Dilgo Khyentse Rinpoche giảng KHO TÀNG TÂM CỦA ĐẤNG GIÁC NGỘ

DẪN NHẬP

– Tâm Người Tu

Các loài hữu tình sống trong cõi thế gian vô biên này, dù là loài côn trùng bé mọn, ai ai cũng đều mong được sống an vui, thoát cảnh khổ đau hung hiểm. Tuy cầu vui nhưng lại không biết rằng vui được là nhờ làm thiện; sợ khổ nhưng lại không thấy rằng chịu khổ chỉ vì làm ác. Cứ thế, mê muội quay lưng với niềm vui, lao đầu vào cảnh khổ.

Muốn vui mà không ngưng làm ác, chẳng khác nào cầm lửa trong tay lại mong không bị cháy. Thế gian có ai là người muốn đớn đau, tật bệnh, đói khát, nóng lạnh, nhưng nếu cứ làm ác thì biết đến bao giờ mới dứt được khổ đau. Tương tự như vậy, chẳng thể yên vui nếu cứ mãi chạy theo những việc làm, lời nói và ý nghĩ bất thiện. Muốn làm thiện, phải tự mình huân tập cho chính mình. Đây là điều chẳng thể mua, chẳng thể cướp, cũng chẳng thể tình cờ may mắn mà có được.

Chúng ta bất cứ làm việc gì cũng đều làm bằng ba cửa thân, khẩu, và ý. Thân và khẩu chẳng thể tạo tác; chính tâm ý mới là yếu tố quyết định cho lời nói và hành động. Tâm ý nếu thả lỏng sẽ mau chóng phát sinh muôn vạn điều bất thiện. Chúng ta đã cứ thế trôi lăn trong luân hồi sinh tử biết bao đời kiếp rồi.

Cứ mỗi lần tái sinh trong vô thủy luân hồi, chúng ta đều phải có mẹ cha. Tái sinh nhiều lần đến nỗi bất cứ một chúng sinh nào trong cõi thế gian này cũng đều đã từng là cha hay là mẹ của mình trong một kiếp tái sinh nào đó. Nghĩ đến mẹ cha của chính mình, đui mù lang thang trong sinh tử bấy lâu, làm sao có thể không buốt dạ xót thương. Nhưng xót thương suông là không đủ, họ cần được giúp đỡ thật sự. Tâm này đây, nếu cứ để tham chấp ràng buộc thì dù mang hết thực phẩm, áo quần, tiền tài, hay niềm yêu thương an ủi ra mà trao tặng chăng nữa, cùng lắm chỉ có thể mang lại được đôi chút an vui tạm bợ. Nhất định phải tìm cách đưa đa sinh phụ mẫu vĩnh viễn thoát khổ đau sinh tử. Để thực hiện điều này, chỉ có một cách duy nhất là tu theo Phật-pháp.

Vậy tôi xin quí vị, trước khi thọ bài pháp trân quí này, hãy phát tâm cho thật thích đáng: nguyện học và tu không vì lợi ích cá nhân mà chỉ vì mục tiêu duy nhất là phổ độ chúng sinh thoát biển rộng luân hồi, đạt bến bờ đại giác.

Đây chính là tâm nguyện bồ đề bao la tuyệt hảo.

Tâm bồ đề, nghĩa là “tâm giác ngộ.” Tâm này có hai khía cạnh: một mặt hướng về chúng sinh, một mặt hướng về trí tuệ.

Khía cạnh đầu ứng với tâm đại bi bình đẳng, hướng về hết thảy chúng sinh, không phân biệt thân sơ, bạn thù. Hãy lấy tâm từ bi này để mà hành thiện. Dù chỉ dâng một ngọn đèn, tụng một câu chú, cũng hãy làm với tâm nguyện độ sinh.

Tuy vậy, chỉ với lòng từ bi thì chưa thể độ sinh. Như người mẹ với đôi tay bại liệt, nhìn con mình bị sông nước cuốn đi, dù đau xót đến đâu vẫn không thể cứu con thoát dòng nước lũ. Muốn đưa chúng sinh thoát cảnh khổ đau, vượt sang nẻo giác, tất cả những gì cần làm, quí vị đều phải làm đầy đủ tất cả.

Cần hiểu rằng nay gặp được thiện duyên lớn lao như vậy, được sinh vào nơi có Phật xuất thế, Phật lại thuyết pháp, chúng ta lại gặp được chân sư, truyền cho chánh pháp. Có thuận tâm tận dụng kiếp người quí giá để bước vào giải thoát đạo hay không, điều này chỉ tùy thuộc vào sự chọn lựa của chính mình.

Kinh sách nói rằng: “nhờ thân người mà đạt nẻo giác; vì thân người mà đọa địa ngục.” Thành bậc thánh hiền đạt quả Phật, hay thành kẻ ác nhân đọa địa ngục, tất cả chỉ tùy tâm ta chọn hướng đi nào. Phật-pháp giúp chúng ta phân biệt rõ ràng và chọn chính xác, thấy rõ đâu là điều cần làm, điều cần tránh.

Mặc dù ngay trong hiện tại chưa thể giúp được ai, nhưng nếu làm việc gì cũng đều làm vì muốn chúng sinh vơi khổ, liên tục giữ vững tâm nguyện này, nhất định sẽ có ngày ước muốn thành sự thật. Tâm nguyện dẫn đường cho hành động, tựa con kênh đưa nước vào đúng nơi mình muốn. Mọi sự đều tùy thuộc nơi tâm. Nếu tâm mong cầu khang an thịnh vượng, cùng lắm chỉ có thể mang đến sự khang an thịnh vượng. Nhưng nếu tâm tha thiết mong chúng sinh thoát khổ, nhất định sẽ có lúc chúng ta đủ khả năng toàn thành chí nguyện cao cả này. Vậy điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để tâm hướng về những mục tiêu bé hẹp.

Ngày xưa có hai mẹ con ngồi thuyền vượt sông. Thuyền ra giữa dòng, đột nhiên gặp bão lớn, thuyền chao sắp đắm. Trong cơn hung hiểm, người mẹ thầm nghĩ: “ước gì con mình thoát nạn!” còn người con thì lại nghĩ: “mong sao cho mẹ được bình an!” Thuyền đắm, cả hai đều chết đuối, nhưng vì ước nguyện trong sáng mà cả hai mẹ con đều lập tức vãng sinh cõi Phật.

Khía cạnh thứ hai của tâm bồ đề hướng về trí tuệ, chứng tánh không đạt toàn giác để mà độ sinh. Phương-tiện-từ-bi và trí-tuệ-tánh-không là hai khía cạnh của tâm bồ đề, không thể tách lìa. Như chim phải đủ hai cánh mới có thể bay, tương tự như vậy, chẳng thể đạt quả giác ngộ nếu từ bi và trí tuệ thiếu mất một.

Vì cầu lợi cõi thế gian mà làm thiện, việc thiện này cũng sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng là thứ hạnh phúc nhất thời, chẳng mấy chốc sẽ tan biến, sẽ vẫn tiếp tục lang thang trong sinh tử. Ngược lại, nếu từng ý nghĩ, lời nói, và hành động, đều được tâm bồ đề thăng hoa, nguồn hạnh phúc sẽ ngày càng tỏa lớn, không bao giờ tàn. Quả đến từ tâm bồ đề không giống quả đến từ những thiện đức khác, không bị sân hận phiền não làm cho hao mòn.

Bất kể làm gì, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở nơi tâm. Đó là lý do vì sao Phật giáo luôn xem trọng việc luyện tâm. Tâm ý là vua, thân khẩu là quần thần. Vua bảo gì, quần thần phải tuân theo. Tùy nơi tâm ý mà có tín, có nghi, có thương, có ghét.

Vậy chúng ta xoay vào bên trong để tự xét lấy tâm mình, vì chính tâm mới là yếu tố xác định việc ta làm là thiện hay ác. Tâm như khối pha lê trong suốt, đặt lên tấm vải mầu gì thì sẽ hiện thành mầu ấy – vải vàng thì khối pha lê vàng, vải xanh thì khối pha lê xanh. Tương tự như vậy, tâm nguyện là màu sắc của tâm, là yếu tố xác định thực chất của việc làm, bất kể ngoại tướng ra sao. Chân tánh của tâm vốn không phải là điều xa xôi không thể biết, thật ra luôn hiện diện. Tuy vậy, nếu muốn nhìn thử xem thật ra tâm là gì, sẽ thấy tâm không phải là đỏ, vàng, xanh, trắng hay xanh lá; cũng không phải là vuông hay tròn, không mang hình dáng như chim, như khỉ, hay như bất cứ thứ gì khác. Tâm chỉ đơn thuần là biết và ghi nhớ vô vàn niệm tưởng. Nếu dòng niệm tưởng này luôn là thiện, thì đó là tâm đã thuần; nếu là bất thiện, thì tâm chưa thuần.

Luyện cho tâm trở nên thuần thiện là điều đòi hỏi nhiều nỗ lực kiên trì. Đừng bao giờ nghĩ rằng, “đức Phật là bậc giác ngộ viên mãn, và đức Quan Thế Âm là hiện thân của lòng từ bi; còn kẻ phàm phu như tôi làm sao có thể độ sinh?” Đừng bao giờ nản lòng. Tâm nguyện càng tăng trưởng, càng tỏa rộng thì khả năng hành thiện càng lớn mạnh theo. Dù trong hiện tại chưa làm được việc đức Quan Thế Âm làm, nhưng hành trì theo Phật-pháp sẽ giúp phát huy năng lực độ sinh. Nếu tâm không lìa chí nguyện độ sinh, khả năng độ sinh sẽ đến một cách tự nhiên, như nước đổ xuôi dốc núi.

Mọi vấn đề đều phát sinh từ tâm ích kỷ không biết nghĩ cho người. Làm gì cũng phải luôn tự nhìn vào đài gương tâm để tự xét xem tâm này đang vì bản thân hay đang vì chúng sinh. Cứ thế dần phát huy khả năng nắm giữ tâm trong mọi tình huống; và nhờ bước theo gót chân của bậc chân tu thật chứng trong các thời quá khứ, chúng ta nhất định có thể đạt quả giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Tâm thiện như đất vàng, thắp sắng bầu trời bằng ánh hoàng kim. Còn nếu thân khẩu ý cứ mãi bất thuần thì chẳng hy vọng gì đạt thành tựu, dù chỉ mảy may. Vậy ta nên nghiêm ngặt canh chừng ý nghĩ lời nói và hành động của chính mình, trong mỗi phút giây. Để thân khẩu ý đi lầm đường thì mọi nỗ lực học và tu đều lãng phí cả.

Luân hồi là cảnh sống của kẻ vì bị phiền não vô minh thao túng mà tự gieo khổ đau cho chính mình; niết bàn là cảnh giới siêu việt khổ đau, nói cách khác, là quả vị Phật. Nếu buông lung, để tâm tùy tiện chạy theo khuynh hướng bất thiện, tâm sẽ lăn vào chốn sinh tử một cách tự nhiên. Nay chúng ta đang đứng giữa ngã tư đường: đã đủ thiện duyên được sinh làm người, lại được sinh vào thời có Phật xuất thế; không những vậy, Phật còn thuyết pháp; chúng ta cũng đã gặp được bậc đạo sư truyền pháp cho, và đã được hướng dẫn hành trì; cả thân lẫn tâm đều đầy đủ khả năng thực hành theo chánh pháp. Bây giờ mọi việc chỉ còn tùy ở nơi mình. Liệu sẽ chọn hướng nào để đi? Chọn đi lên theo đường tu giải thoát với chí nguyện đưa chúng sinh đạt quả vô thượng bồ đề, hay chọn đi xuống, đọa sâu hơn vào mê hồn trận sinh tử, khó lòng thoát ra?

– Tinh Thần Tu

Nhờ theo giáo pháp của Phật mà đủ khả năng đưa chúng sinh đạt quả vô thượng bồ đề, vì vậy phải rất cẩn trọng khi thọ pháp. Quan trọng là phải quét cho sạch mọi lỗi lầm che chướng khiến tâm không hiểu rõ, bao gồm ba lỗi, sáu nhiễm và năm sai lầm. Bằng không, dù bỏ bao nhiêu thời gian để tu học cũng vẫn hoài công. Xin quí vị hãy chuyên chú lắng nghe bài pháp sắp được nói ở đây, với đầy đủ chánh niệm và vận dụng sáu ba la mật.

– Nội Dung Tu

Bài pháp mang tựa đề Pháp Thiện ở đoạn Đầu, Giữa và Cuối. Cũng còn có tên Kiến, Tu và Hạnh: Kho Tàng Tâm của Đấng Giác Ngộ. Chánh văn bài pháp này do đức Dza Patrul Rinpoche trước tác. Ngài còn có tên là Orgyen Jigme Chokyi Wangpo, hiện thân của đại bồ tát Tịch Thiên [Shantideva]. Suốt một đời, đức Dza Patrul Rinpoche luôn là biểu hiện của giới hạnh uy nghi, từ bi vô lượng và trí tuệ thâm sâu, hoàn toàn xuất thế.

Đức Phật với khả năng tuyệt bậc và lòng từ bao la đã thuyết giảng giáo pháp quảng thâm, tất cả đều được gom trong Tam Tạng kinh điển. Giải thích lời Phật dạy là Luận tạng, không trực tiếp do Phật thuyết mà đến từ các đời đại đạo sư tiếp nối – đại hiền thánh xứ Ấn, thánh giả xứ Tạng v.v… Bài pháp này của đức Dza Patrul Rinpoche là một ví dụ điển hình.

Tất cả giáo pháp Phật dạy đều hướng về mục tiêu giải thoát cứu cánh. Phật thuyết nhiều pháp môn là vì căn cơ sở thích của người tu không đồng. Pháp Thiện ở đoạn Đầu, Giữa và Cuối được viết với văn phong dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ thực hành; tuy vậy nội dung vẫn đầy đủ mọi điểm tinh yếu của toàn bộ giáo pháp, Tiểu thừa và Đại thừa.

Theo đúng truyền thống, bài pháp này được chia làm ba phần: mở đầu, thân bài và kết luận. Mỗi phần đều nhắm vào một tiêu đề nhất định. Phần thứ nhất nói về cảnh sống triền miên thống khổ của chúng sinh trong thời đại tối ám này; phần thứ hai nói về công phu kiến, tu và hạnh theo Hiển thừa và theo Mật thừa; phần thứ ba nói về sự tự tại thoát mọi bận tâm thế tục.

Phần đầu thúc dục chúng ta nhìn lại lỗi mình và sự bất toàn của luân hồi, để hiểu rằng mọi nỗ lực đổ ra cho cõi thế gian này, mọi gắng công, mọi thao tác, thật ra chỉ là trò lừa mình dối người, tất cả chỉ để cung phụng tâm vị kỷ, vì tâm này luôn vướng kẹt trong niềm thương nỗi ghét, chấp luyến người thân và chống đối kẻ thù, thật vô nghĩa làm sao. Thấy được điều này, tự nhiên sẽ cảm thấy mệt mỏi chán ngán, từ đó bắt đầu nảy sinh chí nguyện muốn thoát li sinh tử. Chí nguyện mong cầu giải thoát này là nền tảng của mọi pháp hành, vì phải hiểu rõ cảnh sinh tử mới có được sự thôi thúc không thể kềm chế muốn đưa trọn vẹn đời mình về với pháp hành.

Trong thời kỳ chuyển pháp luân thứ nhất, đức Phật dạy rằng cõi luân hồi này không có gì ngoài khổ đau. Đây là đế đầu tiên trong Tứ Diệu Đế. Chúng sinh hữu tình ai cũng đều mong được hạnh phúc, vậy mà vì vô minh đã phải gieo toàn nhân tạo khổ. Không hiểu rằng hạnh phúc chân chính chỉ có thể đến từ giác ngộ chân chính, cứ để tham và sân chiếm ngự cõi tâm, kẹt trong mạng lưới hư vọng, ngớ ngẩn trôi lăn từ cảnh khổ này đến cảnh khổ khác, không bao giờ ngừng.

Chúng ta nay sống trong thời kỳ suy đồi, còn được gọi là “thời kỳ cặn bã,” vì chỉ còn sót lại đôi chút cặn bã của thiện đức thời hoàng kim xa xưa. Người đời nay quay lưng với Phật-pháp, chỉ còn vài bậc thánh nhân hiếm hoi thật sự sống theo chánh pháp. Mọi người đều khát khao mong cầu hạnh phúc, nhưng cách nhìn và lối sống đều chỉ khiến cho họ càng lún sâu thêm vào cảnh khổ.

Khổ đau ác đạo cùng cực đến nỗi cho dù chỉ tưởng tượng cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Chúng sinh cõi địa ngục thống khổ vì nóng vì lạnh; chúng sinh cõi ngạ quĩ bức bách vì đói vì khát. Các loài súc sinh, mù quáng si mê, chịu cảnh ràng buộc, luôn sống trong kinh hoàng sợ hãi. Cho dù không thể mường tượng ra nổi cảnh sống trong ba cõi ác đạo, ít ra chúng ta cũng phải biết nghĩ đến quả báo của việc mình làm ngay trong kiếp sống hiện tại. Như các đại đạo sư dòng Kadampa thường nói, “giáo pháp cao trội hơn cả chính là giáo pháp giúp ta soi tỏ lỗi lầm sâu kín trong tâm.” Trước tiên phải thấy luân hồi chẳng có gì ngoài khổ đau. Sau đó, nhận biết lỗi của mình để nhìn vào nguyên nhân tạo khổ. Gốc rễ của khổ đau là vô minh. Gốc rễ của vô minh là vọng tâm chấp ngã. Ngài Nguyệt Xứng dạy:

Trước tiên thấy có “ta,” nên sinh tâm chấp ngã
Rồi thấy có “của ta,” nên sinh tâm chấp pháp
Nước trên bánh xe nước, xoay vần chẳng thể ngưng
Đảnh lễ tâm đại bi, vì chúng sinh phát khởi.

Vì bám dính vào thân của tôi, tâm của tôi, tên tuổi của tôi, nên gặp việc nghịch ý thì chống đối, gặp việc thuận ý thì bám dính. Đây là hoạt động căn bản của tâm chấp ngã, là chính gốc rễ của khổ đau.

Vạch rõ cảnh nhân tình thế thái trong thời kỳ giáo pháp suy đồi, phần một của bài pháp này giúp chúng ta thấu hiểu thực chất cảnh luân hồi để cảm thấy đau xót sâu xa, khởi chí nguyện mãnh liệt muốn thoát vòng vây vô minh khiến trầm luân khổ não. Tuy vậy, phát nguyện suông không đủ, còn phải biết muốn thoát thì phải làm sao. Nói cách khác, phải biết tu như thế nào.

Phần hai của bài pháp này cho biết phải tu như thế nào để hóa giải vọng tâm. Pháp tu được giải thích qua ba điểm kiến, tuhạnh theo Phật giáo Đại thừa. Đây là cốt tủy của Phật-pháp. Tu theo pháp tu này, chướng nghiệp đã gieo trong quá khứ sẽ thanh tịnh, công đức giải thoát giác ngộ vốn có sẽ hiển lộ. Bài pháp này đặc biệt hướng dẫn theo khuôn khổ đặc thù của pháp tu đức Quan Thế Âm, đức Phật Đại Bi.

Trước tiên cần đạt được kiến. Đạt kiến có nghĩa là đạt được cái nhìn xác quyết về chân đế, còn gọi là chân lý cứu cánh. Thấy thế giới hiện tượng này, mặc dù hiện ra và tạo tác dụng, nhưng thực chất hoàn toàn không có một thực tại rốt ráo nào cả. Chứng biết vạn pháp tuy hiện ra nhưng bản tánh vốn không, đây là hạt mầm, từ đó trổ quả giác ngộ. Muốn được kiến, trước tiên phải hiểu chính xác về tánh không. Rồi muốn chuyển sự hiểu này thành kinh nghiệm chứng ngộ thì phải dựa vào đó để liên tục hành trì, đó là tu. Duy trì kinh nghiệm kiến tánh trong mọi lúc, dưới mọi hoàn cảnh, đó là hạnh. Luôn phối hợp kiến, tuhạnh, nhờ đó quả tu sẽ thành thục chín mùi.

Sách có câu, “sữa khuấy cho khéo sẽ thành bơ.” Quả tu là quả như thế nào? Ôn hòa tự chủ là dấu hiệu của sự hiểu; không bị phiền não che chướng là dấu hiệu của sự tu. Tánh đức này cùng hết thảy công đức giải thoát sẽ bén rễ trong ta, và sẽ tự biểu hiện không ngăn ngại qua mọi việc ta làm. Được kiến cũng ví như hiểu được lợi ích của một dụng cụ nào đó. Tu, ví như ra phố mua dụng cụ đó về, học cách sử dụng. Hạnh, ví như khéo léo dùng dụng cụ này. Quả tu là món đồ làm ra được nhờ vào đó.

Phần ba của bài pháp này cho thấy biểu hiện của quả tu trong đời sống hàng ngày, thoát mọi bận tâm thế tục, luôn thuận theo chánh pháp.

Càng chán ngán sinh tử, càng mất đi ảo vọng tin vào hạnh phúc thế gian, càng đắm mình trong pháp hành, thì cảm giác tự tại sẽ càng tăng, một cách tự nhiên: ta đã không còn theo đuổi những thứ tạo khổ đau. Muốn thoát luân hồi thì phải thật sự quay lưng với luân hồi, phải chân thành muốn thoát li, chỉ như vậy mới có khả năng giải thoát sinh tử.

image_pdfimage_print