Geshe Dawa: XƯNG TÁN 21 ĐỨC TARAS – Chánh Văn & Giảng

3. SERDOG CHENMA
– The Golden Tara
– HOÀNG KIM ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE PUSHTIM KURU SVAHA

TARA_3_IMG_4189

༣  ༽ ཕྱག་འཚལ་སེར་སྔོ་ཆུ་ནས་སྐྱེས་ཀྱི།།
[3] CHHAG TSHÄL SER NGO CHHU NÉ KYE KYI
Homage! Golden-blue one, lotus
Kính lạy Tara, sắc vàng ánh biếc
པདྨས་ཕྱག་ནི་རྣམ་པར་བརྒྱན་མ།།
PÉ MÉ CHHAG NI NAM PAR GYÄN MA
Water born, in hand adorned!
trên tay một đóa sen nở trang nghiêm.
སྦྱིན་པ་བརྩོན་འགྲུས་དཀའ་ཐུབ་ཞི་བ།།
JIN PA TSÖN DRÜ KA THUB ZHI WA
Giving, effort, calm, austerities,
Bố thí, tinh tấn, khổ hạnh, tịch tĩnh,
བཟོད་པ་བསམ་གཏན་སྤྱོད་ཡུལ་ཉིད་མ།།
ZÖ PA SAM TÄN CHÖ YÜL NYI MA
Patience, meditation her field!
an nhẫn, thiền định, là cảnh giới bà.

Lama Zopa Rinpoche

Đấng Tăng Ích màu vàng hoàng kim, tay cầm bảo bình ban cho năng lực của thọ mạng, công đức, tài sản và danh tiếng.

Geshe Dawa

Ngài là đức Tara Tăng Trưởng Lợi Ích, ngồi tòa sen thứ ba trên đài mặt trăng, thân sắc vàng ánh xanh, tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình vàng chứa nước cam lồ tăng trưởng thọ mạng, quyền lực, tài sản và công đức.

Thân Ngài mượt sắc vàng ròng ánh xanh, ngón cái và ngón đeo nhẫn cầm một nhánh hoa sen. Điều này cho thấy Ngài đã thanh tịnh mười hạnh ba la mật. [Đóa sen Ngài cầm trong tay không phải là hoa sen bình thường trong cõi thế gian này, mà là hiện thân của trí tuệ –Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hai câu cuối nói về nhân tố của Ngài, là sáu hạnh ba la mật: Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Định và Tuệ.

Hai hạnh cuối, Định và Tuệ, là nhân tố chính yếu đưa đến quả giác ngộ, tu được là nhờ bốn hạnh đi trước. Muốn lợi ích chúng sinh  thì phải giúp chúng sinh an vui thoát hiểm. Muốn làm việc này, không thể thiếu hạnh Thí và hạnh Giới, vì hạnh Thí mang hạnh phúc đến cho chúng sinh và hạnh Giới bảo vệ chúng sinh thoát hiểm nạn.

Hạnh Thí

Hạnh Thí có bốn:

  • Tài thí,
  • Từ thí,
  • Vô úy thí, và
  • Pháp thí,

Côn trùng bị rơi vào dòng nước chảy, đưa tay vớt ra đưa vào chỗ an toàn, đó là vô úy thí. Làm như vậy, chúng sinh ấy sẽ thấy vô cùng biết ơn.

[Tu hạnh Thí, không cần thiết phải có gì để cho ra. Hạnh Thí nằm ở nơi tâm: là cái tâm sẵn sàng cho ra. Tu hạnh Thí là làm cho tâm này càng lúc càng thêm mạnh. Nói đến cái tâm muốn cho ra, cần phát huy mạnh mẽ đến mức có thể mang hết thân thể, tài sản, thiện căn công đức tặng cho hết thảy chúng sinh. Cho dù có rất nhiều tài sản, nhưng nếu cho ra mà tâm không vui thì không phải là hạnh Thí —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Giới

Giới là tự giữ mình không phạm mười việc bất thiện (thập ác) và năm nghiệp vô gián (ngũ nghịch), làm như vậy là để bảo vệ cho chúng sinh khỏi bị mình gây hại.

[Giới là gì? Giới là cái tâm muốn bảo vệ. Không chỉ là muốn tránh ác nghiệp như là mười việc bất thiện (thập ác), không chỉ giới hạn có bấy nhiêu. Ở đây, chúng ta đang nói đến hạnh Giới của đại thừa, bao gồm hai điểm trọng yếu: 1. giữ tâm không chạy theo lợi ích cá nhân [nghĩa là đoạn ngã ái]; và 2. giữ tâm không chạy theo khái niệm chấp vạn pháp có tự tánh [nghĩa là đoạn ngã chấp]. Tu như vậy, hạnh Thí mới không vướng cấu nhiễm và mới trở thành hạnh Thí của Đại thừa. —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Nhẫn

Nhẫn là pháp tu trọng yếu giúp ta viên thành sáu hạnh ba la mật. Nếu thiếu hạnh Nhẫn, chúng ta sẽ từ bỏ việc làm phụng sự chúng sinh cho dù đã dâng hiến rất nhiều. Nhưng nếu tu Thí và Giới mà có được hạnh Nhẫn, chúng ta sẽ nhớ được mục tiêu lúc ban đầu, sẽ không buông tay, dù có xảy ra việc gì.

Hạnh Tấn

Hạnh Tấn cũng rất quan trọng. Tấn là thật sự thích thú việc mình đang làm chứ không phải cố ép mình làm những việc không thật sự hứng thú.

[Hạnh Tấn là cái tâm thấy vui khi giúp đỡ chúng sinh và hăng hái vì lợi ích của khắp chúng sinh mà nghe, tư duy và tu tập Phật Pháp. Vì chúng sinh mà làm bất kể làm việc gì với lòng hăng hái vui vẻ thì đó là hạnh tấn.  –Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Định

Hạnh định, ví dụ như tâm tịnh chỉ, cần cho nhiều loại thành tựu.  Nói đơn giản, chúng ta cần tu thiền thật nhiều. Tịnh chỉ là ngừng lại trong sự an tịnh nhờ dẹp loạn tâm phiền não.

Hạnh Tuệ

Tịnh chỉ cần đi kèm với tuệ quán. Đại định hợp nhất chỉ quán chính là chánh đạo, là liều thuốc chính hóa giải vọng tâm, và là nhân tố chính yếu dẫn đến quả đại giác ngộ.

Câu kệ này cho thấy nếu muốn đạt quả vị giác ngộ của đức Tara, chúng ta cũng phải nhiều đời tu sáu hạnh ba la mật như vậy. Khi hướng tâm thỉnh cầu đức Tara, cần nhớ rằng Ngài không phải là người phàm đi ngoài chợ, mà là đấng giác ngộ hành trì sáu hạnh ba la mật.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Đức Tara đạt quả giác ngộ nhờ tu với sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ. Phương tiện nói ở đây là tu tâm đại bi và tâm bồ đề. Trí tuệ là trí tuệ chứng tánh không. Với sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ, Ngài hành trì sáu hạnh ba la mật và đạt quả vô thượng bồ đề.

Điều này đối với chúng ta có ý nghĩa gì? Có nghĩa là nếu muốn trở thành giống như đức Tara, chúng ta cần luyện sáu hạnh ba la mật trên đường tu hợp nhất phương tiện và trí tuệ, nghĩa là tâm đại bi và tâm bồ đề phối hợp với trí tuệ chứng tánh không. Tu sáu hạnh ba la mật phối hợp với phương tiện và trí tuệ, chẳng bao lâu chúng ta cũng sẽ đạt quả vô thượng bồ đề. Nếu không tu sáu ba la mật, chúng ta sẽ không làm sao có thể trở thành giống như đức Tara.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

image_pdfimage_print