Long Thọ: TRUNG QUÁN LUẬN

༈ དབུ་མ་རྩ་བའི་ཚིག་ལེའུར་བྱས་པ་ཤེས་རབ་ཅེས་བྱ་བ་བཞུགས་སོ། །
CĂN BẢN TRUNG QUÁN LUẬN TỤNG
Tác luận: Thánh giả Long Thọ

BẢN DÙNG TẠM: Ai cũng có thể đọc, in ra giấy cho cá nhân hay cho pháp hội không cần xin phép, với điều kiện không sửa đổi nội dung và không bán. Vì sách này đang trong giai đoạn duyệt lại theo luận giải nên xin khoan in thành sách, và thỉnh thoảng xin trở lại đây lấy bản hoàn chỉnh hơn thay cho bản cũ. 
CHỈNH SỬA MỚI NHẤT: 18/03/2024

Mọi sai sót là của người dịch,
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh

Tựa đề tiếng Phạn: Mūlamadhyamakakārikā
Tựa đề tiếng Tạng: dbu ma rtsa ba’i tshig le’u byas pa shes rab ches bya ba


Kính lạy đức Văn Thù Đồng Tử.

> KHAI LUẬN

Bất cứ thứ gì / đã duyên sinh thì
Không diệt; không sinh;
Không đoạn; không thường;
Không đến; không đi;
Không khác; không một;
Tịch niệm, tịnh yên.
Bậc thuyết pháp này / là Phật chánh giác,
/ thù thắng nhất trong / các đấng thuyết sư,
Đệ tử kính xin / đê đầu đảnh lễ.

> 1: QUÁN DUYÊN

[1:1.] Không từ chính mình; / không từ thứ khác;
Không từ cả hai; / không từ không nhân:
Sự vật nào có / thứ gì ở đâu
Sinh ra bao giờ!

[1:2.] — «Duyên sinh có bốn / đó là nhân duyên;
Cùng sở duyên duyên; / với thứ đệ duyên;
Và cũng tương tự / có tăng thượng duyên.
Chỉ thế không hề / có duyên thứ năm.»

[1:3.] Tự tánh sự vật / không hề nằm ở
Nơi duyên hay là / ở nơi nào khác.
Nếu như ngã tánh / đã không là có,
Vậy thì tha tánh / cũng không là có.

[1:4.] Không có việc nào / ứng cùng với duyên;
Không ứng cùng duyên / thì không có việc;
Duyên không ứng việc / chẳng phải là duyên;
Duyên ứng với việc / cũng là như thế.

[1:5.] Nhờ vào điều này / nên mới khởi sinh
Do đó mà gọi / điều này là duyên.
Nhưng trước khi sinh, / tại sao khi ấy
Điều này lại chẳng / là không phải duyên?

[1:6.] Cho dù là có / hay là không có,
Cũng vẫn không hề / tương ứng với duyên.
Đã không, thì duyên / là duyên của ai?
Đã có, thì duyên / là để làm gì?

[1:7.] Khi mà các pháp / dù có; không có;
Vừa có, vừa không; / đều không thiết lập,
Vậy thứ thiết lập / sao gọi là nhân?
Nếu gọi như thế / là không đúng lý.

[1:8.] Pháp có này đây / đối cảnh của nó
Thật sự không có / lại bảo rằng có.
Nếu như các pháp / đã không đối cảnh,
Vậy có sở duyên / là có ở đâu?

[1:9.] Các pháp khi mà / chưa có sinh ra
Thì đâu lý nào / lại là có diệt.
Nếu vẫn diệt thì / lấy gì làm duyên?
Nên thứ đệ duyên / là điều phi lý.

1:10. Bởi vì không hề / có sự vật nào
Không có tự tánh / mà có hiện hữu,
Cho nên nói rằng / vì cái này có
Nên cái kia sinh / là không đúng lý.

[1:11.] Dù duyên riêng lẻ / hay duyên tập hợp,
Quả vẫn không hề / có ở nơi duyên.
Điều gì vốn đã / không có nơi duyên,
Làm sao có thể / từ duyên sinh khởi?

[1:12.] Nếu bảo — «Quả này / không có nơi duyên
Cũng vẫn có thể / từ duyên sinh khởi,»
Thế thì tại sao / lại không thể nào
Từ nơi không phải / là duyên sinh ra?

[1:13.] Nếu quả là mang / tự tánh của duyên,
Nhưng duyên thì lại / không có tự tánh.
Thứ không có tánh / thì quả của nó
Đâu thể nào mang / tự tánh của duyên.

[1:14.] Nên quả không cùng / tự tánh với duyên,
Không cùng tự tánh / với không phải duyên.
Quả đã không có / thì dù là duyên
Hay không phải duyên / cũng đâu thể có?

Đến đây hết Phẩm 1, tên là Quán Duyên.

> 2: QUÁN SỰ ĐI LẠI

[2:1.] Trước hết, không đi / ở chỗ đã đi,
Cũng không có đi / ở chỗ chưa đi.
Ngoại trừ những chỗ / đã đi, chưa đi,
Biết còn chỗ nào / để mà đang đi?

[2:2.] — «Ở đâu chuyển động / ở đó có đi.
Có sự chuyển động / ở chỗ đang đi,
Không động ở chỗ / đã đi, chưa đi,
Nên có sự đi / ở chỗ đang đi.»

[2:3.] Nói có sự đi / ở chỗ đang đi,
Điều này đâu thể / là điều hợp lý.
Vì bởi khi mà / không có sự đi,
Thì chỗ đang đi / trở thành phi lý.

[2:4.] Ai nói sự đi / ở chỗ đang đi,
Ắt có đang đi / mà không có đi.
Vướng nghịch lý này / là vì cho rằng
Sự đi là nằm / ở chỗ đang đi.

[2:5.] Nếu ở chỗ đi / mà có sự đi
Thì sự đi ấy / ắt phải có hai:
Một là sự đi / ở người đang đi,
Hai là sự đi / ở chỗ đang đi.

[2:6.] Nếu như sự đi / đã là có hai,
Vậy thì người đi / cũng phải có hai.
Là vì nếu như / không có người đi,
Thì sự đi cũng / không thể nào có.

[2:7.] Nếu như người đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có sự đi.
Không có sự đi / vậy thì người đi
Tìm đâu cho có?

[2:8.] Trước hết, người đi / thì không có đi.
Không phải người đi / cũng không có đi.
Ngoài người đi và / không phải người đi,
Đâu có trường hợp / thứ ba nào đi?

[2:9.] Khi mà sự đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có người đi.
Nếu như nói rằng / người đi có đi
Làm sao có thể / là điều hợp lý?

[2:10.] Ai theo quan niệm / người đi có đi
Thì cũng sẽ phải / chấp nhận nghịch lý
Là có người đi / mà không có đi,
Vì đã khẳng định người đi có đi.

[2:11.] Nếu như cho rằng / người đi có đi,
Vậy thì cũng phải / có hai sự đi:
Sự đi làm cho / thành có người đi;
Và sự đi của / người đi khi đi.

[2:12.] Sự đi không khởi / ở chỗ đã đi;
Cũng không phát khởi / ở chỗ chưa đi;
Cũng không phát khởi / ở chỗ đang đi.
Vậy thì sự đi / phát khởi chỗ nào?

[2:13.] Thời điểm trước khi / phát khởi sự đi
Thì sự đi ấy / bắt đầu từ đâu?
Không phải ở chỗ / đang đi, đã đi,
Đâu thể nào nằm / ở chỗ chưa đi?

[2:14.] Mọi điểm xuất phát / của sự đi kia
Đều không thể thấy. / Đã là như vậy
Thì có gì là / đã đi, đang đi,
Hay là chưa đi, / để mà phân biệt?

[2:15.] Trước hết người đi / thì không đứng lại.
Không phải người đi / cũng không đứng lại.
Ngoài người đi và / không phải người đi,
Đâu còn loại người / thứ ba nào đứng?

[2:16.] Khi mà sự đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có người đi.
Vậy thì nói rằng / người đi đứng lại
Làm sao có thể / là điều hợp lý?

[2:17.] Ở chỗ đang đi / thì không đứng lại,
Cũng không đứng chỗ / đã đi, chưa đi.
Đang đi, khởi đi / hay là đứng lại,
Cũng đều tương tự / giống như là đi.

[2:18.] Nói rằng sự đi / chính là người đi
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Nói rằng sự đi / khác với người đi
Thì nói như vậy / cũng không đúng lý.

[2:19.] Sự đi, người đi,
Nếu chỉ là một,
Người làm, việc làm,
Ắt phải là một.

[2:20.] Sự đi người đi
Nếu cho rằng khác,
Ắt có sự đi / mà không người đi,
Và có người đi / mà không sự đi.

[2:21.] Một cũng không thành,
Khác cũng không thành,
Hai pháp này đây
Làm sao thiết lập?

[2:22.] Sự đi nào làm / thành có người đi
Thì không phải là / sự đi khi đi.
Vì trước khi đi / người đi không có
Thì nào có ai / đi đâu bao giờ?

[2:23.] Sự đi nào làm / thành có người đi
Thì không khác với / sự đi khi đi,
Đó là bởi vì / chỉ một người đi
Có hai sự đi / là không đúng lý.

[2:24.] Thật là người đi
Thì ba cách đi / người ấy không làm.
Không thật người đi
Thì ba cách đi / người ấy không làm.

[2:25.] Vừa thật người đi / vừa là không thật
Thì ba cách đi / người ấy không làm.
Vì thế cho nên / đi và người đi
Hay chỗ đi đều / không phải là có.

Đến đây hết Phẩm 2, tên là Quán Sự Đi Lại.

> 3: QUÁN CÁC CĂN [GIÁC QUAN]

[3:1.] — «Sự thấy, sự nghe, / sự ngửi, sự nếm,
Sự chạm, sự biết, / là sáu giác quan.
Đối cảnh của chúng
Là sắc trần và / năm trần còn lại.»

[3:2.] Sự thấy vốn không
Tự thấy chính mình.
Điều gì chính mình / còn không tự thấy,
Làm sao có thể / thấy được thứ khác?

[3:3.] Lấy ví dụ lửa / để lập sự thấy,
Nhưng ví dụ này / vốn là vô năng.
Đã, đang, chưa đi / những thứ này đây
Đã được đáp trả / cùng với sự thấy.

[3:4.] Khi mà chút gì / cũng không nhìn thấy,
Thì không phải là / cái làm việc thấy.
Gọi sự thấy là / “cái làm việc thấy”
Chẳng phải là điều / phi lý lắm sao?

[3:5.] Sự thấy tự nó / không thể nhìn thấy;
Không phải sự thấy / cũng không nhìn thấy.
Cần phải hiểu rằng / chính nhờ sự thấy
Nên mới có thể / nói đến người thấy.

[3:6.] Rời sự thấy thì / người thấy cũng không;
Không rời thì cũng / không có người thấy.
Người thấy đã không / thì cái được thấy
Hay sự nhìn thấy / đâu thể nào có?

[3:7.] — «Cũng giống như là / đứa con sinh ra
Là nhờ dựa vào / nơi cha và mẹ;
Cũng vậy, nhờ vào / nhãn căn và sắc
Mà thức phát sinh.»

[3:8.] Được thấy và thấy / đều là không có
Nên bốn thứ như / thức và đại loại [thức, xúc, thọ, ái]
Cũng đều không có. / Đã như vậy thì
Thủ và đại loại [hữu, sinh, lão tử] / làm sao có được?

[3:9.] Sự thấy là vậy / nên nghe và ngửi,
Nếm, chạm, và ý,
Người nghe, sự nghe, / các thứ đại loại,
Phải hiểu đều cùng / một nghĩa như trên.

Đến đây hết Phẩm 3, tên là Quán Các Căn.

> 4: QUÁN CÁC UẨN

[4:1.] Nhân này của sắc / nếu như tách lìa,
Thì sắc ấy cũng / không thể nào thấy.
Cái gọi là sắc / nếu như tách lìa,
Thì nhân của sắc / không thể nào hiện.

[4:2.] Giả sử lìa nhân / mà vẫn có sắc,
Vậy thì sắc ấy / là sắc không nhân.
Đâu có lý nào / có chuyện như vậy
Thứ không có nhân / chẳng tìm đâu thấy.

[4:3.] Giả sử lìa sắc
Mà nhân của sắc / cũng vẫn có được,
Vậy thì nhân ấy / là nhân không quả.
Nhân không có quả / là điều không có.

[4:4.] Sắc nếu là có,
Thì nhân của sắc / đâu lý nào có.
Sắc nếu không có,
Thì nhân của sắc / đâu lý nào có.

[4:5.] Sắc mà không nhân
Dứt khoát là không ! / không thể nào có !
Vì lý do ấy, / thấy sắc đừng nên
Khởi lên bất cứ / niệm phân biệt nào.

[4:6.] Nói quả và nhân / đều giống như nhau,
Là không hợp lý.
Nói quả và nhân / không giống như nhau
Cũng không hợp lý.

[4:7.] Với thọ, tưởng, hành,
Và thức, cùng với / tất cả mọi thứ,
Trên đủ mọi mặt / hãy nên áp dụng
Cùng một trình tự / như là với sắc.

[4:8.] Biện về tánh không,
Nếu như có ai / đưa lời đối đáp,
Mọi đối đáp ấy / không đáp được gì,
Vì đều nói giống / điều cần chứng minh.

[4:9.] Giảng về tánh không, /
Nếu như có ai / đưa lời bắt lỗi,
Mọi bắt lỗi ấy / không bắt được gì,
Vì đều nói giống / điều cần chứng minh.

Đến đây hết Phẩm 4, tên là Quán Các Uẩn.

> 5: QUÁN CÁC GIỚI CHỦNG

[5:1.] Tướng của không gian / nếu chưa có, thì
Không gian chút gì / cũng đều không có.
Còn nếu không gian / mà có trước tướng,
Thì ắt phải là / thứ không có tướng.

[5:2.] Thứ không có tướng
Chẳng tìm đâu ra.
Đã không thứ gì / là không có tướng,
Vậy thì tướng ấy / ứng vào chỗ nào?

[5:3.] Không thể ứng vào / chỗ không có tướng;
Cũng không thể ứng / vào chỗ có tướng.
Ngoài chỗ có tướng / và không tướng ra,
Đâu chỗ nào khác / cho tướng ứng vào.

[5:4.] Nếu như tướng đã / không thể ứng vào,
Vậy thì sở tướng / đâu lẽ nào có.
Sở tướng theo lẽ / đã là không có,
Vậy thì tướng ấy / cũng là không có.

[5:5.] Vì thế cho nên/ không có sở tướng,
Và chính tướng ấy / cũng không là có.
Lìa hết sở tướng / cùng với tướng ra,
Thì sự vật cũng / không phải là có.

[5:6.] Nếu sự vật đã / không phải là có,
Vậy thứ không có / lại là thứ gì?
Pháp có hay không / đều đã không thuận,
Thử hỏi lấy gì / biết có, biết không?

[5:7.] Cho nên không gian / không phải là có,
Không phải không có, / không phải sở tướng,
Không phải là tướng. / Năm chủng còn lại
Cũng đều tương tự / như là không gian.

[5:8.] Những người trí mọn nhìn vào sự vật
Hoặc thấy là có / hoặc thấy là không.
Họ không thấy được / cảnh giới tịnh yên
An nhiên tịch tĩnh.

Đến đây hết Phẩm 5, tên là Quán Giới Chủng.

> 6: QUÁN THAM VÀ NGƯỜI THAM

— ND: trùng khớp (lhan cig) ở đây mang nghĩa rộng hơn bình thường: là đồng hiện hữu trong cùng một không gian và thời gian.

[6:1.] Giả sử «Trước khi / có sự tham dục
Là đã có sẵn / người tham không tham,
Rồi dựa vào đó / mới có sự tham.
Người tham có rồi / mới có sự tham.»

[6:2.] Người tham nếu như / đã là không có
Vậy sự tham ấy / biết có ở đâu?
Đối với người tham / cũng như sự tham
Có hay không có, / đều xét giống nhau.

[6:3.] Tham và người tham
Trùng khớp khởi sinh / là không hợp lý,
Như vậy thì tham / cùng với người tham
Sẽ không có sự / tương quan đối đãi.

[6:4.] Hễ đã là một / thì không trùng khớp :
Không thể trùng khớp / với chính bản thân.
Còn nếu là khác
Thì đâu làm sao / có thể trùng khớp.

[6:5.] Nếu như là một / mà vẫn trùng khớp,
Thì không đối tác / vẫn sẽ trùng khớp.
Nếu như là khác / mà vẫn trùng khớp,
Thì không đối tác / vẫn sẽ trùng khớp.

[6:6.] Nếu như là khác / mà vẫn trùng khớp,
Phải chăng «người tham / cùng với sự tham
Được thiết lập là / khác biệt với nhau,
Rồi sau đó mới / trở thành trùng khớp?»

[6:7.] Tham và người tham
Nếu đã thiết lập / là khác với nhau
Thì cớ sao lại
Nghĩ là trùng khớp?

[6:8.] Không thể thiết lập / là khác với nhau
Nên [ông] cho rằng / chúng là trùng khớp.
Để thiết lập là / trùng khớp với nhau,
Liệu có cho rằng / chúng là khác biệt?

[6:9.] Vì không thiết lập / sự vật khác biệt,
Nên không thiết lập / sự vật trùng khớp
Nhưng có sự vật / nào là khác biệt
Để mà nói đến / sự vật trùng khớp?

[6:10.] Đã vậy thì tham / cùng với người tham
Trùng khớp hay không / đều không thiết lập.
Tương tự như tham, / hết thảy các pháp
Trùng khớp hay không / đều không thiết lập.

Đến đây hết Phẩm 6, tên là Quán Tham Và Người Tham.

> 7: QUÁN SINH TRÚ HOẠI

[7:1.] Sinh này nếu như / là pháp hữu vi,
Thì nhất định phải / có đủ ba tướng.
Sinh này nếu như / là pháp vô vi,
Thì đâu thể nào / làm tướng hữu vi.

[7:2.] Sinh, trú, và hoại, / tách riêng từng tướng
Không có khả năng / làm tướng hữu vi.
Nhưng ở một chỗ, / trong cùng một lúc,
Hội đủ cả ba / là điều không thể.

[7:3.] Ở nơi ba tướng / sinh, trú, hoại này
Có hay không có / tướng hữu vi khác?
Có thì lâm vòng / hồi quy bất tận,
Không thì ba tướng / không là hữu vi.

[7:4.] — «Sự sinh của sinh
Chỉ sinh bổn sinh,
Bổn sinh sinh rồi
Thì sẽ sinh ra / sự sinh của sinh.»

[7:5.] Sự sinh của sinh, / nếu như ông nói,
Sinh ra bổn sinh, / vậy thì thử hỏi
Thứ mà bổn sinh / chưa sinh ra ấy,
Làm sao có thể / sinh được bổn sinh?

[7:6.] Nếu thứ sinh từ / bổn sinh của ông
Lại chính là thứ / sinh ra bổn sinh,
Nhưng bổn sinh mà / thứ ấy chưa sinh,
Làm sao có thể / sinh được thứ ấy?

[7:7.] Giả sử cái thứ / chưa được sinh ra
Cũng có khả năng / sinh được thứ khác,
Có như vậy thì / mới như ông nói,
Thứ đang sinh này / sinh được thứ kia.

[7:8.] [Các ông nói rằng] — «Cũng như lửa đèn
Có thể soi sáng / mình và thứ khác,
Sự sinh cũng vậy, / mình và thứ khác
Sinh được cả hai.»

[7:9.] Nhưng mà lửa đèn / cùng chỗ của nó
Vốn không có tối,
Vậy lửa đèn này / soi sáng gì đây?
Soi sáng thì phải / là xua bóng tối.

[7:10.] Khi mà lửa đèn / còn đang đốt lên,
Thì chưa tiếp xúc / với lại bóng tối.
Vậy thì lửa đèn / còn đang đốt kia,
Làm sao có thể / xua bóng tối này!

[7:11.] Nếu như lửa đèn / không cần tiếp xúc
Cũng vẫn có thể / xua được bóng tối,
Vậy thì bóng tối / của khắp thế gian,
Đèn một chỗ này / xua tan được cả.

[7:12.] Nếu như lửa đèn / có thể soi sáng
Mình và thứ khác, / vậy thì chắc chắn
Không chút hoài nghi, / rằng bóng tối cũng
Có thể che ám / mình và thứ khác.

[7:13.] Sự sinh này đây / nếu như chưa sinh
Làm sao có thể / tự sinh chính mình?
Còn nếu sinh nhờ / sự sinh đã sinh,
Thì đã sinh rồi / còn sinh gì nữa?

[7:14.] Đã sinh, chưa sinh, / hay là đang sinh,
Bất kể cách nào / cũng đều không sinh.
Điều này trước đây / đã được giải thích
Qua sự đã đi, / chưa đi, đang đi.

[7:15.] Cho dù là có / sự sinh chăng nữa,
Thì thứ đang sinh / cũng vẫn chưa thành.
Vậy biết lấy gì / để mà nói rằng
Duyên nơi sự sinh, / có thứ đang sinh?

[7:16.] Điều gì đã là / tùy duyên sinh khởi,
Bổn tánh điều ấy / vốn là tịnh yên.
Vì thế cho nên / những thứ đang sinh
Cùng với sự sinh / đều là yên tịnh.

[7:17.] Nếu ở đâu đó / có thứ chưa sinh,
Thứ ấy dù gì / rồi cũng được sinh.
Nhưng thứ chưa sinh / thì đâu đã có,
Vậy thì thứ gì / là thứ được sinh?

[7:18.] Nếu như nói rằng / nhờ sự sinh ấy
Nên mới sinh ra / sự đang sinh này,
Vậy sự sinh ấy / nay phải nhờ vào
Sự sinh nào nữa / để được sinh ra?

[7:19.] Nếu như sinh nhờ / một sự sinh khác
Vậy là lâm vòng / hồi quy bất tận.
Còn nếu như dù / không sinh vẫn sinh
Thì tất cả đều / phải sinh như thế.

[7:20.] Cho dù là có, / hay là không có,
Sự sinh cũng đều / phi lý như nhau.
Cũng giống vừa có, / vừa là không có,
Như đã giải thích / trong phần trước đây.

[7:21.] Không có lý nào / lại có thứ gì
Đang diệt mà sinh.
Không có lý nào / lại có thứ gì
Không đang diệt mà / vẫn có thể có.

[7:22.] Sự vật đã trú / thì không có trú,
Sự vật chưa trú / thì không có trú,
Sự vật đang trú / cũng không có trú,
Đâu có thứ gì / không sinh mà trú.

[7:23.] Không có lý nào / lại có thứ gì
Đang diệt mà trú.
Không có lý nào / lại có thứ gì
Không đang diệt mà / vẫn có thể có.

[7:24.] Hết thảy sự vật / ở khắp mọi thời
Đều là những thứ / có già và chết.
Có sự vật nào / không già không chết
Để mà trú đây?

[7:25.] Trú không trú nhờ / cái trú nào khác,
Trú nhờ chính mình / cũng là phi lý.
Giống như là sinh, / không tự mình sinh,
Cũng không sinh nhờ / sự sinh nào khác.

[7:26.] Nếu như đã diệt / thì không có diệt.
Nếu như chưa diệt, / cũng không có diệt.
Nếu như đang diệt / thì cũng vậy thôi,
Đâu có thứ gì / không sinh mà diệt.

[7:27.] Trước tiên hết là / sự vật mà trú
Thì không lý nào / lại là có diệt.
Còn nếu như là / sự vật không trú
Cũng không lý nào / lại là có diệt.

[7:28.] Trạng thái trú này / không tự diệt bằng
Cùng một trạng thái,
Cũng không diệt bằng
Trạng thái nào khác.

[7:29.] Một khi toàn bộ / hết thảy các pháp
Đã chẳng lý nào / mà lại có sinh,
Thì như thế là / hết thảy các pháp
Cũng chẳng lý nào / lại là có diệt.

[7:30.] Trước tiên hết là / sự vật đã có
Thì không lý nào / lại là có diệt.
Một thứ mà lại / vừa có vừa không
Là không đúng lý.

[7:31.] Còn nếu như là / sự vật không có
Cũng không lý nào / lại là có diệt
Tương tự như là / cái đầu thứ hai
Đâu thể chặt đứt.

[7:32.] Diệt thì không phải / tự một mình diệt,
Cũng không diệt nhờ / sự diệt nào khác.
Giống như là sinh, / không tự mình sinh,
Cũng không sinh nhờ / sự sinh nào khác.

[7:33.] Sinh, trú, và hoại / đã không thiết lập,
Thì pháp hữu vi / cũng không thiết lập.
Nếu pháp hữu vi / đã không thiết lập,
Thì pháp vô vi / lập bằng cách nào?

[7:34.] Như là chiêm bao, / như là huyễn cảnh,
Như là thành quách / của Càn thát bà,
Sinh, trú và hoại
Được thuyết như vậy.

Đến đây hết Phẩm 7, tên là Sinh, Trú, Hoại.

> 8: QUÁN NGHIỆP VÀ NGƯỜI TẠO

ND: Nghiệp là những gì “do tạo tác mà có,” 
đồng nghĩa với việc làm, hành động, sở tác, vân vân 
Bao gồm tất cả mọi thứ xuất phát từ sự làm.

[8:1.] Người tạo là thật
Thì nghiệp nào thật / người ấy không tạo.
Người tạo không thật
Thì nghiệp không thật / người ấy không tạo.

[8:2.] Đã là thật thì / không có việc tạo,
Vậy là có nghiệp / mà không người tạo.
Đã là thật thì / không có việc tạo,
Vậy có người tạo / mà không có nghiệp.

[8:3.] Nếu như người tạo / không phải là thật,
Tạo tác thứ nghiệp / không phải là thật,
Vậy thì nghiệp ấy / là nghiệp không nhân,
Và người tạo ấy / cũng là không nhân.

[8:4.] Đã không có nhân / thì dù là quả
Hay dù là nhân / đâu lẽ nào có.
Đã không có thì / việc tạo, người tạo,
Hay tác nhân tạo / đều thành phi lý.

[8:5.] Việc, người, tác nhân / đã là phi lý
Thì đâu thể có / pháp hay phi pháp.
Pháp và phi pháp / đã là không có
Thì không thể nào / từ đó sinh quả.

[8:6.] Quả đã không có / thì đường giải thoát
Hay là cõi trời / đâu lẽ nào có.
Nếu đã như vậy, / ắt phải suy ra
Rằng mọi việc làm / đều là vô nghĩa.

[8:7.] Người tạo vừa thật / vừa là không thật
Thì không tạo thứ / vừa thật vừa không.
Cùng một thứ mà / vừa thật vừa không
Mâu thuẫn với nhau / tìm đâu cho có?

[8:8.] Người tạo mà thật
Thì nghiệp không thật / người ấy không tạo
Người tạo không thật / thì thứ nghiệp thật / người ấy không tạo
Bằng không ắt vướng / mọi lỗi nêu trên.

[8:9.] Người tạo là thật
Thì nghiệp không thật / hay là thứ nghiệp
Vừa thật vừa không / đều không tạo tác.
Lý do như đã / giải thích trên đây.

[8:10.] Người tạo không thật
Thì dù nghiệp thật / hay là thứ nghiệp
Vừa thật vừa không / đều không tạo tác.
Lý do như đã / giải thích trên đây.

[8:11.] Người tạo vừa thật / vừa là không thật
Thì không tạo nghiệp / thật hay không thật.
Cũng cần phải hiểu / lý do điều này
Nhờ vào những gì / đã nói trên đây.

[8:12.] Vì duyên nơi nghiệp / nên có người tạo,
Và duyên người tạo / nên mới có nghiệp.
Ngoài sự tùy duyên / sinh khởi này ra,
Không thấy có nhân / sinh khởi nào khác.

[8:13.] Phải biết rằng thủ / cũng giống như vậy,
Vì đã quét bỏ / nghiệp và người tạo.
Hiểu được nghiệp và / người tạo này đây
Thì biết tất cả / mọi thứ còn lại.

Đến đây hết Phẩm 8, tên là Quán Nghiệp Và Người Tạo.

> 9: QUÁN CHỖ TRÚ TRƯỚC

[9:1.] Có người nói rằng: — «Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ, các thứ,
Ai người sở hữu / những thứ này đây,
Với những thứ ấy / phải là có trước.

[9:2.] «Vì nếu không có / cái gì có trước,
Thấy và đại loại / làm sao khởi sinh?
Thế nên trước khi / có những thứ này
Thì phải có sẵn / cái làm chỗ trú.»

[9:3.] Nhưng trước khi có / thấy nghe đại loại,
Và thọ, các thứ,
Mà đã có sẵn / cái làm chỗ trú,
Vậy chỗ trú ấy / lấy gì lập danh?

[9:4.] Thấy, nghe đại loại / nếu như chưa có
Mà chỗ trú vẫn / có thể có được,
Vậy chẳng hoài nghi, / thấy, nghe, đại loại,
Dù không chỗ trú / vẫn có thể có.

[9:5.] Nhờ thứ kia nên / hiện rõ cái này,
Nhờ cái này nên / hiện rõ thứ kia.
Thứ kia không có, / đâu cái gì có?
Cái này không có, / thứ gì có được?

9:6 — «Ở trước hết thảy / thấy và đại loại
Tuy không có gì / là cái có trước,
Thấy và đại loại / vẫn từng thứ một
Ở từng thời điểm / mà làm hiện ra.»

[9:7.] Ở trước hết thảy / thấy và đại loại
Đã không có gì / là cái có trước,
Vậy thì ở trước / từng món riêng lẻ
Cái có trước ấy / làm sao có được?

[9:8.] Giả sử người thấy / chính là người nghe,
Và cũng chính là / người có cảm thọ,
Vậy phải có trước / mỗi một thứ này.
Nhưng mà như vậy / thật là phi lý.

[9:9.] Giả sử người thấy / khác với người nghe,
Và cũng khác với / người có cảm thọ,
Vậy có người thấy / cùng với người nghe,
Thành ra phải có / rất nhiều cái ngã.

[9:10.] Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ các thứ,
Đều là từ nơi / tứ đại sinh ra,
Kể cả chỗ này / cũng vẫn không có.

[9:11.] Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ các thứ,
Thứ chúng thuộc về / đã là không có,
Vậy bản thân chúng / cũng đều không có.

[9:12.] Thứ gì đối với / thấy và đại loại,
Trước, sau, cùng lúc / đều là không có,
Thì ngay chỗ ấy, / mọi niệm phân biệt
Là có, là không, / hết thảy đoạn lìa.

Đến đây hết Phẩm 9, tên là Quán Chỗ Trú Trước.

> 10: QUÁN LỬA VÀ CỦI

[10:1.] Nếu như củi này / chính là lửa ấy,
Vậy thì chủ thể / đối tượng là một.
Nếu như lửa này / khác với củi ấy,
Vậy thì không củi / cũng vẫn có lửa.

[10:2.] Lửa sẽ lúc nào / cũng luôn là cháy,
Không phải từ nhân / làm cháy sinh ra.
Hành động khởi đầu / trở thành vô nghĩa,
Đã vậy thì nghiệp / cũng đều không có

[10:3.] Vì không tùy thuộc / vào thứ gì khác,
Nên không từ nhân / làm cháy sinh ra.
Nếu như lúc nào / cũng luôn là cháy,
Thì việc khơi lửa / trở thành vô nghĩa.

[10:4.] Nếu như nghĩ vậy / rồi lại thấy rằng
Sự đốt này đây / chính là củi đốt,
Nhưng nếu nó chỉ / đơn thuần là thế,
Thì biết lấy gì / đốt cháy củi đây?

[10:5.] Khác thì không chạm. / Không chạm nhau thì
Không có đốt cháy. / Không đốt cháy thì
Không có tàn lụi. / Không tàn lụi thì
Tự tướng thế nào / vẫn sẽ y nguyên.

[10:6.] [Ông bảo chuyện này] / — «Giống nữ và nam:
Nữ chạm vào nam, / hay nam chạm nữ.
Lửa này nếu như / khác với củi ấy,
Thì củi và lửa / có thể chạm nhau.»

[10:7.] Giả sử lửa này / cùng với củi ấy
Cái này mâu thuẫn / loại trừ cái kia,
Có là như vậy / mới có thể nói
Củi, lửa khác nhau / nhưng vẫn chạm nhau.

[10:8.] Nếu như có lửa / là nhờ vào củi,
Và nếu có củi / là nhờ vào lửa,
Vậy lửa và củi / nhờ đâu mà có?
Thứ nào có trước?

[10:9.] Nếu như lửa này / có nhờ củi kia,
Vậy lửa có rồi / mà lại có nữa,
Và cũng sẽ có / đối tượng là củi
Mà không có lửa.

[10:10.] Nếu có thứ nhờ / tùy thuộc mà có,
Nhưng lại tùy thuộc / vào chính cái thứ
Có được là nhờ / tùy thuộc vào nó,
Vậy tùy cái gì / mà có gì đây?

[10:11.] Đâu có thứ gì / có nhờ tùy thuộc?
Nếu như chưa có / làm sao tùy thuộc?
Nếu như đã có / mà còn tùy thuộc,
Chẳng phải là điều / phi lý lắm sao?

[10:12.] Không có lửa nào / là tùy vào củi,
Không tùy vào củi / thì lửa cũng không.
Không có củi nào / là tùy vào lửa,
Không tùy vào lửa / thì củi cũng không.

[10:13.] Lửa này không đến / từ những thứ khác,
Lửa cũng không hề / có ở trong củi.
Tương tự như củi, / những thứ còn lại
Đều đã nói trong / “đã, chưa, đang đi.”

[10:14.] Lửa này không phải / chính là củi ấy,
Nhưng ngoài củi ra / thì lửa cũng không.
Lửa này không phải / là có củi ấy.
Trong lửa không củi / trong củi không lửa.

[10:15.] Nhờ lửa và củi / cho nên quá trình
Đầy đủ trọn vẹn / của ngã và thủ,
Cùng với các thứ / như bình, hay vải
Không sót thứ gì / đều được giải thích.

[10:16.] Ai người thuyết rằng / ngã cùng các pháp
Vốn là đồng nhất / hay là khác biệt ,
Thì người như vậy / giáo pháp Phật dạy
Tôi không nghĩ rằng / người ấy khéo hiểu.

Đến đây hết Phẩm 10, tên là Quán Lửa Và Củi.

> 11: QUÁN TRƯỚC VÀ SAU

[11:1.] Hỏi: Điểm khởi thủy / có biết được chăng?
Đức Đại Mâu Ni / đáp rằng không thể.
Luân hồi này vốn / không trước, không sau
Không có khởi đầu / cũng không kết thúc.

[11:2.] Khởi đầu kết thúc / nếu đã không có,
Vậy biết lấy gì / để có khúc giữa?
Vì thế cho nên / dù trước, dù sau,
Hay cùng một lúc / đều là không thể.

[11:3.] Giả sử trước sinh,
Sau mới già, chết,
Thì sẽ có sinh / mà không già chết,
Và không già chết / mà vẫn có sinh.

[11:4.] Giả sử sinh sau,
Già chết có trước,
Nhưng già và chết / mà không có sinh
Thì không có nhân, / làm sao mà có?

[11:5.] Sinh và già chết
Cũng không thể nào / có cùng một lúc,
Bằng không lúc sinh / cũng là lúc chết,
Và cả hai đều / sẽ thành không nhân.

[11:6.] Những thứ mà dù / là trước, hay sau,
Hay cùng một lúc, / đều không thể có.
Đã vậy thì sinh, / hay là già chết,
Cớ gì lại phải / động niệm phân biệt?

[11:7.] Không chỉ luân hồi
Mới là không có / khởi đầu, kết thúc,
Cả nhân và quả,
Tướng và sở tướng,

[11:8.] Cảm thọ cùng với / người có cảm thọ,
Bao nhiêu hữu pháp, / bất kể thứ gì,
Cũng đều như vậy,
Không có khởi điểm.

Đến đây hết Phẩm 11, tên là Quán Trước Và Sau.

> 12: QUÁN TỰ TẠO VÀ THA TẠO

[12:1.] Có người nói rằng / khổ do tự tạo,
Hoặc do tha tạo, / hoặc do cả hai.
Hoặc là nói khổ / không nhân mà tạo,
Những việc như vậy / đều không hợp lý.

[12:2.] Nếu như khổ ấy / là do tự tạo,
Vậy thì không phải / do nhân duyên tạo.
Thật ra phải nhờ / khối năm uẩn kia,
Rồi mới có được / khối năm uẩn này.

[12:3.] Giả sử thứ kia / khác với thứ này,
Hay là thứ này / khác với thứ kia,
Có vậy thì khổ / mới do tha tạo:
Do thứ khác kia / tạo thành thứ này.

[12:4.] Nếu nói “là do / cá nhân chính mình
Tạo nên khổ đau.” / Nhưng ngoài khổ ra
Làm gì có ai / tạo nên khổ đau
Để cho cá nhân / chính mình phải chịu?

[12:5.] Nếu nói “là từ / cá nhân nào khác
Mà có khổ đau.” / Nhưng ngoài khổ ra
Đâu làm gì có / cá nhân nào khác
Để mà nhận lấy / khổ đau được cho?

[12:6.] Nếu nói “khổ là / của cá nhân khác.”
Nhưng ngoài khổ ra / đâu làm gì có
Cá nhân nào khác / tạo nên khổ đau,
Rồi đưa khổ ấy / cho ai khác chịu?

[12:7.] Khổ tự mình tạo / vốn đã không thành,
Làm sao có khổ / do người khác tạo?
Khổ đau nào là / do người khác tạo,
Với người khác ấy / chính là tự tạo.

[12:8.] Trước tiên không có / khổ đau tự tạo:
Không gì có thể / tự tạo chính mình.
Đã không ai khác / tạo nên khổ này,
Thì khổ tha tạo / tìm đâu cho có.

[12:9.] Nếu cả hai bên / bên nào cũng tạo
Thì mới có khổ / đến từ cả hai.
Đã không tự tạo / cũng không tha tạo,
Khổ đau không nhân / tìm đâu cho có?

[12:10.] Không chỉ có khổ
Là không hiện hữu / qua bốn cách này,
Hết thảy ngoại vật / cũng là như vậy,
Không hề hiện hữu / qua bốn cách này.

Đến đây hết Phẩm 12, tên là Quán Tự Tạo Và Tha Tạo.

> 13: QUÁN PHÁP HỮU VI

[13:1.] Đức Phật dạy rằng:
Pháp nào hư vọng / pháp ấy là giả.
Các pháp hữu vi / đều là hư vọng
Nên đều là giả.

[13:2.] Nếu như bất cứ / pháp hư vọng nào
Cũng đều là giả, / vậy cái gì vọng?
Đức Phật Thế tôn / thuyết giảng điều ấy,
Chính để khai thị / ý nghĩa tánh không.

[13:3.] — «Nói rằng ‘sự vật / đều không có tánh
Là vì thấy chúng / biến thành thứ khác.’
Nhưng không thứ gì / là không có tánh,
Bởi vì mọi thứ / đều có tánh không.

[13:4.] «Nếu như sự vật / đều không có tánh,
Vậy thì cái gì / biến thành thứ khác?»
Nhưng nếu sự vật / đều là có tánh,
Làm sao có thể / biến thành thứ khác?

[13:5.] Ở chỗ chính mình / không có biến đổi;
Ở chỗ khác mình / cũng không biến đổi.
Cho nên người trẻ / không biến thành già,
Mà người già cũng / không biến thành già.

[13:6.] Nếu chính sự vật / biến thành thứ khác,
Thì chính sữa này / sẽ thành sữa chua.
Nhưng ngoài sữa ra / đâu còn gì khác,
Có thể biến thành / cái thứ sữa chua?

[13:7.] Nếu có chút gì / không phải là không
Thì sẽ có được / chừng nấy pháp không.
Nhưng không chút gì / không phải là không,
Thử hỏi không này / tìm đâu cho có?

[13:8.] Chư Phật tối thắng / thuyết rằng: «tánh không
Là để giúp ta / thoát mọi chấp kiến.
Nếu như có ai / chấp vào không kiến,
Người ấy sẽ không / thành tựu được gì.»

Đến đây hết Phẩm 13, tên là Quán Pháp Hữu Vi.

> 14: QUÁN SỰ TIẾP XÚC

[14:1.] Đối tượng được thấy, / cái thấy, người thấy,
Bộ ba này dù / riêng lẻ từng cặp,
Hay dù gộp lại / đủ hết cả ba,
Cũng không thể nào / tiếp xúc với nhau.

[14:2.] Tương tự như vậy, / tham và người tham,
Cùng với đối tượng / của lòng tham muốn,
Các phiền não khác, / các giới còn lại,
Đều phải thấy là / cùng một bộ ba.

[14:3.] Phải có khác nhau / mới có tiếp xúc.
Vậy cái được thấy, / và những thứ kia
Không có hiện hữu / khác biệt với nhau
Cho nên không hề / có sự tiếp xúc.

[14:4.] Không chỉ riêng gì / đối tượng được thấy
Với những thứ kia / mới là không khác,
Bất kể thứ gì, / đã là đồng loạt
Mà lại khác nhau / là không đúng lý.

[14:5.] Khác được là nhờ / khác với thứ khác.
Không có thứ khác / thì khác với ai?
Thứ gì phải nhờ / thứ khác mới có,
Với thứ khác ấy / không thể khác nhau.

[14:6.] Nếu thứ khác ấy / khác với thứ khác,
Khi ấy không cần / thứ khác vẫn khác.
Nhưng không thứ khác, / lấy gì để khác?
Nên sự khác ấy / cũng là không có.

[14:7.] Sự khác không có / ở nơi thứ khác་
Và cũng không có / ở thứ không khác.
Nếu như sự khác / đã là không có,
Là khác, là mình / cũng đều không có.

[14:8.] Là mình thì không / tiếp xúc với mình,
Là khác cũng không / tiếp xúc thứ khác.
Sự đang tiếp xúc, / thứ được tiếp xúc,
Và người tiếp xúc / đều là không có.

Đến đây hết Phẩm 14, tên là Quán Sự Tiếp Xúc.

> 15: QUÁN TỰ TÁNH

[15:1.] Tự tánh mà từ / nhân duyên sinh ra
Thì chuyện như vậy / thật là vô lý.
Tự tánh nào từ / nhân duyên sinh ra,
Tự tánh ấy phải / là thứ được tạo.

[15:2.] Tự tánh mà lại / gọi là “được tạo,”
Nói vậy làm sao / đúng lý cho đặng.
Là tự tánh thì / không có ai tạo,
Cũng không tùy vào / bất cứ gì khác.

[15:3.] Tự tánh nếu như / đã là không có,
Vậy thì tha tánh / làm sao có được.
Cái được gọi là / tha tánh chẳng qua
Chỉ là tự tánh / của tha tánh ấy.

[15:4.] Trừ hết tự tánh / và tha tánh ra,
Thì sự vật cũng / chẳng tìm đâu có
Phải có tự tánh / cùng với tha tánh,
Rồi ra sự vật / mới có thể thành.

[15:5.] Nếu như thứ có / vốn đã không thành,
Thì thứ không có / cũng không thể thành.
Thứ có một khi / trở thành thứ khác
Thì kẻ phàm phu / gọi là không có.

[15:6.] Ai người thấy có / tự tánh, tha tánh,
Hay thấy sự vật / là có, là không,
Thì người như vậy / không phải là người
Thấy đúng như thật / giáo pháp của Phật.

[15:7.] Thế tôn thấu triệt / về có và không,
Nên ở trong kinh / Hóa Ca Chiên Duyên
Có câu dạy rằng, / có và không có,
Cả hai điều này / đều phải diệt bỏ.

[15:8.] Nếu đã là do / tự tánh mà có,
Thì không thể nào / biến thành không có.
Đã là tự tánh / mà còn biến dị
Sẽ không bao giờ / là điều đúng lý

[15:9.] — «Nếu như không phải / là có tự tánh,
Vậy thì cái gì / biến thành thứ khác?»
Cho dù tự tánh / là có chăng nữa,
Cũng đâu thể nào / biến thành thứ khác?

[15:10.] Nói “có” thì đó / chính là chấp thường,
Nói “không” thì đó / chính là đoạn kiến.
Vì thế cho nên / ai người có trí,
Cả có lẫn không / đều không trú ở.

[15:11.] Thứ có tự tánh / thì chẳng thể nào
Là thứ không có, / cho nên là thường.
Còn nếu nói rằng / “trước có nay không”
Thì nói như vậy / ắt phải là đoạn.

Đến đây hết Phẩm 15, tên là Quán Tự Tánh.

> 16: QUÁN VỀ SỰ BUỘC VÀ THOÁT

[16:1.] Giả sử nói rằng / “Các hành luân hồi.”
Nhưng nếu là thường / thì không luân hồi,
Còn nếu vô thường / cũng không luân hồi.
Đối với chúng sinh / cũng là như vậy.

[16:2.] Giả sử nói rằng / “Cá nhân luân hồi.”
Nhưng cá nhân này / tìm đủ năm cách
Ở nơi các uẩn, / xứ và giới chủng,
Đều không tìm thấy / lấy ai luân hồi?

[16:3.] Nếu cứ xoay vần / từ thủ đến thủ,
Vậy thì thân mạng / cũng là không có.
Không có thân mạng / nhiếp thủ cũng không,
Đã vậy thử hỏi / lấy ai luân hồi?

[16:4.] Các hành mà cũng / đạt được niết bàn,
Dẫu thế nào thì / cũng không thuận lý.
Chúng sinh mà cũng / đạt được niết bàn,
Dẫu thế nào cũng / chẳng thành lý lẽ.

[16:5.] Các hành vốn là / pháp có sinh hoại,
Nên không có buộc / cũng không có thoát.
Cũng như đã nói, / chúng sinh cũng vậy,
Cũng không có buộc / và không có thoát.

[16:6.] Giả sử nói rằng / thủ chính là buộc.
Nhưng nếu có thủ / thì không có buộc,
Còn nếu không thủ / cũng không có buộc,
Vậy trường hợp nào / mới là có buộc?

[16:7.] Phải là trước khi / có cái bị buộc
Đã có cái buộc / thì mới có buộc,
Nhưng mà đâu có. / Những thứ còn lại
Đã giải thích trong / đã, đang, chưa đi.

[16:8.] Trước tiên, bị buộc / thì không có thoát.
Không bị buộc thì / cũng không có thoát.
Nếu là bị buộc / khi đang giải thoát
Thì buộc và thoát / xảy ra cùng lúc.

[16:9.] «Tôi thoát khổ đau / nhờ không nhiếp thủ,
Rồi niết bàn này / sẽ là của tôi!»
Ai người giữ lấy / ý nghĩ như vậy,
Mới thật đúng là / kẻ đại chấp thủ.

[16:10.] Khi đã không thể / làm nên niết bàn,
Và cũng không thể / làm sạch luân hồi,
Vậy luân hồi này / là cái gì đây?
Niết bàn kia lại / là khái niệm gì?

Đến đây hết Phẩm 16, tên là Quán Về Sự Buộc Và Thoát.

> 17: QUÁN VỀ NGHIỆP VÀ NGHIỆP QUẢ

[17:1.] — «Tâm tư khéo léo / hàng phục chính mình;
Làm lợi chúng sinh; / rất mực từ hòa:
Đó chính là Pháp. / Đời này kiếp sau
Đều là hạt giống, / mang đến quả lành.

[17:2.] «Bậc Thấu Thị Tôn / dạy, nghiệp có hai:
Là tư, hay là / do tư tác động.
Biệt tướng của nghiệp
Thiên hình vạn trạng / đều được nói rõ.

[17:3.] «Trong đó nghiệp nào / được gọi là ‘tư’
Thì thứ nghiệp ấy / đều là của ý.
Còn nghiệp gọi là / ‘do tư tác động’
Thì đều là nghiệp / của thân và khẩu.

[17:4.] «[Nghiệp từ] lời nói; / [nghiệp từ] hành động:
Loại không buông xả / không có hiện hành;
Loại có buông xả / không có hiện hành;
Cùng những thứ khác / tương tự như vậy;

[17:5.] «Loại từ thọ dụng / sinh ra phước đức;
Loại sinh tội nghiệt / cũng là như vậy;
Cộng thêm với tư, / là đủ bảy pháp,
Đầy đủ tất cả / các tướng của nghiệp.»

[17:6.] — «Nghiệp nếu trú cho / đến khi trổ quả
Thì phải thường còn.
Còn nếu đoạn diệt, / thì đoạn diệt rồi
Làm sao sinh quả?

[17:7.] — «Chồi non các thứ / một chuỗi tương tục
Là từ nơi hạt / nên mới hiện tiền,
Từ đó có quả.
Nếu không có hạt / thì quả cũng không.

[17:8.] « Từ hạt nên mới / có chuỗi tương tục;
Từ chuỗi tương tục / có quả sinh ra.
Hạt đi trước quả,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[17:9.] «Tương tự như vậy, / dòng tâm tương tục
Do tư sinh ra,
Từ đó có quả.
Nếu không có tư / thì quả cũng không.

[17:10.] «Có tư mới có / dòng tâm tương tục
Từ tương tục này / có quả sinh ra.
Nghiệp đi trước quả,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[17:11.] «Mười đạo thiện nghiệp,
Đây là phương tiện / thành tựu chánh pháp.
Quả lành của Pháp / đời này đời kia,
Là ngũ dục đức.»

[17:12.] — «Nếu mà phân tích / theo kiểu như vầy
Thì sẽ vướng phải / nhiều sai lầm lớn.
Vì thế cho nên / lối quán chiếu này
Áp dụng ở đây / là không đúng lý.

[17:13.] «Vậy thì Phật đà, / Độc giác, Thanh văn,
Đã nói những gì / về điểm này đây,
Phải quán thế nào / mới thật đúng lý,
Để tôi nói lại / cho thật tận tường.

[17:14.] «Nghiệp này cũng giống / như là món nợ
Ghi trên giấy nợ / không bao giờ mất.
Sự không mất này / tùy theo các cõi / mà có bốn loại,
Bổn tánh của nó / vốn là vô ký.

[17:15.] «Không phải là thứ / đoạn bằng sự đoạn,
Mà chính là phải / đoạn bằng sự tu.
Thế nên, vì bởi / cái sự không mất
Mà sinh nghiệp quả.

[17:16.] «Nếu như là thứ / đoạn bằng sự đoạn,
Hay nếu là thứ / phá bằng chuyển nghiệp,
Thì sẽ phạm lỗi
Phá nghiệp vân vân.

[17:17.] «Sự không mất đi / của tất cả nghiệp
Loại có tương ứng / và không tương ứng,
Đến lúc chuyển sinh / vào cõi tương đồng
Chỉ một thứ khởi.

[17:18.] «Ở kiếp hiện tiền, / sự không mất này
Của hai loại nghiệp / theo từng nghiệp một
Riêng lẻ khởi sinh,
Dù quả đã chín / cũng vẫn tồn tại.

[17:19.] « Sự không mất này / diệt khi độ quả,
Hay là khi chết.
Phải biết điều này / phân loại có hai:
Một là vô lậu / hai là hữu lậu.

[17:20.] « Tánh không không đoạn;
Luân hồi không thường;
Nghiệp không mất đi;
Là pháp Phật dạy.»

[17:21.] — «Bởi vì lẽ gì / nghiệp lại không sinh?»
Là bởi vì nghiệp / không có tự tánh.
Chính bởi vì nghiệp / không có sinh ra,
Cho nên nghiệp mới / không có mất đi.

[17:22.] Giả sử như nghiệp / mà có tự tánh
Thì nhất định phải / là thứ thường còn.
Như vậy thì nghiệp / không phải được tạo,
Vì không thể tạo / những thứ thường còn.

[17:23.] Từ đó suy ra / dù không tạo nghiệp
Vẫn phải sợ quả / của nghiệp không làm;
Vẫn phải phạm lỗi / không giữ tịnh hạnh,
Ắt gặp những sự / vô lý như vậy.

[17:24.] Nếu thế thì mọi / danh ngôn thế tục,
Không chút hoài nghi, ắt cũng bị phá.
Cho dù làm phước / hay là làm ác
Cũng không cách gì / phân biệt cho được.

[17:25.] Nghiệp trổ quả rồi
Sẽ cứ trổ mãi,
Là vì nếu nghiệp / mà có tự tánh
Thì sẽ trường tồn.

[17:26.] Phiền não chính là / bổn tánh của nghiệp.
Nhưng phiền não ấy / lại không thật có.
Nếu như phiền não / đã không thật có,
Vậy thì nghiệp ấy / lấy gì thật có?

[17:27.] Đã dạy rằng nghiệp / cùng với phiền não
Chính là duyên tố / làm cho có thân.
Nghiệp với phiền não / vốn đã là không,
Vậy thì thân kia / làm sao nói đến?

[17:28.] — «Vô minh che chướng,
Ái kiết buộc ràng,
Người lãnh thọ quả / với người tạo nghiệp
Không phải khác nhau / cũng không giống nhau.»

[17:29.] Nếu là như thế / thì nghiệp này đây
Không phải là từ / nơi duyên sinh ra,
Cũng không phải từ / phi duyên sinh ra,
Nên người tạo nghiệp / cũng là không có.

[17:30.] Đã không có nghiệp / và người tạo nghiệp,
Thì đâu có quả / từ nghiệp sinh ra.
Nếu như quả báo / đã là không có,
Vậy đâu có ai / là người chịu quả?

[17:31.] Tựa như Bổn Sư / vận dụng thần thông
Hóa hiện thân huyễn,
Từ thân huyễn này / lại hóa hiện thành
Một thân huyễn khác.

[17:32.] Người tạo nghiệp và / nghiệp người ấy tạo,
Cũng tương tự như / cảnh hóa hiện này.
Cũng giống như là / từ một thân huyễn
Mà hóa hiện thành / một thân huyễn khác.

[17:33.] Phiền não, nghiệp, thân,
Người tạo nghiệp và / quả báo của nghiệp,
Đều như thành quách / của Càn thát bà,
Như là ảo ảnh / như là chiêm bao.

Đến đây hết Phẩm 17, tên là Quán Về Nghiệp Và Nghiệp Quả.

> 18: QUÁN NGÃ

[18:1.] Ngã nếu như mà / chính là các uẩn
Thì phải là thứ / có sinh có hoại.
Ngã nếu như mà / khác với các uẩn
Thì sẽ không có / tướng của các uẩn.

[18:2.] Ngã nếu như mà / đã là không có
Thì đâu có gì / là cái của ngã?
Ngã và của ngã / vì đã tịch lặng,
Nên không còn chấp / tôi và của tôi.

[18:3.] Người nào không chấp / tôi và của tôi
Thì người như vậy / không phải là có.
Thấy người không chấp / tôi và của tôi
Thì thấy như vậy / cũng là không thấy.

[18:4.] Nếu cả trong ngoài / mọi ý nghĩ về
Ngã và của ngã / đều đã cùng tận
Thì khi ấy thủ / cũng sẽ diệt tận.
Thủ diệt tận thì / sinh cũng diệt tận.

[18:5.] Nghiệp, phiền não tận / thì đạt giải thoát.
Nghiệp, phiền não từ / niệm tưởng sinh ra.
Niệm tưởng đến từ / động niệm phân biệt.
Động niệm phân biệt / dứt vào tánh không.

[18:6.] Phật cũng nói “ngã,”
Cũng dạy “vô ngã,”
Và Phật dạy rằng
“Không có gì là / “ngã,” hay “vô ngã.”

[18:7.] Đường ngôn ngữ dứt,
Chốn tâm hành đoạn:
Không sinh không diệt,
Tánh của các pháp / đồng tánh niết bàn.

[18:8.] Tất cả là thật; / là không phải thật;
Là cũng thật mà / cũng không phải thật;
Là chẳng không thật / cũng chẳng là thật:
Cứ thế Phật dạy / từng bước như vậy.

[18:9.] Không nhờ đâu khác / để mà biết được;
Rất mực tịnh yên; // Không động phân biệt;
Không có niệm tưởng; / cũng không biệt nghĩa;
Là như thế đấy / đặc tướng tánh như.

[18:10.] Đã khởi sinh nhờ / tùy thuộc thứ gì,
Trước hết không phải / là chính thứ ấy.
Và với thứ ấy / cũng không là khác,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[18:11.] Đây là mùi vị / giáo lý cam lồ
Của khắp chư Phật / cứu độ thế gian:
Không phải là một / cũng không là khác,
Không phải là đoạn, / cũng không là thường.

[18:12.] Phật Chánh biến tri / dù không xuất thế,
Và chư Thanh văn / dù đã không còn;
Dù vậy khi ấy / trí Phật Độc giác
Từ chỗ không dựa / cũng vẫn phát sinh.

Đến đây hết Phẩm 18, tên là Quán Ngã Và Pháp.

> 19: QUÁN THỜI GIAN

[19:1.] Giả sử cần phải / tùy thuộc quá khứ
Mới có hiện tại / cùng với vị lai,
Vậy thì hiện tại / cùng với vị lai
Lẽ ra phải có / trong thời quá khứ.

[19:2.] Còn nếu như mà / trong thời quá khứ
Không có hiện tại / cùng với vị lai,
Vậy thì hiện tại / cùng với vị lai
Làm sao có thể / tùy thuộc quá khứ?

[19:3.] Đã không tùy thuộc / vào thời quá khứ
Thì cả hai thời / đều không thể thành.
Thế nên cho dù / là thời hiện tại
Hay thời vị lai / cũng đều không có.

[19:4.] Phải biết áp dụng / cùng cách này cho
Hai thời còn lại. / Và cũng đúng cho
Sự cao, thấp, vừa, / các thứ vân vân,
Và sự đồng nhất, / các thứ vân vân.

[19:5.] Thời gian không đứng / thì không thể nắm.
Còn thời gian nào / có thể nắm được
Thì không thể đứng.
Đã không nắm được / làm sao phân biệi?

[19:6.] Thời gian nếu như / tùy thuộc sự vật
Vậy lìa sự vật / đâu còn thời gian.
Sự vật thứ gì / cũng đều không có,
Vậy biết lấy gì / để có thời gian?

Đến đây hết Phẩm 19, tên là Quán Thời Gian.

> 20: QUÁN DUYÊN HỢP

[20:1.] Nếu từ tổ hợp / của nhân và duyên
Mà sinh ra quả,
Từ trong tổ hợp / quả đã sẵn có,
Thì đâu thể từ / tổ hợp sinh ra.

[20:2.] Nếu từ tổ hợp / của nhân và duyên
Mà sinh ra quả,
Trong tổ hợp này / quả nếu không có,
Thì đâu thể từ / tổ hợp sinh ra.

[20:3.] Nếu trong tổ hợp / của nhân và duyên
Quả đã sẵn có, / như vậy lẽ ra
Phải thấy được quả / bên trong tổ hợp.
Nhưng trong tổ hợp / không thấy được quả.

[20:4.] Nếu trong tổ hợp / của nhân và duyên
Quả không sẵn có,
Vậy nhân duyên ấy
Cũng giống như là / không phải nhân duyên.

[20:5.] Nếu như là nhân / đưa nhân cho quả
Xong rồi là diệt,
Vậy nhân ấy phải / có hai bản thể:
Một cho, một diệt.

[20:6.] Nếu như là nhân / đưa nhân cho quả
Xong rồi là diệt,
Vậy quả sinh ra / từ nhân đã diệt
Là quả không nhân.

[20:7.] Nếu như quả với / tổ hợp nhân duyên
Là sinh cùng lúc, / vậy thì theo lẽ
Cái làm cho sinh / và cái được sinh
Phải có cùng lúc.

[20:8.] Nếu như trước khi / nhân duyên hòa hợp
Là đã có quả,
Quả không nhân duyên / thì phải là quả
Không nhân mà có.

[20:9.] Nếu nói nhân diệt, / và nếu quả này
Là nguyên cái nhân / chuyển sang thành quả,
Vậy chẳng hóa ra / nhân trước sinh rồi
Lại sinh ra nữa?

[20:10.] Làm sao cái nhân / đã diệt đã tan
Mà lại có thể / sinh quả đã có?
Làm sao cái nhân / đi liền với quả
Vẫn còn tồn tại / lại sinh ra quả?

[20:11.] Nhưng nếu nhân không / đi liền với quả
Thì quả nào là / do nhân sinh ra?
Cho dù thấy quả, / hay không thấy quả,
Thì nhân cũng vẫn / không thể sinh ra.

[20:12.] Quả ở quá khứ / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / ở trong quá khứ,
Hay là với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / đang được sinh ra.

[20:13.] Quả đang sinh ra / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / ở trong quá khứ,
Hay là với nhân / đang được sinh ra.

[20:14.] Quả chưa sinh ra / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / đang được sinh ra,
Hay là với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / ở trong quá khứ.

[20:15.] Nếu không tiếp xúc
Vậy thì nhân kia / làm sao sinh quả?
Nếu có tiếp xúc
Vậy thì nhân kia / làm sao sinh quả?

[20:16.] Nếu như nhân này, / quả nó là không,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?
Nếu như nhân này, / quả không là không,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?

[20:17.] Quả không là không / thì không thể sinh.
Quả không là không / thì không thể diệt.
Không phải là không, / thì ắt phải là
Không sinh không diệt.

[20:18.] Nếu như là không / làm sao sinh ra?
Nếu như là không / làm sao diệt mất?
Nếu quả là không / thì ắt phải là
Không sinh, không diệt.

[20:19.] Đâu có lẽ nào
Mà nhân với quả / lại chỉ là một.
Đâu có lẽ nào
Mà nhân với quả / lại là khác nhau.

[20:20.] Nếu nhân với quả / mà chỉ là một,
Sinh và được sinh / cũng phải là một.
Nếu nhân với quả / mà khác với nhau,
Có nhân, không nhân / thành giống như nhau.

[20:21.] Nếu như quả này / là có bổn tánh,
Thử hỏi nhân kia / sinh được gì đây?
Nếu như quả này / không có bổn tánh,
Thử hỏi nhân kia / sinh được gì đây?

[20:22.] Không phải là thứ / tạo sinh ra quả
Thì có lý nào / mà lại là nhân.
Nhân ấy nếu như / đã không thể có,
Thử hỏi quả kia / là của cái gì?

[20:23.] Nếu như tổ hợp
Của nhân và duyên
Tự mình không thể / sinh ra chính mình,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?

[20:24.] Thế nên duyên hợp / không sinh ra quả,
Cũng không quả nào / do bất hợp sinh.
Quả này nếu đã / không phải là có,
Vậy làm sao có / tổ hợp của duyên.

Đến đây hết Phẩm 20, tên là Quán Duyên Hợp.

> 21: QUÁN THÀNH VÀ HOẠI

[21:1.] Dù không có thành / hay cùng với thành
Thì hoại cũng đều / không phải là có.
Dù không có hoại / hay cùng với hoại
Thì thành cũng đều / không phải là có.

[21:2.] Làm sao có hoại
Mà không có thành?
Đâu có thứ gì / không sinh mà chết.
Cho nên không thành / thì cũng không hoại.

[21:3.] Làm sao có hoại
Cùng có với thành?
Đâu có thứ gì / mà lại có thể
Chết đi sinh ra / trong cùng một lúc.

[21:4.] Làm sao có thành
Mà không có hoại?
Đâu có thứ gì / mà lại không phải
Là thứ vô thường.

[21:5.] Làm sao có thành
Cùng có với hoại?
Đâu có thứ gì / mà lại có thể
Sinh ra chết đi / trong cùng một lúc.

[21:6.] Những thứ cho dù / cùng có với nhau
Hay không cùng có
Đều không thiết lập,
Những thứ như vậy / thiết lập cách nào?

[21:7.] Đã có cùng tận / thì không có thành.
Dù không cùng tận / cũng không có thành.
Đã có cùng tận / thì không có hoại.
Dù không cùng tận / cũng không có hoại.

[21:8.] Sự vật nếu đã / không phải là có
Thì thành và hoại / cũng không là có.
Thành và hoại đã / không phải là có
Thì sự vật cũng / không phải là có.

[21:9.] Đã là không thì
Đâu có lý nào / lại có thành hoại.
Dù không là không
Cũng đâu lý nào / lại có thành hoại.

[21:10.] Thành và hoại này
Đâu có lý nào / mà lại là một.
Thành và hoại này
Đâu có lý nào / mà lại khác nhau.

[21:11.] Thành và hoại này
Nếu ông nghĩ rằng / «Đều có thể thấy.»
Thành và hoại này
Mà nhìn thấy được / là vì ngu si.

[21:12.] Có thì không phải / từ có sinh ra.
Có cũng không phải / từ không sinh ra.
Không thì không phải / từ không sinh ra.
Không cũng không phải / từ có sinh ra.

[21:13.] Sự vật thì không / sinh từ chính mình.
Cũng không phải từ / thứ khác sinh ra.
Sinh từ chính mình / hay từ thứ khác
Đều là không phải, / làm sao sinh ra?

[21:14.] Nếu như khẳng định / sự vật là có,
Ắt phải vướng vào / đoạn và thường kiến.
Là vì nếu vậy / thì sự vật ấy
Vừa là thường còn / vừa là vô thường.

[21:15.] Hay là khẳng định / «Sự vật tuy có,
Nhưng không phải đoạn, / cũng không phải thường,
Vì chuỗi thành hoại / của nhân và quả
Chính là sinh tử.»

[21:16.] Nói chuỗi thành hoại / của nhân và quả
Chính là sinh tử
Thế nhưng đã hoại / thì không có sinh,
Từ đó suy ra / nhân này đoạn diệt.

[21:17.] Sự vật nếu vốn / là có bỏn tánh
Thì đâu lý nào / thành thứ không có.
Đến lúc niết bàn / thì phải đoạn diệt,
Vì chuỗi sinh tử / đều đã tịnh hết.

[21:18.] Điểm cuối nếu như / là đã tận diệt,
Thì điểm đầu đời / trở thành phi lý.
Điểm cuối nếu như / là chưa tận diệt,
Thì điểm đầu đời / trở thành phi lý.

[21:19.] Điểm cuối nếu như / là đang tận diệt,
Trong khi điểm đầu / sắp sửa sinh ra,
Vậy cái đang diệt / là một thứ khác,
Mà cái đang sinh / lại là thứ khác.

[21:20.] Nếu như nói rằng / đang diệt mà sinh
Là cùng một lúc / thì cũng phi lý.
Chẳng lẽ chết đi / với năm uẩn nào,
Thì lại sinh ra / cùng năm uẩn ấy?

[21:21.] Vậy dù ở đâu / trong cả ba thời
Chuỗi sinh tử vẫn / là điều vô lý.
Thứ cả ba thời / đều là không có
Làm sao có thể / là chuỗi sinh tử.

Đến đây hết Phẩm 21, tên là Quán Thành Và hoại.

> 22: QUÁN NHƯ LAI

[22:1.] Không phải là uẩn, / hay khác với uẩn,
Không uẩn ở trong, / không ở trong uẩn,
Như lai cũng không / sở hữu các uẩn,
Vậy thì Như Lai / thật ra là gì?

[22:2.] Nếu Phật có nhờ / dựa vào các uẩn
Thì không phải nhờ / tự tánh mà có.
Đã không phải nhờ / tự tánh mà có
Thì đâu thể nhờ / tha tánh mà có.

[22:3.] Thứ gì đã nhờ / tha tánh mà có
Thì không lý nào / lại có ngã tánh.
Thử hỏi một thứ / không có ngã tánh
Làm sao có thể / là đấng Như lai?

[22:4.] Nếu như tự tánh / đã là không có,
Vậy thì tha tánh / có làm sao được?
Tự tánh, tha tánh / đều đã không có,
Vậy đâu còn gì / để có Như lai?

[22:5.] — «Nếu như không cần / dựa vào các uẩn
Cũng vẫn có được / một đấng Như lai,
Thì nay Như lai / sẽ dựa các uẩn
Cho nên cũng vẫn / là thứ tùy thuộc.»

[22:6.] Không dựa các uẩn
Thì Như lai nào / cũng đều không có.
Nhưng không dựa thì / không thể nào có,
Đã vậy làm sao / nhiếp thủ các uẩn?

[22:7.] Sự nhiếp thủ đã / là không có thì
Thứ được nhiếp thủ / cũng không thể có.
Thứ được nhiếp thủ / đã là không có.
Thì đâu làm sao / có được Như lai.

[22:8.] Tìm kiếm như vậy / đủ cả năm cách,
Thì tự hay tha, / đều là không có,
Đã là như vậy / thứ được nhiếp thủ,
Sao có thể gọi / “đó là Như lai”?

[22:9.] Thứ gì đã là / thứ được nhiếp thủ
Thì không phải từ / tự tánh mà có.
Đã không phải từ / ngã tánh mà có
Thì cũng không từ / tha tánh mà có.

[22:10.] Vậy thứ được thủ / và người nhiếp thủ,
Xét đủ mọi mặt / vẫn đều là không.
Đã là không thì / Như lai đâu thể
Lấy cái không làm / nền tảng lập danh!

[22:11.] Đừng nói là không,
Hay không phải không,
Hay là cả hai, / hay không cả hai.
Chỉ có thể nói / theo nghĩa giả danh.

[22:12.] Thường và vô thường, / bốn tướng đại loại,
Chốn tịnh yên này / đâu làm gì có.
Hữu biên vô biên, / bốn tướng đại loại,
Chốn tịnh yên này / đâu làm gì có.

[22:13.] Ai chấp sâu dày / nói “có Như lai,”
Thì người như vậy / sẽ phải nghĩ rằng
“Sau khi niết bàn
“Không có Như lai.”

[22:14.] Tự tánh đã không,
Mà còn nghĩ rằng / sau khi niết bàn
Như lai là có / hay là không có,
Ý nghĩ nào cũng / đều không thuận lý.

[22:15.] Như lai vô tận, / vượt mọi khái niệm.
Ai với Như lai / khởi niệm phân biệt,
Sẽ bị niệm tưởng / làm cho hư hoại,
Nên không thể nào / thấy được Như lai.

[22:16.] Tánh của Như lai / là như thế nào,
Tánh của thế gian / cũng là như thế.
Tánh của Như lai / đều là không có,
Thì tánh chúng sinh / cũng đều không có.

Đến đây hết Phẩm 22, tên là Quán Như Lai.

> 23: QUÁN SỰ ĐIÊN ĐẢO

[23:1.] [Đức Phật] dạy rằng / tham sân và si
Hết thảy đều do / niệm tưởng mà có.
Đều là dựa vào / tốt, xấu, điên đảo
Mà phát sinh ra.

[23:2.] Thứ gì dựa trên / những thứ như là
Tốt, xấu, điên đảo, / để mà sinh ra
Thì không phải là / thứ có tự tánh.
Cho nên phiền não / cũng không là thật.

[23:3.] Sự có hay không / của cái ngã này,
Làm sao thì cũng / không thể thiết lập.
Cái đó đã không , / thì sự có, không
Của phiền não kia / làm sao thiết lập?

[23:4.] Và phiền não kia / là của người nào
Thì người ấy cũng / không được thiết lập.
Không có ai là / người có phiền não,
Vậy phiền não ấy / biết có ở đâu?

[23:5.] Như là thân kiến, / xét đủ năm cách,
Phiền não không có / trong thứ bị nhiễm.
Như là thân kiến, / xét đủ năm cách,
Thứ thứ bị nhiễm không / có trong phiền não.

[23:6.] Tốt, xấu, điên đảo
Đều không phải là nhờ / tự tánh mà có.
Vậy phiền não nào / là tùy thuộc vào
Tốt, xấu, điên đảo / để mà có đây?

[23:7.] — «Sáu thứ sắc, thanh,
Vị, xúc, hương, pháp,
Đều được xem là / sáu cơ sở của
Tham sân và si.»

[23:8.] Nhưng mà sắc, thanh,
Vị, xúc, hương, pháp / chỉ giống như là
Thành Càn thát bà,
Như là ảo ảnh / như là chiêm bao.

[23:9.] Người thì như huyễn,
Vật tựa bóng nước,
Những thứ như vậy / thì có gì đâu
Để mà tốt xấu?

[23:10.] Tùy cái xấu nào / để mà hình thành
Khái niệm “cái tốt” / thì cái xấu ấy
Tách lìa cái tốt / sẽ không hiện hữu.
Cho nên cái tốt / không thuận với lý.

[23:11.] Tùy cái tốt nào / để mà hình thành
Khái niệm “cái xấu” / thì cái tốt ấy
Tách lìa cái xấu / sẽ không hiện hữu.
Cho nên cái xấu / không thuận với lý.

[23:12.] Cái tốt nếu như / đã là không có
Vậy lấy cái gì / để mà có tham?
Cái xấu nếu như / đã là không có
Vậy lấy cái gì / để mà có sân?

[23:13.] Giả sử nói thứ / vô thường là thường,
Nếu chấp như vậy / là sự điên đảo.
Nhưng đã không thì / đâu có vô thường,
Sự chấp trước này / làm sao điên đảo?

[23:14.] Giả sử nói thứ / vô thường là thường,
Nếu chấp như vậy / là sự điên đảo,
Nhưng tự tánh không / mà nói vô thường
Sự chấp trước này / sao chẳng điên đảo?

[23:15.] Cái khiến cho chấp; / chính hành động chấp;
Chủ thể chấp và / đối tượng được chấp:
Hết thảy toàn là / an nhiên tịch tĩnh.
Cho nên chấp cũng / không phải là có.

[23:16.] Dù là điên đảo / hay là chân thật
Thì cũng vẫn đều / không hề có chấp.
Vậy đâu có gì / là thứ điên đảo,
Cũng đâu có gì / là không điên đảo.

[23:17.] Ở chỗ điên đảo
Thì không điên đảo,
Chỗ không điên đảo
Thì không điên đảo,

[23:18.] Chỗ đang điên đảo
Cũng không điên đảo,
Vậy ở chỗ nào / mới có điên đảo?
Điều này ông phải / tự mình suy xét.

[23:19.] Điên đảo nếu như / chưa được sinh ra
Thì đâu làm sao / có thể hiện hữu.
Điên đảo nếu như / chưa được sinh ra
Thì đâu thể nào / có người điên đảo.

[23:20.] Nếu như sự vật / không gì tự sinh,
Cũng không có gì / sinh từ thứ khác,
Hay từ cả hai: / mình và người khác,
Vậy người điên đảo / tìm đâu cho ra!

[23:21.] Ngã, tịnh, thường, lạc,
Nếu là có thì
Ngã tịnh thường lạc
Không là điên đảo.

[23:22.] Ngã, tịnh, thường, lạc,
Nếu không có thì
Vô ngã, bất tịnh,
Vô thường, và khổ, / đều không là có.

[23:23.] Nhờ điên đảo diệt
Nên vô minh diệt
Vô minh diệt rồi
Thì hành vân vân / cũng đều diệt cả.

[23:24.] Nếu như phiền não / của bất cứ ai,
Nhờ tự tánh nên / vốn dĩ là có,
Nếu là như vậy / làm sao diệt bỏ?
Đâu ai bỏ được / cái thứ vốn có?

[23:25.] Nếu như phiền não / của bất cứ ai,
Nhờ tự tánh nên / vốn dĩ không có,
Nếu là như vậy / làm sao diệt bỏ?
Đâu ai bỏ được / cái thứ không có?

Đến đây hết Phẩm 23, tên là Quán Sự Điên Đảo.

> 24: QUÁN THÁNH ĐẾ

[24:1.] — «Nếu những thứ đó / hết thảy đều không
// Thì không có thành / cũng không có hoại.
// Nói vậy chẳng lẽ / đối với các ông
// Cả Tứ thánh đế / cũng đều không có?

[24:2.] «Tứ thánh đế này / đã là không có,
// Vậy thì tất cả / sự biết, sự đoạn,
// Sự tu, sự chứng,
// Xét theo lý lẽ / sẽ đều không có.

[24:3.] «Những sự ấy đều / đã là không có,
// Cho nên tứ quả / cũng là không có.
// Quả đã không có, / vậy thì trú quả,
// Hay là nhập quả, / cũng đều không có.

[24:4.] «Tám hàng đại sĩ / nếu đã không có
// Thì như vậy là / Tăng cũng không có.
// Thánh đế không có
// Cho nên diệu Pháp / cũng là không có.

[24:5.] «Pháp cùng với Tăng / đều đã không có,
// Thử hỏi làm sao / có thể có Phật?
// Dùng lời như vậy / để thuyết tánh không
// Thì cả Tam bảo / cũng đều bị phá.

[24:6.] «Làm như thế thì / không còn quả báo,
// Pháp và phi pháp,
// Quy ước thế gian,
// Hết thảy toàn bộ / đều bị phá sạch.»

[24:7.] Tôi nói việc này / chỉ tại nơi ông
Chưa hiểu tánh không / vì sao cần thiết,
Tánh chất ra sao, / ý nghĩa thế nào,
Cho nên mới bị / tổn hại như vậy.

[24:8.] Pháp chư Phật dạy
Đều là dựa vào / hai loại chân lý,
Một là tục đế: / quy ước thế tục;
Hai là chân đế: / thắng nghĩa cứu cánh.

[24:9.] Người nào không biết
Phân biệt nhị đế
Thì với giáo pháp / thâm sâu Phật dạy
Sẽ không thể nào / biết đúng như thật.

[24:10.] Nếu không dựa vào / danh ngôn thế tục
Thì chẳng làm sao / giảng được thắng nghĩa.
Không chứng thắng nghĩa
Thì chẳng làm sao / đạt được niết bàn.

[24:11.] Tánh không này đây / nếu như thấy sai,
Thì người tuệ nhỏ / sẽ bị hủy hoại.
Giống như bắt rắn / mà không biết cách,
Hay dùng bùa chú / mà lại bỏ nhầm.

[24:12.] Biết rõ pháp này / thật quá thâm sâu,
Những kẻ độn căn / khó lòng chứng đắc,
Nên đức Mâu ni / trong tim ngại ngần,
Không muốn thuyết giảng.

[24:13.] Hệ quả sai lầm / các ông nêu ra,
Đối với tánh không / đều không đúng lý.
Thứ tánh không mà / các ông vất bỏ,
Đừng nên vô lý / ứng vào cho tôi.

[24:14.] Tánh không đúng lý
Thì hết tất cả / sẽ đều đúng lý.
Tánh không vô lý
Thì hết tất cả / sẽ đều vô lý.

[24:15.] Ông đem lỗi mình
Đổ hết cho tôi,
Nào có khác gì / người đang cưỡi ngựa
Mà lại quên mất / ngựa mình đang cưỡi.

[24:16.] Các ông thấy rằng
Sự vật hiện hữu / vì có tự tánh.
Nếu thấy như vậy / nghĩa là các ông
Thấy rằng sự vật / không có nhân duyên.

[24:17.] Quả hay là nhân,
Người làm, nhân làm, / hay là việc làm,
Sinh hay là diệt,
Hay là kết quả / đều bị phá sạch.

[24:18.] Thứ gì duyên sinh,
Tôi nói là không,
Cũng là giả danh,
Đó là trung đạo.

[24:19.] Không có pháp nào
Không là duyên sinh,
Nên không pháp nào
Không phải là không.

[24:20.] Nếu như các pháp / không phải là không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Nói vậy vô lẽ / cả tứ thánh đế
Đối với các ông / cũng đều là không?

[24:21.] Nếu không phải là / tùy duyên sinh khởi
Vậy thì khổ này / làm sao mà có?
Đức Phật dạy rằng / khổ là vô thường.
Cho nên không phải / là có tự tánh.

[24:22.] Nếu như là do / tự tánh mà có
Vậy nguồn gốc khổ / là cái gì đây?་
Vì thế cho nên / phá bỏ tánh không
Thì cả tập đế / cũng không thể có.

[24:23.] Khổ nếu là nhờ / tự tánh mà có
Thì không làm sao / có thể tận diệt.
Vì bởi tự tánh / thì luôn trường tồn,
Cho nên như vậy / là phá diệt đế.

[24:24.] Đạo này nếu như / là có tự tánh
Thì chẳng lý nào / lại có thể tu.
Còn nếu như đạo / là cần phải tu,
Tự tánh của ông / đạo này không có.

[24:25.] Một khi khổ đế, / tập đế, diệt đế
Đều đã không có,
Vậy thì thử hỏi / đạo nào là đạo
Diệt được khổ đau / để mà chứng đắc?

[24:26.] Sự chưa thấu biết
Mà có tự tánh
Thì đâu thể nào / thành sự thấu biết?
Chẳng phải tự tánh / trường tồn hay sao?

[24:27.] Tương tự như vậy / như ông nói thì
Sự đoạn, sự chứng,
Sự tu, tứ quả / cũng đều sẽ giống
Như là sự hiểu, / đều không thể có.

[24:28.] Ai người chấp vào / sự có tự tánh,
Thử hỏi quả này / nếu có tự tánh
Thì quả chưa chứng
Làm sao chứng được?

[24:29.] Quả đã không có, / vậy thì trú quả,
Hay là nhập quả, / cũng đều không có.
Tám hàng đại sĩ / nếu đã không có,
“Như vậy thì Tăng / cũng là không có

[24:30.] Thánh đế không có,
Vậy thì diệu Pháp / cũng là không có.
Pháp cùng với Tăng / đều đã không có,
Thử hỏi như vậy / làm sao có Phật?

[24:31.] Nói như ông nói, / vô lẽ không cần
Duyên nơi bồ đề / mà vẫn có Phật?
Nói như ông nói, / vô lẽ không cần
Duyên nơi đức Phật / vẫn có bồ đề?

[24:32.] Tự tánh của ông / đã là như vậy,
Cho nên những ai / chưa phải là Phật,
Dù tìm giác ngộ / tu hạnh bồ tát
Thì cũng chẳng thể / đắc quả bồ đề.

[24:33.] Sẽ chẳng ai làm / bất cứ việc gì
Dù là việc tốt / hay là việc xấu.
Chỗ không phải không / có gì để làm?
Tự tánh thì đâu / có sự tạo tác.

[24:34.] Dù lìa thiện ác,
Nói như ông nói, / quả vẫn sẽ có.
Từ nhân thiện ác,
Nói như ông nói, / sẽ không sinh quả.

[24:35.] Còn nếu ông nói
Từ nhân thiện ác / có quả sinh ra.
Vậy nếu như đã / sinh từ thiện ác,
Cớ sao quả ấy / lại chẳng là không?

[24:36.] Tùy duyên sinh khởi
Đó là tánh không. / Phá bỏ tánh không
Cũng là phá bỏ / toàn bộ cảnh giới
Quy ước thế gian.

[24:37.] Tánh không này đây / nếu như phá bỏ
Thì việc làm nào / cũng đều không có;
Và việc chưa khởi / mà vẫn có làm;
Việc không làm mà / người làm vẫn có.

[24:38.] Tự tánh nếu có / thì chúng sinh đều
Không sinh không diệt,
Bất biến trường tồn,
Tướng trạng không đổi.

[24:39.] Không có tánh không / thì như vậy là
Thứ gì chưa đắc / sẽ không thể đắc,
Khổ đau không thể / làm cho kết thúc,
Hết thảy phiền não / không thể đoạn lìa.

[24:40.] Ai thấy duyên sinh
Sẽ thấy khổ đế,
Tập đế, diệt đế,
Cùng với đạo đế.

Đến đây hết Phẩm 24, tên là Quán Thánh Đế.

> 25: QUÁN NIẾT BÀN

[25:1.] — «Nếu như mọi sự / hết thảy đều không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Vậy thì cái gì / phải bỏ, phải diệt
Để mà có cái / gọi là niết bàn?»

[25:2.] Nếu như mọi sự / chẳng phải là không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Vậy thì cái gì / phải bỏ phải diệt
Để mà có cái / gọi là niết bàn?

[25:3.] Không buông và cũng / không có thủ đắc,
Không đoạn và cũng / không có thường còn,
Không diệt và cũng / không có khởi sinh,
Có như vậy mới / gọi là niết bàn.

[25:4.] Trước hết, niết bàn / không phải thứ có,
Vì không lẽ nào / lại có già, chết.
Đã là có thì / đâu có thứ gì
Không già không chết.

[25:5.] Nếu như niết bàn / mà là thứ có
Thì niết bàn phải / là pháp hữu vi.
Đã là có thì
Đâu có thứ gì / không là hữu vi.

[25:6.] Nếu như niết bàn / mà là thứ có
Thì tại làm sao / lại không tùy thuộc?
Đã không tùy thuộc
Thì đâu có gì / mà lại là có.

[25:7.] Nếu như niết bàn / không phải thứ có
Thì đâu thể nào / là thứ không có.
Niết bàn nào đã / không phải là có
Thì niết bàn ấy / chẳng phải là không.

[25:8.] Nếu như niết bàn / không phải là có
Thì tại làm sao / lại không tùy thuộc?
Đã không tùy thuộc
Thì đâu có gì / mà lại là không.

[25:9.] Sự vật xoay vần / hết đến rồi đi,
Tùy thuộc nhân duyên, / do nhân duyên tạo.
Không còn tùy thuộc, / không nhân duyên tạo,
Thì [Như lai] dạy / đó là niết bàn.

[25:10.] Thành cùng với hoại / đều phải từ bỏ
Đó là lời dạy / của đấng bổn sư.
Nhờ đó mà biết / niết bàn đúng ra
Chẳng phải là có / chẳng phải không có.

[25:11.] Giả sử niết bàn / là cả hai thứ,
Vừa có, vừa không,
Vậy chẳng hóa ra / giải thoát cũng là
Vừa có, vừa không? / Điều này phi lý.

[25:12.] Giả sử niết bàn / là cả hai thứ,
Vừa có, vừa không,
Vậy thì không phải / là không tùy thuộc,
Bởi hai điều này / đều là tùy thuộc.

[25:13.] Niết bàn làm sao / có thể là thứ
Vừa có, vừa không?
Niết bàn thì phải / là pháp vô vi,
Có và không có / lại là hữu vi.

[25:14.] Ở chỗ niết bàn / làm sao có thể
Vừa có, vừa không / đắc được cả hai?
Có và không có / không ở cùng chỗ,
Như ánh sáng không / ở cùng bóng tối.

[25:15.] Bảo rằng niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có,
Có và không có / phải thiết lập đã
Rồi mới có thể / thiết lập điều này.

[25:16.] Giả sử niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có,
Vậy ai là người / nói rằng niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có?

[25:17.] Đức Phật Thế tôn / sau khi nhập diệt,
Đâu thể nào thấy / rằng Phật là có,
Rằng Phật không có, / hay thấy rằng Phật
Cũng có cũng không / chẳng có chẳng không.

[25:18.] Đức Phật Thế tôn / khi còn tại thế
Đâu thể nào thấy / rằng Phật là có;
Rằng Phật không có, / hay thấy rằng Phật
Cũng có cũng không, / chẳng có chẳng không.

[25:19.] Sinh tử luân hồi / so với niết bàn
Đều không hề có / mảy may phân biệt.
Niết bàn so với / sinh tử luân hồi
Đều không hề có / mảy may phân biệt.

[25:20.] Giới hạn niết bàn / rốt ráo ở đâu,
Giới hạn luân hồi / cũng là ở đó.
Giới hạn này không / mảy may sai biệt,
Vi tế đến đâu / cũng đều không khác.

[25:21.] Thấy sau diệt độ;
Hữu biên vân vân; / thường còn vân vân;
Là những cái thấy / y cứ niết bàn
Và y cứ theo / giới hạn trước, sau.

[25:22.] Sự vật đều không, / Đã vậy thử hỏi
Có gì hữu biên? / có gì vô biên?
Có gì cũng là / hữu biên, vô biên?
Có gì chẳng là / hữu biên, vô biên?

[25:23.] Có gì là nó? / có gì là khác?
Có gì thường còn? / có gì vô thường?
Có gì vừa thường? / vừa là vô thường?
Có gì cả hai / đều là không phải?

[25:24.] Đối cảnh lắng hết / vào trong tịch diệt
Bao nhiêu động niệm / tịch lắng tịnh yên.
Đức Phật có thuyết / pháp gì ở đâu
Cho ai bao giờ?

Đến đây hết Phẩm 25, tên là Quán Niết Bàn.

> 26: QUÁN MƯỜI HAI NHÁNH DUYÊN SINH

[26:1.] Vô minh che chướng / khiến mãi tái sinh,
Khởi ba loại hành.
Vì hành nghiệp ấy
Mà phải đi vào / luân hồi sinh tử.

[26:2.] Bởi duyên nơi hành
Nên thức cứ phải / đi vào sinh tử.
Khi thức chuyển sinh
Thì danh và sắc / từ đó hình thành.

[26:3.] Danh sắc hình thành
Thì sinh lục nhập.
Dựa vào lục nhập,
Mà xúc khởi sinh.

[26:4.] Sự khởi sinh này / toàn là dựa vào
Nơi nhãn, và sắc / và sự nhớ đến.
Vì thế cho nên / dựa vào danh sắc
Mà thức khởi sinh.

[26:5.] Nhãn, sắc, và thức,
Ba thứ hợp lại / thành ra thứ gì
Thì đó là xúc. / Từ nơi xúc này
Thọ sẽ phát sinh.

[26:6.] Duyên ở nơi thọ / đó chính là ái.
Bởi vì thọ mà / có ái sinh ra.
Khi đã có ái
Thì bốn loại thủ / sẽ được hình thành.

[26:7.] Thủ mà hình thành / thì người nhiếp thủ
Chắc chắn hiện hữu.
Thủ không hình thành
Thì sẽ giải thoát / chứ không thành hữu.

[26:8.] Hữu là năm uẩn.
Từ nơi hữu này / sinh sẽ phát sinh,
Từ đó mà phải / già chết, sầu muộn,
Than khóc, đớn đau,

[26:9.] Tâm ý không vui, / tinh thần bấn loạn,
Hết thảy đều từ / nơi sinh mà có.
Cứ như thế đó / cả khối khổ đau
Đơn thuần này đây / đã được sinh ra.

[26:10.] Gốc của luân hồi / nằm ở nơi hành,
Nên người có trí / thì không tạo tác.
Người không có trí / là người tạo tác,
Vì bậc minh trí / thì thấy tánh như.

[26:11.] Vô minh mà dứt
Thì hành cũng dứt.
Vô minh dứt được
Là nhờ tuệ giác / tu tập tánh như.

[26:12.] Cái này cái kia / một khi đã diệt,
Cái kia cái nọ / sẽ không hiện hành.
Cả khối khổ đau / đơn thuần này đây
Phải như thế đấy / mới thật sự diệt.

Đến đây hết Phẩm 26, tên là Quán Mười Hai Nhánh Duyên Khởi.

> 27: QUÁN CÁI THẤY

[27:1.] Thấy ngã quá khứ / có hay không có,
Thấy cõi thế gian / thường còn vân vân,
Những cái thấy này
Đều là tùy thuộc / vào giới hạn trước.

[27:2.] Thấy ngã trong thời / vị lai nào khác / có hay không có,
Thấy thế gian có / kết thúc vân vân,
Những cái thấy này
Đều là tùy thuộc / vào giới hạn trước.

[27:3.] Nói rằng ngã này / có trong quá khứ
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Ngã nào có ở / trong các đời trước
Không phải là ngã / ở trong đời này.

[27:4.] Nghĩ rằng ngã ấy / chính là mình đây.
Nhưng được nhiếp thủ / lại là thứ khác
Ngoại trừ những thứ / được nhiếp thủ ra,
Thì ngã của ông / đâu là cái gì!

[27:5.] Nói ngoại trừ thứ / được nhiếp thủ ra
Thì không có ngã,
Nên ngã chính là / thứ được nhiếp thủ.
Vậy ngã của ông / cũng là không có.

[27:6.] Thứ được nhiếp thủ / không phải là ngã,
Vì nó có sinh / và cũng có hoại.
Thứ được nhiếp thủ / làm sao có thể
Là người nhiếp thủ?

[27:7.] Nói ngã khác với / thứ được nhiếp thủ
Là không đúng lý. / Nếu khác, lẽ ra
Cho dù không thủ / vẫn nắm bắt được
Nhưng mà đâu phải.

[27:8.] Nên không khác với / thứ được nhiếp thủ,
Cũng không phải là / thứ được nhiếp thủ.
Không có nhiếp thủ / thì không có ngã.
Sự không có này / cũng không nhất định.

[27:9.] Nói trong quá khứ / ngã này không có
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Ngã nào có ở / trong các đời trước,
Không phải là khác / với ngã đời này.

[27:10.] Giả sử ngã này / khác ngã đời trước
Thì không ngã trước / ngã này vẫn có.
Và ngã đời trước / sẽ luôn tồn tại.
Ngã trước chưa chết / ngã này vẫn sinh.

[27:11.] Thế là đoạn diệt, / làm hỏng mất nghiệp.
Nghiệp người này làm
Người kia phải chịu,
Những việc đại loại / ắt sẽ phát sinh

[27:12.] Chưa từng khởi sinh / thì không thể sinh
Bằng không sẽ dẫn / đến nhiều lầm lỗi.
Ngã như vậy sẽ / là thứ được tạo,
Hay là sinh ra / mà không có nhân.

[27:13.] Vậy dù thấy ngã / là có; là không;
Cũng có cũng không; / chẳng có chẳng không;
Những cái thấy này / về ngã quá khứ
Đều không đúng lý.

[27:14.] Thấy ngã trong thời / vị lai nào khác
Là có, là không…
Những cái thấy này
Cũng đều giống như / thấy ngã quá khứ.

[27:15.] Nếu như người đó / chính là trời kia
Thì như vậy sẽ / thành thứ thường còn.
Trời mà như vậy / sẽ không sinh ra,
Vì đã thường còn / thì không sinh khởi.

[27:16.] Nếu như người đó / khác với trời kia,
Thì như vậy sẽ / thành thứ vô thường.
Nếu trời và người / là khác với nhau,
Ắt không thể nào / có dòng tương tục.

[27:17.] Nếu một phần trời
Một phần là người,
Thì sẽ vừa thường / vừa là vô thường,
Điều này vô lý.

[27:18.] Giả sử cả hai / thường và vô thường
Đều được thiết lập, / thì phải chấp nhận
Rằng, “Chẳng phải thường, / chẳng phải vô thường”
Cũng được thiết lập.

[27:19.] Nếu như có được / bất cứ một ai
Từ nơi nào tới / rồi đi nơi khác
Thì luân hồi mới / không có khởi điểm,
Nhưng không làm gì / có chuyện như vậy.

[27:20.] Nếu đã không có / cái gì thường còn,
Vậy thì thử hỏi / có gì vô thường?
Có gì vừa thường / vừa là vô thường?
Có gì chẳng thường / chẳng là vô thường?

[27:21.] Nếu như thế gian / mà là hữu biên,
Vậy thì làm sao / có được đời sau?
Nếu như thế gian / mà là vô biên,
Vậy thì làm sao / có được đời sau?

[27:22.] Đó là bởi vì / các uẩn tiếp nối
Giống như ánh sáng / của ngọn lửa đèn,
Vì thế cho nên / dù là hữu biên
Hay là vô biên / cũng đều phi lý.

[27:23.] Nếu như uẩn trước / đã hoại diệt rồi,
Và dựa uẩn trước
Uẩn sau không sinh,
Có vậy thế gian / mới là hữu biên.

[27:24.] Nếu như uẩn trước / không có hoại diệt,
Và dựa uẩn trước
Uẩn sau không sinh,
Có vậy thế gian / mới là vô biên.

[27:25.] Nếu như thế gian / một bên hữu biên,
Một bên vô biên, / vậy thế gian này
Vừa là hữu biên / vừa là vô biên,
Cũng không thuận lý.

[27:26.] Là người chấp thủ / làm sao có thể
Một bên hoại diệt,
Một bên không hoại,
Cái chuyện như vậy / thật là vô lý.

[27:27.] Cái được nhiếp thủ / làm sao có thể
Một bên hoại diệt,
Một bên không hoại,
Cái chuyện như vậy / thật là vô lý.

[27:28.] Nếu như hữu biên / cùng với vô biên
Mà được thiết lập, / thì phải chấp nhận
Không phải hữu biên / không phải vô biên
Cũng được thiết lập.

[27:29.] Hơn nữa mọi sự / hết thảy đều không,
Vậy những cái thấy / thường còn, vân vân,
Là do ai thấy? Thấy gì? Nhờ đâu?
Từ đâu mà có / cái thấy như vậy?           

Đến đây hết Phẩm 27, tên là Quán Cái Thấy.

> HOÀN LUẬN

Với lòng từ bi / thương yêu gìn giữ,
Vì để đoạn lìa / hết thảy kiến chấp,
Nên Phật thuyết cho / diệu pháp này đây.
Đức Phật Cồ Đàm / con xin kính lễ.

> XUẤT XỨ BẢN TẠNG NGỮ

Trên đây là bài pháp Căn Bản Trung Quán Luận Tụng, được gọi là Tuệ Bát Nhã, trình bày giáo pháp A tì đạt ma của Đại thừa, minh giải đường đi của Bát nhã ba la mật, giảng về chân tánh của thắng nghĩa đế, do bậc thầy vĩ đại là Thánh giả Long thọ, với trí tuệ từ bi không ai sánh bằng, làm sáng tỏ cỗ xe vô thượng của Như lai, đắc Hoan hỉ địa, vào cõi Cực lạc, rồi trở thành đức Như Lai Sinh Xứ Trí Quang tại quốc độ Trừng Quang

Theo lệnh của bậc tối thắng chúa thượng tự tại, đại vương ngự trị cát tường [Quốc Vương Trisong Detsen], bài pháp này được đại sư trưởng Trung đạo xứ Ấn là Sư Trí Tạng [Jñanagarbha, thế kỷ thứ VIII] chuyển dịch, và tỷ kheo dịch giả Chokro Lui Gyaltsen chuyển dịch, hiệu đính và hoàn thành văn bản, gồm 27 phẩm, 449 chỉnh cú, gom thành một quyển rưỡi.

Sau đó, vào triều đại của Bậc Chúa Tể Loài Người Aryadeva, tại tu viện Ratnagupta [Tu viện Bảo Mật], thành Anupama [Vô Song] xứ Kashmir, luận này lại được sư trưởng người Kashmir tên là Hasumati và dịch giả người Tạng tên là Patsap Nyima Drak [thế kỷ thứ 11] chỉnh lại theo Minh Cú Luận.

Sau nữa, tại điện Rasa Trulnang, lại được sư trưởng người Ấn tên Kanaka và dịch giả Patsap Nyima Drak nói trên chỉnh lại lần chót.

> Xuất xứ bản Việt ngữ:

Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Tạng ngữ của Patsap Nyima Drak nói trên, tham khảo cùng bản Anh dịch của Jay L. Garfield; bản Anh dịch của nhóm dịch thuật Padmakara; bản Hán dịch của ngài Cưu Ma La Thập [Kumārajīva]. Ấn bản đầu tiên tháng 08 năm 2021. Hiện đang trong quá trình duyệt lại theo Minh Cú Luận.

Ấn bản điện tử {1/11/2023}





Long Thọ: GIẢNG VỀ TÂM BỒ ĐỀ [Long Thọ]

Tác giả: đức Long Thọ (Nagarjuna)
Tựa đề tiếng Phạn: Boddhicittavivarana
Tựa đề tiếng Việt: Bồ Đề Tâm Thích: Giảng Về Tâm Bồ Đề
(Hồng Như dịch từ bản Anh  ngữ
[A Commentary On The Awakening Mind] của Geshe Thupten Jinpa.  Bản dịch đầu 2007, nhuận văn 2009, 09/2020.)

Hạ tải bản tiếng Việt: [PDF] 
Hạ tải bản tiếng Anh [English version by Thupten Jinpa PDF]

Prerequisites: Everyone can read
Điều kiện hành trì: Mọi người đều có thể đọc

Kính lễ tán dương đức Kim Cang Tát Đỏa!

Chư Phật nói rằng:

Không có thực thể;
Lìa bỏ phân biệt / đối tượng, chủ thể,
Như là các uẩn, / hay là giới, xứ;
Vạn pháp bình đẳng / vô ngã như nhau,
Tâm vốn vô sinh;
Chân tánh của tâm / chính là tánh không.

Cũng như chư Phật cùng chư bồ tát đã từng phát tâm vô thượng bồ đề, nay tôi cũng làm đúng theo như vậy, kể từ bây giờ cho đến khi vào trái tim giác ngộ, tôi nguyện phát tâm vô ­thượng bồ đề, để có khả năng cứu vớt những ai chưa được cứu vớt, cởi thoát những ai chưa được cởi thoát, cứu độ những ai chưa được cứu độ, và cho những ai còn chưa triệt để siêu thoát khổ đau, tôi sẽ giúp cho siêu thoát được cả.

Chư vị bồ tát hành trì mật pháp sau khi phát tâm bồ đề qui ước nhờ vào nguyện lực, tiếp theo phải nhờ năng lực thiền định mà thành tựu tâm bồ đề cứu cánh. Vậy nay tôi xin hiển lộ chân tánh của tâm bồ đề.

1. Trước đấng cát tường / Phật Kim Cang Trì,
Ngài là hiện thân / của tâm bồ đề,
Đệ tử đảnh lễ / và xin thuyết về / thiền định bồ đề,
Là tâm khiến cho / luân hồi đoạn diệt.

2. Chư Phật minh xác / tâm bồ đề này
Vốn không từng bị / khái niệm che mờ,
Như niệm chấp “ngã,” / chấp “uẩn” hay là / chấp các thứ khác;
Tâm bồ đề vốn / chỉ là tánh không.

3. Phải vận dụng tâm / thấm nhuần từ bi,
Để mà tinh tấn / phát tâm bồ đề.
Tất cả chư Phật / đại từ đại bi
Đều luôn miên mật / phát tâm như vậy.

4. Ngã do các phái / cực đoan đề xướng
Nếu dùng luận lý / quán sát tận tường
Bên trong các uẩn / [của thân và tâm].
Sẽ không thể thấy / ngã thật ra trú / ở nơi chốn nào.

5. Các uẩn tuy có / [nhưng] không thường còn;
Nên không thể mang / tính chất của ngã.
Thường và vô thường, / không thể nào có
Cái này làm chỗ / chứa đựng cái kia.

6. Nếu cái gọi là / “ngã” vốn không có,
Thì cái gọi là / “thực thể” làm sao / có thể thường còn?
Phải có các pháp / rồi mới có thể
Quán xét truy tìm / thuộc tính của nó / trong cõi thế gian.

7. Điều gì thường còn / thì không thể nào / tạo nên tác dụng
Dù tạo từ từ / hay ngay tức thì;
Vậy dù bên ngoài / hay là bên trong
Đều không thể có / thực thể thường còn.

8. Nếu như cái ngã / vốn là vạn năng / làm sao có thể / tùy thuộc thứ khác?
Lẽ ra phải tạo / [tất cả các pháp] / trong cùng một lúc.
Đã là tùy thuộc / vào điều gì khác
Thì không thể nào / thường còn, vạn năng.

9. Nếu như cái ngã / là một thực thể / thì không thường còn,
Vì các thực thể / đều luôn chuyển biến / trong từng sát na;
Còn đối với các / thực thể vô thường, / tạo nên sự vật,
[[tôi]] không phủ nhận.

10. Toàn cõi thế gian / vốn dĩ không có / cái ngã, vân vân,
Thế nhưng lại bị / triệt để khống chế / bởi những khái niệm
Về uẩn, giới, xứ,
Chủ thể, đối tượng.

11. Vì làm lợi ích / cho khắp chúng sinh,
Nên [Phật tùy duyên] / dạy chúng Đệ tử:
Năm uẩn là sắc,
Thọ, tưởng, hành, thức.

12. Đấng Lưỡng Túc Tôn / thường dạy thêm rằng:
“Sắc như bọt nổi;
Thọ như bóng nước;
Tưởng như ảo ảnh;

13. Hành như thân chuối;
Thức như ảo thuật.”
Đó chính là lời
Phật dạy bồ tát.

14. Tất cả những gì / hợp từ tứ đại
Đều là sắc uẩn.
Các uẩn còn lại / đều được xác định /
Là phi vật thể.

15. Trong đó, nhãn căn / và sắc, vân vân…
Được gọi là giới;
Và cũng được gọi / là mười hai xứ,
Hay là chủ thể, / cùng với đối tượng.

16. Cực vi sắc trần / là điều không có, / nhãn căn cũng không;
Và nhãn căn làm / chủ thể nhận thức / cũng không hề có;
Cho nên cái tạo / và cái được tạo
Hoàn toàn chẳng hợp / với sự tạo sinh.

17. Vi trần không thể / tạo sinh nhận thức
Vì lẽ vi trần / nằm ngoài phạm vi / của các giác quan.
[Hoặc giả] nói rằng / vi trần tập hợp / mà sinh ra thức?
Thế nhưng tập hợp / của các vi trần / cũng không thể có.

18. Cho dù phân xẻ / chí đến cực vi
Thì cũng vẫn còn / thành phần phương hướng;
Đã là một vật / gồm nhiều thành phần,
Làm sao có thể / gọi bất khả phân?

19. Trước một đối cảnh,
Có thể phát sinh / nhiều loại nhận thức
Người này thấy đẹp
Nhưng với người kia / có khi lại khác.

20. Đối với cùng một / thân người phụ nữ,
Có khi phát sinh / ba loại nhận thức : Nhà tu khổ hạnh / sẽ thấy thây ma ;
Đàn ông nhìn ra / đối tượng thèm muốn;
Chó [hoang] lại thấy / là miếng mồi ngon.

21. [Nếu như nói rằng] / “khả năng tác động / nằm ở đối cảnh”
Chẳng phải cũng là / giống như trong mơ / thấy mình bị hại?
Nếu xét khả năng / tác động của cảnh,
Giữa cảnh trong mơ / và cảnh khi tỉnh / khả năng tác động / chẳng khác gì nhau.

22. Chủ thể, đối tượng,
Đều hiện trong tâm
Tách lìa tâm ra
Hoàn toàn không có / đối cảnh nào khác.

23. Vì vậy không có
Đối cảnh thực hữu;
Chỉ do nhận thức / trong tâm mỗi người
Hiện thành đối cảnh.

24. Tựa người mê muội
Thấy toàn huyễn cảnh,
Thành quách đền đài / quỉ càn thát bà,
Do đó họ thấy / sắc uẩn hiện ra / cùng các uẩn khác.

25. Vì để phá tan / mê lầm chấp ngã
Nên [đức Phật] dạy / về uẩn, giới, xứ…
Những kẻ thiện duyên / trú ở Duy thức
Về sau ngay cả / [pháp này] cũng bỏ.

26. Duy thức nói rằng
Vạn pháp đều do / tâm tạo mà thành.
Vậy tánh chất của / tâm ấy là gì?
Tôi sẽ minh giải / điểm này ở đây.

27. Đức Mâu ni dạy
“Nhất thiết duy tâm,”
Đó là để giúp / cho kẻ ấu trĩ / vất bỏ sợ hãi;
Sự thật đúng ra / không phải như vậy.

28. Tự tánh giả lập, / tự tánh tùy thuộc,
Tự tánh viên thành, / ba tánh chỉ có
Một tánh chân thật / đó là tánh không;
Hành trạng ba tánh / được dựng lên từ / ngay ở nơi tâm.

29. Đối với những người / vui trong Đại thừa
Đức Phật nói lời / ngắn gọn như sau:
Rằng vô ngã vốn / tuyệt đối bình đẳng;
Và rằng tâm vốn / bản lai vô sinh.

30. Du Già Tông nói
Chính nhờ điều phục / và nhờ chuyển hóa / toàn bộ tâm thức
Mà tâm trở nên / hoàn toàn thanh tịnh,
Và cũng trở thành / đối tượng nhận thức / của tâm tự biết.

31. Quá khứ không còn;
Tương lai chưa tới;
Hiện tại thì lại / luân chuyển không ngừng,
Vậy đâu thể có / [tâm trong] hiện tại?

32. Thật tánh của tâm / thì không thể thấy;
Những gì thấy được / đều không phải là / thật tánh của tâm;
Tâm thức vô ngã;
Và cũng không có / nền tảng nào khác.

33. Ví như thỏi sắt
Gần đá nam châm / lập tức qui về;
Tuy không có tâm
Nhưng lại giống như / là vật có tâm.

34. Tương tự như vậy / tạng thức không thật
Mà thấy giống như / là điều có thật;
Cứ vậy tới lui,
Lưu giữ tất cả / [ba cõi] luân hồi.

35. Cũng như thân cây / bập bềnh trên biển
Dù chẳng có tâm;
Tạng thức cũng vậy
Tùy thuộc nơi thân / mà có chuyển động.

36. Như vậy, nếu nói
Rằng không có thân / thì không có thức,
Vậy phải giải thích
Xem “tâm tự biết” / thật ra là gì?

37. Gọi “tâm tự biết”
Vậy là mặc nhiên / khẳng định thức này / là một thực thể;
Thế nhưng khi nói / “nó là như vậy”
Thì lại khẳng định / thức này vô năng.

38. Tự mình xác quyết,
Và để giúp cho / người khác xác quyết,
Bậc trí luôn dùng / luận lý tuyệt hảo
Không vướng sai lầm.

39. Thức là chủ thể / nhận biết đối tượng;
Nếu không đối tượng / chủ thể cũng không;
Vậy sao các ông / không thấy ra rằng
Chủ thể, đối tượng, / đều không thật có?

40. Tâm là giả danh;
Ngoài cái tên ra / không là gì cả;
Cho nên phải thấy / thức là giả danh
Và cả danh này / cũng không tự tánh.

41. Dù trong hay ngoài,
Hay ở chính giữa,
Chư Phật chẳng từng / tìm thấy được tâm;
Vậy tánh của tâm / là tánh như huyễn.

42. Phân biệt sắc, dạng,
Đối tượng, chủ thể,
Nam, nữ, trung tính –
Tâm chẳng hề có / tướng dạng nhất định.

43. Tóm lại chư Phật / chẳng từng thấy qua
Và cũng sẽ không / bao giờ nhìn thấy / [cái tâm như vậy];
Tâm không tự tánh / làm sao chư Phật
Lại có thể thấy / là có tự tánh?

44. “Thực thể” thật ra / chỉ là khái niệm;
Vắng bặt khái niệm / đó là tánh không;
Nếu như niệm khởi / tánh không đâu còn?

45. Cái tâm phân biệt / chủ thể, đối tượng,
Là điều Như lai / chẳng từng nhìn thấy;
Nơi nào còn có / chủ thể đối tượng
Thì chẳng thể có / giác ngộ bồ đề.

46. Vô tánh, vô sinh;
Và không thật có; / ngoài tầm nghĩ bàn;
Hư không, bồ đề, / cùng với giác ngộ,
Tất cả vượt ngoài / phạm trù đối đãi.

47. Các bậc trú trong / trái tim giác ngộ
Như chư Thế tôn, / cùng chư đại sĩ,
Chư đại từ bi,
Đều biết tánh không / tựa như hư không .

48. Vậy phải miên mật / thiền quán tánh không:
Nền tảng các pháp,
An tịnh, như huyễn,
Và vô sở trú, / đoạn diệt luân hồi.

49. [Chấp không] như là / “vô sinh,” “tánh không,”
Hoặc như “vô ngã,”
Thiền quán những loại / tánh không như vậy
Đó chẳng phải là / thiền quán [chân thật].

50. Khái niệm thiện ác
Mang tánh sinh diệt
Phật nói là không;
Ngoài ra chẳng có / tánh không nào khác.

51. Tâm vô sở trụ, / trú xứ của tâm
Có những đặc tánh / tựa như hư không;
[Vậy] thiền tánh không
[Thật ra] phải nói / là thiền hư không.

52. Tánh không chính là / tiếng gầm sư tử
Làm cho kinh sợ / mọi giáo thuyết khác;
Luận sư dị tông / dù trú nơi đâu,
Tánh không cũng vẫn / đợi ngay nơi ấy.

53. Đã nói tâm thức / vốn luôn sinh diệt,
Thì đâu thể nào / nói thức thường còn;
Nếu tâm vô thường
Làm sao có thể / nghịch với tánh không?

54. Tóm lại chư Phật
Nói tâm vô thường,
Sao các ông lại / chẳng thể chấp nhận
Tâm cũng là không?

55. Tâm tự bản lai
Vốn không tự tánh;
Nói vậy không phải / tâm có tự tánh
Rồi tự dưng lại / mất đi tự tánh.

56. Thấy được như vậy, / là lìa bỏ hết
Ngã chấp trong tâm;
Đi quá ra ngoài / bản tánh sự vật
Thì chẳng phải là / chân tánh vạn pháp.

57. Cũng như vị ngọt / là tánh của đường
Hay như sức nóng, / là tánh của lửa,
Tương tự như vậy, / chúng tôi nói rằng
Tánh của vạn pháp / chính là tánh không.

58. Nói tánh không là / tánh [của vạn pháp]
Như vậy chẳng phải / đề xướng đoạn kiến
Đồng thời cũng không
Đề xướng thường kiến.

59. Khởi từ vô minh / cho đến lão tử,
Tất cả quá trình / phát sinh ra từ
Mười hai nhân duyên,
Chúng tôi nói rằng / như mộng, như huyễn.

60. Bánh xe nhân duyên / gồm mười hai nhánh
Lăn trên đường đời / luân hồi sinh tử,
Ngoài ra chẳng thể / có chúng sinh nào
Tạo nghiệp, thọ quả.

61. Ví như khuôn mặt / tùy thuộc vào gương / mà ảnh hiện ra,
Đó chẳng phải là / mặt đi vào gương;
Thế nhưng không gương
Thì cũng không ảnh.

62. Tương tự như vậy / ngũ uẩn giả hợp / thành kiếp sống mới;
Nhưng mà bậc trí / luôn thấy rõ rằng
Chẳng phải có người / vừa mới tái sinh
Cũng chẳng có ai / chuyển sang kiếp mới.

63. Nói tóm gọn lại: / từ những sự vật / vốn chỉ là không,
Mà phát sinh ra / những sự vật khác / cũng toàn là không;
Người tạo nghiệp cùng / với nghiệp đã tạo, / quả tạo, cùng với / chính người chịu quả, // Đức Phật dạy rằng / tất cả đều thuộc / phạm trù qui ước [Tục đế].

64. Như tiếng trống lớn, / hay như chồi non
Đều do nhân duyên / phối hợp mà thành.
Do đó mà nói / cảnh giới duyên sinh
Đều như mộng ảo.

65. Rằng vạn pháp đều / do nhân duyên sinh,
Không hề mâu thuẫn / [với không tự tánh],
Vì chính nhân này / rỗng lặng không nhân,
Nên phải hiểu rằng / vạn pháp vô sinh.

66. Vô sinh của pháp
Đức Phật dạy rằng / đó là tánh không;
Tóm lại, năm uẩn
Gọi là “vạn pháp.”

67. Khi mà chân đế / được thuyết như vậy
Thì chẳng hề làm / chướng ngại tục đế;
Lìa tục đế ra,
Chân đế chẳng còn.

68. Phật dạy tục đế / chính là tánh không;
Tánh không, tự nó, / chính là tục đế;
Cái này không thể / tách lìa cái kia
Cũng như vô thường / chẳng lìa sinh khởi.

69. Tục đế khởi sinh / từ nghiệp, phiền não;
Nghiệp thì lại từ / tâm mà sinh ra;
Còn tâm là do / tập khí tích tụ;
Tách lìa tập khí / an lạc hiện tiền.

70. Tâm hỉ thì tịnh;
Tâm tịnh thì định;
Không loạn động vì / thấy đúng như thật;
Thấy đúng như thật / là đạt giải thoát.

71. Tâm này gọi là / “chân như,” “pháp giới,”
“vô tướng,” “chân đế,”
“vô thượng bồ đề,”
và là “tánh không.”

72. Không hiểu tánh không,
Thì không thể nào / đủ sức lĩnh hội / đường tu giải thoát;
Nên kẻ vô minh / cứ phải trầm luân
Ở trong sáu cõi / tù ngục luân hồi.

73. Nếu bậc hành giả
Quán không như vậy
Chắc chắn tâm sẽ
Thiết tha mong muốn / lợi ích chúng sinh.

74. “Đối với chúng sinh / trong đời quá khứ
Đã từng cho tôi / rất nhiều ơn nặng,
Như là cha, mẹ, / bằng hữu, thân nhân…
Tôi nguyện đền trả / trọn vẹn ơn này.”

75. “Vậy mà chúng sinh / lại bị thiêu đốt
Bởi lửa phiền não / tù ngục luân hồi;
Trong thời quá khứ / tôi khiến cho họ / chịu nhiều khổ não;
Nay tôi xin nguyện / làm điều lợi ích / mang đến cho họ / tất cả an vui.”

76. Quả lành, quả dữ;
Thọ sinh thiện đạo, / hoặc sinh ác đạo
Tất cả đều do / làm lợi cho người
Hay là tác hại.

77-78. Nương vào chúng sinh
Chắc chắn rồi sẽ / đạt quả vô thượng;
Chẳng đáng ngạc nhiên
Khi thấy bất cứ / quả an lạc nào
Trong cõi trời, người, / như là các đấng
Phạm Thiên, Đế Thích / Hắc Thiên cùng với
Thần linh bảo hộ / trong khắp ba cõi,
Đều có là nhờ / lợi ích chúng sinh.

79. Còn như địa ngục, / ngạ quỉ, súc sinh,
Bao nhiêu khổ não
Chúng sinh phải chịu,
Đều có là vì / nhiễu hại người khác.

80. Chịu đói, chịu khát, / xâu xé lẫn nhau,
Hấp hối quẫn bách, // Chẳng thể quay đầu, /
không có kết thúc; // Tất cả đều là /
quả báo phải chịu / vì hại chúng sinh.

81. [Bên này thì có], / quả Phật, bồ đề,
Thọ sinh thiện đạo;
[còn bên kia là] / thọ sinh cõi dữ ;
Cho nên phải biết / [nghiệp] quả có hai.

82. Vậy có được gì / hãy mang ra hết / phụng sự chúng sinh;
Giữ gìn chúng sinh / như giữ thân mạng;
Còn tâm dửng dưng / đối với chúng sinh
Hãy nên vất bỏ / như vất thuốc độc.

83. Chư vị thanh văn / đạt quả vị nhỏ / chẳng chính là vì
Các vị không có / tình thương rộng lớn / đối với chúng sinh?
Chư Phật không hề / lìa bỏ chúng sinh
Do đó đạt được / vô thượng bồ đề.

84. Vậy, khi đã thấy / việc làm thiện, ác,
Dẫn đến nghiệp quả / lành dữ ra sao,
Làm sao có thể, / dù chỉ phút giây,
Giữ tâm vị kỷ / thủ lợi riêng mình?

85. Nhờ bám sâu rễ / nơi tâm đại bi,
Mà tâm bồ đề / đâm chồi nảy lá,
Từ đó trổ ra / quả [chân] giác ngộ, / là quả duy nhất / của tâm vị tha,
Đây là điều mà / những người con Phật / vẫn luôn thuần dưỡng.

86. Ai nhờ tu tập / mà tâm bồ đề / trở nên kiên cố,
Đối trước nỗi khổ / của khắp chúng sinh / xiết bao kinh hãi,
Hỉ lạc trong định / liền từ bỏ hết,
Muôn trùng sâu thẳm, / địa ngục vô gián / liền sinh ngay vào.

87. Tuyệt diệu biết bao / đáng phục biết bao
Thật là con đường / nhiệm mầu tuyệt hảo;
Dù có cho hết / của cải, thân mạng,
Cũng chẳng có gì / đáng để ngạc nhiên.

88. Thế nhưng hiểu được / vạn pháp đều không
Mà vẫn có thể / sống thuận nhân quả
Như vậy mới là / kỳ diệu hơn cả / những điều kỳ diệu!
Nhiệm mầu hơn cả / những sự nhiệm mầu!

89. Những ai vì muốn / cứu vớt chúng sinh
Mà nguyện sinh vào / bùn lầy thế tục,
Thì không thể nào / nhiễm uế vì bùn;
Tựa như cánh sen / mọc từ ao nước.

90. Dù chư bồ tát / như ngài Phổ Hiền
Dùng lửa trí tuệ / của tánh không này
Thiêu rụi tất cả / củi gỗ phiền não;
Nhưng tâm cũng vẫn / thuần dịu từ bi.

91. Chư vị nương dưới / sức mạnh từ bi
Thị hiện nhập thế, / đản sinh, hưởng lạc,
Từ bỏ ngai vàng, / hành trì khổ hạnh,
Đạt đại giác ngộ, / hàng phục quần ma.

92. Thị hiện chuyển đẩy / bánh xe chánh pháp,
Thị hiện lên tận / cõi trời chư Thiên
Và rồi thị hiện
Nhập cõi niết bàn.

93. Thị hiện Phạm Thiên, / Đế Thích, Vi Nữu,
Hắc Thiên oai thần,
Dùng bao sắc thân / thị hiện phong phú / điệu vũ từ bi / vô vàn thiện hạnh
Mang đến an lành / cho khắp chúng sinh.

94. Vì để cho người / trên đường sinh tử / thối chí nản lòng
Được thời ngơi nghỉ / cho nên Phật thuyết
Về hai trí tuệ / dẫn đến Đại thừa;
Đây chẳng phải là / trí tuệ rốt ráo.

95. Phật chưa thúc gọi
Thì chư Đệ tử / mải mê an trụ
Ở trong huệ thân
Đắm chìm cõi định.

96. Khi Phật thúc gọi,
Các vị xuất thiền, / hóa hiện nhiều thân, / thiết tha cứu giúp / khắp cả chúng sinh; Tư lương phước tuệ / tích tụ đủ rồi
Khi ấy các vị / viên thành Phật quả.

97. Vì có tập khí / của hai [chướng ngại]
Nên tập khí ấy / gọi là chủng tử ;
Bao giờ hạt giống / gặp gỡ nhân duyên,
Khi ấy nẩy mầm / chồi cây sinh tử.

98. Vì lẽ Thế tôn
Dựa theo nhiều loại / căn cơ chúng sinh
Mà thuyết Phật Pháp,
Cho nên cũng có / nhiều loại pháp môn .

99. Chia thành giáo pháp / [phương tiện] quảng đại, / [trí tuệ] thâm sâu,
Cũng có khi là / đầy đủ cả hai;
Tuy rằng có nhiều / pháp môn như vậy,
Nhưng mọi pháp môn / vẫn đều bình đẳng / trong tự tính không / và đều bất nhị.

100. Mọi chú tổng trì, / mọi địa [bồ tát],
Cùng ba la mật / của chư Phật đà,
Chư Toàn Giác nói
Đều là biểu hiện / của bồ đề tâm.

101. Chư vị luôn luôn / dùng thân miệng ý
Mà tạo lợi ích / cho khắp chúng sinh
Nên khi xiển dương / luận lý tánh không
Chẳng ai có thể / nói rằng các vị / vướng vào đoạn kiến.

102. Chư tôn thánh giả
Chẳng trú luân hồi, / chẳng trú niết bàn,
Cho nên chư Phật / dạy đây chính là
Niết bàn vô trú.

103. Từ bi chỉ mang / một vị duy nhất, / vị của công đức;
Còn tánh không thì / mang vị thắng diệu;
Những ai uống được / [nước cam lồ này] để mà thành tựu
Tự lợi lợi tha / thì đây đúng là / người con chân chính / của đấng Thế tôn.

104. Trước chư vị này / các ông hãy mang / hết thảy thân tâm / ra mà đảnh lễ;
Vì chư vị ấy / trong toàn ba cõi / luôn luôn xứng đáng / nhận sự tôn vinh;
Là người dẫn đường / cho khắp thế gian,
Là bậc kế thừa / của khắp chư Phật.

105. Tâm bồ đề này
Chính là tột đỉnh / của pháp Đại thừa;
Vậy các ông hãy / kiên trì nhập định
Phát bồ đề tâm.

106. Để đạt tất cả / tự lợi, lợi tha,
Ngoài tâm bồ đề / kiếm khắp cõi thế
Cũng không tìm ra / phương pháp nào khác;
Dù là chư Phật / cho đến ngày nay / cũng không thấy ra / có cách nào khác.

107. Công đức phát tâm
Vô thượng bồ đề
Lượng công đức ấy / nếu như có thân,
Không gian vô tận / vẫn không chứa hết.

108. Người nào nhập định / thiền tâm bồ đề,
Dù chỉ chốc lát,
Khối công đức ấy
Ngay đến chư Phật / cũng không đo nổi.

109. Tâm này quí giá / không vướng phiền não;
Là viên ngọc báu / tuyệt vời, duy nhất;
Dù ma phiền não / vẫn không thể nào / làm cho hư hại
Cũng không thể nào / đánh cắp mất đi.

110. Đại nguyện chư Phật / cùng chư bồ tát / không thể hư mòn;
Tương tự như vậy / những ai thấm nhuần
Trong bồ đề tâm
Nên giữ tâm này / cho thật kiên cố.

111. Thật là kỳ diệu, / các ông hãy nên
Ra công cố gắng / như nói ở trên;
Rồi các ông sẽ
Tự mình làm nên / hạnh nguyện Phổ hiền.

112. Tâm bồ đề này / chư Phật vẫn hằng / tán dương hoan hỉ, / nay tôi cũng xin / xưng tán bồ đề;
Việc làm như vậy / được bao công đức,
Nguyện nương vào đó / mà khắp chúng sinh / trầm luân biển cả / sinh tử sóng cuồng
Vào được con đường / chư Lưỡng Túc Tôn / đã từng đi qua.

Đến đây chấm dứt Giảng Về Bồ Đề Tâm của đại đạo sư thánh giả Long Thọ. Bài pháp này do Sư Trưởng Ấn độ Gunakara và dịch giả Rapshi Shenyen chuyển [Tạng] ngữ và hiệu đính, sau đó được Sư Trưởng Ấn độ Kanakavarma và dịch giả Tây tạng Patsap Nyima Drak duyệt lại.

Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Thupten Jinpa, 2007, nhuận Văn 2009. Xếp trang A4 và nhuận văn 09/2020.




Atisa: CHUỖI NGỌC BỒ TÁT

-Tựa Đề Tạng Ngữ (Tibetan Title): བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ།
-Tác giả (author): Dipamkaraśrijñana (Je Atisa)
-Việt ngữ: Hồng Như, bản nháp 2019

Chuỗi Ngọc Bồ Tát

Tựa đề tiếng Phạn: Bodhisattvamanevali 
Tựa đề tiếng Tạng: changchub sempé norbü trengwa

Kính lễ Tâm Đại Bi
Kính lễ chư Thượng Sư
Kính lễ chư Tôn của tín tâm

1. Nghi hoặc vướng tâm, buông bỏ hết
Dốc tâm tận lực nơi pháp hành
Chìm, chậm và lười đều triệt bỏ
Phải luôn nỗ lực và tinh tấn

2.  Chánh niệm, tỉnh giác, bất phóng dật
Luôn dùng để giữ cửa giác quan
Ban ngày ba buổi, đêm ba buổi
Luôn xét tới lui dòng tâm thức

3. Lỗi ở nơi mình phải nói lớn
Còn lỗi người khác chớ tìm tòi
Công đức của mình nên giữ kín
Công đức của người phải nói ra

4. Phú quí, vinh quang, đều từ bỏ
Lợi danh mọi lúc đều phải buông
Phải biết thiểu dục và tri túc
Thọ ơn thì phải biết trả ơn

5. Tâm từ tâm bi, phải huân tập
Giữ tâm bồ đề thật vững chắc
Mười điều bất thiện, luôn từ bỏ
Tín tâm luôn giữ thật vững bền

6. Phẫn nộ ngã mạn đều phải diệt
Còn tâm khiêm hạ giữ bên mình
Nghề nghiệp bất thiện phải từ bỏ
Sinh sống bằng nghề thuận chánh pháp

7. Tài vật hết thảy đều buông bỏ
Trang điểm bằng tài sản Thánh nhân [xem chi tiết đoạn 25-26]
Bao nhiêu náo nhiệt buông ra cả
Ở nơi lan nhã mà an trú

8. Chuyện phiếm tào lao buông bỏ hết
Phải luôn tự chủ lời nói ra
Khi gặp đạo sư, thầy truyền giới
Khởi tâm thành kính muốn hầu Thầy

9. Đối với những ai có mắt pháp
Hay với chúng sinh mới nhập môn
Phải biết tất cả là Đạo sư
Khi gặp bất kỳ chúng sinh nào
Biết là cha mẹ, con cháu mình

10. Bạn bè bất thiện buông bỏ hết
Bậc thiện tri thức, phải nương vào
Bỏ tâm giận dữ và không vui
Còn chỗ nào vui, phải đi đến

11. Bất kể tham gì, cũng bỏ hết
Phải về trú ở sự không tham
Tham thì thiện đạo cũng không đạt
Và làm đứt mạng của giải thoát

12. Hễ thấy pháp gì mang vui đến
Cứ luôn ở đó mà dụng công
Đầu tiên bắt đầu như thế nào
Thì hãy cứ thế mà tu trước
Được vậy mọi sự đều sẽ tốt
Bằng không sẽ chẳng việc gì xong

13. Vì không hề vui cùng việc ác
Cho nên hễ khởi niệm tự cao
Thì ngay lúc ấy chặt ngã mạn
và phải nhớ lời dạy của Thầy

14. Bao giờ tâm lý nổi chán chường
Thì phải tán thưởng, nâng tâm lên
Quán về tánh không của cả hai.
Khi gặp cảnh nào khiến tham sân
Thì thấy chỉ như giả, như huyễn

15. Khi nghe phải lời nói khó nghe
Phải thấy chỉ như là tiếng vang
Bao giờ thân thể bị thương tổn
Phải thấy đó là do nghiệp cũ

16. Trú nơi lan nhã miền xa vắng
Giống như xác chết loài thú hoang
Phải tự dấu kín bản thân mình
Và phải trú ở sự không tham

17. Luôn luôn giữ vững thệ nguyện mình.
Khi nào nổi cơn lười giải đãi
Khi ấy hãy tự đếm lỗi mình
Nhớ lại tinh túy của giới luật

18. Khi nào gặp mặt bất kỳ ai
Thì lời nói phải nhẹ và thật
Mặt mày cau có đều bỏ hết
Phải luôn gìn giữ một nụ cười

19. Nói chung mỗi khi gặp người khác
Hãy vui mà cho, đừng bủn xỉn
Đố kị ghét ghen đều từ bỏ

20. Vì để giữ gìn tâm người khác
Nên mọi tranh chấp đều bỏ đi
Giữ tâm kham nhẫn cạnh bên mình

21. Đừng dua nịnh cũng đừng thay đổi
Trước sau như một, đáng tin cậy
Bỏ hết thái độ khinh rẻ người
Ngược lại luôn giữ lòng thành kính

22. Bao giờ cho người lời giáo huấn
Phải bằng tâm từ bi lợi tha
Giáo pháp Phật cho đừng phỉ báng
Pháp nào mà lòng thiết tha muốn
Thì nơi mười cửa pháp hạnh này
Ngày đêm chia ra mà dụng công

23. Ba thời thiện đức được bao nhiêu
Hồi hướng về đại vô thượng giác
Rãi hết công đức cho chúng sinh
Thất chi đại nguyện luôn hiến cúng

24. Làm được như vậy thì hai kho
Tư lương phước trí sẽ viên thành
Và hai chướng ngại sẽ đoạn diệt
Thân người này sẽ đầy ý nghĩa
Quả vô thượng giác sẽ viên thành

25. Tài sản sự tin và giữ giới
Tài sản của sự cho, sự nghe
Tài sản của tâm tàm, tâm quí
Và của trí tuệ, bảy kho tàng.

26. Hết thảy ngọc báu thắng diệu này
Là bảy tài sản không vơi cạn
Ai không phải người, đừng cho biết.

Ở giữa đám đông xét lời nói
Khi ở một mình tự xét tâm

Đến đây chấm dứt bài pháp Chuỗi Ngọc Bồ Tát do Sư trưởng Ấn độ Dipamkaraśrijñana soạn tác

༄༅༎རྒྱ་གར་སྐད་དུ།བོ་དྷི་སཏྭ་མ་ཎྀ་ཨ་བ་ལི།  བོད་སྐད་དུ།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ།  ཐུགས་རྗེ་ཆེན་པོ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  བླ་མ་རྣམས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  དད་པའི་ལྷ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  ཐེ་ཚོམ་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞེང་།  བསྒྲུབ་ལ་ནན་ཏན་གཅེས་སུ་བྱ༎  གཉིད་རྨུགས་ལེ་ལོ་རབ་སྤང་ཞིང་།  རྟག་ཏུ་བརྩོན་འགྲུས་འབད་པར་བྱ༎  དྲན་དང་ཤེས་བཞེན་བག་ཡོད་པས༎  དབང་པོའི་སྒོ་རྣམས་རྟག་ཏུ་བསྲུང༌༎  ཉིན་མཚན་དུས་གསུམ་ཡང་དང་ཡང༌༎  སེམས་ཀྱི་རྒྱུད་ལ་བརྟག་པར་བྱ༎  བདག་གི་ཉེས་པ་བསྒྲག་བྱ་ཞིང༌༎  གཞན་གྱི་འཁྲུལ་པ་བཙལ་མི་བྱ༎  བདག་གི་ཡོན་ཏན་སྦ་བྱ་ཞིང༌༎  གཞན་གྱི་ཡོན་ཏན་བསྒྲག་པར་བྱ༎  རྙེད་དང་བཀུར་སྟི་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཁྱེད་གྲགས་རྟག་ཏུ་སྤང་བར་བྱ༎  འདོད་པ་ཆུང་ཞིང་ཆོག་ཤེས་དང་༎  བྱས་ལ་དྲིན་དུ་བཟོ་བར་བྱ༎  བྱམས་དང་སྙིང་རྗེ་བསྒོམ་བྱ་ཞིང༌༎  བྱང་ཆུབ་སེམས་ནི་བརྟན་པར་བྱ༎  མི་དགེ་བཅུ་ནི་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་དད་པ་བརྟན་པར་བྱ༎  ཁྲོ་དང་ང་རྒྱལ་གཞོམ་བྱ་ཞིང༌༎  དམན་པའི་སེམས་དང་ལྡན་པར་བྱ༎  ལོག་པའི་འཚོ་བ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཆོས་ཀྱི་འཚོ་བས་འཚོ་བར་བྱ༎  ཟང་ཟིང་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  འཕགས་པའི་ནོར་གྱིས་བརྒྱན་པར་བྱ༎  འདུ་འཇི་[‘འཛི?]ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  དགོན་པ་ལ་ནི་གནས་པར་བྱ༎  འཁྱལ་བའི་ཚིག་རྣམས་སྤང་བང་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་ངག་ནི་བསྡམ་པར་བྱ༌།  བླ་མ་མཁན་པོ་མཐོང་བའི་ཚེ ༎  གུས་པར་རིམ་གྲོ་བསྐྱེད་པར་བྱ༎  གང་ཟག་ཆོས་ཀྱི་མིག་ཅན་དང་།  ལས་དང་པོ་པའི་སེམས་ཅན་ལ༎  སྟོན་པའི་འདུ་ཤེས་བསྐྱེད་པར་བྱ༎  སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་མཐོང་བའི་ཚེ༎  ཕ་མ་བུ་ཚའི་འདུ་ཤེས་སྐྱེད༎  སྡིག་པའི་གྲོགས་པོ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  དགེ་བའི་བཤེས་གཉེན་བསྟེན་པར་བྱ༎  སྡང་དང་མི་བདེའི་སེམས་སྤངས་ཞིང༌༎  གང་དུ་བདེ་བར་འགྲོ་བར་བྱ༎  གང་ལའང་ཆགས་པ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཆགས་པ་མེད་པར་གནས་པར་བྱ༎  ཆགས་པས་བདེ་འགྲོའང་མི་ཐོབ་ཅིང་།  ཐར་པའི་སྲོག་ཀྱང་གཅོད་པར་བྱེད༎  གང་དུ་བདེ་བའི་ཆོས་མཐོང་བ༎  དེར་ནི་རྟག་ཏུ་འབད་པར་བྱ༎  ཐོག་མར་བརྩམས་པ་གང་ཡིན་པ༎  དང་པོར་དེ་ཉིད་བསྒྲུབ་བྱ་སྟེ༎  དེ་ལྟ་ན་ནི་ཀུན་ལེགས་བྱས༎  གཞན་དུ་གཉིས་ཀ་འགྲུབ་མི་འགྱུར༎  རྟག་ཏུ་སྡིག་དང་དགའ་བྲལ་བས༎  གང་དུ་མཐོ་བའི་སེམས་བྱུང་ཚེ༎  དེ་ཚེ་ང་རྒྱལ་བཅག་བྱ་ཞིང༌༎  བླ་མའི་གདམས་ངག་དྲན་པར་བྱ༎  ཞུམ་པའི་སེམས་ནི་བྱུང་བའི་ཚེ༎  སེམས་ཀྱི་གཟེངས་ནི་བསྟོད་པར་བྱ༎  གཉིས་ཀ་སྟོང་པ་ཉིད་དུ་བསྒོམ༎  གང་དུ་ཆགས་སྡང་ཡུལ་བྱུང་ཚེ༎  སྒྱུ་མ་སྤྲུལ་པ་བཞིན་དུ་ལྟ༎  མི་སྙན་ཚིག་རྣམས་ཐོས་པའི་ཚེ༎  བྲག་ཆ་བཞིན་དུ་བལྟ་བར་བྱ༎  ལུས་ལ་གནོད་པ་བྱུང་བའི་ཚེ༎  སྔོན་གྱི་ལས་སུ་བལྟ་བར་བྱ༎  བས་མཐའ་དགོན་པར་རབ་གནས་ཤིང༌༎  རི་དྭགས་ཤི་བའི་རོ་བཞིན་དུ༎  བདག་གིས་བདག་ཉིད་སྦ་བྱ་ཞིང༌༎  ཆགས་པ་མེད་པར་གནས་པར་བྱ༎  རྟག་ཏུ་ཡི་དམ་བརྟན་བྱ་ཞིང༌༎  ལེ་ལོ་སྙོམས་ལས་སེམས་བྱུང་ཚེ ༎  དེ་ཚེ་བདག་ལ་རྔན་བགྲང་ཞིང༌༎  བརྟུལ་ཞུགས་སྙིང་པོ་དྲན་པར་བྱ༎  གལ་ཏེ་གཞན་དག་མཐོང་བའི་ཚེ༎  ཞི་དེས་གསོང་པོར་སྨྲ་བ་དང་། ༎  ཁྲོ་གཉེར་ངོ་ཟུམ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་འཛུམ་ཞིང་གནས་པར་བྱ༎  རྒྱུན་དུ་གཞན་དག་མཐོང་བའི་ཚེ ༎  སེར་སྣ་མེད་ཅིང་སྦྱིན་ལ་དགའ༎  ཕྲག་དོག་ཐམས་ཅད་སྤང་པར་བྱ༎  གཞན་གྱི་སེམས་ནི་བསྲུང་བའི་ཕྱིར༎  རྩོད་པ་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་བཟོད་དང་ལྡན་པར་བྱ༎  ངོ་དགའ་མེད་ཅིང་གསར་འགྲོགས་མེད༎  རྟག་ཏུ་ཚུགས་ནི་ཐུབ་པར་བྱ༎  གཞན་ལ་བརྙས་པ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  གུས་པའི་ཚུལ་གྱིས་གནས་པར་བྱ༎  གཞན་ལ་གདམས་ངག་བྱེད་པའི་ཚེ༎  སྙིང་རྗེ་ཕན་སེམས་ལྡན་པར་བྱ༎  ཆོས་ལ་བསྐུར་བ་མི་འདེབས་ཤིང་།     གང་མོས་དེ་ལ་འདུན་པ་དང་༎  ཆོས་སྤྱོད་རྣམ་བཅུའི་སྒོ་ནས་ནི༎  ཉིན་མཚན་ཕྱེད་པར་འབད་པར་བྱ༎  དུས་གསུམ་དགེ་བ་ཅི་བསགས་པ༎  བླ་མེད་བྱང་ཆུབ་ཆེན་པོར་སྔོ༎  བསོད་ནམས་སེམས་ཅན་རྣམས་ལ་བདར༌༎  རྟག་ཏུ་ཡན་ལག་བདུན་པ་ཡི༎  སྨོན་ལམ་ཆེན་པོ་གདབ་པར་བྱ༎  དེ་ལྟར་བྱས་ན་བསོད་ནམས་དང་༎  ཡེ་ཤེས་ཚོགས་གཉིས་རྫོགས་པར་འགྱུར༎  སྒྲིབ་པ་གཉིས་ཀྱང་ཟད་འགྱུར་ཏེ༎  མི་ལུས་ཐོབ་པ་དོན་ཡོད་པས༎  བླ་མེད་བྱང་ཆུབ་ཐོབ་པར་འགྱུར༎  དད་པའི་ནོར་དང་ཚུལ་ཁྲིམས་ནོར༎  གཏོང་བའི་ནོར་དང་ཐོས་པའི་ནོར༎  ཁྲེལ་ཡོད་ངོ་ཚ་ཤེས་པའི་ནོར༎  ཤེས་རབ་ཉིད་ཀྱི་ནོར་བདུན་ཏེ༎  ནོར་གྱི་དམ་པ་འདི་དག་ནི༎  མི་ཟད་པ་ཡི་ནོར་བདུན་ཏེ༎  མི་མ་ཡིན་ལ་བརྗོད་མི་བྱ༎  མང་པོའི་ནང་དུ་ངག་ལ་བརྟག༎  གཅིག་བུར་འདུག་ན་སེམས་ལ་བརྟག༎  རྒྱ་གར་གྱི་མཁན་པོ་དཔལ་ལྡན་མར་མེ་མཛད་བཟང་པོ་ཡི་ཤེས་སྙིང་པོས་མཛད་པ༎བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ་རྫོགས་སོ༎




Kamalashila: TRÌNH TỰ TU THIỀN – Quyển Trung

EnglishStages of Meditation, by Acharya Kalamashila (not available here) –
Tác giả (Author): Liên Hoa Giới  (Kamalashila) –

Việt ngữ: Hồng Như – 
bản hiệu đính, 06/2008, nhuận văn 07/2009, 06/2015.
Hạ Tải văn bản chánh văn tại www.hongnhu.org/thu-muc/#trinh-tu-tu-thien

KÍNH LỄ ĐỨC MẠN THÙ

Tôi sẽ giải thích ngắn gọn trình tự tu thiền cho người bước theo Đại Thừa Hiển Tông. Ai người có trí muốn mau chóng thành tựu trí toàn giác[1], phải ra sức cố công tích tụ đầy đủ nhân duyên.

1. TÂM LÀ GÌ?

Trí toàn giác không thể không nhân mà có, vì nếu là như vậy, bất cứ điều gì cũng có thể là toàn giác. Nếu sự việc sinh ra không tùy thuộc vào điều gì khác, như vậy mọi sự đều có thể hiện hữu không câu thúc, sẽ chẳng lý do gì lại không thể là toàn giác. Chính vì sự vật chỉ phát sinh tùy lúc, nên bắt buộc phải tùy thuộc nhân duyên. Trí toàn giác cũng vậy, rất hiếm hoi, không phải bất cứ lúc nào chỗ nào cũng có thể sinh ra, vì vậy nhất định phải tùy thuộc nhân duyên.

2. LUYỆN TÂM

Hơn nữa, ta cần huân dưỡng nhân tố cho thật chính xác và đầy đủ. Nếu chọn lầm thì dù ra công khổ nhọc trong thời gian dài bao lâu cũng vẫn không thể đạt mục tiêu mong cầu. Giống như vắt sữa từ sừng. Tương tự như vậy, nhân không đủ thì quả không thể phát sinh. Ví dụ nếu thiếu hạt giống hay thiếu những nhân tố khác thì không thể có được mầm non. Vì thế, muốn đạt điều gì, ta cần huân dưỡng mọi nhân tố cần thiết cho thật đầy đủ chính xác.

Nếu quí vị hỏi rằng, “Đâu là nhân duyên tạo trí toàn giác?”. Tôi, người tựa kẻ mù lòa, chẳng thể trả lời,­­ thế nhưng tôi có thể dựa vào lời của đức Phật sau khi giác ngộ dạy cho chúng đệ tử. Đức Phật nói rằng: “Này Kim Cang Thủ, này đấng Thế Tôn Kín Mật, trí toàn giác siêu việt lấy tâm đại bi làm gốc, sinh ra từ nhân, là tâm vị tha, tâm bồ đề và phương tiện thiện xảo.” Vậy, nếu muốn đạt trí toàn giác, ta cần hành trì ba điều sau đây: tâm đại bi, tâm bồ đề và phương tiện thiện xảo.

3. TÂM ĐẠI BI

Vì có tâm đại bi nên bồ tát lập thệ nguyện phổ độ chúng sinh.

Rồi nhờ chiến thắng tâm chấp ngã, bồ tát tinh tấn miên mật dấn thân hành trì pháp tu tích tụ công đức trí tuệ vô vàn khó khăn.

Nhờ dấn thân hành trì như vậy, bồ tát chắc chắn tích tụ đầy đủ công đức trí tuệ. Công đức trí tuệ đủ rồi thì tựa như nắm trí toàn giác trong lòng bàn tay. Vì tâm đại bi là cội rễ duy nhất của trí toàn giác, cho nên ngay từ đầu ta cần làm quen với pháp tu này. Kinh Chánh Pháp Tập Kinh[2] nói rằng, “Kính bạch đức Phật,  Bồ tát không cần hành trì nhiều pháp tu. Nếu Bồ tát có thể giữ một pháp cho thật đúng đắn, tu một pháp cho thật toàn hảo, thì vô lượng thiện đức của Phật đà sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay. Nếu hỏi một pháp ấy là gì, đó chính là tâm đại bi.”

Chư Phật tuy thành tựu mục tiêu cứu cánh, nhưng còn chúng sinh thì chư Phật vẫn còn ở lại trong luân hồi. Đó là vì chư Phật có tâm đại bi. Chư Phật không nhập niết bàn an lạc như chư Thanh văn. Vì lợi ích chúng sinh, chư Phật từ bỏ niết bàn an lạc như từ bỏ căn nhà lửa cháy. Vì vậy, nếu muốn thành tựu niết bàn vô trú của một đấng Phật đà thì tâm đại bi là nhân tố duy nhất không thể thiếu.

4. PHÁT TRIỂN ĐẠI XẢ, GỐC RỄ CỦA ĐẠI TỪ

Phương pháp thiền quán tâm bi sẽ được giải thích từ đầu. Bắt đầu bằng pháp quán tâm xả. Hãy cố gắng khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh bằng cách đoạn diệt tham và sân.

Tất cả chúng sinh ai nấy đều mong cầu hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hãy quán niệm sâu xa rằng, từ vô lượng sinh tử cho đến bây giờ, không có chúng sinh nào không đã từng là thân nhân bằng hữu của mình hàng trăm lần rồi. Vậy chẳng lý do gì lại tham luyến người này, oán hận người kia. Hãy nên khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh.  Bắt đầu thiền quán đại xả bằng cách nghĩ đến người dưng kẻ lạ, rồi bạn thân, rồi kẻ thù. Một khi đã khởi tâm đại xả đối với hết thảy chúng sinh, hãy thiền quán đại từ.  Hãy để nước đại từ thấm nhuần dòng tâm thức, tưới tẩm tâm như tưới mảnh đất phì nhiêu. Để hạt giống bi mẫn một khi gieo xuống, sẽ nhanh chóng nảy mầm, tốt tươi tròn vẹn. Một khi tâm thức đã thấm nhuần trong đại từ, hãy thiền quán đại bi.

5. NHẬN DIỆN KHỔ ĐAU

Tâm bi là ước nguyện mong mỏi chúng sinh khổ đau đều được thoát khổ. Thiền quán tâm bi đối với hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh trong toàn ba cõi đều luôn bị hành hạ bởi ba loại khổ, biểu hiện thành nhiều sắc thái phong phú. Đức Phật nói rằng nỗi khổ bỏng cháy và những loại khổ đau khác luôn hành hạ chúng sinh cõi địa ngục trong thời gian dài vô kể. Đức Phật cũng nói rằng các loài ngạ quỉ bị nỗi đói khát thiêu đốt, thể xác đớn đau khôn cùng. Chúng ta cũng có thể thấy loài súc sinh phải chịu khổ đau bất hạnh như thế nào: cứ phải nhai nuốt lẫn nhau, nổi sân hận, bị thương, bị giết. Chúng ta có thể thấy loài người cũng phải chịu đủ loại khổ đau bén nhọn. Điều mong cầu đều không đạt được, nên cứ mãi oán hận, gây thương tổn cho nhau. Điều đẹp đẽ mong cầu cứ mãi mất đi, điều xấu xa muốn tránh thì lại phải chịu, còn phải chịu nỗi khốn khổ bần cùng.

Có người bị ràng buộc trong đủ loại cùm gông phiền não như lòng tham ái. Có người rối loạn bởi nhiều loại tà kiến. Toàn là nhân tố tạo khổ, nên chỉ toàn là nỗi đớn đau cùng cực như đứng cheo leo bờ vực thẳm.

Chúng sinh cõi trời phải chịu khổ đau vì sự biến chuyển thay đổi [hoại khổ]. Ví dụ, tâm chư thiên cõi dục giới luôn bị ám ảnh vì biết khi chết sẽ đọa rơi ác đạo, làm sao có thể sống trong bình an?

Hành khổ là do nghiệp và phiền não làm nhân tố tác động mà khởi sinh, nên mang tính chất sát na sinh diệt và bao trùm toàn bộ chúng sinh cõi luân hồi.

Hãy nhìn chúng sinh trầm luân trong biển lửa khổ đau. Nhớ họ cũng như mình, không ai muốn khổ. “Hỡi ôi! Chúng sinh thương quí của tôi đều phải chịu khổ đau cùng cực như vậy. Tôi có thể làm gì để độ thoát cho họ?”, hãy mang khổ đau của họ làm khổ đau của chính mình. Dù đang nhập định hay đang sống trong đời sống hàng ngày, hãy liên tục thiền quán tâm bi, chú tâm vào chúng sinh, vào tâm nguyện mong chúng sinh thoát khổ.

Bắt đầu bằng thân nhân bằng hữu. Thấy họ phải chịu đủ loại khổ đau như đã giải thích ở  trên.

Tiếp theo, vì đã thấy tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau nên bây giờ hãy quán về người dưng kẻ lạ. Khi tâm bi đối với họ cũng được như đối với người thân, bấy giờ hãy thiền quán tâm bi đối với chúng sinh khắp thế giới mười phương. Như tấm lòng người mẹ đối với đứa con thương yêu bé bỏng đang chịu bệnh khổ, đối với hết thảy chúng sinh bao giờ tự nhiên luôn có được tấm lòng như vậy, bấy giờ đã thành tựu tâm bi. Tâm bi này được gọi là tâm đại bi.

Thiền quán tâm từ bắt đầu với người thân, với những người quí vị thương quí, khởi tâm mong mỏi cho họ được hạnh phúc. Dần dần mở rộng ra, bao gồm cả người dưng kẻ lạ, gồm cả kẻ thù. Lấy tâm bi huân tập, từ từ sẽ tự nhiên phát khởi chí nguyện muốn độ thoát tất cả chúng sinh. Huân tập trong đại bi, lấy đó làm nền tảng để thiền quán phát tâm bồ đề.

Tâm bồ đề có hai: qui ước và cứu cánh. Tâm bồ đề qui ước là sự huân dưỡng chí nguyện ban đầu, vì lợi ích của chúng sinh trầm luân biển khổ mà hướng về quả vị Phật, vì đại bi mà thọ giới phát nguyện độ thoát chúng sinh. Tâm bồ đề qui ước này cần được thuần dưỡng theo quá trình tương tự như những gì được giải thích trong phẩm Giới Luật, Kinh Bồ Tát Địa[3], phát tâm bồ đề bằng cách thọ Bồ tát giới trước một đấng tôn sư nghiêm giữ giới luật bồ tát.

Sau khi phát khởi tâm bồ đề qui ước rồi, hãy dốc sức huân dưỡng tâm bồ đề cứu cánh. Tâm bồ đề cứu cánh siêu việt mọi niệm khởi. Tâm này cực kỳ trong sáng, là đối tượng cứu cánh, không ô nhiễm, không lay động, như ngọn đèn bơ không chao động trước gió.

Tâm này có được là nhờ liên tục huân tập tâm thức bằng pháp tu chỉ quán trong một thời gian dài. Kinh Giải Thâm Mật[4] nói rằng, “Này Đại bồ tát Từ Thị, hết thảy thiện pháp thuộc loại thế gian và xuất thế của Thanh văn, của Bồ tát hay của Như lai, nên biết đều là thành quả của chỉ quán tạo ra.” Vì tất cả chánh định đều thuộc về chỉ quán, nên mọi hành giả đều nên siêng tu chỉ quán. Kinh Giải Thâm Mật còn nói, “Đức Phật dạy rằng vô lượng chánh định của Thanh văn, của Bồ tát và của Như lai, ông nên biết tất cả đều nằm trong chỉ quán.”

Hành giả không thể tu thiền-chỉ một chiều để đoạn diệt phiền não. Tu thiền-chỉ một chiều, chỉ có thể tạm thời dẹp bỏ phiền não vọng tâm. Thiếu ánh sáng trí tuệ thì không thể đoạn diệt tập khí phiền não, vì vậy không thể tận diệt phiền não. Vì lý do này, Kinh Giải Thâm Mật nói rằng, “Định có khả năng hủy diệt phiền não, tuệ có khả năng triệt để hủy diệt tập khí phiền não.” Kinh Chánh Định Vương[5] còn nói:

Dù lấy tâm định / để mà tu thiền
Cũng không thể diệt / vọng tâm chấp ngã
Phiền não sẽ vẫn / quay về quấy phá
Như trong trường hợp / U-drak nhập định
Quán pháp-vô-ngã / cho thật tận tường,
Tu thiền dựa vào / pháp quán như vậy
Đây chính là nhân / tạo quả giải thoát
Chẳng nhân nào khác / mang đến an lạc.

Đại Bồ Tát Tạng Kinh[6] có nói như sau, “Ai chưa từng nghe nói đến giáo pháp của Bồ Tát Tạng, chưa từng nghe nói đến giáo pháp giới luật xuất gia, lại nghĩ rằng chỉ cần đạt định là đủ, người ấy sẽ vì kiêu ngạo mà trở nên tăng thượng mạn. Như vậy, họ sẽ không thể thoát khỏi sinh lão bịnh tử, bần cùng, than khóc, đau đớn, khổ tâm và xáo trộn. Họ cũng không thể giải thoát toàn bộ lục đạo luân hồi, không thể giải thoát ra khỏi núi cao khổ đau thân tâm. Các ông hãy ghi nhớ lời này, Như lai nói rằng nghe giáo pháp này sẽ giúp các ông thoát khỏi tuổi già và cái chết.”

Vì lý do đó, ai muốn đoạn diệt mọi chướng ngại để đạt đến trí tuệ thanh tịnh siêu việt thì phải ở trong định để mà quán tuệ.

6. TRÍ TUỆ

Kinh Bảo Tích[7] nói rằng: Nhờ Giới mà đạt Định. Đạt Định rồi thì tu Tuệ.  Tuệ sẽ giúp đạt trí giác trong sáng. Nhờ trí giác trong sáng mà Giới sẽ toàn hảo.

Kinh Quán Tín Tâm Đại Thừa[8] nói rằng: “Này thiện nam tử, nếu các ông không trụ nơi Tuệ thì Như lai chẳng thể nói các ông bằng cách nào lại có thể có được tín tâm nơi Đại Thừa, cũng không thể nói các ông làm sao có thể đặt mình an trụ trong pháp Đại Thừa.”

“Này thiện nam tử, các ông nên biết, chư bồ tát có được tín tâm nơi Đại thừa, đặt mình an trụ trong pháp Đại thừa, tất cả có được đều nhờ quán chiếu thực tại bằng cái tâm không tán loạn.”

Nếu chỉ tu tuệ quán mà không tu định chỉ, tâm sẽ tán loạn theo nhiều đề mục, chao động như ngọn đèn bơ trước gió. Độ trong sáng của trí giác sẽ không có, vì vậy phải song tu [chỉ quán].  Do đó, Kinh Đại Siêu Thoát Khổ[9] có nói như sau: “Chư Thanh Văn không thấy được Phật tánh, vì định mạnh mà tuệ yếu.”

“Chư Bồ tát thấy được Phật tánh, nhưng không thấy rõ, vì tuệ mạnh mà định yếu. Riêng chư Như Lai có thể thấy tất cả, vì định tuệ ngang nhau.”

Nhờ chỉ, tâm sẽ không bị ngọn gió tư tưởng khái niệm làm cho tán loạn, như ngọn đèn bơ không chao động trước gió.  Nhờ quán, mọi tà kiến đều đoạn lìa, không còn chịu sự chi phối của người khác. Kinh Nguyệt Đăng[10] nói như sau: “Với chỉ, tâm sẽ không lay động. Với quán, tâm sẽ như ngọn núi.” Vậy hãy nên giữ lấy phương pháp song tu chỉ quán.

7. ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT TU CHỈ QUÁN

Khởi đầu, hành giả cần hội đủ mọi điều kiện tiên quyết để nhanh chóng dễ dàng thành tựu chỉ quán.

Điều kiện tiên quyết để thành tựu chỉ, đó là : sống trong môi trường thuận tiện; thiểu dục tri túc; không gánh nhiều việc; giữ giới thanh tịnh; triệt bỏ lòng tham ái cùng mọi tư tuởng khái niệm khác.

Môi trường thuận tiện là môi trường có đủ năm yếu tố sau đây: nơi dễ kiếm thực phẩm y phục; nơi ở không có người ác hay kẻ thù; địa phương không có tai ương tật bệnh; gần bên có bạn đạo giữ giới và có chánh kiến; chỗ ở ban ngày ít người qua lại và ban đêm ít tiếng động.

Thiểu dục nghĩa là không ham muốn nhiều áo quần y phục tốt, ví dụ như áo cà sa v.v… Tri túc nghĩa là hài lòng với bất cứ điều gì mình có, ví dụ áo cà sa phẩm lượng kém v.v….

Không gánh nhiều việc nghĩa là xả bỏ những việc làm thế tục như công việc làm ăn; tránh tham dự vào việc thị phi của Phật tử tại gia hay của chúng tăng; từ bỏ mọi hoạt động y khoa và bói toán.

Cho dù nói rằng phạm giới Thanh Văn thì không thể vãng hồi, tuy vậy, nếu hối cải, kiên quyết không tái phạm, lại có được ý thức về tính chất không tự tánh của tâm tạo tác, quen thuộc với tính chất không tự tánh của các pháp, được như vậy thì giới hạnh có thể nói là vẫn thanh tịnh. Điều này được minh giải qua Kinh A Xà Thế Vương Đoạn Hối[11]. Quí vị phải hàng phục tâm hối tiếc, nỗ lực tu thiền.

Luôn nhớ được sự tai hại của lòng tham luyến trong kiếp hiện tại và mọi kiếp tương lai thì sẽ phá hủy được vọng tâm tham luyến này. Sự vật trong cõi luân hồi, dù đẹp hay xấu, đều phù du như nhau, đều sẽ hư hoại.  Chẳng mấy chốc, quí vị sẽ phải lìa xa tất cả, chắc chắn là như vậy. Hãy quán chiếu vì sao cái tôi lại tham luyến sự vật đến như vậy, rồi đoạn diệt mọi tri kiến sai lầm. Thế nào là điều kiện tiên quyết của quán? Đó là: nương dựa vào bậc thánh giả, nghiêm chỉnh thỉnh cầu lời khai thị phong phú, và tư duy chính xác.

Nên nương dựa vào bậc thánh giả nào? Bậc thánh giả học rộng đa văn, khéo giảng chánh pháp, đầy lòng từ bi, giàu sức nhẫn nại.

Nói “nghiêm túc thỉnh cầu lời khai thị phong phú” là nghĩa gì? Đó là bằng trọn lòng tôn kính, nghiêm chỉnh lắng nghe toàn bộ giáo pháp mười hai loại kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa Phật thuyết. Kinh Giải Thâm Mật nói rằng, “Không lắng nghe bậc thánh giả thuyết pháp cho thỏa chí mong cầu cũng là một chướng ngại cho sự tu quán.”  Kinh này còn nói, “Nhân của quán là chánh kiến; nhân của chánh kiến là văn [nghe] và tư [tư duy chiêm nghiệm].” Narayana Vấn Kinh[12] nói rằng, “nhờ nghe mà phát tuệ, nhờ tuệ mà phiền não ô nhiễm đều đoạn diệt.”

Nói “tư duy chính xác”, là nghĩa gì? Là hiểu được chính xác ý nghĩa của kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Một khi thoát mọi nghi hoặc, Bồ tát có thể nhất tâm hành thiền. Bằng không, cứ để hoài nghi bủa vây, sẽ như người đứng giữa ngã tư đường, không biết phải chọn hướng đi nào.

Hành giả trong mọi lúc phải tránh các món thịt, cá v.v… ăn uống vừa phải điều độ, tránh mọi thức ăn gây hại cho sức khỏe.

Chư Bồ tát một khi hội đủ mọi điều kiện tiên quyết tu chỉ quán, hãy nên bắt đầu tham thiền.

Khi tham thiền, trước tiên phải hoàn tất mọi pháp tu sơ khởi. Phải tiêu tiểu, rồi ở chốn thoải mái không tiếng động quấy nhiễu, nghĩ rằng, “Tôi sẽ độ hết thảy chúng sinh vào niết bàn giác ngộ.” Rồi khởi tâm đại bi, khởi tâm bồ đề, nguyện độ thoát toàn thể chúng sinh, mang hết năm bộ phận gieo xuống chạm đất để mà đảnh lễ chư Phật và chư Bồ tát khắp mười phương.

Hành giả phải đặt ảnh tượng Phật và Bồ tát, ví dụ như tranh vẽ, ở trước mặt, hay ở nơi nào khác. Phải cúng dường xưng tán chư Phật càng nhiều càng tốt. Hành giả cần sám hối tội chướng và tùy hỉ công đức của mọi người.

Tiếp theo, hành giả ngồi thế kiết già Đại Nhật Như Lai, hay thế bán kiết già trên tọa cụ thoải mái. Mắt không mở lớn, không nhắm kín. Hãy nhìn xuôi chóp mũi. Thân không nghiêng về phía trước hay phía sau.  Giữ thân thẳng, tâm xoay vào trong. Hai vai để tự nhiên, đầu không nghiêng về phía sau, phía trước, hay một bên. Mũi giữ thẳng hàng với rốn. Răng và môi để tự nhiên, chót lưỡi chạm hàm trên. Giữ hơi thở thật nhẹ, đều đặn, không phát tiếng động, không cố gắng, không ngắt quảng. Hô hấp tự nhiên, chậm rãi, tựa hồ không có.

8. HÀNH TRÌ THIỀN CHỈ

Phải thành tựu chỉ trước. Chỉ, là cái tâm không tán loạn chạy theo ngoại cảnh, an trụ nơi đề mục một cách tự nhiên, liên tục, nhu nhuyễn khinh an.

Ở trong trạng thái của chỉ, suy xét chính xác về tánh như, đó là quán. Kinh Bảo Vân[13] nói như sau, “Chỉ là cái tâm chuyên nhất bất loạn; quán là cái tâm quán xét riêng biệt về chân tánh.”

Kinh Giải Thâm Mật cũng nói như sau: “Đại Bồ Tát Từ Thị hỏi, “Bạch đức Thế tôn, phải nên cầu về chỉ và khéo về quán như thế nào?’ Đức Phật dạy ‘Đại Bồ tát Từ Thị, giáo pháp Như Lai dạy cho Bồ tát gồm có: khế kinh; xưng tán [ứng tụng]; giáo pháp tiên tri [ký biệt]; thi kệ [phúng tụng]; giáo huấn đặc biệt [tự thuyết]; tùy duyên thuyết pháp [nhân duyên]; hiển lộ thành tựu [thí dụ]; tương truyền [bản sự]; chuyện đản sinh [bản sinh]; giáo pháp rộng lớn [phương quảng]; giáo pháp nhiệm mầu [hy pháp];  thiết lập giáo thuyết [luận nghị]; đối với giáo pháp ấy, Bồ tát khéo lắng nghe, khéo tiếp nhận ghi nhớ, văn khéo rành rẻ, ý khéo tìm tòi. Rồi với cái thấy thông suốt, Bồ tát một mình ở chỗ thanh tịnh mà tác ý tư duy, tiếp tục nhiếp tâm nơi giáo pháp ấy. Giáo pháp nào đã tác ý tư duy thì nhiếp tâm vào nơi đó, giữ cho liên tục. Đây gọi là chánh hạnh của tâm. Khi tâm thường xuyên đứng vững trong chánh hạnh như vậy, đạt sự khinh an nơi thân và nơi tâm, thì tâm ấy gọi là chỉ. Bồ tát cầu về chỉ là như vậy.

Khi Bồ tát đạt được thân tâm khinh an như vậy và an trú trọn vẹn nơi ấy thì sẽ diệt được tán tâm. Nhập chánh định nơi pháp nào thì cần phân tích quán xét pháp ấy, thấy như ảnh hiện. Ảnh hiện này, vốn là đề mục của chánh định, cần dùng trí biết mà chính xác quyết trạch. Phải tầm tư toàn bộ, tận tường quán xét. Phải kiên nhẫn, ưa thích, xét thấy, nhìn thấy và hiểu rõ tận tường. Như vậy gọi là quán. Bồ tát như vậy là khéo về quán.”

Hành giả muốn thành tựu chỉ, ngay từ đầu phải chú tâm để thấy rằng mười hai loại kinh Phật, khế kinh, ứng tụng, v.v…, đều có thể tóm tắt được như sau: tất cả đều đang dẫn đến tánh như, sẽ dẫn đến tánh như, và đã dẫn đến tánh như.

Có thể thiền chỉ bằng cách nhiếp tâm vào các hợp thể thân và tâm [uẩn] là vì đề mục này bao gồm tất cả mọi hiện tượng. Lại có một cách khác: nhiếp tâm vào hình Phật. Kinh Chánh Định Vương nói như sau:

Thân màu hoàng kim,
Đấng ngự cõi thế
Tướng đẹp vô cùng.
Bồ tát nhiếp tâm
Vào đề mục này
Thì được gọi là
Nhập vào chánh định.

Vậy hãy chọn một đề mục thiền chỉ rồi thường xuyên liên tục mang tâm đặt ở nơi ấy. Khi nhiếp tâm vào đề mục như vậy, hãy kiểm soát xem tâm có khéo chuyên chú nơi đề mục hay không. Đồng thời kiểm soát xem tâm có đang bị chìm đắm, có đang bị quấy động vì ngoại cảnh.

Nếu tâm bị chìm đắm vì buồn ngủ, tán loạn, hoặc nếu thấy tâm đang sắp chìm đắm, khi ấy hãy nên nghĩ đến điều đáng vui, ví dụ nghĩ đến hình Phật, hay nghĩ đến ánh sáng. Hết chìm đắm rồi, hãy cố gắng  thấy đề mục cho thật rõ nét.

Phải biết nhận diện khi tâm bị chìm đắm không còn thấy rõ đề mục, cảm giác như bị mù, như vào trong bóng tối, hay như khi đang nhắm mắt. Còn nếu ngồi thiền mà tâm bị ngoại cảnh quấy động, ví dụ chạy theo sắc tướng đáng ưa, hoặc chuyên chú vào đề mục khác, hoặc xao lãng vì ham muốn điều gì trước kia đã từng được hưởng, hoặc nếu nghi ngờ sắp bị tán tâm, những lúc như vậy hãy nhớ tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, nhớ nghĩ đến khổ đau luân hồi v.v…, về những đề mục có khả năng giúp tâm an định.

Theo quá trình này, tán tâm là điều cần đoạn diệt, dùng sợi dây chánh niệm và tỉnh giác cột chặt tâm như voi điên vào gốc cây đề mục. Bao giờ thấy tâm thoát mọi chìm đắm, mọi quấy động, không cần cố gắng cũng tự nhiên chuyên chú nơi đề mục, khi ấy, hễ tâm còn được như vậy, hãy thả lỏng tâm trong trạng thái trung tính tự nhiên.

Cần hiểu rằng khi đạt được chỉ thì thân tâm đều khinh an nhờ huân tập lâu dài trong thiền định, và tâm hễ chọn đề mục nào thì đều có được khả năng tùy ý nắm giữ đề mục ấy.

9.  THÀNH TỰU QUÁN

Sau khi thành tựu chỉ, hãy nên thiền quán bằng suy nghĩ như sau: tất cả giáo pháp của Phật đều là giáo pháp tuyệt hảo, đều trực tiếp hay gián tiếp làm hiển lộ tánh như và dẫn đường tới tánh như cực kỳ trong sáng. Nếu hiểu được tánh như, sẽ thoát lưới tà kiến, như bóng tối tan khi ánh sáng hiện. Thiền chỉ một chiều không thể thanh tịnh bản giác, cũng không thể xua tan bóng tối của chướng nghiệp. Dùng tuệ để quán tánh như cho đúng cách thì thanh tịnh được bản giác. Phải có tuệ mới chứng được tánh như. Phải có tuệ mới đoạn được chướng nghiệp. Vậy khi thiền chỉ, phải vận dụng tuệ giác để truy tầm tánh như. Không thể với pháp tu chỉ mà thấy đủ.

Tánh như, là thế nào? Tánh như là chân tánh của vạn pháp, rằng rốt ráo đều là vô pháp ngã và vô nhân ngã. Điều này phải chứng bằng tuệ ba la mật, không có cách nào khác. Kinh Giải Thâm Mật nói như sau: ” ‘Kính bạch Như lai, chư Bồ tát chứng pháp vô ngã bằng ba la mật nào?’ Bồ Tát Quan Tự Tại, muốn chứng pháp vô ngã, phải vận dụng tuệ ba la mật.'” Vì vậy hãy từ trong chỉ mà quán tuệ.

Hành giả nên quán xét như sau: cái tôi không nằm ngoài các uẩn[14], các giới, các căn. Cái tôi cũng không mang cùng tính chất với các uẩn v.v…, vì uẩn thì có nhiều và vô thường, còn cái tôi lại được xem là độc nhất và thường còn. Cái tôi chỉ có thể hoặc là một, hoặc nhiều hơn một, không thể có cách hiện hữu nào khác. Vậy có thể kết luận rằng khái niệm thông thường về “tôi” và “của tôi” đều hoàn toàn sai lầm.

Thiền quán các pháp vô ngã như sau: tất cả các pháp, nói tóm lại, đều bao gồm trong năm uẩn[15], mười hai xứ[16], và mười tám giới[17]. Sắc tướng của uẩn, xứ và giới, nói cho rốt lại, chẳng qua chỉ là sắc tướng của tâm. Đó là vì nếu phân chia sắc thể ra thành từng hạt tử cực vi, xét tánh chất của từng hạt tử ấy, cũng chẳng thể tìm ra đặc tính của sắc.

Nói cho rốt ráo thì chính tâm cũng không thật có. Cái tâm này đây, chỉ biết nhìn vào hình tướng hư vọng của sắc, v.v…, biến hiện thành nhiều sắc thái, tâm như vậy làm sao có thể thật có? Cũng như sắc, v.v…,  chỉ là hư vọng, vì tâm không tách lìa sắc nên tâm cũng hư vọng. Cũng như sắc v.v… có nhiều sắc thái, đặc tính của sắc không phải một cũng không phải nhiều hơn một, tương tự như vậy, vì tâm không khác với sắc, nên đặc tính của tâm cũng không phải một, không phải nhiều hơn một. Do đó, ngay từ bản chất, tâm vốn như huyễn.

Hãy xét như sau, tương tự như tâm, tánh chất vạn pháp cũng đều như huyễn. Vậy khi lấy tuệ giác quán chiếu đặc tính của tâm, rốt lại sẽ thấy tâm không phải ở trong, không phải ở ngoài, cũng không phải không cả ở trong ở ngoài. Tâm của quá khứ, tâm của vị lai, và tâm của hiện tại đều không thể thấy. Khi tâm sinh, chẳng từ đâu mà sinh, khi tâm diệt, chẳng về đâu mà diệt, là vì tâm không thể nắm bắt, không thể chứng minh, không có hình tướng. Nếu có người hỏi thế nào là sự không thể nắm bắt, không thể chứng minh và không có hình tướng, Kinh Bảo Tích nói rằng, “Này Ca Diếp, tâm này nếu truy tầm sẽ chẳng thể tìm thấy. Không thể tìm thấy thì chẳng thể nhận biết. Không thể nhận biết thì chẳng phải là quá khứ, vị lai, hay hiện tại.” Khi quán chiếu như vậy, điểm khởi đầu của tâm rốt lại không thể thấy; điểm kết thúc của tâm rốt lại không thể thấy, đoạn giữa của tâm rốt lại không thể thấy.

Phải hiểu rằng vạn pháp đều không có phần cuối hay phần giữa; cũng giống như tâm, chẳng có khúc giữa, khúc đuôi. Biết tâm không có khúc đuôi, khúc giữa, sẽ nhận biết sự không-có-đặc-tánh của tâm. Điều gì tâm chứng tận tường thì chứng là không. Chứng được như vậy, ngay chính cái đặc tính được gọi là sắc thái của tâm, như đặc tính của sắc, v.v…, rốt lại đều không thể thấy. Hành giả một khi đã vận dụng trí tuệ mà vẫn không thể quán thấy chân tướng của sự vật, sẽ chẳng cần gì phải phân tích xem sắc là thường hay vô thường, không hay chẳng phải không,  ô nhiễm hay không ô nhiễm, sinh hay không sinh, hữu hay không hữu. Đã không quán xét truy tìm sắc, thì thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy, cũng chẳng quán xét truy tìm. Điều gì vốn đã không hiện hữu thì thuộc tính của nó cũng không hiện hữu. Làm sao quán xét truy tìm?

Cứ như vậy vận dụng trí tuệ để quán chiếu truy tìm một vật, vẫn không thể chứng thấy vật ấy vốn thật có, hành giả khi ấy nhập định vô niệm. Và như vậy chứng được sự vô-đặc-tánh của vạn pháp.

Nếu không vận dụng tuệ giác để quán xét chân tướng của từng sự vật mà chỉ đơn thuần đoạn diệt mọi hoạt động tâm thức sẽ không thể siêu việt khái niệm, lại càng không thể chứng biết sự vô đặc tánh, vì thiếu mất ánh sáng trí tuệ. Nếu từ sự quán xét tánh như của từng pháp mà phát được ngọn lửa giác, biết được vạn pháp đúng như sự thật, thì cũng như dùng củi cọ xát vào nhau mà thành lửa, lửa này sẽ thiêu rụi mọi củi gỗ tư tưởng khái niệm. Đó là lời Phật dạy.

Kinh Bảo Vân cũng nói rằng, “Người nào khéo nhận ra lỗi lầm, sẽ nhập định tánh không để siêu việt khái niệm phân biệt. Người như vậy, nhờ thường xuyên thiền quán tánh không nên khi tận tường truy tìm đề mục và đặc tính của đề mục, tâm sẽ thích thú, thư giản, người ấy chứng biết tất cả đều là không. Khi quán chiếu truy tìm ngay chính cái tâm chứng biết ấy, cũng thấy là không. Khi quán chiếu truy tìm đặc tính của điều mà tâm chứng biết, cũng thấy là không. Chứng không như vậy, nguời tu nhập định vô tướng.” Điều này cho thấy chỉ người nào tham thiền quán xét cho thật rốt ráo mới có thể nhập định vô tướng.

[Đức Phật] giải thích rất rõ, rằng nếu tuyệt diệt mọi hoạt động tâm thức, không vận dụng trí tuệ để quán xét đặc tánh của sự vật, sẽ chẳng làm sao có thể nhập định vô niệm. Vậy, đạt định là nhờ vận dụng trí tuệ quán xét rốt ráo chân tướng của sự vật như là sắc, v.v…, chứ không phải nhờ nhiếp tâm vào đề mục sắc, v.v… Cũng không thể đạt định bằng cách trú ở giữa cõi thế gian và xuất thế gian,  đó là vì sắc, v.v…, đều không thể nhận biết. Cho nên định này gọi là định vô trú.

[Hành giả như vậy] được gọi là hành giả tuệ giác vô thượng, là vì khi dùng tuệ giác quán xét đặc tánh của vạn pháp, hành giả ấy chẳng tìm thấy gì. Điều này được nói trong Kinh Không Tạng[18] Kinh Bảo Ngọc Vương Đỉnh[19], v.v…

Vậy, nhờ đi vào tánh như của nhân vô ngã và pháp vô ngã, người tu siêu việt mọi khái niệm, mọi quán xét, là vì không có gì để mà quán xét, quan sát. Người tu thoát mọi niệm khởi, từ trong nhất tâm bất loạn sẽ tự nhiên đi vào trong định mà không cần dụng công. Khi ấy, quán tánh như một cách rõ ràng, trú tâm nơi ấy. Khi trú trong chánh định này, phải giữ tâm cho liên tục, đừng để tán loạn. Khi nào, nói ví dụ, vì tham luyến mà tán tâm theo đối cảnh, tâm phải ghi nhận ngay.  Nhanh chóng đình chỉ sự tán tâm bằng cách quán bất tịnh nơi điều mình đang tham luyến, mau chóng mang tâm về lại với tánh như.

Nếu sinh tâm buồn chán đối với pháp thiền này thì hãy tư duy về lợi ích của tâm định, quán bằng sự phấn chấn. Tâm buồn chán cũng nên dẹp bỏ bằng cách thấy rõ nhược điểm của tán tâm.

Nếu mọi điều trong tâm trở nên mờ mịt, tâm bắt đầu chìm đắm, hay sắp sửa bị chìm đắm, vì tán loạn hay vì buồn ngủ, thì hãy như trước, mau chóng dẹp bỏ sự chìm đắm này bằng cách chú tâm vào những điều khiến tâm phấn chấn. Rồi chuyên chú giữ chặt đề mục tánh như. Khi nào thấy tâm bị quấy động, hay sắp sửa tán tâm vì nhớ lại những việc rộn rã tiếng cười trong quá khứ, hãy như trước, đình chỉ mọi quấy động bằng cách nhớ lại tánh chất vô thường của sự vật, làm như vậy sẽ giúp điều tâm. Rồi hãy cố  gắng không áp dụng biện pháp hóa giải, giữ tâm trong tánh như.

Bao giờ tâm tự nhiên nhập định tánh như, thoát mọi chìm đắm và quấy động, khi ấy hãy để tâm trong trạng thái tự nhiên, thả lỏng mọi cố gắng. Nếu đang khi nhập định mà cố gắng dụng công, tâm sẽ bị tán. Nhưng nếu bị chìm đắm mà không cố gắng dụng công, tâm sẽ vì quá tối mà trở thành như người mù, không thể đạt tuệ. Vậy, khi tâm bị chìm tối thì phải cố gắng dụng công, còn khi ở trong định thì phải thả lỏng. Trong khi thiền quán, nếu để tuệ mạnh mà định yếu, tâm sẽ chao động như ngọn đèn bơ trước gió, hành giả không thể thấy tánh như một cách rõ ràng. Vào lúc ấy hãy nên thiền chỉ. Đến khi định trở nên quá đà, hãy quán tuệ.

10. HỢP NHẤT PHƯƠNG TIỆN VÀ TRÍ TUỆ

Đến khi chỉ quán cân bằng, hãy giữ tâm tịch lặng, không dụng công. Hễ thân tâm còn thoải mái thì cứ giữ như vậy. Nếu thân tâm bắt đầu khó chịu, hãy nhìn toàn cõi thế gian như huyễn, như ảo, như mộng, như bóng trăng, như ảnh hiện. Nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh đang vô cùng khốn khổ trong cõi luân hồi, đó là vì họ không có  được trí tuệ thậm thâm này.” Rồi phát tâm đại bi và tâm bồ đề, nghĩ rằng: “Tôi phải nỗ lực giúp cho họ hiểu được tánh như.” Nghỉ ngơi. Rồi trở lại, như cũ, nhập vào chánh định vô tướng. Nếu tâm buồn nản, hãy lại nghỉ ngơi. Đây là con đường tu tập kết hợp chỉ quán, nhiếp tâm vào đề mục bằng khái niệm và vô niệm.

Qua tiến triển này, hành giả thiền về tánh như một tiếng đồng hồ, hay nửa thời tọa thiền buổi tối, hay trọn một thời tọa thiền, hay lâu hơn nếu thấy thoải mái. Đây là chánh định thâm chứng chân cảnh giới như trong Kinh Nhập Lăng Già[20] có dạy. Tiếp theo, nếu muốn xuất định thì đang khi chân còn xếp bằng, hãy suy nghĩ như sau: “Mặc dù xét theo chân đế, tất cả các pháp này đều không có đặc tánh, nhưng xét theo tục đế, các pháp vẫn hiện hữu. Bằng không, làm sao có nhân quả? Đức Phật dạy rằng:

Vạn pháp sinh ra trong tục đế
Còn trong chân đế, không tự tánh.

Chúng sinh với thái độ ấu trĩ luôn phóng đại thế giới thực tại, cho rằng sự vật có đặc tính cố định, mặc dù thật ra không phải vậy. Vì gán đặt hiện hữu có tự tánh lên những điều vốn không tự tánh, nên tâm thức trở nên mê muội, cứ phải lang thang dài lâu trong cõi luân hồi. Vì vậy, tôi phải nỗ lực cố gắng, không chút sai sót, thành tựu công đức trí tuệ vô thượng, đạt địa vị toàn giác để giúp chúng sinh chứng được tánh như.”

Tiếp theo, chầm chậm xả thế kiết già, đảnh lễ mười phương Phật đà, Bồ tát. Hãy cúng dường và tán dương chư Phật, chư Bồ tát. Phát nguyện rộng lớn bằng cách đọc tụng bài Hạnh Nguyện Vương[21] [Phổ Hiền],  v.v… Sau đó, nỗ lực tích tụ công đức trí tuệ bằng cách thực hành hạnh thí, v.v…, bao gồm đầy đủ tinh túy của tánh không và đại bi.

Làm như vậy sẽ từ trong định chứng được tánh không với đầy đủ mọi thiện đức tối thượng. Kinh Bảo Ngọc Vương Đỉnh dạy rằng “Khoác áo giáp đại từ, an trú trong đại bi, nhập chánh định trực chứng tánh không bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng. Thế nào là tánh không bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng? Là tánh không không rời hạnh thí, không rời hạnh giới, không rời hạnh nhẫn, không rời hạnh tấn, không rời hạnh định, không rời hạnh tuệ, và không rời phương tiện.” Bồ tát phải nương vào thiện hạnh như hạnh thí, dùng làm phương tiện để thành tựu chúng sinh, để thanh tịnh cảnh giới, thân và vô lượng thánh chúng.

Bằng không, lấy gì làm nhân tố để thành tựu cõi Phật như đức Phật thường nói? Trí toàn giác bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng, trí này có thể đạt được nhờ thực hành hạnh thí cùng các hạnh phương tiện khác. Vì vậy đức Phật nói rằng trí toàn giác có được là nhờ phương tiện. Nên Bồ tát cũng phải thực hành hạnh thí cùng các hạnh ba la mật khác, chứ không thể chỉ biết đến tánh không.

Kinh Thiện Pháp Nhiếp Trì Đại Phương Quảng[22] dạy rằng: “Này Di Lạc, chư Bồ tát thành tựu viên mãn sáu hạnh toàn hảo là để đạt quả vị Phật cứu cánh. Nhưng kẻ điên rồ thì lại nói rằng, ‘Bồ tát chỉ cần tu tuệ ba la mật là đủ, cần gì phải tu những ba la mật còn lại?’ Họ từ bỏ các hạnh ba la mật khác. Này Di Lạc, ông nghĩ thế nào? Khi vua Kashi bố thí thịt mình cho chim ưng để cứu chim bồ câu, làm như vậy có phải vì thiếu tuệ?” Bồ tát Di Lạc trả lời, “Không,  không phải là như vậy.” Đức Phật dạy, “Di Lạc, Bồ tát tích lũy thiện căn nhờ thực hành đúng theo sáu hạnh ba la mật. Thiện căn này, có tai hại hay chăng?” Bồ tát Di Lạc trả lời, “Kính bạch đức Phật, không thể nào là như vậy.” Đức Phật nói thêm, “Di Lạc, ông cũng đã từng chính xác hành trì hạnh thí ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp, hành trì hạnh giới ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp, hành trì hạnh nhẫn ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp, hành trì hạnh tấn ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp, hành trì hạnh định ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp, hành trì hạnh tuệ ba la mật trong vòng sáu mươi kiếp. Đối với việc này, kẻ điên rồ sẽ nói: ‘Chỉ có một con đường để đạt quả vị Phật, đó là con đường tánh không.’ Phương pháp hành trì của họ hoàn toàn sai lầm.”

Bồ tát có tuệ mà thiếu phương tiện sẽ như chư Thanh văn, không có khả năng gánh vác thiện hạnh của Phật đà. Nhưng Bồ tát nếu có phương tiện thì sẽ đủ sức gánh vác. Kinh Bảo Tích nói, “Ca Diếp, sự thể là như vậy. Như đấng quốc vương mà được quần thần hỗ trợ thì sẽ đủ sức chu toàn mọi nhiệm vụ. Tương tự như vậy, trí tuệ của bồ tát  được phương tiện hỗ trợ thì vị bồ tát ấy sẽ đủ khả năng hoàn thành mọi thiện hạnh của Phật đà.” Tri kiến bồ tát đạo khác với tri kiến ngoài Phật giáo, và [tri kiến] thanh văn đạo cũng khác. Vì  tri kiến ngoài Phật giáo lầm thấy có ngã, v.v…, cho nên đường tu của họ hoàn toàn lìa khỏi trí tuệ. Do đó không thể đạt giải thoát.

Chư thanh văn vì tâm lìa đại bi và không có phương tiện nên nhất tâm dốc sức đạt niết bàn. Còn chư Bồ tát trên đường tu luôn trân quí giữ gìn trí tuệ và phương tiện, nên dốc sức đạt niết bàn vô trú. Bồ tát đạo bao gồm trí tuệ và phương tiện, nhờ vậy đạt vô trú niết bàn. Nhờ trí tuệ nên không vướng luân hồi, nhờ phương tiện nên không vướng niết bàn.

Kinh Già Da Thủ[23] nói rằng, “Nói cho ngắn gọn, Bồ tát đạo bao gồm hai phần. Một là phương tiện, hai là trí tuệ.” Kinh Đệ Nhất Tối Thắng Cát Tường[24] nói như sau, “Tuệ giác toàn hảo là mẹ, phương tiện thiện xảo là cha.”

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh[25] cũng có dạy như sau: “Đối với bồ tát, ràng buộc là thế nào, cởi thoát là thế nào? Sống trong luân hồi mà thiếu phương tiện là ràng buộc. Sống trong luân hồi mà có phương tiện là giải thoát. Sống trong luân hồi mà thiếu tuệ giác là ràng buộc. Sống trong luân hồi mà có tuệ giác là giải thoát. Tuệ giác không phương tiện là ràng buộc. Tuệ giác có phương tiện là giải thoát. Phương tiện không tuệ giác là ràng buộc. Phương tiện có tuệ giác là giải thoát.”

Nếu bồ tát chỉ lo tu tuệ thì sẽ vướng cõi niết bàn mà chư Thanh văn mong cầu. Vậy cũng như bị ràng buộc, không thể giải thoát vào vô trú niết bàn. Nên tuệ giác lìa phương tiện là ràng buộc đối với bồ tát. Như người rét mướt trong cơn gió lạnh trông tìm ngọn lửa ấm, bồ tát cũng vậy, song tu tuệ giác tánh không và phương tiện để diệt trừ ngọn gió vọng kiến, chứ không chỉ riêng đạt tuệ giác tánh không như chư Thanh văn. Kinh Thập Thiện[26] nói rằng, “Này thiện nam tử, sự thể là như vậy. Lấy ví dụ có người hết lòng thờ lửa, kính lửa như kính tôn sư, vẫn không hề nghĩ rằng: “Vì tôi kính ngưỡng, thờ phụng, tôn sùng lửa nên phải ôm chặt lửa bằng cả hai tay.” Là vì người ấy biết nếu làm như vậy sẽ phải chịu đớn đau thể xác tinh thần. Tương tự như vậy, bồ tát biết về niết bàn nhưng không cố đạt niết bàn, vì bồ tát hiểu rằng làm như vậy là quay lưng với giác ngộ viên mãn.

Nếu chỉ dựa vào phương tiện, bồ tát sẽ không thể siêu việt cảnh giới thế tục, tất cả sẽ chỉ là ràng buộc. Vì thế phải song tu phương tiện và trí tuệ. Nương vào tuệ lực, bồ tát có thể chuyển phiền não thành nước cam lồ, như thuốc độc dưới huyền thuật. Chẳng cần gì phải nói đến [lợi ích của] giới ba la mật, v.v…, sẽ đưa đến cảnh giới siêu việt tự nhiên.

Kinh Bảo Tích nói rằng, “Ca Diếp, sự thể là như vậy. Nhờ năng lực của mật chú và dược phẩm, thuốc độc không thể khiến chết người. Tương tự như vậy, nhờ năng lực của trí tuệ, phiền não không thể khiến bồ tát đọa rơi. Vì vậy, nhờ phương tiện, bồ tát không bỏ luân hồi, không rơi niết bàn; nhờ trí tuệ, bồ tát xả bỏ đối cảnh [tưởng lầm là thật có], không trầm luân luân hồi. Từ đó đạt vô trú niết bàn của đấng Phật đà. Kinh Không Tạng cũng có nói, “nhờ trí tuệ nên đoạn diệt phiền não, nhờ phương tiện nên không lìa chúng sinh.” Kinh Giải Thâm Mật  cũng nói, “Như lai chẳng hề nói người không quan tâm đến lợi ích của chúng sinh, không hướng về tuệ giác chứng chân tánh của vạn pháp hữu vi, mà lại có thể chứng được quả vô thượng chánh đẳng giác của đấng Phật đà.” Vì vậy, ai người muốn thành tựu Phật quả cần thuần dưỡng cả trí tuệ và phương tiện.

Khi đang quán tuệ giác siêu việt, hay khi đang đi sâu vào trong định, đều không thể hành trì các hạnh phương tiện như là giới ba la mật. Nhưng phương tiện vẫn có thể được thực hành chung với tuệ giác vào những lúc trước hay sau buổi tọa thiền. Đây là phương pháp song tu trí tuệ và phương tiện.

Hơn nữa, đây là đường tu của bồ tát, con đường hành trì pháp tu hợp nhất trí tuệ và phương tiện. Đường tu này siêu việt, thấm nhuần tâm đại bi hướng về toàn thể chúng sinh. Khi tu phương tiện lúc xuất định, hãy thực hành hạnh thí cùng các hạnh ba la mật khác giống như nhà làm ảo thuật, không hề vướng vọng kiến. Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh nói rằng, “Phương tiện của Bồ tát là gì, trí tuệ của Bồ tát là trí tuệ nào? Phương tiện của bồ tát là, trong khi nhập định, với lòng đại bi, luôn nhớ nghĩ và giữ  tâm gần gũi với chúng sinh. Nhập định với tâm an lạc và tâm an lạc tột cùng, đó là trí tuệ.” Kinh Phật có nhiều nơi cũng nói về nghĩa này. Trong Phẩm Hàng Phục Ma Lực[27] có nói như sau, “Hơn nữa, hạnh ba la mật của chư Bồ tát là ý thức nỗ lực của tâm tuệ, là kho bồ thiện pháp của tâm phương tiện. Tuệ dẫn đến chứng ngộ vô ngã, tính không hiện hữu [có tự tánh] của chúng sinh, của đời sống, của phương tiện sinh sống và của con người. Còn phương tiện thì giúp thành tựu chúng sinh. Thiện Pháp Nhiếp Trì Đại Phương Quảng cũng nói:

Nhà làm ảo thuật / dễ dàng buông xả / tạo vật của mình.
Vì vốn biết rõ / thực chất của nó  / nên không tham luyến.
Tương tự  như vậy / ba cõi như huyễn / Phật biết từ lâu,
trước khi biết đến / chúng sinh trong đó,
và trước cả khi / nỗ lực độ sinh.

Vì phương pháp hành trì trí tuệ và phương tiện của Bồ tát là như vậy, cho nên có nơi nói rằng: hạnh bồ tát trụ ở luân hồi, trí bồ tát trụ nơi niết bàn.

Vậy hãy huân tập tâm thức với hạnh thí và các hạnh ba la mật khác, hồi hướng chánh  đẳng giác, bao gồm tinh túy của tánh không và đại bi. Để phát khởi tâm bồ đề, như đã làm, hãy tinh tấn hành trì chỉ và quán qua các thời tọa thiền đều đặn. Như Kinh Tịnh Hạnh[28] đã dạy, hãy luôn tự huân tập tâm mình trong phương tiện, bằng cách luôn giữ chặt chánh niệm nơi thiện đức của chư Bồ tát, là những người không ngừng nỗ lực vì lợi ích của chúng sinh.

Huân tập trong đại bi, phương tiện và tâm bồ đề như vậy, chắc chắn sẽ được một kiếp sống tuyệt hảo trong hiện tại. Trong mơ luôn thấy chư Phật và chư bồ tát, cùng nhiều giấc mơ cát tường khác. Chư thiên thiện thần đều luôn hộ trì cho người ấy. Bất cứ lúc nào cũng tích tụ được vô lượng công đức trí tuệ.  Phiền não cùng các hiện tượng bất tường đều sẽ được thanh tịnh. Lúc nào cũng được vô vàn hạnh phúc an lạc, được vô vàn bậc thánh trân quí giữ gìn. Thân thể cũng vậy, thoát mọi tật bịnh. Tâm được nhiều khả năng tối thượng, đạt các loại thần thông như nhãn thông.

Người như vậy có thể vận dụng thần thông du hành đến vô lượng cõi giới, cúng dường chư Phật, nghe Phật thuyết pháp. Đến lúc mạng chung sẽ thấy chư Phật cùng chư bồ tát [đến tiếp dẫn]. Trong các đời tương lai, sẽ luôn tái sinh vào gia đình nơi chốn đặc biệt, không xa rời chư Phật chư Bồ tát. Không cần dụng công mà vẫn tích tụ tròn đầy công đức trí tuệ, có được tài sản dồi dào, với đông đảo chúng đệ tử, thị giả, có được trí thông minh sắc bén, đầy đủ khả năng thành tựu tâm chúng sinh. Bất kể là sinh ra ở đâu, sẽ luôn nhớ các đời trước. Hãy cố gắng hiểu những lợi ích vô lượng như vậy, trong các bộ kinh khác cũng có giải thích.

Cứ vậy thiền quán về từ bi, về phương tiện và về tâm bồ đề trong một thời gian dài với lòng kính ngưỡng sâu xa, tâm nhờ vậy sẽ từ từ thanh tịnh, chín mùi. Khi ấy, tương tự như dùng khúc cây cọ xát vào nhau để lấy lửa, quí vị sẽ đạt pháp thiền về chân thực tại. Quí vị sẽ có được tuệ giác cực kỳ trong sáng về pháp giới, thoát mọi khái niệm phân biệt, là tuệ giác siêu việt vượt mọi mạng lưới tư tưởng khái niệm bủa vây. Tuệ giác của tâm bồ đề cứu cánh hoàn toàn vô cấu, như ngọn đèn bơ không lay động trước gió. Tâm bồ đề cứu cánh như vậy là nằm trong kiến đạo, chứng thấy chân tánh vô ngã của vạn pháp. Với thành tựu này, quí vị sẽ hội nhập đường tu chứng biết chân tánh của sự vật, sinh vào dòng giống Như Lai, nhập địa vị vô cấu của bồ tát, quay lưng với mọi kiếp tái sinh lẩn quẩn, trụ trong tánh Như của bồ tát, đạt địa bồ tát thứ nhất. Quí vị có thể tìm hiểu thêm chi tiết của lợi ích này trong các kinh văn khác, như Kinh Thập Địa. Đây là phương pháp thiền chỉ, tập trung nơi tánh như, như Kinh Nhập Lăng Già đã dạy. Đây là phương pháp Bồ tát nhập định vô niệm, thoát mọi khái niệm phân biệt.

Như vậy, hành giả vào địa thứ nhất, rồi khi vào tu tập đạo cần huân tập tâm mình với hai loại tuệ giác siêu việt và trí tuệ phương tiện. Làm như vậy sẽ tuần tự thanh tịnh mọi chướng ngại vi tế nhất, là những điều hành giả trong tu tập đạo cần phải tịnh hóa. Và để bước vào những đạo vị cao hơn, hành giả cần thanh tịnh tất cả mọi đạo vị thấp hơn. Khi bước vào trí giác siêu việt của chư Như lai, nhập biển toàn giác, sẽ đạt được tất cả mọi tâm nguyện mục tiêu.  Cứ như vậy nhờ tu tập theo quán trình tuần tự, tâm thức trở nên hoàn toàn thanh tịnh. Kinh Nhập Lăng Già nói như vậy, Kinh Giải Thâm Mật nói như vậy, nói rằng, “Để thành tựu các đạo vị cao, cần tịnh hóa tâm như đãi lọc vàng, cho đến khi đạt được quả vô thượng tam miệu tam bồ đề.”

Nhập biển toàn giác rồi thì được mọi tánh đức châu ngọc để gìn giữ chúng sinh, hoàn thành tâm nguyện lúc ban đầu. Cá nhân người tu sẽ là hiện thân của từ bi, có được muôn vàn thiện phương tiện nhiệm vận cùng khắp, hoạt hiện thành nhiều sắc tướng thích ứng với căn cơ sở thích của chúng sinh. Lại đủ mọi tướng hảo. Chư Phật đoạn diệt tất cả ô nhiễm cùng tập khí ô nhiễm, trú ở luân hồi để phổ độ chúng sinh. Nhờ thấy được như vậy, hãy khởi tín tâm nơi Phật, cội nguồn của mọi trí tuệ thiện đức nhiệm mầu. Mọi người đều nên nỗ lực cố gắng thành tựu những thiện đức như vậy.

Cho nên đức Phật nói,  “Trí toàn giác siêu việt lấy tâm đại bi làm gốc, tâm bồ đề làm nhân, trở nên toàn hảo nhờ phương tiện thiện xảo. “

Kẻ trí giữ mình
lìa tâm ganh ghen
cùng nhiễm tâm khác.
Nỗi khát trí tuệ
thôi thúc khôn nguôi
như lòng biển rộng.
Sáng suốt phát đoán
chỉ giữ lấy điều
đáng được gìn giữ
như loài thiên nga
chắt sữa từ nước.
học giả giữ mình
lìa xa tất cả
khái niệm phân biệt,
thời cả đứa trẻ
làm được như vậy
ngay cả đứa trẻ
cũng sẽ ngợi khen.

Nay tôi thuyết giảng
pháp trung đạo này
được bao công đức
nguyện xin hồi hướng
về khắp chúng sinh
chứng được trung đạo.

[Hết]


Lời Ghi Xuất Xứ:

Trình Tự Tu Thiền, Quyển Trung, do đức A Xà Lê Liên Hoa Giới [Acharya Kamalashila] trước tác đến đây chấm dứt. Sư Trưởng Ấn Độ Prajna Verma và Tỷ kheo Yeshe De chuyển Tạng ngữ và hiệu đính. Ven. Geshe Lobsang Jordhen, Lobsang Choephel Gangchenpa và Jeremy Russell chuyển Anh ngữ và hiệu đính.
Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ
hiệu đính, 06/2008, nhuận văn 07/2009, 06/2015.


Ghi chú:

Hồi Hướng: 

Nguyện cho Bồ đề tâm
Nơi nào chưa phát triển
Sẽ nảy sinh lớn mạnh.
Nơi nào đã phát triển
Sẽ tăng trưởng không ngừng
Không bao giờ thoái chuyển.

Mọi sai sót là của người dịch
Mọi công đức xin hồi hướng bồ đề

[1] Trí Toàn Giác là trí Phật, biết hết khắp cả, đúng và đủ.
[2] The Compendium of Perfect Dharma
[3] Bodhisattvabhumi
[4] Unravelling of the Thought Sutra
[5] King Of Concentration Sutra. Bản Anh ngữ ghi  ở đây là Kinh Giải Thâm Mật], đức Đalai Lama đính chính lại thành Kinh Chánh Định Vương [trong kỳ pháp hội Sydney 2008.
[6] The Bodhisattva Collection
[7] Heap of Jewels Sutra
[8] Meditation on Faith in the Mahayana Sutra
[9] Sutra of the Great and Complete Transcendence of Suffering
[10] Moon Lamp Sutra
[11] Sutra on the Elimination of Ajatashatru’s Regret
[12] Questions of Narayana Sutra
[13] Cloud of Jewels
[14] Anh ngữ: mental and physical aggregates, nghĩa là các hợp thể thân và tâm.
[15] Anh ngữ : five aggregates, bao gồm các hợp thể thân tâm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
[16] Anh ngữ: twelve sources of perception, nghĩa là mười hai nguồn nhận thức, gồm có sáu căn [mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý] và sáu trần [hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, tiếp xúc, đối tượng của ý tưởng]
[17] Anh ngữ: eighteen elements, bao gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức.
[18] Space Treasure Sutra
[19] Jewel in the Crown Sutra
[20] Descent into Lanka Sutra
[21] Prayer of Noble Conduct
[22] Extensive Collection of All Qualities Sutra
[23] Hill of Gaya Head Sutra
[24] First among the Supreme and Glorious
[25] Teaching of Vimalakirti
[26] Ten Qualities Sutra
[27] The Chapter on Controlling Evil Forces
[28] Pure Field of Engagement Sutra




Atisa: BỒ ĐỀ ĐẠO ĐĂNG LUẬN: Ngọn Đèn Soi Đường Giác Ngộ

English version: A Lamp for the Path to Enlightenment << Link to Lama Yeshe Wisdom Archives >> –
Tác Giả: Atisha Dipamkara Shri Jnana (982-1054) –
Tựa Đề: Bồ Đề Đạo Đăng Luận (Đèn Soi Đường Giác Ngộ) – 
Việt ngữ:  Hồng Như, ấn bản tháng 07 năm 2005.
Hạ Tải văn bản chánh văn tại www.hongnhu.org/thu-muc/#bo-de-dao-dang-luan


GP0010_atisa

Con xin tán dương Bồ tát Mạn thù, tướng mạo trẻ trung.

1. Với lòng tôn kính
con xin tán dương
Phật, là những đấng
đại hùng của khắp
mười phương ba thời;
Pháp, là giáo pháp
do Phật truyền lại;
Tăng, là những vị
bước theo Phật Pháp.
Đáp lời thỉnh cầu
đệ tử cao trọng
tên Jangchub O,
con xin thắp sáng
ngọn đèn soi đường
dẫn đến giác ngộ.

2. Căn cơ người tu
vốn có ba loại
thấp, vừa và cao,
Vì vậy thầy sẽ
nói rõ căn cơ
của từng loại người.

3. Có người vận dụng
đủ loại phương tiện
để tìm cho mình
lạc thú thế gian,
những người như vậy
là bậc sơ căn.

4. Lại có người vì
an lạc cá nhân
mà từ bỏ hết
lạc thú thế gian,
hết thảy ác nghiệp,
họ đều không làm,
những người như vậy
là bậc trung căn.

5. Lại có những người
đã từng phải chịu
rất nhiều khổ não
nên mang tâm nguyện
tận diệt khổ đau
cho mình, cho người,
những người như vậy
là bậc thượng căn.

6. Vì bậc thượng căn
hướng về thượng Pháp,
thầy sẽ nói về
phương tiện tuyệt hảo
do các đạo sư
ân cần truyền dạy.

7. Đối trước tranh vẽ
hay trước hình tượng
của đấng vô thượng
chánh đẳng chánh giác,
đối trước bảo tháp
và trước kinh điển,
các con hãy tùy
khả năng bày biện
hương hoa cúng dường.

8. Thành tâm hiến cúng
Thất chi Phổ hiền
theo hạnh nguyện vương,
lập chí kiên quyết
nguyện không quay lại
nếu chưa đến được
bến bờ nẻo giác.

9. Lòng tin kiên định
đặt nơi Tam bảo,
hãy quì một chân,
và chắp hai tay,
đọc câu phát nguyện
qui y ba lần.

10. Rồi hãy để cho
tâm Từ rộng mở,
yêu thương hết thảy
các loài chúng sinh.
Nhìn rõ chúng sinh
vướng trong khổ não,
khổ trong ác đạo,
khổ vì sinh tử.
Hãy nhìn cùng khắp,
đừng sót một ai.

11. Vì mong chúng sinh
thoát hết tất cả
khổ khổ, hoại khổ
cùng với hành khổ,
thoát cả nguyên nhân
tạo nên nỗi khổ,
nên lập đại nguyện
phát tâm bồ đề
quyết không thoái chuyển.

12. Phát tâm như vậy
mang ý nghĩa gì,
đều đã được đức
Di lạc Từ tôn
giải thích rõ trong
Kinh Thân Tỏa Rộng.

13. Nhờ đọc kinh này,
hay nhờ nghe giảng,
mà hiểu tường tận
lợi ích vô lượng
phát tâm bồ đề.
Hiểu rồi phải gắng
liên tục phát tâm,
cho tâm bồ đề
ngày thêm tỏa rạng.

14. Trong bộ Vira-
datta Vấn Kinh
có giải thích về
công đức bồ đề.
Nay thầy nói lại
tóm lược ý kinh.

15. Công đức bồ đề
nếu như có thân,
thân ấy nhất định
đầy ắp không gian,
và còn tỏa rộng
quá hơn vậy nữa.

16. Ai mang châu báu
lấp đầy cõi Phật
nhiều bằng số cát
có trong sông Hằng
để mà hiến cúng
chư Phật Thế tôn,

17. thì công đức ấy
vẫn không thể sánh
với đôi tay chắp
tâm hướng bồ đề,
vì công đức này
bao la vô tận.

18. Tâm nguyện bồ đề
một khi đã phát,
phải hằng ghi nhớ
phát triển không ngừng;
đời này kiếp sau
không bao giờ xa
hạnh nguyện bồ tát.

19. Nhưng tâm bồ đề
sẽ không phát sinh
nếu không dấn thân
phát tâm thọ giới.
Vậy con hãy gắng
thọ giới bồ tát
cho bồ đề tâm
bắt rễ đâm chồi.

20. Muốn đủ điều kiện
thọ giới bồ tát
thì phải thọ giữ
một trong bảy bộ
giới biệt giải thoát
[ba la đề mộc xoa, praktimosha].

21. Phật thuyết bảy bộ
giới biệt giải thoát,
cao nhất là giới
dành cho tỷ kheo
và tỷ kheo ni.

22. Làm theo lời kinh
Thập Địa Bồ Tát
trong chương “Giới Luật”,
con hãy đi tìm
vị thầy có đủ
khả năng truyền giới.

23. Thầy đủ khả năng
phải là vị thầy
khéo biết nghi thức
truyền giới bồ tát,
trang nghiêm giới hạnh,
đầy đủ tự tín
và tâm từ bi
truyền giới cho người.

24. Nếu tìm không gặp
vị thầy như vậy,
vẫn còn một cách
thọ giới bồ tát.

25. Trong Kinh Trang Nghiêm
Văn Thù Tịnh Độ
có kể tường tận
chuyện xưa khi ngài
Văn thù còn là 
Quốc vương Am-ba [Amba raja],
đã từng phát tâm
theo phương pháp này.
Bây giờ thầy sẽ
giải thích rõ ràng
phương pháp phát tâm
đúng theo như vậy.

26. “Con xin đối trước
các bậc hộ trì,
nguyện xin phát tâm
vô thượng bồ đề.
Mời chúng sinh về
chứng giám cho con.
Nguyện sẽ quảng độ
chúng sinh thoát khỏi
ràng buộc luân hồi”.

27. “Từ nay đến ngày
con đạt giác ngộ,
nguyện từ bỏ hết
tâm lý ô nhiễm,
ác ý, giận dữ
keo bẩn, ganh ghen.

28. “Nguyện giữ giới hạnh
từ bỏ ác, tham,
vui việc giữ giới
nối gót chư Phật.

29. “Nguyện không vì mình
mà ham mau chóng
thành tựu giác ngộ.
Nguyện luôn ở lại
làm người sau cùng.

30. “Nguyện sẽ làm sạch
vô lượng cõi giới,
làm nên tịnh độ
không thể nghĩ bàn.
nguyện vì những ai
gọi đến tên con,
mà khắp mười phương
con đều có mặt.

31. “Nguyện làm thanh tịnh
hết thảy ác nghiệp
từ thân ngữ ý
mà phát sinh ra.
mọi việc bất thiện,
con đều không làm.
trang nghiêm giữ gìn
giới hạnh bồ tát.”

32. Lấy tâm bồ đề
mà khéo giữ gìn
ba loại giới luật,
tâm sẽ kiên định
vững tin nơi giới.
Đây chính là nhân,
khiến thân ngữ ý
trở nên thanh tịnh.

33. Bồ tát phát tâm,
kiên trì giữ giới,
sẽ gom đầy đủ
tất cả tư lương
thành tựu bồ đề.

34. Chư Phật dạy rằng
nhân duyên giúp ta
gom đủ phước, tuệ,
chính là thần thông.

35. Tựa như chim non
không thể cất cánh
vút lên trời rộng;
người thiếu thần thông
không thể làm việc
lợi ích chúng sinh.

36. Chưa đạt thần thông
dù tu trăm kiếp,
được bao công đức
vẫn không thể sánh
công đức một ngày
khi có thần thông.

37. Ai muốn nhanh chóng
tích lũy phước, tuệ,
thành tựu viên mãn
vô thượng bồ đề,
thì đừng biếng nhác,
siêng tu lục thông.

38. Muốn đạt thần thông,
tâm phải an trụ.
Vậy phải không ngừng
nỗ lực tu chỉ [samatha].

39. Nhân duyên tu chỉ
nếu chưa gom đủ
thì dù tọa thiền
kiên trì vạn năm
vẫn không thể nào
khiến tâm an trụ.

40. Vậy phải cố gắng
gom đủ nhân duyên
như đã ghi trong
Công Đức Thiền Chỉ.
Hãy chọn đề mục
để mà nhiếp tâm.

41. Bao giờ đạt chỉ
sẽ đạt thần thông.
Nhưng nếu thiếu tuệ,
vẫn chẳng thể nào
tận diệt tất cả
các loại chướng ngại.

42. Muốn dẹp tất cả
chướng ngại ngăn che
giải thoát, giác ngộ,
phải luôn tu tuệ
phối hợp cùng với
phương tiện thiện xảo.

43. Tuệ thiếu phương tiện,
phương tiện thiếu tuệ
đều thành dây trói
ràng buộc luân hồi.
Vì vậy cần phải
phối hợp cả hai.

44. Để tan nghi vấn
về ý nghĩa của
trí tuệ, phương tiện,
thầy sẽ nói rõ
về sự khác biệt
giữa hai điều này.

45. Chư Phật dạy rằng
ngoài hạnh thứ sáu
là Tuệ Toàn Hảo,
năm hạnh còn lại,
kể từ hạnh Thí
cho đến hạnh Định
đều là phương tiện.

46. Lấy tâm thuần thục
phương tiện thiện xảo
để mà tu tuệ
sẽ chóng thành tựu
vô thượng bồ đề;
chứ không thể dựa
vào quán vô ngã
mà thành tựu được.

47. Thấy uẩn, giới, xứ
đều là vô sinh,
nhờ đó chứng được
tất cả các pháp
đều không tự tánh:
đó là trí tuệ.

48. Nếu như tự tánh
của một vật gì
là thật sự có
thì chính vật ấy
vốn không làm sao
có thể phát sinh.
Nếu như tự tánh
của một vật gì
là thật sự không
thì giống như hoa
hiện ra giữa trời,
vốn không có gì
để mà nói tới.
Cả hai điều này
phi lý như nhau.
Sự vật khởi sinh
vốn không như vậy.

49. Sự vật sinh ra
không phải tự sinh;
cũng không phải do
yếu tố bên ngoài
mà phát sinh ra;
cũng không phải từ
hai điều nói trên
mà phát sinh ra;
cũng không phải là
không có nguyên nhân
mà phát sinh ra.
Sự vật sinh ra,
vốn không tự tánh.

50. Quán chiếu tận tường
tất cả các pháp
xem là đồng nhất
hay là dị biệt,
sẽ không thể thấy
có một pháp nào
hiện hữu độc lập.
Nhờ đó thấy rõ
các pháp hoàn toàn
không có tự tánh.

51. Bảy Mươi Luận Tụng
nói về tánh Không
hay Luận Trung Quán
của ngài Long thọ
đều giải thích rằng
chân tánh các pháp
chính là tánh Không.

52. Biển luận văn này
vô cùng phong phú
thầy không thể trích
hết cả ra đây,
chỉ xin tóm lược
đôi câu kết luận
xác định tông môn,
tiện cho các con
thiền quán tu hành.

53. Quán về vô ngã,
thấy ra sự vật
không có tự tánh:
đó là tu tuệ.

54. Vận dụng trí tuệ
quán chiếu vạn pháp,
sẽ không thể thấy
pháp có tự tánh.
Tương tự như vậy,
quán chiếu trí tuệ
sẽ thấy tuệ này
cũng không tự tánh.
Các con hãy gắng
siêu việt khái niệm
mà quán như vậy.

55. Toàn bộ cõi sống
do tâm khái niệm
mà phát sinh ra,
vì vậy cõi sống
vốn thật chỉ là
khái niệm phân biệt.
Tách lìa phân biệt
là đại niết bàn

56. Đức Phật nói rằng
khái niệm phân biệt
là đại vô minh,
ném chúng ta vào
luân hồi sinh tử.
Tách lìa phân biệt,
trụ trong vô niệm,
khi ấy cảnh giới
siêu việt khái niệm
tựa như không gian
hiện ra trong sáng.

57. Trong Đà la ni
Nhập Tâm Vô Niệm,
Đức Phật dạy rằng;
“Nếu chư bồ tát
lìa tâm phân biệt
để mà quán chiếu
thì dù khái niệm
khó vượt đến đâu
cũng sẽ từng phần
vượt qua được cả,
bước vào cảnh giới
siêu việt khái niệm.

58. Nhờ văn và tư,
hiểu rằng các pháp
không từng khởi sinh,
không có tự tánh,
khi ấy các con
từ sự hiểu này
tu thiền chỉ quán
siêu việt khái niệm.

59. Quán chiếu cảnh giới
chân thật như vậy
sẽ tiến từng phần
trên đường giác ngộ
thành tựu “nội hỏa”
thành tựu “đại lạc”
cùng những điều khác.
Rồi chẳng bao lâu
sẽ thành tựu được
vô thượng bồ đề.

60. Nếu muốn dễ dàng
tích đủ phước tuệ
thành tựu bồ đề,
có thể nương nhờ
năng lực minh chú,
hành trì các pháp
hàng phục, tăng trưởng.

61. Đồng thời nương vào
năng lực của tám
thành tựu vĩ đại,
hay thành tựu khác,
như là “Bình Quí”,
nếu muốn bước vào
con đường tu Mật,
thuận theo hành mật
và thiện xảo mật

62. Và nếu muốn nhận
đại pháp quán đảnh
Đạo sư Kim Cang,
phải đối với Thầy
hết lòng tận tụy,
phụng sự, cúng dường,
chăm chỉ làm theo
những điều Thầy dạy.

63. Đạo sư hoan hỉ
ban cho đại pháp
Quán Đảnh Đạo Sư,
bấy giờ tất cả
ác nghiệp chướng ngại
đều tiêu tan cả.
tâm sáng thanh tịnh,
đồng vị niết bàn.

64. Trong Đại Mật Kinh
Đức Phật Bản Lai
hết lòng nghiêm dạy
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni
giữ giới thuần tịnh
tuyệt đối không được
nhận hai mật pháp
quán đảnh kín mật,
quán đảnh trí tuệ.

65. Là người giữ gìn
phạm hạnh thanh tịnh
mà nhận hai pháp
quán đảnh nói trên
là phá giới hạnh.

66. Nếu như đang giữ
phạm hạnh nghiêm mật
mà nhận pháp này
là phá hủy giới,
sa đọa trầm luân
tận cùng ác đạo,
không thể có được
chút thành tựu nào.

67. Tuy vậy nếu là
nhận pháp quán đảnh
Đạo Sư Kim Cang
thể hội chân như
thì vẫn có thể
nghe giảng mật pháp,
hay tự mình giảng,
thi hành nghi lễ
thiết lập đạo tràng,
cúng lửa, sám hối,
mà không phạm lỗi.

68. Thầy là trưởng tử
Shri Dipamkara,
đã học điều này
từ nơi kinh luận.
Vì lời yêu cầu
Của Jangchub O
mà viết ra đây
bài giảng ngắn gọn
vạch ra con đường
tuần tự giác ngộ.

Đến đây chấm dứt bài kệ Đèn Soi Đường Giác Ngộ do đại đạo sư Atisha Dipamkara Shri Jnana soạn và đích thân dịch sang Tạng ngữ với sự góp sức của vị tỷ kheo dịch giả người Tây tạng tên Geway Lodro. Bài pháp này được viết tại  tu viện Tholing ở Zhang Zhong.


Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ tháng 07/2005, dựa trên bản dịch Anh ngữ của Dr. Thubten Jinpa trong Illuminating the Path (tác giả: đức Đalai Lama, xuất bản: Thubten Dhargye Ling Archive, Long Beach, California), tham khảo với bản dịch của Ruth Sonam.




Shantideva: NHẬP BỒ ĐỀ HẠNH LUẬN

 Entering the Bodhisattva Way Of Life (English translation not available here) –
Bước Vào Đường Đi của Bồ Tát
Tác Luận: Thánh Giả Tịch Thiên [Shantideva] –
Vìệt dịch: hồng như – Bản hiệu đính, 21/03/2014.
Điều kiện hành trì: Pháp phổ thông, ai cũng có thể đọc và hành trì.

Lời Dịch Giả

Thầy tôi dạy rằng: “Cảnh giới chứng ngộ của ngài Shantideva, kẻ phàm như chúng ta đây không làm sao có thể tưởng tượng nổi. Vậy mà các con lại đủ túc duyên để nghe được những lời này, thật là phước báu khó tìm cầu, phải biết trân quí.”

Bằng tấm lòng trân quí như vậy, tôi xin dịch bài pháp này. Là niềm tri ân sâu xa đối với Ân Sư cùng hết thảy những ai còn nán lại trong khổ đau sinh tử để cho kẻ chậm chân như tôi đây vẫn còn hy vọng phát khởi tâm bồ đề.

đệ tử tại gia hồng như
10/2013

MỤC LỤC

Tiểu Sử Tác Giả Shantideva

Hai nguồn sử liệu chính về cuộc đời ngài Shantideva (Tịch Thiên) đến từ ngài Butön (1290-1364) – và ngài Jetsün Tāranātha (1575-1608). Ngoài ra còn một bản văn ngắn được tìm thấy trong các tác phẩm của học giả Yeshe Peljor (thế kỷ 18). Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm một đoản văn trong bản thảo chép tay ở Nepal thế kỷ 14.

Ngài Kunzang Pelden trong bộ luận “Văn Thù Kim Khẩu Cam Lồ” đã dựa theo bản văn của ngài Butön để soạn tiểu sử của ngài Shantideva. Bản tiếng Việt lược dịch từ tiểu sử này.

Nhập Bồ Đề Hạnh Luận (Bodhicaryāvatāra) do Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên) trước tác. Ngài là bậc thầy uyên thâm hội đủ ba phẩm tính cần có của luận giả: trực chứng chân đế, trực kiến bổn tôn, thông làu ngũ minh. Khi còn tại thế, ngài Shantideva viên thành bảy công hạnh phi thường. Đặc biệt ngài là người được đấng bổn tôn Diệu Âm[1] trực tiếp hộ niệm gia trì.

Ngài Shantideva vốn mang dòng máu đế vương. Vào khoảng đầu thế kỷ VIII tại miền Nam xứ Saurashtra (nay là Bang Gujarat tại Tây Bắc Ấn Độ), quốc vương Kalyanavarnam hạ sanh thái tử, đặt tên là Shantivarman. Từ nhỏ thái tử đã sớm hướng tâm về chư Phật trong các thời quá khứ, tự nhiên mang sẵn dòng giống Đại Thừa, dành trọn tấm lòng tôn kính phi thường cho chư Tăng sĩ, Đạo sư. Ngài phụng sự hiến cúng khắp cả, đặc biệt quan tâm chăm sóc cho người nghèo hèn, tật bệnh, đọa rơi. Với trái tim kiên định hướng về nẻo giác, ngài tích lũy tri thức, thông làu ngũ minh. Đặc biệt ngài thỉnh được nghi quỹ đức Văn Thù từ một vị khất sĩ khổ hạnh, hành trì miên mật và xem đức Văn Thù là bổn tôn.

Khi Quốc vương băng hà, vương quyền trao về cho Thái tử Shantivarman. Ngai vàng được dựng lên lộng lẫy để chuẩn bị cho lễ Đăng quang. Ngay đêm hôm trước đại lễ, thái tử nằm mộng thấy đức Diệu Âm tọa trên ngai vàng, nhìn ngài mà nói như sau:

Con yêu duy nhất, / ngai này của ta.
Ta là Văn Thù / sư phụ con đây.
Sao con có thể / sánh với sư phụ
ngang vai ngang vế / ngồi cùng một ngai?

Giật mình tỉnh giấc, thái tử Shantisarman hiểu rằng việc kế thừa vương vị là điều chẳng nên làm. Lòng không lưu luyến tài sản thế gian, ngài từ bỏ ngai vàng, đến học viện Na-lan-đà thọ giới cùng ngài Jayadeva, thượng thủ của năm trăm vị Hiền Thánh, và được sư phụ ban cho pháp hiệu Shantideva[2].

Trong thời gian tu học tại Na-lan-đà, ngài được đức Văn Thù trực tiếp truyền cho Tam Tạng kinh điển. Ngài dựa theo đó tu tập miên mật, qui nạp nội dung chánh pháp thành hai bộ luận: Học Tập LuậnKinh Tập Luận. Mặc dù ngài Shantideva thành tựu vô lượng thiện đức từ cả hai pháp diệt và đạo, thế nhưng chư Tăng đồng học vẫn không hay biết, chỉ thấy người này hết ăn (Bhuj) lại ngủ (Sup), rồi lại đi lang thang (Kutimgata), nên gọi ngài là Bhu-su-ku. Họ vô cùng bất bình, than rằng, “cả ba việc của người xuất gia tại đây[3], người này chẳng được việc nào cả, sao đủ tư cách thọ trai tăng! Phải đuổi đi mới được!” Họ liền bàn cách đuổi ngài đi, bày ra việc chư Tăng thay phiên nói pháp, tin chắc rằng bao giờ đến phiên phải nói pháp, chắc chắn ngài sẽ xấu hổ mà trốn đi. Họ liên tục đến thúc dục, nhưng lần nào ngài cũng từ chối, bảo rằng không biết gì để nói. Họ kéo nhau đến thỉnh Viện trưởng ra lệnh cho ngài nói pháp. Viện trưởng vừa lên tiếng, ngài liền hứa ngay. Thấy vậy, một số tăng sĩ bắt đầu chột dạ. Để thách thức ngài, họ bày biện cúng phẩm cao như núi, mời thật đông người đến dự, dựng một tòa sư tử chênh vênh ngay chính giữa, rồi mời ngài đến. Bất ngờ thấy ngài đã tọa sẵn trên pháp tòa, họ kinh ngạc hoang mang, không hiểu ngài thượng lên pháp tòa bằng cách nào.

Lúc bấy giờ ngài Shantideva điềm nhiên cất tiếng hỏi: “Các ông muốn nghe pháp nào, pháp thường nghe, hay pháp chưa từng nghe?”

Cả pháp hội sững sờ. “Xin cho chúng tôi nghe pháp chưa từng nghe.”

Học Tập Luận quá dài, Kinh Tập Luận lại quá ngắn, vì vậy ngài Shantideva thuyết Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, nghĩa rộng nhưng văn gọn. Lúc bấy giờ đức Văn Thù hiện ra ngay giữa trời không, nhiều người thấy được, tín tâm trào dâng vô bờ. Khi đọc đến chỉnh cú 34, chương 9, “cả sắc và không / đều vắng trong tâm…”,  ngài Shantideva và đức Văn Thù cùng thăng lên không trung, cao dần, rồi biến mất, chỉ còn giọng nói ngài Shantideva vọng về cho đến cuối bộ luận.

Trong chúng hội, các vị trí nhớ phi thường liền vội vã chép lại bài pháp, nhưng các bản văn dài ngắn không đồng: có vị chép thành bảy trăm chỉnh cú, có vị chép thành một ngàn chỉnh cú, có vị lại chép thành nhiều chỉnh cú hơn. Chư Hiền giả vùng Kashmir chép thành bảy trăm chỉnh cú và gom thành chín chương, trong khi đó chư vị ở Trung Ấn (Magadha – Ma Kiệt Đà) lại chép thành một ngàn chỉnh cú gom thành mười chương. Lúc ấy, bản văn có sự bất nhất như vậy. Hơn nữa, không ai biết gì về hai bộ luận mà ngài Shantideva dặn dò là cần phải đọc, bộ Học Tập LuậnKinh Tập Luận (xem chương 5, chỉnh cú 105-106).

Về sau, nghe nói ngài Shantideva đang ở tại bảo tháp Shrīdakṣngahiṇa, vùng Nam Ấn, hai vị hiền thánh với trí nhớ thần thông đã lặn lội tìm đến gặp, xin ngài chuẩn xác lại bộ luận. Ngài xác định bản chép của chư Hiền giả vùng Magadha là chính xác. Khi hỏi đến Học Tập LuậnKinh Tập Luận, ngài bảo rằng hai vị sẽ tìm thấy hai bộ luận này giấu trên mái nhà trong tịnh xá của ngài tại Học Viện Na-lan-đà. Ngài cũng nhân dịp này truyền khẩu và ban lời khai thị cho hai vị.

Ngài Shantideva sau đó du hành về hướng Đông, vận dụng thần thông hàng phục cuộc xung đột nghiêm trọng, mang lại hòa bình cho cả đôi bên.

Ngài cũng độ cho năm trăm người ngoại đạo miền Tây gần xứ Magadha. Lúc ấy nhằm lúc thiên tai, cả làng lâm nạn đói. Dân làng bảo nếu được ngài cứu mạng, họ nguyện tin theo giáo pháp của ngài. Ngài khi ấy mang bình bát chứa cơm khất thực, cầm trong tay, gia trì bằng đại định. Chỉ với một bình bát, cả làng đều được thỏa thuê no đủ. Nhờ duyên lành này, cả làng bỏ mê tín để bước vào chánh pháp.

Thêm một thời gian sau đó, lại trong một nạn đói kinh khiếp, ngài đã cứu mạng một ngàn hành khất.

Về sau ngài làm cận vệ cho Quốc Vương Arivishana, lúc bấy giờ đang gặp nạn chiến tranh với giặc Machala phía Đông Ấn. Ngài đeo bên mình thanh kiếm gỗ đầy uy lực, đủ khả năng hàng phục mọi hiểm họa, mang an bình đến khắp mọi nơi, được sự nể trọng của khắp cả. Tuy vậy, một số quần thần sanh lòng ganh ghét, đến bẩm báo với vua rằng: “đây chỉ là tên bịp bợm, ngưỡng mong bệ hạ suy xét. Hắn nào có vũ khí gì đâu, chỉ đeo mỗi thanh kiếm gỗ, làm sao bảo vệ được cho bệ hạ!” Vua nghe xong nổi giận, xét vũ khí của từng người. Đến khi vua bảo ngài Shantideva tuốt kiếm, ngài từ tốn thưa rằng làm như vậy sẽ khiến vua bị thương.

“Ta bị thương mặc lòng!  ngươi cứ hãy rút kiếm ta xem!” Vua ra lệnh.

Không thể cãi lệnh, ngài mời vua đến nơi vắng vẻ, thỉnh vua lấy tay che một mắt, chỉ nhìn bằng con mắt còn lại. Khi thanh kiếm rút ra khỏi vỏ, hào quang rực rỡ chói lòa khiến mắt vua rơi ngay xuống đất. Vua cùng tùy tùng kinh hãi, xin ngài lượng thứ chở che. Ngài Shantideva lúc bấy giờ trả mắt lại cho vua, nhờ lực gia trì của ngài, mắt vua bình thường như cũ, không chút đau đớn. Cả vương quốc bấy giờ khởi tín tâm sâu xa, quay về quy thuận chánh pháp.

Về sau ngài Shantideva đến vùng Shriparvata miền Nam, sống lẫn trong đám hành khất lõa thể. Ở đó ngài ăn nước rửa chén rửa nồi người ta đổ ra. Có một lần cô thị nữ của vua Khatavihara tên là Kachalaha đổ nước rửa chén, chợt thấy nước hắt lên người Shantideva thì lập tức sôi rít lên, chẳng khác gì đổ trên nền sắt nóng. Cô ta lấy đó làm lạ.

Cũng vào lúc bấy giờ, có một vị sư phụ Ấn giáo tên là Shankaradeva tìm đến gặp vua để ra lời thách đố. Ông ta tuyên bố sẽ vẽ mạn-đà-la Maheshvara trên trời không, nếu Phật giáo không ai phá được thì mọi ảnh tượng kinh sách Phật giáo trong vương quốc đều phải vất vào lửa đỏ, trăm dân phải theo đạo của ông ta. Trước lời thách đố này, nhà vua lập tức triệu tập hết thảy cao tăng về báo việc, nhưng không một ai đủ khả năng nhận lời thách đố. Vua ăn ngủ không yên. Thấy vậy, thị nữ Kachalaha bẩm bạch cùng vua chuyện kỳ lạ về gã hành khất, vua liền ra lệnh tìm Shantideva. Quần thần vội vã tìm trong tìm ngoài, rốt cuộc tìm được ngài đang ngồi dưới một gốc cây. Khi nghe đầu đuôi câu chuyện, ngài nói rằng việc này chẳng khó gì, nhưng phải cho ta một bình đầy nước, hai tấm vải, và lửa. Mọi thứ đều được nhanh chóng chuẩn bị theo đúng ý của ngài.

Buổi chiều ngày hôm sau, hành giả ấn giáo đến vẽ mấy lằn lên không trung rồi bỏ đi. Mọi người đều cảm thấy vô cùng bất an. Sáng sớm hôm sau, đương lúc mạn đà la còn đang thành hình, cửa Đông chưa kịp xong thì ngài Shantideva đã nhập vào đại định. Ngay tức thì, trận cuồng phong nổi lên, quét sạch mạn đà la vào hư không. Hết thảy cây cối, hoa màu, nhà cửa đều bị cuốn tan hoang. Vị hành giả Ấn giáo bị gió tốc như một con chim con. Bóng tối bao trùm khắp lãnh thổ. Rồi hào quang chiếu ra từ giữa hai lông mày của ngài Shantideva, soi lối cho vua và hoàng hậu. Cả hai đều bị gió cuốn, tuột hết siêm y, toàn thân đầy bụi. Và cứ thế, ngài Shantideva dùng lửa để sưởi, dùng nước để tắm, dùng vải để vua và hoàng hậu che thân. Ngài lại dùng thần lực của đại định gom hết dân chúng bị gió cuốn trở về lại, tắm rửa, chăm sóc, trấn an. Biết bao người khởi chánh tín, nhờ đó ngoại đạo suy tàn, chánh pháp hưng thịnh dài lâu. Vương quốc này vì vậy mà được gọi là nơi “hàng phục ngoại đạo.”

Mặc dù ngài Shantideva lúc nào cũng tự cho mình chỉ là kẻ phàm phu, nhưng theo lời ngài Jetari, ngài Shantideva là hiện thân của đức Diệu Âm (Văn Thù). Theo lời ngài Prajnaka-ramati thì ngài Shantideva là bậc thánh tăng. Còn riêng nói về hành trạng của ngài, đức Vibhutichandra nói rằng:

Trên cõi thế gian / đã từng xuất hiện
nhiều đấng Pháp Vương, / vua của chánh pháp,
thế nhưng xét về / thành tựu, kinh nghiệm,
chẳng ai sánh bằng / Shan-ti-đê-va.

Ngài Shantideva để lại cho hậu thế ba tuyệt tác: Hai tác phẩm đầu là Học Tập Luận (Shikṣhāsamucchaya) và Kinh Tập Luận (Sūtrasamucchaya), một phong phú, một ngắn gọn. Tác phẩm thứ ba tựa đề Nhập Bồ Đề Hạnh Luận (Bodhicaryāvatāra), hình thức ngắn gọn nhưng nội dung vô cùng phong phú. Ở xứ Ấn có hơn 108 luận giải viết về bài luận bất hủ này.

———–

Ghi chú phần Tiểu Sử:

[1] Bồ Tát Diệu Âm (Manjushosha) là tên khác của Bồ Tát Văn Thù (Manjushri)
[2] Shanti- là một phần tên của ngài, và –deva là một phần tên của sư phụ, ghép lại thành Shantideva
[3] Học, tu, và làm Phật sự như in sách, làm thuốc v.v…

Xem Tiếp Chương 1 >>>

Tựa đề tiếng Phạn:
Bodhicaryāvatāra (còn gọi là Bodhisattvacaryāvatāra)

Tựa đề tiếng Tạng:
༄༅། །བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་སྤྱོད་པ་ལ་འཇུགས་པ་ཞེས་བྱ་བ་བཞུགས་སོ།།

Tựa đề tiếng Việt:
Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, (hay là Nhập Bồ Tát Hạnh Luận).


CHƯƠNG MỘT: LỢI ÍCH TÂM BỒ ĐỀ

I-1. Đệ tử đảnh lễ
Thiện Thệ, Pháp Thân,
chư vị Trưởng tử
cùng người xứng đáng.
Nay tôi kính xin
thuận theo lời Phật,
tóm lược lối vào
giới hạnh bồ tát.

I-2. Lời tôi nói đây
chẳng có gì mới,
cũng chẳng có gì
khéo nói hơn ai.
Tôi không viết vì
lợi ích chúng sinh,
mà chỉ là để
tự tâm huân tập.

I-3. Lời này có thể
tăng chút tín tâm,
cho tôi huân dưỡng
thuận theo thiện đức.
Ai người may mắn
tương tự như tôi,
nhờ đọc lời này
đôi khi có lợi.

I-4. Tự tại, thuận duyên
là điều khó đạt,
đủ sức toàn thành
nguyện ước chúng sinh.
Vậy nếu nay tôi
thủ lợi riêng mình,
kiếp sau đâu thể
thuận duyên như vậy.

I-5. Tựa như tia chớp
giữa nền trời đen,
trong một phút giây
sáng soi khắp cả.
Nhờ Phật gia hộ
mà người thế gian
đôi khi thoạt hiện
một vài thiện đức.

I-6. Cho nên tâm thiện
bao giờ cũng yếu;
tâm ác thì lại
mạnh dữ vô cùng.
Muốn điều ngự tâm,
ngoài tâm bồ đề,
thử hỏi có còn
thiện tâm nào khác ?

I-7. Mâu Ni nhiều kiếp
thâm sâu chiêm nghiệm,
thấy chỉ tâm này
mới thật lợi sinh.
Vô lượng chúng sinh
nương vào tâm này,
có thể dễ dàng
viên thành đại lạc.

I-8. Ai người mong cầu
diệt trăm khổ nạn,
mong quét bất hạnh
của khắp chúng sinh,
hay mong được hưởng
vạn cảnh yên vui,
tâm bồ đề này
chớ nên lìa bỏ.

I-9. Chúng sinh khốn khổ
trôi lăn luân hồi
mà phát được tâm,
thì ngay lúc ấy
sẽ được gọi là
Như lai trưởng tử,
thành nơi xứng cho
trời, người hiến cúng.

I-10. Tương tự thuốc tiên
hóa sắt thành vàng,
nay thân ô nhiễm
nhờ tâm bồ đề
mà thành thân Phật
vô vàn trân quí.
Vậy hãy giữ chắc
tâm bồ đề này.

I-11. Đấng độ quần sinh
dùng trí vô lượng
quán chiếu tận tường
và đều thấy rõ:
ai người muốn thoát
cảnh khổ luân hồi,
phải giữ cho chặt
ngọc bồ đề tâm.

I-12. Những thiện đức khác
giống như thân chuối,
ra quả một lần
rồi là tàn rụi.
Nhưng tâm bồ đề
triền miên kết trái,
không bao giờ tàn,
vững vàng lớn mạnh.

I-13. Sợ cảnh hung hiểm,
ta nương anh hùng;
cho dù phạm phải
tội ác tột cùng,
chỉ cần phát tâm
tức thì vượt thoát.
Vậy sao những kẻ
sợ cảnh đọa rơi
lại chẳng tìm đến
nương tâm bồ đề ?

I-14. Như lửa hoại kiếp
thiêu rụi thế gian,
tâm bồ đề này
thiêu tan ác nghiệp.
Lợi ích vô lượng,
bất khả tư nghì,
bậc trí Từ Thị
dạy cho Thiện Tài.

I-15. Cần biết tâm này
nói gọn, có hai,
một là ước muốn:
bồ đề tâm nguyện;
hai là thực hiện:
bồ đề tâm hành.

I-16. Cũng như muốn đi
khác với lúc đi,
tương tự như vậy,
kẻ trí cần hiểu
thứ tự khác biệt
giữa hai tâm này.

I-17. Cho dù còn vướng
ở trong sinh tử,
bồ đề tâm nguyện
đơm quả lớn lao,
tuy nhiên cũng vẫn
chưa được liên tục
như là công đức
bồ đề tâm hành.

I-18. Bao giờ phát tâm
không còn thoái chuyển,
nguyện độ chúng sinh
thoát khổ luân hồi,
liền ngay lúc ấy,
từ đấy trở đi,

I-19. cho dù ngủ nghỉ,
hay dù tán tâm,
cả một suối nguồn
công đức bất tận
cũng vẫn trỗi mạnh
rộng sánh không gian.

I-20. Chính đức Như lai
đã dạy điều này
trong bộ Kinh Su-ba-hu Thỉnh Vấn,
là để giúp cho
những người tâm nhỏ
có thể phát khởi
tín tâm đại thừa.

I-21. Vì muốn lợi người
mà khởi tâm cầu
thoát bệnh nhức đầu
cho khắp chúng sinh,
thì công đức này
cũng đã vô tận.

I-22. Huống chi công đức
cầu khắp chúng sinh
thoát vô lượng khổ,
rồi đưa chúng sinh
viên thành vô lượng
thiện căn công đức.

I-23. Thử hỏi tâm này
mấy ai có được ?
dù cha hay mẹ
chư thiên, thiện giả,
ngay cả Phạm Thiên
biết có được chăng ?

I-24. Tâm này chúng sinh
chưa từng có được,
dù là trong mơ,
dù chỉ cho mình.
Làm sao có thể
có được tâm địa
vì khắp chúng sinh ?

I-25. Chúng sinh phàm phu
chưa từng khởi tâm;
Độ cho chính mình
còn chưa nghĩ tới !
Tâm bồ đề này
mà khởi sinh được
là điều nhiệm mầu
chưa từng thấy qua !

I-26. Là thuốc chữa lành
mọi cơn bệnh dữ,
là nguồn hạnh phúc
cho khắp chúng sinh.
Công đức bồ đề
vô vàn quí giá,
thật chẳng lấy gì
cân đo cho được.

I-27. Chỉ cần một niệm
gánh vác chúng sinh,
công đức quá hơn
công đức cúng Phật,
huống chi nỗ lực
mang nguồn an lạc
về cho chúng sinh.

I-28. Là vì chúng sinh
dù cầu thoát khổ,
nhưng vẫn mê mải
chọn khổ mà theo.
Dù cầu an vui,
thế nhưng an vui
thì lại u mê
hủy diệt tất cả
như diệt kẻ thù.

I-29. Ai mang vui đến
cho người bất hạnh,
ai quét khổ nạn
cho kẻ khốn cùng,

I-30. ai xua bóng tối
mê muội vô minh,
thiện đức này đây
lấy gì sánh nổi ?
có bạn nào hơn
người bạn lành này ?
chẳng công đức nào
tương tự như vậy !

I-31. Giúp người đền ơn
mà còn được khen,
huống chi bồ tát
làm lợi chúng sinh
chẳng đợi ai cầu.

I-32. Bủn xỉn mang ra
chút ít thực phẩm,
khinh miệt bố thí
cho đôi ba người,
chỉ đủ ấm bụng
nửa ngày mà thôi,
cũng còn được khen
là làm việc thiện.

I-33. Huống chi vĩnh viễn
tặng khắp chúng sinh
suối nguồn hỉ lạc
vô thượng bồ đề;
chúng sinh trong tâm
có ước nguyện gì,
thì đều hết thảy
làm cho như nguyện.

I-34. Bậc trí dạy rằng:
với chư trưởng tử
từ bi của Phật
mà khởi niệm ác,
khởi bao ác niệm
thì phải đọa rơi
đủ bấy nhiêu kiếp
vào cảnh địa ngục.

I-35. Nhưng nếu khởi được
tín tâm trong sáng,
thời quả gặt hái
tươi tốt xum xuê,
vì bồ tát dù
rơi vào nghịch cảnh,
công đức bồ đề
vẫn không suy thoái,
thiện đức vững vàng
tăng trưởng tự nhiên.

I-36. Nay tôi nguyện xin
đê đầu đảnh lễ
tất cả những ai
sinh tâm bồ đề.
Nguyện xin quy y
suối nguồn an lạc:
người mang vui đến
cho kẻ hại mình.

/ Hết Chương 1 /

| Đọc Tiếp Chương 2 >>>

Chương Hai: SÁM HỐI

II-1. Nay để phát tâm
vô thượng bồ đề,
bao phẩm tốt lành
tôi xin dâng hiến
Như lai, Diệu Pháp
vô cấu cực hiếm,
cùng chư Trưởng tử
thiện đức như biển.

II-2. Nào hoa, nào quả,
nào là diệu dược,
bao nhiêu châu ngọc
của khắp thế gian,
hết thảy nguồn nước
trong thanh thơm ngọt,

II-3. bao núi châu bảo,
bao rừng tịnh yên,
bao nhiêu nhánh cây
ngàn hoa kín rợp,
bao nhiêu đại thụ
trái nặng trĩu cành;

II-4. hương thơm của khắp
cõi tiên, cõi phàm,
hương đốt, cây ngọc,
cùng cây như ý,
vụ mùa tốt tươi
không người cấy trồng,
phẩm lượng phong phú
xứng dâng lên Phật;

II-5. Này là ao hồ
rực rỡ cánh sen,
này là tiếng chim
nhẹ nhàng thanh thoát,
cùng bao phẩm vật
không của riêng ai,
thênh thang đầy khắp
không gian vô tận.

II-6. Nguyện xin dâng hiến
từ giữa nơi tâm,
dâng đức Mâu ni
bậc lưỡng túc tôn
cùng chư trưởng tử,
kính xin chư vị
thương tưởng cho tôi
từ bi tiếp nhận.

II-7. Vì công đức cạn
nên tôi bần hàn,
không có gì khác
để mà dâng Phật.
Chư Phật đã nguyện
gánh vác chúng sinh,
xin hãy vì tôi
tiếp nhận cúng phẩm.

II-8. Bao nhiêu thân mạng
kể từ muôn kiếp,
tôi xin kính dâng
chư Phật, bồ tát,
xin bậc đại hùng
thu nhận cho tôi,
với trọn lòng thành
nguyện về phụng sự.

II-9. Nếu chư vị thương
thu nhận tôi về,
thời tôi không còn
khuất phục sinh tử,
ngược lại có thể
lợi ích chúng sinh.
Bao nhiêu ác nghiệp
vất bỏ phía sau,
sẽ không bao giờ
quay đầu trở lại.

II-10. Nhà tắm ngát hương
nguy nga tráng lệ,
nền đất pha lê
trong veo ngời sáng,
cột trụ uy nghi
khảm đầy châu báu,
dù lọng kín rợp
lấp lánh ngọc trai.

II-11. Đây bình châu ngọc
đầy ắp nước hương,
nhã nhạc du dương,
thỉnh Như lai tắm.

II-12. Đây khăn thơm sạch,
chất liệu phi phàm,
đệ tử kính xin
lau khô thân Phật.
Dâng y cõi thiên
sạch thơm tươi thắm,

II-13. mang hết y phục
mềm mại dịu êm,
trang sức quí giá
nhiều hàng trăm vạn,
kính dâng chư tôn
Phổ Hiền, Văn Thù,
đức Quan Thế Âm
cùng chư bồ tát.

II-14. Hương xoa dịu ngát
toàn cõi đại thiên,
đệ tử kính xin
thoa lên ngọc thể
của đấng Mâu ni,
rạng tỏa ánh vàng
như là hào quang
vàng ròng tinh luyện.

II-15. Trước đấng Mâu Ni,
ruộng phước tối thượng,
đệ tử bày biện
rực rỡ ngàn hoa,
măn đa ra va,
sen và ưu đàm…
bao nhiêu hoa thơm
kết dăng thành chuỗi.

II-16. Đệ tử kính dâng
trầm hương cuộn khói,
ngút ngàn trời mây,
ngây ngất hương bay.
Kính dâng chư Phật
yến tiệc cõi thiên,
thực phẩm, thức uống,
cao lương mỹ vị.

II-17. Dâng bao đèn quí
khảm đế sen vàng,
trang nghiêm bày biện
từng hàng thắp sáng.
Mặt đất tẩy trần,
tưới tẩm trầm hương,
rải đầy thảm hoa
tươi thơm thanh mát.

II-18. Trước đấng đại bi,
đệ tử kính dâng
điện ngọc ngân vang
tiếng lời xưng tán,
trướng ngọc rèm treo
lấp lánh châu bảo,
trang nghiêm vô tận
cùng khắp không gian.

II-19. Bảo cái sáng quí,
cán vàng viền ngọc,
thẳng tắp, cân xứng,
tươi đẹp mắt người,
xin mang tất cả
dâng hiến Như lai.

II-20. Trùng điệp cúng phẩm,
nhạc vọng ngàn mây,
xoa dịu sầu khổ
khắp chúng hữu tình.

II-21. Nguyện rải mưa hoa
ở trên pháp bảo,
trên tháp xá lợi
cùng mọi biểu tượng
ruộng phước Như lai.

II-22. Văn Thù Sư Lợi
cùng chư bồ tát
đã từng cúng dường
Thế tôn ra sao,
nay tôi nguyện xin
làm theo như vậy,
cúng dường Như lai
cùng chư bồ tát.

II-23. Với hải triều âm,
tôi xin tán dương
biển rộng công đức;
nguyện diệu âm này
theo mây lan rộng
cùng khắp mọi nơi.

II-24. Tam thiên thế giới
có bao vi trần,
tôi nay cũng nguyện
hiện bấy nhiêu thân,
kính lạy khắp cả
chư Phật ba thời,
lạy Pháp và Tăng,
không hề thiếu sót.

II-25. Tôi xin kính lạy
tháp cùng trú xứ
của tâm bồ đề,
phương trượng truyền giới,
đạo sư uyên thâm,
hành giả thánh chúng.

II-26. Từ nay đến ngày
đạt quả bồ đề,
tôi nguyện quay về
qui y nơi Phật,
qui y nơi Pháp
cùng chư bồ tát.

II-27. Xin chắp hai tay
thành tâm khẩn nguyện,
Phật và bồ tát
trú ở mười phương,
rộng lượng từ bi
chứng giám cho tôi:

II-28. Kể từ vô thủy
sinh tử luân hồi,
đời này đời khác,
bao nhiêu việc ác,
tôi đã tự làm,
hay bảo người làm.

II-29. Lại còn để cho
vô minh thao túng,
làm ác mà lại
thích thú vui cùng.
Nay đã biết lỗi,
xin đấng chở che
cho tôi quay về
thành tâm sám hối.

II-30. Bao nhiêu lầm lỗi
do tâm phiền não
động thân khẩu ý
mà phát sinh ra,
xúc phạm Tam Bảo,
xúc phạm mẹ, cha,
với cả đạo sư,
cùng bao việc khác.

II-31. Tôi, kẻ đọa rơi,
vướng bao lầm lỗi,
bao nhiêu ác nghiệp
tôi đã làm nên,
nay xin đối trước
Thầy của trời người,
nguyện không che đậy,
một lòng sám hối.

II-32. Lỡ như chết đi
mà chưa kịp sám,
thời biết làm sao
thoát được ác nghiệp !
tôi thành khẩn xin
chư tôn che chở
cho tôi sớm về
sám hối qui y.

II-33. Thần chết thì chẳng
tin tưởng được đâu,
việc xong hay chưa
có bao giờ đợi.
Ai bệnh ai khỏe,
mạng sống phù du,
làm sao có thể
tin vào cho được.

II-34. Rồi cũng phải đi,
Lìa xa tất cả.
Nhưng tôi thì có
ý thức được đâu.
Cứ bạn cứ thù,
ân ân oán oán,
trùng trùng điệp điệp,
ác nghiệp đầy thân.

II-35. Kẻ thù mà chi,
rồi cũng sẽ tan.
bằng hữu mà chi,
rồi cũng sẽ mất.
ngay chính tôi đây
cũng sẽ không còn,
tất cả mọi cảnh
đều là như vậy.

II-36. Hết thảy mọi sự
hiện trong cõi đời,
phù du ngắn ngủi
như một giấc mơ,
rồi tan biến hết
vào trong ký ức,
khi đã tan rồi
tìm chẳng thấy đâu.

II-37. Cứ mỗi phút giây
trong đời sống này,
kẻ thù bằng hữu
cứ thế mà đi.
vậy mà vì họ
tôi gieo ác nghiệp,
quả báo thì vẫn
còn nằm phía trước.

II-38. Thế nhưng tâm tôi
chẳng hề nghĩ tới,
rằng tôi đây cũng
ngắn ngủi không bền.
cứ vậy quay cuồng
với tham cùng sân,
gieo biết bao nhiêu
ác nghiệp ác chướng.

II-39. Hết ngày lại đêm,
có bao giờ ngớt,
mạng sống thúc ngắn
đều đặn không ngừng,
chẳng có cách gì
nối cho dài lại.
Làm sao khỏi chết
người giống như tôi ?

II-40. Khi ấy tôi nằm
trên giường hấp hối,
thân nhân bằng hữu
dù ở cạnh bên,
cũng chỉ mình tôi
lìa xa cõi thế,
nghe đời sống cạn
mạng sống đoạn lìa.

II-41. Đến khi thần chết
đến bắt tôi đi,
thân nhân bằng hữu
liệu có ích gì ?
chỉ còn thiện đức
làm nơi che chở,
vậy mà tôi đã
khinh xuất bỏ qua.

II-42. Lạy đấng chở che !
tôi vì vô tâm,
chẳng ngờ có cảnh
kinh hoàng như vậy.
Chỉ vì đời sống
phù du không bền,
mà gieo biết bao
ác nghiệp chồng chất.

II-43. Nếu như có người
đang bị dẫn đến
nơi chốn hành hình
chặt chân chặt tay,
chắc chắn kinh hãi
cổ khô, mắt trợn,
thần sắc biến đổi
chẳng được như xưa.

II-44. Huống chi là tôi.
Khi ấy bị lũ
ngục tốt diêm vương
dị hình dị dạng
túm lên lôi xuống,
khổ bệnh hành hạ,
bấn loạn hãi hùng.

II-45. Ai cứu tôi đây,
che chở cho tôi,
giúp cho tôi thoát
cảnh kinh hoàng này ?
Mắt tôi hoảng hốt
nhìn quanh tứ phía,
hoang mang mong gặp
một chốn chở che.

II-46. Nhưng nhìn bốn phía
vẫn chẳng tìm ra,
có được chốn nào
làm nơi nương dựa.
Đớn đau tràn ngập,
thất vọng vô bờ,
không nơi che chở
giờ biết làm sao !

II-47. Vậy ngay hôm nay
nguyện qui y Phật:
là bậc chở che
cho kẻ trầm luân,
cứu vớt chúng sinh
trôi lăn sinh tử,
là bậc uy dũng
ban sự vô úy.

II-48. Tôi nguyện quay về
qui y nơi Pháp:
là mọi thành tựu
Phật chứng trong tâm,
phá tan hết thảy
khổ nạn luân hồi.
Tôi cũng quay về
qui y bồ tát:

II-49. vì quá kinh hãi
bao mối hiểm nguy,
tôi mang bản thân
dâng đức Phổ Hiền;
tôi cũng nguyện xin
mang hết thân mạng
kính dâng lên đức
Diệu Âm bồ tát.

II-50. Đấng đại chở che
đức Quan Thế Âm,
thiện hạnh từ bi
không hề hư ngụy:
tận cùng thống khổ
tôi gọi thiết tha,
“xin hãy cứu con
kẻ bất thiện này.”

II-51. Đức Hư Không Tạng,
đức Địa Tạng Vương,
cùng với hết thảy
các đấng chở che,
đại từ đại bi,
lòng con hướng về
thiết tha níu gọi,
xin được qui y.

II-52. Nguyện về nương dựa
đức Kim Cang Thủ,
thoáng thấy bóng ngài
là lũ ác hung
ngục tốt diêm vương
hoảng chạy tứ phía.

II-53. Trước kia lời Phật
tôi chẳng chịu nghe,
nhưng nay thấy cảnh
kinh hãi thế này,
xin cho tôi về
tìm nơi nương dựa,
xin hãy giúp tôi
quét sạch hiểm nguy.

II-54. Bệnh nhỏ đã phải
nghe lời thầy thuốc,
huống chi trăm vạn
trọng bệnh trầm kha,
do tham sân si
tác hại tơi bời.

II-55. Chỉ một bệnh thôi
đã đủ hủy diệt
toàn cõi Diêm Phù;
kiếm khắp mọi nơi
cũng chẳng thế nào
tìm ra thuốc chữa.

II-56. Vậy thì lời Phật,
bậc đại y vương,
đủ sức chữa lành
mọi cơn bệnh dữ,
nếu như tôi chẳng
thuận ý làm theo,
thì có phải là
chí ngu không vậy !

II-57. Đi cạnh vực thẳm
bé nhỏ tầm thường
mà đã ra công
đề phòng hết sức,
huống chi hiểm họa
vực thẳm địa ngục,
sa vào ngàn trượng
rơi đọa triền miên.

II-58. Chẳng thể nhởn nhơ
nghĩ mình không chết,
nhất định có ngày
tôi phải ra đi.

II-59. Vậy ai là người
giúp được tôi đây ?
làm sao có thể
chắc mình thoát nạn ?
Biết rồi có ngày
cũng sẽ tan biến,
làm sao có thể
thanh thản ngồi yên ?

II-60. Cảnh sống vừa đến
là đã tan bay.
Còn gì cho tôi ?
Có gì ở lại ?
Vậy mà cứ níu
điều không còn nữa,
tôi đã phụ lời
dạy của Thầy tôi !

II-61. Đến khi đời này
bỏ lại phía sau,
cùng với hết thảy
thân nhân bằng hữu,
một mình tôi phải
lang thang vô định,
thân nhân bằng hữu
giữ có ích gì !

II-62. “Làm sao có thể
quét sạch ác nghiệp ?
là điều chắc chắn
mang quả khổ đau !”
Đây mới là điều
đáng phải quan tâm,
ngày cũng như đêm
đừng lo việc khác.

II-63. Tôi bởi ngu si,
tạo bao việc ác,
phạm mười bất thiện,
phá giới Phật cho,

II-64. Vì sợ quả báo
nhất định sẽ đến,
tôi chắp hai tay,
kính lạy không ngừng.
thiết tha mong cầu
các đấng chở che,
chứng giám cho tôi
phát lộ sám hối.

II-65. Thỉnh Phật thương xót
lấy nghiệp dùm tôi.
Đối với hết thảy
mọi điều bất thiện,
từ nay tôi sẽ
nhất định không làm.

/ Hết Chương 2 /

|| Đọc Tiếp Chương 3 >>>

Chương Ba: NẮM LẤY TÂM BỒ ĐỀ

III-1. Tôi xin vui cùng
tất cả việc làm
khiến vơi khổ đau
trong cõi ác đạo;
hay là khiến nơi
khổ đau chưa đến
có thể giữ nguồn
hạnh phúc an vui.

III-2. Tôi xin vui cùng
công đức bồ đề,
nhờ đó chúng sinh
đoạn lìa phiền não,
đạt quả giải thoát,
thoát khổ thọ sinh.

III-3. Tôi xin tùy hỉ
quả vị Phật đà;
vui cùng chứng địa
của chư trưởng tử;

III-4. Vui với biển cả
công đức phát tâm,
đưa hết chúng sinh
đến bờ an lạc;
vui cùng thiện hạnh
nâng đỡ chúng sinh.

III-5. Đối trước chư Phật
ở khắp mười phương,
tôi chắp hai tay
thiết tha khẩn nguyện:
xin vì chúng sinh
thắp ngọn chánh pháp,
soi cõi tối tăm
khốn khổ hoang mang.

III-6. Chư Phật Thế Tôn
muốn hiện niết bàn,
thì tôi chắp tay
thiết tha khẩn nguyện:
kính xin chư Phật
sống cùng đời kiếp,
đừng bỏ chúng tôi
đui mù lang thang.

III-7. Làm những điều này
được bao công đức,
tôi nguyện hồi hướng
về khắp chúng sinh
thoát mọi cảnh khổ.

III-8. Chúng sinh có bệnh,
bệnh nếu chưa lành,
thời tôi còn vẫn
theo làm thầy thuốc,
làm người điều dưỡng,
làm cả thuốc thang.

III-9. Nguyện tôi mưa xuống
đầy tràn thực phẩm
giải cơn đói khát.
Nguyện trong thời kỳ
dữ dội kiếp nạn,
thân tôi sẽ thành
nước uống thức ăn.

III-10. Chúng sinh có nghèo,
khổ cực cơ hàn,
nguyện tôi sẽ là
kho bồ bất tận,
hiện ngay trước mặt
của khắp chúng sinh;
bao nhiêu nhu cầu
tôi cung ứng đủ.

III-11. Tài sản, thân mạng,
ba thời công đức,
tôi mang cho hết,
cầu lợi chúng sinh,
không hề cảm thấy
có gì mất mát.

III-12. Muốn đạt niết bàn
phải cho ra hết,
trọn vẹn tâm tôi
chỉ hướng quả này.
Dù sao rồi cũng
phải bỏ mà đi,
chi bằng bây giờ
mang ra bố thí.

III-13. Thân mạng này đây
tôi xin hiến cúng
cho khắp chúng sinh
tùy ý hưởng dụng.
Dù giết, dù chê
dù là đánh đập,
tôi cũng cam tâm.

III-14. Cứ mang tôi ra
mà làm trò vui,
tha hồ bỡn cợt,
chê bai, chế nhạo.
tấm thân này đây
tôi đã hiến cúng,
thì còn có gì
đáng để quan tâm.

III-15. Muốn làm gì tôi
cứ mặc tình làm,
miễn đừng làm điều
tự hại mà thôi.
Mỗi tâm mỗi niệm
họ nhắm vào tôi,
nguyện cho hết thảy
đều thành lợi ích.

III-16. Nếu nghĩ đến tôi
mà tâm không yên,
sùng sục nổi sân,
nổi cơn ác hận,
nguyện ác hận này
luôn trở thành nhân
giúp cho họ được
sở cầu như ý.

III-17. Cùng khắp những ai
chỉ trỏ mặt tôi,
gieo xuống cho tôi
bao điều tổn hại,
hoặc mang tôi ra
dèm pha, chế diễu,
nguyện cho họ đạt
thiện duyên bồ đề.

III-18. Ai thiếu chỗ nương,
tôi làm chỗ nương;
ai khách lữ hành,
tôi xin dẫn lối;
ai người đang cần
vượt biển vượt sông,
tôi đây xin nguyện
làm ghe, thuyền, cầu.

III-19. Ai ngóng đất liền,
tôi làm hòn đảo;
ai tìm ánh sáng,
tôi sẽ là đèn;
ai cần ngơi nghỉ,
tôi là giường chiếu;
ai cần giúp việc,
tôi đây tôi đòi.

III-20. Làm ngọc như ý,
làm bình bảo quí,
làm câu chân ngôn,
thuốc quí, cây thần,
làm trâu như nguyện,
cho khắp chúng sinh.

III-21. Như là đại địa,
như là không gian,
cùng các thành phần
nước lửa và gió,
nguyện thân tôi đây
biến hiện phong phú,
làm nền tảng sống
cho khắp chúng sinh.

III-22. Nguyện làm phương tiện
giữ gìn sự sống
cho khắp chúng sinh
trên toàn cõi thế
nhiều sánh không gian
bao la vô tận,
chờ khắp chúng sinh
giải thoát niết bàn.

III-23. Cũng như Như Lai
trong thời quá khứ,
đã vì chúng sinh
phát tâm bồ đề,
rồi về trú ở
tu theo trình tự
pháp hành bồ tát.

III-24. Nay tôi cũng nguyện
vì khắp chúng sinh
phát tâm bồ đề,
nơi pháp hành này
tôi về trú ở
tuần tự tu theo.

III-25. Ai người vận dụng
trí tuệ trong sáng
để nắm lấy tâm
thanh tịnh bồ đề.
nắm rồi có thể
tăng trưởng tâm này
bằng lời sau đây:

III-26. “Đời sống tôi nay
tràn đầy ý nghĩa,
tôi đã đạt kiếp
làm người tốt đẹp,
hôm nay tôi sinh
vào giòng giống Phật,
trở thành đứa con
của đấng Thế Tôn.”

III-27. “Nay dù ra sao
quyết không làm ố
giống Phật tuyệt hảo,
hành động cẩn trọng
xứng địa vị mình,
không để lỗi lầm
làm nhơ giống Phật.”

III-28. Như kẻ mù lòa
mò trong đống rác,
không ngờ tìm được
một khối ngọc châu.
Chẳng hiểu nhờ đâu
may mắn lạ kỳ,
mà tâm bồ đề
trong tôi lại khởi.

III-29. Đây chính là nước
cam lồ bất tử,
chiến thắng Thần Chết
của khắp chúng sinh;
là cả kho tàng
đầy tràn bất tận,
phá cảnh bần cùng
cho kẻ trầm luân.

III-30. Đây là thuốc thần
chữa mọi ác bệnh,
của khắp chúng sinh
trôi lăn sinh tử;
là gốc đại thụ
cho chúng hữu tình
trên đường trôi lạc
ghé đến nghỉ chân;

III-31. là chiếc cầu chung
đưa khắp chúng sinh
vượt thoát khổ nạn
ác đạo luân hồi;
là trăng ngời sáng
giữa nền trời tâm,
xoa dịu cơn đau
rát bỏng phiền não;

III-32. và cũng chính là
mặt trời chiếu sáng,
quét sạch màn sương
mê muội vô minh;
là bơ kết tinh
trên sữa diệu Pháp.

III-33. Khách trần lang thang
trên đường sinh tử,
mong sao nếm thử
chút vị an vui,
thì đây là nguồn
an vui thắng diệu,
khách trần chắc chắn
sẽ rất hài lòng.

III-34. Hôm nay đối trước
mọi nẻo qui y,
tôi mời chúng sinh
về làm khách quí,
hưởng an vui đến
vô thượng bồ đề.
Chư thiên, thiện thần,
cùng khắp mọi loài,
kính xin chư vị
tùy hỉ cho tôi.

/ Hết Chương 3 /

|| Đọc Tiếp Chương 4 >>>

Chương Bốn: TÂM BẤT PHÓNG DẬT

IV-1. Đã làm con Phật
giữ tâm bồ đề,
thì đừng bao giờ
để cho thoái chuyển,
cũng đừng bao giờ
phá phạm giới tu.

IV-2. Đối với những việc
tùy hứng mà làm,
vì tâm khinh xuất
hay thiếu suy nghĩ,
cho dù có đã
thề thốt hứa hẹn,
vẫn nên nghĩ lại
nên làm hay không.

IV-3. Thế nhưng điều mà
hết thảy chư Phật
cùng chư trưởng tử
đã dùng diệu trí
quán chiếu tận tường,
chính bản thân tôi
cũng cân nhắc kỹ,
làm sao có thể
đổi ý rút lui ?

IV-4. Thề thốt hứa hẹn
rồi lại không làm,
thành trò lừa đảo
khắp cả chúng sinh,
mai sau ác báo
biết tôi thế nào ?

IV-5. Đức Phật dạy rằng:
Ai người khởi tâm
tặng món vật mọn,
nhưng rồi không cho,
nghiệp này sẽ khiến
đọa sinh ngạ quỉ.

IV-6. Vậy mà tôi đây,
từ tận đáy lòng,
mời hết chúng sinh
về hưởng đại lạc,
để rồi trở tâm
dối gạt hết thảy,
làm sao có thể
mong hái quả lành ?

IV-7. Thoái tâm bồ đề
mà còn giải thoát,
đường đi của nghiệp
thậm thâm khó hiểu,
chỉ chư Toàn Giác
mới rõ mà thôi.

IV-8. Bồ tát thoái tâm,
không đọa rơi nào
hơn đọa rơi này,
vì nếu xảy ra
thì mọi phúc lợi
của khắp chúng sinh
đều bị đánh mất.

IV-9. Nếu như có ai,
chỉ trong phút giây,
cản trở công đức
của một bồ tát,
sẽ phải trầm luân
đọa cõi ác đạo,
là vì tổn hại
lợi ích chúng sinh.

IV-10. Phá niềm an lạc
của một chúng sinh
đã tự gieo nạn
hủy hoại chính mình,
huống chi phá hủy
niềm an vui của
vô lượng hữu tình
cùng tận không gian.

IV-11. Với lực phá giới,
cho dù có chữa
bằng lực phát tâm,
cũng vẫn tới lui
trong cõi sinh tử,
khó lòng có thể
bước vào chứng địa.

IV-12. Vậy thì tôi nay
vì lời đã hứa,
nguyện mọi việc làm
đều luôn cẩn trọng,
từ đây về sau
nếu không cố gắng,
đọa ác đạo rồi
lại đọa sâu hơn.

IV-13. Chư Phật xuất thế
nhiều hàng vô lượng,
phổ độ chúng sinh,
rồi hiện niết bàn.
nhưng tôi phước cạn,
nghiệp chướng sâu dày,
đã chẳng thể nào
hưởng nguồn ân phước.

IV-14. Vậy nếu như tôi
không biết sửa đổi,
thì muôn đời vẫn
cứ thế mà trôi.
khổ đau ràng buộc
sinh tử luân hồi,
bị xé bị giết
trong cõi ác đạo.

IV-15. Được Phật xuất thế,
lại được chánh tín,
cùng với thân người,
đều là thiện duyên
vô vàn quí hiếm,
có thể giúp cho
thiện đức gia tăng,
bao giờ tôi mới
đủ duyên như vậy ?

IV-16. Mặc dù tôi nay
không đói, không bệnh,
không gặp hiểm nguy,
thế nhưng đời sống
ngắn ngủi không bền,
thân thể chỉ là
món đồ vay mượn
trong chốc lát thôi.

IV-17. Vậy mà lại sống
như thế này đây,
chắc chắn chẳng thể
lại sinh làm người.
thân người quí giá
một khi mất rồi,
ác nghiệp càng đầy
thiện đức càng vơi.

IV-18. Đây chính là lúc
đủ duyên làm thiện
lại chẳng chịu làm.
Đợi khi đọa rơi,
trôi lăn vô tận,
biết đến bao giờ !

IV-19. Khi ấy cho dù
mảy may thiện đức
cũng chẳng thể đạt,
ngược lại ác nghiệp
lại thêm chồng chất.
Muôn vạn thời kỳ
đến chữ thiện đạo
cũng chẳng hề nghe.

IV-20. Vì thế Phật dạy,
tựa như rùa mù
giữa lòng đại dương,
làm sao có thể
chui đầu vào ách
nổi trên mặt biển.

IV-21. Cho mỗi việc ác
phạm chỉ một lúc,
địa ngục vô gián
đã phải trầm luân
vô lượng thời kỳ.
Huống chi việc ác
tôi đã gieo từ
vô thủy sinh tử,
chắc chắn chẳng thể
đạt chốn an vui.

IV-22. Khổ báo chịu rồi,
nghiệp vẫn chưa dứt,
càng khổ lại càng
gieo nghiệp nhiều thêm.

IV-23. Nay được lơi nghỉ
lại không tu thiện,
có nỗi ngu nào
bằng nỗi ngu này ?
chẳng thể đối xử
với mình tệ hơn !

IV-24. Nếu như đã biết
mà vẫn không chừa,
đến khi mạng chung
khổ đau khó tránh.

IV-25. Khi mà thân thể
bị lửa hỏa ngục
thiêu cháy lâu dài,
tâm tôi nhất định
triền miên thống khổ
vì lửa ăn năn.

IV-26. Thân người quí hiếm
khó đạt biết bao,
tôi đã đạt rồi.
Đã biết như vậy
mà vẫn còn kéo
mình vào địa ngục.

IV-27. Khác gì bùa chú
khiến cho mất trí.
tôi thật chẳng hiểu
trong tôi thế nào !

IV-28. Kẻ thù sân, tham,
không chân không tay,
không cả giác quan.
Chúng chẳng gan dạ,
cũng chẳng khôn ngoan,
bằng cách nào đây
tôi lại bị chúng
biến thành nô lệ !

IV-29. Chúng ngự trong tôi,
tùy hứng hại tôi.
Tôi lặng lẽ chịu,
không chút oán hờn.
Nhẫn nhịn thế này
thật là trái chỗ !

IV-30. Dù hết chư thiên
cùng a tu la
đồng loạt tấn công
cũng không thể nào
đẩy được tôi vào
lửa ngục vô gián,

IV-31. vậy mà phiền não
chỉ trong thoáng chốc
đã ném tôi vào
sâu thẳm địa ngục,
nơi mà ngay cả
ngọn núi Tu di
cũng cháy tan tro.

IV-32. Phiền não chính là
kẻ thù truyền kiếp,
vô thủy vô chung
bám dính theo tôi.
Kẻ thù thế gian
không bền như vậy.

IV-33. Kẻ thù thế gian
nếu tôi gần gũi
xử tốt với họ,
có khi họ cũng
giúp đỡ cho tôi.
Thế nhưng phiền não
tôi càng chăm sóc
chúng càng tác hại.

IV-34. Triền miên, liên tục,
luôn chỉ là thù,
luôn ám hại tôi,
khiến tôi thêm khổ.
Kẻ thù này lại
ngự trị trong tôi.
Thử hỏi luân hồi
sống yên sao được !

IV-35. Hết thảy cai ngục
trấn cửa sinh tử
cùng bọn đồ tể
ngục tốt diêm vương
hành hạ tôi trong
cảnh khổ địa ngục,
bọn chúng đang ngồi
ngay ở trong tôi,
trong lưới tham dục.
Thử hỏi phận tôi
nào có vui gì !

IV-36. Trận chiến này đây
tôi quyết không bỏ,
cho đến mãi khi
tận diệt kẻ thù.
Người ta bị hại
chút ít mà thôi,
đã nổi lôi đình,
bỏ cả giấc ngủ,
hung hăng quyết thắng.

IV-37. Kẻ thù thế gian
vốn đầy phiền não,
cho dù không giết
tự nhiên cũng chết.
Vậy mà xông pha,
giáo gươm chẳng sợ,
chưa thắng kẻ thù
chưa chịu thoái lui !

IV-38. Huống chi tôi đây,
với kẻ thù này,
đâu thể phóng tâm,
đâu quản gian khó !
Chúng chỉ có một
chức năng duy nhất
là làm tôi khổ.

IV-39. Cho những cuộc chiến
vô nghĩa thế gian,
thương tích còn được
xem là thành tích.
Huống chi trận chiến
cứu cánh này đây,
xá gì đôi chút
thương vay trận mạc !

IV-40. Vì chuyện áo cơm
mà người đánh cá,
đồ tể, nông dân,
chịu nóng, chịu rét.
Vậy nay tôi đây
vì nguồn hạnh phúc
của khắp chúng sinh,
lẽ nào không thể
chịu chút khổ này ?

IV-41. Khi kia tôi nguyện
chúng sinh mười phương
cùng tận không gian,
tôi đều độ thoát
nhiễm tâm phiền não.
Trong khi chính tôi
chưa được như vậy !

IV-42. Thật là không biết
tự lượng sức mình !
Chẳng phải đã quá
điên rồ hay sao ?
Nhưng đã trót thề
thì trận chiến này
chống thù phiền não
càng không thể thua !

IV-43. Là điều duy nhất
nung nấu tâm can,
tôi quyết khai chiến,
lòng tràn oán hận !
Não hận loại này
sẽ diệt phiền não,
vì vậy phải giữ,
đừng vội quét đi.

IV-44. Chẳng thà thân tôi
chết vì lửa cháy,
hay là đầu này
bị chém lìa thân,
quyết chẳng bao giờ
hàng thuận tôn vinh
kẻ thù truyền kiếp
nhiễm tâm phiền não !

IV-45. Kẻ thù thế gian
khi bị đánh đuổi,
có thể tháo lui
ẩn binh xứ khác,
củng cố lực lượng
chờ dịp phản công.
Nhưng thù phiền não
lại không như vậy.

IV-46. Phiền não tội nghiệp,
nếu bị mắt tuệ
tấn công tơi bời,
đánh đuổi khỏi tâm,
chúng biết trốn đâu ?
bao giờ trở lại ?
Cơ sự chỉ tại
vì tôi yếu, lười !

IV-47. Phiền não chẳng trú
bên trong đối cảnh,
hay nơi giác quan,
hay ở chính giữa.
Cũng chẳng trú ở
nơi chốn nào khác.
Vậy chúng ở đâu
mà hại chúng sinh
khốn đốn thế này ?
Chỉ là ảo ảnh,
có gì đáng sợ !
Cứ hãy kiên trì
khai tuệ, chứng tánh.
Khổ đau địa ngục
thật không cần thiết,
chẳng cần phải theo !

IV-48. Tư duy như vậy.
Ra công như vậy.
Nỗ lực thực hành
giới hạnh như vậy.
Người bệnh nếu không
nghe lời thầy thuốc,
bệnh làm sao lành ?

/ Hết Chương 4 /

|| Đọc Tiếp Chương 5 >>>

Chương Năm: GÌN GIỮ CHÁNH TRI

V-1. Muốn tu cần phải
tự giữ lấy tâm.
Không giữ được tâm
thì mọi công phu
đều không giữ được.

V-2. Tâm như voi điên,
nếu như thả lỏng
sẽ đẩy ta vào
địa ngục vô gián.
Voi lớn bất thuần
của khắp thế gian
cũng không thể nào
hại ta như vậy.

V-3. Nhưng nếu voi này
dùng dây chánh niệm
trói chặt mọi bề,
thì bao sợ hãi
đều tan biến hết,
tất cả thiện pháp
rơi vào lòng tay.

V-4. Cọp, sư tử, voi,
gấu, rắn, kẻ thù,
quỉ giữ địa ngục,
các loài tà ma,
quỉ ăn xác chết,
cùng với tất cả
mọi loài quỉ dữ,

V-5. chỉ cần trói tâm
là trói được cả,
chỉ cần thuần tâm
là thuần tất cả.

V-6. Đức Phật là người
nói đúng sự thật
đã tuyên thuyết rằng:
sợ hãi, khổ đau,
hết thảy đều do
nơi tâm mà có.

V-7. Ai đã cố tình
tạo ra binh khí
hành hạ chúng sinh
trong cõi địa ngục ?
Nền sắt cháy đỏ
là do ai nung ?
Giống quỷ ăn thịt
đội lốt mỹ nhân
từ đâu mà có ?

V-8. Bậc Đại Trí dạy:
những điều nói trên
đều do nơi tâm
tạo sinh ác nghiệp.
Nên khắp ba cõi
ngoài tâm này ra
thời không có gì
đáng để sợ hãi.

V-9. Nếu như nói rằng
thí độ nghĩa là
làm cho chúng sinh
không còn nghèo khổ,
thế thì hạnh thí
chư Phật ngày xưa
viên thành thế nào,
để cho bây giờ
vẫn còn kẻ đói ?

V-10. Thí độ thật ra
là mang tất cả
những gì mình có
tặng cho chúng sinh;
được bao công đức
cũng bố thí cả.
Vì vậy mà nói
viên mãn Thí độ
ngay từ nơi tâm.

V-11. Tôm cá các loại
mang giấu đi đâu
để khỏi bị giết ?
Giới độ nghĩa là
ngay từ nơi tâm
không còn ý nghĩ
tác hại chúng sinh.

V-12. Những kẻ ác hiểm
cùng khắp không gian,
làm sao có thể
hủy diệt tất cả ?
Nhưng nếu hủy diệt
ác hận nơi tâm
thì cũng giống như
diệt hết kẻ thù.

V-13. Tìm đâu ra da
phủ khắp mặt đất ?
Chỉ cần miếng da
lót dưới gót giày,
thì cũng như là
phủ da mặt đất.

V-14. Tương tự như vậy,
sự việc bên ngoài
làm sao điều phục ?
Điều phục được tâm
thì chẳng còn gì
để mà điều phục.

V-15. Ý niệm trong sáng
đủ sức tạo quả
thọ sinh Phạm thiên.
Quả thân, khẩu nghiệp
đều không thể sánh.

V-16. Bậc Biết Thực Tại
dạy rằng: nếu như
tâm ý xao lãng,
thì dù miệng tụng,
thân tu khổ hạnh
trong thời gian dài
cũng đều vô ích.

V-17. Những ai không hiểu
bí ẩn của tâm
siêu việt vạn pháp,
thì dù mong cầu
an lạc, thoát khổ,
cũng chỉ có thể
trầm luân vô định
trong cõi luân hồi.

V-18. Vậy nay tôi xin
giữ lấy tâm mình.
tâm này chẳng giữ
thì bao giới luật
giữ có ích gì ?

V-19. Giữa đám hỗn loạn,
nếu thân bị thương,
chắc chắn ta sẽ
thận trọng giữ gìn.
Vậy nay đứng giữa
thế gian hiểm ác,
tâm là vết thương
cần được gìn giữ.

V-20. Vết thương thân thể
đau đớn là bao,
mà ta vẫn sợ
hết sức giữ gìn.
Vậy sao chẳng sợ
đớn đau cùng cực
địa ngục núi đè,
để lo giữ gìn
vết thương nơi tâm ?

V-21. Nếu cách hành xử
luôn được như vậy,
thì dù ở giữa
ác nhân, nữ sắc,
giới vẫn kiên định,
không bị đọa rơi.

V-22. Tài sản, danh dự,
thân mạng, sinh kế,
đều có thể mất,
ngay như tất cả
mọi thiện đức khác,
có thể hư mòn,
thế nhưng không thể
để thoái chuyển tâm !

V-23. Này người mong muốn
gìn giữ tâm mình,
tôi chắp hai tay
thiết tha khẩn nguyện:
hãy giữ chánh niệm,
cùng với chánh tri,
như thể giữ gìn
chân tay, thân mạng.

V-24. Thân này nếu bị
bệnh khổ hành hạ,
thì chẳng có sức
để làm gì cả.
Tương tự như vậy,
tâm này nếu bị
vô minh hành hạ,
thì không đủ sức
giữ gìn hành động.

V-25. Tựa như bình rỉ
chẳng giữ được nước,
tâm thiếu chánh tri
thì dù có nghe,
tư duy, tu tập,
trí nhớ cũng chẳng
giữ được chút gì.

V-26. Nhiều người đa văn,
tinh tấn, chánh tín,
nhưng vì sai lầm
thiếu mất chánh tri,
nên vẫn đọa rơi.

V-27. Sự thiếu chánh tri
tựa như kẻ trộm,
rình rập lẻn vào
cướp đi chánh niệm,
cướp luôn tất cả
phước đức tích tụ,
khiến phải đọa rơi
tận cùng ác đạo.

V-28. Phiền não cũng như
một lũ trộm cướp,
rình rập thời cơ
cướp đoạt thiện đức,
khiến ta không thể
sinh vào thiện đạo.

V-29. Nên đừng bao giờ
để cho chánh niệm
xa rời cửa ý.
nếu lỡ rời xa,
hãy mau nhớ lại
cảnh khổ ác đạo
để gọi ngay về.

V-30. Nhờ nghe lời khuyên
phương trượng trụ trì,
nhờ sợ ác đạo,
và nhờ sống gần
bên cạnh đạo sư,
mà người thiện duyên
với lòng thành kính
dễ sinh chánh niệm.

V-31. Chư Phật, Bồ Tát
mắt không ngăn ngại,
thấy biết khắp cả,
luôn luôn có mặt
ở cạnh bên tôi.

V-32. Biết nghĩ như vậy
sẽ biết kính sợ,
sinh tâm tàm quí,
nhờ vậy thường xuyên
nhớ nghĩ đến Phật.

V-33. Khi lấy chánh niệm
để làm lối ngõ
gìn giữ cửa tâm.
chánh tri sẽ khởi.
Những gì đã mất
sẽ đều trở lại.

V-34. Trước khi phát xuất
lời nói, hành động,
nếu như thấy tâm
không được thanh tịnh,
thì phải lập tức
tự chế ngự mình:
yên như khúc gỗ.

V-35. Không để ánh mắt
lơ đễnh nhìn quanh,
hãy nên nhiếp tâm
xuôi mắt nhìn xuống.

V-36. Thỉnh thoảng để mắt
thư thả nhìn quanh.
Khi gặp người quen
hãy nên nhìn thẳng,
nói lời chào hỏi.

V-37. Khi cần canh chừng
nguy hiểm trên đường,
hãy nên cẩn thận
nhìn quanh bốn hướng.
Khi cần nghỉ ngơi,
hãy nên quay lại
nhìn ở phía sau.

V-38. Nhìn rõ trước sau
để mà tới lui.
Trong mọi hoàn cảnh,
phải nên thấy rõ
việc gì cần làm
thì hãy nên làm.

V-39. “Tôi giữ thân thể
theo tư thế này,”
rồi trở lại với
những việc đang làm.
Thỉnh thoảng xét lại
xem thân thể đang
trong tư thế nào.

V-40. Tâm như voi điên,
bây giờ trói chặt
vào cột chánh pháp.
Phải nên nỗ lực
hết sức canh chừng,
đừng cho sổng chạy.

V-41. Nếu muốn cố gắng
tu cho đạt định,
thì dù một niệm
cũng không để mất.
Phải luôn quán sát
xem tâm hiện tại
đang ở nơi đâu.

V-42. Nếu như không thể
giữ được như vậy,
vào lúc hiểm nghèo
nguy hại tính mạng,
hay lúc lễ lạt
pháp hội cúng dường,
thì hãy tùy cảnh,
hành động thích đáng.
Đức Phật có dạy,
khi hành hạnh thí,
có thể xả bỏ
giới luật chi li.

V-43. Toan tính việc gì,
một khi bắt đầu
thì đừng suy nghĩ
đến những việc khác,
chuyên chú cho xong
việc mình đang làm.

V-44. Có được như vậy,
mọi việc mới thành,
bằng không việc gì
cũng chẳng làm xong.
Làm theo như vậy,
tâm bất chánh tri
sẽ không phát triển.

V-45. Khi đi vào nơi
náo nhiệt vui vẻ,
với nhiều chuyện phiếm,
nhiều trò giải trí,
thì đừng ham vui,
dứt tâm mê luyến.

V-46. Nếu như thấy mình
tự nhiên vô cớ
đào đất, bứng cỏ,
vạch hình mặt đất,
thì hãy nhớ lại
lời đức Thiện thệ,
để mà biết sợ,
lập tức ngừng tay.

V-47. Khi muốn cử động,
hay muốn nói năng,
hãy xét tâm trước:
kiên định giữ gìn
hành động đúng đắn.

V-48. Tâm nổi tham luyến,
hoặc nổi sân hận:
thì đừng làm gì,
cũng đừng nói gì.
phải nên giữ mình
lặng yên như cây.

V-49. Khi tâm lăng xăng,
mỉa mai, kiêu mạn,
muốn nhạo báng người,
muốn gây chia rẽ,
lừa đảo, dối láo,

V-50. muốn tự khen mình,
chê bai người khác,
dùng lời thô ác
kiếm chuyện sinh sự,
những lúc như vậy
phải nên giữ mình
lặng yên như cây.

V-51. Khi tâm nổi tham,
muốn danh, muốn lợi,
muốn người tôn kính,
thị giả đệ tử
muốn họ chăm lo,
muốn người hầu hạ,
những lúc như vậy
phải nên giữ mình
lặng yên như cây.

V-52. Khi tâm quẳng hết
lợi ích của người,
muốn nói những điều
nhằm thủ lợi riêng,
những lúc như vậy
phải nên giữ mình
lặng yên như cây.

V-53. Khi thiếu kiên nhẫn,
làm biếng, nhát gan,
hay quá tự tin,
ồn ào khinh mạn,
hay là chấp thủ
những thứ của mình,
những lúc như vậy
phải nên giữ mình
lặng yên như cây.

V-54. Hãy quán xét tâm,
nhận diện phiền não
và tính ưa thích
những chuyện tào tạp
để mà can đảm
nắm giữ lấy tâm
bằng thuốc đối trị.

V-55. Tín tâm sâu xa,
kiên định, cung kính,
lễ độ, hổ thẹn,
biết sợ quả báo,
an định mang lại
hạnh phúc chúng sinh.

V-56. Đối trước tất cả
đòi hỏi vô lý,
tranh cãi ấu trĩ,
bồ tát cũng không
sinh tâm chán ngán,
vì những điều này
chỉ do phiền não
tác động mà thành,
cho nên phải hiểu
để trải từ tâm.

V-57. Vì chính bản thân
và vì người khác
mà giữ thiện hạnh
cho thật toàn hảo,
phải luôn ghi nhớ
rằng chính tâm này
vô ngã, như huyễn.

V-58. Thường xuyên nghĩ rằng:
“Khó khăn chờ đợi
không biết bao lâu
nay mới có được
thân người quí hiếm,”
giữ tâm bất động
trong ý nghĩ này,
kiên định vững vàng
như ngọn núi vương.

V-59. Này tâm, cho dù
kên kên háu đói
xâu xé thi thể,
lôi kéo khắp nơi,
ngươi cũng chẳng buồn.
vậy sao bây giờ
ngươi lại mải mê
nuông chiều thân thể ?

V-60. Này tâm, sao ngươi
lại bám thân này
gọi là “của tôi” ?
Giữa ngươi và nó
hoàn toàn khác biệt.
nó nào có ích
gì cho ngươi đâu ?

V-61. Này tâm hư vọng
sao chẳng chọn thân
chạm trong gỗ sạch
làm thân của mình,
mà lại chọn lấy
dụng cụ ô uế
làm bằng của dơ ?

V-62. Trước hết dùng trí
mà lột lớp da;
rồi hãy vận dụng
lưỡi gươm trí tuệ
để lóc hết thịt
ra khỏi bộ xương;

V-63. rồi xẻ cả xương
tìm vào trong tủy,
hãy tự hỏi mình:
“Đâu là tinh túy ?”

V-64. Cho dù truy tìm
ráo riết như vậy,
vẫn không thể thấy
tinh túy ở đâu.
Vậy sao cứ vẫn
bám giữ tham luyến
ở nơi thân này ?

V-65. Thân này ô uế,
chẳng thể nào ăn.
Ngay cả máu này
cũng không thể uống.
Ruột gan phèo phổi,
chẳng thể chấm mút.
Thân này thử hỏi
cần để làm chi ?

V-66. Thật ra có thể
giữ thân làm mồi
cho chim kên kên
hay cho chó rừng.
Giá trị thân này
chỉ nằm ở chỗ
ta mang thân ấy
dùng vào việc chi.

V-67. Cho dù chắt chiu
gìn giữ như vậy,
đến khi Thần Chết
đánh cắp mất đi,
vất cho chim, chó,
khi ấy thử hỏi
biết làm thế nào ?

V-68. Tôi tớ lười biếng
không chịu làm việc,
thì ta chẳng màng
cho áo cho cơm.
vậy tấm thân này
vì sao ta lại
phí công cung phụng ?
Dù nuôi cách nào
cũng sẽ có ngày
bỏ ta mà đi

V-69. Đã trả thù lao
thì phải bắt làm
cho thật xứng đáng.
Còn như đối với
loại vô tích sự
ta cũng chẳng nên
lãng phí làm gì.

V-70. Hãy xem thân này
tựa như chiếc thuyền
đưa ta tới lui:
chuyển thành dụng cụ
thực hiện nguyện ước
cho khắp chúng sinh.

V-71. Vậy hãy tự chế,
mặt luôn tươi cười,
không bao giờ còn
chau mày nhăn nhó;
và hãy trở thành
người bạn chân thành
của khắp chúng sinh.

V-72. Khi khiêng bàn ghế,
đừng vô ý tứ
tạo nhiều tiếng ồn.
Mở cửa nhẹ nhàng,
đừng nên thô bạo.
Hãy ưa thích hạnh
tế nhị kín đáo.

V-73. Cò, mèo, kẻ trộm,
làm được tất cả
những gì muốn làm
nhờ luôn tới lui
âm thầm kín đáo.
Kẻ trí khi tu
cũng thường như vậy.

V-74. Bậc trí khéo biết
giáo huấn chúng sinh,
nói lời lợi ích
không đợi ai cầu,
vậy ta hãy nên
cung kính tiếp nhận.
Với khắp mọi người
hãy luôn học hỏi.

V-75. Có ai nói lời
khéo tạo lợi ích,
hãy nên khen ngợi
rằng “thật khéo nói !”
Có ai làm điều
mang lại lợi ích,
hãy nên khuyến khích
và tâm mừng vui.
76. Khi ở sau lưng,
hãy nên khen ngợi
thiện đức người khác.
Và khi có ai
khen ngợi người khác,
hãy khen ngợi theo.
Nếu như lời khen
là dành cho mình,
thì hãy nghĩ về
những thiện đức này
với lòng tùy hỉ.

V-77. Hết thảy thiện hạnh
đều là nhân tố
tạo nên niềm vui
vô cùng quí hiếm.
Bao nhiêu tài sản
cũng chẳng thể mua.
vậy hãy tận hưởng
tất cả niềm vui
đến từ thiện hạnh
của khắp mọi người.

V-78. Làm được như vậy
thì trong đời này
chẳng mất mát gì,
và mọi đời sau
được niềm vui lớn.
Còn bới lỗi người
chỉ khiến cho mình
thành kẻ khó ưa,
tâm trí khổ sở,
đến những đời sau
khổ đau càng lớn.

V-79. Khi nói, hãy nên
khởi tự đáy lòng,
thốt lời mạch lạc,
ý nghĩa rõ ràng,
âm điệu dễ nghe,
dẹp mọi tham, sân,
nhẹ nhàng, vừa đủ.

V-80. Khi nhìn, hãy nên
nhớ rằng chính nhờ
dựa vào chúng sinh
mà ta có thể
đạt quả giác ngộ,
vậy hãy nhìn bằng
ánh mắt chân thành
chan chứa từ tâm.

V-81. Hãy luôn giữ lấy
tâm nguyện cao nhất,
nỗ lực áp dụng
năng lực đối trị,
thì sẽ nhận được
công đức lớn lao
đến từ kỉnh điền
ân điền, bi điền.[1]

V-82. Hãy khéo hành sự,
tín tâm thâm sâu,
tự làm thiện hạnh,
không ỷ nơi người.

V-83. Thực hành hạnh Thí
cùng với tất cả
Ba La Mật khác,
làm cho tăng trưởng
từng hạnh, tuần tự.
Không vì hạnh nhỏ
mà bỏ hạnh lớn,
quan trọng nhất là
lợi ích cho người.

V-84. Hiểu rõ như vậy,
luôn nỗ lực vì
lợi ích chúng sinh.
Đức Phật Từ Bi
thấy xa, cho phép
bồ tát xả bỏ
cả những điều cấm.

V-85. Chỉ ăn vừa đủ;
hãy nên chia sẻ
cho người giữ giới,
cho người rơi đọa,
cho người khốn cùng
không nơi nương tựa,
ngoài ba bộ y
hãy nên cho hết.

V-86. Thân này dùng để
hành trì diệu pháp,
không thể vì những
việc làm tào tạp
mà hại đến thân.
Làm được như vậy,
bao nhiêu ước nguyện
của khắp chúng sinh
sẽ mau toàn thành.

V-87. Nếu tâm đại bi
chưa được thanh tịnh,
nhất định không nên
thí xả thân thể.
Nhưng nếu là vì
mục tiêu cứu cánh,
thì nên cho hết
đời này, kiếp sau.

V-88. Không nên nói pháp
cho người không có
thái độ cung kính,
hay cho những người
không bệnh mà vẫn
quấn khăn trùm đầu,
cho người che dù,
cầm gậy, binh khí,
hay cho những người
trùm khăn che mặt.

V-89. Cho người trí cạn,
không thuyết quảng, thâm;
cũng không nói pháp
cho người khác phái
khi chỉ một mình.
Đối với giáo pháp
dù cạn hay sâu,
cũng đều nói bằng
tấm lòng cung kính.

V-90. Không nói pháp nhỏ
cho người tâm lớn.
Không khiến cho người
xả bỏ giới hạnh,
lạc lối lầm đường
với pháp hiển tông
hay là mật tông.

V-91. Khi nhổ nước bọt,
vất tăm xỉa răng,
phải phủ đất lại.
Phân và nước tiểu,
không thải vào nơi
đất sạch, nước trong
dành cho mọi người.

V-92. Khi ăn, hãy đừng
nhai nuốt ngồm ngoàm,
ồn ào, há miệng.
Khi ngồi, hãy đừng
duỗi thẳng chân ra,
hay khoanh tay lại.

V-93. Không đi chung xe,
không ngồi chung giường,
hay ở chung phòng
với người khác phái.
Quan sát tìm hiểu
điều gì khiến người
sinh lòng thị phi,
hãy từ bỏ hết.

V-94. Chỉ đường cho người
đừng nên vô lễ
trỏ bằng ngón tay.
Hãy nên cung kính
mở bàn tay phải.

V-95. Không vẩy mạnh tay,
hay hét lớn tiếng,
hãy tỏ ý mình
bằng lời nhỏ nhẹ,
kín đáo búng tay,
bằng không sẽ thành
vô lễ quá độ.

V-96. Khi nằm, hãy chọn
quay về hướng tốt,
giống như tư thế
Phật nhập niết bàn;
và ngay từ đầu
phải giữ ý niệm
quyết chẳng bao lâu
sẽ lại đứng lên.

V-97. Trong số vô vàn
thiện hạnh bồ tát
đã được nhắc đến,
hãy nên thực hành
tất cả những hạnh
thanh tịnh hóa tâm.

V-98. Đọc Kinh Tam Tụ
ba thời ban ngày,
ba thời ban đêm.
Nương vào chư Phật
cùng tâm bồ đề,
thanh tịnh tất cả
giới phạm còn lại.

V-99. Trong mọi hoàn cảnh,
trong mọi hành động,
dù là cho mình
hay là cho người,
hãy nên tinh tấn
áp dụng tất cả
pháp hành thích hợp
với hoàn cảnh ấy.

V-100. Không có pháp nào
mà người con Phật
không cần phải tu.
Khéo tu như vậy
thì chẳng việc gì
lại không tạo phước.

V-101. Dù là trực tiếp,
hay là gián tiếp,
đừng làm những việc
không vì chúng sinh.
Có làm được gì
cũng vì chúng sinh
hồi hướng tất cả
về vô thượng giác.

V-102. Dù xả thân mạng,
bồ tát cũng không
lìa thiện tri thức,
là bậc thông tuệ
pháp tu đại thừa;
và cũng không lìa
giới hạnh bồ tát.

V-103. Phải học cách thức
tôn kính đạo sư
như đã nói trong
Truyện Cát Tường Sinh.
Những lời khuyên này
và giáo pháp khác
đều có thể học
từ trong kinh luận.

V-104. Mọi pháp hành trì
đều có trong kinh,
phải nên tìm đọc.
Trước hết nên đọc
Kinh Hư Không Tạng.

V-105. Những điều cần tu
đều được giải thích
rõ ràng sâu rộng
trong Học Tập Luận,
vì vậy phải nên
siêng năng đọc tụng.

V-106. Thỉnh thoảng có thể
học Kinh Tập Luận,
là bộ tóm lược
kinh điển đại thừa,
cũng nên tìm đọc
bộ luận cùng tên
của ngài Long thọ.

V-107. Tất cả những gì
kinh luận không cấm,
hãy nên tu học.
Tất cả những gì
dạy trong kinh luận,
hãy nên thực hành
để mà giữ gìn
tâm của chúng sinh.

V-108. Muốn giữ chánh tri,
nói cho ngắn gọn
phải làm như sau:
hãy thường quán xét
xem thân và tâm
đang như thế nào.

V-109. Những điều nói đây
cần phải thực hành,
nói suông thì chẳng
lợi ích gì đâu !
Phỏng như người bệnh
chỉ đọc toa thuốc
bệnh làm sao dứt ?

/ HẾT CHƯƠNG 5  /

Ghi chú chương 5:
[1] kỉnh điền: Phật và Bồ Tát; ân điền: cha mẹ, bằng hữu; bi điền: chúng sinh

|| Đọc Tiếp Chương 6 >>>

Chương Sáu: HẠNH NHẪN

VI-1. Bao nhiêu việc lành
bố thí, cúng Phật,
công đức tích lũy
hàng trăm vạn kiếp,
chỉ cần loé lên
mỗi một niệm sân,
cũng đủ làm cho
tiêu tan hết thảy.

VI-2. Không ác nghiệp nào
như là nghiệp sân.
không hạnh tu nào
sánh bằng hạnh nhẫn.
Vậy hãy đưa tâm
vào trong hạnh nhẫn,
khéo léo, phong phú
miên mật kiên trì.

VI-3. Ai để sân hận
dày vò tâm can,
thời tâm không còn
biết đến bình an,
đối với niềm vui
thành kẻ xa lạ,
chẳng thể chợp mắt
chẳng ngớt bất an.

VI-4. Cho dù ta có
rộng rãi cho ra
tiền tài, địa vị,
nhưng nếu tâm trí
cuồng điên vì sân,
thời kẻ hàm ân
vẫn sẽ bức trí
mà hại đến mình.

VI-5. Gia đình bè bạn
mệt mỏi chán ngán,
kẻ chịu ân cũng
chẳng kính, chẳng tin.
Người nhiều sân hận
có bao giờ sống
trong cảnh an bình.

VI-6. Bao khổ đau này
đều do kẻ thù
sân hận gây nên.
Ai biết túm lấy
đập tan sân hận,
đời này kiếp sau
sẽ sống an bình.

VI-7. Muốn mà không được;
không muốn phải chịu;
gặp điều nghịch ý
nên tâm không vui:
đây là lương thực
nuôi cho sân hận
trưởng thành lớn mạnh,
đánh tôi tơi bời.

VI-8. Nên phải làm sao
cắt đường tiếp tế
của kẻ thù này.
Nó có mục đích
nào khác hơn là
đánh gục tôi đâu !

VI-9. Nên tôi mặc kệ,
ra sao thì ra,
quyết không thể để
sinh tâm buồn chán.
luôn giữ nội tâm
vui tươi trong sáng.
Vì tâm không vui
sẽ không thể đạt
những điều mình muốn,
ngược lại thiện đức
sứt mẻ tan hoang.

VI-10. Sự việc nếu vẫn
còn phương cứu chữa,
chẳng lý do gì
tâm lại không vui.
còn nếu thật sự
vô phương cứu chữa,
thử hỏi không vui
liệu có ích gì ?

VI-11. Đớn đau, lăng nhục,
dèm pha, quở mắng,
đều là những điều
không ai mong cầu,
dù là cho mình
hay cho người thân.
Cho người mình ghét
lại là trái ngược.

VI-12. Những điều tạo vui
vốn là rất hiếm,
việc sinh đau khổ
thì lại rất nhiều.
Nhưng không khổ đau
thời chẳng thể nào
khởi tâm thoát khổ.
vậy tâm tôi ơi,
hãy nên kiên định !

VI-13. Người thờ Dur-ga,
dân kar-na-ta,
chịu bao khổ hạnh,
tự thiêu tự cắt,
chẳng lợi ích chi.
Nay vì giải thoát
sao tôi đây lại
yếu đuối ương hèn.

VI-14. Không có việc gì
không thể làm quen,
quen rồi chắc chắn
nhẹ nhàng hơn trước.
Nay dùng khổ nhỏ
để mà huân tập,
mai sau khổ lớn
gánh vác dễ dàng.

VI-15. Chút khổ thế gian
đã là như vậy:
muỗi mòng rắn rít
cắn đau ngứa ngáy,
chịu đói chịu khát
da dẻ tấy sưng.

VI-16. Dù là nóng rét,
gió mưa, tật bệnh,
chịu cảnh tù đày,
hay bị hành hung,
tâm hãy an vui,
quyết đừng phật ý.
Để tâm không vui
việc sẽ tệ hơn.

VI-17. Có người nhìn thấy
máu của chính mình,
tâm lại càng thêm
quật cường dũng mãnh.
Lại có những kẻ
thoáng thấy máu người,
tâm thần choáng váng
bất tỉnh hôn mê.

VI-18. Hoàn toàn tùy ở
dũng lực nơi tâm,
chọn tâm dũng mãnh
hay tâm hèn yếu.
Vậy tôi nào có
sợ gì thương tích,
khổ đau trùng điệp,
quyết chẳng nao lòng.

VI-19. Đớn đau ập đến,
kẻ trí chẳng sờn,
tâm không chao động,
điềm tĩnh an nhiên.
Dặm trường xông pha
chống quân phiền não,
gian lao trận mạc
nào có xá gì.

VI-20. Tâm không quản ngại
khổ của chính mình,
quét sạch hết thảy
giặc thù ác sân.
Đây mới chính là
anh hùng đại thắng;
anh hùng thế gian
chỉ chém thây ma.

VI-21. Là vì khổ đau
cũng nhiều giá trị:
nhờ khổ đau mà
đánh mất tự kiêu;
Tâm càng xót thương
Chúng sinh luân lạc;
Thêm sợ việc ác,
Thêm vui việc lành.

VI-22. Cơ thể vướng bệnh
ta có hận đâu,
mặc dù mang đến
muôn vàn đau đớn.
Việc chi phải hận
những kẻ hại mình,
họ chỉ kém trí,
bị duyên ràng buộc.

VI-23. Cho dù không muốn,
bệnh vẫn phát sinh.
cho dù không cầu,
phiền não cứ khởi.

VI-24. Chẳng ai nghĩ rằng
bây giờ nên giận,
chỉ là bất ngờ
nổi giận thế thôi.
Cơn giận cũng chẳng
nghĩ mình cần khởi,
chỉ là tự nhiên
nổi trận lôi đình.

VI-25. Nhiễm tâm phiền não,
bất kể loại nào,
mọi điều bất thiện
của khắp thế gian,
hết thảy đều do
nhân duyên mà có,
chẳng phải tự phát,
cũng chẳng tự sinh.

VI-26. Nhân duyên hội tụ
không có ý nghĩ
rằng “ta đây phải
tạo quả, tác sinh.”
Cái được tạo tác
cũng không từng nghĩ
rằng: “bản thân ta
mới được sinh ra.”

VI-27.  Điều được gọi là
“bản thể nguyên sơ,”
hay còn được gọi
là “Ngã,” là “Tôi,”
chỉ là giả danh
không có ý nghĩ
“Ta phải sinh ra”
rồi mới phát sinh.

VI-28. Là bởi chưa sinh
thì không hiện hữu,
làm sao có thể
khởi ý muốn sinh ?
Nếu đã thường còn
mà tiếp cận cảnh,
thì chẳng làm sao
dứt được cảnh này.

VI-29. Rõ ràng là Ngã
nếu thật thường còn
thì phải ù lì
tựa như hư không;
cho dù hội tụ
với nhiều duyên khác,
cũng chẳng đối tác,
vì không biến động.

VI-30. Dù duyên tác động
ngã vẫn y nguyên.
Làm sao có thể
ảnh hưởng đến Ngã ?
Nếu nói duyên là
tánh chất của ngã,
thời biết lấy gì
kết nối hai bên ?

VI-31. Mọi sự đều là
tùy thuộc nhân duyên,
vì tùy nhân duyên
nên không tự phát.
Hiểu được vậy rồi
còn chi để hận,
muôn sự chỉ là
ảo ảnh mà thôi.

VI-32. Nếu nói “trừ hận
là việc dư thừa,
vì nào có gì
để ai trừ diệt,”
thế nhưng khổ đau
triền miên bất tận,
nhờ vào hạnh nhẫn
có thể đoạn lìa,
nên nói trừ hận
chẳng có gì sai.

VI-33. Vậy dù kẻ thù
hay là bằng hữu
làm điều sai quấy,
tôi vẫn an nhiên.
Tâm vẫn yên vui
tự mình nhắc nhở
rằng khắp vạn pháp
đều là duyên sinh.

VI-34. Nếu như mọi sự
tùy nơi ý mình,
thì khổ đau này
đã chẳng phát sinh.
Thế gian có ai
là người muốn khổ !

VI-35. Vậy mà vô tâm
không hề ý thức,
tự dẫn mình vào
những chốn chông gai,
điên cuồng đuổi theo
nữ nhân, sự nghiệp,
đến nỗi không ăn
bỏ đói chính mình.

VI-36. Có kẻ tự treo
có kẻ nhảy vực,
tự uống thuốc độc,
ăn của thối tha,
tự tạo ác nghiệp,
gieo họa cho mình.

VI-37. Khi nổi oán hận,
ngay chính bản thân
cưng quí biết bao
họ còn tự sát,
làm sao có thể
không gây họa lớn
cho người xung quanh ?

VI-38. Vậy với những người
phiền não thao túng,
có thể cuồng điên
sát hại chính mình,
đã chẳng quan tâm
thương xót thì thôi,
cũng đâu có gì
để tôi phải hận.

VI-39. Phàm phu ấu trĩ
nếu từ bản chất
là luôn hại người,
thì ta giận họ
khác gì giận lửa
vì sao lại cháy.

VI-40. Còn nếu như họ
bản chất hiền lành,
chỉ là lầm lỗi
nhất thời mà thôi,
vậy nếu giận họ
khác gì nổi giận
với bầu trời xanh
sao dâng đầy khói.

VI-41. Mặc dù cây gậy
mới làm tôi đau,
nhưng tôi lại hận
chính người cầm gậy.
Nhưng người cầm gậy
thật ra là do
ác hận thao túng,
lẽ ra tôi phải
oán ác hận này.

VI-42. Quá khứ chính tôi
đã từng như vậy,
đánh đập ngược đãi
khắp chúng hữu tình.
Nay tôi bị đánh
cũng là đáng thôi !

VI-43. Gậy kia, thân này,
đều là thủ phạm
khiến tôi đau đớn.
Gậy là của người,
thân là của mình,
thật sự chẳng biết
phải hận ai đây !

VI-44. Thân là vết thương
sưng tấy lở loét
mang tướng dạng người,
chạm nhẹ cũng đủ
đau nhức không nguôi.
Tôi vì mù quáng
bám chặt vào nó,
đến khi nhức nhối
hận ai bây giờ ?

VI-45. Thật là ấu trĩ !
tôi sợ khổ đau
nhưng lại bám theo
toàn nhân tạo khổ !
Tự gieo lầm lỗi,
tự hại lấy thân,
vậy sao tôi lại
nổi sân với người !

VI-46. Sự thật là vậy,
phải hận ai đây ?
Hết khổ đau này
toàn do tôi tạo:
ngục tốt Diêm vương
trong cõi địa ngục,
hay cả rừng đao
toàn là ác báo.

VI-47. Họ đến hại tôi
là vì nghiệp tôi
kêu mời họ đến.
Nếu như vì vậy
họ phải đọa rơi
cùng tận địa ngục
thì có phải là
tôi hại họ không !

VI-48. Vì họ mà tôi
tu được hạnh nhẫn,
tịnh được ác nghiệp.
Còn nhờ vào tôi
mà họ đọa rơi
vào cõi địa ngục.

VI-49. Vậy thật ra tôi
là kẻ gây hại,
còn họ thì lại
là kẻ ban ơn.
Thử hỏi tâm tôi
ác hiểm thế nào
để còn tráo trở
sinh lòng hờn oán !

VI-50. Tâm mà có nhẫn
sẽ khỏi đọa rơi
vào cảnh địa ngục.
Cứu mình được rồi,
nhưng còn kẻ thù
cứu cách nào đây !

VI-51. Vậy nếu như tôi
ăn miếng trả miếng,
chắc chắn sẽ khiến
cho họ đọa rơi,
còn mình hạnh tu
nhất định suy thoái,
giới tu nhất định
tan hoang không còn.

VI-52. Tâm đâu có thân,
có ai diệt được,
nhưng vì tâm cứ
tham chấp nơi thân,
mà thân thì lại
đớn đau quẫn bách.

VI-53. Cho dù người ta
dùng lời mắng chửi,
nói lời thô ác,
nói lời khó nghe,
lời nói có làm
gì được tôi đâu !
Vậy tâm tôi ơi
cớ sao oán hận ?

VI-54. Người ta ghét tôi.
sự thù ghét này
đâu có làm sao
nhai nuốt được tôi.
Đời này chẳng thể
đời sau cũng không.
vậy tại sao tôi
không thích bị ghét ?

VI-55. Hay là không thích
vì nó cản tôi
đạt điều mình muốn ?
Nhưng tài sản rồi
phải bỏ phía sau,
ác nghiệp thì lại
bền bỉ theo đuổi.

VI-56. Vậy thà tôi đây
chết ngày hôm nay,
còn hơn là sống
để gieo tội nghiệt !
Kẻ giống như tôi,
dù sống nhiều ít,
đến khi chết đến
khổ cũng như nhau.

VI-57. Có người nằm mơ
thấy mình sống vui
hơn một trăm tuổi,
để rồi tỉnh mộng.
lại có người mơ
thấy mình sống vui
được trong khoảnh khắc
rồi cũng tỉnh mộng.

VI-58. Mộng đã tỉnh rồi
thì dù trăm năm
hay dù khoảnh khắc,
niềm vui kia cũng
không còn trở lại.
Tương tự như vậy,
khi giờ chết điểm,
đời sống dài ngắn
chẳng khác gì nhau.

VI-59. Cho dù giàu sang
sống trong thế gian,
nhiều năm an vui
hưởng đời phú quí,
nhưng rồi tựa như
bị cướp hết cả,
hai bàn tay trắng
thân trần mà đi.

VI-60. Hay ta nghĩ rằng:
“Nhờ vào tiền tài
mà được sống lâu,
tích thiện, trừ ác.”
Thế nhưng vì tiền
lại nổi cuồng điên,
thiện căn mất hết
ác nghiệp thêm dày.

VI-61. Ý nghĩa cuộc sống
đánh mất cả rồi,
cho dù sống nữa
cũng chỉ hoài công,
chỉ là để gieo
thêm nhiều ác nghiệp.

VI-62. Khi bị phỉ báng
ta liền nổi nóng,
rằng không thể để
họ tự hại mình.
Nhưng sao ta lại
chẳng hề nóng giận
khi lời phỉ báng
là dành cho người ?

VI-63. Khi ấy ngược lại
kiên nhẫn vô cùng,
nói rằng cơ sự
chỉ vì nhân duyên.
Vậy sao không nhẫn
khi bị phỉ báng ?
Cơ sự chỉ vì
phiền não phát sinh.

VI-64. Ngay cả những người
phỉ báng Phật pháp,
hủy diệt tượng Phật,
phá hoại bảo tháp,
cũng không có gì
đáng để oán hận,
vì chư Phật vốn
chẳng hề hấn gì.

VI-65. Cho dù đạo sư,
thân nhân, bằng hữu
là người bị hại,
cũng không nên hận,
vì, như đã nói:
mọi sự đều là
tùy thuộc nhân duyên.

VI-66. Chúng sinh bị hại
vì vật vô tình
cùng loài hữu tình,
vậy sao ta lại
chỉ oán hữu tình ?
Gặp việc ác hại,
tốt hơn nên nhẫn

VI-67. Người ta làm ác
chỉ vì vô minh.
tôi hận việc ác
cũng vì vô minh,
vậy ai không lỗi ?
ai người có lỗi ?

VI-68. Trước kia vì sao
tôi gieo nhân ác,
để nay phải chịu
quả ác thế này ?
Mọi sự chỉ là
thuận theo nhân quả,
đã biết vậy rồi
còn hận ai đây ?

VI-69. Thấy rõ vậy rồi,
tôi nay bất kể,
dù có thế nào,
vẫn sẽ khư khư
giữ gìn thiện pháp.
Vì chúng sinh mà
gìn giữ tấm lòng
thương yêu lẫn nhau.

VI-70. Khi nhà bốc lửa
sắp sửa lan xa,
thời bao rơm, rạ,
cùng mồi bắt lửa
đều nên dẹp hết.

VI-71. Tương tự như vậy,
khi lửa sân hận
bốc cháy dữ dội,
thời phải tức thì
dẹp tan tham ái,
bảo vệ công đức
khỏi bị cháy tan.

VI-72. Cho kẻ tử tội,
nếu được chặt tay
để đổi mạng sống,
chẳng mừng lắm sao ?
Đổi cảnh địa ngục,
chỉ cần chịu chút
khổ đau cõi người,
thật là phước lớn !

VI-73. Chút khổ đau này
đã không kham nổi,
vậy sao không gắng
vất hết niệm sân ?
Đây sẽ là nhân
đẩy vào địa ngục,
chịu khổ cùng tận
sâu thẳm muôn trùng.

VI-74. Vì để tranh dành
những điều mình muốn
mà cả ngàn lần
tôi đã rơi sâu,
lửa hỏa ngục đốt
cùng cực đớn đau,
chẳng chút lợi ích
cho mình, cho người.

VI-75. Chút khổ hôm nay
nào có đáng gì,
nhưng lại mang đến
lợi ích lớn lao.
chịu khổ nhỏ này,
quét khổ chúng sinh,
thử hỏi sao tâm
không vui cho được.

VI-76. Có người hoan hỉ
cất lời khen ngợi
việc lành người khác,
này tâm tôi ơi,
sao chẳng thấy vui
cùng người khen ngợi ?

VI-77. Niềm vui này đây
chẳng vướng nhiễm ô,
hết thảy thánh giả
đều luôn khuyến khích,
phương tiện thù thắng
thu phục lòng người.

VI-78. Nếu rằng “chỉ có
họ hưởng vui thôi !”
thế thì cần gì
trả lương tôi tớ ?
Giữ tâm như vậy
chỉ có mình tôi
đời này kiếp sau
phải chịu thiệt thòi.

VI-79. Khi chính tôi đây
là người được khen
thì tôi lại mong
mọi người tùy hỉ.
Nhưng nếu lời khen
dành cho người khác,
tâm tôi chẳng muốn
tùy hỉ chút nào.

VI-80. Tôi đã phát tâm
mang nguồn hạnh phúc
về cho chúng sinh,
nguyện vì chúng sinh
tu thành Phật quả,
nay chúng sinh được
đôi chút niềm vui,
sao tôi nổi giận ?

VI-81. Tôi nguyện chúng sinh
trọn thành Phật đạo,
được khắp ba cõi
cất tiếng tôn vinh.
Nay chúng sinh được
đôi chút ngợi khen,
sao tôi lại thấy
khổ tâm như vậy ?

VI-82. Có người phải sống
nương nhờ vào tôi,
nhờ tôi dưỡng nuôi
mà họ sống tốt.
Nay có người khác
chăm lo cho họ,
sao tôi chẳng mừng
lại còn nổi sân ?

VI-83. Bấy nhiêu đã khiến
trái ý phật lòng,
làm sao gánh nổi
chí nguyện độ sinh ?
Thấy người được lợi,
lòng tôi vất vả,
hỏi tâm bồ đề
tìm đâu cho ra ?

VI-84. Phẩm vật kia dù
tặng cho người nhận,
hay dù thí chủ
giữ lại chưa cho,
cũng có bao giờ
thành của tôi đâu,
vậy cho hay không
cần gì chú ý ?

VI-85. Công đức của mình,
tín tâm của người,
cùng thiện đức này,
sao tôi vất hết ?
Không biết giữ điều
mang về thiện quả,
này tâm tôi ơi
sao chẳng hận mình ?

VI-86. Chẳng những việc ác
chưa từng buồn lo,
lại còn so đo
khi người làm thiện
được nhiều công đức.

VI-87. Kẻ thù bị hại,
cớ sao tôi lại
cảm thấy toại lòng ?
Sự việc nào phải
vì do tôi muốn
mà thành thế đâu ?

VI-88. Cho dù thật sự
vì ý tôi muốn
mà kẻ thù tôi
gặp việc không may,
thì điều như vậy
nào có gì vui ?
Nếu lòng thấy vui,
thật chẳng có gì
tồi tệ cho bằng.

VI-89. Tựa như con cá
đớp phải lưỡi câu,
bén nhọn đớn đau.
Thợ câu chính là
nhiễm tâm phiền não.
Lưỡi câu ác ý
móc tôi ném thẳng
vào chảo đồng nung.
Ngục tốt diêm vương
tha hồ xâu nướng.

VI-90. Tiếng tăm lừng lẫy,
vinh dự, ngợi khen,
chẳng thể làm tăng
công đức, thọ mạng,
không giúp thân thể
khỏe mạnh cường tráng,
cũng chẳng khiến thân
thoải mái khinh an.

VI-91. Nếu tôi biết nghĩ,
sẽ tự hỏi mình
những điều như vậy
được lợi ích chi ?
Nếu như là vì
giúp tâm thoải mái,
vậy sao chẳng kiếm
cờ bạc, rượu chè !

VI-92. Tôi vì chút danh
mà bỏ tài sản,
bỏ cả tánh mạng.
Người đã chết rồi,
chôn sâu đáy huyệt,
chút lời ca tụng
dành cho ai nghe ?

VI-93. Lâu đài bằng cát
bị biển cuốn tan,
trẻ con tuyệt vọng
lớn tiếng òa khóc.
Tâm tôi cũng vậy,
khi mà danh vọng
bắt đầu rã tan.

VI-94. Lời nói chóng tan,
vốn chẳng có tâm,
cho nên chẳng thể
tự mình tác ý.
Hay là nói rằng
người ta khen bằng
tấm lòng hoan hỉ
nên tôi thấy vui.

VI-95. Tâm người hoan hỉ
việc gì đến tôi ?
dù là khen người,
hay là khen mình.
Tâm người ta vui
thì người ta hưởng,
tâm tôi chẳng thể
chia được phần nào.

VI-96. Nếu như tôi vui
vì người hoan hỉ,
vậy cả thế gian
đã khiến tôi vui.
Thế nhưng khi người
vui vì người khác,
tôi luôn bực bội
chẳng thấy vui cùng.

VI-97. Có phải là tôi
thấy vui như vậy,
chỉ vì ý nghĩ
chính mình được khen.
Nghĩ lại mà xem,
thật là vô nghĩa !
Chỉ như đứa trẻ
ấu trĩ mà thôi.

VI-98. Danh vọng chỉ làm
tâm thêm xao lãng,
không còn biết chán
cảnh khổ luân hồi.
Cạnh tranh ganh tị
với người làm thiện,
khiến cho công đức
thất tán hao mòn.

VI-99. Vậy thì những ai
ờ cạnh bên tôi,
bôi nhọ tên tôi,
mới thật là người
bảo vệ cho tôi
khỏi rơi ác đạo.

VI-100. Tôi đã phát tâm
mong cầu giải thoát,
không muốn để mình
vướng bả lợi danh.
Họ lại cứu tôi
thoát vòng ràng buộc,
sao tôi có thể
sinh tâm oán thù ?

VI-101. Tôi đang chúi đầu
rơi sâu ác đạo,
may nhờ có họ
cản lại dùm tôi.
Tựa như ân đức
của mười phương Phật,
làm sao có thể
sinh tâm oán thù ?

VI-102. Đừng nên bực bội
nghĩ vì họ cản
mà điều công đức
tôi chẳng thể làm.
Có hạnh tu nào
hơn là hạnh nhẫn,
chẳng phải tôi cần
trú ở hay sao ?

VI-103. Nếu như không thể
trú ở hạnh ,nhẫn
đó cũng chỉ vì
lầm lỗi nơi tôi.
Việc công đức lớn
đã vào tầm tay,
chính tôi đây mới
là người cản trở.

VI-104. Việc này nếu không
thì việc kia không,
Việc này hễ có
thì việc kia sinh.
Vậy việc này là
nhân sinh việc kia,
làm sao có thể
gọi là chướng ngại ?

VI-105. Hành khất xuất hiện
ngay đúng thời điểm,
chẳng làm trở ngại
cho hạnh bố thí.
Chẳng thể nói rằng
đạo sư truyền giới
là gây chướng ngại
cho người xuất gia.

VI-106. Hành khất trên đời
hằng hà sa số,
nhưng người hại tôi
lại chẳng bao nhiêu.
Là vì nếu tôi
không hại người khác
thì cũng chẳng ai
gây hại cho mình.

VI-107. Như là kho báu
nằm sẵn trong nhà,
chẳng nhọc công tìm
mà vẫn kiếm ra.
Kẻ thù giúp tôi
tu hạnh bồ tát,
nên gặp kẻ thù
lòng thật mừng vui.

VI-108. Nhờ họ mà tôi
tu thành hạnh nhẫn,
cho nên công đức
có được bao nhiêu,
xin mang tặng hết,
báo đền ơn nặng,
vì họ là nhân
mang đến quả này.

VI-109. Nếu nói kẻ thù
chẳng đáng đền ơn,
vì họ nào muốn
tôi tu hạnh nhẫn.
Nếu vậy cần gì
biết ơn Diệu Pháp,
là nhân mang đến
mọi thành tựu tu.

VI-110. Lại rằng “họ vốn
cố tình hại tôi”
nên đối với tôi
nào có ơn gì !”
Vậy nếu như họ
giống như y sĩ,
thì tôi lấy gì
tu hạnh nhẫn đây ?

VI-111. Chính vì tâm họ
chất đầy hiểm ác
nên tâm tôi mới
được hạnh nhẫn này.
Ơn nặng khác gì
ơn sâu Diệu Pháp,
vì nhờ vào đó
mà hạnh nhẫn sinh.

VI-112. Đức Thế Tôn dạy
Phật và chúng sinh
đều là ruộng phước
cần được hiến cúng.
Nhờ làm đẹp dạ
cả hai ruộng phước
mà nhiều người đã
đến bờ bên kia.

VI-113. Quả vị bồ đề
tùy thuộc cả hai,
Phật cùng chúng sinh
đều quan trọng cả.
Thử hỏi tôi đây
tu lối tu nào
mà chỉ kính Phật
xem thường chúng sinh ?

VI-114. Chúng sinh và Phật
thiện đức không đồng,
nhưng mà tác dụng
ngang bằng với nhau.
do đó mà nói
chúng sinh như Phật.

VI-115. Hiến cúng chư vị
trú tâm đại từ,
là điểm thù thắng
ở nơi chúng sinh.
Công đức đến từ
tín tâm nơi Phật,
là điểm thù thắng
nơi đấng Phật đà.

VI-116. Muốn tu thành Phật
cần có cả hai,
vì vậy mà nói
chúng sinh như Phật.
Chứ chúng sinh nào
có thể sánh với
biển cả công đức
của đấng Như lai.

VI-117. Biển công đức này
ai mà có được,
dù chỉ mảy may,
thì với người ấy,
cho dù ba cõi
đều mang hết ra,
cũng vẫn không đủ
để mà hiến cúng.

VI-118. Chúng sinh vốn là
mang đến cho ta
quả vô thượng giác.
chính vì như vậy
mà ta cần phải
hiến cúng chúng sinh.

VI-119. Đức Phật chính là
người bạn chân thành,
ban cho chúng sinh
vô lượng ân phước.
Muốn đền ơn Phật,
ngoài giúp chúng sinh,
thử hỏi còn gì
khiến Phật hoan hỉ ?

VI-120. Phật xả thân mạng,
vào ngục vô gián.
để trả ơn này
tôi nguyện độ sinh.
Vậy dù họ có
ngàn lần hại tôi,
tôi vẫn một lòng
giữ gìn gánh vác.

VI-121. Cho những người mà
đến cả chủ tôi
cũng còn cưu mang
không tiếc thân mạng,
sao tôi có thể
kiêu căng ngạo mạn,
không chịu theo hầu,
làm thân tôi tớ !

VI-122. Chư Phật hoan hỉ
khi chúng sinh vui;
Chư Phật xót thương
khi chúng sinh khổ;
Giúp chúng sinh vui
là khiến Phật vui;
tác hại chúng sinh
là tổn hại Phật.

VI-123. Người bị lửa đốt
thì mọi giác quan
đâu còn lạc thú.
Làm sao có thể
khiến chư Phật vui,
nếu chính tôi đây
hại chúng sinh khổ.

VI-124. Vậy ra tôi đã
khiến Phật buồn lòng,
gây bao việc ác,
tác hại chúng sinh.
Nay xin phát lộ,
thành tâm sám hối,
xin Phật tha thứ
cho lỗi lầm này.

VI-125. Từ nay sẽ làm
đẹp lòng Như lai,
luôn tự chế ngự
luôn làm tôi tớ.
dù người thế gian
dẫm đạp đầu tôi,
cướp mạng sống tôi,
quyết không trả miếng.
Xin đấng hộ trì
tùy hỉ cho tôi.

VI-126. Các đấng đại từ
xem khắp chúng sinh
ngang bằng với Phật.
điều này đã rõ.
Dù tướng chúng sinh,
nhưng là tánh Phật,
sao tôi chẳng thể
thành tâm cung kính ?

VI-127. Chỉ vậy là đủ
đẹp lòng Như lai.
Chỉ vậy là đã
chu toàn tự lợi.
Chỉ vậy là xóa
khổ đau cõi thế.
Nên tôi kiên trì
chỉ vậy mà tu.

VI-128. Khi mà quân binh
gây điều nhiễu hại,
ai người có trí
hiểu rộng nhìn xa,
cho dù đủ sức
cũng không khinh xuất
làm điều vọng động.

VI-129. Là vì quân binh
đâu chỉ một mình,
phía sau lưng họ
còn có lệnh vua.
Cho nên tôi chẳng
thể nào khinh xuất,
khi kẻ hèn kém
sinh sự hại tôi.

VI-130. Sau lưng họ có
ngục tốt diêm vương,
lại có hết thảy
mười phương Phật đà.
Như là thần dân
nể mặt bạo chúa,
tôi đây hết dạ
cung phụng chúng sinh.

VI-131. Huống chi dù làm
nhà vua nổi giận,
thời cảnh địa ngục
cũng chẳng rơi vào.
Chẳng giống như là
yác hại chúng sinh.

VI-132. Hay dù có làm
nhà vua vừa ý,
quả vị bồ đề
vua chẳng thể ban.
Quả này chỉ có
nhờ mang phúc lạc
về cho chúng sinh.

VI-133. Đến như quả vị
bồ đề cứu cánh,
cũng có được nhờ
tâm muốn lợi sinh.
Huống chi thiện báo,
vinh quang, danh vọng,
sở cầu như ý
ngay trong đời này.

VI-134. Trú tâm hạnh nhẫn,
thì dù vướng kẹt
trong cõi sinh tử,
vẫn hưởng quả lành,
tướng hảo, khang an,
danh tiếng lừng vang,
sống đời trường thọ
hưởng đầy phước lộc,
chuyển pháp luân vương.

/ HẾT CHƯƠNG 6 /

|| Đọc Tiếp Chương 7 >>>

Chương Bảy: HẠNH TẤN

VII-1. Với tâm an nhẫn,
nỗ lực tinh tấn.
Nhờ tinh tấn mà
đạt quả giác ngộ.
Gió kia không thổi
thì vật không lay,
công đức chẳng tăng
nếu không tinh tấn.

VII-2. Tinh tấn là gì ?
Vui cùng thiện pháp.
Ngược với tinh tấn
gọi là biếng lười,
thích điều có hại,
chán nản, tự khinh.

VII-3. Nếm vị ở không,
ưa thích ngủ nghỉ,
nên chẳng biết chán
cảnh khổ luân hồi.

VII-4. Đã lỡ rơi vào
cạm bẫy phiền não,
nên vướng kẹt giữa
mạng lưới thọ sinh,
đưa mình vào trong
miệng của thần chết,
làm sao có thể
không biết cho được !

VII-5. Đồng loại từng người
lần lượt bị giết.
Vậy mà có thể
không thấy thật sao ?
Vẫn ngủ no nê
giống như loài trâu
bên cạnh đồ tể.

VII-6. Thần chết nay đã
khép mọi nẻo đường
mở mắt chờ ta.
Lẽ nào ăn ngon !
Lẽ nào ngủ yên !

VII-7. Biết rồi sẽ chết
thời phải mau mau
tích lũy tư lương.
Đợi chết mới chịu
buông tâm lười biếng,
nhỡ như chết sớm
biết làm thế nào ?

VII-8. Này việc mới khởi,
này việc chưa làm,
này việc dở dang,
đột nhiên chết đến,
khi ấy kinh hoàng:
“Ôi, ta tiêu mạng !”

VII-9. Mắt đỏ đớn đau,
lệ tràn trên má.
Người thân bên cạnh
tuyệt vọng vô bờ.
Riêng tôi nhìn thấy
thần chết cạnh bên.

VII-10. Ký ức tràn ngập
việc ác đã làm.
hoảng sợ điên cuồng
thân trào phẩn uế
vì bởi tai nghe
tiếng kêu địa ngục,
biết phải làm sao ?

VII-11. Khổ nạn đời này
đã khiến chơi vơi
như cá mắc cạn,
huống chi địa ngục
do nghiệp gây nên !

VII-11. Đã gieo đủ nghiệp
khiến sẽ đọa rơi,
nơi mà xương thịt
sẽ bị đốt nung,
nước sôi xối bỏng,
làm sao có thể
nhởn nhơ sống vui ?

VII-13. Muốn được hưởng quả
nhưng không gắng công.
Kẻ yếu hèn này
sẽ gặp họa lớn.
Đến khi gần chết
lại giống chư Thiên
cất tiếng khóc than:
“Ôi, sao quá khổ !”

VII-14. Thân là thuyền bè
đủ sức đưa ta
vượt qua biển khổ.
Nếu lỡ mất rồi
làm sao tìm lại ?
Hỡi kẻ ngu muội,
ngay lúc này đây
chớ nên mê ngủ !

VII-15. Hạnh phúc thù thắng
cùng với chánh pháp,
đều là nhân duyên
tạo quả an lạc.
Sao không thiết tha
lại đi ưa thích
lơ đễnh, tán tâm ?
đều là nhân duyên
tạo nên quả khổ

VII-16. Tâm không buồn nản:
đấy là tinh quân.
Với lòng chân thật
hàng phục chính mình,
bình đẳng ngã tha,
hoán chuyển ngã tha.

VII-17. Đừng nên nản chí
nghĩ rằng “như ta
làm sao có thể
đạt quả giác ngộ !”
Như lai là người
nói đúng sự thật,
đã dạy điều này:

VII-18. Cho dù có thành
ruồi muỗi ong bọ
mà đủ tinh tấn,
thời cũng có thể
đạt được quả vị
vô thượng bồ đề.

VII-19. Còn như tôi đây
được sinh làm người,
biết điều thiện ác,
nếu không nản chí
từ bỏ đường tu
thì chẳng lý nào
không thể giác ngộ.

VII-20. Nói rằng “tại vì
phải thí thân mạng,
cho cả chân tay,
nên tôi thấy sợ.”
Đó là không biết
phân biệt trọng khinh.
Vì vô minh nên
phát sinh sợ hãi.

VII-21. Vô lượng đời kiếp
cũng đã nhiều phen
bị đâm, đốt, xẻ
thế nhưng chẳng thể
đạt quả bồ đề.

VII-22. Nay vì tu chứng
phải chịu khổ đau.
Khổ này có hạn,
ví như giải phẫu
để trị liệt thân.

VII-23. Y sĩ gây đau,
chữa lành bệnh dữ.
Chịu được khổ nhỏ,
khổ lớn tiêu trừ.

VII-24. Huống chi thần y
lại không như vậy,
dùng cách dịu nhẹ
chữa bệnh nan y.

VII-25. Dạy ta lúc đầu
tập cho rau củ,
cho quen rồi mới
bố thí thịt xương.

VII-26. Khi tâm chứng được
thân, rau chẳng khác,
thời thí thân thể
nào khó chi đâu.

VII-27. Cũng chẳng đớn đau,
vì nghiệp đã đoạn.
cũng không nghịch ý,
vì luôn thiện xảo.
Cho nên, vọng kiến,
cùng việc bất thiện
là điều tác hại
đến thân và tâm.

VII-28. Nếu thân an lạc
nhờ công đức tăng,
tâm cũng an lạc
nhờ luôn thiện xảo,
Trú ở luân hồi
là vì chúng sinh,
làm sao có thể
mỏi mệt cho được ?

VII-29. Nghiệp cũ đã cạn
nhờ tâm bồ đề.
Công đức như biển,
hơn hàng Thanh Văn.

VII-30. Bồ tát cưỡi trên
lưng ngựa bồ đề,
biến tan mỏi mệt.
Từ cảnh vui này
vào cảnh vui khác,
làm sao có thể
thoái chí nản lòng ?

VII-31. Tác thành chúng sinh
có bốn lực lượng:
nguyện, định, vui, nghỉ.
Nguyện có được nhờ
thiền quán khổ đau,
và hiểu lợi ích.

VII-32. Diệt mọi trở lực,
tăng cường tinh tấn,
được là nhờ nguyện,
tự tín, vui, nghỉ,
và nhờ năng lực
chuyên tâm, tự chủ.

VII-33. Cần diệt bỏ hết
vô biên ác nghiệp
của mình của người.
Diệt một ác nghiệp
đã phải gắng công
hàng vô lượng kiếp,

VII-34. vậy mà mảy may
sám hối nghiệp chướng
cũng vẫn chưa hề.
Biến mình trở thành
kho tàng ác nghiệp,
sao tim lại chẳng
từng mảnh nổ tung ?

VII-35. Cần thành tựu đủ
vô lượng thiện đức
cho mình cho người.
Tu một thiện đức
đã phải gắng công
hàng vô lượng kiếp,

VII-36. vậy mà một thoáng
huân tập thiện đức
cũng vẫn chưa từng.
Thật là kỳ lạ !
Thân người này đây
quí giá biết bao,
lại biến nó thành
hoàn toàn vô nghĩa !

VII-37. Chưa từng hiến cúng
mười phương Như lai;
chưa từng mang đến
niềm vui lễ đàn;
chưa từng góp sức
làm nên pháp hội;
chưa từng chu toàn
cho người gian nan;

VII-38. chưa giúp kẻ nguy
thoát cơn sợ hãi;
chưa mang vui đến
cho kẻ khốn cùng.
Điều tôi đã làm
đó là trong thai
đã khiến mẹ tôi
chịu bao khổ sở !

VII-39. Vì trong quá khứ
và trong hiện tại
từ bỏ chí nguyện
mong cầu Phật Pháp,
nên nay mới phải
khốn khổ thế này.
Vậy ai còn muốn
bỏ chí nguyện tu ?

VII-40. Đức Mâu ni dạy:
nguyện là cội rễ
của mọi thiện đức.
Nguyện này sinh ra
từ sự liên tục
quán về quả báo.

VII-41. Thân đau, tâm khổ,
đủ loại hiểm nguy,
những điều mong muốn
đều phải xa lìa,
chẳng qua chỉ vì
nghiệp dữ đã tạo.

VII-42. Cố gắng dụng tâm
làm nên việc lành,
với công đức này,
dù sinh ở đâu
cũng đều hưởng đủ
mọi điều thắng diệu.

VII-43. Đã làm việc dữ,
mặc dù muốn vui
với ác nghiệp này,
dù sinh ở đâu,
đao kiếm khổ đau
cũng đều bủa xuống.

VII-44. Trú giữa lòng sen
dịu mát ngát hương;
thực phẩm diệu âm
thuần dưỡng rạng ngời;
hào quang Phật chiếu;
nở từ lòng sen;
thân tướng nhiệm mầu;
diện kiến Như lai;
làm bậc trưởng tử;
tất cả đều nhờ
công đức thiện nghiệp.

VII-45. Thống khổ biết bao,
bị quỉ diêm vương
lột da lôi xuống,
chảo đồng nung sôi
đổ vào thân thể,
đao kiếm cháy đỏ
đâm xẻ thịt da,
cắt nát vụn ra
thành hàng trăm mảnh,
rớt cả xuống nền
sắt nung cháy rực,
tất cả chỉ vì
nghiệp dữ đã gieo.

VII-46. Vì vậy cần phải
tin nơi thiện đức
với trọn kính ngưỡng,
tu tập chuyên cần.
Khởi bằng nghi thức
Kinh Kim Cang Tàng,
tu tâm tự tín.

VII-47. Trước khi bắt đầu
phải nên cân nhắc
nên làm hay không.
Không làm thì hơn,
nhưng nếu đã làm
chớ nên bỏ dở,

VII-48. bằng không đời sau
sẽ luôn quen thói,
khổ nghiệp càng tăng,
khả năng càng giảm,
đến khi sắp đạt
việc lại không thành.

VII-49. Một là hành động;
hai là nhiễm tâm;
ba là khả năng:
tu tập tự tín
theo ba điểm này.
Nói rằng: “tôi sẽ
một mình gánh vác.”
Đây chính là tâm
tự tín hành động.

VII-50. Người phàm phu bị
nhiễm tâm ràng buộc,
cả chính bản thân
cũng không gánh nổi.
Họ chẳng như tôi
cho nên tôi phải
tự mình cáng đáng.

VII-51. Thấy người làm việc
lao nhọc thấp hèn,
sao lại ngồi yên ?
Chẳng nên kiêu mạn.
Đừng bao giờ để
khởi lòng tự tôn.

VII-52. Khi gặp rắn chết,
quạ cũng thành ưng ;
khi tâm nhu nhược,
cả lỗi lầm nhỏ
cũng gây hại lớn.

VII-53. Kẻ sớm nản lòng,
không biết kiên trì,
làm sao thoát khổ ?
Biết tu tự tín
thì dù chuyện lớn
cũng vẫn ung dung.

VII-54. Vậy hãy kiên tâm
diệt mọi lầm lỗi.
Mới gặp lỗi nhỏ
đã vội nản lòng,
vậy thì chí nguyện
hàng phục ba cõi
chẳng phải chỉ là
trò cười hay sao ?

VII-55. Tôi sẽ là người
chinh phục vạn pháp.
Sẽ chẳng có gì
xô ngã được tôi.
Tôi là đứa con
của sư tử chúa,
luôn luôn an định,
tự tín tột cùng.

VII-56. Nếu vì tự tôn
mà gặp tổn hại,
thì đó chỉ là
nhiễm tâm phiền não,
chẳng phải tự tín.
Ai có tự tín,
trăm vạn kẻ thù
không thể thao túng.
Còn những kẻ khác
thường bị tự tôn
tác hại tơi bời.

VII-57. Để cho tự tôn
thổi phồng tâm trí,
thời sẽ trôi lăn
vào trong ác đạo,
dù sinh làm người
cũng chẳng an vui,
làm tôi tớ ăn
cơm thừa canh cặn.

VII-58. Ngu si, xấu xí,
thấp kém, yếu hèn,
trở thành trò cười
của khắp thiên hạ.
Tự tôn tự đại
mà gọi anh hùng,
chẳng biết ai mới
là người tội nghiệp.

VII-59. Tự tín hàng phục
kẻ thù tự tôn
mới thật xứng đáng
là đại anh hùng.
Vĩnh viễn đoạn diệt
kẻ thù tự tôn,
viên thành Phật quả,
thành đấng chiến thắng,
như là chúng sinh
vẫn hằng đợi mong.

VII-60. Ở trong phiền não
mà vẫn giữ tâm
muôn phần kiên định,
không để phiền não
xâm phạm đến mình,
như sư tử đứng
giữa bầy lang sói.
Gặp cảnh hiểm nguy
thời che đôi mắt,
tương tự như vậy,
gặp cảnh hung hiểm
cũng chẳng để cho
phiền não tấn công.

VII-62. Chẳng thà chết cháy,
hay bị chém đầu,
còn hơn qui hàng
kẻ thù phiền não.
Vậy trong mọi cảnh
phải luôn giữ gìn
hành động thích đáng.

VII-63. Như trò chơi vui,
Bồ tát làm gì
cũng đều vui thích,
tâm không thấy thỏa.

VII-64. Khổ công làm lụng,
mưu cầu hạnh phúc,
thế nhưng hạnh phúc
biết có được chăng !
Gặp việc chắc chắn
tạo quả hạnh phúc,
làm sao có thể
không ưa thích làm ?

VII-65. Lạc thú giác quan
tựa như mật ngọt
trên đầu lưỡi dao,
người đời nếm vào
còn chưa biết đủ.
Huống chi công đức
tạo quả an lạc,
làm sao có thể
thấy đủ cho được.

VII-66. Muốn làm xong việc,
thời phải bắt đầu
giống như là voi
giữa trời trưa nắng
gặp được ao trong
vội vã dầm mình.

VII-67. Bao giờ yếu mệt
thời phải buông nghỉ,
rồi lại bắt đầu.
Hay khi làm xong
phải biết buông nghỉ,
vì đây là việc
sẽ lại muốn làm.

VII-68. Như tướng ra trận
cùng địch so gươm,
gạt mọi nhát đâm
của kiếm phiền não,
nhanh nhẹn tấn công,
chiến thắng kẻ thù.

VII-69. Đương khi lâm trận
lỡ tay rơi kiếm,
kinh hoàng sợ hãi
vội vã nhặt lên.
Tương tự như vậy,
chánh niệm lỡ rơi,
phải sợ ác đạo
mà lượm ngay về.

VII-70. Thuốc độc vào máu
sẽ lan toàn thân;
lỗi lầm có dịp
sẽ ngập tràn tâm.

VII-71. Như ôm trong tay
hũ dầu đầy ắp
đi trước lưỡi gươm,
sẽ không dám rơi
dù chỉ một giọt.
Người tu phải nên
thận trọng như vậy.

VII-72. Như rắn chạm chân,
lập tức hất ra.
Tương tự như vậy,
nếu tâm trì trệ,
buồn ngủ, hôn trầm,
phải mau chận đứng.

VII-73. Mỗi khi phạm lỗi,
phải tự trách mình,
cương quyết lập tâm
để không tái phạm.

VII-74. Ở trong mọi lúc,
trong mọi hoàn cảnh,
sao cho chánh niệm
thành thói quen đây ?
Nghĩ rằng tôi sẽ
cầu gặp đạo sư,
làm theo tất cả
việc làm thích đáng.

VII-75. Để đủ sức mạnh
trong mọi việc làm,
hãy nhớ lời dạy
về bất phóng dật,
nhẹ nhàng khởi công.

VII-76. Như sợi tơ bông
nhẹ bồng trong gió,
để mình phất phới
nhẹ giữa niềm vui,
thời có việc gì
lại không làm được.

/ HẾT CHƯƠNG 7 /

|| Đọc Tiếp Chương 8 >>>

Chương Tám: HẠNH ĐỊNH

VIII-1. Tu tinh tấn rồi
hãy chuyên tu định.
Để tâm tán loạn
thời nanh phiền não
nhất định rơi vào.

VIII-2. Nếu cả thân tâm
đều giữ cách ly
thì không thể nào
sinh tâm tán loạn.
Cần lìa xa mọi
bận tâm thế tục,
dứt bỏ tất cả
loạn tưởng vọng tâm.

VIII-3. Bận tâm thế tục
rất khó xa lìa,
vì luyến người thân
và tham danh lợi,
đây là điều nên
từ bỏ trước hết,
kẻ trí vẫn thường
làm theo như vậy.

VIII-4. “Quán đi với chỉ,
phát hủy nhiễm tâm.”
Hiểu điều này rồi,
trước tiên tu chỉ,
có được là nhờ
vui vẻ lìa xa
bận tâm thế tục.

VIII-5. Chính bản thân mình
vốn đã vô thường,
lại còn mê luyến
những kẻ vô thường.
Mai sau dù có
tái sinh ngàn lần,
cũng chẳng cách nào
gặp được người thân.

VIII-6. Không gặp người thân
thời tâm không vui,
và không thể nào
trú ở nơi định;
cho dù có gặp
tâm cũng chẳng nguôi,
cũng vẫn khốn khổ,
đòi hỏi, đợi chờ.

VIII-7. Để tâm mòn mõi
mê luyến người thân,
thời không thể thấy
đúng như sự thật;
tâm chán sinh tử
rồi sẽ đánh mất;
rốt lại khổ lụy
cùng cực đớn đau.

VIII-8. Bao nhiêu tâm trí
dồn cho người thân,
thời gian thấm thoát
trôi trong vô nghĩa.
Vì chút tình thân
ngắn ngủi không bền
mà pháp trường tồn
lại không giữ được.

VIII-9. Đeo đuổi những việc
phàm phu ấu trĩ,
chắc chắn ác đạo
sẽ phải rơi vào,
sẽ khiến cho ta
xa lìa thiện pháp,
phàm phu ấu trĩ
gần gũi làm chi ?

VIII-10. Mới đang là bạn
thoắt biến thành thù,
vui vẫn chuốc oán,
phàm phu ấu trĩ
chẳng thể làm sao
khiến họ vừa lòng.

VIII-11. Khuyên điều lợi ích
họ giận không nghe,
ngược lại muốn tôi
lìa xa điều thiện.
Những lời họ bảo
nếu chẳng làm theo,
họ liền nổi sân
đọa sinh ác đạo.

VIII-12. Ai hơn thì ganh,
bằng thì cạnh tranh,
thua thì khinh mạn,
khen thì tự đại,
nghe chê thì lại
đùng đùng nổi sân.
Ấu trĩ như vậy,
chơi thân làm gì ?

VIII-13. Thân gần với kẻ
phàm phu ấu trĩ,
mọi điều bất thiện
chắc chắn phát sinh:
tự tôn, tự đại,
kiêu mạn, khinh người,
luận việc thế tục
mê mải không thôi.

VIII-14. Giao du như vậy
liệu có ích gì ?
Rốt lại chỉ toàn
bất hạnh mà thôi.
Họ chẳng mang điều
lợi ích cho tôi,
tôi cũng chẳng mang
lợi ích cho họ.

VIII-15. Vậy hãy lánh xa
phàm phu ấu trĩ,
mỗi khi gặp mặt
vui vẻ cười chào,
nhưng không trở nên
quá đỗi thân mật,
cung cách lịch sự
như người bình thường.

VIII-16. Chỉ nhận lấy điều
lợi cho chánh pháp,
như con ong mật
mà hút nhụy hoa.
Chẳng ai là người
thân thiết với ta,
ai cũng như người
mới vừa gặp mặt.

VIII-17. “Nhưng tôi là kẻ
giàu sang danh vọng,
có biết bao người
rất mực quí tôi.”
Nếu giữ cái tâm
tự tôn như vậy,
sau khi chết rồi
xiết bao kinh hãi !

VIII-18. Tâm vì mê muội
tham chấp đủ điều.
Cứ mỗi niệm tham
phát sinh nỗi khổ
ngàn lần lớn hơn.

VIII-19. Vì vậy kẻ trí
chẳng hề luyến tham.
Bởi vì tham luyến
mà sinh sợ hãi,
tìm cầu bao nhiêu
rồi cũng trôi tan,
tâm nên vững vàng
tư duy như vậy.

VIII-20. Có biết bao người
nhiều tiền lắm của,
lại biết bao người
danh vọng vẻ vang,
rồi ôm danh lợi
một mớ hành trang
mà đi về đâu,
nào ai có biết !

VIII-21. Được khen đã sao ?
đâu có gì vui ?
Còn biết bao người
chê bai chỉ trích.
Bị chê đã sao ?
đâu có gì buồn ?
Còn biết bao người
nghĩ tốt cho tôi.

VIII-22. Mỗi người mỗi ý,
cả đức Thế tôn
cũng chẳng thể khiến
thế gian vừa lòng,
huống chi là kẻ
tội nghiệp như tôi.
Vậy hãy để tôi
lìa xa thế tục.

VIII-23. Nghèo thì khinh thị,
giàu thì chê bai,
làm sao có thể
có chút gì vui
khi gần những kẻ
khó chơi như vậy.

VIII-24. Như lai nói rằng:
“Phàm phu ấu trĩ
chẳng phải bạn lành.”
Họ có bao giờ
xử tốt với ai,
nếu chẳng phải vì
lợi riêng cho họ.

VIII-25. Vào rừng sống cùng
chim muông cây cỏ,
không còn nghe nữa
tiếng lời thị phi,
đây mới thật là
bạn hiền chân thật.
Bao giờ tôi mới
đi vào rừng sâu ?

VIII-26. Bao giờ tôi mới
đoạn lìa tất cả,
sống trong hang đá,
hay nơi miếu hoang.
Hay là ngồi xuống
ở dưới gốc cây,
quyết không bao giờ
quay đầu trở lại.

VIII-27. Bao giờ tôi mới
sống giữa thiên nhiên,
một vùng mênh mông
không ai làm chủ.
Tự ý tới lui,
tự do đi, ở,
không gì câu thúc,
không chút buộc ràng.

VIII-28. Bao giờ tôi mới
sống không âu lo,
vỏn vẹn bình bát
cùng vài vật dụng,
khoát lớp áo rách
không ai thèm mặc,
và cũng chẳng cần
nơi chốn che thân.

VIII-29. Vào bãi tha ma,
bao giờ tôi mới
nhìn lại thân mình,
so với xương trắng
chất thành đống kia,
bản chất hư hoại
thật ra chẳng khác.

VIII-30. Thân thể này đây
rồi sẽ hư rửa,
nồng nặc bốc mùi
cực kỳ hôi thối,
đến cả sói lang
cũng chẳng dám gần.
Thân này thật sự
chỉ thế mà thôi.

VIII-31. Cho dù sinh ra
trông thật vẹn toàn,
nào thịt, nào xương,
kết thành đời sống,
nhưng sẽ có ngày
tất cả rã tan.
Thân còn như vậy,
huống chi bằng hữu.

VIII-32. Làm thân con người
một mình vào đời.
Đến khi lìa đời
cũng một mình thôi.
Nào có ai người
chia sẻ nỗi đau.
Bằng hữu mà chi,
chỉ càng thêm vướng.

VIII-33. Tựa khách viễn du
trên con đường dài,
bước vào quán trọ
làm chốn nghỉ chân.
Khách trần viễn du
luân hồi sinh tử,
lấy kiếp tái sinh
làm nơi ở trọ.

VIII-34. Vậy thì trước khi
có bốn kẻ đến
khuân xác tôi đi
giữa tiếng khóc than,
hãy để cho tôi
vào rừng trú ẩn.

VIII-35. Hãy để tôi sống
lặng lẽ một mình,
không ai làm bạn,
không ai oán thù.
Tất cả xem tôi
như người đã chết,
đến khi lìa đời
không kẻ tiếc thương.

VIII-36. Không có một ai
khóc than tràn lệ
khiến tôi xao xuyến;
cũng chẳng có ai
khiến tâm tán loạn
mất chánh niệm Phật
cùng với pháp tu.

VIII-37. Hãy để tôi sống
đơn độc một mình.
Rừng xanh tươi đẹp
ít phiền, nhiều vui.
Bao nhiêu tán tâm
đều thanh tịnh cả,

VIII-38. cho tôi buông hết
bao mong cầu khác,
chuyên tâm nhắm đến
chỉ một nguyện thôi:
cố gắng làm sao
giữ tâm an tĩnh,
tu tập thiền chỉ
để mà thuần tâm.

VIII-39. Đời này, kiếp sau
ái dục sinh họa.
Kiếp này sinh cảnh
chém, giết, tù đày.
Kiếp sau sinh cảnh
địa ngục, đau thương.

VIII-40. Ráo riết cậy nhờ
ông tơ bà nguyệt,
tới lui mai mối
kết chỉ se duyên.
Chỉ vì nữ sắc,
việc ác không chừa,
tiếng nhơ không sợ,

VIII-41. mọi cảnh nguy hiểm
đều chẳng từ nan,
kể cả tài sản
cũng đều không tiếc,
chỉ để đổi lấy
đôi chút ngất ngây,
ấp ủ trong tay
tấm thân ngà ngọc.

VIII-42. Thật ra chỉ là
cả một túi xương.
Nào phải tự khởi,
nào có tự tánh,
sao đây lại là
điều ngươi luyến ái ?
hướng quả niết bàn
chẳng tốt hơn sao ?

VIII-43. Khó khăn biết bao
mới được vén khăn,
nâng lên khuôn trăng
e ấp thẹn thùng.
Dung mạo xưa nay
dấu sau khăn phủ,
bất kể thế gian
có nhìn hay không.

VIII-44. Mong đợi biết bao !
Khao khát biết bao !
Nay khuôn mặt này
kên kên vạch khăn
cho ngươi nhìn ngắm,
sao ngươi hoảng chạy ?

VIII-45. Xưa có ai nhìn
là ngươi không vui,
sùng sục nổi ghen,
vội vàng che dấu.
Nay sao chẳng hề
ra tay bảo vệ
người yêu thành mồi
cho loài kên kên ?

VIII-46. Một đống thịt này
chim kên rỉa rói,
thử hỏi khi trước
vất vả mà chi,
mang bao vòng hoa,
trầm hương, châu ngọc,
phí công trang điểm
làm mồi cho chim !

VIII-47. Thử hỏi mà xem,
đống xương người chết
dù chẳng cử động,
ngươi vẫn hoảng sợ.
Vậy sao không sợ
tử thi biết đi ?

VIII-48. Xương bọc thịt da
thì ngươi yêu dấu,
nay trần xương trắng
ngươi lại không ham.
Bây giờ lại nói
thôi không cần nữa.
Nhưng mớ xương bọc
lại thích ái ân.

VIII-49. Phân và nước miếng
đến từ thức ăn,
vậy sao nước miếng
ngươi lại đê mê,
còn phân thì lại
chê là gớm ghiết ?

VIII-50. Gối bông mềm mại,
nhưng ngươi nào muốn
cùng gối giao tình.
Lại còn nói là
thân người không hôi.
Điên đảo vì tình,
chẳng còn phân biệt
đâu là thanh tịnh.

VIII-51. Cảm xúc dịu êm,
chiếc gối bông mềm,
nhưng vì dục tình
khiến cho mê muội,
chẳng thể cùng gối
mở cuộc giao hoan,
đến nỗi cuồng điên
hận cả chiếc gối.

VIII-52. Không thích của dơ,
lại ôm trong lòng
cả một túi xương,
cột bằng bắp thịt,
bọc mớ thịt bùn.

VIII-53. Chính thân ngươi đây
đều là của bẩn,
ngụp lặn chưa đủ,
vốn đã sợ dơ
lại còn đèo thêm
một túi dơ khác.

VIII-54. Ngươi bảo “nhưng mà
tôi thích thịt da
để mà vuốt ve,
để mà nhìn ngắm.
Nhưng sao ngươi lại
chẳng hề ưa thích
nếu thịt da kia
vô tri không hồn ?

VIII-55. Hay điều ngươi thích
chính là cái tâm ?
Thế nhưng cái tâm
làm sao có thể
vuốt ve, nhìn ngắm ?
Có thể sờ, ngắm,
thì nhất định là
chẳng phải cái tâm.

VIII-56. Thân của người khác
dơ bẩn thế nào,
không thấy thì thôi,
cũng chưa mấy lạ,
nhưng thân của mình
toàn là của bẩn
mà không tự thấy
mới thật lạ kỳ !

VIII-57. Tại sao tâm này
chạy theo của bẩn ?
Chẳng để mắt đến
đóa sen tinh khôi
giữa trời nắng mới,
mà lại vui thú
với túi phân người ?

VIII-58. Chỗ nào trét phân
ngươi nào muốn rờ,
nhưng ngươi lại thích
sờ mó tấm thân,
từ đó sinh ra
đủ thứ dơ bẩn.

VIII-59. Chẳng thích của bẩn
mà lại ôm ấp
tấm thân chui ra
từ chỗ dơ bẩn,
kết tụ từ những
hạt giống dơ bẩn.

VIII-60. Dòi sinh từ phân
ngươi nào ưa thích,
vậy mà ưa thích
thân xác người yêu,
vốn cũng sinh ra
từ nơi dơ bẩn,
và vốn chứa đựng
đầy tràn của dơ.

VIII-61. Của dơ thân mình
không gớm đã đành,
lại còn khát khao
một túi bẩn khác.

VIII-62. Nếu cho vào miệng
nhai xong lại nhổ,
thì món thanh tịnh
cơm trắng, rau xanh,
cũng sẽ trở thành
rác dơ mặt đất.

VIII-63. Điều hiển nhiên này
nếu vẫn chưa tin,
hãy thử bước ra
nghĩa trang mà nhìn
xác chết hôi thối
vất nằm nơi đó.

VIII-64. Thử lột da ra,
nhìn lại mà xem,
có phải sẽ làm
hồn kinh phách tán ?
Những điều như vậy
làm sao có thể
tạo nguồn khoái cảm ?

VIII-65. Mùi hương trên da
chỉ là dầu xoa,
nào có phải là
hương thơm thân thể.
Làm sao có thể
nghe mùi hương này
mà lại tơ tưởng
đến tấm thân kia ?

VIII-66. Đã thích mùi thơm
cớ sao lại thích
thân xác người tình
bốc toàn mùi hôi.
Người cõi thế gian
thích điều vô lý.
Vì sao lại thích
tẩm hương thân thể ?

VIII-67. Huống chi trầm hương
đâu phải hương người.
Sao mùi hương gỗ
lại gợi dục tình
với điều gì khác ?

VIII-68. Nếu để tự nhiên,
thân thể trần truồng,
tóc móng lê thê,
răng vàng hôi thối
thật đáng kinh hãi.

VIII-69. Nhưng tôi đây lại
cố công trau chuốc,
như mài vũ khí
tự đâm chính mình.
Toàn cõi thế gian
rối loạn điên cuồng,
chỉ vì nỗ lực
của người u mê.

VIII-70. Xương chất nghĩa trang,
ngươi nhìn thấy sợ.
Lại tìm khoái lạc
nơi thành phố chết,
giao du với toàn
tử thi biết đi.

VIII-71. Mớ túi phân kia
nào phải miễn phí.
Giá trả thật đắt:
kiếp này kiệt quệ,
kiếp sau địa ngục
trầm luân khổ đau.

VIII-72. Khi còn thơ ấu
chẳng thể có tiền,
đến tuổi thanh niên
bận rộn đủ việc,
bao nhiêu thời gian
lo toan lập nghiệp,
đến lúc về già
ân ái còn đâu.

VIII-73. Có kẻ mặc dù
sung mãn ái dục,
nhưng cả ngày trời
vất vả mưu sinh,
cuối ngày trở về
kiệt quệ mệt mỏi,
nặng nề giấc ngủ
như một thây ma.

VIII-74. Có người lại phải
phương xa lập nghiệp,
khổ đau cách biệt,
khoắt khoải nhớ thương,
cứ vậy nhiều năm,
vợ con không gặp.

VIII-75. Có kẻ cầu lợi
mà chẳng biết cách,
nên gửi bán thân,
hạnh phúc mất hết,
không còn tự chủ,
trôi nổi dật dờ
theo ngọn gió nghiệp.

VIII-76. Có kẻ thân mình
cũng mang ra bán,
chịu cảnh nô lệ
khốn khổ bần hàn.
Vợ sanh con dưới
gốc cây hoang vu
đìu hiu gió lộng.

VIII-77. Có kẻ ngu xuẩn,
mặc dù sợ chết,
vẫn lập sự nghiệp
bằng cách đầu quân.
Tưởng sẽ vinh quang,
ngờ đâu rơi cảnh
nô lệ buộc ràng.

VIII-78. Có kẻ chỉ vì
chạy theo ham muốn
mà bị cắt, xẻ,
đóng cọc, dao đâm,
hay bị lửa đốt.

VIII-79. Khổ vì gầy dựng,
vì giữ, vì mất:
tài sản vốn là
khổ nạn triền miên.
Để tâm tán loạn
luyến tham tài sản,
thời chẳng cơ hội
thoát khổ luân hồi.

VIII-80. Vì nhiều ham muốn
nên nhiều vất vả,
nhưng mà kết quả
lại chẳng bao nhiêu.
Giống như loài trâu
khuân vác cực nhọc,
cũng chỉ được cho
vài ba nắm cỏ.

VIII-81. Thật chẳng đáng gì,
chẳng phải quí hiếm,
cả loài thú vật
cũng biết tìm ra.
Vậy mà phải đổi
bằng bao thiện nghiệp,
phí uổng thân người
tự tại, thuận duyên
cực kỳ quí hiếm.

VIII-82. Những điều ham muốn
rồi cũng sẽ mất.
Vậy mà vì tham,
đọa rơi địa ngục,
chịu bao khổ lớn,
chỉ vì lợi nhỏ.

VIII-83. Chỉ một phần triệu
nỗ lực này thôi
cũng đủ để tôi
đạt quả vị Phật.
Người ta vì tham
chịu bao cực khổ,
vất vả còn hơn
cả bậc chân tu.
Thế nhưng quả Phật
lại không thể có.

VIII-84. Thử nghĩ mà xem
hết thảy khổ đau
địa ngục, ác đạo,
biết bao khổ nạn
lửa, độc, bùa chú,
hay là kẻ thù,
cũng chẳng thể nào
sánh với nạn tham.

VIII-85. Tham dục tôi đã
mõi mòn chán ngán,
nay muốn quay về
vui hạnh cách ly.
Giữa rừng hoang vắng
an vui thanh tịnh,
lìa xa hết thảy
phiền não thị phi.

VIII-86. Bước cùng những tảng
đá cao chất ngất,
ánh trăng thanh mát
ngào ngạt trầm hương.
Gió rừng yên ả
cùng tôi thả gót,
thong dong quán chiếu
về chuyện lợi sinh

VIII-87. Rồi trong hang núi,
hay dưới gốc cây,
hay là nhà hoang,
tha hồ trú ở.
Khỏi cần vất vả
đau đáu canh chừng,
ung dung thanh thản
thoát mọi âu lo.

VIII-88. Chẳng chút luyến tham,
không ai buộc ràng,
an nhiên tự tại,
ít muốn nhiều vui.
Cảnh này Đế Thích
dù có tìm cầu,
cũng vẫn khó lòng
tìm cho ra được.

VIII-89. Cứ thế chiêm nghiệm
về hạnh cách ly,
quét tan hết thảy
nhiễm tâm vọng tưởng,
để rồi tu tập
phát bồ đề tâm.

VIII-90. Trước tiên quán pháp
bình đẳng chúng sinh:
ai chẳng như tôi
trong cơn vui, khổ ?
cho nên cần phải
bảo vệ người khác
như bảo vệ mình.

VIII-91. Dù tay khác chân
nhưng đều là thân,
cần phải giữ gìn.
Tương tự như vậy,
chúng sinh tuy khác,
thế nhưng vui buồn
đều cũng như tôi,
đều mong hạnh phúc.

VIII-92. Khổ đau của tôi,
đâu ai khác chịu,
chỉ mình tôi gánh,
đè nặng khó kham.
Là vì vướng vào
khái niệm chấp ngã,
nên lấy khổ này
gọi là của mình.

VIII-93. Khổ đau của người
tôi nào phải chịu,
thế nhưng nếu cũng
lấy làm của mình,
tự nhiên sẽ thấy
trĩu nặng khó kham.

VIII-94. Cho nên khổ người
tôi sẽ quét sạch
như quét khổ mình.
Và tôi cũng sẽ
làm lợi khắp cả,
đều là hữu tình
cũng giống như tôi.

VIII-95. Tôi và hữu tình
đều cầu an lạc,
bình đẳng như nhau,
nào có gì khác ?
Vậy sao tôi lại
chỉ muốn tôi vui ?

VIII-96. Tôi và hữu tình
đều không muốn khổ,
bình đẳng như nhau,
nào có gì khác ?
Vậy sao tôi lại
chỉ cứu mình tôi ?

VIII-97. Nói rằng khổ người
chẳng hại đến tôi,
nên tôi chẳng cần
bận tâm che chở.
Nói vậy cần gì
lánh khổ tương lai,
vốn chẳng phạm đến
tôi trong hiện tại.

VIII-98. Ý nghĩ “nhưng tôi
là người chịu khổ !”
thật ra chỉ là
ý nghĩ sai lầm.
Là vì khi chết
là một người khác,
mà khi tái sinh
lại là người khác.

VIII-99. Nếu như nói rằng
“người nào chịu khổ,
người nấy tự lo.”
Vậy thì chân đau,
cần gì tay giúp ?

VIII-100. Lại rằng “đúng vậy
thật là vô lý,
chỉ do chấp ngã
huân tập mà thôi.”
Nếu nói như vậy
những điều vô lý
chấp ngã chấp tha
đều phải bỏ hết.

VIII-101. Cái được gọi là
một chuỗi, một nhóm,
như là tràng hạt,
hay là đội binh,
đều không thật có.
Vốn chẳng có ai
là người chịu đau,
vậy ai là chủ
của khổ đau này ?

VIII-102. Khổ đau không chủ
chẳng cần phân biệt.
Hễ có khổ đau
thì cần diệt khổ,
đâu cần xác định
[khổ này của ai]

VIII-103. “Nói vậy, cần gì
diệt khổ chúng sinh ?”
Lời này vô cớ.
Khổ mình muốn diệt
thì khổ đau người
cũng cần phải diệt.
Không lo khổ người
thì khổ đau mình
cũng chẳng cần lo.

VIII-104. Hỏi rằng “từ bi
khiến cho khổ não.
Vậy sao lại cố
phát khởi làm gì ?”
Thật ra nếu đã
biết khổ luân hồi
thì khổ phát tâm
làm sao sánh nổi.

VIII-105. Chịu một khổ này
thay cho vạn khổ.
Ai có tâm từ
tự lợi, lợi tha,
nhất định sẽ vui
cam tâm gánh khổ.

VIII-106. Đức Diệu Hoa Nguyệt
biết vua sẽ giết,
nhưng vẫn cam tâm
chấp nhận khổ đau
cho biết bao người
diệt trừ khổ não.

VIII-107. Tâm tu như vậy
thì vạn khổ người
đều luôn gánh vác,
sâu thẳm địa ngục
hoan hỉ đi vào,
tựa như chim trời
sà xuống đầm sen.

VIII-108. Chúng sinh giải thoát
thì có phải là
được cả đại dương
an vui hạnh phúc ?
Chẳng đủ lắm sao ?
Còn chưa thấy thỏa ?
Nào đáng gì đâu
giải thoát riêng tôi ?

VIII-109. Vậy thì dù tôi
gánh vác chúng sinh,
cũng không thể nào
sinh tâm kiêu ngạo.
Lấy hạnh phúc người
làm quà cho mình,
chẳng hề chờ mong
thiện báo nào khác.

VIII-110. Chỉ chút thị phi,
tôi đã hết lòng
tự bảo vệ mình.
Tương tự như vậy,
bảo vệ hữu tình
bằng trọn tấm lòng
thương mến quan tâm.

VIII-111. Vì tâm mê muội
huân tập sâu dày,
nên tinh huyết người,
tôi lại xem là
chính bản thân tôi,
mặc dù tự nó
vốn không tự tánh.

VIII-112. Vậy thì tại sao
với thân người khác
lại chẳng thể thấy
đây cũng là mình ?
Và tại làm sao
chẳng thể xem mình
chính là người khác ?

VIII-113. Nay đã thấy được
rằng “ngã” là quấy,
thấy biển thiện đức
nằm ở nơi “tha,”
vậy xin buông hết
khuynh hướng ái ngã,
để mà huân tập
nơi lòng vị tha.

VIII-114. Đã thấy tay chân
đều là thân thể,
vậy sao chẳng thể
thấy khắp chúng sinh
đều là hữu tình
trong cùng cõi thế ?

VIII-115. Vì lực huân tập
mà nhìn thân này
lại khởi khái niệm
thấy đó là tôi.
Vậy sao không thể
khởi khái niệm tôi
với thân thể khác ?

VIII-116. Cho nên khi ta
làm lợi cho người,
cũng chẳng có gì
để mà khoe khoang.
Cũng giống như là
tự đút mình ăn,
chẳng hề khởi tâm
mong cầu hồi báo.

VIII-117. Khi gặp nghịch cảnh,
tôi luôn ra sức
gìn giữ cho mình.
Tương tự như vậy,
nay tôi tập quen
khởi lòng từ bi
gìn giữ chúng sinh.

VIII-118. Đức Quan Thế Âm
vì lòng từ bi,
tự mang tên mình
làm chốn hộ trì
cho khắp chúng sinh
thoát mọi sợ hãi
giữa chốn đông người.

VIII-119. Vậy đừng thoái chí,
cứ tập cho quen.
Có người ban đầu
nghe nhắc đến tên
tôi đã thấy sợ,
nhưng quen thân rồi,
tôi lại kém vui
khi phải xa cách.

VIII-120. Ai muốn chính mình
thành nơi nương dựa
của mình và người,
thì nên thâm nhập
diệu pháp kín mật
hoán chuyển ngã tha.

VIII-121. Vì tôi tham luyến
chấp bám thân này
mà việc cỏn con
cũng gây kinh hãi.
Thân này sinh ra
biết bao sợ hãi,
sao chẳng ghét nó
như ghét kẻ thù ?

VIII-122. Cũng vì phải giữ
cho thân khỏi bệnh,
cho miệng khỏi đói,
cho cổ khỏi khô,
mà tôi sát hại
cá, chim, nai rừng,
rình rập bên đường
[Chờ dịp cướp bóc]

VIII-123. Vì lợi vì danh
có người thậm chí
giết cả mẹ cha,
cướp phẩm cúng dường,
tự đẩy mình vào
địa ngục vô gián.

VIII-124. Ai người có trí
lại muốn chiều lòng
cung phụng tấm thân !
Lại chẳng thấy đây
chính là kẻ thù
rất đáng khinh miệt !

VIII-125. “Nếu cho ra rồi
còn gì để hưởng ?”
Đây chính là lời
ái ngã của quỉ.
“Nếu như giữ hết
còn gì để cho ?”
Đây chính là lời
vị tha của trời.

VIII-126. Vì thủ lợi mình
mà hại đến người,
sẽ phải đọa rơi
khổ đau địa ngục.
Vì lợi ích người
mà hại đến mình,
phước đức gặt hái
rực rỡ bao la.

VIII-127. Tranh lợi cho mình,
rốt lại đọa rơi
vào cõi ác đạo,
thấp kém, ngu muội,
vậy sao tôi chẳng
đổi thành lợi người
để sinh vào cõi
tôn vinh hạnh phúc ?

VIII-128. Ép người hầu mình
sẽ phải chịu cảnh
nô lệ tôi đòi.
Hiến mình hầu người
thì sẽ có được
địa vị, quyền uy.

VIII-129. Hết thảy hạnh phúc
trong cõi thế gian
đến từ nơi tâm
cầu lợi cho người.
Hết thảy khổ nạn
trong cõi thế gian
đến từ ham muốn
thủ lợi riêng mình.

VIII-130. Phàm phu ấu trĩ
thủ lợi riêng mình,
còn chư Phật đà
luôn vì lợi tha.
Khác biệt ra sao
có cần phải nói ?

VIII-131. Không đổi vui mình
để lấy khổ người,
thì vô thượng giác
sẽ không thể đạt,
trôi trong sinh tử
không chút niềm vui.

VIII-132. Đừng nói đời sau,
ngay cả kiếp này
cũng không trọn vẹn.
Kẻ dưới thì luôn
biếng lười trốn việc,
chủ trên thì lại
trốn trả tiền lương.

VIII-133. Bao nhiêu niềm vui
đời này kiếp sau,
bao la rạng rỡ
đều vất bỏ hết.
Nào tôi có ngờ !
vì bởi vô minh
tổn hại hữu tình
mà tự chuốc lấy
khổ nạn triền miên.

VIII-134. Bao nhiêu thương tổn
trong cõi thế gian,
bao niềm sợ hãi,
bao nỗi đớn đau,
đều đến từ tâm
vô minh chấp ngã.
Thứ quỉ dữ này
giữ lại làm chi ?

VIII-135. Không triệt bỏ đi
thì bao khổ đau
chẳng thể tận diệt.
Lửa chẳng vất đi
thì chẳng làm sao
khỏi bị đốt cháy.

VIII-136. Muốn mình thoát khổ
và diệt khổ người,
nên tôi mang thân
dâng cho người khác,
và trân quí người
như quí bản thân.

VIII-137. Này tâm tôi ơi
hãy nên đoan chắc
rằng nay tôi đã
tùy thuộc nơi người.
Ngoài tâm vị tha
bây giờ không thể
có tâm nào khác.

VIII-138. Mắt này, tai này,
cùng các giác quan,
nay đã trở thành
sở hữu người khác.
Dùng riêng cho tôi
không được nữa rồi.
Huống chi là dùng
chống lại chủ nhân.

VIII-139. Hữu tình từ nay
trở thành trọng yếu.
Thân này có gì
đều hãy cướp sạch
đưa cho hữu tình
hưởng dụng tùy nghi

VIII-140. Lấy cảnh của người
thấp, bằng, hay cao,
đổi thành của tôi.
Và đổi cảnh tôi
thành của người khác.
Dẹp hết tán tâm
để mà quán chiếu:
khởi tâm ganh tị,
cạnh tranh, kiêu căng

VIII-141. Hắn được tôn vinh,
còn tôi cùng đinh,
không giàu như hắn,
không chút tài sản.
Người ta kính hắn
mà khinh miệt tôi.
Hắn sống an vui,
tôi khổ cay đắng.

VIII-142. Tôi phải làm lụng,
còn hắn ngồi không.
Ai cũng biết hắn
là bậc vĩ đại.
Ai cũng biết tôi
là kẻ bất tài.

VIII-143. Khoan đã ! Sao lại
là kẻ bất tài ?
Thật ra tôi cũng
được chút điều hay.
So với người này
thì tôi thấp kém,
nhưng với người kia
tôi vẫn trội hơn.

VIII-144. Giới, kiến sa đọa,
nhưng phải đâu là
lỗi ở nơi tôi.
Tôi chỉ là bị
nhiễm tâm quấy phá.
Hắn giỏi sao không
cứu nạn dùm tôi.
Hắn mà cứu tôi,
khổ đau cỡ nào
tôi cũng cam chịu.

VIII-145. Nhưng hắn có hề
muốn cứu tôi đâu.
Sao lại nhìn tôi
xem thường khinh miệt ?
Thiện đức mà hắn
kiêu ngạo biết bao,
đối với tôi đây
phỏng có ích gì ?

VIII-146. Không chút đoái thương
cho kẻ trôi lăn,
lạc chốn hung hiểm
cùng tận ác đạo.
Vậy mà ra vẻ
ung dung đạo đức,
còn muốn sánh vai
với bậc thánh nhân !

VIII-147. Hắn với tôi đây
cùng chung địa vị.
để thắng được hắn,
tôi không từ nan,
chiếm đoạt tài sản,
tiếng tăm, danh vọng.

VIII-148. Bằng đủ mọi cách
tôi sẽ làm cho
khắp cả thế gian
biết tôi tài giỏi
và sẽ khiến cho
tài năng của hắn
vĩnh viễn vùi chôn.

VIII-149. Lỗi tôi, tôi dấu.
Tôi, chẳng phải hắn,
được người cung phụng.
Tôi, chẳng phải hắn,
được hưởng lợi danh.
Tôi, chẳng phải hắn,
được đời ca tụng.

VIII-150. Tôi sẽ thích thú
khi hắn đọa rơi ;
sẽ biến hắn thành
trò cười thiên hạ,
để cho thế gian
dèm pha chế diễu.

VIII-151. Người ta nói rằng
kẻ vô minh này
ganh đua với tôi.
Học rộng, thông minh,
tướng mạo, tài sản,
làm sao có thể
sánh bằng tôi đây.

VIII-152. Mỗi khi thiên hạ
cất lời khen tôi,
tiếng thơm lừng vang
ở khắp mọi nơi,
lòng tôi rúng động,
niềm vui tê dại,
rợn cả lông tóc,
thỏa mãn đầy tràn.

VIII-153. Cho dù hắn có
được chút tài sản,
nhưng hắn là người
giúp việc cho tôi,
tôi để cho hắn
vừa đủ nuôi thân,
dư được chút nào,
tôi dùng quyền uy
mà tước đoạt cả.

VIII-154. Hạnh phúc của hắn,
tôi sẽ phá tan.
Làm cho tan hoang,
luôn gây tổn hại.
Đó là vì hắn
ở trong sinh tử
đã từng trăm lần
gây hại cho tôi.

VIII-155. Tâm của tôi ơi,
từ vô lượng kiếp
vì muốn thủ lợi
đã quá mỏi mòn,
chỉ để chuốc lấy
toàn là bất hạnh.

VIII-156. Vậy thì giờ đây
hãy nên cương quyết
dốc tâm dồn sức
hướng về lợi tha.
Phật luôn là người
nói đúng sự thật.
Tôi nên ghi nhớ
lợi ích pháp này.

VIII-157. Nếu trong quá khứ
từng tu như vậy,
chắc chắn hôm nay
quả Phật đại lạc
không thể chưa thành.

VIII-158. Vì vậy, cũng như
tôi đã từng lấy
tinh huyết của người
mà thấy là mình,
bây giờ cứ hãy
lấy khắp hữu tình
làm chính bản thân.

VIII-159. Hãy vì người khác
mà canh chừng mình.
Thân có được gì
hãy cướp sạch cho
chúng sinh hưởng dụng.

VIII-160. Tôi được an vui,
người khác thống khổ.
Tôi cảnh cao sang,
người khác thấp hèn.
Tôi được nâng đỡ,
còn người đơn chiết.
Vậy sao tôi chẳng
hờn ghen chính mình ?

VIII-161. Hạnh phúc tôi nay
mang ra cho hết,
khổ đau người khác
tôi sẽ ôm về.
Chất vấn lỗi mình,
canh chừng nghiêm ngặt
xem đang làm gì !

VIII-162. Khi người phạm lỗi
tôi sẽ nhận về
chịu lời quở mắng ;
còn tôi làm sai
dù chỉ mảy may
cũng sẽ phát lộ
cho khắp mọi người.

VIII-163. Danh tiếng của người
tôi sẽ thăng hoa
để cho cao trội
vượt quá danh tôi.
Như kẻ thấp hèn
làm thân ở đợ,
tôi đây phục dịch
cho khắp chúng sinh.

VIII-164. Cái ngã này đây
vốn đầy lầm lỗi,
ngẫu nhiên có được
đôi chút điều hay
thì chớ ngợi khen,
hãy chôn dấu kỹ
đừng cho ai biết.

VIII-165. Hết thảy khổ nạn
mà vì lợi riêng
tôi hại hữu tình,
nay xin hết thảy
đổ về nơi tôi.
Xin vì hữu tình
một mình tôi chịu.

VIII-166. Đừng để lộng quyền,
khinh thường, kiêu mạn,
mà hãy giống như
cô dâu mới cưới,
rụt rè, kín đáo,
e thẹn, ngại ngần.

VIII-167. Làm như thế này,
giữ như thế kia,
việc ấy liệu hồn
chớ nên xâm phạm.
Tự quản thúc mình
gắt gao như thế,
nếu lỡ vi phạm
phải quất phạt ngay.

VIII-168. Đã bảo như vậy
nếu chẳng chịu nghe,
này tâm ta ơi,
chính từ nơi ngươi
sinh bao việc ác,
nên phải nghiêm khắc
trừng phạt nặng tay.

VIII-169. Khi xưa ngươi cứ
tha hồ hại ta.
Thuở đó đã xa,
không còn thế nữa.
Nay ta đã thấy !
Ngươi liệu trốn đâu ?
Ta đạp cho ngươi
Chừa thói kiêu mạn

VIII-170. Hễ vừa khởi tâm
thủ lợi cho mình,
phải ngay tức thì
dẹp bỏ hết đi.
Ngươi đã mang thân
bán cho người ta,
chớ khá than van,
lo mà làm việc.

VIII-171. Là vì nếu ta
lỡ tâm sẩy ý,
không mang ngươi ra
cống hiến cho người,
thì nhất định là
ngươi sẽ bắt ta
giao cho ngục tốt,
trầm luân địa ngục.

VIII-172. Đã biết bao lần
ngươi phản bội ta,
đã biết bao đời
ta triền miên khổ,
nay ký ức ta
tràn đầy oán hận,
nhất định hủy diệt
quân ngã ái này.

VIII-173. Bao giờ muốn vui
thì đừng khi nào
vui cho riêng mình.
Tương tự như vậy,
bao giờ bảo vệ
thì phải luôn là
bảo vệ người khác.

VIII-174. Thân thể này đây
hễ càng nuông chiều
nó càng đổ đốn,
ương hèn, cáu kỉnh.

VIII-175. Để rơi cảnh này,
dù được mọi sự
trên toàn mặt đất
cũng chưa toại lòng.
Nỗi ái dục này
lấy gì thỏa mãn ?

VIII-176. Vì không thỏa mản
tâm loạn, không vui.
Còn với những ai
tâm không mong cầu
thời nguồn phước đức
vô biên không cạn.

VIII-177. Vậy đừng bao giờ
cho phép thân thể
tăng nỗi khát khao.
Những món tầm thường
không ai thèm muốn,
đó mới thật là
món đồ hữu dụng.

VIII-178. Thân thể này đây
chỉ là tro bụi,
không thể cử động,
chờ người khuân đi,
xấu xí, thối tha,
sao tôi lại xem
đây là chính mình ?

VIII-179. Sống hay là chết
có khác gì đâu.
Bộ máy này đây
liệu có ích gì ?
So với cục đất
thật ra không khác.
Tôi ơi, sao chẳng
vất lòng kiêu hãnh ?

VIII-180. Vì cung phụng nó
mà tôi phải chịu
khổ đau vô lý.
Bao nhiêu mong cầu,
bao nhiêu chán ghét,
chẳng qua chỉ vì
một khúc gỗ khô.

VIII-181. Dù là nuông chiều,
hay để chim gặm,
thân chẳng hề vui,
cũng không hề ghét.
Cần gì tôi phải
vất vả nâng niu ?

VIII-182. Bị chê chẳng giận,
được khen chẳng vui,
dù khen hay chê,
thân nào hay biết.
Cần gì tôi phải
nhọc công giữ gìn.

VIII-183. Nếu như nói rằng
nâng niu là để
cho bạn tôi vui.
Thế nhưng bạn tôi
với thân của họ
đều cảm thấy thích,
vậy sao tôi lại
chẳng thấy vui cùng ?

VIII-184. Hãy cởi luyến tham
để mang thân ra
làm lợi cho người.
Dù nhiều khuyến điểm
vẫn phải giữ gìn
để làm dụng cụ.

VIII-185. Ấu trĩ bấy nhiêu
đã đủ lắm rồi.
Nay nguyện noi theo
gót chân bậc giác,
nhớ kỹ lời dạy
về bất phóng dật,
quyết tâm quét hết
trì trệ hôn trầm.

VIII-186. Như chư trưởng tử
của đấng Phật đà
vô vàn từ bi,
nay tôi nguyện xin
gánh vác tất cả,
làm việc cần làm.
Nếu không cố gắng
nỗ lực ngày đêm,
biết đến bao giờ
khổ đau mới dứt ?

VIII-187. Vậy để phá tan
hết mọi che chướng,
tôi phải đưa tâm
thoát lối mê lầm.
luôn luôn giữ tâm
ở nơi đề mục,
nhập định tối hảo,
liên tục không ngưng.

/ HẾT CHƯƠNG 8 /

|| Đọc Tiếp Chương 9 >>>

Chương Chín: HẠNH TUỆ

Ghi chú người dịch: Xin lưu ý chữ “không thật có” ở đây có nghĩa là “không hiện hữu có tự tánh dị biệt.” Trung Quán không hề phủ nhận sự vật thật có qua duyên sinh và giả danh.

IX-1. Đức Mâu Ni thuyết:
mọi hạnh tu này,
mục đích là để
hướng về hạnh tuệ.
Vậy muốn diệt khổ
thì phải phát tuệ.

IX-2. Tướng là tục đế.
Tánh là chân đế.
Hai chân lý này
gọi là nhị đế.
Chân đế không là
đối tượng của tâm,
vì tâm ứng với
cảnh hiện tục đế.

IX-3. Cho nên thế gian
có hai loại người:
một là hành giả,
hai là phàm phu.
Tri kiến hành giả
phá bỏ hết thảy
tri kiến phàm phu.

IX-4. Tri kiến hành giả
cũng có thấp cao,
bậc trên phá bỏ
tri kiến bậc dưới.
Dựa vào tỉ dụ
hai bên đều nhận.
Muốn đạt kết quả
thì không quán chiếu.

IX-5. Đối với sự vật,
phàm phu tiếp cảnh
luôn thấy thật có,
chẳng phải hư vọng.
Điểm này hành giả
khác với phàm phu.

IX-6. Mặc dù thấy sắc,
nhưng đây chỉ là
cái thấy qui ước,
chẳng phải chân thật.
Cũng là hư vọng
như [thân] bất tịnh
mà người thế gian
đều thấy là tịnh.

IX-7. Để giúp người đời
dễ dàng hội nhập,
nên Phật nói rằng
sự vật thật có.
Thật ra chân đế
vốn không phải là
sát na sinh diệt.
Hỏi: “vậy chẳng lẽ
sát na sinh diệt
lại là tục đế ?”

IX-8. Điều này không sai:
sát na sinh diệt
là cảnh tục đế
của bậc hành giả ;
đối với thế gian
lại là chân đế.
Bằng không hành giả
thấy thân bất tịnh,
sẽ bị tri kiến
thế gian phá bỏ.

IX-9. Công đức đến từ
đức Phật hư huyễn,
so với công đức
từ Phật thật có,
đều là như nhau.
Hỏi: “nếu chúng sinh
chỉ là hư huyễn,
vậy khi chết rồi
làm sao tái sinh ?”

IX-10. Duyên còn hội tụ
thì cảnh huyễn còn,
cho dù kéo dài
bao lâu chăng nữa,
cũng đâu vì vậy
mà thành thật có.

IX-11. Giết kẻ hư huyễn
sinh từ huyền thuật
thì không tạo nghiệp,
vì nào có tâm.
Thế nhưng chúng sinh
vốn mang tâm huyễn,
cho nên phước nghiệp
vẫn sẽ phát sinh.

IX-12. Bùa chú không thể
tạo ra tâm huyễn.
Từ vạn nhân duyên
sinh vạn cảnh huyễn.

IX-13. Chưa từng có chuyện
chỉ từ một nhân
mà sinh nhiều cảnh.
Hỏi: “nếu chúng sinh,
nhìn từ chân đế,
vẫn trú niết bàn,
nhưng trong tục đế
lại trú sinh tử,

IX-14. nói vậy vô lẽ
Phật cũng luân hồi ?
Vậy hạnh bồ tát
tu để làm chi !”
Thật ra nhân duyên
nếu chưa đoạn lìa
thì chẳng thể nào
đoạn lìa huyễn ảo.

IX-15. Còn nếu nhân duyên
hết thảy đoạn lìa
thì cho dù là
cảnh huyễn tục đế
cũng chẳng phát sinh.
Hỏi: “nếu tâm huyễn
vốn không thật có,
vậy biết lấy gì
để tiếp cảnh đây ?”

IX-16. Chính các anh nói
cảnh là hư huyễn,
vậy bảo tiếp cảnh
là tiếp cảnh gì ?
Nếu như nói rằng:
“cảnh thì lại khác,
là vì cảnh hiện
cũng chỉ là tâm.”

IX-17. Nói vậy vô lẽ
tâm cũng là cảnh ?
Vậy dùng cái gì
để thấy gì đây ?
Chính đức Thế tôn
đã dạy điều này:
tâm chẳng tự thấy[1].

IX-18. Cũng như lưỡi dao,
chẳng thể tự cắt,
tâm cũng tương tự,
chẳng thể tự thấy.
Hay lại nói rằng:
“tâm như ngọn lửa
tự soi sáng mình.”

IX-19. Nhưng mà ngọn lửa
có bao giờ tối
để mà sáng soi ?
Hay lại nói rằng:
“vật gì vốn xanh,
tự nó đã xanh
chẳng cần gì khác,
chẳng phải giống như
là khối pha lê.

IX-20. Nhận thức cũng vậy
có thứ tùy thuộc,
có thứ lại không.”
Nhưng nếu vốn xanh,
vô lẽ một mình
tự trở thành xanh.

IX-21. Khi anh nói rằng
“lửa tự soi sáng,”
lửa này do tâm
thấy biết nói ra.
Nhưng khi nói rằng
“tâm tự soi sáng,”
thì biết lấy gì
thấy biết như vậy ?

IX-22. Đã không có gì
có thể thấy biết,
lại còn tranh cãi
xem tâm có tự
soi sáng hay không,
thật là vô nghĩa,
như xem dung mạo
đứa con của người
phụ nữ không con.

IX-23. Hỏi: “nếu tâm này
không thể tự biết,
làm sao có thể
nhớ tâm đã qua ?”
Thì cũng giống như
nọc độc chuột nước,
nhờ mối tương quan
với việc đã qua
mà nay nhớ lại.

IX-24. Hay anh nói rằng:
“tâm này có khi
có thể thấy được
[tâm của người khác]
lẽ nào không thể
tự thấy chính mình ?”
Mắt bôi thuốc thần,
tuy thấy bình báu
nhưng lại chẳng thể
thấy được thuốc bôi.

IX-25. Tâm vẫn thấy, nghe,
điều này đã hẳn,
không ai chối cãi.
Ở đây nói đến
vọng niệm chấp vào
tự tánh của tâm,
là gốc rễ của
vạn nỗi khổ đau,
đây mới là điều
cần phải phá bỏ.

IX-26. Các anh cho rằng:
“cảnh huyễn là tâm
và cũng chẳng thể
nói là không khác.”
Tâm nếu thật có
sao có thể khác ?
Nếu nói không khác,
thì không thật có.

IX-27. Cảnh hiện dù huyễn
vẫn có thể thấy.
Tâm cũng như vậy.
Các anh cho rằng:
“luân hồi phải dựa
trên điều thật có,
bằng không rỗng rang
như là hư không.”

IX-28. Đã không thật có,
làm sao có thể
dựa vào điều có
để thành thật có ?
Nói như các anh
thì tâm trở thành
hoàn toàn đơn độc,
chẳng có đối cảnh.

IX-29. Nếu như tâm này
đã không đối cảnh,
vậy thì ai ai
cũng đã là Phật,
cần gì phải nói
đến thuyết duy tâm !

IX-30. Hỏi: “cho dù biết
sự vật hư huyễn,
làm sao có thể
dứt bỏ nhiễm tâm ?
Thuật sĩ tạo ra
mỹ nhân tuyệt sắc,
biết là không thật
mà vẫn luyến thương.”

IX-31. Đó chỉ là vì
thuật sĩ chưa đoạn
tập khí phiền não
đối với sắc trần.
Thấy mỹ nhân ảo
mà lực huân tập
đối với tánh không
hãy còn quá yếu.

IX-32. Tuy vậy, chỉ cần
quen với tánh không,
từ từ dứt bỏ
thói quen chấp sắc.
Rồi khi quen với
“nhất thiết pháp không”
thì cả điều này
cũng sẽ từ bỏ.

IX-33. Nói “không” là vì
quán chiếu truy lùng,
thấy chẳng có gì
hiện ra trong tâm.
Chứ tánh “không” này
đâu thể tự mình
hiện ở trong tâm
như là thật có.

IX-34. Cả sắc và không
đều vắng trong tâm,
cũng chẳng hề có
trường hợp nào khác,
cho nên yên lắng
vào trong tịch tịnh.

IX-35. Như ngọc như ý,
như cây như nguyện,
toại tâm ý người
dù chẳng tác ý.
Phật trong quá khứ
nhờ phát đại nguyện,
nay hiện sắc thân
trước chúng đệ tử.

IX-36. Như kẻ dựng nên
đền kim sí điểu,
Người chết đã lâu
thế nhưng đền thần
vẫn đủ khả năng
chữa lành tà độc.

IX-37. Bồ tát cũng vậy,
nương hạnh bồ tát
dựng nên thân Phật,
rồi nhập niết bàn.
Nhập diệt đã lâu,
thế nhưng cũng vẫn
toàn thành nguyện ước
cho khắp chúng sinh.

IX-38. Hỏi: “nếu như Phật
vốn không tác ý,
làm sao cúng Phật
lại được công đức ?”
Là vì Phật dạy
cúng xá lợi Phật,
so với cúng Phật,
công đức bằng nhau.

IX-39. Kinh Phật nói rõ,
cho dù huyễn, thật,
kết quả như nhau,
cũng như công đức
cúng Phật thật có.

IX-40. Hỏi: “chứng diệu đế
là đủ giải thoát,
Cần gì phải chứng
tri kiến tánh không ?”
Vì kinh Phật nói
không có lối này
thì chẳng thể nào
đạt chánh đẳng giác.

IX-41. “Nhưng kinh đại thừa
chưa được minh xác.”
Thế kinh các anh,
minh xác cách nào ?
“Vì cả hai bên
đều nhận là đúng.”
Vậy thì đâu phải
minh xác từ đầu.

IX-42. Các anh nhờ đâu
khởi tín tiểu thừa,
tôi cũng y vậy
khởi tín đại thừa.
Nếu như chỉ cần
hai bên chấp nhận,
nói vậy vô lẽ
cả kinh Vệ đà
cũng được minh xác ?

IX-43. Hay là nói rằng:
“kinh điển đại thừa
không thể chấp nhận
vì gây nghi vấn.”
Nhưng mà ngoại đạo
nghi vấn kinh Phật,
ngay chính các anh
cùng nhiều người khác
cũng còn nghi vấn,
chẳng lẽ vất đi ?

IX-44. Tỷ kheo chân chính
là gốc chánh pháp,
nhưng muốn chân chính
thật khó muôn vàn.
Tâm còn đối cảnh
thì chẳng thể nào
đến bờ bên kia.

IX-45. Các anh cho rằng
“hễ phiền não đoạn
tức thì giải thoát.”
Thế nhưng cho dù
đoạn dứt phiền não,
nghiệp báo vẫn còn.

IX-46. Nói: “chỉ tạm thôi.
vì ái đã đoạn
nên chẳng thọ sinh.”
Ái dục phiền não
đúng thật đã đoạn,
thế nhưng ái dục
loại không phiền não
vẫn chưa thể đoạn
vì còn vô minh.

IX-47. Ái sinh từ thọ,
mà thọ vẫn còn.
Niệm vẫn sinh khởi.
Tâm vẫn chấp niệm.

IX-48. Tâm chưa chứng không
thì dù có đoạn
cũng chỉ tạm thời,
vẫn sẽ tái khởi,
tương tự như người
nhập định phi tưởng.
Vì vậy nhất định
phải quán tánh không.

IX-49. Kinh điển kiết tập
đều được nhìn nhận
chính là lời Phật,
vậy sao không nhận
giáo lý Đại thừa,
so với kinh điển
không hề mâu thuẫn.

IX-50. Vì một không thuận
mà bỏ tất cả,
đã vậy, sao chẳng
vì một thuận mà
nhận hết tất cả
đều là lời Phật ?

IX-51. Diệu pháp này đây
cả đức Ca Diếp
cũng chưa thể lường
mức độ thâm sâu.
Đâu thể chỉ vì
chính mình không hiểu
mà từ bỏ hết.

IX-52. Hết thảy ái, sân,
đều đã tự tại,
nhưng vẫn nán lại
trú ở luân hồi,
vì thương hữu tình
khổ trong vô minh:
đây chính là quả
tánh không mang đến.

IX-53. Sai lầm biết bao
nếu thấy tánh không
có gì không đúng.
Vậy hãy quét sạch
hết thảy hoài nghi
để mà quán không.

IX-54. Bóng tối trùng điệp
của phiền não chướng
cùng với trí chướng,
đều nhờ tánh không
mà quét sạch cả.
Ai người mong cầu
chóng thành chánh quả,
làm sao có thể
bỏ mất tánh không !

IX-55. Điều tạo khổ đau
mới là đáng sợ,
trong khi tánh không
là điều diệt khổ,
sao lại khiến ta
hoảng hốt âu lo ?

IX-56. Nếu “ngã” thật có,
thì sợ cũng đúng.
Thế nhưng “ngã” này
vốn chẳng hề có,
vậy nào có gì
để ai âu lo ?

IX-57. Răng, tóc hay móng
chẳng phải là ngã.
Ngã có phải đâu
là xương hay máu,
hay là đờm, giãi,
huyết trắng, mủ xanh.

IX-58. Ngã chẳng phải là
mỡ hay mồ hôi,
chẳng phải phổi, gan,
chẳng là nội tạng,
cũng chẳng phải là
phân hay nước tiểu.

IX-59. Thịt hay là da,
đâu phải là ngã.
Thân nhiệt, hơi thở,
cũng đâu phải ngã.
Lỗ trong thân thể
cũng không là ngã.
Sáu thức cũng vậy,
có phải ngã đâu.

IX-60. Nếu như nhĩ thức
vốn dĩ thường còn,
lẽ ra lúc nào
cũng tiếp âm thanh.
Đối cảnh không có,
nhận biết gì đây ?
Làm sao có thể
gọi đó là thức ?

IX-61. Nếu không cần tâm
cũng vẫn nhận biết,
vô lẽ khúc gỗ
cũng biết hay sao ?
Đối cảnh không có
thì thức cũng không.

IX-62. Các anh nói rằng
“thức này thấy sắc,”
vậy sao lúc ấy
chẳng còn nghe thanh ?
Hay là nói rằng:
“đã hết âm thanh ?”
Không có âm thanh
làm gì có thức.

IX-63. Vốn là nhĩ thức,
làm sao có thể
biến thành nhãn thức ?
Cho dù nói rằng:
“một người có thể
vừa cha, vừa con.”
Nhưng nói như vậy
chỉ là lập danh,
không phải tự tánh.

IX-64. Tương tự như vậy,
“khổ,” “trung tánh,” “lạc”
vốn không là cha,
cũng không là con.
Chưa hề tìm ra
có nhãn thức nào
lại thấy âm thanh.

IX-65. Các anh nói rằng:
“giống như diễn viên
sắm nhiều vai tuồng.”
Nếu vậy đâu thể
gọi là thường còn.
Trước sau bất nhất
mà gọi đồng nhất,
việc này đúng thật
chưa từng thấy qua !

IX-66. Các anh nói rằng:
“chỉ là tướng huyễn.”
Vậy xin giải thích
tánh thì ra sao ?
“Chỉ thuần là biết.”
Nói vậy vô lẽ
hết thảy chúng sinh
đều chỉ là một ?

IX-67. Sự vật có tâm
hay không có tâm,
lẽ nào giống nhau
vì đều hiện hữu.
Nếu tướng của tâm
hết thảy không thật,
thử hỏi còn gì
làm nền tảng chung ?

IX-68. Đã là vô tri
thì không phải ngã,
chỉ là món vật
giống như chiếc bình.
Nếu như cho rằng:
“phối hợp với thức
thì sẽ nhận biết,”
vậy thì đâu còn
là vật vô tri.

IX-69. Hơn nữa, nếu như
ngã vốn bất động,
vậy biết lấy gì
phối hợp với thức ?
Ngã mà như vậy,
thì cả hư không
ù lì vô tri
cũng gọi là ngã.

IX-70.  Các anh cho rằng:
“ngã nếu không có,
thì chẳng có gì
nối nghiệp với quả.
Nếu không có ai
là người gieo nghiệp,
vậy biết lấy ai
làm người chịu quả ?”

IX-71. Cả anh và tôi
đều chấp nhận rằng
chủ thể của việc
gieo nghiệp, chịu quả
vốn không đồng nhất,
và cũng chấp nhận
ngã không tạo tác,
vậy còn tranh biện
ở chỗ nào đây ?

IX-72. “Nhân đồng với quả”
là điều không có
phải là cùng chung
một dòng tâm thức
mới có thể nói
đến việc gieo nhân
thì phải gặt quả.

IX-73. Tâm của quá khứ,
hay của tương lai,
đều không phải ngã,
vì đã không còn,
hay là chưa đến.
Nếu cho rằng ngã
là tâm hiện tại,
vậy khi tâm này
tan vào quá khứ,
ngã cũng tan theo.

IX-74. Cũng như thân chuối,
xẻ hết thân ra
chẳng tìm thấy lõi.
Tương tự như vậy,
quán chiếu tận cùng
vẫn không làm sao
tìm thấy được ngã.

IX-75. Hỏi: “nếu chúng sinh
đều chỉ là không,
vậy tâm từ bi
còn phát với ai ?”
Là vì chúng sinh
vô minh chấp ngã,
nên cần phát nguyện
cứu vớt khắp cả.

IX-76. Hỏi: “nếu chúng sinh
đều chỉ là không,
vậy ai là người
thành tựu Phật quả ?”
Đúng là như vậy.
Việc này chỉ do
vô minh thấy có !
Nhưng để diệt khổ,
thì Phật quả mà
vô minh thấy có,
chẳng thể quét đi.

IX-77. Khổ đau đến từ
tự tín chấp ngã,
lại được tăng bồi
bởi niệm vô minh.
Cho dù nghĩ rằng
chẳng thể nào khác,
nhưng quán vô ngã
vẫn là cao hơn.

IX-78. Điều gọi là “thân,”
chẳng phải chân, cẳng,
chẳng phải đùi, hông,
chẳng phải lưng, bụng,
cũng chẳng phải là
lồng ngực, cánh tay.

IX-79. Thân chẳng phải là
xương sườn, bàn tay,
chẳng phải là nách,
chẳng phải là vai,
chẳng là nội tạng,
ruột gan, đầu, cổ,
vậy thật ra thân
trú ở nơi nào ?

IX-80. Nếu thân trú ở
khắp mọi bộ phận,
mỗi bộ phận ứng
với một phần thân,
còn chính thân kia
trú ở chỗ nào ?

IX-81. Nếu nói rằng: “thân
đơn nhất, trọn vẹn,
nằm ở bàn tay,
ở từng bộ phận,”
vậy thì vô lẽ
bao nhiêu bộ phận
là bấy nhiêu thân ?

IX-82. Không ở bên trong,
chẳng ở bên ngoài,
làm sao đồng nhất
với từng bộ phận ?
cũng chẳng thể khác
với các bộ phận,
hỏi thân như vậy
làm sao thật có ?

IX-83. Thân chẳng hề có.
Chỉ vì vọng tâm
nhìn vào bàn tay
cùng các bộ phận
mà lại khởi niệm
thấy rằng có thân.
Cũng như nhìn đá
khéo chất thành đống
giả làm bù nhìn,
tưởng có người ta.

IX-84. Hội đủ nhân duyên
thì gã bù nhìn
thấy thành người ta.
Hội đủ bộ phận
thì từ nơi đó
hiện ra thân người.

IX-85. Tương tự như vậy,
bàn tay chỉ là
tổ hợp các ngón
chứ nào tự có;
ngón tay cũng vậy,
do đốt hợp thành;
cả đốt tay cũng
gồm nhiều bộ phận.

IX-86. Mỗi bộ phận này
gồm nhiều phân tử.
Phân tử bao gồm
thành phần phương hướng.
Mỗi thành phần này
chẳng đâu tìm thấy
mẩu bất khả phân,
giống như không gian,
cho nên phân tử
cũng không tự tánh.

IX-87. Sắc thể, vì thế,
đều như huyễn mộng.
Đã thấy vậy rồi
luyến ái ai đây ?
Thân đã không có
thì còn nói gì
đến là thân nữ
hay là thân nam ?

IX-88. Khổ, nếu thật có,
tại sao lại chẳng
choáng hết niềm vui ?
Vui, nếu thật có,
tại sao món ngon
lại chẳng mang vui
cho người thoi thóp ?

IX-89. Nếu như nói rằng:
“cảm thọ tuy có
nhưng bị che khuất
bởi điều mạnh hơn.”
Đã không cảm được,
làm sao có thể
gọi là cảm thọ ?

IX-90. Hay là nói rằng:
“vi tế vẫn còn,
nhưng khổ thô lậu
đã bị lấn át:
tuy thấy là vui
nhưng trong vi tế
vẫn đang là khổ.”

IX-91. Đã nói: “vì có
yếu tố đối nghịch
mà khổ không hiện,”
đó chẳng phải là
nói rằng cảm thọ
vốn chỉ do tâm
lập danh mà có ?

IX-92. Vì lý lẽ này
mà gọi thiền quán
là pháp đối trị.
Định sinh từ quán,
đây là thức ăn
nuôi dưỡng hành giả.

IX-93. Giữa căn với trần,
nếu có khoảng cách,
làm sao tiếp xúc ?
Nếu không khoảng cách
thì đã là một,
biết lấy cái gì
tiếp xúc gì đây ?

IX-94. Phân tử không gian
vì không khối lượng
nên chẳng thể nào
nhập vào trong nhau.
Đã không thể nhập
thì không thể hòa.
Đã không thể hòa,
chẳng thể tiếp xúc.

IX-95. Có ai lại nói
vật vô thành phần
mà lại có thể
tiếp xúc với nhau.
Ở đâu thấy được
sự tiếp xúc này,
xin hãy vui lòng
chỉ cho tôi thấy !

IX-96. Chẳng thể nói rằng
tâm phi vật thể
mà lại có thể
chạm vào cái tâm.
Ngay cả tổ hợp
cũng không thể có
như là trước đây
đã từng nói rõ.

IX-97. Xúc này từ đầu
vốn đã không có,
vậy thì thọ này
từ đâu sinh ra ?
Thử hỏi có gì
để dày vò ai ?
Việc gì ta phải
lao đao như vậy !

IX-98. Vốn chẳng có ai
là người cảm thọ.
Chính cảm thọ này
cũng không tự có.
Đã thấy vậy rồi
thì ái và thủ,
cách gì lại chẳng
quay đầu rút lui.

IX-99. Điều thấy trước mắt,
nắm ở trong tay,
hết thảy đều như
là cơn mộng huyễn.
Nếu thọ và tâm
đến cùng một lúc,
thì tâm đã chẳng
tiếp được thọ này.

IX-100. Nếu cái này trước,
cái kia đến sau,
vậy chỉ còn là
kinh nghiệm nhớ lại.
Thọ cũng chẳng thể
tự tiếp chính mình;
cũng chẳng gì khác
có thể tiếp thọ.

IX-101. Chủ thể cảm thọ
vốn không thật có,
nên thọ này cũng
không có tự tánh.
Vậy thì cảm thọ
làm sao có thể
gây tổn hại cho
khối vô ngã này ?

IX-102. Tâm không trú ở
bên trong các căn;
cũng không trú ở
sắc trần bên ngoài;
tâm cũng không hề
trú ở chính giữa:
không trong, không ngoài,
không nơi nào khác.

IX-103. Không ở nơi thân,
cũng không tách lìa.
Không là đồng nhất,
cũng không dị biệt.
Tâm dù mảy may
cũng không thật có:
chúng sinh vốn dĩ
nằm ngoài cảnh khổ.

IX-104. Nếu như tâm thức
đi trước sắc trần,
vậy thì lấy gì
để sinh ra thức ?
Nếu thức và trần
đồng loạt với nhau,
vậy thì lấy gì
để sinh ra thức ?

IX-105. Nếu thức sau trần,
thì cũng vậy thôi,
chẳng biết lấy gì
để sinh ra thức.
Cho nên vạn pháp
từ đâu sinh ra,
là điều vượt ngoài
khả năng nhận biết.

IX-106. Hỏi: “nói vậy thì
còn gì tục đế ?
Tục đế đã không,
nhị đế làm sao ?
Hơn nữa tục đế
nếu đến từ tâm,
làm sao có thể
đạt được niết bàn !”

IX-107. Thật ra chỉ là
vọng cảnh nơi người
nào có phải là
tục đế tâm ta ?
niệm còn nối niệm,
tục đế còn hiện,
bằng không tục đế
đương nhiên không còn.

IX-108. Chủ thể, đối tượng
tùy thuộc lẫn nhau
nên vẫn có thể
dựa lẽ qui ước
để nói đến sự
quán chiếu, tầm tư.

IX-109. Hỏi: “vậy phải lấy
sự tầm tư này
để mà quán chiếu,
rồi lại quán chiếu
sự quán chiếu này,
cứ làm như vậy
có bao giờ xong.”

IX-110. Nếu biết đúng cách
quán chiếu sự vật,
thì có còn gì
để mà quán chiếu.
Đối tượng đã vắng,
nên chủ thể tan,
đó mới chính là
niết bàn chân thật.

IX-111. Ai người nói rằng
hai bên đều thật,
sẽ khó bảo vệ
cho luận kiến này.
Nếu dùng tâm thức
xác định sự vật,
vậy biết lấy gì
xác định tâm thức ?

IX-112. Nếu dùng đối cảnh
xác định tâm thức,
vậy biết lấy gì
xác định đối cảnh ?
Nếu nói hai bên
tùy thuộc lẫn nhau,
thì sao còn gọi
là có tự tánh ?

IX-113. Nếu không có con
đâu thể có cha,
vậy đứa con này
từ đâu mà có ?
Làm gì có cha,
nếu không có con,
nên cả hai bên
không thể thật có.

IX-114. Hay là nói rằng:
“cây đến từ hạt,
chỉ cần nhìn cây
là biết có hạt.
Thức đến từ cảnh,
sao lại không thể
nhìn vào nơi thức
biết cảnh thật có ?”

IX-115. Việc này không thể.
Nếu muốn nhìn cây
để biết có hạt,
phải do tâm thức,
khác với cây này,
suy ra như vậy.
Nay biết lấy gì
nhìn thức tiếp cảnh
để suy ra rằng
thức này thật có ?

IX-116. Lẽ thường cho thấy
sự việc trong đời
đều là có nhân.
Hoa sen nhiều cánh
đều sinh ra từ
nhiều nhân phối hợp.

IX-117. Hỏi: “vậy nhân này
từ đâu mà có ?”
Từ nhân đi trước.
Lại hỏi: “nhân này
sao sinh quả kia ?”
Là vì tùy thuộc
vào nhân đi trước.

IX-118. Tin rằng Thượng đế
sinh ra hữu tình,
vậy xin nói rõ
Thượng đế là gì ?
Nếu nói chỉ là
thành phần thiên nhiên,
thì thôi, cần gì
phí công tranh cãi !

IX-119. Tuy nhiên, đất cùng
các thành phần khác
vốn không đơn nhất,
sinh diệt, ù lì,
chẳng phải thần thánh,
vật dẫm dưới chân,
dơ bẩn bất tịnh,
sao lại có thể
cho là Thượng đế ?

IX-120. Không gian vô năng
chẳng phải Thượng đế.
Ngã cũng không phải,
điều này đã rõ.
Nói rằng: “Thượng đế
ngoài tầm thấy, biết ?”
Vậy bảo rằng “có”
là dựa vào đâu ?

IX-121. Thượng đế thật ra
muốn tạo những gì ?
Hay là Thượng đế
tạo sinh ra ngã
và các thành phần ?
Các anh chẳng nói
ngã và các đại
cũng là thường còn
giống như Thượng đế ?
Tâm thức là từ
đối cảnh sinh ra.

IX-122. Kể từ vô thủy
sướng khổ đều do
nơi nghiệp mà có.
Thử hỏi Thượng đế
sinh được những gì ?
Nhân không khởi thủy,
thì quả chẳng thể
có điểm bắt đầu.

IX-123. Thượng đế nếu không
tùy thuộc gì cả,
tại sao vạn vật
chẳng đồng loạt sinh ?
Không một thứ gì
Thượng đế không tạo,
vậy còn gì để
Thượng đế tùy vào ?

IX-124. Nếu nói Thượng Đế
tùy thuộc thứ khác,
vậy thì vạn vật
sinh từ nhân duyên,
đâu phải Thượng đế.
Hội đủ nhân duyên
thì Thượng đế tạo,
không đủ thì thôi,
không thể tạo sinh.

IX-125. Nếu nói: “Thượng đế
không khởi ý muốn
nhưng vẫn tạo sinh,”
vậy là tùy thuộc
vào quyền năng khác.
Còn nếu nói rằng:
“do muốn mà tạo,”
vậy chịu chi phối
của lòng ham muốn,
thử hỏi Thượng đế
vạn năng chỗ nào ?

IX-126. Riêng về tri kiến
phân tử thường còn  [Mimamsaka theory]
đã được phá bỏ
ở phần trước đây.
Số Luận thì nói  [Samkyas]
vạn vật sinh từ
vật thể nguyên thủy

IX-127. Cái được gọi là
“vui,” “khổ,” “trung tánh”[2]
ở thế quân bình,
thì được gọi là
vật thể nguyên thủy;
khi mất quân bình,
thì sinh vạn vật.

IX-128. Đã là đơn nhất
mà lại có ba,
là điều không có.
Cho nên ba tánh
không thể hiện hữu,
mỗi tánh lại phải
bao gồm cả ba.

IX-129. Ba tánh đã không,
vậy thì âm thanh
hãy còn rất xa !
Những vật vô tri
như là mảnh vải,
chẳng thể là nơi
chứa được niềm “vui.”

IX-130. Nếu như nói rằng:
“những vật như vải
mang tánh của nhân.”
Trước đây đã chẳng
quán “vật” rồi sao ?
Các anh cho rằng:
“sự vật là do
“vui” và đại loại
làm nhân mà có.”
Vải có bao giờ
từ vui sinh ra !

IX-131. Đúng ra phải nói:
“vui” đến từ “vải.”
Vải đã không có,
thì “vui” cũng không.
“Vui” và đại loại
mà gọi thường còn,
đây thật là điều
chưa từng thấy qua !

IX-132. Nếu “vui” thường còn,
tại sao lại chẳng
liên tục thấy “vui” ?
Hay là nói rằng
““vui” có khi về
dưới dạng vi tế.”
Làm sao có thể
vừa tế, vừa thô ?

IX-133. Hay là nói rằng:
“hết thô lại tế.”
Vậy thô và tế,
không phải thường còn,
đã vậy sao chẳng
nói thẳng mọi sự
đều là vô thường ?

IX-134. Các anh còn nói:
““thô” chính là “vui.””
Rõ ràng khẳng định
“vui” cũng vô thường.
Nếu như nói rằng:
“đã không hiện hữu,
thì không khởi hiện,
vì chưa từng có.”

IX-135. Dù đã phủ định
“việc chưa từng có
chẳng thể phát sinh,”
nay các anh lại
khẳng định điều này.
Nói quả và nhân
đồng loạt hiện hành,
không lẽ ăn cơm
cũng là ăn phân ?

IX-136. Đã vậy cần gì
phí tiền mua vải,
mua nắm hạt gòn
chẳng tốt hơn sao ?
Nói: “vì kẻ phàm
u mê chẳng thấy,
phải do bậc trí
dạy lại điều này.”

IX-137. Nhưng mà trí này
kẻ phàm cũng có,
sao họ không thấy ?
Nếu như nói rằng:
“cái thấy kẻ phàm
không thể tin nhận.”
Nói vậy, đối cảnh
mà kẻ phàm thấy
cũng là hư vọng.

IX-138. Hỏi: “nếu nhận thức
đã không giá trị,
vậy thì đối cảnh
chẳng phải đều là
hư vọng hết sao ?
Vậy quán tánh không
thật là vô lý !”

IX-139. Nhưng mà thật ra
nếu như đã thấy
đối cảnh là không,
thì biết tánh không
của đối cảnh kia
chẳng thể chấp vào.
Đối cảnh hư vọng,
bất kể loại nào,
tánh không của nó
cũng là hư vọng.

IX-140. Như trong giấc mộng
thấy con mình chết,
ý tưởng “đã chết”
thay thế vào cho
ý tưởng “còn sống,”
mặc dù cả hai
đều là hư vọng.

IX-141. Vì vậy sau khi
quán chiếu tận tường,
biết chẳng có gì
là không có nhân, [vô nhân sinh]
cũng không có gì
cùng ở trong nhân,
dù là riêng lẽ [tự sinh]
hay là tổ hợp, [cộng sinh]

IX-142. cũng không có gì
sinh từ nơi khác. [tha sinh]
Không từng ở lại
cũng chẳng từng đi,
vọng tâm nhìn vào
cho rằng thật có.
sự vật như vậy
xét cho rốt ráo
khác gì ảo ảnh ?

IX-143. Cảnh tượng hư ảo
thuật sĩ tạo ra
Hay là cảnh ảo
do nhân duyên tạo
biết sinh từ đâu ?
biết diệt về đâu ?
đây là điều nên
quán chiếu tận tường.

IX-144. Đủ duyên thì sinh,
bằng không chẳng có.
Không chút tự tánh,
như ảnh trong gương.
Làm sao có thể
thật có cho được.

IX-145. Nếu đã thật có,
đâu cần đến nhân ?
Nhưng cần gì nhân
nếu không thật có ?

IX-146. Cho dù hội tụ
cả vạn ức nhân,
cũng không biến đổi
được vật không có.
Đã không hiện hữu
thì biết lấy gì
trở thành hiện hữu ?
Trở thành gì đây ?

IX-147. Nếu đã là “không,”
lấy gì thành “có” ?
Thành “có” như vậy
là từ bao giờ ?
Nếu “có” không đến
thì “không” chẳng đi.

IX-148. “không” này không đi
“có” làm sao đến ?
Vật “có hiện hữu”
thì chẳng thể nào
thành “không hiện hữu,”
bằng không hai tánh
chẳng lẽ hiện hành.

IX-149. Vì vậy mà nói
vạn pháp vô sinh,
và cũng nói là
vạn pháp vô diệt.
Hết thảy hữu tình
không hề sinh ra,
cũng không mất đi.

IX-150. Chúng sinh hữu tình
tựa như giấc mơ,
quán chiếu truy tìm
chỉ như thân chuối.
Nói cho rốt ráo,
luân hồi, niết bàn,
chẳng thể phân biệt.

IX-151. Sự vật như vậy
vốn đã là không,
thì đâu có gì
để mà được, mất ?
Có ai ở đó
hưởng vinh, chịu nhục,
cũng nào có ai
khen ngợi, chê bai.

IX-152. Sướng khổ này đây,
từ đâu mà đến ?
Có gì để phải
mừng rỡ, đớn đau ?
Xét cho rốt ráo
thì nào có ai
là người tham luyến ?
tham luyến gì đây ?

IX-153. Quán chiếu đời sống
của chúng hữu tình,
thấy đâu có ai
là người đã mất ?
cũng chẳng có gì
sẽ đến, đã qua,
nào có ai là
thân nhân, bằng hữu ?

IX-154. Mong người như tôi
có thể hiểu rằng
hết thảy mọi sự
như là hư không.
Nhưng người thế gian
lại thích tìm cầu
hạnh phúc an lạc
bằng sự níu, đẩy.

IX-155. Khi thì hoảng loạn
lúc lại mừng vui,
khốn khổ bức bách,
đấu đá, cạnh tranh,
đâm chém lẫn nhau,
chửi rủa, thóa mạ,
sống trong tội ác
ngụp lặn đắm chìm.

IX-156. Thỉnh thoảng có khi
trồi lên cõi thiện,
buông thả mình trong
khoái lạc an vui,
để rồi chết đi,
đọa rơi cõi dữ,
chịu khổ cùng cực
đăng đẳng triền miên.

IX-157. Cõi thế gian này
biết bao vực thẳm !
Nơi này chẳng thể
tìm thấy tánh như.
Luôn là mâu thuẫn,
luôn là từ khước,
tánh như vạn pháp
có thế bao giờ.

IX-158. Ở đây biển khổ
rộng không bến bờ,
không có lời nào
nói cho hết được.
Ở đây sức yếu,
mạng sống phù du,

IX-159. đổ dồn tâm sức
băn khoăn gìn giữ
mạng sống, sức khỏe,
cho khỏi đói, mệt.
Phí hết thời gian,
để mà ngủ nghỉ,
để mà phiền muộn,
để mà giao du
với kẻ ấu trĩ.

IX-160. Đời sống vô nghĩa
thấm thoát trôi qua.
Trí tuệ phải đâu
dễ dàng có được !
Thử hỏi cách gì
tìm ra phương cách
để đoạn tán tâm ?

IX-161. Đã vậy còn thêm
biết bao tà ma
sẵn sàng đẩy ta
sa vào địa ngục ;
còn bao đường đi
dối láo hư ngụy ;
còn tâm hoài nghi
rất khó dẹp bỏ.

IX-162. Thân người tự tại
khó lòng tìm lại ;
bổn sư xuất thế
lại càng khó hơn ;
càng hiếm biết bao
đoạn dòng phiền não.
Than ôi, cứ thế
chịu khổ đau hoài.

IX-163. Đớn đau cùng cực,
ngụp lặn dòng đời,
biển khổ mù khơi,
trầm luân đuối ngạt.
Vậy mà khổ mình
lại không tự thấy.
Ôi chúng hữu tình,
thật đáng thương thay !

IX-164. Cũng như có người
tắm rồi lại tắm,
để rồi liên tục
lửa nóng xông vào,
cứ vậy mà chịu
đớn đau khốn khổ,
nhưng lại tưởng là
khoái lạc an vui.

IX-165. Có người lại sống
như thể sẽ không
bao giờ già, chết,
để rồi, trước tiên,
mất đi mạng sống,
tiếp theo rơi đọa
ác đạo hãi hùng.

IX-166. Bao giờ tôi mới
có thể dập tắt
ngọn lửa khổ đau
thiêu bỏng chốn này
bằng trận mưa to
của niềm hỉ lạc,
dào dạt xuống từ
biển mây công đức ?

IX-167. Kho tàng công đức
tôi đã tích lũy
với trọn lòng thành,
tâm không niệm khởi,
bao giờ tôi mới
vén được tánh không
cho khắp những ai
vì chấp niệm khởi
mà khổ trầm luân
trong biển luân hồi.

/ HẾT CHƯƠNG 9 /

Ghi chú chương 9:
[1] Trích Luận giải của ngài Kunzang Pelden:  “Điểm then chốt ở đây là nếu đã cho rằng tâm có tự tánh dị biệt và đơn nhất, vậy tâm này vốn không thể phân hai để có thể vừa là đối tượng vừa là chủ thể nhìn thấy đối tượng ấy.” Điều nói ở đây không ứng với cái tâm duyên sinh giả danh.
[2] sattva, rajas, tamas. Là ba tánh theo thuyết Số Luận.

|| Đọc Tiếp Chương 10 >>>

Chương Mười: HỒI HƯỚNG

X-1. Soạn tác luận này,
Nhập Bồ Đề Hạnh,
được bao công đức,
nguyện xin hồi hướng
cho khắp chúng sinh
dấn thân bước vào
pháp hành bồ tát.

X-2. Nương công đức này,
nguyện cho chúng sinh
ở khắp mọi nơi,
đang chịu khổ đau
tinh thần thể xác,
tìm được đầy tràn
hạnh phúc an vui.

X-3. Còn trong luân hồi,
nguyện cõi thế gian
được nguồn hạnh phúc
không bao giờ tàn,
không hề gián đoạn,
hưởng nguồn an lạc
như là sóng cả
của chư bồ tát.

X-4. Nguyện cho chúng sinh
khổ đau trong cõi
địa ngục trùng điệp
trên toàn cõi thế
hưởng được niềm vui
Tây phương cực lạc.

X-5. Nguyện cho kẻ lạnh
tìm được hơi ấm,
nguyện cho kẻ nóng
dịu mát cơn đau
nhờ mây bồ tát
mưa xuống biển mưa
bao la vô tận.

X-6. Nguyện rừng lá chém
thành rừng đẹp vui;
nguyện cây giáo gươm
thành cây như ý;

X-7. địa ngục trở thành
cảnh giới an lạc;
hồ sen bao la
ngọt ngào thơm ngát,
thanh thoát tiếng chim
hạc, ngỗng, thiên nga…

X-8. Nguyện núi than hồng
trở thành núi ngọc;
nguyện đất nung đỏ
thành nền pha lê;
nguyện dãy núi đè
thành cung điện ngọc
đầy ắp Như lai.

X-9. Nguyện mưa núi lửa
thành trận mưa hoa;
nguyện cõi đẳng hoạt
hung tàn vũ khí,
thành chốn nô đùa
tung hoa làm vui.

X-10. Nguyện người trầm luân
nơi dòng sông lửa,
thịt da tan chảy,
xương trắng trần phơi,
nương công đức này
có được thân trời,
cùng bao thiên nữ
bên dòng sông thiên
êm đềm dịu chảy
thanh thản nằm phơi.

X-11. Tự hỏi “vì đâu
ngục tốt diêm vương
đầu quạ đầu ó
bỗng nhiên hốt hoảng ?
Do diệu lực nào
quét tan bóng tối,
mang lại an vui
cho cõi địa ngục ?”
Ngẩng đầu lên nhìn
thấy giữa trời rộng
sáng ngời hình bóng
đức Kim Cang Thủ.
Tâm khởi mừng vui
nên hắc nghiệp tan,
theo cùng bồ tát
rời xa chốn này.

X-12. Bao giờ thạch nham
bỗng nhiên tan biến
nhờ trận mưa hoa
tẩm đầy nước hương.
Tự hỏi nhờ đâu ?
mà tràn niềm vui ?
Nguyện cho chúng sinh
trong cõi địa ngục
thấy được trước mắt
đấng Cầm Hoa Sen[1].

X-13. Bạn hiền tôi ơi
hãy mau đến đây,
không cần hoảng chạy.
Ai ở trên kia ?
Chính đức Diệu Âm[2]
là bậc bồ tát
hộ trì chúng sinh
ban sự vô úy.
Nhờ lực của ngài
khổ đau tan sạch,
suối an lạc chảy
và bồ đề sinh.

X-14. Xin hãy nhìn xem:
ở trong điện ngọc
trăm vạn chư thiên
đảnh lễ gót sen;
trăm vạn thiên nữ
rền lời xưng tán.
Đôi mắt của ngài
từ hòa ướt đẫm.
Từ đỉnh đầu ngài
rơi trận mưa hoa.
Chúng sinh địa ngục
thấy được cảnh này
cất tiếng reo vui.

X-15. Tương tự như vậy,
nương thiện căn này,
trùng điệp biển mây
chư đại bồ tát,
như đức Phổ Hiền
cùng chư vị khác,
mưa xuống biển mưa
an vui thơm mát,
cho cõi địa ngục
đầy ắp niềm vui.

X-16. Nguyện cõi súc sinh
thoát cảnh hãi hùng
nhai nuốt lẫn nhau.
Nguyện cõi ngạ quĩ
được nguồn an lạc
Bắc Câu Lư Châu,

X-17. no đủ, tắm mát,
nhờ dòng sữa ngọt
rót từ ngón tay
đức Quan Thế Âm.

X-18. Nguyện cho người mù
thấy được hình sắc;
nguyện cho người điếc
nghe được âm thanh;
nguyện cho sản phụ
được giống như là
Hoàng Hậu Ma Da,
không gặp đớn đau
trong lúc lâm bồn.

X-19. Nguyện người thân trần
tìm được y áo.
Nguyện người đang đói
kiếm được miếng ăn.
Nguyện người đang khát
tìm ra thức uống,
cùng nguồn giải khát
thơm ngon tuyệt diệu.

X-20. Nguyện cho người nghèo
tìm được tài sản.
Nguyện người yếu khổ
thấy được niềm vui.
Nguyện kẻ tuyệt vọng
gặp nguồn hy vọng,
vĩnh viễn sống trong
bình an hạnh phúc.

X-21. Nguyện người tật bệnh
thoát mọi bệnh khổ.
Nguyện nạn thiên tai
vĩnh viễn không còn.

X-22. Nguyện kẻ khiếp sợ
dứt cơn sợ hãi.
Nguyện kẻ tù đày
thoát cảnh cùm gông.
Nguyện kẻ yếu hèn
tìm ra sức mạnh.
Nguyện cho chúng sinh
sống trong cõi thế
đều biết quay về
nâng đỡ lẫn nhau.

X-23. Nguyện cho lữ hành
trên mọi bước đường
đều gặp hạnh phúc,
không nhọc công vẫn
làm được tất cả
những gì muốn làm.

X-24. Nguyện người đi biển
tìm được hết thảy
mọi điều mong muốn,
trở về đất liền
bình an vô sự,
sum vầy đoàn tụ
cùng với thân nhân.

X-25. Nguyện khách lữ hành
lạc bước lỡ chân,
sớm gặp đồng hành,
không sợ cướp bóc,
hùm, beo, thú dữ,
đường đi thong dong
không chút mỏi mệt.

X-26. Nguyện kẻ lạc loài
ở nơi hoang dã
không bóng người qua,
hãi hùng hoang vắng,
kẻ say, kẻ điên
trẻ thơ, người già,
không nơi nương dựa,
đều được chư Thiên
che chở hộ trì.

X-27. Nguyện cho chúng sinh
thoát cảnh ràng buộc,
có được chánh tín,
trí tuệ, từ bi,
lương thực đầy tràn,
cung cách uy nghi,
luôn nhớ đời trước.

X-28. Nguyện cho mọi người
tài sản bất tận,
như hư không tạng,
không hề mang lại
tranh chấp, tổn hại,
hưởng dụng tùy ý.

X-29. Nguyện kẻ xấu xí
được tướng trang nghiêm.
Nguyện người dị dạng
được thân toàn hảo.

X-30. Nguyện kẻ mạng thấp
trong cõi thế gian
sanh vào mạng cao.
Nguyện kẻ thấp kém
có được địa vị.
Nguyện kẻ kiêu căng
trở thành khiêm tốn.

X-31. Nương công đức này,
nguyện khắp chúng sinh
từ bỏ ác hạnh,
vĩnh viễn làm theo
những việc tốt lành,

X-32. và không bao giờ
lìa bồ đề tâm,
luôn đi sâu trong
pháp hành bồ tát,
luôn được chư Phật
hộ niệm giữ gìn,
tận diệt hết thảy
ác hạnh ma vương.

X-33. Nguyện  khắp chúng sinh
sống đời trường thọ,
an vui hạnh phúc,
đến cả chữ “chết”
cũng chưa hề nghe.

X-34. Nguyện khắp mọi nơi,
có biết bao nhiêu
vườn cây như ý,
pháp âm ngân vang
lời giảng của Phật
cùng chư trưởng tử.

X-35. Nguyện cho mặt đất
ở khắp mọi nơi
không đá gập ghềnh,
như ngọc lưu ly,
như lòng bàn tay
muốt trơn phẳng mịn.

X-36. Trong hàng đệ tử,
nguyện chúng bồ tát
nhiều đến vô lượng,
ngồi kín mọi nơi,
uy nghi trang điểm
khắp mặt đất này.

X-37. Nguyện cho chúng sinh
lắng nghe không ngừng
âm thanh diệu pháp
đến từ chim muông,
đến từ cây rừng,
đến từ ánh sáng,
hay từ không gian.

X-38. Nguyện luôn thấy Phật
cùng chư trưởng tử.
trùng điệp trời mây,
cúng phẩm vô tận,
mang hết kính dâng
bậc Thầy cõi thế.

X-39. Nguyện xin chư Thiên
cho mưa đúng thời,
cho khắp mùa màng
xanh tốt sum xuê.
Nguyện cho quốc vương
thuận theo chánh pháp.
Nguyện cho con dân
thịnh vượng cát tường.

X-40. Nguyện thuốc chữa lành
mọi cơn bệnh dữ.
Nguyện cho mật chú
luôn được thành công.
Nguyện đà kì ni,
quỉ ăn thịt người
khởi được từ tâm.

X-41. Nguyện khắp chúng sinh
không có một ai
phải chịu nạn khổ,
tạo tác ác nghiệp,
gặp cảnh tật bệnh,
khổ vì sợ hãi,
hay vì bị người
sỉ nhục khinh khi.
Cũng không bao giờ
khổ vì trầm cảm.

X-42. Nguyện cảnh chùa chiền
luôn được thanh tịnh,
trường tồn hưng thịnh
tu học, tụng kinh.
Nguyện cho tăng đoàn
sống trong lục hòa,
chí nguyện xuất gia
toàn thành viên mãn.

X-43. Nguyện người xuất gia
có chí nguyện tu,
được chốn lan nhã,
xả bỏ tán tâm,
an trú trong định
thuần tâm nhu nhuyễn.

X-44. Nguyện cho chư ni
được đủ vật chất,
thoát hết tất cả
tranh chấp tổn hại.
Tương tự như vậy,
nguyện người xuất gia
trang nghiêm giới hạnh.

X-45. Nguyện người phá giới
sám hối tội này,
tiêu trừ nghiệp lực
sinh cõi bình an,
uy nghi giới hạnh,
không còn suy thoái.

X-46. Nguyện cho kẻ trí
luôn được tôn vinh,
được người giữ gìn,
hiến cúng rộng rãi,
tâm luôn thanh tịnh,
danh lừng mười phương.

X-47. Nguyện không còn ai
chịu khổ ác đạo,
cũng không bao giờ
nhọc nhằn vất vả,
mau chóng viên thành
thắng thân của Phật,
thù thắng hơn cả
thân của chư thiên.

X-48. Nguyện khắp chúng sinh
cúng dường chư Phật
nhiều vô số kể,
luôn hưởng được nguồn
an vui thắng diệu
của chư Như Lai.

X-49. Hết thảy bồ tát
vì khắp chúng sinh
có tâm nguyện gì,
nguyện đều thành tựu.
Và xin nguyện cho
khắp cả chúng sinh
hưởng được tất cả
tâm ý của Phật
cùng chư bồ tát
hướng về chúng sinh.

X-50. Tương tự như vậy
nguyện Bích Chi Phật
cùng chư Thanh Văn
được nguồn an vui.

X-51. Và cho đến khi
đạt hoan hỉ địa,
nguyện nương lòng từ
của đức Diệu Âm
mà tôi luôn được
nhớ lại đời trước,
vui hạnh xuất gia.

X-52. Nguyện tôi luôn sống
với chút lương thực
đơn giản thông thường.
Nguyện mọi đời kiếp
tìm được nơi trú
thanh tịnh toàn hảo.

X-53. Mỗi khi trong tôi
khởi tâm muốn thấy
hay là muốn hỏi,
nguyện được diện kiến
bồ tát Diệu Âm,
không chút ngăn ngại.

X-54. Như đức Văn Thù
toàn thành mục tiêu
cho khắp chúng sinh
cùng tận không gian,
nay tôi cũng nguyện
làm theo như vậy.

X-55. Không gian vẫn còn,
chúng sinh vẫn còn,
thì tôi còn vẫn
ở lại chốn này,
quét tan khổ nạn
của khắp chúng sinh.

X-56. Nguyện cho khổ nạn
của khắp chúng sinh
trổ quả nơi tôi.
Nương vào năng lực
chúng Tăng bồ tát,
nguyện khắp chúng sinh
hưởng được đầy nguồn
an vui thắng diệu.

X-57. Nguyện cho chánh pháp
là thuốc duy nhất
chữa lành bệnh khổ,
là gốc rễ của
mọi nguồn an vui,
luôn được muôn loài
hỗ trợ tôn kính,
tồn tại dài lâu.

X-58. Tôi xin kính lạy
bồ tát Diệu Âm:
nhờ ơn của ngài
mà tâm thiện khởi.
Kính lạy đạo sư
cùng chư đạo hữu:
nhờ ơn chư vị
tâm thiện phát huy.

/ HẾT CHƯƠNG MƯỜI /

Ghi chú chương 10:
[1] Bồ tát Quan Thế Âm.
[2] Manjughosha: một tên khác của đức Manjushri, là đức Văn Thù Sư Lợi.

<<< Trở Lại Trang Đầu  ||

CUỐI SÁCH:
Đến đây chấm dứt bài pháp Bodhicharyavatara, Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, do đại sư Shantideva soạn tác.
Sách này do học giả xứ Ấn Sarvajnadeva và tỷ kheo kiêm dịch giả Kawa Peltsek chuyển Tạng ngữ và hiệu đính thành định bản dựa trên bản chép tay đến từ Kashmir. Về sau bản dịch này lại được học giả xứ Ấn Dharmashibhadra và hai vị tỷ kheo kiêm dịch giả xứ Tây Tạng, Rinchen Zangpo và Shakya Lodro hiệu đính dựa theo nguyên bản đến từ  Magadha đi kèm với luận giải. Về sau, thêm một lần nữa bản dịch này lại được học giả xứ Ấn Sumatikirti và vị tỷ kheo kiêm dịch giả Ngok Loden Sherab hiệu đính.


Hồng Như chuyển Việt ngữ – Bản hiệu đính, 21/03/2014

Mọi sai sót là của người dịch
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh.

Ghi chú của dịch giả:
Sách này có thể đọc chung với bài pháp Chói Rạng Ánh Mặt Trời của ngài Patrul Rinpoche, là cẩm nang hành trì của Nhập Bồ Đề Hạnh Luận.