Đức Đalai Lama: LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT

Để Sống Xứng Đáng Hơn

Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.

MỤC LỤC

CHƯƠNG 4. DẸP BỎ CHƯỚNG NGẠI CẢN TRỞ CÁI CHẾT THUẬN TIỆN

Không thể ở lại / dù nắm thật chặt.
Việc không thể tránh,
Hoảng hốt sợ hãi
Liệu có ích chi.
—Lời Phật

BÀI KỆ SỐ 4: [NGUYỆN KHI CHẾT ĐỪNG GẶP KHỔ ĐAU QUÁ LỚN]

  1. Giữa thành trì vọng kiến / nhìn lầm tâm và cảnh,
    Đến khi thân hư huyễn / do tứ đại hợp thành
    Sắp sửa lìa khỏi tâm, / nguyện nhân của cái chết
    Gây khổ lớn khó kham, / đều thoát được tất cả.

Sống trong đời, quý vị nên làm quen với thiện tâm, càng sớm càng tốt. Đến khi thói quen này bắt rễ vững vàng, quý vị sẽ có khả năng hướng tâm về thiện pháp ngay cả khi chết. Tuy vậy, ở thời điểm đi vào cái chết, quý vị có thể đang phải chịu cảnh đớn đau kịch liệt do bệnh dữ, hay chịu cảnh chết trái thời, tai nạn, tai biến, hoặc không thể sống hết thọ mạng của mình vì cạn phước, do kho bồ thiện nghiệp đã cạn hết không thể sống tiếp. Trong trường hợp này, quý vị sẽ khó lòng thực hiện công phu dài (mặc dù không nhất thiết là như vậy). Cơn đau tự nó có thể khiến quý vị sợ hãi đến nỗi không còn nhớ được gì về thiện quán, trừ phi quý vị là hành giả thành tựu cao, có năng lực thiền định lớn. Do đó, điều quan trọng là ngay từ bây giờ phải phát nguyện sao cho mình đủ sức thoát nỗi đớn đau sợ hãi lớn lao trong cõi trung hữu, và chết trong bình an thoải mái. Làm vậy sẽ giúp thiện đức đã từng huân dưỡng trước đây trở nên mạnh mẽ, nhờ đó có đủ khả năng hiểu mọi sự rõ ràng khi đi vào cõi chết.

Chết là thân và tâm phân lìa. Vì vậy điều quan trọng là phải chứng được chân tánh của cái “tôi,” hình thành từ nền tảng của ngũ uẩn, tổ hợp của các thành phần thân tâm, đồng thời cũng phải chứng biết về chân tánh của chính ngũ uẩn này. Thân thể mà chúng ta đang có đây là một thực thể ô nhiễm do bốn thành phần đất nước lửa gió [tứ đại] hợp lại mà có, chỉ cần chút nguyên do nhỏ cũng đủ làm cho nó đớn đau. Giống như ảo ảnh, có đó mất đó, thấy vậy mà không  phải vậy. Thấy giống như là hiện hữu có tự tánh nhưng thật ra không từng là như vậy. Thân này tưởng đâu cứ tắm là sạch, nhìn vào cứ thấy giống như là an vui, trường tồn, thuộc quyền kiểm soát của mình, tướng dạng an ổn, cố định. Vì vậy mà nói thân này là cả một thành trì vọng kiến, lầm về tánh chất của tâm và đối cảnh của tâm.

Thành trì vọng kiến nói trong bài kệ thứ tư chính là cõi sinh tử luân hồi, được dựng lên từ nghiệp. Nghiệp đến từ nhiễm tâm phiền não. Nhiễm tâm phiền não phát xuất từ vô minh, đặc biệt là loại vô minh chấp tự tánh, hiểu sai về chân tánh của tôi, của người, và của sự vật, thấy mọi sự tự có, không tùy thuộc vào điều gì khác. Vì vậy mà nói vô minh là nguyên nhân căn bản gây nên chuỗi sinh tử triền miên bất tận.

Vì vô minh chấp tự tánh nên phát xuất thành hành động. Hành động này là nghiệp, bao gồm cả việc làm và nghiệp chủng tích lũy từ việc làm này. Đây là lực đẩy của bánh xe luân hồi. Cảnh giới do vô minh nhìn thấy giống như là hiện hữu có tự tánh, nhưng thật ra không phải, và vì vậy mà gọi là thành trì vọng kiến. Thành trì sinh tử luân hồi được tạo nên bởi cái thấy sai lầm về tâm và đối cảnh của tâm, về chủ thể và đối tượng, về sự vật bên trong và bên ngoài, thấy giống như là hiện hữu riêng biệt, cố định, tự một mình mà có, không tùy thuộc vào điều gì khác.

Với bài kệ này, quý vị cầu nguyện cho mình khi tâm sắp lìa thân tứ đại hư huyễn sẽ không phải chịu khổ đau quá độ, làm cản trở pháp hành. Hoàn cảnh bất lợi cho pháp hành còn có tham và sân, đều là chướng ngại lớn khiến mình không thể khởi thiện tâm.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

4.1. Hãy tu ngay bây giờ để khi chết có được năng lực huân tập của thiện pháp trong tâm.

4.2. Hãy thấy tấm thân này là cả một thành trì vọng kiến. Tưởng đâu cứ tắm là sạch, tưởng đâu là nguồn gốc của niềm vui, sẽ còn đó mãi, luôn nằm trong quyền kiểm soát của mình, nhưng thật ra không từng là như vậy. Thân này do tứ đại đất nước lửa gió hợp thành, là chỗ chứa khổ đau, luôn tự mình thay đổi biến chuyển trong từng sát na.

4.3. Người và vật nhìn vào thấy giống như là tự có. Vọng cảnh này, vô minh lầm cho là thật, từ đó phát sinh phiền não tham, sân, si. Vì tham sân si mà mọi hoạt động của thân khẩu và ý đều bị ô nhiễm, và vì vậy mà sinh tử luân hồi xoay vòng bất tận. Quý vị phải hiểu rằng mình đang sống trong thành trì của vọng kiến.

BÀI KỆ SỐ 5 [NGUYỆN KHI CHẾT THOÁT VỌNG CẢNH]

  1. Quá nuông chiều thân này / nên gặp lúc hữu sự,
    Khi kẻ thù khủng khiếp / là thần chết hiện ra,
    Lại lấy tham sân si / tự giết chết chính mình:
    Vọng cảnh bất thiện này, / nguyện thoát được tất cả.

Chết là thời điểm vô cùng quan trọng, đánh dấu chung điểm của một đời sống và khởi điểm của một đời sống mới. Ở thời điểm then chốt này, nếu cái thân chịu ở lại với mình thì còn có thể đặt niềm tin nơi đó, nhưng nó lại lừa dối ta. Thân thể này, ta đã nuông chiều cung phụng với biết bao nhiêu là áo, cơm, tiền của, nhà cửa, thuốc men, và cả ác nghiệp, nhưng đến thời điểm quan trọng, nó lại bỏ ta mà đi.

Như đã nói, chỉ cần nghe có ai nhắc đến cái chết là ta cảm thấy có chút khó chịu bất an. Đến khi quá trình vào cửa tử xuất hiện, vô thường hiện ra dưới sắc tướng đáng kinh hãi mà bài kệ gọi là “thần chết,” lúc đó có người đối diện bằng sự luyến chấp dữ dội vào tài sản, thân quyến, bằng hữu, thân thể; cũng có người đối diện bằng nỗi oán hận kẻ thù, giận dữ trước cơn đau tưởng chừng khó kham. Dù không nổi niệm tham hay sân, quý vị vẫn sẽ phát sinh khái niệm chấp vào hiện hữu có tự tánh của chính mình, đó là si. Ba chất độc tham sân si này là nội chướng dữ dội nhất làm cản trở thiện tâm. Nói cho ngay, đây mới chính là vũ khí quý vị dùng để tự giết chính mình. Để ba chất độc này đừng xuất hiện khi vào cõi chết, quý vị hãy gieo trồng nguyện ước, sao cho tham và sân đừng khởi, vọng cảnh đừng hiện.

Trong thời gian cận tử, điều quan trọng là không dùng những thứ thuốc khiến mình mất khả năng suy nghĩ. Là người tu, quý vị cần giữ cho ý thức càng sáng càng tốt, vì vậy cần tránh những loại thuốc làm cho tâm thức trì trệ. Tiêm thuốc để “chết bình an,” chỉ là khiến cho tâm mình mất đi cơ hội khởi thiện tâm bằng những pháp hành như là quán về vô thường, phát khởi tín tâm, mở lòng đại bi, hay thiền quán vô ngã. Tuy vậy, nếu có thứ thuốc nào làm giảm đau nhưng không khiến tâm trì trệ thì thật là hữu ích, vì như thế tâm thức có thể tiếp tục hoạt động bình thường, không bị đau đớn làm phân tâm.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

5.1. Hiểu rằng cái thân mà ta luôn gìn giữ bằng mọi giá này, sẽ có ngày bỏ ta mà đi.

5.2. Tránh không luyến tham nơi cảnh mà mình sắp phải lìa xa.

5.3. Tránh không ghét hận vì mình đang sắp phải lìa xa.

5.4. Tránh càng xa càng tốt tham, sân và si, để khi chết giữ được thiện pháp

5.5. Ý thức rằng cầu chết an lành bằng cách uống thuốc hay tiêm thuốc, làm như vậy có thể khiến cho mình mất đi cơ hội quý giá để khởi thiện pháp.

MỤC LỤC

image_pdfimage_print