Lama Tsongkhapa: LAMRIM NHỎ – CHƯƠNG 1

LUẬN VỀ TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ
Độ Dài Trung Bình, Chương 1. Phần 8

Tác giả: Lama Tsongkhapa
Hồng Như Việt dịch, 09/2020

MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh

8 – BA LOẠI CĂN CƠ CHÚNG SINH

Một [khởi niềm xác quyết nơi nội dung trình bày đường tu nói chung] có hai phần, một là hết thảy giáo pháp Phật dạy đều nằm trong đường tu dành cho ba loại chúng sinh; hai là xét về ba loại chúng sinh, nói lý do vì sao cần dẫn dắt theo trình tự.

Một [hết thảy giáo pháp Phật dạy đều nằm trong đường tu dành cho ba loại chúng sinh], đức Phật từ bước đầu phát tâm bồ đề, qua đoạn giữa tích lũy tư lương (phước trí), cuối cùng viên thành chánh quả, tất cả mọi việc Phật làm đều là làm vì lợi ích của chúng sinh, không có mục tiêu nào khác. Vì lẽ đó, giáo pháp Phật dạy cũng là như vậy, tất cả chỉ để thực hiện lợi ích cho chúng sinh. Lợi ích ấy có hai loại: (1) lợi ích nhất thời là sinh vào thiện đạo và (2) lợi ích cứu cánh là đạt quả chí thiện.

Trước hết, những gì lời Phật dạy để thực hiện lợi ích nhất thời đều thuộc về hệ giáo pháp dành cho hàng sơ căn, hay là chung với hàng sơ căn.

Chúng sinh hàng sơ căn là những người đặc biệt không bận tâm đến chuyện đời này, chỉ muốn làm sao cho những kiếp tái sinh về sau được sinh vào thiện đạo, vì vậy nhân tố sinh thiện đạo, họ dấn thân tìm cầu.

Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói rằng

  1. Ai người vận dụng / đủ loại phương tiện
    Vì chính bản thân / tìm cầu lạc thú
    Trong cõi luân hồi, / những người như vậy /
    Đều thuộc về hàng / căn cơ tối thiểu.

Quả chí thiện có hai: một là giải thoát luân hồi và hai là đạt trí toàn giác. Bao nhiêu lời Phật dạy dành cho cỗ xe thanh văn và duyên giác đều thuộc về hệ giáo pháp dành cho hàng trung căn, hay là chung với hàng trung căn.

Chúng sinh trung căn là những người khởi tâm chán ngán toàn bộ cảnh sinh tử luân hồi, lấy sự giải thoát sinh tử cho chính mình làm mục tiêu, dấn thân thực hiện mục tiêu ấy bằng tam vô lậu học.

Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói rằng

  1. Ai người không màng / niềm vui sinh tử
    Muốn cho chính mình / được sự tịnh an
    Nên bao ác nghiệp / ngưng hết không làm
    Phải biết người ấy / thuộc hàng trung căn.

Còn trí toàn giác, muốn đạt trí này có hai lối: đại thừa ba la mật và đại thừa mật chú, đều thuộc hệ giáo pháp dành cho cho hàng thượng căn. Chúng sinh thượng căn là những người chịu sự thôi thúc của tâm đại bi, vì để tận diệt khổ đau cho khắp cả chúng sinh nên nhắm đến Phật quả, và vì để thực hiện Phật quả mà hành trì sáu hạnh ba la mật và hai giai đoạn, v.v…

Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói rằng

Ai vì trong tâm / chịu nhiều khổ não
Nên trước khổ não / của khắp chúng sinh
Muốn diệt sạch sẽ / không để thừa sót
Những người như vậy / thuộc hàng thượng căn.

Cho hàng thượng căn này, phương pháp tu thành Phật được thuyết qua hai hạng mục: ba la mật [hiển pháp]  và mật chú [mật pháp].

Ý nghĩa của cụm từ “ba hàng căn cơ” được giải thích trong nhiều kinh luận, ví dụ như Trạch Quyết Tập luận hay Câu Xá Luận Thích. Hàng sơ căn mặc dù bao gồm cả hai loại người nỗ lực vì kiếp hiện tiền và nỗ lực vì những kiếp tái sinh về sau, tuy vậy, hàng sơ căn nói ở đây chủ yếu ứng vào loại người sau. Vì vậy phải thấy hàng sơ căn là những người dấn thân vào phương pháp không hư ngụy dẫn đến sự tái sinh vào thiện đạo.

Thứ hai [lý do cần dẫn dắt theo trình tự dành cho ba hàng căn cơ] có hai phần, dẫn dắt bằng đường tu ba loại căn cơ này là để làm gì; và lý do vì sao cần dẫn dắt theo trình tự ấy.

Trước tiên [dẫn dắt bằng đường tu ba loại căn cơ này là để làm gì]: tuy chúng sinh thuộc ba loại căn cơ được giải thích như trên, nhưng đường tu của hàng thượng căn thật ra bao gồm hai loại người khác nhau, vì vậy Thầy Mã Minh dạy rằng đại thừa có hai nhánh. Vì lý do đó, những gì dạy ở đây không phải là lời hướng dẫn dành cho hàng sơ căn cầu an lạc đời này, cũng không dành cho hàng trung căn cầu giải thoát riêng mình, mà là đoạn đường tu chung với hàng sơ căn và trung căn, dẫn lối vào đường tu thượng căn.

Thứ hai [vì sao phải dẫn dắt theo trình tự như vậy] có hai điểm: 1) lý do chính và 2) mục tiêu.

Điểm thứ nhất, cửa vào Đại thừa nằm ở cái tâm hướng về vô thượng bồ đề. Phát được tâm này thì, như Nhập Bồ Đề Hạnh Luận có nói:

Chúng sinh khốn khổ trôi lăn luân hồi
Mà phát được tâm thì ngay lúc ấy
sẽ được gọi là Như Lai trưởng tử.”

Theo đó thì hễ đủ yếu tố xứng danh bồ tát là bước vào Đại thừa, thoái mất tâm bồ đề là lìa bỏ Đại thừa.

Do đó, muốn bước vào Đại thừa thì phải cố gắng đủ cách để phát tâm bồ đề. Để phát tâm, trước hết cần quán về lợi ích phát tâm để thích thú muốn làm tăng lợi ích này, và tu 7 Hạnh Phổ Hiền cùng với quy y. Học Tập Luận Nhập Bồ Đề Hạnh Luận đều dạy như vậy.

Lợi ích phát tâm gom lại có hai, lợi ích nhất thời và lợi ích cứu cánh. Lợi ích nhất thời cũng có hai: không rơi ác đạo và sinh vào thiện đạo. Phát được tâm thì mọi nhân tố sinh ác đạo đã từng tích lũy trước đây đều được tịnh sạch, đồng thời cắt đứt dòng liên tục không còn tích lũy trong tương lai. Còn nhân tố sinh thiện đạo nào đã tích lũy trong quá khứ, nhờ tâm bồ đề mà gia tăng gấp bội, nhân tố mới tích lũy cũng nhờ tâm bồ đề mà tăng trưởng bất tận.

Mục tiêu cứu cánh là giải thoát sinh tử và thành tựu chánh đẳng giác cũng đều nhờ tâm bồ đề mà đạt được một cách dễ dàng thoải mái. Nếu chưa sẵn có cái tâm thật sự khát khao muốn đạt lợi ích ấy thì dù có nói rằng,”lợi ích kia đến từ sự phát tâm, tôi phải nỗ lực để phát khởi tâm này,” cũng chỉ là lời nói suông. Cứ tự xét nơi tâm, sẽ thấy rất rõ.

Vậy để có được lòng khát khao hai lợi ích của tâm bồ đề là tái sinh thiện đạo và đạt quả chí thiện [giải thoát, thành Phật,] cần phải luyện tâm cùng chung phương pháp với hàng sơ căn và trung căn.

Một khi đã khởi được lòng khát khao lợi ích phát tâm, để có thể phát tâm bồ đề, hãy phát huy nền tảng của tâm ấy, là tâm đại từ và đại bi. Nếu nghĩ đến bản thân chính mình phải trôi lăn sinh tử, chịu khổ đau bức bách không chút niềm vui, mà không cảm thấy rợn cả lông tóc, nước mắt tuôn tràn, thì đối với cảnh khổ đau bức bách không chút niềm vui của người khác, làm sao có thể có được tấm lòng xót thương bất nhẫn.

Nhập Bồ Đề Hạnh Luận có câu nói rằng:

Tâm này chúng sinh chưa từng có được
Dù là trong mơ, dù chỉ cho mình
Làm sao có thể có được tâm này
vì khắp chúng sinh.

Vì vậy, cần theo phạm trù sơ căn để tự nhìn lại chính mình, ý thức khi cảnh ác đạo ụp đến sẽ khiến mình khổ đau đến mức nào; rồi theo phạm trù trung căn để thấy dù sinh thiện đạo vẫn khổ, không chút an vui. Từ đó mà chuyển qua nhìn về người thân, rồi nhìn về khắp cả chúng sinh, đều giống như mình. Cứ thế tâm bồ đề sẽ phát khởi, vì vậy luyện tâm chung với hàng sơ căn và trung căn là điều không thể thiếu. Đây là phương pháp phát tâm bồ đề không dụng công.

Tương tự như vậy, tâm quy y, nhớ nhân quả vân vân, nỗ lực tịnh nghiệp và tích đức bằng nhiều cách như vậy theo đường tu sơ và trung căn đều là phương pháp luyện tâm, phần sơ khởi của pháp tu phát tâm bồ đề. Vì đây cũng là một phần của bảy hạnh Phổ hiền kèm với pháp quy y, nên phải hiểu rằng đường tu sơ căn và trung căn đều là phương tiện tu phát tâm bồ đề.

Ở đây, đạo sư cần chỉ vẽ rõ ràng vì sao dòng pháp sơ căn và trung căn lại là một phần của pháp tu phát tâm bồ đề, và đệ tử cũng phải có được niềm xác quyết đối với những điều này. Trên bước đường tu sơ căn và trung căn, tu pháp thì phải nhớ pháp ấy là để phát tâm bồ đề, khi ấy sẽ thấy pháp hành này vô cùng quan trọng. Nếu không làm như vậy, đường tu thượng căn sẽ bị tách lìa khỏi đường tu còn lại, trong khi bản thân vẫn chưa thật sự bước vào đường tu của hàng thượng căn nên chưa thể có được niềm xác quyết nơi tâm bồ đề, tạo chướng ngại cho việc phát tâm và làm thoái chuyển mục tiêu lớn. Vì vậy cần phải kiên trì với bước đường tu sơ căn và trung căn này.

Tu như vậy rồi, hãy để cho tâm bồ đề không dụng công phát khởi trong tâm càng nhiều càng tốt.

Muốn cho tâm bồ đề vững chắc, trước tiên cần khởi tâm quy y phi thường, sau đó thực hành nghi thức phát tâm nguyện bồ đề rồi tu theo pháp hành này. Thường xuyên khởi ý muốn tu sáu hạnh ba la mật và bốn nhiếp pháp vân vân. Bao giờ từ tận đáy lòng có được ý nguyện thật sự muốn tu, khi ấy hãy thọ giới bồ tát thanh tịnh.

Thọ giới bồ tát rồi, dù nguy tánh mạng cũng không để cho sự phá trọng giới làm cho hoen ố, và cũng nỗ lực không để lỗi nhỏ, lỗi vừa, hay việc ác làm cho dơ bẩn. Tuy vậy, nếu lỡ phá giới, hãy khéo áp dụng phương pháp đối trị theo như lời Phật dạy để mà tịnh giới. Rồi tu sáu hạnh ba la mật nói chung, đặc biệt là Định, cốt lõi của chỉ [samatha], để có thể tùy ý đặt tâm vào đối cảnh thiện nào mình muốn.

Bồ Đề Đạo Đăng Luận nói rằng, “Muốn có thần thông, phải có tâm chỉ (Sa-ma-tha).” Đây chỉ là một ví dụ. Chính đức Atisa cũng có nói ở nơi khác rằng đạt tâm quán cũng vậy, nên muốn đạt tâm quán cũng cần phải có tâm chỉ.

Tiếp theo, dùng tri kiến để nắm lấy ý nghĩa của tánh không một cách xác quyết, chặt đứt cùm gông của hai loại chấp ngã, duy trì pháp thiền không vướng lỗi này để thành tựu tâm quán, cốt tủy của hạnh Tuệ.

Sách Giảng Về Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ nói rằng ngoài chỉ và quán ra, mọi pháp hành từ đầu cho đến giới bồ tát là thuộc về Giới, pháp tu chỉ thuộc về Định, và pháp tu quán thuộc về Tuệ.

Hơn nữa, các pháp tu từ đầu cho đến hết pháp tu chỉ là phần phương tiện, là tích lũy tư lương phước đức, là dựa trên tục đế, và là trình tự của đường tu quảng đại, còn phát ba loại tuệ giác phi thường là phần trí tuệ, là tích lũy tư lương trí tuệ, là dựa trên chân đế, và là trình tự đường tu thâm sâu. Hãy khởi niềm tin lớn lao nơi trình tự và con số nói ở đây, biết chắc rằng nếu phương tiện và trí tuệ tách lìa thì quả bồ-đề sẽ không thể nào đạt được.

Nỗ lực luyện tâm theo đường tu chung như vậy rồi, sau đó nhất định phải bước vào mật pháp, lý do là vì một khi vào mật pháp, hai bộ tư lương phước trí sẽ mau chóng viên thành.

Tuy vậy, nếu không có khả năng bước xa hơn đường tu hiển thừa, hay vì lực huân tập kém không thể đương cơ, vậy cứ hãy cứ tiếp tục phát huy đường tu bát nhã thừa.

Nói chung mọi cỗ xe, đặc biệt là mật chú thừa, đều nhấn mạnh vào pháp tu nương dựa đạo sư, vì vậy bước vào mật chú thừa rồi lại càng phải dụng công với pháp này hơn trước. Rồi nương vào pháp quán đảnh đến từ dòng truyền thừa thanh tịnh để làm cho tâm thức chín mùi. Mật thệ và giới pháp thọ nhận lúc ấy, hãy giữ bằng mạng sống. Đặc biệt là nếu phá trọng giới thì dù có thọ lại, dòng tâm thức cũng đã vướng tì vết, khó lòng phát triển thiện đức, vì vậy đừng để bị ố. Cả giới phụ cũng đừng để bị ố. Nếu lỡ có bị ố, cũng đừng để vậy không quan tâm mà phải sám hối và tự chế để thanh tịnh. Rồi hãy tùy căn cơ, dẫn dắt tâm mình bằng pháp du già hữu tướng thuộc bộ mật tông dưới và giai đoạn khởi hiện thuộc bộ mật tông trên. Rồi dựa vào đó, tùy căn cơ mà tu pháp du già vô tướng thuộc bộ mật tông dưới và giai đoạn viên thành của bộ mật tông trên.

Đó là nội dung đường tu trình bày trong Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ. Pháp Lamrim cũng hướng dẫn người tu theo phương pháp tương tự.

Thứ hai, hỏi, hệ giáo pháp sơ căn và trung căn nếu đã là pháp sơ khởi của hệ giáo pháp thượng căn, vậy sao không gọi đây là hai giai đoạn trên đường tu của hàng thượng căn, việc gì phải gọi là “đường tu chung với hàng sơ căn và hàng trung căn?”

Phân chia ba loại chúng sinh để dẫn dắt riêng có hai lý do quan trọng. Một là để giúp cho người chưa khởi được cái tâm chung với hàng sơ căn và trung căn mà tự cho là mình thuộc hàng thượng căn có thể nhờ đó dập tắt ngã mạn. Hai là để mang lợi ích lớn đến cho cả ba hàng trí lớn, trí vừa, và trí nhỏ. Gọi lợi ích lớn, là vì người tu thuộc hàng thượng và trung căn vẫn cần phải sinh vào cõi lành và đạt quả giải thoát, nên hướng dẫn họ luyện tâm sơ căn và trung căn cũng không sai, họ sẽ nhờ đó mà phát triển được thiện đức. Trong khi đó, người tu sơ căn nếu bắt đầu tu bằng pháp tu vượt quá căn cơ của mình thì không những tâm trung căn hay thượng căn đều không khởi được mà còn đánh mất cả tâm sơ căn, tí gì cũng không có. Hơn nữa, kẻ thiện duyên thuộc hai hàng căn cơ cao, đời trước đã được học và luyện tâm theo đường tu chung [với hàng sơ căn], nếu hướng dẫn họ tu theo đường tu sơ căn thì thiện đức đã khởi từ đời trước hay chưa khởi đều sẽ mau chóng phát sinh, đường tu dưới đã xong nên có thể hướng dẫn họ đi lên càng lúc càng cao hơn, sẽ không làm trì hoãn đường tu của họ.

Để giải thích việc cần khởi tâm theo trình tự, Đà La Ni Tự Tại Vương Vấn Kinh dùng ví dụ người thợ bạc thiện nghệ đánh bóng ngọc quý theo từng công đoạn. Bậc Hộ Trì Long Thọ cũng dạy phải hướng dẫn tu thiện đạo và quả chí thiện theo trình tự, như sau:

Trước tiên là pháp sinh thiện đạo
Sau đó phát sinh quả chí thiện
Là vì nhờ sinh vào thiện đạo
Mà quả chí thiện dần phát sinh

Thánh Vô Trước cũng dạy rằng,

Thêm nữa, để giúp người tu tuần tự viên thành công đức, bồ tát với chúng sinh trí nhỏ phàm phu thì mới đầu dạy pháp dễ trước, cho họ tu theo lời giảng và pháp khai thị dễ theo. Thấy họ có được trí trung bình rồi thì dạy cho giáo pháp bậc trung, cho họ tu theo lời giảng và pháp khai thị khó vừa vừa. Thấy họ có được trí lớn rồi thì dạy cho giáo pháp thâm sâu, cho họ tu theo lời giảng và pháp khai thị vi tế, cứ thế, để cho thiện hạnh tuần tự tuôn chảy mà làm lợi cho chúng sinh.

Đức Thánh Thiên trong Tập Hạnh Đăng Luận dạy rằng

Trước hãy luyện tâm / với bát nhã thừa,
Rồi phải tuần tự / bước vào mật thừa.

Để tóm tắt ý nghĩa này, ngài nói như sau,

Để cho chúng sinh / từ bước khởi đầu
Vào được chân nghĩa
Đức Phật dạy rằng / phương pháp phải theo
Giống như bậc thang.

[hết Phần 8 và hết chương 1]
MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh

 

image_pdfimage_print