Shantideva: NHẬP BỒ ĐỀ HẠNH LUẬN

Chương Bảy: HẠNH TẤN

VII-1. Với tâm an nhẫn,
nỗ lực tinh tấn.
Nhờ tinh tấn mà
đạt quả giác ngộ.
Gió kia không thổi
thì vật không lay,
công đức chẳng tăng
nếu không tinh tấn.

VII-2. Tinh tấn là gì ?
Vui cùng thiện pháp.
Ngược với tinh tấn
gọi là biếng lười,
thích điều có hại,
chán nản, tự khinh.

VII-3. Nếm vị ở không,
ưa thích ngủ nghỉ,
nên chẳng biết chán
cảnh khổ luân hồi.

VII-4. Đã lỡ rơi vào
cạm bẫy phiền não,
nên vướng kẹt giữa
mạng lưới thọ sinh,
đưa mình vào trong
miệng của thần chết,
làm sao có thể
không biết cho được !

VII-5. Đồng loại từng người
lần lượt bị giết.
Vậy mà có thể
không thấy thật sao ?
Vẫn ngủ no nê
giống như loài trâu
bên cạnh đồ tể.

VII-6. Thần chết nay đã
khép mọi nẻo đường
mở mắt chờ ta.
Lẽ nào ăn ngon !
Lẽ nào ngủ yên !

VII-7. Biết rồi sẽ chết
thời phải mau mau
tích lũy tư lương.
Đợi chết mới chịu
buông tâm lười biếng,
nhỡ như chết sớm
biết làm thế nào ?

VII-8. Này việc mới khởi,
này việc chưa làm,
này việc dở dang,
đột nhiên chết đến,
khi ấy kinh hoàng:
“Ôi, ta tiêu mạng !”

VII-9. Mắt đỏ đớn đau,
lệ tràn trên má.
Người thân bên cạnh
tuyệt vọng vô bờ.
Riêng tôi nhìn thấy
thần chết cạnh bên.

VII-10. Ký ức tràn ngập
việc ác đã làm.
hoảng sợ điên cuồng
thân trào phẩn uế
vì bởi tai nghe
tiếng kêu địa ngục,
biết phải làm sao ?

VII-11. Khổ nạn đời này
đã khiến chơi vơi
như cá mắc cạn,
huống chi địa ngục
do nghiệp gây nên !

VII-11. Đã gieo đủ nghiệp
khiến sẽ đọa rơi,
nơi mà xương thịt
sẽ bị đốt nung,
nước sôi xối bỏng,
làm sao có thể
nhởn nhơ sống vui ?

VII-13. Muốn được hưởng quả
nhưng không gắng công.
Kẻ yếu hèn này
sẽ gặp họa lớn.
Đến khi gần chết
lại giống chư Thiên
cất tiếng khóc than:
“Ôi, sao quá khổ !”

VII-14. Thân là thuyền bè
đủ sức đưa ta
vượt qua biển khổ.
Nếu lỡ mất rồi
làm sao tìm lại ?
Hỡi kẻ ngu muội,
ngay lúc này đây
chớ nên mê ngủ !

VII-15. Hạnh phúc thù thắng
cùng với chánh pháp,
đều là nhân duyên
tạo quả an lạc.
Sao không thiết tha
lại đi ưa thích
lơ đễnh, tán tâm ?
đều là nhân duyên
tạo nên quả khổ

VII-16. Tâm không buồn nản:
đấy là tinh quân.
Với lòng chân thật
hàng phục chính mình,
bình đẳng ngã tha,
hoán chuyển ngã tha.

VII-17. Đừng nên nản chí
nghĩ rằng “như ta
làm sao có thể
đạt quả giác ngộ !”
Như lai là người
nói đúng sự thật,
đã dạy điều này:

VII-18. Cho dù có thành
ruồi muỗi ong bọ
mà đủ tinh tấn,
thời cũng có thể
đạt được quả vị
vô thượng bồ đề.

VII-19. Còn như tôi đây
được sinh làm người,
biết điều thiện ác,
nếu không nản chí
từ bỏ đường tu
thì chẳng lý nào
không thể giác ngộ.

VII-20. Nói rằng “tại vì
phải thí thân mạng,
cho cả chân tay,
nên tôi thấy sợ.”
Đó là không biết
phân biệt trọng khinh.
Vì vô minh nên
phát sinh sợ hãi.

VII-21. Vô lượng đời kiếp
cũng đã nhiều phen
bị đâm, đốt, xẻ
thế nhưng chẳng thể
đạt quả bồ đề.

VII-22. Nay vì tu chứng
phải chịu khổ đau.
Khổ này có hạn,
ví như giải phẫu
để trị liệt thân.

VII-23. Y sĩ gây đau,
chữa lành bệnh dữ.
Chịu được khổ nhỏ,
khổ lớn tiêu trừ.

VII-24. Huống chi thần y
lại không như vậy,
dùng cách dịu nhẹ
chữa bệnh nan y.

VII-25. Dạy ta lúc đầu
tập cho rau củ,
cho quen rồi mới
bố thí thịt xương.

VII-26. Khi tâm chứng được
thân, rau chẳng khác,
thời thí thân thể
nào khó chi đâu.

VII-27. Cũng chẳng đớn đau,
vì nghiệp đã đoạn.
cũng không nghịch ý,
vì luôn thiện xảo.
Cho nên, vọng kiến,
cùng việc bất thiện
là điều tác hại
đến thân và tâm.

VII-28. Nếu thân an lạc
nhờ công đức tăng,
tâm cũng an lạc
nhờ luôn thiện xảo,
Trú ở luân hồi
là vì chúng sinh,
làm sao có thể
mỏi mệt cho được ?

VII-29. Nghiệp cũ đã cạn
nhờ tâm bồ đề.
Công đức như biển,
hơn hàng Thanh Văn.

VII-30. Bồ tát cưỡi trên
lưng ngựa bồ đề,
biến tan mỏi mệt.
Từ cảnh vui này
vào cảnh vui khác,
làm sao có thể
thoái chí nản lòng ?

VII-31. Tác thành chúng sinh
có bốn lực lượng:
nguyện, định, vui, nghỉ.
Nguyện có được nhờ
thiền quán khổ đau,
và hiểu lợi ích.

VII-32. Diệt mọi trở lực,
tăng cường tinh tấn,
được là nhờ nguyện,
tự tín, vui, nghỉ,
và nhờ năng lực
chuyên tâm, tự chủ.

VII-33. Cần diệt bỏ hết
vô biên ác nghiệp
của mình của người.
Diệt một ác nghiệp
đã phải gắng công
hàng vô lượng kiếp,

VII-34. vậy mà mảy may
sám hối nghiệp chướng
cũng vẫn chưa hề.
Biến mình trở thành
kho tàng ác nghiệp,
sao tim lại chẳng
từng mảnh nổ tung ?

VII-35. Cần thành tựu đủ
vô lượng thiện đức
cho mình cho người.
Tu một thiện đức
đã phải gắng công
hàng vô lượng kiếp,

VII-36. vậy mà một thoáng
huân tập thiện đức
cũng vẫn chưa từng.
Thật là kỳ lạ !
Thân người này đây
quí giá biết bao,
lại biến nó thành
hoàn toàn vô nghĩa !

VII-37. Chưa từng hiến cúng
mười phương Như lai;
chưa từng mang đến
niềm vui lễ đàn;
chưa từng góp sức
làm nên pháp hội;
chưa từng chu toàn
cho người gian nan;

VII-38. chưa giúp kẻ nguy
thoát cơn sợ hãi;
chưa mang vui đến
cho kẻ khốn cùng.
Điều tôi đã làm
đó là trong thai
đã khiến mẹ tôi
chịu bao khổ sở !

VII-39. Vì trong quá khứ
và trong hiện tại
từ bỏ chí nguyện
mong cầu Phật Pháp,
nên nay mới phải
khốn khổ thế này.
Vậy ai còn muốn
bỏ chí nguyện tu ?

VII-40. Đức Mâu ni dạy:
nguyện là cội rễ
của mọi thiện đức.
Nguyện này sinh ra
từ sự liên tục
quán về quả báo.

VII-41. Thân đau, tâm khổ,
đủ loại hiểm nguy,
những điều mong muốn
đều phải xa lìa,
chẳng qua chỉ vì
nghiệp dữ đã tạo.

VII-42. Cố gắng dụng tâm
làm nên việc lành,
với công đức này,
dù sinh ở đâu
cũng đều hưởng đủ
mọi điều thắng diệu.

VII-43. Đã làm việc dữ,
mặc dù muốn vui
với ác nghiệp này,
dù sinh ở đâu,
đao kiếm khổ đau
cũng đều bủa xuống.

VII-44. Trú giữa lòng sen
dịu mát ngát hương;
thực phẩm diệu âm
thuần dưỡng rạng ngời;
hào quang Phật chiếu;
nở từ lòng sen;
thân tướng nhiệm mầu;
diện kiến Như lai;
làm bậc trưởng tử;
tất cả đều nhờ
công đức thiện nghiệp.

VII-45. Thống khổ biết bao,
bị quỉ diêm vương
lột da lôi xuống,
chảo đồng nung sôi
đổ vào thân thể,
đao kiếm cháy đỏ
đâm xẻ thịt da,
cắt nát vụn ra
thành hàng trăm mảnh,
rớt cả xuống nền
sắt nung cháy rực,
tất cả chỉ vì
nghiệp dữ đã gieo.

VII-46. Vì vậy cần phải
tin nơi thiện đức
với trọn kính ngưỡng,
tu tập chuyên cần.
Khởi bằng nghi thức
Kinh Kim Cang Tàng,
tu tâm tự tín.

VII-47. Trước khi bắt đầu
phải nên cân nhắc
nên làm hay không.
Không làm thì hơn,
nhưng nếu đã làm
chớ nên bỏ dở,

VII-48. bằng không đời sau
sẽ luôn quen thói,
khổ nghiệp càng tăng,
khả năng càng giảm,
đến khi sắp đạt
việc lại không thành.

VII-49. Một là hành động;
hai là nhiễm tâm;
ba là khả năng:
tu tập tự tín
theo ba điểm này.
Nói rằng: “tôi sẽ
một mình gánh vác.”
Đây chính là tâm
tự tín hành động.

VII-50. Người phàm phu bị
nhiễm tâm ràng buộc,
cả chính bản thân
cũng không gánh nổi.
Họ chẳng như tôi
cho nên tôi phải
tự mình cáng đáng.

VII-51. Thấy người làm việc
lao nhọc thấp hèn,
sao lại ngồi yên ?
Chẳng nên kiêu mạn.
Đừng bao giờ để
khởi lòng tự tôn.

VII-52. Khi gặp rắn chết,
quạ cũng thành ưng ;
khi tâm nhu nhược,
cả lỗi lầm nhỏ
cũng gây hại lớn.

VII-53. Kẻ sớm nản lòng,
không biết kiên trì,
làm sao thoát khổ ?
Biết tu tự tín
thì dù chuyện lớn
cũng vẫn ung dung.

VII-54. Vậy hãy kiên tâm
diệt mọi lầm lỗi.
Mới gặp lỗi nhỏ
đã vội nản lòng,
vậy thì chí nguyện
hàng phục ba cõi
chẳng phải chỉ là
trò cười hay sao ?

VII-55. Tôi sẽ là người
chinh phục vạn pháp.
Sẽ chẳng có gì
xô ngã được tôi.
Tôi là đứa con
của sư tử chúa,
luôn luôn an định,
tự tín tột cùng.

VII-56. Nếu vì tự tôn
mà gặp tổn hại,
thì đó chỉ là
nhiễm tâm phiền não,
chẳng phải tự tín.
Ai có tự tín,
trăm vạn kẻ thù
không thể thao túng.
Còn những kẻ khác
thường bị tự tôn
tác hại tơi bời.

VII-57. Để cho tự tôn
thổi phồng tâm trí,
thời sẽ trôi lăn
vào trong ác đạo,
dù sinh làm người
cũng chẳng an vui,
làm tôi tớ ăn
cơm thừa canh cặn.

VII-58. Ngu si, xấu xí,
thấp kém, yếu hèn,
trở thành trò cười
của khắp thiên hạ.
Tự tôn tự đại
mà gọi anh hùng,
chẳng biết ai mới
là người tội nghiệp.

VII-59. Tự tín hàng phục
kẻ thù tự tôn
mới thật xứng đáng
là đại anh hùng.
Vĩnh viễn đoạn diệt
kẻ thù tự tôn,
viên thành Phật quả,
thành đấng chiến thắng,
như là chúng sinh
vẫn hằng đợi mong.

VII-60. Ở trong phiền não
mà vẫn giữ tâm
muôn phần kiên định,
không để phiền não
xâm phạm đến mình,
như sư tử đứng
giữa bầy lang sói.
Gặp cảnh hiểm nguy
thời che đôi mắt,
tương tự như vậy,
gặp cảnh hung hiểm
cũng chẳng để cho
phiền não tấn công.

VII-62. Chẳng thà chết cháy,
hay bị chém đầu,
còn hơn qui hàng
kẻ thù phiền não.
Vậy trong mọi cảnh
phải luôn giữ gìn
hành động thích đáng.

VII-63. Như trò chơi vui,
Bồ tát làm gì
cũng đều vui thích,
tâm không thấy thỏa.

VII-64. Khổ công làm lụng,
mưu cầu hạnh phúc,
thế nhưng hạnh phúc
biết có được chăng !
Gặp việc chắc chắn
tạo quả hạnh phúc,
làm sao có thể
không ưa thích làm ?

VII-65. Lạc thú giác quan
tựa như mật ngọt
trên đầu lưỡi dao,
người đời nếm vào
còn chưa biết đủ.
Huống chi công đức
tạo quả an lạc,
làm sao có thể
thấy đủ cho được.

VII-66. Muốn làm xong việc,
thời phải bắt đầu
giống như là voi
giữa trời trưa nắng
gặp được ao trong
vội vã dầm mình.

VII-67. Bao giờ yếu mệt
thời phải buông nghỉ,
rồi lại bắt đầu.
Hay khi làm xong
phải biết buông nghỉ,
vì đây là việc
sẽ lại muốn làm.

VII-68. Như tướng ra trận
cùng địch so gươm,
gạt mọi nhát đâm
của kiếm phiền não,
nhanh nhẹn tấn công,
chiến thắng kẻ thù.

VII-69. Đương khi lâm trận
lỡ tay rơi kiếm,
kinh hoàng sợ hãi
vội vã nhặt lên.
Tương tự như vậy,
chánh niệm lỡ rơi,
phải sợ ác đạo
mà lượm ngay về.

VII-70. Thuốc độc vào máu
sẽ lan toàn thân;
lỗi lầm có dịp
sẽ ngập tràn tâm.

VII-71. Như ôm trong tay
hũ dầu đầy ắp
đi trước lưỡi gươm,
sẽ không dám rơi
dù chỉ một giọt.
Người tu phải nên
thận trọng như vậy.

VII-72. Như rắn chạm chân,
lập tức hất ra.
Tương tự như vậy,
nếu tâm trì trệ,
buồn ngủ, hôn trầm,
phải mau chận đứng.

VII-73. Mỗi khi phạm lỗi,
phải tự trách mình,
cương quyết lập tâm
để không tái phạm.

VII-74. Ở trong mọi lúc,
trong mọi hoàn cảnh,
sao cho chánh niệm
thành thói quen đây ?
Nghĩ rằng tôi sẽ
cầu gặp đạo sư,
làm theo tất cả
việc làm thích đáng.

VII-75. Để đủ sức mạnh
trong mọi việc làm,
hãy nhớ lời dạy
về bất phóng dật,
nhẹ nhàng khởi công.

VII-76. Như sợi tơ bông
nhẹ bồng trong gió,
để mình phất phới
nhẹ giữa niềm vui,
thời có việc gì
lại không làm được.

/ HẾT CHƯƠNG 7 /

|| Đọc Tiếp Chương 8 >>>

image_pdfimage_print