THÂU ÂM KINH PHẬT (audio)

Pháp Ảnh Lục là bộ  kinh sách do Trưởng lão Thích Trí Quang  dịch từ Hán văn. Nay trong lòng muốn ghi âm nên từ từ đọc và thâu. Không dám nghĩ xa, đơn giản từng trang kinh một. 

Thâu âm như vậy để mang theo bên mình. Bất cứ ở đâu lúc nào, được chút ít thời gian là có thể lắng tâm đọc theo lời Phật.

Xin chia sẻ
10/2019
Đệ tử tại gia Hồng Như

[/expand]

 

 


 




DƯỢC SƯ KINH SÁM – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Dược sư kinh sám

Trưởng lão Trí Quang dịch

Tiểu dẫn

  1. Hiệu quả của kinh sám Dược sư là do tín tâm. Nhưng tin được là nhờ uy thần của Phật. Huống chi mọi hiệu quả đều “do năng lực phước đức và uy thần” của đức Dược sư. Kinh này không khinh thị đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng, nhà cửa, bà con, bạn bè. Sống lâu, giàu có, quan chức và con cái, kinh này trọng thị. Nói tóm, kinh này quí sự sống và phương tiện để sống, cho cá nhân và cả tập thể. Không những như thế, kinh này còn cho sự sống và phương tiện để sống là công cụ đạt đến tuệ giác bồ đề tức làm Phật. Ðừng nói rằng đó là trước câu bằng dục lạc, sau hóa bằng chánh pháp (tiên dĩ dục câu hậu dĩ pháp trị). Dược sư nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh, rất hiểu cái khổ của bịnh, lại càng rất quí thuốc chữa bịnh. Mà bịnh với thuốc đều có ý nghĩa vừa thực vừa rộng. Thiền tông có công án tôi nhớ như sau. Một hôm Văn thù đại sĩ bảo Thiện tài đồng tử, hãy coi cái gì là thuốc thì lấy đưa đây. Ðồng tử nhìn khắp vũ trụ, thưa, không có cái gì là thuốc cả. Ðại sĩ lại bảo, vậy cái gì không phải thuốc thì lấy đưa đây. Ðồng tử lại nhìn khắp vũ trụ, thưa, không có cái gì là không phải thuốc. Thuốc hay không phải thuốc, hiệu quả Dược sư có hay không có, căn bản là có hay không có “phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại, nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc… “
  2. Sám Dược sư, quan trọng ở chỗ cho ta thấy tội lỗi và quả báo của tội lỗi đều không thật. Không thật mới hy vọng sám hối và sám hối được. Trong Phật giáo nguyên thỉ, câu chuyện A xà thế vương và Ương quật ma la chứng minh cái lẽ ấy(1). Nhưng vẫn chưa nói rõ tội tánh bản không. Phật giáo đại thừa nói rõ như vậy. Sám văn Dược sư càng nói rõ như vậy.
  3. “Xá lợi phất, ông nên biết ta đã ở trong giai đoạn dữ dội đầy cả 5 thứ dơ bẩn mà làm việc khó làm, ấy là thực hiện tuệ giác vô thượng, lại vì toàn thể thế gian nói cái pháp khó tin này (pháp môn tịnh độ Cực lạc) thì đó là việc rất khó”. Hoặc “công đức đức Dược sư là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của Phật, tiếp nhận được là do uy lực Như lai”(2). Chỉ khi nào thấm thía những lời dạy như vậy của Phật, hơn là những biện lý chứng minh, mới thấy thích thú kinh và sám Dược sư.
  4. (a) Sách này mang tên “kinh sám Dược sư” là vì có cả kinh và sám Dược sư. (b) Tài liệu chính, dùng để đối chiếu, là kinh Dược sư của Ðại tạng (Chính 14/404-408) và sám Dược sư của Tục tạng (Vạn 129/55b-62a). (c) Nghi thức khai kinh và hoàn kinh là do tôi châm chước trích soạn. (d) Sự dịch nghĩa của tôi, những chữ dịch âm Phạn tự, phần nhiều dùng chữ thông thường, như Bí sô thì dùng Tỷ kheo, Dược xoa thì dùng Dạ xoa, vân vân.
  5. Sau đây là bảng viết tắt : 1. Ðại tạng kinh bản Ðại chính, thì thí dụ Chính 14/401, là đại tạng ấy, tập 14, trang 401 ; 2. Tục tạng kinh bản chữ Vạn, thì thí dụ Vạn 129/55a, là tục tạng ấy, tập 129, tờ 55 mặt trước ; 3. Thái hư đại sư toàn thư (tập 28), thì thí dụ TH 28/2241, là toàn thư ấy, tập 28, trang 2241 ; Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, thì thí dụ Pđ 123t, là đại từ điển ấy, trang 123, phần trên. Ngoài những tài liệu và ký hiệu này, phần lược giải kinh Dược sư sẽ kê tài liệu riêng.
  6. Khác với bản in cũ, bản chữa và in này không còn để phần Hoa văn và phần dịch âm của kinh và sám Dược sư. Bản chữa và in này là định bản.

Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư
của Ngọc lâm quốc sư

Tôi từ lúc bái biệt công ơn cha mẹ, đoạn tuyệt bụi bặm phiền não, thì không rảnh để coi đọc gì hết. Nhưng tình cờ coi vào Ðại tạng kinh, đọc kinh Dược sư như lai bản nguyện công đức, thì bất giác tay nâng ngang trán, thất thanh mà cầu nguyện mọi người cùng nhập vào biển cả đại nguyện của Như lai. Có kẻ hỏi tại sao đối với kinh ấy tôi kinh động tán thán đến như vậy, tôi trả lời, thấy thế nhân vì cảnh ngộ thuận tiện mà đắm chìm không ít. Nên giàu với sang đáng sợ hơn là nghèo và hèn. Nay, Dược sư như lai làm cho người ta sở cầu như nguyện, để rồi từ đó mà vĩnh viễn không còn lùi mất đạo tâm, thẳng tới bồ đề. Vậy, đối với hàng vương thần, trưởng giả, và hết thảy mọi người, muốn làm cái hạnh đồng sự trong 4 nhiếp pháp mà không dùng thuyền tàu đại nguyện của Dược sư như lai, thì làm sao đạt đến cho được.

Ðại phàm tu trì, phải tự lượng lấy mình, tự lượng lấy pháp, rồi thẳng một đường mà nghĩ, thẳng một đường mà làm. Thật chán sợ ba cõi, quyết chí vãng sanh, thì hãy chuyên tâm y theo kinh Di đà mà thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, tức là chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, thì quyết định vãng sanh. Ðó là việc làm của người tự lợi trước để sau lợi tha. Còn hiện tiền phú quí công danh toàn chưa quên nghĩ, dục vọng gái trai ăn uống cũng chưa biết chán, thì với pháp môn vãng sanh Cực lạc chưa dễ thâm tín. Có tin đi nữa thì thân tu tịnh độ mà tâm luyến Sa bà, phỏng có ích gì.

Như vậy, muốn cầu cái pháp môn không rời lưỡi câu dục lạc mà vẫn thành tựu tuệ giác Phật đà, ở trong cảnh thuận tiện mà không đến nỗi chìm đắm, thì cố nhiên không có chi hơn tu trì theo sự đặc biệt, siêu đẳng, và khó nghĩ bàn cho thấu, của đại nguyện Dược sư như lai. Nếu tin và làm được, mãi hoài mà không nhác, thì sẽ thấy chẳng những phú quí công danh, chuyển gái thành trai, thoát ly nguy khốn, đạt đến tốt lành, tất cả đều như được ngọc như ý, tùy ý thành tựu, mà còn được điều này : là chính nơi cái chỗ thành tựu mọi sự đó mà thẳng tới bồ đề, không còn thoái chuyển. Như vậy còn sự may mắn nào sánh bằng.

Nhân gian cũng có hạc Dương châu, chỉ cần đi bằng thuyền công đức của Như lai là kiếm được.  

Kinh Dược  sư

 Khai  kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả ;
chính trong hương thơm
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần).

(Chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám (7 lần).

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
trì tụng kinh Dược sư,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật  (3 lần)

(Kệ khai kinh)
Phật pháp tuyệt diệu,
cực kỳ cao xa,
trăm ngàn vạn kiếp,
khó mà gặp được ;
nay con thấy nghe,
lại được thọ trì,
nguyện cầu thấu hiểu,
ý thật của Phật.
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát (3 lần)

kinh
Bản nguyện công đức của đức
Dược sư lưu ly quang như lai

Thời đại nhà Ðường, Tam tạng
pháp sư Huyền tráng dịch

Tôi nghe như vầy.
Một thời, đức Thế tôn du hóa các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở dưới cây Tiếng nhạc. Tám ngàn vị đại tỷ kheo, ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát, và các quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, tám bộ thiên long, loài người và loài không phải người, đại chúng vô lượng như vậy, cung kính vây quanh đức Thế tôn để được Ngài thuyết pháp cho.

Lúc ấy, Mạn thù pháp vương tử vâng theo uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên trái, gối bên phải quì xuống sát đất hướng về đức Phật, cong mình, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con xin ngài nói về tướng loại như thế này, đó là danh hiệu, bản nguyện vĩ đại và công đức thù thắng của chư Phật, làm cho người nghe tiêu trừ những sự chướng ngại do nghiệp lực tạo ra. Là vì con muốn lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện. Ðức Thế tôn tán dương Mạn thù đồng tử, lành thay Mạn thù, lành thay, ông đem lòng thương rộng lớn thỉnh cầu Như lai nói về danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư Phật để cứu vớt những kẻ bị nghiệp chướng buộc thắt, lợi lạc mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự. Ông hãy nghe kỹ, suy nghĩ rất khéo, Như lai sẽ nói cho. Mạn thù bạch Phật, dạ, xin Phật chỉ dạy, chúng con thích thú mà nghe.

Phật dạy Mạn thù, phía đông, cách thế giới hệ này bởi những thế giới hệ bằng số cát hơn mười sông Hằng, có một thế giới hệ tên Tịnh lưu ly. Ðức Phật ở đó danh hiệu là Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

Mạn thù, đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, xưa kia, khi làm hạnh bồ tát, đã phát ra mười hai đại nguyện, cốt làm cho mọi người thực hiện mọi sự mong ước.

Ðại nguyện thứ nhất, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng rực rỡ, chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng bâm hai tướng tốt của bậc đại trượng phu, và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Ðại nguyện thứ hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Ðại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn.

Ðại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo thanh văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp đại thừa.

Ðại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạn hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Ðại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ.

Ðại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô  thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

 Ðại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi dược tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ chín, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cổi mở thắt buộc của ngoại đạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dẫn ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh bồ tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô  thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Ðại nguyện mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe dược danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

Ðại nguyện mười hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương hoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Mạn thù, đó là mười hai đại nguyện tối thượng, nhiệm mầu, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát.

Mạn thù, những đại nguyện tối thượng của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát, và những công đức trang nghiêm của thế giới hệ đức Phật ấy, Như lai diễn tả trong một đại kiếp, hay hơn một đại kiếp, cũng không thể cùng tận. Thế giới hệ của đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có nữ nhân, không có ác đạo không có cả đến cái tiếng thống khổ. Ðất làm bằng ngọc lưu ly. Ðường ngăn bằng giây vàng. Thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy thứ quí báu. Y như thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, công đức trang nghiêm không khác gì cả. Thế giới hệ ấy có hai vị đại bồ tát, thứ nhất danh hiệu Nhật quang biến chiếu, thứ hai danh hiệu Nguyệt quang biến chiếu. Ðó là hai vị đứng đầu chúng bồ tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Thế nên, Mạn thù, những thiện nam hay thiện nữ có đức tin hãy nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy.

Lúc ấy, đức Thế tôn lại bảo Mạn thù đồng tử, Mạn thù, có những kẻ không nhận thức cái lẽ thiện ác, chỉ giữ thói tham lẫn mà không biết bố thí và phước báo bố thí. Ngu muội, không có trí tuệ, thiếu cả đức tin. Dồn chứa tài sản vàng ngọc cho nhiều, nỗ lực mà giữ. Thấy người xin đến, lòng họ không vui. Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình. Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản mà đối với bản thân của họ, họ còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin. Những kẻ ấy, sinh mạng kết thúc ở đây thì sanh trong thế giới quỉ đói hay súc vật. Nhưng xưa kia, khi ở trong loài người, từng được thoáng nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, nên ngày nay, dầu ở trong ác đạo, vẫn thoáng nhớ danh hiệu của đức Như lai ấy, và ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tụng người bố thí. Có gì cũng không tiếc. Dần dần tiếp theo, đầu mắt, tay chân, máu thịt và những bộ phận khác của cơ thể, còn có thể đem cho người đến xin, huống chi những thứ tiền tài sản vật khác.

Mạn thù, có kẻ dầu thọ giới pháp với Như lai mà lại phá giới pháp ấy. Có kẻ không phá giới pháp mà phá qui tắc. Có kẻ đối với giới pháp và qui tắc tuy được sự không phá hoại, nhưng lại phá hoại chánh kiến. Có kẻ không phá hoại chánh kiến mà bỏ phế đa văn, nên đối với nghĩa lý sâu xa của kinh Phật nói không thể lý giải. Có kẻ tuy đa văn mà thượng mạn : vì thượng mạn úp che tâm trí nên cho mình phải, bảo người trái, ghét chê cả chánh pháp, làm bè đảng với ma. Những kẻ ngu si như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lại làm cho vô số người khác rơi xuống hố lớn nguy hiểm. Những kẻ ấy đáng lý trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và sẽ không sa vào các ác đạo. Giả sử có kẻ vẫn không thể bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và phải sa vào các ác đạo đi nữa, thì nhờ uy lực đại nguyện của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, sinh mạng kết thúc ở ác đạo, sanh lại trong loài người, được chánh kiến, tinh tiến, và ý thích khéo thuần hóa, nên thoát ly gia đình, đi đến phi gia đình, ở trong pháp Như lai mà thọ giới, giữ giới, không có phạm giới mà lại chánh kiến, đa văn, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa mà lại viễn ly thượng mạn, không chê chánh pháp, không làm bạn ma, dần dần tu hành các hạnh bồ tát và đầy đủ một cách mau chóng.

Mạn thù, có những kẻ tham lẫn ganh ghét, tán tụng bản thân, công kích kẻ khác, nên sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt. Chịu khổ sở khốc liệt rồi, sinh mạng kết thúc ở đó mà đến sanh trong loài người, thì làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, lại luôn luôn mang nặng, chở nhiều, và đi theo đường phải đi, hoặc được làm người thì sinh nơi hèn hạ, làm tôi tớ người, bị người sai sử, thường mất tự do. Nhưng nếu xưa kia, khi còn làm người, từng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì do nhân lành ấy mà nay nhớ lại, chí tâm qui y, nhờ thần lực của Ngài mà thoát hết khổ sở, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ đa văn, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu, đứt hẳn lưới ma, đập vỏ vô minh, khô sông phiền não, giải thoát hết thảy sinh lão bịnh tử, lo buồn khổ não.

Mạn thù, có những kẻ tính thích chống đối, ly gián, đấu tranh, kiện tụng, gây bực tức và rối loạn cho bản thân và kẻ khác. Ðem cả thân thể, lời nói và ý nghĩ mà tạo ra và thêm lớn đủ thứ ác nghiệp. Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau. Cáo triệu những vị thần rừng núi, cây cối, mồ mả ; giết sinh vật lấy máu huyết mà cúng tế dạ xoa, la sát ; viết tên người mình oán, làm hình và ảnh của người ấy, đem chú thuật tàn ác mà thư ;  ếm phù chú, dùng thuốc độc, chú quỉ khởi thi – dùng mọi cách này mà làm đứt sinh mạng người ấy, làm chết thân họ. Người ấy nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai thì mọi việc dữ trên không cách nào hại được. Lại cùng kẻ kia, tất cả đôi bên đều nổi dậy từ tâm đối với nhau, làm lợi ích an lạc mà không còn ý thức thương tổn hay tâm lý ghét giận. Ðôi bên cùng vui đẹp. Ðối với những thứ mình hưởng thụ, ai cũng thích vừa đủ thì thôi, không muốn lấn nhau, chỉ làm ích lợi cho nhau.

Mạn thù, trong bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những thiện nam thiện nữ khác có đức tin thuần tịnh, nếu ai có khả năng thọ trì Bát quan trai giới, bằng cách hoặc cả năm hoặc ba tháng, thọ trì giới ấy. Rồi đem thiện căn này nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài, nhưng chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì đến khi sinh mạng  kết thúc, có tám vị đại bồ tát, danh hiệu Văn thù sư lợi bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Ðắc đại thế bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Bảo đàn hoa bồ tát, Dược vương bồ tát, Dược thượng bồ tát và Di lạc bồ tát, tám vị đại bồ tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc. Cũng có người nhờ sự ấy mà sanh lên cõi trời. Tuy sanh lên cõi trời, nhưng thiện căn xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sanh lại tại các ác đạo. Mà sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sanh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sanh làm luân vương, thống nhiếp cả bốn đại châu, uy đức tự tại, xây dựng vô lượng trăm ngàn chúng sanh vào mười thiện nghiệp. Hoặc sanh vào dòng sát đế lợi, bà la môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm thọ trì thì về sau không còn chịu lại thân thể phụ nữ.

(3)Mạn thù, khi đức Dược sư lưu ly quang như lai thành tựu tuệ giác vô thượng bồ đề, thì do năng lực đại nguyện xưa mà quán sát chúng sanh bị mọi bịnh khổ, như những bịnh gầy ốm, co quắp, tiêu khô, vàng nóng, hoặc bị trúng bùa ếm, thuốc độc, hoặc chết non, chết ngang trái. Muốn làm cho họ tiêu trừ những bịnh khổ ấy, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ đại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng được cái vui yên ổn. Mạn thù, nếu thấy nam tử hay nữ nhân, ai bị bịnh khổ, thì nên nhất tâm vì bịnh nhân ấy mà luôn luôn tinh khiết, tắm rửa, súc miệng, rồi đem thực phẩm, dược phẩm, hay nước không có trùng, trì chú này một trăm lẻ tám biến, cho họ uống, ăn, thì bịnh khổ họ có tiêu tan tất cả. Nếu có cầu gì, chí tâm tụng niệm thì cũng được như vậy, lại không bịnh, thêm tuổi, và sau khi sinh mạng kết thúc thì sanh thế giới hệ của đức Dược sư lưu ly quang như lai, được sự không còn thoái chuyển cho đến tuệ giác bồ đề. Vì vậy Mạn thù, nếu có nam tử nữ nhân nào đối với đức Dược sư lưu ly quang như lai mà chí tâm, tha thiết, cung kính, cúng dường, thì hãy thường trì chú này, đừng để bỏ phế, quên mất.

Mạn thù, nếu nam tử hay nữ nhân có đức tin thuần tịnh, được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến  tri, nghe rồi trì niệm. Sáng sớm đánh răng, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các thứ hương hoa, trong đó có hương đốt, hương xoa, và diễn tấu kỹ nhạc mà cúng dường hình tượng của ngài. Ðối với kinh này, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, nhất tâm thọ trì, nghe học nghĩa lý. Ðối với pháp sư giảng giải kinh này, cũng nên cúng dường, mọi đồ giúp sống thân thể mà mình có, hãy cúng dường đầy đủ, đừng để vị ấy thiếu thốn. Như vậy thì được chư Phật hộ niệm, sở cầu mãn nguyện, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề(4).

Lúc ấy Mạn thù đồng tử bạch Phật, bạch đức Thế tôn, con nguyện khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất  hiện, thì dùng mọi cách làm cho những thiện nam hay thiện nữ có đức tin thuần tịnh được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Cho đến trong lúc ngủ, con cũng đem danh hiệu Ngài thức tỉnh thính giác của họ. Bạch đức Thế tôn, đối với kinh này thì thọ trì đọc tụng hay tuyên thuyết khai thị cho người, tự chép hay bảo người chép, cung kính tôn trọng, đem hiến cúng những thứ hương hoa, hương xoa, hương vụn, hương đất, vòng hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, và kỹ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc. Lấy tơ lụa có năm màu sắc làm bao mà đựng. Quét rưới chỗ thanh tịnh, trần thiết dá cao mà để. Thì khi ấy bốn đại thiên vương, cùng tùy thuộc của họ, và vô số trăm ngàn thiên chúng, đều đến chỗ đó mà cúng dường, hộ vệ. Bạch đức Thế tôn, những chỗ kinh bảo này lưu hành, có ai thọ trì được, thì vì bản nguyện, công đức, và danh hiệu được nghe, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, mà nên biết người ấy không còn chết ngang trái, không còn bị những quỉ thần ác đoạt mất tinh chất. Ðã bị đoạt thì được lại như cũ, thân tâm an  lạc. 

Phật dạy, Mạn thù, đúng như vậy, đúng như ông nói. Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, muốn cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì trước hết, hãy tạo lập hình tượng của Ngài, trần thiết tòa thanh tịnh mà đặt để. Rải các thứ hoa, đốt các thứ hương, đem các thứ tràng phan mà trang hoàng chỗ ấy. Bảy ngày đêm thọ Bát quan trai giới, ăn đồ ăn thanh tịnh. Tắm gội cho sạch và thơm, mặc y phục sạch sẽ. Nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại. Nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Rồi tấu nhạc và ca tụng, nhiễu quanh tượng phật Dược sư lưu ly quang như lai theo chiều hướng bên phải. Lại nên tưởng niệm bản nguyện và công đức của đức Như lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy nghĩa ý và diễn giảng khai thị. Như vậy thì mọi sở cầu đều toại ý : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai dược con trai, cầu con gái được con gái. Nếu ai bỗng nhiên bị ác mộng, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện, kẻ ấy nếu đem những đồ tuyệt diệu cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì những ác mộng và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, độc chất, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, bi, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xâm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp, phản loạn, tưởng niệm cung kính đức Như lai ấy cũng thoát hết thảy. 

Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, cho đến hết đời, không thờ vị trời nào khác chỉ nhất tâm qui y Phật Pháp Tăng, thọ trì giới pháp, như năm giới, mười giới, bốn trăm giới của bồ tát, hai trăm năm mươi giới của tỷ kheo, năm trăm giới của tỷ kheo ni. Nhưng đối với giới pháp của họ thọ trì, hoặc có kẻ phá phạm nên sợ đọa lạc ác đạo. Nếu biết chuyên tâm trì niệm danh hiệu đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì quyết chắc không phải lãnh chịu đời sống trong ba ác đạo.

Nếu có nữ nhân nào, lúc gần sinh sản, chịu đựng đau đớn cùng cực, mà biết chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, ca tụng, cung kính, cúng dường đức Như lai ấy, thì mọi nỗi đau đớn tan biến tất cả. Ðứa con sinh ra, mọi bộ phận của thân hình đều hoàn bị, sắc tướng của thân hình ấy đẹp và nghiêm, ai thấy cũng hoan hỷ, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ thông minh, yên ổn, ít bịnh, không có một kẻ không phải người đoạt mất tinh chất của đứa con ấy.

Lúc ấy đức Thế tôn bảo tôn giả A nan, công đức mà đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai có mà Như lai đã ca tụng, là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó mà lý giải, ông tin được không ? Tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, đối với khế kinh Ngài dạy, con không sinh tâm nghi ngờ. Tại sao, vì thân thể, lời nói và ý nghĩ của các đức Như lai, không động tác nào mà không thanh tịnh. Bạch đức Thế tôn, vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng, và Tu di, hòn núi chúa tể trong các hòn núi, cũng có thể làm cho nghiêng đổ, nhưng lời nói của chư Phật thì không thể làm cho khác đi được. Tuy nhiên, bạch đức Thế tôn, có những kẻ đức tin không đủ nghe nói chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật thì nghĩ, tại sao chỉ trì niệm một danh hiệu Phật của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà thu hoạch bao nhiêu công đức và ích lợi vượt bậc như vậy. Vì sự không tin này mà quay lại phỉ báng. Những kẻ ấy suốt đêm trường mất lợi lạc lớn, đọa lạc ác đạo trôi lăn không cùng. Phật dạy tôn giả A nan, những kẻ ấy nếu nghe dược danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, chí tâm thọ trì, không sinh nghi hoặc, mà vẫn đọa lạc ác đạo là điều không có. A nan, đó là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó thể tin và hiểu. Nay ông tiếp nhận được, phải biết toàn là do uy lực Như lai. A nan, hết thảy Thanh văn, Ðộc giác và các vị Bồ tát chưa bước lên thập địa, đều không thể tin và hiểu một cách đúng như sự thực, chỉ trừ các vị Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi. A nan, thân thể loài người khó mà có được, sự tin tưởng tôn kính Tam bảo càng khó mà có được, nhưng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai lại khó được hơn những sự khó được ấy. A nan, vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức Dược sư lưu ly quang như lai, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, Như lai nói một cách đầy đủ, thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận. 

Lúc ấy trong chúng hội có một vị đại sĩ danh hiệu Cứu thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quì xuống sát đất, cong mình, chắp tay mà bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, có những kẻ bị mọi thứ bịnh hoạn làm cho nguy khốn. Bịnh mãi, gầy ốm, ăn uống không được, cổ và môi đều khô nóng. Nhìn mọi phía đều đen tối. Tướng chết xuất hiện. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, quen biết, khóc lóc vây quanh. Nhưng bản thân bịnh nhân thì tuy vẫn nằm chỗ của mình, mà lại thấy sứ giả Diêm vương dẫn thần thức của mình đến trước vị vua chấp pháp này. Nguyên mọi người đều có vị thần cùng sanh, tùy việc họ làm, tội cũng như phước, ghi chép đầy đủ, và bấy giờ trao cả cho Diêm vương. Diêm vương tra hỏi kẻ ấy, tính việc họ làm, tùy tội và phước mà xử phán. Chính trong lúc này, thân thuộc hay quen biết của bịnh nhân, nếu biết vì họ mà qui y đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, cung thỉnh chư Tăng đọc tụng kinh này, đốt cây đèn bảy tầng, treo phan thần “tiếp nối mạng sống” bằng năm màu, thì hoặc có kẻ nơi đây thần thức về được, và như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng ; hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, khi thần thức về được thì như từ chiêm bao thức dậy, tự nhớ biết tất cả quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp. Nhờ tự chứng kiến nghiệp báo, nên đến nỗi gặp phải tai nạn cho sinh mạng, cũng không tạo tác ác nghiệp. Vì vậy, những thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, hãy thọ trì danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, tùy sức có thể mà cung kính cúng dường.

Lúc ấy tôn giả A nan hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, nên bằng cách nào cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai ? Phan và đèn “tiếp nối mạng sống” nên làm cách nào ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, nếu bịnh nhân muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Ðọc tụng kinh này bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng đức Như lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Còn làm phan năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sanh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại. 

 Ðại đức A nan, nếu giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, khi tai nạn nổi dậy, như dân chúng bịnh dịch, nước khác lấn ép, nước mình phản nghịch, tinh tú quái dị, nhật thực nguyệt thực gió mưa trái thì, quá thì không mưa, thì giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, lúc ấy, hãy phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, ân xá những người bị giam bị nhốt, và theo cách cúng dường tôi đã nói trên mà cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Nhờ thiện căn như vậy, và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, mà làm cho quốc độ của họ tức khắc yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi  người vô bịnh, vui vẻ. Trong  quốc độ của họ không có những loại thần Dạ xoa bạo ác, tác hại chúng sanh. Mọi hiện tượng dữ ẩn mất tất cả và tức thì. Còn giai cấp Sát đế lợi, và những vị vua đã làm lễ quán đảnh, thì sự sống, tướng tốt, sức mạnh, vô bịnh và tự do, đều được tăng thêm. Nếu hoàng hậu, hoàng phi, đông cung, vương tử, đại thần, phụ chánh, thể nữ, bách quan và dân chúng, bị bịnh làm khổ, và bị những tai nạn khác, cũng nên làm phan thần năm màu và đốt đèn sáng liên tục, phóng các loại có sinh mạng, rải những bông hoa đủ màu, đốt những hương thơm nổi tiếng, thì bịnh hết, nạn khỏi. 

Lúc ấy tôn giả A nan lại hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, tại sao mạng sống đã hết mà có thể làm cho tăng thêm ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, ngài không nghe đức Thế tôn nói có chín sự chết ngang trái hay sao. Vì chín sự chết này mà tôi khuyên làm phan và đèn “tiếp nối mạng sống”, tu các phước đức. Nhờ tu các phước đức mà trọn đời không trải qua một cơn đau đớn hoạn nạn nào cả. Tôn giả A nan hỏi, chín sự chết ngang trái là gì ? Bồ tát Cứu thoát nói, có kẻ bị bịnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không ai coi sóc. Gặp thầy thì lại bị cho thuốc không đúng, nên thật không đáng chết mà chết một cách ngang trái. Lại tin thầy bà yêu nghiệt của tà ma ngoại đạo thuộc phạm vi thế gian nói  vớ vẩn về họa phước, nên đâm ra sợ hãi, dao động. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa. Giết hại sinh vật mà giải tấu thần minh, van vái yêu quái để xin làm phước giúp đỡ mong muốn thêm tuổi nhưng chung cục không thể đạt được. Ngu si mê lầm, tin theo cái thấy cong và ngược, nên làm chết mình một cách ngang trái, nhập vào địa ngục, không có kỳ hạn thoát ra. Ðó là sự chết ngang trái thứ nhất. Thứ hai, một cách ngang trái bị phép vua giết. Thứ ba, săn bắn, chơi bời, đam mê tửu sắc, phóng túng vô độ, một cách ngang trái bị những kẻ không phải người đoạt mất tinh chất. Thứ tư, một cách ngang trái bị lửa đốt. Thứ năm, một cách ngang trái bị nước chìm. Thứ sáu, một cách ngang trái bị các giống thú dữ ăn. Thứ bảy, một cách ngang trái rơi xuống sườn núi. Thứ tám, một cách ngang trái trúng chết bởi thuốc độc, ếm vái, chú thư, quỉ khởi thi. Thứ chín, chết một cách ngang trái vì đói khát nguy khốn, không được đồ ăn thức uống. Ðó là sự chết ngang trái mà đức Thế tôn nói vắn tắt có chín thứ như vậy. Ngoài ra còn có vô số những sự ngang trái khác, khó nói cho đủ.

 Ðại đức A nan, Diêm vương lãnh xét sự ghi chép về sách tịch của thế gian. Ai bất hiếu cha mẹ, làm năm tội nghịch, hủy nhục Tam bảo, phá phép vua tôi, làm hỏng tánh giới, thì Diêm vương theo tội nặng nhẹ xét mà phạt. Vì lý do ấy, nay tôi khuyến cáo mọi người đốt đèn, treo phan, phóng sanh, tu phước, làm cho họ qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn.

Lúc ấy trong chúng hội có mười hai vị đại tướng Dạ xoa, cùng có mặt ở đó, là đại tướng Cung tỳ la, đại tướng Phạt chiết la, đại tướng Mê xí la, đại tướng An để la, đại tướng Ngạch nễ la, đại tướng San để la, đại tướng Nhân đạt la, đại tướng Ba di la, đại tướng Ma hổ la, đại tướng Chân đạt la, đại tướng Chiêu đỗ la, đại tướng Tỳ yết la. Mười hai vị đại tướng Dạ xoa này, mỗi vị có bảy ngàn Dạ xoa làm tùy thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch Phật, bạch đức Thế tôn, chúng con bây giờ nhờ uy lực của Ngài mà nghe được danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn nỗi sợ hãi về ác đạo nữa. Chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng, thệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sanh, tạo cho họ cái lợi chân thật, cái vui lợi ích. Tùy thôn làng, thị thành, thủ đô, và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, mà hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường Ngài, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều thỏa mãn.  Hoặc ai bị bịnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng   nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Ðược toại nguyện rồi mới tháo kết ấy. 

Lúc ấy đức Thế tôn tán dương các đại tướng Dạ xoa, rằng lành thay các tướng Ðại dạ xoa, lành thay, các người nghĩ báo ân đức của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì thường nên như vậy mà lợi ích an lạc hết thảy chúng sanh.

Bấy giờ tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn, nên mệnh danh như thế nào về pháp môn này, và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào ? Phật dạy tôn giả A nan, pháp môn này nên mệnh danh Nói về bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cũng nên mệnh danh Nói về sự kết nguyện thần chú để lợi ích chúng sanh của mười hai thần tướng, lại nên mệnh danh Bạt trừ hết thảy nghiệp chướng. Nên phụng trì như vậy. 

Khi đức Thế tôn nói lời này rồi, các vị đại bồ tát cùng các vị đại thanh văn, quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, thiên chúng, long chúng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, loài người và loài không phải người, toàn thể đại chúng như vậy nghe những điều Phật dạy, ai cũng cực kỳ hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát  (3 lần)

Hoàn kinh

(Ðảnh lễ)
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.
Nhất tâm đảnh lễ Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Văn thù sư lợi bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Quan thế âm bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Ðắc đại thế bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Vô tận ý bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Bảo đàn hoa bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Dược vương bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Dược thượng bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Di lạc bồ tát

(cầu nguyện.- I. Cầu nguyện cho bản thân)
Ðệ tử tên x x pháp danh x x, đem công đức thọ trì kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật. 

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, thọ trì kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự Tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

 Sám  Dược  sư – cuốn trước

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả,
chính trong hương thơm 
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật 
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần)

( chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha. (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà,
sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám. (7 lần)

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Mở đầu vận dụng phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, chúng con ngày nay nên đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai :

Nam mô quá khứ Tỳ bà thi phật.
Nam mô Thi khí phật.
Nam mô Tỳ xá phù phật.
Nam mô Cầu lưu tôn phật.
Nam mô Câu na hàm mâu ni phật.
Nam mô Ca diếp phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô đương lai Di lạc tôn phật
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Dược sư hải hội Phật Bồ tát.

Phương pháp sám hối “Dược sư tiêu tai diên thọ”(5). cuốn trước

Hết thảy chư Phật thương tưởng chúng sanh, nên đã dạy cho phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”.  Là vì con người dơ bẩn quá nặng, bóng tối vô minh che khuất tâm trí, không hiểu nhân quả không siêng sám hối. Phóng túng tham lam sân hận ngu si, buông thả sát sanh trộm cắp dâm dục. Tội lỗi dơ bẩn đã tạo vô lượng vô biên, ác nghiệp oán cừu đã kết vô cùng vô tận, không hay không biết, ngày càng sâu dày. Ðến nỗi thúc ngắn đời sống lâu dài mà thành chết yểu chết oan, cách mất chức vị quan quyền mà thành thấp thỏi nghèo hèn, tước bỏ giàu sang sung túc mà thành nghèo khổ khốn cùng, chết non con trai con gái mà thành cô đơn lẻ chiếc. Mắc vào chín cái chết ngang trái, sa xuống ba con đường ác đạo. Khổ quả nhiều mối, tự tạo tác, tự lãnh chịu. ác báo nhiều cách, hoặc đời này, hoặc kiếp sau. Tơ tóc không sai, dầu mau dầu chậm chắn chắc phải trả.

Nên xưa kia, đức Thích ca  đã từ bi cứu vớt, bằng cách nói bản kinh về Bản nguyện và công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai(6), dạy người đọc tụng hãy tạo hình tượng đức Như lai  bảy vị, trước mỗi vị đặt bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe, đốt đến bốn mươi chín ngày, ánh sáng không tắt. Nhưng việc ấy chỉ vua quan(7), cư sĩ đại gia, nhiều tiền lắm của, kho bồ tràn đầy mới làm nổi, còn người kém sức, lòng dẫu ưng muốn mà không có khả năng làm cho trang nghiêm đúng cách. Vì lý do ấy mà căn cứ chính trong kinh Bản nguyện công đức nói trên, diễn ra phương pháp sám hối “Tiêu tai diên thọ”, tiện cho mọi người tắm gội trai giới, hoặc trong chùa chiền, hoặc nơi nhà cửa, hoặc mời các vị xuất gia, hoặc cùng những người thiện niệm, rưới quét sửa dọn, hương hoa đèn nến, tùy sức hiến cúng, y văn đọc tụng, chí thành lễ bái, như thế thì không có sự mong cầu nào không ứng nghiệm, không có sự ước nguyện nào không hoàn thành.

Trong kinh dạy rằng, bộc bạch sám hối tội ác đã làm, là điều mà Tịnh danh đại sĩ ưa chuộng. Vì vậy mà sửa chứa quá khứ, tu tỉnh tương lai, tẩy giặt thân tâm, đoạn tuyệt ác pháp, thề không làm lại, tội lỗi nhiều kiếp sạch hết không còn, nên tùy nguyện cầu thỏa mãn tất cả. Ðệ tử chúng con chí tâm đảnh lễ khẩn cầu sám hối :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nghĩ lại thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, nếu mọi người vì muốn lợi ích an lạc, nhổ trừ tất cả nghiệp chướng, xây dựng công đức hơn lạ ; muốn tu tập một cách đầy đủ đại nguyện của chư Phật, và thọ trì một cách trọn vẹn danh hiệu và kho báu chánh pháp của chư Phật ; muốn được vô thượng chánh biến giác, bâm hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ trang hoàng cơ thể ; muốn được vô lượng trí tuệ phương tiện để làm cho chúng sanh đứng yên trong pháp đại thừa ; muốn tu hành phạn hạnh, được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại, tuyệt đối thanh tịnh không có phá phạm ; muốn được các giác quan đều hoàn bị, không mọi tật nguyền và bịnh khổ, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đều đủ và nhiều ; muốn phá rách mạng lưới của ma vương, cổi mở ràng buộc của ngoại đạo, phát nhổ rừng rậm của mọi thứ ác kiến(9) ; nếu có nữ nhân muốn chuyển nữ thành nam, đầy đủ hình tướng trượng phu ; muốn cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, cầu sống lâu được sống lâu ; hoặc bị phép vua làm tội mà muốn giải thoát mọi sự lo sợ thống khổ ; muốn được đồ ăn đồ uống tuyệt diệu, pháp vị no đủ, mọi thứ y phục tuyệt diệu và tất cả đồ trang sức bằng vàng ngọc ; muốn thực hành bố thí, mọi thứ mình có toàn không ham tiếc, hiến cả cho người đến xin ; muốn được chánh kiến, tinh tiến và ý thích khéo thuần hóa, đa văn thông lợi, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu ; muốn thọ trì giới pháp, nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài ; nếu có giới pháp đã phá hủy mà muốn phục hồi thanh tịnh, sinh mạng đã hết mà muốn cứu muốn nối ; cho đến quốc độ  và dân chúng bị mọi sự ngang trái và mọi sự tai nạn mà muốn tiêu trừ cho ẩn mất để mưa gió thuận thời, dân chúng vui vẻ, thì hãy trang nghiêm đúng cách, qui y và đảnh lễ đức Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm tinh tiến, tu tập chánh định. Tại sao, vì đức Như lai ấy, khi làm hạnh bồ tát, đã phát mười hai đại nguyện tối thượng và nhiệm mầu, tạo ra công đức thù thắng, nên làm cho những người nghe được thì nghiệp chướng tiêu trừ, hết thảy sở cầu đều được mãn nguyện. Ðiều này chỉ các vị bồ tát còn hệ thuộc một đời mới có khả năng tin và hiểu đúng như sự thực, tu hành đúng như Phật dạy. Nên phải đem thân thể, tính mạng(10) và tài sản ra, không lẫn không tiếc, tận lực trang nghiêm, thì quyết chắc được kết quả và toại nguyện. Vì nghĩ lại như vậy, nên ngày nay đệ tử cùng những người hiện diện, tất cả đều chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nguyện xin chư Phật Bồ tát đồng vận từ bi, giáng lâm đạo tràng ; toàn thể tám bộ thiên long, các tướng Dạ xoa, cùng sinh thương tưởng, đi đến đạo tràng. Các thánh chúng như vậy, xin cùng chứng minh. Chúng con ngày nay, muốn vì chúng sanh khắp cả mười phương và toàn thể lục đạo, mà tu hành tuệ giác vô thượng, đoạn trừ hết thảy nghiệp chướng, cùng vào biển cả đại nguyện của đức Như lai, để hiện sắc thân khắp nơi, nơi trong một niệm mà cúng dường hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, nơi trong một niệm mà hóa độ cùng khắp tất cả chúng sanh trong lục đạo, làm cho họ nhập vào tuệ giác vĩ đại và bình đẳng. Vì muốn như vậy nên ngày nay nhất tâm tinh tiến, tu hành đúng như Phật dạy. Nguyện xin chư Phật, Bồ tát, đức Dược sư như lai, đem năng lực bản nguyện mà nhận cho sự sám hối của con, làm cho việc con làm quyết định phá trừ nghiệp chướng, viên thành hạnh nguyện. Như kinh đã dạy, nguyện xin chứng minh, “Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh viên mãn, quang minh quảng đại. Công đức đồ sộ thân khéo an trú. Lưới sáng tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả… Tùy mong cầu gì cũng đều toại nguyện… Bao nhiêu bịnh khổ đều tiêu tan cả… Vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức phật Dược sư, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, ta, Thích ca như lai, nói một cách đầy đủ thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận”. Vì thế mà chúng con chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. ( 3 lần)

Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh  biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế  tôn(11).

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Sám  Dược  sư – cuốn  giữa

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả,
chính trong hương thơm 
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật 
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần)

( chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha. (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà,
sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám. (7 lần)

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Phương pháp sám hối Dược sư tiêu tai diên thọ, cuốn giữa.

Hết thảy chư Phật thương tưởng chúng sanh, dạy cho phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, nên ngày nay chúng con đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con khắp vì bốn ơn(12) ba cõi(13) và pháp giới chúng sanh, nguyện đoạn trừ cả ba thứ chướng ngại(14), nên qui tánh mạng về nơi Phật, đảnh lễ mà sám hối. Con với chúng sanh, vô thỉ đến giờ, do ái và kiến(15) mà trong chấp nhân ngã, ngoài vì bạn xấu, nên không tùy hỷ ai cả, dầu là một điều thiện bằng tơ tóc, chỉ biết khắp  cả thân miệng ý cùng làm đủ các ác nghiệp. Việc tuy không rộng mà ác ý bủa khắp. Ngày đêm liên tục, không có gián đoạn. Che giấu lỗi lầm, không muốn ai hay. Không sợ ác đạo, không hổ không thẹn. Bài bác, cho rằng không có nhân quả. Tội chướng như vậy mà chưa hề trải qua sự sám hối nào cả. Chúng con ngày nay dối trước chư Phật khắp cả mười phương, trước đức Dược sư như lai, tin tưởng sâu xa nguyên lý nhân quả, phát sanh hổ thẹn hệ trọng và phát sanh sợ hãi to lớn mà bộc bạch sám hối. Ðoạn tâm liên tục mà phát tâm bồ đề. Ðoạn ác tu thiện, siêng năng thúc dục cả thân miệng ý. Ðổi bỏ tánh xấu nặng nề ngày xưa mà tùy hỷ đối với người phàm cũng như bậc thánh, dầu chỉ một điều thiện bằng tơ tóc mà thôi. Nghĩ nhớ đức phật Dược sư có cái sức của thệ nguyện to lớn, có thể cứu vớt con, đem con ra khỏi biển hai chết(16) mà đặt lên trên bờ ba đức(17), nên nguyện xin Ngài từ bi, thương xót nhiếp thọ. Tất cả đều chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, có cái bịnh tham lam sân hận và tật đố, cái bịnh kiêu mạn ngạo ngược, cái bịnh không biết thiện ác, cái bịnh không tin tội phước, cái bịnh bất hiếu ngũ nghịch(18), cái bịnh phá phạm trai giới, cái bịnh phá phạm thi la(19), cái bịnh khen mình chê người, cái bịnh ham được không chán, cái bịnh say mê tiếng hay và chạy theo sắc đẹp, cái bịnh ham hố hơi thơm và ưa thích đụng chạm, cái bịnh tin theo sự thấy cong và ngược(20) cái bịnh đam mê tửu sắc mà phóng túng vô độ, cái bịnh dầu gặp thầy mà lại cho thuốc không đúng, cái bịnh vô lượng tai nạn, khổ nhục, và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu  thống khổ. Muốn làm cho những bịnh khổ ấy tiêu trừ, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ dại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ  đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng dược cái vui yên ổn.

Do đó mà biết công năng sám hối là tễ thuốc linh nghiệm làm lành bịnh thân tâm, là toa thuốc thần kỳ làm thoát khổ sinh tử. Có vị đại y vương theo bịnh đặt thuốc : từ bi hỷ xả là thuốc, nhẫn nhục nhu hòa là thuốc, chánh tín Tam bảo là thuốc, siêng tu phước tuệ là thuốc, sáu ba la mật là thuốc, ăn no cam lộ là thuốc, ham cầu pháp vị là thuốc, tu chân dưỡng khí là thuốc, phản bản hoàn nguyên là thuốc, có lỗi đổi được là thuốc, phương tiện khôn khéo là thuốc, không động vì tiếng hay sắc đẹp là thuốc, lắng lòng tuyệt dục là thuốc. Thường dùng những thứ thuốc như vậy giã ra, giần đi, rồi hợp lại mà thường thường đem uống.

Nhưng, chúng sanh nếu bịnh lẽ ra cùng một bịnh, chúng sanh cần thuốc lẽ ra cùng một thuốc. Nếu nói có nhiều pháp thì thế là điên đảo. Nếu căn cứ thật tướng của nhất thừa(21) mà nói, thì đâu có thêm có bớt, có dơ có sạch, có lành có dư, có tội có phước, có bịnh có thuốc. Nhìn lại phương tiện trước đã áp dụng, thật như người trong chiêm bao : chiêm bao thấy thân bị bịnh nên tìm thầy uống thuốc mà được hết được lành ; đến lúc tỉnh giấc chiêm bao thì rõ ra vốn là không bịnh, sự không bịnh cũng không, huống chi thầy với thuốc. Nên bịnh của chúng sanh toàn là bịnh huyễn, thuốc của chư Phật toàn là thuốc huyễn. Do đó mà biết, pháp mà Như lai thuyết ra toàn là một tướng một vị, tướng vị giải thoát, tách rời, diệt sạch, cứu cánh niết bàn, chung qui về Không(22). Ví như từ một đám mây mà mưa xuống, thì cây thuốc lớn nhỏ gì cũng được tốt tươi, chúng con ngày nay nhờ ơn Phật mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn có nữa cái nạn bịnh khổ, mới có khả năng đạt đến một cách trọn vẹn tuệ giác vô thượng bồ đề. Vì vậy, ngày nay chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng. Và bây giờ qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nếu người nào muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái hành dạo, cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu  ly quang như lai. Ðọc tụng bản kinh tôn quí(23) bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Ðến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại. Vì vậy, ngày nay đệ tử cùng với những người hiện diện, tất cả đều cùng cực tinh tiến(24), đốt hương rãi hoa, thắp đèn treo phan(25), phóng sanh tu phước, để được qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn. Nguyện xin đức Như lai chứng minh cho sự sám hối của con.

Ðệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, làm gì cũng không vừa ý. Nên biết tất cả đều vì quả báo sót lại của ác nghiệp từ quá khứ đến nay, mà gây ra. Vì vậy, ngày nay cần phải nỗ lực mà cầu xin sám hối. Sám hối quả báo ác mộng, những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường của trong loài người. Sám hối quả báo bịnh dữ liền năm, lắm tháng không lành, gối giường nằm chiếu, không thể đứng đi của trong loài người. Sám hối quả báo đông ôn hạ dịch(26), sốt ác tính và thương hàn của trong loài người. Sám hối quả báo thủy tai hỏa hoạn, trộm cướp giặc giả, chiến tranh nguy khốn của trong loài người. Sám hối quả  báo bị sư tử, cọp, sói, rắn độc, bò cạp, rít và sâu làm hại của trong loài người. Sám hối quả báo sanh lão bịnh tử, lo buồn khổ não của trong loài người. Sám hối quả báo thân miệng và ý toàn là công cụ tạo tác và tăng trưởng đủ thứ ác nghiệp của cả chúng sanh. Sám hối quả báo sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt của cả chúng sanh. Sám hối quả báo hay bị trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ(27) của cả chúng sanh. Sám hối quả báo lại sanh nữa trong các ác đạo của cả chúng sanh. Sám hối quả báo làm tôi tớ người, bị người sai sử của cả chúng sanh. Sám hối quả báo hoặc làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh dập, lại còn quả báo luôn luôn mang nặng chở nhiều, đi theo đường phải đi mà bị đói khát hành hạ, của cả chúng sanh. Sám hối quả báo bị bùa ếm, thuốc độc và quỉ khởi thi(28) ngụy tạo yêu dị của trong loài người. Cùng loại như vậy, trong hiện tại cũng như vị lai, loài người cũng như chư thiên, quả báo có vô lượng tai họa, ngang trái, biến cố, thời khí, chết chóc, hoạn nạn, suy tồn và quấy phá. Chúng con ngày nay chí thành hướng về đức phật Dược sư, về thánh chúng qui tụ như biển cả, mà cầu xin sám hối, nguyện tiêu diệt cả.

Trước đã cứu xét cái lẽ cứu cánh là bịnh này thuốc này đồng là huyễn ảo, lại cứu xét mà sám hối trọn vẹn hết thảy báo chướng do ác nghiệp gây ra. Nay nên tuần tự phát nguyện hồi hướng. Ðệ tử chúng con nguyện đem công đức được phát sanh bởi sự sám hối ba thứ chướng ngại mà hồi hướng cả, hiến cho hết thảy chúng sanh để cùng sám hối. Nguyện cùng chúng sanh, từ nay sắp đi, cho đến ngày thực hiện tuệ giác vô thượng, nhớ khổ sanh tử mà phát bồ đề tâm. Ðổi ác làm lành, bỏ tà về chánh. Thân tâm an lạc, sống lâu vô cùng, áo cơm sung túc, nhà cửa, thân thuộc, đồ dùng và kho nẫm tràn đầy. Hình tướng đoan chánh, trí tuệ thông minh, uy nghiêm dũng liệt. Các tướng Dạ xoa hộ vệ, chư Phật thánh chúng nhiếp thọ. Làm gì cũng được ân trạch của đức Từ bi.

Ðệ tử chúng con lại nguyện từ nay sắp đi, mau chứng tuệ giác bồ dề, tướng tốt tướng phụ và ánh sáng đều tráng lệ, lạ và hơn cả. Nguyện chúng sanh được ánh sáng soi sáng, tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp. Nguyện chúng sanh cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không có sự thiếu thốn. Nguyện chúng sanh xây dựng đại thừa, cùng được ở yên trong dạo giác ngộ(29). Nguyện chúng sanh dược giới thể không thiếu sót, giả sử phá phạm thì phục hồi thanh tịnh. Nguyện chúng sanh đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ. Nguyện chúng sanh bịnh khổ tan biến, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả. Nguyện chúng sanh chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện tuệ giác vô thượng. Nguyện chúng sanh thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cổi mở thắt buộc của ngoại đạo. Nguyện chúng sanh, phép vua làm tội, bi thảm sầu muộn ngâm nấu bức bách, đều thoát được cả. Nguyện chúng sanh ăn uống no đủ, sau đó lại được xây dựng bằng cái vui cứu cánh của pháp vị. Nguyện chúng sanh, như sở thích của họ, mọi thứ y phục tùy ý mong muốn đầy đủ tất cả(30).

Lại nguyện tất cả chúng sanh, sống lâu, giàu có, quan chức, con trai con gái, cầu gì cũng toại nguyện cả. Nguyện tất cả quốc  độ, trăm sự quái dị, chín cái chết ngang trái, tám thứ chướng nạn, ba thứ tai họa(31), nước khác xâm lăng quấy nhiễu, đạo tặc làm phản làm loạn, hết thảy nạn dữ như vậy tiêu mất tất cả ; quốc độ yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi người vô bịnh, vui vẻ, hạnh nguyện bồ đề sáng chói hơn lên trong từng ý nghĩ, cứu giúp người khác đau khổ thì luôn luôn tưởng như cứu vớt bản thân.

Lại nguyện đời đời kiếp kiếp, sanh ra ở đâu cũng không rơi nhằm những chỗ biên thùy, mọi rợ, mà lại sinh vào gia đình chánh tín ; tướng mạo đoan nghiêm, trí tuệ biện tài ; viễn ly ác pháp, thân cận thiện hữu ; kiên trì giới hạnh, kiến lập đại thừa. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp,  sanh ra ở đâu cũng chấn hưng pháp Phật, phá hủy lưới ma ; phấn chí mà tu hành đầy đủ sáu ba la mật ; quảng tu cúng dường để trang nghiêm hai thứ phước tuệ, nhẫn nhục tinh tiến để thực hiện tuệ giác bồ đề.

Chúng con ngày nay nên nghĩ báo ân đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, bằng cách h an lạc hết thảy chúng sanh. Vì thế mà chúng con chí tâm qui y đảnh lễ :

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát diệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

 Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

 Sám  Dược  sư – cuốn  sau

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả ;
chính trong hương thơm
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần).

(Chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám (7 lần).

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

 Phương pháp sám hối Dược sư tiêu tai Diên thọ”, cuốn sau

Chư Phật trong ba thì gian thương tưởng chúng sanh, dạy cho phương pháp sám hối đạo tràng Dược sư”, nên ngày nay chúng con đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con, từ trên đến đây, đã sám hối rồi, bây giờ nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại, nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Chính trong tâm nguyện như vậy mà nhiếp niệm chánh quán. Bằng cách không tuyệt kiết sử mà cũng không giữ kiết sử(32), quán các pháp không, như thật tướng.

Quán các pháp không là thế nào ? Hành giả xét kỹ, hiện tại một tâm niệm đây, chỉ là vọng tâm tùy duyên hiện khởi. Tâm như vậy, là do tâm mà thành tâm ? là không do tâm mà thành tâm ? là cũng do tâm, cũng không do tâm mà thành tâm ? là không phải do tâm, không phải không do tâm mà thành tâm ? là ở quá khứ, ở hiện tại hay ở vị lai ? là ở trong, ở ngoài hay ở trung gian ? có dấu vết gì ? ở phương chỗ nào ? Trong mọi sự tương quan như vậy mà tìm tâm, vẫn thấy cứu cánh không thể tìm được, như huyễn như mộng, không danh không tướng. Bấy giờ hành giả còn không thấy tâm là sinh tử, đâu có thấy tâm là niết bàn. Và không tìm được cái bị xét thì cũng không tìm được cái hay xét, không lấy không bỏ, không dựa không bám, cũng không trú ở nơi sự yên lặng, con đường ngôn ngữ đã tuyệt(33), hết thể trình bày nói phô. Xét tâm không thật là tâm thì tội phước không có chủ thể. Tội phước tánh không thì hết thảy các pháp toàn là không. Tâm không phải tâm, pháp chẳng ở  pháp. Sám hối như vậy gọi là sự sám hối to lớn, là sự sám hối phá hủy tâm thức. Vì lý do này, tâm này cũng như tâm khác thực sự lặng mất, niệm trước cùng với niệm sau toàn không trú ở. Như hư không mà hư không cũng không thể tìm được, sự không thể tìm được cũng không thể tìm được, tự nhiên siêu việt trên các tam muội, ánh sáng chiếu sáng, vạn pháp hiển hiện, thấu suốt tất cả, không còn chướng ngại, quảng đại như pháp tánh, cứu cánh như hư không. Nguyện xin được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện. Ðệ tử chúng con, ai nấy vận dụng tất cả tâm trí mà qui y đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi, lại kế tiếp xét thật tướng của tâm. Bất cứ lúc nào, bất cứ làm gì, dầu đi dầu đứng, dầu ra dầu vào, đại tiện tiểu tiện, rưới quét rửa giặt, thi vi cử động, cúi ngước xem nghe, đều nên một lòng tưởng niệm Tam bảo, xét tâm tánh không. Không được, dầu trong khoảnh khắc mà thôi, nhớ đến ngũ dục, đến việc đời, sinh tâm tà niệm.

Không cùng người nói năng bàn tán, buông thả giỡn cợt, nhìn sắc đẹp, nghe tiếng hay, bám dính cảnh trần, nổi nghiệp bất thiện, nổi ý niệm tạp mà thực chất là phiền não vô ký, không thể tu hành đúng như Phật pháp. Nếu quả tâm tâm liên tục, không rời phật tướng, không tiếc thân mạng, vì toàn thể chúng sanh mà tu hành phương pháp sám hối, thì thế gọi là chân thật, là nhất tâm tinh tiến, lấy Phật pháp mà trang hoàng. Do đó, chúng con lại chí thành, năm bộ phận gieo xuống sát đất mà qui y đảnh lễ Tam bảo thường trú :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại chí tâm sám hối. Ðệ tử chúng con cùng với pháp giới hết thảy chúng sanh, từ vô thỉ đến bây giờ, vì ba thứ chướng ngại vấn thắt và úp che tâm trí, nên đối với mọi cảnh tượng vọng sinh tham trước ; ngu si vô trí, thiếu mất tín tâm, đem thân miệng ý tạo đủ ác nghiệp, đến nỗi phỉ báng Phật pháp, phá phạm thi la, triển chuyển thường làm những việc bất lợi. Hoặc ở  tịnh địa(34) nhưng thánh quả chưa tròn đầy, lưu chú(35) nhỏ nhiệm nên tam muội khó kết quả. Nay gặp đức Dược sư lưu ly quang như lai là có thể trừ diệt tội  chướng mau chóng, thành tựu quả vị diệu giác(36). Nên con chí tâm qui hướng, cúi đầu trán, gieo chân thành, bộc bạch tội lỗi, cầu xin sám hối. Nguyện xin đấng Biển cả đại nguyện đại từ bi(37) bình đẳng nhiếp thọ, làm cho con, và pháp giới chúng sanh, nghiệp chướng cũ tự tiêu mất, mọi tai nạn đều thoát qua. Ðập võ vô minh, khô sông phiền não. Chánh kiến mở tỏ, diệu tâm sáng suốt. Ở yên nơi tuệ giác bồ đề, nên ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng(38) được hiện tiền. Không bịnh, yên vui, đúng như sở thích mong cầu, mọi đồ trang sức(39) tùy ý muốn gì có nấy. Giác quan tinh nhuệ, đa văn và lý giải thấu suốt. Giữ phạn hạnh một cách tinh thuần, nhập vào tam ma địa. Vận dụng vô lượng phương tiện của trí tuệ mà làm cho chúng sanh được mọi đồ dùng, không thiếu chi cả. Khéo tu đủ thứ bồ tát pháp hạnh, mau chứng vô thượng chánh đẳng bồ đề. Ðến lúc gần chết thì minh mẫn, yên lành, vui đẹp, quyết định sanh thế giới hệ Cực lạc của đức phật A di đà, thuộc về phía tây. Bằng s ị đại bồ tát. Tự nhiên hóa sinh trong hoa quí báu. Rồi tiếp nhận sự thọ ký của Phật, thực hiện vô lượng đà la ni môn. Nên hết thảy công đức đều thành tựu được cả. Sau đó phân hóa thân hình ra vô số, khắp cả thế giới hệ trong mười phương. Trong một niệm mà cúng dường hết thảy chư Phật khắp cả pháp giới, trong một niệm mà hiện đủ sức thần, độ thoát hết thảy chúng sanh khắp cả pháp giới, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Hư không mà cùng tận đi nữa, thệ nguyện của con trên đây cũng vẫn vô cùng. Sám hối phát nguyện rồi, chúng con qui y đảnh lễ hết thảy Tam bảo thường trú.

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam  một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Lược giải kinh dược sư

Mục lục Lược giải

Tài liệu. 155
Dịch giả. 157
Mệnh đề. 158
Cương yếu. 159
Lược giải 161
A1 mở đầu. 161
A2 nội dung, có 3 B. 164
B1. Danh hiệu. 164
B2. Bản nguyện. 168
B3. Công đức, có 7C. 174
C1. nói về y chánh trang nghiêm.. 174
C2. nói về đại dụng của danh hiệu, có 5 D. 177
D1. diệt sự tham lẫn mà được sự bố thí 177
D2. diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới 179
D3. diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát 181
D4. diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau. 182
D5. được sanh Cực lạc hay các sự chuyển sanh khác  184
C3. nói về đại dụng của chú. 188
C4. nói về đại dụng của sự phụng trì, có 3 D. 194
D1. Phật dạy tổng quát và ngài Văn thù phát nguyện. 194
D2. Phật chỉ cách thức và nói ích lợi 198
D3. Phật nói ích lợi trong sự khỏi nạn. 199
C5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật 201
C6. nói cách tiêu tai diên thọ, có 5 D. 205
D1. chỉ cách tiêu tai diên thọ. 205
D2. chỉ thêm cách tiêu tai diên thọ, đặc biệt tiêu bịnh khổ  208
D3. lại còn tiêu quốc nạn. 210
D4. tiêu bất định nghiệp. 213
D5. tiêu cả định nghiệp. 215
C7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa. 216
A3 kết thúc. 219
B1. nói tên kinh. 219
B2. chúng hội phụng hành. 220
Ghi chú. 222


Tài liệu

Tài liệu dùng để dịch giải kinh này gồm có :

  1. Phật thuyết quán đánh bạt trừ quá tội sanh tử đắc độ kinh quyển đệ thập nhị (Chính 21/532-536) ;
  2. Phật thuyết Dược sư như lai bản nguyện kinh (Chính 14/401-404) ;
  3. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (Chính 14/404-408) ;
  4. Dược sư lưu ly quang thất Phật bản nguyện công đức kinh (Chính 14/409-418) ;
  5. Dược sư kinh cổ tích (Vạn 35/172-178) ;
  6. Dược sư kinh trực giải (Vạn 35/179-196) ;
  7. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh giảng ký (TH 28/2229-2408) ;
  8. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (bản in riêng, của cơ quan Lưu thông sách Phật ở Hương cảng) ;
  9. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (Trung Anh hợp san, của cơ quan Lưu thông sách Phật ở Hương cảng).

Ngoài 9 tài liệu trên đây, còn có Dược sư đăng diệm (Vạn 59/145-146) và 10 bản Nghi quỹ (Chính 19/20 – 67). Ðiều đáng nói và đáng tiếc là, theo Pđ 2838d, còn có tài liệu gọi là Dược sư kinh sớ của ngài Khuy cơ (đệ tử ngài Huyền tráng). Tài liệu này, nếu có, tất nhiên quan trọng bậc nhất. Nhưng hiện trong Ðại tạng kinh bản Ðại chính tân tu và Tục tạng kinh bản chữ Vạn đều không có.

Sau đây là những điều cần biết :

  1. Kinh này trước sau có 5 bản dịch : bản dịch 1 là tài liệu 1, dịch giả Cát hữu, dịch quãng 317 ; bản dịch 2 là Dược sư lưu ly quang kinh, dịch giả Tuệ giản, dịch quãng 457, bản này thất lạc ; bản dịch 3 là tài liệu 2, dịch giả Pháp hạnh, dịch năm 615 ; bản dịch 4 là tài liệu 3, dịch giả Huyền tráng, dịch năm 650 ; bản dịch 5 là tài liệu 4, dịch giả Nghĩa tịnh, dịch năm 707.
  2. Ðối chiếu đại khái về 4 bản dịch hiện còn trên đây thì cần ghi ngay ở đây là 2 chỗ : (l) tên 8 vị bồ tát là trích tài liệu 1 (Chính 21/533d) ; (2) chú là trích tài liệu 4 (Chính 14/414). Ðối chiếu này còn phải nói rõ hơn nơi mục dịch giả dưới đây.
  3. Bản văn tôi dịch là tài liệu 8, đối chiếu với bản chính là tài liệu 3 (bản dịch 4) và các tài liệu đã kê. Sự đối chiếu này sẽ nói rõ trong lược giải. Sở dĩ tôi chọn tài liệu 8 là vì bản này mới thường trì tụng.

Dịch giả

Thời đại nhà Ðường, Tam tạng pháp sư Huyền tráng dịch.

Niên đại của ngài Huyền tráng là 569-664. Kinh này dịch vào lúc ngài 55 tuổi, năm 650. Trên đây là tham khảo PHNC bài 18 trang 59-81. Bài này là bản niên phổ quí nhất của ngài Huyền tráng.

Nhưng, bản tài liệu 8 mà tôi căn cứ để dịch giải, đúng ra còn phải kê thêm các dịch giả Cát hữu và Nghĩa tịnh. Vì lẽ, như khoản B cần biết ở mục tài liệu trên đã nói, bản này có bổ túc 2 chỗ là tên 8 vị bồ tát và chú. Việc bổ túc ấy do ai thì tìm chưa thấy, nhưng chú thích số 11 và số 13 của Chính 14/406 (tài liệu 3, bản chính) cho biết có bản bổ túc như vậy. Sự bổ túc này đã lưu hành xưa nay.

Ðiều phải nói hơn nữa, là cả 2 chỗ bổ túc trong tài liệu 1 đã có. Riêng về chú, tài liệu 1 không những có (Chính 21/536t) mà nói có lý hơn cả tài liệu 4 (là nơi trích chú). Tài liệu 1 lại có trước nhất và sớm nhất, vào đầu thế kỷ 4 (317), còn tài liệu 4 có gần 4 thế kỷ sau (707). Vậy trích 2 chỗ nói trên mà bổ túc cho tài liệu chính (tài liệu 3, có năm 650) là rất phải.

Mệnh đề

Kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.

Mệnh đề này có nghĩa là bản kinh nói về bản nguyện và công đức của đức Dược sư.

Bản nguyện, bản, nghĩa đen là gốc, trước, của mình. Nguyện là thề nguyền, chí nguyện. Cái nguyện gốc, trước và của mình (đức Dược sư), gọi là bản nguyện.

Công đức, ở đây, nghĩa giản dị nhất, công là công tu, đức là được : hiệu quả đạt được bởi công năng tu tập, gọi là công đức. Công đức ấy của đức Dược sư gồm có :

– Chánh báo y báo trang nghiêm, tức thân thể và vũ trụ trang nghiêm của ngài ;

– Danh hiệu của ngài ;

– Những ích lợi (diệu dụng hay thần lực) mà ngài ban cho chúng sanh, trong đó có sự tiêu tai diên thọ.

Trong 3 loại công đức trên đây, danh hiệu có khi được tách ra mà nói danh hiệu, bản nguyện và công đức.

Dược sư lưu ly quang như lai là danh hiệu đầy đủ của đức Dược sư. Dược sư, Phạn tự là Bệ sát xã lũ rô (Bhaishajyaguru), nghĩa  đen : thầy thuốc chữa bịnh. Lưu ly quang là dịch âm (lưu ly) và dịch nghĩa (quang) Phạn tự Bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã (Vaiduryaprabha-rajaya), nghĩa đen : ánh sáng lưu ly. Lưu ly là dịch âm và gọi tắt tên một thứ ngọc đá. Ngọc này trong ngoài trong suốt màu xanh, vật gì gần nó cũng thành một màu ấy. Dược sư lưu ly quang như lai : một đức Như lai có danh hiệu là Thầy thuốc chữa bịnh, ánh sáng như ngọc lưu ly.

Cương yếu

Kinh này nội dung có 2 phần, là nói về bản nguyện và công đức của đức Dược sư. Phần danh hiệu chỉ là phần công đức tách ra.

Nhưng, nói về một đức Phật thì không phải chỉ có bản nguyện và công đức. Chỉ nói bản nguyện và công đức, vì đó là 2 phần nhân và quả của một đức Phật. Nhưng, nhân và quả của một đức Phật cũng không phải chỉ có bản nguyện và công đức. Chỉ nói bản nguyện và công đức là vì nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là đề cao tha lực. Kinh này nói tự lực (sự hành trì của ta) thì ít, nói tha lực (sự gia hộ của Phật) mới nhiều. Mà nhân và quả của một đức Phật thì bản nguyện và công đức là 2 phần vì chúng sanh và cho chúng sanh, nên đặc biệt nêu lên.

Ðiều phải chú ý hơn hết là, như vừa nói, kinh này đề cao tha lực. Thật vậy, kinh này đề cao tha lực đến nỗi C5 trong B3 cho biết, sự gia hộ của Phật là điều thuộc “thậm thâm hành xứ” của Phật, điều của Phật làm và của Phật biết, chỉ “nhất sanh bồ tát” là bồ tát chỉ một đời nữa làm Phật mới tin và hiểu đúng như sự thực. Còn ngài A nan đi nữa mà tiếp nhận được là do uy lực của Phật, huống chi phàm phu chúng ta.


Lược giải

Như thường lệ, kinh này vẫn có 3 A : mở đầu, nội dung và kết thúc.

A1 mở đầu

Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Thế tôn du hóa các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở dưới cây Tiếng nhạc. Tám ngàn vị đại tỷ kheo, ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát, và các quốc vương, đại thần,  đạo sĩ cư sĩ tám bộ thiên long, loài người và loài không phải người, đại chúng vô lượng như vậy, cung kính vây quanh đức Thế tôn để được ngài thuyết pháp cho.

Tôi nghe như vầy (như thị ngã văn), nghĩa là “toàn bộ pháp thoại như thế này là do tôi nghe”. Câu này cũng có thể dịch tôi nghe như thế này, như vầy tôi nghe. Nhưng, như vầy là tiếng thổ ngữ, bất đắc dĩ mới dùng.

Ðạo sĩ (Bà la môn), Bà la môn đúng là giai cấp đạo sĩ, cũng như Sát đế lợi đúng là giai cấp võ sĩ. Tám bộ thiên long (thiên long bát bộ). Tám bộ là 8 loài : thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà (Phạn tự : deva, naga, yaksha, gandharva, asula, garuda, kimnara, mahoraga). Tám bộ này, thiên và long là 2 loại mà đứng đầu, nên hay nói “thiên long bát bộ”. Nếu chép “thiên long dược xoa” thì cũng nói 8 bộ mà chỉ kê ra 3 loại đầu. Riêng kinh này, nếu chép “thiên long dược xoa” cũng có lý, vì C7 của B3, loại dạ xoa liên hệ nhiều đến kinh này.

Lúc ấy, Mạn thù pháp vương tử vâng theo uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên trái, gối bên phải quì xuống sát đất, hướng về đức Phật, cong mình, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con xin ngài nói về tướng loại như thế này, đó là danh hiệu, bản nguyện vĩ đại và công đức thù thắng của chư Phật, làm cho người nghe tiêu trừ những sự chướng ngại do nghiệp lực tạo ra. Là vì con muốn lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện. Ðức Thế tôn tán dương Mạn thù đồng tử, lành thay Mạn thù, lành thay, ông đem lòng thương rộng lớn thỉnh cầu Như lai nói về danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư phật dể cứu vớt những kẻ bị nghiệp chướng buộc thắt, lợi lạc mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự. Ôâng hãy nghe kỹ, suy nghĩ rất khéo, Như lai sẽ nói cho. Mạn thù bạch Phật, dạ, xin Phật chỉ dạy, chúng con thích thú mà nghe.

Mạn thù = Mạn thù thất lợi, Văn thù sư lợi, Văn thù : Manjushri. Pháp vương tử : thái tử của đấng Pháp vương. Chỉ ngài Mạn thù mới hay được gọi như vậy. Kinh này được hỏi bởi ngài Mạn thù, còn kinh Di đà do Phật tự nói chứ không ai hỏi được : hãy so sánh giữa 2 kinh, rồi so sánh giữa 2 kinh với các kinh, về sự mở đầu này mà thôi, cũng thấy được giá trị kinh này.

Tướng loại : sắc thái và bộ môn, tức danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư Phật. Cũng có thể đọc “tương loại”, nghĩa là tương tự : tương tự giữa chư Phật, về danh hiệu, bản nguyện và công đức. Bản nguyện vĩ đại (bản đại nguyện) đúng ra phải dịch là đại nguyện gốc, trước. Thời kỳ Phật pháp tương tự (tượng pháp) Phật pháp có 3 thời kỳ. Trước thời kỳ này là thời kỳ Phật pháp nguyên chất (chánh pháp) và sau thời kỳ này là thời kỳ Phật pháp cuối cùng (mạt pháp). Nhưng tôi không tin kinh này chỉ nói cho người thuộc thời kỳ Phật pháp tương tự. Nói người thuộc thời kỳ này mới đa số tin và làm theo kinh này thì có lý hơn. Ðoạn văn trên có 2 chỗ dùng chữ tượng pháp (thời kỳ Phật pháp tương tự) là chỗ ngài Văn thù thỉnh và chỗ Phật khen. Chỗ trước, bản dịch 1 cũng dùng chữ tượng pháp (Chính 21/532g), bản dịch 3 dùng chữ lai thế chánh pháp hoại thời (Chính 14/401g), bản dịch 5 cũng dùng chữ tượng pháp (Chính 14/409t). Nhưng chỗ sau, bản dịch 1 chỉ dùng chữ nhất thế vô lượng chúng sanh (Chính 21/532g), bản dịch 3 chỉ dùng chữ chư thiên nhân (Chính 14/401g), bản dịch 5 chỉ dùng chữ vô lượng nghiệp chướng hữu tình (Chính 14/409g). Rất nên đối chiếu như vậy để thấy người mạt pháp không phải vô phần đối với kinh này.

Ðồng tử = kumara, nghĩa đen : trẻ thơ. Ở đây ý nghĩa là không có ý niệm dâm dục như tâm hồn trẻ thơ.

A2 nội dung, có 3 B

Lời thỉnh của ngài Văn thù và lời hứa của đức Thế tôn, trong văn mở đầu, đều nói danh hiệu, bản nguyện và công đức. Vậy nội dung kinh này nên chia ra 3 B : danh hiệu, bản nguyện và công đức của đức Dược sư.

B1. Danh hiệu

Phật dạy Mạn thù, phía đông, cách thế giới hệ này bởi những thế giới hệ   bằng số cát hơn mười sông Hằng, có một thế giới hệ tên Tịnh lưu ly. Ðức Phật ở đó danh hiệu là Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

Ðoạn này vắn tắt nhưng nói được 3  điều : chánh báo trang nghiêm của đức Dược sư, danh hiệu viên mãn của ngài, sau hết, mở đầu tổng quát cho nội dung kinh này (là nội dung nói về đức Dược sư). Tuy nói được đến 3 điều như vậy, phần danh hiệu viên mãn vẫn là phần chính.

Trước hết, thế giới hệ (thế giới) là chỉ  cho đại thiên thế giới, nên ngài Thái hư nói bằng với tinh vân hệ hay tinh hải hệ của thiên văn (TH 28/2326)(40), do đó, phải dịch là thế giới hệ mới đúng. Còn từ ngữ thế giới hay lầm lẫn với địa cầu. Mà địa cầu chỉ là một trong rất nhiều thành phần của tiểu thế giới(41). Ngàn tiểu thế giới là tiểu thiên thế  giới. Ngàn tiểu thiên thế giới là trung thiên thế giới. Ngàn trung thiên thế giới mới là đại thiên thế giới, có 1 tỷ tiểu thế giới (TH 28/2326).

Bây giờ nói danh hiệu của đức Dược sư. Danh hiệu “Dược sư lưu ly quang” đã cắt nghĩa. Nhưng, được gọi là một đức Phật, phải là đấng có 10 công đức lớn, tiêu biểu bởi 10 đức hiệu (dầu 10 công đức và 10 đức hiệu cũng chỉ nói tóm lược mà thôi). Mười đức hiệu, tài liệu chính (Chính 14/405) chép : như lai, ứng, chánh đẳng giác, minh hạnh viên mãn, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng trượng phu, điều ngự sĩ, thiên nhân sư, phật : bạc già phạn. Chép như vậy thì có 3 điều cần chú ý.

Một, 10 đức hiệu, thông thường thì nguyên Phạn tự như sau :

  1. Tathagata,
  2. Arhat,
  3. Samyaksambuddha,
  4. Vidyacarana-sampanna,
  5. Sugata,
  6. Lokavid,
  7. Anuttara,
  8. Purusa-damya-sarathi,
  9. Sasta-deavamanusyanam,
  10. Buddha-lokanatha.

Dịch nghĩa và chấm câu như sau :

  1. Như lai,
  2. Ứng cúng,
  3. Chánh biến tri,
  4. Minh hạnh túc,
  5. Thiện thệ,
  6. Thế gian giải,
  7. Vô thượng sĩ,
  8. Ðiều ngự trượng phu,
  9. Thiên nhân sư,
  10. Phật – thế tôn.

Nhưng đức hiệu Thế tôn, nếu dịch âm là Phật đà – lộ ca na tha, và nguyên Phạn tự là Buddha-lokanatha, thì Phật – thế tôn là 1 đức hiệu, nếu dịch âm là Bạc già phạn, và nguyên Phạn tự là Bhagavan, thì Thế tôn là đức hiệu riêng : đấng có 10 đức hiệu nên tôn xưng là Thế tôn (Pđ 252t). Ở đây, nguyên Hoa văn dịch âm là Bạc già phạn, thì Phạn tự là Bhagavan, nên Thế tôn là đức hiệu riêng, và phải chấm câu như đã chấm.

Hai, có mấy chỗ dịch nghĩa cần lưu ý :
Ứng = ứng cúng ;
Chánh đẳng giác (chánh đẳng chánh giác) = Chánh biến tri ;
Minh hạnh viên mãn = Minh hạnh túc ;
Vô thượng trượng phu = Vô thượng sĩ ;
Ðiều ngự sĩ = Ðiều ngự trượng phu.

Ba, 10 đức hiệu này, quan trọng nhất là như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nên trong kinh này, và nhiều chỗ khác, có khi chỉ nói 3 đức hiệu ấy.

B2. Bản nguyện

Mạn thù, đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, xưa kia, khi làm hạnh bồ tát, đã phát ra mười hai đại nguyện, cốt làm cho mọi người thực hiện mọi sự mong ước.

Ðại nguyện thứ nhất, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng rực rỡ, chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng bâm hai tướng tốt của bậc đại trượng phu, và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Ðại nguyện thứ hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Ðại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn.

Ðại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo thanh văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp đại thừa.

Ðại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạn hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Ðại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ.

Vạn 35/1 73a, dẫn kinh A tu la nói, Lưu ly quang bồ tát gặp Trí thắng phật thì bắt đầu phát ra đại nguyện tổng quát, nơi Bảo đảnh phật mới phát ra đại nguyện riêng biệt. Lại dẫn kinh Thập phương chư Phật hiện tiền, nói, nơi Thanh long quang phật phát ra 12 đại nguyện. Như vậy, văn từ 12 đại nguyện chữ “ngã” phải dịch “con”, vì là lời Bồ tát nguyện với Phật.

Tuệ giác vô thượng, nguyên Hoa văn ở đại nguyện 1 nói đủ là A nậu đa la tam niệu tam bồ đề (Anuttara – samyaka – sambodhi), ở 11 đại nguyện sau nói tắt là bồ đề. Ðó là tuệ giác của Phật. Nói được tuệ giác ấy có nghĩa là nói thành Phật. Lại khéo an trú (thân thiện an trú), chữ thân bỏ, vì nó đã là chủ từ cả đoạn văn này. Khéo an trú : khéo ngồi yên tịnh, khéo yên tịnh. Giới pháp ba loại (tam tụ giới) = giới pháp bồ tát, cùng lúc phải đủ nhiếp luật nghi (đoạn ác) nhiếp thiện pháp (tu thiện) nhiêu ích hữu tình (lợi người). Nghe danh hiệu con rồi là nói tắt. Nói đủ một chút thì “rồi, biết nhất tâm qui y, trì niệm, thì nhờ năng lực phước đức và uy thần của con… “

Ðại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy dủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ chín, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cởi mở thắt buộc của ngoại dạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dẫn ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh bồ tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng,  thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục, bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần  của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Ðại nguyện mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe được danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

Ðại nguyện người hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương xoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Mạn thù, dó là mười hai đại nguyện tối thượng, nhiệm mầu, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát.

Trong đại nguyện thứ 7, nhà cửa thân thuộc (gia thuộc tư cụ), tài liệu 9 (Anh văn, trang 4 dòng 11) dịch là gia tộc, bạn bè. Cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng, câu này, và những văn ý tương tự, có 2 điểm cần chú ý : (a) chính sự sống và phương tiện để sống, đã được sau khi trì niệm danh hiệu Phật, cũng là công cụ dẫn đến sự thành Phật ; (b) chữ cho đến là nói tắt sự tu dần các hạnh bồ tát. Pháp vị : mùi vị chánh pháp. Chánh pháp đem lại hoan lạc thật, bền, và cho cả thân lẫn tâm, nên gọi là pháp vị.

B3. Công đức, có 7C

B3 này có 7C : 1. nói về y chánh trang nghiêm, 2. nói về đại dụng của danh hiệu, 3. nói về đại dụng của chú, 4. nói về đại dụng của sự phụng trì, 5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật(42), 6. nói cách tiêu tai diên thọ, 7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa. Tổng quát thì, bằng 7 cách nói, C3 này nói về y chánh, danh hiệu và diệu dụng, là 3 đại yếu công đức của đức Dược sư. Cũng nên nói thêm, công đức ấy là của đại nguyện, do đại nguyện thành tựu.

C1. nói về y chánh trang nghiêm

Nhưng văn này chỉ nói y báo trang nghiêm của đức Dược sư. Mà nói rất vắn tắt. Còn chánh báo trang nghiêm đã nói trong B1.

Mạn thù, những đại nguyện tối thượng của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát, và những công đức trang nghiêm của thế giới hệ đức Phật ấy, Như lai diễn tả trong một đại kiếp, hay hơn một đại kiếp, cũng không thể cùng tận. Thế giới hệ của đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có nữ nhân, không có ác đạo, không có cả đến cái tiếng thống khổ. Ðất làm bằng ngọc lưu ly. Ðường ngăn bằng giây vàng. Thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy thứ quí báu. Y như thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, công đức trang nghiêm không khác gì cả.

Ðại kiếp (kiếp), kiếp này là đại kiếp. (TH 28/2326). Kiếp, Phạn tự là kalpa, âm : kiếp ba, nghĩa : trường thời (thời kỳ dài). Kiếp có tiểu, trung và đại. Sự sống con người từ 10 tuổi, cứ mỗi trăm năm tăng 1 tuổi, tăng đến 84.000 tuổi gọi là 1 tăng. Sự sống con người từ 84.000 tuổi, cứ mỗi trăm năm giảm 1 tuổi, giảm đến 10 tuổi gọi là 1 giảm. Mỗi 1 tăng hay mỗi 1 giảm gọi là tiểu kiếp ; mỗi 1 tăng và giảm gọi là trung kiếp (4 thời kỳ thành, trú, hoại, không, mỗi thời kỳ có 20 trung kiếp) ; 4 thời kỳ (nghĩa là 80 lần tăng và giảm) là 1 đại kiếp : đó là thuyết Câu xá luận. Mỗi 1 tăng và giảm mới là tiểu kiếp ; 20 tiểu kiếp (20 lần tăng và giảm) mới là trung kiếp, 4 thời kỳ thành, trú, hoại, không, mỗi thời kỳ có 1 trung kiếp, 4 thời kỳ (nghĩa là 80 lần tăng và giảm) là 1 đại kiếp : đó là thuyết Trí độ luận. Cả 2 thuyết đồng nhau về số lượng của đại kiếp.

Ðường ngăn bằng giây vàng là chỉ hay lề đường bằng vàng. Lưới giăng : kể cả các đường xoi hồi văn. Bảy thứ quí báu : kinh Di đà nói là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ xích châu, mã não (suvarna, rupya, vaidurya, sphatika, musara galva, rohita-mukta, asmagarbha).

Thế giới hệ ấy có hai vị đại bồ tát, thứ nhất danh hiệu Nhật quang biến chiếu, thứ hai danh hiệu Nguyệt quang biến chiếu. Ðó là hai vị đứng đầu chúng bồ tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Thế nên, Mạn thù, những thiện nam hay thiện nữ có đức tin hãy nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy. 

Thứ lớp kế vị thành Phật (thứ bổ Phật xứ), nghĩa đen : kế tiếp bổ vào chỗ Phật. Thứ bổ Phật xứ cũng gọi tắt là bổ xứ : bổ vào chỗ Phật. Lại hay thêm “nhất sanh bổ xứ”: một đời nữa là bổ vào chỗ Phật. Thêm bớt gì cũng chỉ một nghĩa : vị bồ tát chỉ  còn một đời nữa là thành Phật, thay vào chỗ  đức Phật của mình. Vị bồ tát như vậy gọi là bổ xứ bồ tát. Vì còn hệ thuộc một đời nên cũng gọi là nhất sanh sở hệ bồ tát. Như bổ xứ bồ tát của đức Thích ca là đức Di lạc, của đức Di đà là đức Quan âm, của đức Dược sư là đức Nhật quang (và sau đó là đức  Nguyệt quang).

Nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy, chú ý : sanh, chứ không phải vãng sanh. Nói vãng sanh chỉ để dễ hiểu. Mười phương quốc độ đều duy Tâm sở hiện. Tâm uế thì sanh uế độ, Tâm tịnh thì sanh tịnh độ. Sanh nghĩa là hiện khởi, hiện hành.

C2. nói về đại dụng của danh hiệu, có 5 D

Ðại dụng ấy đâu phải chỉ năm ba việc. Sau đây chỉ là nói 5 việc làm điển hình mà thôi.

D1. diệt sự tham lẫn mà được sự bố thí

Lúc ấy, đức Thế tôn lại bảo Mạn thù đồng tử, Mạn thù, có những kẻ không nhận thức cái lẽ thiện ác, chỉ giữ thói tham lẫn mà không biết bố thí và phước báo bố thí. Ngu muội, không có trí tuệ, thiếu cả đức tin. Dồn chứa tài sản vàng ngọc cho nhiều, nỗ lực mà giữ. Thấy người xin đến, lòng họ không vui. Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình. Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản, mà đối với bản thân của họ, họ còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin. Những kẻ ấy, sinh mạng kết thúc ở đây thì sanh trong thế giới quỉ đói hay súc vật. Nhưng xưa kia, khi ở trong loài người, từng được thoáng nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, nên ngày nay, dẫu ở trong ác đạo, vẫn thoáng nhớ danh hiệu của đức Như lai ấy, và ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tụng người bố thí. Có gì cũng không tiếc. Dần dần tiếp theo, đầu mắt, tay chân, máu thịt, và những bộ phận khác của cơ thể, còn có thể đem cho người đến xin, huống chi những thứ tiền tài sản vật khác. 

 Người làm (tác sứ) : người làm việc cho mình, người của mình sai sử. Ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tiếng người bố thí, đó là những hiệu quả tốt của sự nhớ lại danh hiệu Phật. Ở trong ác đạo mà nhớ lại được danh hiệu Phật mới khó. Nên chết liền ở ác đạo và nhớ đời trước ở đó chính là phước báo. Rồi dần dần có gì cho nấy, cho cả của ở trong là tư tưởng, sức lực, uy thế và cơ thể, thì đó là hành bồ tát đạo và cũng là hiệu quả của sự nhớ lại danh hiệu Phật. 

D2. diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới

Mạn thù, có kẻ dầu thọ giới pháp với Như lai mà lại phá giới pháp ấy. Có kẻ không phá giới pháp mà phá qui tắc. Có kẻ đối với giới pháp và qui tắc tuy được sự không phá hoại, nhưng lại phá hoại chánh kiến. Có kẻ không phá hoại chánh kiến mà bỏ phế đa văn, nên đối với nghĩa lý sâu xa của kinh Phật nói không thể lý giải. Có kẻ tuy đa văn mà thượng mạn : vì thượng mạn úp che tâm trí nên cho mình phải, bảo người trái, ghét chê cả chánh pháp, làm bè đảng với ma. Những kẻ ngu si như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lại làm cho vô số người khác rơi xuống hố lớn nguy hiểm. Những kẻ ấy đáng lý trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì bỏ ngay tánh ác tu các pháp lành, và sẽ không sa vào các ác đạo. Giả sử có kẻ vẫn không thể bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và phải sa vào ác đạo đi nữa, thì nhờ uy lực đại nguyện của đúc Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, sinh mạng kết thúc ở ác đạo, sanh lại trong loài người, được chánh kiến, tinh tiến, và ý thích khéo thuần hóa, nên thoát ly gia đình, đi đến phi gia đình, ở trong pháp Như lai mà thọ giới, giữ giới, không có phạm giới mà lại chánh kiến, đa văn, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa mà lại viễn ly thượng mạn, không chê chánh pháp, không làm bạn ma, dần dần tu hành các hạnh bồ tát và đầy đủ một cách mau chóng.

Qui tắc cũng là giới luật mà gồm hết các phần uy nghi và “kiền độ”, nói tóm, là mọi qui định về tất cả sự tổ chức và sinh hoạt của hàng xuất gia. Thượng mạn = tăng thượng mạn, là sự kiêu ngạo cho mình đã được pháp tăng thượng. Ở đây là tự thị sự đa văn cho là đã thấu triệt. Ðáng lý trôi lăn vô cùng, đáng lý, nguyên văn là ưng, nghĩa đen : nên, phải, lẽ ra, đáng lý. Mà nói như vậy là gần như nói định nghiệp. Vậy mà nghe (và trì) danh hiệu Phật thì sự đáng lý ấy không còn nữa, chứn g tỏ diệu dụng của danh hiệu Phật thật lớn và mạnh. Nhờ uy lực đại nguyện của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, nên chú ý văn và nghĩa của câu “nhờ uy lực đại nguyện “… “Làm cho họ thoáng nghe” (linh kỳ hiện tiền tạm văn), đủ thì phải dịch : làm cho họ hiện tại thoáng nghe. Hiện tại đây là đang lúc sa vào ác đạo. Ði đến phi gia đình (thú ư phi gia) thấy có người dịch từ Paly là sống không gia đình. Làm bạn ma : làm bè đảng với ma. Ma đây là ma vương.

D3. diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát

Mạn thù, có những kẻ tham lẫn ganh ghét, tán tụng bản thân, công kích kẻ khác, nên sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt. Chịu khổ sở khốc liệt rồi,  sinh mạng kết thúc ở đó mà đến sanh trong loài người, thì làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, lại luôn luôn mang nặng, chở nhiều, và đi theo đường phải đi ; hoặc được làm người thì sinh nơi hèn hạ, làm tôi tớ người, bị người sai sử, thường mất tự do. Nhưng nếu xưa kia, khi còn làm người, từng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì do nhân lành ấy mà nay nhớ lại, chí tâm qui y, nhờ thần lực của Ngài mà thoát hết khổ sở, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ đa văn, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu, đứt hẳn lưới ma, đập vỏ vô minh, khô sông phiền não, giải thoát hết thảy sinh lão bịnh tử, lo buồn khổ não.

Trâu bò (ngưu), Hoa văn thì trâu bò gì cũng là ngưu, phân biệt chăng là thủy ngưu hoàng ngưu mà thôi. Thắng pháp : chánh pháp hơn hết.

D4. diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau

Mạn thù, có những kẻ tính thích chống đối, ly gián, đấu tranh, kiện tụng, gây bực tức và rối loạn cho bản thân và kẻ khác. Ðem cả thân thể, lời nói và ý nghĩ mà tạo ra và thêm lớn đủ thứ ác nghiệp. Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau. Cáo triệu những vị thần rừng núi, cây cối mồ mả, giết sinh vật lấy máu huyết mà cúng tế dạ xoa, la sát, viết tên người mình oán, làm hình và ảnh của người ấy, đem chú thuật tàn ác mà thư, ếm phù chú, dùng thuốc độc, chú quỉ khởi thi –  dùng mọi cách này mà làm đứt sinh mạng người ấy, làm chết thân họ. Người ấy nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì mọi việc dữ trên không cách nào hại được. Lại cùng kẻ kia, tất cả đôi bên đều nổi dậy từ tâm đối với nhau, làm lợi ích an lạc mà không còn ý thức thương tổn hay tâm lý ghét giận. Ðôi bên cùng vui đẹp. Ðối với những thứ mình hưởng thụ, ai cũng thích vừa đủ thì thôi, không muốn lấn nhau, chỉ làm lợi ích cho nhau.

Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau… (triển chuyển thường vi bất nhiêu ích sự, hỗ tương mưu hại) cũng có thể dịch : gây mãi cho nhau những sự bất lợi, mưu hại lẫn nhau, bằng cách… Dạ xoa (dược xoa = yaksha) một loại quỉ ăn thịt người, mạnh, nhanh, khó lường, ở trên mặt đất, trong không gian và trên chư thiên. La sát ( = raksasa) tên chung các ác quỉ, ăn uống máu thịt loài người, phi trong không hoặc đi trên đất, giống cái rất đẹp (và gọi là raksasi).

Thuốc độc (cổ đạo) : đồ độc luyện có thuật, với ác ý. Chú quỉ khởi thi nghĩa là chú cho thây chết đứng dậy. Dùng chú Vetala tụng mà chú cho thây chết đứng dậy, bảo đi giết người, gọi là quỉ khởi thi (Phạn : krtya, Paly : kicca). Người ấy nếu được nghe danh hiệu…, người ấy là “người mình oán” ở trên, là người bị thù oán. Lại cùng kẻ kia…, kẻ kia là kẻ thù oán, kẻ đã dùng mọi cách mà hại người ở trên. Ðôi bên cùng vui đẹp (các các hoan duyệt) cũng có thể dịch nôm na là ai nấy đều vui vẻ. Thích vừa đủ thì thôi (hỷ túc = tri túc) dịch không thừa thì chỉ là thích đủ.

D5. được sanh Cực lạc hay các sự chuyển sanh khác

Mạn thù, trong bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những thiện nam thiện nữ khác có đức tin thuần tịnh, nếu ai có khả năng thọ trì Bát quan trai giới, bằng cách hoặc cả năm hoặc ba tháng, thọ trì giới ấy. Rồi đem thiện căn này nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài, nhưng chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì đến khi sinh mạng kết thúc, có tám vị đại bồ tát danh hiệu Văn thù sư lợi bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Ðắc đại thế bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Bảo đàn hoa bồ tát, Dược vương bồ tát, Dược thượng bồ tát và Di lạc bồ tát, tám vị đại bồ tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc.

Cả năm (nhất niên) : trọn một năm, mỗi năm. Cả năm thọ trì Bát quan trai giới là mỗi tháng trong một năm thọ trì 6 ngày : 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu thì lui lại các ngày 28, 29). Ba tháng là mỗi năm thọ trì Bát quan trai giới bằng cách chay tịnh 3 tháng : giêng, năm và chín.

Danh hiệu 8 vị đại bồ tát là trích bản dịch 1 (Chính 21/533d) mà bổ túc. Danh hiệu ấy, Phạn tự như sau, trích tài liệu 9.

Manjushri,
Avalokitesvara,
Maha srhama prapta,
Akohayamati,
Pouh thang tha (Hoa văn),
Bhaishajyaraja,
Bhaisajyasamudgata,
Maitreya.

Ðoạn này nói danh hiệu của đức Dược sư làm cho những người nguyện sanh Cực lạc được quyết định sanh thế giới hệ ấy. Ðoạn dưới đây nói danh hiệu của Ngài làm cho người sanh lên cõi trời, hoặc làm cho người chuyển nữ thành nam :

Cũng có người nhờ sự ấy mà sanh lên cõi trời. Tuy sanh lên cõi trời, nhưng thiện căn xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sanh lại tại các ác đạo. Mà sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sanh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sanh làm luân vương, thống nhiếp cả bốn đại châu, uy đức tự tại, xây dựng vô lượng trăm ngàn chúng sanh vào mười thiện nghiệp. Hoặc sanh vào dòng sát đế lợi, bà la môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm thọ trì, thì về sau không còn chịu lại thân thể phụ nữ.

Sự ấythiện căn xưa đều chỉ cho việc thọ trì Bát quan trai giới cả năm hay ba tháng nói trên. Ðại gia : gia đình thế tộc hoặc tôn xưng phụ nữ (đại gia = đại cô). Luân vương = chuyển luân vương. Luân vương có 7 thứ quí báu, nhưng quan trọng là bánh xe (luân). Luân vương có 4 : bánh vàng, bánh bạc, bánh đồng, bánh sắt. Luân vương có bánh xe vàng thì thống trị cả 4 đại châu : đông là Thắng thần châu, nam là Thiệm bộ châu, tây là Ngưu hóa châu, bắc là Câu lô châu. Các vị luân vương khác, bánh xe sắt chỉ thống trị 1 đại châu phía nam,  bánh xe đồng chỉ thống trị 2 đại châu phía nam và phía tây, còn bánh xe bạc chỉ thống trị 3 đại châu phía nam, phía tây và phía đông.

Mười thiện nghiệp là đình chỉ 10 ác nghiệp :

Thân        không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dục,

Miệng      không nói dối trá, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói thô ác,

Ý             không tham lam, không sân hận, không tà kiến,

C3. nói về đại dụng của chú

Trọn phần này trích bản dịch 5) (Chính 14/414g) mà bổ túc.

Mạn thù, khi đức Dược sư lưu ly quang như lai thành tựu tuệ giác vô thượng bồ đề, thì do năng lực đại nguyện xưa mà quán sát chúng sanh bị mọi bịnh khổ, như những bịnh gầy ốm, co quắp, tiêu khô, vàng nóng, hoặc bị trúng bùa ếm, thuốc độc, hoặc chết non, chết ngang trái. Muốn làm cho họ tiêu trừ những bịnh khổ ấy, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ đại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt dế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng được cái vui yên ổn. Mạn thù, nếu thấy nam tử hay nữ nhân, ai bị bịnh khổ, thì nên nhất tâm vì bịnh nhân ấy mà luôn luôn tinh khiết, tắm rửa, súc miệng, rồi đem thực phẩm, dược phẩm, hay nước không có trùng, trì chú này một trăm lẻ tám biến, cho họ uống, ăn, thì bịnh khổ họ có tiêu tan tất cả. Nếu có cần gì, chí tâm tụng niệm thì cũng được như vậy, lại không bịnh, thêm tuổi và sau khi sinh mạng kết thúc thì sanh thế giới hệ của đức Dược sư lưu ly quang như lai, được sự không còn thoái chuyển cho đến tuệ giác bồ đề. Vì vậy, Mạn thù, nếu có nam tử nữ nhân nào đối với đức Dược sư lưu  ly quang như lai mà chí tâm, tha thiết, cung kính, cúng dường, thì hãy thường trì chú này, đừng để phế bỏ, quên mất.

 Trước hết, đây là mấy chỗ cần âm thích. Thuốc độc (cô độc = cô đạo) : coi lại trang 105. Chết ngang trái (hoạnh tử), hoạnh là phi lý, bất trắc, dữ dội ; hoạnh tử là chết không đáng, ngang trái, dữ dội hay bất trắc. Ðà la ni (dharani) dịch tổng trì, có nghĩa nắm giữ toàn thể. Ở đây, đà la ni là chú, 1 trong 4 đà la ni (văn, nghĩa, chú, nhẫn). Chú mà gọi đà la ni, vì chú do thiền định phát khởi và tổng trì vô lượng văn nghĩa, vô lượng công đức. Mật giáo còn nói, đà la ni dịch là minh (đà la ni do ánh sáng của Phật diễn ra) là chú (hiệu nghiệm như thần, diệt trừ tai họa) là mật ngữ (không thể hiểu nổi) là chân ngôn (lời nói chân thật của Phật). Luôn luôn tinh khiết, dịch luôn luôn là vì có bản chép chữ thường vào đây. Nhưng tuồng như không cần phải như vậy. Trừ trường hợp muốn như vậy.

Bây giờ có 4 chi tiết quan trọng cần nói.

Chi tiết thứ I, theo bản dịch 1 (Chính 21/536) thì tên 12 đại tướng Dạ xoa và chú này đều do Cứu thoát bồ tát nói. Xét văn ý xuất xứ trên, và văn ý của chú, thấy như vậy có lý hơn.

Chi tiết thứ 2, sau đây là Phạn tự của chú, trích tài liệu 9, phần Anh văn, trang 11 : Namo bhagavate bhaishajyaguru vaiduryaprabha rajaya tathagataya arhate samyaksambuddhaya tadyatha. Om bhaishajye bhaishajye bhaishajya samudgate svaha.

Chi tiết thứ 3, Vạn 35/189a nói, Nam mô (namo) dịch qui y. Bạc già phạt đế  (bhaigavate) dịch thế tôn. Bệ sát xã lũ rô (bhaishajyaguru) dịch Dược sư. Bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã (vaiduryaprabha-rajaya) dịch âm và nghĩa là lưu ly quang. Ðát tha yết da dã (tathagataya) dịch như lai. A ra hát đế (arhate) dịch ứng cúng. Tam miệu tam bột đà da (samyaksambuddhaya) dịch chánh biến tri. Ðát diệt tha (tadyatha) dịch tức thuyết chú viết. Liên lạc lại, có nghĩa : Qui kính đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nói chú như sau. Từ chữ Án đến chữ sa ha mới là chú, mật ngữ.

Chi tiết thứ 4, tôi cắt in ảnh nơi 2 trang phụ sau đây : a. nguyên Phạn tự cổ của chú này (và 1 câu tiểu

 
chú), cắt Vạn 35/196a ; b. nguyên Phạn tự cổ, và một lối dịch âm khác, của chú này, cắt Chính 19/21

C4. nói về đại dụng của sự phụng trì, có 3 D

Ðại dụng này cũng không phải chỉ năm ba việc. Sau đây chỉ là nói điển hình mà thôi.

D1. Phật dạy tổng quát và ngài Văn thù phát nguyện

Mạn thù, nếu nam tử hay nữ nhân có đức tin thuần tịnh, được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nghe rồi trì niệm. Sáng sớm đánh răng, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các thứ hương hoa, trong đó có hương đốt, hương xoa, và diễn tấu kỹ nhạc mà cúng dường hình tượng của ngài. Ðối với kinh này, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, nhất tâm thọ trì, nghe học nghĩa lý. Ðối với pháp sư giảng giải kinh này, cũng nên cúng dường, mọi đồ giúp sống thân thể mà mình có, hãy cúng dường đầy đủ, đừng để vị ấy thiếu thốn. Như vậy thì được chư Phật hộ niệm, sở cầu mãn nguyện, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề.

Lời này, cũng như trọn C3 ở trên, vẫn trích Chính 14/414d, nhưng đã đổi những chữ “bảy đức Phật như trên” (như thượng thất Phật) thành những chữ “đức Dược sư lưu ly quang” (Dược sư lưu ly quang). Lời này chỉ tài liệu 4 (bản dịch 5) có.

Lời này Phật dạy tổng quát về sự cúng dường hình tượng đức Dược sư, cúng dường kinh Dược sư, và cúng dường pháp sư giảng dạy kinh ấy. Ích lợi của sự cúng dường như trên là được chư Phật hộ niệm. Hộ niệm : gia hộ, tưởng nhớ, truyền cảm hứng. Ðược chư Phật hộ niệm nên cầu gì được nấy, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề (nghĩa là thành Phật). Tuệ giác bồ đề, chữ tuệ giác là thêm cho dễ hiểu, thật ra chính bồ đề là tuệ giác. Nhưng nói bồ đề chỉ là nói tắt A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Trong lời trên, còn nên chú ý câu diễn tấu kỹ nhạc (tác chúng kỹ nhạc). Cứ như chỗ tôi hiểu, thì tác chúng kỹ nhạc có 2 nghĩa hẹp và rộng. Hẹp thì chỉ có nghĩa hòa tấu các nhạc khí. Rộng thì có nghĩa biểu diễn các kỹ thuật, trong đó có sự hòa tấu nhạc khí.

Lúc ấy Mạn thù đồng tử bạch Phật, bạch đức Thế tôn, con nguyện khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, thì dùng mọi cách làm cho những thiện nam hay thiện nữ có đức tin thanh tịnh được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Cho đến trong lúc ngủ, con cũng đem danh hiệu Ngài thức tỉnh thính giác của họ. Bạch đức Thế tôn, đối với kinh này thì thọ trì đọc tụng hay tuyên thuyết khai thị cho người, tự chép hay bảo người chép, cung kính tôn trọng, đem hiến cúng những thứ hương hoa, hương xoa, hương vụn, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, và kỹ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc. Lấy tơ lụa có năm màu sắc làm bao mà đựng. Quét rưới chỗ thanh tịnh, trần thiết dá cao mà để. Thì khi ấy bốn đại thiên vương, cùng tùy thuộc của họ, và vô số trăm ngàn thiên chúng, đều đến chỗ đó mà cúng dường, hộ vệ. Bạch đức Thế tôn, những chỗ kinh bảo này lưu hành, có ai thọ trì được, thì vì bản nguyện, công đức, và danh hiệu được nghe, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, mà nên biết chỗ ấy không còn chết ngang trái, không còn bị những quỉ thần ác đoạt mất tinh chất. Ðã bị đoạt thì được lại như cũ, thân tâm an lạc.

Khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, là khi tượng pháp xuất hiện. Nhưng tra các bản dịch, câu này khác nhau như sau : Bản dịch 1 “Phật khứ thế hậu’ (Chính 21/533d), bản dịch 3 “hậu thời” (Chính 14/403t) ; bản dịch 5 “mạt pháp” (Chính 14/4 14d). Sở dĩ tôi quan tâm và tra kỹ, vì như trước tôi đã nói, tôi không tin kinh này chỉ nói cho người tượng pháp.

Dá cao (cao tòa) tòa là cái dá, cái ghế hay bàn. Bốn đại thiên vương : đông là Trì quốc (Dhritarastra), nam là Tăng trưởng (Virudhaka), tây là Quảng mục (Virupaksa), bắc là Ða văn (Dhanada hay Vaisramana) ; 4 vị này hộ vệ 4 đại châu loài người nên gọi là 4 thiên vương hộ thế (hộ vệ thế gian). Tinh chất (tinh khí), tài liệu 9 (Anh văn, trang 13) và Pđ 2511t đều có ý nói là khí lực tinh thần của con người. Tôi cho chữ này chỉ có nghĩa đen thông thường, nghĩa là nói về tinh khí thật. Nhưng, để bớt thô, tôi đã đổi tinh khí ra tinh chất. Còn muốn hiểu chữ tinh khí với nghĩa rộng thì như Pđ 349d dẫn kinh Ðại tập 52 nói, tinh khí có 3, là của đất, của chúng sanh và của pháp ; 3 thứ này được tăng trưởng bởi sự dưỡng dục Phật pháp, xí nhiên Tam bảo chủng cho tồn tại lâu dài ở thế gian.

D2. Phật chỉ cách thức và nói ích lợi

Phật dạy, Mạn thù, đúng như vậy, đúng như ông nói. Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, muốn cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì trước hết, hãy tạo lập hình tượng của ngài, trần thiết tòa thanh tịnh mà đặt để. Rãi các thứ hoa, đốt các thứ hương, đem các thứ tràng phan mà trang hoàng chỗ ấy. Bảy ngày đêm thọ Bát quan trai giới, ăn đồ ăn thanh tịnh. Tắm gội cho sạch và thơm, mặc y phục sạch sẽ. Nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại. Nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Rồi tấu nhạc và ca tụng, nhiễu quanh tượng phật Dược sư lưu ly quang như lai theo chiều hướng bên phải. Lại nên tưởng niệm bản nguyện và công đức của đức Như lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy nghĩa ý và diễn giảng khai thị. Như vậy thì mọi sở cầu đều toại ý : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái.

Cách thức phụng thờ tượng và thọ trì kinh của đức Dược sư mà đoạn này chỉ, ngoài hình thức cần có, còn có sự thọ trì Bát quan trai giới, và khởi tâm từ bi lợi ích đối với toàn thể. Như vậy có nghĩa mọi việc phải xuất từ tâm lý vị tha. Còn lợi ích thực hiện được thì có 2 phần : phần được phước (đoạn này nói) và phần khỏi nạn (đoạn sau nói). Phần được phước thì phúc lộc thọ đủ cả. Lại rất nên thêm sự cầu nguyện làm thành việc đáng làm, “cầu làm thành việc gì thì làm thành việc ấy”.

D3. Phật nói ích lợi trong sự khỏi nạn

Nếu ai bỗng nhiên bị ác mộng, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện, kẻ ấy nếu đem những đồ tuyệt diệu cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì những ác mộng và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, độc chất, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, bi, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xâm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp phản loạn, tưởng niệm cung kính đức Như lai ấy, cũng thoát hết thảy.

Ðoạn này khỏi 3 tai nạn : mọi sự quái dị, mọi sự hãi sợ và quốc gia bất an. Sau đây có vài chỗ cần âm thích. Ðộc chất (độc) cũng bao gồm độc khí. Sâu (do diên) – Thereuonema tuberculata. Nước khác xâm lăng quấy nhiễu, không những đối với lãnh thổ mà còn đối với chính trị, văn hóa và kinh tế (TH 28/2372).

Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, cho đến hết đời, không thờ vị trời nào khác, chỉ nhất tâm qui y Phật Pháp Tăng, thọ trì giới pháp, như năm giới, mười giới, bốn trăm giới của bồ tát, hai trăm năm mươi giới của tỷ kheo, năm trăm giới của tỷ kheo ni. Nhưng đối với giới pháp của họ thọ trì, hoặc có kẻ phá phạm nên sợ đọa lạc ác đạo. Nếu biết chuyên tâm trì niệm danh hiệu đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì quyết chắc không phải lãnh chịu đời sống trong ba ác đạo.

Ðây là khỏi tai nạn đọa lạc ác đạo nếu phạm giới. Nhưng phạm giới mà biết sợ đọa lạc ác đạo nên trì niệm danh hiệu đức Dược sư, mới khỏi tai nạn ấy. Còn không biết sợ hay vẫn tái phạm mãi thì lại khác.

Nếu có nữ nhân nào, lúc gần sinh sản, chịu đựng đau dớn cùng cực, mà biết chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, ca tụng, cung kính, cúng dường đức Như lai ấy, thì mọi nỗi đau đớn tan biến tất cả. Ðứa con sinh ra, mọi bộ phận của thân hình đều hoàn bị, sắc tướng của thân hình ấy đẹp và nghiêm, ai thấy cũng hoan hỷ, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ thông minh, yên ổn, ít bịnh, không có một kẻ không phải người đoạt mất tinh chất của đứa con ấy.

Ðây là khỏi sản nạn. Mẹ đã khỏi nạn mà con sinh ra cũng hoàn hảo. Kẻ không phải người (phi nhân) là những loài không phải loài người.

C5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật

Lúc ấy đức Thế tôn bảo tôn giả A nan, công đức mà đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai có, mà Như lai đã ca tụng, là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó mà lý giải, ông tin được không? Tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, đối với khế kinh Ngài dạy, con không sinh tâm nghi ngờ. Tại sao, vì thân thể, lời nói và ý nghĩ của các đức Như lai, không động tác nào mà không thanh tịnh. Bạch đức Thế tôn, vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng, và Tu di, hòn núi chúa tể trong các hòn núi, cũng có thể làm cho nghiêng đổ, nhưng lời nói của chư Phật thì không thể làm cho khác đi được. Tuy nhiên, bạch đức Thế tôn, có những kẻ đức tin không đủ, nghe nói chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật thì nghĩ, tại sao chỉ trì niệm một danh hiệu Phật của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà thu hoạch bao nhiêu công đức và ích lợi vượt bậc như vậy. Vì sự không tin này mà quay lại phỉ báng. Những kẻ ấy suốt đêm trường mất lợi lạc lớn, đọa lạc ác đạo, trôi lăn không cùng. Phật dạy tôn giả A nan, những kẻ ấy nếu nghe dược danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, chí tâm thọ trì, không sinh nghi hoặc, mà vẫn đọa lạc ác đạo là điều không có. A nan, đó là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó thể tin và hiểu. Nay ông tiếp nhận được, phải biết toàn là do uy lực Như lai. A nan, hết thảy Thanh văn, Ðộc giác, và các vị Bồ tát chưa bước lên thập địa, đều không thể tin và hiểu một cách đúng như sự thực, chỉ trừ các vị Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi. A nan, thân thể loài người khó mà có được, sự tin tưởng tôn kính Tam bảo càng khó mà có dược, nhưng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai lại khó được hơn những sự khó được ấy. A nan, vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức Dược sư lưu ly quang như lai, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, Như lai nói một cách đầy đủ, thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận.

Kết thúc kinh Di đà, đức Phật nói như sau, “Xá lợi phất, như ta bây giờ xưng tụng công đức bất khả tư nghị của chư Phật, thì chư Phật ấy cũng xưng tụng công đức bất khả tư nghị của ta, bằng cách nói rằng, đức phật Thích ca mâu ni làm được cái việc rất khó, hiếm có, là có thể ở trong thời kỳ dữ dội của quốc độ Sa bà, thời kỳ đầy cả 5 thứ vẩn đục là thời kỳ vẩn đục, kiến thức vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục và đời sống vẩn đục, mà thực hiện tuệ giác vô thượng bồ đề, lại còn vì mọi người nói cái pháp mà toàn thể thế gian khó tin này. Xá lợi phất, ông nên biết ta đã ở trong thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục mà làm việc khó làm, ấy là thực hiện tuệ giác vô thượng, lại vì toàn thể thế gian nói cái pháp khó tin này, thì đó là việc rất khó”. Hãy đối chiếu đoạn văn này với đoạn văn trên, cũng thấy phần nào tình ý của Phật.

Chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật (chư Phật thậm thâm hành xứ), bản dịch 3 (Chính 14/403g) và bản dịch 5 (Chính 14/415g) đều dịch “thậm thâm cảnh giới”. Vậy hành xứ = cảnh giới. Ngài Thái hư nói, hành xứ có 2 nghĩa : một, hành xứ là chỗ biết của phật ; hai, hành xứ là chỗ làm của Phật (TH 28/2376). Ở đây, công đức của đức Dược sư, trong đó có ích lợi mà danh hiệu của ngài đem lại cho chúng sanh, là chỗ chỉ Phật làm và Phật biết, nên gọi là “thậm thâm hành xứ”. Hành xứ tuy có đủ 2 nghĩa như vậy, nhưng nghĩa sau dễ hiểu nên tôi đã dịch “chỗ hiểu biết”.

Ðêm trường (trường dạ) : thì gian dài. Ở đây chỉ cho cảnh giới sanh tử : vừa dài dặc vừa tối tăm (vì vô minh mà thiếu cả chánh tín). Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi (nhất sanh sở hệ bồ tát) coi âm thích “thứ lớp kế vị thành Phật”, trang 102. Nhưng 1 đời có 2 : (a) các vị đẳng giác bồ tát chỉ còn 1 đời ứng thân nữa là thành Phật, mới thật là 1 đời ; (b) các vị thập địa bồ tát tuệ mạng báo thân liên tục, không còn phân đoạn sanh tử, nên cũng có thể gọi là 1 đời. Thiện phương tiện = thiện xảo phương tiện.

C6. nói cách tiêu tai diên thọ, có 5 D
D1. chỉ cách tiêu tai diên thọ

Lúc ấy trong chúng hội có một vị đại sĩ danh hiệu Cứu thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quì xuống sát đất, cong mình, chắp tay mà bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, có những kẻ bị mọi thứ bịnh hoạn làm cho nguy khốn. Bịnh mãi, gầy ốm, ăn uống không được, cổ và môi đều khô nóng. Nhìn mọi phía đều đen tối. Tướng chết xuất hiện. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, quen biết, khóc lóc vây quanh. Nhưng bản thân bịnh nhân thì tuy vẫn nằm chỗ của mình, mà lại thấy sứ giả Diêm vương dẫn thần thức của mình đến trước vị vua chấp pháp này. Nguyên mọi ngưòí đều có vị thần cùng sanh, tùy việc họ làm, tội cũng như phước, ghi chép đầy đủ, và bấy giờ trao cả cho Diêm vương. Diêm vương tra hỏi kẻ ấy, tính việc họ làm, tùy tội và phước mà xử phán. Chính trong lúc này, thân thuộc hay quen biết của bịnh nhân, nếu biết vì họ mà qui y đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, cung thỉnh chư Tăng đọc tụng kinh này, đốt cây đèn bảy tầng, treo phan thần “tiếp nối mạng sống” bằng năm màu. Thì hoặc có kẻ nơi đây thần thức về được, và như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng. Hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, khi thần thức về được thì như từ chiêm bao thức dậy, tự nhớ biết tất cả quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp. Nhờ tự chứng kiến nghiệp báo, nên đến nỗi gặp phải tai nạn cho sinh mạng, cũng không tạo tác ác nghiệp. Vì vậy, những thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, hãy thọ trì danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, tùy sức có thể mà cung kính cúng dường.

Thời kỳ Phật pháp tương tự (Tượng pháp) chỉ bản dịch 5 cũng dùng chữ này (Chính 14/415g), còn bản dịch 1 không dùng chữ gì (Chính 21/535g), bản dịch 3 dùng chữ “vị lai thế” (Chính 14/403d). Nhìn mọi phía đều đen tối (kiến chư phương ám) là tả hiện tượng sắp chết, mà là cái chết đọa lạc ác đạo. Diêm vương (Diệm ma pháp vương = Yama-raja) dịch nghĩa là Phược : trói buộc tội nhân, Bình đẳng vương : bình đẳng trị tội. Diêm vương là tổng quản địa ngục. Sứ giả Diêm vương (Diệm ma sứ) là lính quỉ mà Diêm vương sai bắt dẫn những kẻ làm ác. Khác với thiên sứ của Diêm vương, thiên sứ ấy là các sự già bịnh và chết. Vị vua chấp pháp (Diệm ma pháp vương) là Diêm vương : Diêm vương chấp chưởng pháp quyền ở địa ngục, nên gọi như vậy.

Thần thức : nghiệp thức và trung hữu. Vị thần cùng sanh (câu sanh thần) : thần năm tháng ngày giờ sinh hay bản thức. Bản thức là tổng thể dị thục, lại tiếp nhận huân tập và chấp trì chủng tử của nghiệp, nên gọi là thần câu sanh. Vạn 35/177a nói, do nghiệp lực mà ý thức bịnh nhân hiện 4 tướng : sứ giả Diêm vương, thần thức của mình, Diêm vương và thần cùng sanh. Có kẻ nơi đây (hoặc hữu thị xứ), thị xứ (nơi đây) là ngay nơi cái lúc làm phước đây, do người thân làm cho bịnh nhân sắp chết. Thần thức về được (bỉ thức đắc hoàn) : sinh mạng là bản thức liên tục chấp trì, chết là ý thức hết khởi phân biệt, sống là ý thức lại khởi phân biệt. Về hay không về, chỉ có nghĩa ý thức tái tục phân biệt hay gián đoạn phân biệt. Nhưng bản thức biến nhất thế xứ. Chết chỗ này sanh chỗ kia là “tiền dị thục ký tận, phục sanh dư dị thục”. Không làm gì có sự đi, về, qua, lại (TH 28/2388). Như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng, là tự thấy rõ ràng như thấy trong chiêm bao. Tự thấy rõ ràng là tự thấy rõ những hình phạt mình bị phán chịu ở địa ngục, lại càng tự thấy rõ người thân làm phước cho mình. Sự tự thấy này, cũng như sự tự nhớ của những người mới chết 7 đến 49 ngày, và tự thấy tự nhớ rồi dẫu nguy đến tánh mạng cũng không dám làm ác, toàn là do thần lực của đức Dược sư.

D2. chỉ thêm cách tiêu tai diên thọ, đặc biệt tiêu bịnh khổ

Lúc ấy tôn giả A nan hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, nên bằng cách nào cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai ? Phan và đèn “tiếp nối mạng sống” nên làm cách nào ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, nếu bịnh nhân muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Ðọc tụng kinh này bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng đức Như lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không dứt. Còn làm phan năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sanh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại.

Gom các đoạn trước và đoạn này nữa, cách thức tiêu tai diên thọ có cái mà ngày nay gọi là đàn Dược sư. Ðàn này gồm có 2 phần chính là phan và đèn. Phan bằng vải 5 màu, dài 49 gang. Ðèn có 7 tầng, mỗi tầng thiết 1 hình tượng đức Dược sư và đốt 7 ngọn đèn càng lớn càng tốt(43). Thì gian là 49 ngày đêm, treo phan, đốt đèn, lạy tượng Dược sư mỗi ngày đêm 6 lần cách đều, trì kinh Dược sư 49 ngày đêm mỗi ngày đêm 1 biến. Thân thì tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch (và mới càng tốt). Miệng thì súc rửa sạch sẽ, ăn uống đồ thanh tịnh (nhất là nói càng phải thanh tịnh). Ý thì phát khởi từ bi, muốn ích lợi cho tất cả một cách bình đẳng. Trong thì gian 49 ngày làm đàn Dược sư như vậy còn làm 3 việc nữa : thọ trì Bát quan trai giới, tùy sức cúng dường Tỷ kheo tăng, và phóng sanh đến 49 loại (mỗi loại 49 con, hay 49 ngày đêm phóng sanh 1 lần).

Sau đây là mấy chỗ cần âm thích. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, hãy chú ý chữ lễ bái cúng dường : nhiều lúc nghĩa là lễ bái và cúng dường, nhiều lúc nghĩa là đem sự lễ bái mà cúng dường. Ở đây có cả hai nghĩa. Phóng sanh : phóng thả sinh vật, tiếng tắt của từ ngữ phóng tạp loại chúng sanh (hay phóng chư sinh mạng). Phóng sanh đến 49 loại khác nhau (phóng tạp loại chúng sanh chi tứ thập cửu), sát thì phải dịch : phóng thả sinh vật nhiều loại lẫn lộn đến 49 thứ. Ngang trái (hoạnh) hoạnh là họa hoạnh : tai họa phi lý, bất trắc, dữ dội.

D3. lại còn tiêu quốc nạn

Ðại đức A nan, nếu giai cấp Sát đế lợi các vị vua đã làm lễ quán đảnh, khi tai nạn nổi dậy, như dân chúng bịnh dịch, nước khác lấn ép, nước mình phản nghịch, tinh tú quái dị, nhật thực nguyệt thực, gió mưa trái thì, quá thì không mưa, thì giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, lúc ấy, hãy phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, ân xá những người bị giam bị nhốt, và theo cách cúng dường tôi  đã nói trên mà cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Nhờ thiện căn như vậy, và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, mà làm cho quốc độ của họ tức khắc yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi người vô bịnh, vui vẻ. Trong quốc độ của họ không có những loại thần Dạ xoa bạo ác, tác hại chúng sanh. Mọi hiện tượng dữ ẩn mất tất cả và tức thì. Còn giai cấp Sát đế lợi, và những vị vua đã làm lễ quán đảnh, thì sự sống, tướng tốt, sức mạnh, vô bịnh và tự do, đều dược tăng thêm. Nếu hoàng hậu, hoàng phi, đông cung, vương tử, đại thần, phụ chánh, thể nữ, bách quan và dân chúng, bị bịnh làm khổ, và bị những tai nạn khác, cũng nên làm phan thần năm màu và đốt đèn sáng liên tục, phóng các loại có sinh mạng, rải những bông hoa đủ màu, đốt những hương thơm nổi tiếng, thì bịnh hết, nạn khỏi.

Sát đế lợi = Kshatriya, là điền chủ, vương chủng ; giai cấp võ sĩ, 1 trong 4 giai cấp của xã hội Ấn thời cổ, làm vua và đại thần. Vua đã làm lễ quán đảnh, quán đảnh, nghĩa đen là rưới nước lên đỉnh đầu. Nước này lấy ở sông biển 4 hướng, ý chúc thống trị 4 phương thiên hạ. Làm lễ quán đảnh là như ngày nay làm lễ da miện. Giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh (Sát đế lợi quán đảnh vương đẳng), rất nên hiệu và dịch là vị vua đã làm lễ quán đảnh thuộc giai cấp Sát đế lợi. Cách cúng dường đã nói trên là cách vừa nói ở đoạn trên đoạn này. Nhờ thiện căn như vậy và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, câu này đáng lý đoạn nào cũng phải có. Mọi sự tiêu tai diên thọ và mọi sở cầu sở nguyện mà được thực hiện, là nhờ tự lực được tha lực gia hộ (như câu này nói).

Phụ chánh (phụ tướng) theo TH 28/2394 thì là tả phụ hữu bật, đứng đầu quần thần. Tài liệu 9 (Anh văn, trang 18, dòng 24) dịch là tham nghị viên hay cố vấn của triều đình. Thể nữ (trung cung thể nữ), trung cung là hoàng hậu, trung cung thể nữ là thể nữ của hoàng hậu. Tài liệu 9 (Anh văn, trang 18 dòng 26) dịch là các vị phu nhân thân cận hoàng hậu. Bách quan, quan chức tỉnh vùng. Phóng các loại có sinh mạng (phóng chư sinh mạng) là phóng sanh. Các loại có sinh mạng là chúng sanh (ở đây là các loại sinh vật).

D4. tiêu bất định nghiệp

Lúc ấy tôn giả A nan lại hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, tại sao mạng sống đã hết mà có thể làm cho tăng thêm ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, ngài không nghe đức Thế tôn nói có chín sự chết ngang trái hay sao? Vì chín  sự chết này mà tôi khuyên làm phan và đèn ” tiếp nối mạng sống”, tu các phước đức. Nhờ tu các phước đức mà trọn đời không trải qua một cơn đau đớn hoạn nạn nào cả. Tôn giả A nan hỏi, chín sự chết ngang trái là gì? Bồ tát Cứu thoát nói, có kẻ bị bịnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không ai coi sóc. Gặp thầy thì lại bị cho thuốc không đúng, nên thật không đáng chết mà chết một cách ngang trái. Lại tin thầy bà yêu nghiệt của tà ma ngoại đạo thuộc phạm vi  thế gian nói vớ vẩn về họa phước, nên đâm ra sợ hãi dao động. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa. Giết hại sinh vật mà giải tấu thần minh, vái yêu quái để xin làm phước giúp đỡ, mong muốn thêm tuổi nhưng chung cục không thể  đạt dược. Ngu si mê lầm, tin theo cái thấy cong và ngược, nên làm chết mình một cách ngang trái, nhập vào ñịa ngục, không có kỳ hạn thoát ra. Ðó là sự chết ngang trái thứ nhất. Thứ hai, một cách ngang trái bị phép vua giết. Thứ ba, săn bắn, chơi bời, đam mê tửu sắc, phóng túng vô độ, một cách ngang trái bị những kẻ không phải người đoạt mất tinh chất. Thứ tư, một cách ngang trái bị lửa đốt. Thứ năm, một cách ngang trái bị nước chìm. Thứ sáu, một cách ngang trái bị các giống thú dữ ăn. Thứ bảy, một cách ngang trái rơi xuống sườn núi. Thứ tám, một cách ngang trái trúng chết bởi thuốc độc, ếm vái, chú thư, quỉ khởi thi. Thứ chín, chết một cách ngang trái vì đói khát nguy khốn, không được đồ ăn thức uống. Ðó là sự chết ngang trái mà đức Thế tôn nói vắn tắt có chín thứ như vậy. Ngoài ra còn có vô số những sự ngang trái khác, khó nói cho đủ.

Tu các phước đức là thọ trì Bát quan trai giới, tùy sức cúng dường Tỷ kheo tăng, và phóng sanh đến 49 loại. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa (tâm bất tự chánh, bốc vấn mích họa), bản dịch 1 (Chính 21/535d) dịch “tâm bất tự chánh, bất năng tự định, bốc vấn mích họa” (tâm không tự chánh, không thể tự định, đi bói hỏi mà tìm lấy tai họa). Giải tấu : giải bày, tâu thưa. Cái thấy cong và ngược (tà đảo kiến) là tà kiến.

D5. tiêu cả định nghiệp

Ðại đức A nan, Diêm vương lãnh xét sự ghi chép về sách tịch của thế gian. Ai bất hiếu cha mẹ, làm năm tội nghịch, hủy nhục Tam bảo, phá phép vua tôi, làm hỏng tánh giới, thì Diêm vương theo tội nặng nhẹ xét mà phạt. Vì lý do ấy, nay tôi khuyến cáo mọi người đốt đèn, treo phan, phóng sanh, tu phước, làm cho họ qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn.

Ghi chép về sách tịch thế gian là ghi tội phước như trước đã nói. Tánh giới: giới năng. Nhưng tất cả bản chính đều chép “tín giới”, nghĩa là chánh tín và tịnh giới. Làm hỏng tín giới là tà kiến và phạm giới, là phá kiến và phá giới. Treo phan (tạo phan), tạo là chế tạo, bày ra, dựng lên. Ở đây nên hiểu là treo, dựng. Tu phước : như đã nói (trang 118) có 3, nay phóng sanh kể rồi thì còn 2, là cúng dường Tỷ kheo tăng và thọ trì Bát quan trai giới.

C7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa.

Lúc ấy trong chúng hội có mười hai  vị đại tướng Dạ xoa, cùng có mặt ở  đó, là đại tướng Cung tỳ la, đại tướng Phạt chiết la, đại tướng Mê xí la, đại tướng An để la, đại tướng Ngạnh nễ la, đại tướng San để la, đại tướng Nhân đạt la, đại tướng Ba di la, đại tướng Ma hổ la, đại tướng Chân đạt la, đại tướng Chiêu đỗ la, đại tướng Tỳ yết la. Mười hai vị đại tướng Dạ xoa này, mỗi vị có bảy ngàn Dạ xoa làm tùy thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch Phật, bạch đức Thế tôn, chúng con bây giờ nhờ uy lực của Ngài mà nghe được danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn nỗi sợ hãi về ác đạo nữa. Chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng, thệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sanh, tạo cho họ cái lợi chân thật, cái vui lợi ích. Tùy thôn làng, thị thành, thủ đô, và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, mà hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường Ngài, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều thỏa mãn. Hoặc ai bị bịnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Ðược toại nguyện rồi mới tháo kết ấy.

Lúc ấy đức Thế tôn tán dương các đại tướng Dạ xoa, rằng lành thay các tướng Ðại dạ xoa, lành thay, các người nghĩ báo ân đức cửa đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì thường nên như vậy mà lợi ích an lạc hết thảy chúng sanh.

Danh sách 12 đại tướng Dạ xoa, kể theo Phạn tự thì như sau.

  1. Kumbhira,
  2. Vajra,
  3. Mihira,
  4. Andira,
  5. Majira,
  6. Shandira,
  7. Indra,
  8. Pajra,
  9. Makura,
  10. Sindura,
  11. Catura,
  12. Vikarala.

Ðó  là trích tài liệu 9 (Anh văn, trang 20, dòng 23). Nhưng dịch nghĩa thì tìm không ra. Chỉ tìm thấy 2 danh sách sau đây.

(a) 1. Cực úy dược xoa đại tướng,

  1. Kim cang dược xoa đại tướng,
  2. Chấp nghiêm dược xoa đại tướng,
  3. Chấp tinh dược xoa đại tướng,
  4. Chấp phong dược xoa đại tướng,
  5. Cư xứ dược xoa đại tướng,
  6. Chấp lực dược xoa đại tướng,
  7. Chấp ẩm dược xoa đại tướng,
  8. Chấp ngôn dược xoa đại tướng,
  9. Chấp tường dược xoa đại tướng,
  10. Chấp động dược xoa đại tướng,
  11. Viên tác dược xoa đại tướng.

(b) 1. Khả úy đại tướng,

  1. Kim cang đại tướng,
  2. Hộ pháp đại tướng,
  3. Hộ tỷ đại tướng,
  4. Chánh pháp đại tướng,
  5. La sát đại tướng,
  6. Ðế sử đại tướng,
  7. Lang long đại tướng,
  8. Canh phương đại tướng,
  9. Chiết thuỳ đại tướng,
  10. Hộ thế đại tướng,
  11. Cần nộ đại tướng,

Danh sách (a) trích Chính 19/51g và 60t ; danh sách (b) trích Chính 19/67t.

Lợi chân thật (nghĩa lợi) cái lợi chân chính, chắc thật, hợp chân lý. Thủ đô (quốc ấp).

Ðoạn này cho thấy Dạ xoa mà thệ nguyện gánh vác chúng sanh, hộ vệ mọi người, là do uy lực của đức Dược sư, là công đức của ngài. Trong đoạn này, cuối cùng, còn đưa ra một cách trừ bịnh nữa. Tra đọc các tài liệu sẽ thấy cách ấy cũng rất quan trọng.

A3 kết thúc

B1. nói tên kinh

Bấy giờ tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn, nên mệnh danh như thế nào về pháp môn này, và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào ? Phật dạy tôn giả A nan, pháp môn này nên mệnh danh Nói về bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cũng nên mệnh danh Nói về sự kết nguyện thần chú để lợi ích chúng sanh của mười hai thần tướng, lại nên mệnh danh Bạt trừù hết thảy nghiệp chướng. Nên phụng trì như vậy.

Phụng trì như vậy (như thị trì) chỉ có nghĩa đơn giản là nhớ như vậy. Muốn xa hơn chút nữa thì “hãy phụng trì theo ý nghĩa mệnh danh như vậy”.

B2. chúng hội phụng hành

Khi đức Thế tôn nói lời này rồi, các vị đại bồ tát cùng các vị đại thanh văn, quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, thiên chúng, long chúng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, loài người và loài không phải người, toàn thể đại chúng như vậy, nghe những điều Phật dạy, ai cũng cực kỳ hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Thiên chúng… ma hầu la dà là 8 bộ thiên long. Loài người và loài không phải người (nhân phi nhân), TH 28/2406 nói, thanh văn, quốc vương, vân vân, là loài người ; thiên chúng, long chúng, vân vân, là loài không phải người. Pđ 270t giải thích lại khác : (a) là khẩn na la, vì như người mà không phải người ; (b) chỉ cho tất cả 8 bộ, vì vốn không phải người, nhưng đến Phật thì hiện hình người cả. Theo lối giải thích này, “nhân phi nhân” nên dịch “loài như người mà không phải người”. Nhưng xét văn ý kinh này, qua những chỗ nói “phi nhân”, thì thấy TH 28/2406 nói đúng với kinh này hơn.

Ghi chú

(1) A Xà thế Vương = Ajatasatru. Con vua Tần bà ta la (Binsbisara) xứ Ma kiệt đà (Magadha). Bạn với Ðề bà đạt đa (Devadatta). Cầm tù cha mẹ, lên ngôi thôn tính các tiểu quốc, dựng nền móng thống nhất ấn độ. Vì tội hại cha mà cả mình nổi mụt (thứ mụt chữ Tàu dịch là sang, có nghĩa là một loại ung thư). Nhưng đến Phật sám hối thì lành, nên qui y Ngài. Ông là hộ pháp cho cuộc kiết tập pháp tạng lần thứ nhất.

Ương quật ma la = Angulimalaya. Theo tà thuyết giết người được niết bàn. Giết được 999, cắt mỗi người 1 ngón tay, kết vòng đội trên đầu. Thiếu 1 người mới đủ số phải có là 1000, nên đuổi giết mẹ. Phật thương mà cứu và thuyết pháp cho. Ương quật sám hối, xuất gia, đắc quả La hán liền. Chuyện vị này nhiễm đầy tính chất và phong thái Thiền tông và đốn ngộ.

(2) Câu trên của kinh Di đà, câu dưới của kinh Dược sư.

(3) Từ đây trích Chính 14/414g.

(4) Trích Chính 14/414g đến đây.

(5) Tiêu tai diên thọ : tiêu tan tai họa, kéo dài sự sống.

(6) Nguyên văn đoạn này không chỉnh. Nếu sát thì phải dịch “Lúc ấy đức Dược sư lưu ly quang như lai từ bi cứu vớt, nói kinh Bản nguyện công đức này”.

(7) Nguyên văn “sát lợi” = sát đế lợi, giai cấp làm vua và đại thần.

(8) Các sự tiêu tai tăng thọ, cũng như sự cúnghương (Nam mô hương cúng dường bồ tát) đều có năng lực như bồ tát, nên gọi như vậy.

(9) = tà kiến : lý thuyết các học phái ngoại đạo.

(10) Thân với mạng là 2 thứ. Thân lấy tứ đại làm thể, mạng lấy thọ, noãn và thức làm thể.

(11) Qui mạng đảnh lễ đức Dược sư lưu ly quang như lai… thế tôn, ở thế giới hệ Tịnh lưu ly thuộc phía đông.

(12) Cha mẹ, chúng sanh, quốc chúa và Tam bảo gồm sư trưởng) (cho tại gia) ; hay cha mẹ, sư trưởng, quốc chúa và thí chủ (gồm chúng sanh ) (cho xuất gia).

(13) Dục giới, sắc giới, không giới (vô sắc giới).

(14) Phiền não, vọng nghiệp, khổ báo (hoặc, nghiệp, khổ).

(15) Ái : lầm sự, như tham lam, sân hận…  Kiến : lầm lý, như ngã kiến, tà kiến…

(16) Phân đoạn và biến dịch.

(17) Pháp thân, bát nhã và giải thoát.

(18) Giết cha, giết mẹ, giết La hán, làm thân 292 Phật đổ máu, phá Tăng hòa hợp. Hoặc phá hủy vật của Tam bảo, phỉ báng và trở ngại Phật pháp, ngược đãi người xuất gia, phạm 1 trong 5 thứ trên, phủ nhận nghiệp báo mà làm ác mãi.

(19) = Sila : giới (thanh lương, tánh thiện).

(20) = Tà kiến

(21) Thật tướng của nhất thừa = tướng thực của giáo lý duy nhất. Tướng thực ở đây (có khi chỉ dùng chữ tướng mà thôi) phải hiểu theo từ ngữ và tư tưởng của ngài La thập : tướng thực thì không còn thực đối với giả, không còn tướng đối với tánh…

(22) = Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.

(23) = kinh Dược sư (cũng có thể gồm kinh khác tương tự).

(24) Cùng cực tinh tiến (kiều cần), kiều là cất cao, tốt nhiều, khởi phát, nên dịch như vậy. Cũng có thể dịch phát khởi tinh tiến.

(25) Tạo phan (tạo phan), tạo là chế tạo, là bày ra, dựng lên. Ở đây nên hiểu theo 2 nghĩa sau.

(26) ôn và dịch đều là bịnh thời khí và truyền nhiễm. Bịnh ấy, mùa đông gọi là ôn, mùa hạ gọi là dịch.

(27) Ý nói sự hay đọa ác đạo (chứ không dễ sanh loài người, chư thiên) cũng là quả báo sót lại (di báo = dư báo) của chúng sanh.

(28) Quỉ khởi thi (phi thi tà quỉ) Phi thi tà quỉ có thể dịch thây chết phi chạy, ma quỉ lếu láo, nhưng rất nên chỉ dịch là quỉ khởi thi, vì đó là chữ và việc của kinh Dược sư. Quỉ khởi thi : coi trang 105

(29) = đạo bồ đề.

(30) Ðoạn này tóm lược 12 đại nguyện.

(31) 8 chướng nạn (bát nạn) : 8 nơi và sự trở ngại sự thấy Phật nghe Pháp, là địa ngục, ngạ quỉ súc sanh, câu lô châu, trường thọ thiên, đui điếc câm ngọng (giác quan không đủ), thế trí biện thông, trước hay sau Phật. 3 tai họa (tam tai) là tiểu tam tai : chiến tranh, nhiễm độc và nhân mãn (của “kiếp giảm”, không phải bình thường). Nhưng bát nạn tam tai ở đây chỉ một ít và bình thường thôi.

(32) Không giữ kiết sử (bất trú sử hải) sát thì phải dịch, không ở trong biển kiết sử.

(33) = ngôn ngữ đạo đoạn. Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, là điển ngữ của ngài Long thọ (Trung luận). Nghĩa đen : con đường ngôn ngữ đã tuyệt, cái chỗ tâm hành đã mất. Ý : bất khả tư nghị, siêu việt tư duy và mô tả.

(34) Chỗ của tỷ kheo ở mà vô tội, gọi là tịnh địa.

(35) Lưu chú : sự sinh diệt liên tục trong từng sát na (đơn vị thì gian, chỉ bằng hay mau hơn sự thoạt hiện hoặc sự thoạt biến của một ý nghĩ).

(36) Chỉ dưới Phật một bậc.

(37) = đức Dược sư.

(38) Ðiển ngữ là “thường tịch thường chiếu’, tả bản thể luôn luôn vắng lặng tức luôn luôn chiếu soi. Cũng gọi là “thường tịch quang” : ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng. Trong 9 lạy về tứ thánh Cực lạc có chữ “thường tịch quang độ”, nghĩa : quốc độ ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng, ý nói chính bản thể ấy là quốc độ của pháp thân. Nguyên văn ở đây viết thường quang là viết tắt (đáng lý phải viết thường tịch quang).

(39) Không phải chỉ là đồ trang sức mà thôi. Mà là đồ trang sức toàn thể đời sống và cuộc đời.

(40) Thiên hà (lớn hơn ngân hà mà trong đó có thái dương hệ) ?

(41) TH 28/232719 nói, Ðại phạn thiên (chúa trời), kẻ thành trước tiên trong “thành kiếp” và hoại sau hết trong “hoại kiếp”, làm chủ tiểu thế giới. Và như vậy, Ðại phạn thiên sống 60 lần tăng và giảm (60 tiểu kiếp, theo Trí độ luận).

(42) Rất nên thêm “chỗ làm và biết sâu xa”…

(43) Bản dịch 1 (Chính 21/535g) nói cây đèn 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn (thất tằng chi đăng, nhất tằng thất đăng). 


[hết]




KINH KIM CƯƠNG – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

phần tụng niệm

Kinh
Kim cương bát nhã ba la mật

Dịch giải: Tỷ kheo Trí Quang
2531 – 1987

Duyệt xong,
Mười bảy tháng năm, 2537 – 1993
Trí quang


Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

23.10.2531
Trí quang


Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.

Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.

Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.

Kinh Kim cương bát nhã ba la mật

(1)
(1-8) Tôi nghe như vầy :
Một thời Thế tôn
ở nước Xá vệ,
trong khu lâm viên
Chiến thắng Thiện thí,
cùng với một ngàn
hai trăm năm chục
vị đại tỷ kheo.

(2)
(9-22) Vào lúc bấy giờ
gần đến giờ ăn,
nên đức Thế tôn
sửa y, cầm bát,
đi vào khất thực
trong thành Xá vệ.
Tuần tự khất thực
trong thành này rồi,
Ngài về chỗ ở
ăn uống xong xuôi,
thu dọn y bát,
rửa sạch hai chân
và trải đồ lót
lót chỗ mà ngồi.

(3)
(23-48) Lúc ấy Thiện hiện,
một vị trưởng lão,
cũng có ở trong
các đại tỷ kheo.
Từ chỗ mình ngồi,
trưởng lão đứng dậy,
vắt một vạt y,
để trần vai phải,
đầu gối bên phải
quì xuống chấm đất,
hai tay chắp lại
cung kính mà thưa :
kính bạch Thế tôn,
Ngài thật hiếm có ;
Ngài khéo nâng đỡ
cho các Bồ tát,
lại khéo giao phó
cho các Bồ tát.
Kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
Và phải làm sao
để sửa tâm mình ?

(4)
(49-70) Ðức Thế tôn dạy :
tốt lắm Thiện hiện ;
thật đúng như lời
trưởng lão đã nói,
Như lai rất khéo
nâng đỡ Bồ tát,
Như lai rất khéo
giao phó Bồ tát.
Do vậy, trưởng lão,
hãy nghe cho kỹ,
Như lai sẽ nói
cho các vị biết
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề
thì bằng cách nào
trú ở tâm ấy,
và bằng cách nào
sửa chữa tâm mình.
Trưởng lão thưa rằng,
dạ, bạch Thế tôn,
chúng con ước muốn
được nghe Ngài dạy.

(5)
(71-102) Trưởng lão Thiện hiện
Bồ tát thì phải
sửa chữa tâm mình
bằng tuệ giác này :
Bao nhiêu chúng sinh
hoặc sinh bằng trứng,
hoặc sinh bằng thai,
sinh bằng ẩm thấp,
sinh bằng biến hóa,
hoặc có hình sắc
hoặc không hình sắc,
hoặc có tư tưởng,
hoặc không tư tưởng,
có không tư tưởng,
ta làm hết thảy
đều được nhập vào
niết bàn hoàn toàn
mà giải thoát cả.
Làm cho vô lượng
vô số chúng sinh
niết bàn như vậy,
mà thật không thấy
có chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Tại sao như vậy ?
trưởng lão Thiện hiện,
vì nếu Bồ tát
mà vẫn còn có
ý tưởng ngã, nhân,
chúng sinh, thọ giả
thì Bồ tát ấy
không phải Bồ tát.

(6)
(103-144) Trưởng lão Thiện hiện
đối với các pháp,
Bồ tát không nên
trú ở đâu cả
mà làm bố thí :
không ở nơi sắc
mà làm bố thí,
không ở nơi thanh
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát hãy nên
bố thí như thế :
không ở đâu cả.
Tại sao như vậy,
vì nếu Bồ tát
không ở đâu cả
mà làm bố thí
thì được phước đức
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
không gian hướng đông
có lường được không ?
Không, bạch Thế tôn.
Trưởng lão Thiện hiện,
không gian hướng nam,
hướng tây hướng bắc,
và cả bốn góc,
cả trên cả dưới,
có lường được không ?
Càng không, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát bố thí
mà không ở đâu
thì được phước đức
cũng y như thế
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát chỉ nên
trú ở theo lời
Như lai dạy đây.

(7)
(145-164) Trưởng lão Thiện hiện
ông nghĩ thế nào,
đối với Như lai,
có thể hay không
thấy bằng đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không thể thấy Ngài
bằng các đặc tướng ;
tại sao như vậy,
vì theo Ngài dạy
thì các đặc tướng
là phi đặc tướng.
Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
hễ có đặc tướng
thì đặc tướng ấy
toàn là giả dối,
nếu thấy đặc tướng
là phi đặc tướng
thì thấy Như lai.

(8)
(165-234) Trưởng lão Thiện hiện ;
bạch đức Thế tôn,
có thể có ai
nghe pháp thoại này
mà sinh đức tin
đúng chân lý không ?
Ðức Thế tôn dạy,
đừng hỏi như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
sau khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
năm trăm năm sau,
có ai giữ giới,
làm phước, tu tuệ,
thì với pháp thoại
như thế này đây,
có thể tin tưởng
đúng với chân lý.
Trưởng lão phải biết
những người như vậy
không chỉ gieo trồng
gốc rễ điều lành
nơi một đức Phật,
nơi hai đức Phật,
nơi ba bốn năm
đức Phật mà thôi,
mà đã gieo trồng
gốc rễ điều lành
ở nơi vô số
ngàn vạn đức Phật.
Những người như vậy
mà được nghe đến
pháp thoại thế này
thì dầu đến nỗi
chỉ một ý niệm
tin tưởng trong sáng,
Như lai cũng vẫn
biết và thấy rõ
họ thực hiện được
vô lượng phước đức.
Tại sao như vậy,
vì những người này
không còn có nữa
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
không còn có nữa
ý tưởng về pháp
và về phi pháp.
Nếu những người này
còn có ý tưởng
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
còn ý tưởng pháp
là còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
còn tưởng phi pháp
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Vì lý do ấy,
đừng nắm lấy pháp,
lại càng đừng nên
nắm lấy phi pháp.
Do ý nghĩa này
Như lai thường nói,
các vị Tỷ kheo
hãy nhận thức rằng
pháp Như lai nói
tựa như chiếc bè :
pháp còn phải bỏ,
huống chi phi pháp ?

(9)
(235-262) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Như lai
được vô thượng giác ?
phải chăng Như lai
có sự thuyết pháp ?
Trưởng lão thưa rằng
kính bạch Thế tôn,
theo con hiểu biết
ý của Ngài nói,
thì không thể có
một pháp khẳng định
để được mệnh danh
là vô thượng giác,
cũng không thể có
một pháp khẳng định
để được gọi là
Thế tôn thuyết pháp.
Tại sao như vậy,
vì Pháp Ngài nói
không thể nắm lấy
không thể diễn tả,
không phải là pháp
không phải phi pháp
lý do là vì
hết thảy hiền thánh
toàn do Vô vi
biểu hiện khác biệt.

(10)
(263-300) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có ai đem cho
đủ hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
đại thiên thế giới,
thì người cho ấy
được phước nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
vì phước đức ấy
Ngài đã nói là
tính phi phước đức,
thế nên Ngài nói
phước đức rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nhưng nếu có ai
từ pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu là chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người ấy
vẫn hơn người trước.
Tại sao như vậy,
vì lẽ, trưởng lão,
hết thảy Phật đà
cùng với Phật pháp
– Pháp vô thượng giác
của các Phật đà –
toàn là xuất ra
từ pháp thoại này.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là Phật pháp
thì Như lai nói
là phi Phật pháp,
thế nên Như lai
nói là Phật pháp.

(11)
(301-392) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tu đà hoàn
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tu đà hoàn chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tu đà hoàn
là Vào dòng nước,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
nhập vào đâu cả :
không nhập sắc thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
nên được mệnh danh
là Tu đà hoàn.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tư đà hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tư đà hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tư đà hàm
là Một trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
một lần trở lại,
nên được mệnh danh
là Tư đà hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A na hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A na hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì A na hàm
là Không trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
không còn trở lại,
nên được mệnh danh
là A na hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A la hán
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A la hán chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì lẽ thật ra
không có cái gì
là A la hán,
nên được mệnh danh
là A la hán.
Kính bạch Thế tôn,
nếu vị La hán
nghĩ rằng mình được
đạo quả La hán,
thì như thế là
chấp trước ngã nhân,
chấp trước chúng sinh,
chấp trước thọ giả.
Bạch Ngài, Ngài nói
trong số những người
được định Không cãi,
con là hơn hết,
con là La hán
ly dục bậc nhất ;
nhưng con không có
ý nghĩ mình là
một vị La hán
ly dục bậc nhất.
Nếu con còn nghĩ
mình là La hán,
thì Ngài không nói
Thiện hiện là người
thích thú làm theo
chánh định Không cãi ;
vì con không còn
làm theo gì cả,
nên Ngài nói con
theo định Không cãi.

(12)
(393-402) Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai xưa kia
nơi đức Nhiên đăng,
được pháp gì chăng ?
Không, bạch Thế tôn ;
nơi đức Nhiên đăng,
thực sự Thế tôn
không được pháp gì.

(13)
(403-426) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Bồ tát
trang hoàng cõi Phật ?
Không, bạch Thế tôn ;
lý do là vì
trang hoàng cõi Phật,
sự trang hoàng ấy
Thế tôn đã nói
là phi trang hoàng,
thế nên Ngài nói
đó là trang hoàng.
Do vậy, trưởng lão,
Bồ tát đại sĩ
hãy sinh cái tâm
trong sạch như vầy :
không ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
không ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra ;
hãy đừng ở vào
bất cứ chỗ nào
mà sinh tâm ra.

(14)
(427-438) Trưởng lão Thiện hiện,
ví dụ có người
thân thể cao lớn
như núi Tu di,
ông nghĩ thế nào,
thân ấy lớn không ?
rất lớn, bạch Ngài ;
tại sao, bởi vì
Ngài nói thân lớn
là phi thân lớn,
thế nên Ngài nói
đó là thân lớn.

(15)
(439-506) Trưởng lão Thiện hiện,
giả thiết sông Hằng
có bao nhiêu cát,
thì mỗi hạt cát,
là một sông Hằng,
ông nghĩ thế nào,
số cát tất cả
sông Hằng như vậy
nhiều hay không nhiều ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
số lượng sông Hằng
đã là vô số,
huống chi số cát
những sông Hằng ấy.
Trưởng lão Thiện hiện,
với lời nói thật,
Như lai hôm nay
nói với trưởng lão :
giả sử thiện nam
hay thiện nữ nào
đem hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
thế giới đại thiên
nhiều như số cát
những sông Hằng ấy
mà làm bố thí,
thì phước họ được
là nhiều hay ít ?
Trưởng lão kính thưa,
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ khác
với pháp thoại này,
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người này
hơn phước người trước.
Thêm nữa, trưởng lão,
chỗ nào giảng dạy
pháp thoại như vầy,
dầu chỉ bốn câu,
trưởng lão cũng phải
nhận thức chỗ ấy,
tất cả thế giới
chư thiên nhân loại
và a tu la
đều nên hiến cúng
chùa tháp Như lai.
Huống chi có người
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
giảng nói cho người
trọn pháp thoại này ;
trưởng lão phải biết
người ấy đạt được
cái pháp tối thượng
hiếm có bậc nhất,
và những địa điểm
người ấy giảng dạy
pháp thoại như vầy
là có Như lai
hay có các vị
đệ tử cao trọng.

(16)
(507-532) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
bạch đức Thế tôn,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên gì ?
chúng con cần phải
ghi nhớ thế nào ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên là
Kim cương bát nhã
ba la mật đa,
trưởng lão hãy nhớ
pháp thoại như vầy
qua danh hiệu ấy.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì bát nhã
ba la mật đa
thì Như lai nói
là phi bát nhã
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là bát nhã
ba la mật đa.

(17)
(533-540) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai có sự
thuyết pháp hay không ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn,
Thế tôn không có
thuyết pháp gì cả.

(18)
(541-558) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
thế giới đại thiên
có bao vi trần,
số lượng nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
những vi trần ấy,
Như lai nói chúng
là phi vi trần,
thế nên Như lai
nói là vi trần.
Và bao thế giới,
Như lai cũng nói
những thế giới ấy
là phi thế giới,
thế nên Như lai
nói là thế giới.

(19)
(559-572) Trưởng lão Thiện hiện
trong ý của ông
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng,
thế nên Thế tôn
nói là đặc tướng.

(20)
(573-586) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
đem thân mạng mình
bằng cát sông Hằng
mà bố thí cả,
và có người khác
với pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và đem giảng nói
cho bao người khác,
thì phước người này
quá nhiều hơn nữa.

(21)
(587-662) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện,
nghe pháp thoại này
lĩnh hội sâu xa,
lòng đầy xúc cảm,
rơi lụy mà khóc.
Trưởng lão thưa rằng,
thật quá hiếm có,
kính bạch Thế tôn ;
Ngài đã tuyên thuyết
pháp thoại cực sâu.
Từ khi có được
con mắt tuệ giác
cho đến ngày nay,
con chưa nghe được
pháp thoại như vầy.
Bạch Ngài, có ai
nghe pháp thoại này
tin tưởng trong sáng
và phát sinh được
cái tuệ giác thật,
thì biết người ấy
đạt được công đức
hiếm có bậc nhất.
Kính bạch Thế tôn,
tuệ giác thật ấy
thì Ngài nói là
phi tuệ giác thật,
thế nên Ngài nói
là tuệ giác thật.
Kính bạch Thế tôn,
hôm nay con được
nghe pháp thoại này,
tin tưởng lĩnh hội,
tiếp nhận ghi nhớ,
thì không khó mấy.
Nhưng nếu tương lai,
năm trăm năm sau
người nào nghe được
pháp thoại như vầy,
tin tưởng, lĩnh hội,
tiếp nhận, ghi nhớ,
mới hiếm có nhất.
Tại sao như vậy,
bởi vì người ấy
thì không còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả –
Ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
là phi ý tưởng :
phi mọi ý tưởng
thì thế gọi là
chư Phật như lai.
Ðức Thế tôn dạy
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy :
nếu có người này
được nghe pháp thoại
Bát nhã như vầy
mà không kinh ngạc,
cũng không sợ hãi,
thì biết người ấy
cực kỳ hiếm có.
Tại sao, trưởng lão,
bởi vì Bát nhã
chính là tối thượng
ba la mật đa,
và Như lai nói
cái pháp tối thượng
ba la mật đa
là phi tối thượng
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là tối thượng
ba la mật đa.

(22)
(663-696) Trưởng lão Thiện hiện,
cái pháp nhẫn nhục
ba la mật đa,
Như lai cũng nói
là phi nhẫn nhục
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là nhẫn nhục
ba la mật đa.
Tại sao trưởng lão,
vì như xưa kia,
trong khi Như lai
bị Ca lị vương
cắt thịt khắp nơi
tay chân Như lai,
Như lai không có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Nếu lúc bấy giờ
Như lai còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì phải sinh ra
giận dữ oán hận.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai lại nhớ
trong thì quá khứ,
có năm trăm đời
Như lai đã làm
tiên nhân Nhẫn nhục.
Vào lúc bấy giờ,
Như lai cũng không
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(23)
(697-758) Vì lý do ấy,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì phải
rời mọi ý tưởng
mà phát huy tâm
vô thượng bồ đề ;
đừng ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
đừng ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra.
Hãy sinh cái tâm
không ở đâu cả.
Nếu tâm ở đâu
thì chính như thế
là phi trú ở.
Vì lý do này,
Như lai nói rằng
Bồ tát thì phải
không ở sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì vì
ích lợi chúng sinh
một cách khắp cả
mà hãy bố thí
theo cách như vậy.
Vì Như lai nói
ý tưởng chúng sinh
là phi ý tưởng,
Như lai cũng nói
hết thảy chúng sinh
là phi chúng sinh.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai là người
nói phải, nói chắc,
nói như sự thật,
nói không lừa đảo,
nói không mâu thuẫn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Pháp mà Như lai
đã chứng ngộ được,
cái Pháp như vậy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát nếu tâm
ở nơi mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
vào trong bóng tối,
không còn thấy được
một thứ gì hết ;
Bồ tát nếu tâm
không ở mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
đã có mắt sáng,
lại có ánh sáng
mặt trời soi rõ,
nên thấy đủ cả.

(24)
(759-776) Trưởng lão Thiện hiện,
trong thì vị lai,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác,
thì thế là được
Như lai sử dụng
tuệ giác Như lai
mà biết rất rõ,
và thấy rất rõ,
rằng người như vậy
ai cũng đạt được
vô lượng công đức.

(25)
(777-848) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
buổi sáng đã đem
hằng sa thân mạng
mà bố thí cả,
buổi trưa cũng đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí nữa,
buổi chiều lại đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí luôn,
và sự bố thí
thân mạng như vậy
làm đến trăm ngàn
vạn ức thời kỳ ;
và có người khác
nghe pháp thoại này,
trong lòng tin tưởng
chứ không đối kháng,
thì phước người này
hơn phước người trước,
huống chi có người
sao chép ấn hành
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.
Trưởng lão Thiện hiện,
chính yếu mà nói
thì bài pháp thoại
Bát nhã như vầy
có những công đức
ngoài tầm nghĩ bàn,
ước lượng, đối chiếu,
siêu việt giới hạn ;
Như lai nói cho
những người đi theo
giáo pháp đại thừa,
nói cho những người
đi theo giáo pháp
đại thừa tối thượng.
Ai có năng lực
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
trình bày phong phú
cho bao người khác,
thì chính Như lai
biết rõ người ấy,
thấy rõ người ấy,
đạt được công đức
không thể ước lượng,
không thể đối chiếu,
không có giới hạn,
ngoài tầm nghĩ bàn.
Những người như vậy
có thể gánh vác
tuệ giác vô thượng
của ta, Như lai.
Tại sao như thế,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì những ai
ưa pháp tiểu thừa,
vẫn còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
thì với pháp này
không thể lắng nghe,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.

(26)
(848-862) Trưởng lão Thiện hiện,
bất cứ chỗ nào,
hễ có bản kinh
Kim cương bát nhã,
thì cả thế giới
chư thiên, nhân loại
và a tu la,
đều nên hiến cúng.
Nên biết chỗ ấy
chính là chùa tháp
tôn thờ Như lai ;
hãy lạy, đi nhiễu,
tung rãi các loại
bông hoa, hương liệu.

(27)
(863-878) Thêm nữa, trưởng lão,
bất cứ thiện nam
hay thiện nữ nào
học hỏi ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
kinh Kim cương này
mà bị khinh dễ,
thì biết người ấy
tội ác đời trước
đáng sa chỗ dữ,
nhưng vì đời này
bị người khinh dễ
thì tội ác đó
tiêu tan hết cả,
người ấy sẽ được
tuệ giác vô thượng.

(28)
(879-934) Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai nhớ lại
quá khứ vô số
55
thời kỳ vô số,
trước khi Như lai
gặp đức Nhiên đăng,
thì đã gặp được
tám trăm bốn ngàn
vạn ức trăm triệu
chư Phật như lai,
đối với Ngài nào
Như lai cũng đồng
thừa sự hiến cúng
chứ không bỏ qua.
Nhưng nếu có ai
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có năng lực
học hỏi, ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã này đây,
thì bao công đức
người ấy đạt được,
công đức Như lai
phụng sự chư Phật
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
đến nỗi toán pháp
và ví dụ nữa,
cũng không bằng được
một phần nào cả.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có khả năng
tiếp nhận, ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã như vầy,
bao nhiêu công đức
mà họ đạt được,
nếu Như lai nói
một cách đầy đủ,
thì tất có kẻ
nghe mà nổi khùng,
bối rối, hoài nghi,
không thể tin được.
Trưởng lão Thiện hiện,
phải nhận thức rằng
ý nghĩa Kim cương
không thể nghĩ bàn,
hiệu quả cũng vậy
không thể nghĩ bàn.

(29)
(935-970) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
và phải làm sao
để sửa tâm mình ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề,
thì sửa tâm mình
bằng tuệ giác này :
ta phải làm cho
hết thảy chúng sinh
được niết bàn rồi
mà thật không thấy
một chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Lý do là vì
Bồ tát mà có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì như thế là
không phải Bồ tát.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
là người phát tâm
vô thượng bồ đề.

(30)
(971-1042) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
nơi đức Nhiên đăng,
phải chăng Như lai
có một pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề ?
Không, bạch Thế tôn ;
theo chỗ con hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn dạy cho
thì khi Ngài ở
nơi đức Nhiên đăng,
không có pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề.
Ðức Thế tôn dạy,
đúng vậy, Thiện hiện,
đúng là không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề.
Nếu có pháp gì
gọi là Như lai
đạt được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì đức Nhiên đăng
đã không ghi nhận,
rằng trong tương lai
ông thành Phật đà,
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni ;
vì thật không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
nên đức Nhiên đăng
mới ghi nhận cho,
bằng cách nói rằng
ông thành Phật đà
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni
tại sao như vậy ?
vì chữ Như lai
chính là nghĩa Như
của tất cả pháp.
Nếu có ai nói
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
thì nói như vậy
là không chính xác,
bởi vì, trưởng lão,
thật ra không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
sự đạt được ấy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Vì lý do này,
Như lai tuyên ngôn
rằng tất cả pháp
toàn là Phật pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
tất cả pháp ấy
Như lai đã nói
phi tất cả pháp,
nên Như lai nói
là tất cả pháp.

(31)
(1043-1068) Trưởng lão Thiện hiện,
ví như có người
thân thể cao lớn…
Trưởng lão Thiện hiện
liền bạch Thế tôn,
thân cao lớn ấy
thì Ngài đã nói
phi thân cao lớn,
thế nên Ngài nói
là thân cao lớn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát cũng vậy :
Bồ tát mà nói
ta phải làm cho
vô số chúng sinh
dều được niết bàn,
thì không được gọi
là vị Bồ tát ;
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
gọi là Bồ tát.
Vì thế Như lai
nói tất cả pháp
không phải ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(32)
(1069-1086) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu Bồ tát nói
ta phải trang hoàng
cõi Phật của ta,
thì không được gọi
là vị Bồ tát.
Tại sao, trưởng lão,
trang hoàng cõi Phật
thì Như lai nói
là phi trang hoàng,
thế nên Như lai
nói là trang hoàng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thấu triệt
về sự vô ngã,
Như lai mới nói
vị ấy đích thực
là vị Bồ tát.

(33)
(1087-1138) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có đúng Như lai
hiện có mắt thịt,
mắt trời phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt thịt
và có mắt trời.
Có đúng Như lai
hiện có mắt tuệ,
mắt pháp phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt tuệ
và có mắt pháp.
Như lai hiện có
mắt Phật phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt Phật.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
cát trong sông Hằng
Như lai cũng nói
là cát phải không ?
Phải, Ngài nói cát.
Ông nghĩ thế nào,
có bao nhiêu cát
trong một sông Hằng
thì có sông Hằng
bằng số cát ấy,
và những cõi Phật
bằng với số cát
những sông Hằng này
thì nhiều hay không ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
bao nhiêu tâm tưởng
tất cả chúng sinh
trong những cõi Phật
được nói như vậy,
Như lai biết hết.
Tại sao, trưởng lão,
Như lai nói rằng
bao tâm tưởng ấy
là phi tâm tưởng,
thế nên Như lai
nói là tâm tưởng :
Tâm tưởng quá khứ
không thể nhận được,
tâm tưởng hiện tại
không thể nhận được,
tâm tưởng vị lai
không thể nhận được.

(34)
(1139-1156) Trưởng lão Thiện hiện,
giả sử có ai
đem hết vàng ngọc
đầy cõi đại thiên
mà bố thí cả,
người này vì thế
được phước nhiều không ?
Rất nhiều, bạch Ngài,
người này vì thế
được phước rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu phước có thật
thì Như lai đã
không nói phước nhiều,
nhưng vì phước ấy
thật là phi phước,
thế nên Như lai
nói là phước nhiều.

(35)
(1157-1196) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Tại sao như vậy,
vì cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi sắc thân
toàn hảo đặc tướng,
đó là lý do
tại sao Thế tôn
nói là sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả.
Tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
toàn hảo tất cả
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng
toàn hảo tất cả,
đó là lý do
tại sao Thế tôn,
nói là đặc tướng
toàn hảo tất cả.

(36)
(1197-1216) Trưởng lão Thiện hiện,
đừng nói Như lai
có cái ý nghĩ
Như lai thuyết pháp.
Ðừng nói như vậy.
Lý do tại sao,
vì nói Như lai
có sự thuyết pháp
thì thế chính là
phỉ báng Như lai.
Nói thế tức là
không khéo lĩnh hội
ý nghĩa đã được
Như lai tuyên thuyết.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là thuyết pháp
là thật không có
pháp gì để thuyết,
như thế mới được
gọi là thuyết pháp.

(37)
(1217-1234) Lúc ấy Thiện hiện,
người lấy tuệ giác
mà làm tính mạng,
kính bạch Thế tôn,
có thể có ai
trong thì vị lai
nghe Pháp như vầy
mà tin tưởng không ?
Ðức Thế tôn dạy,
những người như vậy
không phải chúng sinh
hay không chúng sinh ;
tại sao, trưởng lão,
gọi là chúng sinh
thì Như lai nói
là phi chúng sinh,
vì thế Như lai
gọi là chúng sinh.

(38)
(1235-1264) Trưởng lão Thiện hiện,
kính bạch Thế tôn,
Thế tôn đạt được
vô thượng bồ đề,
thật ra là sự
phi đạt được chăng ?
Ðúng, đúng như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
Như lai đối với
vô thượng bồ đề
không có chút gì
gọi là đạt được
nên được gọi là
vô thượng bồ đề.
Thêm nữa, trưởng lão,
Pháp thì đồng đẳng,
không bất đồng đẳng,
thế nên gọi là
vô thượng bồ đề :
không có ngã nhân
chúng sinh thọ giả
mà làm pháp lành,
thế thì đạt được
vô thượng bồ đề.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là pháp lành
thì Như lai nói
là phi pháp lành,
thế nên Như lai
gọi là pháp lành.

(39)
(1265-1282) Trưởng lão Thiện hiện,
có người đem cho
bảy loại vàng ngọc
chất đống bằng với
những núi Tu di
trong cõi đại thiên,
và có người khác
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu
bản kinh Bát nhã
ba la mật này,
và nói cho người,
thì phước người trước
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
toán pháp, ví dụ,
cũng không bằng được
một phần nào cả.

(40)
(1283-1308) Trưởng lão Thiện hiện,
các vị đừng nói
Như lai nghĩ rằng
Như lai giải thoát
các loại chúng sinh ;
trưởng lão Thiện hiện,
đừng nghĩ như vậy,
vì thật không có
một chúng sinh nào
Như lai giải thoát.
Nếu có chúng sinh
Như lai giải thoát,
thì thế chính là
Như lai đã có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng về ngã
thì Như lai nói
phi ý tưởng ngã,
nhưng người tầm thường
thì bảo là ngã.
Trưởng lão Thiện hiện,
người tầm thường ấy
Như lai nói là
người phi tầm thường.

(41)
(1309-1348) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng có thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Kính bạch Thế tôn,
theo chỗ con hiểu
nghĩa của Ngài dạy,
không thể nhìn Ngài
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy,
bởi vì nếu nhìn
ba mươi hai nét
đặc tướng siêu nhân
mà cho có thể
nhìn thấy Như lai
thì Chuyển luân vương
cũng là Như lai.
Thế nên không thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ;
hãy nhìn Như lai
bằng cách nhìn thấy
tất cả đặc tướng
là phi đặc tướng.
Bãy giờ Thế tôn
nói chỉnh cú này :
“Nếu đem sắc tướng
nhìn thấy Như lai,
hoặc đem âm thanh
nhận thức Như lai,
thì những người ấy
đã đi lạc đường,
không còn có thể
thấy biết Như lai”.

(42)
(1349-1360) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
Như lai không do
đặc tướng toàn hảo
mà được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì này trưởng lão,
đừng nghĩ như vậy,
rằng ta, Như lai,
không do đặc tướng
toàn hảo mà được
vô thượng bồ đề.

(43)
(1361-1372) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
nói rằng các pháp
là tiêu diệt hẳn,
thì đừng nghĩ thế,
tại sao, bởi vì
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
đối với các pháp
không nói tiêu diệt.

(44)
(1373-1400) Trưởng lão Thiện hiện,
một vị Bồ tát
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy thế giới
như cát sông Hằng ;
vị Bồ tát khác
biết tất cả pháp
toàn là vô ngã,
thành được sức Nhẫn,
thì Bồ tát này
hơn Bồ tát trước.
Lý do là vì,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì không
tiếp nhận phước đức.
Trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
tại sao Bồ tát
không nhận phước đức
Bởi vì, Thiện hiện,
Bồ tát làm hết
mọi sự phước đức,
thế nhưng không nên
tham đắm phước đức,
Như lai do vậy
nói là không nhận
mọi sự phước đức.

(45)
(1401-1412) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu nói Như lai
có đến, có đi,
có ngồi, có nằm,
thì người nói ấy
không hiểu ý nghĩa
Như lai đã nói.
Tại sao như vậy,
bởi vì Như lai
không đến từ đâu,
không đi về đâu,
nên gọi Như lai.

(46)
(1413-1530) Trưởng lão Thiện hiện,
có ai nghiền nát
thế giới đại thiên
thành ra vi trần,
thì ông nghĩ sao,
những vi trần ấy
là nhiều hay ít ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Tại sao, bởi vì
những vi trần ấy
nếu là thật có,
thì Ngài không nói
là những vi trần –
Thế nhưng vi trần
thì Ngài đã nói
là phi vi trần,
do đó Ngài nói
là những vi trần.

(47)
(1069-1086) Và bạch Thế tôn,
cái mà Ngài nói
thế giới đại thiên
là phi thế giới,
vì thế nên được
gọi là thế giới.
Tại sao như vậy,
bởi vì nếu nói
thế giới thật có,
thì đó chỉ là
ý tưởng hợp nhất –
Ý tưởng hợp nhất
thì Ngài nói phi
ý tưởng hợp nhất,
nên được gọi là
ý tưởng hợp nhất.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng hợp nhất
thì không là gì
để mà nói cả,
nhưng người tầm thường
đam mê dính mắc
cái sự như vậy.

(48)
(1455-1478) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có ai nói
Thế tôn nói về
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì này trưởng lão,
ông nghĩ thế nào,
người đó có hiểu
ý nghĩa Như lai
đã nói hay không ?
Không, bạch Thế tôn,
người ấy không hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn nói ra.
Lý do tại sao,
vì Thế tôn nói
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì tức là phi
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thế nên gọi là
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(49)
(1479-1494) Trưởng lão Thiện hiện,
những người phát tâm
vô thượng bồ đề,
thì với các pháp
hãy biết như vậy,
hãy thấy như vậy,
tin tưởng, lĩnh hội
cũng là như vậy :
đừng nên trú ở
nơi ý tưởng pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
nói ý tưởng pháp
thì Như lai nói
phi ý tưởng pháp,
vì thế mới gọi
là ý tưởng pháp.

(50)
(1495-1512) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có người nào
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy vô lượng
vô số thế giới,
và có người khác,
không kể thiện nam
hay là thiện nữ,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc,
diễn tả cho người,
thì dầu chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
phước họ đạt được
vẫn hơn người trước.

(51)
(1513-1528) Diễn tả cho người
bằng cách thế nào ?
Bằng cách đừng nắm
ý tưởng về pháp,
mà như sự Như
chứ không dao động.
Tại sao mà phải
diễn tả cách ấy ?
Bởi vì tất cả
các pháp hữu vi
toàn là giống như
chiêm bao, ảo thuật,
bóng nước, ảnh tượng,
sương mai, điện chớp ;
rất cần phải có
cái nhìn như vậy.

(52)
(1529-1344) Khi đức Thế tôn
tuyên thuyết hoàn tất
bản kinh Kim cương
bát nhã này rồi,
trưởng lão Thiện hiện,
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni,
những cận sự nam
và cận sự nữ,
toàn thể thế giới
chư thiên, nhân loại,
và a tu la,
được nghe những điều
Thế tôn tuyên thuyết,
ai cũng hoan hỷ,
tín thọ, phụng hành.

hồi hướng

Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn (3 lần)
Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.
Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.
Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.


| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |



| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải Kim Cương |

bảng viết tắt

Chính   Ðại tạng kinh bản Ðại chính tân tu.
Vạn      Tục tạng kinh bản chữ Vạn.
Td        Hoa dịch Kim cương của ngài Cưu ma la thập (đầu thế kỷ 5)
Bd        Hoa dịch Kim cương của ngài Bồ đề lưu chi (đầu thế kỷ 6).
Chd      Hoa dịch Kim cương của ngài Chân đế (giữa thế kỷ 6)
Cd        Hoa dịch Kim cương của ngài Cấp đa (cuối thế kỷ 6)
Hd       Hoa dịch Kim cương của ngài Huyền tráng (giữa thế kỷ 7)
ND       Hoa dịch Kim cương của ngài Nghĩa tịnh (đầu thế kỷ 8)
Ecd      Anh dịch Kim cương của Edward Conze, Luân đôn, 1957. Bản dịch của Lệ pháp.

Ghi chú : Td, Bd, Chd, Cd và Nd, mang số hiệu của Chính như sau : 235, 236, 237, 238 và 239, cùng nằm trong Chính 8/748-775. Hd thì thuộc số hiệu 220, Chính 7/980-985.

mục lục phần dẫn nhập

1. Kinh Kim cương  107
2. Tài liệu tham khảo để dịch giải Kim cương  109
3. Vài dòng về dịch chủ La thập và ngài Tăng triệu  110
4. Cách dịch và cách giải Kim cương được áp dụng  111
5. Ðại thể của Kim cương  113
6. Ðối tượng của Kim cương  115
7. Nội dung của Kim cương  118
     a. Ý nghĩa danh hiệu Kim cương bát nhã ba la mật 118
     b. Ngã chấp trong Kim cương  119
     c. Bát nhã của Kim cương  122
     d. Phát tâm, trú tâm và hàng tâm   124
8. Kim cương : đại thừa với tiểu thừa  125
     a. Vấn đề Phật 125
     b. Vấn đề chúng sinh thành Phật 126
     c. Vấn đề niết bàn  127
9. Thực hành Kim cương  129
10. Vị trí của Kim cương  130

 

dẫn nhập

Dẫn nhập này quá hơn những lời hướng dẫn. Ở đây thực sự giải thích những gì cần làm trước như vậy về Kim cương.

1. Kinh Kim cương

Trong văn chương Trung hoa, Kim cương và Tịnh danh của ngài La thập dịch, được ưa thích không những từ phía quần chúng mà còn từ phía trí thức. Phật tử hay người ngoài đều như vậy. Nhưng trong hai kinh ấy, Kim cương được ưa thích hơn. Liêu trai cho thấy tác giả của nó ưa thích Kim cương đến thế nào. Ðó là chỉ nói một tác phẩm dị thường.

Trong sự tụng niệm, Kim cương với Pháp hoa của ngài La thập dịch được tụng niệm nhiều nhất, ở các xứ Phật giáo văn hệ Trung hoa. Nhưng trong hai kinh ấy, Kim cương cũng được tụng niệm nhiều hơn.

Trong linh nghiệm, những sự ấy xảy ra ở Trung hoa và còn được ghi lại thì Kim cương có 113 tờ so với 37 tờ của Pháp hoa. Tất cả đều nằm trong Vạn 149/38-150. Trong số này, các tờ 60-73 là trích Thái bình quảng ký, sách ngoài, có tiếng.

Ðặc biệt nhất, Kim cương liên hệ trọn vẹn đối với lục tổ Huệ năng, một hiện tượng rất độc đáo của Phật giáo Trung hoa. Truyện kể khá rõ trong Pháp bảo đàn (Chính 48/337- 364) và đại khái như vầy. Có một chàng tiều phu không biết chữ, chưa vợ con, còn mẹ già. Một hôm nhân bán củi mà được nghe tụng Kim cương, liền đốn ngộ. Hỏi, được biết ngũ tổ Hoằng nhẫn dạy ai cũng nên tụng kinh ấy. Tiều phu liền thu xếp cho mẹ già, lặn lội đến Hoàng mai yết kiến ngũ tổ. Rồi một đêm, tế nhị và bí mật, ngũ tổ lấy ca sa trương ra che kín thiền thất, đem Kim cương giảng cho. Giảng đến câu “hãy đừng ở vào bất cứ nơi nào mà sinh tâm ra” (đoạn 13) thì tiều phu đại ngộ tất cả các pháp không ngoài tự tánh, và thưa rằng không ngờ tự tánh vốn tự trong sáng, không ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt, không ngờ tự tánh vốn tự đủ cả, không ngờ tự tánh vốn không dao động, không ngờ tự tánh vốn sinh vạn pháp. Ðó là cuộc truyền ngôi tổ vị thứ sáu, anh chàng tiều phu liền thành lục tổ Huệ năng. Sau này lục tổ khuyên người làm theo chánh định Bát nhã bằng cách tụng niệm Kim cương, với lời nói giản dị : lúc nào chỗ nào tâm cũng đừng ngu, ngu một chút là bát nhã mất một chút, trí một chút là bát nhã sinh một chút.

Với văn dịch của Td, Kim cương hoa văn quả thật ý càng cao từ càng giản, giản mà hoa. Ðọc tụng cảm thấy tiêu sái, khoái sảng, thấy chẳng có gì mà không bỏ nổi, chẳng có gì mà không làm được.

2. Tài liệu tham khảo để dịch giải Kim cương 

Chính văn mà tôi dịch giải là Td. Nhưng để hiểu chính văn này, cần phải tham khảo sáu bản dịch khác mà bảng viết tắt đã liệt kê [xem bản viết tắt]. Các bản chú thích phải tham khảo là của ngài Tăng triệu ; của các đại sĩ Vô trước, Thế thân và Công đức thi ; của các đại sư Trí giả, Cát tạng và Khuy cơ ; của các đại sư Trí nghiễm, Ðức thanh, Trí húc và Thái hư cũng có tham khảo. Văn bản của các vị trên đây nằm trong Chính 25 và 33, trong Vạn 38 và 39, riêng của đại sư Thái hư có đến ba bản, nằm trong toàn thư tập 11.

Ðọc kỹ các bản dịch khác mới càng thấy Td được tôn sùng rất phải. Cũng nhờ đọc các bản dịch khác mới hiểu Td rõ ràng. Các bản dịch khác, Hd có lẽ bị thêm vài chỗ ; và khá kỳ, nhưng quí, là Cd cố ý không đảo trang, nhuận sắc.

3. Vài dòng về dịch chủ La thập và ngài Tăng triệu

Ai liên hệ đến Phật giáo văn hệ Trung hoa đều biết ngài La thập, nhất là biết lối dịch thượng thặng của “ông vua giới phiên dịch” ấy (từ ngữ của Lương Khải Siêu, Phật học nghiên cứu bài 6). Sinh bình ngài có một sự tự than : nếu đặt bút viết A tỳ đạt ma của đại thừa thì Ca chiên diên không bằng, nhưng ở đất Tần thì viết làm gì (Chính 55/101). Khi lâm chung, thệ nguyện nếu phiên dịch không sai ý Phật thì hỏa thiêu rồi lưỡi vẫn còn, và quả nhiên lưỡi vẫn còn. Sau đó có người cho biết những gì ngài dịch chỉ được một phần mười những gì ngài thuộc lòng (Chính55/102). Ngài thọ 70 tuổi, mất năm quí sữu (dương lịch 413) ngày 13 tháng 4 (ngài Tăng triệu ghi trong lời viếng thầy, Chính 52/264). Thì gian phiên dịch chỉ được 12 năm (401-412), tạm ghi theo Lương Khải Siêu (Phật học nghiên cứu, phụ lục bài 1).

Còn ngài Tăng triệu thì là Nhan Hồi và Tăng Sâm của ngài La thập, đứng đầu tứ thánh thập triết. Ngoài sự cọng tác việc dịch của thầy, ngài còn chú thích và trước thuật. Chú thích hiện còn hai bản là Kim cương và Tịnh danh, trước thuật hiện còn, gọi là Triệu luận. Với Triệu luận, cho đến nay ngài vẫn đứng đầu trong sự lĩnh hội Bát nhã, và ngoài đời thì cũng với Triệu luận, ngài đi vào văn học gia và văn học sử Trung hoa.

Riêng bản chú thích Kim cương thì Trung hoa thất lạc lâu lắm. Nhật bản năm 1688 mới phát hiện và ấn hành. Bản chú thích này nếu không phải viết lúc ngài La thập đang còn thì sau đó cũng không lâu, vì ngài Tăng triệu không thọ, mất lúc 31 tuổi, cùng năm với thầy (Chính 50/365). Chỉ tiếc là tôi có tìm mà chưa thấy khi ngài La thập dịch Kim cương thì ai là người bút thọ, ai là người viết tựa mà tôi tin là có, và dịch vào năm nào.

4. Cách dịch và cách giải Kim cương được áp dụng

Như đã nói, chính văn mà tôi dịch giải là Td. Lý do không những vì Td là định bản Kim cương, mà còn vì càng so sánh với các bản dịch khác càng thấy nên lấy Td làm chính văn. Ðại sư Khuy cơ, đệ tử đắc truyền của ngài Huyền tráng, mà khi chú thích Kim cương cũng chú thích Td, không chú thích bản dịch của thầy mình (Hd), như vậy cũng đủ biết giá trị của Td.

Về cách dịch, để dễ tụng, tôi cố ý dịch mỗi câu bốn chữ và mỗi đoạn không lẽ câu. Tổng cọng có 52 đoạn, 1544 câu. Tuy nhiên, để mỗi dòng một câu thì dễ tụng mà đọc không dễ hiểu như bình thường các câu liền nhau trong một dòng, nên phần tụng niệm tôi để mỗi dòng một câu, mà phần giải thích thì để các câu liền nhau như tảng văn thường. Trở lại nói cách dịch câu và đoạn như trên. Cách ấy thật mất thì giờ và công sức. Nhưng điều ấy không đáng nói. Ðiều đáng nói là dịch như vậy thì phải bớt hay phải thêm những chỗ không đáng bớt hoặc không đáng thêm, thậm chí có chỗ còn hại ý nghĩa không nhỏ, chưa nói có lúc vụng về một cách không đáng. Ấy thế nhưng tôi vẫn áp dụng cách dịch này ở đây, vì cốt cho dễ tụng.

Lối giải thì những gì cần phải giải thích trước và chung thì phải làm như vậy trong phần Dẫn nhập này, rồi sau đó giải thích chính văn. Giải thích chính văn thì bằng ba mục là phân khoa, ghi chú và lược giải. Dĩ nhiên chỗ nào không cần thì thôi một hay hai trong ba mục ấy. Riêng mục ghi chú sẽ gồm có sự khảo dị, đối chiếu với các bản dịch khác, ở những chỗ nào cần phải làm như vậy.

Cũng phải nói trước ở đây về mục phân khoa, tức phân chia và tiêu đề các tiết mục mà lập thành Mục lục. Các tiết mục này, phần đại thể thì tôi theo ngài Tăng triệu, và sẽ được nói sau đây, còn phần hệ thuộc thì tôi phải tự làm lấy. Phân chia và tiêu đề các tiết mục cũng là cách giải thích, nhưng là cách giải thích nói lên nhiều nhất ý kiến chính của người giải thích. Nhất là trường hợp Kim cương trùng văn không ít, nhưng phân chia và tiêu đề thì thấy liền văn giống mà ý khác. Tôi biết như vậy, nhất là muốn dịch giải Kim cương một cách hết lòng cẩn trọng, nên không phải muốn khoe khoang hay lập dị và tự làm như vừa nói. Tự làm chỉ vì sở tri lượng của tôi phải tự làm mà thôi.

5. Ðại thể của Kim cương

Ngài Tăng triệu nói chủ yếu của kinh này là không tuệ, nên đại thể có ba phần : Các đoạn 1-15 nói cảnh không (nhưng ý nói cảnh, chưa nói tuệ) ; các đoạn 16-28 nói tuệ không (nhưng chỉ nói tuệ, chưa nói người) ; các đoạn 29-52 nói người không (tức là Bồ tát không). Văn tự ba phần tự biểu hiện như thế, nên trước sau tuy có phần giống nhau mà thật ra ý nghĩa không giống. Trong bốn thời Phật thuyết Bát nhã, kinh này là thời đầu tiên. Lời ước lược, nghĩa phong phú, cái ý sâu kín khó mà thấy được (Vạn 38/208B).

Không tuệ là tuệ Bát nhã : tuệ giác như thật tri kiến về Như (coi ghi chú 11 của Dẫn nhập), nghĩa là không còn ngã chấp nên gọi là không tuệ. Không tuệ ấy như thật tri kiến về đối tượng của nó thì gọi là cảnh không, như thật tri kiến về bản thân của nó thì gọi là tuệ không, như thật tri kiến về chủ thể của nó (về người tu không tuệ) thì gọi là người không. Ba phần như vậy tôi đổi từ ngữ như sau và đã ghi trong Mục lục : kim 1 như thật tri kiến về đối tượng, kim 2 như thật tri kiến về tuệ giác, kim 3 như thật tri kiến về chủ thể.

Nhưng ba tiết mục đại thể này không được ngài Tăng triệu phân chia tiết mục hệ thuộc, nên việc ấy, như đã nói, tôi phải tự làm. Và vì vậy mà có sự tách các đoạn 1 đến 6 làm kinh 1 mở đầu, tách các đoạn 49 đến 52 làm kinh 3 kết thúc, còn các đoạn 7 đến 48 là kinh 2 nội dung gồm cả ba phần đại thể nói trên. Việc này không vì khuôn sáo mà vì chia tiết mục đại thể và hệ thuộc thì văn kinh tự có như vậy.

Ðiều phải nói thêm, và đây mới thật là đại thể của Kim cương, ấy là từ đại thể trên mà nhìn và nói cách khác cho thật sát văn kinh, thì đại thể kinh này có hai phần. Phần 1, với hai câu hỏi đáp mở đầu, cho thấy phải có Bát nhã loại bỏ ngã chấp mới phát nguyện và phát huy bồ đề tâm một cách chính xác. Phần 2, từ đó cho đến cuối, cho thấy Bát nhã ấy loại bỏ ngã chấp như thế nào. Cả hai phần này cùng với chi tiết như Mục lục ghi (mà đổi số chút ít) chứ không chi khác.

6. Ðối tượng của Kim cương

Kinh này Phật cốt dạy cho ai ? Trong phần mở đầu, trừ Nd và Ecd sau 1250 vị tỷ kheo ghi thêm chúng đại bồ tát, tất cả các bản khác chỉ ghi 1250 vị tỷ kheo mà thôi. Thêm nữa, trong phần kết thúc, Bd, Nd và Ecd ghi thêm bồ tát đại sĩ, nhưng các bản khác chỉ ghi bốn chúng và chư thiên, nhân loại, a tu la, và chỉ ghi ở đây chứ không ghi trong phần mở đầu. Như vậy đối tượng chủ yếu của Kim cương là các vị tỷ kheo, nói cách khác là các vị Thanh văn.

Ở đây nên so sánh với Pháp hoa. Pháp hoa lấy Thanh văn làm đối tượng, xác quyết là họ chưa được niết bàn hoàn toàn. Niết bàn hoàn toàn là phải như Phật. Họ từng là đệ tử được Phật dạy cho làm Phật chứ không phải làm La hán. Kim cương cũng vậy mà không vậy. Cái tim của Thanh văn là vô ngã, Kim cương cho thấy họ chưa vô ngã. Kim cương không phủ nhận Thanh văn bằng cách cho họ thấy họ tăng thượng mạn, tự tôn tự mãn với vị trí mà Phật giả định – dầu đến đoạn 25, Kim cương cũng nói vì sự ấy mà họ không tin nổi Kim cương. Thế nhưng Kim cương không phủ nhận gì hết, mà chỉ cốt dạy cho Thanh văn cái tuệ giác Bát nhã để họ tự nhìn thấy cái ngã mà tận trừ, bước tới. Do vậy, Kim cương ít nói lý pháp mà nói hạnh pháp và nói quả pháp nhiều hơn : nói ngay cái tuệ giác, cái việc tu hành và đắc quả của tuệ giác ấy.

Nhưng trên đây chỉ là một cách xét. Xét cách khác thì đối tượng Kim cương là Bồ tát. Bồ tát ở đây có hai. Một là các vị Thanh văn đã hay có thể chuyển thành Bồ tát ; Bồ tát như vậy là như đã nói trên đây. Hai là Bồ tát theo Bồ tát thừa ; các vị này, qua sự đối thoại với ngài Tu bồ đề, Phật đã nói đến từ đầu đến cuối kinh này.

Bồ tát là gì ? Trong văn chương tư tưởng bình dân của Ấn độ, Bồ tát là mẫu người lý tưởng. Tựa như quân tử của Trung hoa, Bồ tát của Ấn độ cũng vậy mà hơn vậy : minh triết, dũng liệt, xả thân, cứu đời… Phật giáo thì đời Phật, và ngay loài người, cũng có các vị Bồ tát nổi tiếng. Thắng man phu nhân… nhóm Hiền hộ… và Duy ma, một người không những là Bồ tát mà còn là Bồ tát bất khả tư nghị. Thêm nữa, nói về Bồ tát thì rõ ràng có cái khuynh hướng cho tại gia cũng quan trọng, chưa nói có khi quan trọng hơn ; nói về Bồ tát hạnh thì rõ ràng quan trọng là bố thí, nhẫn nhục và tuệ giác ; và căn bản của mọi sự trên đây là phát bồ đề tâm, chữ phát vừa có nghĩa phát nguyện vừa có nghĩa phát huy. Bồ tát là như vậy, nhưng đứng về mặt Tam bảo thì Bồ tát phải làm tỷ kheo mới được ngang với tỷ kheo, với Thanh văn, và cũng là Tăng bảo ; chỉ đứng về mặt làm Phật thì Bồ tát mới được nhận là phật tử đích thực, mới là người sẽ đạt đến địa vị của Phật.

Bồ tát, như vậy, không thể không có Bát nhã -không thể còn có ngã chấp mà được gọi là Bồ tát, mà làm được việc của Bồ tát. Ðối tượng Bồ tát của Kim cương là như vậy.

7. Nội dung của Kim cương

Ở đây sẽ đi sâu vào một vài chi tiết mà qua đó càng thấy nội dung kinh này, ngoài nội dung đã thấy qua hai điều 5 và 6 ở trên.

a. Ý nghĩa danh hiệu Kim cương bát nhã ba la mật

Kim cương là chất kim cương, ở đây lấy chất ấy ví dụ cho sự khó phá hủy. Bát nhã là tuệ giác như thật tri kiến về Như (coi ghi chú 11 của Dẫn nhập). Ba la mật là rời bỏ, vượt đến : rời bỏ bờ bến bên này là vượt đến bờ bến bên kia, tức là nói đến sự toàn hảo. Kim cương bát nhã ba la mật có hai nghĩa.

Nghĩa thứ 1, kim cương ví dụ cho ngã chấp; tuệ giác toàn hảo có năng lực phá hủy cái ngã chấp khó phá hủy đó, nên gọi tuệ giác ấy là Kim cương bát nhã ba la mật. Hd và Nd thêm hai chữ năng đoạn (Năng đoạn kim cương bát nhã ba la mật : Năng đoạn kim cương chi bát nhã ba la mật) thì chỉ làm cho nghĩa thứ 1 này rõ hơn để khỏi lầm rằng Kim cương bát nhã ba la mật có nghĩa thứ 2 dưới đây.

Nghĩa thứ 2, kim cương ví dụ cho chính tuệ giác ; tuệ giác toàn hảo có cái năng lực khó phá hủy là phá hủy được ngã chấp, nên tuệ giác ấy gọi là Kim cương bát nhã ba la mật.

Như vậy danh hiệu kinh này cho thấy kinh này cốt nói năng lực của Bát nhã và nói ngã chấp mà năng lực ấy phá

hủy.

b. Ngã chấp trong Kim cương

Kim cương nói về ngã chấp bằng bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Tướng, các bản khác dịch tưởng hay chấp, vậy tướng là ý tưởng, tức khái niệm. Về bốn tướng, thứ tự có thể không phải là ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, như Td và Bd ghi, mà là như sau, theo các bản dịch khác : ngã, chúng sinh, thọ giả, nhân.

Ngã thì bản nào cũng dịch là ngã. Chúng sinh thì Hd là hữu tình. Thọ giả thì Hd là mạng giả. Nhân thì Hd chỉ dịch âm là bổ đặc dà la (dịch nghĩa : sát thủ thú), Chd là thọ giả (chữ thọ là chịu), Nd là cánh cầu thú. Do sự cắt nghĩa của đại sĩ Thế thân (Chính 25/783 và 876) mà biết ngã là khái niệm tự ngã, chúng sinh là khái niệm sinh thể (hay khái niệm liên tục), thọ giả là khái niệm đời sống (hay khái niệm tồn tại), nhân là khái niệm tái sinh.

Nếu sắp thứ tự ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì đọc và hiểu dễ hơn, nhưng dầu muốn dầu không, thứ tự ấy cũng hàm ý nghĩa ngã nhân là tự tha (tôi với anh), và chính hàm ý này lại khẳng định tự ngã hơn lên.

Ngoài bốn tướng này, Hd còn nói sĩ phu, ý sinh, ma nạp bà, tác giả, thọ giả. Trong 5 chữ này chữ ma nạp bà đáng nói. Chữ ấy có người nói phải dịch là thắng ngã (Phật học đại từ điển 2569), và nhân đấy nên nói lược về ngã chấp.

Ngoại đạo ban đầu nói chỉ ông trời Ðại phạn hay ông trời Ðại tự tại mới có trước, tự có, rồi sinh ra và chi phối tất cả, nghĩa là chỉ ông trời ấy mới là ngã. Kế đến, ông trời ấy biến thành phiếm thần : cái bản thể phổ biến của ông trời ấy phú cho mỗi người mỗi vật đều có một phần ; phần ấy đồng nhất với ông trời, vậy là ông trời = bản ngã = tự ngã. Tự ngã này biểu thị lắm đặc tính tự tại chủ thể (tự chủ và chủ đạo) dưới những danh xưng như những ký hiệu về nó : chúng sinh, thọ giả, nhân, v/v. Ðó là ngã chấp của kiến thức lý thuyết. Kiến thức lý thuyết ấy thật ra bắt nguồn rồi suy diễn từ ngã chấp của mỗi người chúng ta, chưa nói của cả mọi loài động vật. Ngã chấp ấy chỉ là và chính là ý thức cái tôi : cái tôi tự chủ (ngã tướng), cái tôi mà do nó nên tôi là một sinh thể liên tục mà có tâm thức (chúng sinh tướng), là một sinh mạng có đời sống và sống hết đời (thọ giả tướng), là một linh hồn sẽ tái sinh những đời khác y như đời này (nhân tướng). Cái tôi như vậy không mấy ai nghe nói đến, chứ chưa nói không mấy ai biết nói đến, nhưng không vì vậy mà sự tự ý thức về nó không có. Trong ý thức bình thường rằng tôi đây, tôi khác anh đây, cũng như anh đấy, anh không phải tôi đấy, thì ý thức này chính là ý thức về ngã, càng đơn sơ bao nhiêu càng sâu dày bấy nhiêu. Ngã như vậy là bản năng hơn là kiến thức, nên động vật hạ đẳng nhất cũng có chứ đừng nói loài người. Ngã này là đệ thất thức, và mới đáng nói (vì Thanh văn cũng vẫn còn), hơn là nói đến ngã chấp của ngoại đạo (mà Thanh văn đã hết). Ngã này không phải chỉ là ngã trong hai thứ ngã với pháp, mà là ngã trong cả hai thứ ấy là nhân ngã và pháp ngã. Nói giản dị, hễ có ngã thì nhìn vào đâu cũng thấy ta ; thấy không phải ta chính là phản diện khẳng định sự thấy ta. Ngã này mới là cái ngã của Kim cương nói đến, cái ngã mà chỉ có Bát nhã mới hủy diệt được.

c. Bát nhã của Kim cương

Kim cương nói Phật có năm thứ mắt, hai thứ nghĩa đen, ba thứ nghĩa bóng. Hai thứ nghĩa đen là nhục nhãn với thiên nhãn. Nhục nhãn nhìn không suốt qua chướng ngại vật và bóng tối, nhìn không xa, thiên nhãn trái lại, nhưng thứ nào cũng nhìn thấy hình sắc như người với trời. Nói như người với trời mà thật ra không như rất nhiều : Phật thấy hình sắc mà không bị hình sắc lừa dối, không như người với trời thấy hình sắc nhưng thật ra chỉ nhìn thấy đối tượng. Ba thứ nghĩa bóng là tuệ nhãn, tức nhất thế trí, thấy thực thể ; pháp nhãn, tức đạo chủng trí, thấy cách tu ; Phật nhãn, tức nhất thế chủng trí, thấy hết thực thể, tướng dụng, cách tu. Tất cả năm thứ mắt này là Bát nhã toàn hảo của Phật trong Kim cương. Nhưng sơ khởi Phật dạy cho người nghe kinh này thì chính yếu là tuệ nhãn. Cách dạy nói khá nhiều là sở ngôn (nói rằng, gọi là) tức phi (là phi, là không phải) và thị danh (thế nên nói là, vì lý do ấy nên nói là). Dĩ nhiên sở ngôn, tức phi và thị danh không phải là một ước lệ nhất quán trong Kim cương, nhưng quá rõ ràng thể thấy cách dạy này nhiều chỗ giống nhau, và không thể không có tính cách nhất quán. Không những như vậy, mà đoạn 10 chữ phi có kèm chữ tính (tính phi phước đức), và Hd đoạn 14, không những “thân lớn ấy ngài nói là phi thân lớn, vì thế nên Ngài nói là thân lớn” mà còn thêm, “chứ không phải vì là thân lớn mà Ngài nói là thân lớn”.

Cách dạy như vậy cho thấy, ví dụ, chúng ta nói A thì Phật nói A đó là phi-A, và đó là tại sao Ngài nói là A (chứ không phải vì A là A mà Phật nói là A). Như vậy phi-A không phải là B, mà là A tự siêu việt, có trường hợp là tự phủ nhận, có trường hợp vừa tự phủ nhận vừa tự siêu việt. Vậy Phi là thế nào ?

Ở chỗ khác, Phi là duyên sinh tính không, là đương sinh vô sinh, hay thấp một chút là mộng ảo bào ảnh (mà đoạn 51 của Kim cương cũng nói đến, trong trình độ này). Nhưng ở Kim cương thì Phi có cái ngữ khí trực chỉ : Phi là như thật tri kiến các pháp toàn là Như. Nói giản dị một chút, Phi là siêu việt : siêu việt khái niệm và diễn tả. Cho nên A là phi-A (là Như), và đó là lý do tại sao Phật nói là A ; nói A như vậy thì không phải như ngã chấp chỉ thấy biết A là A và vì vậy mà nói là A.

Phi, như thế, là Bát nhã của Kim cương, như thật thấy biết nên thấy biết gì cũng Phi, hủy bỏ cái ngã thấy biết gì cũng là ngã cả.

d. Phát tâm, trú tâm và hàng tâm

Phát tâm, nói rõ là phát tâm bồ đề, nói rõ hơn nữa là phát tâm vô thượng bồ đề, và nói rõ nhất là phát tâm vô thượng chánh đẳng giác. Vô thượng chánh đẳng giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề) là tuệ giác biết đúng, biết hết và biết hơn tất cả. Tuệ giác ấy là Bát nhã, là tuệ giác của Phật. Phát nguyện cầu mong tuệ giác ấy, đồng thời phát huy tuệ giác ấy, thì gọi là phát tâm – Phát huy trọn vẹn tuệ giác ấy là trở thành Phật đà. Phát nguyện và phát huy tâm bồ đề như vậy có hai lý do, và do đó có hai việc làm, ấy là vì thương nỗi đau khổ của chúng sinh mà nỗ lực cứu độ, vì xót sự suy tàn của chánh pháp mà nỗ lực duy trì.

Phát tâm như vậy là căn bản của đại thừa, là làm theo đại thừa (nên thay vì phát tâm bồ đề, có bản dịch là phát thú đại thừa). Phát tâm thì phải trú tâm và hàng tâm. Trú là đứng vững, là trú ở. Hàng là buộc đầu hàng, là chiến thắng, sửa chữa. Trú tâm là trú ở nơi sự phát tâm, hàng tâm là hủy diệt ngã chấp. Nói cách khác, trú tâm hàng tâm là vận dụng Bát nhã. Như vậy chủ đích Kim cương là dạy Bát nhã để phát tâm, trú tâm và hàng tâm. Ðó là nội dung căn bản của kinh này.

Ở tiểu thừa, tuệ giác các vị Thanh văn hủy diệt ngã chấp chỉ là ngã chấp lý thuyết như ngoại đạo nói, còn ngã chấp bản năng mà chúng sinh có thì Thanh văn còn tự mãn tự tôn là vẫn còn loại ngã chấp ấy. Do vậy, sự phát tâm, trú tâm và hàng tâm đã nói trên không được có ở các vị Thanh văn. Kim cương dẫn tiến Thanh văn, cũng   dẫn tiến Bồ tát, là dẫn tiến cái điều căn bản này đây.

8. Kim cương : đại thừa với tiểu thừa

Vấn đề không phải cần đặt ra do một số luận điệu gần đây liên hệ đến đại thừa tiểu thừa, mà vấn đề đặt ra để một mặt nhìn nội dung Kim cương rõ hơn nữa, mặt khác cần nói đến mấy vấn đề căn bản của đại thừa tiểu thừa, ít nhất cũng nói mở đầu và vắn tắt.

a. Vấn đề Phật

Tiểu thừa thì nhất thiết cho Phật cũng chỉ là một vị La hán. Căn cứ gần như duy nhất chỉ vì trong mười đức hiệu của Phật có đức hiệu La hán, và vì khi năm vị tỷ kheo thành La hán đầu tiên thì Phật nói thế gian có sáu vị La hán. Thật quá dễ dàng để thấy căn cứ như vậy không xứng đáng là căn cứ để nói Phật cũng là và chỉ là một vị La hán.

La hán tương đồng được một phần với Phật về đoạn đức (giải thoát), nhưng không tương đồng được phần nào với Phật về trí đức (tuệ giác) và ân đức (độ sinh). La hán không có 10 lực, 18 bất cọng và nhiều pháp khác của Phật, mà đó là những pháp số không phải chỉ đại thừa nêu lên. Trong tín ngưỡng, bốn bất hoại tín tin Phật riêng, tin Tăng riêng ;và ba ngôi báu cho thấy Phật bảo không thể là Tăng bảo. Trong qui chế, Phật không đồng chúng kiết ma tác pháp tăng sự. Thành thật luận (của tiểu thừa) đã nói rõ như vậy (Chính 32/258).

b. Vấn đề chúng sinh thành Phật

Tiểu thừa không công nhận, ngay cả trong thì gian, rằng ai cũng có thể thành La hán, có đâu công nhận ai cũng trở thành Phật đà. Ðại thừa thì sự công nhận này là một trong những căn bản quan trọng, đặc biệt quan trọng cho tín niệm độ sinh.

c. Vấn đề niết bàn

Hai vấn đề trên nói theo ngôn ngữ Kim cương thì Như lai là Như, chúng sinh là phi chúng sinh (nghĩa là cũng Như). Do vậy, cả hai vấn đề dẫn đến vấn đề Niết bàn, vì Niết bàn là Như chứ không chi khác.

Tiểu thừa hay nói mình không đề cập bản thể, có khi còn loạn hơn, cho bản thể là không có, là biến chế từ ngoại đạo. Nhưng có lúc cũng thấy ra bản thân của mình, và đỉnh cao của mình là Niết bàn, dầu nói hoa mỹ đến đâu cũng không khỏi bị cho là hư vô, đoạn kiến. Ấy thế nên gần đây hay đề cao Như lai (Tathata). Như lai, đúng ra là Như, ở tiểu thừa gần như không nói đến, trừ ra nói đến trong chữ Như lai, và Thành thật luận nói thừa như thật đạo lai thành chánh giác (Chính 32/242) ; càng không xác định rằng Như lai là sự thật, là bản thể trung thực. đại thừa, như Kim cương, với chữ Phi, cho thấy Như lai là cả hai : là bản thể trung thực và vì bản thể này mà sự thật các pháp không phải những gì ngã chấp thấy là thật. Nói giản dị, Như là bản thể siêu việt của các pháp. Như ấy là Niết bàn.

Ở tiểu thừa, Niết bàn được chứng dưới hai dạng : dạng thứ nhất đoạn tập đế mà còn khổ đế, dạng thứ hai khổ đế cũng không còn. Thuật ngữ gọi hai dạng này là hữu dư y và vô dư y. Nhưng Niết bàn rồi, nói nôm na, cái thân thuộc khổ đế này chết rồi, thì sau đó là thế nào ? Ở đây chỉ còn diễn tả bằng mấy cách mà đáng nói là vài cách sau đây. Cách thứ nhất, có người rành xương người chết. Ngươì chết đã là gì, và là gì sau khi chết, người ấy cầm xương mà gõ là biết hết. Nhưng có một loại xương người ấy cầm gõ không thể biết là gì cả, vì đó là xương La hán : La hán không còn sinh ra nữa nên người ấy không thể biết là gì như đã biết các loại xương khác. Cách thứ hai là nói Như lai phi chung phi bất chung – thì đại thừa mới cắt nghĩa được cách nói này có ý nghĩa gì.

Ðại thừa không nhận Niết bàn như trên là cứu cánh. Niết bàn như trên, và đức Phật có Niết bàn như trên, gần như không thể nói là liên quan đến sự tồn tại của chánh pháp và sự giải thoát của chúng sinh.

Ðại thừa nói căn bản của Niết bàn là Như. Thực thể chúng sinh là Như nên Phật mới có thể làm cho Niết bàn thể hiện. Niết bàn ấy là vô trú niết bàn : vì có đại bi nên không ham niết bàn, vì có đại trí nên không bị sinh tử – đại nguyện tự tại ở trong sinh tử mà hóa độ chúng sinh. Niết bàn của đại thừa là như vậy. Nên trong đoạn mở đầu Kim cương đã nói đến Niết bàn, rồi trong đoạn gần cuối Kim cương nói rõ rằng tâm nguyện bồ đề thì không nói đoạn diệt.

9. Thực hành Kim cương

Những điều đã trình bày ở trên cho thấy thực hành theo Kim cương là như thế nào. Phát tâm, trú tâm và hàng tâm là quan trọng nhất. Thực hành theo Kim cương là như thế. Và như đã thấy, phát tâm, trú tâm và hàng tâm là vô trú bát nhã, được diễn đạt bằng chữ Phi.

Sánh với chữ Không của toàn bộ Bát nhã, chữ Vượt qua (yết đế) của bát nhã tâm kinh, thì chữ Phi của Kim cương bát nhã hoạt bát hơn nhiều lắm. Chữ Phi được thực hành bằng luận chứng sơ khởi là bài chỉnh cú cuối cùng của Kim cương, quán sát các pháp hữu vi như mộng ảo bào ảnh. Nhưng chữ Phi cũng có thể thực hành từ sơ khởi đến chung cục theo phong cách của Thiền tông. Theo phong cách ấy thì thấy gì cũng phi cả. Nhất là phi cả cái Phi. Phi thì không vướng mắc vào đâu cả, nhất là vướng mắc vào phóng đãng, phóng khí, tự nhiên, nhác, nhát, thoái chuyển, lệch hướng. Phi thì làm cho tâm trí và tâm hồn rỗng thông như không gian mà phong phú như hoa lá. Mình với cuộc đời phi tức mà cũng phi ly, siêu nhiên cũng như tục lụy đều không vướng mắc.

Loài cọp cũng như loài mèo, khi bị ném lên trong không thì có cái khả năng chuyển mình để rơi xuống vẫn chạm đất bằng bốn chân. Chúng không thương tổn hay phải chết vì sự rơi xuống, dầu rơi xuống từ cao. Thiền tông lấy hình ảnh này làm một bài học cho co n người rơi vào cuộc đời này. Bài học quan trọng ở chỗ ta có chuyển mình được như cọp với mèo hay không. Chữ Phi là sự chuyển mình ấy.

10. Vị trí của Kim cương

Sự phát tâm và sự niết bàn của Kim cương vừa nói trên đây cho thấy đại thừa không đặt sự tồn tại của chánh pháp ngoài sự lợi ích của cuộc đời, không đặt sự toàn giác ngoài sự độ sinh. Do vậy, đại thừa thích ứng mọi xã hội. Nhưng nội cách nói sở ngôn, tức phi và thị danh mà thôi, Kim cương đã cho thấy đại thừa thích ứng như thế nào. Ðại thừa không như phàm phu và tiểu thừa thấy A vì A là A : thấy có hay thấy không đều thấy theo cái ngã bản năng – Và chính vì thế mà tai họa cho cuộc đời, chính vì thế mà lý tưởng vị tha cũng thành ra đỉnh cao vị kỷ. Ðại thừa thấy vì A là phi-A nên mới là A : biến mọi hoạt động của bản năng thành mọi hoạt dụng của đại thừa. Thích ứng như vậy là Bát nhã của Kim cương được hoạt dụng vào sự thích ứng. Thì sự thích ứng không những có, mà còn có một cách hoạt bát chứ không phải tha hóa, không phải tục hóa. Khả năng này được đặt thành vấn đề, và là vấn đề chính yếu, thì đại thừa và Kim cương của đại thừa phải được quan tâm nghiêm chỉnh.


| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |



| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

3. LƯỢC GIẢI KIM CƯƠNG

mục lục lược giải

lược giải Kim cương  132
Kinh 1.- mở đầu  132
             Kim 1.- mở đầu như các kinh khác (đoạn 1) 132
             Kim 2.- mở đầu bằng hai câu hỏi đáp căn bản (đoạn 2-6) 134
Kinh 2.- nội dung  143
             Kim 1.- như thật tri kiến về đối tượng  143
             Kim 2.- như thật tri kiến về tuệ giác  164
             Kim 3 : như thật tri kiến về chủ thể  183
Kinh 3.- Kết thúc  213
             Kim 1.- kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản  213
             Kim 2.- kết thúc như các kinh khác (đoạn 52) 218

lược giải Kim cương

Phân khoa.-

Kim cương được dịch thành 1544 câu, 52 đoạn, phân khoa có năm lớp, đánh dấu bằng 5 chữ : kinh, kim, cương bát, nhã. Kim cương có ba kinh, kinh 1 mở đầu, kinh 2 nội dung, kinh 3 kết thúc.

Kinh 1.- mở đầu

có hai kim : kim 1 mở đầu như các kinh khác, kim 2 mở đầu bằng hai câu hỏi đáp căn bản.

Kim 1.- mở đầu như các kinh khác (đoạn 1)

Chính văn.-

  1. Tôi nghe như vầy : Một thời Thế tôn ở nước Xá vệ (1), trong khu lâm viên Chiến thắng Thiện thí (2), cùng với một ngàn hai trăm năm chục vị đại tỷ kheo (3).

Ghi chú.-

(1) nước Xá vệ.- Xá vệ vốn là tên thủ đô nước Kiều tát la (nên gọi là thành Xá vệ). Sau vì để khác với nước Kiều tát la ở nam bộ Ấn nên lấy tên Xá vệ làm quốc hiệu luôn. Xá vệ có nghĩa là Nổi tiếng. Thời Phật, đây là nước của Ba tư nặc vương, thuộc tây bắc bộ Ấn.

(2) Chiến thắng thiện thí.- Chiến thắng (hay Thắng) là dịch nghĩa tên vương tử Kỳ đà. Thiện thí (khéo cho) hay Cấp cô độc (chu cấp những người cô độc) là dịch nghĩa tên trưởng giả Tu đạt đa. Chiến thắng Thiện thí, hay (Thắng cấp cô độc) là liên danh hai người này để gọi khu vườn rừng mà họ chung nhau hiến Phật. Ở đó có tinh xá Kỳ viên, nơi Phật thuyết Kim cương.

(3) Sau câu này, Nd và Ecd thêm : và các đại bồ tát.

Phân khoa.-

Kim 2.- mở đầu bằng hai câu hỏi đáp căn bản (đoạn 2-6)

Chính văn.-

  1. Vào lúc bấy giờ gần đến giờ ăn, nên đức Thế tôn sửa y, cầm bát (1), đi vào khất thực trong thành Xá vệ. Tuần tự khất thực (2) trong thành này rồi, Ngài về chỗ ở, ăn uống xong xuôi, thu dọn y bát, rửa sạch hai chân và trải đồ lót lót chỗ mà ngồi (3).

Ghi chú.-

(1) Sửa y, cầm bát.- Y là y ca sa, bát là bát ứng khí

(2) Tuần tự khất thực.-là khất thực hết đường này đến đường khác, hết nhà này qua nhà khác, không lựa chọn, dầu được hiến cúng hay không, và chưa giáp vòng thì không trở lại trên một đường, đến lại nơi một nhà.

(3) Trải đồ lót lót chỗ mà ngồi.-(a) Dịch rõ như vậy là tham chiếu Cd. Chỗ ngồi của Phật có thể do Ngài tự sắp, hoặc do người sắp cho như Nd và Ecd dịch, nhưng ai sắp đi nữa thì trước khi ngồi, Phật cũng tự trải tọa cụ lót chỗ ấy rồi mới ngồi. Phép của tỷ kheo là như vậy. (b) sau câu này, các bản dịch khác đều thêm : “mà ngồi xếp bằng, thẳng mình, tập trung tư tưởng như đối trước mặt. Các vị tỷ kheo đến chỗ Ngài, lạy ngang chân và đi quanh Ngài ba vòng rồi ngồi xuống một bên”. Có người chú thích tập trung tư tưởng như đối trước mặt là Phật nhập đại định Bát nhã, và thuyết Kim cương là sự biểu hiện kỳ diệu của đại định này. Thêm và cắt nghĩa như vậy không khỏi khuôn sáo và mất đi sự giản dị của Phật đáng có ở đây.

Lược giải.-

Tả Phật như đoạn này là nói Phật vì chúng sinh nên không ở niết bàn mà ở sinh tử, và ở sinh tử thì Ngài cũng chịu cái thân đói khát ăn uống, cũng làm một vị tỷ kheo, và là vị tỷ kheo rất gương mẫu. Tất cả điều này chính là vô trú bát nhã (vô trú niết bàn) của đại thừa mà Phật đem ra nâng đỡ và giao phó cho Bồ tát, một cách đích thân biểu thị chứ không phải chỉ cần lời nói.

Chính văn.-

  1. Lúc ấy Thiện hiện (1), một vị trưởng lão, cũng có ở trong các đại tỷ kheo. Từ chỗ mình ngồi, trưởng lão đứng dậy, vắt một vạt y, để trần vai phải, đầu gối bên phải quì xuống chấm đất, hai tay chắp lại, cung kính mà thưa : kính bạch Thế tôn, Ngài thật hiếm có ; Ngài khéo nâng đỡ (2) cho các Bồ tát, lại khéo giao phó (3) cho các Bồ tát. Kính bạch Thế tôn, thiện nam thiện nữ đã phát tâm nguyện vô thượng bồ đề (4), thì phải làm sao để ở tâm ấy ? và phải làm sao để sửa tâm mình ? (5)

Ghi chú.-

(1) Thiện hiện.- Là chữ Hd dịch nghĩa tên ngài Tu bồ đề. Các vị khác dịch Không sinh, Thiện cát, Thiện thật, Diệu sinh, đều cùng nghĩa. Ngài Thiện hiện là vị lĩnh hội về Không hơn hết trong các vị đại đệ tử của Phật.

(2) Nâng đỡ.- Chính văn là hộ niệm, nghĩa đen là giữ gìn thương tưởng, trong đó có hàm ý truyền đạt cảm hứng.

(3) Giao phó.- Chính văn là phó chúc, nghĩa đen là phó thác căn dặn

(4) Phát tâm nguyện vô thượng bồ đề.- Có bản dịch phát thú đại thừa (khởi hành bằng đại thừa), có bản dịch cả hai từ ngữ : phát tâm bồ đề mà tu hành đại thừa hay ở trong đại thừa mà phát tâm bồ đề. Thật ra nên dịch một trong hai từ ngữ thôi, vì hai từ ngữ ấy chỉ có một nghĩa. Dầu vậy dịch phát bồ đề tâm thì sát chữ nghĩa của chính văn hơn cả, nhất là ăn khớp với câu đáp của Phật ở sau.

(5) a.- Cả hai ghi chú 4 ở trên và 5 ở đây phải coi lại Dẫn nhập điều 7 mục d. b.- các bản dịch khác có 3 câu hỏi : ở thế nào, tu thế nào và sửa thế nào. Thêm tu thế nào là thừa, vì ở với sửa là tu, nhất là thêm như vậy thì phân ba câu đáp của Phật rất miễn cưỡng.

Lược giải.-

Ngài Thiện hiện nhận thấy sự nâng đỡ và giao phó như đoạn 2 đã tả, nên hỏi như đoạn 3 ở đây – Hỏi để Phật nâng đỡ và giao phó bằng lời nói, rõ thêm cho sự nâng đỡ và giao phó không lời ở trên. Kim cương là sự nâng đỡ và giao phó bằng thân miệng của Phật giành cho các vị có tư cách Bồ tát. Hai câu hỏi ở đây, và hai câu đáp của Phật quán triệt toàn bộ Kim cương như vậy.

Chính văn.-

  1. Ðức Thế tôn dạy : tốt lắm Thiện hiện ; thật đúng như lời trưởng lão đã nói, Như lai rất khéo nâng đỡ Bồ tát, Như lai rất khéo giao phó Bồ tát. Do vậy, trưởng lão, hãy nghe cho kỹ, Như lai sẽ nói cho các vị biết thiện nam thiện nữ phát tâm bồ đề thì bằng cách nào trú ở tâm ấy, và bằng cách nào sửa chữa tâm mình. Trưởng lão thưa rằng, dạ, bạch Thế tôn, chúng con ước muốn được nghe ngài dạy.
  2. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này : Bao nhiêu chúng sinh hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hóa, hoặc có hình sắc hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng (1), ta làm hết thảy đều được nhập vào niết bàn hoàn toàn (2) mà giải thoát (3) cả. Làm cho vô lượng vô số chúng sinh niết bàn như vậy, mà thật không thấy có chúng sinh nào được niết bàn cả. Tại sao như vậy ? trưởng lão Thiện hiện, vì nếu Bồ tát mà vẫn còn có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì Bồ tát ấy không phải Bồ tát.
  3. Trưởng lão Thiện hiện đối với các pháp (1), Bồ tát không nên trú ở (2) đâu cả mà làm bố thí (3) : không ở nơi sắc mà làm bố thí, không ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp (4), mà làm bố thí. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát hãy nên bố thí như thế : không ở đâu cả. Tại sao như vậy, vì nếu Bồ tát không ở đâu cả mà làm bố thí thì được phước đức không thể lường được. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, không gian hướng đông có lường được không ? Không, bạch Thế tôn. Trưởng lão Thiện hiện, không gian hướng nam, hướng tây hướng bắc, và cả bốn góc, cả trên cả dưới, có lường được không ? Càng không, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát bố thí mà không ở đâu thì được phước đức cũng y như thế không thể lường được. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát chỉ nên trú ở theo lời Như lai dạy đây.

Ghi chú đoạn 5.-

(1) Có không tư tưởng.- Dịch sát và rõ : hoặc không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng.

(2) Niết bàn hoàn toàn.- Là vô dư niết bàn. Ðối lại, niết bàn chưa toàn là hữu dư niết bàn. Chưa toàn là mới hết tập đế, hoàn toàn là hết khổ đế nữa.

(3) Giải thoát.- Ở đây chính văn là diệt độ (dứt tuyệt, vượt qua). Giải thoát hay diệt độ đều là nghĩa của chữ niết bàn.

(4) Ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.- Coi lại Dẫn nhập điều 7 mục b.

Ghi chú đoạn 6.-

(1) Pháp.- Pháp ở đây chỉ cho sáu cảnh nói ở dưới, nhưng cũng có nghĩa rộng hơn là chỉ cho vạn hữu, bao gồm hết thảy tâm vật, ngã pháp, nhiễm tịnh, có không… Trong nghĩa rộng này, pháp không những là những thứ cụ thể, mà những sự lệ thuộc những thứ ấy cũng là pháp. Nên cây bút là pháp, mà cây bút ấy dài hay ngắn, cũ hay mới, đẹp hay xấu, hữu ích hay vô dụng, cũng là pháp cả. Một ý tưởng cũng vậy, nó là một pháp, nhưng nó là thiện hay ác, lợi hay hại, đúng hay sai, cũng toàn là pháp. Pháp, như vậy, là không đơn thuần ; mỗi pháp chính là và nghĩa là một khái niệm, biểu thị sự tổ hợp bao nhiêu là dữ kiện, đối chiếu, kinh nghiệm… Thế nên có, không, phi có, phi không, toàn là pháp cả, và vì thế, nên các pháp đều tự nói lên cái Phi của mỗi pháp.

(2) Trú ở.- Ở đây nghĩa là đam mê, vướng mắc, lấy làm đất đứng, làm yếu tố hỗ trợ.

(3) Bố thí.- Theo các vị chú giải, bố thí ở đây, và những chỗ tương tự, là gồm cả các pháp ba la mật khác nữa, trừ ba la mật căn bản là bát nhã. Không ở nơi sắc đến hương vị xúc pháp.- Sắc thanh hương vị xúc pháp, tạm dịch hình sắc, âm thanh, hơi hướng, mùi vị, tiếp xúc và ấn tượng. Ở đây cũng nên dịch một chiều : sắc đẹp, tiếng hay, hơi thơm, mùi ngon, xúc khoái, bóng thích. Sáu thứ này hay gọi là 6 trần (6 loại bụi bặm làm mờ tâm trí), hoặc gọi là 6 cảnh (6 đối cảnh của 6 thức). Sáu thứ này bao gồm mọi tài sản ở trong (là thân thể, sức lực, tư tưởng), và tài sản ở ngoài (tiền của, tư liệu để sống, hưởng thụ). Trú ở 6 trần mà bố thí là cho người những thứ ấy mà kể, mà ỷ, nhất là cầu kết quả (mong được những thứ ấy mà nhiều và tốt hơn lên). Không trú ở mà bố thí là thuận theo bản thể không keo lẫn nên cho mà không thấy người cho, của cho và người nhận. Trú ở là ngã chấp, không trú ở là bát nhã.

Lược giải đoạn 4-6.-

Phật đáp câu hỏi sửa tâm như thế nào bằng cách nói nguyện độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh là người được hóa độ, có mình là người hóa độ. Vì thấy như vậy là ngã chấp, không thể hóa độ chúng sinh. Phật đáp câu hỏi ở tâm như thế nào bằng cách nói là đừng ở đâu cả thì thế chính là ở nơi tâm nguyện bồ đề đó. Cách nói như hai câu đáp này cho thấy phát tâm ở đây là tín thành tựu phát tâm sắp lên trong Khởi tín luận ; sự không trú ở đâu cả là phương tiện thứ 1 của sự tín thành tựu phát tâm, là sự làm của sự giải hành phát tâm. “Không ở đâu cả thì như thế chính là ở nơi tâm nguyện bồ đề”, đó là vô trú bát nhã. Vô trú bát nhã ấy là căn bản ; từ sau các đoạn 2-6 mở đầu sắp đi, cho đến các đoạn 49-51 kết thúc ứng với các đoạn mở đầu này, chỉ là và toàn là vô trú bát nhã ấy. Mặt khác, bản năng chúng sinh là đam mê mới hoạt động : có trú ở mới có mọi sự, dầu là sự lý tưởng. Kim cương cho thấy bản năng ấy là ngã chấp; ngã chấp ấy được tập chuyển hóa, lọc bỏ, thì mọi hoạt động trở thành diệu dụng đại thừa.

Phân khoa.-

Kinh 2.- nội dung

có 3 kim : kim 1 như thật tri kiến về đối tượng, kim 2 như thật tri kiến về tuệ giác, kim 3 như thật tri kiến về chủ thể.

Kim 1.- như thật tri kiến về đối tượng

có 3 cương : cương 1 như thật tri kiến về Phật, cương 2 như thật tri kiến về Pháp, cương 3 như thật tri kiến Tăng.

Cương 1.- như thật tri kiến về Phật

có 2 bát : bát 1 như thật tri kiến về Phật, bát 2 đức tin của pháp thoại.

Bát 1.- như thật tri kiến về Phật (đoạn 7)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, đối với Như lai, có thể hay không thấy bằng đặc tướng (1) ? Không, bạch Thế tôn, không thể thấy Ngài bằng các đặc tướng ; tại sao như vậy, vì theo Ngài dạy thì các đặc tướng là phi đặc tướng. Ðức Thế tôn bảo trưởng lão Thiện hiện, hễ có đặc tướng thì đặc tướng ấy toàn là giả dối, nếu thấy đặc tướng là phi đặc tướng thì thấy Như lai (2).

Ghi chú.-

(1) Ðặc tướng.- Ở đây chính văn là thân tướng, dịch đủ là tổng thể hoàn hảo mọi đặc tướng siêu nhân ; tức là chỉ cho cái thân trượng lục cua Phật đủ 32 tướng đại trượng phu (hay đại sĩ phu). Chư thiên, các loài khác, loài người mà trong đó có các vị Thanh văn và các vị Bồ tát mới phát tâm, chỉ thấy Phật qua cái thân này – cái thân mà nay hay gọi là đức Phật trong lịch sử. Hễ có đặc tướng đến thì thấy Như lai.- Ðặc tướng ở đây, chính văn là tướng, tham chiếu các bản dịch khác thì biết tướng ấy chỉ cho đặc tướng của Phật, mặc dầu chữ tướng ấy có thể bao gồm mọi hiện tượng. Giả dối ở đây là nói dối, gian trá, lừa phỉnh. Như lai ở đây nói Phật là biểu tượng của Như (coi ghi chú 1 của đoạn 30 và mục c điều 7 của Dẫn nhập). Trọn câu này được biết là Td dịch tắt, và vì vậy rất độc đáo, chuyển văn bao nhiêu sát ý bấy nhiêu, hơn hẳn các bản dịch khác như sau : đặc tướng toàn hảo đi nữa cũng là giả dối, phi đặc tướng mới là trung thực ; như vậy nên đem đặc tướng là phi đặc tướng mà nhìn Như lai (nên nhìn Như lai bằng cách thấy đặc tướng là phi đặc tướng ; Ecd sót câu này).

Lược giải.-

Vô trú bát nhã trước hết như thật tri kiến về Phật, qua đặc tướng của Ngài. Thì thấy đặc tướng ấy là phi đặc tướng mới thấy Ngài. Ở đây không cần đem hóa thân và pháp thân ra mà giải thích.

Phân khoa.-

Bát 2.- đức tin của pháp thoại (đoạn 8)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện ; bạch đức Thế tôn, có thể có ai nghe pháp thoại (1) này mà sinh đức tin đúng chân lý không ? Ðức Thế tôn dạy, đừng hỏi như vậy, trưởng lão Thiện hiện ; sau khi Như lai nhập niết bàn rồi, năm trăm năm sau (2), có ai giữ giới, làm phước, tu tuệ (3), thì với pháp thoại như thế này đây, có thể tin tưởng đúng với chân lý. Trưởng lão phải biết những người như vậy không chỉ gieo trồng gốc rễ điều lành nơi một đức Phật, nơi hai đức Phật, nơi ba bốn năm đức Phật mà thôi, mà đã gieo trồng gốc rễ điều lành ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật. Những người như vậy mà được nghe đến pháp thoại thế này thì dầu đến nỗi chỉ một ý niệm tin tưởng trong sáng, Như lai cũng vẫn biết và thấy rõ (4) họ thực hiện được vô lượng phước đức. Tại sao như vậy, vì những người này không còn có nữa ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả, không còn có nữa ý tưởng về pháp và về phi pháp (5). Nếu những người này còn có ý tưởng chúng sinh thọ giả, còn ý tưởng pháp là còn ngã nhân, chúng sinh thọ giả, còn tưởng phi pháp là còn ngã nhân chúng sinh thọ giả. Vì lý do ấy, đừng nắm lấy pháp, lại càng đừng nên nắm lấy phi pháp. Do ý nghĩa này Như lai thường nói, các vị Tỷ kheo hãy nhận thức rằng pháp Như lai nói tựa như chiếc bè : pháp còn phải bỏ, huống chi phi pháp (6) ?

Ghi chú.-

(1) Pháp thoại.- Chính văn là ngôn thuyết chương cú, nói nôm na là bài thuyết pháp, hội thoại về pháp. Pháp thoại ở đây chỉ kinh Kim cương này, nhưng xác hơn thì là pháp thoại vừa nói đoạn trên.

(2) Năm trăm năm sau.- có ba chỗ nói đến là các đoạn 8, 21, 28. Ðối chiếu ba chỗ ấy của Td, lại đối chiếu Td với các bản khác, thì biết các bản khác có ý nói 500 năm sau là 500 năm thứ 5 của 5 lần 500 năm sau Phật nhập diệt ; còn Td thì hai chỗ sau có thể cũng là ý này, nhưng ở đây và chỗ khác như Ðại trí độ luận, thì 500 năm sau có ý chỉ cho hậu bán thiên kỷ thứ nhất sau khi Phật nhập diệt, tức 500 năm thứ 2 trong 5 lần 500 năm. Ý này cũng không cốt nói chánh pháp tượng pháp gì, mà thật sự là thì gian các bộ phái tiểu thừa rộn ràng đến nỗi rõ ràng là đấu tranh kiên cố.

(3) Có ai giữ giới, làm phước, tu tuệ.- Chính văn Td chỉ có giữ giới và làm phước. Tu tuệ là căn cứ các bản khác mà bổ túc. Td tại sao không có tu tuệ thì không biết được, chỉ biết nói giữ giới, làm phước và tu tuệ mới tin nổi Kim cương là nói thông thường, còn chỉ nói giữ giới, làm phước, là có ý nói những sự này sẽ phát tuệ, có khi phát đột ngột, thần kỳ nữa : điều này thì đáng quan tâm.

(4) Như lai cũng vẫn biết và thấy rõ.- Ðược biết nói rõ là Như lai đem tuệ giác của Như lai mà biết rõ, Như lai đem mắt Phật của Như lai mà thấy rõ. Phước đức Kim cương phi con mắt và tuệ giác của Phật thì không dễ thấy ra và biết hết.

(5) Tại sao như vậy đến và về phi pháp.- Ðoạn này Td như vậy là chỉ có 3 : ngã, pháp, phi pháp. Các bản khác dịch 5, thêm tưởng, phi tưởng. Có thể Td cho hai thứ này cũng là pháp và phi pháp nên lược bỏ – Như thế xét ra có lý hơn về văn cũng như ý. Nghĩa của ba thứ ngã, pháp, phi pháp, coi ghi chú 6 dưới đây. “Nếu những người này” đến “huống chi phi pháp”.- Chiếc bè để từ bờ nguy hiểm bên này vượt qua bờ an toàn bên kia. Pháp của Phật dạy là như chiế c bè ấy. Bờ bên này là sinh tử, bờ bên kia là niết bàn. Dòng sông là ác pháp phiền não. Qua bên kia rồi bỏ bè mới lên bờ được – trừ ra sau đó dùng bè ấy trở lại đưa người khác cùng qua với. Pháp là thiện pháp của Phật dạy, đối lại, phi pháp là ác pháp mà thiện pháp đối trị. Phi pháp tệ hơn pháp. Như vậy pháp và phi pháp trong ba thứ (hay năm thứ) trên, cắt nghĩa cao và hay đến mấy mà không ăn khớp với từ và ý của ví dụ thì vẫn thấy khó thông. Nay tạm lấy ý của bồ tát Công đức thi (Chính 25/889) và đại sư Tăng triệu (Vạn 38/200B) mà cắt nghĩa như sau, khá thấp và dễ. Ngã là ngã chấp (gồm cả nhân, chúng sinh và thọ giả của ngã chấp ấy). Pháp là chấp có (gồm cả thường kiến của ngoại đạo và pháp số 5 uẩn của tiểu thừa). Phi pháp là chấp không (gồm cả đoạn kiến của ngoại đạo và ác thủ không của đại thừa). Cả ba ý tưởng này toàn là ngã mà biến thể (nên chính văn nói còn ý tưởng, còn ý tưởng pháp, còn ý tưởng phi pháp, thì toàn là còn ngã nhân chúng sinh thọ giả). Vậy ý tưởng là phi pháp, bát nhã là pháp, pháp này đối trị phi pháp kia, khi phi pháp kia hết rồi thì pháp này cũng hết.

Lược giải.-

Còn ý tưởng là còn ngã, còn ngã thì khẳng định thế nào cũng là ngã biến thể, phủ định đến mấy vẫn là ngã biến thể. Tin bát nhã là nhận thức và đã bắt đầu không còn như vậy. Không còn như vậy thì phước đức làm ra mới gọi là thiện pháp (đoạn 38).

Phân khoa.-

Cương 2.- như thật tri kiến về Pháp

có 2 bát : bát 1 như thật tri kiến về Pháp, bát 2 phước đức của pháp thoại.

Bát 1.- như thật tri kiến về Pháp

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, phải chăng Như lai được vô thượng giác (1) ? phải chăng Như lai có sự thuyết pháp (2) ? Trưởng lão thưa rằng kính bạch Thế tôn, theo con hiểu biết ý của Ngài nói, thì không thể có một pháp khẳng định để được mệnh danh là vô thượng giác, cũng không thể có một pháp khẳng định để được gọi là Thế tôn thuyết pháp. Tại sao như vậy, vì Pháp (3) Ngài nói không thể nắm lấy không thể diễn tả, không phải là pháp, không phải phi pháp (4) lý do là vì hết thảy hiền thánh (5) toàn do Vô vi biểu hiện khác biệt (6).

Ghi chú.-

(1) Vô thượng giác.- là gọi tắt từ ngữ vô thượng chánh đẳng giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề).

(2) Phải chăng Như lai được vô thượng giác ? phải chăng Như lai có sự thuyết pháp ?.- hai câu hỏi này cho thấy Phật pháp (hay Pháp) có hai : một, Phật pháp là pháp của Phật chứng, tức những công đức mà Phật thực hiện : là tuệ giác vô thượng, và Như của tuệ giác ấy chứng ngộ ; là thuộc tính của tuệ giác ấy, như 10 lực, 18 bất cọng, v/v. Hai, Phật pháp là pháp của Phật nói, tức những giáo lý mà Phật khai thị, những tiếng nói diễn đạt pháp của Phật chứng.

(3) Pháp.- Pháp ở đây là Như (Vô vi). Coi ghi chú 2 ở trên (điều một) và ghi chú 6 ở dưới.

(4) Không phải là pháp, không phải phi pháp.- Không phải những khái niệm khẳng định hay phủ định theo sự chấp trước

(5) Hiền thánh.- là mượn thành ngữ của Trung hoa mà dịch. Dịch rõ có lẽ nên nói là các vị giải thoát (chưa toàn và hoàn toàn).

(6) Toàn do Vô vi biểu hiện khác nhau.- Biểu hiện là chữ của Hd và các bản khác. Vô vi Chd là Vô vi chân như, do đó biết Vô vi ở đây là Như (coi ghi chú 1 của đoạn 30). Tùy sự hội nhập Chân như vô vi chưa toàn hay đã toàn mà biểu hiện các địa vị giải thoát chưa toàn hay đã toàn.

Lược giải.-

Cũng như Phật, Pháp của Phật chứng và thuyết, và cả hiền thánh, những vị tu học Pháp ấy, toàn là biểu hiện của Như, siêu việt nhận thức, diễn đạt, và đối tượng của nhận thức, diễn đạt : hãy như thật tri kiến về Pháp.

Phân khoa.-

Bát 2.- phước đức của Pháp thoại (đoạn 10)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có ai đem cho (1) đủ hết bảy loại vàng ngọc chất đầy đại thiên thế giới (2), thì người cho ấy được phước nhiều không ? rất nhiều, bạch Ngài ; vì phước đức ấy Ngài đã nói là tính phi phước đức (3), thế nên Ngài nói phước đức rất nhiều. Trưởng lão Thiện hiện, nhưng nếu có ai từ pháp thoại này tiếp nhận ghi nhớ dầu là chỉ được chỉnh cú bốn câu (4), và biết đem nói cho bao người khác, thì phước người ấy vẫn hơn người trước. Tại sao như vậy, vì lẽ, trưởng lão, hết thảy Phật đà cùng với Phật pháp (5) – Pháp vô thượng giác của các Phật đà – toàn là xuất ra từ pháp thoại (6) này. Trưởng lão Thiện hiện, gọi là Phật pháp (7) thì Như lai nói là phi Phật pháp, thế nên Như lai nói là Phật pháp (8).

Ghi chú.-

(1) Chỉ Cd và Ecd thêm : hiến cúng các đức Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Nhưng không thêm như vậy thì hơn.

(2) Ðại thiên thế giới.- Gọi đủ là tam thiên đại thiên thế giới : thế giới hệ gồm một tỷ thế gìới, Ecd nói tương đương thiên hà.

(3) Tính phi phước đức.- Chính văn là phi phước đức tính. Chữ tính ở đây là chữ duy nhất đi với chữ Phi. Tra xét thì Td quả có, không phải sau này thêm vào. Nhưng các bản khác không có. Như vậy có lẽ nên hiểu Td đặt chữ tính ở đây để nhắc ta nhớ đến Như, dẫu rằng chữ Phi (siêu việt) đã là nói đến Như.

(4) Chỉnh cú bốn câu.- Chính văn là tứ cú kệ, chỉ cho đơn vị trong lối tính chữ xưa của kinh sách Phật giáo Ấn, cứ 32 chữ, bất cứ bắt đầu từ đâu, là một kệ 4 câu, mỗi câu 8 chữ. Nói chỉnh cú bốn câu cũng như nói một đoạn có ý nghĩa chính yếu của pháp thoại.

(5) Phật pháp.- Coi ghi chú 7 dưới đây.

(6) Pháp thoại.- Ở đây vừa chỉ đoạn kinh này vừa chỉ bản kinh này, nhưng chỉ bản kinh này nhiều hơn.

(7) Phật pháp.- Coi ghi chú 2 (điều một) của đoạn 9 ở trên.

(8) Thế nên Như lai nói là Phật pháp.- Câu này Td không có, Bd cũng vậy, nhưng các bản còn lại đều có, nên phải bổ túc. Xét có thì đúng hơn.

Lược giải.-

Phước đức học, nhớ, tụng và giảng Kim cương mà Phật nói là nhiều, vì phước đức ấy siêu việt phước đức : vì phước đức ấy là Như. Nhưng điều này chỉ nói phía người học, nhớ, tụng và giảng, lý do nhiều còn vì Kim cương là mẹ sinh ra của Phật và tuệ giác của Phật.

Phân khoa.-

Cương 3.- như thật tri kiến về Tăng

có 3 bát : bát 1 như thật tri kiến về Thanh văn, bát 2 như thật

tri kiến về Bồ tát, bát 3 phước đức của pháp thoại.

Bát 1.- như thật tri kiến về Thanh văn (đoạn 11)

Chính văn.-

  1. 11. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị Tu đà hoàn có ý nghĩ rằng ta được đạo quả Tu đà hoàn chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì Tu đà hoàn là Vào dòng nước (1), thế nhưng thật ra không có cái gì nhập vào đâu cả : không nhập sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên được mệnh danh là Tu đà hoàn (2). Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị Tư đà hàm có ý nghĩ rằng ta được đạo quả Tư đà hàm chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì Tư đà hàm là Một trở lại (3), thế nhưng thật ra không có cái gì một lần trở lại, nên được mệnh danh là Tư đà hàm. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị A na hàm có ý nghĩ rằng ta được đạo quả A na hàm chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì A na hàm là Không trở lại (4), thế nhưng thật ra không có cái gì không còn trở lại, nên được mệnh danh là A na hàm. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, vị A la hán có ý nghĩ rằng ta được đạo quả A la hán chăng ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì lẽ thật ra không có cái gì là A la hán, nên được mệnh danh là A la hán (5). Kính bạch Thế tôn, nếu vị La hán nghĩ rằng mình được đạo quả La hán, thì như thế là chấp trước ngã nhân, chấp trước chúng sinh, chấp trước thọ giả (6). Bạch Ngài, Ngài nói trong số những người được định Không cãi (7), con là hơn hết, con là La hán ly dục bậc nhất ; nhưng con không có ý nghĩ mình là một vị La hán ly dục bậc nhất. Nếu con còn nghĩ mình là La hán, thì Ngài không nói Thiện hiện là người thích thú làm theo chánh định Không cãi (8) ; vì con không còn làm theo gì cả, nên Ngài nói con theo định Không cãi.

Ghi chú.-

(1) Vào dòng nước.- Là nghĩa của chữ dự lưu hay nhập lưu : ngược với dòng đời mà nhập vào dòng giải thoát.

(2) Trừ Td, Bd và Chd, các bản còn lại, sau câu này còn thêm : Nếu Tư đà hoàn nghĩ rằng ta được đạo quả Tu đà hoàn, thì thế là chấp ngã nhân chúng sinh thọ giả. Thêm như vậy thật cần thiết và chính xác. Câu này còn phải có sau ba đạo quả kế tiếp. Td chỉ có sau đạo quả La hán, như vậy có lẽ biểu thị ba đạo quả trước không có là dịch lược đi.

(3) Một trở lại.- là nghĩa của chữ nhất lai : một lần nữa trở lại nhân gian và lục dục thiên.

(4) Không trở lại.- là nghĩa của chữ bất lai hay bất hoàn : không còn như nhất lai.

(5) Nên được mệnh danh là A la hán.- là lấy Hd mà bổ túc.

(6) Nếu vị La hán đến chấp trước thọ giả.- Là nói La hán tự mãn tự đắc thì thế chính là ngã chấp. Câu này phải có nơi ba đạo quả trước và cùng nghĩa.

(7) Ðịnh không cãi.- Một phép định có đặc tính an bình, không xung đột.

(8) Làm theo chánh định không cãi.- Làm theo, chính văn là hành, cũng có thể dịch đi theo. Có bản dịch trú : ở trong, cùng nghĩa. Nhưng ở trong hay đi theo, làm theo gì cũng có nghĩa là sống trong, sống theo.

Lược giải.-

Nghĩa của câu .hết thảy hiền thánh toàn do Vô vi biểu hiện khác biệt. (đoạn 9) càng phải được nói ở đây, khi như thật tri kiến về bốn đạo quả Thanh văn : bốn đạo quả ấy cũng là Phi, là biểu hiện của Như. Là ở đây có nghĩa phải là. Vì nếu các vị Thanh văn, trong đó đặc biệt La hán, còn nghĩ mình chứng quả nào hay được pháp gì, thì ý nghĩ ấy chính là ngã chấp.

Phân khoa.-

Bát 2.- như thật tri kiến về Bồ tát

có 3 nhã : nhã 1 như thật tri kiến về Bồ tát hạnh quả của Phật, nhã 2 như thật tri kiến về Bồ tát hạnh, nhã 3 như thật tri kiến về Bồ tát quả.

Nhã 1.- như thật tri kiến về Bồ tát hạnh quả của Phật (đoạn 12)

Chính văn.-

  1. 1 Ðức Thế tôn bảo trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, Như lai xưa kia nơi đức Nhiên đăng, được pháp gì chăng ? Không, bạch Thế tôn ; nơi đức Nhiên đăng, thực sự Thế tôn không được pháp gì.

Lược giải.-

Như thật tri kiến về Bồ tát hạnh quả của Phật bằng cách nhìn lại một mẫu của hạnh quả ấy, ấy là lúc Ngài gặp đức Nhiên đăng. Việc này sẽ nói rõ hơn đoạn 30.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến về Bồ tát hạnh (đoạn 13)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, phải chăng Bồ tát trang hoàng cõi Phật (1) ? Không, bạch Thế tôn ; lý do là vì trang hoàng cõi Phật, sự trang hoàng ấy Thế tôn đã nói là phi trang hoàng, thế nên Ngài nói đó là trang hoàng. Do vậy, trưởng lão, Bồ tát đại sĩ hãy sinh cái tâm trong sạch như vầy : không ở nơi sắc mà sinh tâm ra, không ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sinh tâm ra (2) ; hãy đừng ở vào bất cứ chỗ nào mà sinh tâm ra (3).

Ghi chú.-

(1) Trang hoàng cõi Phật.- Cõi Phật, chính văn là Phật độ, gồm một hay nhiều đại thiên thế giới làm một cõi mà một đức Phật làm hóa chủ. Cõi Phật như vậy, trong nghĩa hóa thân hóa độ thì không nhất thiết phải là tịnh độ như Cực lạc hay uế độ như Sa bà, mà là hoàn toàn tùy bản nguyện của đức Phật hóa chủ ; nhưng trong nghĩa báo thân báo độ thì tất cả đều là tịnh độ, và tịnh độ Sa bà thì coi Pháp hoa các phẩm 11 và 16. Còn trang hoàng cõi Phật là Bồ tát hạnh. Nói tổng quát, Bồ tát hạnh là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh : làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh.

(2) Riêng Hd ở đây có thêm và tóm tắt như sau : không ở nơi lục trần, không ở nơi phi lục trần.

(3) Tương truyền lục tổ Huệ năng nghe ngũ tổ Hoằng nhẫn giảng đến câu này thì đốn ngộ, thốt lên năm tiếng không ngờ nổi tiếng (coi dẫn nhập điều 1), tỏ ra hiểu Kim cương một cách xứng đáng là đốn ngộ của một vị tổ sư.

Lược giải.-

Bồ tát hạnh là vô trú bát nhã hoạt hiện mọi việc làm sạch thế giới và làm nên chúng sinh. Hãy như thật tri kiến như vậy về Bồ tát hạnh.

Phân khoa.-

Nhã 3.- như thật tri kiến về Bồ tát quả (đoạn 14)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện, ví dụ có người thân thể cao lớn như núi Tu di, ông nghĩ thế nào, thân ấy lớn không ? rất lớn, bạch Ngài ; tại sao, bởi vì Ngài nói thân lớn là phi thân lớn, thế nên Ngài nói đó là thân lớn (1).

Ghi chú.-

(1) Tại sao, bởi vì đến đó là thân lớn.- Ðoạn này Td lược mà độc đáo. Hd như sau, cũng rõ : tại sao, vì thân lớn thì Ngài nói thân lớn ấy là phi thân lớn ; (vì là phi thân lớn) nên gọi là thân lớn, chứ không phải vì là thân lớn mà gọi là thân lớn.

Lược giải.-

Bồ tát quả là gì ? Là chủ đích mà Bồ tát hạnh nhắm đến. Chủ đích ấy là Như, là Phật thân. Trong ngôn ngữ Kim cương, thân chúng sinh cũng là phi thân, là tự siêu việt, là Như. Ðoạn 14 này giả dụ có cái thân lớn, và vì thân lớn là phi thân (là Như) mà gọi là thân lớn, chứ không phải vì thân lớn mà gọi là thân lớn. Như vậy thân nhỏ cũng là phi thân (cũng là Như) : cũng là thân lớn, cũng là Phật thân. Tăng triệu đại sư giải thích đoạn này chỉ có mấy chữ (Vạn 38/79), tôi viết lại giản dị như sau : biết thân này là phi thân thì thân này là Phật thân.

Phân khoa.-

Bát 3.- phước đức của pháp thoại (đoạn 15)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện, giả thiết sông Hằng có bao nhiêu cát, thì mỗi hạt cát, là một sông Hằng, ông nghĩ thế nào, số cát tất cả sông Hằng như vậy nhiều hay không nhiều ? rất nhiều, bạch Ngài ; số lượng sông Hằng đã là vô số, huống chi số cát những sông Hằng ấy. Trưởng lão Thiện hiện, với lời nói thật, Như lai hôm nay nói với trưởng lão : giả sử thiện nam hay thiện nữ nào đem hết bảy loại vàng ngọc chất đầy thế giới đại thiên nhiều như số cát những sông Hằng ấy mà làm bố thí (1), thì phước họ được là nhiều hay ít ? Trưởng lão kính thưa, rất nhiều, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ khác với pháp thoại (2) này, tiếp nhận ghi nhớ dầu chỉ bốn câu (3), và biết đem nói cho bao người khác (4), thì phước người này hơn phước người trước. Thêm nữa, trưởng lão, chỗ nào giảng dạy pháp thoại như vầy, dầu chỉ bốn câu, trưởng lão cũng phải nhận thức chỗ ấy, tất cả thế giới chư thiên nhân loại và a tu la đều nên hiến cúng chùa tháp Như lai. Huống chi có người tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người (5) trọn pháp thoại này ; trưởng lão phải biết người ấy đạt được cái pháp tối thượng hiếm có bậc nhất, và những địa điểm người ấy giảng dạy pháp thoại như vầy (6) là có Như lai hay có các vị đệ tử cao trọng.

Ghi chú.-

(1) Trừ Chd và Td, các bản khác thêm vào câu này như sau : mà phụng hiến Phật. Nhưng không thêm thì đúng hơn.

(2) Ðoạn 15 này có bốn chữ pháp thoại, đều có nghĩa như ghi chú 6 của đoạn 10.

(3) Bốn câu.- là nói tắt câu chỉnh cú 4 câu. Các đoạn sau đây, chỗ nào có chữ ấy thì cũng đồng nghĩa.

(4) Ðem nói cho bao người khác.- Ðem nói là giới thiệu, loan báo và giảng dạy.

(5) Giảng nói cho người.- Td thiếu câu này, đối chiếu phần trên thì thấy. Nên phải lấy Chd, Cd và Hd mà bổ túc. Nghĩa : coi ghi chú 4 ở trên.

(6) Và những địa điểm người ấy giảng dạy pháp thoại như vầy.- Dịch sát chính văn là : những địa điểm có bản kinh này. Dịch sát như vậy không ăn khớp lắm với văn ý ở trên.

Phân khoa.-

Kim 2.- như thật tri kiến về tuệ giác

có 2 cương : cương 1 như thật tri kiến về tuệ giác, cương 2 như thật tri kiến về sự tin của tuệ giác ấy.

Cương 1.- như thật tri kiến về tuệ giác

có 4 bát : bát 1 như thật tri kiến về bản thân của tuệ giác, bát 2 như thật tri kiến về đức tin của tuệ giác,bát 3 như thật tri kiến về chi tiết của tuệ giác, bát 4 phước đức của pháp thoại.

Bát 1.- như thật tri kiến về bản thân của tuệ giác

có 4 nhã : nhã 1 như thật tri kiến về bản thân của tuệ giác, nhã 2 như thật tri kiến về tuệ giác Phật dạy, nhã 3 như thật tri kiến về cái thân Phật dùng để dạy tuệ giác ấy, nhã 4 phước đức của pháp thoại.

Nhã 1.- như thật tri kiến về bản thân của tuệ giác (đoạn 16)

Chính văn.-

  1. 1 Vào lúc bấy giờ trưởng lão Thiện hiện bạch đức Thế tôn, pháp thoại (1) như vầy nên gọi tên gì ? chúng con cần phải ghi nhớ thế nào ? Ðức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, pháp thoại như vầy nên gọi tên là Kim cương bát nhã ba la mật đa (2), trưởng lão hãy nhớ pháp thoại như vầy qua danh hiệu ấy. Tại sao như vậy, trưởng lão Thiện hiện, bởi vì bát nhã ba la mật đa thì Như lai nói là phi bát nhã ba la mật đa, thế nên Như lai nói là bát nhã ba la mật đa (3).

Ghi chú.-

(1) Pháp thoại.- Trong đoạn này, những chữ này chỉ cho bản kinh này mặc dầu bản kinh này chưa phải kết thúc ở đây.

(2) Kim cương bát nhã ba la mật đa.- tên kinh này được nói trong đoạn này thì Chd, Cd, Nd và Ecd không có chữ Kim cương. Td Kim cương bát nhã ba la mật đa, Hd Năng đoạn Kim cương bát nhã ba la mật đa. Nghĩa : coi Dẫn nhập điều 7 mục a.

(3) Thế nên Như lai nói là bát nhã ba la mật đa.- là lấy Hd và Cd mà bổ túc.

Lược giải.-

Ðoạn này không phải kết thúc như thường lệ các kinh khác. Ðoạn này Phật đặt tên kinh là Bát nhã ba la mật đa (trí độ) để dạy cho ngài Tu bồ đề như thật tri kiến về bản thân của bát nhã ấy ; Bát nhã mà gọi là Bát nhã là vì phi Bát nhã : vì tự siêu việt chính nó, vì là Như.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến về tuệ giác Phật dạy (đoạn 17-18)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, Như lai có sự thuyết pháp hay không ? Trưởng lão thưa Ngài, không, bạch Thế tôn, Thế tôn không có thuyết pháp gì cả. 18. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, thế giới đại thiên có bao vi trần (1), số lượng nhiều không ? rất nhiều, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, những vi trần ấy, Như lai nói chúng là phi vi trần, thế nên Như lai nói là vi trần.Và bao thế giới (2), Như lai cũng nói những thế giới ấy là phi thế giới, thế nên Như lai nói là thế giới.

Ghi chú đoạn 18.-

(1) Vi trần.- Nghĩa đen là bụi nhỏ. Cũng gọi là cực vi : phân tử nhỏ nhất. Trong lý thuyết vài học phái cổ của Ấn cho vi trần là phân tử tối sơ của cấu trúc vũ trụ. Xa hơn chút nữa, sau đó có học phái cho vi trần không chỉ thuần là vật lý mà còn là phân tử tối sơ của cấu trúc tâm lý. Các bộ phái Phật giáo tiểu thừa cũng có kẻ gần như có tư tưởng ấy. Nhưng đại thừa thì cho vi trần không là tối sơ hay tối hậu gì hết, mà chỉ là sự phân tích tưởng tượng rằng đó là phân tử vật lý nhỏ nhất trong cấu trúc vũ trụ.

(2) Thế giới.- Thế là thì gian, giới là không gian, đó là định nghĩa của Lăng nghiêm. Nên thế giới là vũ trụ. Lược giải đoạn 17-18.- Ðoạn 17 nói tắt đoạn 9 ở trước và đoạn 36 ở sau. Nhưng lời nói như nhau mà ý không đồng. Ðoạn 17 này cốt nói tuệ giác bát nhã biết Pháp của Phật thuyết là phi Pháp. Và cái biết, như cái được biết của nó, cũng là phi biết. Ðoạn 18 cho thấy, cái biết biết Phật thuyết và Pháp của Phật thuyết là như vậy, và cũng là như vậy mà biết về phân tử và vũ trụ của phân tử : biết cái cấu trúc khổng lồ đè nặng tâm thức con người ấy cũng chỉ là Phi. Hãy như thật tri kiến như vậy về bát nhã Phật dạy.

Phân khoa.-

Nhã 3.- như thật tri kiến về cái thân Phật dùng để dạy tuệ giác ấy (đoạn 19)

Chính văn.-

  1. 1 Trưởng lão Thiện hiện trong ý của ông, ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như lai bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân (1) ? Không, bạch Thế tôn ; tại sao như vậy, vì các đặc tướng thì Thế tôn nói là phi đặc tướng, thế nên Thế tôn nói là đặc tướng.

Ghi chú.-

(1) 32 đặc tướng siêu nhân.- Coi lại đoạn 7, ghi chú 1.

Lược giải.-

Cái thân mà Phật dùng để thuyết bát nhã ở đây là thân trượng lục, thân 32 tướng tốt. Nhưng thân ấy là phi thân, là Như. Như vậy nếu thấy 32 tướng là Như thì thế là thấy Phật bằng 32 tướng. Bát nhã thấy là như vậy, và chính cái thấy ấy đã là như vậy.

Phân khoa.-

Nhã 4.- phước đức của pháp thoại (đoạn 20)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào đem thân mạng mình bằng cát sông Hằng mà bố thí cả, và có người khác với pháp thoại này tiếp nhận ghi nhớ dầu chỉ bốn câu, và đem giảng nói cho bao người khác, thì phước người này quá nhiều hơn nữa.

Phân khoa.-

Bát 2.- như thật tri kiến về đức tin của tuệ giác (đoạn 21)

Chính văn.-

  1. 21. Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Thiện hiện nghe pháp thoại này, lĩnh hội sâu xa, lòng đầy xúc cảm, rơi lụy mà khóc. Trưởng lão thưa rằng, thật quá hiếm có, kính bạch Thế tôn ; Ngài đã tuyên thuyết pháp thoại cực sâu. Từ khi có được con mắt tuệ giác cho đến ngày nay, con chưa nghe được pháp thoại như vầ Bạch Ngài, có ai nghe

pháp thoại này tin tưởng trong sáng và phát sinh được cái tuệ giác thật (1), thì biết người ấy đạt được công đức hiếm có bậc nhất. Kính bạch Thế tôn, tuệ giác thật ấy thì Ngài nói là phi tuệ giác thật, thế nên Ngài nói là tuệ giác thật (2). Kính bạch Thế tôn, hôm nay con được nghe pháp thoại này, tin tưởng lĩnh hội, tiếp nhận ghi nhớ, thì không khó mấy. Nhưng nếu tương lai, năm trăm năm sau người nào nghe được pháp thoại như vầy, tin tưởng, lĩnh hội, tiếp nhận, ghi nhớ, mới hiếm có nhất. Tại sao như vậy, bởi vì người ấy thì không còn có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả – Ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả là phi ý tưởng : phi mọi ý tưởng thì thế gọi là chư Phật như lai (3). Ðức Thế tôn dạy trưởng lão Thiện hiện, thật đúng như vậy : nếu có người này được nghe pháp thoại Bát nhã như vầy mà không kinh ngạc, cũng không sợ hãi, thì biết người ấy cực kỳ hiếm có. Tại sao, trưởng lão, bởi vì Bát nhã chính là tối thượng ba la mật đa (4), và Như lai nói cái pháp tối thượng ba la mật đa là phi tối thượng ba la mật đa, thế nên Như lai nói là tối thượng ba la mật đa.

Ghi chú.-

(1) Tuệ giác thật.- Chính văn là thật tướng, Hd dịch chân thật tưởng, có nghĩa là tuệ giác chính xác. Chữ này thích hợp ở đây.

(2) Chính văn của từ ngữ này vẫn là thật tướng. Coi ghi chú 1 ở trên.

(3) Phi mọi ý tưởng, thì thế gọi là chư Phật như lai.- Ðược biết Td câu này cũng chuyển mà dịch, và vì vậy mà rất độc đáo. Không chuyển thì như Hd : bởi vì chư Phật tách rời tất cả ý tưởng.

(4) Bởi vì Bát nhã chính là tối thượng ba la mật đa.- Bát nhã ba la mật đa : tuệ giác toàn hảo. Tối thượng ba la mật đa : tuyệt đối toàn hảo, một tên khác của Bát nhã. Câu trên đây là lấy các bản dịch khác mà bổ túc. Nhưng bổ túc thật đủ thì phải là : bởi vì Bát nhã chính là tối thượng ba la mật đa. Tối thượng ba la mật đa mà Như lai nói thì chư vị Như lai cũng nói là tối thượng ba la mật đa.

Lược giải.-

Ðức tin của Bát nhã cũng như Bát nhã, đức tin mà bản thân của nó là chư Phật : siêu việt mọi ý tưởng.

Phân khoa.-

Bát 3.- như thật tri kiến về chi tiết của tuệ giác

có 2 nhã : nhã 1 như thật tri kiến về nhẫn nhục, nhã 2 như thật tri kiến về bố thí.

Nhã 1.- như thật tri kiến về nhẫn nhục (đoạn 22)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, cái pháp nhẫn nhục ba la mật đa (1), Như lai cũng nói là phi nhẫn nhục ba la mật đa, thế nên Như lai nói là nhẫn nhục ba la mật đa (2). Tại sao trưởng lão, vì như xưa kia, trong khi Như lai bị Ca lị vương cắt thịt khắp nơi tay chân Như lai, Như lai không có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả. Nếu lúc bấy giờ Như lai còn có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả thì phải sinh ra giận dữ oán hận. Trưởng lão Thiện hiện, Như lai lại nhớ trong thì quá khứ, có năm trăm đời Như lai đã làm tiên nhân Nhẫn nhục. Vào lúc bấy giờ, Như lai cũng không ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.

Ghi chú.-

(1) Nhẫn nhục ba la mật đa.- Nghĩa là sự chịu đựng toàn hảo.

(2) Thế nên Như lai nói là nhẫn nhục ba la mật đa.- là lấy Hd mà bổ túc.

Lược giải.-

Bồ tát hạnh có sáu sự toàn hảo gọi là lục độ. Căn bản của lục độ là trí độ (bát nhã), năm độ còn lại là chi tiết của căn bản ấy. Trong năm độ còn lại, liên hệ nhất với ngã chấp là thí độ và nhẫn độ. Nhẫn độ là xả bỏ tự ngã (bỏ thân), thí độ là xả bỏ ngã sở (bỏ của). Ðoạn này Phật lấy tiền thân của mình để dạy hãy như thật tri kiến như thế nào về nhẫn độ.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến về bố thí (đoạn 23)

Chính văn.-

  1. Vì lý do ấy, trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì phải rời mọi ý tưởng mà phát huy tâm vô thượng bồ đề (1) ; đừng ở nơi sắc mà sinh tâm ra, đừng ở nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sinh tâm ra (2). Hãy sinh cái tâm không ở đâu cả. Nếu tâm ở đâu thì chính như thế là phi trú ở (3). Vì lý do này, Như lai nói rằng Bồ tát thì phải không ở sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà làm bố thí. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì vì ích lợi chúng sinh một cách khắp cả mà hãy bố thí theo cách như vậy. Vì Như lai nói ý tưởng chúng sinh là phi ý tưởng (4), Như lai cũng nói hết thảy chúng sinh là phi chúng sinh (5). Trưởng lão Thiện hiện, Như lai là người nói phải, nói chắc, nói như sự thật, nói không lừa đảo, nói không mâu thuẫn. Trưởng lão Thiện hiện, Pháp mà Như lai đã chứng ngộ được, cái Pháp như vậy không phải chắc chắn, không phải trống rỗng (6). Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát nếu tâm ở nơi mọi thứ mà làm bố thí, thì như một người vào trong bóng tối, không còn thấy được một thứ gì hết ; Bồ tát nếu tâm không ở mọi thứ mà làm bố thí, thì như một người đã có mắt sáng, lại có ánh sáng mặt trời soi rõ, nên thấy đủ cả.

Ghi chú.-

(1) Rời mọi ý tưởng mà phát huy tâm vô thượng bồ đề.- Nghĩa là phát huy tuệ giác tối thượng bằng cách tách rời mọi thứ khái niệm phản ảnh ngã chấp.

(2) Ðừng ơ nơi sắc đến mà sinh tâm ra.- Câu này có thể dịch tắt : đừng ở nơi lục trần mà sinh tâm ra. Hd còn thêm : đừng ở nơi phi lục trần mà sinh tâm ra.

(3) Phi trú ở.- Chữ Phi ở đây là sự tự phủ nhận.

(4) Ý tưởng chúng sinh la phi ý tưởng.- ý tưởng chúng sinh, chính văn là tướng, chỉ có nghĩa là ý tưởng. Dịch ý tưởng chúng sinh là lấy các bản khác mà bổ túc. Ý tưởng chúng sinh là phi ý tưởng, chữ Phi ở đây, coi ghi chú 3 ở trên.

(5) Phi chúng sinh.- Chữ Phi ở đây vừa tự phủ nhận vừa tự siêu việt. Coi thêm lược giải của đoạn 37.

(6) Không phải chắn chắn, không phải trống rỗng.- Nói nôm na là không thật không dối, nói cách khác là không khẳng định không phủ định, nói tổng quát là siêu việt mọi phạm trù đối kháng nhau.

Lược giải.- Ðoạn này dạy như thật tri kiến về thí độ : người cho, vật cho và người nhận, kể cả ý tưởng về ba thứ này, toàn là Phi : siêu việt mọi phạm trù có không. Trong phần đầu của đoạn này, từ vì lý do ấy đến vô thượng bồ đề là phi người cho, từ đừng ơ nơi sắc đến mà làm bố thí là phi vật cho, từ trưởng lão Thiện hiện đến là phi chúng sinh là phi người nhận. Bố thì bằng vô trú bát nhã như vầy bổ túc hơn nữa cho đoạn 6 đã nói.

Phân khoa.-

Bát 4.- phước đức của pháp thoại

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, trong thì vị lai, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào, đối với pháp thoại Bát nhã như vầy, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nói cho người khác (1), thì thế là được Như lai sử dụng tuệ giác Như lai mà biết rất rõ, và thấy rất rõ (2), rằng người như vậy ai cũng đạt được vô lượng công đức.

Ghi chú.-

(1) Nói cho người khác.- là lấy các bản khác mà bổ túc.

(2) Và thấy rất rõ.- Ðủ thì phải là : và Như lai sử dụng mắt Phật của Như lai mà thấy rất rõ.

Phân khoa.-

Cương 2.- như thật tri kiến về sự tin của tuệ giác ấy

có 4 bát : bát 1 như thật tri kiến về sự tin đặc biệt, bát 2 như thật tri kiến về địa điểm đặc biệt, bát 3 như thật tri kiến về phước đức đặc biệt.

Bát 1.- như thật tri kiến về sự tin đặc biệt (đoạn 25)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào buổi sáng đã đem hằng sa thân mạng mà bố thí cả, buổi trưa cũng đem hằng sa nhân mạng mà bố thí nữa, buổi chiều lại đem hằng sa nhân mạng mà bố thí luôn, và sự bố thí thân mạng như vậy làm đến trăm ngàn vạn ức thời kỳ (1) ; và có người khác nghe pháp thoại này, trong lòng tin tưởng chứ không đối kháng, thì phước người này hơn phước người trước, huống chi có người sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nói cho người khác. Trưởng lão Thiện hiện, chính yếu mà nói thì bài pháp thoại Bát nhã như vầy có những công đức ngoài tầm nghĩ bàn, ước lượng, đối chiếu, siêu việt giới hạn ; Như lai nói cho những người đi theo giáo pháp đại thừa (2), nói cho những người đi theo giáo pháp đại thừa tối thượng (3). Ai có năng lực tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, trình bày phong phú cho bao người khác, thì chính Như lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đạt được công đức không thể ước lượng, không thể đối chiếu, không có giới hạn, ngoài tầm nghĩ bàn. Những người như vậy có thể gánh vác tuệ giác vô thượng của ta, Như lai. Tại sao như thế, trưởng lão Thiện hiện, bởi vì những ai ưa pháp tiểu thừa (4), vẫn còn ngã nhân, chúng sinh thọ giả, thì với pháp này không thể lắng nghe, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nói cho người khác.

Ghi chú.-

(1) Thời kỳ.- là dịch chữ kiếp. Kiếp là kiếp ba : thời kỳ dài. Thời kỳ này có ba loại : lớn, gìữa, nhỏ.

(2) Ðại thừa.- Cỗ xe vĩ đại.

(3) Ðại thừa tối thượng.- Chính văn là tối thượng thừa : cỗ xe trên hết.

(4) Những ai ưa pháp tiểu thừa.- là các vị Thanh văn.

Lược giải.-

Tiểu thừa Thanh văn còn ngã chấp là vì tự mãn với niết bàn tiểu thừa. Sự tự mãn ấy chính là ngã chấp không những theo bản năng mà cũng còn theo lý thuyết. Ngã chấp như vậy nên chữ Phi của Kim cương là “mũi dao tổn thương con tim của họ”. Do vậy, hãy như thật tri kiến về đức tin Bát nhã : tin nổi Bát nhã là theo nổi đại thừa.

Phân khoa.-

Bát 2.- như thật tri kiến về địa điểm đặc biệt (đoạn 26)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, bất cứ chỗ nào, hễ có bản kinh Kim cương bát nhã, thì cả thế giới chư thiên, nhân loại và a tu la, đều nên hiến cúng. Nên biết chỗ ấy chính là chùa tháp tôn thờ Như lai ; hãy lạy, đi nhiễu, tung rãi các loại bông hoa, hương liệu.

Phân khoa.-

Bát 3.- như thật tri kiến về hiệu năng đặc biệt (đoạn 27)

Chính văn.-

  1. Thêm nữa, trưởng lão, bất cứ thiện nam hay thiện nữ nào học hỏi ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc kinh Kim cương này mà bị khinh dễ, thì biết người ấy tội ác đời trước đáng sa chỗ dữ, nhưng vì đời này bị người khinh dễ thì tội ác đó tiêu tan hết cả, người ấy sẽ được tuệ giác vô thượng.

Lược giải.-

Hiệu năng Kim cương được nói như đoạn này thì thật rõ và gần như độc đáo. Phải là kinh như Kim cương mới có cái hiệu năng tiêu diệt ngay trong đời này những ác nghiệp đã thuần thục. Hãy như thật tri kiến như vậy để khỏi ngờ và sợ khi thấy đọc tụng Kim cương mà hay bị những sự bất như ý.

Phân khoa.-

Bát 4.- như thật tri kiến về phước đức đặc biệt (đoạn 28)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, Như lai nhớ lại quá khứ vô số thời kỳ vô số (1), trước khi Như lai gặp đức Nhiên đăng, thì đã gặp được tám trăm bốn ngàn vạn ức trăm triệu chư Phật như lai, đối với Ngài nào Như lai cũng đồng thừa sự hiến cúng chứ không bỏ qua. Nhưng nếu có ai ở trong thời kỳ cuối cùng sau này, mà có năng lực học hỏi, ghi nhớ, nghiên cứu tụng thuộc bản kinh Kim cương bát nhã này đây, thì bao công đức người ấy đạt được, công đức Như lai phụng sự chư Phật không bằng phần trăm, phần ngàn vạn ức, đến nỗi toán pháp và ví dụ nữa, cũng không bằng được một phần nào cả. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào ở trong thời kỳ cuối cùng sau này, mà có khả năng tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc bản kinh Kim cương bát nhã như vầy, bao nhiêu công đức mà họ đạt được, nếu Như lai nói một cách đầy đủ, thì tất có kẻ nghe mà nổi khùng, bối rối, hoài nghi, không thể tin được. Trưởng lão Thiện hiện, phải nhận thức rằng ý nghĩa Kim cương không thể nghĩ bàn, hiệu quả cũng vậy không thể nghĩ bàn.

Ghi chú.-

(1) Thời kỳ vô số.- là a tăng kỳ kiếp.

Lược giải.-

Phật đem chính phước đức của mình mà đề cao phước đức Kim cương : phước đức Kim cương siêu việt là vì ý nghĩa Kim cương siêu việt.

Phân khoa.-

Kim 3 : như thật tri kiến về chủ thể

có 2 cương, cương 1 như thật tri kiến về chủ thể, cương 2 như thật tri kiến về chủ thể mà loại bỏ tà kiến.

Cương 1, như thật tri kiến về chủ thể

có 3 bát : bát 1 như thật tri kiến chủ thể về nhân và quả của Bồ tát, bát 2 như thật tri kiến chủ thể về Phật quả của Bồ tát, bát 3 phước đức của pháp thoại.

Bát 1.- như thật tri kiến chủ thể về nhân và quả của Bồ tát

có 5 nhã, nhã 1 như thật tri kiến về chủ thể phát tâm vô thượng bồ đề, nhã 2 như thật tri kiến về chù thể thực hiện vô thượng bồ đề, nhã 3 như thật tri kiến về Bồ tát hạnh thực hiện vô thượng bồ đề, nhã 4 như thật tri kiến về tuệ của vô thượng bồ đề, nhã 5 như thật tri kiến về phước của vô thượng bồ đề

Nhã 1.- như thật tri kiến về chủ thể phát tâm vô thượng bồ đề (đoạn 29)

Chính văn.-

  1. Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Thiện hiện kính bạch Thế tôn, thiện nam thiện nữ đã phát tâm nguyện vô thượng bồ đề, thì phải làm sao để ở tâm ấy ? và phải làm sao để sửa tâm mình ? Ðức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, thiện nam thiện nữ phát tâm bồ đề, thì sửa tâm mình bằng tuệ giác này : ta phải làm cho hết thảy chúng sinh được niết bàn rồi mà thật không thấy một chúng sinh nào được niết bàn cả. Lý do là vì Bồ tát mà có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả, thì như thế là không phải Bồ tát. Tại sao như vậy, trưởng lão Thiện hiện, bởi vì thật ra không có pháp gì là người phát tâm vô thượng bồ đề.

Lược giải.-

Ðoạn này văn tự gần như lặp lại đoạn 5, nhưng cốt ý nói bát nhã không thấy có mình là người phát tâm vô thượng bồ đề.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến về chủ thể thực hiện vô thượng bồ đề (đoạn 30)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, nơi đức Nhiên đăng, phải chăng Như lai có một pháp gì gọi là đạt được vô thượng bồ đề ? Không, bạch Thế tôn ; theo chỗ con hiểu ý nghĩa đã được Thế tôn dạy cho thì khi Ngài ở nơi đức Nhiên đăng, không có pháp gì gọi là đạt được vô thượng bồ đề. Ðức Thế tôn dạy, đúng vậy, Thiện hiện, đúng là không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô thượng bồ đề. Nếu có pháp gì gọi là Như lai đạt được tuệ giác vô thượng bồ đề, thì đức Nhiên đăng đã không ghi nhận, rằng trong tương lai ông thành Phật đà, danh hiệu gọi là Thích ca mâu ni ; vì thật không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô thượng bồ đề, nên đức Nhiên đăng mới ghi nhận cho, bằng cách nói rằng ông thành Phật đà danh hiệu gọi là Thích ca mâu ni – tại sao như vậy ? vì chữ Như lai chính là nghĩa Như của tất cả pháp (1). Nếu có ai nói Như lai đạt được vô thượng bồ đề, thì nói như vậy là không chính xác (2), bởi vì, trưởng lão, thật ra không có pháp gì gọi là Như lai đạt được vô thượng bồ đề, sự đạt được ấy không phải chắc chắn, không phải trống rỗng. Vì lý do này, Như lai tuyên ngôn rằng tất cả pháp toàn là Phật pháp. Trưởng lão Thiện hiện, tất cả pháp ấy Như lai đã nói phi tất cả pháp, nên Như lai nói là tất cả pháp.

Ghi chú.-

(1) Vì chữ Như lai chính là nghĩa Như của tất cả pháp.- Hd thêm : Như lai là dị danh của chân như chân thật, Như lai là dị danh của pháp tánh vô sinh, Như lai là dị danh của con đường vĩnh diệt, Như lai là dị danh của bất sinh tuyệt đối. Cd cũng thêm như vậy. Thêm như vậy rõ ràng là thêm thắt và rất kém cả văn lẫn ý. Như lai là nghĩa Như, dịch như vậy, và nguyên bản như vậy, thì văn và ý đều độc đáo. Như là Như thế. Như, nói đủ là Chân như : trung thực như thế. Mà Như Thế thì nghĩa là ở đâu, lúc nào, người nào, vật gì, cũng vốn như thế, toàn như thế, và vẫn như thế, chứ không khác đi vì phân biệt, khái niệm. Nói cách khác, Như Thế là các pháp tự siêu việt mọi sự sai khác. Như Thế là thực thể của Phật (cũng như của các pháp), Phật là biểu tượng của thực thể ấy, nên nói Như lai và Như.

(2) Thì nói như vậy là không chính xác.- là lấy Hd mà bổ túc.

Lược giải.-

Ðoạn 30 này đã được nói lược ở đoạn 12, nhưng đoạn ấy cốt nói bát nhã không thấy có bồ tát hạnh quả của Phật, còn đoạn này cốt nói bát nhã không thấy có cái người thực hiện vô thượng bồ đề.

Phân khoa.-

Nhã 3.- như thật tri kiến về Bồ tát hạnh thực hiện vô thượng bồ đề (đoạn 31-32)

Chính văn.-

  1. 31. Trưởng lão Thiện hiện, ví như có ngưởi thân thể cao lớ.. Trưởng lão Thiện hiện liền bạch Thế tôn, thân cao lớn ấy thì Ngài đã nói phi thân cao lớn, thế nên Ngài nói là thân cao lớn. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát cũng vậy : Bồ tát mà nói ta phải làm cho vô số chúng sinh đều được niết bàn, thì không được gọi là vị Bồ tát ; trưởng lão Thiện hiện, bởi vì thật ra không có pháp gì gọi là Bồ tát. Vì thế Như lai nói tất cả pháp không phải ngã nhân chúng sinh thọ giả.
  2. Trưởng lão Thiện hiện, nếu Bồ tát nói ta phải trang hoàng cõi Phật của ta, thì không được gọi là vị Bồ tát. Tại sao, trưởng lão, trang hoàng cõi Phật thì Như lai nói là phi trang hoàng, thế nên Như lai nói là trang hoàng. Trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thấu triệt về sự vô ngã (1), Như lai mới nói vị ấy đích thực là vị Bồ tát.

Ghi chú.-

(1) Sự vô ngã.- Chính văn là vô ngã pháp. Tra cứu tất cả bản dịch, biết đích chính văn ấy có nghĩa cái pháp vô ngã, chứ không phải vô ngã vô pháp. Sự vô ngã ở đây là vô nhân ngã và vô pháp ngã, chứ không phải chỉ là vô ngã khác với vô pháp.

 

Lược giải đoạn 31-32.-

Cả hai đoạn này cốt nói bát nhã không thấy có cái người làm bồ tát hạnh : đoạn 31 nói sự làm nên chúng sinh, đoạn 32 nói sự làm sạch thế giới. Ðoạn 31, văn phần đầu gần như lặp lại đoạn 14, nhưng đoạn 14 cốt nói Phật thân là phi Phật thân (thân lớn là phi thân lớn), còn đoạn 31 này nói Bồ tát là phi Bồ tát (thân lớn là phi thân lớn). Ðoạn 32 cũng vậy, văn như đoạn 13 mà ý cốt không nói cái người làm sạch thế giới.

Phân khoa.-

Nhã 4.- như thật tri kiến về tuệ của vô thượng bồ đề (đoạn 33)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có đúng Như lai hiện có mắt thịt, mắt trời phải không ? Phải, bạch Thế tôn, Ngài có mắt thịt và có mắt trời. Có đúng Như lai hiện có mắt tuệ, mắt pháp phải không ? Phải, bạch Thế tôn, Ngài có mắt tuệ và có mắt pháp. Như lai hiện có mắt Phật phải không ? Phải, bạch Thế tôn, Ngài có mắt Phật. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, cát trong sông Hằng Như lai cũng nói là cát phải không ? Phải, Ngài nói cát. Ông nghĩ thế nào, có bao nhiêu cát trong một sông Hằng thì có sông Hằng bằng số cát ấy, và những cõi Phật bằng với số cát những sông Hằng này thì nhiều hay không ? Rất nhiều, bạch Ngài. Trưởng lão Thiện hiện, bao nhiêu tâm tưởng (1) tất cả chúng sinh trong những cõi Phật được nói như vậy, Như lai biết hết. Tại sao, trưởng lão, Như lai nói rằng bao tâm tưởng ấy là phi tâm tưởng, thế nên Như lai nói là tâm tưởng : Tâm tưởng quá khứ không thể nhận được, tâm tưởng hiện tại không thể nhận được, tâm tưởng vị lai không thể nhận được.

Ghi chú.-

(1) Tâm tưởng.- Hd rõ là tâm tưởng diễn biến (tâm lưu chú).

Lược giải.-

Về ngũ nhãn của Phật, Dẫn nhập điều 7 mục c đã nói sơ lược. Nay nói sơ lược hơn nữa, theo ngôn ngữ Kim cương. Thấy A (sở ngôn) là nhục nhãn và thiên nhãn. Thấy A là phi-A (tức phi) là tuệ nhãn. Vì A là phi-A nên nói là A (thị danh) là pháp nhãn. Phật nhãn viên mãn và siêu việt tất cả. Ngũ nhãn như vậy nên biết bình thường như các Phật cũng thấy biết, thấy biết cái biến hóa và siêu tốc nhất như tâm lý Phật càng thấy biết – thấy biết tận cùng số lượng, thực chất.

Phân khoa.-

Nhã 5.- như thật tri kiến về phước của vô thượng bồ đề (đoạn 34)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, giả sử có ai đem hết vàng ngọc đầy cõi đại thiên mà bố thí cả, người này vì thế được phước nhiều không ? Rất nhiều, bạch Ngài, người này vì thế được phước rất nhiều. Trưởng lão Thiện hiện, nếu phước có thật thì Như lai đã không nói phước nhiều, nhưng vì phước ấy thật là phi phước, thế nên Như lai nói là phước nhiều.

Lược giải.-

Phước của vô thượng bồ đề là thuận tánh mà tu hành và diệu dụng. Tức như Khởi tín luận nói thuận theo sự không trú ở của chân như mà không trú ở sinh tử và niết bàn…, thuận theo chân như không tham lẫn mà bố thí…

Phân khoa.-

Bát 2.- như thật tri kiến chủ thể về Phật quả của Bồ tát

có 4 nhã, nhã 1 như thật tri kiến về Phật thân, nhã 2 như thật tri kiến về Phật thuyết, nhã 3 như thật tri kiến về Phật hóa, nhã 4 như thật tri kiến về Phật pháp.

Nhã 1.- như thật tri kiến về Phật thân (đoạn 35)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như lai bằng cái sắc thân toàn hảo đặc tướng ? Không, bạch Thế tôn, không nên nhìn Ngài bằng cái sắc thân toàn hảo đặc tướng. Tại sao như vậy, vì cái sắc thân toàn hảo đặc tướng thì Thế tôn nói là phi sắc thân toàn hảo đặc tướng, đó là lý do tại sao Thế tôn nói là sắc thân toàn hảo đặc tướng. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, có thể hay không nhìn thấy Như lai bằng các đặc tướng toàn hảo tất cả ? Không, bạch Thế tôn, không nên nhìn Ngài bằng các đặc tướng toàn hảo tất cả. Tại sao như vậy, vì các đặc tướng toàn hảo tất cả thì Thế tôn nói là phi đặc tướng toàn hảo tất cả, đó là lý do tại sao Thế tôn, nói là đặc tướng toàn hảo tất cả.

Lược giải.-

Ðây là lần thứ 3 trong 5 lần, các đoạn 7, 19, 35, 41, 42) đã và còn nói về sự thấy Phật bằng tướng hảo. Nhưng 5 lần như vậy văn đồng mà ý khác. Ở đây, đoạn 35, là như thật tri kiến về cái chủ thể có cái thân đầy đủ tướng hảo và có tướng hảo đầy đủ.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến về Phật thuyết (đoạn 36)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, đừng nói Như lai có cái ý nghĩ Như lai thuyết pháp. Ðừng nói như vậy. Lý do tại sao, vì nói Như lai có sự thuyết pháp thì thế chính là phỉ báng Như lai. Nói thế tức là không khéo lĩnh hội ý nghĩa đã được Như lai tuyên thuyết. Trưởng lão Thiện hiện, gọi là thuyết pháp là thật không có pháp gì để thuyết, như thế mới được gọi là thuyết pháp.

Lược giải.-

Thuyết pháp không những chỉ là thuyết rằng Pháp là Phi (Như) : là siêu việt ngôn thuyết, mà ngay cái người thuyết pháp cũng là Phi. Ðó là như thật tri kiến về Phật thuyết pháp và Pháp của Phật thuyết.

Phân khoa.-

Nhã 3.- như thật tri kiến về Phật hóa (đoạn 37)

Chính văn.-

  1. Lúc ấy Thiện hiện, người lấy tuệ giác mà làm tính mạng, kính bạch Thế tôn, có thể có ai trong thì vị lai nghe Pháp như vầy mà tin tưởng không ? Ðức Thế tôn dạy, những người như vậy không phải chúng sinh hay không chúng sinh ; tại sao, trưởng lão, gọi là chúng sinh thì Như lai nói là phi chúng sinh, vì thế Như lai gọi là chúng sinh (1).

Ghi chú.-

(1) Ðược biết trọn đoạn này là lấy Bd mà bổ túc, nguyên Td không có. Người làm việc này là ai thì không rõ. Các bản dịch khác sau Bd đều có đoạn này. Xét cả văn và ý thì thấy bổ túc rất phải.

Lược giải.-

Người thuyết Pháp và Pháp được thuyết như thế nào thì người nghe Pháp cũng vậy. Người nghe Pháp không phải là chúng sinh (vì là Phi, là Như), dầu hiện không phải là không chúng sinh (vì chưa tự biết là Phi, là Như). Phật hóa là giáo hóa cho họ biết sự không tự biết ấy. Hãy như thật tri kiến như vậy về Phật hóa và người được Phật hóa.

Phân khoa.-

Nhã 4.- như thật tri kiến về Phật pháp (đoạn 38)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, kính bạch Thế tôn, Thế tôn đạt được vô thượng bồ đề, thật ra là sự phi đạt được chăng ? Ðúng, đúng như vậy, trưởng lão Thiện hiện ; Như lai đối với vô thượng bồ đề không có chút gì gọi là đạt được nên được gọi là vô thượng bồ đề. Thêm nữa, trưởng lão, Pháp thì đồng đẳng, không bất đồng đẳng (1), thế nên gọi là vô thượng bồ đề : không có ngã nhân chúng sinh thọ giả mà làm pháp lành, thế thì đạt được vô thượng bồ đề. Trưởng lão Thiện hiện, gọi là pháp lành thì Như lai nói là phi pháp lành, thế nên Như lai gọi là pháp lành.

Ghi chú.-

(1) Pháp thì đồng đẳng, không bất đồng đẳng.- Chính văn là thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, dịch sát : Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp. Hd rõ hơn : Pháp ấy bình đẳng, không bất bình đẳng. Nghĩa : Pháp là Như, tự Nó không có gì là không Như, không có gì sai khác vì ngã chấp.

Lược giải.-

Pháp là pháp vô thượng bồ đề của Phật, là Phật pháp. Pháp ấy là Như, siêu việt mọi khái niệm mà độc chất là ngã chấp. Thiện pháp đạt đến Pháp ấy cũng là Như biểu hiện – là thuận tánh khởi dụng.

Phân khoa.-

Bát 3.- phước đức của pháp thoại (đoạn 39)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, có người đem cho bảy loại vàng ngọc chất đống bằng với những núi Tu di trong cõi đại thiên, và có người khác tiếp nhận ghi nhớ dầu chỉ bốn câu bản kinh Bát nhã ba la mật này, và nói cho người, thì phước người trước không bằng phần trăm, phần ngàn vạn ức, toán pháp, ví dụ, cũng không bằng được một phần nào cả.

Phân khoa.-

Cương 2.- như thật tri kiến về chủ thể mà loại bỏ tà kiến

có hai bát : bát 1 như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến, bát 2 loại bỏ tà kiến mà hội nhập như thật tri kiến.

Bát 1.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến

có hai nhã : nhã 1 như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến thường còn, nhã 2 như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến đoạn diệt.

Nhã 1.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến thường còn (đoạn 40-41)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, các vị đừng nói Như lai nghĩ rằng Như lai giải thoát các loại chúng sinh ; trưởng lão Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, vì thật không có một chúng sinh nào Như lai giải thoát. Nếu có chúng sinh Như lai giải thoát, thì thế chính là Như lai đã có ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả. Trưởng lão Thiện hiện, ý tưởng về ngã thì Như lai nói phi ý tưởng ngã (1), nhưng người tầm thường thì bảo là ngã. Trưởng lão Thiện hiện, người tầm thường ấy Như lai nói là người phi tầm thường (2).

Ghi chú.-

(1) Phi ý tưởng ngã.- Nghĩa là chính thực chất ngã chấp tự phủ nhận lấy nó. Ngã ở đây bao gồm tất cả ngã nhân chúng sinh thọ giả : bao gồm tất cả nhân ngã và pháp ngã

(2) Phi người tầm thường.- Sau câu này Hd thêm : thế nên gọi là những người tầm thường. Người tầm thường : phàm phu của Td hay ngu phu dị sinh của Hd. Người tầm thường phi người tầm thường là chúng sinh phi chúng sinh : chúng sinh vốn là Như (coi lược giải đoạn 37). Ðại sư Tăng triệu chú thích : phàm phu phi phàm phu nên có thể giáo hóa cho thành thánh giả (Vạn 38/217A).

Lược giải.-

Loại bỏ ngã chấp thường còn (chấp có) có hai đoạn. Ðây là đoạn thứ nhất cốt nói nếu Phật thấy có chúng sinh được mình hóa độ (cũng như nếu thấy có mình hóa độ chúng sinh) thì cái thấy ấy là ngã chấp : chấp thường, chấp có.

Chính văn.-

  1. 41. Trưởng lão Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, phải chăng có thể nhìn thấy Như lai bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân ? Kính bạch Thế tôn, theo chỗ con hiểu nghĩa của Ngài dạy, không thể nhìn Ngài bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân. Ðức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, thật đúng như vậy, bởi vì nếu nhìn ba mươi hai nét đặc tướng siêu nhân mà cho có thể nhìn thấy Như lai thì Chuyển luân vương cũng là Như Thế nên không thể nhìn thấy Như lai bằng ba mươi hai đặc tướng siêu nhân ; hãy nhìn Như lai bằng cách nhìn thấy tất cả đặc tướng là phi đặc tướng (1). Bấy giờ Thế tôn nói chỉnh cú này :

Nếu đem sắc tướng
nhìn thấy Như lai,
hoặc đem âm thanh
nhận thức Như lai,
thì những người ấy
đã đi lạc đường,
không còn có thể
thấy biết Như lai. (2).

Ghi chú.-

(1) Ðoạn 41 này tham chiếu Hd mà chuyển dịch chính văn của Td. Nếu dịch đúng chính văn Td thì như sau, vẫn dịch mỗi câu 4 chữ để ai muốn thì dùng :

Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng có thể
nhìn thấy Như lai,
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Trưởng lão thưa Ngài,
kính bạch Thế tôn,
đúng là có thể
nhìn thấy Thế tôn
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
nếu nói có thể
đem ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân
mà thấy Như lai,
thì Chuyển luân vương
cũng là Như lai.
Trưởng lão thưa ngài,
kính bạch Thế tôn,
theo con hiểu ý
đức Thế tôn dạy
thì thật không thể
nhìn thấy Thế tôn
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.

Td như vậy có thể Phạn bản của Td là như vậy, mà cũng có thể Td chuyển văn mà dịch cho rõ ý. Ý đó là sự chấp ngã (chấp thường, chấp có), là cái bản năng không dễ bỏ : ngài Tu bồ đề nghe Phật dạy đến đây rồi mà còn bộc lộ không tự kiểm cái chấp ấy đến như vậy – bộc lộ theo bản năng, không những thấy có mình nhìn Phật, thấy có Phật mình nhìn, mà nhìn thấy chỉ qua sắc tướng như người thường nhìn thấy. Nhưng nguyên Phạn bản Td như vậy hay Td chuyển văn như vậy, đằng nào cũng đã gây bối rối cho người đọc tụng, vì văn tự khác quá với các đoạn 7, 19 và 35, chưa kể 42. Nên tôi phải đối chiều Hd mà chuyển dịch. Hd tuy không làm rõ được nhiều cái ý như đã nói, nhưng không gây bối rối nào cả.

(2) Bài chỉnh cú này của Td, văn ý già dăn, không như các bản khác còn thêm 4 câu nữa : hãy nhìn thấy pháp tánh của Như lai là pháp thân của Như lai, pháp tánh thì siêu việt nhận thức nên người (đi lạc đường) ấy không thể biết được.

Lược giải.-

Ðây là đoạn thứ hai loại bỏ chấp thường còn (chấp có) : Nếu thấy Phật qua sắc tướng (hay tìm Phật qua âm thanh) như cái thấy (và cái nghe) của ngã chấp, thì ai có mang 32 tướng tốt (dầu không tốt bằng Phật) cũng là Phật cả.

Phân khoa.-

Nhã 2.- như thật tri kiến mà loại bỏ tà kiến đoạn diệt (đoạn 42-43)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng Như lai không do (1) đặc tướng toàn hảo mà được tuệ giác vô thượng bồ đề, thì này trưởng lão, đừng nghĩ như vậy, rằng ta, Như lai, không do đặc tướng toàn hảo mà được vô thượng bồ đề (2).

Ghi chú.-

(1) Không do.- Chữ không, chính văn là bất, có vị cho là không có (Vạn 83/327A hay Chính 33/152). Xét ý Td thì phải có (coi điều thứ ba của ghi chú 2 dưới đây).

(2) Ðoạn 42 này chỉ Nd không có, nhưng xét có thì đúng hơn. Ðoạn 42 này có 3 điều cần ghi chú. Ðiều thứ nhất, đoạn này loại bỏ ý nghĩ Phật không do đặc tướng mà thành Phật (nghĩa là nghĩ Phật là đoạn diệt hư vô), bởi vì 32 đặc tướng của Phật mỗi đặc tướng do cả trăm phước trang nghiêm, và Phật do phước ấy mà thành Phật, mà được Phật thân toàn hảo đặc tướng. Ðiều thứ hai, đoạn này các bản khác trái hẳn với Td. Hãy lấy Hd làm mẫu mà đối chiếu, như sau : Thiện hiện, ông nghĩ thế nào, Như lai chứng vô thượng giác là do các đặc tướng toàn hảo chăng ? Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, tại sao, bởi vì, Thiện hiện, Như lai không do các đặc tướng toàn hảo mà chứng vô thượng giác. Ðiều thứ ba, ngay Td mà bỏ chữ bất đi (coi ghi chú 1), và dịch ép câu chót, thì cũng cùng ý : Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng Như lai được vô thượng giác là do các đặc tướng toàn hảo (thì), Thiện hiện, đừng nghĩ như vậy, (vì) Như lai không do các đặc tướng toàn hảo mà chứng vô thượng giác. Nhưng xét ý đại sư Tăng triệu (Vạn 38/217B) thì đoạn 42 này phải hiểu và dịch như đã dịch, lại phải đặc vào tiết mục loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không). Nếu hiểu và dịch như các bản khác thì đoạn này là loại bỏ chấp thường còn (chấp có), và như vậy thì thừa (vì trùng ý với đoạn 14).

Lược giải.-

Loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không) cũng bằng hai đoạn. Ðây là đoạn thứ nhất, nói quả bất diệt (Phật đà bất diệt). Quả ấy là Phật thân đủ mọi tướng hảo : chính Phật thân này tự phủ nhận sự chấp không (chấp đoạn) rồi. Muốn hiểu Phật đà bất diệt như thế nào thì coi Pháp hoa phẩm 16.

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu ông nghĩ rằng những người phát tâm vô thượng bồ đề nói rằng các pháp là tiêu diệt hẳn, thì đừng nghĩ thế, tại sao, bởi vì những người phát tâm vô thượng bồ đề đối với các pháp không nói tiêu diệt (1).

Ghi chú.-

(1) Không nói tiêu diệt.- Chính văn là bất thuyết đoạn diệt tướng, so với các bản khác và dịch đủ thì phải là không nhận thức qui định và tuyên bố các pháp là tiêu diệt.

Lược giải.-

Ðây là đoạn thứ hai loại bỏ chấp đoạn diệt (chấp không), bằng cách nói nhân bất diệt (Bồ tát bất diệt). Nhân ấy là phát tâm vô thượng bồ đề : chính sự phát tâm này tự phủ nhận sự chấp không (chấp đoạn rồi).

Phân khoa.-

Bát 2.- loại bỏ tà kiến mà hội nhập như thật tri kiến

có 4 nhã : nhã 1 hội nhập như thật tri kiến về nhân, nhã 2 hội nhập như thật tri kiến về quả, nhã 3 hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ, nhã 4 hội nhập như thật tri kiến về bản thân. Phân khoa trên đây, có thể đổi từ ngữ mà nói một cách khác, nghĩa là nhìn một cách khác hơn nữa về 4 nhã này : nhã 1 hội nhập như thật tri kiến về nghiệp quả, nhã 2 hội nhập như thật tri kiến về thực thể, nhã 3 hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ, nhã 4 hội nhập như thật tri kiến về bản thân. Cách nhìn như vầy có nghĩa đoạn 44 này cho thấy phi thường phi đoạn nên có nghiệp thì có nghiệp quả, đoạn 45 cho thấy phi thường phi đoạn nên bản thể vốn siêu việt, đoạn 46-47 cho thấy phi thường phi đoạn nên cảnh giới là phi cảnh giớii, đoạn 48 cho thấy phi thường phi đoạn nên bản thân là Phật thân. Cách nhìn như vầy sát ý hơn, nhưng kém sát văn, nhất là văn đoạn 44, nên tôi không dùng mà thấy phải nêu lên ở đây.

Nhã 1.- hội nhập như thật tri kiến về nhân (đoạn 44)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, một vị Bồ tát đem cho tất cả bảy loại vàng ngọc chất đầy thế giới như cát sông Hằng ; vị Bồ tát khác biết tất cả pháp toàn là vô ngã, thành được sức Nhẫn, thì Bồ tát này hơn Bồ tát trước. Lý do là vì, trưởng lão Thiện hiện, Bồ tát thì không tiếp nhận phước đức. Trưởng lão Thiện hiện kính bạch Thế tôn, tại sao Bồ tát không nhận phước đức ? Bởi vì, Thiện hiện, Bồ tát làm hết mọi sự phước đức, thế nhưng không nên tham đắm phước đức, Như lai do vậy nói là không nhận mọi sự phước đức.

Ghi chú.-

(1) Vô ngã.- ngã ở đây bao gồm tất cả khái niệm về ngã là ngã nhân chúng sinh thọ giả, bao gồm tất cả cái ngã bản năng và cái ngã lý thuyết, bao gồm cả nhân ngã và pháp ngã.

(2) Sức nhẫn.- Chính văn là nhẫn, Hd thêm : kham nhẫn. Như vậy Nhẫn ở đây là chấp nhận. Chấp nhận cái gì ? Một, chấp nhận vô ngã chứ không chới với ; sự chấp nhận này là tuệ giác. Hai, chấp nhận nghịch cảnh chứ không thoái chuyển ; sự chấp nhận này là nhẫn nhục. Sự chấp nhận trước dẫn ra sự chấp nhận sau, và gồm cả hai sự Nhẫn này lại thì thấy vô ngã là vô sinh (Hd rõ như vậy) : không còn si mê phiền não. Nên sức Nhẫn ở đây gọi là Vô sinh pháp nhẫn. Ðiển hình sức Nhẫn này là tiền thân Phật được nói trong đoạn 22.

(3) Td như vầy thật rõ. Hd như sau, hãy đối chiếu để thấy : Nên nắm nhận mà không nên nắm nhận, thế nên nói là nên nắm nhận. Lược giải.- Hội nhận như thật tri kiến về nhân là thấy Vô sinh pháp nhẫn hoạt dụng thành cái phước đức siêu việt đam mê, cố thủ.

Phân khoa.-

Nhã 2.- Hội nhập như thật tri kiến về quả (đoạn 45)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu nói Như lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm, thì người nói ấy không hiểu ý nghĩa Như lai đã nói. Tại sao như vậy, bởi vì Như lai không đến từ đâu, không đi về đâu, nên gọi Như lai.

Lược giải.-

Hội nhập như thật tri kiến về quả là thấy Như lai và Như : siêu việt mọi sự không Như.

Phân khoa.-

Nhã 3.- hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ (đoạn 46-47)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, có ai nghiền nát thế giới đại thiên thành ra vi trần, thì ông nghĩ sao, những vi trần ấy là nhiều hay ít ? Rất nhiều, bạch Ngài. Tại sao, bởi vì những vi trần ấy nếu là thật có, thì Ngài không nói là những vi trần – Thế nhưng vi trần thì Ngài đã nói là phi vi trần, do đó Ngài nói là những vi trần (1). 47. Và bạch Thế tôn, cái mà Ngài nói thế giới đại thiên là phi thế giới, vì thế nên được gọi là thế giới. Tại sao như vậy, bởi vì nếu nói thế giới thật có, thì đó chỉ là ý tưởng hợp nhất – Ý tưởng hợp nhất thì Ngài nói phi ý tưởng hợp nhất, nên được gọi là ý tưởng hợp nhất. Ðức Thế tôn dạy, trưởng lão Thiện hiện, ý tưởng hợp nhất thì không là gì để mà nói cả, nhưng người tầm thường đam mê dính mắc cái sự như vậy.

Ghi chú đoạn 46.-

(1) Những vi trần trong đoạn này, dịch đủ chữ của chính văn thì phải là khối lượng vi trần (vi trần chúng). Nhưng dịch như vậy không giữ được nguyên ý nói về phân tử, nên phải lược bỏ.

Ghi chú đoạn 47.-

(1) Cả hai đoạn 46 và 47 này, về văn tự thì vừa giống vừa nói rộng đoạn 18. Lược giải đoạn 46-47.- Cả hai đoạn 46-47 này là hội nhập như thật tri kiến về vũ trụ (về phân tử của vũ trụ và về vũ trụ của phân tử), thấy chúng không là gì để mà cãi và ham.

Phân khoa.-

Nhã 4.- hội nhập như thật tri kiến về bản thân (đoạn 48)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có ai nói Thế tôn nói về ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả, thì này trưởng lão, ông nghĩ thế nào, người đó có hiểu ý nghĩa Như lai đã nói hay không ? Không, bạch Thế tôn, người ấy không hiểu ý nghĩa đã được Thế tôn nói ra. Lý do tại sao, vì Thế tôn nói ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả thì tức là phi (1) ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả, thế nên gọi là ý tưởng ngã nhân chúng sinh thọ giả.

Ghi chú.-

(1) Phi.- Ở đây có nghĩa là tự phủ nhận.

Lược giải.-

Hội nhập như thật tri kiến về bản thân là thâm tín Bát nhã. Thâm tín Bát nhã thì thường nghĩ nhớ bản thân, nhất là bản thân trong ngã chấp, vốn là và vẫn là Phi, là Như.

Phân khoa.-

Kinh 3.- Kết thúc

có 2 kim : kim 1 kết thúc ứng với hai câu hỏi đáp căn bản, kim 2 kết thúc như các kinh khác.

Kim 1.- kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản

có 3 cương : cương 1 kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản, cương 2 khuyến cáo tu học và diễn tả Kim cương, cương 3 chì cách diễn tả Kim cương.

Cương 1.- kết thúc ứng với 2 câu hỏi đáp căn bản (đoạn 49)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, những người phát tâm vô thượng bồ đề, thì với các pháp hãy biết như vậy, hãy thấy như vậy, tin tưởng, lĩnh hội cũng là như vậy : đừng nên trú ở nơi ý tưởng pháp. Trưởng lão Thiện hiện, nói ý tưởng pháp thì Như lai nói phi ý tưởng pháp, vì thế mới gọi là ý tưởng pháp.

Ghi chú.-

(1) Các pháp.- Pháp ở đây là tổng quát cả 3 mặt đối tượng, tuệ giác và chủ thể, mà đã được nói trong phần nội dung.

Lược giải.-

Ðừng nên trú ở nơi ý tưởng pháp. là lặp lại vô trú bát nhã đã nói suốt từ đoạn 2 đến đây, tổng kết kinh này ứng với hai câu hỏi đáp căn bản mở đầu trong đoạn 2-6.

Phân khoa.-

Cương 2.- khuyến cáo tu học và diễn tả Kim cương (đoạn 50)

Chính văn.-

  1. Trưởng lão Thiện hiện, nếu có người nào đem cho tất cả bảy loại vàng ngọc chất đầy vô lượng vô số thế giới, và có người khác, không kể thiện nam hay là thiện nữ, đối với pháp thoại Bát nhã như vầy, tiếp nhận ghi nhớ, nghiên cứu tụng thuộc, diễn tả cho người, thì dầu chỉ được chỉnh cú bốn câu, phước họ đạt được vẫn hơn người trước.

Lược giải.-

Pháp hạnh đối với Kim cương mà đoạn này và các đoạn tương tự ở trước đã khuyến cáo là sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, diễn nói cho người (thư tả, thọ trì, độc, tụng, vị tha nhân thuyết). Tựu trung, diễn nói hay diễn tả cho người là giới thiệu, loan báo và giảng dạy. Cách này được ghi thêm ở đoạn 51 dưới đây. Cách ấy cho thấy diễn tả Kim cương cho người thì chính mình phải có và sống theo tuệ giác Kim cương.

Phân khoa.-

Cương 3.- chỉ cách diễn tả Kim cương (đoạn 51)

Chính văn.-

  1. 51. Diễn tả cho người bằng cách thế nào ? Bằng cách đừng nắm ý tưởng về pháp, mà như sự Như chứ không dao động (1). Tại sao mà phải diễn tả cách ấy ?

Bởi vì tất cả
các pháp hữu vi
toàn là giống như
chiêm bao, ảo thuật,
bóng nước, ảnh tượng,
sương mai, điện chớp ;
rất cần phải có
cái nhìn như vậy.

Ghi chú.-

(1) Bằng cách đừng nắm ý tưởng về pháp, mà như sự Như chứ không giao động.- Câu này là một trong những câu độc đáo của Td Kim cương. Hãy đối chiếu với Hd sau đây : Như là không diễn tả chỉ bảo cho người, và vì thế nên gọi là diễn tả chỉ bảo cho người. Ðây là ý nghĩa của Td, “bằng cách đừng nắm ý tưởng về pháp” là vô trú bát nhã không thấy người nói, pháp được nói và người nghe. “Mà như sự Như chứ không dao động” là vô trú bát nhã thấy tất cả đều là Như, chứ không dao động theo những thứ không Như, những khái niệm về ngã, nhân ngã cũng như pháp ngã.

(2) Bài chỉnh cú này chỉ có sáu ví dụ, khác với các bản khác có 9 : tinh tú, ảo ảnh (của mắt bịnh), ngọn đèn, ảo thuật, sương mai, bóng nước, chiêm bao, điện chớp, đám mây. Trong sáu ví dụ của Td thì chiêm bao, ảo thuật, bóng nước, sương mai và điện chớp là năm ví dụ dễ hiểu nhất, và có thể vì vậy mà Td để nguyên. Còn ảnh tượng thì không có trong 9 ví dụ, rõ ràng chứng tỏ Td dùng chữ này để tổng quát bốn ví dụ toàn là ảnh tượng, đó là tinh tú, ảo ảnh, ngọn đèn và đám mây. Về ý nghĩa của 9 ví dụ thì nên coi sự giải thích của Thế thân đại sĩ (Chính 25/797 và 884). Nhưng ở đó chỉ giải thích theo biến kế chấp tánh : giải thích theo y tha khởi tánh thì phải tham khảo Nhiếp luận (Chính 31/140). Còn ý nghĩa sáu ví dụ của Td thì rõ ràng chỉ nói tổng quát rằng các pháp hữu vi toàn như mộng ảo bào ảnh – toàn là Phi với nghĩa tự phủ nhận : hãy quan sát như vậy mà diễn tả Kim cương. Nhưng đó là mới nói một mặt. mặt khác, cũng những ví dụ ấy mà cho thấy các pháp hữu vi toàn là Phi với nghĩa tự siêu việt, hoạt hiện và hoạt dụng một cách đa dụng và vô tận như mộng ảo bào ảnh : hãy quan sát như vậy mà diễn tả Kim cương.

Lược giải.-

Hãy diễn tả Kim cương bằng cách chính mình phải thường xuyên tưởng nhớ, chiêm nghiệm và diệu dụng đạo lý chữ Phi. Như thế đó là vô trú bát nhã mà hủy diệt ngã chấp cũng ở đó, phát tâm với hàng tâm và trú tâm cũng ở đó.

Phân khoa.-

Kim 2.- kết thúc như các kinh khác (đoạn 52)

Chính văn.-

  1. Khi đức Thế tôn tuyên thuyết hoàn tất bản kinh Kim cương bát nhã này rồi, trưởng lão Thiện hiện, các vị tỷ kheo và tỷ kheo ni, những cận sự nam và cận sự nữ, toàn thể thế giới chư thiên, nhân loại, và a tu la, được nghe những điều Thế tôn tuyên thuyết, ai cũng hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.

[hết]





Kinh Phật: PHẨM HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền

Trưởng Lão Thích Trí Quang dịch

GHI CHÚ:
Bản Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương Tạng ngữ là ứng với phần kệ của phẩm này. Nội dung không nhiều sai biệt, chỉ khác vài nơi ở cách phân câu và thứ tự.  Quí vị có thể hạ tải bản đối chiếu theo Tạng ngữ ở đây: [PDF - Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương - tạng-anh-pháp-viet]. Bảy hạnh Phổ Hiền thường nhắc trong Phật giáo Tây Tạng ứng với 12 câu kệ đầu, là phần sơ khởi của pháp tu Phổ Hiền. Đó là mượn phần sơ khởi của pháp tu Phổ Hiền làm pháp sơ khởi cho mọi công phu khác. Thiển ý, Hồng Như 

LỜI NÓI ĐẦU

Phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền nằm trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu, cuốn 10, các trang 844 – 848. Đó là chính văn mà tôi căn cứ để dịch. Và dịch thì căn cứ ý kiến của đại sư Thái Hư, qua bản giảng lục của ngài, nằm trong Thái Hư toàn thư tập 23, các trang 1027 – 1096. Có một chi tiết nhỏ xin ghi ở đây, là kinh sách tôi dịch có mấy chỗ liên hệ đến phẩm này, nhất là Hồng danh; nhưng tùy chỗ nên ý dịch không khác mà lời dịch phải khác chút ít.

Dịch phẩm này tôi không làm mục lục mà kể như đã có. Vì phần trường hàng thì dễ thấy, còn phần chỉnh cú thì coi các ghi chú 15, 16, 17, 18, 21, 24, sẽ thấy phân khoa rõ ràng.

Sánh với 4 hoằng thệ của đức Thích Tôn tuy vắn tắt bậc nhất mà đầy đủ bậc nhất, thì 10 hạnh nguyện của đức Phổ Hiền thật không bằng. Nhưng 10 hạnh nguyện ấy cũng thật đặc biệt. Tựu trung có người cho “tùy hỷ công đức” có gì khó khăn và quan trọng đâu; nhưng nếu biết con người có thể chết cho người mà khó thể khen người một câu, thì đủ biết hạnh nguyện ấy quan trọng biết bao cho tâm lý người tu.

Phẩm này có sự đặc biệt bậc nhất là hồi hướng Cực lạc. Tôi dịch là vì sự đặc biệt ấy.

*

Phẩm này, nay sao lục vào sau Pháp Hoa để trì tụng, là vì phẩm 28 cuối kinh ấy nói tu học Pháp Hoa là do thần lực Phổ Hiền, là đi theo đường đi Phổ Hiền (tức 10 đại nguyện vương), là được Phật đưa tay xoa đầu.

Trí Quang

Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Hoa Nghiêm giáo chủ Tỳ Lô Giá Na Như Lai;
Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh;
Nhất tâm đảnh lễ Như Lai trưởng tử Phổ Hiền bồ tát ma ha tát. 

 Kinh Hoa Nghiêm
PHẨM HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN[1]

Vào lúc bấy giờ, Phổ Hiền đại sĩ tán dương công đức siêu việt của đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai rồi, bảo chư vị bồ tát qua Thiện Tài đồng tử, rằng Thiện nam tử, công đức của đức Như Lai, giả sử chính tất cả chư vị Như Lai trong mười phương, trải qua những thời kỳ[2] nhiều bằng số lượng cực vi[3] của những thế giới đến số lượng hai lần không thể nói[4], diễn nói liên tục, cũng không thể cùng tận. Nếu muốn thành tựu công đức ấy thì phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là những gì? Một là lễ kính Phật đà, hai là tán dương Như Lai, ba là hiến cúng rộng lớn, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỷ công đức, sáu là xin chuyển pháp luân, bảy là xin Phật ở đời, tám là thường học theo Phật, chín là hằng thuận chúng sinh, mười là hồi hướng khắp cả.

Thiện Tài đồng tử thưa, kính bạch Đại sĩ, thế nào là lễ kính Phật đà? Cho đến thế nào là hồi hướng khắp cả?

Phổ Hiền đại sĩ bảo Thiện Tài đồng tử, Thiện nam tử, [thứ nhất] lễ kính Phật đà là đối với chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện Phổ Hiền mà tin hiểu sâu xa như đối diện trước mắt, và toàn đem ba nghiệp thân miệng ý trong sạch mà thường xuyên lễ kính. Nơi mỗi đức Thế Tôn, tôi biến thể thân hình nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, mỗi thân hình lạy khắp chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Hư không cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng hư không không thể cùng tận, nên sự lễ kính của tôi không có cùng tận; như vậy, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh, không có cùng tận, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na[5], không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [ thứ hai ] tán dương Như Lai là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi ấy có chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế Tôn đều có hải hội[6] Bồ tát vây quanh. Tôi đem sự tin hiểu siêu việt, sâu xa, biết và thấy các Ngài như đối diện trước mắt. Tôi dùng những cái lưỡi nhiệm mầu hơn cả Đại biện tài thiên nữ, mỗi cái lưỡi xuất ra biển cả âm thanh vô tận, mỗi âm thanh xuất ra biển cả từ ngữ phong phú, ca tụng tán dương biển cả công đức của tất cả chư vị Như Lai, cùng tận thì gian không có gián đoạn, cùng tận pháp giới không có thiếu sót. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tán dương của tôi mới cùng tận; nhưng hư không cho đến phiền não không có cùng tận, nên sự tán dương của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [ thứ ba ] hiến cúng rộng lớn là bao nhiêu cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi có chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế Tôn có hải hội Bồ tát vây quanh, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện Phổ Hiền mà tin hiểu sâu xa, biết và thấy các ngài như đối diện trước mắt. Tôi đem cúng phẩm thượng hạng và tinh tế mà hiến cúng. Mây hoa, mây vòng hoa, mây âm nhạc chư thiên, mây tàn lọng chư thiên, mây phục sức chư thiên, các loại hương liệu chư thiên, hương xoa, hương đốt, hương bột, những mây cúng phẩm như vậy hình lượng mỗi thứ bằng núi chúa Tu Di. Tôi lại đốt các loại đèn, đèn bơ, đèn dầu, các loại đèn dầu thơm, tim của mỗi thứ đèn lớn như núi Tu Di, dầu của mỗi thứ đèn nhiều như nước biển cả. Tôi đem những cúng phẩm như vậy mà hiến cúng thường xuyên. Thế nhưng, thiện nam tử, trong mọi sự hiến cúng, hiến cúng chánh pháp là hơn hết: hiến cúng bằng cách làm đúng lời Phật, hiến cúng bằng cách lợi ích chúng sinh, hiến cúng bằng cách giáo hóa chúng sinh, hiến cúng bằng cách chịu khổ thay cho chúng sinh, hiến cúng bằng cách siêng tu thiện căn, hiến cúng bằng cách không bỏ Bồ tát hạnh, hiến cúng bằng cách không rời Bồ đề tâm. Thiện nam tử, công đức vô lượng của sự hiến cúng trước, đối chiếu với một thoáng công đức của sự hiến cúng chánh pháp, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần ức, một phần triệu, một phần trăm của một cái lông, một phần của sự tính toán được, một phần của sự tính kể được, một phần của sự ví dụ được, một phần của cực vi, tất cả đều không bằng[7]. Tại sao? Vì chư vị Như Lai tôn trọng chánh pháp, vì làm đúng lời Phật thì xuất sinh chư Phật. Nếu các vị Bồ tát làm theo sự hiến cúng chánh pháp thì thế là thành tựu sự hiến cúng Như Lai, vì làm theo như vậy là hiến cúng chân thật. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hiến cúng rộng lớn và hơn hết của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự hiến cúng của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ tư] sám hối[8] nghiệp chướng là Bồ tát tự nghĩ, trong bao thời kỳ quá khứ vô thỉ, tôi do tham sân si mà phát động thân miệng ý, làm những nghiệp dữ vô lượng vô biên. Nếu nghiệp dữ ấy có hình tướng thì cùng tận không gian cũng không thể dung chứa. Nay tôi đem cả ba nghiệp thân miệng ý trong sạch, đối trước chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới nhiều như cực vi và khắp cả pháp giới, thành tâm sám hối, sau không làm nữa, thường sống trong tịnh giới và các công đức. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự sám hối của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự sám hối của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ năm] tùy hỷ công đức là chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, từ lúc mới phát tâm, vì Nhất thiết trí mà siêng tu cái khối phước đức, không tiếc tính mạng; trải qua thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, trong mỗi thời kỳ, bỏ đầu mắt tay chân nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói; tất cả khổ hạnh khó làm như vậy viên mãn các Ba la mật, chứng nhập các Bồ tát trí, thành tựu Vô thượng Bồ đề, nhập vào Niết bàn, phân bủa xá lợi, bao nhiêu thiện căn ấy tôi tùy hỷ tất cả. Tất cả sáu đường và bốn loài chúng sinh trong hết thảy thế giới khắp cả mười phương, có bao nhiêu công đức, dầu chỉ bằng một cực vi, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Khắp mười phương, suốt ba đời, tất cả các vị Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, có bao nhiêu công đức, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Vô lượng khổ hạnh khó làm, chí cầu Vô thượng Bồ đề, và công đức rộng lớn, của hết thảy Bồ tát tu hành, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy hỷ của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ sáu] xin chuyển pháp luân là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi là một thế giới rộng lớn, nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Trong mỗi thế giới ấy, mỗi sát na có chư vị Phật đà nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, đều thành bậc Đẳng chánh giác, với hải hội Bồ tát vây quanh; nhưng tôi toàn đem ba nghiệp thân miệng ý, dùng mọi phương cách, mà thiết tha khuyên mời các ngài chuyển đẩy diệu pháp luân. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường xuyên khuyên mời chư Phật chuyển đẩy chánh pháp luân của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ bảy] xin Phật ở đời là đối với bao nhiêu chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, ý muốn thị hiện nhập vào Niết bàn, đối với chư vị Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập Niết bàn, hãy sống với những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, để lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự khuyên mời này của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ tám] thường học theo Phật là như đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai của thế giới Sa bà này, ngay khi mới phát tâm, đã tinh tiến không thoái chuyển, đem thân mạng nhiều đến hai lần không thể nói mà bố thí; lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc, huống chi ngôi vua, hoàng thành, đô thị, thôn xóm, cung điện, hoa viên, lâm viên, và tất cả những vật sở hữu. Cọng với bao khổ hạnh khó làm khác, cho đến ngồi dưới Bồ đề thọ, thành tựu đại Bồ đề, thị hiện các thứ thần thông, phát khởi những sự biến hóa, biến thể các loại Phật thân, ở giữa các loại đại hội: hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị đại Bồ tát, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị Thanh văn, Duyên giác, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị luân vương, quốc vương và hoàng gia của họ, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của sát đế lợi, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ, cho đến hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, ở giữa những đại hội như vậy mà đem tiếng nói viên mãn vang lên như sấm lớn, tùy ý thích của chúng sinh mà thành thục cho họ; cho đến thị hiện nhập vào Niết bàn, tất cả [những việc Phật làm] như vậy tôi đều theo mà học tập. Y như đối với đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na hiện nay, thì cũng như vậy mà đối với hết thảy chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, trong từng sát na, tôi toàn theo mà học tập. Như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường học theo Phật của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ chín] hằng thuận chúng sinh là bao nhiêu chúng sinh trong biển cả thế giới khắp mười phương, cùng tận pháp giới và hư không giới, có những chủng loại khác nhau: có những loại sinh bằng trứng, bằng thai, bằng thấp khí, bằng biến thể, có những loại dựa vào đất nước lửa gió mà sinh sống, có những loại dựa vào hư không hay các loại cỏ cây mà sinh sống; đủ loại cách sinh, đủ loại màu sắc, đủ loại hình dáng, đủ loại tướng mạo, đủ loại tuổi thọ, đủ loại chủng tộc, đủ loại tên gọi, đủ loại tâm tính, đủ loại thấy biết, đủ loại ưa thích, đủ loại ý thức, đủ loại cử động, đủ loại phục sức, đủ loại ẩm thực; ở nơi đủ loại làng xóm, đô thị, kinh thành, cung điện; cho đến tất cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không có tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán, cho đến như thờ Như Lai, đồng đẳng không có gì khác cả. Bằng cách ai bịnh khổ thì tôi làm thầy thuốc giỏi, ai lạc đường thì tôi chỉ cho đường chính, trong đêm tối thì tôi làm ánh sáng, nghèo khốn thì tôi làm cho được kho tàng giấu trong lòng đất. Bồ tát hãy bình đẳng lợi ích chúng sinh như vậy, tại sao, vì Bồ tát có thể tùy thuận chúng sinh thì thế là tùy thuận hiến cúng Phật đà, tôn trọng phụng sự chúng sinh thì thế là tôn trọng phụng sự Như Lai, làm cho chúng sinh vui vẻ thì thế là làm cho Như Lai vui vẻ. Tại sao? Vì chư vị Như Lai thì lấy tâm đại bi làm bản thể, mà do chúng sinh mới có tâm đại bi, do tâm đại bi mới có tâm bồ đề, do tâm bồ đề mới thành Chánh giác. Tựa như đại thụ ở trong đồng nội hay sa mạc mênh mông, đại thụ ấy nếu rễ được nước thì nhánh lá hoa quả đều sum sê tươi tốt. Bồ đề đại thụ ở trong đồng nội sinh tử mênh mông cũng là như vậy, lấy chúng sinh làm rễ, lấy chư Phật chư Bồ tát làm hoa làm trái, đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì sinh ra hoa trái tuệ giác là chư Phật Bồ tát, tại sao, vì nếu Bồ tát đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì thế là thành tựu vô thượng bồ đề. Do vậy, bồ đề là thuộc về chúng sinh, không chúng sinh thì các vị Bồ tát không bao giờ có thể thành tựu vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy lý giải như vầy: đối với chúng sinh mà tâm lý bình đẳng thì có thể thành tựu lòng đại bi viên mãn, đem lòng đại bi tùy thuận chúng sinh thì thế là thành tựu sự hiến cúng chư vị Như Lai. Bồ tát tùy thuận chúng sinh như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy thuận ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ mười] hồi hướng khắp cả là từ sự lễ kính cho đến sự hồi hướng có bao công đức, tôi đều hồi hướng cho hết thảy chúng sinh cùng tận pháp giới và hư không giới, nguyện nhờ công đức ấy mà làm cho chúng sinh thường được yên vui, không mọi bịnh khổ, muốn làm việc ác thì bất thành tất cả, muốn tu điều thiện thì mau thành hết thảy, đóng chặt cửa ngõ của các nẻo ác, mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và niết bàn. Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng bồ đề. Bồ tát tu tập sự hồi hướng như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hồi hướng ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, như vậy gọi là mười đại nguyện của Bồ tát đại sĩ viên mãn đầy đủ. Nếu các vị Bồ tát tùy thuận mà đi mau vào mười đại nguyện ấy thì có thể thành thục tất cả chúng sinh, thì có thể tùy thuận vô thượng bồ đề, thì có thể thành tựu đầy đủ biển cả hạnh nguyện của Phổ Hiền đại sĩ. Do vậy, Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy nhận thức như vầy: Nếu có thiện nam hay thiện nữ nào đem bảy thứ quí báu loại thượng hạng và tinh tế, cùng với đồ dùng đem lại hạnh phúc hơn hết cho nhân loại và chư thiên, đầy những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp cả mười phương, vô lượng vô biên, hai lần không thể nói, bố thí cho chúng sinh trong những thế giới cũng nhiều như trên, hiến cúng chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới cũng nhiều như trên, và trải qua những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới cũng nhiều như trên, liên tục không ngừng; nhưng công đức người ấy đạt được, đem đối chiếu với công đức đạt được của người nghe mười nguyện vương này một lần lướt qua thính giác, thì công đức người trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cho đến một phần cực vi cũng không bằng. Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu[9], cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián, bao nhiêu khổ não trong đời như thân bịnh tâm bịnh vân vân, cho đến tất cả nghiệp dữ nhiều bằng số lượng cực vi của thế giới cũng được tiêu diệt cả; tất cả quân đội của ma vương, quỷ ăn thịt người, quỷ bạo ác, quỷ ăn tinh khí, quỷ điên cuồng, quỷ ăn thịt người loại tự hóa sinh[10], những quỷ ác thần ác uống huyết ăn thịt như vậy đều tránh xa người ấy, hoặc có khi phát tâm thân gần hộ vệ. Thế nên người nào tụng được thuộc lòng mười nguyện vương thì đi trong đời này không có gì trở ngại. Người ấy như vầng trăng đã ra khỏi mây mù che khuất. Người ấy được chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát tán dương ca tụng. Người ấy, tất cả nhân loại và chư thiên nên lạy và tôn kính. Người ấy, tất cả chúng sinh cùng nên hiến cúng. Người ấy khéo làm thân người, đầy đủ công đức của Phổ Hiền đại sĩ, không bao lâu sẽ như Phổ Hiền đại sĩ, mau chóng được cái sắc thân nhiệm mầu, đủ cả ba mươi hai tướng của bậc đại trượng phu. Người ấy nếu sinh trong nhân loại hay chư thiên thì ở đâu cũng thuộc dòng họ hơn hết, phá hoại được tất cả đường ác, tránh xa được tất cả bạn dữ, chế ngự được tất cả ngoại đạo, giải thoát được tất cả phiền não. Người ấy như sư tử chúa làm cho các loài thú vật phải khuất phục. Người ấy kham nhận sự hiến cúng của tất cả chúng sinh.

Lại nữa, người ấy khi sắp chết, sát na sau cùng thì tất cả giác quan đều hư hỏng, tất cả thân nhân đều rời bỏ, tất cả uy thế đều tan mất, [và dầu là vua đi nữa, lúc ấy] tể tướng, đại thần, nội cung, ngoại thành, voi ngựa, xe cộ, vàng ngọc, kho tàng trong lòng đất, tất cả không ai và không gì đi theo. Chỉ có mười nguyện vương này không hề rời bỏ người ấy, lúc nào cũng hướng dẫn trước mắt. Và trong một sát na, người ấy tức khắc được sinh thế giới Cực lạc. Sinh rồi tức khắc được thấy đức A Di Đà Phật, với các vị Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Tự Tại Bồ tát, Di Lạc Bồ tát, và các vị Bồ tát đồng đẳng, sắc tướng trang nghiêm, công đức toàn hảo, cùng nhau vây quanh Ngài. Người ấy lại tự thấy bản thân sinh trong hoa sen và được đức A Di Đà Phật thọ ký cho. Được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn vạn ức triệu thời kỳ, khắp trong thế giới nhiều đến hai lần không thể nói, đem sức mạnh trí tuệ, tùy tâm ý chúng sinh mà ích lợi cho họ, và không bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ đề tràng, chiến thắng quân đội của ma vương, thành bậc Đẳng Chánh Giác, chuyển đẩy diệu pháp luân, làm cho chúng sinh trong những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi thế giới phát Bồ đề tâm, tùy trình độ của chúng sinh mà giáo hóa cho họ thành thục, cho đến cùng tận biển cả thời kỳ vị lai, lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sinh. Thiện nam tử, những ai nghe và tin mười đại nguyện vương[11] này, tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, thì công đức người ấy có được, ngoại trừ chư vị Thế Tôn không ai biết hết. Thế nên các người nghe mười đại nguyện vương này đừng có hoài nghi, mà nên tiếp nhận cho chắc chắn, tiếp nhận rồi có thể đọc xét văn nghĩa, đọc xét văn nghĩa rồi có thể tụng được thuộc lòng, tụng được thuộc lòng rồi có thể ghi nhớ, cho đến sao chép, giảng nói cho người. Những người như vậy, ngay trong một sát na mà mọi hạnh nguyện đều viên thành, cái khối phước đức mà họ thu hoạch thì vô lượng vô biên. Trong biển khổ phiền não to lớn, họ cứu vớt cho chúng sinh thoát khỏi và cùng được vãng sanh thế giới Cực lạc của đức A Di Đà Phật.

Lúc bấy giờ Phổ Hiền đại sĩ muốn lập lại ý nghĩa đã nói, nên nhìn khắp tất cả khu vức mà nói những lời chỉnh cú sau đây:

(1)      Hết thảy chư Phật
trong ba thì gian
tại các thế giới
khắp cả mười phương,
tôi vận dụng cả
ba nghiệp trong sạch
kính lạy khắp cả
không có thiếu sót.

(2)      Năng lực uy thần
của hạnh Phổ Hiền
làm tôi hiện khắp
trước chư Như Lai,
một thân lại hiện
thân như cực vị,
lạy khắp chư Phật
cũng như cực vi.

(3)      Trong một cực vi
có chư Phật đà
nhiều bằng cực vị,
và đều ở trong
chúng hội Bồ tát;
cực vi tất cả
pháp giới vô tận
cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật
thật sâu và đầy.

(4)      Nên biển âm thanh
tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận
lời chữ nghiệm mầu,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai
tán dương biển cả
công đức của Phật.

(5)      Tôi đem vòng hoa
tốt đẹp hơn hết,
âm nhạc, hương hoa,
tàn lọng, bảo cái,
những đồ trang hoàng
hơn hết như vậy,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như Lai.

(6)      Y phục hơn hết,
hương liệu hơn hết,
hương bột, hương đốt,
cùng với đèn đuốc,
tất cả đều như
Diệu cao núi lớn,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như Lai.

(7)      Tôi đem cái biết
cao rộng hơn hết
tin tưởng sâu xa
tam thế chư Phật,
vận dụng sức mạnh
hạnh nguyện Phổ Hiền
mà khắp hiến cúng
chư vị Như Lai.

(8)      Bao nhiêu nghiệp dữ
xưa kia tôi làm,
đều bởi vô thỉ
những tham sân si,
động thân miệng ý
mà phát sinh ra,
ngày nay tôi nguyện
sám hối tất cả.

(9)      Mười phương hết thảy
các loại chúng sinh,
cùng với các vị
Thanh văn, Duyên giác,
Tu học tiếp tục,
Tu học hoàn tất,
tất cả Như Lai,
cùng với Bồ tát,
công đức có gì
tôi tùy hỷ cả.

(10)    Mười phương đâu có
Ngọn đèn thế giới
khi mới thành tựu
tuệ giác vô thượng,
tôi xin thỉnh cầu
tất cả các Ngài
chuyển đẩy bánh xe
diệu pháp tối thượng.

(11)    Chư vị Như Lai
muốn hiện niết bàn,
thì tôi chí thành
thỉnh cầu các Ngài
sống với đời kiếp
nhiều như cực vi,
để làm lợi lạc
hết thảy chúng sinh.

(12)    Lạy Phật, khen Phật
và hiến cúng Phật[i],
xin Phật ở đời
và chuyển pháp luân,
tùy hỷ, sám hối,
bao thiện căn ấy,
tôi đem hồi hướng
lợi ích chúng sinh
có nghĩa hồi hướng
nguyện thành trí Phật[ii].

(13)    Tôi theo mà học
chư vị Như Lai,
tu tập tất cả
hạnh nguyện Phổ Hiền,
phụng sự quá khứ
chư vị Như Lai,
cùng với hiện tại
chư vị Phật đà,

(14)    vị lai các bậc
Thầy của trời người,
bao nhiêu ý nguyện
đều viên mãn cả,
tôi nguyện học tập
tam thế chư Phật,
để mau hoàn thành
tuệ giác vô thượng.[iii]

(15)    Tất cả thế giới
khắp cả mười phương
rộng lớn trong sạch
nhiệm mầu trang nghiêm,
ở đâu cũng có
đại hội Bồ tát
bao quanh chư Phật,
trong khi chư Phật
cùng ngồi dưới cây
bồ đề đại thọ.

(16)    Cầu nguyện chúng sinh
khắp cả mười phương
thoát hết lo sợ
thường hưởng yên vui,
thu hoạch lợi ích
của Pháp sâu xa,
diệt trừ phiền não
không còn thừa sót[iv].

(17)    Khi tôi tu tập[v]
vì đại bồ đề
thì ở loài nào
cũng biết đời trước,
thường được xuất gia
nghiêm giữ tịnh giới,
không để giới thể
bị dơ bị vỡ
hay bị xuyên thủng
hoặc bị sơ suất[vi].

(18)    Tất cả chư thiên
cùng với quỷ thần,
hết thảy nhân loại
và bao loài khác,
bao nhiêu chúng sinh
bao nhiêu tiếng nói,
tôi dùng tiếng ấy
mà thuyết pháp cho.

(19)    Siêng tu các pháp
ba la mật đa
cực kỳ trong sáng,
thường xuyên chuyên chú
không để quên mất
tâm đại bồ đề,
diệt trừ dơ bẩn
không cho sót lại,
viên thành tất cả
hạnh nguyện nhiệm mầu.

(20)    Đối với mê lầm
cùng với nghiệp dữ,
đối với cảnh ngộ
hiện thân ma vương,
trong cõi đời này
mà được siêu thoát,
tựa như hoa sen
không hề dính nước,
cũng như nhật nguyệt
không vướng không gian.

(21)    Tận trừ toàn bộ
nỗi khổ đường dữ,
bình đẳng cho vui
bao loại sinh linh,
trải qua thời kỳ
nhiều như cực vi,
lợi ích mười phương
không có cùng tận.

(22)    Tôi hằng tùy thuận
các loại chúng sinh,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai,
thường xuyên tu tập
hạnh nguyện Phổ Hiền
cực kỳ rộng lớn,
viên mãn thành tựu
tuệ giác bồ đề
cực kỳ tối thượng.

(23)    Bao nhiêu những người
đồng hành với tôi,
nguyện ở chỗ nào
cũng thường gặp nhau,
thân miệng và ý
đều như nhau cả,
cùng nhau tu học
hết thảy hạnh nguyện.

(24)    Những thiện tri thức
lợi ích cho tôi,
chỉ dẫn cho tôi
hạnh nguyện Phổ Hiền,
cũng nguyện thường xuyên
được gặp gỡ nhau,
lại nguyện thường xuyên
hoan hỷ cho tôi.

(25)    Nguyện thường nhìn thấy
chư vị Như Lai,
cùng chư Bồ tát
vây quanh các Ngài,
đối với các Ngài
nguyện hiến cúng lớn,
cùng tận vị lai
không biết chán mệt.

(26)    Nguyện được duy trì
pháp mầu của Phật,
làm cho rực rỡ
hạnh nguyện bồ đề,
trong sạch rốt ráo
đường đi Phổ Hiền,
cùng tận vị lai
thường xuyên tu tập.

(27)    Ở trong tất cả
thế giới ba cõi,
tôi tu phước trí
thường xuyên vô tận,
định tuệ phương tiện
cùng với giải thoát,
được kho công đức
vô tận như vậy.

(28)    Mỗi một cực vi
có số thế giới
nhiều bằng cực vi,
mỗi một thế giới
có các đức Phật
khó thể nghĩ thấu,
mỗi một đức Phật
đều ở chính giữa
đại hội Bồ tát,
và tôi nhìn thấy
các Ngài thường nói
hạnh nguyện bồ đề.

(29)    Biển cả thế giới
khắp mười phương hướng,
biển cả thì gian
nhiều bằng đầu lông[vii],
biển cả Phật đà,
biển cả quốc độ,
biển cả thời kỳ
mà tôi tu hành.

(30)    Chư vị Như Lai
lời tiếng trong sáng,
mỗi tiếng đủ hết
biển cả âm thanh,
những lời tiếng ấy
tùy ý chúng sinh,
mỗi tiếng xuất ra
biển cả hùng biện.

(31)    Chư vị Như Lai
trong ba thì gian,
vận dụng vô tận
biển cả lời tiếng,
thường chuyển pháp luân
lý thú nhiệm mầu,
nhưng trí tuệ lực
sâu xa của tôi
có thể hội nhập
một cách toàn diện.

(32)    Tôi thấu hiểu được
toàn thể thời kỳ
của thì vị lai
là một sát na,
tôi cũng thấu hiểu
toàn thể thời kỳ
cả ba thì gian
là một sát na.

(33)    Trong một sát na
mà tôi thấy hết
tất cả chư Phật
trong ba thì gian,
tôi thường thấu hiểu
lĩnh vực của Phật
thể chứng các pháp
toàn như ảo thuật,
giải thoát cao sâu,
uy lực hùng mãnh.

(34)    Nơi mỗi cực vi
trên đầu sợi lông,
xuất hiện thế giới
quá khứ hiện tại
cùng với vị lai
cực kỳ trang nghiêm.
Thế giới mười phương
nhiều như cực vi
trên đầu sợi lông,
tôi thâm nhập cả
mà làm toàn thể
trang nghiêm trong sạch.

(35)    Cùng tận vị lai
có bao Phật đà
thành vô thượng giác
chuyển chánh pháp luân
mở mắt quần sinh
ở trong ba cõi,
việc Phật hoàn tất
thị hiện niết bàn,
tôi đều đi đến
thân gần phụng sự.

(36)    Năng lực thần thông
đến mau khắp cả,
năng lực đại thừa
biến thể toàn diện,
năng lực công đức
tu hết trí hạnh,
năng lực đại từ
che hết chúng sinh,

(37)    năng lực thắng phước
trang hoàng khắp nơi,
năng lực thắng trí
không hề vướng mắc,
năng lực uy thần
đủ mọi phương tiện[viii],
năng lực bồ đề
qui tụ hết thảy,

(38)    năng lực thiện nghiệp
làm sạch tất cả,
năng lực diệt trừ
tất cả phiền não,
năng lực chiến thắng
tất cả ma quân,
năng lực viên mãn
hạnh nguyện Phổ Hiền[ix];

(39)    trang hoàng sạch sẽ
biển cả thế giới,
giải thoát hết thảy
biển cả chúng sinh,
khéo léo phân biệt
biển cả các pháp,
nhập vào sâu xa
biển cả trí tuệ,

(40)    làm trong sáng hết
biển cả đại hạnh,
làm đầy đủ cả
biển cả đại nguyện,
thân gần hiến cúng
biển cả Phật đà,
tu không mệt mỏi
biển cả thời kỳ.

(41)    Bao nhiêu hạnh nguyện
tuệ giác tối thượng
của chư Như Lai
trong ba thì gian,
tôi tôn thờ cả
và tu đầy đủ:
vận dụng tất cả
hạnh nguyện Phổ Hiền
tôi giác ngộ được
vô thượng bồ đề.

(42)    Tất cả Như Lai
đều có trưởng tử,
cùng một danh hiệu
danh hiệu Phổ Hiền[x];
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn[xi],
nguyện bao trí tuệ
đồng đẳng các vị.

(43)    Cả thân miệng ý
thường xuyên trong sáng,
hạnh nguyện, quốc độ,
cũng đều như vậy:
trí tuệ đến thế
nên tên Phổ Hiền,
nguyện tôi đồng đẳng
với các vị ấy.

(44)    Tôi vì trong sáng
hạnh nguyện Phổ Hiền,
nên bao hạnh nguyện
của ngài Văn Thù,
tôi tu đủ cả
không có thiếu sót,
cùng tận vị lai
không hề mỏi mệt.

(45)    Sự tu của tôi
không có hạn lượng,
công đức đạt được
cũng không số lượng;
đứng vững ở trong
vô lượng hạnh nguyện,
tôi thấu triệt hết
bao thần thông lực.

(46)    Trí hạnh Văn Thù
cực kỳ dũng mãnh,
tuệ hạnh Phổ Hiền
cũng là như vậy;
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn,
để theo các ngài
thường xuyên tu học.

(47)    Các đại nguyện vương
tối thắng như vầy
được sự ca tụng
của chư Như Lai,
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn
để được hạnh nguyện
Phổ Hiền tối thượng[xii].

(48)    Nguyện tôi trong lúc
sinh mệnh sắp chết,
thì loại được cả
mọi sự trở ngại,
trực tiếp nhìn thấy
đức A Di Đà,
tức khắc được sinh
thế giới Cực lạc.

(49)    Tôi đã sinh ra
thế giới ấy rồi,
trước mắt thành tựu
đại nguyện vương này,
thành tựu đầy đủ
không có thiếu sót,
lợi lạc tất cả
thế giới chúng sinh.

(50)    Bồ tát hải hội
của đức Di Đà
ai cũng trong sạch,
còn tôi lúc ấy
hóa sinh ở trong
hoa sen tối thắng,
đích thân nhìn thấy
đức A Di Đà,
và ngài đối diện
thọ ký cho tôi
thành tựu tuệ giác
vô thượng bồ đề.

(51)    Nhờ ơn của ngài
thọ ký cho rồi,
tôi liền biến thể
vô số thân hình,
với trí tuệ lực
cực kỳ rộng lớn,
tôi làm lợi lạc
tất cả chúng sinh.

(52)    Hư không cho đến
phiền não cùng tận,
đại nguyện của tôi
mới có cùng tận,
nhưng bốn thứ ấy
không có cùng tận,
đại nguyện của tôi,
cũng không cùng tận.

(53)    Ai đem bảo vật
đầy cả thế giới
khắp mười phương hướng
mà hiến cúng Phật,
lại cho trời người
hạnh phúc tuyệt vời,
và làm như vậy
trải qua thời kỳ
bằng số cực vi
của mọi thế giới;

(54)    và ai đối với
đại nguyện vương này
một lần nghe đến
mà sinh tin tưởng,
với sự khao khát
Vô thượng Bồ đề,
thì được công đức
quá hơn người trước.

(55)    Và rồi xa rời
bạn bè xấu ác,
với lại xa hẳn
các nẻo đường dữ,
mau chóng nhìn thấy
đức A Di Đà,
và đủ hạnh nguyện
Phổ Hiền tối thượng.

(56)    Người ấy khéo được
đời sống đặc thù,
người ấy khéo sinh
ở trong loài người,
người ấy không lâu
sẽ được hoàn thành
hạnh nguyện y như
Phổ Hiền đại sĩ.

(57)    Nếu mà xưa kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ Hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy.

(58)    Lại còn toàn hảo
dòng họ, thành phần,
sắc tướng, trí tuệ,
quân đội ma vương[xiii]
và những ngoại đạo
không thể đánh đổ,
kham được ba cõi
cùng nhau hiến cúng.

(59)    Và mau đến ngồi
dưới Bồ đề thọ,
chiến thắng các đạo
quân đội ma vương,
thành Đẳng chánh giác
chuyển diệu pháp luân,
lợi lạc hết thảy
các loại chúng sinh.

(60)    Thế nên những ai
đối với hạnh nguyện
của đức Phổ Hiền
mà biết tiếp nhận,
ghi nhớ, đọc tụng,
và nói cho người,
thì được kết quả
chỉ Phật mới biết,
quyết định thực hiện
Vô thượng Bồ đề.

(61)    Người nào trì tụng
hạnh nguyện Phổ Hiền,
mà tôi nói về
chút ít thiện căn,
là một sát na
họ đủ tất cả
đại thanh tịnh nguyện
tác thành chúng sinh.

(62)       Hạnh nguyện Phổ Hiền
tối thượng của tôi,
vô biên thắng phước
tôi hồi hướng cả,
nguyện bao chúng sinh
đang còn chìm đắm,
mau chóng được sinh
thế giới Cực lạc
của đức Thế Tôn
A Di Đà Phật.

[i] Chính văn là “sở hữu lễ tán cúng dường Phật”. Câu này nếu nói rõ là sở hữu lễ Phật, tán Phật, cúng dường Phật. Vậy chữ Phật chữa thành chữ Phước là rất sai.

[ii] Mười hai bài chỉnh cú này nói về 8 đại nguyện: 1-2 là lễ kính Phật đà; 3-4 là 2 tán dương Như Lai; 5-7 là 3 hiến cúng rộng lớn; 8 là 4 sám hối nghiệp chướng; 9 là 5 tùy hỷ công đức; 10 là 6 xin chuyển pháp luân; 11 là 7 xin Phật ở đời; 12 là, theo ý đại sư Thái Hư, nói trước một cách tổng quát về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.

[iii] Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 13-14 này là đại nguyện 8 thường học theo Phật.

[iv] ) Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 15-16 này là đại nguyện 9 hằng thuận chúng sinh

[v] Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 17-47 sau đây là đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả, nói đầy đủ hơn. Tựu trung chia ra hai đoạn lớn: đoạn một, các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đoạn hai, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện.

[vi] Lậu, dịch đúng là rỉ lọt, mà ở đây là sai sót, sơ hở, sơ suất.

[vii] Nghĩa là nhiều như cực vi trên đầu sợi lông.

[viii] Dịch đủ: Thiền định, trí tuệ, phương tiện.

[ix] Coi lại ghi chú 18. Ở đó đã nói các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đó là:
1. 17-18 là nguyện hộ vệ chánh pháp,
2. 19-20 là nguyện tự lợi lợi tha,
3. 21-22 là nguyện thành thục chúng sinh,
4. 23-24 là nguyện không rời đồng hành,
5. 25-26 là nguyện hiến cúng chánh pháp,
6. 27-28 là nguyện được lợi công đức,
7. 29-31 là nguyện chuyển đẩy pháp luân,
8. 32-33 là nguyện nhập cảnh giới Phật,
9. 34-35 là nguyện phụng sự chư Phật,
10. 36-38 là nguyện mau thành chánh giác.

[x] Coi lại ghi chú 3. Tất cả chữ Phổ Hiền, trong trường hàng cũng như chỉnh cú, có 3 nghĩa. Một, có khi chỉ cho đức Phổ Hiền, thì viết hoa. Hai, đa số chỉ cho tính cách phổ hiền, thì viết thường. Ba, có khi chỉ cho các đức Phổ Hiền khác, thì cũng viết hoa.

[xi] Chữ này, ở đây và ở dưới, là chỉ cho mười hạnh nguyện Phổ Hiền.

[xii] Coi lại ghi chú 18. Ở đó đã nói, theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện. Gồm lại, các chỉnh cú 17-47 là nói về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.

[xiii] Có 2 nghĩa, nghĩa chính là quân đội của ma vương thật; nghĩa nữa là dục vọng, cũng gọi là quân đội của ma vương. Chưa kể có nơi từ ngữ này còn nói đến cơ thể (ngũ âm) sự chết và phiền não.




Lama Tsongkhapa: XƯNG TÁN DUYÊN KHỞI

Tựa Đề Tạng Ngữ (Tibetan Title): རྟེན་འབྲེལ་བསྟོད་པ་བཞུགས་སོ། ། 
-Tác giả (author): Lama Tsongkhapa
-Việt ngữ: Hồng Như, bản thảo 12 tháng 5 năm 2019

Việt (Vietnamese) | Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)

Xưng Tán Duyên Khởi

Lama Tông Khách Ba

Nam mô Guru Manjughoshaya (Kính lạy đức Văn Thù Diệu Âm)

1. Người nào thuyết pháp / từ sự chứng biết,
trí ấy, giáo ấy / không một ai hơn.
Con xin kính lễ / đức Phật tối thắng,
Bậc chứng rồi giảng / giáo pháp duyên sinh.

2. Cõi thế gian này / có bao suy thoái,
hết thảy đều từ / gốc rễ vô minh.
Đức Phật dạy rằng / bất kể là ai,
chứng được duyên sinh / là dẹp được cả.

3. Nên người có trí
đâu thể không hiểu
rằng pháp duyên sinh
chính là cốt tủy / giáo pháp Phật dạy.

4. Vậy xưng tán Phật
đâu có lối nào
mầu nhiệm hơn là
xưng tán bậc thuyết / giáo pháp duyên sinh.

5. “Việc gì đã tùy / nhân duyên sinh ra
thì việc ấy vốn / không có tự tánh.”
Có lời dạy nào / tuyệt diệu hơn là
lời dạy này đây.

6. Vì bám vào đó / mà kẻ ấu trĩ
ràng buộc biên kiến / càng thêm kiên cố;
cũng chính nơi đó / lại là cửa ngỏ
cho người có trí / xẻ lưới niệm khởi.

7. Pháp này nơi khác / chưa từng nghe qua
nên gọi Phật là / đạo sư duy nhất.
Nếu gọi ngoại đạo / [là bậc đạo sư] /
thì khác gì gọi / cáo là sư tử,
chỉ giống như lời / tâng bốc mà thôi.

8. Tuyệt thay đạo sư! Tuyệt thay chỗ nương!
Tuyệt thay luận sư! Tuyệt thay cứu độ!
Đối trước bậc Thầy / khéo thuyết duyên khởi,
con xin đảnh lễ.

9. Để giúp chữa bệnh / nên đấng Lợi Sinh
dạy cho hữu tình
lý luận vô song
xác định tánh không, / trái tim chánh pháp.

10. Lối duyên khởi này
nếu thấy mâu thuẫn / không thể xác minh
thì pháp của Phật
làm sao có thể / thông đạt cho được?

11. Với Phật, bao giờ
chứng được tánh không / qua nghĩa duyên khởi
sẽ thấy tuy rằng / không có tự tánh
vẫn tạo tác dụng, / không hề mâu thuẫn.

12. Phật dạy nếu như / thấy điều ngược lại,
ở trong tánh không / không có tác dụng
có tác dụng lại / không có tánh không,
sẽ phải rơi vào / vực sâu hung hiểm.

13. Vì lý do này / giáo pháp Phật dạy
hết mực đề cao / chứng ngộ duyên khởi;
không phải hoàn toàn / là không hiện hữu,
mà cũng không phải / là có tự tánh.

14. Sự tự-có như / hoa đốm giữa trời,
vì vậy không gì / là không tùy thuộc.
Nếu sự vật nhờ / chính mình mà có
thì không thể nào / tùy thuộc nhân duyên.

15. Nên Phật dạy rằng “vì không có gì
không từ duyên khởi
nên trừ phi là / không có tự tánh
bằng không chẳng có / pháp nào tồn tại.”

16. Phật dạy: “Tự tánh / không hề biến chuyển,
nên nếu các pháp / có chút tự tánh
thì quả niết bàn / không thể nào có,
niệm khởi cũng không / cách nào tịch diệt.”

17. Vì vậy nhiều lần / trước hàng trí giả
đức Phật nói bằng / tiếng sư tử hống,
rằng “sự vật vốn / tách lìa tự tánh”
Lời này đố ai / đủ sức phản biện.

18. Tự tánh mảy may / cũng không hề có,
mọi sự đều là / “tùy vào cái này
mà cái kia sinh.” / Có cần phải nói
rằng hai điều này / không hề mâu thuẫn?

19. “Vì hiện khởi nên
không vướng biên kiến.”
Chính vì đức Phật / khéo thuyết như vậy
nên gọi Ngài là / luận sư vô song.

20. “Hết thảy mọi sự / chân tánh vốn không”;
“từ điều này mà / quả kia sinh ra”:
hai khẳng định này hỗ trợ lẫn nhau
không hề mâu thuẫn.

21. Nhiệm mầu nào hơn?
kỳ diệu nào hơn?
Tán dương như vậy / mới là tán dương,
bằng không chẳng xứng.

22. Những ai vì bởi / mê muội khống chế
bất thuận với Phật / thì trước âm thanh
của không-tự-tánh / chẳng thể nào kham,
việc này không lạ.

23. Nhưng nếu tin nhận / kho tàng trân quí
của lời Phật dạy / về thuyết duyên khởi,
mà không kham nổi / tiếng gầm tánh không
mới thật lạ kỳ.

24. Lý duyên khởi là / cánh cửa vô thượng,
lối ngỏ dẫn vào / sự không-tự-tánh.
Nếu kẻ phàm phu / dựa danh duyên khởi
mà chấp tự tánh / thì phàm phu ấy

25. lạc mất lối ngỏ
mà chư thánh giả / đã từng khéo qua.
Đâu là phương tiện / đưa họ về lại
với con đường lành / khiến cho Phật vui?

26. “Tự tánh, không giả, / và không tùy thuộc”
cùng với “duyên sinh, / tùy thuộc, giả hợp”,
Làm sao có thể / qui về một chỗ
mà không mâu thuẫn?

27. Vì thế điều gì / từ duyên sinh ra,
mặc dù bản lai / vốn lìa tự tánh,
nhưng mà tướng hiện / lại giống như có,
nên Phật nói rằng / mọi sự hư huyễn.

28. Vì lý do này / nên con hiểu được
dù ai chống đối / với lời Phật dạy
vẫn không làm sao / xét đúng luận lý
mà tìm ra được / chút sơ hở nào.

29. Tại sao như vậy? / Vì lời giảng này
khiến cho sự vật—dù là thấy được /
hay không thể thấy— khả năng khẳng định /
hay là phủ định đều lìa rất xa.

30. Chính nhờ con đường / duyên khởi này đây,
thấy được lời Phật / thật không đâu sánh.
Vì lẽ này mà / khởi niềm xác quyết
Pháp nào của Phật / cũng đều đúng cả.

31. Phật chứng như nghĩa / rồi khéo nói ra,
những ai dụng công / theo gót chân Ngài,
bao nhiêu suy thoái / hết thảy đều xa,
bao gốc lỗi lầm / đều hồi đầu cả.

32. Còn người quay lưng / với lời Phật dạy
thì dù lao lực / trong thời gian dài
lỗi vẫn tăng thêm—như thể gọi mời—
là vì nương vào / tri kiến chấp ngã.

33. Tuyệt vời lắm thay! / Khi người có trí
hiểu sự khác biệt / giữa hai điều này
khi ấy đáy lòng / không thể nào không
sâu xa kính Phật.

34. Hãy khoan nói đến / vô lượng giáo pháp,
chỉ cần ý nghĩa / một nhánh nhỏ thôi,
dù chỉ đại khái / có được lòng tin,
cũng vẫn đạt được / niềm vui thù thắng.

35. Than ôi! con vì / tâm trí mê muội,
khối thiện đức ấy / qui y đã lâu,
thế nhưng cho dù / chỉ một mẩu nhỏ
cũng chưa hề có.

36. Tuy vậy, trước khi / sinh mạng một dòng
chảy cạn hết vào / miệng của Thần chết,
tín tâm nơi Phật / con được chút ít,
thiết nghĩ đó cũng / là điều đại hạnh.

37. Bậc thuyết duyên khởi / trong khắp giảng sư;
Trí chứng duyên khởi / trong khắp các trí;
Chỉ có Phật như / đế vương tôn thắng / trong cõi thế gian
mới khéo biết được, / người khác chẳng thể.

38. Bất kể là Phật / dạy cho pháp gì,
đều phát xuất từ / giáo lý duyên sinh
và đều hướng đến / mục tiêu niết bàn
Phật không hạnh nào / không khiến tịnh an.

39. Ôi! Giáo pháp Phật
rơi vào tai ai
đều khiến bình an,
hỏi ai lại chẳng / thiết tha giữ gìn.

40. Pháp này tận diệt / hết thảy đối địch;
làm tan biến hết / mâu thuẫn trước sau;
giúp cho toàn thành / cả hai lợi ích;
nhờ diệu pháp này / hoan hỉ càng tăng.

41. Chính vì vậy mà
Phật vô số kiếp / cho rồi lại cho:
khi thì cho thân / lúc lại cho mạng,
cho cả thân nhân, / thọ dụng tài sản.

42. Thấy được thiện đức / của giáo pháp này,/
con thật như là / con cá mắc câu,
từ nơi tim Phật / bị cuốn phăng vào.
Chẳng thể chính tai / nghe lời Phật dạy / thật là bất hạnh.

43. Nỗi thương tâm này / ray rức mãnh liệt,
níu mãi không buông / tâm trí của con.
Cũng tựa như là / trái tim người mẹ
giữ mãi không rời / đứa con thân yêu.

44. Mỗi khi con nhớ / đến lời Phật dạy,
là ý nghĩ này / lại hiện trong con:
“Bổn sư đứng giữa / vùng hào quang sáng,
tướng hảo chánh phụ / rực rỡ rạng ngời,

45. đã dùng Phạm Âm / mà thuyết như vậy.”
Ảnh Phật khi ấy / hiện ra trong con,
xoa dịu trái tim / rát bỏng mòn mỏi,
như trăng thanh mát / dịu cõi nóng khô.

46. Đối với giáo pháp / kỳ diệu này đây
phàm phu kém trí
thấy rối mịt mờ
như là cỏ bện.

47. Nhìn thấy cảnh này / con đã lắm lần
theo bậc trí giả
cố gắng nỗ lực
tìm rồi lại tìm / ý thật của Phật.

48. Khi ấy con học
rất nhiều kinh luận / tông môn trong ngoài,
tâm triền miên khổ
vì lưới hoài nghi.

49-51. Cỗ xe vô thượng / mà Phật để lại,
hai đầu có-không / đều lìa bỏ hết,
được đức Long-thọ—người Phật thọ ký—
giảng đúng như thật.
Vườn hoa kun-da / của luận Long thọ
ngời ánh nguyệt quang / của luận Nguyệt Xứng
trắng sáng rạng soi / tỏ tường khắp cả,
trí tuệ vô cấu / một khối tròn đầy,
du hành vô ngại / giữa trời giáo thuyết,
xóa tan tăm tối / trái tim chấp thủ,
ngàn sao tà thuyết / đều phải lu mờ.
Nhờ ơn đạo sư / thấy được điều này,
tâm con khi ấy / mới thật bình yên.

52. Trong mọi thiện hạnh / mà Phật đã làm, /
thuyết pháp là nhất. Pháp thuyết cũng vậy, /
là pháp này đây.  Vì vậy kẻ trí /
nên từ chỗ này mà nhớ đến Phật.

53. Theo gót đấng bổn sư / tôi xuất gia thanh tịnh
tu học lời Phật dạy / không để cho kém cỏi
Tỷ kheo này cố gắng / tu tập hạnh du già
để tỏ lòng tôn kính / với bậc Đại Chân Thật.

54. Gặp được giáo pháp này / của bậc Thầy vô thượng
hết thảy đều nhờ vào / lòng từ của Ân sư
Vậy công đức nơi đây / tôi nguyện xin hồi hướng
cho chúng sinh luôn được / bậc chân sư giữ gìn.

55. Pháp của đấng Lợi Sinh / nguyện cùng tận sinh tử
không bao giờ khuynh động / bởi ngọn gió tà niệm;
nguyện luôn đầy ắp người / chứng cảnh giới lời Phật
nhờ đó tâm xác quyết / tin tưởng đấng đạo sư.

56. Nguyện trì pháp Mâu ni,
sáng soi lý duyên khởi,
mọi đời kiếp về sau / xả bỏ cả thân mạng
không bao giờ xao lãng / dù chỉ thoáng chốc thôi.
 
57. “Bậc dẫn đường tối thượng / bỏ công khó vô lượng
mới đạt được pháp này
nay dùng cách nào đây / để hoằng dương chánh pháp?”/)
nguyện tôi ngày lẫn đêm / luôn quán xét điều này.

58. Khi nỗ lực như vậy / với đại nguyện trong sáng
Nguyện Phạm Thiên, Đế Thích, / cùng chư vị hộ thế
và hộ pháp như là / đức Mahakala
luôn nâng đỡ cho tôi / không bao giờ lơi nghỉ

Bài pháp tên “Tinh Túy Trí Khéo Thuyết” này do bậc Tỷ kheo Đa văn Losang Dragpa trước tác.
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ Tạng ngữ (Kopan Monastery Prayer Book), tham khảo với các bản dịch Anh ngữ của Thupten Jinpa Kilty Galvin,  12 tháng 5 năm 2019

Việt (Vietnamese) | Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English



Việt (Vietnamese)| Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)

རྟེན་འབྲེལ་བསྟོད་པ་བཞུགས་སོ། །

༡ ༽   གང་ཞིག་གཟིགས་ཤིང་གསུངས་པ་ཡི། །མཁྱེན་དང་སྟོན་པ་བླ་ན་མེད། །རྒྱལ་བ་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་། །གཟིགས་ཤིང་འདོམས་པ་དེ་ལ་འདུད། །
༢ ༽   འཇིག་རྟེན་རྒུད་པ་ཇི་སྙེད་པ། །དེ་ཡི་རྩ་བ་མ་རིག་སྟེ། །གང་ཞིག་མཐོང་བས་དེ་ལྡོག་པ། །རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བར་གསུངས། །
༣ ༽   དེ་ཚེ་བློ་དང་ལྡན་པ་ཡིས། །རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བའི་ལམ།ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པའི་གནད་ཉིད་དུ། །ཇི་ལྟར་ཁོང་དུ་ཆུད་མི་འགྱུར༑
༤ ༽   དེ་ལྟ་ལགས་ན་མགོན་ཁྱོད་ལ། །བསྟོད་པའི་སྒོར་ནི་  སུ་ཞིག་གིས། །བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་གསུངས་པ་ལས། །ངོ་མཚར་གྱུར་པ་ཅི་ཞིག་རྙེད། །
༥ ༽   གང་གང་རྐྱེན་ལ་རག་ལས་པ། །དེ་དེ་རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་ཞེས། །གསུངས་པ་འདི་ལས་ཡ་མཚན་པའི། །ལེགས་འདོམས་ཚུལ་ནི་ཅི་ཞིག་ཡོད། །
༦ ༽   གང་དུ་བཟུང་བས་བྱིས་པ་རྣམས། །མཐར་འཛིན་འཆིང་བ་བརྟན་བྱེད་པ། །དེ་ཉིད་མཁས་ལ་སྤྲོས་པ་ཡི། །དྲ་བ་མ་ལུས་གཅོད་པའི་སྒོ། །
༧ ༽   བསྟན་འདི་གཞན་དུ་མ་མཐོང་བས། །སྟོན་པ་ཞེས་བྱ་ཁྱོད་ཉིད་དེ། །ཝ་སྐྱེས་ལ་ནི་སེང་གེ་བཞིན། །མུ་སྟེགས་ཅན་ལའང་གཅམ་བུའི་ཚིག།
༨ ༽   ཨེ་མའོ་སྟོན་པ་ཨེ་མའོ་སྐྱབས། །ཨེ་མའོ་སྨྲ་མཆོག་ཨེ་མའོ་མགོན། །རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་འབྱུང་ལེགས་གསུངས་པའི། །སྟོན་པ་དེ་ལ་བདག་ཕྱག་འཚལ། །
༩ ༽   ཕན་མཛད་ཁྱོད་ཀྱིས་འགྲོ་བ་ལ། །སྨན་པའི་སླད་དུ་བཀའ་སྩལ་བ། །བསྟན་པའི་སྙིང་པོ་སྟོང་པ་ཉིད། །ངེས་པའི་རྒྱུ་མཚན་ཟླ་མེད་པ། །
༡༠ ༽   རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བའི་ཚུལ། །འགལ་བ་དང་ནི་མ་གྲུབ་པར། །མཐོང་བ་འདི་ཡིས་ཁྱོད་ཀྱི་ལུགས། །ཇི་ལྟར་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་ནུས༑
༡༡ ༽   ཁྱོད་ནི་ནམ་ཞིག་སྟོང་པ་ཉིད། །རྟེན་འབྱུང་དོན་དུ་མཐོང་བ་ན། །རང་བཞིན་གྱིས་ནི་སྟོང་པ་དང་། །བྱ་བྱེད་འཐད་པའང་མི་འགལ་ཞིང་། །
༡༢ ༽   དེ་ལས་ལྡོག་པར་མཐོང་བ་ན། །སྟོང་ལ་བྱ་བ་མི་རུང་ཞིང་། །བྱ་དང་བཅས་ལ་སྟོང་མེད་པས། །ཉམ་ངའི་གཡང་དུ་ལྟུང་བར་བཞེད། །
༡༣ ༽   དེ་ཕྱིར་ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པ་ལ། །རྟེན་འབྱུང་མཐོང་བ་ལེགས་པར་བསྔགས། །དེ་ཡང་ཀུན་ཏུ་མེད་པ་དང་། །རང་བཞིན་གྱིས་ནི་ཡོད་པས་མིན། །
༡༤ ༽   ལྟོས་མེད་ནམ་མཁའི་མེ་ཏོག་བཞིན། །དེས་ན་མ་བརྟེན་ཡོད་མ་ཡིན། །ངོ་བོས་གྲུབ་ན་དེ་འགྲུབ་པ། །རྒྱུ་དང་རྐྱེན་ལ་ལྟོས་པ་འགལ། །
༡༥ ༽   དེ་ཕྱིར་བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་ལས། །མ་གཏོགས་ཆོས་འགའ་ཡོད་མིན་པས། །རང་བཞིན་གྱིས་ནི་སྟོང་པ་ལས། །མ་གཏོགས་ཆོས་འགའ་མེད་པར་གསུངས། །
༡༦ ༽   རང་བཞིན་ལྡོག་པ་མེད་པའི་ཕྱིར། །ཆོས་རྣམས་རང་བཞིན་འགའ་ཡོད་ན། །མྱ་ངན་འདས་པ་མི་རུང་ཞིང་། །སྤྲོས་ཀུན་ལྡོག་པ་མེད་པར་གསུངས། །
༡༧ ༽   དེ་ཕྱིར་རང་བཞིན་རྣམ་བྲལ་ཞེས། །སེང་གེའི་སྒྲ་ཡིས་ཡང་ཡང་དུ། །མཁས་པའི་ཚོགས་སུ་ལེགས་གསུངས་པ། །འདི་ལ་སུ་ཡིས་འགོང་བར་ནུས། །
༡༨ ༽   རང་བཞིན་འགའ་ཡང་མེད་པ་དང་། །འདི་ལ་བརྟེན་ནས་འདི་འབྱུང་བའི། །རྣམ་བཞག་ཐམས་ཅད་འཐད་པ་གཉིས། །མི་འགལ་འདུ་བ་སྨོས་ཅི་དགོས། །
༡༩ ༽   བརྟེན་ནས་འབྱུང་བའི་རྒྱུ་མཚན་གྱིས། །མཐར་ལྟ་བ་ལ་མི་བརྟེན་ཞེས། །ལེགས་གསུངས་འདི་ནི་མགོན་ཁྱོད་ཀྱི། །སྨྲ་བ་བླ་ན་མེད་པའི་རྒྱུ། །
༢༠ ༽   འདི་ཀུན་ངོ་བོས་སྟོང་པ་དང་། །འདི་ལས་འདི་འབྲས་འབྱུང་བ་ཡི། །ངེས་པ་གཉིས་པོ་ཕན་ཚུན་དུ། །གེགས་མེད་པར་ནི་གྲོགས་བྱེད་པ། །
༢༡ ༽   འདི་ལས་ངོ་མཚར་གྱུར་པ་དང་། །འདི་ལས་རྨད་དུ་བྱུང་བ་གང་། །ཚུལ་འདིས་ཁྱོད་ལ་བསྟོད་ན་ནི། །བསྟོད་པར་འགྱུར་གྱི་གཞན་དུ་མིན། །
༢༢ ༽   རྨོངས་པས་བྲན་དུ་བཟུང་བ་ཡིས། །གང་ཞིག་ཁྱོད་དང་ཞེ་འགྲས་པ། །དེ་ཡིས་རང་བཞིན་མེད་པའི་སྒྲ། །མི་བཟོད་གྱུར་ལ་མཚར་ཅི་ཡོད།
༢༣ ༽   ཁྱོད་ཀྱི་གསུང་གི་གཅེས་པའི་མཛོད། །བརྟེན་ནས་འབྱུང་བར་ཁས་བླངས་ནས། །སྟོང་ཉིད་ང་རོ་མི་བཟོད་པ། །འདི་ལ་ཁོ་བོ་ངོ་མཚར་གྱུར། །
༢༤ ༽   རང་བཞིན་མེད་ལ་བཀྲི་བའི་སྒོ། །བླ་མེད་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་འབྱུང་གི།མིང་ཉིད་ཀྱིས་ནི་རང་བཞིན་དུ། །འཛིན་ན་ད་ཀོ་སྐྱེ་བོ་འདི། །
༢༥ ༽   འཕགས་མཆོག་རྣམས་ཀྱིས་ལེགས་བགྲོད་པའི། །འཇུག་ངོགས་ཟླ་དང་བྲལ་གྱུར་པ།ཁྱོད་དགྱེས་གྱུར་པའི་ལམ་བཟང་དེར། །
ཐས་གང་གིས་ནི་བཀྲི་བར་བྱ། །
༢༦ ༽   རང་བཞིན་བཅོས་མིན་ལྟོས་མེད་དང་། །རྟེན་འབྲེལ་ལྟོས་དང་བཅོས་མ་གཉིས། །ཇི་ལྟ་བུར་ན་གཞི་གཅིག་ལ། །མི་འགལ་འདུ་བ་ཉིད་དུ་འགྱུར། །
༢༧ ༽   དེ་ཕྱིར་བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་གང་། །རང་བཞིན་གྱིས་ནི་གདོད་མ་ནས། །རྣམ་པར་དབེན་ཡང་དེར་སྣང་བས། །འདི་ཀུན་སྒྱུ་མ་བཞིན་དུ་གསུངས།
༢༨ ༽   ཁྱོད་ཀྱིས་ཇི་ལྟར་བསྟན་པ་ལ། །རྒོལ་བ་འགས་ཀྱང་ཆོས་མཐུན་དུ། །གླགས་མི་རྙེད་པར་གསུངས་པ་ཡང་། །འདི་ཉིད་ཀྱིས་ནི་ལེགས་པར་འཁུམས། །
༢༩ ༽   ཅི་སླད་ཅེ་ན་འདི་བཤད་པས། །མཐོང་དང་མ་མཐོང་དངོས་པོ་ལ། །སྒྲོ་འདོགས་པ་དང་སྐུར་འདེབས་ཀྱི། །གོ་སྐབས་རིང་དུ་མཛད་ཕྱིར་རོ༑
༣༠ ༽   ཁྱོད་ཀྱི་སྨྲ་བ་ཟླ་མེད་པར། །མཐོང་བའི་རྒྱུ་མཚན་རྟེན་འབྱུང་གི།ལམ་འདི་ཉིད་ཀྱིས་གསུང་གཞན་ཡང་། །ཚད་མར་གྱུར་པར་ངེས་པ་སྐྱེ། །
༣༡ ༽   དོན་བཞིན་གཟིགས་ནས་ལེགས་གསུངས་པ།ཁྱོད་ཀྱི་རྗེས་སུ་སློབ་པ་ལ། །རྒུད་པ་ཐམས་ཅད་རིང་དུ་གྱུར། །ཉེས་ཀུན་རྩ་བ་ལྡོག་ཕྱིར་རོ།
༣༢ ༽   ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་ལས་ཕྱིར་ཕྱོགས་པས། །ཡུན་རིང་ངལ་བ་བསྟེན་བྱས་ཀྱང་། །ཕྱི་ཕྱིར་སྐྱོན་རྣམས་བོས་པ་བཞིན། །བདག་ཏུ་ལྟ་བ་བརྟན་ཕྱིར་རོ། །
༣༣ ༽   ཨེ་མའོ་མཁས་པས་འདི་གཉིས་ཀྱི།ཁྱད་པར་ཁོང་དུ་ཆུད་གྱུར་པ། །དེ་ཚེ་རྐང་གི་ཁོང་ནས་ནི།ཁྱོད་ལ་ཅི་ཕྱིར་གུས་མི་འགྱུར།
༣༤ ༽   ཁྱོད་གསུང་དུ་མ་ཅི་ཞིག་སྨོས། །ཆ་ཤས་རེ་ཡི་དོན་ཙམ་ལའང་། །འོལ་སྤྱི་ཙམ་གྱི་ངེས་རྙེད་པ། །དེ་ལའང་མཆོག་གི་བདེ་བ་སྟེར། །
༣༥ ༽   ཀྱི་ཧུད་བདག་བློ་རྨོངས་པས་བཅོམ། །འདི་འདྲའི་ཡོན་ཏན་ཕུང་པོ་ལ༑།རིང་ནས་སྐྱབས་སུ་སོང་གྱུར་ཀྱང་། །ཡོན་ཏན་ཆ་ཙམ་མ་འཚལ་ཏོ། །
༣༦ ༽   འོན་ཀྱང་འཆི་བདག་ཁར་ཕྱོགས་པའི། །སྲོག་གི་རྒྱུན་ནི་མ་ནུབ་པར།ཁྱོད་ལ་ཅུང་ཟད་ཡིད་ཆེས་པ། ། ཁྱོད་ལ་ཅུང་ཟད་ཡིད་ཆེས་པ། །འདི་ཡང་སྐལ་བ་བཟང་སྙམ་བགྱིད། །
༣༧ ༽   ༈སྟོན་པའི་ནང་ན་རྟེན་འབྲེལ་སྟོན་པ་དང་། །ཤེས་རབ་ནང་ན་རྟེན་འབྲེལ་ཤེས་པ་གཉིས། །འཇིག་རྟེན་དག་ན་རྒྱལ་བའི་དབང་པོ་བཞིན། །ཕུལ་བྱུང་ལེགས་པར་ཁྱོད་མཁྱེན་གཞན་གྱིས་མིན།
༣༨ ༽   ཁྱེད་ཀྱིས་ཇི་སྙེད་བཀའ་སྩལ་པ། །རྟེན་འབྲེལ་ཉིད་ལས་བརྩམས་ཏེ་འཇུག།དེ་ཡང་མྱ་ངན་འདའ་ཕྱིར་ཏེ། །ཞི་འགྱུར་མིན་མཛད་ཁྱོད་ལ་མེད། །
༣༩ ༽   ཀྱེ་མའོ་ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པ་ནི། །གང་གི་རྣ་བའི་ལམ་སོང་བ༑།དེ་དག་ཐམས་ཅད་ཞི་འགྱུར་ཕྱིར། །ཁྱོད་བསྟན་འཛིན་པར་སུ་མི་གུས། །
༤༠ ༽   ཕས་རྒོལ་མཐའ་དག་འཇོམས་པ་དང་། །ལྟག་འོག་འགལ་འདུས་སྟོང་པ་དང་། །སྐྱེ་རྒུའི་དོན་གཉིས་སྟེར་བྱེད་པ། །ལུགས་འདིར་ཁོ་བོ་སྤྲོ་བ་འཕེལ། །
༤༡ ༽   འདི་ཡི་ཕྱིར་དུ་ཁྱོད་ཀྱིས་ནི། །ལ་ལར་སྐུ་དང་གཞན་དུ་སྲོག།སྡུག་པའི་གཉེན་དང་ལོངས་སྤྱོད་ཚོགས། །གྲངས་མེད་བསྐལ་པར་ཡང་ཡང་བཏང་། །
༤༢ ༽   གང་གི་ཡོན་ཏན་མཐོང་བ་ཡིས། །ལྕགས་ཀྱུས་ཉ་ལ་ཇི་བཞིན་དུ། །ཉིད་ཀྱིས་ཐུགས་དྲངས་ཆོས་དེ་ནི།ཁྱོད་ལས་མ་ཐོས་སྐལ་བ་ཞན། །
༤༣ ༽   དེ་ཡི་མྱ་ངན་ཤུགས་ཀྱིས་ནི། །སྡུག་པའི་བུ་ལ་མ་ཡི་ཡིད། །རྗེས་སུ་སོང་བ་ཇི་བཞིན་དུ། །བདག་གི་ཡིད་ནི་གཏོང་མི་བྱེད། །
༤༤ ༽   འདི་ལའང་ཁྱོད་གསུང་བསམ་པ་ན། །མཚན་དཔེའི་དཔལ་གྱིས་རབ་ཏུ་འབར། །འོད་ཀྱི་དྲ་བས་ཡོངས་བསྐོར་བའི། །སྟོན་པ་དེ་ཡི་ཚངས་དབྱངས་ཀྱིས། །
༤༥ ༽   འདི་ནི་འདི་ལྟར་གསུངས་སྙམ་དུ། །ཡིད་ལ་ཐུབ་པའི་གཟུགས་བརྙན་ནི། །ཤར་བ་ཙམ་ཡང་ཚ་བ་ཡིས། །གདུང་ལ་ཟླ་ཟེར་བཞིན་དུ་སྨན། །
༤༦ ༽   དེ་ལྟར་རྨད་དུ་བྱུང་བ་ཡི། །ལུགས་བཟང་དེ་ཡང་མི་མཁས་པའི། །སྐྱེ་བོས་བལ་པ་ཛ་བཞིན་དུ། །རྣམ་པ་ཀུན་ཏུ་འཛིངས་པར་བྱས༑
༤༧ ༽   །ཚུལ་འདི་མཐོང་ནས་བདག་གིས་ནི། །འབད་པ་དུ་མས་མཁས་པ་ཡི༑།རྗེས་སུ་འབྲངས་ནས་ཁྱོད་ཀྱི་ནི། །དགོངས་པ་ཡང་དང་ཡང་དུ་བཙལ། །
༤༨ ༽   དེ་ཚེ་རང་གཞན་སྡེ་པ་ཡི། །གཞུང་མང་དག་ལ་སྦྱངས་པ་ན། །ཕྱི་ཕྱིར་ཐེ་ཚོམ་དྲ་བ་ཡིས། །བདག་གི་ཡིད་ནི་ཀུན་ཏུ་གདུངས།
༤༩ ༽   ཁྱོད་ཀྱི་བླ་མེད་ཐེག་པའི་ཚུལ། །ཡོད་དང་མེད་པའི་མཐའ་སྤངས་ཏེ། །ཇི་བཞིན་འགྲེལ་པར་ལུང་བསྟན་པ། །ཀླུ་སྒྲུབ་གཞུང་ལུགས་ཀུནྡའི་ཚལ། །
༥༠ ༽   དྲི་མེད་མཁྱེན་པའི་དཀྱིལ་འཁོར་རྒྱས། །གསུང་རབ་མཁའ་ལ་ཐོགས་མེད་རྒྱུ། །མཐར་འཛིན་སྙིང་གི་མུན་པ་སེལ། །ལོག་སྨྲའི་རྒྱུ་སྐར་ཟིལ་གནོན་པ། །
༥༡ ༽   དཔལ་ལྡན་ཟླ་བའི་ལེགས་བཤད་ཀྱི། །འོད་དཀར་འཕྲེང་བས་གསལ་བྱས་པ། །བླ་མའི་དྲིན་གྱིས་མཐོང་བའི་ཚེ། །བདག་གི་ཡིད་ཀྱིས་ངལ་གསོ་ཐོབ། །
༥༢ ༽   མཛད་པ་ཀུན་ལས་གསུང་གི་ནི། །མཛད་པ་མཆོག་ཡིན་དེ་ཡང་ནི། །དེ་ཉིད་ཡིན་ཕྱིར་མཁས་པ་ཡིས། །འདི་ལས་སངས་རྒྱས་རྗེས་དྲན་བྱོས། །
༥༣ ༽   སྟོན་དེའི་རྗེས་སུ་རབ་ཏུ་བྱུང་གྱུར་ཏེ། །རྒྱལ་བའི་གསུང་ལ་སྦྱངས་པ་མི་དམན་ཞིང་། །རྣལ་འབྱོར་སྤྱོད་ལ་བརྩོན་པའི་དགེ་སློང་ཞིག།
དྲང་སྲོ་ཆེན་པོ་དེ་ལ་དེ་ལྟར་གུས། །
༥༤ ༽   སྟོན་པ་བླ་ན་མེད་པའི་བསྟན་པ་དང་། །མཇལ་བ་འདི་འདྲ་བླ་མའི་དྲིན་ཡིན་པས། །དགེ་བ་འདི་ཡང་འགྲོ་བ་མ་ལུས་པ། །
བཤེསགཉེན་དམ་པས་འཛིན་པའི་རྒྱུ་རུ་བསྔོ། །
༥༥ ༽   ཕན་མཛད་དེ་ཡི་བསྟན་པའང་སྲིད་པའི་མཐར། །ངན་རྟོག་རླུང་གིས་རྣམ་པར་མི་ཡོ་ཞིང་། །བསྟན་པའི་ངང་ཚུལ་ཤེས་ནས་སྟོན་པ་ལ། །ཡིད་ཆེས་རྙེད་པས་ རྟག་ཏུ་གང་བར་ཤོག།
༥༦ ༽   བརྟེན་ནས་འབྱུང་བའི་དེ་ཉིད་གསལ་ཛད་པ། །བ་པའི་ལུགས་བཟང་སྐྱེ་བ་ཐམས་ཅད་དུ། །ལུས་དང་སྲོག་ཀྱང་བཏང་ནས་འཛིན་པ་ལ། །སྐད་ཅིག་ཙམ་ཡང་ལྷོད་པར་མ་གྱུར་ཅིག།
༥༧ ༽   འདྲེན་པ་མཆོག་དེས་དཀའ་བ་དཔག་མེད་ཀྱིས། །ནན་ཏན་སྙིང་པོར་མཛད་ནས་བསྒྲུབས་པ་འདི། །ཐབས་གང་ཞིག་གིས་འཕེལ་བར་འགྱུར་སྙམ་པའི། །རྣམ་པར་དཔྱོད་པས་ཉིན་མཚན་འདའ་བར་ཤོག།
༥༨ ༽   ལྷག་བསམ་དག་པས་ཚུལ་དེར་བརྩོན་པ་ན། །ཚངས་དང་དབང་པོ་འཇིག་རྟེན་སྐྱོང་བ་དང་། །ལེགས་ལྡན་ནག་པོ་ལ་སོགས་སྲུང་མས་ཀྱང་། །གཡེལ་བ་མེད་པར་རྟག་ཏུ་གྲོགས་བྱེད་ཤོག།

ཅེས་བསྟོད་པ་ལེགས་བཤད་སྙིང་པོ་ཞེས་བྱ་བ་འདི་ནི་མང་དུ་ཐོས་པའི་དགེ་སློང་བློ་བཟང་གྲགས་པའི་དཔལ་གྱིས་སྦྱར་བའོ། །

Việt (Vietnamese)| Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)



Việt (Vietnamese)| Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)

རྟེན་འབྲེལ་བསྟོད་པ་བཞུགས་སོ། །
Xưng Tán Duyên Khởi
IN PRAISE OF DEPENDENT ORIGINATION
Je Tsongkhapa – Lama Tông Khách Ba

༄༅། །ན་མོ་གུ་རུ་མཉྫུ་གྷོ་ཥཱ་ཡ།
      Kính lạy đức Văn Thù Diệu Âm
           Nam mô Guru Manjughoshaya
༡༽ ་ ་གང་ཞིག་གཟིགས་ཤིང་གསུངས་པ་ཡི། །
      1.Người nào thuyết pháp / từ sự chứng biết,
           He who speaks on the basis of seeing,
མཁྱེན་དང་སྟོན་པ་བླ་ན་མེད། །
      trí ấy, giáo ấy / không một ai hơn.
           This makes him a knower and teacher unexcelled,
རྒྱལ་བ་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་། །
      Con xin kính lễ / đức Phật tối thắng,
           I bow to you, O Conqueror, you who saw
གཟིགས་ཤིང་འདོམས་པ་དེ་ལ་འདུད། །
      Bậc chứng rồi giảng / giáo pháp duyên sinh.
           Dependent origination and taught it.

༢ ༽  འཇིག་རྟེན་རྒུད་པ་ཇི་སྙེད་པ། །
      2. Cõi thế gian này / có bao suy thoái,
           Whatever degenerations there are in the world,
དེ་ཡི་རྩ་བ་མ་རིག་སྟེ། །
      hết thảy đều từ / gốc rễ vô minh.
           The root of all these is ignorance;
གང་ཞིག་མཐོང་བས་དེ་ལྡོག་པ། །
      Đức Phật dạy rằng / bất kể là ai,
           You taught that it is dependent origination,
རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བར་གསུངས། །
      chứng được duyên sinh / là dẹp được cả.
           The seeing of which will undo this ignorance.
༣༢་༽   དེ་ཚེ་བློ་དང་ལྡན་པ་ཡིས། །
      3. Nên người có trí
           So how can an intelligent person
རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བའི་ལམ།
      đâu thể không hiểu
           Not comprehend that this path
ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པའི་གནད་ཉིད་དུ། །
      rằng pháp duyên sinh
           Of dependent origination is
ཇི་ལྟར་ཁོང་དུ་ཆུད་མི་འགྱུར༑
      chính là cốt tủy / giáo pháp Phật dạy.
           The essential point of your teaching?
༤་༽   དེ་ལྟ་ལགས་ན་  མགོན་ཁྱོད་ལ། །
      4. Vậy xưng tán Phật,
           This being so, who will find, O Savior,
བསྟོད་པའི་སྒོར་ནི་  སུ་ཞིག་གིས། །
      đâu có lối nào
           A more wonderful way to praise you
བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་གསུངས་པ་ལས། །
      mầu nhiệm hơn là
           Than [to praise you] for having taught
ངོ་མཚར་གྱུར་པ་ཅི་ཞིག་རྙེད། །
      xưng tán bậc thuyết / giáo pháp duyên sinh.
           This origination through dependence?

༥་༽   གང་གང་རྐྱེན་ལ་རག་ལས་པ། །
      5. “Việc gì đã tùy / nhân duyên sinh ra
           “Whatsoever depends on conditions,
དེ་དེ་རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་ཞེས། །
      thì việc ấy vốn / không có tự tánh.”
           That is devoid of intrinsic existence.”
གསུངས་པ་འདི་ལས་ཡ་མཚན་པའི། །
      Có lời dạy nào / tuyệt diệu hơn là
           What excellent instruction can there be
ལེགས་འདོམས་ཚུལ་ནི་ཅི་ཞིག་ཡོད། །
      lời dạy này đây.
           More amazing than this proclamation?

༦ ་༽   གང་དུ་བཟུང་བས་བྱིས་པ་རྣམས། །
      6. Vì bám vào đó / mà kẻ ấu trĩ
           By grasping at it the childish
མཐར་འཛིན་འཆིང་བ་བརྟན་བྱེད་པ། །
      ràng buộc biên kiến / càng thêm kiên cố;
           Strengthen bondage to extreme views;
དེ་ཉིད་མཁས་ལ་སྤྲོས་པ་ཡི། །
      cũng chính nơi đó / lại là cửa ngỏ
           For the wise this very fact is the doorway
དྲ་བ་མ་ལུས་གཅོད་པའི་སྒོ། །
      cho người có trí / xẻ lưới niệm khởi.
           To cut free from the net of elaborations.

༧ ་༽   བསྟན་འདི་གཞན་དུ་མ་མཐོང་བས། །
      7. Pháp này nơi khác / chưa từng nghe qua
           Since this teaching is not seen elsewhere,
སྟོན་པ་ཞེས་བྱ་ཁྱོད་ཉིད་དེ། །
      nên gọi Phật là / đạo sư duy nhất.
           You alone are the Teacher;
ཝ་སྐྱེས་ལ་ནི་སེང་གེ་བཞིན། །
      Nếu gọi ngoại đạo / [là bậc đạo sư] / thì khác gì gọi / cáo là sư tử,
           Like calling fox a lion, for a Tirthika
མུ་སྟེགས་ཅན་ལའང་གཅམ་བུའི་ཚིག།
      chỉ giống như lời / tâng bốc mà thôi.
           It would be a word of flattery.

༨ ་༽   ཨེ་མའོ་སྟོན་པ་ཨེ་མའོ་སྐྱབས། །
      8. Tuyệt thay đạo sư! Tuyệt thay chỗ nương!
           Wondrous teacher! Wondrous refuge!
ཨེ་མའོ་སྨྲ་མཆོག་ཨེ་མའོ་མགོན། །
      Tuyệt thay luận sư! Tuyệt thay cứu độ!
           Wondrous speaker! Wondrous savior!
རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་འབྱུང་ལེགས་གསུངས་པའི། །
      Đối trước bậc Thầy / khéo thuyết duyên khởi,
           I pay homage to that teacher
སྟོན་པ་དེ་ལ་བདག་ཕྱག་འཚལ། །
      con xin đảnh lễ.
           Who taught well dependent origination.

༩་༽   ཕན་མཛད་ཁྱོད་ཀྱིས་འགྲོ་བ་ལ། །
      9. Để giúp chữa bệnh / nên đấng Lợi Sinh
           To help heal sentient beings,
སྨན་པའི་སླད་དུ་བཀའ་སྩལ་བ། །
      dạy cho hữu tình
           O Benefactor, you have taught
བསྟན་པའི་སྙིང་པོ་སྟོང་པ་ཉིད། །
      lý luận vô song
           The peerless reason to ascertain
ངེས་པའི་རྒྱུ་མཚན་ཟླ་མེད་པ། །
      xác định tánh không, / trái tim chánh pháp
           Emptiness, the heart of the teaching.

༡༠ ་༽   རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བའི་ཚུལ། །
      10. Lối duyên khởi này
           This way of dependent origination,
འགལ་བ་དང་ནི་མ་གྲུབ་པར། །
      nếu thấy mâu thuẫn, / không thể xác minh
           Those who perceive it
མཐོང་བ་འདི་ཡིས་ཁྱོད་ཀྱི་ལུགས། །
      thì pháp của Phật
           As contradictory or as unestablished,
ཇི་ལྟར་ཁོང་དུ་ཆུད་པར་ནུས༑
      làm sao có thể / thông đạt cho được?
           How can they comprehend your system?
༡༡ ་༽   ཁྱོད་ནི་ནམ་ཞིག་སྟོང་པ་ཉིད། །
      11. Với Phật, bao giờ
           For you, when one sees emptiness
རྟེན་འབྱུང་དོན་དུ་མཐོང་བ་ན། །
      chứng được tánh không / qua nghĩa duyên khởi
           In terms of the meaning of dependent origination,
རང་བཞིན་གྱིས་ནི་སྟོང་པ་དང་། །
      sẽ thấy tuy rằng / không có tự tánh
           Then being devoid of intrinsic existence and
བྱ་བྱེད་འཐད་པའང་མི་འགལ་ཞིང་། །
      vẫn tạo tác dụng, / không hề mâu thuẫn.
           Possessing valid functions do not contradict.

༡༢ ་༽   དེ་ལས་ལྡོག་པར་མཐོང་བ་ན། །
      12. Phật dạy nếu như / thấy điều ngược lại,
           Whereas when one sees the opposite,
སྟོང་ལ་བྱ་བ་མི་རུང་ཞིང་། །
      ở trong tánh không / không có tác dụng
           Since there can be no function in emptiness
བྱ་དང་བཅས་ལ་སྟོང་མེད་པས། །
      có tác dụng lại / không có tánh không,
           Nor emptiness in what has functions,
ཉམ་ངའི་གཡང་དུ་ལྟུང་བར་བཞེད། །
      sẽ phải rơi vào / vực sâu hung hiểm.
           One falls into a dreadful abyss, you maintain.

༡༣ ་༽   དེ་ཕྱིར་ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པ་ལ། །
      13. Vì lý do này / giáo pháp Phật dạy
           Therefore in your teaching
རྟེན་འབྱུང་མཐོང་བ་ལེགས་པར་བསྔགས། །
      hết mực đề cao / chứng ngộ duyên khởi;
           Seeing dependent origination is hailed;
དེ་ཡང་ཀུན་ཏུ་མེད་པ་དང་། །
      không phải hoàn toàn / là không hiện hữu,
           That too not as an utter non-existence
རང་བཞིན་གྱིས་ནི་ཡོད་པས་མིན། །
      mà cũng không phải / là có tự tánh.
           Nor as an intrinsic existence.

༡༤ ་༽   ལྟོས་མེད་ནམ་མཁའི་མེ་ཏོག་བཞིན། །
      14. Sự tự-có như / hoa đốm giữa trời,
           The non-contingent is like a sky flower,
དེས་ན་མ་བརྟེན་ཡོད་མ་ཡིན། །
      vì vậy không gì / là không tùy thuộc.
           Hence there is nothing that is not dependent.
ངོ་བོས་གྲུབ་ན་དེ་འགྲུབ་པ། །
      Nếu sự vật nhờ / chính mình mà có
           If things exist through their essence, their dependence on
རྒྱུ་དང་རྐྱེན་ལ་ལྟོས་པ་འགལ། །
      thì không thể nào / tùy thuộc nhân duyên.
           Causes and conditions for their existence is a contradiction.

༡༥་༽   དེ་ཕྱིར་བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་ལས། །
      15. Nên Phật dạy rằng “vì không có gì
           “Therefore since no phenomena exist
མ་གཏོགས་ཆོས་འགའ་ཡོད་མིན་པས། །
      không từ duyên khởi
           Other than origination through dependence,
རང་བཞིན་གྱིས་ནི་སྟོང་པ་ལས། །
      nên trừ phi là / không có tự tánh,
           No phenomena exist other than
མ་གཏོགས་ཆོས་འགའ་མེད་པར་གསུངས། །
      bằng không chẳng có / pháp nào tồn tại.”
           Being devoid of intrinsic existence,” you taught.

༡༦ ་༽   རང་བཞིན་ལྡོག་པ་མེད་པའི་ཕྱིར། །
      16. Phật dạy: “Tự tánh / không hề biến chuyển,
           “Because intrinsic nature cannot be negated,
ཆོས་རྣམས་རང་བཞིན་འགའ་ཡོད་ན། །
      nên nếu các pháp / có chút tự tánh
           If phenomena possess some intrinsic nature,
མྱ་ངན་འདས་པ་མི་རུང་ཞིང་། །
      thì quả niết bàn / không thể nào có,
           Nirvana would become impossible
སྤྲོས་ཀུན་ལྡོག་པ་མེད་པར་གསུངས། །
      niệm khởi cũng không / cách nào tịch diệt
           And elaborations could not be ceased,” you taught.

༡༧ ་༽   དེ་ཕྱིར་རང་བཞིན་རྣམ་བྲལ་ཞེས། །
      17. Vì vậy nhiều lần / trước hàng trí giả
           Therefore who could challenge you?
སེང་གེའི་སྒྲ་ཡིས་ཡང་ཡང་དུ། །
      đức Phật nói bằng / tiếng sư tử hống,
           You who proclaim with lion’s roar
མཁས་པའི་ཚོགས་སུ་ལེགས་གསུངས་པ། །
      rằng “sự vật vốn / tách lìa tự tánh”
           In the assembly of learned ones repeatedly
འདི་ལ་སུ་ཡིས་འགོང་བར་ནུས། །
      Lời này đố ai / đủ sức phản biện.
           That everything is utterly free of intrinsic nature?

༡༨ ་༽   རང་བཞིན་འགའ་ཡང་མེད་པ་དང་། །
      18. Tự tánh mảy may / cũng không hề có,
           That there is no intrinsic existence at all
འདི་ལ་བརྟེན་ནས་འདི་འབྱུང་བའི། །
      mọi sự đều là / “tùy vào cái này
           And that all functions as “this arising
རྣམ་བཞག་ཐམས་ཅད་འཐད་པ་གཉིས། །
      mà cái kia sinh.” / Có cần phải nói
           In dependence on that,” what need is there to say
མི་འགལ་འདུ་བ་སྨོས་ཅི་དགོས། །
      rằng hai điều này / không hề mâu thuẫn?
           That these two converge without conflict?

༡༩ ་༽   བརྟེན་ནས་འབྱུང་བའི་རྒྱུ་མཚན་གྱིས། །
      19. Vì hiện khởi nên
           “It is through the reason of dependent origination
མཐར་ལྟ་བ་ལ་མི་བརྟེན་ཞེས། །
      không vướng biên kiến”
           That one does not lean towards an extreme;”
ལེགས་གསུངས་འདི་ནི་མགོན་ཁྱོད་ཀྱི། །
      Chính vì đức Phật / khéo thuyết như vậy
           That you’ve declared this excellently is the reason,
སྨྲ་བ་བླ་ན་མེད་པའི་རྒྱུ། །
      nên gọi Ngài là / luận sư vô song
           O Savior, of your being an unexcelled speaker.

༢༠ ་༽   འདི་ཀུན་ངོ་བོས་སྟོང་པ་དང་། །
      20. “Hết thảy mọi sự / chân tánh vốn không”;
           “All of this is devoid of essence,”
འདི་ལས་འདི་འབྲས་འབྱུང་བ་ཡི། །
      “từ điều này mà / quả kia sinh ra”:
           And “From this arises that effect” –
ངེས་པ་གཉིས་པོ་ཕན་ཚུན་དུ། །
      hai khẳng định này hỗ trợ lẫn nhau
           These two certainties complement
གེགས་མེད་པར་ནི་གྲོགས་བྱེད་པ། །
      không hề mâu thuẫn.
           Each other with no contradiction at all.

༢༡ ་༽   འདི་ལས་ངོ་མཚར་གྱུར་པ་དང་། །
      21. Nhiệm mầu nào hơn?
           What is more amazing than this?
འདི་ལས་རྨད་དུ་བྱུང་བ་གང་། །
      kỳ diệu nào hơn?
           What is more marvellous than this?
ཚུལ་འདིས་ཁྱོད་ལ་བསྟོད་ན་ནི། །
      Tán dương như vậy mới là tán dương,
           If one praises you in this manner,
བསྟོད་པར་འགྱུར་གྱི་གཞན་དུ་མིན། །
      bằng không chẳng xứng.
           This is real praise, otherwise not.

༢༢་༽   རྨོངས་པས་བྲན་དུ་བཟུང་བ་ཡིས། །
      22. Những ai vì bởi / mê muội khống chế
           Being enslaved by ignorance
གང་ཞིག་ཁྱོད་དང་ཞེ་འགྲས་པ། །
      bất thuận với Phật / thì trước âm thanh
           Those who fiercely oppose you,
དེ་ཡིས་རང་བཞིན་མེད་པའི་སྒྲ། །
      của không tự tánh / chẳng thể nào kham,
           What is so astonishing about their being
མི་བཟོད་གྱུར་ལ་མཚར་ཅི་ཡོད།
      việc này không lạ.
           Unable to bear the sound of no intrinsic existence?

༢༣་༽   ཁྱོད་ཀྱི་གསུང་གི་གཅེས་པའི་མཛོད། །
      23. Nhưng nếu tin nhận / kho tàng trân quí
           But having accepted dependent origination,
བརྟེན་ནས་འབྱུང་བར་ཁས་བླངས་ནས། །
      của lời Phật dạy / về thuyết duyên khởi,
           The precious treasure of your speech,
སྟོང་ཉིད་ང་རོ་མི་བཟོད་པ། །
      mà không kham nổi / tiếng gầm tánh không
           Then not tolerating the roar of emptiness –
འདི་ལ་ཁོ་བོ་ངོ་མཚར་གྱུར། །
      mới thật lạ kỳ.
           This I find amazing indeed!

༢༤་༽   རང་བཞིན་མེད་ལ་བཀྲི་བའི་སྒོ། །
      24-25. Lý duyên khởi là / cánh cửa vô thượng,
           The door that leads to no intrinsic existence,
བླ་མེད་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་འབྱུང་གི།
      lối ngỏ dẫn vào / sự không tự tánh.
           This unexcelled [door of] dependent origination,
མིང་ཉིད་ཀྱིས་ནི་རང་བཞིན་དུ། །
      Nếu kẻ phàm phu / dựa danh duyên khởi
           Through its name alone, if one grasps
འཛིན་ན་ད་ཀོ་སྐྱེ་བོ་འདི། །
      mà chấp tự tánh / thì phàm phu ấy
           At intrinsic existence, now this person

༢༥་༽   འཕགས་མཆོག་རྣམས་ཀྱིས་ལེགས་བགྲོད་པའི། །
      lạc mất lối ngỏ
           Who lacks the unrivalled entrance,
འཇུག་ངོགས་ཟླ་དང་བྲལ་གྱུར་པ།
      mà chư thánh giả đã từng khéo qua.
           Well travelled by the Noble Ones,
ཁྱོད་དགྱེས་གྱུར་པའི་ལམ་བཟང་དེར། །
      Đâu là phương tiện / đưa họ về lại
           By what means should one guide him
ཐབས་གང་གིས་ནི་བཀྲི་བར་བྱ། །
      với con đường lành / khiến cho Phật vui?
           To the excellent path that pleases you?

༢༦་༽   རང་བཞིན་བཅོས་མིན་ལྟོས་མེད་དང་། །
      26. “Tự tánh, không giả, và không tùy thuộc”
           Intrinsic nature, uncreated and non-contingent,
རྟེན་འབྲེལ་ལྟོས་དང་བཅོས་མ་གཉིས། །
      cùng với “duyên sinh, tùy thuộc, giả hợp”,
           Dependent origination, contingent and created –
ཇི་ལྟ་བུར་ན་གཞི་གཅིག་ལ། །
      Làm sao có thể / qui về một chỗ
           How can these two converge
མི་འགལ་འདུ་བ་ཉིད་དུ་འགྱུར། །
      mà không mâu thuẫn?
           Upon a single basis without contradiction?

༢༧་༽   དེ་ཕྱིར་བརྟེན་ནས་འབྱུང་བ་གང་། །
      27. Vì thế điều gì / từ duyên sinh ra,
           Therefore whatever originates dependently,
རང་བཞིན་གྱིས་ནི་གདོད་མ་ནས། །
      mặc dù bản lai / vốn lìa tự tánh,
           Though primordially free of intrinsic existence,
རྣམ་པར་དབེན་ཡང་དེར་སྣང་བས། །
      nhưng mà tướng hiện / lại giống như có,
           Appears as if it does [possess intrinsic existence];
འདི་ཀུན་སྒྱུ་མ་བཞིན་དུ་གསུངས།
      nên Phật nói rằng / mọi sự hư huyễn.
           So you taught all this to be illusion-like.

༢༨་༽   ཁྱོད་ཀྱིས་ཇི་ལྟར་བསྟན་པ་ལ། །
      28. Vì lý do này / nên con hiểu được
           Through this very fact I understand well
རྒོལ་བ་འགས་ཀྱང་ཆོས་མཐུན་དུ། །
      dù ai chống đối / nơi lời Phật dạy
           The statement that, to what you have taught,
གླགས་མི་རྙེད་པར་གསུངས་པ་ཡང་། །
      vẫn không làm sao / xét đúng luận lý
           Those opponents who challenge you
འདི་ཉིད་ཀྱིས་ནི་ལེགས་པར་འཁུམས། །
      mà tìm ra được / chút sơ hở nào.
           Cannot find faults that accord with reason.

༢༩་༽   ཅི་སླད་ཅེ་ན་འདི་བཤད་པས། །
      29. Tại sao như vậy? Vì lời giảng này
           Why is this so? Because by declaring these
མཐོང་དང་མ་མཐོང་དངོས་པོ་ལ། །
      khiến cho sự vật / –dù là thấy được / hay không thể thấy–
           Chances for reification and denigration
སྒྲོ་འདོགས་པ་དང་སྐུར་འདེབས་ཀྱི། །
      khả năng khẳng định / hay là phủ định
           Towards things seen and unseen
གོ་སྐབས་རིང་དུ་མཛད་ཕྱིར་རོ༑
      đều lìa rất xa.
           Are made most remote.

༣༠་༽   ཁྱོད་ཀྱི་སྨྲ་བ་ཟླ་མེད་པར། །
      30. Chính nhờ con đường / duyên khởi này đây,
           Through this very path of dependent origination,
མཐོང་བའི་རྒྱུ་མཚན་རྟེན་འབྱུང་གི།
      thấy được lời Phật / thật không đâu sánh.
           The rationale for your speech being peerless,
ལམ་འདི་ཉིད་ཀྱིས་གསུང་གཞན་ཡང་། །
      Vì lẽ này mà / khởi niềm xác quyết
           Convictions arise in me [also]
ཚད་མར་གྱུར་པར་ངེས་པ་སྐྱེ། །
      Pháp nào của Phật / cũng đều đúng cả.
           That your other words are valid too.

༣༡་༽   དོན་བཞིན་གཟིགས་ནས་ལེགས་གསུངས་པ།
      31. Phật chứng như nghĩa / rồi khéo nói ra,
           You who speak excellently by seeing as it is,
ཁྱོད་ཀྱི་རྗེས་སུ་སློབ་པ་ལ། །
      những ai dụng công / theo gót chân Ngài,
           For those who train in your footsteps,
རྒུད་པ་ཐམས་ཅད་རིང་དུ་གྱུར། །
      bao nhiêu suy thoái / hết thảy đều xa,
           All degenerations will become remote;
ཉེས་ཀུན་རྩ་བ་ལྡོག་ཕྱིར་རོ།
      bao gốc lỗi lầm / đều hồi đầu cả.
           For the root of all faults will be undone.

༣༢་༽   ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་ལས་ཕྱིར་ཕྱོགས་པས། །
      32. Còn người quay lưng / với lời Phật dạy
           But those who turn away from your teaching,
ཡུན་རིང་ངལ་བ་བསྟེན་བྱས་ཀྱང་། །
      thì dù lao lực / trong thời gian dài
           Though they may struggle with hardship for a long time,
ཕྱི་ཕྱིར་སྐྱོན་རྣམས་བོས་པ་བཞིན། །
      lỗi vẫn tăng thêm / –như thể gọi mời–
           Faults increase ever more as if being called forth;
བདག་ཏུ་ལྟ་བ་བརྟན་ཕྱིར་རོ། །
      là vì nương vào / tri kiến chấp ngã.
           For they make firm the view of self.

༣༣་༽   ཨེ་མའོ་མཁས་པས་འདི་གཉིས་ཀྱི།
      33. Tuyệt vời lắm thay! Khi người có trí
           Aha! When the wise comprehend
ཁྱད་པར་ཁོང་དུ་ཆུད་གྱུར་པ། །
      hiểu sự khác biệt / giữa hai điều này,
           The differences between these two,
དེ་ཚེ་རྐང་གི་ཁོང་ནས་ནི།
      khi ấy đáy lòng / không thể nào không
           Why would they not at that point
ཁྱོད་ལ་ཅི་ཕྱིར་གུས་མི་འགྱུར།
      sâu xa kính Phật.
           Revere you from the depths of their being?

༣༤་༽   ཁྱོད་གསུང་དུ་མ་ཅི་ཞིག་སྨོས། །
      34. Hãy khoan nói đến / vô lượng giáo pháp,
           Let alone your numerous teachings,
ཆ་ཤས་རེ་ཡི་དོན་ཙམ་ལའང་། །
      chỉ cần ý nghĩa một nhánh nhỏ thôi
           Even in the meaning of a small part,
འོལ་སྤྱི་ཙམ་གྱི་ངེས་རྙེད་པ། །
      dù chỉ đại khái có được lòng tin
           Those who find ascertainment in a cursory way,
དེ་ལའང་མཆོག་གི་བདེ་བ་སྟེར། །
      cũng vẫn đạt được niềm vui thù thắng.
           This brings supreme bliss to them as well.

༣༥་༽   ཀྱི་ཧུད་བདག་བློ་རྨོངས་པས་བཅོམ། །
      35. Than ôi! con vì / tâm trí mê muội,
           Alas! My mind was defeated by ignorance;
འདི་འདྲའི་ཡོན་ཏན་ཕུང་པོ་ལ༑
      khối thiện đức ấy / qui y đã lâu,
           Though I’ve sought refuge for a long time,
།རིང་ནས་སྐྱབས་སུ་སོང་གྱུར་ཀྱང་། །
      thế nhưng cho dù / chỉ một mẩu nhỏ
           In such an embodiment of excellence,
ཡོན་ཏན་ཆ་ཙམ་མ་འཚལ་ཏོ། །
      cũng chưa hề có.
           I possess not a fraction of his qualities.

༣༦་༽   འོན་ཀྱང་འཆི་བདག་ཁར་ཕྱོགས་པའི། །
      36. Tuy vậy, trước khi / sinh mạng một dòng
           Nonetheless, before the stream of this life
སྲོག་གི་རྒྱུན་ནི་མ་ནུབ་པར།
      chảy cạn hết vào / miệng của Thần chết,
           Flowing towards death has come to cease
ཁྱོད་ལ་ཅུང་ཟད་ཡིད་ཆེས་པ། །
      tín tâm nơi Phật / con được chút ít,
           That I have found slight faith in you –
འདི་ཡང་སྐལ་བ་བཟང་སྙམ་བགྱིད། །
      thiết nghĩ đó cũng là điều đại hạnh.
           Even this I think is fortunate.

༣༧་༽   ༈སྟོན་པའི་ནང་ན་རྟེན་འབྲེལ་སྟོན་པ་དང་། །
      37. Bậc thuyết duyên khởi / trong khắp giảng sư;
           Among teachers, the teacher of dependent origination,
ཤེས་རབ་ནང་ན་རྟེན་འབྲེལ་ཤེས་པ་གཉིས། །
      Trí chứng duyên khởi / trong khắp các trí;
           Amongst wisdoms, the knowledge of dependent origination –
འཇིག་རྟེན་དག་ན་རྒྱལ་བའི་དབང་པོ་བཞིན། །
      Chỉ có Phật như / đế vương tôn thắng / trong cõi thế gian
           You, who’re most excellent like the kings in the worlds,
ཕུལ་བྱུང་ལེགས་པར་ཁྱོད་མཁྱེན་གཞན་གྱིས་མིན།
      mới khéo biết được, / người khác chẳng thể.
           Know this perfectly well, not others.

༣༨་༽   ཁྱེད་ཀྱིས་ཇི་སྙེད་བཀའ་སྩལ་པ། །
      38. Bất kể là Phật / dạy cho pháp gì,
           All that you have taught
རྟེན་འབྲེལ་ཉིད་ལས་བརྩམས་ཏེ་འཇུག།
      đều phát xuất từ / giáo lý duyên sinh
           Proceeds by way of dependent origination;
དེ་ཡང་མྱ་ངན་འདའ་ཕྱིར་ཏེ། །
      và đều hướng đến / mục tiêu niết bàn.
           That too is done for the sake of nirvana;
ཞི་འགྱུར་མིན་མཛད་ཁྱོད་ལ་མེད། །
      Phật không hạnh nào / không khiến tịnh an.
           You have no deeds that do not bring peace.

༣༩་༽   ཀྱེ་མའོ་ཁྱོད་ཀྱི་བསྟན་པ་ནི། །
      39. Ôi! Giáo pháp Phật
           Alas! Your teaching is such,
གང་གི་རྣ་བའི་ལམ་སོང་བ༑
      rơi vào tai ai
           In whosoever’s ears it falls,
།དེ་དག་ཐམས་ཅད་ཞི་འགྱུར་ཕྱིར། །
      đều khiến bình an,
          They all attain peace; so who would not be
ཁྱོད་བསྟན་འཛིན་པར་སུ་མི་གུས། །
      hỏi ai lại chẳng / thiết tha giữ gìn.
           Honoured to uphold your teaching?

༤༠་༽   ཕས་རྒོལ་མཐའ་དག་འཇོམས་པ་དང་། །
      40. Pháp này tận diệt / hết thảy đối địch;
           It overcomes all opposing challenges;
ལྟག་འོག་འགལ་འདུས་སྟོང་པ་དང་། །
      làm tan biến hết / mâu thuẫn trước sau;
           It’s free from contradictions between earlier and latter parts;
སྐྱེ་རྒུའི་དོན་གཉིས་སྟེར་བྱེད་པ། །
      giúp cho toàn thành / cả hai lợi ích;
           It grants fulfilment of beings’ two aims –
ལུགས་འདིར་ཁོ་བོ་སྤྲོ་བ་འཕེལ། །
      nhờ diệu pháp này / hoan hỉ càng tăng.
           For this system my joy increases ever more.

༤༡་༽   འདི་ཡི་ཕྱིར་དུ་ཁྱོད་ཀྱིས་ནི། །
      41. Chính vì vậy mà
           For its sake you have given away,
ལ་ལར་སྐུ་དང་གཞན་དུ་སྲོག།
      Phật vô số kiếp / cho rồi lại cho:
           Again and again over countless eons,
སྡུག་པའི་གཉེན་དང་ལོངས་སྤྱོད་ཚོགས། །
      khi thì cho thân / lúc lại cho mạng,
           Sometimes your body, at others your life,
གྲངས་མེད་བསྐལ་པར་ཡང་ཡང་བཏང་། །
      cho cả thân nhân, / thọ dụng tài sản.
           As well as your loving kin and resources of wealth.

༤༢་༽   གང་གི་ཡོན་ཏན་མཐོང་བ་ཡིས། །
      42. Thấy được thiện đức / của giáo pháp này,
           Seeing the qualities of this teaching
ལྕགས་ཀྱུས་ཉ་ལ་ཇི་བཞིན་དུ། །
      con thật như là / con cá mắc câu,
           Pulls [hard] from your heart,
ཉིད་ཀྱིས་ཐུགས་དྲངས་ཆོས་དེ་ནི།
      từ nơi tim Phật / bị cuốn phăng vào.
           Just like what a hook does to a fish;
ཁྱོད་ལས་མ་ཐོས་སྐལ་བ་ཞན། །
      Chẳng thể chính tai / nghe lời Phật dạy / thật là bất hạnh.
           Sad it is not to have heard it from you.

༤༣་༽   དེ་ཡི་མྱ་ངན་ཤུགས་ཀྱིས་ནི། །
      43. Nỗi thương tâm này / ray rức mãnh liệt,
           The intensity of that sorrow
སྡུག་པའི་བུ་ལ་མ་ཡི་ཡིད། །
      níu mãi không buông / tâm trí của con.
           Does not let go of my mind,
རྗེས་སུ་སོང་བ་ཇི་བཞིན་དུ། །
      Cũng tựa như là / trái tim người mẹ
           Just like the mind of a mother
བདག་གི་ཡིད་ནི་གཏོང་མི་བྱེད། །
      giữ mãi không rời / đứa con thân yêu.
           [Constantly] goes after her dear child.

༤༤་༽   འདི་ལའང་ཁྱོད་གསུང་བསམ་པ་ན། །
      44. Mỗi khi con nhớ / đến lời Phật dạy,
           Here too, as I reflect on your words, I think,
མཚན་དཔེའི་དཔལ་གྱིས་རབ་ཏུ་འབར། །
      là ý nghĩ này / lại hiện trong con.
           “Blazing with the glory of noble marks
འོད་ཀྱི་དྲ་བས་ཡོངས་བསྐོར་བའི། །
      “Bổn sư đứng giữa / vùng hào quang sáng,
           And hallowed in a net of light rays,
སྟོན་པ་དེ་ཡི་ཚངས་དབྱངས་ཀྱིས། །
      tướng hảo chánh phụ / rực rỡ rạng ngời,
           This teacher, in a voice of pristine melody,

༤༥་༽   འདི་ནི་འདི་ལྟར་གསུངས་སྙམ་དུ། །
      45. đã dùng Phạm Âm / mà thuyết như vậy.”
           Spoke thus in such a way.”
ཡིད་ལ་ཐུབ་པའི་གཟུགས་བརྙན་ནི། །
      Ảnh Phật khi ấy / hiện ra trong con,
           The instant such a reflection of the Sage’s form
ཤར་བ་ཙམ་ཡང་ཚ་བ་ཡིས། །
      xoa dịu trái tim / rát bỏng mòn mỏi,
           Appears in my mind it soothes me,
གདུང་ལ་ཟླ་ཟེར་བཞིན་དུ་སྨན། །
      như trăng thanh mát / dịu cõi nóng khô.
           Just as the moon-rays heal fever’s pains.

༤༦་༽   དེ་ལྟར་རྨད་དུ་བྱུང་བ་ཡི། །
      46. Đối với giáo pháp / kỳ diệu này đây,
           This excellent system, most marvellous,
ལུགས་བཟང་དེ་ཡང་མི་མཁས་པའི། །
      phàm phu kém trí
           Some individuals who are not so learned
སྐྱེ་བོས་བལ་པ་ཛ་བཞིན་དུ། །
      thấy rối mịt mờ
           Have entangled it in utter confusion,
རྣམ་པ་ཀུན་ཏུ་འཛིངས་པར་བྱས༑
      như là cỏ bện.
           Just like the tangled balbaza grass.

༤༧་༽   །ཚུལ་འདི་མཐོང་ནས་བདག་གིས་ནི། །
      47. Nhìn thấy cảnh này / con đã lắm lần
           Seeing this situation, I strove
འབད་པ་དུ་མས་མཁས་པ་ཡི༑
      theo bậc trí giả
           With a multitude of efforts
།རྗེས་སུ་འབྲངས་ནས་ཁྱོད་ཀྱི་ནི། །
      cố gắng nỗ lực
           To follow after the learned ones
དགོངས་པ་ཡང་དང་ཡང་དུ་བཙལ། །
      tìm rồi lại tìm / ý thật của Phật.
           And sought your intention again and again.

༤༨་༽   དེ་ཚེ་རང་གཞན་སྡེ་པ་ཡི། །
      48. Khi ấy con học
           At such times as I studied the numerous works
གཞུང་མང་དག་ལ་སྦྱངས་པ་ན། །
      rất nhiều kinh luận / tông môn trong ngoài,
           Of both our own [Middle Way] and other schools,
ཕྱི་ཕྱིར་ཐེ་ཚོམ་དྲ་བ་ཡིས། །
      tâm triền miên khổ
           My mind became tormented ever more
བདག་གི་ཡིད་ནི་ཀུན་ཏུ་གདུངས།
      vì lưới hoài nghi.
           Constantly by a network of doubts.

༤༩་༽   ཁྱོད་ཀྱི་བླ་མེད་ཐེག་པའི་ཚུལ། །
      49-51. Cỗ xe vô thượng / mà Phật để lại,
           The night-lily grove of Nagarjuna’s treatises –
ཡོད་དང་མེད་པའི་མཐའ་སྤངས་ཏེ། །
      hai đầu có-không / đều lìa bỏ hết,
           Nagarjuna whom you prophesized
ཇི་བཞིན་འགྲེལ་པར་ལུང་བསྟན་པ། །
      được đức Long-thọ – người Phật thọ ký – giảng đúng như thật.
           Would unravel your unexcelled vehicle as it is,
ཀླུ་སྒྲུབ་གཞུང་ལུགས་ཀུནྡའི་ཚལ། །
      Vườn hoa kun-da / của luận Long thọ
           Shunning extremes of existence and non-existence –

༥༠་༽   དྲི་མེད་མཁྱེན་པའི་དཀྱིལ་འཁོར་རྒྱས། །
      ngời ánh nguyệt quang / của luận Nguyệt Xứng
           Illuminated by the garland of white lights
གསུང་རབ་མཁའ་ལ་ཐོགས་མེད་རྒྱུ། །
      trắng sáng rạng soi / tỏ tường khắp cả,
           Of Candra’s well-uttered insights –
མཐར་འཛིན་སྙིང་གི་མུན་པ་སེལ། །
      trí tuệ vô cấu / một khối tròn đầy,
           Candra, whose stainless wisdom orb is full,
ལོག་སྨྲའི་རྒྱུ་སྐར་ཟིལ་གནོན་པ། །
      du hành vô ngại / giữa trời giáo thuyết,
           Who glides freely across scriptures’ space,

༥༡་༽   དཔལ་ལྡན་ཟླ་བའི་ལེགས་བཤད་ཀྱི། །
      xóa tan tăm tối / trái tim chấp thủ,
           Who dispels the darkness of extremist hearts
འོད་དཀར་འཕྲེང་བས་གསལ་བྱས་པ། །
      ngàn sao tà thuyết / đều phải lu mờ.
           And outshines the constellations of false speakers –
བླ་མའི་དྲིན་གྱིས་མཐོང་བའི་ཚེ། །
      Nhờ ơn đạo sư / thấy được điều này,
           When, through my teacher’s kindness, I saw this
བདག་གི་ཡིད་ཀྱིས་ངལ་གསོ་ཐོབ། །
      tâm con khi ấy / mới thật bình yên.
           My mind found a rest at last.

༥༢་༽   མཛད་པ་ཀུན་ལས་གསུང་གི་ནི། །
      52. Trong mọi thiện hạnh / mà Phật đã làm / thuyết pháp là nhất.
           Of all your deeds, your speech is supreme;
མཛད་པ་མཆོག་ཡིན་དེ་ཡང་ནི། །
      Pháp thuyết cũng vậy / là pháp này đây.
           Within that too it is this very speech;
དེ་ཉིད་ཡིན་ཕྱིར་མཁས་པ་ཡིས། །
      Vì vậy kẻ trí / nên từ chỗ này
           So the wise should remember the Buddha
འདི་ལས་སངས་རྒྱས་རྗེས་དྲན་བྱོས། །
      mà nhớ đến Phật.
           Through this [teaching of dependent origination].

༥༣་༽   སྟོན་དེའི་རྗེས་སུ་རབ་ཏུ་བྱུང་གྱུར་ཏེ། །
      53. Theo gót đấng bổn sư / tôi xuất gia thanh tịnh
           Following such a teacher and having become a renunciate,
རྒྱལ་བའི་གསུང་ལ་སྦྱངས་པ་མི་དམན་ཞིང་། །
      tu học lời Phật dạy / không để cho kém cỏi
           Having studied the Conqueror’s words not too poorly,
རྣལ་འབྱོར་སྤྱོད་ལ་བརྩོན་པའི་དགེ་སློང་ཞིག།
      Tỷ kheo này cố gắng / tu tập hạnh du già
           This monk who strives in the yogic practices,
དྲང་སྲོང་ཆེན་པོ་དེ་ལ་དེ་ལྟར་གུས། །
      để tỏ lòng tôn kính / bậc Đại Chân Thật giả
           Such is [the depth of] his reverence to the great Seer!

༥༤་༽   སྟོན་པ་བླ་ན་མེད་པའི་བསྟན་པ་དང་། །
      54. Gặp được giáo pháp này / của bậc Thầy vô thượng
           Since it is due to my teacher’s kindness
མཇལ་བ་འདི་འདྲ་བླ་མའི་དྲིན་ཡིན་པས། །
      hết thảy đều nhờ vào / lòng từ của Ân sư
           I have met with the teaching of the unexcelled teacher,
དགེ་བ་འདི་ཡང་འགྲོ་བ་མ་ལུས་པ། །
      Vậy công đức ở đây / tôi nguyện xin hồi hướng
           I dedicate this virtue too towards the cause
བཤེས་གཉེན་དམ་པས་འཛིན་པའི་རྒྱུ་རུ་བསྔོ། །
      cho chúng sinh luôn được / bậc chân sư giữ gìn.
           For all beings to be sustained by sublime spiritual mentors.

༥༥་༽   ཕན་མཛད་དེ་ཡི་བསྟན་པའང་སྲིད་པའི་མཐར། །
      55. Pháp của đấng Lợi Sinh / nguyện cùng tận sinh tử
           May the teaching of this Beneficent One till world’s end
ངན་རྟོག་རླུང་གིས་རྣམ་པར་མི་གཡོ་ཞིང་། །
      không bao giờ khuynh động / bởi ngọn gió tà niệm
           Be unshaken by the winds of evil thoughts;
བསྟན་པའི་ངང་ཚུལ་ཤེས་ནས་སྟོན་པ་ལ། །
      nguyện luôn đầy ắp người / chứng cảnh giới lời Phật
           May it always be filled with those who find conviction
ཡིད་ཆེས་རྙེད་པས་ རྟག་ཏུ་གང་བར་ཤོག།
      nhờ đó tâm xác quyết / tin tưởng đấng đạo sư
           In the teacher by understanding the teaching’s true nature.

༥༦་༽   བརྟེན་ནས་འབྱུང་བའི་དེ་ཉིད་གསལ་མཛད་པ། །
      56. Nguyện trì pháp Mâu ni
           May I never falter even for an instant
ཐུབ་པའི་ལུགས་བཟང་སྐྱེ་བ་ཐམས་ཅད་དུ། །
      sáng soi lý duyên khởi
           To uphold the excellent way of the Sage,
ལུས་དང་སྲོག་ཀྱང་བཏང་ནས་འཛིན་པ་ལ། །
      mọi đời kiếp về sau / xả bỏ cả thân mạng
           Which illuminates the principle of dependent origination,
སྐད་ཅིག་ཙམ་ཡང་ལྷོད་པར་མ་གྱུར་ཅིག།
      không bao giờ xao lãng / dù chỉ thoáng chốc thôi
           Through all my births even giving away my body and life.
 

༥༧་༽   འདྲེན་པ་མཆོག་དེས་དཀའ་བ་དཔག་མེད་ཀྱིས། །
      57. “Bậc dẫn đường tối thượng / bỏ công khó vô lượng
           May I spend day and night carefully reflecting,
ནན་ཏན་སྙིང་པོར་མཛད་ནས་བསྒྲུབས་པ་འདི། །
      mới đạt được pháp này
           “By what means can I enhance
ཐབས་གང་ཞིག་གིས་འཕེལ་བར་འགྱུར་སྙམ་པའི། །
      nay dùng cách nào đây / để hoằng dương chánh pháp?”
           This teaching achieved by the supreme savior
རྣམ་པར་དཔྱོད་པས་ཉིན་མཚན་འདའ་བར་ཤོག།
      nguyện tôi ngày lẫn đêm / luôn quán xét điều này
           Through strenuous efforts over countless eons?”

༥༨་༽   ལྷག་བསམ་དག་པས་ཚུལ་དེར་བརྩོན་པ་ན། །
      58. Khi nỗ lực như vậy / với đại nguyện trong sáng
           As I strive in this with pure intention,
ཚངས་དང་དབང་པོ་འཇིག་རྟེན་སྐྱོང་བ་དང་། །
      Nguyện Phạm Thiên, Đế Thích, / cùng chư vị hộ thế
           May Brahma, Indra and the world’s guardians
ལེགས་ལྡན་ནག་པོ་ལ་སོགས་སྲུང་མས་ཀྱང་། །
      và hộ pháp như là / đức Mahakala
           And protectors such as Mahakala
གཡེལ་བ་མེད་པར་རྟག་ཏུ་གྲོགས་བྱེད་ཤོག།
      luôn nâng đỡ cho tôi / không bao giờ lơi nghỉ
           Unswervingly, always assist me.

ཅེས་བསྟོད་པ་ལེགས་བཤད་སྙིང་པོ་ཞེས་བྱ་བ་འདི་ནི་མང་དུ་ཐོས་པའི་དགེ་སློང་བློ་བཟང་གྲགས་པའི་དཔལ་གྱིས་སྦྱར་བའོ
Bài pháp tên “Tinh Túy Trí Khéo Thuyết” này do bậc Tỷ kheo Đa văn Losang Dragpa trước tác.
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ Tạng ngữ (Kopan Monastery Prayer Book), tham khảo với các bản dịch Anh ngữ của Thupten Jinpa Kilty Galvin,  12 tháng 5 năm 2019
This hymn entitled “Essence of Well-Uttered Insights,” praising the unexcelled Teacher – the great friend to the entire world [even] to the unfamiliar – for teaching the profound dependent origination, was composed by the well-read monk Lobsang Drakpai Pal. It was written at the heavenly retreat of Lhading on the towerng mountain of Odé Gungyal, otherwise known as [Ganden] Nampar Gyalwai Ling. The scriber was Namkha Pal.Translated from the Tibetan by Geshe Thupten Jinpa. © Geshe Thupten Jinpa.

Việt (Vietnamese)| Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)




Thogme Zangpo: 37 PHÁP HÀNH BỒ TÁT

-Tựa đề tiếng Tạng (Tibetan Title): ༄༅། །རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་སོ་བདུན་མ་བཞུགས་སོ། །
-Tác Giả (author): Gyalse Thogme Zangpo
-Việt dịch (Vietnamese translation): Cư sĩ Hồng Như Thupten Munsel – 02/2019, hiệu đính 08/2019

1.  CÔNG ĐỨC PHẦN THƯỢNG—KHAI KỆ

1a. Nói tựa đề

Dưới đây là Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát

1b. Tán Dương

1b1. Nói ngắn gọn

Nam mô Đức Quan Tự Tại Lokesvaraye

1b2. Nói chi tiết

Dù thấy vạn pháp / không đi không đến,
Cũng vẫn dốc sức / chỉ vì lợi sinh:
Thượng sư tôn quí, đức Quan Thế Âm, bậc đại hộ trì,
Đệ tử hằng mang / ba cửa kính lễ.

1c. Lý do tác luận

Chư Chánh Đẳng Giác, / cội nguồn phúc lạc,
Thành Phật là nhờ / chứng đắc diệu Pháp,
Chứng đắc là nhờ / biết được pháp hành:
Vì vậy cho nên / cần phải giảng về / pháp hành bồ tát.

2. CÔNG ĐỨC PHẦN TRUNG—CHÁNH VĂN

2a. Pháp tu sơ khởi (kệ 1-7)

2a1. Thân người ung dung sung mãn khó gặp (kệ 1)

1. Ung dung, sung mãn, / thuyền lớn khó tìm / nay đã có được.
Để độ ngã tha / thoát bể sinh tử
Nên ngày lẫn đêm / đều không xao lãng
Văn tư và tu — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a2. Từ bỏ quê cha (kệ 2)

2. Thân thì luyến chấp / như là nước cuốn;
Thù thì sân hận / như lửa cháy bừng;
U mê quên hết / điều cần lấy, bỏ:
Quê cha đoạn lìa — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a3. Trú nơi viễn li (kệ 3)

3. Nhờ lánh chỗ ác / nên phiền não cạn;
Tâm không tán loạn: / thiện hạnh tự  tăng;
Trí giữ sáng trong / tự tin nơi pháp:
Trú nơi viễn li — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a4. Nhớ vô thường (kệ 4)

4. Người thân lâu năm, / lần lượt giã biệt;
Tiền kiếm vất vả, / bỏ lại phía sau;
Thân là nhà trọ, / tâm thức là khách / sẽ phải rời đi:
Đời này xả li — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a5. Rời bạn xấu (kệ 5)

Có kẻ nếu gần / tam độc sẽ tăng,
Văn tư và tu / hết thảy đều giảm,
Tâm từ tâm bi / rồi sẽ mất sạch:
Rời xa ác hữu — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a6. Nương thiện tri thức (kệ 6)

6. Lại có những người / nếu nương dựa vào / lầm lỗi sẽ dứt,
Thiện đức sẽ tăng / như trăng độ rằm:
Thiện tri thức ấy / hãy nên trân quí
Hơn cả thân mình — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2a7. Quy Y  (kệ 7)

7. Tự mình còn vướng / tù ngục luân hồi,
Chư thiên thế tục / độ được cho ai?
Nếu đã qui y, / hãy tìm về nương / chốn không hư ngụy:
Qui y Tam bảo — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b. Giải thích về đường tu ba loại căn cơ

2b1. Đường tu sơ căn phải tu như thế nào  (kệ 8)

8. Phật dạy khổ nạn / ác đạo khó kham
Đều là quả báo / của nghiệp bất thiện.
Vì thế cho nên / chẳng thà mất mạng
Việc ác không làm — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b2. Đường tu trung căn phải tu như thế nào (kệ 9)

9. Lạc thú ba cõi / như sương đầu cỏ,
Chỉ phút giây thôi / rồi tan biến hết.
Quả vị giải thoát / thắng diệu bất biến
Thường luôn tìm cầu — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3. Đường tu thượng căn phải tu như thế nào (kệ 10-24)

2b3a. Phát tâm bồ đề (kệ 10)

10. Đa sinh hiền mẫu / kể từ vô thủy / luôn rất yêu tôi.
Mẹ đều khổ cả, / con vui sao đành!
Vì để phổ độ / chúng sinh vô biên
Phát tâm bồ đề — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b. Huân tập và phát huy tâm bồ đề

2b3b1. Tâm bồ đề tục nghĩa (kệ 11-21)
2b3b1a. Nhập định quán hoán chuyển ngã tha (kệ 11)

11. Chịu khổ là vì / tôi muốn tôi vui;
Thành Phật là nhờ / tâm muốn lợi người.
Vậy thì vui tôi / đổi lấy khổ người,
Trọn vẹn hoán chuyển — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b. Xuất định quán chuyển nghịch cảnh thành đường tu (kệ 12-22)
2b3b1b1. Chuyển khổ nạn thành đường tu  (kệ 12-15)
2b3b1b1a. Tổn thất (kệ 12)

12. Dù ai vì tham / mà tài sản tôi
Họ tự tay cướp, / hoặc bảo người cướp,
Đối với người ấy / vẫn mang thân, của, / công đức ba thời,
Hồi hướng cho họ — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b1b. Khổ (kệ 13)

13. Tôi một chút lỗi / cũng không hề có,
Nhưng lại có người / chặt mất đầu tôi.
Ác nghiệp người ấy, / với tâm từ bi
Tôi sẽ gánh về — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b1c. Khẩu thiệt (kệ 14)

14. Dù có bị ai / mắng chửi  đủ điều,
Bêu rếu cùng khắp / tam thiên thế giới,
Đối với người ấy / lại càng từ hòa
Ngợi ca việc thiện — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b1d. Chỉ trích (kệ 15)

15. Dù có bị ai / ngay giữa đám đông
Bươi móc lỗi kín / thóa mạ nặng lời
Vẫn xem người ấy / là thiện tri thức
Thành tâm kính lễ — đó là pháp hành / của bậc bồ tát

2b3b1b2. Chuyển cảnh khó thành đường tu (kệ 16-17)
2b3b1b2a. Vô ơn (kệ 16)

16. Người tôi dưỡng nuôi / thương như con ruột
Lại đối với tôi / như với kẻ thù.
Tôi vẫn như mẹ / khi con lâm bệnh
Lại càng thương yêu — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b2b. Nhục mạ (kệ 17)

17. Dù người bằng tôi, / hay thấp hơn tôi,
Ngã mạn lăng nhục / làm khó đủ điều,
Vẫn kính người ấy / như kính Tôn sư
Đội ở trên đầu — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b3. Chuyển cảnh khốn cùng hay phú quí vào đường tu (kệ 18-19)
2b3b1b3a. Khốn cùng (kệ 18)

18. Dù nghèo xơ xác / bị đời khinh miệt,;
Dù vướng trọng bệnh, / ám chướng, tà ma,
Ác, khổ chúng sinh / vẫn xin nhận hết
Không chút nao lòng — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b3b. Phú quí (kệ 19)

19. Danh tiếng lừng vang, / đại chúng đê đầu,
Tài sản sánh tày / Đa Văn Thiên Vương,
Vẫn thấy sá gì / tiền tài thế lực,
Lòng không kiêu ngạo — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b1b4. Chuyển cảnh khiến sân và tham vào đường tu (kệs
20-21)
2b3b1b4a. Cảnh khiến nổi sân (kệ 20)

20. Sân hận của mình, / giặc này không dẹp
Thì giặc bên ngoài / càng quét càng tăng.
Vậy lấy từ bi / dùng làm chiến đội
Tự quét tâm mình — đó là pháp hành / của bậc bồ tát

2b3b1b4b. Cảnh khiến nổi tham (kệ 21)

21. Lạc thú giác quan / tựa như nước muối,
Càng uống bao nhiêu / càng khát bấy nhiêu.
Cứ hễ vật gì / khiến nổi tham chấp
Lập tức buông ra — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b2. Tâm Bồ Đề Chân Nghĩa (kệ 22-24)
2b3b2a. Cách Nhập Định Quán Tánh Không Như Không Gian (kệ 22)

22. Cảnh hiện hết thảy / đều là tâm ta.
Tâm này bản lai / siêu việt khái niệm.
Biết vậy nên khi / tiếp tướng đối đãi
Vẫn không tác ý — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b2b. Khi xuất thiền, làm sao ngừng thấy tham và sân là thật (kệ 23-24)
2b3b2b1. Ngừng thấy cảnh khiến nổi tham là có thật (kệ 23)

23. Khi gặp chốn nào / đẹp đẽ đáng yêu,
Thấy đó chỉ như / cầu vồng mùa hạ,
Rực rỡ hiện ra / nhưng không thật có:
Luyến chấp buông bỏ — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

2b3b2b2. Ngừng thấy cảnh khiến nổi sân là có thật (kệ 24)

24. Hết thảy khổ đau / đều giống trong mơ / thấy con mình chết,
Lấy vọng làm thật  / nên luôn đuối mệt,
Vì thế cho nên / khi gặp nghịch cảnh
Thấy đều là vọng — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3. CÔNG ĐỨC PHẦN HẠ — KẾT

3a. Dấn thân vào pháp hành bồ tát (kệ 25-37)

3a1. Sáu Ba La Mật (kệ 25-30)

3a1a. Hạnh Thí (kệ 25)

25. Muốn đạt bồ đề / đến thân còn cho
Huống chi ngoại vật. / Vì thế cho nên
Không mong hồi báo / không cầu thiện quả
Mà làm bố thí — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a1b. Hạnh Giới (kệ 26)

26. Giới đã không thì / tự lợi cũng không,
Lại muốn lợi tha / thật quá nực cười!
Vậy nên vắng mọi / ham muốn thế tục
Để mà giữ giới — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a1c. Hạnh Nhẫn (kệ 27)

27. Đối với bồ tát / hướng về thiện đức
thì kẻ nhiễu hại / chính là kho báu,
Nên với mọi người / lòng không thù hận,
Tu theo hạnh nhẫn — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a1d. Hạnh Tấn (kệ 28)

28.Thanh văn Duyên giác / cầu tự lợi thôi
Đã tinh tấn như / lửa cháy ngang mày
Vậy vì chúng sinh / khởi tâm chuyên cần / nơi gốc thiện đức,
Tu hạnh tinh tấn — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a1e. Hạnh Định (kệ 29)

29. Chỉ, nếu phối hợp / triệt để với Quán
Thì phiền não diệt. / Nhờ biết như vậy,
Siêu việt hết thảy / tứ vô sắc giới,
Tu chánh định này — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a1f. Hạnh Tuệ (kệ 30)

30. Tuệ mà không có / thì năm hạnh kia
Không đủ khả năng / thành tựu chánh giác.
Dùng Phương tiện và / tam vô phân biệt,
Để tu hạnh Tuệ — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a2. Bốn Điều Khế Kinh Dạy (kệ 31-34)

3a2a. Tự Xét Lỗi Mình Để Bỏ Đi  (kệ
31)

31. Mê vọng của mình / nếu không tự xét,
Sẽ nhìn giống tu / nhưng làm trái Pháp,
Vậy thì mê vọng / phải luôn tự mình
Xét để mà buông — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a2b. Ngưng Chỉ Trích Bồ Tát  (kệ 32)

32. Vì phiền não nên / bêu lỗi bồ tát
Thì bản thân mình / sẽ bị tổn hao.
Vậy thì những ai / đã vào đại thừa,
Mình đừng nói lỗi — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a2c. Chặt Tham Chấp nơi việc nhà của thí chủ (kệ 33)

33. Vì lợi vì danh / mà sanh tranh chấp,
Làm cho hao tổn / cả văn tư tu.
Nên việc người thân, / bằng hữu, thí chủ,
Buông mọi chấp bám — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a2d. Tự Chế Ngự Lời Thô Ác  (kệ 34)

34. Lời thô ác khiến / tâm người não loạn
Và làm hao tổn / tánh hạnh bồ tát
Vậy với người khác / đừng gây khó chịu,
Buông ác ngữ đi — đó là pháp hành / của bậc bồ tát

3a3. Cách Dẹp Phiền Não  (kệ 35)

35. Phiền não quen lâu / sẽ khó đối trị,
Vũ khí giao cho / chánh niệm chánh trị,
Phiền não như là / tham sân các thứ,
Chớm nhú chặt ngay — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a4. Luyện Chánh Niệm Tỉnh Giác  (kệ
36)

36. Tóm lại, bất cứ / ở đâu, làm gì,
Cũng phải tự hỏi / tâm mình ra sao.
Luôn đi cùng với / chánh niệm tỉnh giác
Để mà độ sinh — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3a5. Hồi Hướng Cồng Đức về cho Bồ Đề Viên Mãn (kệ 37)

37. Nỗ lực như vậy / được bao công đức,
Xin vì quét khổ / cho khắp chúng sinh
Mà dùng trí tuệ / siêu việt tam chấp,
Hồi hướng bồ đề  — đó là pháp hành / của bậc bồ tát.

3b. Kết

Từ nơi ý nghĩa / của Kinh, Mật, Luận
Dựa theo viên âm / của chư Giác giả,
Nay xin viết lại / thành ba mươi bảy / pháp hành bồ tát
Cho những ai muốn / tu bồ tát đạo.

Tôi vì trí thấp / hiểu biết không nhiều,
Thi kệ không làm / đẹp lòng bậc trí,
Thế nhưng nhờ nương / lời bậc Giác giả / cùng với khế kinh,
Pháp hành bồ tát / thiết nghĩ không lầm.

Tuy vậy, sóng cả / thiện hạnh bồ tát
Thâm sâu khó lường / cho kẻ trí mọn / như là tôi đây.
Lỡ đâu mâu thuẫn / hay thiếu mạch lạc / vướng lỗi đại loại,
Xin chư  Giác giả / nhẫn nại dùm cho.

Nhờ công đức này, / nguyện khắp chúng sinh
Với tâm bồ đề / chân nghĩa, tục nghĩa,
Không vướng hai đầu / sinh tử, niết bàn,
Trở thành y như / đức Quan Thế Âm.

Bài pháp này do tỷ kheo Thogme, giáo luận sư, viết tại động đá ở  Ngulchu Rinchen, vì lợi ích của mình và của người.

Ghi chú bản tiếng Việt: Cư sĩ Hồng Như Thubten Munsel chuyển Việt ngữ tháng 2 năm 2019, hiệu đính tháng 8 năm 2019.
Chánh văn dịch từ nguyên bản tiếng Tạng, tham khảo với nhiều bản tiếng Anh trong đó có bản dịch của Alex Berzin, Adam Pearcey, Michele Martin, Ruth Sonam ; đại cương dịch từ tiếng Anh theo văn bản của Kurukulla Centre trích từ Transforming Adversity into Joy and Courage, by Geshe Jampa Tegchok.

Tạng Ngữ

ན་མོ་ལོ་ཀེ་ཤྭ་ར་ཡེ།
 ། གང་གིས་ཆོས་ཀུན་འགྲོ་འོང་མེད་གཟིགས་ཀྱང་།
 ། འགྲོ་བའི་དོན་ལ་གཅིག་ཏུ་བརྩོན་མཛད་པའི།  ། བླ་མ་མཆོག་དང་སྤྱན་རས་གཟིགས་མགོན་ལ།  ། རྟག་ཏུ་སྒོ་གསུམ་གུས་པས་ཕྱག་འཚལ་ལོ།  ། ཕན་བདེའི་འབྱུང་གནས་རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་རྣམས།  ། དམ་ཆོས་བསྒྲུབས་ལས་བྱུང་སྟེ་དེ་ཡང་ནི།  ། དེ་ཡི་ལག་ལེན་ཤེས་ལ་རག་ལས་པས།  ། རྒྱལ་སྲས་རྣམས་ཀྱི་ལག་ལེན་བཤད་པར་བྱ།  ། དལ་འབྱོར་གྲུ་ཆེན་རྙེད་དཀའ་ཐོབ་དུས་འདིར།  ། བདག་གཞན་འཁོར་བའི་མཚོ་ལས་བསྒྲལ་བྱའི་ཕྱིར།  ། ཉིན་དང་མཚན་དུ་གཡེལ་བ་མེད་པར་ནི།  ། ཉན་སེམས་སྒོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། གཉེན་གྱི་ཕྱོགས་ལ་འདོད་ཆགས་ཆུ་ལྟར་གཡོ།  ། དགྲ་ཡི་ཕྱོགས་ལ་ཞེ་སྡང་མེ་ལྟར་འབར།  ། བླང་དོར་བརྗེད་པའི་གཏི་མུག་མུན་ནག་ཅན།  ། ཕ་ཡུལ་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཡུལ་ངན་སྤངས་པས་ཉོན་མོངས་རིམ་གྱིས་འགྲིབ།  ། རྣམ་གཡེང་མེད་པས་དགེ་སྦྱོར་ངང་གིས་འཕེལ།  ། རིག་པ་དྭངས་པས་ཆོས་ལ་ངེས་ཤེས་སྐྱེ།  ། དབེན་པ་བསྟེན་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཡུན་རིང་འགྲོགས་པའི་མཛའ་བཤེས་སོ་སོར་འབྲལ།
འབད་པས་བསྒྲུབས་པའི་ནོར་རྫས་ཤུལ་དུ་ལུས།  །
ལུས་ཀྱི་མགྲོན་ཁང་རྣམ་ཤེས་མགྲོན་པོས་འབོར།  ། ཚེ་འདི་བློས་བཏང་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། གང་དང་འགྲོགས་ན་དུག་གསུམ་འཕེལ་འགྱུར་ཞིང་།  ། ཐོས་བསམ་སྒོམ་པའི་བྱ་བ་ཉམས་འགྱུར་ལ།  ། བྱམས་དང་སྙིང་རྗེ་མེད་པར་སྒྱུར་བྱེད་པའི།  ། གྲོགས་ངན་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། གང་ཞིག་བསྟེན་ན་ཉེས་པ་ཟད་འགྱུར་ཞིང་།  ། ཡོན་ཏན་ཡར་ངོའི་ཟླ་ལྟར་འཕེལ་འགྱུར་བའི།  ། བཤེས་གཉེན་དམ་པ་རང་གི་ལུས་བས་ཀྱང་།  ། གཅེས་པར་འཛིན་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རང་ཡང་འཁོར་བའི་བཙོན་རར་བཅིངས་པ་ཡི།  ། འཇིག་རྟེན་ལྷ་ཡིས་སུ་ཞིག་བསྐྱབ་པར་ནུས།  ། དེ་ཕྱིར་གང་ལ་སྐྱབས་ན་མི་བསླུ་བའི།  ། དཀོན་མཆོག་སྐྱབས་འགྲོ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཤིན་ཏུ་བཟོད་དཀའི་ངན་སོང་སྡུག་བསྔལ་རྣམས།  ། སྡིག་པའི་ལས་ཀྱི་འབྲས་བུར་ཐུབ་པས་གསུངས།
དེ་ཕྱིར་སྲོག་ལ་བབས་ཀྱང་སྡིག་པའི་ལས།  ། ནམ་ཡང་མི་བྱེད་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།
 །  །སྲིད་གསུམ་བདེ་བ་རྩྭ་རྩེའི་ཟིལ་པ་བཞིན།  ། ཡུད་ཙམ་ཞིག་གིས་འཇིག་པའི་ཆོས་ཅན་ཡིན།  ། ནམ་ཡང་མི་འགྱུར་ཐར་པའི་གོ་འཕང་མཆོག
།དོན་དུ་གཉེར་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཐོག་མེད་དུས་ནས་བདག་ལ་བརྩེ་བ་ཡི།
 ། མ་རྣམས་སྡུག་ན་རང་བདེས་ཅི་ཞིག་བྱ།  ། དེ་ཕྱིར་མཐའ་ཡས་སེམས་ཅན་བསྒྲལ་བྱའི་ཕྱིར།  ། བྱང་ཆུབ་སེམས་བསྐྱེད་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། སྡུག་བསྔལ་མ་ལུས་བདག་བདེ་འདོད་ལས་བྱུང་།  ། རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་གཞན་ཕན་སེམས་ལས་འཁྲུངས།  ། དེ་ཕྱིར་བདག་བདེ་གཞན་གྱི་སྡུག་བསྔལ་དག
།ཡང་དག་བརྗེ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། སུ་དག་འདོད་ཆེན་དབང་གིས་བདག་གི་ནོར།
 ། ཐམས་ཅད་འཕྲོག་གམ་འཕྲོག་ཏུ་འཇུག་ན་ཡང་།  ། ལུས་དང་ལོངས་སྤྱོད་དུས་གསུམ་དགེ་བ་རྣམས།  ། དེ་ལ་བསྔོ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། བདག་ལ་ཉེས་པ་ཅུང་ཟད་མེད་བཞིན་དུ།
གང་དག་བདག་གི་མགོ་བོ་གཅོད་བྱེད་ནའང་། སྙིང་རྗེའི་དབང་གིས་དེ་ཡི་སྡིག་པ་རྣམས།  ། བདག་ལ་ལེན་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། འགའ་ཞིག་བདག་ལ་མི་སྙན་སྣ་ཚོགས་པ།  ། སྟོང་གསུམ་ཁྱབ་པར་སྒྲོགས་པར་བྱེད་ན་ཡང་།  ། བྱམས་པའི་སེམས་ཀྱིས་སླར་ཡང་དེ་ཉིད་ཀྱི།  ། ཡོན་ཏན་བརྗོད་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། འགྲོ་མང་འདུས་པའི་དབུས་སུ་འགའ་ཞིག་གིས།  ། མཚང་ནས་བྲུས་ཤིང་ཚིག་ངན་སྨྲ་ན་ཡང་།  ། དེ་ལ་དགེ་བའི་བཤེས་ཀྱི་འདུ་ཤེས་ཀྱིས།  ། ཡོན་ཏན་བརྗོད་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། བདག་གིས་བུ་བཞིན་གཅེས་པར་བསྐྱངས་པའི་མིས།  ། བདག་ལ་དགྲ་བཞིན་ལྟ་བར་བྱེད་ན་ཡང་།  ། ནད་ཀྱི་བཏབ་པའི་བུ་ལ་མ་བཞིན་དུ།  ། ལྷག་པར་བརྩེ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རང་དང་མཉམ་པའམ་དམན་པའི་སྐྱེ་བོ་ཡིས།  ། ང་རྒྱལ་དབང་གིས་བརྙས་ཐབས་བྱས་ན་ཡང་།  ། བླ་མ་བཞིན་དུ་གུས་པས་བདག་ཉིད་ཀྱི།  ། སྤྱི་བོར་ལེན་པ་རྒྱལ་སྲས་ཡིན།  ། འཚོ་བས་ཕོངས་ཤིང་རྟག་ཏུ་མི་ཡིས་བརྙས།  ། ཚབས་ཆེན་ནད་དང་གདོན་གྱིས་བཏབ་ཀྱང་སླར་།  ། འགྲོ་ཀུན་སྡིག་སྡུག་བདག་ལ་ལེན་བྱེད་ཅིང་།  ། ཞུམ་པ་མེད་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། སྙན་པར་གྲགས་ཤིང་འགྲོ་མང་སྤྱི་བོས་བཏུད།  ། རྣམ་ཐོས་བུ་ཡི་ནོར་འདྲ་ཐོབ་གྱུར་ཀྱང་།  ། སྲིད་པའི་དཔལ་འབྱོར་སྙིང་པོ་མེད་གཟིགས་ནས།  ། ཁེངས་པ་མེད་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རང་གི་ཞེ་སྡང་དགྲ་བོ་མ་ཐུལ་ན།  ། ཕྱི་རོལ་དགྲ་བོ་བཏུལ་ཞིང་འཕེལ་བར་འགྱུར་།  ། དེ་ཕྱིར་བྱམས་དང་སྙིང་རྗེའི་དམག་དཔུང་གིས།  ། རང་རྒྱུད་འདུལ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། འདོད་པའི་ཡོན་ཏན་ལན་ཚྭའི་ཆུ་དང་འདྲ།  ། ཇི་ཙམ་སྤྱད་ཅིང་སྲེད་པ་འཕེལ་བར་འགྱུར།  ། གང་ལ་ཞེན་ཆགས་སྐྱེ་བའི་དངོས་པོ་རྣམས།  ། འཕྲལ་ལ་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཇི་ལྟར་སྣང་བ་འདི་དག་རང་གི་སེམས།  ། སེམས་ཉིད་གདོད་ནས་སྤྲོས་པའི་མཐའ་དང་བྲལ།  ། དེ་ཉིད་ཤེས་ནས་གཟུང་འཛིན་མཚན་མ་རྣམས།  ། ཡིད་ལ་མི་བྱེད་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཡིད་དུ་འོང་བའི་ཡུལ་དང་འཕྲད་པ་ན།  ། དབྱར་གྱི་དུས་ཀྱི་འཇའ་ཚོན་ཇི་བཞིན་དུ།  ། མཛེས་པར་སྣང་ཡང་བདེན་པར་མེད་ལྟ་ཞིང་།  ། ཞེན་ཆགས་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། སྡུག་བསྔལ་སྣ་ཚོགས་རྨི་ལམ་བུ་ཤི་ལྟར།  ། འཁྲུལ་སྣང་བདེན་པར་བཟུང་བས་ཨ་ཐང་ཆད།  ། དེ་ཕྱིར་མི་མཐུན་རྐྱེན་དང་འཕྲད་པའི་ཚེ།  ། འཁྲུལ་བར་ལྟ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། བྱང་ཆུབ་འདོད་པས་ལུས་ཀྱང་གཏོང་དགོས་ན།  ། ཕྱི་རོལ་དངོས་པོ་རྣམས་ལ་སྨོས་ཅི་དགོས།  ། དེ་ཕྱིར་ལན་དང་རྣམ་སྨིན་མི་རེ་བའི།  ། སྦྱིན་པ་གཏོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཚུལ་ཁྲིམས་མེད་ན་རང་དོན་མི་འགྲུབ་ན།  ། གཞན་དོན་སྒྲུབ་པར་འདོད་པ་གད་མོའི་གནས།  ། དེ་ཕྱིར་སྲིད་པའི་འདུན་པ་མེད་པ་ཡི།  ། ཚུལ་ཁྲིམས་བསྲུང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། དགེ་བའི་ལོངས་སྤྱོད་འདོད་པའི་རྒྱལ་སྲས་ལ།  ། གནོད་བྱེད་ཐམས་ཅད་རིན་ཆེན་གཏེར་དང་མཚུངས།  ། དེ་ཕྱིར་ཀུན་ལ་ཞེ་འགྲས་མེད་པ་ཡི།  ། བཟོད་པ་སྒོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རང་དོན་འབའ་ཞིག་སྒྲུབ་པའི་ཉན་རང་ཡང་།  ། མགོ་ལ་མེ་ཤོར་བཟློག་ལྟར་བརྩོན་མཐོང་ན།  ། འགྲོ་ཀུན་དོན་དུ་ཡོན་ཏན་འབྱུང་གནས་ཀྱི།  ། བརྩོན་འགྲུས་རྩོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཞི་གནས་རབ་ཏུ་ལྡན་པའི་ལྷག་མཐོང་གིས།  ། ཉོན་མོངས་རྣམ་པར་འཇོམས་པར་ཤེས་བྱས་ནས།  ། གཟུགས་མེད་བཞི་ལས་ཡང་དག་འདས་པ་ཡི།  ། བསམ་གཏན་སྒོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཤེས་རབ་མེད་ན་ཕ་རོལ་ཕྱིན་ལྔ་ཡིས།  ། རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་ཐོབ་པར་མི་ནུས་པས།  ། ཐབས་དང་ལྡན་ཞིང་འཁོར་གསུམ་མི་རྟོག་པའི།  ། ཤེས་རབ་སྒོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རང་གི་འཁྲུལ་བ་རང་གིས་མ་བརྟགས་ན།  ། ཆོས་པའི་གཟུགས་ཀྱིས་ཆོས་མིན་བྱེད་སྲིད་པས།  ། དེ་ཕྱིར་རྒྱུན་དུ་རང་གི་འཁྲུལ་བ་ལ།  ། བརྟགས་ནས་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཉོན་མོངས་དབང་གིས་རྒྱལ་སྲས་གཞན་དག་གི
།ཉེས་པ་གླེང་ན་བདག་ཉིད་ཉམས་འགྱུར་བས།  ། ཐེག་པ་ཆེ་ལ་ཞུགས་པའི་གང་ཟག་གི
།ཉེས་པ་མི་སྨྲ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རྙེད་བཀུར་དབང་གིས་ཕན་ཚུན་རྩོད་འགྱུར་ཞིང་།
 ། ཐོས་བསམ་བསྒོམ་པའི་བྱ་བ་ཉམས་འགྱུར་བས།  ། མཛའ་བཤེས་ཁྱིམ་དང་སྦྱིན་བདག་ཁྱིམ་རྣམས་ལ།  ། ཆགས་པ་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། རྩུབ་མོའི་ཚིག་གིས་གཞན་སེམས་འཁྲུག་འགྱུར་ཞིང་།
 ། རྒྱལ་བའི་སྲས་ཀྱི་སྤྱོད་ཚུལ་ཉམས་འགྱུར་བས།
 ། དེ་ཕྱིར་གཞན་གྱི་ཡིད་དུ་མི་འོང་བའི།  ། ཚིག་རྩུབ་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  ། ཉོན་མོངས་གོམས་ན་གཉེན་པོས་བཟློག་དཀའ་བས།  ། དྲན་ཤེས་སྐྱེས་བུས་གཉེན་པོའི་མཚོན་བཟུང་ནས།  ། ཆགས་སོགས་ཉོན་མོངས་དང་པོ་སྐྱེས་མ་ཐག
།འབུར་འཇོམས་བྱེད་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  །
 །མདོར་ན་གང་དུ་སྤྱོད་ལམ་ཅི་བྱེད་ཀྱང་།  ། རང་གི་སེམས་ཀྱི་གནས་སྐབས་ཅི་འདྲ་ཞེས།  ། རྒྱུན་དུ་དྲན་དང་ཤེས་བཞིན་ལྡན་པ་ཡིས།  ། གཞན་དོན་སྒྲུབ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།  །  །དེ་ལྟར་བརྩོན་པས་བསྒྲུབས་པའི་དགེ་བ་རྣམས།  ། མཐའ་ཡས་འགྲོ་བའི་སྡུག་བསྔལ་བསལ་བྱའི་ཕྱིར་།  ། འཁོར་གསུམ་རྣམ་པར་དག་པའི་ཤེས་རབ་ཀྱིས།  ། བྱང་ཆུབ་བསྔོ་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ ཡིན།  ། མདོ་རྒྱུད་བསྟན་བཅོས་རྣམས་ལས་གསུངས་པའི་དོན།  ། དམ་པ་རྣམས་ཀྱི་གསུང་གི་རྗེས་འབྲངས་ནས།  ། རྒྱལ་སྲས་རྣམས་ཀྱི་ལག་ལེན་སུམ་ཅུ་བདུན།  ། རྒྱལ་སྲས་ལམ་ལ་སློབ་འདོད་དོན་དུ་བཀོད།  ། བློ་གྲོས་དམན་ཞིང་སྦྱངས་པ་ཆུང་བའི་ཕྱིར།  ། མཁས་པ་དགྱེས་པའི་སྡེབ་སྦྱོར་མ་མཆིས་ཀྱང་།  ། མདོ་དང་དམ་པའི་གསུང་ལ་བརྟེན་པའི་ཕྱིར།  ། རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་འཁྲུལ་མེད་ལེགས་པར་སེམས།  ། འོན་ཀྱང་རྒྱལ་སྲས་སྤྱོད་པ་རླབས་ཆེན་རྣམས།  ། བློ་དམན་བདག་འདྲས་གཏིང་དཔག་དཀའ་བའི་ཕྱིར།  ། འགལ་དང་མ་འབྲེལ་ལ་སོགས་ཉེས་པའི་ཚོགས།  ། དམ་པ་རྣམས་ཀྱིས་བཟོད་པར་མཛད་དུ་གསོལ།  ། དེ་ལས་བྱུང་བའི་དགེ་བས་འགྲོ་བ་ཀུན།  ། དོན་དམ་ཀུན་རྫོབ་བྱང་ཆུབ་སེམས་མཆོག་གིས།  ། སྲིད་དང་ཞི་བའི་མཐའ་ལ་མི་གནས་པའི།  ། སྤྱན་རས་གཟིགས་མགོན་དེ་དང་མཚུངས་པར་ཤོག
།ཅེས་པ་འདི་རང་གཞན་ལ་ཕན་པའི་དོན་དུ་ལུང་དང་རིགས་པ་སྨྲ་བའི་བཙུན་པ་ཐོགས་མེད་ཀྱིས་དངུལ་ཆུའི་རིན་ཆེན་ཕུག་ཏུ་སྦྱར་བའོ།།
 །




Lama Tsongkhapa: LỜI NGUYỆN CUỐI LAMRIM ĐẠI LUẬN

-Tựa Đề Tạng Ngữ (Tibetan Title): ࿓༅༎་ལམ་རིམ་སྨོན་ལམ་བཞུགས་སོ༎
-Tác giả (author): Lama Tsongkhapa (Lama Tông Khách Ba)
(sơ tổ dòng Gelug)
-Việt ngữ (translator): Hồng Như, bản mới 2018
Nghe Tụng (chanting): Lab Kyabgon Rinpoche <Youtube>
༡༽ དེར་ནི་རིང་དུ་འབད་ལས་ཚོགས་གཉིས་ནི ། །
DER NI RING DU BÄ LÄ TSHOG NYI NI
From my two collections, vast as space, that I have amassed
Bấy lâu gắng tu / được nhị lương này
མཁའ་ལྟར་ཡངས་པ་གང་ཞིག་བསགས་པ་དེས ། །
KHA TAR YANG PA GANG ZHIG SAG PA DE
From working with effort at this practice for a great length of time,
Rộng như trời rộng, / xin vì những ai
བློ་མིག་མ་རིག་གིས་ལྡོངས་འགྲོ་བ་ཀུན ། །
LO MIG MA RIG GI DONG DRO WA KÜN
May I become the chief leading buddha for all those
mắt tuệ khuất lấp / bởi màn vô minh
རྣམ་འདྲེན་རྒྱལ་བའི་དབང་པོར་བདག་གྱུར་ཅིག །
NAM DREN GYÄL WÄI WANG POR DAG GYUR CHIG
Whose mind’s wisdom eye is blinded by ignorance.
con nguyện thành Phật / thượng thủ dẫn đường

༢༽ དེར་མ་སོན་པའི་ཚེ་རབས་ཀུན་ཏུ་ཡང་། །
DER MA SÖN PÄI TSHE RAB KÜN TU YANG
Even if I do not reach this state, may I be held
Khi chưa được vậy / nguyện mọi kiếp sau
འཇམ་པའི་དབྱངས་ཀྱིས་བརྩེ་བས་རྗེས་བཟུང་ནས ། །
JAM PÄI YANG KYI TSE WÄ JE ZUNG NÄ
In your loving compassion for all lives, Manjushri,
Được đức Mạn thù / thương yêu gìn giữ,
བསྟན་པའི་རིམ་པ་ཀུན་ཚང་ལམ་གྱི་མཆོག །
TÄN PÄI RIM PA KÜN TSHANG LAM GYI CHOG
May I find the best of complete graded paths of the teachings,
Trọn vẹn thắng pháp / trình tự đạo giác,
རྙེད་ནས་སྒྲུབ་པས་རྒྱལ་རྣམས་མཉེས་བྱེད་ཤོག །
NYE NÄ DRUB PÄ GYÄL NAM NYE JE SHOG
And may I please all the buddhas by my practice.
Nguyện gặp và tu / khiến Phật đẹp lòng

༣༽ རང་གིས་ཇི་བཞིན་རྟོགས་པའི་ལམ་གྱི་གནད ། །
RANG GI JI ZHIN TOG PÄI LAM GYI NÄ
Using skillful means drawn by the strong force of compassion,
Chứng đúng như thật, cốt lõi đường tu
ཤུགས་དྲག་བརྩེ་བས་དྲངས་པའི་ཐབས་མཁས་ཀྱིས ། །
SHUG DRAG TSE WÄ DRANG WÄI THAB KHÄ KYI
May I clear the darkness from the minds of all beings
Lấy lực đại từ / làm thiện phương tiện
འགྲོ་བའི་ཡིད་ཀྱི་མུན་པ་བསལ་བྱས་ནས ། །
DRO WÄI YI KYI MÜN PA SÄL JÄ NÄ
With the points of the path as I have discerned them:
Quét sạch bóng tối / trong tâm hữu tình
རྒྱལ་བའི་བསྟན་པ་ཡུན་རིང་འཛིན་གྱུར་ཅིག །
GYÄL WÄI TÄN PA YÜN RING DZIN GYUR CHIG
May I uphold Buddha’s teachings for a very long time.
Giữ cho Pháp Phật / tồn tại dài lâu.

༤༽ བསྟན་པ་རིན་ཆེན་མཆོག་གིས་མ་ཁྱབ་པའམ།
TÄN PA RIN CHEN CHOG GI MA KHYAB PAM
With my heart going out with great compassion
Thắng Pháp quí giá / phương nào chưa thịnh,
ཁྱབ་ཀྱང་ཉམས་པར་གྱུར་པའི་ཕྱོགས་དེར་ནི ། །
KHYAB KYANG NYAM PAR GYUR WÄI CHOG DER NI
In whatever direction the most precious teachings
Hay là đã thịnh / nhưng rồi đã suy
སྙིང་རྗེ་ཆེན་པོས་ཡིད་རབ་བསྐྱོད་པ་ཡིས ། །
NYING JE CHEN PÖ YI RAB KYÖ PA YI
Have not yet spread, or once spread have declined,
Nguyện lấy đại bi / chấn động lòng người
ཕན་བདེའི་གཏེར་དེ་གསལ་བར་བྱེད་པར་ཤོག །
PHÄN DEI TER DE SÄL WAR JE PAR SHOG
May I reveal this treasure of happiness and aid.
Khai mở rạng ngời / kho tàng phúc lạc

༥༽སྲས་བཅས་རྒྱལ་བའི་རྨད་བྱུང་འཕྲིན་ལས་ལས༎
SÄ CHÄ GYÄL WÄI MÄ JUNG THRIN LÄ LÄ
May the minds of those who wish for liberation be granted bounteous peace
Nương hạnh nhiệm mầu / của Phật, Bồ tát
ལེགས་གྲུབ་བྱང་ཆུབ་ལམ་གྱི་རིམ་པས་ཀྱང་། །
LEG DRUB JANG CHUB LAM GYI RIM PÄ KYANG
And the buddhas’ deeds be nourished for a long time
Cùng với trình tự / đường tu giác ngộ
ཐར་འདོད་རྣམས་ཀྱི་ཡིད་ལ་དཔལ་སྟེར་ཞིང་། །
THAR DÖ NAM KYI YI LA PÄL TER ZHING
By even this graded path to enlightenment completed
Nguyện làm rực rỡ / tâm người cầu thoát,
རྒྱལ་བའི་མཛད་པ་རིང་དུ་སྐྱོང་གྱུར་ཅིག །
GYÄL WÄI DZÄ PA RING DU KYONG GYUR CHIG
Due to the wondrous virtuous conduct of the buddhas and their sons.
Huân dưỡng lâu dài / thiện hạnh Thế tôn.

༦༽ ལམ་བཟང་བསྒྲུབ་པའི་མཐུན་རྐྱེན་སྒྲུབ་བྱེད་ཅིང་༎
LAM ZANG DRUB PÄI THÜN KYEN DRUB JE CHING
May all human and non-human beings who eliminate adversity
Nguyện làm thuận duyên / cho pháp lành này
གལ་རྐྱེན་སེལ་བྱེད་མི་དང་མི་མིན་ཀུན ། །
GÄL KYEN SEL JE MI DANG MI MIN KÜN
And create conducive conditions for practicing the excellent paths
Nghịch duyên quét hết, / cho khắp mọi loài / nhân và phi nhân
ཚེ་རབས་ཀུན་ཏུ་རྒྱལ་བས་བསྔགས་པ་ཡི ། །
TSHE RAB KÜN TU GYÄL WÄ NGAG PA YI
Never be parted in any of their lives
Mọi đời kiếp sau / không bao giờ lìa
རྣམ་དག་ལམ་དང་འབྲལ་བར་མ་གྱུར་ཅིག །
NAM DAG LAM DANG DRÄL WAR MA GYUR CHIG
From the purest path praised by the buddhas.
Đường tu trong sáng / mà Phật tán dương.

༧༽གང་ཚེ་ཐེག་པ་མཆོག་ལ་ཆོས་སྤྱོད་བཅུའི༎
GANG TSHE THEG PA CHOG LA CHÖ CHÖ CHÜI
Whenever someone makes effort to act
Nguyện cho bao giờ / ở nơi thắng thừa
ཚུལ་བཞིན་བསྒྲུབ་ལ་བརྩོན་པ་དེ་ཡི་ཚེ ། །
TSHÜL ZHIN DRUB LA TSÖN PA DE YI TSHE
In accordance with the ten-fold Mahayana virtuous practices
Thuận theo thập thiện / hành trì tinh tấn,
མཐུ་ལྡན་རྣམས་ཀྱིས་རྟག་ཏུ་གྲོགས་བྱེད་ཅིང་། །
THU DÄN NAM KYI TAG TU DROG JE CHING
May he always be assisted by the mighty ones,
Sẽ luôn được chư / Đại lực nâng đỡ,
ཀྲ་ཤིས་རྒྱ་མཚོས་ཕྱོགས་ཀུན་ཁྱབ་གྱུར་ཅིག །
TRA SHI GYA TSÖ CHOG KÜN KHYAB GYUR CHIG
And may oceans of prosperity spread everywhere.
Biển rộng cát tường / tràn khắp mọi nơi.

ཅེས་པ་འདི་ནི་རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པས་མཛད་པའོ། །
Bài pháp này do đức Tsong Khapa trước tác




Atisa: CHUỖI NGỌC BỒ TÁT

-Tựa Đề Tạng Ngữ (Tibetan Title): བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ།
-Tác giả (author): Dipamkaraśrijñana (Je Atisa)
-Việt ngữ: Hồng Như, bản nháp 2019

Chuỗi Ngọc Bồ Tát

Tựa đề tiếng Phạn: Bodhisattvamanevali 
Tựa đề tiếng Tạng: changchub sempé norbü trengwa

Kính lễ Tâm Đại Bi
Kính lễ chư Thượng Sư
Kính lễ chư Tôn của tín tâm

1. Nghi hoặc vướng tâm, buông bỏ hết
Dốc tâm tận lực nơi pháp hành
Chìm, chậm và lười đều triệt bỏ
Phải luôn nỗ lực và tinh tấn

2.  Chánh niệm, tỉnh giác, bất phóng dật
Luôn dùng để giữ cửa giác quan
Ban ngày ba buổi, đêm ba buổi
Luôn xét tới lui dòng tâm thức

3. Lỗi ở nơi mình phải nói lớn
Còn lỗi người khác chớ tìm tòi
Công đức của mình nên giữ kín
Công đức của người phải nói ra

4. Phú quí, vinh quang, đều từ bỏ
Lợi danh mọi lúc đều phải buông
Phải biết thiểu dục và tri túc
Thọ ơn thì phải biết trả ơn

5. Tâm từ tâm bi, phải huân tập
Giữ tâm bồ đề thật vững chắc
Mười điều bất thiện, luôn từ bỏ
Tín tâm luôn giữ thật vững bền

6. Phẫn nộ ngã mạn đều phải diệt
Còn tâm khiêm hạ giữ bên mình
Nghề nghiệp bất thiện phải từ bỏ
Sinh sống bằng nghề thuận chánh pháp

7. Tài vật hết thảy đều buông bỏ
Trang điểm bằng tài sản Thánh nhân [xem chi tiết đoạn 25-26]
Bao nhiêu náo nhiệt buông ra cả
Ở nơi lan nhã mà an trú

8. Chuyện phiếm tào lao buông bỏ hết
Phải luôn tự chủ lời nói ra
Khi gặp đạo sư, thầy truyền giới
Khởi tâm thành kính muốn hầu Thầy

9. Đối với những ai có mắt pháp
Hay với chúng sinh mới nhập môn
Phải biết tất cả là Đạo sư
Khi gặp bất kỳ chúng sinh nào
Biết là cha mẹ, con cháu mình

10. Bạn bè bất thiện buông bỏ hết
Bậc thiện tri thức, phải nương vào
Bỏ tâm giận dữ và không vui
Còn chỗ nào vui, phải đi đến

11. Bất kể tham gì, cũng bỏ hết
Phải về trú ở sự không tham
Tham thì thiện đạo cũng không đạt
Và làm đứt mạng của giải thoát

12. Hễ thấy pháp gì mang vui đến
Cứ luôn ở đó mà dụng công
Đầu tiên bắt đầu như thế nào
Thì hãy cứ thế mà tu trước
Được vậy mọi sự đều sẽ tốt
Bằng không sẽ chẳng việc gì xong

13. Vì không hề vui cùng việc ác
Cho nên hễ khởi niệm tự cao
Thì ngay lúc ấy chặt ngã mạn
và phải nhớ lời dạy của Thầy

14. Bao giờ tâm lý nổi chán chường
Thì phải tán thưởng, nâng tâm lên
Quán về tánh không của cả hai.
Khi gặp cảnh nào khiến tham sân
Thì thấy chỉ như giả, như huyễn

15. Khi nghe phải lời nói khó nghe
Phải thấy chỉ như là tiếng vang
Bao giờ thân thể bị thương tổn
Phải thấy đó là do nghiệp cũ

16. Trú nơi lan nhã miền xa vắng
Giống như xác chết loài thú hoang
Phải tự dấu kín bản thân mình
Và phải trú ở sự không tham

17. Luôn luôn giữ vững thệ nguyện mình.
Khi nào nổi cơn lười giải đãi
Khi ấy hãy tự đếm lỗi mình
Nhớ lại tinh túy của giới luật

18. Khi nào gặp mặt bất kỳ ai
Thì lời nói phải nhẹ và thật
Mặt mày cau có đều bỏ hết
Phải luôn gìn giữ một nụ cười

19. Nói chung mỗi khi gặp người khác
Hãy vui mà cho, đừng bủn xỉn
Đố kị ghét ghen đều từ bỏ

20. Vì để giữ gìn tâm người khác
Nên mọi tranh chấp đều bỏ đi
Giữ tâm kham nhẫn cạnh bên mình

21. Đừng dua nịnh cũng đừng thay đổi
Trước sau như một, đáng tin cậy
Bỏ hết thái độ khinh rẻ người
Ngược lại luôn giữ lòng thành kính

22. Bao giờ cho người lời giáo huấn
Phải bằng tâm từ bi lợi tha
Giáo pháp Phật cho đừng phỉ báng
Pháp nào mà lòng thiết tha muốn
Thì nơi mười cửa pháp hạnh này
Ngày đêm chia ra mà dụng công

23. Ba thời thiện đức được bao nhiêu
Hồi hướng về đại vô thượng giác
Rãi hết công đức cho chúng sinh
Thất chi đại nguyện luôn hiến cúng

24. Làm được như vậy thì hai kho
Tư lương phước trí sẽ viên thành
Và hai chướng ngại sẽ đoạn diệt
Thân người này sẽ đầy ý nghĩa
Quả vô thượng giác sẽ viên thành

25. Tài sản sự tin và giữ giới
Tài sản của sự cho, sự nghe
Tài sản của tâm tàm, tâm quí
Và của trí tuệ, bảy kho tàng.

26. Hết thảy ngọc báu thắng diệu này
Là bảy tài sản không vơi cạn
Ai không phải người, đừng cho biết.

Ở giữa đám đông xét lời nói
Khi ở một mình tự xét tâm

Đến đây chấm dứt bài pháp Chuỗi Ngọc Bồ Tát do Sư trưởng Ấn độ Dipamkaraśrijñana soạn tác

༄༅༎རྒྱ་གར་སྐད་དུ།བོ་དྷི་སཏྭ་མ་ཎྀ་ཨ་བ་ལི།  བོད་སྐད་དུ།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ།  ཐུགས་རྗེ་ཆེན་པོ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  བླ་མ་རྣམས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  དད་པའི་ལྷ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ༎  ཐེ་ཚོམ་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞེང་།  བསྒྲུབ་ལ་ནན་ཏན་གཅེས་སུ་བྱ༎  གཉིད་རྨུགས་ལེ་ལོ་རབ་སྤང་ཞིང་།  རྟག་ཏུ་བརྩོན་འགྲུས་འབད་པར་བྱ༎  དྲན་དང་ཤེས་བཞེན་བག་ཡོད་པས༎  དབང་པོའི་སྒོ་རྣམས་རྟག་ཏུ་བསྲུང༌༎  ཉིན་མཚན་དུས་གསུམ་ཡང་དང་ཡང༌༎  སེམས་ཀྱི་རྒྱུད་ལ་བརྟག་པར་བྱ༎  བདག་གི་ཉེས་པ་བསྒྲག་བྱ་ཞིང༌༎  གཞན་གྱི་འཁྲུལ་པ་བཙལ་མི་བྱ༎  བདག་གི་ཡོན་ཏན་སྦ་བྱ་ཞིང༌༎  གཞན་གྱི་ཡོན་ཏན་བསྒྲག་པར་བྱ༎  རྙེད་དང་བཀུར་སྟི་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཁྱེད་གྲགས་རྟག་ཏུ་སྤང་བར་བྱ༎  འདོད་པ་ཆུང་ཞིང་ཆོག་ཤེས་དང་༎  བྱས་ལ་དྲིན་དུ་བཟོ་བར་བྱ༎  བྱམས་དང་སྙིང་རྗེ་བསྒོམ་བྱ་ཞིང༌༎  བྱང་ཆུབ་སེམས་ནི་བརྟན་པར་བྱ༎  མི་དགེ་བཅུ་ནི་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་དད་པ་བརྟན་པར་བྱ༎  ཁྲོ་དང་ང་རྒྱལ་གཞོམ་བྱ་ཞིང༌༎  དམན་པའི་སེམས་དང་ལྡན་པར་བྱ༎  ལོག་པའི་འཚོ་བ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཆོས་ཀྱི་འཚོ་བས་འཚོ་བར་བྱ༎  ཟང་ཟིང་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  འཕགས་པའི་ནོར་གྱིས་བརྒྱན་པར་བྱ༎  འདུ་འཇི་[‘འཛི?]ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  དགོན་པ་ལ་ནི་གནས་པར་བྱ༎  འཁྱལ་བའི་ཚིག་རྣམས་སྤང་བང་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་ངག་ནི་བསྡམ་པར་བྱ༌།  བླ་མ་མཁན་པོ་མཐོང་བའི་ཚེ ༎  གུས་པར་རིམ་གྲོ་བསྐྱེད་པར་བྱ༎  གང་ཟག་ཆོས་ཀྱི་མིག་ཅན་དང་།  ལས་དང་པོ་པའི་སེམས་ཅན་ལ༎  སྟོན་པའི་འདུ་ཤེས་བསྐྱེད་པར་བྱ༎  སེམས་ཅན་ཐམས་ཅད་མཐོང་བའི་ཚེ༎  ཕ་མ་བུ་ཚའི་འདུ་ཤེས་སྐྱེད༎  སྡིག་པའི་གྲོགས་པོ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  དགེ་བའི་བཤེས་གཉེན་བསྟེན་པར་བྱ༎  སྡང་དང་མི་བདེའི་སེམས་སྤངས་ཞིང༌༎  གང་དུ་བདེ་བར་འགྲོ་བར་བྱ༎  གང་ལའང་ཆགས་པ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  ཆགས་པ་མེད་པར་གནས་པར་བྱ༎  ཆགས་པས་བདེ་འགྲོའང་མི་ཐོབ་ཅིང་།  ཐར་པའི་སྲོག་ཀྱང་གཅོད་པར་བྱེད༎  གང་དུ་བདེ་བའི་ཆོས་མཐོང་བ༎  དེར་ནི་རྟག་ཏུ་འབད་པར་བྱ༎  ཐོག་མར་བརྩམས་པ་གང་ཡིན་པ༎  དང་པོར་དེ་ཉིད་བསྒྲུབ་བྱ་སྟེ༎  དེ་ལྟ་ན་ནི་ཀུན་ལེགས་བྱས༎  གཞན་དུ་གཉིས་ཀ་འགྲུབ་མི་འགྱུར༎  རྟག་ཏུ་སྡིག་དང་དགའ་བྲལ་བས༎  གང་དུ་མཐོ་བའི་སེམས་བྱུང་ཚེ༎  དེ་ཚེ་ང་རྒྱལ་བཅག་བྱ་ཞིང༌༎  བླ་མའི་གདམས་ངག་དྲན་པར་བྱ༎  ཞུམ་པའི་སེམས་ནི་བྱུང་བའི་ཚེ༎  སེམས་ཀྱི་གཟེངས་ནི་བསྟོད་པར་བྱ༎  གཉིས་ཀ་སྟོང་པ་ཉིད་དུ་བསྒོམ༎  གང་དུ་ཆགས་སྡང་ཡུལ་བྱུང་ཚེ༎  སྒྱུ་མ་སྤྲུལ་པ་བཞིན་དུ་ལྟ༎  མི་སྙན་ཚིག་རྣམས་ཐོས་པའི་ཚེ༎  བྲག་ཆ་བཞིན་དུ་བལྟ་བར་བྱ༎  ལུས་ལ་གནོད་པ་བྱུང་བའི་ཚེ༎  སྔོན་གྱི་ལས་སུ་བལྟ་བར་བྱ༎  བས་མཐའ་དགོན་པར་རབ་གནས་ཤིང༌༎  རི་དྭགས་ཤི་བའི་རོ་བཞིན་དུ༎  བདག་གིས་བདག་ཉིད་སྦ་བྱ་ཞིང༌༎  ཆགས་པ་མེད་པར་གནས་པར་བྱ༎  རྟག་ཏུ་ཡི་དམ་བརྟན་བྱ་ཞིང༌༎  ལེ་ལོ་སྙོམས་ལས་སེམས་བྱུང་ཚེ ༎  དེ་ཚེ་བདག་ལ་རྔན་བགྲང་ཞིང༌༎  བརྟུལ་ཞུགས་སྙིང་པོ་དྲན་པར་བྱ༎  གལ་ཏེ་གཞན་དག་མཐོང་བའི་ཚེ༎  ཞི་དེས་གསོང་པོར་སྨྲ་བ་དང་། ༎  ཁྲོ་གཉེར་ངོ་ཟུམ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་འཛུམ་ཞིང་གནས་པར་བྱ༎  རྒྱུན་དུ་གཞན་དག་མཐོང་བའི་ཚེ ༎  སེར་སྣ་མེད་ཅིང་སྦྱིན་ལ་དགའ༎  ཕྲག་དོག་ཐམས་ཅད་སྤང་པར་བྱ༎  གཞན་གྱི་སེམས་ནི་བསྲུང་བའི་ཕྱིར༎  རྩོད་པ་ཐམས་ཅད་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  རྟག་ཏུ་བཟོད་དང་ལྡན་པར་བྱ༎  ངོ་དགའ་མེད་ཅིང་གསར་འགྲོགས་མེད༎  རྟག་ཏུ་ཚུགས་ནི་ཐུབ་པར་བྱ༎  གཞན་ལ་བརྙས་པ་སྤང་བྱ་ཞིང༌༎  གུས་པའི་ཚུལ་གྱིས་གནས་པར་བྱ༎  གཞན་ལ་གདམས་ངག་བྱེད་པའི་ཚེ༎  སྙིང་རྗེ་ཕན་སེམས་ལྡན་པར་བྱ༎  ཆོས་ལ་བསྐུར་བ་མི་འདེབས་ཤིང་།     གང་མོས་དེ་ལ་འདུན་པ་དང་༎  ཆོས་སྤྱོད་རྣམ་བཅུའི་སྒོ་ནས་ནི༎  ཉིན་མཚན་ཕྱེད་པར་འབད་པར་བྱ༎  དུས་གསུམ་དགེ་བ་ཅི་བསགས་པ༎  བླ་མེད་བྱང་ཆུབ་ཆེན་པོར་སྔོ༎  བསོད་ནམས་སེམས་ཅན་རྣམས་ལ་བདར༌༎  རྟག་ཏུ་ཡན་ལག་བདུན་པ་ཡི༎  སྨོན་ལམ་ཆེན་པོ་གདབ་པར་བྱ༎  དེ་ལྟར་བྱས་ན་བསོད་ནམས་དང་༎  ཡེ་ཤེས་ཚོགས་གཉིས་རྫོགས་པར་འགྱུར༎  སྒྲིབ་པ་གཉིས་ཀྱང་ཟད་འགྱུར་ཏེ༎  མི་ལུས་ཐོབ་པ་དོན་ཡོད་པས༎  བླ་མེད་བྱང་ཆུབ་ཐོབ་པར་འགྱུར༎  དད་པའི་ནོར་དང་ཚུལ་ཁྲིམས་ནོར༎  གཏོང་བའི་ནོར་དང་ཐོས་པའི་ནོར༎  ཁྲེལ་ཡོད་ངོ་ཚ་ཤེས་པའི་ནོར༎  ཤེས་རབ་ཉིད་ཀྱི་ནོར་བདུན་ཏེ༎  ནོར་གྱི་དམ་པ་འདི་དག་ནི༎  མི་ཟད་པ་ཡི་ནོར་བདུན་ཏེ༎  མི་མ་ཡིན་ལ་བརྗོད་མི་བྱ༎  མང་པོའི་ནང་དུ་ངག་ལ་བརྟག༎  གཅིག་བུར་འདུག་ན་སེམས་ལ་བརྟག༎  རྒྱ་གར་གྱི་མཁན་པོ་དཔལ་ལྡན་མར་མེ་མཛད་བཟང་པོ་ཡི་ཤེས་སྙིང་པོས་མཛད་པ༎བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་ནོར་བུའི་ཕྲེང་བ་རྫོགས་སོ༎




Lama Zopa Rinpoche: LỢI ÍCH TỤNG KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM

TỤNG KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM cho Hòa Bình Thế Giới

Nguồn: Recite The Golden Light Sutra For World Peace <PDF>
Tác giả: Lama Zopa Rinpoche - Hồng Như chuyển Việt ngữ
Hạ tải văn bản tiếng Việt: <PDF>
Mỗi Ngày Mươi Phút Trì Tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim <Web>

Ai người mong cầu thế giới được bình an, hãy trì tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim. Đây là pháp hành trọng yếu khi cần ngăn chận bạo động chiến tranh trên thế giới. Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim là một trong những phương pháp hữu ích nhất có khả năng mang lại nền hòa bình. Ai cũng làm được, bất kể bận rộn đến mức nào, dù chỉ đọc mỗi ngày một trang, hay vài hàng, cứ liên tục như vậy, hàng ngày đều đọc tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim.

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim nhiệm mầu này là vua của các kinh, vô cùng mãnh liệt, có khả năng toàn thành mọi nguyện ước, và có khả năng mang lại niềm an vui hạnh phúc đến cho khắp cả chúng sinh, chí đến quả vô thượng bồ đề. Kinh này đặc biệt mãnh liệt đối với nền hòa bình thế giới, bảo vệ cho sự an nguy của mỗi người, bảo vệ quốc gia, bảo vệ trái đất. Và kinh này cũng có khả năng xoa dịu chữa lành mọi thống khổ của người dân trong một nước.

Ai người mong cầu an vui hạnh phúc cho bản thân và cho tất cả, thì đây chính là Diệu Pháp giúp ta thực hiện điều này mà không phải gây hại cho bất cứ một ai, không cần chỉ trích xung đột vẫn đạt được nguồn an vui.

Kinh này ai cũng đọc được, Phật tử hay ngoại đạo ai người cầu mong hòa bình đều có thể đọc.

Kinh này cũng bảo vệ cho cá nhân từng người và bảo vệ cho quốc gia thoát cảnh thường gọi là thiên tai, liên quan đến các thành phần đất, nước, lửa, gió, như nạn động đất, lũ lụt, sóng thần, cuồng phong, hỏa hoạn v.v… Gọi là thiên tai, nhưng không phải nhiên không mà có, đều do nhân duyên. Do ý nghĩ và hành động độc ác của chúng ta đã từng gieo trong quá khứ, cùng những nguyên nhân đến từ ngoại cảnh.

Lợi ích đọc tụng kinh này không thể nghĩ bàn. Lời kinh nói rằng dù mang vàng ngọc châu báu nhiều bằng số lượng vi trần trong Thái Bình Dương cúng dường cho vô lượng Phật đà, công đức ấy vẫn không thể sánh với công đức đọc tụng dù chỉ vài dòng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim.

Đọc tụng kinh này sẽ đưa ta đến với quả giác ngộ. Công đức đọc tụng kinh này nhiều đến nỗi mọi việc đều trở nên suông sẻ, đời sống thuận tiện dễ dàng, muốn gì được nấy, đều nhờ năng lực tịnh nghiệp và tích phước vô cùng khó tin. Bằng cách này chúng ta có thể giúp vô lượng chúng sinh thoát biển rộng khổ đau sinh tử, đưa chúng sinh đến bờ giác ngộ.

Vậy ở đây, Thầy xin chắp cả hai tay, cầu khẩn quí vị hãy vì niềm an vui phúc lợi của thế gian này mà đọc tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, càng nhiều càng tốt.

–Lama Zopa Rinpoche-

 




Geshe Dawa: XƯNG TÁN 21 ĐỨC TARAS – Chánh Văn & Giảng

Chánh Văn và Giảng về 21 đức Tara theo dòng truyền thừa của đức A-ti-sa – [Commentaries on the 21 Taras’ Praises according the Atisa’s Lineage]

Reference for English Readers:

  • Hạ Tải PDF-IPAD (Văn bản & Giảng &་Hình): xem Thư Mục <BOOKMARK>
  • Đọc Chánh Văn [Read Root Text]: <WEB>
  • Tham khảo <TÀI LIỆU HỖ TRỢ > để tìm tài liệu liên quan đến đức Tara: chánh văn, thâu âm…

Tài Liệu Tham Khảo

  • Sách này dựa trên các tài liệu tiếng Anh sau đây: Geshe Thubten Dawa, Luận Giải về bài Tán Dương 21 Tara, Fedor Stracke chuyển Anh ngữ <Ven. Geshe Thubten Dawa’s commentary>, thêm trích đoạn từ hai tài liệu: Khensur Rinpoche Lama Lhundrup,  A Commentary on Praises to the Twenty-One Taras, (Amitabha Buddhist Centre, Singapore in 05/2005), và Lama Zopa Rinpoche, Instructions on Tara Meditation, (Tushita Retreat Centre, March 1986).
  • Hình đức Tara được chụp từ thangka riêng của Thầy Geshe Dawa.


Chọn Trang:
21 trang ứng với 21 đức Tara.
– Trang 1: bao gồm phần Dẫn Nhập và Giải Thích Tóm Lược
– Trang 22: bao gồm chánh văn và luận giải của phần Lợi Ích.


Dẫn Nhập

Lama Zopa Rinpoche

Bài tán dương này phổ biến cho cả bốn tông phái Phật giáo Tây Tạng. Không chỉ có chư đại hành giả, đại du già, hay đại thành tựu giả, ngay cả người thường, ai nương vào đức Tara là đều được sự linh ứng thần tốc, thành tựu mọi phúc lạc mong cầu. Đức Tara là hiện thân của thiện hạnh Phật đà, làm lợi chúng sinh bằng cách ban cho mọi nguồn hạnh phúc nhất thời và vĩnh cữu, kể cả nguồn hạnh phúc tuyệt bậc của quả vị Phật. Quí vị phải thành Phật mới có khả năng độ chúng sinh thoát khổ và nguyên nhân tạo khổ, đưa chúng sinh vào địa vị chánh đẳng giác.

Quán tưởng đức Tara và tụng bài tán dương này cũng sẽ giúp quí vị dễ dàng thành tựu tâm đại bi của Phật. Tôn sư của Thầy từng dạy rằng màu xanh lá của thân nhiệm mầu của đức Tara là trạng thái thanh tịnh của phong đại của đức Phật Bất Không Thành Tựu. Trong năm bộ Thiền Phật, đức Bất Không Thành Tựu hiệu thân cho sự thành tựu, vì vậy đức Tara ban thành tựu vô cùng chóng vánh. Nhờ đức Tara mà Ngài Lama Atisa tạo được lợi ích lớn lao cho Phật Pháp và chúng sinh. Vậy quan trọng là phải có lòng tin tuyệt đối khi tụng bài xưng tán này. Không kể đến những thành tựu thế gian như đạt thân trời, thân người trong các kiếp tái sinh về sau, ngay cả vãng sinh vào tịnh độ, thành tựu cao nhất về tâm tôn kính đạo sư, thành tựu mọi nền tảng của mật pháp—tâm buông xả, tâm bồ đề và tri kiến tánh không—cùng hai giai đoạn Mật tông tối thượng du già, tất cả đều có thể đạt được nhờ thỉnh nguyện đức Tara.

Nếu đã thọ đại pháp quán đảnh Cittamani Tara (thuộc hệ Mật tông tối thượng du già), quí vị có thể tự khởi hiện thành đức Tara. Nếu chưa, hãy quán tưởng đức Tara phía trước mặt, giữa một khu vườn đẹp như tịnh độ Tara hay tịnh độ A Di Đà. Giữa hồ nước hiện ra đóa sen 21 cánh. Đức Tara thượng thủ ngồi giữa nhụy sen, xung quanh là hai mươi mốt đức Tara ngồi theo tuần tự chiều bên trái, bắt đầu từ đức Tara thứ nhất là đức Thần Tốc Uy Hùng. Theo mỗi câu kệ, hãy tưởng tượng từng luồng cam lồ ào ạt đổ xuống, tịnh sạch cho quí vị, hay cho thân nhân bằng hữu… bất kể là ai, vướng tật bệnh, kiện cáo hay bất cứ vấn đề khó khăn nào. Khi đọc đến hai chữ “Kính lạy,” hãy quán tưởng đức Tara ấy tách ra một bản sao, tan vào quí vị. Khởi niềm tin tưởng mạnh mẽ, rằng mình đã nhận được tất cả mọi đức tánh của đức Tara ấy nên bây giờ đủ khả năng tận diệt chướng ngại, đạt mọi thành tựu, từ kiếp hiện tiền cho đến tận quả vị Phật. Điểm này vô cùng trọng yếu. Khi gặp bất kỳ vấn đề nào, quí vị hãy ngừng ở đức Tara có khả năng tương ứng để tụng minh chú của Ngài. Đó là phương pháp trì chú để tự lợi và lợi tha. Xét cho cùng, không có vấn đề nào bài pháp này không có khả năng hàng phục. […] Hãy tưởng tượng đặt đỉnh đầu mình nơi bàn chân đưa ra của đức Tara, hai tay níu lấy chân Ngài mà đọc tụng bài tán dương này, từ đáy lòng sâu thẳm cất lời thỉnh cầu đức Tara.

02_21t-gd-face_fi-test3

image016

༄༅། །ཨོཾ་རྗེ་བཙུན་མ་འཕགས་མ་སྒྲོལ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ།།
OM JE TSÜN MA PHAG MA DRÖL MA LA CHAG TSHÄL LO
OM! Homage to the Venerable Arya Tara!
嗡尊者聖救度母我頂禮
OM – Tôn Đức Thánh Độ Mẫu Tara, con xin kính lễ


GIẢI THÍCH TÓM LƯỢC

Geshe Dawa

OM JE TSÜN MA PHAG MA DRÖL MA LA CHHAG TSHÄL LO

OM: đối tượng đảnh lễ là Phạn tự OM (ཨོཾ), phối hợp ba mẫu tự A, U và Ma, ứng với thân kim cang, khẩu kim cang, và ý kim cang của Phật.

Tiếng Phạn lấy mẫu tự A () làm gốc, trên A thêm naro, thành O (ཨོ), trên naro thêm Ma, hình cái chấm, thành OM (ཨོཾ).

Vì OM hợp nhất ba mẫu tự nên cũng là sự hợp nhất của thân kim cang, khẩu kim cang và ý kim cang của Phật. Đây chính là đức Tara, nơi ta hướng về đảnh lễ.

JE: nguyên nghĩa là bậc thượng nhân tôn quí.  Tara còn được gọi là Phật Mẫu, vì hành trạng giác ngộ và thị hiện thần biến của Ngài đã độ thoát vô số chúng sinh vào quả vị Phật.

TSUN-MA: ứng với bậc thanh tịnh trong pháp hành. Pháp hành nói ở đây là pháp hành của bồ tát sáu hạnh ba la mật và trang nghiêm tam tụ giới [thêm footnote].  Bậc thông tuệ đa văn thì gọi là học giả, bậc pháp hành thanh tịnh thì gọi là Tsun-pa, Tsun-ma.

PHAG-MA: nghĩa là thánh giả. Đức Tara siêu thoát hai cực đoan chấp luân hồi và chấp niết bàn. Nói chung, vị nào đạt quả giải thoát  sinh tử, thoát chấp luân hồi thì gọi là thánh giả. Nhưng vì đức Tara từ trong đại định pháp Diệt vẫn không ngừng lợi ích chúng sinh nên ngài đồng thời thoát cả sự chấp nơi niết bàn.

DROLMA: là Tạng ngữ của Tara Phạn ngữ. Drolma nghĩa là đấng độ sinh. Có tên như vậy là vì ngài phổ độ vô lượng chúng sinh thoát cảnh khổ đau.

CHAGTSAL-LO: đảnh lễ với ba cửa thân khẩu và ý.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Chủ yếu câu đầu này nói rằng, “con xin đảnh lễ Mẹ của chư Phật Thế Tôn; là Thân Khẩu và Ý nhiệm mầu của mọi đấng Phật đà.” Nhớ đức Tara đồng bậc với mọi đấng Phật đà, nhớ thiện hạnh lợi sinh của Ngài nhanh hơn, chóng vánh hơn bất kỳ đức Phật nào khác, nhớ như vậy và đảnh lễ Ngài, bậc hội đủ mọi thiện đức nói trên.

Vì nhớ thiện đức của Thân Khẩu và Ý nhiệm mầu và thiện hạnh của tâm đại bi đại dũng toàn hảo của Ngài, chúng con chí thành quay về nương dựa trọn vẹn nơi đức Tara. Bao giờ có thể giữ được tâm mình với ý nghĩ này trong mọi lúc thì thật sự quá tuyệt vời.


  • 21 Đức Tara: Chánh văn và luận giải
    • Xưng Tán Gốc Tích:
      1. Đức Thần Tốc Uy Hùng Độ Mẫu
    • Xưng Tán Báo Thân Từ Hòa:
      2. Đức Đại Tịnh Độ Mẫu,
      3. Đức Hoàng Kim Độ Mẫu,
      4. Đức Trang Nghiêm Thắng Đảnh Độ Mẫu,
      5. Đức Thuyết Hum Tự Độ Mẫu,
      6. Đức Chiến Thắng Tam Giới Độ Mẫu,
      7. Đức Phá Huyền Thuật Độ Mẫu
    • Xưng Tán Báo Thân Oai Nộ:
      8. Đức Tiêu Ma Thù Độ Mẫu,
      9. Đức Tam Bảo Hộ Úy Độ Mẫu,
      10. Đức Hàng Ma Tam Giới Vương Độ Mẫu,
      11. Đức Tiêu Bần Độ Mẫu,
      12. Đức Thí Kiết Tường Độ Mẫu,
      13. Đức Như Lửa Bừng Độ Mẫu,
      14. Đức Nhíu Mày Oai Nộ Độ Mẫu
    • Xưng Tán Pháp Thân:
      15. Đức Đại Tịnh Độ Mẫu
    • Xưng Tán Công Hạnh:
      16. Đức HUM Linh Tự Độ Sinh Độ Mẫu,
      17. Đức Chấn Động Tam Giới Độ Mẫu,
      18. Đức Tiêu Độc Bệnh Độ Mẫu,
      19. Đức Tiêu Tranh Chấp Ác Mộng Độ Mẫu,
      20. Đức Tiêu Tật Dịch Độ Mẫu,
      21. Đức Viên Thành Thiện Hạnh Độ Mẫu

XƯNG TÁN GỐC TÍCH

1. NYURMA PALMO
– Swift Heroic Tara
– THẦN TỐC UY HÙNG ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE WASHAM KURU SVAHA

TARA_1_IMG_4182
༡ ༽ ཕྱག་འཚལ་སྒྲོལ་མ་མྱུར་མ་དཔའ་མོ།།
[1] CHHAG TSHÄL DRÖL MA NYUR MA PA MO
Homage! Tara, swift, heroic!
Kính lạy Tara, thần tốc uy hùng,
སྤྱན་ནི་སྐད་ཅིག་གློག་དང་འདྲ་མ།།
CHÄN NI KÉ CHIG LOG DANG DRA MA
Eyes like lightning instantaneous!
tia mắt chớp nhoáng như là tia chớp.
འཇིག་རྟེན་གསུམ་མགོན་ཆུ་སྐྱེས་ཞལ་གྱི།།
JIG TEN SUM GÖN CHHU KYE ZHÄL GYI
Sprung from op’ning stamens of the
Đấng Hộ Tam Giới trên mặt lệ rơi,
གེ་སར་བྱེ་བ་ལས་ནི་བྱུང་མ།།
GE SAR JE WA LÉ NI JUNG MA
Lord of three world’s tear-born lotus!
trổ thành đóa sen sinh ra Phật bà.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Thần Tốc Uy Hùng màu đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình đỏ ban cho năng lực làm chủ.

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ nhất trên đài mặt trăng. Sắc đỏ, một mặt, hai tay. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bình cam lồ làm cô đọng năng lực. Tay trái kết ấn Tam Qui, cầm một đóa ưu đàm nở rộ.

Thân Ngài trang nghiêm nhiều phẩm trang điểm như vương miện, đẹp ngời thượng y hạ y, đầy đủ mọi tướng hảo chánh phụ của một đấng báo thân. Ngài ngồi chân phải duỗi ra chân trái co lại, giữa một vùng hào quang tỏa rạng, với chủng tự OM nơi đầu, AH nơi cổ, và HUM nơi tim.

Ấn thí nguyện nơi bàn tay phải của Ngài hàm ý ban mọi thành tựu thế gian và xuất thế. Ấn Tam Qui nơi bàn tay trái hàm ý chở che hộ trì cho chúng sinh thoát trăm nỗi hiểm họa kinh hãi cõi luân hồi.

Vì tánh đức của chư giác giả ngang bằng như nhau, nên đức Tara không khác gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng là chốn qui y của chúng sinh, cùng là hiện thân của Phật Pháp và Tăng.

Cứu Độ, vì Ngài độ chúng sinh thoát khổ sinh tử.

Thần Tốc, vì thiện hạnh giác ngộ của Ngài đặc biệt chóng vánh.

Uy Hùng, vì Ngài hàng phục toàn bộ Tứ Ma [ma phiền não, ma chết, ma ngũ ấm và Thiên ma]

Mắt tuệ phi phàm của Ngài chỉ trong một tia mắt chớp nhoáng có thể nhìn xuyên suốt cõi sinh tử. Chúng ta nhìn bằng mắt phàm, mỗi lúc chỉ có thể thấy được một ít, muốn thấy nhiều hơn phải nhìn quanh. Nhưng mắt tuệ phi phàm của đức Tara có thể nhìn thấu suốt toàn bộ cõi sinh tử chỉ trong một tia nhìn chớp nhoáng.

Ngài sinh ra từ lòng nhụy sen bát ngát, trổ từ giọt nước mắt của đức Quan Thế Âm, đấng Hộ Trì Tam Giới [1].

Đức Quan Thế Âm, sau khi độ thoát hàng trăm triệu chúng sinh, nhìn lại xem sót lại nhiều ít, chẳng ngờ thấy ra chúng sinh trong luân hồi hãy còn nhiều vô số kể. Ngài đau lòng bật khóc, nước mắt rơi xuống mặt đất, giọt đầu tiên trổ thành đóa sen, từ đó hiện ra đức Tara. Đức Tara thưa với đức Quan Thế Âm: “Xin đừng bận tâm, từ nay tôi sẽ giúp Ngài độ chúng sinh thoát khổ cho đến khi luân hồi diệt tận.”

Câu kệ này tán dương đức Tara qua câu chuyện gốc tích của Ngài.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Nay các bạn đã biết gốc tích của đức Tara. Theo truyền thuyết, đức Tara sinh ra từ giọt lệ của đức quan Thế Âm. Khi đóa sen nở ra, đức Tara cất tiếng nói rằng “Tôi sẽ giúp độ thoát tất cả chúng sinh.” Đức Tara nói, “chỉ cần nhớ đến tên ta, tụng minh chú và nhớ nghĩ đến ta là tịnh được ác chướng, thoát mọi sợ hãi và khổ đau, sớm vượt sinh tử luân hồi.”

Nhờ nương đức Tara, thọ mạng cũng sẽ tăng. Nếu muốn trường thọ thì phải nương theo đức Tara. Có nhiều bậc đại đạo sư trong quá khứ lúc đầu đời thọ mạng ngắn ngủi, nhờ nương đức Tara, tu pháp Tara, có được linh kiến đức Tara, nhờ đó sống rất lâu. Có nhiều trường hợp các bậc thánh giả kéo dài thọ mạng nhờ tu đức Tara.

Như đã nói, các đại đạo sư xứ Ấn trong quá khứ đã nương vào đức Tara. Chư đạo sư đầu tiên ở Tây tạng, chư đại đạo sư dòng Kadampa, tất cả cũng đều nương vào đức Tara. Sơ Tổ Lama Tsongkhapa cùng chư tổ dòng truyền thừa của Ngài cho đến tận ngày nay cũng đều nương vào đức Tara làm đấng Bổn tôn.

Ngài Dromtönpa, đại đạo sư dòng Kadampa, từ trong linh kiến đã gặp đức Tara nói với Ngài rằng, “Ta sẽ đích thân nâng đỡ và trợ giúp cho tất cả đệ tử dòng Kadampa.” Chúng ta là đệ tử của Lama Tsongkhapa, cũng thuộc về dòng truyền thừa Kadampa này, vậy chúng ta chính là đối tượng mà đức Tara đã phát nguyện hộ trì. Nếu hết lòng tin tưởng nương dựa vào đức Tara, chắc chắn sẽ linh ứng. Đây là lời giải thích ngắn gọn về gốc tích của đức Tara.

[1] Tam thế giới: thế giới loài rồng; thế giới loài người; thế giới loài trời —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel.


___    ||     Trang sau >>>

XƯNG TÁN BÁO THÂN TỪ HÒA

2. SHIWA CHENMO
– The Extremely Peaceful Tara
– ĐẠI TỊNH ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SHINTIM KURU SVAHA

TARA_2_IMG_4187

༢ ༽ཕྱག་འཚལ་སྟོན་ཀའི་ཟླ་བ་ཀུན་ཏུ།།
[2] CHHAG TSHÄL TÖN KEI DA WA KÜN TU
Homage! She whose face combines a
Kính lạy Tara, trăng tròn mùa thu
གང་བ་བརྒྱ་ནི་བརྩེགས་པའི་ཞལ་མ།།
GANG WA GYA NI TSEG PEI ZHÄL MA
Hundred autumn moons at fullest!
trăm vầng đầy đặn trên gương mặt bà.
སྐར་མ་སྟོང་ཕྲག་ཚོགས་པ་རྣམས་ཀྱིས།།
KAR MA TONG THRAG TSHOG PA NAM KYI
Blazing with light rays resplendent
Hàng vạn thiên hà cùng về hội tụ,
རབ་ཏུ་ཕྱེ་བའི་འོད་རབ་འབར་མ།།
RAB TU CHHE WEI Ö RAB BAR MA
As a thousand star collection!
cháy rạng ánh sáng rực rỡ uy nghi.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Đại Tịnh thân màu trắng, tay cầm bảo bình trắng làm sạch loại ác nghiệp và phiền não khiến phát sinh tật bệnh, tà chướng, v.v…

Gyalwa Gedun Drub:

Tán dương dung mạo sáng trong rạng tỏa. Trăng thu độ rằm giữa nền trời quang đãng không vẩn chút mây mù, tỏa sáng rạng ngời trước khi bắt đầu khuyết. Cả trăm vầng trăng thu như vậy cùng tỏa sáng cũng không thể sánh bằng ánh sáng gương mặt của Ngài. Sáng hơn cả trăm ngàn thiên hà, tên gọi của Ngài là Bạch Quang Tara.

Geshe Dawa

Ngài ngồi trên tòa sen thứ hai, trên đài mặt trăng, trắng trong như trăng rằm mùa thu, tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình trắng chứa nước cam lồ làm sạch tật bệnh, quỉ thần.

Gương mặt Ngài tỏa sáng như ánh sáng của trăm vầng trăng rằm trời thu sau trận mưa làm sạch không gian. Sáng như cả ngàn vì sao cùng về hội tụ. Câu này rất nên thơ. Ví như trăng thu, là vì vào mùa thu có những cơn mưa phùn khiến cho không gian trở nên trong trẻo. Không mưa nhiều như mùa hạ, trời không bị mây đen che phủ nên trăng rất sáng. Trăm vầng trăng rằm trời thu là để tả nét sáng trong đẹp ngời của gương mặt Ngài. Ngàn thiên hà là để ví cho sự tỏa sáng của thân Ngài.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương nét rạng ngời của gương mặt và hào quang rạng chiếu từ thân Ngài.

Sắc tướng Ngài vô cùng từ hòa an tịnh. Chỉ cần nghĩ đến và chiêm bái sắc tướng này của đức Tara, tất cả mọi tâm lý phiền não như tham và sân sẽ tự nhiên thanh tịnh. Hãy nên cố gắng quán tưởng sắc tướng nói trong câu tụng này và thỉnh cầu đức Tara. Rồi quán tưởng nhận được lực gia trì của Ngài.

Tu như vậy sẽ được tăng thọ mạng, công đức, sạch ác nghiệp ác chướng v.v…

Đức Tara làm thế nào để có được diện mạo tuyệt mỹ và sắc thân tuyệt hảo như vậy? Đó là nhờ Ngài đã vì chúng mình mà kiên trì tu hạnh Nhẫn và hạnh Thí trong thời gian dài nhiều đại kiếp. Bao giờ tu như đức Tara, vì chúng sinh hành trì hạnh Nhẫn không lơi nghỉ, trang nghiêm giữ giới, thì dù vẫn còn đang tu học, chúng ta cũng vẫn có được một thân hình tươi đẹp tỏa sáng. Đến khi đạt quả sẽ có được thân tướng tuyệt hảo như đức Tara.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

3. SERDOG CHENMA
– The Golden Tara
– HOÀNG KIM ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE PUSHTIM KURU SVAHA

TARA_3_IMG_4189

༣  ༽ ཕྱག་འཚལ་སེར་སྔོ་ཆུ་ནས་སྐྱེས་ཀྱི།།
[3] CHHAG TSHÄL SER NGO CHHU NÉ KYE KYI
Homage! Golden-blue one, lotus
Kính lạy Tara, sắc vàng ánh biếc
པདྨས་ཕྱག་ནི་རྣམ་པར་བརྒྱན་མ།།
PÉ MÉ CHHAG NI NAM PAR GYÄN MA
Water born, in hand adorned!
trên tay một đóa sen nở trang nghiêm.
སྦྱིན་པ་བརྩོན་འགྲུས་དཀའ་ཐུབ་ཞི་བ།།
JIN PA TSÖN DRÜ KA THUB ZHI WA
Giving, effort, calm, austerities,
Bố thí, tinh tấn, khổ hạnh, tịch tĩnh,
བཟོད་པ་བསམ་གཏན་སྤྱོད་ཡུལ་ཉིད་མ།།
ZÖ PA SAM TÄN CHÖ YÜL NYI MA
Patience, meditation her field!
an nhẫn, thiền định, là cảnh giới bà.

Lama Zopa Rinpoche

Đấng Tăng Ích màu vàng hoàng kim, tay cầm bảo bình ban cho năng lực của thọ mạng, công đức, tài sản và danh tiếng.

Geshe Dawa

Ngài là đức Tara Tăng Trưởng Lợi Ích, ngồi tòa sen thứ ba trên đài mặt trăng, thân sắc vàng ánh xanh, tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình vàng chứa nước cam lồ tăng trưởng thọ mạng, quyền lực, tài sản và công đức.

Thân Ngài mượt sắc vàng ròng ánh xanh, ngón cái và ngón đeo nhẫn cầm một nhánh hoa sen. Điều này cho thấy Ngài đã thanh tịnh mười hạnh ba la mật. [Đóa sen Ngài cầm trong tay không phải là hoa sen bình thường trong cõi thế gian này, mà là hiện thân của trí tuệ –Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hai câu cuối nói về nhân tố của Ngài, là sáu hạnh ba la mật: Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Định và Tuệ.

Hai hạnh cuối, Định và Tuệ, là nhân tố chính yếu đưa đến quả giác ngộ, tu được là nhờ bốn hạnh đi trước. Muốn lợi ích chúng sinh  thì phải giúp chúng sinh an vui thoát hiểm. Muốn làm việc này, không thể thiếu hạnh Thí và hạnh Giới, vì hạnh Thí mang hạnh phúc đến cho chúng sinh và hạnh Giới bảo vệ chúng sinh thoát hiểm nạn.

Hạnh Thí

Hạnh Thí có bốn:

  • Tài thí,
  • Từ thí,
  • Vô úy thí, và
  • Pháp thí,

Côn trùng bị rơi vào dòng nước chảy, đưa tay vớt ra đưa vào chỗ an toàn, đó là vô úy thí. Làm như vậy, chúng sinh ấy sẽ thấy vô cùng biết ơn.

[Tu hạnh Thí, không cần thiết phải có gì để cho ra. Hạnh Thí nằm ở nơi tâm: là cái tâm sẵn sàng cho ra. Tu hạnh Thí là làm cho tâm này càng lúc càng thêm mạnh. Nói đến cái tâm muốn cho ra, cần phát huy mạnh mẽ đến mức có thể mang hết thân thể, tài sản, thiện căn công đức tặng cho hết thảy chúng sinh. Cho dù có rất nhiều tài sản, nhưng nếu cho ra mà tâm không vui thì không phải là hạnh Thí —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Giới

Giới là tự giữ mình không phạm mười việc bất thiện (thập ác) và năm nghiệp vô gián (ngũ nghịch), làm như vậy là để bảo vệ cho chúng sinh khỏi bị mình gây hại.

[Giới là gì? Giới là cái tâm muốn bảo vệ. Không chỉ là muốn tránh ác nghiệp như là mười việc bất thiện (thập ác), không chỉ giới hạn có bấy nhiêu. Ở đây, chúng ta đang nói đến hạnh Giới của đại thừa, bao gồm hai điểm trọng yếu: 1. giữ tâm không chạy theo lợi ích cá nhân [nghĩa là đoạn ngã ái]; và 2. giữ tâm không chạy theo khái niệm chấp vạn pháp có tự tánh [nghĩa là đoạn ngã chấp]. Tu như vậy, hạnh Thí mới không vướng cấu nhiễm và mới trở thành hạnh Thí của Đại thừa. —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Nhẫn

Nhẫn là pháp tu trọng yếu giúp ta viên thành sáu hạnh ba la mật. Nếu thiếu hạnh Nhẫn, chúng ta sẽ từ bỏ việc làm phụng sự chúng sinh cho dù đã dâng hiến rất nhiều. Nhưng nếu tu Thí và Giới mà có được hạnh Nhẫn, chúng ta sẽ nhớ được mục tiêu lúc ban đầu, sẽ không buông tay, dù có xảy ra việc gì.

Hạnh Tấn

Hạnh Tấn cũng rất quan trọng. Tấn là thật sự thích thú việc mình đang làm chứ không phải cố ép mình làm những việc không thật sự hứng thú.

[Hạnh Tấn là cái tâm thấy vui khi giúp đỡ chúng sinh và hăng hái vì lợi ích của khắp chúng sinh mà nghe, tư duy và tu tập Phật Pháp. Vì chúng sinh mà làm bất kể làm việc gì với lòng hăng hái vui vẻ thì đó là hạnh tấn.  –Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel]

Hạnh Định

Hạnh định, ví dụ như tâm tịnh chỉ, cần cho nhiều loại thành tựu.  Nói đơn giản, chúng ta cần tu thiền thật nhiều. Tịnh chỉ là ngừng lại trong sự an tịnh nhờ dẹp loạn tâm phiền não.

Hạnh Tuệ

Tịnh chỉ cần đi kèm với tuệ quán. Đại định hợp nhất chỉ quán chính là chánh đạo, là liều thuốc chính hóa giải vọng tâm, và là nhân tố chính yếu dẫn đến quả đại giác ngộ.

Câu kệ này cho thấy nếu muốn đạt quả vị giác ngộ của đức Tara, chúng ta cũng phải nhiều đời tu sáu hạnh ba la mật như vậy. Khi hướng tâm thỉnh cầu đức Tara, cần nhớ rằng Ngài không phải là người phàm đi ngoài chợ, mà là đấng giác ngộ hành trì sáu hạnh ba la mật.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Đức Tara đạt quả giác ngộ nhờ tu với sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ. Phương tiện nói ở đây là tu tâm đại bi và tâm bồ đề. Trí tuệ là trí tuệ chứng tánh không. Với sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ, Ngài hành trì sáu hạnh ba la mật và đạt quả vô thượng bồ đề.

Điều này đối với chúng ta có ý nghĩa gì? Có nghĩa là nếu muốn trở thành giống như đức Tara, chúng ta cần luyện sáu hạnh ba la mật trên đường tu hợp nhất phương tiện và trí tuệ, nghĩa là tâm đại bi và tâm bồ đề phối hợp với trí tuệ chứng tánh không. Tu sáu hạnh ba la mật phối hợp với phương tiện và trí tuệ, chẳng bao lâu chúng ta cũng sẽ đạt quả vô thượng bồ đề. Nếu không tu sáu ba la mật, chúng ta sẽ không làm sao có thể trở thành giống như đức Tara.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

4. TSUG-TOR NAM-PAR GYAL-MA
– Ushnisha Victorious Golden Tara
– TRANG NGHIÊM THẮNG ĐẢNH ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE AYU JNANA SHRIYE BHRUM SVAHA

TARA_4_IMG_4190

༤ ༽ ཕྱག་འཚལ་དེ་བཞིན་གཤེགས་པའི་གཙུག་ཏོར།།
[4] CHAG TSHÄL DE ZHIN SHEG PEI TSUG TOR
Homage! Crown of tathagatas,
Kính lạy Tara, Như lai thắng đảnh,
མཐའ་ཡས་རྣམ་པར་རྒྱལ་བ་སྤྱོད་མ།།
THA YÉ NAM PAR GYÄL WAR CHÖ MA
She who goes in endless triumph
thiện hạnh của Ngài hàng vô lượng ma,
མ་ལུས་ཕ་རོལ་ཕྱིན་པ་ཐོབ་པའི།།
MA LÜ PHA RÖL CHHIN PA THOB PÄI
Honored much by sons of conquerors
viên mãn tất cả hạnh ba la mật,
རྒྱལ་བའི་སྲས་ཀྱིས་ཤིན་ཏུ་བསྟེན་མ།།
GYÄL WEI SÉ KYI SHIN TU TEN MA
Having reached every Perfection
chỗ nương của khắp con Phật Thế tôn.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Tara Ban Trường Thọ màu vàng, cầm bảo bình ban cho sự trường thọ.

Geshe Dawa

Các người con của đấng Thế Tôn đều nương nơi Ngài, vì chư bồ tát địa thứ mười đều đặt Ngài trên đỉnh đầu bằng trọn lòng tôn kính.

Ngài là đức Tara trường thọ, diệt hiểm họa chết đúng thời và phi thời, ngồi tòa sen thứ tư trên đài mặt trăng. Thân Ngài màu cam, bàn tay bên trái kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình cam lồ làm tăng thọ mạng.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Đến cả chư Phật đà bồ tát cũng đều đảnh lễ tôn kính Ngài, huống chi chúng sinh như chúng ta đây, nhất định phải quan tâm. Nên nhớ rằng đức Tara khác với chư Phật đà, ở chỗ thiện hạnh giác ngộ của Ngài nhanh hơn, chóng vánh hơn. Chúng ta cần nhớ điều này khi tán dương đảnh lễ đức Tara.


 <<< Trang trước     |     Trang sau >>>

5. HUNG DRA DROG MA
– Tara Proclaiming HUM
– THUYẾT HUM-TỰ ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE (name) AKAR CHAYA HRIH SVAHA

TARA_5_IMG_4191

༥ ༽ ཕྱག་འཚལ་ཏུཏྟཱ་ར་ཧཱུྃ་ཡི་གེ།
[5] CHHAG TSHÄL TUTTARA HUM YI GE
[5] Homage! Filling with TUTTARE,
[5] Kính lạy Tara, TU-TA-RA, HUM
འདོད་དང་ཕྱོགས་དང་ནམ་མཁའ་གང་མ།།
DÖ DANG CHHOG DANG NAM KHA GANG MA
HUM, desire, direction, and space!
lấp đầy cõi dục, phương hướng, không gian.
ཇིག་རྟེན་བདུན་པོ་ཞབས་ཀྱིས་མནན་ཏེ།།
JIG TEN DÜN PO ZHAB KYI NÄN TE
Trampling with her feet the seven worlds,
Chân Ngài trấn đạp cả bảy thế giới.
ལུས་པ་མེད་པར་འགུགས་པར་ནུས་མ།།
LÜ PA ME PAR GUG PAR NÜ MA
Able to draw forth all beings!
nhiếp thọ hữu tình không sót một ai.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Thuyết Hum-Tự màu đỏ cam. Tay cầm bảo bình ban năng lực thu nhiếp, với mục đích mang Phật pháp đến cho người mình muốn thu phục, dẫn dắt người ấy đến với quả vô thượng bồ đề.

Ngulchu Dharmabhadra

Hào quang phóng ra từ chuỗi minh chú Tuttara và âm thanh rền vang từ chủng tự HUM của trí tuệ từ bi, lấp đầy cả bảy thế giới.

  • Dục: Năm đường tái sinh cõi dục giới: địa ngục, ngạ quĩ, súc sinh, người và trời
  • Phương hướng: cõi sắc giới
  • Không gian: cõi vô sắc giới.

Không những Ngài dùng ánh sáng và âm thanh minh chú lấp đầy bảy cõi tái sinh,  Ngài còn dùng chân trấn đạp, nghiến nát. Do đó Ngài có năng lực thu hút tất cả chúng sinh trong các cõi này, không sót một ai, không cho quyền chọn lựa [Ngài đặt tất cả, không sót một ai, vào nguồn hạnh phúc —Gyalwa Gedun Drub]

Geshe Dawa

Ngài ngồi ghế thứ năm, trên đài mặt trời, thân sắc đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ thu nhiếp tâm trí chúng sinh, khiến chúng sinh mất khả năng cảm nhận. Chúng sinh bị hớp hồn, không còn chọn lựa nào khác hơn là trở thành bằng hữu. Đức Tara trở thành bạn bước vào vòng thân hữu. Đức Tara này có thể giúp lôi cuốn nam hay nữ.

Ngài có thể thu thập hết thảy chúng sinh của bảy thế giới: cõi địa ngục, cõi ngạ quĩ, cõi súc sinh, cõi người, cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới và cõi trời vô sắc giới. Thu thập bằng hào quang từ chuỗi minh chú nơi tim, từ bảo bình,bằng  âm thanh chủng tự HUM, chói sáng, rền vang, lấp đầy bảy thế giới, và bằng bàn chân trấn đạp trên bảy thế giới.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Bây giờ chúng ta đã biết Tara lấp đầy toàn bộ cõi luân hồi với ánh sáng từ minh chú như thế nào. Âm thanh  chủng tự HUM nơi tim Ngài cũng rền vang khắp cõi luân hồi. Nhờ đó, Ngài câu triệu và điều phục khắp chúng sinh, vì lợi ích của họ. Đức Tara làm việc cho chúng ta, trong mọi lúc. Ánh sáng từ chuỗi minh chú của Ngài luôn tỏa sáng trên chúng ta, và âm thanh từ linh tự HUM nơi tim Ngài luôn rền vang trên toàn cõi thế, dù chúng ta không nghe. Nhớ nghĩ như vậy, giữ lòng tin, đức Tara sẽ luôn cạnh bên chúng ta, làm việc cho chúng ta.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

6. JIGTEN SUMLE NAMPAR GYALMA
– Tara Victorious Over the Three World
– CHIẾN THẮNG TAM GIỚI ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA TUTTI CHURU SVAHA

TARA_6B_IMG_4192

༦ ༽ ཕྱག་འཚལ་བརྒྱ་བྱིན་མེ་ལྷ་ཚངས་པ།།
[6] CHHAG TSHÄL GYA JIN ME LHA TSHANG PA
Homage! Worshipped by the all-lords,
Kính lạy Tara. Đế Thiên, Đế Thích,
རླུང་ལྷ་སྣ་ཚོགས་དབང་ཕྱུག་མཆོད་མ།།
LUNG LHA NA TSHOG WANG CHHUG CHHÖ MA
Shakra, Agni, Brahma, Marut!
Hoả Thiên, Phạm Thiên, và Phong Lôi Thiên,
འབྱུང་པོ་རོ་ལངས་དྲི་ཟ་རྣམས་དང།།
JUNG PO RO LANG DRI ZA NAM DANG
Honored by the hosts of spirits,
hết lòng hiến cúng. Quỷ thần: khởi thi,
གནོད་སྦྱིན་ཚོགས་ཀྱིས་མདུན་ནས་བསྟོད་མ།།
NÖ JIN TSHOG KYI DÜN NÉ TÖ MA
Corpse-raisers, gandharvas, yakshas!
dạ xoa, thát bà, hết lòng tôn vinh.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Chiến Thắng Tam Giới màu đỏ đen, tay cầm bảo bình chứa năng lực làm mê mẩn tâm trí loài la sát, quỉ thần.

Gyalwa Gedun Drub:

Thứ năm, tán dương bởi thần linh thế tục.

Đức Tara này được Đế Thích Indra, Hỏa Thiên Agni, Phạn Thiên Brahma, Phong Lôi Thiên  Vayudeva, và các bậc thiên vương khác. Ngài cũng được tán dương bởi vua quỉ Ganesha, vua quỉ khởi thi Indra, vua càn thát bà Surpü Ngaba, vua dạ xoa Vaisravana cùng vô số tùy tùng. Tên Ngài là Tối Thắng Độ Mẫu.

Geshe Dawa

Vị Tara này thuần phục quỉ thần có thể thuần phục, làm tan biến quỉ thần không thể hàng phục. Ngài ngồi tòa sen thứ sáu, trên đài mặt trời, thân sắc đỏ đen, sắc tướng hơi oai nộ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam hồ hàng phục quỉ thần.

Thần linh bốn phương, Indra, Agni, Brahma, Vayude và Ishvara và chúng tùy tùng quỉ khởi thi, càn thát bà v.v… đều tán dương đức Tara này.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Khi có niềm xác quyết và tín tâm nơi Tara, chúng ta sẽ không bị loài người và loài không phải người quỉ thần tác hại. Vì sao? Vì hết thảy đều tôn kính qui y đức Tara.

Cũng như có tượng đức Tara ở nhà, sẽ được sự chở che tương tự, chỉ cần có được niềm tin xác quyết và tín tâm nơi đức Tara. Còn nếu tín tâm đã không có, lại còn thiếu đạo đức, không giữ giới hạnh, sẽ không hưởng được lợi ích. Còn nếu sống biết giữ giới, có niềm tin xác quyết lại có tín tâm nơi đức Tara thì nhất định không làm sao có thể bị các loài quỉ thần kia tác hại.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

7. SHEN JOM MA
– Tara Destroying Spells
–PHÁ HUYỀN THUẬT ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE BEDYE BUDDHO WARANAYA ZHU SVAHA

TARA_7_IMG_4194

༧  ༽ ཕྱག་འཚལ་ཏྲད་ཅེས་བྱ་དང་པཊ་ཀྱིས།།
[7] CHHAG TSHÄL TRAD CHE JA DANG PHAT KYI
Homage! With her TRAD and PHAT sounds
Kính lạy Tara. TRÊ, PÊY thốt ra
ཕ་རོལ་འཁྲུལ་འཁོར་རབ་ཏུ་འཇོམས་མ།།
PHA RÖL THRÜL KHOR RAB TU JOM MA
Crusher of foes magic diagrams!
nghiến tan tất cả luân xa huyền thuật.
གཡས་བསྐུམ་གཡོན་བརྐྱང་ཞབས་ཀྱིས་མནན་ཏེ།།
YÉ KUM YÖN KYANG ZHAB KYI NÄN TE
Putting her feet left out, right back
phải co trái duỗi, chân Ngài trấn đạp
མེ་འབར་འཁྲུག་པ་ཤིན་ཏུ་འབར་མ།།
ME BAR THRUG PA SHIN TU BAR MA
Blazing in a raging fire-blaze!
bừng bừng bốc cháy lửa xoáy muôn trùng.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Phá Huyền Thuật màu đen, tướng hơi oai nộ, cầm bảo bình ban năng lực phá huyền thuật. Đức Tara này đối trị tà chú. Ngài ngồi tòa sen thứ bảy, trên đài mặt trời và thân sắc đen, hơi oai nộ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa cam lồ cứu thoát sợ hãi và hiểm nguy.

Geshe Dawa

Ngài phá tà thuật và tà chú, chận đứng huyền thuật bằng âm thanh Trê và Pây. Chân phải của Ngài—tượng trưng cho trí tuệ—co lại, và chân trái—tượng trưng cho phương tiện—duỗi ra. Ngài trí giữa biển lửa trí tuệ. Chân trái duỗi ra có nghĩa là Ngài thuộc dạng oai nộ.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Khi cảm thấy thân và tâm bị trúng tà lực như bị huyền thuật ám hại, hay nhà cửa bị “nhiễm” theo cách nào đó, điều cần phải làm là quán đức Tara dạng hơi oai nộ  này ngồi giữa vùng lửa xoáy, cầu xin Ngài làm tan tà lực. Tưởng tượng đức Tara thốt lên âm TRÊ và PÂY. Chỉ bằng cách thốt lên âm ấy, Ngài hàng phục tất cả tà ám. Rồi quán tưởng lửa từ thân Ngài đi vào trong ta và cháy bùng khắp không gian, phá hủy và làm sạch mọi tà lực ám hại. Quí vị có thể quán tưởng tất cả bọn chúng đều tan vào đức Tara. Lợi ích của pháp quán này là có thể quét sạch tà ám đồng thời chuyển tâm kẻ gây hại bằng lòng từ bi. Nhớ được như vậy rất tốt. Chúng ta phải luôn tin tưởng nơi đức Tara, phải luôn thỉnh cầu bằng cái tâm thấy Tara chính là bổn sư. Làm được như vậy, với tín tâm, mọi mong cầu đều sẽ thành tựu một cách tự nhiên, không có điều gì không thể thành tựu.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

8. DU DRA JOM-MA
– Tara Destroying Demons and Enemies
– TIÊU MA THÙ ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE AMAGASHATRUM MARAYA HUM PHAT SVAHA

TARA_-8_IMG_4198

༨ ༽ ཕྱག་འཚལ་ཏུ་རེ་འཇིགས་པ་ཆེན་མོས།།
[8] CHHAG TSHÄL TURE JIG PA CHHEN PO
Homage! TURE, very dreadful!
Kính lạy Tara, bậc đại bố uý,
བདུད་ཀྱི་དཔའ་བོ་རྣམ་པར་འཇོམས་མ།།
DÜ KYI PA WO NAM PAR JOM MA
Destroyer of Mara’s champion(s)!
chủng tự TU-RÊ diệt quân hùng ma.
ཆུ་སྐྱེས་ཞལ་ནི་ཁྲོ་གཉེར་ལྟན་མཛད།།
CHHU KYE ZHÄL NI THRO NYER DÄN DZÄ
She with frowning lotus visage
gương mặt đóa sen oai thần phẫn nộ,
དགྲ་བོ་ཐམས་ཅད་མ་ལུས་གསོད་མ།།
DRA WO THAM CHÉ MA LÜ SÖ MA
Who is slayer of all enemies!
quét sạch thù địch không sót một ai.

Lama Zopa Rinpoche

Đức Tiêu Ma Thù màu đỏ đậm, tay cầm bảo bình ban cho năng lực tiêu diệt ma và thù.

Gyalwa Gedun Drub

“Ture” là bậc giải thoát, bậc Đại Bố Úy. “Quân hùng ma” là nhiễm tâm phiền não. Ngài chính là bậc tiêu diệt tứ ma. Hơn nữa, mày chau, trán nhíu, gương mặt thủy sinh của Ngài hiện tướng hung nộ làm tiêu tan kẻ thù phiền não chướng—là điều che chướng quả giải thoát, và trí chướng—là điều che chướng quả toàn giác, bao gồm cả tập khí. Ngài được gọi là Ban Thắng Lực Độ Mẫu.

Ngulchu Dharmabhadra

Đức Đại Bố Úy là bậc cực kỳ oai nộ, dùng sắc tướng này để diệt bốn ma, kể cả loại tà ma khó hàng phục nhất của nhiễm tâm. Gương mặt thủy sinh đẹp ngời của Ngài, đẹp như đóa sen hé nở, hiện tướng chau mày oai nộ, với nét chau mày này, Ngài cũng đồng thời diệt sạch mọi kẻ thù ngoại tại. Kẻ thù của giải thoát là phiền não chướng, và kẻ thù của trí toàn giác là trí chướng (sở tri chướng).

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ tám trên đài mặt trời, thân sắc đỏ đậm. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ diệt thù.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Kính lạy đức Tara”: chúng ta đảnh lễ đức Tara tên gọi là “Bậc Đại Bố Úy.” “TURE” là hiện thân của khẩu nhiệm mầu của Ngài. Với tiếng gầm âm thanh TURE, Ngài “diệt quân hùng ma.”

Trong câu kệ này, Tara mang sắc tướng cực kỳ hung  nộ. Với sắc tướng hung  nộ này, Ngài diệt ma vô cùng khó diệt. Ma nào là ma khó diệt? Ma phiền não.

Gương mặt nhiệm mầu của ngài là gương mặt “thủy sinh”. Ở đây “thủy sinh” có nghĩa là “đóa sen.” Gương mặt của Ngài tựa như đóa sen lớn. Đồng thời mang sắc tướng oai nộ. Với sắc tướng này, Ngài tận diệt mọi kẻ thù ngoại tại, không sót một ai.

Có bốn loại ma:

  • Ma phiền não [phiền não ma]
  • Ma ngũ uẩn [ngũ ấm ma]
  • Ma chết [tử ma]
  • Thiên ma

Trong bốn loại ma này, tệ nhất và khó trị nhất là ma phiền não, vì phiền não—những trạng thái tâm lý xáo trộn tiêu cực—là nguyên nhân của khổ. Nhìn lại, gốc rễ của các loại tâm lý phiền não này là khái niệm ngã chấp và ngã ái. Các loại phiền não khác—kiêu, sân, ganh ghen, v.v… đều phát sinh từ ngã chấp và ngã ái.

Ngã chấp là gốc, từ đó phát sinh phiền não, vì phiền não mà tái sinh trong luân hồi với hợp thể thân tâm ô nhiễm. Thân tâm ô nhiễm này được gọi là ma ngũ uẩn, do phiền não mà có, đặc biệt là do khái niệm ngã chấp. Một khi có hợp thể thân tâm ô nhiễm này, chúng ta bắt buộc phải chịu khổ, hoàn toàn không có sức tự chủ, cũng không có quyền chọn lựa. Bản chất của hợp thể thân tâm này ngay từ đầu vốn đã là khổ đau. Chúng không bền và chúng vốn không có khả năng điều khiển chúng.

Vì sinh ra với hợp thể thân tâm này, lại không có khả năng tự chủ tự lập nào cả, nên sớm muộn gì chúng ta cũng phải chết. Không có chọn lựa nào khác, chúng ta bắt buộc phải bỏ thân này lại phía sau. Chết là điều chắc chắn, lại không biết chết lúc nào. Đó là điều được gọi là “ma chết”.

Rồi lại có Thiên Ma Devaputra [Ma Ba Tuần]. Vì bị nhiễm tâm phiền não tác động cho nên loài người, loài không phải người và loài trời, tất cả đều phải chịu dày vò bởi đủ loại tâm lý phiền não. Thiên Ma Ba Tuần [Devaputra] sống trong cõi trời dục giới, vì không hoan hỉ với người tu nên thường tạo đủ mọi vấn đề nhằm gây cản trở cho người tu. Kinh sách dạy rằng Thiên Ma bắn ra năm loại tên. Trúng bất cứ mũi tên nào cũng sẽ khiến phiền não sẵn có trong tâm ứng với tác hại của Thiên ma bên ngoài, khiến cho phiền não tăng bồi, tạo chướng ngại cho đường tu.

Bao giờ cảm thấy phiền não cứ tăng bồi mất hết khả năng điều khiển, hay là cảm thấy đang bị tà ám, vào lúc bấy giờ phải nhớ nghĩ đến Tara, đặc biệt là vị Tara sắc tướng oai nộ này, thỉnh cầu Ngài giúp ta quét chướng ngại, và cũng có thể tụng chú Tara. Phải tin tưởng thỉnh cầu và tụng chú, làm như vậy nhất định sẽ nhận được lực gia trì Thân Khẩu Ý của đức Tara, phiền não sẽ tan và những loại chướng ngại khác gặp phải cũng sẽ biến mất.

Trong bốn ma thì ma phiền não là tệ hại nhất. Ma này chính là phiền não và tập khí của phiền não, ngăn không cho chúng ta đạt quả giải thoát và giác ngộ.

Điều gì ngăn cản không cho chúng ta đạt quả giải thoát? Ngăn trở quả giải thoát chính là vọng tâm chấp thật có. Các loại phiền nào này đi kèm với tập khí của phiền não—là điều được gọi là trí chướng—đây là những gì ngăn cản không cho chúng ta đạt quả đại giác ngộ.

Một khi dẹp được hai chướng ngại này—giải thoát chướng và toàn giác chướng—thì ba loại ma kia sẽ tiêu tan. Dẹp được bốn ma thì đạt quả giác ngộ.

Điều khiến chúng ta không thể đạt quả giải thoát chủ yếu nằm ở vọng tâm chấp thật có. Nói vậy là nghĩa gì? Khi nhìn vào bất cứ sự vật gì, chúng ta đều tin rằng sự vật ấy thật sự hiện hữu, có một điều gì đó có thật, một cách khách quan. Sự vật hiện ra trong trí của chúng ta như vậy. Tuy nhiên, mặc dù thấy vậy nhưng có thật là sự vật cũng hiện hữu giống như những gì ta thấy hay không?

Hãy nghĩ đến ảnh hiện trong gương. Bất cứ vật gì cũng có thể hiện ra trong gương. Quí vị cũng biết hình ảnh hiện ra trong gương chỉ là hình ảnh phản chiếu, không phải là món vật thật sự. Mặc dù nhìn rất giống, nhưng chúng ta đều biết rõ đó không phải là món vật thật sự. Tương tự như vậy, sự vật không hiện hữu giống như ta thấy. Nhưng vấn đề nằm ở đây: chúng ta thấy sao tin vậy. Sự vật nhìn thấy giống như là có thật, có một cách độc lập khách quan. Nên khi nói đến sự vật chúng ta luôn chấp vào, cho rằng tất cả mọi sự đều hiện hữu chắc thật, đều có thật một cách khách quan, mặc dù sự thật không phải là như vậy.

Không những sự vật hiện ra trong mắt của chúng ta giống như là có thật một cách độc lập khách quan, chúng ta lại còn tin vào điều này, bám chặt vào đó. Rồi chuyện gì xảy ra? Vọng tướng kia đi kèm với vọng tâm chấp tướng hiện sẽ khiến ta phát sinh đủ loại vọng tưởng, để khi tiếp xúc với đối cảnh, ta không ngừng hoặc là gán đặt những phẩm chất không hề có, hoặc là gạt bỏ những phẩm chất thật có.

Làm như vậy sẽ khiến nổi lên các loại nhiễm tâm phiền não như là lòng tham. Nếu không chấp hiện hữu chắc thật, tham không thể phát sinh. Vì tin đối cảnh kia là thật có nên mới nổi lòng tham. Đến khi nào hiểu được đối cảnh kia vốn không hiện hữu giống như ta thấy, lúc ấy sẽ không còn nền tảng cho lòng tham hay các phiền não khác phát sinh. Vì vậy khẩn thiết nhất là phải dốc sức để học cho được cách làm sao thấy ra rằng sự vật, thật ra, không hề hiện hữu thật sự, nói cách khác, không hề hiện hữu một cách độc lập, khách quan.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

9. JIG-PA KUN KYAB-MA
– Tara Symbolising the Three Jewels
– TAM BẢO HỘ ÚY ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE NUPA SARVA RAKSHA SVAHA

TARA_9_IMG_4204

༩ ༽ ཕྱག་འཚལ་དཀོན་མཆོག་གསུམ་མཚོན་ཕྱག་རྒྱའི།།
[9] CHAG TSHÄL KÖN CHOG SUM TSHÖN CHAG GYEI
Homage! She adorned with fingers,
Kính lạy Tara. Ngón tay Phật bà
སོར་མོས་ཐུགས་ཀར་རྣམ་པར་བརྒྱན་མ།།
SOR MÖ THUG KAR NAM PAR GYEN MA
At her heart, in Three Jewel mudra!
Tam Bảo thủ ấn trang điểm nơi tim.
མ་ལུས་ཕྱོགས་ཀྱི་འཁོར་ལོས་བརྒྱན་པའི།།
MA LÜ CHOG KYI KHOR LÖ GYEN PEI
She with universal wheel adorned.
Bánh xe trang nghiêm khắp mười phương chiếu,
རང་གི་འོད་ཀྱི་ཚོགས་རྣམས་འཁྲུག་མ།།
RANG GI Ö KYI TSHOG NAM THRUG MA
Warring masses of their own light
Tự tỏa ánh sáng chói rực bừng bừng.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Biểu Hiện Tam Bảo màu trắng, cầm bảo bình chứa năng lực hộ trì chúng sinh thoát sợ hãi hiểm nạn.

Geshe Dawa

Vị Tara này hộ trì cho chúng ta thoát mọi hiểm nạn đời này và mọi kiếp về sau. Ngài ngồi tòa sen thứ chín, trên đài mặt trăng, thân sắc trắng, trẻ trung, tướng an hòa. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ cứu thoát sợ hãi.

Tay trái nơi tim kết ấn Tam Bảo. Điều này cho thấy chúng sinh không cần hoảng sợ, vì Ngài sẽ hộ trì cho chúng sinh giống y như sự hộ trì của Tam Bảo.

Ấn Tam Bảo này có khi là ngón trỏ và ngón cái chụm lại, có khi là ngón đeo nhẫn và ngón cái chụm lại, cách nào cũng có ba ngón tay [đưa lên] tượng trưng cho Tam Bảo. Theo ngài Ngulchu Dharmabhadra, ba ngón đưa lên là ngón trỏ, ngón giữa và ngón út, vậy ngón đeo nhẫn và ngón cái chụm lại.

Tay phải kết ấn thí thành tựu, trong lòng bàn tay điểm bánh xe chánh pháp, ánh sáng rạng chiếu khắp mười phương. Ánh sáng này sáng hơn bất cứ nguồn ánh sáng nào trên cõi thế gian. Tụng chú của Ngài trở thành nguồn hộ trì tối thượng.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Lòng bàn tay điểm bánh xe chánh Pháp, đó là một trong những tướng hảo của Phật đà.

Ấn Tam Bảo cho chúng ta nhớ bản chất của đức Tara là Tam Bảo. Tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Mặc dù chúng ta quán tưởng đức Tara duy nhất một sắc tướng, nhưng thực chất cả Tam bảo đều bao gồm trong sắc tướng này. Thân nhiệm mầu của Ngài là Tăng bảo, Khẩu nhiệm mầu của Ngài là Pháp bảo và Ý nhiệm mầu của Ngài là Phật bảo.

Đồng thời, hãy nghĩ rằng đức Tara trong quán tưởng của quí vị bất nhị với bổn sư. Vì bất nhị với bổn sư, nên:

  • Thân nhiệm mầu của bổn sư bất nhị với đức Tara, và cũng là Tăng bảo.
  • Khẩu nhiệm mầu của bổn sư bất nhị với đức Tara, và cũng là Pháp bảo.
  • Ý nhiệm mầu của bổn sư bất nhị với đức Tara, và cũng là Tăng bảo.

Quí vị cũng cần suy nghĩ xem bổn sư của mình là hiện thân của Tam bảo như thế nào, và là hiện thân của tất cả mọi thiện hạnh giác ngộ của tất cả Phật đà như thế nào.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

10. DU DANG JIG-TEN WANG-DU DZE-MA
– Tara Subduing Demons and Worlds
– HÀNG TAM GIỚI MA ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA MARA PRAMA TAYA HUM PHAT SVAHA

TARA_10_IMG_4210

༡༠ ༽ ཕྱག་འཚལ་རབ་ཏུ་དགའ་བས་བརྗིད་པའི།།
[10] CHAG TSHÄL RAB TU GA WA JI PEI
Homage! She of joyous, radiant,
Kính lạy Tara, đỉnh đầu tỏa rạng
དབུ་རྒྱན་འོད་ཀྱི་ཕྲེང་བས་སྤེལ་མ།།
U GYEN Ö KYI THRENG WA PEL MA
Diadem emitting light-wreaths
chuỗi hào quang sáng, rực rỡ tươi vui.
བཞད་པ་རབ་བཞད་ཏུཏྟཱ་ར་ཡིས།།
ZHE PA RAB ZHE TUTTARA YI
Mirthful, laughing with TUTTARE,
Với TU-TTA-RA, tiếng cười rộn rã
བདུད་དང་འཇིག་རྟེན་དབང་དུ་མཛད་མ།།
DÜ DANG JIG TEN WANG DU DZE MA
Subjugating maras, devas!
thu phục toàn bộ Ma vương, Thiên vương.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Diệt Ma Ngự Tam Giới Vương màu đỏ, tay cầm bảo bình ban lực diệt ma vương trị vì cõi thế.

Ngulchu Dharmabhadra:

Ngài là đấng Rạng Sáng, cho niềm vui lớn bằng cách toàn thành ước nguyện của người có lòng tin và soi sáng người không có lòng tin bằng chuỗi hào quang rực rỡ ngũ sắc chiếu sáng từ mũ miện trên đỉnh. Với tiến cười Tuttara rộn rã, Ngài hàng Thiên ma Garab Wangjuk [ma Ba Tuần], chúa tể cõi dục giới, và hết thảy chúa tể của các cõi thế giới khác.

Geshe Dawa

Tara Diệt Ma Tam Giới: Ngài ngồi tòa sen thứ mười, trên đài mặt trăng, thân sắc đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ diệt ma vương lực.

Đối với người có lòng tin nơi Ngài, Ngài dùng ánh hào quang chiếu ra từ mũ miện giúp toàn thành mọi ước nguyện cho tâm ý họ tươi đẹp hoan hỉ. Đối với người không có lòng tin, Ngài hàng phục bằng ánh hào quang chiếu ra từ đỉnh đầu. Ngài thu phục Garab Wangjuk (Thiên ma Ba Tuần] và toàn cõi thế bằng tiếng cười Tuttara rộn rã.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Để nhận lợi ích và lực gia trì từ đức Tara, nhân tố chính yếu là tín tâm vững chắc nơi Ngài. Với tín tâm, có ước nguyện gì Ngài cũng đều toàn thành cho ta. Và điều này cũng khiến cho tâm trí đức Tara vô cùng hoan hỉ.

Vậy người không có lòng tin thì sao? Ngài cũng thuần phục người không có lòng tin: chỉ cần nhìn thấy ảnh tượng của đức Tara, Ngài có thể thuần phục người không có tín tâm.

Chỉ cần có tín tâm.  Bất kể là ai, với tín tâm thỉnh cầu đức Tara, mọi mong cầu đều sẽ như nguyện.

Trang sức của Ngài, vòng tay, vòng chân, mũ miện, chuỗi đeo v.v… tất cả đều rất đẹp. Không như phẩm trang sức cõi thế gian, trang sức của đức Tara tự nhiên tỏa hào quang khắp mười phương, làm việc lợi ích cho chúng sinh. Các phẩm trang sức trên người đức Tara là tướng hiện của Ý nhiệm mầu của Ngài, và tượng trưng cho mọi thiện đức của Ngài.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

11. PONG-PA SEL-MA
– She Who Eradicates Poverty
– TIÊU BẦN ĐỘ MẪU

Minh Chú:  OM TARE TUTTARE TURE VASU DARE SVAHA

TARA_11_IMG_4223

༡༡ ༽ ཕྱག་འཚལ་ས་གཞི་སྐྱོང་བའི་ཚོགས་རྣམས།།
[11] CHAG TSHÄL SA ZHI KYONG WEI TSHOG NAM
Homage! She able to summon
Kính lạy Tara, chúng thần sở tại
ཐམས་ཅད་འགུགས་པར་ནུས་པ་ཉིད་མ།།
THAM CHE GUG PAR NÜ MA NYI MA
All earth-guardians’ assembly!
đều về qui thuận dưới uy Phật bà.
ཁྲོ་གཉེར་གཡོ་བའི་ཡི་གེ་ཧཱུྃ་གིས།།
THRO NYER YO WEI YI GE HUM GI
Shaking, frowning, with her HUM sign
Cau mày, rung chuyển, với linh tự HUM, 
ཕོངས་པ་ཐམས་ཅད་རྣམ་པར་སྒྲོལ་མ།།
PHONG PA THAM CHE NAM PAR DRÖL MA
Saving from every misfortune!
cứu khắp chúng sinh thoát cảnh bần cùng.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Tiêu Bần màu cam, tay cầm bảo bình chứa năng lực làm tiêu tan bần cùng.

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ mười một trên đài mặt trăng, thân sắc cam. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ cứu nghèo.

Nghèo có nhiều loại: nghèo bạn, nghèo tiền tài, nghèo sức khỏe. Nhưng đáng nói nhất là nghèo trí tuệ, nghèo từ bi, nghèo chánh pháp v.v… Đức Tara cứu nghèo bằng năng lực minh chú của Ngài.

Gyalwa Gedun Drub

Chau mày có nghĩa là Ngài với sắc tướng hơi oai nộ, phóng hào quang từ chữ HUM nơi tim, cứu thoát chúng sinh nghèo niềm vui, bị khổ đau đè nặng. Ngài có tên là Nhiếp Thọ Độ Mẫu.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Thổ địa bao gồm mười vị hộ thần phương hướng cùng chúng tùy tùng, giữ gìn và nuôi dưỡng đất đai. Vị Tara này có khả năng câu triệu mười vị hộ thần phương hướng cùng tùy tùng, sai sử họ để thực hiện nhiều thiện hạnh.

Khi gặp cảnh túng quẩn, tài chánh khó khăn, chúng ta phải nhớ nghĩ đến đức Tara. Mục tiêu phải là để thành tựu vô thượng giác vì chúng sinh, hay chí ít phải phát xuất từ động cơ vị tha. Với động cơ ấy, quán tưởng vị Tara này, khởi tâm tôn kính tin tưởng sâu xa mà thỉnh cầu đức Tara giúp xóa cảnh nghèo.

Nghèo có rất nhiều loại. Nói nghèo không phải chỉ là nghèo tiền nghèo của, mà còn nghèo Phật Pháp, ví dụ như nghèo kinh nghiệm, nghèo chứng ngộ. Chúng ta có thể cầu khẩn đức Tara này xóa đi tất cả mọi thứ nghèo.

Quán tưởng từ linh tự HUM nơi tim Ngài, hào quang dưới dạng móc sắt phóng ra khắp mười phương, câu về tất cả mọi điều cần thiết, như thọ mạng, tài sản, của cải v.v… Tất cả tan về chủng tự HUM nơi tim Ngài, và lực gia trì dưới dạng ánh sáng cam lồ rót vào cho quí vị. Quí vị cần quán tưởng tất cả chúng sinh đều hưởng được lợi ích này, đặc biệt chúng sinh đang chịu cảnh bần cùng khó khăn. Khi dòng cam lồ rót xuống, hãy nghĩ rằng mình nhận được thọ mạng lâu dài, tài sản của cải v.v…

Tâm keo bẩn là nguyên nhân khiến ta phải chịu cảnh bần hàn, vì vậy đồng thời hãy nghĩ rằng mọi chướng ngại bao gồm tâm keo bẩn và tập khí của tâm này, tất cả đều được thanh tịnh triệt để. Nghĩ rằng bây giờ ta đã có được kho báu bất tận. Nghĩ như vậy sẽ khiến thanh tịnh loại ác nghiệp mang đến cảnh bần cùng. Ác nghiệp này thanh tịnh thì điều lành sẽ đến với chúng ta.

Chúng ta có thể tu pháp này khi gặp khó khăn trong công việc, hay tài chính trắc trở trong kinh doanh v.v… Tuy vậy, không bao giờ được tác pháp vì lợi ích cá nhân, ước cho “công việc của tôi được thuận tiện suông sẻ.” Nhất định phải tu với cái tâm mong muốn lợi người, hướng về quả giác ngộ để độ sinh. Thiếu đi tâm nguyện này thì dù có tu cũng không thành chánh pháp.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

12. TRA-SHI TAM-CHE JIN-MA
– Tara Creating Auspiciousness
– THÍ KIẾT TƯỜNG ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE MANGALAM PUSHTIM KURU SVAHA

TARA_12_IMG_4228

༡༢ ༽ ཕྱག་འཚལ་ཟླ་བའི་དུམ་བུས་དབུ་རྒྱན།།
[12] CHAG TSHÄL DA WEI DUM BÜ U GYEN
Homage! Crown adorned with crescent
Kính lạy Tara, đỉnh đầu Phật Bà
བརྒྱན་པ་ཐམས་ཅད་ཤིན་ཏུ་འབར་མ།།
GYEN PA THAM CHE SHIN TU BAR MA
Moon, all ornaments most shining!
trăng non trang điểm. Bao phẩm trang nghiêm
རལ་པའི་ཁྲོད་ནས་འོད་དཔག་མེད་ལས།།
RÄL PEI KHUR NA Ö PAG ME LE
Producing, from Amitabha
chói ngời rạng chiếu. / Đức Phật Di Đà
རྟག་པར་ཤིན་ཏུ་འོད་རབ་མཛད་མ།།
TAG PAR SHIN TU Ö RAB DZE MA
In her hair-mass, always much light!
từ lọn tóc Ngài / tỏa sáng vô biên.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Làm Cho Tất Cả Kiết Tường màu cam, tay cầm bảo bình ban cho sự kiết tường.

Gyalwa Gedun Drub

Thứ năm, tán dương phẩm trang điểm trên đỉnh đầu Ngài. Phẩm trang điểm chính là vầng trăng non, tỏa sáng rạng rỡ, sáng hơn mọi mặt trăng, quét sạch khổ não. Phẩm trang điểm thứ hai nằm trong búi tóc giữa vô lượng hào quang, tỏa hào quang không gián đoạn làm lợi cho khắp chúng sinh. Ngài được gọi là Đức Tara Hộ Trì Kiết Tường.

Geshe Dawa

Đức Tara Thí Kiết Tường ngồi tòa sen thứ mười hai, trên đài mặt trăng, thân sắc cam. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ kiết tường. Trên đỉnh đầu Ngài trang nghiêm một vầng trăng non, hào quang rạng chiếu. Đức A Di Đà ngự trên đỉnh, điều này có nghĩa là Ngài thuộc Liên Hoa Phật Bộ.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Từ đức Phât A Di Đà trên đỉnh, hào quang muôn sắc phóng ra làm việc lợi ích cho chúng sinh. Tara và đức Phật A Di Đà bất nhị với bổn tôn của quí vị.

Quí vị có thể quán tưởng vị Tara này khi thân thể bất an: nhuốm bệnh, buồn phiền, bực dọc hay căng thẳng. Quán tưởng, nhớ nghĩ đến đức Tara và thỉnh cầu Ngài. Tưởng tượng ánh sáng cam lồ từ thân nhiệm mầu của đức Tara và đức Phật A Di Đà—cả hai bất nhị với bổn sư—đi vào thân tâm, quét sạch mọi vấn đề, mọi phiền muộn, đồng thời hãy nghĩ mình thọ nhận lực gia trì Thân Khẩu Ý nhiệm mầu của đức Tara. Làm như vậy nhất định sẽ được lợi ích.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

13. ME TAR BAR MA
– She Who Blazes Like Fire
– NHƯ LỬA BỪNG ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE BHAYA BHASMIM KURU SVAHA

TARA_13_IMG_4231

༡༣ ༽ ཕྱག་འཚལ་བསྐལ་པའི་ཐ་མའི་མེ་ལྟར།།
[13] CHAG TSHÄL KÄL PEI THA MEI ME TAR
Homage! She ’mid wreath ablaze like
Kính lạy Tara, như lửa hoại kiếp
འབར་བའི་ཕྲེང་བའི་དབུས་ན་གནས་མ།།
BAR WEI THRENG WEI Ü NA NE MA
Eon-ending fire abiding!
giữa chuỗi lửa rực, Phật bà an định,
གཡས་བརྐྱང་གཡོན་བསྐུམ་ཀུན་ནས་བསྐོར་དགའ།།
YE KYANG YÖN KUM KÜN NE KOR GÉ
Right stretched, left bent, joy surrounds you
phải duỗi, trái co, niềm vui vây quanh
དགྲ་ཡི་དཔུང་ནི་རྣམ་པར་འཇོམས་མ།།
DRA YI PUNG NI NAM PAR JOM MA
Troops of enemies destroying!
làm tiêu tan hết đội quân thù địch.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Lửa Bừng màu đỏ, tay cầm bảo bình chứa năng lực tiêu hủy đâm thủng kẻ thù. Mục tiêu chính của việc làm này là để cho quí vị có khả năng vì chúng sinh mà thành tựu đường tu giác ngộ, hoằng dương Phật Pháp và cũng để ngăn chận không cho kẻ thù tạo thêm ác nghiệp, dắt về với chánh pháp và rồi đưa kẻ thù về với quả giải thoát, giác ngộ.

Geshe Dawa

Tara Lửa Bừng: Ngài ngồi tòa sen thứ mười ba, trên đài mặt trăng, thân sắc đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ tiêu thù. Ngài ngồi giữa chuỗi lửa trí giác, sánh bằng lửa hoại kiếp thiêu rụi toàn cõi thế gian cuối đại kiếp này. Ngài vui với việc chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, thuần thục chúng sinh. Ngài tận diệt nội ma.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Chúng ta đang đảnh lễ đức Tara ngồi giữa biển lửa “như lửa hoại kiếp”. Vào một thời điểm nhất định trong tương lai, thế giới của chúng ta sẽ bị một ngọn lửa vô cùng nóng thiêu rụi tất cả, [gọi là lửa hoại kiếp]. Vị Tara này ngồi giữa ngọn lửa giống như vậy. Nhưng lửa của Ngài là lửa trí tuệ. Ngài ngồi chân phải duỗi ra, chân trái co lại. Đức Tara này có khả năng hủy diệt mọi đội quân thù nghịch bên trong và bên ngoài bằng cách chuyển bánh xe chánh pháp. Kẻ thù bên trong là phiền não của chúng ta. Kẻ thù bên ngoài bao gồm loài người và loài không phải người, và tất cả các loại vấn đề chướng ngại phát sinh từ phiền não trong tâm. Nhờ nương vào đức Tara, chúng ta có thể diệt tất cả mọi kẻ thù như vậy.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

14. THRO NYER CHEN MA
– She Who Is Frowning Wrathfully
– NHÍU MÀY OAI NỘ ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE VAJRA MAHA PUTAYA BASMI KURU SVAHA

TARA_14_IMG_4232

༡༤ ༽ ཕྱག་འཚལ་ས་གཞིའི་ངོས་ལ་ཕྱག་གི།།
[14] CHAG TSHÄL SA ZHI NGÖ LA CHAG GI
[14] Homage! She who strikes the ground with
[14] Kính lạy Tara, Phật bà trấn địa
མཐིལ་གྱིས་བསྣུན་ཅིང་ཞབས་ཀྱིས་བརྡུང་མ།།
THIL GYI NÜN CHING ZHAB KYI DUNG MA
Her palm, and with her foot beats it!
với bàn tay vỗ và gót chân đạp.
ཁྲོ་གཉིར་སྤྱན་མཛད་ཡི་གེ་ཧཱུྃ་གིས།།
THRO NYER CHEN DZE YI GE HUM GI
Scowling, with the letter HUM the
Ánh mắt oai thần và chủng tự HUM,
རིམ་པ་བདུན་པོ་རྣམས་ནི་འགེམས་མ།།
RIM PA DÜN PO NAM NI GEM MA
Seven levels she does conquer!
hết thảy bảy địa Ngài đều chinh phục


Lama Zopa Rinpoche

Đức Nhíu Mày Oai Nộ màu đen, tướng hơi hung  nộ, cầm bảo bình ban cho năng lực triệt tiêu kẻ tạo chướng ngại.

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ mười bốn trên đài mặt trời, tướng hơi hung  nộ, màu đen. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ hành phục kẻ tạo cản trở.

Bàn tay Ngài che kín mặt đất toàn cõi thế gian, và chân Ngài trấn đạp. Từ chữ HUM nơi lòng bàn tay và gót chân, kim cang lửa phóng ra, hàng phục khắp loài hữu tình dưới bảy tầng đất sâu như long chúng, a-tu-la, yêu tinh, nhiều loại quỉ dữ khác, cùng các loại vọng tâm.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Vô số chùi kim cang lửa làm tiêu tan hết mọi ác tâm muốn gây nhiễu hại. Họ có bao nhiêu ý tưởng tác quái, Tara quét sạch tất cả. Họ có bao nhiêu khả năng tác quái, đức Tara cũng làm cho tiêu tan hết. Đức Tara khiến cho họ trở nên vô hại.

Khi bị các loài không phải người tác hại, ví dụ như bị long chúng hay ma quỉ tác quái, chúng ta phải nương vào vị Tara oai nộ này mà thỉnh nguyện. Quán tưởng từ chủng tự HUM màu xanh dương nơi lòng bàn tay và nơi gót chân của Ngài, chùi kim cang lửa phóng ra, đi vào trong chúng ta và các loài gây hại cho chúng ta. Nhận lực gia trì này, tất cả mọi phiền não, nhất là ý nghĩ muốn gây nhiễu hại cho kẻ khác, trong tâm của chúng ta và trong tâm các loài gây hại cho ta đều được hàng phục, quét sạch triệt để. Tâm của ta và của những loài gây hại cho ta trở nên sạch trong. Không còn sót lại bất kỳ ý tưởng tác hại nào. Bị tà ám mà tu được như vậy lợi ích lớn lao vô cùng.

Nhờ tán dương đức Tara dưới cả hai sắc tướng từ hòa và oai nộ, chúng ta hoàn tất phần tán dương Báo thân của đức Tara. Tiếp theo là phần tán dương Pháp thân đức Tara.


 <<< Trang trước     |     Trang sau >>>

15. SHI WA CHEN MA
– She of Supreme Peacefulness
– ĐẠI TỊNH ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA PAPAM PUTA MANAYE SVAHA

TARA_15_IMG_4234

༡༥ ༽ ཕྱག་འཚལ་བདེ་མ་དགེ་མ་ཞི་མ།།
[15] CHAG TSHÄL DE MA GE MA ZHI MA
Homage! Happy, virtuous, peaceful!
Kính lạy Tara, vui, hiền, tịch tĩnh
མྱ་ངན་འདས་ཞི་སྤྱོད་ཡུལ་ཉིད་མ།།
NYA NGEN DE ZHI CHÖ YÜL NYI MA
She whose field is peace, nirvana!
cảnh giới cứu cánh thanh tịnh niết bàn.
སྭཱ་ཧཱ་ཨོཾ་དང་ཡང་དག་ལྡན་པས།།
SVAHA OM DANG YANG DAG DEN PE
She endowed with OM and SVAHA,
Đầy đủ tất cả Sô-Ha và Ôm
སྡིག་པ་ཆེན་པོ་འཇོམས་པར་ཉིད་མ།།
DIG PA CHEN PO JOM PA NYI MA
Destroyer of the great evil!
đập tan toàn bộ tà ma đại ác.


 Lama Zopa Rinpoche

Đức Đại Tịnh màu trắng, cầm bảo bình ban cho năng lực tiêu tai.

Geshe Dawa

Tán dương Pháp Thân Đại Tịnh: Ngài ngồi tòa sen thứ mười lăm trên đài mặt trăng, thân sắc trắng. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm tiêu ác lực.

Vui” vì Ngài luôn trú trong niềm vui vắng khổ; “Hiền” vì Ngài chỉ làm việc thiện; “Tịch Tĩnh” vì Ngài đã diệt hết vọng tâm. Ngài có thể an trú không gián đoạn trong chánh định siêu thoát khổ đau, lấy pháp diệt siêu việt nhị chướng làm đề mục.

Vì Ngài có những thiện đức như vừa kể, tụng minh chú của Ngài sẽ giúp tịnh mười việc ác, năm tội vô gián, viên thành bồ công đức, đưa người tu vào quả vị siêu thoát khổ đau.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Ngài siêu thoát khổ đau, là quả vị tận diệt nhị chướng, là chướng ngại cản trở quả giải thoát và chướng ngại cản trở quả toàn giác.

Ngài luôn trú trong cảnh giới tịch tĩnh của đại định siêu việt nhị chướng.  Nhờ năng lực của trí tuệ này mà sinh ra minh chú. Chánh văn nói “Đầy đủ tất cả  Sô-ha và OM.” Giữa Sô Ha và OM là các âm khác của chuỗi minh chú, TARE TUTTARE TURE. Cả thảy là mười âm minh chú đức Tara: OM TARE TUTTARE TURE SVAHA.

Vừa quán tưởng đức Tara vừa tụng minh chú của Ngài với lòng tin sâu xa, đến cả ác nghiệp nặng nề như năm nghiệp vô gián, nghiệp từ bỏ chánh pháp, cùng với nguyên nhân tạo nghiệp là nhiễm tâm phiền não như tham và sân, hết thảy mọi nhiễm tâm sâu dày nhất cùng quả khổ từ đó sinh ra, tất cả đều tịnh sạch, không sót lại mảy may dấu tích.

Câu kệ này xưng tán đức Tara là Pháp thân. Ý nhiệm mầu của đức Tara luôn an trú trong cảnh giới đại định  tịch tĩnh. Vừa trú trong cảnh giới ấy, Ngài vừa thi triển thiện hạnh làm lợi cho khắp chúng sinh một cách tự nhiên, không dụng công. Đây là việc mà chúng sinh không thể làm, vì đã nhập vào trong định thì không thể làm bất cứ việc gì khác. Chỉ có Phật mới có khả năng này, vừa trú trong chánh định, vừa thi triển thiện hạnh làm lợi ích cho chúng sinh một cách tự nhiên không dụng công. Đây là đặc điểm của Phật.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

16. RIG PA HUNG LE DROL MA
– Tara Liberating Through Hum
– LINH TỰ HUM ĐỘ SINH ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA DHARMA PRATI SHUD DHA YA SVAHA

TARA_16_IMG_4249

༡༦ ༽ ཕྱག་འཚལ་ཀུན་ནས་བསྐོར་རབ་དགའ་བའི།།
[16] CHAG TSHÄL KÜN NE KOR RAB GA WEI
Homage! Of those glad at turning
Kính lạy Tara, vây quanh Phật bà
དགྲ་ཡི་ལུས་ནི་རབ་ཏུ་འགེམས་མ།།
DRA YI LÜ NI NAM PAR GEM MA
Tearing foes’ bodies asunder,
đầy ắp niềm vui tan xác kẻ thù.
ཡི་གེ་བཅུ་པའི་ངག་ནི་བཀོད་པའི།།
YI GE CHU PEI NGAG NI KÖ PEI
Liberating with HUM-mantra
Mười âm trang điểm tiếng lời mầu nhiệm,
རིག་པ་ཧཱུྃ་ལས་སྒྲོལ་མ་ཉིད་མ།།
RIG PA HUM LE DRÖL MA NYI MA
Word-array of the ten syllables
chữ HUM – trí tuệ phổ độ chúng sinh.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Trí Tuệ Hum Độ Sinh màu đỏ, tay cầm bảo bình chứa năng lực tăng trưởng tác dụng của minh chú.

Geshe Dawa

Tán dương thiện hạnh của Ngài.

Tara Giải Thoát Bằng Chữ HUM: Ngài ngồi tòa sen thứ sáu, trên đài mặt trăng, thân sắc đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm tăng trưởng minh chú.

Ngài vui với việc chuyển pháp luân và thuần phục chúng đệ tử bằng cách này. Ngài hàng phục kẻ gây cản trở và kẻ thù bằng hào quang chiếu ra từ chuỗi minh chú mười âm nơi tim và bằng âm thanh chủng tự HUM.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tan xác kẻ thù / mười âm trang điểm tiếng lời mầu nhiệm”: Xưng tán đức Tara khéo chuyển bánh xe chánh pháp mang lợi ích đến cho tâm của chúng đệ tử bằng cách tiêu diệt kẻ thù bên ngoài và bên trong tâm thức.

Mười âm” ứng vào chuỗi minh chú của đức Tara. Có cả hai câu minh chú, từ hòa và oai nộ:

Chú từ hòa là OM TARE TUTTARE TURE SVAHA, quanh chủng tự TAM nơi tim Ngài.

Chú oai nộ là OM NAMA TARE NAMO HARE HUM HARE SVAHA, quanh chủng tự HUM nơi tim Ngài.

Từ hai chuỗi minh chú từ hòa và oai nộ này, hào quang lớn phóng ra, cứu ta thoát hết mọi kẻ thù và chướng ngại.

Khi cần tác pháp tiêu tai, ví dụ để tiêu bệnh, tật, tà chướng, hãy quán tưởng đức Tara với chủng tự TAM nơi tim, xung quanh là chuỗi minh chú từ hòa OM TARE TUTTARE TURE SVAHA. Quán tưởng thọ nhận lực gia trì của đức Tara và mọi vấn đề đều nhẹ nhàng tan biến.

Khi cần tác pháp oai nộ, ví dụ khi gặp chướng ngại đến từ loài người hay loài không phải người, gây hại cho Phật Pháp, làm tổn hại thọ mạng của đạo sư v.v… quán tưởng đức Tara với chủng tự HUM nơi tim, xung quanh là chuỗi minh chú oai nộ OM NAMA TARE NAMO HARE HUM HARE SVAHA quét sạch mọi trở ngại một cách mãnh liệt.

Khi cần thực hiện những pháp này, hãy quán tưởng chuỗi minh chú thích hợp, với pháp quán tương ứng.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

17. JIG TEN SUM YO WA  DROL MA
– Tara Moving Worlds
– CHẤN ĐỘNG TAM GIỚI ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA TAM BANE DELE SVAHA

TARA_17_IMG_4251

༡༧  ༽ ཕྱག་འཚལ་ཏུ་རེའི་ཞབས་ནི་བརྡབས་པས།།
[17] CHAG TSHÄL TURE ZHAB NI DEB PE
Homage! Swift One! The foot-stamper
Kính lạy Tara, chân Ngài dậm xuống,
ཧཱུྃ་གི་རྣམ་པའི་ས་བོན་ཉིད་མ།།
HUM GI NAM PEI SA BÖN NYI MA
With for seed the letter HUM’s shape
tuyên ngôn TU-RÊ. Chủng tự sắc HUM
རི་རབ་མན་དཱ་ར་དང་འབིགས་བྱེད།།
RI RAB MANDHARA DANG BIG JE
She who shakes the triple world and
chấn động ba cõi cùng núi Tu Di,
འཇིག་རྟེན་གསུམ་རྣམས་གཡོ་བ་ཉིད་མ།།
JIG TEN SUM NAM YO WA NYI MA
Meru, Mandara, and Vindhya!
núi Măn-đa-ra, và Vin-đi-a.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Chấn Động Tam Giới màu cam, tay cầm bảo bình chứa năng lực làm chủ và tiêu hủy năng lực của huyền chú.

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ mười bảy, trên đài mặt trăng, thân sắc cam. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ hàng phục bùa chú.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương đức Tara là bậc khéo chấn động ba cõi.

Chân Ngài dậm xuống / tuyên ngôn TURE”: “TURE” ở đây có nghĩa là đức Thần Tốc, ứng vào đức Tara. Ngài oai nộ đạp xuống bằng đôi chân nhiệm mầu. “Chủng tự sắc HUM”: ứng với cách đức Tara khởi hiện sắc tướng: […] Từ nơi tánh không hoạt hiện chủng tự HUM, rồi từ chủng tự HUM hoạt hiện thành đức Tara oai nộ.

Chúng ta đảnh lễ tán dương đức Tara có năng lực làm chấn động ba cõi. Chánh văn nói rằng Ngài làm “chấn động ba cõi, cùng núi Tu Di, núi Mandhara, và Vindhya.” Các ngọn núi này là nơi cư ngụ của thiên chúng, long chúng v.v… Tán dương đức Tara làm chấn động những ngọn núi lớn này. Đến cả ba cõi Ngài cũng có khả năng làm chấn động, cùng khắp chúng hữu tình sống trong các cõi ấy.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

18. DUG SEL MA
– Tara Pacifying and Eliminating Poisons and Sickness
– TIÊU ĐỘC ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA NAGA BIKSHA SHANTING KURU SVAHA

TARA_18_SM_IMG_4254

༡༨ ༽ ཕྱག་འཚལ་ལྷ་ཡི་མཚོ་ཡི་རྣམ་པའི།།
[18] CHAG TSHÄL LHA YI TSHO YI NAM PEI
Homage! Holding in her hand
Kính lạy Tara, như biển hồ thiên
རི་དྭགས་རྟགས་ཅན་ཕྱག་ན་བསྣམས་མ།།
RI DAG TAG CHEN CHAG NA NAM MA
the deer-marled moon, of deva-lake form
vầng trăng ngọc thỏ trên tay Phật bà.
ཏཱ་ར་གཉིས་བརྗོད་ཕཊ་ཀྱི་ཡི་གེས།། དུག་
TARA NYI JÖ PHAT KYI YI GE
With twicespoken TARA and PHAT,
Với hai TARA và chủng tự PÂY,
རྣམས་མ་ལུས་པར་ནི་སེལ་མ།།
DUG NAM MA LÜ PA NI SEL MA
Totally dispelling poison!
hết thảy độc tố đều tiêu tan cả.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Tiêu Độc màu trắng, tay cầm bảo bình ban năng lực làm tiêu tan độc tố.

Geshe Dawa

Ngài ngồi tòa sen thứ mười tám trên đài mặt trăng, thân sắc trắng. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm sạch và tiêu tan chất độc và tật bệnh. Ngài cầm trong tay một vầng trăng, trắng như biển hồ cõi thiên, trên đó phản chiếu hình ảnh của các loài thú hiền như nai, thỏ v.v… Với vầng trăng này, Ngài làm sạch và tiêu tan chất độc, tật bệnh.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương đức Tara là bậc khéo trừ chất độc.

Đức Tara làm tiêu tan chất độc cầm trong tay một vầng trăng tròn, tựa như tấm gương, điểm hình ngọc thố. Soi vào vầng trăng này, mọi chất độc trong người đều tiêu tan cả. Chất độc nói ở đây không chỉ ứng vào loại chất độc bình thường mà còn ứng vào cả loại chất độc phiền não trong tâm.

Với hai TARA và chủng tự PÂY”:  hai TARA ứng vào hai chữ TARA trong minh chú: OM TARE TUTTARE. Thay vì OM TARE TUTTARE TURE SVAHA, Ngài thốt OM TARE TUTTARE TURE PHAT. Với vầng trăng trong tay, Ngài cho chúng sinh soi vào và thốt lên OM TARE TUTTARE TURE PHAT, nhờ đó diệt tan mọi chất độc trong chúng sinh, không chỉ chất độc bên ngoài, mà gồm cả chất độc phiền não trong tâm.

Chất độc có nhiều loại. Chúng ta có thể bị người khác làm cho ngộ độc, hoặc cũng có thể tự mình lầm ăn phải món có độc, trúng phải các loại độc tố, v.v… Những lúc như vậy, hay khi muốn giúp người bị trúng độc, hãy quán tưởng đức Tara này ở khoảng không trước mặt. Quán tưởng Ngài cầm trong tay một vầng trăng như tấm gương cho mình và chúng sinh soi vào, đồng thời Ngài đọc minh chú OM TARE TUTTARE TURE PÂY. Quán tưởng nhận được lực gia trì, thấy rằng tất cả mọi độc tố trong ngoài của mình và chúng sinh đều hoàn toàn tịnh sạch.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

19. DUG NGAL THAM CHE SEL WEI DROL MA
– Tara Eliminating Disputes and Bad Dreams
– TIÊU TRANH CHẤP ÁC MỘNG ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE MUCHANA YA SVAHA

TARA_19_SM_IMG_4257

༡༩ ༽ ཕྱག་འཚལ་ལྷ་ཡི་ཚོགས་རྣམས་རྒྱལ་པོ།།
[19] CHAG TSHÄL LHA YI TSHOG NAM GYÄL PO
Homage! She whom gods and their kings
Kính lạy Tara, thiên vương, chư thiên,
ལྷ་དང་མིའམ་ཅི་ཡིས་བསྟེན་མ།།
LHA DANG MI AM CHI YI TEN MA
God and Kinnares do honour
và Khẩn Na la đều nương Phật bà.
ཀུན་ནས་གོ་ཆ་དགའ་བའི་བརྗིད་ཀྱིས།།
KÜN NE GO CHA GA WEI JI GYI
She whose joyfull splendour dispels
Giáp bào lộng lẫy, niềm vui tỏa sáng,
རྩོད་དང་རྨི་ལམ་ངན་པ་སེལ་མ།།
TSÖ DANG MI LAM NGEN PA SEL MA
Conflict and bad dreams of the armoure
phá tan tất cả ác mộng, chấp tranh.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Tiêu Tranh Chấp Ác Mộng màu trắng, tay cầm bảo bình ban năng lực làm cho tiêu tan chấp tranh—ví dụ như bị kiện tụng—và ác mộng.

Geshe Dawa

Tara Tiêu Tranh Chấp Ác Mộng: Ngài ngồi tòa sen thứ mười chín trên đài mặt trăng, thân sắc trắng. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm tiêu tan tranh chấp và ác mộng.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương đức Tara là bậc khéo làm tan tranh chấp và ác mộng. Đây là vị Tara mà “thiên vương, chư thiên, và Khẩn Na la đều nương” vào. Chư thiên nói ở đây ứng vào chư thiên cõi dục giới. Chúa tể cõi trời dục giới là Indra, ngoài ra còn các thần linh thế tục khác như Brahma v.v… Các vị này đều tôn kính đặt đỉnh đầu của mình ngang chân đức Tara.

Hãy quán tưởng đức Tara này và tụng minh chú, nét rạng rỡ chói sáng của Ngài sẽ làm tiêu tan mọi khổ nạn như tranh chấp, cãi vã, xung đột, cùng ác mộng. Tất cả những điều này đều sẽ tan biến. Ác mộng khiến ta không vui. Khi gặp cảnh xung đột tranh chấp với người khác, như bị kiện tụng v.v…, cần quét nghịch cảnh bằng cách nương dựa vào sắc tướng này của đức Tara. Quán tưởng đức Tara ở khoảng không trước mặt, rót ánh sáng cam lồ màu đỏ vào cho quí vị, làm sạch mọi ác mộng, mọi vấn đề đang gặp phải như kiện tụng, tranh chấp v.v.. Đủ loại vấn đề, cùng nguyên nhân khiến phát sinh vấn đề, tất cả đều tiêu tan, không sót lại dù chỉ mảy may vi trần. Pháp quán này sẽ giúp cho quí vị khi gặp cảnh khổ đại loại.


<<< Trang trước     |     Trang sau >>>

20. RIM NE SEL WEI DROL MA
– Tara Eliminating Plaques:
– TIÊU TẬT DỊCH ĐỘ MẪU

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE VISARE SVAHA

TARA_20_OK_SM_IMG_4277

༢༠ ༽ ཕྱག་འཚལ་ཉི་མ་ཟླ་བ་རྒྱས་པའི།།
[20] CHAG TSÄL NYI MA DA WA GYE PEI
Homage! She whose two eyes bright with
Kính lạy Tara, đôi mắt nhật nguyệt
སྤྱན་གཉིས་པོ་ལ་འོད་རབ་གསལ་མ།།
CHEN NYI PO LA Ö RAB SÄL MA
Radiance of sun and full moon!
tỏa chiếu rạng ngời hào quang rực sáng.
ཧ་ར་གཉིས་བརྗོད་ཏུཏྟཱ་རེ་ཡིས།།
HARA NYI JÖ TUTTARA YI
With twice HARA and TUTTARE
HA-RA hai lần, và TU-TTA-RA,
ཤིན་ཏུ་དྲག་པོའི་རིམས་ནད་སེལ་མ།།
SHIN TU DRAG PÖI RIM NE SEL MA
She dispels severe contagion!
tiêu tan tất cả tật dịch truyền nhiễm.


Lama Zopa Rinpoche

Đức Tiêu Tật Dịch màu cam, tay cầm bảo bình chứa năng lực hủy diệt mọi tật dịch truyền nhiễm.

Geshe Dawa

Tara Tiêu Tật Dịch: Ngài ngồi tòa sen thứ hai mươi, trên đài mặt trăng, thân sắc cam. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm tiêu tan tật dịch. Bằng cách thốt lên hai lần  HARA và TUTTARA, Ngài xua tan tật dịch

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương đức Tara là bậc khéo làm tiêu tan dịch truyền nhiễm.

Đôi mắt nhật nguyệt” ứng vào cả hai sắc tướng oai nộ và từ hòa của đức Tara. Với sắc oai nộ, đôi mắt như mặt trời cháy sáng: đôi mắt của sắc tướng oai nộ lớn, đỏ và tròn, tỏa ra ánh sáng nóng. Với sắc từ hòa, đôi mắt như trăng tròn: đôi mắt của sắc tướng từ hòa tỏa ánh sáng lạnh.

HA-RA hai lần, và TU-TTA-RA”: câu này ứng vào minh chú oai nộ OM NAMA TARE NAMO HARE HUM HARE SVAHA, và minh chú từ hòa OM TARE TUTTARE TURE SVAHA. Tụng hai minh chú oai nộ và từ hòa này, dù là bệnh tật dữ dội bậc nhất như bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm, ác bệnh nan y khó lành, đều có thể khỏi.

Thế giới ngày nay có quá nhiều loại bệnh dữ, nhất là các chứng bệnh dịch kinh hoàng. Sống thời như vậy, việc thanh tịnh tật dịch trở thành nhu cầu khẩn thiết. Chúng ta có thể quán tưởng đức Tara, nhớ nghĩ đến thiện đức thân khẩu ý nhiệm mầu của Ngài, với lòng thâm tín, tụng hai minh chú oai nộ và từ hòa này. Đồng thời quán tưởng ánh sáng từ đức Tara rót xuống, làm cho mình và chúng sinh tịnh sạch tất cả mọi tật dịch, bệnh truyền nhiễm và nguyên nhân của tật bệnh. Tất cả đều hoàn toàn tịnh sạch.


 <<< Trang trước     |     Trang sau >>>

21. TRINLE THAMCHE YONG SU DZOG PAR JE PEI DROLMA
– Tara Accomplishing Virtuous Activities
– Tara Bậc Viên Thành Thiện Hạnh –

Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE SARVA SIDDHI SVAHA

TARA_21_SM_IMG_4281

༢༡ ༽ ཕྱག་འཚལ་དེ་ཉིད་གསུམ་རྣམས་བཀོད་པས།།
[21] CHAG TSÄL DE NYI SUM NAM KÖ PE
Homage! Full of liberating
Kính lạy Tara, với tam chân như,
ཞི་བའི་མཐུ་དང་ཡང་དག་ལྡན་མ།།
ZHI WEI THÜ DANG YANG DAG DEN MA
Power by set of three Realities!
sung mãn năng lực tịch tĩnh tự tại.
གདོན་དང་རོ་ལངས་གནོད་སྦྱིན་ཚོགས་རྣམས།།
DÖN DANG RO LANG NÖ JIN TSHOG NAM
Crushing crowds of spirits, yakshas
Tà ma ác quỉ, dạ xoa, khởi thi,
འཇོམས་པ་ཏུ་རེ་རབ་མཆོག་ཉིད་མ།།
JOM PA TURE RAB CHOG NYI MA
And corpse-raisers! Supreme! TURE!
đập tan hết thảy. TU – RÊ! Tối thắng!


Lama Zopa Rinpoche

Đức Làm Mọi Thiện Hạnh màu trắng, tay cầm bảo bình ban cho năng lực hoàn tất mọi việc làm một cách mỹ mãn.

Geshe Dawa

Tara Thành Tựu Thiện Hạnh: Ngài ngồi tòa sen thứ hai mươi mốt, trên đài mặt trăng, thân sắc trắng. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình chứa nước cam lồ làm cho thành tựu mọi thiện hạnh.

Trang nghiêm nơi thân Ngài điểm ba tinh túy: OM trắng trên đỉnh; AH đỏ nơi cổ; và HUM xanh dương nơi tim. Với ba tinh túy điểm trên thân, Ngài hoàn tất mọi thiện hạnh giác ngộ của tất cả các vị Tara trước.

Gyalwa Gedun Drub:

Sáu là thiện hạnh diệt tà ma ác quỉ và quỉ khởi thi.

Ba tinh túy trên thân Ngài là chân như của Thân Khẩu Ý:

  • tinh túy của thân: OM trên đỉnh
  • tinh túy của khẩu: AH nơi cổ
  • tinh túy của ý: HUM nơi tim

Nhờ năng lực sẵn có nơi ba tinh túy, Ngài hàng phục được mọi chất độc nhiễm tâm. Ngài chính là đấng Độ Mẫu TURE, bậc tối thắng diệt chất độc di chuyển (moving poisons) của loài quỉ Don, quỉ khởi thi, và quỉ dạ xoa. Tên Ngài là Viên Thành Độ Mẫu.

Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Tán dương đức Tara là bậc khéo diệt tà ma và quỉ khởi thi.

Phần quán tưởng dưới đây dành cho người tu pháp Tara Du Già, nói cách khác, dành cho người [đã thọ đại pháp quán đảnh Tara] đang tu pháp tự khởi hiện thành đức Tara.

  • Quán tưởng mình là đức Tara.
  • Trên đỉnh có chủng tự OM trắng, là thân của đức Tara.
  • Nơi cổ có chữ AH đỏ, là khẩu của đức Tara.
  • Nơi tim có chữ HUM xanh dương, là ý của đức Tara.

Với ba chủng tự ở ba điểm, hết thảy mọi ác nghiệp ác chướng của ba cửa thân khẩu ý đều được quét sạch triệt để, không sót lại mảy may.

“Tà ma ác quỉ, dạ xoa, khởi thi, đập tan hết thảy”: Chữ “dön” tiếng Tạng được dịch là “tà ma ác quỉ.” Kinh sách dạy rằng chủ yếu có mười tám loài ma quỉ, quỉ ăn máu tươi, quỉ có tà thuật, quỉ dạ xoa (giống quỉ ăn sinh khí). Nương vào đức Tara, tất cả các loại tà ma quỉ dữ này đều sẽ bị tiêu hủy.

Cho người chuyên tu pháp Tara, tự khởi hiện thành đức Tara với ba điểm—đầu, cổ và tim, trang nghiêm ba chủng tự, OM trăng, AH đỏ, và HUM xanh dương—làm như vậy sẽ tịnh được mọi ác nghiệp ác chướng của thân khẩu và ý cùng mọi tập khí của ác nghiệp ác chướng này.

Người tu cũng có thể dùng pháp quán này để làm lợi cho chúng sinh: […] quán tưởng từ ba chủng tự phóng ra hào quang lớn, quét sạch mọi ác nghiệp ác chướng nơi thân khẩu ý của khắp chúng sinh. Sau khi sạch mọi ác nghiệp ác chướng, hãy tưởng tượng đưa tất cả chúng sinh vào quả vị Tara. Quán như vậy chúng sinh sẽ được lợi ích và kho bồ phước đức của bản thân cũng sẽ mau chóng viên thành.


 <<< Trang trước     |     Trang sau >>>

༢༢ ༽ རྩ་བའི་སྔགས་ཀྱི་བསྟོད་པ་འདི་དང།།
[22] TSA WEI NGAG KYI TÖ PA DI DANG
With this praise of the root mantra
Đây là tiếng lời tán dương bổn chú,
ཕྱག་འཚལ་བ་ནི་ཉི་ཤུ་རྩ་གཅིག།
CHAG TSHÄL WA NI NYI SHU TSA CHIG
Twenty-one (times I’ve paid) homage.
đảnh lễ Tara, đủ hai mươi mốt.


Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

Đây là hai hàng chót kết thúc bài tán dương.

“Bổn chú” ứng vào hai chú từ hòa và oai nộ đã nói qua. Có tất cả 21 câu kệ tán dương, cùng hai mươi mốt lần đảnh lễ. “Đây là tiếng lời tán dương bổn chú, đảnh lễ Tara, đủ hai mươi mốt.”


Prayer of the Benefits – BÀI NGUYỆN LỢI ÍCH

ལྷ་མོ་ལ་གུས་ཡང་དག་ལྡན་པའི།
LHA MO LA GÜ YANG DAG DEN PEI
Whoever is endowed with devotion for the goddess
Ai người có lòng / tin đấng bổn tôn,
བློ་ལྡན་གང་གིས་རབ་དད་བརྗོད་དེ།།
LO DEN GANG GI RAB DE JÖ DE
And recites this with supreme faith
rạng đông hoàng hôn /
སྲོད་དང་ཐོ་རངས་ལངས་པར་བྱས་ནས།
SÖ DANG THO RANG LANG PAR JE NE
Remembering it at dawn upon waking and at the evenings
chuyên tâm trì tụng
དྲན་པས་མི་འཇིགས་ཐམས་ཅད་རབ་སྟེར།
DREN PE MI JIG THAM CHE RAB TER
Will be granted all fearlessness
tiếng lời rõ ràng / sẽ được hộ trì
སྡིག་པ་ཐམས་ཅད་རབ་ཏུ་ཞི་བ།
DIG PA THAM CHE RAB TU ZHI WA
Will perfectly pacify all negativities
lìa mọi sợ hãi, / sạch mọi ác chướng,
ངན་འགྲོ་ཐམས་ཅད་འཇོམས་པ་ཉིད་དོ།།
NGEN DRO THAM CHE JOM PA NYI THOB
And will eleminate all unfortunate migrations
thoát cảnh đọa sinh.
རྒྱལ་བ་བྱེ་བ་ཕྲག་བདུན་རྣམས་ཀྱིས།
GYÄL WA JE WA THRAG DÜN NAM KYI
The multitude of conquerors
Được bảy trăm vạn / đức Phật Thế Tôn /
མྱུར་དུ་དབང་ནི་བསྐུར་བར་འགྱུར་ལ།
NYUR DU WANG NI KUR WAR GYUR LA
Will quickly grant initiation
sớm truyền quán đảnh,
འདི་ལས་ཆེ་བ་ཉིད་ནི་ཐོབ་ཅིང་།
DI LE CHE WA NYI NI THOB CHING
Thus, endowed with this greatness
nhờ đại duyên này
སངས་རྒྱས་གོ་འཕང་མཐར་ཐུག་དེར་འགྲོ།
SANG GYE GO PHANG THAR THUG DER DRO
One will eventually reach the state of a buddha
chóng đạt quả Phật.
དེ་ཡི་དུག་ནི་དྲག་པོ་ཆེན་པོ།
DE YI DUG NI DRAG PO CHHEN PO
If affected by the most terrible poison
Tâm niệm bổn tôn / thì mọi độc tố / kinh hoàng bậc nhất
བརྟན་གནས་པ་ཞམ་གཞན་ཡང་འགྲོ་བ།
TEN NE PA ZHAM ZHEN YANG DRO WA
Whether ingested, drunk, or from a living being
từ nơi môi trường / hay từ sinh vật, /
ཟོས་པ་དང་ནི་འཐུངས་པ་ཉིད་ཀྱང་།
ZÖ PA DANG NI THUNG PA NYI KYANG
Just by remembering
dù ăn, dù uống,
དྲན་པས་རབ་ཏུ་སེལ་བ་ཉིད་ཐོབ།།
DREN PE RAB TU SEL WA NYI THOB
Will one be thoroughly cleansed
cũng không thể hại. /
གདོན་དང་རིམས་དང་དུག་གིས་གཟིར་བའི།
DÖN DANG RIM DANG DUG GI ZIR WEI
If this prayer is recited two, three or seven times
Tụng bài pháp này / hai, ba, bảy lần, /
སྡུག་བསྔལ་ཚོགས་ནི་རྣམ་པར་སྤོང་སྟེ།
DÜL NGEL TSHOG NI NAM PAR PONG TE
It will pacify all the sufferings of torments
Thoát khổ tật dịch, /
སེམས་ཅན་གཞན་པ་རྣམས་ལ་ཡང་ངོ་།
SEM CHEN ZHEN PA NAM LA YANG NGO
Caused by spirits, fevers, and poisons
truyền nhiễm, ngộ độc /
གཉིས་གསུམ་བདུན་དུ་མངོན་པར་བརྗོད་ན།།
NYI SUM DÜN DU NGÖN PAR JÖ NA
And by other beings as well
Hay vì chúng sinh. /
བུ་འདོད་པས་ནི་བུ་ཐོབ་འགྱུར་ཞིང་།
BU DÖ PE NI BU THOB GYUR ZHING
If you wish for a child you will get a child
Cầu con được con, /
ནོར་འདོད་པས་ནི་ནོར་རྣམས་ཉིད་ཐོབ།
NOR DÖ PE NI NOR NAM NYI THOB
If you wish for wealth you will receive wealth
cầu của được của, / hết thảy mong cầu /
འདོད་པ་ཐམས་ཅད་ཐོབ་པར་འགྱུར་ཏེ།
DÖ PA THAM CHE THOB PAR GYUR LA
All your wishes will be fulfilled
đều được như nguyện, / không chút chướng ngại /
བགེགས་རྣམས་མེད་ཅིང་སོ་སོར་འཇོམས་འགྱུར།།
GEG NAM ME CHING SO SOR JOM GYUR CHIG
And all obstacles pacified
vì mọi chướng ngại / đều đã tịnh yên.


Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel

 TRÌNH BÀY LỢI ÍCH PHÁP TU

A. Tâm nguyện đúng đắn

Ai người có lòng tin đấng bổn tôn
Chuyên tâm trì tụng…

Câu này nói rõ người tụng bài pháp này cần phải tụng bằng cái tâm như thế nào. Đâu là thái độ cần phải có? Cần phải hướng tâm về đức Tara với lòng kính ngưỡng sâu xa, nhớ lòng từ ái của Ngài. Hiểu rõ mọi thiện đức Thân Khẩu Ý của Ngài, giữ lòng tin vững bền, lòng tôn kính vượt bực. Tụng bài xưng tán này với cái tâm như vậy thì mọi lợi ích nói ở đây đều sẽ thành sự thật.

Khi tụng bài tán dương phải luôn nhớ lại thiện hạnh Thân Khẩu Ý của đức Tara, tâm đại bi, đại trí và đại dũng của Ngài. Nghĩ xem lúc ban đầu Ngài đã từng vì chúng sinh mà phát tâm bồ đề như thế nào, đã từng làm những gì trước khi đạt quả vô thượng giác, đã từng làm tất cả những gì để trở thành đức Tara như ngày hôm nay.

Nghĩ xem đức Tara phụng sự chúng sinh bằng bốn pháp hành tiêu tai, tăng ích, câu triệu và hàng phục như thế nào. Nhớ lại xem đức Tara vận dụng sắc tướng thị hiện phong phú, cầm phẩm trang sức để phụng sự chúng sinh như thế nào.

Nói cho cùng, bất kể là phần nào trên thân của Ngài cũng đều luôn thi triển thiện hạnh, làm lợi cho chúng sinh. Không có nơi nào trên thân nhiệm mầu của đức Tara là không đang phụng sự cho chúng sinh. Đức Tara có đủ mọi thiện đức này.

Bất kể kỳ một ai hướng tâm gọi đến Ngài, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, Ngài đều trợ giúp. Tình thương và sự tận tụy của Ngài dành cho chúng sinh không khác gì của mẹ hiền dành cho con một. Đức Tara luôn sẵn sàng hộ trì cho chúng sinh, không chút ngần ngại. Ngài chờ đợi thời cơ, nhân duyên vừa chín mùi, thiện hạnh giác ngộ của Ngài sẽ tức thì linh ứng.

Chúng ta phải luôn nhớ đến mọi thiện đức khác nhau của Thân Khẩu Ý của đức Tara. Càng nhớ nghĩ, hiểu rõ về thiện đức của đức Tara, tự nhiên sẽ chúng ta sẽ càng thêm tin tưởng, niềm tôn kính càng tăng, sâu xa hướng tâm về Ngài.

Quí vị có thể nghĩ rằng “bất kể gặp được việc tốt lành nào điều lành nào cũng đều nhờ lòng từ ái của đức Tara.” Nói tóm lại, niềm tin càng vững vàng chắc chắn thì sự linh ứng thiện hạnh giác ngộ của đức Tara lại càng thêm mãnh liệt chóng vánh. Cả việc đời thường đã là như vậy. Ví dụ có hai người bạn rất thân, tương thân tương kính, tin tưởng lẫn nhau, vì có mối tương quan mật thiết như vậy nên làm việc gì cũng rất dễ dàng. Với đức Tara cũng là như vậy.

THỜI ĐIỂM

Rạng đông hoàng hôn chuyên tâm trì tụng
Sẽ được hộ trì lìa mọi sợ hãi,
Sạch mọi ác chướng,
thoát cảnh đọa sinh.

Câu này giải thích thời điểm hành trì, thời gian nên tụng  bài xưng tán này. Thời gian tụng sẽ có tác dụng đến kết quả.

Khi gặp các loại vấn đề như bệnh tật, kẻ thù, cướp, trộm v.v… cần tụng bài xưng tán vào buổi chiều tà, trước khi mặt trời lặn, nhớ đến đức Tara dạng oai nộ. Sẽ được lợi ích.

Nếu muốn sạch ác nghiệp, không muốn đọa sinh ba cõi ác đạo thì phải tụng bài xưng tán vào buổi sáng, lúc bình minh, nhớ đến đức Tara dạng từ hòa.

Chúng ta sẽ nhận được lợi ích tương ứng nếu đọc tụng bài xưng tán này với tâm nguyện đúng đắn, vào thời điểm tương ứng trong ngày. Nói cho ngắn gọn, chúng ta sẽ được hộ trì thoát mọi sợ hãi, bao gồm sợ hãi bên ngoài và bên trong, và sẽ được ban cho quả vô úy. Chúng ta cũng sẽ không đọa sinh vào cõi ác đạo, như cõi địa ngục. Tất cả đều hoàn toàn tịnh sạch nhờ tu pháp tu Tara.

LỢI ÍCH

Tiếp theo chánh văn giải thích về lợi ích tụng bài xưng tán. Phần này chia thành hai phần lợi ích cho mình và cho người. Hành trì pháp tu này cho ai thì người ấy cũng sẽ được lợi ích.

Tự lợi

Với tâm nguyện đúng đắn đọc tụng bài xưng tán này sẽ được lợi ích như thế nào?

Được bảy trăm vạn đức Phật Thế Tôn
sớm truyền quán đảnh,
nhờ đại duyên này
chóng đạt quả Phật.

Bảy trăm vạn” là bảy triệu đức Phật. Đức Tara và xung quanh là bảy triệu đức Phật đà do chính Ngài thị hiện sẽ truyền quán đảnh với lực gia trì ánh sáng cam lồ.

Việc gì xảy ra khi thọ quán đảnh như vậy từ đức Tara? Hết thảy mọi điều chúng ta hưởng dụng—nhà cửa, tài sản, của cải, thân thể, tùy tùng—đều trở nên tuyệt hảo, đó là một vài lợi ích nhất thời trước mắt khi thọ quán đảnh từ đức Tara. Lợi ích dài lâu là sẽ mau chóng vượt qua các chứng đạo, chứng địa, đạt quả vô thượng giác.

Phần này lại chia ra làm ba tiểu phần:

  • Lợi ích quay lưng với lầm lỗi
  • Lợi ích quay lưng với nhân tạo khổ
  • Lợi ích quanh lưng với quả báo khổ đau.
Lợi ích quay lưng với lầm lỗi

Tâm niệm bổn tôn thì mọi độc tố kinh hoàng bậc nhất
từ nơi môi trường hay từ sinh vật,
dù ăn, dù uống,
cũng không thể hại.

Độc tố kinh hoàng bậc nhất nói ở đây là gì? Điều gì cản trở không cho chúng ta đạt đến nguồn hạnh phúc nhất thời và dài lâu, lợi ích cứu cánh nói ở đây? Chính là phiền não trong tâm của chúng ta. Phiền não—như sân, như tham—thật sự là chất độc gây ra mọi khổ đau kinh hoàng mà chúng ta phải gánh chịu. Đây là chất độc dữ dội, cướp mất sự tái sinh vào cõi trời và cõi người của chúng ta. Là chất độc vô cùng mãnh liệt, từ đó sinh ra mọi thống khổ cõi ác đạo và cõi luân hồi nói chung.

Lợi ích quay lưng với nhân tạo khổ

Chúng ta ai người bị trúng “độc tố / kinh hoàng bậc nhất / từ nơi môi trường / hay từ sinh vật, dù ăn, dù uống” chỉ cần nhớ đến đức Tara và tụng bài xưng tán này với tâm đúng đắn, tất cả sẽ được tịnh sạch.

Nhớ đến đức Tara và tụng bài xưng tán này với tâm đúng đắn, thì đến cả nguyên nhân tạo khổ cũng đều sẽ bị chận đứng.

Lợi ích quay lưng với quả báo khổ đau.

Câu kệ tiếp theo nói rõ về lợi ích chận đứng quả báo khổ đau.

Thoát khổ tật dịch,
truyền nhiễm, ngộ độc,
hay vì chúng sinh.

Nhờ tụng bài xưng tán đức Tara, cả khối khổ đau như là khổ vì bị các loại tà ma ám chướng, vì bị các loại bệnh khổ, tật dịch hành hạ, độc tố bên ngoài và bên trong v.v… tất cả đều có thể bỏ hết.

Lợi tha

Luận giải tiếp theo nói về lợi ích đọc tụng dùm người khác. Khi vì chúng sinh khác mà đọc tụng bài xưng tán này, chúng sinh ấy sẽ được lợi ích gì?

Tụng bài pháp này / hai, ba, bảy lần, 
Cầu con được con, / cầu của được của, 
hết thảy mong cầu / đều được như nguyện, 
không chút chướng ngại / vì mọi chướng ngại 
đều đã tịnh yên.

Nói “hai, ba, bảy lần” là nghĩa gì? “Hai” nghĩa là ngày và đêm. “Ba” nghĩa là tụng ban ngày ba lần và ban đêm ba lần. “Bảy” nghĩa là mỗi thời tụng bảy lần bài xưng tán. Tụng bài xưng tán hai, ba, bảy lần theo như vừa giải thích thì sẽ “cầu con được con, / cầu của được của, / hết thảy mong cầu / đều được như nguyện, / không chút chướng ngại / vì mọi chướng ngại / đều đã tịnh yên.”

Nếu không thể hành trì theo như vậy vẫn có thể làm theo như pháp Cúng Dường Tara, chia thành ba phần, phần đầu tụng bài xưng tán hai lần, phần thứ hai tụng ba lần, phần thứ ba tụng bảy lần. Đây cũng là một cách tu. Sẽ có tác dụng nếu quí vị có được niềm tin, lòng tự tín, và tin tưởng rằng pháp tu này sẽ linh ứng. Niềm tin không đủ mạnh thì cho dù cả ngày đọc tụng cũng không để làm gì.

Tụng bài xưng tán đức Tara này, mọi mong cầu đều sẽ như nguyện, mọi chướng ngại áng ngữ đều sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, và nói vậy nghĩa là chướng ngại nào chưa sinh sẽ không phát sinh, chướng ngại nào đã sinh sẽ bị hủy diệt.

Tới đây hoàn tất lời giảng về xưng tán 21 đức Tara và bài kệ nói về lợi ích đọc tụng bài xưng tán này.

Tất cả quí vị đều bận rộn công ăn việc làm, điều hành cơ sở kinh doanh, chăm sóc cho gia đình v.v… Tuy vậy, buổi sáng thức dậy, hãy cố gắng đừng quên nhớ nghĩ đến đức Tara, nghĩ rằng Ngài vốn bất nhị với bổn sư của quí vị.

Tiếp theo, phải xác định lại mục tiêu sống của ngày hôm nay, phải vì lợi ích của chúng sinh. Quí vị cần xác định lại mục tiêu của mình theo đúng như pháp tu dành cho ba loại căn cơ của giáo pháp lamrim.

Quán tưởng đức Tara bất nhị với bổn sư, hướng tâm thỉnh cầu và quyết chí làm cho mọi hoạt động trong ngày “đều được thành công.” Quí vị làm việc không phải vì lợi riêng mà vì lợi tha, làm để đạt quả giác ngộ, vì lợi ích của khắp chúng sinh.

Nếu có thể, hãy mỗi ngày tụng bài xưng tán 21 đức Tara, sẽ rất tốt vì bài kệ này chứa nguồn năng lực gia trì rất đặc biệt. Hết thảy chư đại thánh giả trong quá khứ đã từng nương vào pháp này để phụng sự chúng sinh, mang đến cho chúng sinh nguồn an vui phúc lợi.

Nếu không thể mỗi ngày tụng bài xưng tán, ít nhất quí vị có thể tụng chú của đức Tara: OM TARE TUTTARE TURE SVAHA, vừa trì chú vừa quán tưởng đức Tara, với niềm tin tưởng sâu xa. Làm như vậy sẽ được lực gia trì không khác gì tụng bài xưng tán đức Tara. Nếu có được lòng tin khi tụng chú Tara, quí vị sẽ tịnh được ác nghiệp, tăng trưởng phước đức.

Trì chú của đức bổn tôn là một phương pháp đặc biệt, đưa tâm về gần gũi đức bổn tôn, làm cho đức bổn tôn vui lòng đẹp dạ. Điểm then chốt là phải có niềm tin khi trì chú.

Khi đi ngủ cũng vậy. Hãy nhớ nghĩ đến đức Tara, hướng tâm thỉnh cầu Ngài.

Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn uống. Mỗi khi ăn uống, hãy quán tưởng đức Tara ở phía trước mặt, thấy Ngài bất nhị với bổn sư của mình, rồi cúng dường. Nếu đã từng thọ pháp quán đảnh Tara, quí vị có thể tự khởi hiện thành đức Tara, khởi tâm tự tín nhiệm mầu để dùng thức ăn thức uống. Vì chúng ta cứ phải ăn uống liên tục nên tu như vậy sẽ giúp chúng ta liên tục tích lũy thiện căn công đức.

Điểm trọng yếu ở đây là phải chăm sóc tâm của mình trong từng ngày sống. Mặc dù luôn bận rộn vì công ăn việc làm, nhưng việc gì ta làm cũng đều liên quan đến kẻ khác. Vì vậy khi làm nên giữ tâm địa vị tha, được như vậy sẽ rất tốt.

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, quí vị phải nên xác định lại mục tiêu sống cho ngày mới. Cần nghĩ lại xem thân người quí hiếm khó gặp biết bao vậy mà nay đã có được rồi, nhờ đó sẽ thực hiện được việc lớn lao đến mức nào. Cần mỗi ngày nhớ nghĩ như vậy. Đây là điều cần phải làm.

Mỗi sáng thức dậy, tự nhủ với mình rằng “Chỉ được một lần này thôi, có được thân người quí hiếm này. Nhưng sớm muộn gì cũng sẽ mất đi khi chết. Không còn cơ hội nào tốt hơn ngày hôm, phải hành trì Phật Pháp.”

Mỗi ngày đều cần nhớ nghĩ như sau:

  • Thân người với đủ mọi tự do thuận tiện khó đạt như thế nào;
  • Có được thân người sẽ làm được việc lớn đến đâu;
  • Rồi cũng phải chết, cái chết là điều chắc chắn;
  • Chết lúc nào lại không thể biết chắc.

Nếu mỗi ngày đều nhớ nghĩ đến những điều này, ý chí muốn tu sẽ tự nhiên nảy sinh trong tâm của quí vị. Bằng không, quí vị sẽ không muốn tu. Đây là phương pháp chính để đưa tâm về với pháp hành.

Nhớ nghĩ đến mục tiêu lớn lao có thể thực hiện được với thân người đầy đủ mọi tự tại thuận tiện này, chúng ta sẽ tự nhiên quay lưng với việc làm tào tạp vô nghĩa trong đời. Khi có được sự hiểu này—khi thật sự hiểu được điều này—thì cho dù là ngồi vài phút hay nửa giờ không tu, cũng sẽ thấy ân hận sâu xa, cảm thấy phí phạm thời gian quí báu.

Còn nếu tâm không hiểu, cũng không cảm nhận được thân người tự tại thuận tiện này khó đạt đến mức nào, một khi có được sẽ làm được việc lớn ra sao, thì cho dù là ngồi không cả ngày không làm gì cả cũng không bận tâm. Ngược lại sẽ nói “thì đã sao đâu chứ!”

Vì vậy hãy nên suy nghĩ tường tận về ý nghĩa của những mục tiêu lớn mà thân người mình đang có đây có thể làm được. Rồi thì tự nhiên sẽ bỏ mọi việc tào tạp vô nghĩa. Biết nhớ nghĩ đến thân người này khó đạt như thế nào, chắc chắn quí vị sẽ không làm sao có thể lười biếng ngồi không.

Vì sao thân người đầy đủ tự tại thuận tiện lại khó đạt? Vì nhân mang đến thân người này rất khó gieo.

Nhân đó là gì? Là giữ giới thanh tịnh.

Giới hạnh là điều khó giữ, nên thân người khó đạt. Chúng ta không những là có được thân người, lại còn là thân người tuyệt hảo, bao gồm đầu đủ mọi tự tại và thuận tiện.

Không những là như vậy, chúng ta không chỉ gặp được Phật Pháp, lại còn là Phật Pháp Đại Thừa. Không những là gặp được Phật Pháp Đại thừa, chúng ta còn gặp được Đại Thừa Kim Cang, là giáo pháp kín mật Phật dạy.

Hiểu được như vậy mới ý thức được duyên may này quí giá đến mức nào. Một khi hiểu được mình đã phải khó khăn thế nào mới có được thân người với đầy đủ mọi tự tại thuận tiện như thế này, khi ấy chúng ta sẽ tiếp tục hành trì, không ngán, không mệt, cũng không chán. Ý nghĩ muốn tu sẽ tự nhiên dấy lên.

Vì vậy điều này rất quan trọng, mỗi ngày đều phải nhớ nghĩ:

  • Thân người với đủ mọi tự tại thuận tiện, chúng ta làm sao nào mà có được;
  • Thân người này khó đạt ra sao;
  • Đạt được rồi, có ý nghĩa lớn lao ra sao;

Đồng thời, hãy nhớ rằng:

  • Thân người này không bền ra sao;
  • Cái chết là điều chắc chắn, nhưng bao giờ chết lại là điều không chắc.

Mỗi ngày đều nhớ nghĩ về những điều này, tâm của quí vị sẽ vui trong pháp hành.

–  HẾT –