Dilgo Khyentse Rinpoche giảng KHO TÀNG TÂM CỦA ĐẤNG GIÁC NGỘ

KHAI LUẬN

– Tán Dương Đảnh Lễ

— ĐỨC QUAN THẾ ÂM

Chánh văn khai luận với câu NAMO LOKESHVARĀYA

Câu tiếng Phạn này có nghĩa là: “Đảnh lễ đấng Tối Cao Ngự Trị Cõi Thế.” Đây chính là Đại Bồ Tát Quán Tự Tại, đức Quan Thế Âm.

Tâm đại bi của đức Quan Thế Âm chở che khắp chúng hữu tình, từ thường dân đến quốc vương, từ thanh văn duyên giác đến bồ tát mười địa. Đức Quan Thế Âm là hiện thân của lòng đại bi, bất khả phân chia với cảnh giới Phật Trí.

Tâm từ bi giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong giáo pháp của Phật, vì từ nơi tâm này xuất ra mọi biểu hiện thâm sâu và quảng đại của bồ tát đạo. Đây chính là trái tim của giác ngộ. Trong cảnh hiện qui ước của tục đế, đức Quan Thế Âm vì chúng sinh mà xuất thế dưới sắc tướng một vị đại bồ tát thập địa, làm bậc trưởng tử của mọi đấng Phật đà. Trong cảnh cứu cánh, ngài là nền tảng, từ đó hiện ra mọi đấng Thế tôn, mọi quốc độ Phật, cũng như mọi đấng Chuyển pháp luân vương trong thời kỳ này. Vì vậy mà gọi tên ngài là đấng Tối Cao Ngự Trị Cõi Thế, không phải làm vua theo nghĩa thế tục, mà là Pháp Vương, vua của chánh pháp, chúa tể của trí tuệ từ bi, triệt để siêu việt ba cõi luân hồi, vĩnh viễn nằm ngoài phạm vi của sinh lão bệnh tử. Vì chúng sinh, ngài thị hiện vô lượng Sắc thân, từ bậc đế vương cho đến người thường, hiện cả làm súc sinh. Ngài là tấm gương giải thoát toàn hảo dành cho khắp cả chúng sinh.

Đây là lý do vì sao lời khai luận hướng về đức Quan Thế Âm với lòng thành kính sâu xa.

— TAM BẢO

1. Hồng âm một giọt rơi vào tai ai,
Pháp âm rót đầy hàng vô lượng kiếp:
Tam Bảo nhiệm mầu, nguyện ánh hồng danh
chở nguồn hạnh phúc đến cho khắp cả.

Đây là lời tán dương đảnh lễ Tam Bảo, là Phật, Pháp và Tăng. Hồng danh Tam Bảo mặc dù dễ đọc nhưng hàm chứa năng lực giải thoát vô biên, có khả năng hộ trì chúng sinh thoát khổ đau sinh tử. Hồng danh này như giọt cam lồ bất tử, chỉ một giọt cũng đủ xoa dịu cơn đau rát bỏng cõi luân hồi, vừa thoáng qua tai đã gieo trong ta hạt mầm giải thoát, nhờ đó có thể sinh vào nơi có chánh pháp, đầy đủ thuận duyên để có thể vững tiến trên đường tu giác ngộ.

Chúng ta nên xem Phật là bậc Thầy, Pháp là đường đi, và Tăng là bạn đồng hành. Nhìn từ phương diện cứu cánh của Pháp thân, tâm Phật là cảnh giới vô biên của trí toàn giác, biết mọi sự đúng như sự thật. Nhìn từ phương diện của Báo thân siêu việt sinh tử, khẩu Phật liên tục thuyết chánh pháp. Nhìn từ phương diện của Hóa thân, là cảnh giới mà tâm phàm phu như chúng ta đây có thể thấy được, thân Phật thị hiện thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thứ tư trong số một ngàn đức Phật xuất thế trong đại kiếp này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại xứ Ấn, làm thái tử Tất Đạt Đa, con trai của vua Tịnh Phạn (Shuddodana) và hoàng hậu Ma Da (Mahamaya) thuộc dòng họ Thích. Khi trẻ sống đời vàng son, nhưng rồi ngài quay lưng với thế tục, dụng công sáu năm tu khổ hạnh. Cuối cùng buông xả cả pháp tu khổ hạnh, ngài đạt quả vô thượng giác dưới cội bồ đề nơi tòa kim cang. Bốn mươi năm vì chúng sinh chuyển pháp luân, cuối cùng, khi túc duyên chúng sinh vơi cạn, ngài nhập bát niết bàn. Với trí toàn giác, đấng Thế tôn thấy biết khắp cả, thấu rõ căn cơ từng đệ tử. Để đáp ứng nhu cầu của từng loại căn cơ, Phật thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn. Giáo pháp Phật dạy chính là Pháp bảo, hàng thứ hai trong Tam Bảo.

Ba đợt thuyết pháp của Phật được gọi là ba thời kỳ chuyển pháp luân. Thời kỳ chuyển pháp luân thứ nhất tại thành Ba la nại, đức Phật thuyết về Tứ đế, là giáo pháp nền tảng, chung cho cả hai nhánh Tiểu thừa và Đại thừa. Thời kỳ chuyển pháp luân thứ hai tại đỉnh Linh Thứu, đức Phật giảng về chân đế, là chân lý vắng bặt mọi đặc tính, siêu việt niệm tưởng, ngoài tầm nghĩ bàn. Giáo pháp này nằm trong bộ kinh Đại Bát Nhã Trăm Ngàn Chỉnh Cú. Thời kỳ chuyển pháp luân thứ ba nằm ở một vài thời điểm và địa điểm khác nhau, Phật thuyết về giáo pháp cứu cánh Kim cang thừa.

Pháp bảo có hai phần, giáo truyền và giáo chứng. Giáo truyền là lời Phật, gom trong Tam Tạng: luật tạng, kinh tạng và luận tạng. Giáo chứng là chứng ngộ giáo pháp Phật dạy nhờ tu theo giới, định và tuệ.

Hàng thứ ba trong Tam Bảo là Tăng bảo, tạng ngữ gọi là Gendun, nguyên nghĩa là “đoàn thể đức hạnh.” Hiểu theo nghĩa truyền thống thì tăng đoàn của Đại thừa là bồ tát, và tăng đoàn của Tiểu thừa là thanh văn và duyên giác. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tất cả những ai nghe Pháp, tư duy về Pháp và tu theo Pháp đều thuộc về Tăng bảo.

Tam Bảo là nơi qui y tối thượng, là nền tảng của mọi pháp môn. Tán dương đảnh lễ Tam Bảo là đồng loạt tán dương đảnh lễ hết thảy đạo sư, Phật đà, và bồ tát.

– Duyên Khởi Tác Luận

Đức Patrul Rinpoche lấy Tam Bảo làm đạo sư tối thượng của mình, tâm ngài thấm nhuần trong Phật-pháp, và ngài sống một đời thanh tịnh toàn hảo. Giáo pháp của ngài vì vậy rất thanh tịnh và chân chính. Bài pháp này được viết bằng tấm lòng từ bi thuần tịnh, không lẫn chút kiêu căng, ngạo mạn. Tuy vậy, ngài vẫn vô cùng khiêm tốn, nói rằng:

2. Quả hồng mùa thu, trong xanh, ngoài chín.
Ta đây vỏ ngoài thấy giống người tu,
nhưng tâm và pháp bên trong chưa hòa
nên pháp thuyết ra thật không có mấy.

Hết hè vào thu, quả hồng trên cây độ chín không đều. Nhiều quả bên ngoài ửng hồng nhưng bên trong vẫn còn xanh, tương tự những ai luôn ra vẻ mình là bậc hành giả gương mẫu, thật ra chứa đầy tâm ý hiểm độc, chỉ lo tích lũy của cải, vào làng cúng tế, tự tạo tiếng tăm.

Lại có những quả nhìn vỏ ngoài thấy vẫn còn xanh, nhưng bên trong đã chín mùi, tương tự những ai nhìn giống kẻ ăn xin thấp hèn, tướng tá ngu muội, thật ra đã thoát mọi bận tâm thế tục, tràn đầy tín tâm, là bậc chân tu với kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ chân chính.

Lại có những quả vỏ và ruột đều xanh, tương tự những ai chưa từng nhập đạo, chưa biết chánh pháp, hoặc là không có lòng tin nơi chánh pháp.

Và rồi cũng có một vài quả bên ngoài chín, bên trong cũng chín, như chư đại bồ tát, bên trong đầy ắp trí tuệ từ bi, bên ngoài thị hiện muôn vàn phương tiện phổ độ chúng sinh. Nói cho đúng, thật sự đức Patrul Rinpoche chính là một trong những bậc đại bồ tát toàn hảo này. Ngài Jamyang Khyentse Wangpo nói về đức Patrul Rinpoche như sau:

Kính lạy đức Jigme Chokyi Wangpo, Pháp Vương vô úy.
Bên ngoài, ngài là bồ tát Tịch Thiên,
Bên trong, ngài là đại thành tựu giả Shavaripa
Trong tánh cứu cánh, ngài chính là đấng Khổ Tự Thoát Ly

Đây chắc chắn không phải chỉ là lời khen ngợi suông. Câu chuyện cuộc đời của đức Patrul Rinpoche cho ta thấy tất cả mọi lời nói, ý nghĩ hay hành động của ngài đều luôn thuận theo chánh pháp. Và cũng chính vì lý do này mà ngài có câu kệ nói về mình khiêm tốn như vậy.

Muốn thuyết chánh pháp, trước tiên phải đưa chánh pháp hòa vào chính mình; chẳng thể chỉ lặp lại ngôn từ như nhạc sĩ điếc gảy bản nhạc tự mình không thể nghe. Muốn thọ chánh pháp, phải chân thành phát tâm hành trì pháp được thọ; chẳng thể nhận pháp để có thể dạy cho người khác như nhạc sĩ gảy đàn xin tiền, làm như vậy thọ pháp không để làm gì, không lợi ích cho mình, cũng không lợi ích cho người. Tích lũy kiến thức Phật-pháp để tìm cầu danh vọng địa vị, đều là những mục tiêu bất chánh.

Sách có câu nói rằng: “Biết càng nhiều, tâm càng kiêu, càng xa nhà, xa trung thực.” Làm sao có thể giúp người khác nếu tà lực trốn kỹ trong mình còn chưa trị nổi? Chẳng nực cười lắm sao, kẻ hành khất trắng tay lại rêu rao đòi mở yến tiệc thiết đãi cả làng. Muốn thật sự bảo vệ lợi ích chúng sinh, trước tiên ta cần thuần luyện chính mình, cho đến khi có thể được như đức Patrul Rinpoche, khiêm nhượng tự cho mình chẳng chút chứng ngộ nào trong khi toàn thân đầy ắp chánh pháp.

3. Nhưng vì bạn hiền hết mực cầu xin, chẳng thể thoái thác,
nên xin nói ra ít lời bộc trực,
không hợp thói thường của thời mạt pháp,
tặng không dối gạt,  xin hãy khéo nghe.

Trỏ vào lỗi của người nào, người đó sẽ nổi giận, dù là con ruột hay là đệ tử. Còn nếu cất tiếng khen ngợi, dù là khen những phẩm chất bản thân họ không có, họ vẫn thấy vui. Tuy nhiên, sách có câu, “dù nghe rất kêu, sấm gầm vẫn chỉ là tiếng động.” Được người đời tán thưởng tâng bốc tuy thích  thật, nhưng chẳng giúp tích lũy công đức tu. Điều thật sự lợi ích đó là được vạch lỗi cho thấy và được chỉ cho biết cách sửa lỗi. Vàng phải đập phải đốt mới tinh luyện, tương tự như vậy, cứ thường xuyên tự xét lỗi mình và noi theo lời dạy của đạo sư, rồi chúng ta sẽ có thể chuyển hết tánh ác thành đường tu giải thoát. Kẻ phá rối nếu tìm ra và túm lại rồi thì dân làng sẽ được sống yên. Tương tự như vậy, lỗi lầm tiềm ẩn bên trong, nhờ ân sư từ hòa khai quật lộ thiên cho thấy, diệt sạch rồi sẽ được sống yên. Ở đây cũng như trong bộ luận lừng danh Kunzang La-me Shelung [Lời Vàng của Thầy Tôi], đức Patrul Rinpoche dùng lời nói thẳng, đánh thẳng vào cốt tủy lỗi lầm của ta để dẫn ta vào con đường thẳng. Ngài chỉ nói ít lời tinh túy, là vì chúng ta không cần biết quá nhiều chi tiết; điều chúng ta cần, là lời giảng tâm yếu dẫn đến quả giác ngộ.

Trong câu kệ này, đức Patrul Rinpoche nói rằng mặc dù ngài chưa chứng ngộ, nhưng nếu ít ra có thể khuyến khích chúng ta quyết tâm giải thoát sinh tử, tập bước theo hành trạng của tâm đại bi, vậy luận này viết ra cũng không phải là vô ích.

image_pdfimage_print