong du phel war shog
nơi nào đã sinh / nguyện không thoái chuyển / luôn luôn tăng trưởng / không bao giờ ngừng.

Nguyện Đức Đalai Lama Trường Thọ

གངས་རིའི་ར་བའི་བསྐོར་བའི་ཞིང་ཁམས་འདིར ། །
Gang ri ra wä kor wäi zhing kham dir
Nơi miền núi tuyết vây quanh
ཕན་དང་བདེ་བ་མ་ལུས་འབྱུང་བའི་གནས ། །
Phän dang de wa ma lü jung wäi nä
Có suối nguồn của an lạc phúc lành
སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་བསྟན་འཛིན་རྒྱ་མཚོ་ཡི ། །
Chän rä zig wang tän dzin gya tsho yi
Là bậc tối thắng Quan Thế Âm Tenzin Gyatso
ཞབས་པད་སྲིད་མཐའི་བར་དུ་བརྟན་གྱུར་ཅིག །
Zhab pä si thäi bar du tän gyur chig
Kính xin Thầy ở lại cõi thế / cho đến khi tận diệt luân hồi.

Nguyện Lab Kyabgon Rinpoche Trường Thọ

Thub ten zen la men pey thu drug pa
Khi tsum yon ten pal yon tam pey zay
Gon mae dro nang chang dro lang po chay
Tri kee jet sun la ma shab ten shug
Uy nghi, an định, / đầy đủ tánh hạnh / thanh tịnh tuyệt hảo. / Thầy đã từng phát / đại nguyện chấp trì / chánh pháp chư Phật, / Hỡi đấng Pháp Vương / của mọi đạo sư, / bậc Thầy thông tuệ / của những đứa con / không chốn chở che / trên con đường tu / giải thoát, niết bàn, / xin Thầy trường thọ.

Kính Thỉnh Đức A Chi-Ma
– Achima Prayer

Jo rang shin-nae ne lha mo thu tsul chen
Gyal wae ten sung A-chi cho kyi drol
Jig rung khor khyi kor wai wang du ma
Ma lu cho pai nae dir sheg su sol
Jo! Đấng bổn tôn uy dũng / từ trú xứ tự nhiên / Bậc gìn giữ chánh pháp / A Ki Chô Ki Drô ma / Là đấng đầy thần uy / với kín ngợp tùy tùng / Xin giá lâm đạo tràng / trang nghiêm đầy cúng phẩm

Gyal wa kun khyi khyen tse tin-lay nam
Rab kar yi ong lha mo kur ten ne
Du sum gyal way tin lay gye dze ma
A chi cho kyi drol ma la chag tsal
Đấng bổn tôn sắc trắng / tướng hảo đẹp rạng ngời / Hiện thân hạnh, bi, trí,  / của chư Phật Thế Tôn / Hoằng dương hạnh giác ngộ / của mười phương Phật đà. / A Ki Chô Ki Drô Ma: / con chí thành đảnh lễ

Sha chen nga dang ye she du tsi nga
J’ang tok bar sum che pa le jung wai
Tam ze tor ma ri tar pung pa tang
Me rak du tsi kun sang chu pa’i tin
Năm chất thịt cùng với / năm trí giác cam lồ / Hiện ra từ thanh tịnh / thành tựu và rạng cháy / Torma chất như núi / biển mây phẩm Phổ Hiền / cam lồ cùng dược thảo / Nguyện kính dâng lên đấng / A Chi Chô Ki Drô Ma.

A chi cho kyi drol ma kyo la bul
gey shin je ne nal jyor dag chag gi
Lek tsok yar ngo da tar phel wa tang
Gal chen kun sol tun kyen ma lu dub
Xin hoan hỉ tiếp nhận / cho hết thảy thuận cảnh / Của hành giả chúng con / tăng như trăng độ rằm / Quét sạch mọi nghịch cảnh / tích lũy mọi thuận duyên.

Lhak sam dag  pe tsul dir tson pa na
Tsang dang wong po jig ten kyong wa ta
Cho kyi drol ma la sog sung mai tsog
Yel wa me par tag tu drog je shog./.
Với nỗ lực chân thành / với tấm lòng trong sáng / Cũng như là hai vị / Thiên Vương và Đế Thích / gìn giữ cõi thế này / Nguyện xin chư hộ pháp / đức Chô Ky  Drô Ma … / Đừng bao giờ dời đổi / luôn gìn giữ chúng con.

Thỉnh Lama Tông Khách Ba
– Lama Tsong Khapa Prayer [Migsema]

དམིགས་མེད་བརྩེ་བའི་གཏེར་ཆེན་སྤྱན་རས་གཟིགས ། །
Mig me tse wäi ter chen chän rä zig
Thầy là Quan Thế Âm / kho tàng đại bi tâm
དྲི་མེད་མཁྱེན་པའི་དབང་པོ་འཇམ་དཔལ་དབྱངས ། །
Dri me khyen päi wang po jam päL yang
Thầy là đức Văn Thù / trí tuệ vương vô cấu
བདུད་དཔུང་མ་ལུས་འཇོམས་མཛད་གསང་བའི་བདག །
[Dü pung ma lü jom dzä sang wäi dag] [Thầy là Kim Cang Thủ / dũng lực diệt ma quân] གངས་ཅན་མཁས་པའི་གཙུག་རྒྱན་ཙོང་ཁ་པ ། །
Gang chän khä päi tzug gyän tsong kha pa
Lama Tông Khách Ba / là ngọc quí trên đỉnh / bậc thánh hiền xứ tuyết
བློ་བཟང་གྲགས་པའི་ཞབས་ལ་གསོལ་བ་འདེབས ། །
Lo zang drag päi zhab la sol wa deb
Đức Losang Drakpa / con đê đầu thỉnh nguyện / dưới chân sen của Thầy [3 lần]

༈ སྨོན་ལམ་ལོག་པས་རྒྱལ་བའི་བསྟན་པ་ལ། །
Hết những kẻ tà ác / hữu hình hay vô hình,
འཁུ་བའི་ནག་ཕྱོགས་གཟུགས་ཅན་གཟུགས་མེད་སྡེ། །
Xưa vì nuôi ác nguyện / nên nay hại Phật pháp,
བསམ་སྦྱོར་ངན་པའི་འཇུག་པ་མ་ལུས་པ། །
Nguyện việc ác họ làm / qua ý nghĩ, hành động,
མཆོག་གསུམ་བདེན་པས་རྩད་ནས་གཅོད་གྱུར་ཅིག།
Nhờ chân lý Tam bảo / mà tiệt rễ hết thảy.

/ hết /

 

image_pdfimage_print