Lama Tsongkhapa: LAMRIM NHỎ – CHƯƠNG 1

LUẬN VỀ TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ
Độ Dài Trung Bình, Chương 1. Phần 3

Tác giả: Lama Tsongkhapa
Hồng Như Việt dịch, 09/2020

MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh

3 – GIẢNG & NGHE PHÁP

Thứ ba [Giáo pháp với hai sự vĩ đại như vậy phải nên giảng và nghe như thế nào] có ba điểm: cách nghe, cách giảng, và cách hoàn tất buổi thuyết pháp nói chung.

Điểm thứ nhất [Cách nghe pháp] có 3 phần: chiêm nghiệm về lợi ích nghe Pháp, khởi lòng tôn kính chánh pháp và người thuyết pháp, và nội dung chính của cách nghe pháp.

Một [Nhớ nghĩ đến lợi ích nghe Pháp]: trong phẩm “Nghe” [Udana-varga, Kinh Xuất Diệu (Pháp cú Bắc tông), phẩm 23] nói rằng:

Nhờ nghe Pháp hiểu được vạn pháp;
Nhờ nghe Pháp ngưng không làm ác;
Nhờ nghe Pháp, bỏ việc tào tạp;
Nhờ nghe Pháp thành tựu niết bàn

Dựa vào sự nghe, từ từ sẽ hiểu ra những điều cần lấy, cần bỏ. Từ sự hiểu này mà giữ giới không làm điều ác. Từ đó biết quay đầu với những việc làm tào tạp vô nghĩa, tâm nhờ vậy có được định, tùy ý an trú nơi thiện pháp. Rồi nhờ tu Tuệ chứng vô ngã, cùm gông gốc rễ của sinh tử luân hồi sẽ bị phá, nhờ đó đạt quả giải thoát.

Bổn Sanh Man Kinh cũng nói như sau:

Ai người nghe pháp / sẽ đầy tin tưởng
Tâm sẽ an định / vui với pháp lành
Tuệ sẽ phát sinh / vô minh tan biến
Cắt thịt mình mua /  cũng đáng lắm thay.

Nghe Pháp là đèn / quét sạch vô minh
Là tài sản không cướp nào cướp nổi
Là vũ khí diệt / kẻ thù mê muội
Là bạn tối hảo / dạy cách tu đúng.

Là bạn chí thiết / bất kể giàu nghèo
Là thuốc vô hại / trị mọi khổ bệnh
Là đội nhuệ quân / diệt lỗi đại ác
Danh vọng, vinh quang, / tài sản tối thượng
Là quà quí nhất / khi gặp quí nhân
Ở giữa đám đông / đẹp lòng kẻ trí

Lại nói rằng:

Nghe rồi dấn thân / vào trong pháp hành / lấy làm tinh túy
Thành quách sinh tử / thoát chẳng khó gì.

Thường xuyên nhớ nghĩ đến lợi ích của sự nghe pháp để từ tận đáy lòng phát khởi tín tâm.

Thứ hai [Khởi tâm tôn kính pháp và người thuyết pháp]: Kinh Địa Tạng nói rằng:

Chuyên chú nghe bằng / niềm tin tôn kính
Đừng nên chỉ trích / cũng đừng khinh rẻ
Pháp sư giảng pháp, / phụng sự cúng dường,
Thấy người ấy chẳng / khác gì Như lai.

Theo đó, hãy xem người thuyết pháp giống như đức Phật, lập tòa sư tử cung kính phụng sự, từ bỏ lòng bất kính. Kinh Bồ Tát Địa nói như sau: “Đối với Phật pháp và người nói pháp, hãy đừng kiêu mạn, đừng khinh thường, phải nên tôn kính.” Kinh Bổn Sanh Man nói như sau:

Ngồi vào chỗ thấp nhất, / tỏa hào quang giới hạnh,
Nhìn bằng đôi mắt vui, / uống lời chữ cam lồ.
Nhất tâm cung kính lạy / với tấm lòng sạch trong
Chí thành lắng nghe pháp / như bệnh nghe y sĩ.

Thứ ba [Nội dung chính về cách nghe] có hai phần: Bỏ 3 lỗi của bình chứa và dựa vào 6 tư duy

Một [Bỏ 3 lỗi của bình chứa]: Nếu đồ chứa úp ngược, hoặc ngửa lên nhưng dơ bẩn, hoặc sạch sẽ nhưng lủng đáy, thì dù chư thiên có tạo nên một loại mưa chỉ để rót vào đó, mưa vẫn không thể vào được. Cho dù có vào được cũng, sẽ bị chất bẩn trong bình làm dơ. Cho dù không bị làm dơ, cũng không giữ được gì, sẽ bị rò rỉ hết. Tương tự như vậy, nếu ngồi ở chỗ có người thuyết pháp nhưng không nghe rõ, hoặc có nghe nhưng vì phiền não tác động nên nghe sai, hoặc dù không vướng hai lỗi trên nhưng nghe rồi không ôn lại nên quên mất, cần xa rời những lỗi lầm đại loại.

Thuốc đối trị của ba lỗi này, khế kinh nói rõ: “nghe rõ, nhất tâm, và ghi nhớ.” Kinh Bồ Tát Địa còn nói rằng phải nghe với lòng khát khao muốn biết tất cả, chuyên tâm, cẩn trọng, khiêm cung và tư duy bằng trọn sự chuyên chú.

Thứ hai [Dựa vào sáu cái thấy] có 6 điểm: [1] nghiệm thấy bản thân mình giống như người bệnh; [2] nghiệm thấy người nói chánh pháp giống như y sĩ; [3] thấy giáo giới là thuốc; [4] thấy dụng công tu tập là chữa bệnh; [5] nghiệm thấy Như Lai là bậc siêu việt; [6] cầu mong chánh pháp trường tồn.

Một [Nghiệm thấy bản thân mình giống như người bệnh]: Nhập Bồ Đề Hạnh Luận nói rằng

Bệnh nhỏ đã phải
Nghe lời thầy thuốc
Huống chi trăm vạn trọng bệnh trầm kha
Như tham sân si tác hại tơi bời

Như nói ở đây, vì bị phiền não như là lòng tham tác hại mà phải chịu bệnh khổ trầm kha lâu dài rất khó chữa. Vì vậy trước tiên cần phải nhận diện được điều này. Đức Karmapa nói như sau:

“Dựa vào sự biết không đúng với thực tại mà tu thì sẽ đi sai hướng. Chúng ta là những người vướng bệnh tam độc kinh niên vô cùng nghiêm trọng, nhưng đối với bệnh của chính mình lại không hay không biết.”

Thứ hai [Nghiệm thấy người nói chánh pháp giống như y sĩ]: Ví dụ đổ bệnh trầm trọng thì tìm y sĩ chữa bệnh, tìm được mừng vui vô kể, dặn gì làm nấy, kính trọng rất mực. Tương tự như vậy,  truy tìm thiện tri thức nói Pháp, tìm được rồi làm hết tất cả những gì Thầy bảo làm, trang nghiêm không thấy đó là gánh nặng, cung kính phụng sự cúng dường.

Thứ ba [Thấy giáo giới là thuốc], thuốc y sĩ pha cho, người bệnh trân quí vô cùng. Tương tự như vậy, lời khai thị và giáo giới mà Pháp sư ban cho, phải xem đó là điều quan trọng bậc nhất, nỗ lực trân quí giữ gìn không để phí bỏ trong quên lãng.

Thứ tư [Thấy dụng công tu là chữa bệnh], y sĩ cho thuốc, không uống thì không thể hết bệnh, hiểu vậy nên người bệnh chịu khó uống thuốc. Tương tự như vậy, Pháp sư cho Pháp, không tu thì không thể hết tham hay sân v.v…, hiểu vậy hãy nên dốc sức hành trì, đừng phí công đếm số phân loại chữ nghĩa rồi không tu.

Nói cho ngay, người mắc bệnh hủi rụng cả tay chân thì uống một hai thang thuốc không thay đổi được gì. Tương tự như vậy, chúng ta từ vô thủy sinh tử đã vướng căn bệnh phiền não vô cùng dữ dội, đối với chánh pháp không thế chỉ tu một hai lần mà khỏi, cần vận dụng diệu quán sát trí để mà xét, kiên trì như dòng nước chảy, như Sám Tán nói:

Phải nói rằng tâm này luôn mê muội
Đã từ lâu nuôi dưỡng chứng bệnh này.
Người bệnh hủi, chân tay đều đã rụng,
Thuốc vài thang, thử hỏi ích gì đâu.

Vì vậy thấy được chính mình là người bệnh là điều rất quan trọng. Có được sự thấy này thì những sự thấy khác cũng sẽ đến. Còn nếu như chỉ là lời nói đầu môi thì sẽ biến thành kẻ nghe suông, không thể vì muốn dẹp phiền não mà hành trì chân nghĩa của chánh pháp. Kinh Chánh Định Vương nói rằng: như người tìm y sĩ rồi bỏ công sức chỉ để lấy toa thuốc, còn thuốc thì lại không uống, làm như vậy bệnh không thể nào hết. Kinh ấy còn nói:

Chánh Pháp tôi đã giảng,
Bạn nghe rồi không tu.
Người bệnh ôm túi thuốc,
Bệnh chẳng thể nào lành.

Nhập Bồ Đề Hạnh Luận nói rằng:

Những lời nói đây cần phải thực hành
Nói suông thì chẳng lợi ích gì đâu
Người bệnh nếu như chỉ đọc toa thuốc
Bệnh làm sao dứt?

Vậy phải có cái tâm thấy rằng dụng công với pháp hành là chữa bệnh.

Chữ “dụng công” nói ở đây có nghĩa là làm theo lời Thầy dạy về những gì cần làm, cần bỏ.

Muốn thực hành, cần phải biết. Muốn biết, cần phải nghe. Nghe là để biết, biết là để tu. Quan trọng nhất là nghe rồi tùy sức mà làm theo, bằng không đến lúc lâm chung sẽ cảm thấy hối tiếc với những gì mình đã không làm, sẽ thấy mình giống như người chỉ biết xem người khác trình diễn, hay giống kẻ thèm ngọt lại đi ăn vỏ mía.

Kinh Khuyến Đại Nguyện nói rằng:

Việc tu đã lỡ / giờ biết làm sao
Kẻ ấu trĩ này / chết trong sầu não
Không đạt thâm sâu / khổ đau phải chịu
Đó cũng chỉ vì / ưa thích nói suông.

Lại nói:

Như người ngồi giữa / đám đông xem hát
Khoe khoang tài năng / của anh hùng khác
Bản thân pháp hành / dụng công không đủ
Đó cũng chỉ vì / ưa thích nói suông.

Lại nói:

Ở trong vỏ mía / nào có gì đâu
Thứ làm ngon miệng / nằm ở trong ruột
Người nhai vỏ mía / mật ngọt phía trong
Thơm ngon thế nào / làm sao nếm được

Và rằng:

Nói suông cũng tựa / như là vỏ mía
Tư duy ý nghĩa / chính là ruột ngon
Đã vậy thì thôi / bỏ lời nói suông
Tâm không phóng dật, / tư duy ý nghĩa.

Thứ năm [nghiệm thấy Như Lai là bậc siêu việt], nhớ rằng sư phụ giảng pháp là Phật, nhờ đó khởi tâm tôn kính.

Thứ sáu [mong chánh pháp trường tồn], nghĩ rằng mong sao nhờ nghe Pháp này mà chánh pháp Phật dạy được trường tồn trên cõi thế.

Ngoài ra, khi thuyết pháp hay nghe pháp, nếu như pháp thuyết một đàng tâm để một nẻo, thì dù có là pháp gì cũng đều vô tác dụng. Phải nghe như thế nào để tâm có được sự vững vàng xác quyết. Lấy ví dụ, muốn biết trên mặt mình có dính bụi hay bùn hay thứ gì dơ hay không thì soi gương, thấy có gì dơ thì chùi đi. Nghe pháp cũng vậy, những việc làm sai trái của chính mình như tham sân v.v… cũng sẽ hiện ra trên tấm gương chánh pháp. Khi ấy giật mình: “tâm tôi bây giờ biến thành thế này,” cảm thấy nhức nhối trong tim, nhờ vậy bắt đầu quét bỏ lỗi lầm, thành tựu thiện đức, cứ làm như thế thì nhất định là theo thuận với chánh pháp.

Kinh Bổn Sanh Man nói rằng:

Nhìn thấy bộ dạng / ác hạnh của mình
Hiện lên rõ ràng / trên tấm gương Pháp
Tâm tôi nhức nhối / dày vò hối hận
Nay xin hướng trọn / về nơi chánh Pháp

Đó là lời của con trai của Sudasa nói với Bồ tát Candra để thỉnh pháp. Biết tâm ấy đủ sức đương cơ chánh pháp, nên Bồ tát nói pháp cho nghe.

Tóm lại, hãy suy nghĩ như vầy: “vì lợi ích của khắp cả chúng sinh, tôi phải đạt quả vị Phật. Để đạt quả vị Phật, cần tập luyện nhân thành Phật. Để tập luyện nhân thành Phật, cần nghe Pháp là việc hiển nhiên. Vì vậy tôi phải nghe Pháp.” Hãy phát tâm bồ đề, nhớ lợi ích nghe Pháp, giữ lòng hoan hỉ, buông bỏ các loại lỗi lầm của bình chứa để mà lắng nghe.

Điểm thứ hai [Cách giảng pháp]có bốn phần: nhớ nghĩ đến lợi ích giảng pháp; cung kính phụng sự chánh pháp và người nói chánh pháp; giảng pháp với tâm bên trong và biểu hiện bên ngoài như thế nào; phân biệt người nào mình có thể nói pháp cho, người nào không thể.

Thứ nhất [Nhớ nghĩ đến lợi ích giảng pháp]: Câu Xá Luận nói như sau:

San sẻ chánh pháp,
Không vướng nhiễm tâm,
Giảng dạy thuận theo
Kinh luận chân chính.

Luận giải Câu Xá Luận nói rằng:

“Do đó người nào giảng sai về chánh pháp, để tâm vướng phiền não, nói pháp vì cầu lợi cầu danh, muốn được người tôn kính, người ấy sẽ vì vậy mà hao tổn công đức lớn.”

Động cơ thanh tịnh của người nói Pháp là điều quan trọng bậc nhất. Như Đức Ngargompa từng nói: “tôi nếu chưa thiền quán về vô thường thì chưa thuyết pháp,” vậy xét lại động cơ của chính mình trước khi thuyết pháp là điều tối quan trọng.

Kinh Khuyến Thỉnh Đại Nguyện có nói về hai mươi lợi ích, thuộc hai thể loại, đến từ sự san sẻ thí pháp không vì tiền của lợi danh. Bạo Ác Sở Vấn Kinh cũng nói như sau: công đức của cư sĩ bố thí số lượng tài vật nhiều vô kể vẫn không thể sánh với công đức của người xuất gia cho pháp dù chỉ một câu.

Thứ hai [Cung kính phụng sự chánh pháp và người nói chánh pháp]: Khi giảng về Phật Mẫu, đức Phật Bổn sư tự tay sửa tọa cụ. Chánh pháp này đến như chư Phật còn hết lòng tôn kính phụng sự, vậy đối với chánh pháp và đối với đấng Bổn sư [Thích Ca Mâu Ni Phật] từ bi cho pháp, hãy luôn ghi nhớ ơn nặng, giữ lòng tôn kính.

Thứ ba [Giảng pháp với tâm bên trong và biểu hiện bên ngoài như thế nào] có hai: Tâm bên trong và biểu hiện bên ngoài

Một [Tâm bên trong]. Trí Hải Vấn Kinh có nói về 5 sự thấy: thấy mình là y sĩ; thấy người nghe là bệnh nhân; thấy Như Lai là bậc siêu phàm; nguyện chánh pháp trường tồn; tu từ tâm với thính chúng. Còn cái tâm ganh ghen sợ người hơn mình, cái tâm giải đãi, biếng lười, hay là chán mệt khi phải giảng đi giảng lại nhiều lần, khoe bản thân, bới lỗi người, dấu kinh sách không muốn cho mượn, lo toan y áo vật chất, những cái tâm như vậy hãy bỏ đi, nghĩ rằng: “nói pháp là vì để bản thân và người khác đạt Phật quả, công đức ấy là chính là nguồn vui của mình.”

Hai [Biểu hiện bên ngoài]. Tắm rửa khoác y áo sạch sẽ, ngồi vào tọa cụ trên pháp tòa đặt ở một nơi sạch sẽ dễ ưa, tụng chú trừ tà ma, trong phạm vi một trăm do tuần (hơn 7000km) không có loài ác ma ác thần nào có thể đến, cho dù có đến đi chăng nữa, cũng không có khả năng tạo chướng ngại, Kinh Trí Hải Vấn Kinh nói vậy.

Thứ tư [Phân biệt ai là người có thể nói Pháp cho, ai không thể], Giới Luật Kinh nói rằng “Không ai hỏi thì đừng làm.” Nói vậy, nếu không ai thỉnh pháp thì đừng giảng pháp. Có người thỉnh cũng phải xét xem người ấy có phải là bình chứa thích hợp hay không. Nhưng nếu có ai là bình chứa thích hợp thì dù không thỉnh pháp vẫn có thể cho, như Kinh Chánh Định Vương có nói. Những hạnh khác đều được nói trong Giới Luật Kinh.

Điểm thứ ba [Cách hoàn tất buổi thuyết pháp nói chung]

Phải niêm kín thiện căn đến từ sự giảng Pháp và nghe pháp bằng các bài tụng thanh tịnh như là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương v.v

Làm theo như vậy thì dù chỉ một lần nghe pháp hay giảng pháp chắc chắn sẽ có được lợi ích như đã nói. Nhờ đánh thẳng vào trọng điểm khi nghe pháp giảng pháp mà tịnh được hết thảy nghiệp chướng đã từng gieo vì bất kính với Thầy, với Pháp. Nghiệp mới gieo cũng đoạn lìa từ trong mầm mống.

Nhờ cách nghe đánh thẳng vào trọng tâm như vậy nên lời khai thị nói ra tạo tác dụng tốt trên dòng tâm thức người nghe. Thấy vậy nên hết thảy các bậc giác giả trong quá khứ đều dụng công làm theo, nhất là chư tổ truyền thừa, hết thảy đều dụng công lớn lao làm theo như vậy.

Đây hiển nhiên lời khai thị lớn lao. Nếu không khởi được niềm xác quyết, cách nhìn không thay đổi, thì chánh pháp thâm sâu quảng đại, bất kể giải thích bao nhiêu, cũng chỉ giống như trời đọa thành quỉ, chánh pháp chỉ để làm cho phiền não càng thêm lớn thêm nhiều mà thôi. Thường có câu nói rằng: “mùng một mà đếm sai ngày thì sẽ sai đến rằm,” người có trí phải nỗ lực huân dưỡng cách nghe pháp và giảng pháp này, mỗi khi nghe hay giảng pháp, chí ít phải có được vài phần, vì đây là điều kiện tiên quyết quan trọng bậc nhất.

[hết phần 3. Nghe & Giảng Pháp – bài sau: 4. Cách Nương Đạo Sư ]
MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh
image_pdfimage_print