Lama Tsongkhapa: LAMRIM NHỎ – CHƯƠNG 1

LUẬN VỀ TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ
Độ Dài Trung Bình, Chương 1. Phần 5

Tác giả: Lama Tsongkhapa
Hồng Như Việt dịch, 09/2020

MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh

5 – CÁCH TU THIỀN

Thứ hai [Giải thích tóm lược cách thuần dưỡng tâm tôn kính đạo sư] có hai điểm: Nội dung chính của cách thuần dưỡng pháp thiền và lý do phải thuần dưỡng pháp thiền bằng hai cách.

Phần một [Nội dung chính về cách thuần dưỡng  pháp thiền] có hai điểm: làm gì khi tọa thiền và làm gì khi xuất thiền.

Phần một [làm gì khi tọa thiền] có ba điểm: trước thời công phu, trong thời công phu và cuối thời công phu

Một [trước thời công phu]: Có sáu pháp chuẩn bị.

Theo Câu Chuyện Cuộc Đời Siêu Việt của đức Serlingpa (Pháp Xứng), chỗ ngồi tu cần được quét dọn sạch sẽ, bày biện biểu tượng thân khẩu ý của Phật.

Sắp xếp đẹp đẽ trang nghiêm phẩm vật cúng dường lương thiện không do gạt người mà có.

Ngồi chỗ dễ chịu, thân thẳng, chân thế kiết già hoặc bán kiết già, nhất thiết để tâm hòa vào với tâm quy y và tâm bồ đề.

Ở khoảng trời phía trước mặt, quán tưởng chư tổ truyền thừa hai dòng phương tiện quảng đại và tri kiến thâm sâu, cùng vô lượng Phật đà, thánh chúng bồ tát, thanh văn, duyên giác, và những ai trú nơi khẩu Phật. Quán tưởng ruộng phước như vậy.

Thuận duyên hỗ trợ chưa tích lũy, nghịch duyên che chướng chưa thanh tịnh, thiếu mất hai điều này tâm khó lòng đạt đạo. Vì vậy cần phải theo bảy hạnh Phổ Hiền để mà luyện tâm, vì đây là trọng điểm của hai pháp tích lũy và thanh tịnh.

Nói về hạnh đảnh lễ Phật, lạy bằng trọn ba cửa thân khẩu ý được trình bày qua chỉnh cú này:

[1] Tại các thế giới / mười phương ba thời
Có bao Như Lai/ sư tử cõi người
Tôi vận dụng đủ / ba nghiệp trong sạch
Kính lạy khắp cả / không có thiếu sót.

Không phải là lạy chư Phật ở một phương quốc độ, trong một thời gian, mà là đối với hết thảy chư Như Lai ở khắp mọi phương, trong khắp mọi thời, nhất tâm vận dụng ba cửa thân khẩu và ý để mà kính lạy.

Nói về từng cửa một: lạy bằng thân được trình bày qua chỉnh cú:

(2) Năng lực uy thần / của hạnh phổ hiền
làm tôi hiện khắp / trước chư Như lai,
một thân tôi hiện / thân như cực vi
lạy khắp chư Phật / cũng như cực vi.

Hãy nghĩ rằng mình đối trước chư Phật ở khắp mọi phương hướng thời gian như thể đang trực tiếp diện kiến, hóa hiện thân mình thành số lượng nhiều như bụi mỏng, cùng quì đảnh lễ. Thêm vào đó, khởi năng lực tín tâm nơi thiện hạnh của chư vị, lấy đó làm nguồn cảm hứng.

Lạy bằng ý được trình bày qua chỉnh cú:

(3) Trong một cực vi / có chư Phật đà / nhiều bằng cực vi,
và đều ở trong / chúng hội Bồ tát;
cực vi tất cả / pháp giới vô tận / cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật / thật sâu và đầy.

Lạy bằng khẩu được trình bày qua chỉnh cú:

(4) Nên biển âm thanh / tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận / lời chữ nhiệm mầu,
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai
tán dương biển cả / công đức của Phật.

Từ mỗi thân mình hóa hiện vô lượng cái đầu. Từ mỗi cái đầu hóa hiện vô lượng cái lưỡi, từ đó xuất ra âm thanh nhiệm mầu với lời tán dương vô tận thiện đức của chư vị. Âm thanh ở đây là lời xưng tán. Chi phần là nguyên nhân, là cái lưỡi. Biển cả, nghĩa là rất nhiều.

Nói về cúng dường thì cúng phẩm thường được trình bày qua hai chỉnh cú:

5) Tôi đem vòng hoa / tốt đẹp hơn hết,
Âm nhạc, hương xoa, / tàn lọng, bảo cái,
Đèn, hương, phẩm vật / hơn hết như vậy,
Tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

(6) Y phục hơn hết, / hương liệu hơn hết,
Hương bột như là / diệu cao núi lớn
Tất cả bày biện / trang nghiêm rực rỡ
Tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

“Hoa” là đủ loại hoa quí trong cõi trời và cõi người. “Vòng hoa” là hoa kết lại thành chuỗi. Hai loại này bao gồm tất cả mọi thứ hoa trong tưởng tượng và thật có.
“Âm nhạc,” là âm thanh các loại nhạc khí cổ truyền.
“Hương xoa” là dầu xoa trộn với hương thơm.
“Tàn lọng bảo cái” là dù lọng tốt đẹp nhất.
“Đèn” là ánh minh quang sáng ngời ngát thơm đến từ hương đốt, đèn đuốc, hay ánh minh quang của vàng bạc châu báu.
“Hương” là hương bột hỗn hợp nhiều loại hay riêng lẻ từng loại.
“Y phục hơn hết” là các loại y áo tốt nhất, đẹp nhất.
“Hương liệu hơn hết” là nước thơm các loại, tỏa hương thơm ngát cả tam thiên đại thiên thế giới.
“Hương bột” là gói bột thơm có thể rãi hay đốt, hay là cát màu mạn đà la, nhiều lớp, rộng và cao như núi tu di.
“Bày biện” ứng vào tất cả những điều nói trên, rất nhiều, trang nghiêm và đa dạng.

Cúng phẩm phi thường được trình bày qua chỉnh cú

(7) Tôi đem cái biết / cao rộng hơn hết
Tin tưởng sâu xa / tam thế chư Phật,
Vận dụng sức mạnh / hạnh nguyện phổ hiền
Mà khắp hiến cúng / chư vị Như lai.

Cúng phẩm thường là cúng phẩm cõi thế gian, còn cúng phẩm phi thường là phẩm vật do chư đại lực, ví dụ như chư bồ tát, thi triển thần thông hóa hiện mà có.

Hai hàng chót bổ xung điều còn thiếu cho tất cả những gì đã nói trên, dạy phải nên đảnh lễ và cúng dường với cái tâm ra sao, dành cho nơi chốn nào.

Hạnh sám hối được trình bày qua chỉnh cú sau đây:

Bao nhiêu nghiệp dữ / xưa kia tôi làm,
Đều bởi vô thỉ / những tham sân si,
Động thân ngữ ý / mà phát sinh ra,
Ngày nay tôi nguyện / sám hối tất cả.

Nhân là tam độc tham sân si, nền tảng là ba cửa thân khẩu ý, tánh chất là bản thân đã phạm, bằng cách tự mình làm, bảo người làm, hay thấy người làm mà lòng mừng theo. Hết thảy những điều nói trên đều được tóm tắt tổng quát qua câu “bao nhiêu nghiệp dữ xưa kia tôi làm.” Nếu nhớ lại ác nghiệp ấy, sinh lòng hối hận, quyết không tái phạm, khởi tâm chân thành sám hối, làm như vậy sẽ chặn đứng đà tăng của ác nghiệp quá khứ và chặt lìa ác nghiệp trong tương lai.

Hạnh tùy hỉ được trình bày qua chỉnh cú:

(9) Mười phương hết thảy / các loại chúng sinh,
Cùng với các vị / Thanh văn, Duyên giác, / tu học tiếp tục,
Tu học hoàn tất, / tất cả Như lai, / cùng với Bồ tát,
Công đức có gì / tôi tùy hỷ cả.

Nhớ nghĩ đến lợi ích của thiện đức của năm loại người, khởi tâm mừng vui.

Hạnh thỉnh chuyển pháp luân được trình bày qua chỉnh cú:

(10) Mười phương đâu có / ngọn đèn thế giới
Khi mới thành tựu / tuệ giác vô thượng,
Tôi xin thỉnh cầu / tất cả các Ngài /
Chuyển đẩy bánh xe / diệu pháp vô thượng.

Hãy lại hóa hiện thân nhiều như vi trần, đối trước chư Phật ở mười phương quốc độ vừa đạt bồ đề Phật quả, thành tựu chánh giác không chấp trước không ngăn ngại, thỉnh cầu chư vị thuyết pháp.

Hạnh cầu Phật trụ thế được trình bày qua chỉnh cú:

(11) Chư vị Như lai / muốn hiện niết bàn,
Thì tôi chí thành / thỉnh cầu các Ngài
Sống với đời kiếp / nhiều như cực vi,
Để làm lợi lạc / hết thảy chúng sinh.

Khẩn xin chư vị ở mười phương quốc độ  thị hiện niết bàn,cầu xin chư vị hãy vì lợi lạc của chúng sinh mà ở lại đời kiếp nhiều như vi trần chứ không nhập niết bàn.

Hạnh hồi hướng công đức được trình bày qua chỉnh cú:

(12) Lạy Phật, khen Phật, / và hiến cúng Phật,
Xin Phật ở đời / và chuyển Pháp luân,
Tùy hỷ sám hối / bao thiện căn ấy
Tôi đem hồi hướng / nguyện thành trí Phật.

Nhờ công đức sáu Hạnh Phổ Hiền nói trên được bao nhiêu thiện căn, mang hết ra cho khắp cả chúng sinh làm của chung, vì mãnh liệt hồi hướng về nhân bồ đề viên mãn nên thiện căn ấy sẽ không bao giờ cạn.

Lời chữ kia nếu hiểu được ý nghĩa, từ từ làm theo lời giảng, để không tâm xao lãng nơi việc khác, làm như vậy sẽ nắm được khối công đức nhiều vô lượng.

Vậy đảnh lễ, cúng dường, thỉnh Phật (chuyển pháp luân), cầu Phật (trụ thế) và tùy hỉ, năm hạnh này thuộc về pháp tích phước. Hạnh sám hối thuộc về pháp tịnh chướng. Một mặt của hạnh tùy hỉ là tùy hỉ thiện đức của chính mình, thuộc về pháp tăng bồi công đức. Còn nói về hạnh hồi hướng: nhờ tích, tịnh và tăng mà được công đức, công đức này dù ít ỏi đến đâu cũng sẽ nhờ hồi hướng mà trở thành nhiều. Những gì lẽ ra chỉ trổ quả một lần rồi hết, nhờ hồi hướng mà thành bất tận. Tóm lại có ba loại: (1) tích, (2) tịnh, và (3) tăng, khiến cho trở nên bất tận.

Tiếp theo, hãy quán tưởng cho thật rõ để cúng mạn đà la, khởi lòng thiết tha khẩn nguyện: “Khẩn cầu cho tâm bất kính điên đảo với bậc thiện tri thức được ngừng lại; cho tâm tôn kính không điên đảo với bậc thiện tri thức hết thảy được dễ dàng khởi sinh; thỉnh lực gia trì cho ngoại chướng nội chướng hết thảy đều triệt để tịnh an.

Thứ hai [Trong thời tọa thiền] có hai phần: cách thuần dưỡng pháp thiền nói chung, và cách thuần dưỡng pháp thiền cho đề mục này.

Một [Cách thuần dưỡng pháp thiền nói chung]. Tu thiền như nói ở đây mục tiêu là để cho tâm trở nên dễ sử dụng, có thể tùy ý đặt vào đề mục thiện pháp.

Nếu cứ tùy tiện nghĩ rằng mình có thể thiền đề mục này, đề mục nọ, tùy hứng mà chọn số lượng đề mục, bất chấp thứ tự, làm như vậy pháp thiền sẽ không ích lợi gì. Từ đầu nếu để thành thói quen xấu thì trọn đời công phu sẽ vướng lỗi.

Vì vậy trước tiên cần xác định rõ số lượng và thứ tự đề mục tu. Rồi kiên quyết làm theo đúng như đã định, không để tâm nghĩ đến thứ gì khác. Không thêm, không bớt, cứ như thế mà thuần dưỡng pháp thiền bằng chánh niệm và chánh tri.

Hai [Cách thuần dưỡng pháp thiền cho đề mục này]. Phải nhớ nghĩ đến lợi ích khi nương đạo sư và tai hại khi không nương.

Cái tâm thấy lỗi nơi Thầy, phải thường xuyên kiên quyết chế ngự đừng cho nổi lên. Thiện đức của Thầy như là giới hay định, tự mình chứng được gì thì hãy nhớ nghĩ đến. Tiếp tục tu cho đến khi tín tâm trong sáng phát sinh.

Theo như Khế Kinh đã trích dẫn ở trên, hãy nhớ nghĩ đến bao nhiêu ơn nặng mà mình đã nhận hay sẽ nhận trong tương lai, tiếp tục tu cho đến khi từ tận đáy lòng phát sinh niềm sâu xa tôn kính Thầy.

Ba [cuối thời công phu]. Công đức tích lũy được nhờ Hạnh Phổ Hiền hay Bảy Mươi Thi Kệ Hướng Nguyện cần mãnh liệt hồi hướng về cho ước nguyện trước mắt và ước nguyện cứu cánh.Cứ như vậy sáng, trưa, chiều, tối, mỗi ngày bốn thời công phu.

Hơn nữa, lúc ban đầu nếu thời công phu quá dài, tâm sẽ dễ bị chìm đắm hay quấy động (hôn trầm trạo cử). Để thành thói quen sẽ rất khó chữa, vì vậy nên chia thành nhiều thời công phu ngắn. Nếu ngừng khi vẫn còn đang muốn thiền thì lần sau lại sẽ vẫn hăng hái muốn tu, bằng không sẽ thành giống như chư vị thường nói, nhìn vào tọa cụ là buồn nôn. Bao giờ có được chút định tâm, hãy tăng thời gian tọa thiền, thuần dưỡng mọi pháp thiền đừng để vướng lỗi quá căng hay quá chùng. Làm theo như vậy sẽ ít gặp chướng ngại, sạch hết mọi lao lực, trì trệ, tối tăm.

Thứ hai [làm gì khi xuất thiền]. Nói chung có thể làm nhiều thứ, ví dụ như lạy Phật, đi nhiễu, hành trì tụng niệm. Tuy vậy, điểm chính yếu cần biết, đó là nếu nỗ lực cố gắng trong lúc tọa thiền nhưng khi xuất thiền dứt thời công phu lại buông lung đề mục khách quan lẫn chủ quan, không còn giữ chánh niệm và chánh tri. Làm như vậy kết quả sẽ chẳng được bao nhiêu. Vì vậy giữa hai thời thiền cũng phải nên xem lại ý nghĩa của giáo pháp đang tu, ôn đi ôn lại nhiều lần. Để giúp thiện đức phát sinh, kho bồ tư lương là thiện duyên, phải dùng đủ cách để tích lũy; chướng là ác duyên, phải dùng đủ cách để làm sạch; giới là nền tảng của tất cả, thọ giới nào rồi thì phải quyết tâm thật nhiều để giữ giới.

Ngoài ra, hãy luyện bốn nhân tố giúp dễ dàng đạt chỉ quán

Nói về sự thu nhiếp giác quan”: dựa vào căn và trần, sáu thức phát sinh. Khi ấy phải giữ đừng để cho ý thức duyên nơi sáu cảnh dễ chịu hay khó chịu để cuối cùng nổi tham nổi sân.

Nói về chánh tri, Nhập Bồ Đề Hạnh Luận dạy rằng:

1V-108. Muốn giữ chánh tri,
Nói cho ngắn gọn phải làm như sau:
Hãy thường quán xét
Xem thân và tâm đang như thế nào.

Theo đó, bao giờ thân tâm làm việc này việc nọ thì phải biết là có nên hay không nên, để hành xử cho thích đáng.

Thêm nữa, hãy quán ham ăn tai hại như thế nào, và nhớ đến lời kinh dạy về việc ăn uống để thấy rằng ăn không phải vì phiền não, ăn thì thí chủ được lợi ích, rồi các loài trùng trong thân thể, bây giờ ăn là dùng tài vật nhiếp thọ, sau này sẽ dùng Phật pháp nhiếp thọ, ăn là để thành tựu lợi ích cho khắp chúng sinh. Hãy nghĩ như vậy.

“Biết cách ăn uống chừng mực” là không ăn quá nhiều hay quá ít, chỉ ăn những gì không gây hại cho thiện hạnh của mình.

Bảo Hành Vương Chánh Luận nói rằng:

Biết rằng thực phẩm giống như là thuốc
Ăn vào đừng để vướng tham và sân
Không ăn cho no, hay cho hiển hách
Hay để phì thân, vừa đủ sống thôi.

Nói về sự nỗ lực tu pháp du già không ngủ, và làm gì khi ngủ.

Bảo Hành Vương Chánh Luận nói rằng:

Bạch đấng Pháp chủ của dòng giống Phật
Trải qua các thời công phu trọn ngày
Cùng với hai thời đầu hôm, sớm mai
Rồi khi ngủ, để quả tu đừng mất,
Hãy giữ chánh niệm, chỉ nên ngủ ở phần giữa mà thôi.

Ở đây đang giảng về cốt tủy tọa thiền của các thời công phu trong ngày cùng với hai phần đầu đêm và cuối đêm, cũng như phải làm gì khi xuất thiền. Vậy dù là đi đứng hay nằm ngồi, tâm cũng đều phải sạch năm triền cái, cho mọi việc làm đều trở nên có ý nghĩa.

Nói về hạnh ngủ: thời gian ngủ khi xuất thiền cũng không thể để lãng phí trong vô nghĩa. Thân phải làm như thế này: một đêm có ba phần, ngủ ở phần giữa, nằm nghiêng phía bên trái, chân phải đặt trên chân trái theo thế nằm sư tử.

Nói về chánh niệm: trong ngày tu những gì, phải nhớ đến thiện pháp đang làm cho đến khi ngủ. Nhớ nghĩ đến thiện pháp trước khi ngủ thì khi ngủ cũng giống khi không ngủ, vẫn có thể tiếp tục thuần dưỡng công phu hành trì, ví dụ như tu định v.v…

Nói về chánh tri: khi giữ chánh niệm, tâm nổi phiền não nào thì phải biết để bỏ đi đừng nhận.

Nói về ý thức khi tỉnh dậy: là định trước thời điểm sẽ thức dậy.

Vậy thì cách thuần dưỡng thời công phu, ngoại trừ những pháp tu phi thường, tất cả những gì phải làm cho phần sơ khởi, công phu chính, cuối thời thiền và thời gian xuất thiền như đã nói, cần được áp dụng cho mỗi chủ đề trên đường tu, từ đây cho đến tuệ quán [chứng tánh không].

[Hết phần 5 – Cách Tu Thiền]
MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh
image_pdfimage_print