LAMRIM: 365 Ngày Thiền Quán Đường Tu Giác Ngộ

Chủ Giảng: Lama Yeshe & Lama Zopa Rinpoche
Việt ngữ: Hồng Như [đang thực hiện]
Nguồn tiếng Anh: Lama Yeshe Wisdom Archive , 2022

THÁNG 2, 2023: XONG TRỌN CUỐN
NGÀY 25/05/2023: NHUẬN VĂN ĐẾN NGÀY 25

Ghi chú bản tiếng Việt: 

Lamrim là Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ. Tu pháp này là để đi thẳng một đường đến với quả giác ngộ. Sách này hy vọng đủ duyên để mỗi ngày dịch một trang, post vào đây cho người hữu duyên theo đó mà tu thiền Lamrim mỗi ngày. Ở đây chỉ là bản nháp đang nhuận văn, nhưng vì thời gian không đợi ai nên vẫn post lên đây để ai muốn đều có thể bắt đầu từ bây giờ…

Mời quý vị mỗi ngày đọc và thiền quán một trang, kèm với một bài lướt quán trọn đường tu. Cứ thế sau 365 ngày là xong trọn một chu kỳ tu Lamrim, rồi đáo trở lại ngày 1…, cứ thế tiếp tục cho đến khi chứng đắc từng đề mục tu. Quan trọng là phải theo đúng thứ tự.

MỤC LỤC

Ngày 1–3— Dẫn Nhập
Ngày 4–63— Tâm Kính Thầy
Ngày 64–86— Thân Người Tuyệt Hảo
Ngày 87–113— Vô Thường Và Cái Chết
Ngày 114–134— Cõi Ác Đạo
Ngày 135–169— Quy Y
Ngày 170–208— Nghiệp
Ngày 209–238— Khổ Luân Hồi
Ngày 239–266— Đường Đi (cơ cấu) Của Luân Hồi
Ngày 267–282— 12 Duyên khởi
Ngày 283–339— Tâm Bồ Đề
Ngày 340–363— Tánh Không
Ngày 364–365— Kết

PHỤ LỤC
Nền Tảng Mọi Thiện Đức
Trực Quán Lamrim
Đề Cương Pháp Quán Lamrim

Sách Đọc Thêm

Lời giới thiệu [bản Anh ngữ]
Lời mở đầu của người hiệu đính [bản Anh ngữ]
Lời cảm ơn [bản Anh ngữ]


GIỚI THIỆU [bản Anh ngữ]

Quan trọng nhất là phải liên tục khai mở tâm mình theo trình tự đường tu giác ngộ. Dù đang ở Phi Châu, Tây Tạng, mặt trăng, Irak, hay bất cứ nơi nào, dù giàu sang hay nghèo hèn gì cũng chẳng làm sao cả, cứ hãy liên tục khai tâm theo pháp Lam-rim, đây mới là điều thật sự quan trọng
LAMA ZOPA RINPOCHE

Lamrim  365 Ngày là hành trình một năm tu theo Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ dành cho những ai muốn nếm thử cốt tủy chánh pháp Phật dạy đầy uy lực này.

§ Sách bắt nguồn từ lời khuyên của Lama Zopa Rinpoche tại Singapore vào tháng tư năm 2013, khuyến khích đệ tử Trung Tâm Phật Giáo A Di Đà thiết lập thời khóa 1 năm thiền Lam-rim, bắt đầu bằng 2 tháng tu theo đề mục nương kính đạo sư.

§ Đề cương Lam-rim 365 Ngày là một quy trình đầy đủ, rõ ràng, và thực tế, thích hợp để tu học riêng lẻ hay tu học theo nhóm, giúp người tu thuộc đủ mọi trình độ có thể dễ dàng xây dựng và duy trì công phu tu thiền Lam-rim của mình một cách đều đặn.

§ Đầu mỗi trang là lời trích dẫn, vừa là lời dẫn nhập, vừa là câu tóm tắt đề mục thiền quán trong ngày. Tiếp theo là phần nội dung, trình bày tóm lược những điểm trọng yếu của đề mục đang tu căn cứ theo mục lục của sách Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay của Pabongka Rinpoche. Phần này, cùng với câu trích dẫn trước đó, đến từ bài giảng, đã xuất bản hay chưa xuất bản, của Lama Yeshe và của Lama Zopa Rinpoche, qua đó có thể nếm được phong cách và tầm vóc của hai bậc Thầy lỗi lạc này.

§ Ba cụm điểm chính dưới phần nội dung là dành để tóm lược ý chính của mỗi đoạn, tiện cho người tu ôn nhanh xem mình hiểu và nhớ đến đâu. Cuối trang là tiêu đề của pháp đang tu, in chữ nghiêng, theo sát đề cương của Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay. Tiêu đề này là cột mốc giúp định hướng, dẫn qua những đề mục khác nhau của Lam-rim, từ đầu chí cuối.

§ Nguồn trích dẫn được ghi trên trang web LYWA cho người muốn tìm hiểu sâu hơn.

§ Ngoài những đề mục thiền quán Lam-rim này, Lama Zopa Rinpoche còn khuyên mỗi ngày phải nên đọc thêm tối thiểu là trọn một bài Lam-rim lướt quán, vì vậy có bài Nền Tảng Mọi Thiện Đức trong phần phụ lục. Những bài Lam-rim lướt quán khác có thể được tìm thấy trong phần Lam-rim trên trang web của FPMT www.fpmt.org [bản dịch Việt ngữ, xin tìm trên trang web hongnhu.org].

§ Lama Zopa Rinpoche khuyên người hữu duyên hãy nên dồn thời gian và công sức để mỗi ngày tu thiền theo từng đề mục của Lam-rim, theo đúng thứ tự, cứ thế lặp đi lặp lại mãi cho đến khi có được chứng ngộ vững chắc.

§ Nguyện vọng rốt ráo của sách Lam-rim 365 Ngày này là để tạo nguồn cảm hứng, cũng là để hỗ trợ cho người tu, dù đang ở chặng đường nào trên đường tu, cũng có thể dễ dàng tu tập và chứng quả, nhờ đó tạo nhân an lạc cho chính mình và cho tất cả chúng sinh.

Pháp tu Lamrim bao gồm tất cả những gì cần có để đến tận với quả giác ngộ cứu cánh. Thầy có thể nói chắc rằng Pháp tu Lamrim này chính là cốt tủy của Phật pháp.
LAMA ZOPA RINPOCHE


#NGÀY 1 — LAMRIM LÀ ĐẠI LỘ, LÀ ĐƯỜNG CAO TỐC TRỰC TIẾP DẪN ĐẾN QUẢ GIÁC NGỘ BỒ ĐỀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm giải thoát chúng sinh. Dựa vào sức của chính mình để đưa chúng sinh không chừa sót một ai thoát mọi khổ đau và nguyên nhân tạo khổ, đến với quả giác ngộ bồ đề. Muốn làm được việc này thì phải tự mình đạt quả giác ngộ trước đã. Phải có được trí toàn giác thấy biết khắp cả, có như vậy mới thấy được tâm của chúng sinh, biết được mọi đặc tính, căn cơ, nghiệp chướng, biết đâu là phương pháp thích hợp để dẫn dắt từng chúng sinh đi từ niềm an lạc này đến niềm an lạc khác, cho đến tận quả vô thượng bồ đề.

§ Muốn chính mình đạt quả bồ đề thì phải chứng đạo. Điều này không phải nhiên không mà có. Nói cách khác, cần hội đủ nhân duyên, chứng đắc từng bước một theo trình tự của đường tu giác ngộ, gọi là Lamrim. Muốn viên thành Phật đạo thì đây là cách duy nhất. Và chứng ngộ chỉ đến nếu tu đúng theo trình tự. Còn những người chỉ muốn tu những đề mục mình thích, tránh né những đề mục mình không thích, khiến mình thấy khó chịu, ví dụ như khổ ác đạo, vô thường, cái chết, hay là tính chất khổ đau của sinh tử luân hồi. Đề mục nào không ưa thì gạt đi không nghĩ đến, không thiền quán, không tu, chỉ chuyên tâm vào những đề mục mình ưa thích, làm như vậy sẽ không thật sự chứng đắc được bất cứ một quả nào.

§ Lấy ví dụ không quán khổ luân hồi thì sẽ không có được cảm giác mình đang bị lửa lớn bủa vây, hay đang ngụp lặn trong phẩn uế, hay đang thân trần rớt vào bụi gai, và như vậy là không thể khởi được cái tâm chán ngán muốn buông sinh tử. Không có cái tâm muốn buông sinh tử thì sẽ không khởi được tâm đại bi và tâm bồ đề, và như thế là không vào được với Đại thừa. Nói cách khác, mọi chứng quả đều cần được chứng đắc theo đúng trình tự của đường tu giác ngộ.

  • # Muốn độ chúng sinh thoát khổ thì phải tự mình giác ngộ trước đã
  • # Cần tu tất cả mọi đề mục trong pháp Lamrim, theo đúng trình tự
  • # Đây là cách duy nhất để chứng quả, viên thành Phật đạo

!Dẫn nhập (1)



#NGÀY 2 — Tu pháp lamrim là làm việc với thực tại, là lắng nghe thực tại nói chuyện với mình — LAMA YESHE

§Pháp tu Lamrim vén mở cho ta thấy tham sân si của chính mình, vạch ra vì sao từ nhiễm tâm này lại dẫn đến rắc rối khổ não. Mỗi đề mục Lamrim là một liều thuốc đối trị với một loại vọng tâm phiền não, giúp tiêu trừ phiền não ấy.

§Để Thầy nói cho quý vị nghe, Phật giáo rất khoa học và thực tế, và Lamrim cũng giống như một trái táo có sẵn ăn liền, chỉ cần ăn vào là nuôi được cơ thể. Thầy thật sự tin rằng nếu buổi sáng đầu ngày quý vị có được một thời thiền ngắn gọn bỏ túi với sự hiểu chính xác và tâm nguyện mãnh liệt thì cả ngày hôm ấy cuộc sống của quý vị sẽ rất suông sẻ. Thông thường chúng ta phải tốn bao nhiêu công sức để mưu cầu hạnh phúc? Chúng ta có thể bỏ hết năm này sang tháng nọ, đến trường học đủ thứ chuyện, nhưng lại không chịu bỏ công sức vào những việc thật sự mang hạnh phúc đến cho mình, chẳng phải là ngu xuẩn lắm sao! Tuy vậy, cách suy nghĩ và lối sống đều là những thứ có thể thay đổi được, và đây chính là điểm tuyệt vời của Phật pháp: hướng dẫn cho chúng ta biết cách phải làm thế nào để lật ngược đời sống của mình, từ tiêu cực trở thành tích cực.

§Đừng tin vào điều gì siêu nhiên ở trên kia. Có một số việc làm, một số pháp tu, cứ hễ làm là trí tuệ khai mở. Mỗi pháp quán Lamrim đều giống như một công tắc bật điện, gặp vấn đề gì cứ bật đúng công tắc của nó là tự nhiên sẽ sáng. Gặp vấn đề khác thì bật một công tắc khác. Chỉ cần nhấn đúng công tắc, Phật pháp sẽ sáng, tiêu tan khổ nạn. Điều này rất khoa học, vì vậy chúng ta có thể làm được.

  • #Giáo pháp Lamrim vạch cho ta thấy phiền não của mình và chỉ cho pháp thiền tương ứng để làm tiêu tan phiền não ấy
  • #Phật pháp là phương pháp thay đổi lối suy nghĩ một cách thực tiễn và khoa học
  • #Pháp quán Lamrim nào cũng đều là để khai tuệ và diệt khổ

!DẪN NHẬP (2)



#NGÀY 3 — Dành trọn cuộc đời để tu chứng lamrim là điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm — LAMA ZOPA RINPOCHE

§Đọc đề cương Lamrim thì sẽ nắm được cái nhìn tổng quan về trọn vẹn giáo pháp Phật dạy, thấy được toàn bộ mọi lãnh vực tu tập trong Phật pháp, hiểu đâu là con đường mà hết thảy chư Phật đã từng đi qua để đến với quả vị Phật. Thêm vào đó, nếu nhìn lại từng đề mục có trong đề cương, sẽ thấy được rằng ở đây có đủ tất cả những gì Phật dạy, tất cả những gì chúng ta cần phải có để tự mình tu thành Phật, không sót một thứ gì. Từ đó khởi niềm tin tưởng lớn lao. Tin nơi Phật pháp thì lợi ích nghe pháp sẽ lớn hơn rất nhiều.

§Những bậc Đại hành giả, chứng ngộ cao, hết thảy đều đã từng dựa vào đề cương để mà tu. Đó là khả năng đặc biệt của chư vị. Đó là cách chư vị mau chóng đắc quả. Và đó chính là kho tàng vĩ đại chư vị truyền lại cho những người như chúng ta đây. Cứ thế chư vị tạo điều kiện cho chúng ta chứng quả mau chóng, ít gặp chướng ngại. Khi mới lần đầu tiếp xúc với giáo pháp Lamrim này, có thể là chúng ta thấy cả giáo pháp lẫn đề cương đều không có ý nghĩa gì cho lắm. Nhưng nếu tiếp tục thiền quán về những đề mục khác nhau trong lamrim, tự mình nếm được chút mùi vị của kinh nghiệm tâm linh, khi ấy chỉ cần nhớ đến là có được cảm nhận rất tuyệt vời. Trọn đường tu giác ngộ, tất cả những gì Phật dạy, đều hiện rõ trong tâm, không cần phải vật lộn với ngôn từ chữ nghĩa. Chỉ cần nhớ tới đề mục tu là đủ khiến cho kinh nghiệm mãnh liệt hiện ra trong tâm.

§Ở thời điểm hiện tại, cho dù có đọc bao lời giải thích cặn kẽ chi li, tốn bao nhiêu thời gian cũng vẫn không cảm nhận được gì mấy, nhưng cứ hãy kiên nhẫn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục kiên trì, mọi thứ đúng lúc, đúng thì, sẽ đến.

  • #Đề cương Lamrim là tổng quan toàn bộ giáo pháp Phật dạy
  • #Chư đại hành giả trong quá khứ đã từng dựa theo đề cương này để mau chóng chứng quả
  • #Cần phải thật kiên nhẫn. Cứ hãy kiên trì, nhất định sẽ tiến bộ

!DẪN NHẬP (3)



#NGÀY 4 — Nương kính Đạo Sư Là Gốc Rễ Của Đường Tu — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nương kính đạo sư là cái tâm chứng biết Thầy là Phật. Tâm này được gọi là “gốc rễ của đường tu” vì, cũng giống như thân, cành, lá, hoa, quả mọc lên từ rễ cây vững chãi, mọi chứng ngộ trên đường tu giác ngộ cũng vậy, đều bắt nguồn từ cái tâm nương kính vững chắc nơi đấng đạo sư. Không gốc rễ thì không có gì mọc lên được cả. Có được gốc rễ vững chắc của tâm nương kính đạo sư, mọi chứng ngộ đều sẽ mau chóng viên thành.

§ Nếu ngay từ đầu mà được khai thị bằng pháp nương kính đạo sư thì sẽ sớm biết thận trọng không để mình phạm sai lầm. Cứ thế mà bước vào đường tu sạch lỗi nhờ hiểu thấu đáo cách nương kính Thầy. Chúng ta sớm biết đây chính là gốc rễ, giúp ta tu tập thành công phần còn lại của đường tu giác ngộ. Học pháp này ngay từ đầu thì không vướng lỗi. Thầy nghĩ đây là lý do vì sao Sơ Tổ Tsongkhapa lấy pháp tu này làm đề mục tu thiền đầu tiên của Lam-rim.

§ Chưa hiểu được tầm quan trọng của việc nương kính đúng cách nơi bậc thiện tri thức thì đường tu còn lại dù giải thích sâu rộng đến đâu chúng ta cũng vẫn không bao giờ đắc quả, là vì không nương kính đạo sư thì không làm sao ngăn được chướng ngại, thọ được lực gia trì. Nương kính Thầy đúng cách thì mọi nguyện ước đều sẽ đạt, kể cả ước nguyện thành Phật để độ sinh. Vì vậy giáo pháp hướng dẫn cách nương kính bậc thiện tri thức là giáo pháp quan trọng bậc nhất, quan trọng hơn bất cứ giáo pháp nào khác. Đây chính là cội nguồn của mọi niềm an vui hạnh phúc, từ bây giờ cho mãi đến khi thành Phật.

  • # Nương kính đạo sư là gốc rễ của đường tu vì mọi chứng ngộ đều từ đó mà ra
  • # Pháp này nằm ngay đầu Lamrim là để giữ cho đường tu sạch lỗi ngay từ đầu
  • # Nương kính đạo sư là pháp tu quan trọng nhất trong tất cả mọi pháp tu, và là cội nguồn của tất cả mọi niềm an vui hạnh phúc

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ (1)



#NGÀY 5 — Lamrim Là Thuốc Chữa Bệnh Điên Đảo Của Tâm — LAMA YESHE

§ Vì sao ta cần có đạo sư? Vì muốn chữa bệnh cho tâm thì phải nhờ người biết cách chữa giúp cho. Hiểu tâm này hoạt động như thế nào là điều rất khó, nên phải nương kính theo sự hướng dẫn của một vị chuyên gia trong lãnh vực này. Hơn nữa, đạt quả giải thoát, đạt tự do nội tại cũng không phải là việc dễ làm. Tất cả những gì chúng ta đã từng nói từng làm trong suốt hành trình gọi là cuộc sống này đều xuất phát từ cái tâm, trọn đường tu giải thoát niết bàn cũng vậy, cũng đều tùy vào cái tâm.

§ Tuy vậy, nhìn lại những gì mình đã trải qua trong cuộc sống, nói rằng tất cả mọi sự đều phát xuất từ cái tâm, chúng ta tin được bao nhiêu? Muốn thực sự hiểu rõ vì sao sự việc lại đúng là như vậy, chúng ta cần một người nào đó hiểu việc này thật chính xác giải thích cho nghe, nói cách khác, chúng ta cần đạo sư. Hời hợt suy nghĩ thì chắc là sẽ tự nói với mình rằng: “Tôi thừa biết điều mình muốn, tôi thừa biết về cuộc sống của tôi.” Chắc sẽ nghĩ rằng mình đã biết, nhưng thật ra chẳng biết gì. Chúng ta cho rằng ô nhiễm môi trường đến từ công nghiệp, nhưng công nghiệp đến từ đâu? Đều là sản phẩm của trí óc con người. Mọi điên đảo trong thế giới này, từ xã hội cho đến từng cá nhân con người, hết thảy đều là như vậy, đều là sản phẩm của cái tâm.

§ Nếu mọi người có thể đơn giản để tâm mình thấm nhuần trong sự tĩnh lặng và lòng từ ái thì những vấn đề của thế giới ngày nay đã không xảy ra. Muốn thực hiện điều này thì phải có một phương pháp có hiệu quả, nhưng phương pháp nào là có hiệu quả thì chúng ta không biết. Vì vậy mà cần một vị Thầy đầy đủ khả năng và kinh nghiệm để mở mắt cho ta thấy thực tại chân thật là như thế nào.

  • #Muốn chữa lành cái tâm thì cần một nhà chuyên gia trong lãnh vực này chỉ cho thấy tâm mình hoạt động như thế nào
  • #Mọi điên đảo trong cõi thế gian này, từ xã hội cho đến cá nhân con người, đều do cái tâm tạo ra
  • #Chúng ta cần một vị Thầy đủ kinh nghiệm giúp ta định tâm và khởi lòng từ ái.

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ (2)



#NGÀY 6 — Bậc thiện tri thức là nguồn năng lực mãnh liệt nhất đời mình — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi chấp nhận mối quan hệ sư đồ và kết nối tâm mình với một người nào đó thì, ngay tức khắc, người kia trở thành nguồn năng lực mãnh liệt nhất đời mình, mãnh liệt hơn cả vô lượng Phật đà. Chấp nhận một người làm đạo sư, nương kính người ấy để có thể đến với niềm an vui của những đời kiếp về sau, của quả giải thoát và niết bàn cứu cánh, thấy mình là đệ tử của người ấy thì người ấy lập tức trở thành nguồn năng lực mãnh liệt bậc nhất dành cho mình. Thế thì đây là việc của cái tâm. Nguồn năng lực này là do chính mình tạo ra khi quyết định nhận người ấy làm đạo sư, để vì quyết định này mà kết nối tâm mình chặt chẽ với người ấy. Năng lực kia đến từ sự kết nối này, không đến từ việc đạo sư có phải là bậc giác ngộ hay không. § Khi quyết định tạo mối quan hệ sư đồ với một người rồi thì sự kết nối này sẽ được hình thành, có thể là qua việc thọ pháp, thọ quán đảnh, thọ giới, hay chỉ đơn giản thọ khẩu truyền một câu chú Om Mani Padme Hum hay một câu kinh. Nếu chỉ đơn giản nghe pháp hay có mặt ở nơi truyền quán đảnh, truyền giới thì sự kết nối tâm linh này sẽ không xảy ra, thêm vào đó còn cần phải có sự dứt khoát chấp nhận người ấy là sư phụ của mình và mình là đệ tử của người ấy. 

§ Hai nguyên tử gặp nhau làm phát sinh năng lượng hạt nhân, điều này có thể là tích cực, ví dụ như y học trị liệu hay sản xuất điện, cũng có thể là tiêu cực, ví dụ như bom nguyên tử. Sự gặp gỡ giữa sư phụ và đệ tử cũng tương tự như vậy. Pháp nương kính Thầy nếu tu đúng cách thì sẽ tích lũy được lượng công đức lớn nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất, nhưng nếu tu không đúng cách, lỡ phạm dù chỉ một lỗi nhỏ cũng sẽ phải chịu khổ đau cùng cực nhất trong khoảng thời gian dài nhất.

  • #Nhận ai làm sư phụ thì người ấy trở thành nguồn năng lực mãnh liệt nhất đời mình
  • #Thọ pháp với ý nghĩ mình là đệ tử của người truyền pháp thì mối quan hệ sư đồ được kết nối.
  • #Chất lượng của tâm nương kính đạo sư là yếu tố xác định tâm ấy tạo phước hay gieo khổ

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!1. § Nương kính đạo sư
!1.1 Năng lực của đạo sư



#NGÀY 7 — Cần Một Nguồn Năng Lực Sống Đến Chạm Tim — LAMA YESHE

§ Vì sao tôn giáo của cả Đông lẫn Tây ngày nay đều bị thoái hóa đến như vậy? Đó là vì ngày nay muốn tìm cho ra một tấm gương xứng đáng để noi theo là điều vô cùng khó khăn. Chưa từng tiếp xúc với bậc chứng ngộ cao thì làm sao biết được khả năng của tâm mình vô tận như thế nào. Chỉ dựa vào kinh sách ghi lại công hạnh và thành tựu của các bậc giác giả trong quá khứ là không đủ. Bản thân những câu chuyện này không tạo nhiều hứng thú, chỉ khiến ta cảm thấy càng thêm xa vời: “Đức Phật, đức Chúa sống ở cái thời xưa xửa xừa xưa,” chúng ta có thể nghĩ rằng: “tâm của chư vị thanh tịnh được như vậy là vì chư vị sống ở một thời kỳ khác, chứ như tôi đây, sống ở cái thời mạt pháp thế kỷ 21 này, cho dù chỉ một chút hao hao giống với cái tâm thanh của chư vị thôi cũng không mong gì có được.

§ Cách duy nhất để làm lắng dịu cảm giác hoài nghi bất lực và tối tăm này là gặp được một người nào đó đã khai mở được tiềm năng tối đa của tâm mình. Chúng ta cần một ví dụ điển hình để thấy rằng quả thanh tịnh và sự khai mở tâm linh là điều có thể tận mắt chứng kiến, tự mình thực hiện. Vì vậy, một vị Thầy ở bên ngoài là điều rất quan trọng. Cần một ai đó chứng minh cho chúng ta thấy, rằng dù người ấy cũng chỉ bình thường như chúng ta thôi, nhưng đã đưa cái tâm đến được với những cảnh giới vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta trong hiện tại.

§ Được tận mắt chứng kiến rằng thật sự đã có người sống trong cõi thế gian mà vượt được mọi ngã chấp, thoát được mọi bận tâm thế tục, nói và làm bằng trí tuệ tự nhiên, thật sự hết lòng quan tâm đến an nguy của người khác, khi ấy chúng ta mới có thể tin chắc được rằng bản thân của chính mình cũng có khả năng làm được như vậy.

  • # Tôn giáo thoái hóa là vì hiếm khi nào có được cơ hội gặp một người có chứng ngộ cao
  • # Chúng ta cần một tấm gương của người đã đạt đến cảnh giới vượt ngoài tầm nghĩ bàn
  • # Chứng kiến thiện đức nơi người khác sẽ giúp chúng ta tin tưởng bản thân của chính mình cũng có khả năng làm được như vậy

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!1. § Nương kính đạo sư
!1.2 Phẩm hạnh của đạo sư (1)



#NGÀY 8 — Đạo Sư Phải Là Người Có Trí Tuệ Biết Cách Dẫn Dắt Đệ Tử đến với niềm an vui đời sau, đạt được Thân Người toàn hảo, Rồi đạt Quả giác ngộ — LAMA ZOPA RINPOCHE

Muốn giác ngộ thì phải § viên thành mọi quả vị trên đường tu tuần tự giác ngộ. Có nhiều mức độ chứng đắc khác nhau cần phải chứng, nhiều loại phiền não khác nhau cần phải diệt. Muốn làm được việc này mà nương vào người chỉ biết có mỗi một pháp tu là không đủ, ví dụ chỉ biết cách tu thiền chỉ chứ không biết thứ gì khác; và thiền chỉ thì lại chỉ biết cách thiền bằng hơi thở chứ không biết những phương pháp khác. Như vậy là không đủ.

§ Muốn có khả năng hướng dẫn đường tu tuần tự giác ngộ thì sự hiểu của bậc đạo sư phải toàn hảo, hay ít ra phải chính xác, không hiểu sai. Toàn hảo nhất là bậc đạo sư có kinh nghiệm thật chứng. Không có được sự hiểu toàn hảo về đường tu thượng căn thì không có khả năng chỉ cho đệ tử thấy, cũng không có khả năng dẫn dắt đệ tử đến với quả đại giác ngộ. Không có được sự hiểu toàn hảo về đường tu trung căn thì không thể chỉ cho đệ tử thấy giáo pháp ấy, cũng không có khả năng dẫn dắt đệ tử đến với dù chỉ là sự tận diệt của luân hồi, dù chỉ là loại niết bàn thấp nhất. Đạo sư như vậy không có khả năng cứu đệ tử thoát sinh tử luân hồi.

§ Hiểu pháp quy y và nghiệp là một trong những điều quan trọng bậc nhất, đạo sư mà không hiểu được giáo pháp cơ bản này của đường tu sơ căn thì không có khả năng cứu đệ tử thoát khổ ác đạo. Nếu những gì đạo sư làm đều trái ngược với việc thiện, và nếu đó là con đường đạo sư dẫn đệ tử vào, thì không làm gì có thể giúp đệ tử có được niềm an vui, dù chỉ là niềm an vui nhất thời trong đời sống hiện tại.

  • #Muốn giác ngộ thì cần một vị đạo sư chứng đắc nhiều quả vị khác nhau
  • #Đạo sư cần có được sự hiểu toàn hảo về cả hai đường tu thượng căn và trung căn
  • #Để cứu đệ tử thoát ác đạo, đạo sư phải có khả năng dạy cho đệ tử đường tu sơ căn

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!1. § Nương kính đạo sư
!1.2 Phẩm hạnh của đạo sư (2)



#NGÀY 9 — Đệ Tử thì phải nương kính đạo sư; thích Thú tu thiền; và ưa chuộng thiện đức — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đệ tử có thành tựu được giác ngộ viên mãn hay không hãy còn tùy vào cả hai phía, đạo sư và đệ tử. Đạo sư phải là người đầy đủ khả năng đưa đệ tử đi trọn đường tu giác ngộ, nhưng nếu đệ tử không đủ duyên bước trên con đường này thì vẫn sẽ không thể chứng đắc. Còn nếu đạo sư có khả năng toàn hảo và đệ tử cũng đầy đủ túc duyên đi trọn đường tu này thì khi ấy quả giác ngộ sẽ đến rất dễ dàng.

§ Trong sách giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay, đức Pabongka Dechen Nyingpo có nhắc đến 5 phẩm hạnh mà người làm đệ tử cần phải có. Là đệ tử tốt thì phải không thiên kiến, biết suy nghĩ, nhẫn nại chịu khó, có tâm kính Thầy, và biết lắng nghe lời Thầy dạy. Không thiên kiến thì sẽ có thể suy xét và hiểu được những quan điểm khác với của quan điểm của mình. Luôn sẵn sàng xem lại lý lẽ của cả hai bên nên luôn có cơ hội học hỏi, làm sáng tỏ đúng sai. Còn nếu cứ nghiêng về cái thấy sai lầm của mình thì sẽ không tự cho phép mình suy xét về những quan điểm khác, mất hết cơ hội học hỏi, sẽ không biết nghe, không suy nghĩ, không hiểu pháp. Lấy ví dụ, nếu đã thấy tái sinh là điều vô lý thì dù ai có giải thích đến đâu, đưa ra bao nhiêu lý lẽ hay trích dẫn bao nhiêu lời Phật, chúng ta cũng chẳng thèm bỏ thời gian tìm hiểu. Chúng ta sẽ vẫn khư khư ôm cứng lấy cái nhìn sai lệch của chính mình.

§ Đúc tượng tsatsa với một cái khuôn toàn hảo thì hình Phật sẽ hiện ra trên miếng đất sét một cách toàn hảo dễ dàng, không thiếu nét nào. Tương tự như vậy, quả giác ngộ bồ đề sẽ đến với người đệ tử đầy đủ phẩm hạnh một cách dễ dàng và toàn hảo.

  • #Đệ tử có đạt được quả giác ngộ viên mãn hay không là tùy vào cả Thầy lẫn trò
  • # Đệ tử tốt thì không thiên kiến; biết suy nghĩ; nhẫn nại chịu khó; biết kính Thầy; và nghe theo lời Thầy dạy
  • # Đệ tử đầy đủ phẩm hạnh thì quả giác ngộ bồ đề sẽ đến một cách dễ dàng và hoàn hảo

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!1. § Nương kính đạo sư
!1.3 Phẩm hạnh của đệ tử



#Ngày 10 — Mọi kiếp về sau thành tựu được gì đều tùy vào pháp nương kính đạo sư tu trong đời này — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong đời này, nương kính đạo sư là pháp tu quan trọng không thể nghĩ bàn, là vì nếu tu cho đúng cách thì được lợi ích lớn nhất, tu không đúng cách thì gặp tổn hại cũng là lớn nhất. Ngay từ đầu, ngay từ khi vừa mới tiếp xúc với Phật pháp, nếu biết thận trọng nương kính bậc thiện tri thức cho thật đúng cách thì đường tu về sau sẽ đỡ vướng lỗi.

§ Cần hiểu và học pháp Lam-rim ở phần giải thích cách nương kính Thầy cho thật khéo, để biết nếu phần này tu được đúng cách thì lợi ích như thế nào, không đúng cách thì tai hại ra sao, rồi phải dốc sức mà tu cho thật toàn hảo. Đúng cách  nương kính đạo sư trong đời này là yếu tố quyết định đời sau có gặp được bậc thiện tri thức hay không và bậc thiện tri thức mà mình gặp được có đầy đủ mọi phẩm hạnh hay không. Cần phải thận trọng tối đa để tự bảo vệ chính mình thoát mọi hiểm họa lầm lỗi trước mắt và lâu dài về sau, và cũng là để bảo đảm cho mình bây giờ và tương lai tu tập được thành công.

§ Hiểu được lợi ích của việc nương kính Thầy đúng cách thì thấy được tầm quan trọng của việc theo Thầy, thấy kết quả mà mình sẽ gặt hái. Không hiểu tai hại của việc nương kính Thầy không đúng cách thì sẽ cẩu thả vì thấy không quan trọng. Cứ thế mà tạo thêm chướng ngại. Đủ thấy giữ tâm cẩn trọng là điều quan trọng đến mức nào. Vì hễ tu tốt pháp tu này thì không chướng ngại nào có thể ngăn cản chúng ta đạt mọi ước nguyện nhất thời trước mắt và mọi chứng đắc trên đường tu giác ngộ.

  • #Ngay từ đầu biết đúng cách nương kính đạo sư thì về sau sẽ ít vướng lỗi
  • # Phải học, hiểu và hành trì pháp tu nương kính đạo sư này càng khéo, càng giỏi càng tốt
  • # Biết được lợi ích nương kính Thầy đúng cách thì sẽ biết thận trọng với pháp hành

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì



#Ngày 11 — LÀM VUI LÒNG ĐẠO SƯ NHỜ THỰC HIỆN ƯỚC MUỐN CỦA THẦY, ĐÂY LÀ CON ĐƯỜNG CHÓNG ĐẠT QUẢ GIÁC NGỘ BỒ ĐỀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

Thiếu đạo sư thì không làm gì đoạn diệt được cảnh luân hồi của mình. Không gặp được đạo sư thì không bao giờ đến được với giác ngộ bồ đề. Nhưng nếu nương kính vào vị đạo sư có khả năng dạy cho ta đường tu không mê lầm thì cảnh luân hồi của mình mặc dù không có điểm khởi đầu nhưng sẽ có hồi kết thúc. Nhờ gặp đạo sư và nghe theo lời Thầy dạy, chúng ta sẽ mau chóng đạt giác ngộ bồ đề.

Khi quán về lợi ích thứ nhất này, phải nên ứng ngay vào từng việc mình làm, nhật tụng, nhập thất, hay phụng sự chúng sinh. Sống trong đời sống hàng ngày, bất cứ việc gì, không chỉ là việc tu thiền, cứ hễ làm theo lời Thầy dạy là tích lũy được lượng công đức to nhất, tịnh được khối ác nghiệp lớn nhất, bước nhanh nhất đến với quả giác ngộ bồ đề. Làm một việc là ác nghiệp giảm một phần, ác chướng mỏng một lớp, tiến một bước đến gần hơn với giác ngộ bồ đề. Mỗi lời khuyên của Thầy mà mình nghe theo đều có tác dụng quét nghiệp mạnh mẽ, vì trong đời mình không có năng lực nào lớn hơn là năng lực của bậc thiện tri thức. Cần nhớ kỹ mọi pháp tu Thầy dạy, mọi lời khuyên Thầy cho, để bám sát theo đó mà tu.

Trong đời sống hàng ngày, mỗi lần làm theo được một lời Thầy dạy, tu được một pháp Thầy cho, là tiến một bước đến gần hơn với giác ngộ bồ đề. Ý thức được lợi ích này thì sẽ thấy được khối phước đức khổng lồ mà mình tích lũy sau mỗi lần làm theo lời Thầy dạy. Khi ấy đời sống của chúng ta sẽ trở nên cực kỳ thú vị.

  • Nương bậc Thầy đủ khả năng dạy cho đường tu không sai thì luân hồi sẽ có hồi kết thúc
  • Làm việc gì cho đạo sư cũng đều giúp tích phước tịnh nghiệp
  • Mỗi lần nghe theo lời khuyên của Thầy là một bước đến gần hơn với quả giác ngộ bồ đề

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.1 Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn
2.1.1 Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn nhờ tu đúng theo lời Thầy khuyên



#Ngày 12 — Cúng dường đạo sư dù chỉ trong thời gian một sát na cũng vẫn tích lũy được lượng công đức ngoài tầm nghĩ bàn — LAMA ZOPA RINPOCHE

Chúng ta tiến đến gần hơn với giác ngộ bồ đề không phải chỉ nhờ tu theo lời dạy của Thầy mà còn nhờ cúng dường, cung kính, và phụng sự đạo sư. Lý do là vì muốn giác ngộ thì phải tích lũy lượng công đức rất lớn, mà bậc thiện tri thức chính là ruộng công đức cao trội hơn hết. Cúng dường đạo sư trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, công đức có được vẫn quá hơn công đức tích lũy hàng vô số lần vô số kiếp theo bất cứ phương pháp nào khác.

Bố thí thân thể, bố thí cả mạng sống của mình cho chúng sinh, làm như vậy trong thời gian dài một ngàn đại kiếp, là sự bố thí vượt ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nếu xét về mặt công đức thì chỉ đơn giản cúng dường một ly nước cho bậc thiện tri thức cũng sẽ tích lũy được lượng công đức tương đương. Tạo được lượng công đức lớn như vậy đều nhờ lòng từ ái của đạo sư và nhờ sự kết nối chặc chẽ giữa sư phụ và đệ tử.

Nhờ vào đó mà có được biết bao nhiêu cơ hội để tích lũy công đức. Không cần đi xa cúng dường. Dù chỉ là cúng dường “một lỗ chân lông” của đạo sư — có nghĩa là cúng dường cho bất cứ một ai có liên quan đến đạo sư — cũng tích lũy được lượng công đức nhiều hơn cả công đức cúng dường vô số Phật Đà. Phẩm cúng không nhất thiết phải là thực phẩm mà cũng có thể là hỗ trợ trung tâm tu thiền, bằng dự án xây dựng hay việc gì khác tương tự. Làm như vậy là hỗ trợ cho đệ tử của trung tâm cũng như những ai đến Trung tâm để học pháp. Việc làm này tự nhiên sẽ thành phẩm cúng dường.

  • Đạo sư là ruộng phước tối thượng giúp ta tích lũy công đức lớn
  • Dù chỉ một ly nước cúng dường đạo sư cũng đủ tạo nên công đức không thể nghĩ bàn
  • Có thể tích lũy công đức nhờ cúng dường “lỗ chân lông” của đạo sư, ví dụ như hỗ trợ Trung tâm Phật pháp

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.1  Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn
2.1.2  Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn nhờ cúng dường đạo sư



#Ngày 13 — Thực hiện ước muốn của đạo sư là nhân thù thắng nhất mang đến quả thành tựu — LAMA ZOPA RINPOCHE

Có được cơ hội phụng sự đạo sư là điều may mắn nhất, vì từ sáng đến tối đều có thể làm theo lời dạy của đạo sư, nhờ đó gặt hái được lượng công đức nhiều không thể tưởng. Làm việc Thầy bảo làm, bất kể là việc gì, dù có chùi cầu, xây nhà, thậm chí kinh doanh mua bán, cũng đều sẽ dễ dàng có được ý nghĩ rằng mình sống là để phụng sự đạo sư.

Nhớ được lợi ích hiển và mật kinh dạy thì làm việc gì cho đạo sư cũng đều tác động tích cực lên tâm mình, không khác gì đọc kinh, ngồi thiền, thậm chí còn cảm thấy rất hứng thú vì thấy rõ kết quả của việc mình làm. Dù khó khăn đến đâu, động cơ hành động luôn dễ dàng thuận với chánh pháp. Còn nếu không đưa pháp tu đạo sư du già ứng vào với việc mình làm thì thay vì phụng sự đạo sư lại hóa thành phụng sự chính mình, động cơ biến thành vị kỷ, thể xác và tinh thần đều kiệt quệ, thấy việc mình làm không có chút ý nghĩa nào cả. Khi ấy sẽ có nguy cơ nổi tâm bất tín, dị giáo, hay nổi những ý nghĩ tiêu cực khác, ném ta vào địa ngục.

Mỗi khi vất vả phụng sự đạo sư, hãy cảm nhận niềm vui lớn. Chúng ta không cần phải lo lắng là mình không đủ thời gian để ngồi thiền, hay lạy Phật, hay tu bất cứ pháp tu sơ khởi nào khác. Muốn gì sẽ được nấy, không gặp trở ngại. Đây là lẽ tự nhiên, thuận theo lý duyên khởi.

  • Mỗi khi phụng sự đạo sư là tích lũy lượng công đức không thể nghĩ bàn
  • Nhớ lợi ích pháp tu này sẽ giúp cho việc phụng sự đạo sư trở nên linh nghiệm và thú vị
  • Mọi ước nguyện của chúng ta đều sẽ được thành sự thật vì đây là kết quả tự nhiên của việc phụng sự đạo sư

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.1 Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn
2.1.3 Đến gần quả giác ngộ bồ đề hơn nhờ phụng sự đạo sư



#Ngày 14 — Làm vui lòng Thầy là làm vui lòng hết thảy chư Phật — LAMA ZOPA RINPOCHE

Có mẹ nào là không mừng vui khi thấy đứa con thương yêu của mình được sự giúp đỡ của người khác, tương tự như vậy, hết thảy chư Phật sẽ đều hoan hỷ khi thấy ta tận tâm phụng sự Đạo sư. Dù không ai giúp mẹ, mẹ vẫn mừng vui khi có ai giúp cho con của mình. Tương tự như vậy, nếu chúng ta thực hiện được việc phụng sự chính yếu, đó là đúng cách nghe theo lời dạy của Thầy, và biết cúng dường vân vân, thì hết thảy chư Phật sẽ đều hoan hỷ sâu xa trước việc chúng ta làm.

Vì sao? Vì đạo sư là hiện thân của hết thảy chư Phật. Để điều phục tâm của chúng sinh, chư Phật hóa hiện sắc tướng tương ứng với nghiệp phước của từng người. Nếu biết đúng cách noi theo bậc thiện tri thức thì dù không thỉnh mời, chư Phật mười phương vẫn sẽ hoan hỉ về trú ở nơi thân của bậc thiện tri thức, tiếp nhận phẩm cúng dường.

Cúng dường đạo sư dù chỉ một tách trà cũng không khác gì thật sự cúng dường khắp mười phương Phật, chỉ là lợi ích lớn hơn rất nhiều. Đức Pabongka Dechen Nyingpo dạy rằng cúng dường chư Phật mười phương ba thời sẽ có được lợi ích của việc cúng dường, nhưng chư Phật có hoan hỉ tiếp nhận hay không hãy còn chưa chắc. Ngược lại, cúng dường đạo sư thì không những có được lợi ích cúng dường mà cúng phẩm cũng được tiếp nhận, nhờ đó việc tích lũy kho bồ phước đức sẽ mau chóng viên thành.

  • Đúng cách nghe theo lời Thầy dạy thì mười phương Phật sẽ vô cùng hoan hỉ
  • Đúng cách nương kính đạo sư thì hết thảy chư Phật sẽ về trú nơi thân của Thầy
  • Cúng dường Đạo sư một tách trà, lợi ích quá hơn cúng dường hết thảy chư Phật

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2 Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.2 Làm cho chư Phật hoan hỉ



#Ngày 15 — Nương kính Đạo sư đúng cách hết lòng thì chinh phục được tất cả giặc thù — LAMA ZOPA RINPOCHE

Mang hết ý nghĩ và hành động về nương kính nơi bậc thiện tri thức cho thật đúng cách, giao phó chính mình cho Thầy quản thúc, thì sẽ không bao giờ bị tà ma ác hữu nhiễu hại. Nhờ tâm mãnh liệt nương kính Thầy mà tịnh được vô số nghiệp chướng, tạo được vô số công đức, nhiều không thể nghĩ bàn. Những loài không phải người, như loài trời hay quỷ thần thường gây chướng ngại cho việc tu, và cả loài người, cũng không thể xâm phạm. Thậm chí cả bốn thành phần đất nước lửa gió cũng không thể gây hại cho ta.

Nói chung, giàu công đức thì giàu quyền năng, dù kẻ khác có rắp tâm gây hại cũng không thể. Người như vậy sẽ đạt được nhiều thành tựu trong pháp hành, sẽ dễ dàng chứng quả. Ngược lại, nếu vì làm ác hay vì ngưng tạo phước mà công đức cạn thì sẽ gặp đủ mọi vấn đề trên đời, loài người và loài không phải người sẽ dễ dàng gây hại.

Ma có hai loại, nội ma và ngoại ma. Nội ma là nghiệp và phiền não. Ngoại ma là các loại chúng sinh có khả năng làm phiền não tăng, ví dụ các loài thiên, long, hay các loại quỷ thần. Cũng có thể là loài người, là “ác hữu.” Hành trì pháp nương kính bậc thiện tri thức cho đúng cách thì sẽ không bao giờ bị ác hữu tác hại, là vì chúng ta chỉ nương kính bậc thiện tri thức chứ không nương kính ác tri thức. Vì lý do đó, cho dù là ác hữu cũng không có khả năng xui khiến chúng ta sa vào tà đạo.

  • Nương kính bậc thiện tri thức bằng ý nghĩ và hành động cho thật đúng cách thì sẽ được chở che, thoát mọi tổn hại
  • Nhiều công đức thì nhiều quyền năng, không ai có thể gây hại
  • Nương kính đạo sư đúng cách thì không nghiệp, phiền não, hay tà ma, ác hữu nào có thể gây hại

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.3 Không bị tà ma ác hữu tác hại



#Ngày 16 — Nương kính Thầy cho đúng cách thì không bao giờ lạc tà đạo — LAMA ZOPA RINPOCHE

Hiểu được điều gì cần tu, điều gì cần bỏ thì sẽ dứt được ác hạnh. Hoặc là noi theo gương của đạo sư, hoặc tự mình hành trì pháp tu đúng cách nương kính Thầy, tất cả mọi nhiễm tâm ác nghiệp tự nhiên sẽ dứt. Nương kính đạo sư là giao phó chính mình cho bậc thiện tri thức quản thúc thay vì để cho phiền não quản thúc.

Nhờ đạo sư, đệ tử sẽ tự nhiên trở thành người tu chân chính, mọi bận tâm cho sự an vui, thoải mái, thực phẩm, y phục, danh tiếng đều bỏ lại phía sau. Bận tâm thế tục buông bỏ rồi thì đệ tử sẽ không sinh phiền não, không gieo ác nghiệp. Nếu sư phụ nghiêm chỉnh tu đức chứ không mải mê lo ăn ngủ hưởng lạc, thì sẽ cố gắng ngày đêm không lãng phí thời gian, thức khuya để tu đức. Đệ tử của bậc Thầy như vậy cũng sẽ luôn nỗ lực cố gắng tu đức, không bỏ phí thời gian theo đuổi lạc thú đời này.

Nếu đạo sư có đức hạnh lại là bậc đa văn thông tuệ, rộng rãi tu văn và tư, đệ tử của bậc Thầy như vậy cũng sẽ biết nhiều hiểu rộng về những gì cần tu, cần bỏ. Nếu sư phụ nghiêm tu giới hạnh, tránh phạm lỗi bằng cách giữ ba cửa thân khẩu ý, đệ tử của bậc Thầy như vậy cũng sẽ tự nhiên thận trọng với giới hạnh của chính mình. Đệ tử tốt sẽ tự nhiên giống sư phụ, dù lỗi cỏn con cũng bỏ hết không làm. Cứ thế mà phiền não và ác nghiệp tự nhiên sẽ dứt.

  • Theo đạo sư cho thật đúng cách thì nhiễm tâm ác nghiệp sẽ tự ngừng
  • Sư phụ tu tâm, tránh mọi bận tâm thế tục thì đệ tử cũng sẽ làm theo như Thầy
  • Đệ tử tốt thì tự nhiên sẽ giống Thầy, việc ác dù cỏn con cũng từ bỏ

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.4 Mọi phiền não ác nghiệp tự dứt



#Ngày 17 — Cách khéo nhất để tu Lamrim và đạt mọi chứng quả là chứng được pháp nương kính đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

Nương theo bậc thiện tri thức cho thật đúng cách thì dù không thiền quán gì nhiều, thành tựu vẫn sẽ đến một cách rất tự nhiên, không cần cố gắng. Cách để chứng quả nhanh nhất là thực hiện điều khiến bậc thiện tri thức vui lòng nhất, đó làm theo lời dạy của Thầy.

Chúng ta thường thắc mắc “muốn giác ngộ cho nhanh thì phải làm sao?” hay là “phải làm sao tâm mới phát triển nhanh trên đường tu giác ngộ?” nhưng chúng ta lại không để ý đến đề mục này trong Lam-rim, mặc dù câu trả lời nằm ở đây. Thường thì chúng ta không trả lời bằng điều cơ bản như vậy mà nghĩ rằng cần phải nhập thất nhiều hơn, hay cần phải tu thêm một pháp tu nào khác. Chúng ta không biết, hay đã quên mất, rằng chư hành giả trong các thời quá khứ và hiện tại đã và đang phải nhờ vào pháp Nương kính đạo sư này mới có thể mau chóng đạt giác ngộ. Chúng ta thì cho rằng phải có pháp tu nào khác giúp chúng ta đắt quả nhanh chóng, nhưng thật ra không phải là như vậy.

Một người dù có ngu si đến đâu, nhưng nếu có được cái tâm nương kính Thầy vững chắc bất hoại, thì vẫn là có được điều quan trọng nhất trong đời. Tuy nói thế có vẻ hơi kỳ lạ, rằng chứng quả được hay không là tùy vào tâm nương kính đạo sư hơn là việc hiểu pháp. Thấy có vẻ vô lý. Nhưng điều này chúng ta có thể hiểu được qua kinh nghiệm bản thân. Để cho dòng suối gia trì của đạo sư cạn kiệt trong tâm thì tâm sẽ khô cằn như đá, pháp tu không chạm được vào tim, không tác động được lên tâm của chính mình. Còn những lúc có được chút lòng nương kính đạo sư, cảm nhận được sâu xa tấm lòng từ hòa của Thầy thì tu thử pháp nào cũng đều thấy hiệu nghiệm, đầy năng lực.

  • Theo Thầy cho thật đúng cách thì chứng ngộ sẽ đến một cách tự nhiên
  • Nương kính đạo sư là chìa khóa phát huy tâm trên đường tu giác ngộ
  • Có thể tự mình chứng kiến tâm nương kính Thầy sẽ khiến pháp tu trở nên hiệu nghiệm đầy năng lực như thế nào

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.5 Mọi chứng đạo và chứng địa đều tăng



#Ngày 18 — Nhiều người tu đắc quả nhờ tận tụy với đạo sư hơn là nhờ tọa thiền — LAMA ZOPA RINPOCHE

Bậc đại đạo sư dòng Kadampa tên Geshe Chayulwa là bậc hành giả vô song, và cũng là đệ tử biết nương kính đúng cách nơi bậc thiện tri thức, biết noi gương Thầy mình. Nếu đang tu pháp cúng mạn đà la để tạo công đức mà sư phụ gọi, vừa nghe được giọng nói của sư phụ là Ngài lập tức ngừng tu để chạy đến bên Thầy. Nếu đang viết gì đó, ví dụ như đang viết chữ N, mà nghe tiếng Thầy gọi, Ngài sẽ không viết nốt mà lập tức chạy ngay vào thất để hầu Thầy. Tâm nương kính đạo sư của Ngài thật sự vượt ngoài sức tưởng tượng.

Geshe Chayulwa quét dọn phòng Thầy mình mỗi ngày, gom rác vào hạ y, tiếng Tạng gọi là shemthab, rồi một tay ôm y, đi xuống cầu thang vất rác. Một hôm như thường lệ Ngài gom rác vào y và đi xuống cầu thang, bước đến bậc thứ ba thì tâm đột nhiên đắc quả, nhập tư lương đạo, và trong ba mức tiểu, trung, và đại của tư lương đạo thì Ngài nhập vào tư lương đại đạo. Liền ngay lúc ấy tâm được tịnh sạch nên đột nhiên thấy được vô số hóa thân của Phật đà.

Chúng ta cứ tưởng rằng muốn đắc quả thì chỉ có một cách duy nhất là phải tọa thiền với đôi mắt nhắm, nhưng thật ra không phải vậy. Trong luận giải siêu việt của mình, đức Pabongka Rinpoche có trích dẫn nhiều câu chuyện về lòng tận tụy với đạo sư, đúng cách nương kính bậc thiện tri thức, cho chúng ta thấy biết bao nhiêu trường hợp đắc quả được là nhờ hết lòng phụng sự đạo sư hơn là ngồi trên tọa cụ tu thiền.

  • Geshe Chayulwa là bậc hành giả vô song biết theo Thầy một cách toàn hảo
  • Ngài đắc tư lương đại đạo khi đang ôm rác của Thầy xuống cầu thang
  • Thật quá sai lầm khi nghĩ rằng muốn đắc quả thì chỉ có một cách duy nhất là phải tọa thiền

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
Câu chuyện của Geshe Chayulwa



#Ngày 19 — Nương kính bậc thiện tri thức cho đúng cách thì mọi đời kiếp về sau sẽ không bao giờ thiếu vắng thiện tri thức — LAMA ZOPA RINPOCHE

Ở những đời kiếp về sau, có thể là chúng ta sẽ thấy pháp nương kính đạo sư rất dễ tu: dễ gặp đạo sư, dễ thành tựu tâm kính Thầy, cũng có thể là rất khó tu, khó gặp chân sư, gặp rồi lại phạm nhiều lầm lỗi. Đời sau tu pháp này được bao nhiêu thuận duyên là tùy đời này mình tu được bao nhiêu. Và đời này tu được bao nhiêu là tùy vào đời trước, đều tùy vào nghiệp cũ của mình.

Ví dụ ở thành phố Dharamsala xứ Ấn có đức Đalai Lama cùng nhiều bậc chân sư khác đang cư trú và hoằng pháp, nhưng không phải ai cũng đến nghe pháp. Dù ở ngay bên cạnh bậc chân sư, thậm chí cùng chung một thành phố, nhiều người vẫn không từng đến nghe Pháp. Đức Đalai Lama, một vị Phật tại thế, ở ngay trước mặt, nhưng vì một lý do nào đó họ không nhìn ra. Hoặc là vì không quan tâm, hoặc là vì hoàn cảnh không cho phép nên không thể đến nghe pháp.

Có biết bao nhiêu người dù là một vị đạo sư đủ khả năng hướng dẫn cách tạo nhân vui cho đời sau cũng tìm không thấy, nói gì đến quả đại giác ngộ. Chúng ta phải biết là mình may mắn đến mức nào, phải hiểu cơ hội này quý giá ra sao, bằng không sẽ thấy quá bình thường, như ăn sáng ăn trưa mỗi ngày. Dù chỉ đủ duyên thấy được bậc chân sư đức hạnh như thế cũng đã như chuyện trong mơ, huống gì được nghe giảng trọn vẹn chánh pháp. Phải biết mừng vui trước duyên may của mình, và đã gặp đại duyên như vậy thì phải biết liên tục tu tập, càng nhiều càng tốt.

  • Pháp nương kính đạo sư đời sau tu được bao nhiêu đều tùy đời này khéo tận tụy được bao phần
  • Ví dụ ở Dharamsala xứ Ấn cũng có rất nhiều người không từng đến nghe pháp
  • Chúng ta phải biết mừng vui trước sự may mắn của mình, và phải biết cách tận dụng duyên may quý hiếm này

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.6 Mọi đời kiếp về sau sẽ không bao giờ thiếu vắng bậc thiện tri thức



#Ngày 20 — Nhớ nghĩ đến bậc thiện tri thức là lập tức được hộ trì thoát cảnh đọa sinh ác đạo — LAMA ZOPA RINPOCHE

Nương kính đúng cách nơi Thầy thì mọi nghiệp nặng đọa sinh ác đạo như năm nghiệp vô gián, đều có thể tịnh sạch trong thời gian ngắn nhất — có khi chỉ cần một sát na. Lẽ ra phải đọa sinh ác đạo, chịu khổ đau cùng cực trong khoảng thời gian dài không tưởng, vậy mà chỉ cần trải qua chút cảnh tật bệnh, đói kém, hay sống cảnh khó khăn nào khác trong đời này là đủ để tịnh nghiệp. Có khi nghiệp dữ cạn sạch nhờ một cơn ác mộng, hay nhờ Thầy đánh mắng, như trong trường hợp của đức Milarepa.

Bất kể trong đời này và mọi đời kiếp quá khứ đã tạo bao nghiệp dữ, đúng cách nương Thầy là đáp án. Nếu hỏi phương pháp sám hối nào hiệu nghiệm nhất, câu trả lời cũng lại là đúng cách nương kính đạo sư. Vì sao, vì trong số tất cả mọi ruộng phước thù thắng thì bậc thiện tri thức vẫn luôn là ruộng phước thù thắng nhất.

Pháp đạo sư du già mà tu được hoàn hảo thì thứ nghiệp dữ lẽ ra phải đọa địa ngục chịu khổ lớn nhiều đại kiếp thì chỉ cần một cơn nhức đầu, đau răng, hay chút vấn đề cỏn con trong đời này là tịnh được hết. Phải thấy rằng phụng sự đạo sư mà gặp càng nhiều khó khăn thì càng tịnh được nhiều nghiệp, tích lũy được nhiều công đức. Nói cách khác, cần nhớ nghĩ đến lợi ích của pháp tu này để thấy rằng mọi khó khăn gặp phải trong lúc phụng sự đạo sư thật ra là điều tốt, và cần thiết cho mình.

  • Tu Nương Kính Đạo Sư giúp tịnh thứ ác nghiệp nặng nhất trong thời gian ngắn nhất
  • Đúng cách nương kính Thầy là phương pháp sám hối hiệu quả nhất
  • Phụng sự đạo sư mà gặp càng nhiều khó khăn thì càng tịnh được nhiều nghiệp

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính đạo sư thì được lợi ích gì
2.7 Sẽ không rơi ác đạo



# Ngày 21 — May mắn bậc nhất là người có được tâm nương kính Thầy bất hoại: mọi thành tựu đều sẽ đến với người ấy — LAMA ZOPA RINPOCHE

Nhờ làm theo lời dạy của đạo sư và phụng sự đạo sư mà mọi mong cầu hạnh phúc nhất thời và cứu cánh đều sẽ được mau chóng toàn thành. Nương kính đúng cách nơi Thầy thì trồng được gốc rễ của mọi an vui hạnh phúc về sau, mọi việc tự lợi và lợi tha đều sẽ viên thành, quả giác ngộ bồ đề sẽ mau chóng thành tựu. Nói cho ngắn gọn, hết thảy mọi điều lành có thể nếm trải được trong đời này và mọi đời kiếp về sau đều có được là nhờ đúng cách nương kính đạo sư.

Nếu nhập thất thì sẽ hoàn tất mỹ mãn. Nếu học pháp thì sẽ thuận tiện học tiếp không gặp chướng ngại, và học rất tốt. Học pháp hiểu được bao phần, có được bao nhiêu cơ hội để tu được và tu xong đều là nhờ công phu nương kính đạo sư. Cả việc xuất gia cũng vậy.

Đời này kiếp sau có làm được gì cho chúng sinh và cho chánh pháp hay không đều tùy ở tâm nương kính Thầy. Nhiều bậc hiền thánh và đại hành giả trong quá khứ như đức Atisha, Dromtönpa, Milarepa, Tổ Tsongkhapa đều có khả năng mang lợi ích không thể nghĩ bàn đến cho chúng sinh và cho chánh pháp, vì chư vị đã tu pháp nương kính đạo sư đến mức toàn hảo. Chính đức Atisha cũng đã từng nói, “tôi có rất nhiều đạo sư, nhưng chưa từng làm điều gì khiến chư vị phật ý.” Nhờ vậy đức Atisha có được khả năng mang lợi ích lớn như trời rộng đến cho chánh pháp và cho chúng sinh của cả xứ Ấn lẫn xứ Tây tạng. Đến mãi tận đời nay, công hạnh của đức Atisa vẫn hãy còn tiếp tục mang lợi ích đến cho chúng ta.

  • Nương kính đúng cách nơi đấng đạo sư thì trồng được gốc rễ hạnh phúc cho tương lai
  • Mọi thành công trong việc tu nhập thất, tu học, hay xuất gia, đều tùy thuộc vào pháp nương kính đạo sư
  • Những bậc đại đạo sư như đức Atisa nhờ nương kính đạo sư đúng cách nên có được khả năng làm lợi ích cho chúng sinh

NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
2. Đúng cách nương kính thầy thì được lợi ích gì
2.8 Sẽ thành tựu mọi ước nguyện trước mắt và ước nguyện cứu cánh mà không cần phải dụng công



# Ngày 22 — Bậc đạo sư cũng như nguồn điện, nếu không thận trọng có thể gặp nguy hiểm  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Gặp được bậc thiện tri thức, được chỉ cho đường tu không mê lầm rồi sau đó biết nương kính Thầy cho đúng cách thì sẽ đạt được tám sự lợi ích như đã nói trên. Nói vậy đủ biết không nương kính Thầy thì sẽ không có được tám lợi ích ấy, và việc này tự nó đã là một tai hại rất lớn. Nếu đã kết nối với bậc thiện tri thức nhưng nương kính Thầy không đúng cách, cũng không hối lỗi, không thay đổi cách suy nghĩ và hành động tiêu cực của mình, thì sẽ phải lãnh chịu tám sự tai hại.

§ Không hiểu được tám sự tai hại của việc nương kính Thầy không đúng cách thì sẽ không thể nào tu, không thể trực diện đối đầu và chận đứng được cái thấy sai lầm của mình. Càng thấy tám sự tai hại này là vấn đề nghiêm trọng thì sẽ càng nỗ lực để tránh. Tu tập hành trì là bổn phận của mình đối với chính mình. Nếu bỏ nhiều công sức để hành trì chánh pháp như là nghe giảng, tu pháp sơ khởi hay tu nhập thất, tụng nhiều loại chú, nhưng lại cứ liên tục phạm lỗi trong việc nương kính Thầy, khiến Thầy buồn lòng, thì sẽ tự tạo cho mình vô số chướng ngại. Không có chướng ngại nào trầm trọng lớn hơn chướng ngại này.

§ Nguồn điện mặc dù có vẻ rất bình thường, nhưng nếu không cẩn thận vẫn có thể làm chết người. Tương tự như vậy, kết nối với đạo sư có thể mang đến lợi ích lớn nhất, cũng có thể tạo khổ đau lớn nhất. Với Thầy dù chỉ phạm một lỗi nhỏ cũng có thể tạo chướng ngại lớn trên đường tu giác ngộ, làm cản trở bước đường tìm an vui hạnh phúc của chúng ta trong đời này, kiếp sau, cho đến tận quả giác ngộ.

  • # Nương kính Thầy không đúng cách thì sẽ phải chịu tám sự tai hại
  • # Cần hiểu rõ tám sự tai hại này là gì để chận đứng cái thấy sai lầm của mình
  • # Với Thầy phạm lỗi nhỏ cũng thành chướng ngại lớn trên bước đường tìm an vui hạnh phúc

 NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào



Ngày 23 — Bất kính với đạo sư là bất kính với mười phương Phật — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đã tạo duyên sư đồ, chấp nhận một người làm đạo sư của mình rồi, sau đó lại chê bai phỉ báng hay từ bỏ đạo sư ấy, thì gieo nghiệp nặng không khác gì nghiệp chê bai phỉ báng hay từ bỏ hết thảy Phật đà. Tiếng Tạng gọi là nyä mö, bao gồm hai mặt: một là nghiệp từ bỏ đạo sư, không chấp nhận đây là nơi đáng cho mình tôn kính bằng trọn thân khẩu và ý; hai là đối với đạo sư mà chê bai phỉ báng, nổi giận, sinh dị tâm hay những loại tâm tiêu cực khác.

§ Đó là vì chánh pháp dạy rằng bậc thiện tri thức là tinh túy, hiện thân của mười phương Phật đà. Phụng sự và cúng dường bậc thiện tri thức là phụng sự cúng dường khắp mười phương Phật. Còn phỉ báng từ bỏ bậc thiện tri thức thì đó chính là phỉ báng từ bỏ mười phương Phật. Khoan nói đến bậc đạo sư ngồi pháp tòa sư tử dạy cho chánh pháp, ngay như đối với Thầy giáo trong đời sống thế tục, ở cạnh bên dạy cho ta biết đọc, biết viết, mà sinh tâm chê bai, bất kính, thì cũng đã là chê bai bất kính Phật đà ở khắp mười phương.

§ Chúng ta phần lớn đều đã quá quen thuộc với tham, sân và các loại phiền não khác, quen từ những đời kiếp không có điểm khởi đầu. Vì vậy muốn đừng nghĩ xấu về Thầy thật sự là điều rất khó. Đã vậy còn không tu pháp nương kính đạo sư thì sẽ mãi luôn nghĩ xấu về Thầy, nhất là sẽ nổi giận, sinh dị tâm, đều là những cái tâm cực kỳ tai hại.

  • # Phỉ báng từ bỏ đạo sư tai hại như phỉ báng từ bỏ khắp mười phương Phật
  • # Đó là vì đạo sư, ngay như những vị Thầy trong đời sống thế tục hàng ngày, đều là tinh túy của mười phương Phật
  • # Tu pháp nương kính đạo sư để thôi không nghĩ xấu về Thầy

 NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
3. nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
3.1 Phỉ báng thầy là phỉ báng hết thảy Phật đà



#Ngày 24 — Nổi sân và sinh dị tâm với đạo sư thì tạo chướng ngại lớn nhất trong tất cả mọi chướng ngại, dẫn đến quả khổ đau dữ dội nhất trong tất cả mọi khổ đau — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nổi nóng với đạo sư bao nhiêu sát na là tiêu tan bấy nhiêu đại kiếp công đức, khiến đọa địa ngục chịu khổ muôn trùng trong thời gian dài bấy nhiêu đại kiếp. Nguy hiểm nhất là nổi sân hay sinh dị tâm với đạo sư. Đọa địa ngục càng lâu thì càng lìa xa niềm an vui nhất thời trước mắt, lại càng lìa xa hơn nữa niềm an vui vĩnh viễn của quả giải thoát, giác ngộ.

§ Chứng ngộ trên đường tu cũng sẽ bị đình trệ. Sắp sửa chứng tâm buông xả, tâm bồ đề, tri kiến tánh không, hay chứng đắc gì khác, mà nổi sân với đạo sư thì nổi giận bao nhiêu sát na là bấy nhiêu đại kiếp chứng ngộ bị đình trệ. Dù công đức có được bảo vệ nhờ hồi hướng vẫn sẽ bị trì hoãn hết bấy nhiêu đại kiếp, không thể trổ quả lành.

§ Trong thời gian bấy nhiêu đại kiếp đọa địa ngục ấy, cho dù cả tam thiên đại thiên thế giới có biến hóa theo nhiều chu kỳ thành, trú, hoại, không, cho dù cả vũ trụ có tan biến hết, nghiệp đọa địa ngục của ta cũng vẫn còn, vẫn lại đọa vào cảnh địa ngục ở một trong vô số những thế giới hệ khác, tiếp tục chịu khổ đau. Đây là điều ta cần ghi nhớ. Đơn giản thiền quán về điểm này sẽ mang đến nhiều hiệu quả, nhờ đó có thể dễ dàng kiểm soát tâm lý loạn động của mình, tránh được loại ác nghiệp nặng nhất, thứ ác nghiệp làm tiêu tan quả giải thoát, giác ngộ, cướp đi mọi niềm an vui, dù chỉ là thứ an vui hạnh phúc nhất thời.

  • # Mỗi sát na nổi sân với đạo sư đều khiến tiêu tan công đức và gieo nhân đọa địa ngục
  • # Nổi sân với đạo sư bao nhiêu sát na thì bấy nhiêu đại kiếp chứng ngộ bị đình trệ
  • # Thiền quán về điểm này sẽ giúp chúng ta tránh loại ác nghiệp nặng nề bậc nhất này

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. nương kính Thầy không đúng cách tai hại ra sao
!3.1 Nổi sân với Thầy là hủy sạch công đức và tạo nhân đọa địa ngục



#Ngày 25 — Ác nghiệp đã từng gieo trong quá khứ cho dù có trầm trọng đến đâu cũng đều có thể thanh tịnh được — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Dù có nổi giận với bậc thiện tri thức, phỉ báng, từ bỏ, gây thương tích, trái lời, trái ý, làm phiền lòng đạo sư, những nghiệp nặng khiến đọa địa ngục này đều có thể thanh tịnh được. Không có ác nghiệp nào nặng đến nỗi không thể sám hối thanh tịnh. Không phải như Thiên chúa giáo, vào địa ngục rồi là kẹt luôn ở đó, không có cơ hội thay đổi. Nghiệp tùy thuộc nhân duyên nên cái tâm tạo cảnh địa ngục cũng vậy. Chính vì nghiệp tùy thuộc nhân duyên cho nên chỉ cần thay đổi nhân duyên là thay đổi được nghiệp.

§ Có rất nhiều cách để sám hối thanh tịnh ác nghiệp đã phạm đối với đạo sư. Giáo pháp Lam-rim dạy rằng nếu đạo sư còn tại thế thì phải lập tức đến bên Thầy để trình lỗi với cái tâm hối cải sâu xa. Cách tốt nhất để tịnh nghiệp là hối lỗi với Thầy rồi sau đó làm những việc khiến Thầy vui, như là làm theo lời khuyên của Thầy, phụng sự Thầy hay những việc đại loại. Nhờ biết hối lỗi mà có được khả năng thay đổi thái độ và hành động của mình.

§ Nếu đời này không lo sám hối thanh tịnh lỗi lầm với bậc thiện trí thức thì những đời kiếp về sau cho dù có gặp được bậc thiện tri thức vẫn tái phạm cùng một lỗi, là vì nghiệp tạo quả tương đồng với nhân nên chúng ta sẽ cứ mãi tái phạm lỗi lầm hết lần này đến lần khác, đời đời kiếp kiếp không phát triển được tâm.

  • # Vì ác nghiệp tùy duyên mà có nên nghiệp nhất định là có thể sám hối thanh tịnh được
  • # Cách sám hối tốt nhất là hối lỗi với Thầy rồi làm theo lời Thầy dạy
  • # Phạm lỗi với đạo sư mà không sám hối thanh tịnh thì đời này kiếp sau cứ sẽ tái phạm mãi

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.1 Nổi sân với Thầy là hủy sạch công đức và tạo nhân đọa địa ngục
Sám hối lỗi lầm



#Ngày 26 — Dù tu mật pháp miên mật đến đâu, nếu thật sự sinh tâm phỉ báng Thầy thì đời này chứng ngộ nào cũng không thể đạt — LAMA ZOPA RINPOCHE

§Tu pháp nương kính đạo sư mà vướng lỗi thì dù tu mật pháp cũng không bao giờ đạt được quả giác ngộ. Đường tu mật pháp dù hiểu bao nhiêu, hiểu rồi dù bỏ ra bao nhiêu đại kiếp để hành trì, cũng vẫn không bao giờ có thể tu thành chánh quả, trừ phi là tịnh đi ác nghiệp đã phạm đối với đạo sư.

§ Thật sự sinh tâm phỉ báng sư phụ của mình thì dù có tu mật pháp cũng không được thành tựu gì. Thỉnh thoảng dấy lên một vài ý nghĩ bực bội nhất thời là chuyện khác. Ở đây nói “thật sự sinh tâm phỉ báng” nghĩa là nói đến việc nghiêm trọng. Lạy Phật mấy trăm ngàn lần, tu bao nhiêu pháp tu khác, nhưng nếu cẩu thả trong mối quan hệ giữa mình với sư phụ thì tâm sẽ không chuyển, chứng ngộ sẽ không đến. Dù có nhiều năm nhập thất, ở nơi hoang vắng tu pháp thâm sâu kín mật, vẫn sẽ không được chút kinh nghiệm tâm linh nào, tâm sẽ vẫn trơ trơ như cũ. Đến cả trong mơ cũng không thấy được điềm lành.

§ Nếu trình lỗi với Thầy rồi tu sám hối tịnh nghiệp thì mọi sự sẽ khác. Điều quan trọng nói ở đây đó là nếu thay đổi thái độ, sám hối lầm lỗi với Thầy, cố gắng không tái phạm, thì cảnh sẽ chuyển. Còn nếu không đổi thái độ cũng không cố gắng ngưng phạm lỗi thì dù có tu mật pháp bao lâu cũng không thành chánh quả. Điểm này rất quan trọng cần phải nhớ, nhất là nếu thấy mình có vướng phải lỗi lầm này.

  • Để cho pháp nương kính đạo sư của mình bị vướng lỗi thì dù tu mật pháp cũng không thể giác ngộ
  • Cẩu thả trong mối quan hệ giữa mình và thiện tri thức thì sẽ không chuyển được tâm
  • Phải thay đổi thái độ, trình lỗi với Thầy, cố gắng không tái phạm

!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.1 Nổi sân với Thầy là hủy sạch công đức và tạo nhân đọa địa ngục
!3.3 Dù có tu mật pháp cũng không thành chánh quả



#Ngày 27 — Nếu cố tình hành hung hay khinh thường đạo sư của mình thì chẳng khác gì là đang ra sức để rơi vào địa ngục — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Phỉ báng, giận hay phạm những lỗi lầm khác đối với đạo sư, hễ còn chưa hối lỗi với Thầy hay là chưa vãn hồi mật thệ kết nối sư đồ [samaya] thì dù nhiều năm nỗ lực không ăn không ngủ để tu mật pháp, kết quả vẫn giống như là tu để đi vào địa ngục hay những nơi tương tự. Nổi giận nói ở đây không phải chỉ là nổi giận suông mà là từ bỏ không còn xem Thầy là nơi đáng cho mình tôn kính bằng trọn ba cửa thân khẩu và ý.

§Nói như vậy không phải là nói tất cả những pháp hành nghiêm mật này đều trở thành nhân đọa ác đạo, hay không tích lũy được công đức. Dù ý nghĩ tiêu cực nặng nề có phát sinh, chúng ta vẫn có thể tích lũy được công đức nhờ tu nhiều pháp khác nhau như là lễ lạy Phật, cúng dường Phật. Đương nhiên rồi, những việc làm này dù chỉ là dựa vào năng lực của đối tượng thôi cũng đủ để tạo công đức. Tuy vậy, khởi ý nghĩa tiêu cực đối với sư phụ là gieo cả một ngọn núi ác nghiệp, nặng nề đến nỗi thiện nghiệp tích lũy biến thành nhỏ nhoi không đáng kể.

§Không thay đổi ý nghĩ và hành động của mình thì dù có tu miên mật đến đâu, dù tu mật pháp hay tu pháp mật tông tối thượng du già là đường tu chóng vánh nhất, thì cũng vì phạm lỗi với bậc thiện tri thức mà trở thành giống như là tu để vào địa ngục thay vì để giác ngộ. Ăn nhầm thuốc độc chết người nhưng không chịu ngưng mà cứ tiếp tục ăn vào mãi, thuốc độc trong người sẽ có lúc mạnh đến nỗi dù thuốc giải độc cũng không thể cứu, chỉ có thể cứ thế mà bệnh rồi chết. Vướng lỗi khi nương kính đạo sư cũng dẫn đến kết quả tương tự.

  • Mất tâm tôn kính đạo sư thì dù ráng mật pháp cũng chỉ giống như là ráng để vào địa ngục
  • Ác nghiệp tạo ra nặng nề đến nỗi thiện nghiệp có được đều trở thành không đáng kể
  • Giống như ăn nhằm thuốc độc chết người, dữ dội đến mức cả thuốc giải cũng không thể cứu

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.4 Dù khổ công tu mật pháp thì cũng chỉ như để đạt cảnh địa ngục và đại loại



#Ngày 28 — Thoái tâm nương kính đạo sư thì mọi sự sẽ đều suy thoái, kể cả pháp tu chân chính — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nương kính không đúng cách nơi Thầy còn một điểm tai hại khác nữa, đó là đối với giáo pháp, sự hiểu và sự chứng nào chưa có thì sẽ không thể có, đã có rồi thì sẽ bị thoái chuyển. Thế thì nương kính Thầy không đúng cách là điều tai hại nhất có thể xảy ra cho người muốn tu tâm. Bao nhiêu chứng đắc tâm từ bi, trí tuệ tánh không, tâm buông sinh tử, trí chứng vô thường, vân vân, đều sẽ mất cả. Tín tâm cũng suy thoái. Chúng ta sẽ quên hết, đến cả chánh pháp cũng chẳng còn nhớ được gì.

§ Tâm không nương kính Thầy thì trí rỗng khô như sa mạc, không gì có thể nảy mầm. Niềm hân hoan phong phú khi tâm còn nương kính Thầy nay đã biến mất. Khi tâm nương kính Thầy biến mất, hay vẫn còn nhưng mờ nhạt như mây tan nền trời thì đường tu còn lại sẽ không còn cảm nhận được gì. Tụng niệm bao nhiêu lần, đọc bao nhiêu bài giảng về Lamrim, thiền bao nhiêu thứ, trái tim vẫn sẽ trơ trơ không có được chút cảm nhận nào. Tất cả đều chỉ còn là ngôn từ chữ nghĩa.

§Nương kính bậc thiện tri thức không đúng cách thì đời sống trở nên hỗn độn. Tu pháp gì cũng không tiến bộ. Sẽ liên tục phạm lầm lỗi, sẽ thấy khó làm theo lời Thầy dạy, việc luyện tâm trở thành vô cùng khó khăn. Tâm sẽ tự tạo ra đủ loại chướng ngại khiến bản thân không thể làm theo lời Thầy dạy, và như thế đồng nghĩa với việc gặp đủ thứ chướng ngại trên đường tu giác ngộ.

  • Nương kính Thầy không đúng cách chứng ngộ nào chưa có sẽ bị chận đứng, chứng ngộ đã có sẽ bị hủy hoại
  • Tâm không nương kính Thầy, hay có mà mờ nhạt, thì trọn đường tu còn lại sẽ không còn cảm nhận được gì
  • Tâm không nương kính Thầy đúng cách thì tu pháp gì cũng không thể tiến bộ

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.5 Quả nào chưa chứng sẽ không thể chứng, quả nào đã chứng sẽ bị suy thoái



#Ngày 29 — Nương kính Thầy không đúng cách thì đến cả đời này cũng sẽ gặp cảnh tật bệnh cùng nhiều nghịch cảnh khác — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mật thệ kết nối sư đồ [Samaya] mà gãy vỡ hay suy yếu thì vận hạn dễ dàng tuột dốc. Người như vậy sẽ dễ bị hại vì các thành phần đất nước lửa gió, bị các loài không phải người như là quỷ thần, hay như cả loài người gây hại. Họ cũng có thể mất mạng vì tự sát. Không ai giết, họ cũng tự giết mình. Chết rất thảm.

§ Có câu chuyện kể về ngài Phật Trí như sau: Một hôm trong khi đang thuyết pháp cho đông đảo đệ tử thì sư phụ của ngài là đại hành giả Saukarika chăn heo đi ngang. Tuy đã nhìn thấy sư phụ nhưng ngài vờ như không thấy, vẫn tiếp tục thuyết pháp, đợi thuyết pháp xong rồi mới đến gặp sư phụ. Đang lúc đảnh lễ thì sư phụ hỏi “Tại sao hồi nãy con không đảnh lễ sư phụ?” Ngài đáp, “À, tại con không thấy sư phụ.” Vừa nói xong hai con mắt rớt ngay xuống đất. Đức Saukarika gia trì cho cả hai con mắt nhưng ngài Phật trí chỉ vãn hồi được một con.

§ Làm ngược với tâm đúng cách nương kính Thầy, đây chính là gốc rễ của mọi sự thất bại. Thất bại từ việc mưu cầu hạnh phúc đời này, thất bại suốt cho đến tận việc thành tựu quả giác ngộ cứu cánh. Có thể là phạm lỗi vì không dựa vào pháp nương kính đạo sư Lamrim đã dạy để kiểm soát hành vi của mình, nên làm sai vì không biết đó là sai. Cũng có thể là phạm lỗi chỉ đơn giản vì cẩu thả. Không biết hết về pháp tu nương kính đạo sư thì đời sống biến thành cả một chuỗi tạo tác trọng nghiệp không gián đoạn.

  • Mật thệ kết nối sư đồ [Samaya] mà hư vỡ thì vận hạn sẽ tuột dốc
  • Đôi mắt của ngài Phật Trí rơi xuống đất vì ngài không nói thật với sư phụ
  • Làm ngược với tâm đúng cách nương kính đạo sư là nguồn gốc của mọi sự thất bại

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.6 Đời này phải chịu cảnh tật bệnh, khó khăn



Từng Ngày Sống Tràn Đầy Ý Nghĩa

#Ngày 30 — Không nghiệp nào nặng hơn là nghiệp làm phiền lòng đạo sư hay nghiệp thâm tâm phỉ báng đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

§Sau khi kết mối quan hệ sư đồ với ai — nghĩa là thọ pháp với cái tâm chấp nhận người truyền pháp là sư phụ của mình dù chỉ là thọ truyền khẩu vài âm trong câu chú hay vài ba câu kinh — thì đương nhiên nghiệp nặng nhất có thể phạm chính là từ trong thâm tâm chỉ trích hay từ bỏ đạo sư. Quả báo sẽ nối đuôi nhau không ngớt, kéo dài bất tận, chúng ta sẽ phải chịu khổ ác đạo, trầm luân nơi đó trong khoảng thời gian dài không tưởng, khó lòng thấy được bao giờ chấm dứt khổ đau.

§ Đức Kim Canh Thủ có lần hỏi đức bổn sư Thích ca mâu ni Phật rằng, “Bạch đức Thế Tôn, khinh thường đạo sư thì gặp quả báo gì?” Đức Phật đáp, “Thôi ông đừng hỏi, Kim Cang Thủ. Đừng nên hỏi Như lai nếu nương kính đạo sư mà vướng lỗi thì phải chịu quả báo gì. Việc này Như lai mà nói cho đầy đủ thì hết thảy loài trời cùng các loài chúng sinh khác đều sẽ kinh hãi.” Rồi Phật nói thêm, “Bồ tát có tâm đại bi đối với chúng sanh sẽ bị thổ huyết.” Chư bồ tát thương yêu chúng sanh vô cùng, nếu nghe nói về khổ đau khủng khiếp mà chúng sinh phải gánh chịu trong thời gian dài không tưởng thì bồ tát sẽ giống như mẹ hiền biết con yêu của mình đang bị tra tấn hành hạ, đau lòng đến mức thổ huyết, không thể chịu nổi.

§Nghiệp này nặng đến nỗi nếu chúng ta qua lại vui vẻ với người thâm tâm phỉ báng đạo sư kim cang thì chứng ngộ sẽ mất, kinh nghiệm tu sẽ bị suy thoái, trở thành nhân khiến đọa cảnh khổ ác đạo.

  • Chỉ trích hay từ bỏ đạo sư sẽ khiến ta trôi lăn triền miên trong cảnh khổ ác đạo
  • Đức Phật không muốn giải thích rõ về quả báo khủng khiếp của nghiệp này cho đức Kim Cang Thủ nghe
  • Thậm chí giao tiếp với người phỉ báng đạo sư cũng mang lại kết quả tai hại

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.7 Đời sau sẽ phải trầm luân bất tận trong cõi ác đạo



#Ngày 31 — Bất kính với bậc thiện tri thức thì phải chịu quả báo là mọi đời kiếp về sau không gặp được chân sư, không nghe được chánh pháp — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tai hại sau chót của lỗi nương kính Thầy không đúng cách, đó là mọi đời kiếp về sau sẽ không gặp được bậc Thiện tri thức. Dù ở nơi có hàng ngàn bậc chân sư đầy đủ phẩm hạnh, ví dụ như xứ Ấn hay Tạng, cũng không thể tìm được Thầy. Chúng ta không bao giờ gặp được bậc thiện tri thức, một người có thể dẫn dắt ta đến với quả giải thoát hay quả giác ngộ bồ đề, nên cứ phải trôi lăn triền miên bất tận trong sinh tử luân hồi, chịu đủ loại khổ đau.

§ Nghiệp có chức năng tự bành trướng. Tệ hơn là, nói ví dụ,  gieo một hạt mà hái về hàng triệu hạt. Đời này mà khởi tâm bất kính nặng nề với đạo sư hay với giáo pháp thì sẽ tạo nhân khiến cho nhiều đời về sau cứ gặp mãi cảnh cũ. Lỗi phạm chỉ cần một tích tắc, hậu quả sẽ phải gánh trong một thời gian dài, đời này kiếp sau cứ phải phạm đi phạm lại mãi cùng một lỗi, dù có thọ được giới cũng sẽ lại phá giới, giới hạnh khó lòng giữ được thanh tịnh. Nhớ nghĩ đến tai hại lớn lao lâu dài như vậy thì đời này sẽ biết thận trọng, dốc toàn lực để giữ cho pháp tu được thanh tịnh không vướng lỗi.

§ Những điểm then chốt này cần phải biết để mà hối lỗi, đây là điều tối quan trọng. Phải có được cái tâm hối cải lớn lao trước mọi nghiệp dữ đã gieo vì vướng lỗi trong pháp tu nương kính Thầy, chẳng khác gì uống nhầm thuốc độc. Khởi tâm hối hận mãnh liệt thì tự nhiên sẽ quyết tâm không muốn tái phạm lầm lỗi và sẽ mong muốn được sám hối để tịnh nghiệp.

  • Nương kính Thầy không đúng cách thì đời này kiếp sau sẽ mãi vướng kẹt trong sinh tử luân hồi
  • Vì nghiệp có chức năng bành trướng nên quả báo sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều đời về sau
  • Khởi tâm hối lỗi mãnh liệt thì tự nhiên sẽ không muốn tái phạm lỗi lầm

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào
!3.8 Mọi đời kiếp về sau sẽ không gặp được thiện tri thức



#Ngày 32 — Quyết tâm áp dụng tu pháp nương kính đạo sư bây giờ và về sau là thuốc đối trị giúp không tái phạm lầm lỗi — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tám lợi ích và tám tai hại này chúng ta có thể biết được nhờ nhìn vào kinh nghiệm bản thân. Đây chỉ là biểu hiện của thành công hay thất bại trong đời. Lấy ví dụ ráng tu nhập thất nhưng được một lúc thì gặp đủ loại chướng ngại khiến không thể hoàn tất. Hay là sống đời xuất gia với chí lớn muốn phụng sự chánh pháp và chúng sinh, nhưng thực tế lại không được như thế. Muốn nhưng không làm được vì gặp quá nhiều chướng ngại. Ngay như khi có đầy đủ mọi điều kiện để tu, nhưng chướng ngại nổi lên khiến chúng ta thất bại không vượt qua nổi.

§ Cảnh này là do lỗi lầm đã phạm khi tu pháp nương kính đạo sư trong đời này hay các đời quá khứ. Nhiều kiếp tu về trước đã không đúng cách nên bây giờ và nhiều kiếp về sau phải gánh lấy hậu quả, dù có gặp được chánh pháp. Nhiều đời đã phạm cũng một lỗi nên đời này phải chịu quả báo tương đồng với nhân. Mặc dù cũng có một vài cơ hội hiếm hoi gặp được bậc thiện tri thức và chánh pháp, nhưng chúng ta lại tái phạm cùng một lỗi lầm.

§ Tuy vậy nhưng dù có phạm bao nhiêu lỗi lầm, điểm quan trọng là phải khởi tâm quyết liệt không muốn tái phạm. Hãy vận dụng tất cả mọi phương tiện, nhất là dựa vào lời Phật, dựa vào luận lý chặt chẽ để quán đi quán lại về lợi ích khi nương kính Thầy và tai hại khi không nương kính hay nương kính mà sai cách. Làm đuợc như vậy tự nhiên tâm sẽ khởi ước nguyện muốn về  nương dựa đạo sư, chúng ta sẽ có được niềm vui lớn khi về quy thuận nơi Thầy.

  • Lợi ích và nỗi tai hại này là biểu hiện của thành công và thất bại trong cuộc sống của chúng ta
  • Không khéo nương kính Thầy thì đời đời kiếp kiếp cứ phạm mãi cùng một lỗi
  • Phải vận dụng lời Phật và luận lý để quán đi quán lại về đề mục này

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!3. Nương kính Thầy không đúng cách tai hại như thế nào



#Ngày 33 — Thấy Thầy là Phật là vì lợi ích của chính mình, là để giúp mình luyện tâm — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Luyện tâm bằng pháp nương kính đạo sư có nghĩa là dựa vào kinh Phật và luận lý để chứng minh cho cái tâm không thấy Thầy là Phật của mình thấy được rằng Thầy chính là Phật. Nói như vậy có nghĩa là dùng pháp quán này để luyện tâm. Mục tiêu tối hậu của chúng ta là đưa khắp chúng sinh đến bờ giác ngộ. Để thực hiện điều này, điều trước tiên ta cần làm là chính mình phải đắc đạo. Muốn đắc đạo thì cần phải có lực gia trì của đạo sư. Có được sự gia trì của đạo sư là nhờ tâm nương kính đạo sư của mình, nhờ mình thấy đạo sư là Phật.

§ Không xác định rõ lý do tu pháp nương kính đạo sư này thì tâm kính Thầy của mình sẽ bị ngoại cảnh chi phối, bấp bênh, không vững, không trọn, có thể tan biến bất cứ lúc nào. Khi nhìn thấy lỗi nơi lời nói, ý nghĩ và việc làm của Thầy, nếu tâm nương kính đạo sư của mình không được trụ vững trên nền tảng của luận lý thì sẽ dễ bị khuynh đảo. Ngược lại, xây dựng tâm này bằng trí tuệ thì dù có thấy Thầy phạm lỗi chúng ta cũng vẫn biết cảnh hiện không phải là chân cảnh giới. Tâm nương kính Thầy lành mạnh thì dù cảnh hiện có thế nào, tâm cũng không bị ảnh hưởng. Sẽ không có lỗi lầm nào thấy được nơi Thầy có thể khiến mình đánh mất tâm nương kính đạo sư.

§  Tâm nương kính hay tín tâm là yếu tố cần thiết khi tu Phật pháp nói chung, và đặc biệt phải có nếu muốn đắc pháp nương kính đạo sư. Ngoài việc thấy tất cả chúng sinh là mẹ, thấy Thầy là Phật là một trong những chứng đắc khó đạt nhất. Tuy rất khó nhưng nếu không cố gắng để chứng đắc pháp tu này thì trọn đường tu còn lại sẽ không gì chứng đắc được cả.

  • Cần dựa vào lời Phật và luận lý để luyện tâm nương kính đạo sư
  • Tâm nương kính đạo sư mà không được xây dựng vững chắc trên nền tảng của trí tuệ thì sẽ dễ dàng biến mất
  • Thấy Thầy là Phật tuy rất khó nhưng đây là bước đi không thế thiếu trên đường tu giác ngộ

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư



#Ngày 34 — Muốn được lợi không tổn hại thì phải luyện tâm để thấy Thầy là Phật — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lý do cơ bản sao phải thấy Thầy là Phật có liên quan đến mục tiêu sống của mình: để làm lợi cho chúng sinh. Làm lợi chúng sinh không có nghĩa là làm cho họ được sự an vui trong đời này bằng cách cung cấp tiền bạc, thực phẩm, nhà cửa, thuốc men; mà là đưa họ đến với niềm an vui hạnh phúc của mọi đời kiếp về sau, cho đến tận niềm an lạc của quả giải thoát và giác ngộ.

§ Cách duy nhất để có thể thực hiện được tất cả những điều này là phải chuyển tâm mình trở thành tâm nương kính Thầy, có nghĩa là cái tâm thấy Thầy là Phật. Là đệ tử thì tu pháp nương kính Thầy chính là bổn phận. Hơn nữa, nếu bệnh và được thuốc chữa thì uống hay không uống là tùy nơi mình, chúng ta có quyền tự do chọn lựa. Nói cách khác, pháp tu này chúng ta phải dùng lý trí để chọn lựa có tu hay không tu.

§ Không dồn sức tu pháp nương kính Thầy thì lỡ mất sự chuẩn bị hệ trọng bậc nhất cho mọi đời kiếp về sau của mình. Pháp tu nương kính Thầy là cội nguồn của mọi bước tiến, cũng là gốc rễ của mọi vấn đề, cho mọi kiếp về sau. Tu pháp này thì đời đời kiếp kiếp sẽ được lợi ích, cho đến tận quả vị Phật. Từ pháp tu này mà phải chịu tổn thất lớn nhất hay được lợi ích lớn nhất. Không khéo hiểu điểm này, hoặc không chuyên tu pháp tu này, thì phải chịu tổn hại lớn lao. Mỗi người trong chúng ta đều đã có đáp án làm sao đạt thành tựu trong mọi đời kiếp về sau. Đây Là việc nằm trong lòng bàn tay của mình.

  • Thấy Thầy là Phật sẽ giúp ta có khả năng toàn thành mục tiêu sống của mình đó là làm lợi cho khắp chúng sinh
  • Làm đệ tử thì tu pháp nương kính đạo sư là bổn phận, và cũng là sự chọn lựa của mình
  • Chuyên tâm tu pháp nương kính đạo sư là sự chuẩn bị quan trọng nhất dành cho mọi đời kiếp về sau của mình

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.1 Vì sao phải thấy Thầy là Phật



# Ngày 35 — Tướng hiện thanh tịnh không đến từ đối cảnh, chỉ có thể đến từ phía mình, từ nơi tâm của chính mình — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm nương kính đạo sư là nền, từ đó khởi sinh mọi thành tựu. Pabongka Rinpoche nói rằng dù lời dạy có sai, nếu có được lòng tin thì vẫn có thể đạt được một vài thành tựu phổ thông nho nhỏ.

§ Câu chuyện cụ bà với chiếc răng chó là ví dụ điển hình. Ở xứ Tây Tạng có một cụ bà vì quá sức mong muốn xá lợi Phật nên nhờ con trai từ Ấn độ về mang cho bà một viên. Con trai quên mất, trên đường về thấy có một con chó nằm chết bên đường, bèn lượm một cái răng về đưa cho mẹ, nói rằng đây là xá lợi Phật. Mẹ già tin là thật, chiêm bái cầu nguyện với tâm nương kính tột bực. Nhờ bà cầu nguyện cúng dường mỗi ngày nên lực gia trì của Phật vào trong răng chó, thật sự thành xá lợi của Phật. Răng chó chỉ là duyên, nhân chính của xá lợi là tâm nương kính Phật của bà. Nhờ tâm này bà đạt được điều mình mong muốn.

§ Tương tự như vậy, chúng ta có thể đạt quả giác ngộ bồ đề nhờ tu pháp đạo sư du già. Dù sư phụ không phải là Phật nhưng nếu đệ tử hết lòng thấy sư phụ là Phật thì sẽ từ sư phụ mà nhận được lực gia trì của Phật. Dù bậc thiện tri thức không phải bồ tát mà chỉ là phàm phu, hay cho dù là phàm phu dữ tợn, nóng nảy, thiếu đạo đức, nếu đệ tử vẫn tu pháp nương kính đạo sư bằng cách thấy Thầy là Phật thì sẽ giống như cụ bà với chiếc răng chó, lực gia trì của Phật sẽ vào trong sư phụ, đệ tử vẫn có khả năng phát triển tâm mình. Nhờ làm như vậy mà nhận được lực gia trì để thành tựu quả giác ngộ bồ đề.

  • Tâm nương kính đạo sư dù theo lời dạy sai cũng vẫn đạt được thành tựu nhỏ
  • Nhờ tâm nương kính mà răng chó chết đã thật sự trở thành xá lợi Phật
  • Tương tự như vậy, chúng ta có thể thọ lực gia trì của Phật xuyên qua sư phụ của mình

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! Câu chuyện cụ bà và răng chó



#Ngày 36 — Một khi hiểu rằng thấy Thầy là Phật là việc có thể làm được thì lẽ đương nhiên là mình có thể luyện tâm để làm được việc này — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lý do ta có khả năng thấy Thầy là Phật nằm ở chỗ tâm là thứ có thể tùy ý uốn nắn. Như ngài Tịch Thiên có nói, không có việc gì không thể làm quen. Nói cách khác, tâm tùy nhân duyên sinh ra, giống như đứa trẻ lớn lên ra sao là tùy vào sự dạy dỗ hướng dẫn.

§ Bất kể sư phụ có là Phật hay không, nếu nhìn vào ưu điểm của Thầy sẽ thấy Thầy là Phật, nhìn vào khuyết điểm của Thầy sẽ thấy Thầy là phàm phu, không phải Phật. Nói cách khác, thấy Thầy là Phật là tùy vào cách nhìn của mình.

§ Lượng Tập Luận là bộ luận dạy về luận lý, giải thích khi luyện cơ thể ví dụ như khi nhảy, thì mỗi lần nhảy đều phải dụng lực. Nhưng khi luyện tâm, ví dụ như luyện tâm từ bi, thì càng luyện càng ít phải dụng công, đến một lúc nào đó có thể tự nhiên khởi tâm từ bi mà không cần phải cố gắng. Thấy Thầy là Phật cũng vậy. Mới đầu cần nỗ lực vận dụng lý lẽ và lời kinh để khởi lòng tôn kính, lâu dần tâm sẽ tự nhiên nương kính Thầy, không cần cố gắng. Thấy Thầy là Phật hoàn toàn tùy thuộc vào việc luyện tâm. Hoàn toàn tùy thuộc vào cách chúng ta uốn nắn tâm của chính mình.

  • Chìa khóa của pháp nương kính đạo sư nằm ở chỗ chúng ta có thể rèn nắn tâm mình theo ý muốn
  • Cần phải thấy Thầy là Phật, đừng thấy Thầy là phàm phu
  • Ban đầu cần nỗ lực, dần dần sẽ trở thành tự nhiên không cần dụng công

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.2 Vì sao ta có khả năng thấy Thầy là Phật (1)



#Ngày 37 — Chú tâm mãnh liệt vào thiện đức của đạo sư sẽ tự nhiên khắc chế được tà niệm thấy lỗi nơi Thầy — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có hai phương pháp có thể dùng để khởi tâm thấy Thầy là Phật. Phương pháp thứ nhất là luyện cho tâm tập trung vào thiện đức của đạo sư. Lama Tsongkhapa dạy rằng chúng ta là ví dụ điển hình: đầy khuyết điểm nhưng chỉ biết nhìn vào một vài ưu điểm cỏn con của mình. Chúng ta không thấy mình có khuyết điểm gì, chỉ thấy toàn ưu điểm. Mọi khuyết điểm đều trở nên vô hình.

§ Nhìn vào thiện đức của sư phụ thì nên nhìn từ kinh nghiệm của chính mình về thân khẩu và ý mầu nhiệm của từng vị Thầy của mình, cùng những gì được nghe kể. Nhớ nghĩ đến thiện đức đặc biệt của sư phụ vượt ngoài lãnh vực phàm phu, ví dụ như sự thấu hiểu, lòng từ bi, đức khiêm cung, hay là cách Thầy dẫn dắt chúng sinh.

§ Nhờ nhìn vào thiện đức của Thầy mà luyện được tâm thấy Thầy là Phật. Rồi sẽ có lúc chúng ta không còn tìm ra bất cứ lỗi lầm nhỏ nhoi nào nơi sư phụ, chỉ thấy toàn là thiện đức. Khi ấy sẽ thấy được Thầy chính là Phật. Mỗi khi nghe tên, thấy bóng dáng, hay nhớ nghĩ đến Thầy, chúng ta đều có được ý nghĩ đây chính là Phật, bậc giác ngộ. Bao giờ ý nghĩ này từ tận đáy tim luôn phát khởi một cách tự nhiên không cần phải dựa vào lý lẽ hay lời kinh, đó là lúc tâm nương kính đạo sư đã được chứng đắc. Mọi chứng ngộ khác, từ thân người quý giá cho đến quả giác ngộ bồ đề, sẽ ập xuống như mưa rào.

  • Phương pháp thứ nhất để luyện tâm nương kính Thầy là chú tâm vào thiện đức của Thầy
  • Dùng những gì tự mình trải qua hay được nghe kể để nhớ nghĩ đến thiện đức đặc biệt phi phàm của sư phụ
  • Cứ tập luyện, rồi ý thức biết đạo sư là Phật sẽ tự nhiên phát khởi trong tâm

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.2 Vì sao chúng ta có khả năng thấy Thầy là Phật (2)



#Ngày 38 — Điểm then chốt của pháp tự nương kính Thầy là hiểu được rằng đạo sư thị hiện lầm lỗi, nhưng chân tánh của đạo sư không có lỗi lầm nào cả — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Phương pháp thứ hai giúp chúng ta thấy được Thầy là Phật đó là hễ thấy lỗi nơi Thầy thì dựa vào đó để tăng thêm lòng tôn kính, nhờ vậy mà thành tựu đường tu giác ngộ bồ đề. Thấy Thầy phạm lỗi thì hãy nhớ rằng Phật thị hiện muôn vàn sắc tướng, làm muôn vàn việc làm, tùy đúng theo những gì thích hợp nhất với căn cơ trình độ của từng chúng sinh. Nhớ được điều này thì sẽ thấy rằng, “lỗi này của sư phụ nhất định là có lý do. Có lẽ sư phụ làm vậy là vì lợi ích của tôi hay của ai khác.”

§ Phương pháp này cũng sẽ khiến chúng ta nhớ được tấm lòng từ ái vượt bậc của Thầy mình, vì nếu không nhờ vào sắc tướng phàm phu thì đâu Phật nào dẫn được ta đến với quả giác ngộ. Khi ấy sẽ thấy vô cùng biết ơn trước từng khuyết điểm con người của từng vị Thầy mình. Trong buổi giảng về pháp Cúng Dường Đạo Sư tại Dharamsala năm 1985, Đức Đalai Lama có nói đến điểm quan trọng nhất một cách rõ ràng và hiệu quả, giải thích rằng mấy chữ “thị hiện tướng phàm phu” tự nó có nghĩa là thị hiện lỗi lầm, bằng không đâu có gì để gọi là “tướng phàm phu.”

§ Hiểu được điểm này thì khi thấy lầm lỗi nơi Thầy, lòng tôn kính chỉ tăng chứ không giảm. Bao giờ lỗi lầm nơi Thầy không còn khiến tâm xáo trộn, ngược lại làm cho lòng tôn  kính Thầy càng thêm kiên cố, đó là lúc tâm nương kính Thầy đã bén rễ vững vàng trong tim. Phải suy nghĩ được như vậy thì tâm mới có thể phát triển để đắc pháp nương kính Thầy cùng mọi chứng đắc khác trên đường tu giác ngộ.

  • Phương pháp thứ hai là lấy lỗi mình thấy nơi đạo sư làm phương tiện phát huy tâm nương kính Thầy.
  • Phật đà dẫn dắt chúng ta bằng cách thị hiện sắc tướng phàm phu, có nghĩa là sắc tướng có lỗi lầm
  • Cần suy nghĩ như vậy mới có thể phát huy được tâm và chứng quả

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.2 Vì sao chúng ta có khả năng thấy Thầy là Phật (3)



#Ngày 39 — Mọi sự đều tùy đệ tử chúng ta luyện tâm như thế nào — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bậc đại du già Gen Jampa Wangdu đã từng kể cho Thầy nghe câu chuyện về hai vị huynh đệ đồng môn, cho thấy đạo sư ra sao là tùy vào trình độ luyện tâm của đệ tử.

§ Có hai huynh đệ thăm nhà rồi về chùa, mỏi mệt vì đường xa, sư phụ rót sẵn nước trà lạnh chờ đón. Một vị nổi giận, nghĩ rằng “mình đi đường xa nhọc mệt thế này, sư phụ lại chẳng thèm quan tâm hâm trà cho nóng.” Vị kia thì nghĩ, “Sư phụ thật từ bi, biết mình đường xa nóng mệt nên giữ trà lạnh cho mình.” Vị đệ tử với ý nghĩ tiêu cực chẳng được lợi ích gì, chỉ toàn là tổn hại, tạo nghiệp dữ vì nổi nóng chê trách sư phụ mình. Còn vị đệ tử kia thấy sư phụ từ bi dành trà lạnh cho mình nên được toàn là lợi ích. Ví dụ đơn giản này cho thấy sắc tướng sư phụ thị hiện ra sao là  tùy vào mắt nhìn của đệ tử.

§ Nhìn vào khía cạnh tốt của Thầy để sinh tâm tôn kính, đây sẽ là nhân giúp thành tựu mọi chứng quả trên đường tu giác ngộ. Dù đạo sư xấu nhiều hơn tốt, nếu đệ tử không để tâm đến điểm xấu mà chỉ nhìn thấy dù chỉ một điểm tốt nhỏ nơi Thầy, cũng trở thành nhân giác ngộ. Còn nếu đạo sư tốt nhiều hơn xấu mà đệ tử chỉ biết nhìn vào một vài điểm xấu nơi Thầy thì sẽ trở thành chướng ngại ngăn cản bước tiến trên đường tu.

  • Sắc tướng của đạo sư ra sao là  tùy vào trình độ luyện tâm của đệ tử
  • Cùng một việc làm nơi sư phụ mà hai đệ tử có hai cách nhìn hoàn toàn khác nhau
  • Chứng ngộ đến khi đệ tử nhìn vào điểm tốt nơi Thầy và không để ý đến điểm xấu

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! Câu chuyện hai đệ tử và trà lạnh



#Ngày 40 — Với cái tâm tối ám của mình, lấy gì để biết ai là Phật, ai là phàm phu? — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cái nhìn của mình chẳng có gì đáng tin cậy cả, đây là điểm quan trọng nhất trong pháp tu đạo sư du già. Thiền quán về điểm này giống như dội một quả bom nguyên tử lên trên lòng mê muội thấy lỗi nơi Thầy. Đây là chủ đề tạo tác động lớn nhất lên tâm thức, có khả năng chận đứng cái thấy sai lầm làm ngăn ngại chứng ngộ trên đường tu.

§ “Không có gì xác quyết trong cái nhìn của mình,” nói như vậy có nghĩa là không có gì bảo đảm cái thấy của mình về đạo sư là đúng với thực tại, vì chúng ta có quá nhiều nhận thức sai lầm, quá nhiều ảo giác. Dù thấy đạo sư là người phàm, nghĩa là có vướng lỗi, cũng đã chắc gì đã thật sự là như vậy. Chúng ta thấy sư phụ ra sao là tùy vào sắc tướng của sư phụ, mà sắc tướng ra sao thì lại tùy vào phóng ảnh của tâm mình. Đạo sư hiện ra như thế nào đều tùy tâm của đệ tử thấy Thầy là Phật hay là phàm phu.

§ Cảnh hiện trong mắt của chúng ta đều tùy theo trình độ căn cơ của mỗi người mà hiện ra. Căn cơ khác nhau thì cảnh hiện cũng khác. Cần ý thức điều này để đừng tưởng rằng cách thấy của mình là cách thấy duy nhất. Cùng một đối cảnh nhưng người này thấy khác, người kia lại thấy khác. Biết vậy thì sẽ có khả năng đối đầu với vấn đề xảy ra trong đời sống hàng ngày, khống chế được phiền não của mình, và nhất là khống chế được ý niệm thấy lỗi trong pháp tu đạo sư du già.

  • # Cái nhìn của mình chẳng có gì đáng tin cậy cả, đây là điểm quan trọng nhất trong pháp tu đạo sư du già
  • # Cái thấy của mình về đạo sư không tùy vào thực tại, mà tùy vào khái niệm và phóng ảnh của tâm mình
  • # Thấy cảnh hiện ra sao là tùy trình độ căn cơ của mỗi người

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.3 Làm sao để thấy Thầy là Phật
! 4.1.3.1 Cái thấy của mình là điều không đáng tin cậy



#Ngày 41 — Khi đi chợ, hay ra sân bay, hay ở trạm xe lửa, chúng ta không thể biết được ai là Phật, ai không phải — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chuyện của chư đại hành giả trong thời hiện tại và quá khứ có thể giúp chúng ta hiểu được rằng cái thấy của chính mình thật ra không đáng tin cậy. Khi chúng sinh nhìn vào đức Phật, đến cả đức Phật cũng chỉ có thể hiện ra qua những sắc tướng tương ứng với trình độ căn cơ của mỗi người. Có khi còn gặp Phật qua sắc tướng của súc vật, như trong câu chuyện của Ngài Vô Trước.

§ Sau 12 năm nhập thất cố gắng đắc quả Phật Di lạc, vì không diện kiến được với đức Phật nên ngài xả thất. Khi rời thất lần sau cùng, ngài thấy trên đường có một con chó bị thương. Mặc dù đó chính là đức Phật Di lạc, nhưng ngài chỉ thấy có con chó bị thương, phần dưới thân hình đầy bị dòi bọ rỉa rói. Nhìn cảnh như vậy, ngài cảm thấy trào dâng niềm xót thương, sẵn lòng xả thân giúp cho con chó, hết lòng chăm lo cho nó, không quan tâm gì đến chính mình. Ngay trong thời gian ấy, mọi ác nghiệp che chướng khiến không thấy được Phật Di lạc được tịnh sạch. Nghiệp ấy tịnh rồi, ngài không còn thấy con chó. Mọi tướng hiện thế tục ô nhiễm đã tịnh sạch, ngài trực tiếp thấy được thắng thân của Phật Di Lạc.

§ Ngài cõng đức Phật đến làng cạnh bên và hô to cho mọi người nghe, “Tôi cõng đức Phật đây, hãy đến chiêm bái!” Hầu hết mọi người đều nghĩ ngài là người điên, vì họ chẳng thấy gì cả. Chỉ có một cụ bà thấy ngài cõng trên vai một con chó bị thương.

  • Phật hiện nhiều sắc tướng khác nhau tùy trình độ căn cơ của mỗi chúng sinh
  • Phật Di Lạc hiện ra trong mắt của ngài Vô trước với sắc tướng của con chó bị dòi bọ rỉa rói
  • Hầu hết mọi người trong làng đến cả con chó cũng không thể thấy, nói gì đến việc thấy đức Phật Di lạc

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.3 Làm sao để thấy Thầy là Phật
! Câu chuyện của ngài Vô Trước, con chó và đám dòi



#Ngày 42 — Sư phụ của mình trong hiện tại mà không phải là Phật giúp mình giác ngộ thì ai mới là Phật? — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi giảng cho đệ tử nghe về việc chư Phật đà bồ tát luôn phụng sự chúng sinh, Thầy thường khuyên đệ tử hãy nên bắt đầu từ kinh nghiệm của chính mình thì dễ hiểu hơn. Chúng ta có lòng từ bi với ai thì sẽ tự nhiên sẽ muốn giúp đỡ đùm bọc cho người ấy, không muốn gây hại. Nói cách khác, bất cứ việc gì có thể làm được cho người ấy, bằng lời nói, ý nghĩ hay hành động, chúng ta đều ra sức làm. Mặc dù không thể từ bi yêu thương tất cả chúng sinh, nhưng đối với người mình yêu thương thì làm được gì ta sẽ làm hết cho người ấy. Nếu yêu thương này là dành cho tất cả chúng sinh thì sẽ muốn giúp tất cả chúng sinh theo khả năng của mình. Đây là việc tự nhiên.

§ Vì vậy chư Phật với tâm đại bi thương yêu tất cả chúng sinh, nhất định là sẽ luôn quan tâm giúp đỡ, dẫn dắt cho chúng ta. Phải quán chiếu điểm này cho thật rõ bằng lời kinh và lý luận trước khi quán đến đạo sư. Có được chút niềm tin nơi điều này rồi thì lấy đó làm cơ sở để quán về đạo sư. Làm như vậy thì đề mục nương kính Thầy sẽ nhiều hương vị, tràn đầy ý nghĩa.

§ Muốn phụng sự chúng sinh, chư Phật đà bồ tát không có cách nào khác hơn là thị hiện sắc tướng đạo sư để trực tiếp hướng dẫn chúng ta, cho ba bộ giới, cho truyền khẩu, quán đảnh, luận giải và khai thị hành trì của pháp kinh thừa và mật thừa. Lời nào của đạo sư cũng là để dẫn dắt ta đến với quả giác ngộ. Nếu đạo sư của chính mình không phải là vô lượng Phật đà bồ tát thì chúng ta cũng chẳng thể trỏ ra được ai khác đang làm việc này. Vì thế đạo sư chính là Phật.

  • # Kinh nghiệm về lòng từ bi của chính mình sẽ giúp chúng ta hiểu được việc làm của Phật
  • # Trước tiên, khởi niềm tin sâu xa nơi lòng yêu thương của bậc giác ngộ rồi của chư đạo sư của mình
  • # Muốn dẫn dắt cho chúng ta, Chư Phật đà bồ tát chỉ có một cách duy nhất là dùng sắc tướng của đạo sư

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.3 Làm sao để thấy Thầy là Phật
! 4.1.3.2 Hết thảy Phật đà bồ tát vẫn còn luôn phụng sự chúng sinh



#Day 43 — Vì sao đạo sư lại là người làm việc Phật làm ? — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Từ vô thủy sinh tử cho đến bây giờ, tất cả những bậc chân sư mà mình đã từng được gặp, thọ giới, thọ quán đảnh, nghe giảng pháp, hết thảy đều chỉ là một bậc đạo sư chân thật, thị hiện thành nhiều sắc tướng, với nhiều tên gọi và tướng dạng khác nhau. Khi mặt trời hay mặt trăng ló dạng thì tự nhiên sẽ hiện bóng trên muôn vàn mặt nước, biển, hồ, sông, ao, hay cả giọt sương… Cứ thế, không cần ra sức mà Phật vẫn tự nhiên phụng sự cho chúng sinh bằng đủ mọi phương tiện thích hợp với căn cơ của từng người. Mọi bậc chân sư đều là Pháp Thân, đều là bậc đạo sư chân chính, từ đó xuất ra toàn bộ Phật, Pháp, và Tăng.

§ Nếu Phật hiện sắc tướng thanh tịnh hơn là sắc tướng hiện giờ mình đang thấy thì, với cái nghiệp hiện tại, ta sẽ không có khả năng nhìn thấy và thọ pháp. Vì nghiệp bất tịnh che chướng, ta không thể thấy thân tướng thanh tịnh của Phật, không thể nghe âm thanh thanh tịnh của Phật. Muốn làm bậc thiện tri thức dẫn dắt cho ta, đức Phật phải hiện sắc tướng vừa đúng với trình độ căn cơ và nghiệp chướng của ta. Nói cách khác, sư phụ của ta là người làm việc của Phật làm, tựa như sứ giả đại diện cho cả quốc gia để hành sự.

§ Không có Đạo sư phàm phu thì làm sao nhận được lực gia trì của Phật, làm sao nhận được giáo pháp Phật dạy v.v… Phật chỉ có thể tiếp xúc hướng dẫn cho chúng ta qua sắc tướng của bậc đạo sư. Vì vậy mặc dù Phật đà mười phương nhiều vô hạn lượng, nhưng nếu thiếu sắc tướng phàm phu của thắng thân của sư phụ thì chúng ta sẽ phải trôi dạt lâu dài.

  • # Tất cả những bậc đạo sư mà mình đã gặp đều chỉ là một, là Pháp thân, đạo sư tối hậu
  • # Đạo sư là hiện thân của mười phương Phật, ví như sứ giả thay quốc gia hành sự
  • # Không có những bậc đạo sư mang sắc tướng phàm phu này thì ta sẽ không thể thọ lực gia trì của Phật

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.3 Làm sao để thấy Thầy là Phật
! 4.1.3.3 Đạo sư đại diện cho thiện hạnh của chư Phật



#Ngày 44 — Đâu mới là Phật dẫn tA đến với quả giác ngộ trong thời đại tối ám này? — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong kinh có nhiều chỗ ghi lại lời Phật Thích Ca và Phật Kim Cang Trì giải thích rằng trong tương lai chư Phật giáo hóa chúng sinh bằng cách thị hiện sắc tướng của bậc thiện tri thức cũng như nhiều loại sắc tướng khác. Điều này sẽ giúp ta cảm nhận sâu xa, dễ dàng khởi tâm nương kính Thầy, là cái tâm gốc rễ của trọn vẹn đường tu.  Ta sẽ nghiêng theo hướng thấy Thầy là Phật.

§ Một thời đức Phật Thích Ca trên đỉnh núi vùng Nam Ấn thuyết pháp. Khi ấy Bồ tát Amogha-darshi hỏi rằng, “Chúng con ngày hôm nay còn được đức Thế tôn trực tiếp dạy Pháp, nhưng trong tương lai, khi Ngài đã nhập diệt, chúng con phải làm sao? Ai sẽ là người giáo hóa chúng con?” Bổn sư từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đáp rằng, “Này Amoghadarshi, trong tương lai vào thời kỳ tối ám cuối cùng, Như Lai sẽ dùng sắc tướng của bậc thiện tri thức mà làm đạo sư, làm sư trưởng. Để giúp cho tâm của chúng sinh chín mùi, Như Lai cũng sẽ thị hiện bốn tướng sinh lão bệnh tử. Đừng lo không thấy được Như Lai, đến thời kỳ tối ám cuối cùng, Như Lai sẽ hiện thân sư trưởng, sư phụ.”

§ Người giàu công đức thì chỉ cần nghe lời kinh của Phật Kim Cang Trì hay của bổn sư từ phụ Thích Ca Mâu Ni là đủ, không cần lý lẽ chứng minh nào khác. Cho người thuận duyên dễ sinh tâm nương kính Thầy thì chỉ cần nghe một câu kinh, không cần đến lý luận. Tuy vậy, vận dụng lý luận để chứng minh thì sẽ có được sự hiểu lớn lao xác quyết hơn.

  • # Phật Kim Cang Trì hứa thị hiện nhiều sắc tướng trong đó có sắc tướng của bậc thiện tri thức.
  • # Đức Phật Thích Ca cũng nói Ngài sẽ thị hiện sắc tướng đạo sư
  • # Với người giàu công đức, chỉ cần nghe trích dẫn lời kinh như vậy là đủ để chứng minh Thầy là Phật

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
!4.1 Căn bản: luyện tâm nương kính đạo sư
! 4.1.3 Làm sao để thấy Thầy là Phật
! 4.1.3.4 Đức Kim Cang Trì bảo rằng đạo sư là Phật



# Ngày 45 — § Nương kính đúng cách nơi Thầy thì giống như nắm được sợi dây chư Phật thả xuống cho mình — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Dù có mặt trời chiếu sáng, có cỏ khô, và có bùi nhùi, nhưng nếu thiếu kính lúp thì cũng không thể nhóm lửa. Ngược lại, nếu tia mặt trời xuyên qua kính lúp chiếu vào nhúm bùi nhùi thì sẽ dễ dàng bén lửa. Lực gia trì của chư Phật là ánh mặt trời, đi xuyên qua kính lúp là đạo sư, đến với tâm của đệ tử là nhúm bùi nhùi. Mặc dù lửa cháy được là nhờ tia mặt trời đi xuyên qua kính lúp, nhưng chức năng tạo lửa đến từ kính lúp. Đạo sư cũng như kính lúp, thiêu rụi phiền não trong tâm đệ tử.

§ Còn một cách quán hiệu nghiệm khác nữa, nghĩ rằng đạo sư là sợi dây thừng và chúng ta đang nằm trong hố lửa. Sống trong sinh tử luân hồi có khác gì ở trong lửa cháy. Nếu chúng ta rơi vào hố lửa, người đứng ở trên không thể kéo ta lên được nếu thiếu sợi dây thừng. Tương tự như vậy, không có đạo sư thì chư Phật ở khắp mười phương ba thời không thể độ ta đến với quả giác ngộ.

§ Níu đạo sư của mình cho thật chặt, nương kính Thầy cho thật đúng cách thì chắc chắn sẽ thoát được khổ đau sinh tử, đặc biệt là khổ đau của ba cõi ác đạo, và cũng sẽ không vướng cảnh niết bàn thấp. Còn nếu nương kính đạo sư không đúng cách thì cũng giống như không lý gì đến sợi dây thừng đang thả xuống trước mặt. Không nắm lấy sợi dây cho chặt thì sẽ không được cứu lên.

  • # Đạo sư như kính lúp hội tụ tia nắng để tạo lửa
  • # Như sợi dây thừng cứu ta thoát hố lửa, đạo sư cứu ta thoát sinh tử luân hồi
  • # Tu pháp nương kính đạo sư cho đúng cách thì chắc chắn sẽ thoát khổ đau

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ



# Ngày 46 — Kính nương kính đạo sư là điều thực tế và đương nhiên — LAMA YESHE

§ Nhìn trên phương diện thực tế, khi được đạo sư dạy cho một điều gì đó, một lời khuyên nào đó, khiến ta động não, thấy thật đúng, nghe chạm tim, và rồi không biết vì sao mà lời ấy lại khiến mình quay về đúng hướng. Khi ấy sẽ tự nhiên cảm nhận được tấm lòng từ hòa bao la của Thầy, đánh động vào tâm thức mạnh đến nỗi đệ tử phải hồi đầu. Để Thầy nói cho quý vị nghe, điều này thật sự là chẳng mấy ai trên cõi thế gian có khả năng làm được. Đó là Thầy nói từ kinh nghiệm của chính mình.

§ Đối với bản thân Thầy, tâm nương kính đạo sư là một dạng năng lực. Ai cho mình một món quà quý giá thì mình sẽ cám ơn, “Xin cảm ơn, vô cùng cảm ơn.” Đúng không? Và sẽ nghĩ rằng, “Họ thật tốt, tặng cho tôi món quà này.” Tương tự như vậy, ai khai mở trái tim cho mình thì mình tự nhiên sẽ thấy dâng trào lòng biết ơn. Ai mang hạnh phúc đến cho mình, mình tự nhiên sẽ biết ơn người đó. Mà nếu có ai quan tâm đến trọn nguồn an nguy sướng khổ của mình trong cuộc sống, chúng ta sẽ tự nhiên nghĩ rằng “có người lo lắng cho tôi, cho cuộc sống của tôi, tôi thật quá biết ơn.” Cũng là chuyện bình thường hợp lý thôi, đúng không?

§ Nếu có người thật sự quan tâm đến đời sống của chúng ta, muốn đưa chúng ta đến với nguồn hạnh phúc toàn hảo, chúng ta sẽ thấy đây thật là điều tuyệt vời khó tin. Cha mẹ trong đời quan tâm là lẽ thường tình. Theo văn hóa đông phương thì cha mẹ tốt đều luôn quan tâm cho con mình được mạnh khỏe vui vẻ. Đàng này lại là đạo sư, quan tâm vô cùng vô tận, cứ luôn muốn làm cho chúng ta được an vui. Thầy thấy điều này thật hiếm hoi khó tin. Thật là điều làm rung chuyển trái tim.

  • # Khi lời dạy của đạo sư chạm vào tim, chúng ta sẽ cảm nhận được tấm lòng từ hòa bao la của Thầy mình
  • # Nếu có ai mang hạnh phúc đến cho ta, ta sẽ tự nhiên thấy biết ơn
  • # Đạo sư quan tâm chăm sóc cho chúng ta đến như vậy thật là điều tuyệt vời khó tin

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy



#Ngày 47 — Mọi đấng đạo sư của mình đều chỉ là một: bậc cứu độ bản lai bất nhị, bản lai pháp thân — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì sao đạo sư lại từ hòa và quý giá hơn Phật, nhớ nghĩ về việc này có hai cách. Một là nghĩ rằng bậc Thiện tri thức phàm phu của mình trong hiện tại với chính là hiện thân của bậc đạo sư cứu cánh và hai là nghĩ rằng tất cả mọi sự, kể cả Phật Pháp và Tăng, đều là từ bậc đạo sư cứu cánh mà ra.

§ Đạo sư của ta là bậc đạo sư cứu cánh, là Pháp Thân. Vì thế đạo sư trong hiện tại cũng chính là tất cả bậc đạo sư trong vô thủy đời kiếp quá khứ đã từng dạy dỗ dẫn dắt cho ta đến được với được thân người quý giá trong hiện tại.  và cũng chính là tất cả những bậc đạo sư trong mọi đời kiếp tương lai dẫn dắt cho ta đến với quả giác ngộ bồ đề. Từng vị từng vị một, thương yêu chăm sóc cho ta từ vô thủy sinh tử, và còn tiếp tục thương yêu chăm sóc cho ta trong đời này, sẽ còn thương yêu chăm sóc cho ta trong mọi đời kiếp về sau, cho đến mãi khi ta đạt quả vô thượng bồ đề. Thấy được tấm lòng từ hòa của đạo sư trong các thời quá khứ hiện tại và vị lai sẽ giúp cho chúng ta cảm nhận càng sâu hơn ơn nặng của đạo sư.

§ Nên hiểu “đấng cứu độ bản lai bất nhị” nghĩa là gì. Câu này có trong phần thỉnh nguyện trong bài tụng Cúng Dường Đạo Sư mô tả đức Phật Phổ chủ Kim Cang Trì. Nhớ được đạo sư thật sự nghĩa là gì thì sẽ thấy được tất cả những gì Thầy mình đã có trong các đời quá khứ đều chỉ là một. Tất cả những vị thầy của mình, Thầy truyền giới, Thầy cho pháp trong những đời quá khứ; tất cả những vị thầy có trong hiện tại và trong mọi đời kiếp tương lai, hết thảy đều chỉ là một: đấng cứu độ bản lai bất nhị, bản lai pháp thân. Tất cả mọi đạo sư của mình trong quá khứ hiện tại và vị lai đều chỉ là một, dẫn dắt mình bằng sắc tướng quy ước thế tục tương ứng với nghiệp của mình. Có như vậy chúng ta mới có thể thấy, mới có thể nhận được sự trực tiếp giáo hóa.

  • # Là hiện thân của đạo sư cứu cánh, đạo sư trong hiện tại của mình từ bi hơn mọi đức Phật
  • # Thấy được lòng từ bi của đạo sư trong quá khứ hiện tại và vị lai sẽ giúp chúng ta có được lòng biết ơn sâu xa
  • # Người dẫn dắt chúng ta là đạo sư trong cảnh giới quy ước thế tục, thật ra là bậc cứu độ bản lai bất nhị, bản lai pháp thân

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.1 Đạo sư từ bi hơn Phật
! 4.2.1.1 Đạo sư từ bi hơn mọi đức Phật nói chung
! 4.2.1.1 Đạo sư từ bi hơn mọi đức Phật nói chung



#Ngày 48 — Ơn đạo sư lớn không thể tưởng, vì đã thị hiện sắc tướng phù hợp với căn cơ của đệ tử — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cách thứ hai để quán ơn Thầy nặng hơn ơn Phật, đó là nghĩ rằng vô lượng Phật đà không thể dùng sắc tướng của Phật để độ cho chúng ta, vì chúng ta nghiệp chướng quá sâu dày không thể thấy được Phật. Chỉ có chư vị đạo sư với sắc tướng phàm phu như trong hiện tại mới có khả năng dẫn dắt chúng ta. Không có chư vị, chúng ta sẽ bơ vơ không nơi nương tựa, như đứa trẻ mồ côi, non dại chẳng biết gì, đến cả việc ăn gì cũng chẳng biết.

§ Có vô số đức Phật trên vô lượng cõi thế, vậy mà chưa vị nào hóa độ nổi được ta. Từ vô thủy sinh tử cho đến bây giờ, chúng ta chưa từng đủ duyên trực tiếp thọ pháp từ Phật để tu thành Phật. Có vô số chúng sinh trước đây đã cùng chúng ta lang thang sinh tử, nay đã thành Phật, nhưng chúng ta thì lại chẳng có được chút thành tựu nào. Thật quá thảm thương. Chẳng khác gì đứa học trò bị đuổi học vì đã hết cách.

§ Trong thời gian chúng ta trôi lăn trong sinh tử, đã có vô số chúng sinh tu thành Phật, nhưng chúng ta thì chưa. Đủ biết tâm của chúng ta ích kỷ và cứng cỏi khó dạy đến mức nào. Tâm này tệ đến thế, thảm thương đến thế, vậy mà đạo sư vẫn từ hòa chỉ cho chúng ta đường tu trọn vẹn, không mê lầm, dẫn đến quả an lạc cho đời sau, giải thoát sinh tử, thành tựu đại niết bàn. Không phải đạo sư nào cũng đích thân dạy cho chúng ta trọn đường tu, nhưng gộp chung hết lại thì đúng là đầy đủ trọn vẹn. Vì thế mà nói ơn của đạo sư lớn đến mức khó. Không thể lãng phí cơ hội này, phải tu theo đường tu giác ngộ dựa trên nền tảng của tâm nương kính đúng cách nơi bậc thiện tri thức.

  • # Vì chỉ có đạo sư của ta mới giáo hóa được cho ta, nên ơn đạo sư lớn hơn cả ơn Phật
  • # Chúng ta là đứa mà vô lượng Phật đà ở trên vô lượng cõi thế đã không thể độ nổi
  • # Tuy chúng ta quá thảm, nhưng đạo sư vẫn chỉ cho đường tu trọn vẹn không mê lầm

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.1 Ơn Thầy lớn hơn ơn Phật
! 4.2.1.1 Ơn Thầy lớn hơn ơn Phật nói chung



#Ngày 49 — Ơn Phật Thích Ca lớn hơn ơn của ba thời mười phương Phật, nhưng ơn của bậc thiện tri thức của mình lại còn lớn hơn thế nữa — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bổn sư từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp tại thành Vương xá cùng nhiều nơi khác, nhưng chúng ta không đủ thiện duyên để trực tiếp làm đệ tử, nghe Pháp từ chính đức Phật, chứng đạo và đạt vô thượng bồ đề cùng chư đệ tử khác của Phật. Chúng ta bị sót lại. Chúng ta không đủ túc duyên để được bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật trực tiếp giáo hóa. Bây giờ, khi Phật pháp đã như bóng ngã chiều tà, mọi sự bắt đầu đi vào bóng tối, chư đạo sư dẫn dắt chúng ta bằng cách khai thị Phật pháp.

§ Chúng ta giống như một mẩu xương bị vất qua một bên, bổn sư từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, tất cả các bậc đại hiền thánh xứ Ấn, cùng tất cả các đại hành giả xứ Tây Tạng đều không độ nổi, vậy mà chư vị đạo sư của chúng ta đến giờ vẫn còn bền bỉ dẫn dắt, vì vậy mà nói ơn của chư vị lớn hơn ơn của bất cứ bậc giác giả nào. Không gặp được chư đạo sư của mình thì mình sẽ mãi vô minh, chỉ được cái vỏ bên ngoài là giống con người. Không gặp được chư đạo sư của mình thì mình không có chút cơ hội nào để tu pháp đại thừa; để tạo nhân an lạc nhất thời và cứu cánh, để buông bỏ nhân tạo khổ. Sẽ không đủ duyên để mà chuẩn bị cho hạnh phúc đời sau, cho quả giải thoát, cho quả đại bồ đề.

§ Nếu chư đạo sư trong hiện tại không hóa độ cho chúng ta thì việc gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ trôi lạc bơ vơ, không có ai dẫn dắt trên con đường đưa đến an vui đời sau, và nhất là đưa đến quả giải thoát và quả đại bồ đề. Vì thế ơn của chư đạo sư lớn vô cùng, lớn hơn cả ơn của mọi đức Phật trước Phật Thích Ca, thậm chí còn lớn hơn cả ơn của chính đức Phật Thích Ca.

  • # Chúng ta không có túc duyên để được trực tiếp nghe bổn sư từ phụ Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp
  • # Không gặp được chư đạo sư như trong hiện tại thì chúng ta sẽ mãi vô minh
  • # Ơn chư đạo sư dẫn dắt lớn hơn cả ơn của bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.1 Ơn Thầy lớn hơn ơn Phật
! 4.2.1.2 Ơn Thầy lớn hơn ơn Phật Thích Ca nói riêng



#Ngày 50 — Ơn đạo sư cho pháp, hãy so sánh ơn này với ơn bác sĩ chữa lành bệnh ung thư cho mình — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vướng bệnh ung thư thì sẽ sợ chết, sẽ thấy hoàn cảnh thật bất hạnh khó kham, ngày đêm cố gắng tìm nơi giúp đỡ. Nếu gặp được bác sĩ chữa lành bệnh cho mình, chúng ta sẽ rất quý trọng biết ơn vị bác sĩ ấy, cảm thấy đời sống còn lại của mình là món quà bác sĩ tặng cho. Tuy vậy, so với ơn của đạo sư thì ơn bác sĩ chữa lành bệnh ung thư cho mình thật không thể mảy may so sánh. Dù đạo sư chỉ truyền khẩu cho một câu chú, hay một dòng kinh, lợi ích mà chúng ta nhận được sánh bằng không gian vô tận. Không chữa được nguyên nhân chân chính của bệnh ung thư là phiền não và ác nghiệp, thì lành bệnh ung thư chỉ là chuyện tạm thời. Phiền não và ác nghiệp không thể thanh tịnh được bằng thuốc men, phẫu thuật.

§ Chư vị đạo sư của mình trong hiện tại từ bi ngoài sức tưởng tượng, vì chư vị vén mở giáo Pháp Đại thừa để dẫn ta đến với quả vô thượng bồ đề. Hãy nghĩ xem chư vị đạo sư cho chúng ta giới, khẩu truyền, quán đảnh, thuyết pháp, khai thị hành trì  như vậy là dẫn chúng ta đến với quả giác ngộ như thế nào.

§ Trước tiên hãy nhớ đến lòng từ bi của chư vị khi dẫn chúng ta bước vào Phật pháp, đặc biệt là Phật pháp Đại thừa, không chỉ cho chúng ta khả năng sinh vào thiện đạo, giải thoát sinh tử luân hồi, mà còn đạt được quả vô thượng bồ đề. Rồi nếu đã được nghe giảng về mật pháp thì chúng ta có thể quán tưởng về lòng từ bi của vị thầy dẫn chúng ta vào với mật thừa, cho chúng ta khả năng mau chóng đạt quả vô thượng bồ-đề, có khi là chỉ trong một đời ngắn ngủi. Hãy nghĩ mà xem ơn của đạo sư lớn biết bao nhiêu. Thật sự không ơn nào lớn hơn ơn này.

  • # Lòng từ của đạo sư chắc chắn là lớn hơn và mang nhiều lợi ích đến cho ta hơn là vị bác sĩ chữa lành bệnh ung thư cho mình
  • # Mỗi việc đạo sư làm đều là để khai thị giáo pháp đại thừa và dẫn dắt chúng ta đến với quả giác ngộ
  • # Ơn đạo sư cho pháp lớn ngoài sức tưởng tượng, không ơn nào có thể sánh bằng.

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.2 Ơn Thầy từ bi cho pháp



#Ngày 51 — Trong tâm có được thiện đức nào cũng đều nhờ ơn đạo sư từ bi gia trì — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có được kinh nghiệm hay chứng ngộ nào trên đường tu giác ngộ cũng đều nhờ tâm mình nhận được lực gia trì của đạo sư. Không có đạo sư thì không thể đạt thành tựu. Đó là lý do vì sao trau dồi kiến thức như đi học ở trường đại học với các vị giáo sư là không đủ.

§ Lực gia trì của đạo sư làm cho chúng ta từ cái tâm cứng cỏi khó dạy chuyển thành cái tâm nhu thuần. Xét từ kinh nghiệm bản thân cũng có thể tự mình thấy được những gì giáo pháp dạy về lực gia trì của đạo sư là đúng với sự thật, hoàn toàn đáng tin. Trong tim mà có được tâm kính nương kính Thầy vững chắc thì quán thân người tuyệt hảo sẽ dễ dàng cảm nhận được mức độ quý hiếm của nó; quán vô thường và cái chết sẽ dễ dàng cảm nhận sâu xa tính chất tạm bợ của đời sống; quán về từ bi, tánh không, hay bất cứ đề mục Lamrim nào khác cũng vậy. Sâu xa nương kính đạo sư thì tâm của chúng ta yên lắng hơn và thuần tịnh hơn nhiều. Phiền não muốn nổi lên rất khó mà lại dễ dàng dẹp bỏ.

§ Như mưa rơi làm mềm đất ruộng cho hạt mầm sinh sôi nảy nở, tương tự như vậy, trận mưa gia trì của đạo sư làm mềm thửa ruộng tâm thức cho chứng ngộ lớn mạnh. Không có lòng nương kính đạo sư thì không có nhân để thọ lực gia trì, mà không có lực gia trì thì không có nhân để đạt thành tựu trên đường tu giác ngộ. Cũng có nghĩa là không thể đạt giác ngộ, không thể viên thành mục tiêu cứu cánh của đời mình.

  • # Mọi kinh nghiệm và chứng ngộ trên đường tu đều có được là nhờ tâm nhận được lực gia trì của đạo sư.
  • # Lực gia trì của đạo sư khiến tâm ta trở nên nhu thuần
  • # Lực gia trì giúp chứng quả, như mưa giúp hạt giống nảy mầm

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.3 Ơn Thầy từ bi gia trì tâm con



#Ngày 52 — Đạo sư toàn thành nhu cầu trước mắt cho ta để khuyến khích ta chuyển tâm — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Còn một ơn lớn khác của đạo sư đó là Thầy ban cho niềm an lạc, khuyến khích chúng ta hành trì chánh pháp bằng cách chu toàn nhu cầu vật chất như là thực phẩm y phục cùng những loại tài vật khác. Vì chúng ta ưa thích tài vật hơn Phật pháp, nên đạo sư thu nhiếp chúng ta vào với chánh pháp bằng cách cung cấp vật chất cho chúng ta được vui; làm như vậy là để chúng ta tiếp tục nương kính theo đạo sư, hành trì chánh pháp.

§ Đôi khi chúng ta có thể nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực về Thầy, làm việc cho Thầy cực nhọc biết bao nhiêu vậy mà đến cả một lời cảm ơn hay một tiếng khen cũng không có. Vào những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ xấu về đạo sư của mình, thấy Thầy thật vô tình, thật ích kỷ. Nhờ đáp ứng nhu cầu trước mắt của chúng ta, đạo sư có thể làm đảo ngược tình hình, khiến chúng ta vui, khiến tâm của chúng ta hướng về Thầy, chận đứng ác nghiệp. Ngoài ra, khi chúng ta không còn thích thú với pháp hành, đạo sư đáp ứng nhu cầu trước mắt để giúp chúng ta tăng nguồn cảm hứng, thích thú chuyển tâm và nghe theo lời dạy của Thầy. Đệ tử nào không còn muốn tu mà được Thầy tặng quà cho thì sẽ có được nhiều cảm hứng để tu hơn. Ví dụ như nghe pháp đã mệt mà được sư phụ cho một ly cà phê thì tự nhiên sẽ có thể nghe được nhiều hơn.

§ Ơn Thầy chúng ta có thể nhớ đến một cách chung chung hay chi tiết, rồi hãy thiền quán từng trải nghiệm cụ thể với từng vị Thầy của mình. Phải ghi nhớ ơn từ bi của tất cả mọi bậc sư phụ của mình, sâu tận dáy lòng.

  • # Đạo sư còn từ bi khuyến khích đệ tử tu theo chánh pháp bằng cách tặng cho những món quà vật chất
  • # Đạo sư đáp ứng nhu cầu trước mắt cho đệ tử được vui, cho lòng kính Thầy của đệ tử càng thêm vững chắc
  • # Có thể nhớ đến ơn Thầy một cách chung chung, và quán tưởng theo từng ví dụ cụ thể

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy
! 4.2.4 Ơn Thầy từ bi tạo cảm hứng tu cho đệ tử bằng cách tặng quà



#Ngày 53 — Chúng ta cần một ai đó để biết chắc là mình đang đi đúng hướng, không bị hoang tưởng — LAMA YESHE

§ Chúng ta cứ phải lanh quanh lẩn quẩn, trôi lạc mù khơi không biết mình muốn làm cái gì, muốn biết cái gì. Đi lạc mất rồi. Lạc từ vô lượng đời kiếp rồi mà vẫn nghĩ rằng mình không đi lạc. “Tôi biết chính xác điều mình muốn. Tôi muốn sô cô la.” Thực ra đã lạc mất rồi. Nhưng chúng ta không bao giờ chịu chấp nhận là mình đã đi lạc. Đi lạc là điều rất đáng buồn.

§ Hiểu được điều này thì sẽ thấy yên tâm và sẽ biết ơn đạo sư từ hòa: “nhờ ơn Thầy từ bi mà đứa nhập môn vô tích sự như con được dựa vào phương tiện và trí tuệ vượt bậc của Thầy, có được khả năng đạt đến quả vị cao nhất. Nhờ đại trí tuệ và đại phương tiện của Thầy mà con có khả năng đạt chứng ngộ trong thời gian chỉ vừa bằng một búng tay. Quả giác ngộ, chứng ngộ bồ đề, thành tựu đại lạc, đều có thể viên thành trong một sát na với đại trí tuệ thiện xảo của Thầy. Quý giá nhất chính là đạo sư. Con xin đảnh lễ dưới chân sen của Thầy. Thầy của con, đạo sư của con là điều quý giá nhất trên toàn cõi thế.”

§ Tu pháp nương kính đạo sư không phải vì đây là thứ mà Phật tử thường tu hay vì sư phụ bảo tu. Chúng ta nương kính đạo sư là vì bản thân sẽ được sự lợi ích, nhờ hiểu rõ vấn đề hơn và tìm ra đáp án. Cứ thế mà nương kính đạo sư một cách tự nhiên. Khi thấy mình đi như vậy là đúng đường, đúng hướng, tâm nương kính đạo sư tự nhiên sẽ phát sinh.

  • # Dù không muốn nhìn nhận, sự thật là chúng ta trôi lạc trong mê muội đã từ vô lượng đời kiếp
  • # Biết điều này sẽ thấy yên tâm và có được lòng tôn kính trước ơn từ bi của đạo sư
  • # Thấy mình được lợi ích, kiếm được đáp án thì tâm nương kính đạo sư chân chính phát sinh

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!4 Nương kính bằng ý nghĩ
! 4.2 Phát huy tâm kính đạo sư bằng cách nhớ đến ơn Thầy



#Ngày 54 — Người tu chân thành sẽ thấy mỗi lời dạy của Thầy đều là ngọc như ý — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Với tâm nương kính đạo sư, thấy Thầy là Phật, chúng ta sẽ biết đúng cách nương kính Thầy bằng ý nghĩ, và từ đó sẽ tự nhiên nương kính Thầy bằng hành động, sẽ có khả năng làm theo lời Thầy dạy một cách dễ dàng vui vẻ, lo tu tập hành trì theo sự hướng dẫn của Thầy. Đây là cách tốt nhất để nương kính Thầy bằng hành động. Nương kính bằng hành động là kết quả đến từ sự nương kính bằng ý nghĩ. Nương bằng hành động được bao xa là tùy nương bằng ý nghĩ được bao xa.

§ Một khi thiền quán về 8 sự lợi ích của tâm nương kính đạo sư rồi thì hãy luyện cho tâm thấy Thầy là Phật, khởi lòng tôn kính bằng cách nhớ ơn đạo sư từ bi, mỗi lời Thầy khuyên đều giống như viên ngọc như ý là vì mỗi khi nghe theo lời Thầy dạy chúng ta đều tịnh được số lượng ác nghiệp ác chướng nhiều ngoài sức tưởng tượng, bước đến gần hơn với quả giác ngộ. Tất cả mọi thứ, hạnh phúc không chỉ đời này mà mọi đời kiếp về sau, giải thoát sinh tử, giác ngộ bồ đề, hết thảy đều có được nhờ nghe theo từng lời khuyên dạy của Thầy.

§ Người có được tín tâm vững chắc là người may mắn nhất trên đời, vì có được cơ hội nghe theo lời Thầy 24 tiếng mỗi ngày. Dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nhờ tâm nương kính đạo sư chúng ta không thấy vất vả chút nào. Sẽ vui vẻ dễ dàng làm theo lời Thầy dạy, để hành trì, hay để phụng sự. Bất kể gặp khó khăn gì, có được tâm nương kính đạo sư thấy Thầy là Phật thì sẽ luôn hoan hỉ, hai mươi bốn tiếng mỗi ngày.

  • # Biết đúng cách nương kính đạo sư bằng ý nghĩ thì sẽ tự nhiên biết đúng cách nương kính đạo sư bằng hành động
  • # Mỗi lần làm theo lời dạy của đạo sư là tịnh được nghiệp và tiến bộ trên đường tu
  • # Ai có tâm nương kính đạo sư vững chắc thì dù cảnh sống khó khăn đến đâu cũng vẫn thấy an vui vô cùng

!NƯƠNG DỰA ĐẠO SƯ
!5 Nương bằng hành động
! 5.1 Nghe theo lời Thầy dạy



#Ngày 55 — Xa hay gần gì cũng đều có thể phụng sự đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nhiều người nghĩ rằng muốn phụng sự đạo sư thì phải ở gần bên Thầy. Thật ra không phải là như vậy. Dù ở ngay trong nhà Thầy, hay tít xa nửa vòng trái đất, hay cho dù có ở tận trên mặt trăng mặt trời gì cũng đều có thể phụng sự đạo sư bằng cách giữ giới Thầy cho: giới quy y, giới biệt giải thoát như là ngũ giới, hay là tám giới bát quan trai, và những bộ giới khác cao hơn, như là giới xuất gia, giới bồ tát, giới kim cang. Giữ được giới là nghe theo lời Thầy dạy, toàn thành nguyện ước của Thầy, và đó chính là phụng sự đạo sư.

§ Cũng giống như thiền quán, tu học những pháp tu như pháp lamrim, các bộ luận giải, giáo pháp về các hệ lập kiến, vừa học vừa áp dụng việc học vào pháp hành, là điều đạo sư muốn mình làm, nên làm được thì đó cũng chính là phụng sự đạo sư, là làm theo lời Thầy dạy  Làm tất cả những gì đạo sư bảo làm, nhập thất, thuyết pháp… cũng đều là làm theo lời Thầy dạy. Nói chung, làm tất cả những gì lợi ích cho chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khổ sinh tử, đều là làm theo lời Thầy dạy, vì chư đạo sư chính là dạy cho mình những điều này.

§ Đảnh lễ chư Phật ba thời trong thời gian dài cả ngàn vạn, sáu trăm ngàn đại kiếp cũng không thể sánh với việc khéo léo phụng sự đạo sư. Đủ may mắn và đủ trí tuệ để làm được việc này thì đối với việc trước ý nghĩa nhiều hơn xa. Làm được việc Thầy bảo làm thì mọi ước muốn, mọi mong cầu đều sẽ thành tựu một cách dễ dàng và tự nhiên, chúng ta tích lũy được lượng công đức không thể nghĩ bàn.

  • # Bất kể đang ở đâu cũng đều có thể phụng sự đạo sư bằng cách giữ giới và thực hiện nguyện ước của Thầy
  • # Phụng sự đạo sư cũng có nghĩa là nghe lời đạo sư và làm lợi cho chúng sinh
  • # Khéo léo thông minh phụng sự đạo sư thì sẽ được công đức nhiều ngoài sức tưởng tượng, làm việc gì cũng sẽ thành công

!NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!5 Nương bằng hành động
! 5.2 Tôn kính và phụng sự



#Day 56 — Cũng như mọi pháp hành nương kính đạo sư khác, cúng dường đạo sư là để lợi ích cho mình — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cúng dường đạo sư dù chỉ một ly nước cũng cần phải cúng dường với ý nghĩ đạo sư chính là mười phương Phật đà bồ tát. Làm như vậy thì dù chỉ cúng dường cho một lỗ chân lông của Thầy cũng đã tạo công đức nhiều hơn cả công đức cúng dường Phật đà bồ tát ở khắp ba thời, huống chi là cúng dường cho chính đạo sư. Dù công đức cúng dường đạo sư đã nhiều đến như vậy, nhưng nếu khi phụng sư đạo sư mà biết quán tưởng Thầy là tất cả Phật đà bồ tát thì pháp hành sẽ càng thêm hữu hiệu, vì làm như vậy sẽ giúp cho tâm luôn hướng về đạo sư, chặn đứng mọi ý nghĩ tiêu cực về Thầy.

§ Dù có được trực tiếp nghe hay thấy đạo sư vui lòng hay không, điều  này không quan trọng. Đạo sư vẫn luôn vui vì thấy chúng ta tu tập hành trì chứ không phải vui vì được cúng dường tài vật. Bắt buộc phải là như thế. Tuy nhiên, đạo sư vui khi nhận tài vật cúng dường mà mình thấy chướng mắt thì đó là mình đã sai, đã nương kính Thầy không đúng cách. Các bậc chứng ngộ cao vẫn thường hay thị hiện sắc tướng hoan hỉ khi được cúng tài vật để cho đệ tử vui.

§ Chúng ta tiến đến gần với quả giác ngộ hơn mỗi khi nghe theo lời Thầy, cúng dường hay phụng sự Thầy, vì đây là điều giúp tịnh nghiệp mãnh liệt nhất, giúp tích lũy công đức rộng lớn nhất. Làm được như vậy thì tâm của chúng ta sẽ không ngừng tiến tới, càng lúc càng cao hơn, càng lúc càng gần hơn với quả vô thượng bồ đề.

  • # Phải nên cúng dường đạo sư với ý nghĩ Thầy chính là Phật đà bồ tát của khắp mười phương
  • # Đạo sư phải là người vui khi thấy chúng ta hành trì chứ không phải vui vì nhận cúng dường tài vật
  • # Cúng dường đạo sư giúp tịnh nghiệp mãnh liệt và tích lũy công đức rộng lớn

!NƯƠNG DỰA ĐẠO SƯ
!5 Nương bằng hành động
§ 5.3 Cúng dường tài vật



#Day 57 — Muốn quán đạo sư bất nhị với bổn tôn thì trước đó phải lót nền bằng pháp tu nương kính đạo sư trong hiển tông — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đại thừa hiển tông dạy về pháp nương kính đạo sư thì không nói gì đến việc thôi không nhìn Thầy qua sắc tướng phàm phu, cũng không nói gì đến việc quán đạo sư là bổn tôn, là những điều chỉ thấy trong pháp đạo sư du già của mật pháp.

§ Giáo pháp đại thừa hiển tông nói đến việc dựa vào kinh luận và luận lý, hỗ trợ bằng chứng ngộ riêng của mình, nếu có, để thấy bản tánh của đạo sư là Phật, để thấy tâm của Thầy là Pháp Thân. Nhìn Thầy như nhìn Phật thì sẽ thấy Thầy là Phật, là thuần tịnh, dù có hiện sắc tướng phàm phu. Nhìn Thầy như Phật thì thấy Thầy là Phật, mặc dù sắc tướng của Thầy không thay đổi. Đây là điểm then chốt.

§ Trong mật pháp, thêm vào đó, đến cả sắc tướng bên ngoài cũng thanh tịnh. Đạo sư du già trong mật pháp được tu trên nền tảng của hiển pháp. Trước tiên vận dụng lý luận và kinh nghiệm chứng ngộ để chứng minh cho cái tâm chấp Thầy là phàm phu của mình thấy ra được rằng tánh của Thầy là Phật. Đó là nền tảng. Dựa trên nền tảng này, nhìn Thầy qua sắc tướng bổn tôn để thấy Thầy là bổn tôn. Đây là nội dung của những pháp tu như là cúng dường đạo sư, sáu thời công phu đạo sư du già, hay bất cứ pháp đạo sư du già nào khác mà khi tu phải khởi hiện đấng bổn tôn. Thiết lập tâm nương kính đạo sư để thay thế cho vọng tâm nhìn thấy Thầy qua tướng hiện phàm phu và khái niệm phàm phu, nhất là đối với cái tâm của Thầy.

  • # Quán đạo sư là bổn tôn là pháp tu đạo sư du già của mật pháp, không có trong hiển pháp
  • # Giáo pháp đại thừa hiển tông dùng luận lý để chỉ cho ta thấy vì sao tánh của đạo sư là Phật
  • # Mật pháp không chỉ nhìn vào chân tánh mà ngay cả khi nhìn tướng hiện của đạo sư cũng thấy là thuần tịnh

!NƯƠNG DỰA ĐẠO SƯ
!5.4 Đạo sư du già (1)



#Day 58 — Bậc chân sư đầy đủ tánh hạnh sẽ là người gieo năng lượng nguyên tử vào tim đệ tử — LAMA YESHE

§ Nhờ tu pháp đạo sư du già, chỉ thấy toàn là thiện đức nơi đạo sư, rồi chúng ta sẽ bỏ được cái thấy tiêu cực của mình. Phần lớn chúng ta luôn nghĩ rằng, “Tôi là người, chư vị cũng là người nên cũng phải giống như tôi.” Nghĩ như vậy là lầm. Tu pháp đạo sư du già là để tập cho mình thấy được rằng đạo sư thật ra vốn bất nhị với tâm đại bi đại trí của bổn tôn. Rồi chúng ta sẽ bắt đầu thấy được chính mình và những tánh đức kia cũng bất nhị, không thể phân chia.

§ Nói cách khác, pháp tu đạo sư du già sẽ thôi thúc ta phát huy tiềm năng làm người của chính mình. Gặp được người có nguồn năng lượng tích cực như thế, với tâm đại bi và đại trí như thế, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng mạnh, muốn mình cũng được như vậy. Chúng ta cũng có cùng một tiềm năng, chỉ cần đánh thức tiềm năng ấy. Cũng giống như khi thấy bạn mình mua xe đẹp, thích thú với cái xe, chúng ta cũng sẽ háo hức muốn mua theo. Nói vậy ai cũng hiểu được, đúng không? Ví dụ này dễ hiểu.

§ Chắc chắn là khi gặp được người có những tánh đức đầy uy lực như tâm đại bi và đại trí, thấy niềm an vui vĩnh cửu là đều mình có thể có được, chúng ta nhất định sẽ nghĩ rằng, “Tại sao không là như thế, thay vì mê muội chẳng biết gì?” Và không phải cho riêng mình mà cho hết thảy chúng sinh. Cứ nói về quả hợp nhất, làm một, đồng đẳng, không phân biệt, nhưng cũng phải biết muốn thực hiện điều này thì phải làm sao. Bằng cách nào? Bằng pháp tu đạo sư du già, đây chính là phương cách.

  • # Với pháp tu đạo sư du già thì đạo sư không khác với tâm đại bi và đại trí của đấng bổn tôn
  • # Thấy người đạt được những tánh đức như thế sẽ thúc đẩy chúng ta phát huy tiềm năng của mình
  • # Nhờ tu pháp đạo sư du già, chúng ta sẽ thành tựu tánh đức ấy, không chỉ cho riêng mình mà cho hết thảy chúng sinh

!NƯƠNG DỰA ĐẠO SƯ
!5.4 Đạo sư du già (2)



#Day 59 — Tiếp cận đạo sư bằng hiểu biết kiến thức khô cằn thì không chạm được vào tim — LAMA YESHE

§ Vấn đề chung của mọi người, đó là kiến thức về những thứ được gọi là tâm linh thường chỉ nằm ở bộ óc, không ở nơi tim. Chúng ta hãnh diện về những gì mình đã học đã biết về thế giới tôn giáo, có thể là thuộc cả thuật ngữ về triết lý và hành trì, nhưng tâm thì vẫn mãi bất thuần và hư vọng.

§ Đó là vì thiếu mất nguồn cảm hứng chân chính, nói cách khác, thiếu lực gia trì trong tâm. Nhất định phải có được niềm xác quyết đến từ kinh nghiệm sống cảm nhận bằng trái tim về một thực tại tâm linh hữu hiệu đầy năng lực, ở bên trong cũng như bên ngoài, bằng không dù có học nhiều đến đâu mắt tuệ vẫn sẽ khép chặt, thực tại thâm sâu sẽ không thể chứng.

§ Đạo sư là người cho ta nguồn cảm hứng cần thiết này, kết nối tâm mình với kinh nghiệm thật chứng về cảnh giới siêu việt. Nhìn vào cách hành xử của sư phụ chúng ta có thể tự mình chứng kiến tu từ bi trí tuệ thì sẽ được lợi ích gì. Nhờ nhớ nghĩ đến đạo sư, là người trọn đời gánh vác chúng sinh không vướng ngã ái, là hiện thân của biết bao tánh đức toàn hảo khác, rồi quán chư đạo sư dòng truyền thừa tan nhập vào tim, làm như vậy tánh đức bồ đề sẽ bắt rễ sâu xa trong trái tim mình. Nhiều thế hệ đạo sư và đệ tử đã chứng kiến qua kinh nghiệm bản thân, rằng thường xuyên lặp lại pháp quán này, đồng thời buông bỏ khái niệm cứng chắc của mình về cái tôi, sẽ tạo tác dụng sâu xa lên tâm thức, đủ khả năng biến hiểu biết kiến thức khô cằn thành kinh nghiệm thật chứng tự nhiên.

  • # Kiến thức về những thứ được gọi là tâm linh thường chỉ nằm trong óc, không ở nơi tim
  • # Chúng ta cần lực gia trì đến từ kinh nghiệm sống cảm nhận bằng trái tim để khai mở mắt tuệ
  • # Đạo sư là sự kết nối giữa tâm ta và kinh nghiệm thật chứng về cảnh giới siêu việt

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!5.4 Đạo sư du già (3)



#Ngày 60 — Chúng ta cần có ai đó chỉ cho cách làm sao tìm ra câu trả lời ngay từ bên trong của mình — LAMA YESHE

§ Mật kinh thường nói rằng mọi thành tựu đều đến từ đấng đạo sư. Điều này chính xác. Nhưng phải hiểu rằng “đạo sư” nói ở đây có hai tầng ý nghĩa khác nhau. Nghĩa tương đối trong cảnh giới khách quan, đạo sư là vị Thầy tiếp xúc với chúng ta qua nhiều phương tiện khác nhau, chỉ vẻ cho chúng ta biết cách hành xử để có thể tự khám phá lấy bản thân của chính mình một cách toàn diện. Nhưng ở một mức độ sâu hơn của cảnh giới nội tại, đạo sư không gì khác hơn là trí tuệ nội tại của chính mình, là bản giác sáng trong của chính mình.

§ Nói cụ thể thì đạo sư trong nghĩa tương đối khách quan ở bên ngoài chỉ giúp ta được bấy nhiêu thôi, chư vị không thể bảo đảm cho chúng ta sẽ khai tuệ, đạt giác ngộ. Nhưng vị thầy ở bên trong, là trí tuệ trong sáng của chính mình, thì lại có khả năng thành tựu tất cả. Vậy tu pháp đạo sư du già chủ yếu là để quay về học cách lắng nghe vị thầy ở bên trong của mình.

§ Tiếng nói của trí tuệ bên trong này, thường thì dù có, ta cũng không lắng nghe, thậm chí chưa từng biết là nó có ở đó! Chúng ta quá bận rộn lắng nghe những lời truyện trò rác rưởi của cái tâm đối đãi nhị nguyên thô lậu của mình. Quen với chúng đến nỗi cho dù trí tuệ có phát sinh, qua sự thấy bằng trực giác, chúng ta cũng vẫn không lý gì đến. Nhờ tu pháp đạo sư du già, chúng ta sẽ có khả năng từ từ đoạn lìa cách tiếp cận đời sống nông cạn của mình, chạm vào nguồn trí tuệ vốn có ngay ở trong tim. Làm được việc này rồi thì sẽ có khả năng tương giao thâm sâu với vị đạo sư ở bên ngoài. Nhưng hễ còn chưa chạm được vào vị đạo sư ở bên trong thì vị đạo sư ở bên ngoài dù có dạy cho giáo pháp thâm sâu đến đâu chăng nữa, chúng ta vẫn sẽ không bao giờ có thể thật sự tu theo.

  • # “Đạo sư” có hai nghĩa, là vị Thầy khách quan tương đối ở bên ngoài, và nguồn trí tuệ vốn có ở bên trong
  • # Đạo sư du già chủ yếu là cách học cách lắng nghe vị đạo sư ở bên trong của mình
  • # Pháp tu đạo sư du già kết nối ta với nguồn trí tuệ vốn có ở ngay giữa trái tim

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!5.4 Đạo sư du già (4)



#Ngày 61 — Không có bổn tôn nào khác hơn là đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi tu pháp đạo sư du già, điểm quan trọng nhất cần hiểu rõ, đó là tất cả chư Phật đều đồng một vị trong pháp thân. Pháp thân là đạo sư tuyệt đối, là tất cả chư Phật. Đây là cốt tủy tinh túy nhất của pháp đạo sư du già. Không hiểu điểm này thì tu pháp đạo sư du già không thể thấy thoải mái. Dù có làm đủ mọi pháp quán tưởng cũng sẽ không hoàn toàn thỏa mãn, là vì chúng ta không thấy rõ được vì sao Phật lại là hiện thân của đạo sư, và đạo sư lại là hiện thân của Phật. Nhưng điều này sẽ trở thành việc hiển nhiên nếu chúng ta hiểu được cốt tủy của pháp đạo sư du già, rằng đạo sư là Phật, và Phật là đạo sư.

§ Pháp thân giống như biển lớn, nước nhiều loại đổ về; bao nhiêu vị Thầy của chúng ta đều như những giọt nước trong biển lớn. Hết thảy đều là hiện thân của pháp thân, đạo sư tuyệt đối, Tâm của khắp chư Phật. Đạo sư tuyệt đối này thị hiện sắc tướng phàm phu tương ứng với nghiệp của chúng ta. Mỗi khi thật sự nhìn thấy bổn tôn, hay thấy trong quán tưởng, hay thấy tôn tượng tôn ảnh của đấng bổn tôn, phải ý thức đó là tất cả chư đạo sư của mình.

§ Rồi bây giờ với ý thức đạo sư là gì, với sự hiểu này về đạo sư tuyệt đối, sẽ dễ dàng kết nối với mười phương Phật đà. Bất kể chư Phật có hiện thành bao nhiêu sắc tướng, tướng nam, nữ, hai tay, ngàn tay, hết thảy đều chỉ là hiện tướng của đạo sư, và đạo sư là tất cả chư Phật ấy.

  • # Điểm then chốt trong pháp đạo sư du già đó là hết thảy chư Phật đều đồng một vị trong pháp thân
  • # Đạo sư tuyệt đối hiện thành sắc tướng phàm phu phù hợp với căn nghiệp của đệ tử
  • # Tất cả chư Phật và bổn tôn đều là hiện tướng của đạo sư, và đạo sư là tất cả chư Phật ấy

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!5.4 Đạo sư du già (5)



#Ngày 62 — Dù tốn bao nhiêu năm, hay bao nhiêu đời kiếp, sớm muộn gì chúng ta cũng đều phải đối đầu với nỗi khó khăn vất vả để chứng tâm nương kính đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì tâm nương kính đạo sư là chứng ngộ khó thành tựu nhất, nên cần phải cố gắng rất nhiều. Thiền quán đôi ba lần không thể chuyển tâm thành chứng ngộ thấy được Thầy là Phật. Sẽ không có được cảm nhận này sau vài tháng tu thiền, hay vài năm cũng không thể. Không dễ gì dứt được vọng tâm để khởi tâm tôn kính Thầy, vì thế cần nỗ lực lớn lao.

§ Ngay từ đầu pháp nương kính đạo sư, chúng ta phải noi theo lời giảng của hiển kinh và mật kinh để thiền quán. Đừng hài lòng với đôi ba lần thiền quán trên dăm ba điểm giới hạn. Cần quán tới lui rất nhiều lần, dựa theo kinh luận và lý trí, cho đến khi đạt chứng ngộ. Nếu tâm nương kính đạo sư được xây dựng vững chắc trên nền tảng của lý luận và thiền quán, chúng ta sẽ có khả năng chuyển tâm mình thành tâm thấy Thầy là Phật.

§ Rồi tiếp theo, làm ổn định tâm ấy bằng thiền chỉ, nhiếp tâm bất loạn vào cảm nhận thấy Thầy là Phật. Làm như vậy sẽ duy trì được kinh nghiệm nương kính Thầy. Luyện đi luyện lại như thế mãi với thiền quán và thiền chỉ. Mỗi khi tâm chuyển thành tâm nương kính đạo sư thấy Thầy là Phật thì hãy duy trì trạng thái ấy càng lâu càng tốt. Nếu được, hãy nên thực hành pháp thiền nương kính đạo sư khi tu lamrim mỗi sáng, cố gắng duy trì kinh nghiệm này suốt thời gian còn lại trong ngày. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm cho sự chứng đắc về tâm nương kính đạo sư được phát huy một cách mau chóng và ổn định.

  • # Tâm nương kính đạo sư là cái tâm khó chứng đắc nhất, nên đòi hỏi rất nhiều cố gắng
  • # Phải vận dụng kinh luận và lý trí để quán chiếu tới lui rất nhiều lần về các đề mục trong pháp tu này
  • # Một khi tâm chuyển thành tâm nương kính đạo sư, ổn định tâm này bằng thiền chỉ

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!Kết (1)



#Ngày 63 — Kinh nghiệm bản thân sẽ giải đáp mọi thắc mắc có thể có về tầm quan trọng của tâm nương kính đạo sư — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Kinh nghiệm và chứng đắc trên đường tu giác ngộ đều tùy thuộc vào cội rễ vững chắc của tâm nương kính đạo sư. Chúng ta sẽ tự mình thấy được bằng chứng của điều này ngay trong pháp hành của chính mình, sẽ thấy được rõ ràng sự khác biệt trong đời sống hàng ngày giữa lúc nương kính Thầy đúng cách, và lúc không nương.

§ Tâm kính Thầy thật vững mạnh thì dù thiền quán đề mục nào, vô thường và chết, tâm buông sinh tử, tâm bồ đề, hay trí tuệ tánh không v.v… cũng đều trụ vững, cảm nhận được pháp quán một cách dễ dàng. Liên tục nhận lực gia trì nên tu pháp tu nào cũng đều có hiệu quả, đọc bài tụng nào cũng đều khiến tâm chuyển động, mang sự hiểu đến. Dù tụng cùng một bài đã nhiều năm, tự nhiên bây giờ từng lời từng chữ đều tạo tác dụng vì hiểu nghĩa. Đây là dấu hiệu tâm trở nên thành thục nhờ dựa vào phước điền đạo sư để tu tịnh nghiệp và tích phước.

§ Tâm nương kính Thầy mà vững chắc thì sẽ hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy, Thầy bảo làm gì đều có thể làm theo không chút khó khăn, ngược lại thấy dễ dàng và thích thú. Tâm nương kính Thầy mà tràn đầy thì tự nhiên sẽ thấy rất bình yên, trong tim luôn đầy ắp một niềm vui khó tả. Chúng ta sẽ thấy mình quá may mắn. Dù có gặp khó khăn gì khác trong đời sống, ví dụ không tiền, không visa, không việc làm, tâm nương kính Thầy vững vàng lấn át tất cả, ngoại cảnh không khiến mình bận tâm bao nhiêu. Đời sống trở nên vô cùng thú vị, tràn đầy ý nghĩa.

  • # Chúng ta có thể tự mình chứng kiến tầm quan trọng của việc đúng cách nương kính đạo sư
  • # Nương kính đạo sư giúp cho pháp thiền của chúng ta lớn mạnh và hiệu quả
  • # Nương kính Thầy thì có được sự bình an nội tại và đời sống trở nên thú vị đầy ý nghĩa

! NƯƠNG KÍNH ĐẠO SƯ
!Kết (2)



#Ngày 64 — Biết quí thân người toàn hảo là nền tảng của hành trình về Phật quả — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bậc đại hành giả Lama Tsongkhapa, người đã hệ thống hóa toàn bộ giáo pháp lamrim, chia thành hai phần: Một là biết quý kiếp sống hiện tại với đầy đủ mọi ung dung sung mãn, ứng với đề mục thân người toàn hảo; và hai là cách tận dụng cơ hội quý giá này, ứng với những đề mục còn lại, đi từ vô thường và cái chết, quy y, nghiệp, cho đến tận lúc thành tựu quả vô thượng bồ đề.

§ Pháp Lamrim không phải giống như bàn tiệc thích gì gắp nấy. Cần ăn trọn bàn tiệc, nếu không sẽ không thể đạt điều mình muốn, không thể giải thoát hay giác ngộ. Tìm hiểu về giáo pháp Lamrim sẽ thấy mỗi đề mục đi trước đều là để lót đường cho đề mục tiếp theo sau, vì vậy đều không thể thiếu. Pháp quán thân người toàn hảo nằm ở đầu đường tu giác ngộ, chỉ đến sau bước nương kính đạo sư. Chúng ta cần hiểu về nghiệp, cần phát tâm quy y, và để có thể tận tụy với pháp hành thì phải hiểu về vô thường và cái chết. Nhưng tất cả điều này đều sẽ không xảy ra nếu ngay bây giờ chúng ta phung phí cơ hội quý giá hiếm hoi duy nhất mà mình đang có đây.

§ Chỉ những ai có được thân người toàn hảo mới có được khả năng trở thành nhà khoa học nội tại, khám phá nguyên nhân mang đến niềm hạnh phúc chân chính. Chúng ta là những người may mắn ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta có cơ hội học, tu, và chứng đắc tất cả những gì Phật dạy, mọi đề mục Lamrim, từ bước đơn giản nhất cho đến cao thâm nhất. Chúng ta có cơ hội phát tâm bồ đề, là cái tâm muốn thành Phật để làm lợi cho chúng sinh, và có cơ hội chứng được chân thực tại của sự vật, là thực tại của tánh không. Không có gì là không thể hiểu, với thân người toàn hảo này.

  • # Phần đầu tiên của Lamrim dành cho pháp quán thân người toàn hảo
  • # Mỗi đề mục Lamrim là một bước đi không thể thiếu trong hành trình về vô thượng bồ đề
  • # Chỉ có thân người toàn hảo này mới cho ta cơ hội khám phá niềm an vui chân chính

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO



# Ngày 65 — Cơ hội duy nhất để có thể hành trì chánh pháp là có được đầy đủ thuận duyên đúng y như những gì mình đang có, ngay trong hiện tại — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lama Tsongkhapa và Pabongka Rinpoche chia đề mục thân người toàn hảo thành 3 phần: nhận diện, hiểu lợi ích và biết khó đạt. Phần đầu cho thấy những gì mình đang có đây là điều vô cùng quý giá: có tám sự ung dung — là cảnh sống tự do tự tại — và mười sự sung mãn — là cảnh sống thuận tiện làm cho cơ hội này trở nên vô cùng đặc biệt. Chỉ khi nào có đủ 18 điều kiện phi thường này thì kiếp làm người mới được gọi là thân người toàn hảo. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể tận dụng tối đa những gì mình có để phát huy tiềm năng tâm thức đến mức rốt ráo.

§ Thiền quán về thân người toàn hảo có một cách hữu hiệu, đó là 8 sự ung dung và 10 sự sung mãn này, cứ từng điểm một mà quán cho thật sâu xa để cảm nhận đuợc rằng mình may mắn cỡ nào mới có được đầy đủ 18 thuận duyên như vậy. Hãy đừng quán như quán chuyện bàng quan. Phải thật sự đặt mình vào trong từng cảnh ấy để mà cảm nhận. Có như vậy mới có thể thấy được hoàn cảnh của mình trong hiện tại thật sự quý giá đến mức nào.

§ Ở một mức độ nào đó, thiền quán về tám sự ung dung mười điều sung mãn cũng là thiền quán tâm từ bi, bởi vì chúng ta phải nhìn vào nỗi khó khăn mà chúng sinh khác phải chịu, họ không có được cơ hội để hành trì chánh pháp. Chúng ta được tự do, còn họ bị buộc ràng. Kết luận duy nhất có thể có, đó là phải làm hết những gì có thể làm để giúp họ, bằng trọn năng lực của mình. Với sự quyết tâm mạnh liệt này, tâm Bồ Đề trân quý sẽ khởi sinh.

  • # Phần đầu của đề mục này mô tả cảnh sống phi thường mà chúng ta đang sống đây
  • # Tám sự ung dung mười điều sung mãn này cần quán chiếu sâu xa tận tường từng điểm một
  • # Quán như vậy thì sẽ khởi tâm từ bi cho những ai không có được thuận duyên này

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo



#Ngày 66 — Chúng sinh cõi địa ngục không thể làm gì khác hơn là khổ đau — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong tám sự ung dung này, sự ung dung đầu tiên là không phải sinh vào cảnh địa ngục, nhờ vậy mà có được cơ hội hành trì chánh pháp. Chúng sinh địa ngục khổ đau cùng cực, đến nỗi toàn bộ cuộc sống chỉ toàn là khổ đau. Không còn tâm trí đâu để nghĩ đến bất cứ điều gì khác, chỉ có nỗi khổ đau cùng cực không thể chịu đựng nổi, triền miên bất tận không ngớt, và cũng không biết có bao giờ sẽ ngừng.

§ Tưởng tượng bị ai đó ném vào bể nước sôi, kẹt ở nơi ấy, đâu thể quán tánh không hay khởi tâm bồ đề, đâu thể làm gì khác hơn là dãy dụa cố gắng thoát nỗi đớn đau khủng khiếp khó kham. Tìm đường thoát, tâm trí chỉ nghĩ được có bấy nhiêu. Khổ đau địa ngục dữ dội hơn như thế cả trăm ngàn vạn lần. Vì vậy sự ung dung đầu tiên là thoát được cảnh khổ đau khủng khiếp này, có nghĩa là tự do hành trì chánh pháp và phát huy những tánh đức như là tâm bồ đề và tri kiến tánh không.

§ Nếu không quán cảnh khổ ác đạo, chúng ta sẽ không thể thấy được thân người toàn hảo này mầu nhiệm đến mức nào nên sẽ dễ dàng lãng phí tất cả. Chúng ta có thể thấy hành trì chánh pháp là điều rất nên làm, chịu tu thì có khi sẽ trở thành người tốt hơn, nhưng cũng không có gì thôi thúc. Không hiểu cảnh sống cõi ác đạo thì sẽ không bao giờ đủ năng lực để thật sự nắm lấy tinh túy của Phật pháp. Đó là lý do vì sao phải cố gắng để hiểu cho thật tận tường ý nghĩa của từng sự ung dung.

  • # Chúng sinh cõi địa ngục không tâm trí đâu mà nghĩ đến bất cứ việc gì khác ngoài nỗi khổ đau cùng cực khó kham
  • # Ở trong cảnh khổ đau cùng cực như vậy mà phát huy được thiện đức là điều không thể có
  • # Quán khổ đau ác đạo thì có được đầy đủ năng lực để thật sự hành trì chánh pháp

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.1 Ung dung nhờ không sinh vào cõi địa ngục



#Ngày 67 — Quỷ đói không thể tu hạnh thí hay hạnh giới, họ sẵn sàng phạm sát giới chỉ vì một mẩu thức ăn — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sự ung dung thứ hai là không sinh làm quỷ đói. Mặc dù cõi này có nhiều loại khổ nhưng chủ yếu vẫn là khổ vì đói khát do nghiệp keo bẩn tham lam. Có lẽ phần lớn chúng ta chưa từng gặp cảnh đói khát thật sự. Có nhớ đã từng vì một lý do nào đó mà hai ba ngày không có chút gì vào miệng? Trừ phi quá bệnh, nếu không sẽ khốn khổ với cảm giác bị đói bị khát này. Thử tưởng tượng một tuần không có gì ăn, bao tử sẽ đớn đau đến mức nào, hầu như không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác, và chắc chắn là sẽ không thể tu gì được với nỗi đói khát cùng cực này.

§ Chúng ta cho dù có đói khát đến đâu cũng không thể nào sánh với những gì quỷ đói phải chịu trong từng khoảnh khắc. Hàng trăm hàng ngàn năm lang thang vẫn tìm không ra được mẫu thức ăn hay giọt nước uống nào. Không thể tưởng tượng nỗi khổ đau tuyệt vọng trĩu nặng suốt cuộc đời của quỷ đói.

§ Chúng ta nên bỏ thời gian ra để nhớ nghĩ đến khổ đau loài ngạ quỷ, và nghĩ đến nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ này là lòng tham lam keo kiệt để quyết tâm không bao giờ còn gieo nhân ấy. Phải nghĩ rằng, “Nếu bây giờ đọa sinh cõi ngạ quỷ thì sẽ không thể nào hành trì chánh pháp. Nay ta không phải sinh vào cõi ấy, thật quá may mắn. Nhờ vậy mà được tự do tu. Nhờ được tự do như vậy mà ngay trong 24 giờ của hôm nay, ngay trong giờ này, thậm chí ngay trong phút này, giây này, tôi đều tự do đạt bất cứ mục tiêu nào trong ba mục tiêu lớn, tùy ý mình muốn. ”

  • # Khổ đau đói khát khiến ta hầu như không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác
  • # Cuộc sống của quỷ đói ngập tràn niềm tuyệt vọng
  • # Nếu đọa sinh làm quỷ đói thì sẽ không còn tự do để hành trì chánh pháp

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.2 Ung dung nhờ không sinh vào cõi ngạ quỷ



#Ngày 68 — Loài súc sinh không mong gì tạo được công đức, dù sống lâu đến đâu — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sự ung dung thứ ba là không sinh làm súc sinh. Mặc dù cõi này có nhiều loại khổ, nhưng chủ yếu vẫn là khổ vì vô minh ngu muội, ngoài bản năng sinh tồn ra không đủ trí tuệ để hiểu bất cứ điều gì khác. Nghiệp si là nguyên nhân chính khiến đọa sinh cõi này, vướng kẹt trong cảnh không có quyền tự do chọn lựa. Loài nào phải giết để sinh tồn thì cứ phải giết, không có chọn lựa nào khác, con mồi cũng không tài nào khỏi bị giết. Nếu thình lình thấy mình mang thân súc sinh, chúng ta nhất định sẽ rất kinh hoàng.

§ Nhưng thật ra có khi là giờ này ngày mai chúng ta là đã lâm vào cảnh ấy. Đâu ai biết được mình sẽ chết lúc nào, sẽ sinh về đâu. Có thể còn chẳng bao lâu nữa đã phải bơi trong bể nước trong nhà hàng hải sản, làm một con tôm hùm ngon lành hay một con cá béo mập chờ khách chọn làm bữa ăn, hay làm cá dãy dụa mắc câu, làm giun oằn oại bị ngàn con kiến bu cắn. Ai mà biết được. Nếu biết, chúng ta đã thật sự trân quý điều trân quý nhất trần đời, là thân người toàn hảo này.

§ Nghĩ đến khổ đau cõi súc sinh có thể chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được rằng hễ còn trong luân hồi là còn chưa thể thoát. Thật sự quá kinh hoàng không tài nào gánh nổi, phải bằng bất cứ mọi giá thoát ra khỏi nơi ấy. Muốn thoát chỉ có mỗi một cách duy nhất là tu thiện, đây là điều không loài súc sinh nào có thể hiểu. Nhưng chúng ta không phải là súc sinh. Chúng ta là con người. Chúng ta có khả năng hiểu được điều này, ung dung tự tại đến không ngờ.

  • # Súc sinh ngu si mê muội, vì nghiệp si mà kẹt trong cảnh sống không có quyền tự do chọn lựa
  • # Phải thấy được rằng giờ này ngày mai chúng ta có thể đã thành một con tôm, một con cá, hay một con sâu
  • # Quán khổ súc sinh thì sẽ biết quý sự ung dung tự tại của mình trong hiện tại

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.3 Ung dung nhờ không sinh vào cõi súc sinh



#Ngày 69 — Chư thiên sống trong lạc thú nên không thể hiểu được tánh chất của khổ đau, không thể nào hành trì chánh pháp — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đối với hầu hết chúng sinh cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh thì làm thiện là điều gần như không thể, điều này dễ thấy. Nhưng chúng sinh cõi trời trường thọ cũng không hơn gì. Ở dục giới thì chìm trong dục lạc, ở sắc giới hay vô sắc giới thì chìm trong cõi định, khó lòng thấy được tính chất khổ đau của sinh tử, nên đối với họ hành trì chánh pháp là điều cực kỳ khó khăn. Không biết luân hồi là khổ nạn thì đâu ai muốn buông.

§ Chư thiên cõi dục giới không gặp những vấn đề của cõi người của chúng ta, ví dụ như phải làm mới có ăn, phải nỗ lực mới được vui vẻ thoải mái. Chư thiên hưởng lạc thú một cách tự nhiên không cần nỗ lực. Sống quá thoải mái nên tâm họ chỉ biết đến lạc thú giác quan, không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài việc tiếp theo mình sẽ làm chuyện vui gì khác đây. Chúng ta có khi hơi hơi giống vậy, chẳng tâm trí đâu nghĩ đến việc tu thiền khi trong đầu đang bận rộn muốn mua xe, mua máy vi tính, hay lo chuyện tối nay đi ăn gì, đi coi phim gì. Thủ phạm chính đương nhiên là lòng tham. Tài sản sở hữu sẽ mang lòng tham đến, và lòng tham này sẽ khiến tâm bám dính vào đối tượng tham muốn, tạo trở ngại rất lớn cho việc hành trì chánh pháp

§ Chúng sinh cõi trời dù an lạc vẫn khổ, quán điều này sẽ giúp chúng ta biết quý thân người mình đang có. Phải có thân người hoàn hảo này mới có thể hành trì chánh pháp. Chúng sinh cõi trời không thể. Chúng sinh cõi súc sinh không thể. Và chắc chắn là chúng sinh cõi địa ngục cũng không thể. Đây là điều cần cảm nhận từ sâu thẳm trong tim, quyết tâm không lãng phí dù chỉ một giây trong đời sống này.

  • # Đối với chư thiên, thấy được thực chất của khổ đau và hành trì chánh pháp là điều rất khó
  • # Chúng ta có thể tự mình thấy ra rằng tiền tài sở hữu sẽ khiến nổi lòng tham, và lòng tham sẽ khiến tâm xao lãng
  • # Quán khổ cõi trời sẽ giúp chúng ta biết trân quý thân người này

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.4 Ung dung vì không sinh vào cõi trời trường thọ



#Ngày 70 — Hãy tưởng tượng một thế giới chìm trong bóng tối vô minh, không có Phật pháp soi sáng — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bốn sự ung dung tiếp theo là thoát được bốn cảnh tuy làm người nhưng không thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Một là nhờ không phải sinh vào thời không có Phật xuất thế nên được tự do hành trì chánh pháp. Cho dù có sinh làm người nhưng nếu phải rơi vào thời kỳ tối ám không có Phật thì cũng sẽ không có Pháp, không biết được cách chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp thì làm người để làm gì?

§ Có những khoảng thời gian dài thăm thẳm không có Phật pháp, không được chút ánh sáng chánh pháp nào. Khoảng thời gian như vậy được gọi là thời kỳ tối ám. Sinh làm người vẫn có thể vì nghiệp mà rơi vào cảnh này, không được Phật pháp sáng soi. Sinh vào thời kỳ như vậy, thiện pháp là gì đến cả hiểu cũng không chút hy vọng gì hiểu được, nói gì đến việc thực hành.

§ Mục tiêu chính tu học đề mục thân người toàn hảo là để chứng biết thân người này mang đến cho ta cơ hội quý hiếm đến mức nào. Lắm khi có được điều có giá trị nhưng ta lại không biết quý, đợi mất rồi mới nuối tiếc thì đã muộn. Phải nói rằng không có gì quý giá hơn thân người toàn hảo àny, cũng không mất mát nào lớn hơn là mất mát không tận dụng thân người này để phát huy tiềm năng tối đa của mình. Vì vậy, hiểu được để mục này bằng lý trí rồi thì phải thường xuyên thiền quán tới lui cho đến khi đắc pháp.

  • # Nếu sinh vào thời kỳ không có Phật xuất thế thì sẽ không bao giờ gặp được Phật pháp
  • # Có những thời kỳ tối ám không có Phật pháp
  • # Cần phải quán tới quán lui nhiều lần để thân người hoàn hảo quý hiếm là mình đang có

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.5 Ung dung vì không sinh vào nơi không có Phật xuất thế



#Ngày 71 — Hãy cố gắng cảm nhận cảnh sống vấp ngã mù quáng không biết phân biệt đúng sai — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sự ung dung thứ sáu là không sinh vào miền “biên địa,” nguyên văn tiếng Tạng là “la lo”, có nghĩa là vùng ven biên, nói cách khác, nơi không có Phật pháp, nên không có cơ hội tu tập. Sống ở một nơi như vậy sẽ không biết được thế nào là thiện nghiệp, thế nào là ác nghiệp, đâu là nhân mang đến hạnh phúc, đâu là nhân tạo khổ đau.

§ Như bóng đêm dày đặc, không trăng không sao, không vầng dương chánh pháp soi sáng, người cõi biên địa vấp ngã liên tục từ khổ đau này sang khổ đau khác. Không có chút khái niệm nào về nghiệp thì làm sao hiểu được mình khổ là vì sao, và phải làm sao để thoát khổ. Cứ thế bỏ cả đời truy tìm hạnh phúc ở nơi không đúng chỗ, nhân khổ mà cứ tưởng là nhân vui. Không tin Tam bảo, cũng không hiểu về nghiệp, nên trong đầu không bao giờ có được ý nghĩ muốn tịnh nghiệp. Họ không có cơ hội hoàn thiện, không có cơ hội quét nghiệp chướng quá khứ, không có cơ hội hành trì diệu pháp.

§ Chẳng tuyệt vời lắm sao, được một lần khởi niềm tin nơi Tam bảo, có ý muốn hành trì và đủ cơ hội để thực hiện ước muốn của mình. Thế nhưng sống này chỉ như bọt nước, có thể tan biến bất cứ lúc nào. Vì biết như vậy nến chúng ta cần khởi quyết tâm cho thật mạnh mẽ, rằng từ giờ phút này trở đi, không những mình sẽ hành trì chánh pháp mà còn hành trì liên tục không gián đoạn.

  • # Sinh vào miền biên địa thì sẽ không có cơ hội nghe chánh pháp
  • # Vì không có khái niệm về nghiệp cũng không tin nơi Tam bảo, chúng sinh vùng biên địa vướng kẹt trong khổ đau
  • # Phải biết quý cơ hội mình đang có, từ nay về sau luôn liên tục hành trì

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.6 Ung dung vì không sinh vào vùng biên địa



#Ngày 72 — Không có khả năng hiểu biết hay giao tiếp thì không thể hành trì chánh pháp — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sự ung dung tiếp theo là có thể tùy ý hành trì chánh pháp nhờ không sinh làm người thiểu năng. Tiếng Tạng chữ “on pa” nguyên nghĩa là người bị điếc, nhưng được dùng để chỉ người hoàn toàn không có khả năng hiểu biết hay giao tiếp. Ở đây không nói đến những người chậm hiểu, mà là những người hoàn toàn không có khả năng hiểu được bất cứ điều gì, ngoài chức năng vận động cơ bản ra không có hoạt động tư duy nào khác.

§ Đây không nhất thiết phải là hoàn cảnh bẩm sinh. Nghiệp có thể trổ quả bất cứ lúc nào, khiến chúng ta mất khả năng tư duy. Tai nạn giao thông có thể khiến ta hôn mê; bạo bệnh có thể biến ta thành người thực vậy; ngay cả tuổi già cũng có thể cướp đi sự sáng suốt. Đời nay, bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ là đại nạn của người lớn tuổi. Tưởng tượng thử xem mình bắt đầu học Phật pháp rồi vài năm sau không còn nhớ được dù chỉ một chủng tự chú vì trí nhớ đã hỏng.

§ Ưu thế của cảnh sống hiện tại này là chúng ta đang có quyền chọn lựa. Chúng ta có thể chọn học về nhân mang đến hạnh phúc, chọn dùng trí óc mình làm dụng cụ tạo hạnh phúc bằng cách tu thiền. Chúng ta có thể chọn nghe bậc đại đạo sư thuyết pháp, đủ trí thông minh để hiểu điều chư vị muốn truyền đạt. Chúng ta đủ trí óc để đọc kinh sách, đủ trí tuệ để ngộ chân lý nơi ấy, và đủ sáng suốt để bắt đầu sống đời sống của mình thuận theo Phật Pháp.

  • # Nếu tâm trí mất khả năng hoạt động thì sẽ không thể tùy ý hành trì chánh pháp
  • # Nghiệp có thể trổ quả bất cứ lúc nào, cướp đi khả năng hiểu biết hay giao tiếp
  • # Chúng ta có quyền tự do chọn hành trì chánh pháp, dùng tâm mình làm dụng cụ xây dựng hạnh phúc

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.7 Ung dung vì không vướng cảnh thiểu năng



#Ngày 73 — Chấp thủ tà kiến thì không có cơ hội tu thiện lánh ác — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sự ung dung sau chót là có thể tùy ý hành trì chánh pháp nhờ không vướng chấp thủ tà kiến. Trong Phật giáo, chấp thủ tà kiến có nghĩa là việc không có mà tin là có. Nghiệp tuy có nhưng người chấp thủ tà kiến không chấp nhận. Tương tự như vậy, đối với người chấp thủ tà kiến thì Phật, quả giải thoát, cùng những đề mục trọng yếu khác trong Phật giáo họ đều thấy là bịa đặt, là tưởng tượng; thấy cái tôi là thường hằng biệt lập, thấy vô thường là thường còn, thấy khổ là sướng. Người chấp thủ tà kiến phủ nhận tái sinh, tin rằng tâm thức chết là hết.

§Không nghiệp, không kiếp sau thì không còn cơ sở để giữ giới. Không tin nhân quả nên tưởng rằng hại người không chịu quả khổ, giúp người không được quả vui. Tin theo lý thuyết sai lầm như vậy, người chấp thủ tà kiến không những gieo nhân tạo khổ lớn mà còn cố chấp với cái thấy sai lầm ấy, chận mọi cơ hội bước vào Phật pháp dù có được nghe pháp nhiều đến đâu. Tin vào cái thấy sai ngược thì tạo nhân cho đời này kiếp sau cứ như thế mãi, khiến cơ hội hiểu được chánh pháp càng lúc càng thêm xa vời.

§ Chấp thủ tà kiến là cái tâm rất mực u tối. Hãy tưởng tượng mình là người như vậy. Tưởng tượng mình thấy rằng không làm gì có nhân quả, không làm gì có Phật Pháp và Tăng; thấy vô thường là thường còn, nương theo đó để tìm cầu hạnh phúc. Nghĩ xem mình may mắn đến mức nào mới  gặp được chánh  pháp, có được cơ hội học về những chủ đề thâm sâu, chuyển hoá đời mình.

  • # Chấp thủ tà kiến thì thấy mọi chủ đề trọng yếu Phật dạy đều là giả
  • # Theo lý thuyết sai ngược nên người chấp thủ tà kiến phải chịu khổ lớn đời này kiếp sau
  • # Thật là thiện duyên lớn được gặp Phật pháp, có được cơ hội chuyển hóa đời mình

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.8 Ung dung vì không vướng cảnh chấp thủ tà kiến



#Ngày 74 — có được thân người toàn hảo như vậy thật như chuyện trong mơ, khó tin như gã ăn mày tìm được hạt kim cương trong đống rác — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Ngoài việc thoát tám cảnh ràng buộc giúp ta mang ý nghĩa lớn lao về cho đời sống ra, hãy còn 10 điều khiến đời sống ta được sự sung túc tột bực, gọi là 10 sự sung mãn. Năm sự đầu tiên đến từ chính mình, là những điều sẵn có trong mình, khiến đời sống thật đầy đủ: sinh làm người, sinh vào nơi có Phật pháp, đầy đủ giác quan, không vướng năm nghiệp vô gián và có lòng tin nơi chánh pháp

§ Lần lượt lấy từng sự sung mãn ra để mà gầy dựng, chúng ta có thể thấy thân người toàn hảo này độc đáo như thế nào. Có được thân người đã là điều quá tuyệt vời, huống gì còn được sống nơi có chánh pháp với  thân thể đầy đủ mọi bộ phận, nhờ đó đến cả pháp tối thượng du già cũng có khả năng tu. Có được một sự sung mãn đã là chuyện hiếm hoi, được vài cảnh một lúc lại càng hiếm hoi hơn. Có được đầy đủ tất cả trong cùng một lúc là chuyện hiếm hoi không tưởng.

§ Càng cảm nhận được mức độ quý hiếm của thân tái sinh này sẽ càng thấy mình hạnh phúc. Kẻ ăn mày lượm được hạt kim cương trong đống rác dù mừng vui đến đâu cũng không thể sánh với sự mừng vui của chúng ta khi đơn giản nhớ rằng “mình đã có được thân người toàn hảo.” Ở trong cõi thế tục đầy lao lực khốn khổ này, đột nhiên có được viên ngọc châu vô giá, khi nào chúng ta có được cảm nhận này và pháp hành trở thành nguồn vui bất tận, thì đó là dấu hiệu cho thấy mình đang biết tận dụng kiếp người toàn hảo .

  • # Năm sự sung mãn đến từ chính mình là những phẩm chất làm thăng hoa đời sống
  • # Có được đầy đủ mọi sự sung mãn trong cùng một lúc là điều hiếm hoi không tưởng.
  • # Càng thấy thân tái sinh này quý giá tâm sẽ càng mừng vui

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.9 Năm sự sung mãn đến từ chính mình



#Ngày 75 — Hầu như chẳng mấy ai trên cõi địa cầu có thể hành trì chánh pháp, vậy mà chẳng hiểu nhờ phép mầu nào chúng ta lại có thể tu — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Năm sự sung mãn tiếp theo đến từ bên ngoài, đó là cảnh sinh vào thời (1) có Phật xuất thế; (2) Phật có thuyết pháp; (3) Phật pháp còn nguyên; (4) còn người tu theo; (5) đủ phương tiện tu. Cần hội tụ biết bao nhiêu thuận duyên mới có thể gặp và hành trì chánh pháp, đến nỗi chẳng khác gì phép lạ khi có ai làm được việc này.

§ Tuy vậy, thời gian chánh pháp còn tồn tại hầu như đã cạn. Mặc dù chánh pháp vẫn còn nhưng đã đến thời kỳ cuối. Các bậc đại đạo sư vẫn còn đây, nhưng liệu sẽ còn được bao lâu? Sẽ mau đến lúc chẳng còn ai có thể hành trì chánh pháp vì giáo pháp đã biến mất trên cõi thế gian. Trước mắt đường tu hãy còn được chánh pháp soi sáng, nhưng là tia sáng lập lòe cuối cùng của ngọn đèn đang tắt. Gặp lúc chưa mất hẳn thì hãy còn cơ hội để tạo nhân vui, tu theo pháp tu diệt vô minh phiền não, thành tựu vô thượng bồ đề. Đó là lý do vì sao thân người này lại quan trọng đến thế.

§ Vậy mà chúng ta đã vừa kịp có. Như vừa kịp đến sân bay trước giờ cửa đóng, máy bay cất cánh. Nếu chậm sinh ra, không kịp thọ pháp, chư vị đạo sư Tây tạng thị tịch hết rồi, chừng đó sẽ không còn ai có khả năng khai thị trọn đường tu cho ta. Đến lúc ấy, dù chỉ là hạt giống của trọn đường tu giác ngộ muốn gieo được vào trong tâm thức cũng đã khó, nói gì đến việc nghe được trọn giáo pháp. Vậy mà chúng ta vừa kịp, vừa kịp làm được rồi.

  • # Năm sự sung mãn tiếp theo đến từ ngoại cảnh cho phép ta hành trì chánh pháp
  • # Cơ hội trân quý này tồn tại khi còn chánh pháp còn tồn tại
  • # Chúng ta vừa kịp lúc, như kịp đến sân bay ngay trước giờ cửa đóng

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo
! 1.10 Năm sự sung mãn đến từ người khác



#Ngày 76 — Phí thân người toàn hảo này thật chẳng khác gì trúng số độc đắc mà không chịu đi lãnh tiền — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tám ung dung mười sung mãn không chỉ là danh sách những cảnh lý tưởng không thể nào có. Chúng ta đã có gần đủ, hay đã đủ hết. Đã đi được một chặng đường rất xa trên hành trình về nẻo giác. Phải biết vui là mình đã được như vậy, nhưng đừng bao giờ tự mãn. Chúng ta đã tạo đủ nhân duyên để đi xa được ngần ấy, đạt được bấy nhiêu sự ung dung sung mãn, nhưng vẫn phải luôn tiếp tục, đừng buông lơi, kẻo không ung dung sung mãn kia khó khăn biết bao mới có được mà lại dễ dàng để mất.

§ Khi xuống tinh thần và trầm cảm, cần nhớ nghĩ đến khổ đau địa ngục để ý thức rằng mặc dù ngay bây giờ mình không ở trong cảnh ấy, nhưng phiền não đang có trong tâm vẫn có thể đẩy mình vào nơi ấy. Khi tâm nổi tham thì hãy nhớ đến đến loài ngạ quỷ, vì nghiệp tham nặng nề đã gieo trong các đời quá khứ mà bây giờ phải chịu khổ đau bức bách vì thèm muốn không thể nào thỏa mãn, khủng khiếp đến mức nào. Bị con muỗi cắn thì đừng nổi nóng, hãy nghĩ xem con muỗi ấy vì đâu mà phải sinh ra với cái thân như thế, phải uống máu để sống.

§ Chúng ta có thể nhìn vào từng sự ung dung sung mãn theo cách này. Lấy từng cảnh sống hàng ngày của mình để quán chiếu về sự ung dung sung mãn tự tại mà mình đang có. Bất cứ việc gì xảy ra trong đời sống hàng ngày cũng đều có thể là Phật pháp, cho chúng ta thấy đời sống hiện tại của mình mầu nhiệm đến mức nào, sự ung dung sung mãn mà mình đang có hiếm hoi ra sao. Mỗi bước đi trong cuộc sống đều là lời nhắc nhở, rằng chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để hành trì chánh pháp, phá bỏ phiền não vẫn còn đeo bám trong ta. Không thể lãng phí, dù chỉ một phút.

  • # Phải vô cùng thận trọng đừng đánh mất ung dung sung mãn mà mình đã khổ công tích lũy
  • # Hãy so sánh vấn đề của mình với cảnh khổ lớn trong cõi ác đạo
  • # Mỗi việc ta trải qua trong đời sống hàng ngày đều là lời nhắc nhở hãy tu đi, đừng trì hoãn

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 1 Nhận diện thân người toàn hảo



#Ngày 77 — Thân người toàn hảo này là tấm vé đưa ta đến bất cứ nơi nào mình muốn — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Thân người toàn hảo này có ba lợi ích không thể nghĩ bàn: mang đến cho ta lợi ích nhất thời là niềm an vui của đời này kiếp sau; lợi ích cứu cánh là quả giải thoát và giác ngộ; và lợi ích có được khả năng làm cho mỗi phút giây trong đời sống này đều tràn đầy ý nghĩa. Muốn hạnh phúc nào cũng đều có được. Hạnh phúc nhất thời ví dụ như nhiều thời kỳ vô số sống trên cõi trời trường thọ, hay sinh vào tịnh độ vân vân, gọi là nhất thời vì đây không phải là mục tiêu cứu cánh của đời sống, và cũng vì đây là loại hạnh phúc có được khi còn trong sinh tử luân hồi, rồi sẽ có ngày chấm dứt.

§ Muốn sinh làm người, làm vua chuyển Pháp Luân hay làm thiên nhân cõi trời trường thọ, phải có thân người toàn hảo mới có khả năng chọn kiếp tái sinh. Thậm chí muốn sinh vào tịnh độ, nghe Phật và Bồ tát thuyết pháp cũng được. Nhờ bao kiếp trong quá khứ đã từng giữ giới, tu hạnh thí, và nguyện cầu trong sáng được sinh vào cảnh ấy, nay mới có được thân người toàn hảo. Kiếp này cũng làm theo như vậy sẽ có thể bảo đảm được về sau cũng sẽ lại có được thân người toàn hão

nay cũng như kiếp này là món quà đến từ công sức của mình đã bỏ ra trong các đời quá khứ, những kiếp về sau cũng vậy, đều tùy thuộc vào việc mình đang làm trong hiện tại. Đều tùy ở nơi mình. Chúng ta đã thiết tha cầu nguyện bao lâu để naycó được cơ hội này; bây giờ phải tiếp tục cầu nguyện để đủ duyên đi tiếp. Muốn sinh vào cảnh nào cũng đều có khả năng gieo nhân để đạt cảnh ấy.

  • # Thân người toàn hảo có khả năng mang đến cho ta cả hai nguồn hạnh phúc nhất thời và cứu cánh
  • # Chúng ta có khả năng chọn sinh làm người, làm vua, làm thiên nhân, hay vào tịnh độ
  • # Kiếp sau tái sinh về đâu là tùy bây giờ làm gì, hoàn toàn tùy ở nơi mình

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 2 Lợi ích có được thân người toàn hảo
! 2.1 Lợi ích nhất thời



#Ngày 78 — Trừ phi là quả Phật chánh đẳng giác phổ độ chúng sinh, ngoài ra không có gì xứng với thân người tuyệt vời mà ta đang có đây  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Xét trong ba mục tiêu vĩ đại của thân người toàn hảo thì vĩ đại nhất là cơ hội thành tựu quả vô thượng bồ đề. Chúng ta đã thấy thân người với đầy đủ 18 sự ung dung sung mãn là điều hiếm hoi quý giá đến mức nào. Hiếm hoi hơn hết là gặp được bậc thiện tri thức đại thừa đầy đủ phẩm hạnh, có khả năng khai thị cho ta không chỉ một vài đoạn mà trọn vẹn đường tu, không chút sai lầm. Chỉ khi nào chúng ta khởi chí nguyện muốn thành tựu Đại giác ngộ để phổ độ chúng sinh thì mới có thể nói rằng mình đã thật sự tận dụng tiềm năng của thân người toàn hảo mà mình đang có.

§ Nắm trọn Phật pháp trong tay lại được bậc dẫn đường chân chính chỉ lối, như vậy là chúng ta có đủ mọi thắng duyên để siêu việt cảnh sống đầy giới hạn này, tận diệt mọi che chướng trong tâm, phát đại nguyện phổ độ chúng sinh. Đây là điều có thể làm được. Con đường đã nằm ngay trước mắt: quy y Tam Bảo, phát tâm buông xả, nuôi tâm từ bi, khởi tâm bồ đề, chứng chân tánh của thực tại. Chỉ cần quyết định chọn theo con đường này. Rồi áp dụng phương pháp dạy trong Kim Cang thừa với tâm bồ đề, chúng ta sẽ đủ khả năng đi trọn con đường này một cách chóng vánh, không phải chờ nhiều lần a tăng tì kiếp như khi tu theo Kinh thừa.

§ Cần thấy rõ thân người toàn hảo mà mình đang có đây quý giá như thế nào. Chúng ta đã từng sinh ra làm người, đã từng có được một vài điều kiện ung dung sung mãn, nhưng chưa từng có đủ tất cả trong cùng một lúc, vì vậy nên dù cố gắng tìm niềm an vui chân chính cũng đều vướng lỗi và đều thất bại. Nay 18 ung dung sung mãn đều đủ cả, chỉ cần ra sức là quả giải thoát và giác ngộ đều nằm trong tầm với.

  • # Thân người toàn hảo cho ta cơ hội thành tựu quả giác ngộ viên mãn
  • # Chúng ta có đủ mọi thắng duyên để bước theo đường tu và mau chóng đạt mục đích
  • # Với thân người này, quả giải thoát và giác ngộ lần đầu tiên nằm trong tầm tay ta

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 2 Lợi ích có được thân người toàn hảo
! 2.2 Lợi ích cứu cánh



#Ngày 79 — Càng biết rõ cơ hội này hiếm hoi đến mức nào thì càng không khinh xuất bỏ phí dù chỉ phút giây — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hành trì chánh làm có nghĩa là tận dụng tinh túy của kiếp người toàn hảo. Và cốt lõi của tinh túy ấy là nỗ lực phát tâm bồ đề, đạt quả giác ngộ. Đây là điều “ngày cũng như đêm” đều phải làm. Không thời gian đâu cho mình lãng phí. Với tâm bồ đề thì mỗi phút mỗi giây đều trở thành kho báu bất tận.

§ Thắp nén hương với tâm bồ đề là tận dụng tiềm năng ngoài tầm nghĩ bàn của mình, là vì ngay khi ấy ta đang làm điều cần phải làm để đạt quả giác ngộ. Khi nén hương đang cháy, chúng ta tận dụng tiềm năng của mình. Khi nén hương cháy hết, chúng ta tận dụng tiềm năng của mình. Làm bất cứ việc gì với tâm bồ đề cũng đều giúp ta tận dụng tiềm năng giác ngộ của mình. Nếu công đức san sẻ một mẫu thức ăn cho con kiến với tâm bồ đề mà có thân thì thân ấy sẽ đầy khắp không gian vô tận. Đây là điều chúng ta có thể làm được, nhờ có được thân người toàn hảo này.

§ Ví như khi còn bé được cha cho một túi kim cương để khỏi phải chịu vất vả trong đời, nhưng vì ngu ngơ không biết gì nên vất hết xuống sông. Nay đã lớn hiểu chuyện, hối tiếc biết bao nhiêu cho vừa. Đây là cảm nhận cần phải có mỗi khi thấy mình phí mất một khoảnh khắc của thân người toàn hảo này. Hiểu được đời sống này quý giá đến độ nào thì sẽ không bao giờ để lãng phí dù chỉ một giây. Nghĩ đến việc phí một sát na cho việc bất thiện cũng phải thấy xót hơn là vất cả túi kim cương xuống sông.

  • # Thân người toàn hảo cho ta khả năng biến từng phút giây sống thành điều lợi ích
  • # Với tâm bồ đề thì làm việc gì cũng sẽ giúp ta tận dụng tiềm năng của mình
  • # Phí một giây cũng như là vất xuống sông cả một túi kim cương

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 2 Lợi ích có được thân người toàn hảo
! 2.3 Lợi ích trong từng sát na



#Ngày 80 — Nhân của kiếp người toàn hảo này vô cùng khó đạt — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì sao thân người toàn hảo lại quý giá đến thế? Vì sao hiếm lắm mới có ai có được thân người này? Đó là vì nhân đạt thân người toàn hảo này là điều rất khó đạt. Không tạo được nhân thì quả sẽ không đến. Đó là sự thật cơ bản nhất về nghiệp. Nhờ đã tạo đủ nhân nên nay mới có được thân người toàn hảo này. Biết nhân này khó đạt đến mức nào thì hiểu được mình đã phải nỗ lực cố gắng đến độ nào, không còn muốn lãng phí, dù chỉ phút giây.

§ Nhân của thân người toàn hảo này là giữ giới, bố thí, và chí nguyện trong sáng muốn về sau có được thân người toàn hảo để phụng sự chúng sinh. Trong những đời quá khứ ta không những ăn hiền ở lành mà có được giới hạnh thanh tịnh nhờ giữ nhiều bộ giới. Thêm vào đó, hạnh thí của chúng ta lớn rộng không tưởng. Chúng ta còn hiểu được rằng phải có thân người toàn hảo thì đường giác ngộ mới có thể tiến xa nên đã cầu nguyện rất nhiều để sinh được vào thân này. Muốn làm hết những việc này thì cái tâm phải thật mạnh mẽ quyết liệt, nhưng rõ ràng là chúng đã làm được tất cả, là vì trong hiện tại chúng ta đang hưởng quả lành.

§ Chưa vào thánh vị thì việc tạo công đức chẳng khác gì đẩy một tảng đá khổng lồ lên dốc cao, sẩy một bước là lăn ngược xuống đáy, mọi công sức trôi sông đổ biển. Không thể để mình chán mệt. Phải luôn nhớ mình sẽ tuyệt vọng đến đâu nếu tuột mất tảng đá, phí bao công sức để rồi phải làm lại từ đầu. Không thể để cho việc đó xảy ra với thân người toàn hảo này.

  • # Thân người toàn hảo rất hiếm, vì nhân rất khó đạt
  • # Nhân của thân người toàn hảo có ba: giữ giới, bố thí, và cầu nguyện trong sáng
  • # Quan trọng nhất là không được lãng phí công khó đã bỏ ra để có được thân người toàn hảo này

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 3 Thân người toàn hảo rất khó đạt
! 3.1 Nhân khó đạt như thế nào



#Ngày 81— Phải biết cơ hội gặp được Phật pháp và có được trọn vẹn giáo pháp của Phật là điều hiếm hoi vô tưởng đến mức nào — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Kinh Phật dùng nhiều ví dụ để giải thích thân người toàn hảo này hiếm hoi khó đạt đến mức nào, và vì sao lại khó đến như vậy. Thường gặp nhất là ví dụ con rùa mù và chiếc vòng trên mặt biển.

§ Có một con rùa mù sống trong lòng đại dương, cứ một trăm năm trồi lên mặt biển một lần. Trên mặt biển có một chiếc vòng vàng, theo sóng gió trôi nổi khắp nơi. Rùa mù cũng vậy, mỗi lần trồi lên một chỗ khác. Thử hỏi có được bao nhiêu cơ hội để khi trồi lên tròng được đầu vào chiếc vòng vàng? Gần như không chút cơ hội nào, chẳng phải sao? Cơ hội có được thân người toàn hảo này lại còn hiếm hơn vậy nữa.

§ Mỗi chi tiết trong câu chuyện này đếu có ý nghĩa. Chiếc vòng vàng là Phật pháp. Bằng vàng là vì Phật pháp quý giá tinh khiết. Con rùa là chúng sinh. Sống trong lòng biển là chúng sinh trầm luân trong ác đạo. Mù là vô minh, không biết Phật pháp, không biết phân biệt thiện ác. Bơi mù khơi trong lòng đại dương là chúng sinh triền miên trong khổ đau sinh tử. Biết bao lâu mới có được một lần tái sinh vào cõi cao, ví như chú rùa một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần. Phải biết là hiếm hoi đến như vậy, không những có được thân người, mà còn là thân người với đầy đủ tám ung dung, mười sung mãn.

  • # Có nhiều ví dụ về mức độ hiếm hoi khó đạt của thân người toàn hảo
  • # Câu chuyện con rùa mù cho thấy sinh ra với thân người toàn hảo là điều hiếm hoi vô tưởng
  • # Mỗi chi tiết trong câu chuyện đều có ý nghĩa

!! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 3 Thân người toàn hảo rất khó đạt
! 3.1 Nhân khó đạt như thế nào: câu chuyện rùa mù



#Ngày 82 — Chỉ có lúc này mới có được cơ hội thoát vòng khổ đau trầm luân khủng khiếp — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Thân người toàn hảo không chỉ có thân người mà còn cần sự hiện của toàn bộ Phật pháp, đây là điều cực kỳ hiếm hoi. Theo thế giới quan của Phật giáo thì một thế giới hệ có bốn đại kiếp, mỗi đại kiếp có hai mươi trung kiếp. Trong bốn đại kiếp ấy thì Phật pháp hoàn toàn vắng mặt ở ba đại kiếp thành, hoại, và không, chỉ có mặt ở đại kiếp trú, và cả lúc ấy cũng chỉ có mặt trong một khoảng thời gian rất ngắn.

§ Không những hiếm trong thời gian — chúng ta nay đã vào thời kỳ cuối cùng của Phật pháp — mà còn hiếm vì con số. Đang cùng ta có mặt trên cõi thế gian này có vô số chúng sinh, thế nhưng hưởng lợi từ Phật pháp có được bao nhiêu? Rất hiếm. Phật dạy so sánh số lượng chúng sinh ác đạo với thiện đạo cũng giống như so sánh bụi trên khắp mặt đất với bụi trên đầu móng tay. Chúng sinh ác đạo nhiều không thể tưởng tượng. So sánh chúng sinh cõi thiện đạo với cõi người cũng vậy, số lượng chúng sinh cõi người ít hơn rất nhiều. Và đương nhiên là còn ít hơn nữa, chúng sinh có được thân người toàn hảo.

§ Là kiếp tái sinh hiếm hoi nhất trong mọi thứ hiếm hoi, khó đạt nhất trong mọi thứ khó đạt. Đừng nói chi đến cái nhân khó gieo hay Phật pháp khó gặp, chỉ nhìn vào con số thôi cũng đủ thấy thân người toàn hảo này hiếm hoi đến mức nào.

  • # Chỉ trong thời kỳ trú này mới có cơ hội gặp được trọn Phật pháp
  • # Chúng sinh nhiều vô số, nhưng chẳng mấy ai hưởng được lợi ích từ Phật pháp
  • # Là kiếp tái sinh hiếm hoi nhất trong mọi thứ hiếm hoi, khó đạt nhất trong mọi thứ khó đạt

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 3 Thân người toàn hảo rất khó đạt
! 3.2 Hiếm hoi khó gặp



#NGÀY 83 — KHÔNG CÒN BAO LÂU ĐỂ HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP, NẾU KHÔNG RA SỨC NGAY CHO KỊP, CHẮC CHẮN SẼ LỠ CƠ HỘI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nếu thân này tồn tại lâu dài, luôn được toàn hảo, biết chắc đời sau sẽ lại được thuận tiện như bây giờ thì cứ hãy thư thả, đợi bao giờ tu cũng được. Nhưng sự việc lại không như thế. Đời sống ngắn ngủi không bền, vừa chớm sinh ra là đã vào quá trình hoại diệt, lại không thể biết bao giờ chết. Nhiều người còn ấu thơ mà đã chết, nhiều người vừa trưởng thành đã chết, nhiều người vì bệnh, vì tai nạn, chết ở tuổi trung niên. Cơ hội chết có rất nhiều, cơ hội sống lại chẳng được bao nhiêu.

§ Như kẻ trộm tìm ngọc trong bóng đêm sâu dày, chợt tia chớp xẹt ngang, thấy được viên ngọc ở bên đường. Nếu không nhanh tay lượm ngay, bóng đêm sẽ lại phủ kín. Tận dụng tinh túy kiếp người cũng giống như lượm viên kim cương kia, chỉ có thể làm được trong khoảng đời ngắn ngủi như tia chớp này.

§ Có được thân người toàn hảo mà không lãng phí thì sẽ luôn thư thả an vui. Đủ thuận duyên lại biết tận dụng cơ hội này thì đến khi chết tâm sẽ thấy rất yên và rất vui. Đây là điều quan trọng. Khi cái chết ập xuống, dù đang ăn, đang đi, đang dự tiệc, hay đang thực hiện công trình, bất kể là đang làm gì, cũng không có việc nào chưa kịp làm, trải nghiệm nào chưa kịp sống để phải thấy hối tiếc. Chúng ta đã làm hết những gì cần làm.

  • # Đời sống ngắn ngủi vô cùng, vừa chớm sinh ra đã bắt đầu hoại diệt
  • # Tận dụng tinh túy cũng giống như nhanh tay lượm hạt kim cương khi tia chớp xẹt ngang
  • # Nếu muốn chết với tâm an vui thì đừng lãng phí cơ hội này

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 3 Thân người toàn hảo rất khó đạt
! Ngắn ngủi không bền



#NGÀY 84 —TỪ LÚC CHÀO ĐỜI ĐẾN NAY ĐƯỢC BAO NHIÊU NGÀY THÁNG NĂM, HẦU HẾT ĐÃ LÃNG PHÍ — LAMA YESHE

§ Nếu xét lại từ lúc chào đời đến nay mình đã làm được gì thật sự có ý nghĩa, mang đến hạnh phúc chân chính và đời sống hỷ lạc, quý vị nghĩ mình có sẽ tìm thấy được gì không? Xét thử xem. Đừng xét người khác, hãy xét chính mình. Không có gì phức tạp cả, chúng ta có thân khẩu và ý, chỉ ba thứ này thôi. Việc nào mình đã làm thật sự có ý nghĩa?

§ Điều Thầy muốn nói, đó là hầu hết mọi hoạt động thân khẩu và ý của ta đều chỉ khiến mình thêm nhiều bức xúc, mê loạn. Xét thử mà xem, một ngày có bao nhiêu giờ? Được bao nhiêu giờ giữ ý thức? Được bao nhiêu giờ sống tích cực? Xét như vậy đó, đơn giản lắm. Cách xét việc của Phật giáo rất khoa học, ai cũng làm được. Không lập dị mà rất thực tế. Chúng ta phải tự xét cho chính mình.

§ Dù có nghĩ rằng mình đang bước theo con đường tâm linh, đang sống đời hành giả, cũng chỉ là trò đùa. Ngồi thiền, đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, viếng chùa thường xuyên, hay bất cứ hoạt động tôn giáo quen thuộc nào khác đều chẳng có gì đáng nói. Việc cần làm là việc lại nguồn hạnh phúc bền vững, một trạng thái hỷ lạc chân chính, không phải thứ thỏa mãn nhất thời. Còn việc làm nào khiến tâm thêm nhiều ràng buộc thì việc làm ấy không phải là chánh pháp, không phải là chân thiền, không phải là tôn giáo chân chính, đây là điều Thầy có thể khẳng định. Quý vị hãy tự xét mà xem. Nghĩ mình đang làm điều đáng làm, đó chẳng phải chỉ là cái tâm ô nhiễm đang mơ mộng thôi sao?

  • # Chúng ta đã làm được gì mang đến nguồn hạnh phúc chân chính và đời sống hỷ lạc chưa?
  • # Hoạt động thân khẩu và ý của chúng ta thường chỉ khiến tăng thêm bức xúc, mê loạn
  • # Chúng ta cần xét xem mình có thật sự đang theo con đường tâm linh hay không

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 4 Tận dụng tinh túy của thân người toàn hảo (1)



#NGÀY 85 — BAO NHIÊU SỞ HỮU VẬT CHẤT ĐỀU KHÔNG THỂ SÁNH VỚI THỨ SỞ HỮU QUÝ GIÁ HƠN CẢ, LÀ THÂN NGƯỜI ĐỦ TIỀM NĂNG MANG ĐẾN NGUỒN HẠNH PHÚC CHÂN CHÍNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Các bậc đại hành giả trong quá khứ không có gì cả, nhưng yên vui vô hạn. Ví dụ điển hình nhất là đức Milarepa, bậc đại hành giả Tây tạng trong thời kỳ Phật pháp cuối cùng mà một đời tu thành Phật. Ngoài chỗ ngồi thiền và một cái nồi, Ngài không có gì khác. Không tiền, áo quần cũng không có gì ngoài một tấm khăn bông mỏng mảnh rách tơi. Vậy mà Ngài có được niềm vui không ai tin nổi. Là vì có được tự do hành trì chánh pháp. Có được tự do này là nhờ có được, và biết quý, thân người toàn hảo. Nhờ vậy mà Ngài đạt được quả toàn giác trong một kiếp người ngắn ngủi.

§ Chúng ta có thể nghĩ rằng đức Milarela đặc biệt hơn người, hay nghĩ rằng thời đó dễ đắc quả hơn, còn bây giờ mọi sự khó hơn nhiều. Nhưng chúng ta cũng có được ngay đúng cái thân người toàn hảo mà đức Milarepa có. Với cái thân mà chúng ta đang có đây, chúng ta muốn làm gì cũng sẽ làm được, không cần điều kiện nào khác hơn là sự ung dung sung mãn mà mình đã có. Ngay bây giờ, ngay thời điểm hiện tại, chúng ta đã có đủ cả. Và giá trị những gì chúng ta có, tài sản của mọi thế giới gộp lại cũng không thể sánh. Thân người toàn hảo này quý giá đến như vậy.

§ Có tài sản nào lớn hơn là khả năng buông bỏ gốc rễ của khổ đau, chứng được chân tánh của thực tại, trân quý người khác hơn cả bản thân? Có gì nhiều giá trị hơn là cái tâm quý giá nhất, tâm bồ đề cầu quả giác ngộ để độ sinh? Giá trị của những điều này dù là cả trời rộng chứa đầy ngọc như ý cũng không thể sánh bằng.

  • # Hành giả trong quá khứ như đức Milarepa không sở hữu thứ gì cả nhưng có được niềm hỷ lạc vô hạn
  • # Sự ung dung sung mãn có được đây, tài sản của mọi thế giới gộp lại cũng không thể sánh
  • # Giá trị lớn nhất nằm ở tâm buông xả, tâm bồ đề, và trí tuệ chứng biết chân thực tại.

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! 4 Tận dụng tinh túy của thân người toàn hảo (2)



#NGÀY 86 — KHÔNG BẮT ĐẦU BÂY GIỜ THÌ ĐỢI ĐẾN BAO GIỜ? SẼ KHÔNG CÓ LÚC NÀO THUẬN TIỆN ĐỂ HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP HƠN LÚC NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Giáo pháp về thân người toàn hảo cho chúng ta thấy rõ mình may mắn đến mức nào, hoàn cảnh hiện tại của chúng ta hiếm có ra sao. Ngay trong thời điểm này chúng ta đang nắm trong tay đủ phương tiện đạt bất cứ điều gì mình muốn; đủ phương tiện tạo nhân cho quả an lạc toàn hảo.

§ Vì vậy chúng ta phải khởi quyết tâm tận dụng từ khoảnh khắc sống. Vào lúc này, với thân và tâm này, với cảnh sống này, chúng ta có được cơ hội quý giá và duy nhất để hiểu giáo pháp Phật dạy, và đạt thành tựu trên đường tu giác ngộ. Nếu thử, sẽ không có gì không thể làm được. Đây là điều ta cần thấy rõ. Cần hiểu tiềm năng của mình là vô tận để đừng tự cản trở cơ hội quý giá của mình bằng phiền não tự ti, “tôi không làm được, tôi chẳng thể làm nên tích sự gì!”

§ Đã đến lúc cần suy to, nghĩ lớn, cần ý tưởng khổng lồ. Đã đến lúc lên kế hoạch vĩ đại, vạch dự án lớn trước mắt, cảm thấy may mắn là mình có đủ khả năng đạt đến mục tiêu phát huy tiềm năng cho đến mức tối đa. Chúng ta có tấm gương hoàn hảo là đức Phật và vô vàn đại hành giả theo gót chân Phật, cũng như chư đạo sư tôn quý mà mình đã đủ duyên được chư vị cho pháp và chạm tim. Chúng ta biết mình cũng có tiềm năng y như chư vị. Phật Thích ca đã từng giống y như ta bây giờ; đức Đalai Lama cũng đã từng giống y như ta bây giờ. Nay đến phiên chúng ta trở thành giống y như chư vị. Mọi thuận duyên đều đã hội đủ. Chỉ còn cần sự quyết tâm.

  • # Với thân người toàn hảo này chúng ta có thể tạo duyên đạt nguồn an lạc toàn hảo
  • # Phải hiểu tiềm năng của mình là vô tận để tận dụng từng khoảnh khắc
  • # Đã đến lúc lên kế hoạch vĩ đại noi gót Phật Thích Ca

! THÂN NGƯỜI TOÀN HẢO
! Kết



#NGÀY 87 — NGAY TỪ LÚC CHÀO ĐỜI ĐÃ BIẾT CHẮC RẰNG MÌNH SẼ CHẾT — LAMA YESHE

§ Đệ tử hành trì chánh pháp cần hiểu lời dạy khoa học của Phật về vô thường và cái chết. Đừng cố trốn tránh thực tại này. Phải nhìn thẳng vào cái chết.

§ Đương nhiên rồi, người nào lớn lên trong nền giáo dục đời nay chắc sẽ thấy chủ đề này hơi quá đáng. Nói chung đâu có ai dạy cho chúng ta về khía cạnh này của thực tại. Khi Thầy nói về cái chết, có khi chúng ta lại nghĩ rằng “Ôi, đó là chuyện của Thầy, mắc mớ gì tới tui,” dù rõ ràng là ngay trong hiện tại chúng ta đã mang sẵn trong mình tật bệnh và cái chết. Làm thế nào để chối bỏ bản chất tự nhiên của chính mình? Làm thế nào để khỏi chết khi phải sống ngụp lặn trong những thứ có thể khiến mình chết ngay tức khắc?

§ Nên Thầy thường nói Phật pháp chẳng lịch sự tí nào. Vạch trần trụi bản chất của chúng ta. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta phải khóc rống, “Chao ôi kinh khủng quá, tôi sẽ bệnh và sẽ chết! Chết thật quá đáng sợ! ” Đừng có mà suy nghĩ kiểu thường tình. Tưởng đó là trí tuệ à? “Thôi đừng nhắc tới, tôi không thích nghe đâu! ” Suy nghĩ kiểu này không phải là trí tuệ. Hãy nghĩ kỹ lại đi. Người già không thích mình già nên trốn tránh, phủ nhận. Là trí tuệ ư? Thầy thấy theo quan điểm của Phật giáo thì đó chỉ là ngu muội, là vô minh, phủi bỏ tuổi già, không nhắc đến cái chết. Chúng ta cũng không thể nói là dạy về cái chết là chuyện của người phương Đông. Cái chết của mình là chuyện của người phương Đông à? Do Phật chế ra à? Chắc chắn không phải rồi. Cái chết của chúng ta không phải do tập quán phương Đông tạo ra, cũng không do đức Phật hay Phật giáo tạo ra. Chúng ta tự nhiên vốn sẽ chết, chối bỏ thế nào được?

  • # Là người tu theo Phật giáo, đối diện với thực tại của vô thường và cái chết là điều thiết yếu
  • # Ta không thể trốn tránh cái chết khi chính mình còn ngụp lặn trong những thứ có thể khiến mình chết liền tức thì
  • # Chết là bản chất tự nhiên của ta nên kích động hay chối bỏ cái chết là việc ngu xuẩn và vô minh

! Vô thường và cái chết



#NGÀY 88 — KHÔNG NHỚ CHẾT THÌ SẼ KHÔNG NHỚ CHÁNH PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không hiểu về vô thường và cái chết thì sẽ không nỗ lực vì hạnh phúc chân chính của mình hay của người khác. Không những không thể bắt đầu hành trì chánh pháp mà còn không thể khống chế được tham và sân. Phí bỏ cả đời cho việc vô nghĩa, không có cơ hội tạo chút thiện đức nào. Khổ nạn ập xuống như mưa sa, cuộc sống hóa phức tạp, đắc đỏ, và chúng ta đuối ngạt trong những mối bận tâm thế tục, tiền tài, sức khỏe, tinh thần, tình thân, để đến khi giờ chết điểm mới thấy ra mình đã phí hết đời mình, khổ đau kinh khiếp đang chờ ngay trước mắt.

§ Những việc đã làm không có gì là chánh pháp, kể cả việc tu tập theo Phật pháp. Ăn, ngủ, làm việc, mua sắm, đều làm với cái tâm chấp thường còn và, vì vậy, chỉ để cung phụng ngã ái. Nhưng khi ta lạy Phật, thiền quán, tụng chú, đọc sách Phật vân vân thì cũng có khác gì đâu. Không có gì thành chánh pháp cả, trừ phi cảm nhận được mình cũng vô thường.

§ Chánh pháp là những gì giữ ta khỏi rơi cảnh khổ. Những việc như vậy sẽ giúp ta thoát bận tâm thế tục. Có thể thoát bận tâm thế tục được chăng nếu không ý thức về vô thường và cái chết? Để bẻ gãy thói quen chấp bám vào đối cảnh, chỉ muốn thôi là không đủ. Từ tận đáy lòng phải thật sự thấy rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Phải biết sợ cái chết một cách lành mạnh. Được như vậy thì việc mình làm mới có ý nghĩa vì đều là để chuẩn bị cho đời sau chứ không giam mình vào kiếp hiện tại.

  • # Chưa hiểu về vô thường và cái chết thì chưa thể bắt đầu tu
  • # Với cái tâm chấp thường còn thì làm việc gì cũng không thành Phật pháp, kể cả việc tu
  • # Sợ cái chết một cách lành mạnh sẽ tiếp sức cho ta thoát mọi bận tâm thế tục

! Vô thường và cái chết
! 1 Tai hại không nhớ chết
!1.1 Sẽ không nhớ để mà tu



#NGÀY 89 — CHÚNG TA TƯỞNG MÌNH SẼ SỐNG RẤT LÂU NÊN VIỆC QUAN TRỌNG CHẲNG CÓ GÌ LÀM XONG CẢ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không nhớ chết thì sẽ chỉ biết quan tâm đến chuyện đời này. Cả cuộc sống ngụp lặn trong muôn vàn bận rộn lo toan thế tục, không còn thời gian tạo chút công đức nào. Vẫn biết mình đương nhiên là sẽ chết, nhưng đó là chuyện về sau, trước mắt chẳng có gì đáng lo. Sống với vọng tưởng chắc chắn mình sẽ không chết ngày hôm nay thì những việc thật sự có ý nghĩa sẽ chẳng làm xong được việc nào.

§ Gặp cảnh khó khăn thì ngập đầu với khó khăn, Phật pháp dù có đã học cũng chẳng tâm trí đâu để mà tu. Gặp cảnh suông sẻ cũng không tâm trí đâu để mà tu. Dư thời gian để ngủ, xem ti vi, ăn uống, viếng thắng cảnh, nhưng đọc kinh sách hay tu thiền thì không hứng. Là vì không nhớ vô thường và cái chết nên gặp chướng ngại lớn. Bất kể làm gì vẫn luôn còn một việc thế gian khác cần làm nốt trước khi có thể hành trì chánh pháp. Bản chất của lo toan thế tục là như vậy, cái này sinh cái kia, không bao giờ dứt, nhưng chúng ta vẫn ngu si tin rằng việc lo toan trước mắt là việc sau cùng: chuyện còn đó, chờ mình làm cho xong, đầu óc đâu nữa để mà tu, thôi thì ráng nốt cho xong mỗi việc này nữa thôi. Phật pháp cứ thế gát lại mãi, chỉ vì đã không nhớ vô thường và cái chết. Rồi thì chưa kịp tu là đã chết mất rồi.

§ Thấy mình không có thời gian để tu thì đừng có mà trách ông chủ, vợ, chồng, con cái, hay là con chó. Đó chỉ toàn là lỗi của việc không nhớ được vô thường và cái chết.

  • # Vẫn biết là mình sẽ chết, nhưng ngay bây giờ thì chưa có gì đáng lo
  • # Bị cuốn vào chuỗi lo toan thế tục không bao giờ chấm dứt, chúng ta gát lại việc tu, rồi chết
  • # Không nhớ vô thường và cái chết thì không bao giờ tìm ra thời gian để tu

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 1 Tai hại không nhớ chết
! 1.2 Sẽ không rảnh để mà tu



#NGÀY 90 — CÒN THẤY MÌNH CÒN LÂU MỚI CHẾT THÌ TU GÌ CŨNG BỊ Ố — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không nhớ vô thường và cái chết thì dù có tu cũng không thành chánh pháp. Chúng ta có thể đã không còn ngán tọa thiền, không còn gát việc tu qua một bên, nhưng tu gì cũng vẫn thiếu lực, không có kết quả. Chúng ta ngồi thiền với cái tâm trì trệ, xao lãng, tán tâm theo những việc hấp dẫn hơn. Tuy hiểu rõ giá trị của việc lễ lạy và những pháp tu tích lũy công đức khác, nhưng lại thấy thật khó mà tu được thật sự.

§ Chúng ta hiểu hành trì chánh pháp là điều rất quan trọng, nhưng không thể tu cho hết mình, vì vậy không làm được việc gì ra hồn. Nhập thất thì chỉ quan tâm muốn người khác thấy mình ngồi thật đẹp, tu thật giỏi; tụng chú thì thích tụng bằng tràng hạt lưu ly quý giá đắc tiền. Nhưng vì tâm lực yếu ớt nên không có được chút thành tựu nào. Dù biết lòng tham rất nguy hiểm vẫn không đủ sức dẹp bỏ lòng tham. Cũng có khi thọ giới để hộ trì tâm mình, nhưng lại không đủ quyết tâm để giữ giới. Có làm được đôi ba Phật sự chân chính thì cũng dễ bị những mối bận tâm thế tục vấy bẩn.

§ Cần đạt đến trình độ có thể đem mọi nhu cầu sống thoải mái trong kiếp sống hiện tại vất như vất giấy vệ sinh. Uy lực này của tâm, chưa cảm nhận sâu xa về vô thường và cái chết thì sẽ không thể nào có được.

  • # Không nhớ vô thường và cái chết thì pháp tu sẽ vướng ô nhiễm
  • # Việc tu và Phật sự sẽ dễ dàng bị những mối bận tâm thế tục vấy bẩn
  • # Thiếu mất cảm nhận sâu xa về vô thường và cái chết thì sẽ phải bám dính theo lạc thú đời này

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 1 Tai hại không nhớ chết
! 1.3 Dù có tu, pháp tu cũng không thuần tịnh



#NGÀY 91 — NHIỄM TÂM CHẤP THƯỜNG SẼ LẺN VÀO CƯỚP HẾT NĂNG LỰC CỦA TA, NHƯ KẺ TRỘM CƯỚP HẾT CHÂU BÁU TRONG NHÀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn tránh đọa ác đạo thì ngay thời điểm chết phải khởi tâm thiện. Muốn chắc chắn làm được việc này thì tâm thiện nói chung phải rất mạnh. Nói vậy có nghĩa là phải hành trì chánh pháp cho thật tinh tấn và liên tục, chứ kiểu khi có khi không thì vô ích. Không cảm nhận được vô thường và cái chết một cách sâu xa thì dù có được cá tính mạnh mẽ, quyết tâm hành trì, nhập thất nghiêm mật, nói ví dụ vậy, pháp hành cũng vẫn sẽ không đều. Sẽ có những lúc buông lơi, quên pháp, hay tu tập nửa vời. Ngay lúc ấy mà chết thì mọi điều lành đã làm đều hỏng cả.

§ Hãy xét tâm của chính mình. Thình lình bất ngờ. Như khi đang nghĩ về một việc gì đó, hãy ngưng lại và tự hỏi, “Có nhớ là mình có thể sẽ chết ngày hôm nay hay không?” Chắc là không rồi. Quý vị có thể buổi tối thiền về chết và vô thường rồi lên giường ngủ với cái tâm chấp thường. Đủ thấy vọng tưởng chấp thường xâm lấn mạnh mẽ đến mức nào. Vì vậy mà phải cứ liên tục kéo mình trở về lại với lời dạy về vô thường và cái chết, nhớ tới, nhớ lui, hoài mãi không thôi. Phải liên tục nhắc nhở chính mình việc nhớ chết nhớ vô thường quan trọng đến mức nào.

§ Cần thấy rõ cái tâm chấp thường lừa gạt ta như thế nào. Nếu không đúng mà vô hại thì có khi sống chung cũng được, giống như chân khiễng, hay gì đó đại loại. Nhưng đây lại là chứng bệnh kinh niên, khiến ta phải chết trong tham chấp rồi đọa sinh ác đạo.

  • # Không cảm nhận sâu xa về chết và vô thường thì pháp hành sẽ không bền
  • # Cần kiểm soát tâm mình, luôn tự nhắc nhở là mình có thể sẽ chết ngày hôm nay
  • # Vọng tâm chấp thường là chứng bệnh kinh niên khiến ta đọa rơi ác đạo

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 1 Tai hại không nhớ chết
!1.4 Dù tu thuần tịnh cũng sẽ không liên tục



#NGÀY 92 — KHÔNG NHỚ VÔ THƯỜNG THÌ CHỈ LÀM NÔ LỆ CHO NHIỄM TÂM PHIỀN NÃO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mỗi giây ta đều chạy đến gần hơn với cái chết, không cách gì thoát. Cũng không thể ngưng, dù chỉ một giây. Mỗi giây đều đến gần hơn với cái chết. Nhưng vì không ý thức nên chẳng những không chuẩn bị gì cho cái chết, chúng ta lại còn làm đủ cách để bảo đảm rằng khổ đau sẽ ngập tràn trong những đời về sau của mình. Vì một mớ hạnh phúc thế tục nhất thời, thứ hạnh phúc không có gì là hạnh phúc, mà tạo bao ác nghiệp. Không hiểu nhớ vô thường và cái chết quan trọng đến mức nào nên không phân biệt được việc nào là ác, việc nào là thiện. Nói tóm lại, chúng ta hoàn toàn không có chút khái niệm gì về chánh pháp cả.

§ Nếu thấy được hậu quả việc mình làm thì sẽ thận trọng hơn rất nhiều, đàng này lại cảm thấy rằng mình sẽ sống đời, làm gì cũng được, không có hậu quả. Vì vậy mà cứ sống không quan tâm đến động cơ hành động của mình, để cho cái tâm chấp hạnh phúc đời này khống chế. Tám pháp thế gian [bát phong] là ông chủ, chúng ta cắm cổ tuân lời. Bất kể hậu quả, cứ mãi chạy theo danh vọng, tiếng tăm, lạc thú, tài sản… theo những gì chúng ta cho là sẽ mang hạnh phúc đến cho mình. Và cứ thế mà càng lúc càng vướng kẹt sâu hơn trong sinh tử luân hồi.

§ Phí hết đời mình cho những việc làm vô nghĩa, không bao giờ có cơ hội tạo chút công đức nào cả. Khổ nạn ụp xuống. Đời sống trở nên khó khăn, phức tạp, hệ lụy ngập đầu, tài chánh, sức khỏe, tinh thần, tình thân… Rồi đến tận giờ chết điểm mới thấy ra được rằng mình đã lãng phí đời mình như thế nào, thấy khổ đau khủng khiếp đang chờ ở phía trước.

  • # Thay vì chuẩn bị cho cái chết thì làm đủ cách để bảo đảm khổ đau sẽ ngập tràn những kiếp sau
  • # Chúng ta bám dính vào hạnh phúc đời này và tuân theo tám pháp thế tục [bát phong]
  • # Đến khi chết điểm mới thấy ra rằng mình đã lãng phí đời mình cho những chuyện vô nghĩa

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 1 Tai hại không nhớ chết
! 1.5 Sẽ luôn tạo ác nghiệp



#NGÀY 93 — CHỐI BỎ CÁI CHẾT KHÔNG GIẢI ĐƯỢC NẠN CHẾT CŨNG KHÔNG GIẢI ĐƯỢC NỖI SỢ CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chết là hiện thực. Chối bỏ cái chết, như nhiều người vẫn làm, là điều rất nguy hiểm. Sống trong hoang tưởng như đang mê ngủ, không nhìn thấy thực tại của đời sống. Nhìn vô thường mà tưởng là thường còn, khủng hoảng khi chứng kiến đại vô thường là cái chết đến. Đột ngột, bất ngờ, cái chết đã ở ngay trước mặt. Đời sống đã không còn. Thời gian để tu thiền, để phát tâm, đã cạn. Lần đầu tiên trong đời phải đối đầu với thực tại của đời sống, dù có sợ đến mức nào cũng không còn thời gian làm bất cứ điều gì để cứu vãng.

§ Đến khi ấy, than ôi, hối tiếc biết bao cho vừa. Khi chết chúng ta sẽ thấy trọn đời mình một cách rõ ràng, như xem một cuộn phim tài liệu, mỗi việc mình làm đều trải ra trước mắt, mọi lỗi lầm, ích kỷ, hại người. Sẽ thấy mình đã bám dính vào những việc làm vô nghĩa, vào những thú vui phù du trong đời, vì đó mà tạo đủ thứ ác nghiệp. Xem cuốn phim tài liệu này có thể sẽ khiến mình kinh hãi. Thầy nghe nói khi phải trải qua việc này người ta thường chìm ngập trong nỗi kinh hoàng đầy hối tiếc.

§ Chúng ta có thể thấy hay không thấy sự nông cạn của đời mình trước khi chết, nhưng khi chết thì chắc chắn sẽ thấy. Tỷ phú thành công trong cõi thế tục, đạt mọi thành tựu vật chất, nhưng có lẽ đã vuột mất điều thật sự có ý nghĩa, đến thời điểm chết sẽ phải trực diện với sự thật kinh hoàng này.

  • # Chết là hiện thực. Chối bỏ cái chết, như nhiều người vẫn làm, là điều rất nguy hiểm
  • # Đến khi chết, mọi lầm lỗi sẽ hiện ra trước mắt như xem một cuốn phim tài liệu
  • # Nếu sống vô nghĩa thì sẽ chết với cái tâm kinh hoàng đầy hối tiếc

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 1 Tai hại không nhớ chết
!1.6 Sẽ chết trong hối tiếc



#NGÀY 94 — NHỚ VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT THÌ PHIỀN NÃO LÀ NHÂN ĐỌA ÁC ĐẠO SẼ TAN BIẾN NHƯ SƯƠNG MAI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có sự khác biệt rất lớn giữa cách nghĩ đến cái chết của người thế gian và của người tu chánh pháp. Người thế gian không thể điều khiển cái chết hay chọn kiếp tái sinh, chỉ có thể theo nghiệp và phiền não mà đi, vì vậy chết đối với họ là điều đáng kinh hãi. Người tu chánh pháp có cách đảm bảo cho mình có được không những là một kiếp tái sinh tốt đẹp, mà còn được cả thân người toàn hảo, là kiếp tái sanh thù thắng nhất để tiến bước trên đường tu giác ngộ.

§ Trước đó, chúng ta có dư thời gian để làm đủ mọi chuyện vô nghĩa trong đời và không có thời gian cho Phật pháp. Nhưng bây giờ bắt đầu tu, chúng ta đảo ngược tình thế. Có thời gian để học, để thiền, để nhập thất, không còn thích thú với những việc làm vô nghĩa. Mọi trở ngại trên đường tu tan biến cả, vì chúng ta thấy được rằng hết thảy đều đến từ tâm mình, không phải từ ngoại cảnh.

§ Gia đình chào xáo, tài sản quý giá nhất bị cướp đi, hay mất việc làm, khi gặp đại nạn trong cuộc sống, trước đây có thể khiến mình phát điên, thậm chí muốn tự sát, nhưng nay vì nhớ được vô thường và cái chết nên thấy chẳng việc gì mà phải bám dính vào đó. Hoàn cảnh vẫn thế, nhưng tiếp cảnh ấy bằng cái tâm tham và sân, đó mới thật sự là nguyên nhân gây khổ đau, nguyên nhân đọa sinh ác đạo. Nhớ vô thường và cái chết thì thấy được là mình ngu ngốc đến mức nào, nên tự nhiên sẽ làm tan biến cái tâm tiêu cực lẽ ra phát sinh trong hoàn cảnh ấy. Trong một tích tắc, chúng ta cứu mình khỏi đọa rơi ác đạo.

  • # Là người tu theo chánh pháp, chúng ta có được phương tiện để bảo đảm kiếp sau sẽ lại có được thân người toàn hảo
  • # Chúng ta không còn hứng thú trước việc vô nghĩa, đủ thời gian để học, tu thiền, nhập thất
  • # Nhớ vô thường và cái chết thì khỏi phải đọa rơi vào ác đạo

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 2 Lợi ích nhớ cái chết
! 2.1 Khỏi đọa ác đạo và có được thân người toàn hảo



#NGÀY 95 — NHỚ VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT LÀ MỘT BÚA ĐẬP VỠ TOÀN BỘ NHIỄM TÂM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nhớ chết sẽ khiến ta cực kỳ tỉnh táo. Đi ngang khu rừng nhiều cọp thì nhất định sẽ mở to mắt mà đi, không mơ màng lơ đễnh. Tâm trí sẽ chỉ nghĩ đến cọp, xét kỹ mọi chuyển động, nghe ngóng mọi âm thanh. Cọp trong rừng là cái chết, có thể vồ ta bất cứ lúc nào. Nếu biết thì tâm sẽ luôn nghĩ đến, muốn chú tâm chẳng khó gì. Chừng đó mọi chủ đề Lamrim không những trở nên sống động có ý nghĩa, mà còn là lá chắn bảo vệ cho ta. Không phải để khỏi chết, mà là để thoát cái chết tồi tệ, khỏi phải đọa sinh vào nẻo dữ.

§ Có cọp núp trong bụi rậm thì phải luôn cảnh giác. Tương tự như vậy, đừng bao giờ quên khi có cái chết rình rập cạnh bên. Được vậy thì mọi chướng ngại ngăn trở pháp hành sẽ dễ dàng tan bay. Nhớ chết sẽ khiến ta xét lại đời mình, sắp xếp lại thứ tự việc ưu tiên trong cuộc sống. Tám pháp thế tục khen chê, vinh nhục, được mất, sướng khổ sẽ không còn khiến chúng ta bận tâm. Sống thoải mái hay không có quan hệ gì, như hoa đẹp trên rừng chẳng là gì khi đang có cọp. Chỉ hành trì chánh pháp mới là điều thật sự quan trọng. Tịnh tâm tích phước để bảo đảm cho mình một kiếp tái sinh tốt đẹp về sau.

§ Người thế gian nỗ lực cho đời này một cách dễ dàng và tự nhiên nhưng hành trì chánh pháp thì lại rất khó. Người tu chánh pháp có cái tâm nhớ và sợ cái chết thì ngược lại, hành trì chánh pháp một cách dễ dàng tự nhiên còn tạo ác nghiệp thì không tưởng tượng nổi.

  • # Phải biết sợ chết như sợ cọp trong rừng
  • #Có như vậy mọi chướng ngại ngăn trở pháp hành mới dễ dàng tan bay
  • # Sợ chết thật sự thì sẽ không còn cái tâm muốn phạm việc bất thiện

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 2 Lợi ích nhớ cái chết
!2.2 Có được sức mạnh phá hủy nhiễm tâm



#NGÀY 96 — NHỚ CHẾT KHÔNG CHỈ QUAN TRỌNG Ở BƯỚC KHỞI ĐỘNG MÀ CẦN THIẾT CHO MỌI BƯỚC TIẾN TRÊN ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quan trọng là phải nhớ vô thường và cái chết ở đầu con đường tu, vì điều này sẽ tạo nguồn năng lượng giúp ta khởi động và bước tiếp mà không gặp khó khăn. Đường tu này bắt đầu khi chúng ta biết nhìn xa hơn hạnh phúc đời này, chuẩn bị cho những kiếp về sau. Đây là đoạn đường của bậc sơ căn, bao gồm những pháp quán cơ bản như vô thường, khổ ác đạo, quy y, và nghiệp. Nhớ vô thường và cái chết sẽ là nhiên liệu phóng hỏa tiển, là bơ cháy đèn bơ. Hỏa tiển không nhiên liệu thì không thể bay, đèn bơ không bơ thì không thể cháy sáng.

§ Sau đường tu sơ căn sẽ đến đường tu trung căn và đường tu thượng căn, tuần tự dẫn ta đến với quả giải thoát, rồi quả giác ngộ. Mặc dù những trình độ căn cơ này cao hơn căn cơ ta đang có trong hiện tại rất nhiều, nhưng vẫn sẽ gặp đầy chướng ngại do ác nghiệp trổ quả nên vẫn phải cố gắng khi tu. Lỡ mà sẩy tâm chùn bước thì có thể sẽ mất hết những gì đã tu được. Vì vậy trình độ tu dù cao vẫn phải nhớ đến vô thường và cái chết. Chúng ta vẫn cần lực đẩy đến từ ý thức biết mình có thể chết bất cứ lúc nào để có thể tiếp tục nắm chắc pháp hành của mình.

§ Nhớ vô thường và cái chết cũng quan trọng ở cuối pháp hành, vì sẽ giúp chúng ta xác định cách mình chết và nơi mình tái sinh. Sự hiểu này sẽ gia lực cho những thành tựu cao hơn có được ở cuối pháp hành.

  • # Nhớ chết sẽ cho chúng ta khởi động pháp hành
  • # Nhớ chết sẽ cho chúng ta tiếp tục pháp hành
  • # Nhớ chết sẽ cho chúng ta hoàn tất pháp hành

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 2 Lợi ích nhớ cái chết
! 2.3 Sẽ được lợi ích ở đầu, giữa và cuối pháp hành



#NGÀY 97 — NHỚ VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT THÌ KHI CHẾT SẼ KHÔNG SỢ HÃI HAY HỐI TIẾC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Phật pháp giải thích rằng người tu thành tựu cao nhất sẽ thấy hoan hỉ khi chết, như thể được về nhà sau một khoảng thời gian dài đi xa, hay được đi dã ngoại, không thấy phiền vì cái chết. Người tu thành tựu kém hơn sẽ thấy vui vẻ thoải mái khi chết, tự tin rằng mình sẽ có được một kiếp tái sinh tốt đẹp. Cả người tu thành tựu kém nhất cũng sẽ chết với cái tâm không lo lắng sợ hãi. Thích thú hay sợ hãi đều là do tâm tạo mà có chứ không phải tự có một mình.

§ Người tu theo chánh pháp thường vẫn hay chuẩn bị mọi sự trước khi chết. Điều này không những đúng cho bậc thánh giả, mà ngay cả tăng, ni, hay cư sĩ phàm phu cũng vậy. Họ sẽ làm sao cho phòng mình được sạch sẽ, những sở hữu như bàn thờ, kinh sách, đều được ngăn nắp, còn những sở hữu khác thì tặng hết cho chùa và cho những bậc chân tu mà họ có lòng tin. Họ cũng thường cho người thân và đệ tử đi xa vì muốn được chết trong yên lắng.

§ Thử tưởng tượng chết với cái tâm bao la và yên lắng thì sẽ như thế nào. Tưởng tượng cảm nhận của chư đại hành giả: thấy đây chỉ là một sự chuyển tiếp thú vị, giống như đi dã ngoại. Thoát mọi tham luyến nên không có gì để phải bận tâm. Cũng không có gì còn dang dở, vì đã làm hết những gì có thể làm, bằng cái tâm xứng đáng nhất. Thương yêu người xung quanh nhưng không luyến chấp, để lại cho họ món quà tốt đẹp nhất đó là tình thương yêu và một cái chết an lành. Chúng ta biết họ rồi sẽ ổn cả. Đó chẳng phải là cái chết đáng mong đợi hay sao?

  • # Người tu chánh pháp chết không lo âu sợ hãi, thậm chí còn thấy vui
  • # Chuẩn bị thực tế bao gồm việc thu dọn, sắp xếp, và cho đi mọi sở hữu của mình
  • # Bước vào cái chết với tâm bao la yên lắng là điều có thể làm được

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 2 Lợi ích nhớ cái chết
! 2.4 Sẽ chết vui vẻ không hối tiếc



#NGÀY 98 — VIỆC CẦN LÀM LÀ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT, KHÔNG CÓ VIỆC NÀO ĐÁNG LÀM HƠN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bây giờ nhìn vào ba điểm quan trọng: chết là chắc chắn; bao giờ chết không biết; đến khi chết chỉ có chánh pháp là cần. Đây là ba “chân lý gốc” của 9 điểm quán chết được hướng dẫn sâu rộng trong Phật giáo Tây Tạng. 9 điểm quán chết này bao gồm 3 chân lý gốc; ba lý do cho mỗi chân lý; và ba kết luận từ đó suy ra.

§ Điều duy nhất chúng ta có thể biết chắc, đó là mình sẽ chết. Chết là chuyện chắc chắn. Những hoạch định cho ngày mai hay ngày mốt đều không chắc. Mai có còn sống hay không cũng không chắc, nhưng chắc chắn là sẽ chết và không biết chết lúc nào. Chúng ta không thể bảo đảm rằng mình sẽ sống bấy nhiêu năm, bấy nhiêu tháng. Buổi sáng thức dậy mà tin chắc tối nay mình vẫn sẽ còn sống thì đó là vọng tưởng. Và cũng chỉ là vọng tưởng nếu nghĩ rằng mình sẽ sống đến già.

§ Vì vậy đừng trốn tránh việc học về cái chết, thiền quán về 9 điểm quán chết, về quá trình vào của tử cùng những pháp tu thiền khác khiến ta ý thức được việc hành trì chánh pháp khẩn cấp đến mức nào. Mới đầu có thể thấy bất an, nhưng cũng có thể được giải thoát. Cho dù có sợ cũng phải can đảm đối mặt như đối mặt với con dao phẫu thuật khi cần cắt bướu ác. Quán chết là nhát dao bén gọn, cứu ta thoát khỏi cơn bệnh khủng khiếp của cảnh đọa sinh ác đạo về sau.

  • # Quán chết chín điểm là pháp tu dựa trên ba chân lý gốc
  • # Điểm duy nhất có thể biết chắc, đó là mình sẽ chết và không biết chết lúc nào
  • # Đối diện với cái chết có thể khiến chúng ta sợ hãi nhưng cũng có thể giúp ta giải thoát

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết



#NGÀY 99 — CHÚNG SINH NÀO RỒI CŨNG PHẢI CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không ai có thể thoát chết. Cứ xem chuyện cuộc đời của đức Phật là biết. Sinh ra, thành Phật, thuyết pháp 40 năm, cả đức Phật cũng chết là vì đã lấy cái thân tứ đại để vào đời. Cái chết là giáo pháp vĩ đại cuối cùng về vô thường Phật dạy, chỉ cho ta thấy cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống. A la hán cũng phải chết, Bồ tát cũng phải chết, những bậc thánh khai thị chánh pháp cho chúng ta trong đời này cũng phải chết. Sau khi chết chỉ còn lại cái tên, không ai giữ được gì ngoài sự hoài niệm. Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ rằng chỉ có một mình mình là khỏi phải chết?

§ Đời này đầy rẫy chứng cớ cho thấy ngày nào cũng có người chết, dù họ chưa bao giờ ngờ đến, vậy mà ta vẫn làm ngơ trước sự thật hiển nhiên này. Biết bao nhiêu người chết hôm nay vì vô số lý do. Chết vì tật bệnh, ví dụ như thình lình đứng tim hay tai biến, chết vì tai nạn xe cộ, vì rớt máy bay, chết khi đang du lịch, đang làm việc, hay đang nghỉ ngơi ở nhà. Mỗi giây đều có người chết với ý nghĩ rằng mình sẽ không chết ngày hôm nay. Và thế là mọi toan tính trong đời đã không bao giờ còn cơ hội thực hiện. Một vài giờ trước đây họ còn đang nhảy múa, bây giờ đã nằm trong nhà xác, cứng đơ như khúc gỗ.

§ Đọc mục cáo phó trên báo sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ về vô thường và cái chết. Có lẽ nên đổi tên thành “Những người không ngờ mà chết ngày hôm nay,” là vì phần lớn những cái tên nằm ở đây đều là như vậy. Đọc báo theo cách này thì sẽ gồm trọn khóa tu về vô thường và cái chết.

  • # Không ai có thể khỏi chết, dù có là Phật, là A la hán hay là Bồ tát
  • # Mỗi một giây trong ngày đều có người chết với ý nghĩ “mình sẽ không chết ngày hôm nay”
  • # Đọc mục cáo phó trên báo là một cách hữu hiệu để nhớ vô thường và cái chết

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.1 Chết là điều chắc chắn sẽ đến
! 3.1.1 Ai rồi cũng phải chết



#NGÀY 100 — MỖI GIÂY ĐỀU ĐƯA TA ĐẾN GẦN HƠN VỚI CÁI CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có nhiều lý do có thể khiến ta chết trước hạn kỳ, nhưng không gì có thể kéo dài được mạng sống của mình. Chúng ta chỉ có bấy nhiêu năm ở trong thân người này thôi, và mỗi giây đều đưa ta đến gần hơn với cái chết. Nghiệp cho ta có thân người với những điều kiện hiện tại, trong đó có thọ mạng. Sinh vào thai mẹ là thọ mạng này bắt đầu rút ngắn, như cát trong đồng hồ cát.

§ Người phương Tây có vẻ luôn sống với cái đồng hồ, luôn bận rộn, ý thức bây giờ đang là mấy giờ. Đây là điều rất tốt, nếu chúng ta dùng đồng hồ để thấy thọ mạng của mình đang trôi qua như thế nào, mỗi giây trôi qua, mỗi việc cỏn con mình làm, đều đưa ta đến gần hơn với cái chết. Vì vậy Thầy khuyên quý vị hãy nhìn đồng hồ một hoặc hai tiếng. Thấy có vẻ quái lạ, phí thời gian, nhưng nếu chúng ta chú tâm vào cây kim thứ hai, quay tròn, quay tròn, kéo trôi từng phút, từng giây, tự nhiên sẽ cảm nhận được đời sống mình trôi qua nhanh như thế nào.

§ Dù chúng ta luôn tự nhiên nói là “mình đang sống,” nhưng thật ra phải nói là “đang chết” mới đúng. Cũng giống như người đi qua quá trình vào cửa tử, có những dấu hiệu báo chết rất chắc chắn, bây giờ chúng cũng có, nhưng không để ý. Năm qua năm, ngày qua ngày, những dấu hiệu này càng lúc càng tăng, chúng ta vẫn làm ngơ. Thân thể già đi, hơi thở yếu dần, sức khỏe suy thoái, chúng ta từ từ chậm lại như chiếc đồng hồ lên dây cót kiểu xưa.

  • # Thọ mạng của chúng ta bắt đầu rút ngắn ngay từ khi sinh vào thai mẹ
  • #Có thể dùng đồng hồ để thấy mỗi giây đều đưa ta đến gần hơn với cái chết
  • # Dù thường nói “tôi đang sống,” nhưng thật ra ta không đang sống mà là đang chết

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.1 Chết là điều chắc chắn sẽ đến
! 3.1.2 Thọ mạng liên tục rút ngắn



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 101 —CHÚNG TA LUÔN BẬN RỘN CHẠY THEO ĐỐI TƯỢNG CỦA LÒNG THAM MUỐN, KHÔNG CÓ THỜI GIAN HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có thể là chúng ta nghĩ rằng mình có thừa thời gian để sau này hành trì chánh pháp. Nhưng sự thật có phải thế đâu. Không những vậy, năm tháng có được bao nhiêu thì lại ứ tràn bao mối bận tâm thế tục. Việc đời chiếm hết thời gian, còn đâu để hành trì chánh pháp.

§ Nhìn lại xem thời gian mình bỏ ra cho những việc không phải là hành trì chánh pháp. Cứ cho là sống được 100 năm. Phân nửa là để ngủ, khó mà tích thiện khi ngủ. Còn lại được 50 năm. 15 năm đầu đời còn quá trẻ, thích vui chơi không có trí tuệ để sống cho có ý nghĩa. 15 năm cuối đời thì đã quá già, không làm gì được chỉ chờ người khác cho ăn và tắm rửa.

§ Còn lại chỉ chừng 20 năm là có cơ hội để tu. Nhưng thật sự tu được bao nhiêu? Suy nghĩ mà xem. Phải bỏ bao nhiêu thời gian cho những việc làm vô nghĩa. Dù có dành thời gian để tu thiền, ví dụ một tiếng một ngày, thì trong thời gian đó phần lớn cũng mất đi trong lơ đễnh tán tâm, không có khả năng tập trung nên không thể tu cho đúng mức. Làm được việc thiện gì thì phần lớn đều bị phiền não che phủ, ví dụ như bố thí bằng cái tâm kiêu mạn, hay nổi giận khi người ta không biết cám ơn khi mình giúp. May mắn lắm thì trọn một đời gom lại được một năm có thể gọi là hành trì chánh pháp.

  • # Tốn quá nhiều thời gian cho việc đời, không rảnh để hành trì chánh pháp
  • # Phần lớn đời mình đều bị giấc ngủ, tuổi thơ và tuổi già xâm chiếm
  • # Cho dù làm thiện thì cũng thường bị ố nhiễm vì tâm lơ đễnh, trì trệ và bất thiện

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.1 Chết là điều chắc chắn sẽ đến
!3.1.3 Không nhiều thời gian để hành trì chánh pháp

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 102 — KHÔNG KHAI THÁC TÂM LỰC THÌ VỌNG TÂM SẼ TIẾP TỤC HOÀNH HÀNH VÀ TRỌN CUỘC SỐNG SẼ BỊ LÃNG PHÍ — LAMA YESHE

§ Hiểu vô thường thì không buồn phiền khổ sở, chấp nhận cái chết như một lẽ tự nhiên. Mọi sự đều có sinh có diệt, tồn tại trong nhất thời, không trường tồn vĩnh viễn. Chúng ta chấp bám vào sự vật vì nghĩ rằng chúng mang lợi ích đến cho mình, nhưng cần xét kỹ xem chúng thật sự làm lợi hay gây hại. Có thể là chúng làm cản trở thay vì mang đến sự bình an.

§ Trí tuệ của chánh pháp, ngược lại, luôn theo mình và khiến mình vui. Vật chất mà mình nương vào thật ra không đáng tin cậy, thoắt đến, thoắt đi. Hơn nữa, nếu xét trên mặt tâm lý thì vật chất có thể là kẻ thù lớn nhất trong đời. Đến khi chết phải mất hết, đau đớn biết bao nhiêu. Có càng nhiều thì càng thêm đau. Cứ xét liền mà xem, sẽ thấy tâm mình bị cuốn theo bất cứ thứ gì được lòng tham dán cho cái nhãn hiệu “tốt.” Hãy xét bằng thiền quán. Đến khi chết thấy mình vĩnh viễn mất sạch mọi thứ mình đang có, mấy thứ đó chỉ đơn giản khiến tâm thêm khủng hoảng. Nội cái tâm muộn phiền này thôi cũng đủ giết chết mình rồi. Các thành phần đất nước lửa gió đã mất hết quân bình, thêm cú sốc tinh thần vì tiếc của sẽ là đòn giáng cuối cùng.

§ Bị người khác đánh, mình nhất định sẽ rất tức giận, nhưng cú đánh chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Tâm ưu phiền nó đánh ta bầm dập hết năm này qua tháng nọ, hết đời này đến đời khác. Ngay lúc này cũng đang bị nó hoàn toàn khống chế, Cứ tưởng mình tự do lắm, nhưng chẳng tự do được chút nào. Vì vậy phải xác định rằng “trí tuệ chánh pháp là giải pháp duy nhất; là phương tiện duy nhất chở ta đến nguồn hạnh phúc vĩnh cữu. Chỉ chánh pháp mới có thể thật sự cứu ta thoát nạn.”

  • # Hiểu vô thường thì không vất vả, biết cái chết là lẽ tự nhiên
  • # Vật chất không đáng tin cậy và có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của ta, nhất là khi chết
  • #Trí tuệ chánh pháp là giải pháp duy nhất và là suối nguồn của hạnh phúc

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.1 Chết là điều chắc chắn sẽ đến
! Kết luận: Phải hành trì chánh pháp

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 103 — AI MÀ BIẾT CÁI GÌ SẼ ĐẾN TRƯỚC, NGÀY MAI HAY KIẾP SAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có những thế giới hệ thọ mạng được định sẵn, người ở đó biết chính xác mình sẽ sống bao lâu. Kinh sách nói đến Bắc Câu Lư Châu, chúng sinh ở đó chắc chắn sẽ sống đến 1000 năm. Nhưng thế giới hệ của chúng ta thọ mạng không được định sẵn nên không thể biết mình sẽ chết lúc nào, dù có chết già tự nhiên. Đến thời mạt pháp này thọ mạng lại càng thêm bất định, vì những yếu tố gây chết tăng cao.

§ Mỗi sáng thức dậy chúng ta không hề có ý nghĩ “mình sẽ không bao giờ chết,” tuy vậy trong tiềm thức vẫn cảm thấy mình sẽ còn sống rất lâu, đủ lâu để thấy mình sống đời. Lúc 20 tuổi thì nghĩ rằng trước mặt tối thiểu còn được 60 năm. Đến 60 tuổi thì nghĩ ít gì cũng còn được 40 năm. Có khi là lúc 2 tuổi cũng đã có ý nghĩ như vậy. Không thực tế chút nào. Chúng ta không thể biết trước.

§ Phải chuyển cảm giác mình sẽ không chết thành ý thức biết chắc mình sẽ chết. Bao giờ có thể đi ngủ với ý nghĩ không biết sáng mai có sẽ thức dậy hay không, thì có thể mừng vui vì đã thoát được cạm bẫy của cái tâm thế tục. Trong tâm tự nhiên cảm nhận được vô thường thì sẽ biết thật sự chuẩn bị cho cái chết, bảo đảm được nguồn hạnh phúc cho những kiếp tái sinh về sau.

  • # Trong thế giới hệ này thọ mạng bất định vì vậy không ai biết được mình sẽ chết lúc nào
  • # Trong thâm tâm thấy thấy mình sẽ sống rất lâu là điều không thực tế chút nào
  • # Phải chuyển cảm giác mình sẽ không chết thành ý thức biết chắc mình sẽ chết

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.2 Bao giờ chết không biết chắc
!3.2.1 Thọ mạng bất định

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 104 — ĐỜI NÀY CÓ NHIỀU CƠ HỘI CHẾT HƠN LÀ SỐNG  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đèn cầy trước gió lớn có nhiều nguy cơ bị thổi tắt. Đời người cũng vậy. Ví dụ này rất hay, mạng sống của chúng ta đúng thật như ngọn lửa ấy, tuy sáng nhưng dễ tắt. Với bấy nhiêu phiền não hoành hành trong tâm trí, ác nghiệp dễ dàng chín muồi, cái chết dễ dàng xảy ra vì rất nhiều nguyên do. Nổi giận với người thân có thể dẫn đến bạo lực, tử vong. Tiếc của có thể dẫn đến khổ đau, tự sát. Quá nhiều tai nạn có thể xảy ra. Đến khi các thành phần trong cơ thể mất hết quân bình thì sẽ rất dễ chết.

§ Chúng ta có thể chết vì nhiều nguyên do, và nguyên do gây chết nhìn đâu cũng có: bệnh tật, tai nạn, án mạng, thiên tai. Hãy nghĩ xem trong đời sống hàng ngày người ta gặp bao nhiêu tai nạn, tai nạn nào cũng có thể gây chết. Nghĩ đến tất cả những việc hàng ngày phải quan tâm để khỏi chết: Thực phẩm phải an toàn, ngồi xe phải cài nịch, thận trọng khi qua đường, chú ý khi xuống cầu thang. Đời sống là cả một chuỗi hiểm họa, chúng ta phải thương lượng từng ngày.

§ Sự thật là chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào trong đời cũng có thể là ngày giỗ của mình. Quá may mắn vì đã không chết khi còn là thai nhi hay hài nhi, tuổi ấu thời hay thiếu thời cũng không bị tật bệnh hay tai nạn cướp đi mạng sống. Nhìn lại hiểm họa phải đối mặt hàng ngày, nên ngạc nhiên thấy mình đã sống được đến giờ.

  • # Đời sống như ngọn đèn trước gió lớn, tuy sáng nhưng dễ tắt
  • # Có thể chết vì nhiều nguyên do, và nguyên do gây chết nhìn đâu cũng có
  • # Nhìn lại hiểm họa phải đối mặt hàng ngày, nên ngạc nhiên vì đã sống được đến giờ

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.2 Bao giờ chết không biết chắc
! 3.2.2 Có nhiều nguyên do gây chết

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 105 — CÓ MÀ ĐIÊN MỚI RA VẺ BẤT TỬ VỚI THÂN XÁC  MONG MANH DỄ VỠ NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nhìn lại thân thể của mình, phải nói đây đích thật là một bộ máy đáng kinh ngạc, với trái tim bơm máu đi cùng khắp, mỗi bộ phận đều có chức năng riêng biệt. Phép lạ này chúng ta đã quá quen thuộc nên không thấy được nó mong manh dễ vỡ đến mức nào.

§ Chúng ta luôn thấy mình là một thứ gì rất cụ thể, vững chãi, trường tồn, hơi thở cứ thế mà vào ra, trái tim cứ thế mà đập tiếp. Đây là cái thấy hư vọng về thân thể của mình. Còn hít thở thêm được bao lâu, đây không phải là điều cứ muốn mà được, bằng không đã chẳng ngừng thở. Nhưng hơi thở vốn không nằm trong tầm kiểm soát của mình, chúng ta hoàn toàn bị nó khống chế. Mạng sống này nằm trong sự chuyển động của không khí vào ra cơ thể, có thể đoạn đứt bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do cỏn con nào. Rồi nhất định sẽ có lúc hít vào mà không còn thở ra nữa. Đây thật là một ý nghĩ đáng sợ.

§ Thứ gì cũng gây tác động đến bộ máy dễ vỡ này. Những thứ lẽ ra duy trì mạng sống thì lại thành nguyên do chết người. Thực phẩm có thể giết ta bằng nhiều cách, chết vì ăn không đủ, ăn quá nhiều, hay là bị hóc.  Thuốc lẽ ra bảo tồn sự sống thì lại gây chết. Nhà cửa lẽ ra che chở thì lại sập chết người. Sẩy một bước chân cũng có thể té chết. Vướng vi khuẩn bé tí cũng có thể bệnh chết. Tế bào tí hon có thể biến thành ung thư lấy mạng. Gai nhỏ có thể đâm thủng da làm nhiễm trùng máu. Đến cả một chú ong cũng có thể chích chết người. Đủ thấy thân người này mong manh dễ vỡ đến mức nào.

  • # Thân người tuyệt vời này vì quá quen thuộc nên không thấy được nó dễ vỡ đến mức nào
  • # Mạng sống nằm trong hơi thở mà hơi thở thì lại có thể đứt bất cứ lúc nào
  • # Có rất nhiều nguyên do có thể phá hỏng bộ máy mong manh là thân thể này

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.2 Bao giờ chết không biết chắc
! 3.2.3 Xác thân ta cực kỳ dễ vỡ

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 106 — NỖI SỢ CHẾT LÀ HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH NGƯỜI TU CHÁNH PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn chuyển hướng đời mình thì phải làm sao? Phải nhớ vô thường và cái chết. Thiếu lực đẩy này sẽ khó mà thoát được nạn biếng lười giãi đãi. Cũng muốn tu lắm chứ, nhưng chẳng có thời gian để tu. Hễ còn cảm thấy cuộc sống vẫn bình yên, mọi việc làm đều chỉ để thỏa mãn giác quan thì sẽ không bao giờ tu tập thành công. Nhưng nếu thấy cái chết đã ở ngay trước mắt thì tự nhiên sẽ mau chóng nhận biết đâu mới là điều mình cần phải làm, và tự nhiên sẽ đủ năng lực để thực hiện.

§ Không ý thức được mạng sống mình mong manh đến đâu thì sẽ không nhìn xa hơn được cảnh sống mà mình đang vướng kẹt. “Phải rồi, tôi có thể sẽ chết khi ra chợ, nhưng không đâu, tôi phải gấp cho kịp trước khi chợ đóng cửa nếu không sẽ không có sữa uống trà.” Dù có nghĩ đến nhưng không thật tin nên khó lòng tu theo chánh pháp. Đó là lý do vì sao cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thật sự hiểu được chân lý vĩ đại là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Chân lý này chưa thành thực tại thì ta còn gặp đủ chướng ngại mỗi khi muốn làm thiện. Biếng nhát và hám lợi sẽ luôn che mắt không cho ta thấy đâu mới là điều quan trọng thật sự.

§ Sống cạnh bờ sông nước đang dâng cao thì không ai ngồi chờ nước dâng đến nhà mới bắt đầu lo thoát thân. Phải biết hiểm họa đang đến để chuẩn bị trước khi quá trễ. Tương tự như vậy, ta cần chuẩn bị để khi chết có thể chết với tâm thiện, bảo đảm cho mình một kiếp tái sinh tốt lành.

  • # Muốn đời mình chuyển hướng thì cách duy nhất là phải nhớ vô thường và cái chết
  • # Chưa hiểu được mạng sống mình mong manh thì khó lòng tu theo chánh pháp có hiệu quả
  • # Cần chuẩn bị ngay để bảo đảm sẽ có được một cái chết và kiếp tái sinh tốt lành

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.2 Bao giờ chết không biết chắc
! Kết luận: Phải hành trì chánh pháp ngay bây giờ

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



Lamrim Là Thuốc Chữa Lành Bệnh Điên Đảo Của Tâm

#NGÀY 107 — DÙ CHỈ MỘT SỢI TÓC HAY MỘT HẠT GẠO CŨNG KHÔNG THỂ MANG THEO QUA ĐỜI SAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hành khất nghèo nhất hay tỷ phú giàu nhất đến khi chết hành lý mang theo qua đời sau đều giống nhau: không có gì cả. Tỷ phú cả một đời ngày đêm gầy dựng tài sản, đấu đá cạnh tranh, gây thù kết oán, bóc lột, lừa dối, gian lận. Họ sống trong những dinh thự lầu thành khổng lồ, mỗi ngày đều ăn những món ăn đắc tiền nhất thế giới, mặc những tấm áo sang trọng nhất thế giới. Nhưng mọi sở hữu đều thành vô nghĩa khi chết, phí công vất vả để làm gì? Kẻ hành khất ít ra không dành hết đời mình để có được cái bát xin ăn.

§ Sau khi chết, tài sản đi đâu? Chẳng còn là của mình, phải bỏ lại, đâu có chọn lựa nào khác. Xác chết không thể dùng tài sản, người khác sẽ hưởng dùm. Họ sẽ nói “những thứ này thuộc về…” và họ sẽ nhắc đến tên ta. Chúng ta sẽ chỉ còn lại được có bấy nhiêu: một cái tên.

§ Hãy nghĩ mà xem mình đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức để có được ngần ấy tài sản? Bao nhiêu năm để học, làm việc, kiếm tiền, nhiều tiền hơn nữa, mua nhiều thứ, nhiều thứ hơn nữa. Nghĩ đến tất cả những ác nghiệp đã gieo để tích lũy những thứ ấy: bao nhiêu cơn giận, bao nhiêu ham muốn, bao nhiêu ganh ghen… Vậy mà chết rồi phải vất bỏ hết, không có chọn lựa nào khác. Thứ duy nhất sẽ phải mang theo chỉ có ác nghiệp đã gieo khi gầy dựng tài sản.

  • # Dù là tỷ phú giàu nhất, đến khi chết tài sản bao nhiêu cũng biến thành vô dụng
  • # Khi chết phải bỏ hết lại phía sau, không có chọn lựa nào khác
  • # Thứ phải mang theo chỉ có nghiệp đã gieo khi gầy dựng tài sản

 ! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.3 Khi chết không gì có thể giúp ngoài Phật pháp
! 3.3.1 Tài sản lạc thú không thể giúp

BÀI LAMRIM LƯỚT QUÁN ĐỌC HÀNG NGÀY:

ĐỌC TIẾP:

  • Nhấn bên dưới để chọn ngày



#NGÀY 108 — VÌ BẢN THÂN MÌNH TẠM BỢ NÊN TÌNH THÂN CŨNG TẠM BỢ— LAMA YESHE

§ Mọi mối quan hệ đều tạm bợ, cả mối quan hệ khá đặc biệt giữa anh chị em đồng đạo cũng vậy. Chấp vào những mối quan hệ ấy thì đương nhiên sẽ gặp trở ngại lớn trong việc tu. Phải hiểu rằng ngay từ lúc gặp gỡ đã sẵn mầm li biệt. Có hợp là có tan, chỉ cần nhìn vào kinh nghiệm bản thân sẽ thấy đúng là như vậy. Bất kể với người nào, vật nào, dù mối quan hệ có vui vẻ đến đâu, rồi cũng có lúc mối quan hệ ấy sẽ phải chấm dứt.

§ Không cần quán xét gì nhiều cũng có thể thấy được mọi sự đều đúng là như vậy, đều chỉ là nhất thời. Đến khi chết, không người nào vật nào đã gặp có thể giúp được cho mình. Tệ hơn nữa, vì mình ràng buộc quyết luyến nên không những là họ không thể giúp mà còn gây họa lớn cho mình.

§ Nghĩ cho kỹ sẽ thấy tại sao người bạn thân thiết gần gũi nhất lại dễ dàng biến thành kẻ thù tệ hại nhất. Lấy ví dụ một cặp vợ chồng gắn bó bốn, năm mươi năm. Một người chết đi, người còn lại đau lòng đến mức không thể sống tiếp. Bên Ấn độ có nhiều nơi khi chồng qua đời người vợ nhảy luôn vào giàn lửa thiêu chồng. Chẳng qua chỉ vì ngu muội. Ở một mức độ nào đó, chúng ta cũng hành động tương tự. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là phải chuẩn bị cho mình ngay từ bây giờ.

  • # Mọi mối quan hệ đều tạm bợ, chấp bám vào đó là chướng ngại lớn trên đường tu
  • # Khi chết, thân nhân bằng hữu không thể giúp, ngược lại có thể gây họa lớn
  • # Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho điều không thể tránh là phân ly với những người mình thương yêu

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT

! 3 Chín điểm quán chết

! 3.3 Khi chết không gì có thể giúp ngoài Phật pháp

! 3.3.2 Thân nhân bằng hữu không thể giúp



#NGÀY 109 — THÂN NÀY,  SỞ HỮU LỚN NHẤT, NGƯỜI BẠN GẦN GŨI NHẤT, ĐẾN KHI CHẾT SẼ TRỞ THÀNH KẺ THÙ ĐỘC HẠI NHẤT CỦA TA — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có thể nói rằng sở hữu đáng giá nhất của ta là tấm thân này. Đây là điều chúng ta trân quý nhất trong đời. Hãy nghĩ mà xem mình đã bỏ ra bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc để chăm sóc cho tấm thân này. Chăm sóc một cách hoang phí, cho ăn, cho mặc, cho nhà cửa che nắng che mưa, cho uống thuốc khi bệnh. Không những để nó sống còn, mà để cho nó được thoải mái, cho nó tận hưởng mọi thú vui có thể có. Thiếu thức ăn thức uống nó sẽ chết nên chúng ta nai lưng ra làm việc, mỗi tuần bỏ ra biết bao nhiêu thời gian chỉ để kiếm tiền mua thực phẩm nuôi cho nó ăn.

§ Chúng ta cung phụng tấm thân này như cung phụng ông trời. Nghĩ lại có lạ không chớ, nó thì lúc nào cũng có thể biến thành một nhúm tro trong lò thiêu. Buổi tối đi ngủ còn nghĩ sáng mai sẽ mặc áo gì, đến sáng thì đã không còn là chuyện của mình nữa rồi, người khác sẽ quyết định dùm quàng áo gì cho cái xác khi làm lễ tang. Còn lại chỉ một mớ thịt chết gọi là tử thi, họ thậm chí chẳng dám đụng tay vào.

§ Mượn từ mẹ cha, sớm ngày sẽ biến thành xác chết, vậy tại sao phải coi trọng thân này đến như vậy? Đức Thogme Zangpo gọi thân này là căn nhà trọ, tâm là khách ghé chân sẽ sớm rời xa. Tâm khi ấy sẽ đến một căn nhà trọ tạm thời khác, rồi một chỗ khác, rồi một chỗ khác nữa, cứ thế không ngưng cho đến khi tự mình bẽ gãy được vòng tái sinh luân hồi.

  • #Thân này là sở hữu đáng giá nhất, là thứ ta trân quý nhất trên đời
  • # Thân mà chúng ta cung phụng như ông trời rồi sẽ chỉ còn là một nhúm tro
  • # Thân này là một căn nhà trọ, không hơn không kém

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.3 Khi chết không gì có thể giúp ngoài Phật pháp
!3.3.3 Thân này không thể giúp



#NGÀY 110 — HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP LÀ TẤM GIẤY BẢO HIỂM ĐẢM BẢO CHO TA MỘT CÁI CHẾT TỐT LÀNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đã biết rằng tài sản, danh vọng, bằng hữu, gia đình, thậm chí thân thể này đều không giúp được gì khi ta chết, vậy còn gì khác có thể giúp? Chỉ có tâm thiện khởi lên ngay khi chết mới có thể giúp. Chết mà tâm không vướng ba chất độc phiền não, đặc biệt là không tham, thì sẽ chết được an lành, vui vẻ, tái sinh vào cõi lành. Đây là điều mình dứt khoát có thể làm được. Muốn bảo đảm khi chết sẽ khởi được tâm thiện thì cần phải luyện tâm bằng chánh pháp. Chỉ có chánh pháp mới có thể giúp được ta lúc lâm chung. Trụ vững được trong chánh pháp thì sẽ có khả năng chết không lo âu, biết chắc chắn là mình sẽ đi vào cõi tốt lành. 

§ Chỉ có mỗi một câu hỏi duy nhất ta cần tự hỏi chính mình, đó là “Mình muốn chết vui hay chết khổ?” Nếu có thể thành thật trả lời câu hỏi này thì mọi câu hỏi khác trong đời đều rơi rụng, mọi việc làm đều nhường ưu tiên cho một việc duy nhất là đảm bảo cho mình một cái chết an lành. Không hiểu được điểm trọng yếu này thì mọi thứ đều phức tạp rối rắm. Một khi hiểu được điều duy nhất cần làm là chuẩn bị cho cái chết thì từ đó trở đi mọi sự sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Mọi lựa chọn đều là chọn mình chết vui hay chết khổ.

§ Xét kỹ sẽ thấy rõ cách duy nhất để chết vui là có được cái tâm thuần thiện. Tâm thuần thiện chỉ có được nhờ làm thiện, và đây là ý nghĩa của việc “hành trì chánh pháp.” Ngoài việc này ra, không có gì khác có thể giúp được ta lúc lâm chung.

  • c# Muốn chết không lo âu thì phải hành trì chánh pháp
  • # Đời sống sẽ rất đơn giản khi lấy việc chuẩn bị cho cái chết làm ưu tiên duy nhất
  • # Cách duy nhất để chết vui là có được cái tâm thuần thiện

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! 3 Chín điểm quán chết
! 3.3 Khi chết không gì có thể giúp ngoài Phật pháp
! Kết luận: Phải hành trì chánh pháp, và chỉ hành trì chánh pháp



#NGÀY 111 — THẬT SỰ CHỨNG ĐƯỢC CHẾT VÀ VÔ THƯỜNG THÌ SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÒN LÀM NHỮNG VIỆC VÔ NGHĨA — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Biết cuộc sống này đầy rẫy muôn vàn hiểm họa đe dọa mạng sống, cái chết đến dễ dàng như thế, vậy mà mỗi sáng vẫn mở mắt thức dậy, thật là cả một phép lạ. Cứ như là sống trên tảng đá mỏng nhô ra trên đỉnh núi cao, thung lũng vời vợi ở phía dưới, chẳng hề biết tảng đá kia hầu như không thể chịu nổi trọng lượng của mình. Sảy một chút là dễ dàng rơi chết.

§ Dễ chết đến thế, vậy mà sáng nay ta vẫn thức dậy, vẫn còn thân người toàn hảo này, thật tuyệt vời khó tin. Mỗi giây phút có được quý hơn cả bầu trời đầy ắp ngọc như ý. Nếu thật sự thấy được như vậy thì sẽ không thể nào lãng phí, dù chỉ một phút giây ngắn ngủi, thân người toàn hảo này, chiếc xe nhiệm mầu chở ta đến với quả giác ngộ.

§ Vì vậy quan trọng nhất là phải thường xuyên suy đi ngẫm lại về chín điểm quán chết, với ba điểm chính, đó là: 1. chết là điều chắc chắn sẽ đến, 2. chết lúc nào không biết chắc, và 3. đến khi chết chỉ có chánh pháp là cần. Chúng ta cần phát huy niềm tin tưởng xác quyết rằng mình có thể dễ dàng chết bất cứ lúc nào, có thể là tối nay đi ngủ sáng mai sẽ không còn tỉnh dậy.

  • # Mỗi tối đi ngủ mà sáng còn mở mắt thức dậy, đó là phép lạ
  • #Ý thức được thân người toàn hảo quý giá ra sao thì sẽ không bao giờ lãng phí dù chỉ một giây
  • #Quan trọng nhất là phải thường xuyên suy đi ngẫm lại về chín điểm quán chết

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT

! Kết (1)



#NGÀY 112 — QUÁN CÁI CHẾT KHÔNG PHẢI ĐỂ TỰ HÙ DỌA CHO MÌNH TRẦM CẢM MÀ LÀ ĐỂ ĐÁNH THỨC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chết không có gì đáng sợ. Không phải là việc khó khăn gì, tâm lìa khỏi thân, chỉ vậy thôi, chẳng là gì khác. Sự kết nối giữa thân và tâm chấm dứt nên tâm rời thân thể này để đến với một thân thể khác. Chỉ vậy thôi, tại sao nhiều người lại thấy cái chết là điều thật khó khăn đáng sợ? Cái chết tự nó không đáng sợ, điều khiến sợ hãi chính là sự tưởng tượng về cái chết. Nỗi sợ này do tâm tạo ra, không phải do cái chết.

§ Khái niệm về cái chết đáng sợ được dựng lên từ tâm chấp bám vào cảnh sống trường tồn, là thứ sẽ mất đi sau khi chết: thân thể, bằng hữu, tài sản vân vân. Không buông nổi nên cái chết trở nên đáng sợ. Không giữ được tâm mình, để cho tâm chấp bám vào lạc thú thế gian, đó mới chính là thủ phạm gây nên nỗi sợ chết chứ không phải cái chết. Sợ chết là sản phẩm của si, tham và sân. Cái chết chỉ là huyễn cảnh chứ chẳng chi khác, vậy mà chúng ta vẫn tin rằng cái chết là một thứ gì chắc thật và đáng sợ.

§ Nỗi sợ đến từ trí tuệ hoàn toàn khác. Không phải sợ vì phiền não, mà sợ vì thấy tâm mình điên đảo đến mức nào nên sợ phiền não. Thấy được khổ đau mà phiền não đẩy mình vào, sợ nỗi khổ đau ấy. Sợ đến mức thấy mình phải làm gì đó để đảo ngược tình thế. Thấy cảnh sinh tử luân hồi không phải là khu vườn tươi đẹp mà là tù ngục nhốt trọn cả đám. Vì thấy như vậy nên khởi ý muốn giải thoát, không phải cho riêng mình mà cho tất cả chúng sinh.

  • #Cái chết tự nó không đáng sợ, điều khiến sợ hãi chính là cái tâm tưởng tượng về cái chết
  • # Chết trở nên đáng sợ khi ta không thể buông bỏ chuyện đời này
  • # Đừng vì phiền não mà sợ, hãy biết sợ phiền não

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! Kết (2)



 #NGÀY 113 — LIÊN TỤC NHỚ NGHĨ ĐẾN VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT SẼ MANG ĐẾN CHO TA NIỀM AN LẠC LỚN, BÂY GIỜ VÀ VỀ SAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đời này chỉ như một tia chớp. Có thể bây giờ ta không cảm nhận được điều này, nhưng khi chết sẽ thấy đời mình ngắn ngủi đến mức nào. Vậy mà vẫn lãng phí trong tham luyến, theo đuổi lạc thú giác quan phù phiếm. Biết rõ sự việc không có gì trường tồn, nhưng vẫn bám theo như thể mọi sự sẽ luôn tồn tại.

§ Nếu thật sự hiểu được một cách sâu xa tánh chất tạm bợ của đời sống này, chúng ta sẽ không còn bị tham và sân gây khó. Lama Tsongkhapa thúc dục chúng ta hãy ngày đêm tận dụng tinh túy kiếp người này. Đây là điều rất quan trọng. Nếu đợi khi buồn nản chán chường hay khi nhập thất tu mới nhớ đến vô thường, còn những lúc khác không hề nghĩ đến, làm như vậy sẽ không thực hiện được bất cứ sự thay đổi sâu xa đáng kể nào trong cuộc sống.

§ Ngược lại, nếu hiểu về vô thường và lấy đó làm thực tại của đời sống mình thì sẽ có khả năng tận diệt phiền não. Những vấn đề khủng khiếp khiến ta khốn khổ, cơ hồ vô phương cứu chữa, tự nhiên sẽ không còn là vấn đề. Ngồi lại Ngồi xét lại những vấn đề vĩ đại mà mình đang phải chịu, thả vào tâm quả bom nguyên tử vô thường này, bảo đảm liền ngay lập tức, ngay trên ghế ngồi này, vấn đề vĩ đại kia sẽ biến tan không còn chút dấu vết. Mọi mong cầu khiến tâm vất vả, mọi bức xúc khiến không thể chợp mắt, hết thảy đều tan biến ngay lập tức, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm an lạc thỏa mãn chân chính.

  • # Đời sống ngắn ngủi như tia chớp, vậy mà vẫn lãng phí cho những thú vui phù phiếm
  • #Muốn đời mình chuyển biến sâu xa thì phải hiểu cho thật sâu về tánh chất tạm bợ của cuộc sống
  • # Hiểu vô thường sẽ phá tan phiền não, mang đến nguồn an lạc chân chính

! VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT
! Kết (3)



#NGÀY 114 — NGƯỜI KHÁC ĐANG GẶP NGUY HIỂM TÁNH MẠNG, TA CŨNG VẬY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Xét lại những trạng thái phiền não đầy dẫy trong tâm, sẽ thấy bản thân mình mỗi ngày đều tạo việc ác, số lượng nhiều kinh khủng, quá hơn việc thiện rất xa. Cũng vậy, nếu nhìn lại đời mình và cả những đời quá khứ, sẽ thấy ác nghiệp chồng chất như núi lớn, đang sẵn sàng chín mùi, trổ quả. Vì vậy ta có nhiều khả năng sinh vào ác đạo hơn là sinh vào thiện đạo. Vậy thì quan trọng là phải hiểu cho chính xác ác đạo là gì, đâu là nguyên nhân khiến đọa ác đạo, rồi làm hết những gì cần làm để khỏi đọa vào nơi đó.

§ Cũng cần phải hiểu rằng ngay trong hiện tại, mẹ hiền nhiều đời của mình hầu hết đều đang chịu khổ lớn, và còn phải chịu khổ như thế hết đại kiếp này đến đại kiếp khác. Đừng quay lưng trước khổ đau này, phải nhìn thẳng, và hiểu đây chính là thực tại, là đường đi của sinh tử luân hồi. Nhờ đó tâm từ bi mở ra sâu rộng, với chí nguyện muốn gánh trách nhiệm, rằng “tôi, một mình tôi, sẽ cứu hết từng chúng sinh không sót một ai thoát khổ đau kinh khiếp mà họ đang vướng kẹt.

§ Hiểu ác đạo không làm mình chìm trong trầm cảm tuyệt vọng, con đường này sẽ giúp ta đạt quả vị bồ tát, tâm an nhiên tự tại, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của người khác. Cõi ác đạo cho ta cơ hội phát huy một cái tâm như thế. Không có khổ đau cõi ác đạo thì “từ bi” bất quá chỉ là lời nói đẹp đầu môi, chẳng nghĩa lý gì. Đó là lý do vì sao chúng ta cần nhớ đến khổ đau cõi ác đạo, nhất là cõi địa ngục. Mỗi ngày.

  • # Muốn tránh ác đạo, quan trọng là phải hiểu cho chính xác ác đạo là gì và đâu là nguyên nhân khiến đọa ác đạo
  • #Cần trực diện với khổ ác đạo và đáp trả bằng từ bi và đại nguyện
  • #Nhớ khổ ác đạo sẽ giúp phát khởi tâm bồ đề

! Cõi ác đạo (1)



#NGÀY 115 — Cần tin chắc cõi ác đạo có thật và mình có nhiều nguy cơ đọa rơi vào đó  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì tạo ác nghiệp cả đời nên chúng ta gần như chắc chắn là sẽ đọa vào ác đạo. Chỉ cần xét hoạt động của mình trong một ngày cũng đủ thấy gần như mọi việc mình làm đều là làm vì tâm ngã ái, luyến chấp chuyện đời này và, vì vậy, đều là việc bất thiện.

§ Từ lúc thức dậy đến lúc uống ly cà phê đầu ngày, ta đang hoạt động vì người khác hay chỉ là tìm chút khoái cảm cho chính mình? Rồi đi làm, nói chuyện với đồng nghiệp, ăn trưa, buổi tối đi chơi, vân vân, có làm với tâm bồ đề hay chỉ để mình được thoải mái? Xét lại động cơ của mình, nhất định sẽ thấy hầu hết mọi việc mình làm đều là phát xuất từ lòng vị kỷ. Nếu vậy thì khổ đau lớn đang chờ ta khi chết, tốt hơn phải có biện pháp quyết liệt ngay bây giờ. Chúng ta làm việc thiện không bao giờ tròn, nhưng làm việc ác thì lại rất hoàn hảo, cứ như một chuyên gia thực thụ. Bị thúc đẩy bởi lòng vị kỷ, chúng ta hại người, hại mình, làm đủ cách để bảo đảm cho mình nhiều kiếp về sau sống khổ đau không tưởng.

§ Kinh sách nói về nỗi kinh hoàng cõi ác đạo, nhưng quan trọng là bản thân chính mình phải biết sợ. Không phải thứ sợ hãi khiến tê liệt, mà là nỗi sợ tích cực, thúc đẩy ta hành động, rèn ý chí sắc đá để tu theo chánh pháp không chỉ theo chánh pháp. Thấy nỗi khổ mà mình sắp phải rơi vào thì tự nhiên sẽ tìm đủ mọi cách để thoát thân. Càng sợ cảnh ác đạo thì lại càng quyết tâm không để mình phải chịu cảnh ấy.

  • #Khi chết chúng ta gần như chắc chắn là sẽ đọa vào ác đạo
  • # Việc thiện chúng ta làm không tròn nhưng việc bất thiện thì làm rất trơn tru
  • # Trước cảnh ác đạo mà biết sợ một cách lành mạnh thì sẽ quyết tâm muốn tránh

! Cõi ác đạo (2)



#NGÀY 116 — CHỐI BỎ ĐIỂM TRỌNG YẾU NHẤT NÀY CỦA LỜI PHẬT DẠY THÌ SẼ TRẦM TRỌNG HIỂU SAI VỀ PHẬT PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nhìn vào cảnh sống không phải của mình, nhiều khi chúng ta chối bỏ không tin vì thấy quá lố. Nhưng có chắc chắn được không, rằng những gì Phật dạy về cõi ác đạo chỉ là nói vậy thôi chứ không có thật? Chúng ta đâu biết gì nhiều. Từ khi sinh ra tới giờ đã trải qua những gì còn không thể nhớ. Chín tháng nằm trong bụng mẹ cũng chỉ có thể biết nhờ luận lý và nhờ tin lời mẹ nói. Dựa vào hiểu biết hạn hẹp của mình để quyết định chuyện gì có thật chuyện gì không thì thật quá nguy hiểm.

§ Hơn nữa, nói mình đúng, còn Phật và chư đại hành giả chứng ngộ cao đều sai cả, nghĩ như vậy không những là kiêu ngạo và sai quấy, mà còn vô cùng bất kính. Nói rằng, “tôi thích Phật pháp, nhưng có một số chỗ không đúng,” nói như vậy sẽ khiến tâm thêm điên đảo, tạo chướng ngại không thể tiến bộ thật sự.

§ Hiểu biết của ta vô cùng giới hạn, của Phật thì vô hạn. Vậy mà nghe nói về cõi địa ngục thì lại quyết định rằng trí tuệ của Phật là mê tín, của mình mới đúng hơn. Thật quá mê vọng. Thấy giáo pháp Phật dạy về cõi ác đạo khó tin, hay không thể tin, phần lớn là vì ta quá khiếp sợ, không dám chấp nhận nên từ chối không tin có loại khổ đau như thế. Cần tìm hiểu về giới hạn của chính mình hơn là vội vã chối bỏ giáo pháp ấy. Chấp nhận có loại khổ đau như thế không phải là việc dễ dàng, nhưng đó là thực tại của cuộc sống, cảnh sinh tử luân hồi là như vậy. Vì bị u mê che chướng nên chúng ta không thể trực tiếp thấy được điều này.

  • # Dựa vào hiểu biết hạn hẹp của mình để xác định chuyện gì có thật chuyện gì hoang đường là việc rất nguy hiểm
  • #Chối bỏ một số giáo pháp Phật dạy mà mình không thích sẽ chỉ khiến tâm thêm điên đảo
  • # Chúng ta có khuynh hướng trốn tránh giáo pháp dạy về cõi ác đạo, vì chúng ta sợ

! Cõi ác đạo (3)



#NGÀY 117 — NÓI VỀ KHỔ ÁC ĐẠO THÌ KHỔ ĐAU CÕI ĐỊA NGỤC TỆ HƠN NHỮNG NƠI KHÁC RẤT NHIỀU — LAMA ZOPA RINPOCHE”

§ Sự tồn tại của chúng sinh địa ngục hoàn toàn không có gì khác ngoài khổ đau. Khổ đau này loài người chúng ta dù chỉ là tưởng tượng cũng không thể nghĩ thấu, vượt quá khổ đau hai cõi súc sinh và quỷ đói rất xa. Khổ đau mà loài người chúng ta có thể thấy được, ví dụ như chết vì bom nổ, vì động đất, hay thú vật bị thiêu cháy, bị luộc sống, hay nạn nhân bị tra tấn, bị hạn hán… chẳng gì có thể sánh với khổ đau cõi địa ngục dù chỉ mảy may. Chúng sinh địa ngục phải chịu khổ lớn, trong thời gian dài không thể nào kham.

§ Không chỉ Phật giáo mới nói đến địa ngục, cả Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo cũng đều miêu tả cảnh địa ngục tương tự như kinh Phật. Quan niệm khổ địa ngục trong Phật giáo chỉ khác với Thiên chúa giáo ở chỗ khổ này không trường tồn bất biến. Thầy chưa đọc kinh Thánh nên không thể nói chắc, nhưng hình như sau khi chết thì hoặc là vĩnh viễn lên thiên đàng, hoặc là vĩnh viễn xuống địa ngục. Vào địa ngục rồi thì không có cách gì thoát ra.

§ Phật giáo nói không có gì trường tồn, kể cả cảnh địa ngục, mặc dù cuộc sống nhiều đại kiếp trong địa ngục thấy giống như là vĩnh viễn. Ở một giới hạn nào đó, cảnh địa ngục có thể ví như cảnh ác mộng của người say ma túy. Cả một thế giới huyễn ảo hiện ra, đang ở trong đó thì không thể trở ra. Nhưng đến khi ma túy tan tác dụng thì sẽ về lại với cảnh đời “bình thường.” Nghiệp cảm cảnh địa ngục rồi sẽ có lúc cạn. Đến lúc ấy, cảnh địa ngục sẽ tự ngừng, chúng sinh ấy sẽ sinh vào một cõi khác.

  • # Sự tồn tại của chúng sinh trong địa ngục hoàn toàn không có gì khác ngoài khổ đau đăng đẳng khó kham
  • #Khác với những tôn giáo khác, Phật giáo không nói cảnh địa ngục là trường tồn
  • #Rồi nghiệp sẽ có lúc cạn, chúng sinh ấy sẽ sinh vào nơi khác

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục (1)



#NGÀY 118 — CẢNH ĐỊA NGỤC KHÔNG CÓ HIỆN HỮU KHÁCH QUAN, CHỈ DO TÂM CẢM MÀ THÀNH — LAMA YESHE

§ Đâu phải là có người nào ở một chỗ tên là địa ngục, đúc một tòa nhà bằng sắt, đốt lửa cháy bỏng, và nghĩ rằng, “A ha, tớ đang đợi kẻ tên là Thubten Yeshe đây, hắn chết xuống đây là tớ túm cổ ngay!” Không phải vậy. Địa ngục không phải giống như vậy. Đúng ra, nguồn năng lực của việc bất thiện đã phạm trong quá khứ tích tụ trong tâm thức dưới dạng chủng tử, đến khi chết bị tác động thành cảnh khổ đau kinh hoàng gọi là cảnh địa ngục.

§ Lamrim mà học chứ không tu thì có khi tưởng rằng địa ngục là một nơi chốn có thật, hiện hữu một cách khách quan, là một thứ gì đó được dựng lên, rất cụ thể. Tưởng vậy nên nghĩ  rằng, “Làm gì có!” Nghi ngờ không tin. Nhưng cách giảng về lửa địa ngục của đức Tịch Thiên [Shantideva] dễ hiểu cho người Tây phương: thực tại mà mình thấy đều do tâm sinh ra, tâm bất thiện tạo cảnh bất hạnh, tâm thiện tạo cảnh vui.

§ Vấn đề nằm ở chỗ cảnh thực tại nói đây là cảnh gì? Chỉ có vậy thôi. Mọi giáo pháp Phật dạy, mọi trọng điểm được Phật nhấn mạnh, đều là để nói rằng tâm là yếu tố chính yếu tạo sinh cảnh thực tại. Tốt lành do tâm mà ác độc ngoắc nghéo cũng do tâm. Cảnh lửa cháy mà chúng sinh địa ngục thấy đó là do tâm sinh ra. Thiện ác đương nhiên là vẫn có, nhưng chỉ có trong cảnh tương đối chứ không có trong cảnh giới chân thật. Năng lượng của tâm cùng nhiều yếu tố hỗ trợ khác hợp lại, biến thành cảnh thực tại trước mắt.

  • # Cảnh địa ngục là do năng lực của ác nghiệp cũ trong tâm bị tác động mà thành
  • # Do tâm tạo mà thấy cảnh thực tại là khổ hay vui
  • # Thiện ác tuy có, nhưng chỉ là có trong cảnh giới tương đối chứ không có trong cảnh giới chân thật

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục (2)



#NGÀY 119 — VIỆC NÀO LÀM VÌ THAM, SÂN VÀ SI CŨNG ĐỀU ĐẨY TA ĐỌA THẲNG VÀO ĐỊA NGỤC SAU KHI CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nổi giận dễ khiến ta rơi địa ngục, nhất là nổi giận với những đối tượng đặc biệt như cha mẹ, Tam bảo, đặc biệt nhất là nổi giận với đấng đạo sư. Từ bỏ đạo sư, mất hết lòng tôn kính đó là sự đọa rơi nặng nề nhất. Phỉ báng đạo sư là phỉ báng hết thảy chư Phật. Đức Pabongka Dechen Nyingpo giải thích rằng nổi giận với đạo sư trong thời gian một búng tay sẽ khiến kẹt trong ngục vô gián trong thời gian dài nhiều lần đại kiếp.

§ Kinh sách có nơi dạy rằng tà kiến, ví dụ như không tin nhân quả, sẽ khiến rơi vào địa ngục lạnh. Đương nhiên không phải là nguyên do duy nhất, còn phải có nhiều nhân tố bổ xung khác, ví dụ như trộm cướp áo ấm khiến người ta bị lạnh v.v…

§ Thọ giới từ đạo sư rồi phá giới là nghiệp rất nặng, có thể làm rơi vào địa ngục. Phát một trong những giới năm giới, ví dụ như sát sinh, trộm cướp, dối láo, tà dâm, hay một trong mười tám trọng giới bồ tát cũng rất trầm trọng. Và kinh sách dạy rằng phá trọng giới kim cang thì giữa lúc phá giới đến lúc sám hối tịnh giới có bao nhiêu sát na sẽ bấy nhiêu đại kiếp đọa vào cõi địa ngục sâu nhất. Giữ giới thanh tịnh là cách đạt quả giác ngộ nhanh nhất. Vì vậy một khi đã thọ giới thì phải thận trọng đừng bao giờ để mình phá giới, phạm giới.

  • #Nổi giận dễ khiến rơi địa ngục, nhất là nổi giận với những đối tượng đặc biệt
  • #Có nhiều nguyên do khiến đọa vào địa ngục lạnh, trong đó có tà kiến và cướp áo ấm của người khác
  • #Phá giới mà không sám hối để tịnh giới thì thường hay khiến đọa địa ngục

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục (3)
! 1.1 Nguyên nhân đọa sinh cõi địa ngục



#NGÀY 120 — CŨNG NHƯ HẠT MẦM LỚN DẦN CHO ĐẾN KHI ĐÂM CHỒI THÀNH CÂY, CHỦNG TỬ ÁC NGHIỆP CŨNG VẬY, CHÍN MÙI NGAY CỬA TỬ, QUYẾT ĐỊNH CHỐN TÁI SINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chết với cái tâm tiêu cực chuẩn bị rơi ác đạo, cái chết trải qua sẽ rất kinh hoàng. Ai sắp rơi hỏa ngục thì khi chết sẽ cảm thấy rất lạnh, đốt bao nhiêu lò sưởi, quấn bao nhiêu lớp chăn cũng vẫn lạnh thấu xương. Họ run lật bật, mê sảng vì lạnh. Hạt giống nghiệp nằm trong tâm thức bị vô minh tác động, càng lúc càng lớn mạnh, hiện thành sự thèm khát được ấm, cứ vậy mà chết đi trong sự thèm khát ấy thì bị đẩy vào hỏa ngục.

§ Tương tự như vậy, ai có nghiệp đọa rơi vào hàn ngục thì khi chết sẽ thấy nóng không chịu nổi, như thể cả thân mình, giường chiếu, cả không gian đều bốc lửa, khiến họ thèm khát được mát. Căn phòng dù lạnh cỡ nào họ vẫn thấy nóng như lò thiêu. Chết trong nỗi thèm khát được mát ấy nên bị đẩy vào hàn ngục.

§ Nhiều người đã phải chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng trước khi chết. Ai từng giết người  hay thường giết súc vật; lính trận, người tra tấn; hay những người có tâm tính cuồng bạo, những người như vậy thường phải trải qua cái chết dữ dằn. Những tiếng đồng hồ cuối cùng của họ thường hiện ra đầy cảnh tượng kinh hoàng, như thể chưa chết mà đã vào địa ngục. Tâm họ mờ mịt đầy cả ác nghiệp, lại chưa sám hối tịnh nghiệp nên khi rời đời sống này, nghiệp sinh vào địa ngục bắt đầu  hiện ra.

  • # Người sắp sanh vào hỏa ngục khi gần chết sẽ cảm thấy lạnh dữ dội
  • # Người sắp đọa hàn ngục sẽ cảm thấy nóng khủng khiếp và chết trong sự  thèm khát được mát
  • # Có nhiều người phải trải qua cảnh tượng kinh hoàng ngay trước khi chết

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục (4)
! 1.2 Đọa sinh địa ngục



#NGÀY 121 — LỬA BỎNG TRONG TOÀN CÕI CON NGƯỜI CŨNG KHÔNG THỂ SÁNH BẰNG MỘT TIA LỬA TÍ HON CÕI HỎA NGỤC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hỏa ngục có tám, thứ nhất là địa ngục sống lại [đẳng hoạt], ở đó chúng sinh sinh vào chỗ có núi sắt rực đỏ, gió chướng kinh hoàng, bị kẻ thù vây kín, phải cầm vũ khí để chiến đấu nhưng bị cắt thành từng mảnh nhỏ. Rồi thân liền lặn trở lại, cảnh khổ lại tái diễn. Mỗi ngày cứ phải chết đi sống lại như thế cả trăm lần. Thọ mạng chúng sinh cõi này kéo dài hàng tỷ năm.

§ Xuống thêm một tầng địa ngục thì thọ mạng tăng gấp đôi và khổ đau cũng gấp đôi. Ở địa ngục lằn đen [hắc thằng], chúng sinh phải nằm trên nền sắt, do nghiệp cảm mà thấy có ngục tốt dùng dây sắt nóng vạch thành từng lằn trên thân thể, rồi theo lằn vạch đó mà cưa ra thành từng mảnh. Ở địa ngục nghiến ép [chúng hợp], chúng sinh bị nghiến giữa hai ngọn núi lớn, thường phải mang tướng dạng của chúng sinh mà mình đã từng sát hại trong đời trước. Ở địa ngục kêu gào [hào khiếu], chúng sinh thấy mình kẹt trong căn nhà sắt nung không cửa, bỏng cháy ngột ngạt. Trải qua một thời gian dài không tưởng họ có thể thoát ra, chỉ để thấy mình rơi vào cõi địa ngục thấp hơn, cõi địa ngục kêu gào lớn [đại hào khiếu], nơi có hai căn nhà sắt nung, cái này nằm trong cái kia.

§ Ba tầng hỏa ngục còn lại tên là địa ngục nóng [viêm nhiệt], cực nóng  [đại viêm nhiệt] và vô gián [A tì]. Ở đó chúng sinh thấy mình phải chịu khổ nạn thật kinh hoàng, bị đinh ba xâu từ hậu môn lên đến đỉnh đầu rồi nướng sống. Ở cõi địa ngục vô gián, chúng sinh không còn thân thể, chỉ giống bơ trong đèn bơ, tan làm một với lửa cháy. Không thể biết được sự hiện diện của họ, ngoài tiếng khóc gào.

  • # Chúng sinh cõi địa ngục sống lại phải chịu cả trăm ngàn vạn năm đớn đau
  • #  Xuống thêm một tầng địa ngục thì thọ mạng tăng gấp đôi và khổ đau cũng gấp đôi
  • # Cõi ngục nóng, cực nóng và vô gián là ba cõi địa ngục khó kham nhất

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục
! 1.3 Địa ngục nóng [hỏa ngục]



#NGÀY 122 — KHỔ ĐAU TỆ NHẤT CÕI NGƯỜI LÀ AN LẠC SO VỚI CÕI ĐỊA NGỤC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quanh tám hỏa ngục có nhiều địa ngục cận biên, cũng giống như các vùng ngoại ô nằm quanh thành phố. Cũng có người đọa thẳng vào đó, nhưng nói chung đây là nơi chúng sinh rơi vào sau khi dứt nghiệp hỏa ngục. Đã phải chịu thống khổ tột cùng trong khoảng thời gian dài vô kể rồi được thoát hỏa ngục, nhưng khi ấy cũng vẫn chưa hết khổ vì còn phải thoát khỏi các địa ngục cận biên.

§ Đầu tiên là đường mương lửa, chúng sinh phải bước theo đường mương dung nham ngập đến gối, chân tan chảy vì sức nóng, gây đớn đau hấp hối. Nhấc chân lên thì lại liền lặn, rồi phải tiếp tục đặt chân xuống, mỗi bước đi đều chịu đớn đau khủng khiếp. Cuối cùng thoát khỏi đường mương dung nham này, chỉ để lọt vào vào cảnh địa ngục lân biên tiếp theo, sa vào đầm lầy thối rữa, lún sâu vào của bẩn hôi thối, gớm ghiết đến kinh hoàng, không khác gì hố phân.

§ Tiếp theo là cánh đồng gươm. Chúng sinh ở đó thấy mình phải vượt qua cánh đồng đầy gai dài như gươm, bén như dao cạo, nhất cử nhất động đều bị xẻ thành từng mảnh, đớn đau không kể xiết. Sau chót là dòng sông không thể vượt, còn được gọi là “nước lửa đồng thể,” vì kinh sách dạy rằng nước ở đó hòa tan trong lửa, cháy bỏng như dầu sôi. Chúng sinh phải vượt qua dòng sông sôi bỏng này rồi mới có thể thoát ra khỏi địa ngục cận biên, đưa chân vào thì thịt da tan cả, đớn đau hấp hối. Họ phải chịu thống khổ như vậy trong một thời gian dài ngoài sức tưởng tượng.

  • #Địa ngục cận  biên ở quanh hỏa ngục, như các vùng ngoại ô nằm quanh thành phố
  • #Chúng sinh địa ngục thoái khỏi đường mương dung nham để sa vào đầm lầy thối rữa
  • # Bị cắt xẻ nơi cánh đồng gươm rồi, thịt da họ lại tan vào dòng sông không thể vượt

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục
! 1.4 Địa ngục cận biên



#NGÀY 123 — HÀN NGỤC LẠNH ĐẾN NỖI CHÚNG SINH Ở ĐÓ ĐỒNG NHẤT VỚI NÚI BĂNG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tương tự như hỏa ngục, hàn ngục cũng có tám, thọ mạng và khổ đau tăng theo từng tầng địa ngục. Tám địa ngục này là: ngục rét bỏng da, ngục rét vỡ da, ngục rét thấu răng, ngục rét thấu lưỡi, ngục rét thấu cổ, ngục rét thịt nẻ như sen xanh, ngục rét thịt nẻ như sen hồng, ngục rét thịt nẻ tung tóe như cánh sen.

§ Người trong hàn ngục thân thể đồng nhất với cái lạnh, đớn đau thống khổ đến nỗi không thể nhúc nhích. Thầy Pabongka so sánh khổ này tương tự như chân bị đóng đinh xuống sàn, tối đen không thấy gì. Chốn này có cả một cánh đồng băng giá, vây quanh là những ngọn núi băng. Gió hú không thôi, gây bão tuyết dữ dội, cũng có khi khiến núi băng nứt nẻ, gây nên nhiều tiếng động kinh hoàng.

§ Ngay như hàn ngục đầu tiên cũng đã phải chịu đớn đau khủng khiếp vì lạnh. Nếu bị kẹt 10 phút trong phòng ướp lạnh nhà hàng, nhất định là chịu không nổi, nhưng lạnh này dù khủng khiếp đến đâu vẫn chẳng là gì so với khổ lạnh hàn ngục. Tưởng tượng thân trần bị vùi trong trận băng lở, giữa đêm đen mù mịt, gió hú trên đầu. Cõi người thì bấy nhiêu là lạnh hết cỡ rồi, nhưng chẳng sánh được dù chỉ một phần ngàn vạn với cõi hàn ngục nhẹ nhất. Vậy mà đây lại là cảnh biết bao chúng sinh đang phải chịu, ngay trong giờ phút này, nhiều hơn cả số lượng loài người và loài súc sinh gộp lại.

  • #Hàn ngục có tám, thọ mạng và khổ đau tăng theo mỗi tầng địa ngục
  • #Vây quanh là núi băng, gió hú và bóng đêm, chúng sinh cõi hàn ngục thân thể đồng nhất với cái lạnh
  • # Cảm giác lạnh nhất ta có thể tưởng tượng được vẫn không bằng một phần ngàn vạn cảnh hàn ngục nhẹ nhất

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục
! 1.5 Địa ngục lạnh [hàn ngục]



#NGÀY 124 — MỖI MỘT CẢNH KHỔ MÀ CHÚNG SINH ĐỊA NGỤC PHẢI CHỊU ĐỀU LÀ NGHIỆP BÁO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Ở đó cũng có các địa ngục cô lập. Ai có nghiệp ấy thì sẽ do nghiệp cảm mà thấy cảnh địa ngục này. Có khi là khổ đau cùng cực trong những môi trường sống chúng ta biết được, ví dụ cảnh sa mạc, đầm lầy, cũng có khi là những cảnh khổ “cô lập” trong thời gian, nghĩa là cảnh khi có khi không, không phải lúc nào cũng phải chịu. Đều do từng nghiệp riêng lẻ mà thành.

§ Có lần một thương gia tên là Kô-ti-kar-na đang trên đường về nhà sau một thời gian tìm ngọc dưới biển. Khi băng ngang sa mạc, ông ta thấy có căn nhà cháy, người kẹt bên trong khổ sở kinh khiếp. Nhưng đêm đến thì cảnh vật thay đổi, không còn căn nhà cháy mà chỉ là một cung điện đẹp ngời, chủ nhân sống yên vui bên bốn người vợ trong cảnh sang giàu đầy cao lương mỹ vị, gấm vóc lụa là, còn những người phụ nữ kia đều là thiên nhân. Sáng hôm sau cung điện lại trở thành căn nhà lửa, phụ nữ biến thành chó cắn xé tan nát thịt da người đàn ông kia.

§ Kotikarna hỏi người ấy vì sao ông phải chịu cảnh như vậy, người ấy nói rằng khi xưa tôi làm nghề đồ tể, có một lần đã hỏi A la hán Katayana làm sao để giữ giới hạnh. Vì làm thợ mổ thịt nên tôi chỉ có thể giữ sát giới ban đêm còn ban ngày thì không thể. Vì vậy bây giờ ban ngày phải chịu khổ lớn, còn ban đêm lại được hưởng an vui tột bực. Mỗi cảnh sống đều là quả báo của từng loại nghiệp đã tạo.

  • # Chúng sinh địa ngục cô lập chịu khổ khi có khi không, hay chịu cảnh khổ đau cùng cực
  • # Kotikarna thấy một căn nhà ban ngày đầy khổ đau và ban đêm đầy an lạc
  • # Người ở đó trước kia ban ngày làm đồ tể và ban đêm giữ giới không sát sanh

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục
! 1.6 Địa ngục biệt lập [cô ngục]



#NGÀY 125 — CHÚNG TA ĐÃ ĐẾN CẬN KỀ CÕI ĐỊA NGỤC, NGAY BÂY GIỜ LÀ CƠ HỘI DUY NHẤT ĐỂ QUAY LUI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tự mãn là điều quá dễ xảy ra. Bây giờ chúng ta sống thoải mái dễ chịu, mọi sự suông sẻ không gặp nhiều vấn đề, cảm giác giống như một buổi sáng chủ nhật biếng lười nằm thư thả bên bờ sông, thấy đời mình đã luôn là như vậy và sẽ luôn là như vậy. Thật chẳng gì khờ dại cho bằng. Nỗi thống khổ địa ngục chỉ xa bằng khoảng cách một hơi thở thôi, vậy mà vẫn còn chưa muốn nghĩ đến, vì cảm thấy khó chịu.

§ Đợi đến khi hắt ra hơi thở cuối cùng thì đã quá trễ, cảnh địa ngục hiện trước mắt, thành thực tại mà mình bắt buộc phải chịu. Một tích tắc trước còn nằm trên giường êm nệm ấm, tích tắc sau đã trải thân trên nền sắc nung đỏ, cháy bỏng tuyệt vọng. Khi ấy mọi sự đều đã tuột khỏi tầm tay, không thể làm gì ì được nữa. Ngay bây giờ mới là lúc còn có khả năng thay đổi tình thế, chuyển cách suy nghĩ, làm những việc cần làm để tránh khổ địa ngục trong tương lai.

§ Thảm cảnh lớn là đây: Có được thân người với đầy đủ khả năng chọn lựa thì lại không chịu làm những gì cần làm để tránh khổ ác đạo. Đợi rơi vào đó rồi mới hối tiếc thì đã quá muộn. Việc gì cũng đã vuột khỏi tầm tay với, biết phải làm sao? Nếu không chịu nắm lấy cơ hội ngay bây giờ để tịnh ác nghiệp, đợi đến khi ác nghiệp chín rồi, khổ đau địa ngục ập xuống, mọi sự đều đã muộn màng.

  • # Quá thoải mái dễ dàng thì dễ phát sinh tâm lý tự mãn
  • # Chỉ có lúc này chúng ta mới có khả năng thay đổi cách suy nghĩ và tránh được khổ địa ngục
  • # Phải nắm ngay cơ hội, mau tịnh ác nghiệp trước khi quá trễ

! Cõi ác đạo (3)
! 1 Địa ngục



#NGÀY 126 —  KHÔNG AI MUỐN THÀNH NGẠ QUỸ NHƯNG CHÚNG TA MỖI NGÀY ĐỀU ĐANG TIẾN DẦN VÀO CÕI ẤY —  LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cõi ác đạo thứ hai là cõi ngạ quỹ, do nghiệp tham lam keo bẩn tạo ra. Chúng sinh ở đó phải chịu đói khát cùng cực. Có một số người hiếm hoi thuận nghiệp thấy được ngạ quỹ, ngoài ra phần lớn loài người không thấy được ngạ quỷ, nhưng ngạ quỹ luôn có ở quanh ta. Chúng ta cũng có thể thấy trong cõi con người có nhiều hoàn cảnh sống tương tự như của loài ngạ quỷ, nhiều nơi trên quả đất này phải chịu nạn đói, nạn hạn hán.  Bao nhiêu triệu người cả đời phải tranh đấu để sống còn, luôn phải chịu đói chịu khát, không bao giờ kiếm đủ thức ăn, nước uống.

§ Keo bẩn là lòng tham lam dữ dội trước tài vật. Bám chấp đến độ cứ phải canh chừng luôn luôn. Với tâm keo bẩn thì sở hữu nào cũng quý giá đến nỗi không thể san sẻ cho ai, nên người nào vướng tâm keo bẩn sẽ khó lòng bố thí. Họ có thể giàu có cực độ, nhưng vẫn cảm thấy phải tích trữ dấu diếm tài sản. Họ cũng chấp bám vào nhà cửa. Sống với cái tâm như vậy thật là kinh khủng, và cũng thật là nguy hiểm khi chết, vì tâm lý keo bẩn chấp thủ này nhất định sẽ thành nhân đẩy vào cõi ngạ quỹ.

§  Nếu chết với cái tâm ganh ghen tật đố sẽ có thể sinh làm ngạ quỹ. Dùng Phật pháp để tăng thêm ngã chấp và ngã mạn thay vì thuần tâm thì đây cũng là nhân khiến đọa sinh vào cõi ngạ quỹ. Có rất nhiều chuyện kể về những thiền sư rất thông thạo pháp tu nhưng lại không lo quét phiền não của mình, vì vậy họ phải chịu khổ lớn khi chết, dù có tu mật pháp tinh thông.

  • # Cõi ngạ quỹ chủ yếu là cảnh khổ cùng cực vì đói và khát
  • # Cảnh này do tâm keo bẩn tham lam tạo ra, nhất là keo bẩn tham lam ngay lúc lâm chung
  • # Những nguyên nhân khác khiến đọa ngạ quỹ là chết với tâm ganh ghen và dùng Phật pháp để tăng ngã chấp

! Cõi ác đạo (3)
! 2 Ngạ quỷ
! 2.1 Nguyên nhân đọa sinh cõi ngạ quỷ



#NGÀY 127 — CHÚNG TA DÙ CÓ ĐÓI ĐẾN ĐÂU CŨNG CHẲNG LÀ GÌ SO VỚI NỖI KHỔ MÀ LOÀI NGẠ QUỶ PHẢI CHỊU TRONG TỪNG PHÚT GIÂY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cảnh sống của loài ngạ quỷ chỉ đơn giản vượt ngoài sức tưởng tượng. Không cỏ cây, không sông nước, không  gì cả, hoàn toàn trơ trụi hoang vu. Pabongka Rinpoche diễn tả cõi này giống như chiếc nồi đồng nung đỏ, bị mặt trời thiêu cháy. Thường luôn có bão cát. Hạt cát nóng bỏng sắc bén cứa vào làn da nhạy cảm của quỷ đói như trận mưa đá lớn. Mùa đông đến cả mặt trời cũng lạnh không làm sao chịu nổi, mùa hạ đến cả mặt trăng cũng nóng không thể nào kham.

§ Khoan nói đến bất cứ khổ đau nào khác, thử nghĩ đến chỉ một nỗi khổ này thôi: loài người chúng ta sống ở nơi có cây cỏ sông hồ, khí hậu thay đổi, thuận lợi cho sự sống, trong khi đó loài ngạ quỷ phải sống ở một nơi hoàn toàn bất lợi. Không có gì để duy trì sự sống nhưng lại không thể chết. Nền đất cháy khô dưới ánh mặt trời, nóng không thể chạm vào, họ vẫn phải sống trọn đời ở một nơi như vậy. Nội việc này thôi cũng đủ cho ta nỗ lực để đừng phải sinh vào nơi ấy.

§ Với cái bụng vĩ đại, cái cổ bé tí hon, ngạ quỷ không có khả năng ăn hay uống, nên luôn phải chịu đói khát. Chúng ta mà phải chịu khổ như vậy thì đã chết rồi, nhưng ngạ quỷ thì không chết. Họ chỉ có thể liên tục tìm thức ăn nước uống trong vô vọng. Kiệt quệ vì đói khát, họ phải gánh sức nặng vĩ đại  của chính mình bằng chân tay mỏng manh, bắp thịt yếu đuối, cứ phải liên tục sợ hãi những vị thần Ya-ma canh giữ thực phẩm. Không thể chết, cũng không thể làm gì khác hơn là chịu khổ. Họ phải chịu khổ như vậy đến cả hàng vạn năm.

  • # Cõi ngạ quỹ trần trụi hoang vu, hoặc là nóng không chịu nổi, hoặc là lạnh không chịu nổi
  • # Mặc dù cõi này không có gì để duy trì sự sống nhưng ngạ quỷ không thể chết
  • # Vì không thể ăn hay uống nên ngạ quỷ luôn mãi đói khát

! Cõi ác đạo (3)
! 2 Ngạ quỷ
! 2.2 Cảnh khổ chung: nóng, lạnh, đói, khác, kiệt quệ và sợ hãi



#NGÀY 128 — THÂN LOÀI NGẠ QUỶ LÀ THỨ HOÀN HẢO ĐỂ TẠO KHỔ ĐAU, VỚI CÁI BỤNG PHỒNG TO VĨ ĐẠI, KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ LẤP ĐẦY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Loài  ngạ quỷ phải chịu ba loại chướng ngại. Ngoại chướng là những yếu tố bên ngoài không cho phép họ thỏa mãn cơn đói khát cùng cực, thường là dưới dạng những vị thần dữ dằn do nghiệp tạo nên, canh giữ bất cứ nguồn thực phẩm nào có trong cõi này, đánh đuổi những ngạ quỷ yếu đuối đầy sợ hãi đi chỗ khác. Cũng có khi là ngạ quỷ nhìn từ xa thấy có cây to đầy trái, hay hồ nước tuyệt vời, nhưng sau khi chống chọi thật lâu với nỗi kiệt quệ, gần đến nơi thì cảnh tượng kia biến mất như cơn ảo ảnh, tạo nỗi bức xúc khủng khiếp. Cũng có khi là cảnh tượng kia biến thành thứ ghê tởm. Hồ nước trong biến thành đầm lầy hôi thối đầy máu mủ lông tóc, không thể uống được.

§ Nội chướng là ngạ quỷ dù tìm ra thực phẩm cũng không có khả năng hấp thụ, vì thân thể của họ khiến cho thức ăn không thể xuống tới bụng. Không những là cổ nhỏ như cây kim, có khi còn có bướu khiến cổ càng tắt nghẽn. Nếu bướu tứa mủ, họ sẽ ăn vào. Cũng có  những con ngạ quỹ cổ bị thắt hai ba cái gút, không thể nuốt vào được bất cứ thứ gì.

§ Thực phẩm chướng là ngạ quỷ không thể tiêu hóa được bất cứ thứ gì họ cho vào miệng. Thức ăn nước uống biến thành độc được khi vào tới bao tử, bốc cháy như diêm quẹt vất vào dầu lửa, cũng có thể biến thành sắc nung đổ xuống bao tử, khiến họ đớn đau không kể xiết.

  • # Ngoại chướng là những cảnh vật bên ngoài khiến loài ngạ quỷ không thể ăn hay uống
  • # Nội chướng là thân thể của họ khiến cho thực phẩm không thể vào tới bao tử
  • # Thực phẩm chướng là thức ăn nước uống biến thành độc dược bên trong cơ thể

! Cõi ác đạo (3)

! 2 Ngạ quỷ

!2.3 Cảnh khổ riêng biệt: ngoại chướng, nội chướng và thực phẩm chướng



#NGÀY 129 — NGAY BÂY GIỜ ĐƯỢC SINH LÀM NGƯỜI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SẼ KHÔNG BAO GIỜ LẠI ĐỌA VÀO CÕI SÚC SINH — LAMA YESHE

§ Do giáo dục khoa học và hiểu biết về luật tiến hóa, người Tây phương thường khó chấp nhận rằng con người có thể thoái hóa thành súc vật. Họ cho rằng sự thoái hóa này không thể nào có. Nhưng trên thực tế điều này vẫn thường xảy ra.

§ Như Thầy có đã nói trước đây, tâm xấu ác có thể hiện rõ nơi thân tướng. Ở đây cũng vậy. Dù có nhìn giống con người nhưng tâm của chúng ta không khéo thì vẫn có thể bị thoái hóa đến mức tệ hơn cả loài súc sinh. Năng lượng này của tâm có thể hiện thành thân tướng tương ứng, nhập vào thân của loài súc sinh. Đây là điều có thể xảy ra. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thân người tự nhiên biến thành thân súc sinh. Ý Thầy không phải vậy. Bao giờ tâm thức lìa khỏi thân người hiện tại, khi ấy vì tâm này mang năng lực súc sinh nên sẽ biến thành thân tướng của loài súc sinh.

§ Việc làm đúng hay sai đều tùy ở nơi tâm. Tâm chánh trí thì làm việc đúng, tâm điên đảo thì làm việc sai. Năng lực của thân khẩu và ý của con người nếu đặt đúng hướng thì uy lực không gì sánh bằng. Vấn đề nằm ở chỗ đời sống của chúng ta không có định hướng, nên năng lực bị phân tán. Ngay bây giờ phải nên xét lại xem mình đang sống như thế nào, sống có định hướng hay không? Nếu không thì như vậy là phí hết năng lượng thân khẩu và ý của mình. Vì vậy mà cần phải có quán trí để phân biệt đúng sai. Muốn có được quán trí thì phải hiểu tâm mình, biết tâm thiện tâm ác phát sinh như thế nào. Mọi hành động đều đến từ cái tâm, nếu không xét tâm, làm sao có thể xác định được thực chất của việc mình làm?

# Con người có thể thoái hóa đến mức trở thành súc sinh

# Khi chết, tâm thức lìa thân người và đi vào thân súc sinh

# Cần phải xét xem mình có đang dồn năng lực vào đúng hướng hay không.

! Cõi ác đạo (3)
! 3 Súc sanh
!3.1 Nguyên nhân đọa cõi súc sinh



#NGÀY 130 — NHÌN KỸ XEM LOÀI SÚC SINH THẬT SỰ SỐNG RA SAO SẼ THẤY ĐẦY KHỔ ĐAU KHÔNG TƯỞNG  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Loài súc sinh bị ngu si khống chế. Dù có tham, sân hay không, tâm si vẫn luôn là nét đặc thù làm định nghĩa cho cõi súc sinh. Vì si nên loài súc sinh vướng kẹt trong sợ hãi, hung hăng, đói khát, lạnh lẽo, nóng bức, chịu đủ mọi khổ đau bức bách khiến cuộc sống của chúng vô cùng thảm thương.

§ Ở cõi này không có ai là không phập phồng lo sợ bị giết. Kể cả những loài lớn nhất, lớn đến nỗi nhìn vào cứ tưởng sẽ không ai hại nổi, hay bé nhất, cứ tưởng chúng an toàn vì quá bé chẳng ai thèm động đến. Hãy nhìn đời sống trong lòng đại dương, hàng tỉ tỉ loài cá chỉ biết lo sinh tồn, sao cho đừng bị con khác nuốt và cố tìm con nhỏ hơn để ăn. Hay nhìn vào bãi sa mạc, rắn săn chuột để sống, chim ưng săn rắn để sinh tồn. Ngay như trong thành phố, cảnh giết và bị giết cứ liên tục xảy ra. Xem tài liệu nào về thế giới động vật cũng thấy được nỗi khổ lớn này của chúng. Trực tiếp nhìn vào thế giới thiên nhiên ở bên ngoài cũng thấy được. Nếu biết xem cho đúng cách thì chương trình truyền hình về thế giới động vật cũng ích lợi  không thua gì sách Phật.

§ Đời sống của loài súc sinh tàn bạo khổ đau ngoài sức tưởng tượng. Phải nhìn vào đó để thật sự khai mở lòng thương yêu đối với loài này. Chúng ta cần ý thức bản thân chính mình đã từng vô số lần làm súc sinh y hệt như vậy, và cũng đã gieo đủ nghiệp để lại trở thành như thế trong tương lai. Nếu chính mình thành súc sinh thì không còn khả năng giúp bản thân hay ai khác. Vì lý do đó quán tưởng về khổ đau loài súc sinh là điều quan trọng cực kỳ.

  • # Vì si nên loài súc sinh bị vướng kẹt trong nỗi khổ nóng, lạnh, đói, khát, kiệt quệ và sợ hãi
  • # Không có súc sinh nào, dù lớn hay nhỏ, thoát được nỗi sợ bị săn giết
  • # Quán tưởng khổ súc sinh sẽ giúp ta phát tâm từ bi

! Cõi ác đạo (3)
! 3 Súc sanh
! 3.1 Cảnh khổ chung: nóng, lạnh, đói, khát, đuối mệt và sợ hãi



#NGÀY 131 — TƯỞNG TƯỢNG NẾU ĐỘT NGỘT BIẾN THÀNH LOÀI SÚC SINH THÌ ĐÁNG KINH HÃI ĐẾN MỨC NÀO  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trừ phi giữ giới được thanh tịnh, ngoài ra không cách gì có thể nói được rằng kiếp sau  mình sẽ sinh vào cõi nào. Đời sống vô thường, kiếp sau có khi chỉ cách xa một hơi thở. Ngay bây giờ mình đang tạo nhân gì? Phải suy nghĩ cho thật kỹ. Chúng ta có thể là đang tạo nhân sinh vào cõi súc sinh. Có thể là giờ này, ngày mai, mình đã biến thành một con ếch nhớt nhợt, trốn trong cái hồ, nơm nớp lo sợ chim sói vờn quanh. Ngày mai ta cũng có thể đã là một con ngao.

§ Mỗi khi nhìn thấy con bò hay con cừu bị lùa chung với gia đình anh em vào xe tải, chuẩn bị đến lò mổ, ta phải nghĩ “Đây có thể là chính mình.” Nghiệp khiến rơi vào cảnh này, chúng ta có thừa, Bị dắt vào lò mổ, đầu bị búa đập, thịt da bị lóc ra khỏi xương, gởi đến tiệm thịt. Khi nhìn thịt treo nơi tiệm thịt, hay thịt được cắt gói sạch sẽ trong siêu thị, phải biết rằng cũng có khi thịt này sẽ là thịt của chính mình.

§  Tưởng tượng con lừa, hay con ngựa, ngày ngày đều phải chở nặng. Thú vật cày ruộng phải kéo vật nặng không thể tưởng tượng. Voi kéo gỗ, ngựa kéo cả núi thực phẩm như ở xứ Á Châu. Hay phải nghiền ngũ cốc, bịt mắt quay máy xay giờ ngày qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, cho đến khi kiệt sức mà chết. Không ai quan tâm đến sức khỏe của chúng, đừng nói gì đến sự bình an hay thoải mái. Bao giờ không còn lợi ích nữa, chúng sẽ bị vất đi như vất một cục pin hết điện.

  • * Trừ phi là giữ giới thanh tịnh, bằng không giờ này ngày mai có khi ta đã thành con ếch hay con ngao
  • * Nhìn đàn thú bị lùa vào xe tải, phải nghĩ rằng, “đây cũng có thể là mình”
  • * Loài vật phải chịu đủ loại khổ não khi ở trong tay của loài người

! Cõi ác đạo (3)
! 3 Súc sanh
! 3.2 Cảnh khổ riêng biệt: bị nhồi nhét và bị loài người lạm dụng



#NGÀY 132 — ĐIỂM CHÍNH CẦN NHỚ, ĐÓ LÀ CẢNH TIÊU CỰC NÀO CŨNG ĐỀU LÀ NHỮNG HIỆN TƯỢNG SINH DIỆT, QUY ƯỚC, TÙY THUỘC — LAMA YESHE

§ Hiện giờ tâm của chúng ta bị vọng tâm vọng tưởng che chướng nên tạm thời bị khuất lấp. Chúng ta vốn có khả năng nhìn mọi sự rõ ràng chính xác, nhưng thay vào đó cứ phải mò mẫm trong bóng tối của lòng tham, bám chặt vào thế giới giác quan hư ảo. Tuy vậy, đừng nghĩ rằng mình vĩnh viễn bị kẹt trong cảnh tiêu cực. Không một chúng sinh nào vướng kẹt vĩnh viễn trong khổ đau, cũng không cảnh tiêu cực nào trường tồn vĩnh cửu. Chỉ khi nào tâm bị phiền não và cái thấy sai lầm về thực tại làm cho ô nhiễm thì mới phải chịu khổ đau.

§ Khổ đau không trường tồn. Mọi sự đều biến chuyển. Cảnh sống thay đổi và nỗi khổ đau bất như ý cũng vậy. Nếu cảnh tiêu cực là trường tồn thì chúng ta cũng phải trường tồn. Cũng giống như là nếu một phần thân thể của mình, ví dụ như bàn tay, là trường tồn bất biến, thì chúng ta cũng phải trường tồn bất biến. Được thế thì còn gì bằng, không còn lý do gì để phải sợ chết. Và c húng ta cũng sẽ là người đầu tiên trên cõi địa cầu này phải chịu khổ đau vĩnh viễn! Nhưng đây là chuyện phi lý, chỉ có ở trong cái tâm hư vọng, không đúng với thực tại.

§ Không có vấn đề nào là không có đáp án. Nghĩ rằng cảnh tiêu cực và khổ đau sẽ luôn trường tồn chỉ khiến cho tâm thêm khủng hoảng, đầy cảm giác tội lỗi, dễ biến thành chứng rối loạn thần kinh cùng nhiều chứng bệnh tâm thần khác. Nuôi giữ trong tâm khái niệm sai lầm này thì sẽ rơi vào tuyệt vọng, ở đó vô minh phiền não lại càng thêm sâu dày. Đời sống bị tước mất ý nghĩa, họ không còn gì để nương vào ngoài sự tuyệt vọng. Tuy vậy, càng phát huy sự hiểu thâm sâu thì sẽ đạt càng nhiều chứng ngộ, bên trong sẽ trở nên thuần tịnh hơn.

  • # Đừng nghĩ rằng mình vĩnh viễn bị nhốt trong cảnh tiêu cực
  • # Nếu khổ đau trường tồn thì chúng ta cũng trường tồn, điều này phi lý
  • # Càng phát huy sự hiểu thâm sâu thì sẽ đạt càng nhiều chứng ngộ, bên trong sẽ trở nên thuần tịnh hơn

! Cõi ác đạo (3)
! Kết (1)



#NGÀY 133 — ĐIỀU DUY NHẤT NGĂN TA VÀO ÁC ĐẠO, ĐÓ LÀ HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nguyên nhân được sinh vào cõi người toàn hảo là giới và thí. Biết vậy rồi nỗ lực vì mục tiêu ấy thì cõi ác đạo sẽ không còn là điểm hẹn kế tiếp, cái chết không còn là chuyện kinh dị. Tóm lại, chúng ta cần hành trì chánh pháp và không làm gì khác ngoài hành trì chánh pháp. Hành trì chánh pháp có nghĩa là không bao giờ còn gây hại cho người khác và, nếu được, hãy giúp họ. Thêm vào đó, phải làm tất cả những gì cần làm để phá bỏ ác nghiệp đã gieo trong tâm đang chờ đủ điều kiện là trổ quả ngay bất cứ lúc nào. Đó là ba điều phải làm. Nói cho ngay, ba điều này tóm lược trọn đường tu Phật giáo.

§ Muốn giúp người và không bao giờ gây hại cho ai thì cách tốt nhất là thọ giới. Phật tử có nhiều bộ giới khác nhau có thể thọ nhận, không chỉ lánh ác mà còn làm lành. Dù chưa sẵn sàng để thọ những bộ giới cao, dù giới đã thọ không giữ được thanh tịnh, thì cũng vẫn là đang xây dựng một nền tảng tuyệt vời giúp ta siêu việt khổ nạn và thật sự có khả năng nâng đỡ chúng sinh.

§ Đáp án duy nhất cho mọi vấn đề, kể cả việc khỏi rơi ác đạo, là trái tim thiện lành. Mọi thứ sẽ từ đó mà ra: hạnh phúc đời này, hạnh phúc mọi đời sau, giải thoát luân hồi, đạt đại giác ngộ. Trái tim thiện lành cho ta khả năng nâng đỡ chúng sinh, giúp chúng sinh tự cứu chính mình thoát khổ, rốt lại đạt quả giác ngộ. Với trái tim thiện lành, tất cả những điều này sẽ đợi ta ở phía trước. Và đương nhiên là sẽ chẳng cần gì phải sợ chết hay sợ cõi ác đạo.

  • # Nhờ thực hành chánh pháp, đặc biệt là giới và thí, chúng ta sẽ tránh được cõi ác đạo
  • # Thọ giới là cách tốt nhất để thật sự có khả năng giúp người và không bao giờ gây hại ai
  • # Đáp án duy nhất cho mọi vấn đề, kể cả việc khỏi rơi ác đạo, là trái tim thiện lành

! Cõi ác đạo (3)
! Kết (2)



#NGÀY 134 —QUÁN ÁC ĐẠO SẼ PHÁ TAN TÂM LÝ TỰ MÃN, NHƯ GIÓ LỚN CUỐN BAY LÁ CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quán khổ đau cõi đạo rất quan trọng, không những vì tiếp cho ta nguồn năng lực để kiếp sau khỏi đọa khổ ác đạo mà còn phá đi tâm bất thiện đời này, khiến cuộc sống trở nên phong phú nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta nhìn cuộc sống của mình bằng con mắt thực tế hơn.

§ Hiện giờ chúng ta đang sống cuộc sống nhỏ bé của mình, chỉ biết nghĩ đến bản thân và thú vui kế tiếp, quán khổ ác đạo sẽ giúp ta thấy rõ sống như vậy là mê muội và tự hại ra sao. Để tâm đầy kiêu hãnh, thấy mình trẻ trung, thành công, được yêu thích và xinh đẹp, thì pháp quán này sẽ giúp ta thấy rõ đó chỉ là ảo tưởng. Quan trọng hơn, sẽ giúp ta thấy mình không khác gì mọi chúng sinh khác, đều cùng một khả năng đọa cảnh khổ như nhau.

§ Học và quán về khổ ác đạo cũng sẽ cho chúng ta công cụ để khỏi rơi vào đó. Thấy tham sân và si là nguyên nhân đọa ác đạo thì tự nhiên sẽ không còn chạy theo ba chất độc ấy. Thấy cõi ác đạo gần mình đến độ nào thì sẽ dốc sức tìm đường tránh. Có vậy mới khám phá ra được phương pháp tuyệt vời Phật dạy: phát tâm từ bi và tâm bồ đề: là tâm cương quyết đạt quả Phật để độ khắp chúng sinh; và kim cang thừa: là đường tu chớp nhoáng đến với quả đại giác ngộ. Trừ phi khởi được quyết tâm mãnh liệt vượt bực, dứt khoát không để cho mình đọa ác đạo, bằng không khó lòng có được nguồn năng lượng đủ để tu cho đến mức có thể bẻ gãy được thói quen bẩm sinh cưng quý chính mình. Đó là lý do vì sao cần học về cõi ác đạo.

  • # Quán khổ ác đạo sẽ khiến đời sống phong phú nhiều ý nghĩa hơn
  • # Pháp quán này sẽ chỉ cho ta thấy mình cũng có khả năng đọa khổ ác đạo giống như bất cứ một ai
  • # Cần học về cõi ác đạo, vì điều này sẽ giúp cho pháp hành của mình nhiều năng lực và nhiều cảm hứng hơn

! Cõi ác đạo (3)
! Kết (3)



#NGÀY 135— QUY Y NƠI PHÁP THÌ QUAN TRỌNG LÀ PHẢI THẤY TIỀM NĂNG SÂU THẲM CỦA CHÍNH MÌNH — LAMA YESHE

§ Quy y là quá trình quay vào bên trong để bắt đầu khám phá tiềm năng vô hạn của chính mình khi đang làm người. Sự khám phá này sẽ tạo nguồn cảm hứng muốn phát huy trí lực vốn có của chính mình. Trí lực trọn vẹn toàn hảo là Phật quả. Chữ “Phật” có thể gợi hình ảnh phương đông xa vợi, nhưng “Phật” chỉ là một từ ngữ, và từ ngữ này có nghĩa là tâm trí khai mở trọn vẹn, như đóa sen mãn khai. Bao giờ ý thức được tiềm năng con người của chính mình, cái tâm khai mở được trọn vẹn thì khi ấy chúng ta thành Phật.

§ Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế có nhiều người đạt tuệ quán thâm sâu, chứng được nguồn an lạc thần biến chỉ nhờ nhìn thấy Phật. Ngày nay dù thân Phật tan biến từ lâu nhưng uy lực từ bi trí tuệ của Phật vẫn tiếp tục mang lợi ích đến cho chúng ta. Cứ phát huy tiềm lực của mình, không ngừng khai mở trí tuệ, chúng ta cũng có khả năng mang lợi ích vô biên đến cho người khác. Bất kể thế giới bên ngoài thay đổi ra sao, vận mạng biến chuyển thế nào, thế giới trong tâm vẫn có thể trụ vững nếu được trí tuệ thâm sâu trợ lực. Trí tuệ mang đến nguồn hạnh phúc chân chính, không phải như những chốn nương dựa tạm bợ chỉ mang lại hứng thú nhất thời, không có tính cách quyết định.

“§ Quy y có hai mặt, bên ngoài và bên trong. Quy y bên ngoài là nương theo sự hướng đẫn của những bậc giác ngộ còn tại thế, vì không Thầy sẽ không thể đạt giải thoát. Chư Phật cũng là gương sáng cho chúng ta noi theo. Tâm nhớ nghĩ đến quả giác ngộ thì quả này sẽ phản chiếu lại trong tâm, làm dâng trào nguồn năng lực tươi vui tỏa sáng. Điều này chứng minh cho thấy mặc dù bây giờ chưa thành Phật nhưng hạt giống của Phật vẫn sẵn có trong ta. Quy y bên trong là nương vào hạt giống giác ngộ này, là Phật tánh vốn có. Chúng ta thấy ra rằng, nói cho cùng, chốn quy y thật sự không đâu khác hơn là bản thân của chính mình.

  • # Quy y là quá trình quay vào phía bên trong để khám phá tiềm năng vô hạn của chính mình
  • # Cũng như đức Phật Thích Ca, chúng ta cũng có thể thành người mang lợi ích lớn lao đến cho chúng sinh
  • # Ban đầu quy y đối tượng ở bên ngoài, nhưng rốt lại quy y Phật tánh ở bên trong

! Quy Y: Cánh cửa nhiệm mầu mở vào Phật Pháp (1)



#NGÀY 136 — QUY Y ĐÚNG CHỖ KHÔNG MÊ LẦM, ĐÓ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Biết mình đang khổ cần thoát ra nên chúng ta tìm đường thoát. Xét cho thật kỹ sẽ thấy khổ đau này mình không đủ khả năng tự cứu mình thoát. Điên đảo trong mê hồn trận phiền não, chúng ta không thấy được lối ra. Đui mù lang thang tìm chốn an toàn nhưng an toàn là gì còn không biết chắc. Cả những vấn đề thế tục ngập ngụa từng ngày sống còn không giải quyết nổi, nói gì đến việc cứu mình thoát khổ ác đạo chực chờ sau khi chết. Chúng ta cần người giúp, một người đủ khả năng, không làm chúng ta thất vọng.c

§ Tìm hiểu về những hệ triết lý và những phương pháp ngoài Phật giáo sẽ thấy có nhiều ý tưởng rất hay, có thể giúp ích trên một phương diện nào đó, ở một thời điểm nào đó, nhưng không nơi nào đủ sức giúp ta vĩnh viễn thoát khổ. Cần tìm cho ra một phương pháp có thể kéo ta thoát mọi cảnh khổ, một phương pháp chắc thật, không hư ngụy, không gian dối, không lầm lạc dù chỉ mảy may. Một phương pháp không sai. Tìm được rồi thì còn cần phải xem coi nó có đúng thật là làm được như vậy hay không. Rồi mới có thể hoàn toàn tin tưởng vào đó.

§ Điều gì giúp ta thoát ác đạo? Điều gì cứu ta thoát khổ đau sinh tử luân hồi? Phân tích kỹ sẽ thấy chỉ có Phật, Pháp, và Tăng là có khả năng làm được việc này. Rồi tin tưởng sự giúp đỡ ấy, nương dựa vào đấy, tận tụy hết lòng với phương pháp này.

  • # Chúng ta không có khả năng tự cứu mình thoát khổ
  • # Cần tìm một phương pháp chắc thật, không sai, không hư ngụy, không gian dối, không lầm lạc
  • # Phân tích kỹ sẽ thấy chỉ có Phật Pháp và Tăng là có khả năng cứu ta

! Quy Y: Cánh cửa nhiệm mầu mở vào Phật Pháp (2)



#NGÀY 137 — ĐỂ PHÁT TÂM QUY Y ĐẠI THỪA CẦN HỘI ĐỦ BA NHÂN:  SỢ KHỔ; TIN TAM BẢO; TÂM ĐẠI BI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Càng sợ khổ và hiểu về giá trị của chốn quy y bao nhiêu thì tâm quy y càng mạnh bấy nhiêu. Vì vậy cần kiểm soát tâm mình cho kỹ xem hai nhân tố quy y này mạnh yếu ra sao. Nếu thấy có chỗ nào bị yếu hay bị thiếu thì phải học và thiền quán chỗ đó nhiều hơn để bảo đảm tăng cường đến mức tối đa có thể.

§ Nhân thứ nhất là sợ khổ luân hồi. Nếu nhân này không đủ sức bẻ gãy thói quen cũ thì ta cần học nhiều hơn về chủ đề khổ:  về cõi ác đạo và nguy cơ đọa ác đạo; về tám hay sáu loại khổ cõi người ; về ba loại khổ của toàn bộ sinh tử luân hồi. Thấy rõ cảnh khổ của chính mình thì sẽ chẳng còn tâm trí nào dành cho những việc khác hơn là hành trì chánh pháp. Cảm thấy hơi ngần ngại khi tu thì phải hiểu đó là vì mình vẫn còn bị che chướng, che chướng vì phủ nhận khổ đau của mình, hoặc vì không thấy Tam bảo là chỗ dựa đáng tin cậy.

§ Sợ luân hồi tin Tam bảo, hai nhân tố này của tâm quy y là con đường đưa ta thoát sinh tử luân hồi, vì vậy được gọi là con đường “biệt giải thoát.” Tuy vậy, nếu muốn quy y đại thừa thì cần một nhân tố thứ ba, tâm từ bi. Phật giáo đại thừa không chỉ nhấn mạnh vào việc cần giải thoát luân hồi để chính mình thoát khổ, mà còn muốn tu thành Phật để có khả năng độ hết chúng sinh cùng thoát khổ. Với tâm đại bi làm nhân tố thứ ba, chúng ta thành tâm về  nương dựa nơi Phật Pháp Tăng, mong được dẫn dắt.

  • # Cần kiểm soát kỹ lưỡng tâm mình xem hai nhân tố quy y mạnh yếu ra sao
  • # Phải hiểu rõ cả hai: khổ sinh tử và giá trị của chốn quy y
  • # Muốn tu theo Phật giáo đại thừa thì cần một nhân tố quy y thứ ba: tâm đại bi

! Quy Y
! Nhân tố dẫn đến tâm đại bi



#NGÀY 138 — CHÍNH SỰ TRỌN ĐỜI BẤT NHƯ Ý LÀ ĐIỀU THÚC ĐẨY TA QUY Y PHẬT PHÁP VÀ TĂNG — LAMA YESHE

§  Chúng ta vốn đã quy y nơi thực phẩm, đồ ấm, nhà cửa, áo quần, và sô-cô-la . Đã và luôn quy y nơi  những thứ này để tìm hạnh phúc. Vậy cần gì mà lại phải quy y thêm nữa? Có gì đáng? Cần phải hiểu một cách sạch và rõ, rằng quy y sô-cô-la hay cà-lem là không đủ, không mang đến cho ta thành tựu lâu bền.

§ Thứ quy y cho ta thành tựu lâu bền phải đến từ kinh nghiệm bên trong, hiểu từ bên trong, tự tin nơi Phật pháp. Quy y nơi Pháp nhờ hiểu được chân tánh của chính mình và của tất cả chúng sinh. Đây là cách nhấc mình thoát khỏi mọi cảnh khổ. Hiểu được điều này rồi thì không còn lý do gì để cảm thấy bất hạnh, thèm sô-cô-la hay cà-lem, đúng không? Chúng ta cũng biết mà, khi mua cà-lem ăn, tự mình cũng biết như vậy đâu có đủ. Phải nhìn vàokinh nghiệm của chính mình, xem khi không vui thì mình nương dựa vào cái gì. Gặp chuyện không vui là làm đủ thứ trò: coi phim, nhảy đầm… thứ gì cũng được, chỉ để quên đi chuyện không vui. Vấn đề nằm ở chỗ những thứ mà mình dựa vào đó, bất kể là thứ gì, đều không thật sự giải quyết được gì cả. Chúng ta cần hiểu điều này cho thật rõ.

§ Từ nay về sau, kể từ ngày hôm nay, phải hiểu rằng cà lem và nhảy đầm chỉ  là nơi quy y hời hợt tạm bợ, hành trì chánh pháp mới là nơi chốn quy y vĩnh viễn, dẫn đến nguồn hạnh phúc vĩnh viễn. Pháp là con đường, Phật là người dẫn đường, và Tăng là những người bạn đồng hành, chăm sóc giúp đỡ ta hiểu Phật pháp, dùng thiện hạnh để tiếp sức cho ta. Những chốn quy y khác trong cõi thế tục không có khả năng giải quyết vấn đề từ tận gốc rễ.

  • # Quy y lạc thú thế gian như là sô-cô-la và cà-lem là không đủ
  • # Muốn thoát mọi cảnh khổ thì quy y nơi Pháp
  • # Hành trì chánh pháp là chốn quy y vĩnh viễn dẫn đến nguồn hạnh phúc vĩnh viễn

! QUY Y

! 2. Nhận diện đối tượng quy y



#NGÀY 139 — PHẬT KHÔNG KHỔ, CŨNG KHÔNG SỢ KHỔ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Để về nương dựa nơi Phật, chúng ta cần xét kỹ để thấy những đức tính phi phàm của Phật. Có nhiều cách để làm việc này. Câu chuyện cuộc đời của đức Phật trước và sau khi thành đạo cũng là nguồn tạo cảm hứng lớn lao.

§ Khi xưa nơi thành Ma kiệt đà xứ Ấn vua A Xà Thế, thấy Phật đầy uy lực lại nhiều người theo thì nổi lòng ganh tị , nên đã thả một con voi bất thuần để dẫm chết Phật cùng tăng đoàn khi đang khất thực ngang qua. Voi điên lao đến, chư  A La Hán đi theo Phật kinh hãi, vận dụng thần lực bay lên trên không để tránh. Chỉ có Phật vẫn bình thản trên đường. Khi voi lao đến, Phật duỗi cánh tay, năm con sư tử tuyết [kỳ lân] hiện ra, biến thành một vòng lửa hộ trì. Trước uy lực này của Phật, voi dừng lại, quỳ xuống trước mặt Phật. Lòng đại từ đại bi của Phật đã thuần hóa thú hoang. Từ đó chú voi này luôn hết lòng với Phật, Phật đi đâu voi cũng đi theo.

§ Có nhiều câu chuyện giống như vậy trong kinh, cho thấy đức Phật thoát mọi sợ hãi, mọi khổ đau. Nhờ tận diệt hai loại vọng tâm thô lậu và vi tế nên Phật đã vượt thoát cả hai nỗi sợ hãi lớn lao, và vì vậy nên Phật là người đẫn đường đáng tin cậy. Chúng ta có thể nương dựa quy y nơi Phật, không sợ Phật không đủ sức đưa chúng ta thoát mọi khổ đau cùng nhân tạo khổ.

  • # Muốn nương dựa nơi Phật thì phải xét kỹ để thấy những đức tính phi phàm của Phật
  • # Tại thành Ma-kiệt-đà, Phật thuần voi điên do vua A-Xà-Thế xả ra
  • # Phật đã vượt thoát mọi mọi sợ hãi khổ đau nên là người dẫn đường đáng tin cậy

! QUY Y
! 2. Nhận diện đối tượng quy y
! 2.1 Vì sao Tam Bảo lại là nơi xứng đáng cho ta về nương dựa
! 2.1.1 Phật có đại lực, thoát mọi sợ hãi, khổ đau



#NGÀY 140 — PHẬT CÓ KHẢ NĂNG HƯỚNG DẪN TỪNG NGƯỜI BẰNG PHƯƠNG TIỆN THÍCH HỢP NHẤT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Lý do thứ hai vì sao đức Phật Thích Ca lại là nơi nương dựa xứng đáng: đó là vì đức Phật có đại trí, luôn khéo léo dẫn dắt chúng sinh thoát khổ đau, bất kể chúng sinh thuộc loại căn cơ cao thấp thế nào. Nếu Phật không khéo dẫn dắt chúng sinh thì đã không thể độ cho chúng sinh thành Phật. Sẽ chỉ giống như người mẹ cụt cả hai tay, nhìn con mình bị sông nước cuốn trôi không cách gì cứu giúp.

§ Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Phật là câu chuyện hóa độ Ương quật ma la (Angulimala). Người này lang thang khắp nơi, gieo rắc sợ hãi cho biết bao người. Hắn giết người rồi chặt ngón út bàn tay trái xâu thành chuỗi đeo trên cổ. Cứ như vậy xâu được 999 ngón tay. Hắn đang sắp sửa giết mẹ của mình cho đủ 1000 thì nhìn thấy đức Phật đi bên đường. Phật cất tiếng gọi. Hắn chạy đến, nhưng chạy cỡ nào vẫn không rượt kịp bước chân khoan thai của Phật. Phật đã dùng phương tiện này để độ cho kẻ sát nhân hồi tâm chuyển ý.

§ Bổn sư Thích ca mâu ni Phật biết rõ đâu là thời điểm chính xác để giáo hóa một người, và phải giáo hóa như thế nào mới là thiện xảo nhất.  Phật có thể hiện thành kẻ ăn xin, thành con chó ghẻ, thành người lính, tên đồ tể, gái điếm, hay quan toà, chính trị gia. Phật có thể cho tài vật, cho sự giúp đỡ, hay cho lời khuyên. Phật có thể dạy bằng một lời ví dụ đơn giản, hay bằng cả một hệ triết lý phức tạp. Phật biết đích xác điều gì sẽ giúp được cho ai trên bước đường cầu giải thoát, giác ngộ.

  • # Phật đầy đủ trí tuệ và phương tiện thiện xảo để dẫn dắt từng chúng sinh thoát khổ đau
  • # Câu chuyện của Ương Quật Ma La cho ta thấy trí tuệ và thần lực của Phật
  • # Phật biết đích xác lúc nào và làm sao để cứu giúp từng chúng sinh trên đường tu

! QUY Y
! 2. Nhận diện đối tượng quy y
! 2.1 Vì sao Tam Bảo lại là nơi xứng đáng cho ta về nương dựa
! 2.1.2 Phật có đại trí, biết khéo dẫn dắt chúng sinh



#NGÀY 141 —CÓ THỂ TIN PHẬT HOÀN TOÀN, VÌ PHẬT KHÔNG THIÊN VỊ AI CẢ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lý do thứ ba vì sao Phật Thích Ca lại là nơi nương dựa xứng đáng, đó là vì đức Phật có lòng đại bi, thương yêu khắp cả chúng sinh, không sót một ai. Đức Phật không thiên vị ai cả. Phật nguyện phổ độ chúng sinh, không phân biệt là gia đình thân thiết hay là kẻ thù dang muốn sát hại mình.

§ Đề bà đạt đa là em họ, ganh ghét đức Phật cùng cực, đã nhiều lần ra tay mưu sát. Có lần đức Phật được y sĩ cho thuốc rất mạnh, Đề bà đạt đa nghe nói thuốc ấy chỉ dành riêng cho Phật, người khác không được như Phật mà uống vào thì sẽ chết. Nghe vậy Đề bà đạt đa liền quyết tâm uống vào để chứng minh là mình không thua gì Phật. Y như lời y sĩ đã nói, thuốc quá mạnh khiến ông ta lâm trọng bệnh, cơ hồ mất mạng. Phật hay tin vội vã đến, đặt tay lên trán Đề bà đạt đa và nói rằng nếu lòng từ bi của Phật dành cho Đề bà đạt đa và dành cho con trai yêu quý là La Hầu La ngang bằng như nhau thì xin nguyện cho Đề bà đạt đa được khỏe lại. Nhờ năng lực sự thật của lời nói này, Đề bà đạt đa lập tức hồi phục.

§ Nếu Phật không thương yêu đồng đều khắp cả chúng sinh thì sẽ không có khả năng độ khắp tất cả, vì hễ tâm đã có phân biệt thì sẽ luôn có những người Phật không độ cho. Nhưng Phật đã sạch mọi phiền não, không có chúng sinh nào là Phật không thấu hiểu và thương yêu. Lòng từ bi của Phật không có giới hạn, dành cho khắp cả không sót một ai.

  • # Đức Phật là người dẫn đường xứng đáng, vì tâm đại bi không phân biệt
  • # Dù Đề bà đạt đa thù ghét Phật, nhưng Phật vẫn một lòng thương yêu chăm sóc
  • # Lòng từ bi của Phật không có giới hạn, dành cho khắp cả không sót một ai

! QUY Y
! 2. Nhận diện đối tượng quy y
! 2.1 Vì sao Tam Bảo lại là nơi xứng đáng cho ta về nương dựa
! 2.1.3 Phật có đại bi, biết thương yêu đồng đều khắp cả chúng sinh



#NGÀY 142 — TÂM KHÔNG PHÂN BIỆT, ĐỨC PHẬT THƯƠNG YÊU ĐỒNG ĐỀU CHO KHẮP CẢ CHÚNG SINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lý do thứ tư vì sao Phật Thích Ca lại là nơi nương dựa xứng đáng, đó là vì Phật có cái tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt ai giúp ai hại mình. Ta không cần phải cố gắng xoa dịu hay lấy lòng để được Phật thương, cũng không cần phải chứng minh là mình xứng đáng được Phật giúp. Ta có thể tin chắc rằng Phật sẽ luôn giúp, dù mình có quy y nơi Phật hay không. Tâm quy y của mình sâu bao nhiêu là tùy mình tin Phật bao nhiêu, chứ không phải là để hội đủ điều kiện cho Phật giúp, kiểu phải lạy Phật được bao nhiêu cái.

§ Nhiều câu chuyện về tiền thân của Phật cho ta thấy tầm quan trọng của lòng từ bi không phân biệt [vô duyên tâm từ], có nghĩa là lòng từ bi không chỉ dành cho người mình thương yêu, mà cho tất cả chúng sinh. Ví dụ trong một đời tiền kiếp đức Phật sinh làm khỉ đã cứu một kẻ ác từ đáy giếng để rồi bị hại sau đó.

§ Hoàn toàn trái ngược với cách hành xử của người phàm chúng ta. Chúng ta đôi khi cũng có được chút lòng từ bi, nhưng chỉ dành cho người mình thấy xứng đáng, ví dụ như kẻ bần hàn, cô thế. Có người chúng ta thấy đáng ghét, đáng khinh, ví dụ tội phạm gây trọng án, hay người giàu bóc lột kẻ nghèo. Chúng ta cũng phân biệt người bị hại và kẻ gây hại. Ai gây bất kỳ tổn hại gì cho ta cũng đều là kẻ thù, dù họ có gặp đại nạn gì cũng đừng mong ta cứu giúp. Nếu đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy thì sẽ Phật độ người này và quay lưng với người kia, nhưng Phật không như vậy. Phật không phân biệt cao thấp gần xa, luôn mở lòng từ bi đồng đều với tất cả.

  • # Đức Phật làm lợi cho khắp chúng sinh, không phân biệt ai giúp ai hại mình
  • # Nhiều câu chuyện về tiền thân của Phật cho thấy tầm quan trọng của lòng từ bi không phân biệt
  • # Chúng ta thì ngược lại, chỉ từ bi với những người mình thấy xứng đáng

! QUY Y
! 2. Nhận diện đối tượng quy y
! 2.1 Vì sao Tam Bảo lại là nơi xứng đáng cho ta về nương dựa
! 2.1.4 Phật bình đẳng phổ độ chúng sinh



#NGÀY 143 — QUY Y PHẬT LÀ CÁCH DUY NHẤT ĐỂ THỰC HIỆN TIỀM NĂNG ĐẠT TỰ DO NỘI TẠI  — LAMA YESHE

§ Nhiều người không hiểu được rằng chỉ có nguồn ánh sáng trí tuệ mới có thể đưa ta đến giải thoát, niết bàn, cứu rỗi, hay bất cứ cái tên nào khác, nên mới họ quay qua nương dựa ngoại vật, làm theo nhiều phương pháp sai lầm. Bên Nepal có nhiều người tin rằng tôn giáo bảo họ phải cúng tế thú vật cho thần linh nên có những lúc họ có thể giết đến hàng trăm ngàn chúng sinh trong cùng một ngày. Đường phố đẫm đầy máu. Nói vậy không phải để chỉ trích tôn giáo khác mà chỉ để nêu lên sự thật khách quan. Làm theo những việc như thế là chọn lầm lối sống.

§ Quy y những nơi thật sự có khả năng giúp ta giải thoát, đó mới là chuyện đáng làm. Nhiều người quy y thần mặt trời, mặt trăng, hay thứ gì đó ở trên trời. Nhìn lên trời người ta nghĩ rằng có ông trời ở trên đó nên chắp tay lại và khóc, “xin hãy cứu con.” Ngẩng mặt khấn ông trời nhưng ở dưới đất lại làm đủ chuyện xấu xa nực cười, ấy vậy mà vẫn mong ông trời đoái thương và gọi, “con ơi, hãy đến với ta.” Ông trời không thể giúp chúng ta kiểu đó. Chắc chắn là không thể.

§ Phải thành thật với chính mình. Phải thấy rằng từ vô thủy sinh tử cho đến bây giờ, chúng ta luôn quy y thế giới vật chất bên ngoài. Kết quả ra sao? Càng nhiều điên đảo, tham luyến. Ai là người đủ sức cứu ta thoát? Chỉ có Phật và trí toàn giác của Phật. Nhờ trí tuệ thâm sâu nên Phật là người duy nhất có khả năng chỉ cho chúng ta thật sự thấy được mình là ai, là thứ gì.

  • # Nhiều người quy y vào ngoại vật và làm theo những phương pháp sai lầm
  • # Hãy chỉ nên quy y vào nơi thật sự có khả năng giải thoát cho ta
  • # Chỉ có đức Phật mới có khả năng cứu ta thoát khỏi thói quen quy y nơi ngoại cảnh

! QUY Y
! Tiêu chuẩn quy y



#NGÀY 144 — THẤY ĐƯỢC THẮNG THÂN CỦA BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT LÀ ĐẠT QUẢ ĐẠI LẠC, TỊNH MỌI PHIỀN NÃO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi nghĩ đến thân Phật lịch sử chúng ta sẽ mặc nhiên cho rằng thân ấy là thân người bình thường. Trong tranh vẽ chúng ta thấy đức Phật sau khi thành đạo là người xuất gia, ở Ấn độ, ngồi trên pháp tòa hay giữa rừng cây cùng với tăng đoàn, rất đẹp tướng, có khi có cả hào quang trên đầu. Tranh nào cũng vẽ thân Phật là thân người. Nhưng đây chỉ là một biểu hiện của thân Phật. Mỗi lỗ chân lông sợi lông trên thân Phật đều có khả năng hóa hiện thành nhiều sắc tướng khác nhau để làm lợi cho vô lượng chúng sinh, và mỗi thân hiện ra ấy đều là Thân, Khẩu, và Ý nhiệm mầu của Phật.

§ Chúng ta có thể học về ý nghĩa của từng tướng hảo của thân Phật, nhưng dù không biết cũng vẫn được lợi ích. Chỉ cần nhìn nhục kế, đôi tai rộng dài, đôi mắt từ hòa, là đủ cho tâm cảm thấy yên ủi. Hiểu được tướng hảo của Phật tượng trưng cho những tánh đức gì, tự nhiên sẽ được nguồn cảm hứng, cảm thấy muốn mình sống làm sao cho có được tánh đức giống như Phật, thân giống như Phật. Có khi chỉ nhìn vào tranh Phật cũng đủ khiến ta cất bước trên đường tu.

§ Thấy Phật là tâm thuần. Người thấy được Phật thì dù đang đứng hay đang ngồi, đang ở một bên hay ở sau lưng người khác, người khác vẫn thấy họ như đang nhìn thẳng vào mình. Chỉ cần nhìn thấy Phật là tâm trở nên nhu hòa rất mực, ác tâm rơi rụng cả. Lòng nương kính Phật tự nhiên trào dâng. Do uy lực của đối cảnh, chỉ cần nhìn thấy [hình tượng] của Phật là tự nhiên nhận được năng lực tịnh hóa mãnh liệt không ngờ.

  • # Thân Phật không chỉ là thân con người bình thường. Mỗi lỗ chân lông đều có thể thị hiện thành nhiều sắc tướng khác nhau
  • # Mỗi tướng hảo nơi thân Phật đều là biểu tượng mang lại nguồn an ủi và cảm hứng sâu xa
  • # Ai thấy được Phật thì tâm người ấy sẽ an thuần, tịnh sạch, và lòng nương kính Phật sẽ phát sinh tự nhiên

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.1 Thiện đức của Phật
! 3.1.1.1 Thiện đức của thân Phật



#NGÀY 145 — TRÍ TUỆ TRONG SÁNG THÂM SÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA KHẨU PHẬT — LAMA YESHE

§ Bậc giác ngộ biết chúng sinh nghĩ gì, có khả  năng đo lường mức độ mê tín trong tâm của mỗi chúng sinh. Chư vị có thể tùy theo giới hạn của mỗi người để điều chỉnh cách tiếp cận, bảo đảm người ấy sẵn sàng rồi mới chỉ cho đường tu thích hợp. Chư vị nhìn thấy tất cả không chút ngăn ngại, thấy rõ mọi vọng động chi li trong tâm của chúng ta nên chư vị biết phải nên giáo hóa thế nào mới thích hợp.

§ Khi bậc giác ngộ thuyết pháp, vì năng lực thật chứng nên nói gì cũng đều có uy lực đặc biệt. Dù chỉ một chữ cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cho nhiều chúng sinh khác nhau. Người phàm luôn bị hạn chế trong ngôn ngữ, thường lời nói ra hiếm khi chuyển đạt được đúng điều cần nói. Nhưng lời nói của bậc giác ngộ thì khác. Bất kể nói về điều gì, người  nghe luôn nhận được vừa đúng những gì cần nghe.

§  Thông thường khi gặp người khéo nói, chúng ta thường khen rằng, “Bài giảng thật hay! ” Nhưng theo quan điểm của Phật giáo thì uy lực của lời nói không nằm ở lời nói. Mỗi lời mỗi chữ đều xuất ra từ tâm của người nói, ở đó phải có nguồn kinh nghiệm thật chứng của trí tuệ trong sáng thâm sâu. Uy lực của lời nói đến từ trí tuệ này, không liên quan gì đến tài hùng biện của người phàm. Chỉ đơn thuần đến từ sự thật chứng. Phật là người đã viên thành mọi chứng đắc, lời nói của Phật có khả năng thấm nhuần trong tâm của từng người, một cách thâm sâu, gần gũi và riêng tư. Không những vậy, bậc giác ngộ còn có khả năng mang đến sự hiểu mà không cần dùng đến ngôn từ.

  • # Bậc giác ngộ biết rõ tâm của chúng sinh, dạy pháp tùy theo tâm của từng người
  • # Phật nói gì người nghe cũng đều nghe được đúng điều cần nghe
  • # Sau mỗi lời mỗi chữ nói ra là kinh nghiệm thật chứng của trí tuệ trong sáng thâm sâu

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.1 Thiện đức của Phật
! 3.1.1.2 Thiện đức của khẩu Phật



#NGÀY 146 — PHẬT LÀ TÂM RỘNG MỞ, LÀ THOÁT MỌI ĐIÊN ĐẢO  — LAMA YESHE

§ Nhiều người chỉ biết hời hợt về Phật. Đọc hết sách này đến sách nọ nhưng không kết nối được tâm mình với Phật, nên chẳng để làm gì. Nếu tìm hiểu về Phật một cách riêng tư hơn để thấy Phật gần gũi, thậm chí tan hòa vào trong mình, thì như vậy thực tế hơn. Thầy sẽ không dùng ngôn từ triết học để giải thích Phật là gì, vì làm vậy tốn thời gian mà chưa chắc đã có ích.  Giải thích chữ mới bằng thuật ngữ xa lạ thì vất vả lắm. Nói cho dễ hiểu thì Phật có nghĩa là đại trí tuệ, là trí tuệ có mặt cùng khắp, xuyên suốt mọi cảnh giới thực tại. Không có bóng mờ vô minh nào ở trong trí của Phật.

§ Rồi phải nói Phật là đại dũng lực. Đây là loại sức mạnh toàn hảo đưa chúng sinh đến với quả vị toàn hảo chứ không phải sức mạnh sát hại chúng sinh. Dũng lực của Phật là lực chế ngự và chiến thắng bản ngã, là điều khó làm nhất. Biết bay đã sao, con chim nó cũng biết bay. Điều chúng ta thật sự quan tâm đó là có ai đủ sức chiến thắng bản ngã của chính mình hay không.

§  Cuối cùng phải nói Phật là tâm đại từ bi. Lòng từ bi của chúng ta vướng nhiều thiên vị, chỉ biết thương yêu bạn đời, người thân, cha mẹ… lòng từ bi của chúng ta có giới hạn. Còn lòng từ bi của Phật thì vô hạn, mở ra đồng đều cho khắp cả chúng sinh.

  • # Phật có đại trí tuệ, là trí tuệ có mặt cùng khắp, xuyên thấu mọi cảnh giới thực tại
  • # Phật có đại dũng lực, là sức mạnh toàn hảo đưa chúng sinh đến với quả vị toàn hảo
  • # Phật có đại từ bi, là lòng từ bi không phân biệt, không giới hạn, dành cho hết thảy chúng sinh ở khắp mọi nơi

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.1 Thiện đức của Phật
! 3.1.1.3 Thiện đức của ý Phật



#NGÀY 147 — Phật tùy duyên nghiệp của chúng sinh mà hiện ra sắc tướng thích hợp nhất — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đức Phật vì chúng ta mà hiện nhiều sắc tướng, thành loài hữu tình, hay vật thể vô tri. Cần cầu hay thuyền bè thì Phật hiện thành thứ ấy. Cần mưa thì tâm Phật hóa hiện thành mây chứa mưa. Trong tâm có được ý nghĩ thiện lành nào cũng đều nhờ tâm Phật trợ giúp.

§  Kinh sách bằng nhiều loại ngôn ngữ có thể dễ dàng tìm thấy cũng là do Phật thị hiện. Nhiều người nhờ đọc được sách Phật mà đến với Phật pháp. Quan tâm nên tìm một vị Thầy có thể học cách tu. Trước đó không hề quan tâm, không tin không thích, tâm trơ trụi như sa mạc, nhưng rồi nhờ đọc sách mà thay đổi, dần dần thấy thích thú, nhờ đó mà thuần tâm. Đó là cách khẩu Phật thị hiện thành ngôn từ, thành từng trang kinh. Đức Phật cũng có thể hiện thành pho tượng, hay tranh vẽ, chỉ cần nhìn vào là tâm có thể chín mùi thành thục. Đây là phương tiện vô cùng thiện xảo để dẫn dắt chúng sinh vào với Phật pháp.

§ Không cần dụng công, đức Phật truyền cảm hứng khiến cho chúng ta cũng muốn mình thành Phật. Cũng tương tự như thiên vương Đế Thích, vua cõi trời, truyền cảm hứng cho những vị khác. Khi thiên vương Đế Thích đi ngang, các vị khác nhìn bóng ngài hiện trên nền đất ngọc lưu ly, ngưỡng mộ dung nhan của ngài và muốn mình cũng được như vậy. Chúng ta cũng vậy, Phật chẳng cố ý nhưng hình ảnh Phật tạo cảm hứng cho chúng ta.

  • # Đức Phật vì chúng ta mà hiện ra thành nhiều sắc tướng, thành loài hữu tình hay vật thể vô tri
  • # Kinh sách, tranh tượng Phật đều là thị hiện của Phật để giúp tâm chúng ta thuần tâm
  • # Phật không cần dụng công vẫn truyền cảm hứng khiến chúng ta muốn mình thành Phât

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.1 Thiện đức của Phật
! 3.1.1.4 Thiện đức của thiện hạnh Phật



#NGÀY 148 — PHÁP ĐƯỢC ĐỊNH NGHĨA LÀ BẤT CỨ THỨ GÌ HÓA GIẢI VỌNG TÂM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chữ Pháp tiếng Phạn không chỉ có nghĩa là giáo pháp của Phật, mà là tất cả những gì đưa chúng ta đi từ khổ đau đến hạnh phúc. Trong cảnh quy ước [của Tục đế] thì Pháp bảo là tám vạn bốn ngàn giáo pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, giải thích các mức độ khác nhau của pháp diệt, năm chứng đạo, mười chứng địa, vân vân. Giáo pháp này được chia thành Tam tạng kinh điển, đó là luật tạng (giới luật), luận tạng (hệ triết lý), và kinh tạng (gồm mọi giáo pháp khác Phật dạy). 

§ Hiểu được Lam-rim sẽ thấy tất cả những gì Phật dạy đều nằm trong các đề mục Lam-rim, mỗi đề mục đều để đưa ta đến gần hơn với quả giải thoát và giác ngộ. Trừ phi thâm chứng điều này, bằng không sẽ cảm thấy có những thứ Phật dạy không còn phù hợp, chỉ đúng với phong tục tập quán thời xa xưa, không liên quan gì đến thế kỷ 21 này. Nghĩ như vậy là lầm. Mỗi lời mỗi chữ, đều liên quan mật thiết đến bản thân của chính mình.

§ Hiểu được Lam-rim sẽ cảm nhận được từng lời từng chữ Phật dạy, vì hiểu lời dạy ấy thuộc chặng đường nào trên đường tu giác ngộ. Nghe bao nhiêu bài pháp cũng sẽ không bị rối. Đương nhiên vì căn cơ riêng, chúng ta vẫn sẽ có khuynh hướng thích phần này hơn phần kia. Có thể là cảm thấy chỉ cần tâm từ bi là đủ, mặc dù cũng thích trí tuệ hiểu chân thực tại, nhưng thấy lãnh vực đó không dành cho mình. Tận lực phát tâm từ bi, điều này đương nhiên là tốt, nhưng bỏ qua chân thực tại là phạm sai lầm lớn. Phật pháp giống như công thức làm một chiếc bánh cực kỳ ngon, dù có bột có đường cũng vẫn còn cần nhiều vật liệu khác nữa mới thành được chiếc bánh.

  • # Phật pháp quy ước là tám vạn bốn ngàn giáo pháp đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy
  • # Giáo pháp nào Phật dạy cũng đều nằm trong pháp Lam-rim
  • # Phật pháp như công thức ngon, mỗi vật liệu đều cần thiết

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.2 Thiện đức của Pháp



#NGÀY 149 — TĂNG LÀ NHỮNG VỊ CÓ TRÍ TUỆ, CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA TIẾN BƯỚC TRÊN ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ — LAMA YESHE

§ Hiểu về Tăng không khó. Chúng ta có đệ tử mới và cũ cùng tụ họp ở đây. Đến khi cần thảo luận, đệ tử mới có khi cảm thấy “Ôi, chủ đề này thật không thể nào hiểu nổi! ” Nhưng khi có đệ tử cũ giải thích cho thì lại nghĩ, “À, không sao cả, các anh chị hiểu được thì chắc là mình rồi cũng sẽ hiểu được.” Giúp ích rất nhiều. Vậy chúng ta có thể xem những người bạn đạo là Tăng đoàn của mình. 

§ Tuy vậy, nói cho chính xác thì Tăng có hai nghĩa: nghĩa chân thật và nghĩa quy ước. Có thể nói rằng chúng ta thuộc về Tăng đoàn trong nghĩa quy ước, đang cố gắng nâng đỡ lẫn nhau. Không nhất thiết phải bằng lời nói. Chỉ cần nhẹ nhàng với nhau, cho nhau hình ảnh đẹp và năng lượng tích cực là đã mang lợi ích đến cho nhau. Còn Tăng bảo chân thật thì phải là những vị đã chứng được thực tại chân thật, thực tại của tánh không.

§  Có một số quốc gia Phật giáo cho rằng Tăng là những vị mặc áo cà sa đỏ hay vàng. Đó chỉ là biểu tượng, không phải là Tăng đoàn chân chính. Tăng đoàn chân chính thì không nhất thiết phải nhìn giống thứ gì cả. Dù là tên hippy tóc dài râu rậm mà chứng tánh không thì cũng là Tăng.

  • # Bạn đạo là Tăng đoàn trong nghĩa quy ước, vì họ giúp ta hiểu giáo pháp
  • # Tăng đoàn trong nghĩa chân thật là những vị đã chứng được thực tại chân thật, thực tại của tánh không
  • # Tăng đoàn chân chính là bất cứ người nào chứng được thực tại chân thật, dù có khoát áo tu sĩ hay không

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.1 Biết rõ thiện đức của nơi chốn mình quy y
! 3.1.3 Thiện đức của Tăng



#NGÀY 150 — QUY VI RẤT PHỨC TẠP, VÌ ĐỐI TƯỢNG QUY Y RỘNG LỚN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đức Phật lịch sử là nơi chúng ta về quy y, nên đây là nhân giác ngộ của mình, được gọi là “nhân quy y.” Điều này đúng cho mọi đức Phật chứ không chỉ riêng gì đức Phật Thích Ca. Kết quả tối hậu, quả quy y, là chính mình thành Ph50ật, vì vậy chân nghĩa của Phật bảo là trí toàn giác, chính bản thân của trí này, của mình hay của bất cứ ai khác. Đây chính là pháp thân, một trong những thân nhiệm mầu của Phật.

§ Chân nghĩa của Pháp là tuệ giác trực chứng tánh không. Đây là chân đạo, con đường chân chính có khả năng tận diệt nhiễm tâm che chướng. Giới không đủ, Định không đủ, và cả chứng tánh không qua khái niệm cũng không đủ. Chúng ta cần trực chứng tánh không. Đây là nơi quy y chân chính có khả năng cứu ta thoát khổ luân hồi. Trực tiếp chứng được tánh không là đạt được chân Pháp bảo.

§  Chúng ta không cách nào có thể thọ pháp trực tiếp từ đức Phật, nhưng chúng ta có những bậc đại hành giả và những bậc đại thánh hiền noi theo gót chân Phật. Chư vị đắc quả giải thoát và giác ngộ nhờ tu theo giáo pháp Phật dạy, nên là những người chúng ta có thể nương dựa. Đó là quy y Tăng. Những vị chứng đắc cao là Tăng Bảo chân thật, những vị chưa đắc quả, vẫn còn trên đường tu là Tăng Bảo quy ước. Rốt lại thì điều thật sự cứu ta chính là Phật, Pháp và Tăng ở bên trong, là Phật tánh vốn có và những chứng đắc nhờ tu mà có. Tuy vậy, trong hiện tại chúng ta cần sự giúp đỡ của Phật, Pháp và Tăng ở bên ngoài, là đức Phật và giáo pháp Phật dạy, cùng với Tăng đoàn chia sẻ giáo pháp này cho chúng ta, nêu gương cho chúng ta noi theo.

  • # Chân Phật bảo là trí toàn giác, là chính trí này của mình hay của bất cứ ai khác
  • # Chân Pháp bảo là tuệ giác trực chứng tánh không
  • # Chân Tăng bảo là những vị đã trực chứng tánh không

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.2 Biết rõ sự khác biệt giữa Phật Pháp và Tăng



#NGÀY 151 — PHẬT LÀ VỊ Y SĨ CỨU CÁNH — LAMA YESHE

§ Ba đối tượng quy y là Phật, Pháp, và Tăng. Quy y nơi Phật là chấp nhận sự hướng dẫn của bậc giác, xem đây là thứ duy nhất có khả năng chữa được chứng điên đảo bất như ý của đời sống hiện tại. Nếu tin rằng mình đã hết thuốc chữa không mong gì thay đổi, hay nếu nghĩ rằng mình đã là người hoàn hảo rồi, thì đương nhiên là không có lý do gì để phải quy y. Nhưng nếu chân thành xét lại tâm mình, xét lại lối sống và thói quen cư xử với người khác của mình sẽ thấy rõ ràng là tâm mình có bệnh. Khi ấy, bậc giác ngộ mà mình hướng về thật sự là vị y sỹ đang chẩn bệnh và giúp mình khôi phục sức khỏe.

§  Toa thuốc Phật cho chính là Pháp. Pháp là trí tuệ, loại trí tuệ có khả năng thấy được chân tánh của chính mình, khai mở cho ta thấy tiềm năng tự giải thoát. Quy y nơi Pháp có nghĩa là sử dụng trí tuệ ấy ngay bây giờ. Điều này sẽ khôi phục lại được niềm tự tín bị khuất lấp bấy lâu nay, khiến chúng ta cảm thấy rằng nói cho cùng thì mình vẫn có thể làm được điều tích cực cho bản thân. Có được tâm quy y sâu xa sẽ không bao giờ cảm thấy lạc lõng tuyệt vọng, tâm quy y tháo gỡ tâm lý kém cỏi. Và khi lòng tự trọng và tự tín tăng thì tự nhiên quan hệ với người khác cũng trở nên tốt đẹp hơn. Khám phá được nguồn sức mạnh nội tại của mình rồi chúng ta cũng sẽ nhận ra và tôn kính Phật tánh ở người khác..

§  Pháp bảo gồm những người có tuệ giác. Chư vị giống như y tá, bằng hữu, giúp chúng ta vượt qua cơn bệnh dữ. Không phải chỉ có những vị mặc áo tu màu đỏ hay  màu vàng mới là Tăng bảo, mà còn có những người bạn gây ảnh hưởng tốt. Những bậc thiện tri thức tiếp sức và tạo nguồn cảm hứng cho ta, khác với những người bạn thế tục, luôn níu chân ta lại.

  • # Phật giống như y sĩ, chẩn bệnh và giúp khôi phục sức khỏe.
  • # Thuốc là Pháp, là tuệ giác trực chứng tánh không.
  • # Tăng giống như y tá, như bạn hiềngiúp ta dưỡng bệnh.

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.3 Quy y theo sự tin của chính mình



#NGÀY 152 — NHỜ CHÁNH TRÍ NÊN VÀO CHÁNH ĐẠO, ĐẠT CHÁNH QUẢ — LAMA ZOPA RINPOCHE.

§ Điều quan trọng là phải thiết tha quy y cho thật vững. Đừng để mình hai dạ, vừa quy y Phật lại vừa nương theo nơi nào khác, lỡ bị dắt sai đường là hỏng cả. Cần biết phân biệt đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, vì đi sai đường thì sẽ không bao giờ thoát được khổ đau.

§ Cũng như người mù không thể dẫn đường, người chưa thoát luân hồi cũng vậy, chưa diệt được khổ nhờ chứng đạo thì đâu làm gì có khả năng độ cho chúng ta thoát luân hồi. Chỉ những ai có được trí toàn giác mới có khả năng làm việc này. Bậc đại trí chứng biết toàn bộ chân tánh của thực tại sẽ không bao giờ dẫn ta đi sai đường. Bậc đại bi sẽ không bao giờ lừa dối ta. Bậc đại dũng sẽ có khả năng vận dụng phương tiện phù hợp với căn cơ của từng chúng sinh. Đủ trí bi dũng mới là người xứng đáng cho chúng ta quy y, dù có được gọi là “Phật” hay không. Quy y một người như vậy thì sẽ được an toàn dẫn đến với quả đại niết bàn, đại giác ngộ.

§ Nên điều thiết yếu là phải xét cho thật kỹ xem đâu mới là nơi xứng đáng cho mình quy y, ai mới là người dẫn đường đáng tin cậy. Theo bậc thầy bất xứng hay theo người không biết đường  thì không những phí mất kiếp người quý giá này mà còn mất hết cơ hội tạo an vui cho mọi đời kiếp về sau, mất hết cơ hội giải thoát luân hồi, hay đạt quả giác ngộ.

  • # Cần quy y đúng người, đúng đường.
  • # Người nào tự mình chưa thoát luân hồi thì sẽ không thể độ cho người khác giác ngộ.
  • # Quan trọng nhất là phải xét kỹ xem ai mới là người đáng tin cậy, xứng đáng cho mình quy y.

! QUY Y
! 3. Tiêu chuẩn quy y
! 3.4 Quy y và không chạy theo tôn giáo khác



#NGÀY 153 — QUY Y LÀ LUÔN CÓ TRÍ TUỆ CHÁNH PHÁP Ở BÊN MÌNH — LAMA YESHE.

§ Quy y nguồn trí tuệ chánh Pháp có ý nghĩa thật sự đáng kể, vì đây chính là cánh cửa mở vào Phật đạo. Đó là lý do vì sao Phật tử ở các quốc gia Phật giáo mỗi ngày đều quy y nơi Phật Pháp Tăng. Tuy vậy, người phương Tây không cần phải bắt chước đến chùa mỗi ngày, lơ đễnh quy y nơi Phật Pháp Tăng. Không cần gì phải chạy theo thói quen của những nơi khác. Điều cần phải làm, đó là phải thấy ra được điều gì mang đến cho ta đời sống tự tại an vui. Thay vì quy y nương dựa vào việc ra biển chơi, đi coi phim hay ăn bỏng bắp, chúng ta cần hiểu rõ từ đáy tim rằng những việc làm thế tục ấy chẳng thể mang đến cho ta một cuộc sống an vui tự tại..

§ Không cần gì phải cố gắng bắt chước mặt truyền thống văn hóa của Phật giáo. Phải hiểu rằng quy y là việc ở trong tâm. Dù có đang ở trên máy bay, trong tàu điện, xe lửa, hay trong phòng tắm, ở đâu cũng được, đều có thể quy y. Điều quan trọng là phải nhận ra Phật tánh của chính mình và dựa vào nguồn trí tuệ nội tại này để hóa giải vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Phải hiểu rằng vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết bằng thiền định, tư duy và thực hiện sáu ba la mật. Theo Thầy thấy chỉ bấy nhiêu là đủ. Nếu thật sự quy y thì đến cả chữ “Phật” cũng không cần phải gọi..

§ Điều quan trọng khi quy y là phải hiểu quy y như vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề hàng ngày của mình nhờ dựa vào Phật trí, là trí sẽ thành của chính mình. Nương vào Phật trí với niềm tự tín và niềm tin vững chắc, chúng ta có khả năng đưa chính mình thoát cảnh khổ đau mê muội..

  • # Quy y Pháp trí là cánh cửa dẫn vào Phật đạo.
  • # Nếu thật sự quy y thì đến cả chữ “Phật” cũng không cần phải gọi.
  • # Chúng ta nương nhờ trí Phật – và trí của chính mình – cứu mình thoát khổ đau.

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.1  Được trở thành Phật tử



#NGÀY 154 — QUY Y LÀ NỀN TẢNG CỦA GIỚI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn thọ bất cứ bộ giới nào của Phật thì phải quy y. Chúng ta không cần thọ giới mà vẫn có thể tránh không sát sinh, không trộm cướp v.v., nhưng làm y như vậy khi đã thọ giới thì tác dụng mãnh liệt hơn nhiều. Quy y là cánh cửa mở vào thế giới này.

§ Vì sợ hậu quả của nghiệp bất thiện đã làm nên quy y, cảm thấy cần được sự dẫn dắt của Tam bảo. Lý do thọ giới cũng y như vậy. Giới là điều hộ trì cho ta thoát mọi sợ hãi — sợ ác đạo, sợ luân hồi, sợ biệt giải thoát, và nỗi sợ không khó kham là sợ khổ đau của khắp chúng sinh — và giúp cho ta được trí tuệ của các bậc giác ngộ hộ trì. Quy y cho chúng ta khả năng thọ nhận và giữ gìn mọi bộ giới.

§ Cho dù không tu gì khác, chỉ đơn giản sống một đời giữ giới thanh tịnh thì đó đã là một đời sống phong phú, tràn đầy ý nghĩa. Thọ bao nhiêu giới thì ngưng hại chúng sinh bấy nhiêu chuyện, việc ấy không chúng sinh nào còn bị chúng ta hại, dù là trực tiếp, hay là gián tiếp. Đây là điều rất đáng nói. Sống giữ giới có nghĩa là tặng niềm an vui cho chúng sinh. Lấy ví dụ không sát sanh thì chúng sinh sẽ thoát được nạn bị ta giết; không trộm cắp thì chúng sinh không cần phải sợ bị ta lấy mất thứ gì của họ. Cứ thế mà trở thành nguồn an lạc cho khắp chúng sinh.

  • # Quy y là cánh cửa mở vào giới luật, giúp việc làm thiện càng nhiều sức mạnh hơn.
  • # Quy y và giới đều giữ gìn cho ta thoát mọi sợ hãi và hộ trì cho ta bước theo đường tu.
  • # Sống giữ giới thanh tịnh sẽ trở thành nguồn an vui cho khắp chúng sinh.

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.2  Được thọ mọi bộ giới



#NGÀY 155 — QUY Y THÌ THI MỌI SỰ ĐỀU THÀNH CHÁNH PHÁP NÊN ĐỀU LÀ NHÂN GIÚP TỊNH  NGHIỆP — LAMA ZOPA RINPOCHE.

§ Nhờ quy y mà mỗi phút mỗi giây chúng ta đều có thể nhờ cúng dường, lễ lạy, đi nhiễu thánh vật vân vân mà tích lũy được lượng công đức rộng như trời rộng. Mỗi việc làm ấy đều tịnh được hàng vô lượng kiếp ác nghiệp, giúp ta khỏi đọa ác đạo địa ngục ngạ quỷ súc sinh. Thường nói rằng đi nhiễu bảo tháp dù chỉ một lần cũng đủ độ mình thoát khỏi khổ tám cõi hỏa ngục; tụng một lần minh chú danh xưng Phật Thích ca giúp ta tịnh được tám vạn đại kiếp ác nghiệp..

§ Hạt giống ác nghiệp đến từ việc ác đã gieo từ vô thủy sinh tử vào trong dòng tâm thức, nay nhờ quy y mà  giảm dần, thậm chí có thể tận diệt. Vua A Xà Thế giết vua cha Tần bà sa la, là người đã đạt quả A la hán, có nghĩa là cùng một lúc phạm cả hai nghiệp vô gián là giết cha và giết A la hán. Tuy vậy, vua hối hận sâu xa cho việc mình đã làm, chí thành quy y Tam bảo và phát lộ tội lỗi nên tịnh sạch được ác nghiệp. Ương quật ma la (Angulimala) cũng vậy, nhờ quy y nơi Phật mà chuyển hướng đời mình, mau chóng tịnh sạch nghiệp dữ và đắc quả A la hán.

§  Quán về thiện đức của Tam bảo và lợi ích quy y trước khi thực hiện pháp sám hối tịnh nghiệp thì pháp hành của mình sẽ nhiều uy lực hơn. Có được chút hiểu biết về đức Phật Thích ca, nhờ đó khởi lòng tôn kính, chỉ đơn giản bấy nhiêu là đủ thành người vô cùng may mắn, vì thế là có được khả năng tịnh nghiệp cũ nhanh chóng hơn những ai không biết gì về Phật.

# Nhờ quy y mà tích được công đức, tịnh được biết bao nhiêu đại kiếp ác nghiệp.

# Vua A Xà Thế tịnh được nghiệp giết cha mình là A la hán nhờ chí thành quy y.

# Chỉ cần chút hiểu biết tin tưởng Phật cũng đủ giúp ta dễ dàng tịnh nghiệp hơn.

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.3  Tịnh được ác nghiệp cũ



#NGÀY 156 — NIỆM CÂU QUY Y THÌ BẦU TRỜI CÔNG ĐỨC SẼ KHÔNG BAO GIỜ CẠN — LAMA ZOPA RINPOCHE.

§ Công đức quy y mà có hình sắc thì dù là không gian vô tận cũng không thể nào chứa hết, dù cả tam thiên đại thiên thế giới cũng vẫn hãy quá hẹp. Nói cho ngay, cho dù là vô số tam thiên đại thiên thế giới cũng chưa là gì. Ở đây không phải chúng ta đang nói đến lợi ít thọ giới từ một vị Thầy, mà là tâm quy y ngày ngày cất giữ trong tim, tin tưởng nương dựa nơi Phật, nơi giáo pháp Phật dạy, và nơi tăng đoàn của Phật.

§ Với tâm quy y này, chúng ta tạo công đức 24/24. Nói ví dụ, muốn trồng lúa thì phải theo mùa mà cấy mà gặt, phải đúng lúc đúng thời, may mắn lắm mới đủ điều kiện thuận lợi, vừa đủ mưa, vừa đủ nắng, có được đất mầu phì nhiêu. Nhưng với tâm quy y thì công đức muốn đâu có đó. Tùy ở nơi mình chứ không cần gì chờ may mắn có được điều kiện thuận lợi. Tu thiền, tu học, lễ lạy, cúng dường, bất kể pháp hành nào làm với tâm quy y cũng đều chắc chắn mang lại quả lành vĩ đại. Không phải như hoa mầu bình thường, thu hoạch của chúng ta nhiều bất tận, sẽ mang đến nguồn hạnh phúc không thể nghĩ bàn..

§ Càng tạo nhiều công đức lại càng dễ làm thiện. Càng quen làm thiện lại càng dễ tạo thêm công đức. Cứ như thế mà hiểu biết càng sâu, phiền não càng giảm. Vì vậy nói về tất cả những nguồn trợ lực mà mình có thể có trong đời — từ nơi cha mẹ, cộng đồng cho đến sự thành công trong việc học hành gầy dựng sự nghiệp — lợi ích đáng kể nhất và quan trọng nhất vẫn là nguồn trợ lực đến từ tâm quy y.

  • # Chỉ đơn giản nhờ tâm quy y ngày ngày cất giữ trong tim mà tạo được khối  công đức ngoài tầm nghĩ bàn.
  • # Với tâm quy y thì tu bất cứ pháp tu nào cũng đều mang lại quả lành vĩ đại.
  • # Quy y là điều xứng đáng nhất, lợi ích nhất và quan trọng nhất mà mình có thể làm trong đời này.

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.4 Dễ dàng tích lũy khối công đức khổng lồ



#NGÀY 157 — CHO BẤT CỨ NỖI SỢ NÀO QUY Y CŨNG ĐỀU LÀ LIỀU THUỐC HỮU HIỆU NHẤT  — LAMA ZOPA RINPOCHE.

§ Tâm quy y là chốn hộ trì vững chải che chở cho ta thoát mọi hiểm nạn do loài người, súc sinh, hay tà ma các thứ gây ra. Có rất nhiều câu chuyện kể về việc này.

§ Ở thời Ấn độ cổ có vị vua trừng phạt tội phạm bằng cách đưa vào nghĩa trang có quỷ ăn thịt người. Mọi người đều tin rằng rằng không ai có thể thoát. Một lần có tên tội phạm bị xử phải lưu lại ở đó một đêm. Ai cũng nghĩ đó sẽ là đêm cuối cùng của hắn. Nhưng rồi hắn thấy có một giẻ vải màu đỏ rơi dưới đất nên nhặt lên, đặt lên đỉnh đầu và quy y như thể đó là tấm áo của người xuất gia. Vì quá sợ, hắn ta cả đêm cầu nguyện Tam bảo cứu mình. Cứ thế qua đến sáng hôm sau không việc gì xảy ra. Thế là mãn án, tự do về nhà..

§ Khi người Tây Tạng rời đất nước của mình sau khi bị Trung hoa chiếm, trong thời gian đầu họ ở những khu trại tị nạn trong điều kiện rất khó khăn. Có nhiều nơi nằm giữa khu rừng già với nhiều thú dữ như voi, cọp, rắn hổ mang. Các vị xuất gia phải phát quang rừng rậm, dựng những căn nhà chòi để ngủ. Nhiều người cảm thấy sợ hãi khi vào rừng. Mỗi khi thấy có thú dữ, họ đều nhớ đến Thánh đức Đalai Lama với tâm quy y, lần nào thú dữ cũng đều không gây nhiễu hại.

  • # Tâm quy y hộ trì chúng ta không bị loài người, súc sinh hay tà ma quấy nhiễu.
  • # Khi xưa có tên tội phạm tự cứu mình chờ quy y một giẻ vải đỏ.
  • # Người Tây tạng tị nạn quy y để bảo vệ mình trước thú dữ rừng già.

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.5 Được hộ trì không bị loài người và loài không phải người ám hại



#NGÀY 158 — TAM BẢO CHỈ CẦN NHỚ MỘT LÀ ĐỦ NGĂN MỌI NGUY CƠ ĐỌA ÁC ĐẠO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi chết chỉ cần xoay tâm về nhớ đến đức Phật Thích ca, hay đức A di đà, đức Quan Thế Âm, bất cứ vị Phật nào khác, thì sẽ không rơi ác đạo. Tương tự như vậy, chết mà nhớ đến một câu kinh như Tâm kinh, kinh Kim cương, hay một câu chú, thì cũng sẽ không sa ác đạo. Và quy y một bậc có thật chứng trong Tăng đoàn mà mình tin tưởng sâu xa cũng sẽ cứu ta thoát ác đạo. Nói vậy có nghĩa là trong ba đối tượng quy y Phật Pháp Tăng, chỉ cần quy y một cũng đủ khiến cho ta không cách gì rơi được vào ác đạo. Bấy nhiêu đủ thấy uy lực Tam Bảo lớn đến nhường nào.

§ Có nhiều câu chuyện kể về những trường hợp nhờ nhớ đến Phật như đức Quan Thế Âm hay đức Tara mà chuyển được cái chết và kiếp tái sinh. Lẽ ra bị ác nghiệp xô vào ác đạo, nhưng nhờ khởi được niềm tin Phật vững mạnh nên thoát được cõi dữ.

§  Dù vui hay khổ, chúng ta đều cần phải luyện tâm mình, ngay bây giờ. Chờ đến khi chết thì đã quá muộn, muốn nhớ gì cũng khó. Để có thể khởi được niềm tin nơi đức Phật ở thời điểm trọng yếu ấy thì ngay bây giờ phải tập làm quen với tâm quy y. Không thể mong đợi khi ta chết tâm quy y tự nhiên khởi một mình.

  • # Khi chết, tâm quy y vững mạnh sẽ cứu ta khỏi sa ác đạo
  • # Nhiều người nhờ nhớ đến chư Phật mà chuyển được cái chết và kiếp tái sinh
  • # Nhất định phải luyện tâm quy y ngay bây giờ: đợi chết đến mới bắt đầu là quá muộn

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.6 Khỏi sa ác đạo



#NGÀY 159 —  CÁCH CẦU NGUYỆN TỐT NHẤT LÀ CẦU NGUYỆN VỚI TÂM QUY Y TAM BẢO, LÀM NHƯ VẬY THÌ MỌI THÀNH TỰU THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ SẼ ĐỀU ĐẾN THEO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quy y bằng trái tim thì tự nhiên sẽ tạo nhiều công đức, nhờ công đức mà quả lành sẽ tự nhiên và liên tục hiện ra, không cần cố gắng. Làm việc gì cũng đều thành Phật pháp và đều thành phẩm cúng Tam Bảo. Việc nào cũng đều tạo công đức nhiều không thể nghĩ bàn.

§ Trước khi xây tu viện Lawudo, Thầy có ý muốn giúp người dân nơi ấy vì họ nặng vô minh, đến cả lòng tôn kính cũng không có chứ nói gì đến việc hiểu pháp. Nhưng nhờ khởi lòng tin nơi Tam Bảo nên họ đã bắt đầu và rồi đã hoàn thành việc lập một trung tâm Phật giáo mới, chính việc này đã cho họ lợi ích lớn không thể tưởng. Nếm được quả lành của tâm quy y, họ thành công chuyển hóa đời sống mình và bây giờ có được cơ hội thọ pháp và tu học. Giáo pháp như suối mưa cam lồ giúp họ trị lành khổ đau luân hồi sinh tử.

§ Trong hiện tại chúng ta áp dụng phương pháp thế tục để ngăn khổ tìm vui, cùng lắm có được đôi chút thành công hạn chế. Nhiều người lâm trọng bệnh chờ chết, nhờ quy y Phật bà Quan Âm, hay những vị Phật khác, mà thoát được bệnh dữ. Nhiều đệ tử kể cho Thầy nghe họ vướng bệnh nan y hết thuốc chữa nhưng đã chữa lành bệnh nhờ chân thành quy y và hành trì chánh pháp như tu sám hối, tụng chú. Tâm quy y là liều thuốc vạn năng, có thể dùng cho bất cứ việc gì. Cũng như từ bột mì có thể làm bánh mì, bánh kếp, bánh pizza, bánh ngọt v.v… tâm quy y cũng là nguyên liệu cơ bản giúp ta thành công bất cứ điều gì mình muốn, chữa bệnh, lập chùa, xây dựng gia đình ấm êm hạnh phúc…

  • # Tâm quy y tạo công đức lớn nên quả lành tự nhiên và liên tục hiện ra
  • # Có nhiều trường hợp nhờ tâm quy y mà đạt được mục tiêu mong cầu
  • # Quy y là thuốc chữa lành mọi cơn bệnh dữ, là nguyên liệu cơ bản mang đến mọi thành công mong cầu

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.7 Đạt được mọi mục tiêu nhất thời và cứu cánh



#NGÀY 160 — QUY Y LÀ NỀN TẢNG CỦA MỌI PHÁP HÀNH, LÀ CÁNH CỬA DẪN VÀO CHÁNH PHÁP VÀ GIÁC NGỘ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quy y bảo đảm là mình sẽ thành công mọi việc muốn làm. Mà  thành công lớn nhất có thể đạt là quả vô thượng bồ đề. Chưa đạt quả này thì nhiễm tâm dù ít đến đâu vẫn sẽ nhỏ nhiệm. Kinh sách nói đến “giải thoát ràng buộc,” có nghĩa là thoát những gì buộc ta vào khổ đau, nhốt ta trong luân hồi. Giải thoát luân hồi là dẹp được sự che chướng của nhiễm tâm thô lậu, gọi là phiền não chướng. Rồi sẽ có lúc chúng ta đạt được quả vô thượng bồ đề, dẹp hết mọi nhiễm tâm vi tế che chướng trí toàn giác, gọi là sở tri chướng hay là trí chướng.

§ Cánh cửa của vô thượng bồ đề là tâm bồ đề. Và để có thể giác ngộ được mau chóng thì phải chứng đắc kim cang đạo, cánh cửa của kim cang đạo là quán đảnh mật pháp. Hai cánh cửa này sẽ không mở nếu chưa bước qua cánh cửa thứ nhất là quy y Tam bảo, là cánh cửa mở vào trọn vẹn giáo pháp Phật dạy. Bước qua cánh cửa này thì lợi ích đổ ào ạt như mưa mùa. Bao nhiêu chủng tử ác nghiệp tích lũy từ vô lượng đời kiếp đều dễ dàng tịnh sạch, hai bồ phước trí cần phải có để vào Thánh địa sẽ dễ dàng tích lũy, chúng ta sẽ đạt được niềm an vui lớn, cho đời này và cả những đời sau. Chưa qua cánh cửa đầu tiên thì những việc lành ấy sẽ không xảy ra. Phật tử, “người bên trong,” là người đã bước qua cánh cửa đầu tiên này, còn “người bên ngoài” thì chưa, họ vẫn còn đứng ở bên ngoài con đường giác ngộ.

§ Đức Atisa nói rằng có phải là Phật tử hay không, nói cách khác, có đã bước vào đường tu giác ngộ hay chưa, là tùy có đã quy y Tam bảo hay chưa. Rõ ràng là thế.

  • # Quy y Tam bảo mang đến mọi thành tựu, bao gồm cả thành tựu lớn nhất là quả vô thượng bồ đề
  • # Không quy y Tam bảo thì không thể bước qua cánh cửa của tâm bồ đề và cánh cửa của quán đảnh mật pháp
  • # Thành Phật tử bước vào hành trình dẫn đến giác ngộ là nhờ quy y Tam bảo

! QUY Y
! 4. Lợi ích quy y
! 4.8 Sẽ mau chóng đạt vô thượng bồ đề



#NGÀY 161 — QUY Y LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN TRÊN CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO NỘI TẠI — LAMA YESHE

§ Thọ lễ quy y Tam bảo rồi thì phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Phải canh chừng tâm mình, xét từng hoạt động từng phản ứng trong tâm: “Tâm mình đang làm gì đây? Đang nổi cái chứng gì nữa đây? Cứ tiếp tục thì sẽ lãnh hậu quả gì?” Ví dụ mỗi khi nói lời vô ích, hay nói mà không hiểu mình đang nói gì, thì phải nhìn lại phản ứng của người xung quanh. Lời nói luôn có tác dụng rất mạnh. Cử chỉ cũng vậy, ảnh hưởng nhiều đến người khác. Tư thế, tác phong, nét mặt, hết thảy đều gây vết hằn nơi tâm người khác. Hầu hết mọi vấn đề của mình đều có liên quan đến người khác nên điều quan trọng là phải kiểm soát hành vi của mình để tránh gây hại cho người khác.

§ Trong những mối tương giao thông thường, chúng ta hay lầm tham luyến với tình thương chân thật. Lấy ví dụ bạn vì thương tôi nên rủ tôi đi nhậu. Tôi sợ nếu từ chối có khi bạn lại tưởng tôi không ưa bạn rồi bạn tủi thân, nên tôi đành chìu theo ý bạn. Cứ vậy mà để bạn bè lôi kéo. Không bị hăm dọa, chỉ bị cái tình thương mến thật ra chỉ là luyến là tham lôi vào những cảnh mình luôn muốn tránh. Vì vậy, điều quan trọng là phải khai mở mắt tuệ, thấy rõ đâu là tình thương chân chính, đâu chỉ là luyến, là tham, phân biệt được đâu là việc có lợi hay gây hại cho mình. Cần nương vào trí tuệ này hơn là tin theo cảm xúc lên xuống thất thường của mình.

§ Không cố gắng làm chủ hành động, làm chủ cái tâm xao lãng và tán loạn của mình thì sẽ chẳng đến đâu. Làm gì cũng cần phải dựa vào trí tuệ quán sát để tạo điều kiện bên trong thuận tiện nhất, nhờ đó đạt được mục tiêu mong cầu.

  • # Thọ lễ quy y Tam bảo rồi thì phải chịu trách nhiệm trước hành vi của chính mình
  • # Phải vận dụng trí tuệ để phân biệt tình bạn nào tốt, tình bạn nào xấu
  • # Cần tạo điều kiện thuận tiện nhất ở bên trong để đạt mục tiêu mong cầu

! QUY Y
! 5. Lời dạy cho sau khi quy y
! 5.1 Những điều cần tránh



#NGÀY 162 — PHẢI LUYỆN CHO TÂM MÌNH THẤY MỌI THÁNH VẬT ĐỀU LÀ HIỆN THÂN CỦA PHẬT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tôn kính thánh vật có nghĩa là thấy món vật ấy chính là bản thân của đức Phật, vì vậy luôn kính vật ấy như kính Phật. Tượng, tranh hay tượng tsatsas hình Phật, cùng những thánh vật khác, đều có Phật lực, vì vậy tôn kính cúng dường thánh vật thì tạo được vô lượng công đức, còn khinh rẻ bất kính thì tạo nghiệp rất nặng.

§ Dù làm bằng chất liệu gì, khéo đẹp hay thô xấu, thánh vật không chỉ đơn giản là một pho tượng hay một bức tranh. Tượng Phật mà nắn bằng phân thì cũng đáng tôn kính y như khắc trong ngọc quý. Khen chê tốt xấu làm cho tâm bị che chướng, khen tượng này quý đẹp nhưng chê tượng kia rẻ xấu thì cũng chính là chê Phật xấu xí rẻ tiền. Tượng Phật chính là Phật, bất kể là nắn bằng bùn đất thô sơ, hay do thợ kim hoàn tinh xảo nhất thế gian khắc vào tảng kim cương. Phân biệt khen chê sẽ khiến tâm mình bị nhiễm uế, khó đạt chứng ngộ trên đường tu.

§ Phải tôn kính mọi ảnh tượng của Phật. Mặc dù tôn kính là việc của tâm, nhưng cũng cần tỏ thái độ tôn kính đối với ảnh tượng Phật, đặt nơi cao hơn chỗ mình ngồi, sạch sẽ khô ráo, ví dụ trên bàn thờ. Chắc chắn không thể đặt trên kệ cao chỗ cất đồ chùi rửa. Thấy mẫu tượng vỡ hay mẫu giấy vẽ hình Phật nằm bên đường hay rơi dưới đất, hay dù ở trong thùng rác, cũng phải nhặt lên, chạm lên đỉnh đầu mình rồi đặt vào nơi cao ráo sạch sẽ với ý nghĩ mình đang thật sự thỉnh đức Phật về an tọa.

  • # Tôn kính thánh vật có nghĩa là thấy vật ấy chính là đức Phật
  • # Phân biệt thánh vật tốt xấu sẽ khiến tâm bị nhiễm uế che chướng, khó đạt giác ngộ
  • # Phải tỏ lòng tôn kính tôn ảnh bằng cách đặt nơi cao ráo sạch sẽ

! QUY Y

! 5. Lời dạy cho sau khi quy y

! 5.1 Những điều cần làm

! 5.1.1 Tôn kính thánh vật



#NGÀY 163 — TÔN KÍNH KINH SÁCH LÀ BƯỚC LUYỆN TÂM TRỌNG YẾU GIÚP GIEO HẠT THÀNH TỰU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì là hiện thân của tâm nhiệm mầu của Phật nên kinh Phật cũng rất nhiệm mầu. Nhiều người đắc thánh quả, đạt giác ngộ nhờ tu theo kinh sách, là chìa khóa mở vào mọi thành tựu và an lạc. Thấy một cuốn kinh thì đừng chỉ thấy đó là một xấp giấy đóng chung lại với nhau, mà phải thấy đó chính là Pháp bảo. Hãy chắp hai tay theo ấn kiết đảnh lễ, cầu nguyện cho mình nhờ trí tuệ gói trong những trang kinh này mà chứng đắc trọn giáo pháp. Thấy tam tạng kinh, như Kinh tạng hay Luận tạng, thì hãy cầu nguyện kinh sách ban cho mình năng lực gia trì để có thể có ngày chứng được tất cả những gì có trên những trang kinh ấy.

§ Với ý thức mỗi chữ đều rất nhiệm mầu, chúng ta có những việc cần phải làm để giữ hạnh tôn kính Pháp bảo, tránh phạm lỗi bất kính. Nói chung, vì kinh sách là nhân mang đến nguồn hạnh phúc nên cần được cất giữ ở nơi cao ráo sạch sẽ. Đừng bao giờ để lẫn lộn vào chỗ dơ bẩn, ở dưới đất, dưới giường, đừng bao giờ mang vào nhà vệ sinh. Bất kính như thế sẽ tạo trở ngại lớn cho tâm mình, khiến tâm khó tiến bộ. Phải thật sự cảm nhận được sự nhiệm mầu của kinh sách, để cung kính cất giữ thật ngay ngắn đẹp đẽ trên cao, không để lẫn lộn với những loại sách thế tục khác như tiểu thuyết, tạp chí vân vân.

§ Lời Phật dạy dù một chữ cũng vô giá, cần đối xử với thái độ tương xứng. Dù chỉ vài chữ trên mẩu giấy nát chúng ta cũng phải tôn kính hết lòng. Trọn đường tu giác ngộ đều tùy thuộc vào những lời chữ ấy, cả một bản đồ hướng dẫn lộ trình đi từ khổ đau đến bến bờ giải thoát.

  • # Kinh sách là hiện thân của tâm nhiệm mầu Phật nên cũng rất nhiệm mầu
  • # Có những việc cần phải làm để giữ hạnh tôn kính Pháp bảo
  • # Lời Phật dạy từng chữ một đều là vô giá và đều xứng đáng được tôn kính hết lòng

! QUY Y
! 5. Lời dạy cho sau khi quy y
! 5.1 Những điều cần làm
! 5.1.2 Tôn kính kinh sách



#NGÀY 164 — NGƯỜI NÀO THỌ GIỚI XUẤT GIA CŨNG ĐỀU LÀ ĐỐI TƯỢNG QUY Y TÔN KÍNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tăng đoàn theo nghĩa quy ước của tục đế là một đoàn thể bao gồm bốn vị xuất gia nghiêm giữ giới luật nhưng chưa đạt thánh vị. Chư vị tạo nguồn cảm hứng và hướng dẫn trọn đường tu giác ngộ cho mình, vì vậy một khi đã quy y thì chúng ta có bổn phận phải tôn kính chư vị. Nếu gần gũi với Phật giáo Tây tạng và được thọ pháp từ chư thánh tăng Tây tạng thì khởi tâm tôn kính có lẽ không khó khăn gì, nhưng hạnh quy y Tăng này bao gồm tất cả mọi thành viên của Tăng đoàn, tăng ni trong truyền thống tu Tây tạng cũng như trong mọi truyền thống tu đại thừa và tiểu thừa khác.

§ Sinh tâm phân biệt thị phi với Tăng đoàn, thấy vị này đáng cho mình hỗ trợ hơn vị khác, là điều rất nguy hiểm. Bất kể vị ấy là ai, thuộc truyền thống tu nào, đều phải tôn kính như nhau. Chúng ta phải thấy bất cứ một ai khoác lớp áo xuất gia đều là người giúp đỡ dẫn dắt ta thoát khổ đau luân hồi. Nghĩ như vậy thì lòng tôn kính tự nhiên sẽ nảy sinh và lợi ích từ tâm tôn kính này tự nhiên sẽ đến.

§  Không những chúng ta cần tôn kính bất cứ một ai khoát lớp áo xuất gia mà ngay chính lớp áo ấy cũng đã là biểu hiện của Tăng bảo. Thấy nằm ở dưới đất thì bước tránh đừng dẫm lên, không tránh được thì phải cung kính dời y áo sang một bên. Nếu y áo rơi xuống đất, ví dụ đang phơi mà bị rơi, thì hãy nhặt lên đặt vào nơi thanh sạch, nhớ rằng người mặc áo này có những tánh đức mà mình chỉ có thể khát khao hướng về.

  • # Sau khi quy y, chúng ta phải tôn kính tăng ni thuộc mọi truyền thống Phật giáo
  • # Bất cứ một ai khoác áo tu sĩ đều phải xem là người giúp đỡ dẫn dắt, đừng phê phán
  • # Cả y áo của người xuất gia cũng là biểu tượng của Tăng bảo

! QUY Y
! 5. Lời dạy cho sau khi quy y
! 5.1 Những điều cần làm
! 5.1.3 Tôn kính Tăng đoàn



#NGÀY 165 — GIỚI LUẬT CHỈ TA CÁCH NHỜ VÀO LÒNG TÔN KÍNH TAM BẢO ĐỂ PHÁT HUY TỐI ĐA KHẢ NĂNG CỦA MÌNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Ngoài những việc cần làm cần tránh đối với mỗi một trong Tam bảo, hãy còn sáu giới hạnh đối với cả ba. Giới hạnh này thật sự làm nên đời sống của người Phật tử. Và quan trọng nhất là làm việc gì cũng đều phải làm với lòng từ bi.

§ Luôn giữ Tam bảo trong tim thì mọi việc chúng ta làm đều trở thành chánh pháp. Tuy vậy, kinh sách dạy cần cụ thể quy y ba lần ban ngày, ba lần ban đêm. Trước khi ăn hay uống, phải cúng dường món ăn thức uống cho Phật Pháp và Tăng. Phải biết giải thích chánh pháp cho người tùy căn cơ người nghe, và phải học pháp càng nhiều càng tốt. Mỗi khi có bậc chân sư thuyết pháp, dù có là sư phụ của mình hay không, nếu được phải ráng tận dụng cơ hội để đến nghe. Làm vậy để tâm luôn nương vào bậc thánh. Nương kính đạo sư và Tam bảo là bổn phận của đệ tử, vì vậy phải ý thức giữ gìn hạnh quy y của mình, đừng bao giờ buông bỏ. Thêm vào đó, khả năng thọ được bao nhiêu giới thì phải nên thọ nhiều bấy nhiêu, ví dụ thọ bát quan trai giới.

§ Đức Phật vô cùng từ hòa, dạy cho nhiều bộ giới cao thấp phù hợp trình độ là để giúp chúng ta có được phương tiện toàn hảo nhất để bảo vệ tâm mình trong cuộc sống hàng ngày. Dù có làm gì, ăn gì uống gì, hay phải tiếp xúc với ai, chúng ta đều luôn được giới hạnh che chở, bảo đảm việc mình làm luôn là khéo nhất và lợi ích nhất. Đó là lời Phật khuyên để giúp chúng ta sống khoảnh khắt nào cũng đều có ý nghĩa, làm việc làm nào cũng đều thành nhân mang đến quả giác ngộ.

  • # Có sáu giới hạnh cần giữ, làm nên đời sống hàng ngày của người Phật tử
  • # Quy y; cúng dường thức ăn, thức uống; hướng dẫn người khác; tự trau dồi việc học; nương vào bậc thánh
  • # Giới hạnh là phương tiện toàn hảo nhất để hộ trì tâm mình trong đời sống hàng ngày

! QUY Y
! 5 Lời dạy cho sau khi quy y
! 5.1 Những điều cần làm
! 5.1.4 Việc chung cần làm



#NGÀY  166 — CHÍNH HẠNH QUY Y ĐÃ LÀ GIẢI PHÁP CHO MỌI VẤN ĐỀ CỦA THAM SÂN VÀ SI — LAMA YESHE

§ Khi quy y chúng ta quán tưởng cha mình ở bên phải, mẹ mình ở bên trái, trước mặt là kẻ thù tệ hại nhất, những người khiến mình lao đao dữ dội  nhất, và sau lưng là những người mình thương yêu quyến luyến nhất. Chúng sinh còn lại tất cả đều có mặt quanh mình.

§ Pháp quán tưởng này là ví dụ điển hình của tâm lý Phật giáo. Hỏi bạn thân nên đặt ở đâu, theo lẽ ta phải nói “Ở đây này, ngay trước mặt tôi đây này! ” Tương tự như vậy, chúng ta sẽ muốn đặt kẻ thù ở phía sau lưng cho khuất mắt. Nhưng khi quy y thì ngược lại, đặt kẻ thù ở trước mắt để nhìn vào họ, chân thành quan sát cuộc sống của họ. Nghĩ đến cái tâm không thể khống chế của chính mình để thấy kẻ thù cũng gặp khó khăn y như mình thôi. Nhìn như vậy để mở lòng thương yêu đối với kẻ thù, rồi quy y với tấm lòng thương yêu ấy. Đây là cách quy y tốt nhất.

§ Quán tưởng mẹ hiền nhiều đời của mình đang ở xung quanh khi quy y là cách tốt nhất để vượt qua nỗi bận tâm quá độ về chính mình. Nhiều  người luôn bị ám ảnh bởi vấn đề của chính mình, không thể quên, không thể ngừng lại để nghĩ đến hoàn cảnh của người khác. Ý thức được người khác cũng gặp khó khăn giống như mình thì sẽ bắt đầu cảm thấy rằng “Mình không phải là người xấu số nhất đời, đâu phải chỉ có một mình mình chịu khổ, nhiều người cũng khổ y như vậy. Phải nên thương yêu họ như thương yêu chính mình.”

  • # Trong pháp quán tưởng quy y, chúng ta đặt kẻ thù ở phía trước và bạn thân ở phía sau
  • # Cách quy y tốt nhất là mở lòng thương yêu kẻ thù của mình trước tiên
  • # Đây là phương pháp hữu hiệu nhất để vượt nỗi ám ảnh về chính mình

! QUY Y
! 5. Lời dạy cho sau khi quy y



#NGÀY 167 — QUY Y PHẬT PHÁP TĂNG THÌ LUÔN CÓ HY VỌNG, SỐNG CÓ MỤC TIÊU — LAMA YESHE

§ Chúng ta phải quy y Tam bảo bằng cách hiểu rõ giáo pháp Phật dạy với tấm lòng chân thành sạch trong, phải quy y  bằng trí tuệ. Cần hiểu rõ mối quan hệ giữa Phật với mình. Phật có lòng từ bi không phân biệt, hiểu trọn chân tánh của thực tại. Chúng ta cũng có lòng từ bi, nhưng lòng từ bi của chúng ta có giới hạn. Chúng ta cũng có trí tuệ, hiểu được mình đến một mức độ nào đó, nhưng cũng có giới hạn. Vì vậy mà muốn kéo mình lên để hiểu được nhiều hơn, tốt hơn. Chúng ta muốn lòng từ bi của Phật và của mình nói chuyện với nhau, kết nối với nhau, nói cho chính xác, muốn hòa nhập làm một.

§ Đừng nên nghĩ “Ôi, tôi ấy à, làm sao đủ khả năng!” Chúng ta có lòng từ, lòng bi, có trí tuệ. Phật giáo nhấn mạnh con người như chúng ta đây cũng quan trọng như là Phật. Phải tự tin rằng dù trong hiện tại có giới hạn, nhưng trí tuệ và từ bi  của mình vốn có khả năng phát triển đến vô tận, không gì có thể cản. Sự phát triển của năng lượng vật chất có giới hạn, còn năng lượng tâm thức có thể phát triển đến vô hạn.

§ Lòng từ của chúng ta có thể mở rộng không có giới hạn. Lòng bi cũng vậy, có thể tăng trưởng vô hạn. Phải nhớ lấy điều này. Quá tuyệt vời, đúng không? Năng lượng tâm thức con người không có chút giới hạn nào cả. Vậy hãy hăng hái lên, vững tin nơi chính mình. Dù trước mắt có thấy mình không thương nổi một số người, nhưng cũng chỉ tạm thời thôi. Hôm nay đã đổi ý, “Tôi cho được, tôi thương được.” Ngày hôm nay chúng ta phải mở lòng từ bi đối với kẻ thù của mình. Chúng ta làm được việc này.

  • # Muốn quy y phải hiểu rõ mối liên hệ giữa mình và Phật
  • # Cần tin tưởng giá trị nội tại của mình đủ khả năng phát huy đến vô tận
  • # Lòng từ và bi của mình nhất định có khả năng mở rộng vô  hạn

! QUY Y
! Kết (1)



#NGÀY 168 — THEO CHÁNH PHÁP THÌ LÀM GÌ CŨNG THÀNH QUY Y — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Bất kể làm gì để bảo vệ tâm mình cũng đều là chánh pháp, và đây chính là cốt tủy của quy y, dù có tự xem mình là Phật tử, có thọ lễ quy y hay không. Chặt đứt tâm hư vọng nhờ thiền quán về vô thường và cái chết, đó là quy y. Giảm lòng tham nhờ thiền quán về sự tai hại của tám pháp thế tục, đó là quy y. Khai mở tâm từ và tâm bi, thúc đẩy mình phát tâm bồ đề, đó là quy y. Học và thiền quán về tánh không để chứng biết cái tôi cùng mọi sự vật [ngã và pháp] đều không có tự tánh, đó là quy y.

§  Có được tâm hỷ túc, biết vui và thấy đủ, thì được bảo vệ bây giờ và sau này khỏi gặp khổ nạn lớn, như bị trầm cảm, bị hành hung, hay ghen tuông tự sát. Thói quen bực dọc phiền muộn là những thứ theo ta đã nhiều năm, chân thành tu theo chánh pháp thì tan biến cả. Chánh pháp mà chúng ta tu theo, tâm trong sáng và ấm áp của chúng ta, sẽ lập tức bảo vệ cho chúng ta thoát mọi vấn đề đã phải chịu nhiều năm nhiều tháng. Nhờ bỏ thái độ sai lầm nên ngưng tạo ác nghiệp. Nhờ ngưng tạo ác nghiệp nên khỏi phải tái sinh vào cõi dữ. Được giữ gìn không còn tạo nhân luân hồi nên chúng ta được sự che chở không còn sợ sinh tử.

§ Tất cả những điều này đều có được là nhờ quy y, nhờ tâm nương dựa nơi Phật Pháp Tăng. Cũng như Phật Thích Ca cùng vô số chư bồ tát Phật đà trong quá khứ đã từng đắc đạo, đạt quả giải thoát và giác ngộ, chúng ta cũng vậy,  cũng có thể đắc đạo và đạt quả giải thoát, giác ngộ. Rồi cũng như chư vị, chúng ta sẽ có khả năng làm việc Phật làm, phổ độ vô số chúng sinh.

  • # Bất kể làm gì để bảo vệ tâm mình cũng đều là chánh pháp, và đều là quy y
  • # Chân thành tu theo chánh pháp thì sẽ được bảo vệ thoát mọi khổ đau trong hiện tại và tương lai
  • # Tâm có quy y thì có khả năng đạt quả giải thoát và giác ngộ

! QUY Y
! Kết (2)



#NGÀY 169 — HIỂU SÂU VỀ QUY Y THÌ SẼ BẮT ĐẦU NẾM ĐƯỢC VỊ NGỌT CỦA TRÍ PHẬT — LAMA YESHE

§ Quy y chánh pháp là điều quan trọng. Vì sao? Uống viên thuốc khi thấy tâm bất an chỉ là biện pháp tạm thời để chữa bệnh cho tâm. Nhiều người khi tâm bất an thì uống viên thuốc an thần, đúng không? Cái tâm bất an này nó quy y nơi thuốc an thần. Không chuyên nghiệp chút nào. Chẳng giải quyết được vấn đề.

§ Chúng ta ai cũng đã từng trải qua kinh nghiệm tự bằng sức mình đến được với trạng thái sáng trong, thấy rõ mọi vấn đề tương đối của mình, và trạng thái tuyệt đối mà mình có thể đạt được. Vì vậy bây giờ cần hạ quyết tâm. Rồi sẽ có lúc chúng ta thấy ra rằng nơi quy y cứu cánh là Pháp, là đại trí, đại bi và đại từ. Đây là chân đạo, là chân pháp. Là con đường giúp ta thăng hoa. Những biện pháp vô-minh-tự-đáng-thương tạm bợ kia không thể giúp ai thăng hoa, chỉ làm u tối thêm thôi chứ chẳng được tích sự gì.

§ Vì vậy quyết tâm là điều rất quan trọng. Cho ta sức mạnh. Mỗi khi có được kinh nghiệm gì tốt thì tâm phải xác nhận lại, và hạ quyết tâm. Phải nghĩ như thế này, “Đây là cách giải quyết vấn đề cần phải theo. Tôi không muốn quy y nơi thức ăn. Tôi có thể tạm thời nương vào đó,  có thể sẽ ăn để ngừng cảm giác mình là quỷ đói. Nhưng chốn quy y cứu cánh phải là điều mang đến nguồn an lạc vĩnh viễn, chỉ có thể đến từ chánh pháp, từ giáo pháp của Phật dạy. Đức Phật đã tự mình khai mở đại trí đại bi và đại từ nhờ nguồn ánh sáng trí tuệ, nên đây cũng sẽ là cách tôi tự cứu chính mình.” Cần hạ quyết tâm cho thật mãnh liệt.

  • # Tâm bất an tìm về quy y nơi thuốc an thần, nhưng không giải quyết được vấn đề
  • # Những biện pháp vô-minh-tự-đáng-thương tạm bợ không giúp được gì, chỉ có chánh pháp mới có thể giúp
  • # Chúng ta khởi ý chí mãnh liệt quyết noi theo gót chân Phật để giải quyết vấn đề đời mình

! QUY Y
!Kết (3)



#DAY 170 — CHÚNG TA LÀ NGHIỆP, TRỌN ĐỜI BỊ NGHIỆP KHỐNG CHẾ, SỐNG TRONG NĂNG LƯỢNG CỦA NGHIỆP — LAMA YESHE

§ Nghiệp tiếng Phạn gọi là karma. Đừng nên nghĩ rằng chữ tiếng Phạn thì nghĩa phải phức tạp. Mỗi ngày chúng ta đều ăn, ngủ, đi đứng, nói chuyện với người khác. Tất cả năng lượng ấy đều là nghiệp. Nói đơn giản, năng lượng nào khiến  thân khẩu ý của mình hoạt động thì đó là nghiệp. Mỗi hoạt động của nghiệp đều tạo hiệu ứng, và hiệu ứng này sẽ lại tạo thêm một hiệu ứng khác v.v… Đến đây không cần phải giải thích phức tạp, chỉ cần nói như vầy là đủ: hạnh phúc là kết quả của những việc mình làm với tâm thiện, và khổ đau là kết quả của những việc mình làm với tâm bất thiện.

§ Từ khi chào đời cho đến bây giờ, mọi lời nói ý nghĩ và hành động của mình đều gieo mầm dẫn đến nghiệp báo tương lai. Chúng ta không một khoảnh khắc nào trong đời là không tạo chuỗi hiệu ứng mới. Dù không tin nơi nghiệp và nhân quả thì nghiệp cũng vẫn có ở đó, như tiếng gõ liên tục của kim đồng hồ.

§ Khi nào biết chú ý đến quá trình đang diễn ra này, bắt đầu ý thức mình vẫn luôn tạo biết bao nhiêu điều bất lợi, khi ấy sẽ dễ dàng thấy được mình đã làm thế nào để luôn tự gây tai họa cho chính mình. Mỗi phút đều tạo hàng trăm nghiệp mà không hề hay biết. Tuy vậy, trong cõi thiền tịnh yên, tiếp xúc với chánh pháp, chúng ta có thể lắng nghe tâm mình, thủ phạm của mọi tạo tác này. Chúng ta tập ý thức việc mình làm, tập cho ý thức này đạt đến một mức độ xa hơn trước rất nhiều. Nhờ tự ý thức nên tự khống chế, làm chủ được nghiệp của mình hơn là để nghiệp làm chủ.

  • # Nghiệp là một khái niệm đơn giản, là bất cứ năng lượng nào khiến thân khẩu ý hoạt động
  • # Từng lời nói ý nghĩ và hành động của mình đều gieo mầm cho nghiệp báo tương lai
  • # Ý thức được việc mình làm thì sẽ làm chủ được nghiệp của mình hơn là để nghiệp làm chủ

! NGHIỆP (1)



#NGÀY  171 — NGHIỆP LÀ GIẢI THÍCH KHOA HỌC CỦA PHẬT GIÁO VỀ LUẬT TIẾN HÓA — LAMA YESHE

§ Nếu phải so sánh nghiệp với những lãnh vực nghiên cứu Tây phương, có lẽ phải nói rằng, ở một mức độ nào đó, có sự tương đồng với thuyết tiến hóa của vạn vật. Nghiệp bao trùm tất cả mọi sự trên quả đất này và hơn thế nữa, tất cả mọi hiện tượng có trong vũ trụ, cùng khắp không gian vô tận, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, là tất cả mọi thứ trong cõi luân hồi và niết bàn. Nghiệp là năng lượng của mọi sự vật, không liên quan gì đến việc mình tin hay không tin.

§ Nếu nghiệp bao trùm mọi hiện tượng quy ước, vậy những hiện tượng này có liên quan gì nhau không? Thật sự mà nói, cả khoa học hiện đại cũng thấy rằng mọi nguồn năng lượng trong vũ trụ đều tùy thuộc lẫn nhau, đâu chỉ riêng gì Phật giáo. Nói ví dụ, cây xanh thấy quanh đây từ đâu mà có? Không phải nhiên không mà có được. Trước hết phải có một cái nhân, rồi thành cái quả, là màu cây xanh hiện ra. Tương tự như vậy, mỗi người trong chúng ta đều có một cái nhân. Chúng ta cũng đều là những hiện tượng duyên sinh, đều tùy thuộc vào những nguồn năng lượng khác để hiện hữu và tồn tại. Những nguồn năng lượng ấy lại tùy thuộc vào những nguồn năng lượng khác nữa. Cứ thế, mọi nguồn năng lượng đều tùy thuộc lẫn nhau.

§ Chúng ta luôn tự nhiên thấy mình là một cái tôi độc lập, không tùy thuộc vào bất cứ thứ gì. Quá sai. Để ý một chút sẽ dễ dàng thấy ra mình tùy thuộc vào thứ khác như thế nào. Nhìn tưởng phức tạp nhưng không phức tạp. Chỉ phức tạp vì cái đầu mình thấy phức tạp. Cái đầu mình dựng lên đủ thứ chuyện, và đó cũng là nghiệp, một hiện tượng duyên sinh tùy thuộc vào những nguồn năng lượng khác mà có. Nếu hiểu được sự đơn giản cơ bản của vấn đề này, chúng ta sẽ thận trọng hơn trong cách hành xử của mình, vì biết rằng mọi hoạt động của thân khẩu và ý đều tạo hiệu ứng.

  • # Nghiệp bao trùm mọi hiện tượng trong cõi luân hồi và niết bàn
  • # Mọi hiện tượng quy ước đều tùy thuộc lẫn nhau và khởi sinh từ một cái nhân
  • # Hiểu được rằng mỗi việc làm đều tạo hiệu ứng thì sẽ thận trong hơn khi hành động

! NGHIỆP (2)



#NGÀY 172 — XÉT NGHIỆP CỦA MÌNH LÀ PHÁP HÀNH CHÂN CHÍNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn tu theo Đại thừa thì làm việc gì cũng phải làm với động cơ hướng đến quả giác ngộ. Tuy vậy, chuyện quan trọng nhất trước mắt cần lưu ý, đó là phải thận trọng với nghiệp của mình. Mục tiêu của chúng ta tuy lớn, nhưng cái chết có thể chẳng quan tâm. Quả thành tựu mà ta hướng đến nằm ở tương lai, còn cái chết có thể đến ngay trong khoảnh khắc.

§ Vì vậy mỗi bước đi trên đường tu giác ngộ đều phải bắt đầu bằng ý thức từng cử chỉ hành động của mình để tránh hết mọi việc làm tiêu cực, gây hại, và làm hết mọi việc lành. Đó là “xét nghiệp.” Ai cũng cần phải xét nghiệp của mình,  dù là người mới tu, tu đã vững, hay đã vào hàng đại hành giả với chứng ngộ kim cang tối thượng thừa.

§ Nếu chỉ quy y chứ không xét nghiệp thì dù tín tâm nơi Tam bảo có tròn đầy vẫn không hưởng được sự dẫn dắt của Tam bảo vì thiếu mất dụng cụ cần thiết. Sẽ thành giống như kẻ trộm đứng trước mặt quan tòa. Tin tưởng nương dựa quan tòa, cầu khẩn xin đừng phạt, thề thốt sẽ không bao giờ tái phạm. Quan tòa có thể tin và thả cho đi, nhưng vừa ra tới cửa thì lại lập tức trộm thứ gì khác và lại bị bắt. Quan tòa không phải cứ muốn là có thể tha, vấn đề là phải ngừng đừng trộm cướp nữa. Tương tự như vậy, quy y Phật Pháp Tăng là bước căn bản để tu theo Phật pháp, nhưng có thoát được khổ đau hay không, nhất là khổ đau cõi ác đạo, thì hãy còn tùy vào nghiệp.

  • # Ý thức được nghiệp mình đang tạo là pháp hành quan trọng nhất
  • # Mỗi bước trên đường tu giác ngộ đều bắt đầu bằng ý thức từng hành động của mình
  • # Thoát khổ được hay không là tùy vào nghiệp

! NGHIỆP (3)



#NGÀY 173 — NGHIỆP LÀ CÂU TRẢ LỜI VỀ CUỘC SỐNG THẬT CỦA MÌNH, Ở MỨC ĐỘ THÂM SÂU NHẤT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Người không hiểu về nghiệp thường phạm lầm lỗi này: họ tưởng rằng nguyên nhân chính làm mình vui hay khổ nằm ở bên ngoài. Nhưng không đúng. Bất kể gặp chuyện kinh khủng đến đâu, khó hiểu đến đâu, nguyên nhân không bao giờ là yếu tố bên ngoài, mà ở ngay trong tâm của ta. Vấn đề ở bên ngoài mà mình phải đối mặt chỉ là phụ thuộc.

§ Chỉ có đức Phật mới thấy rõ từng cái nhân cái duyên không bao giờ sai. Người thường như chúng ta khó lòng thấy được lý do vì sao mọi sự lại xảy ra như vậy. Lấy ví dụ, một tiệm ăn đang thành công bỗng nhiên lụn bại khi đổi chủ. Cùng địa điểm, cùng món ngon, cùng người phục vụ, mọi thứ đều như cũ, chỉ khác mỗi người chủ, nhưng khách tự dưng không đến nữa, chẳng vì lý do gì. Chủ mới có thể có bằng cấp kinh doanh cao, có thể là người thông minh xuất chúng, nhưng thành công không đến. Chỉ dựa vào yếu tố bên ngoài thì không bao giờ đủ, vì còn những yếu tố bên trong, quan trọng hơn nhiều. Dù đủ hết mọi điều kiện thuận tiện bên ngoài, thậm chí có thể thành công trong một khoảng thời gian, nhưng không đủ thiện nghiệp thì sớm muộn gì kinh doanh cũng sẽ thất bại, chỉ đơn giản vì không tạo đủ thiện nghiệp để quét chướng ngại nên không thể thành công lâu dài.

§ Thao túng hoàn cảnh bên ngoài không phải là chìa khóa của thành công. Câu trả lời chính xác là nghiệp. Thay vì tân trang cửa tiệm hay thay đổi nhân viên, chủ mới tốt hơn nên chuyển tâm của chính mình. Bỏ việc bất thiện thì sẽ thành công trong tương lai. Yếu tố bên ngoài chỉ là duyên phụ thuộc, thay đổi tâm mình mới là đáp án đúng.

  • # Nguyên nhân chính tạo niềm vui nỗi khổ không phải là những yếu tố bên ngoài mà là tâm của ta
  • # Không đủ thiện nghiệp thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp trở ngại
  • # Chìa khóa của thành công trong tương lai là thay đổi tâm mình và từ bỏ việc bất thiện

! NGHIỆP (4)



#NGÀY 174 — DÙ CÓ TIN HAY KHÔNG, NGHIỆP VẪN LUÔN VẬN HÀNH — LAMA YESHE

§ Có người cho rằng hễ tin có nghiệp thì phải lãnh quả. Nói cách khác, không tin có nghiệp thì khỏi phải chịu quả. Điều này quá sai. Gieo nhân nào thì phải chịu quả nấy, như uống thuốc độc thì sẽ trúng độc cho dù có tin chắc đó là thuốc chữa bệnh. Đã gieo nghiệp thì lãnh quả là điều tất nhiên không thể tránh.

§ Bò, heo và bọ cạp chẳng có chút khái niệm nào về nghiệp, chúng không tin là có nghiệp hay không có nghiệp, nhưng đều phải trả quả. Mọi việc chúng làm đều phát xuất từ tham, sân, hay si, việc nào cũng chắc chắn có báo ứng. Vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng nghiệp và quả chỉ là thứ dành riêng cho mấy người theo Phật giáo, chuyện của mấy ông thầy tu. Nghiệp là quy luật tự nhiên, chi phối mọi hiện tượng vật lý và phi vật lý trong vũ trụ. Đây là điều tối quan trọng cần phải hiểu.

§  Dù có tin hay không, chúng ta đều nằm dưới sự chi phối của nghiệp. Đừng nghĩ rằng người theo đạo Thiên chúa giáo, Do thái giáo, hay Hồi giáo nằm ngoài tầm với của nghiệp, không cần phải quan tâm. Nghĩ vậy không đúng đâu. Nói ví dụ người Do thái và Ả rạp tích lũy nghiệp với nhau bây giờ xảy ra đủ loại vấn đề ở Trung đông. Người đồ tể có thể không tin giết thú vật sẽ có hậu quả gì tiêu cực, dù vậy, dù có tin hay không, khiến hữu tình khác chịu khổ đau đến thể nhất định sẽ có ngày đổ lại trên đầu họ.

  • # Hành xử thế nào thì chắc chắn sẽ báo ứng thế nấy
  • # Nghiệp là quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ mọi hiện tượng vật lý và phi vật lý trong vũ trụ
  • # Ai cũng bị nghiệp chi phối, dù tin hay không tin

! NGHIỆP (5)



#NGÀY 175 — HOẠT ĐỘNG THÂN KHẨU Ý NÀO CŨNG ĐỀU CÓ BÁO ỨNG — LAMA YESHE

§ Khi giảng về nghiệp có bốn đặc tính thường được nhắc đến. Đặc tính thứ nhất: nghiệp là điều chắc chắn. Nghiệp có nghĩa là việc làm, là năng lượng của mình. “Nghiệp là điều chắc chắn,” có nghĩa là một khi đã đẩy cho đoàn tàu hỏa lăn bánh thì nó sẽ cứ tiếp tục lăn cho đến khi hoặc là bị chận đứng, hoặc là về tới bến.

§ Sự chắc chắn của nghiệp không có nghĩa là đã gieo rồi thì không thể nào chận đứng. Hiểu như vậy là lầm, giống như, nói ví dụ, một số tín đồ Ấn độ giáo, ở Ấn độ hay Nepal có rất nhiều. Họ tin có nghiệp nhưng lại cho rằng nghiệp là cố định: “Tôi sinh ra làm thợ mộc. Số mệnh trời ban là thế, tôi sẽ luôn là thợ mộc.” “Nghiệp sinh tôi ra làm người sửa giày, tôi sẽ luôn là người sửa giày.” Họ rất chân thành với tín ngưỡng của mình, nhưng thật quá sai khi nghĩ rằng nghiệp là thứ gì không thể thay đổi.

§  Trọn nguồn năng lượng thân khẩu ý của mình đều bắt nguồn từ cái tâm. Đưa năng lượng vào môi trường nào, vào mạch đạo nào, thì nó sẽ thành nguồn năng lượng tương ứng. Thay đổi luôn. Đưa tâm theo hướng này thì kết quả sẽ như vầy, đưa tâm về hướng khác thì kết quả sẽ thành khác. Rất đơn giản. Chỉ có một điều cần phải biết, đó là gốc rễ của mọi hành động của mình. Biết được điều này rồi sẽ thấy mọi việc mình làm đều là chọn lựa của chính mình. Chúng ta quyết định việc mình làm và cảnh mình sống.  Tất cả đều tùy ở nơi mình hơn là tùy vào hoàn cảnh, bạn bè, xã hội, hay bất cứ yếu tố bên ngoài nào khác.

  • # Nghiệp là chắc chắn: một khi đã khởi động, nghiệp sẽ tiếp tục vận hành trừ phi bị chận đứng
  • # Nghiệp không hoàn toàn cố định, có thể thay đổi được
  • # Chúng ta chịu trách nhiệm cho việc mình làm và cảnh mình sống

! NGHIỆP (6)
! 1 Bốn tiêu đề
! 1.1 Nghiệp là chắc chắn



#NGÀY 176 — NGHIỆP TỰ BÀNH TRƯỚNG, NHANH HƠN MỌI HIỆN TƯỢNG  PHÀM TRẦN KHÁC RẤT NHIỀU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đặc tính thứ hai: nghiệp tự bành trướng, rất nhanh. Lấy ví dụ giết một con côn trùng,  nếu không lo sám hối tịnh nghiệp ấy đi thì sau 15 ngày nghiệp này sẽ lớn bằng nghiệp giết người. Chưa sám hối tịnh nghiệp thì tiềm năng khổ báo sẽ tăng nhanh theo từng ngày, từng giờ. Một thành hai, hai thành bốn, cứ thế bành trướng theo cấp số nhân. Cũng như một hạt mầm gieo xuống, đâm chồi thành cây con, rồi thành cây lớn với thân cành lá hoa đủ cả, lại rớt thêm hạt xuống đất mọc thành nhiều cây khác. Cả một khu rừng có thể xuất ra từ chỉ một hạt giống nhỏ.

§ Để yên không quét đi thì bao việc bất thiện lớn nhỏ đã làm sẽ tích tụ bành trướng trong tâm, chẳng mấy chốc trở nên khổng lồ, khuất lấp mọi niềm vui, ngăn chận quả bồ đề. Trừ phi dốc sức đảo ngược tình thế, bằng không sẽ càng lúc càng quen với việc ác. Bất cứ việc gì hễ làm với tâm si, tham và sân là đều phát sinh nguồn năng lượng khiến si tham sân thêm sâu dày. Không đủ sức hóa giải thì sẽ đâm ra nghiện ngập việc bất thiện. Tâm này để tự một mình thì nó sẽ chỉ biết chạy tuông về hướng đó.

§ Ác nghiệp bành trướng thế nào thì thiện nghiệp cũng bành trướng y như vậy. Nếu không bị sân hận hay tà kiến phá hủy thì hạt giống thiện nghiệp gieo trong tâm cũng tăng theo cấp số nhân. Chúng ta hành trì chánh pháp không phải chỉ cho đời này, vì vậy thật yên tâm khi biết nếu siêng tu chánh pháp thì hạt giống ấy đến kiếp sau vẫn còn, vẫn tiếp tục lớn mạnh, giúp chúng ta càng lúc càng dễ dàng tu thiện hơn.

  • # Nghiệp tự bành trướng, như hạt phát triển thành cây, thành rừng
  • # Trừ phi áp dụng thuốc hóa giải, bằng không tâm sẽ càng lúc càng quen làm việc bất thiện
  • # Hạt giống thiện nghiệp cũng tự bành trướng, nhờ đó tu thiện càng lúc càng dễ hơn

! NGHIỆP (6)
! 1 Bốn tiêu đề
! 1.2 Nghiệp tự bành trướng



#NGÀY 177 — KHÔNG TẠO NHÂN THÌ KHÔNG CÁCH GÌ HƯỞNG QUẢ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nghiệp chắc chắn ở chỗ nếu gieo lúa thì sẽ được lúa chứ không được ngô. Mặt khác, muốn lúa mà trồng ngô thì sẽ không toại ý. Tiêu đề thứ ba của nghiệp nhấn mạnh vào điểm không gieo nhân thì không thể nào hưởng quả.

§ Anh đói mà tôi ăn thì tôi có ăn bao nhiêu anh cũng vẫn đói. Lạc thú của tôi, anh không thể hưởng và lạc thú của anh, tôi không thể nhận. Khổ đau cũng vậy, của ai nấy chịu. Lấy ví dụ có thể là anh có một cái xe, bao lâu chẳng có vấn đề gì, nhưng vừa cho bạn thì lái chưa được một cây số xe đã nằm đường. Đó là vì anh có được cái nhân hưởng xe ấy, nhưng người bạn thì không.

§ Tại sao trong trận động đất hay rớt máy bay có người chết người sống? Ai không có cái nhân phải chết khi ấy thì không chết, ai không có cái nhân được sống tiếp thì không sống sót. Có thể người này từng cứu mạng người khác, còn người kia từng sát hại người khác. Tại sao vướng thứ bệnh cỏn con chẳng giết được ai mà lại chết? Vì gieo cái nghiệp phải chết. Khoa học Tây phương không giải thích được vì sao cả thành phố chỉ có một người ngay trước trận động đất lại rời nhà đi xa, hay tại sao thuốc rất hiệu nghiệm nhưng đối với một số người lại không có tác dụng gì. Nghiệp giải thích được cả, tại sao có một số người có được cái nhân bên trong mang đến hạnh phúc trường thọ, người khác lại không. Đặc tính này của nghiệp thêm một lần nữa đưa đến kết luận rằng chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội để tạo nhân vui, dù là bằng những hành động tầm thường nhất.

  • # Không tạo nhân thì không thể nào hưởng quả
  • # Quả báo sướng khổ của ai nấy chịu, chẳng thể tặng cho nhau
  • # Chỉ có nghiệp mới giải thích thuận lý được vì sao có người sống sót sau thiên tai hay tật bệnh

! NGHIỆP (6)
! 1 Bốn tiêu đề
! 1.3 Không thể hái quả nếu không gieo nhân



# NGÀY 178 — DÙ NẶNG HAY NHẸ, NGHIỆP ĐÃ GIEO KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI —  LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đặc tính thứ tư của nghiệp là mặt kia của đặc tính trước. Cũng như là không tạo nhân thì không thể hưởng quả. Tương tự như vậy, không thể tránh quả nếu đã tạo nhân. Quả không bao giờ mất đi. Trừ phi được sám hối thanh tịnh, bằng không dù trải qua trăm ngàn lần đại kiếp, hạt giống nghiệp vẫn còn trong tâm thức cho đến khi đủ duyên, chín mùi thành quả. Bất kể thô lậu hay vi tế, lớn hay bé, dấu ấn nghiệp trong tâm thức sẽ không bao giờ tự nhiên mà mất đi.

§ Gặp vạ từ đâu đổ xuống thì cũng không bao giờ là không có nguyên nhân. Lấy ví dụ có người đang lái xe bỗng nhiên vô cớ bị người đi đường bắn. Bắt buộc là phải có nguyên do. Trong một thời quá khứ nào đó, nạn nhân đã từng hại người cầm súng tương tự như vậy. Hay đang đi trong công viên mà bị hành hung, thấy như chuyện tai bay vạ gió, nhưng tại sao lại là mình chứ không phải là ai khác? Nghiệp đó, do việc bất thiện đã gieo trong quá khứ khiến bây giờ phải lãnh quả.  Nghiệp chín thành quả chỉ trong một búng tay, hiếm khi nào báo trước. Đây là chuyện xảy ra ở khắp mọi nơi, trong mọi lúc.

§ Chúng ta thường giỏi biện hộ cho việc bất thiện mình làm, luôn kiếm cớ để biến lỗi lớn thành nhỏ, nhưng làm vậy chẳng khiến khổ báo về sau giảm được chút nào. Trừ phi là sám hối tịnh nghiệp, bằng không quả báo nhất định sẽ đến.

  • # Đã gieo nhân thì không thể nào không gặt quả
  • # Mọi chuyện bất ngờ đều luôn có nguyên do, nghiệp luôn có mặt ở đó
  • # Trừ phi là sám hối tịnh nghiệp, bằng không làm ác luôn dẫn đến quả khổ

! NGHIỆP (6)
! 1 Bốn tiêu đề
! 1.4 Nhân đã gieo thì quả sẽ không bao giờ biến mất



#NGÀY 179 — PHẢI HỌC CHO SÂU MƯỜI ÁC NGHIỆP TAI HẠI NHƯ THẾ NÀO ĐỂ BIẾT MÀ TRÁNH ĐI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cũng như Thiên Chúa giáo nói đến mười điều răn cần tránh không làm, Phật giáo cũng nói đến thập ác, mười ác nghiệp, là những việc làm xuất phát từ vô minh, từ sân hận, từ cái tâm không thỏa mãn vì tham, từ cái tâm ngã ái tự nuông chiều chính mình và những loại vọng tâm phiền não khác, gây khổ đau cho mình và cho người. Mười việc ác này có ba việc của thân, bốn việc của khẩu, và ba việc của ý: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm; nói lời dối láo, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói chuyện tầm phào; tham lam, ác ý và tà kiến.

§ Ba việc bất thiện của ý tai hại hơn cả, vì sẽ kéo theo bảy việc bất thiện của thân và khẩu. Không có cách gì biến được việc bất thiện của ý thành việc thiện, giống như không thể biến bóng tối thành ánh sáng. Chúng ta có thể dùng ánh sáng để xua bóng tối, nhưng không thể biến chính bóng tối ấy thành ánh sáng. Tương tự như vậy, áo dơ có thể giặt cho hết dơ chứ bản thân vết bẩn tự nó không thể biến thành sạch. Còn ba thân nghiệp và bốn khẩu nghiệp thì khác, có thể tùy động cơ mà thành việc thiện. Đó là lý do vì sao Phật giáo Đại thừa chủ yếu nhấn mạnh về hoạt động bên trong của tâm chứ không phải hoạt động ở bên ngoài.

§ Đương nhiên là còn nhiều loại việc ác khác có thể làm, danh sách này chủ yếu nêu ra những việc ác quan trọng nhất. Biết được mười ác nghiệp này rồi thì sẽ dễ dàng phân biệt được thiện ác, nói cách khác, phân biệt được việc nào là chánh pháp, việc nào là pháp thế gian, nhờ đó có thể tự xét từng việc mình làm, từ sáng đến tối.

  • # Phật giáo nói về mười ác nghiệp, ba thân nghiệp, bốn khẩu nghiệp và ba ý nghiệp
  • # Ba ác nghiệp của ý luôn là ác nghiệp, lôi theo mọi ác nghiệp khác
  • # Hiểu về mười ác nghiệp thì sẽ có khả năng tự xét việc mình làm

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]



#NGÀY 180 — CHỈ MỘT NGHIỆP SÁT SINH CŨNG ĐỦ ĐỌA SINH ĐỊA NGỤC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Nhiều người đồng ý sát sinh là không đúng, nhưng để có thể thật sự ngừng sát sinh thì cần phải hiểu sát sinh nói trong thập ác có nghĩa là gì. Cần biết bốn yếu tố làm cho nghiệp sát sinh trở nên trọn vẹn: [1] tác ý, [2] cơ sở, [3] tác nghiệp, [4] hoàn tất. 

§ Tác ý là khởi ý muốn sát hại một chúng sinh nào đó. Cơ sở là chính chúng sanh ấy. Cơ sở của nghiệp sát phải là một sinh vật hữu tình, có cái tâm cảm nhận sướng khổ. Nghiệp sát nặng nhất là giết cha, giết mẹ, hay giết bậc A la hán. Nhiều người nghĩ rằng sát sinh chỉ là giết người, còn giết những loài khác không kể. Nhưng ở đây định nghĩa nghiệp sát sinh bao gồm mọi chúng sinh hữu tình, từ loài người cho đến các loài côn trùng bé mọn nhất. Tác nghiệp là hành động giết chúng sinh ấy. Hoàn tất là khi biết mình đã giết chết chúng sanh ấy.  Dù tự mình giết hay bảo người khác giết đều gieo nghiệp sát như nhau.

§  Tránh không sát sinh thì không ai phải chịu khổ vì bị mình giết, ngược lại được sự an toàn yên vui. Tiếp tục tránh không sát sinh là tiếp tục làm cho chúng sinh trên toàn cõi thế gian càng lúc càng được nhiều an vui, ít tổn hại, nên đây chắc chắn là sự đóng góp thực tiễn nhất cho nền hòa bình thế giới. Tránh sát sinh thì mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây đều sống có ý nghĩa. Đây là dụng cụ không thể thiếu để đạt được nguồn hạnh phúc cho bản thân chính mình và mang hòa bình đến cho khắp mọi loài chúng sinh.

  • # Để tránh sát sinh chúng ta cần hiểu về những yếu tố làm cho nghiệp sát trở nên trọn vẹn
  • # Đó là: ý muốn giết, đối tượng bị giết, hành động giết, và cái chết của chúng sinh bị giết
  • # Tránh sát sinh là đóng góp thực tiễn nhất cho nền hòa bình thế giới

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.1  Sát sinh



#NGÀY 181 — NGHIỆP KHÔNG CHO MÀ LẤY CÓ THỂ ĐẾN DƯỚI NHIỀU DẠNG KHÁC NHAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Cũng như mọi ác nghiệp khác, nghiệp trộm cướp liên quan đến tác ý, cơ sở, hành động và hoàn tất. Tác ý là ý muốn lấy xâm phạm một thứ gì đó thuộc quyền sở hữu của người khác, xuất phát từ sự thèm muốn thứ ấy vì một trong ba chất độc của tâm là si, tham hay sân. Ở đây si không chỉ là vô minh thấy sự vật có tự tánh mà đặc biệt là vô minh không biết về nghiệp.

§ Cơ sở của nghiệp này là món đồ mình muốn nhưng của người khác. Món đồ ấy phải thuộc về người kia hay đang được người kia cất giữ, không ai cho mình, và là món có giá trị—nghĩa là bất cứ thứ gì có giá trị hơn một hạt gạo. Tiếng Tạng gọi nghiệp trộm cướp là “của không cho mà lấy.” Nói vậy rõ nghĩa. Tác nghiệp là hành động lấy đi món đồ ấy, và nghiệp này hoàn tất khi nghĩ rằng “bây giờ nó là của tôi.”

§ Dùng sự lươn lẹo, lường gạt để lấy đi một món gì, đó là trộm cướp. Nhờ người khác làm dùm, đó là trộm cướp. Có thể là đi xe lửa không bị soát vé nên được đi miễn phí, nhiều người mừng vì khỏi trả tiền, thấy mình khôn ngoan, may mắn, nhưng thật ra đó là trộm cướp. Nói cho ngay, mua vé trả tiền thì may mắn hơn, vì được một chuyến đi an toàn không gieo ác nghiệp. Không nhớ đến thiện nghiệp không trộm cướp, ngược lại mừng vì khỏi tốn tiền, như vậy là hoàn tất nghiệp trộm cướp.

  • # Nghiệp trộm cướp xuất phát từ sự thèm muốn vì si, tham hay sân
  • # Tiếng Tạng gọi trộm cướp là “của không cho mà lấy”
  • # Có rất nhiều dạng trộm cướp, ví dụ như trốn không trả tiền xe

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.2 Trộm cướp



#NGÀY 182 — TRÁNH NGHIỆP TÀ DÂM SẼ BẢO VỆ CHO TA THOÁT NHIỀU VẤN ĐỀ TÌNH CẢM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tà dâm được định nghĩa là bất cứ quan hệ sinh dục nào bất chính, gây hại trên một phương diện nào đó, ví dụ như quan hệ với người đã có gia đình, hay quan hệ sai chỗ, sai thời điểm. Như mọi nghiệp khác, nghiệp tà dâm trọn vẹn khi hội đủ bốn yếu tố: tác ý, cơ sở, tạo tác và hoàn tất. Tà dâm xuất phát từ một trong ba chất độc phiền não của tâm [tham sân si]. Tác ý là ý muốn giao phối. Tác nghiệp là hành động giao tiếp của hai bộ phận sinh dục. Nghiệp này hoàn tất khi cảm nhận khoái cảm nhục dục.

§ Nghiệp tà dâm có nhiều dạng nặng nhẹ khác nhau, tùy ở mức độ gây hại cho người khác. Ngoại tình nặng hơn giao phối ngoài bộ phận sinh dục với người bạn đời. Giao phối với người thọ bát quan trai là nghiệp nặng, vì năng lực của đối tượng. Giao phối với người mang thai cũng là tà dâm, vì có thể gây hại cho bào thai.

§ Mặc dù những trường hợp như vậy thấy có vẻ không tệ như hiếp dâm hay ngoại tình. Tuy vậy, tránh tà dâm chủ yếu là vì hành động giao phối thường xuất phát từ tham dục, dễ gây điên đảo, bất hòa, phần lớn dưới dạng ghen tuông giận dữ giữa người và người, đặc biệt là giữa những cặp đôi. Dẫn đến nhiều việc bất thiện khác như là dối láo, thóa mạ, thèm khát, ẩu đả. Thậm chí có thể chém giết lẫn nhau, có khi rốt lại dẫn đến tự sát. Nhiều vấn đề khủng khiếp có thể xảy ra từ chỉ một lần phạm tà dâm.

  • # Tà dâm là quan hệ sinh dục bất chính và gây hại
  • # Càng gây nhiều tổn hại cho người khác thì nghiệp tạo càng nặng
  • # Tà dâm gây điên đảo bất hòa, dẫn đến nhiều vấn đề ngoài sức tưởng tượng

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.3 Tà dâm



#NGÀY 183 — DỐI LÁO MỘT LẦN ĐỂ ĐẠT ĐIỀU MÌNH MUỐN THÌ LẦN SAU SẼ DỄ HƠN, THÊM MỘT LẦN LÀ TỰ NHIÊN HƠN MỘT CHÚT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nghiệp bất thiện của khẩu có bốn, đầu tiên là nghiệp dối láo. Trải qua một thứ gì đó với năm giác quan mắt tai mũi lưỡi hay thân của mình mà phủ nhận nói rằng không có, hay ngược lại, không có mà nói có, thì đó là nghiệp dối láo.

§ Tuy vậy, tâm phải ý thức điều mình nói là trái với sự thật thì mới thành dối láo. Ví dụ ngồi thiền làm cho tâm rỗng rang rồi tưởng đó là tánh không. Mét với chúng bạn với niềm tự hào rằng mình đã chứng tánh không, thật sự tin vào điều này. Vì trong tâm nghĩ đó là sự thật nên đây không phải là cố ý làm “thay đổi nhận thức,” định nghĩa của dối láo.

§ Cơ sở của nghiệp này là người đối diện hiểu ý của mình, thường là nhờ nghe và hiểu lời mình nói, nhưng cũng có thể là hiểu không cần lời nói. Nếu người kia không hiểu thì nghiệp dối láo không trọn.  Tác nghiệp có thể là lời nói, sự im lặng, hay một cử chỉ nào đó. Tác ý là ý muốn người kia nhận thức sai. Ví dụ chúng ta chưa từng thấy Phật hay bồ tát, nhưng muốn người khác thấy mình đặc biệt nên đưa ra những gợi ý cho người kia tưởng là mình đã có được kinh nghiệm ấy. Chủ yếu muốn lừa gạt, bất kể thực hiện bằng cách nào. Nặng nhất là nghiệp nói dối về thành tựu tu tập của mình, ví dụ giả vờ mình đã hàng phục được vọng tâm phiền não hay đã đạt chứng ngộ; và nghiệp nói dối bậc giác giả như A la hán hay chư đạo sư.

  • # Khẩu nghiệp đầu tiên là nghiệp dối láo
  • # Định nghĩa của dối láo là cố ý “làm thay đổi nhận thức”
  • # Dối láo tệ nhất là giả vờ mình có chứng ngộ; và dối láo bậc giác giả

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.4. Nói lời dối láo



#NGÀY  184 — NÓI LỜI LY GIÁN THÌ LỜI NÓI SẼ MẤT HẾT TÁC DỤNG, NGOẠI TRỪ TÁC DỤNG GÂY CHIA RẼ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cơ sở của nghiệp này là một chúng sinh. Nhiễm tâm là một hay nhiều loại phiền não. Tác ý là ý muốn gây chia rẽ giữa một cặp hay một nhóm chúng sinh. Đang hòa hợp thì muốn làm cho sức mẻ; đã sức mẻ thì muốn làm cho sức mẻ nhiều hơn; đổ vỡ rồi thì muốn làm cho đổ vỡ mãi. Ghen ăn tức ở với nhóm người nào thì sẽ làm đủ cách cho họ chửi rủa đấu đá lẫn nhau. Đến khi họ trở thành như thế ta thấy rất vui, cố làm sao cho họ đừng bao giờ làm lành. Nghiệp ly gián nặng nhất là gây chia rẽ giữa đệ tử với sư phụ, hay phá hòa hợp của chúng tăng, chúng ni.

§ Tác nghiệp là dùng lời nói để gây ly gián, dù là lời nói thật. Ví dụ nói với một người là vợ hay chồng của người ấy trách móc người ấy, không phải vì thấy người ấy nên biết mà chỉ vì muốn gây chia rẽ. Hay nói vợ hay chồng của người ấy ngoại tình trong khi không phải vậy. Khác với trường hợp trước, đây là lời nói dối, nhưng thêm vào đó vẫn là ý muốn gây chia rẽ. Cũng có thể là có một người nào khác chê trách người chồng hay người vợ, ta cố tình mách lại vì biết rằng việc này sẽ gây rắc rối.

§ Chỉ cần người kia nghe và hiểu lời mình nói là đủ cho nghiệp hoàn tất, bất kể có đạt được mục tiêu mong muốn hay không. Có thể là mình nói xấu để cho vợ chồng bỏ nhau, nhưng người kia biết rõ ý đồ của mình. Dù không đạt được mục tiêu, ác nghiệp nói lời ly gián vẫn hoàn tất.

  • # Lời ly gián nhắm đến việc gây ra, làm tệ hơn, hay kéo dài sự ly gián
  • # Tạo tác nghiệp này là dùng lời nói để gây ly gián, dù là nói thật
  • # Lời ly gián nói ra là gieo nghiệp, bất kể có tạo được sự ly gián hay không

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.5 Nói lời ly gián



#NGÀY 185 — NÓI LỜI THÔ ÁC NẶNG NHẤT TRONG BỐN KHẨU NGHIỆP, VÌ NÓ KHIẾN CHO NGƯỜI KIA THÌNH LÌNH PHẢI CHỊU KHỔ LỚN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cơ sở của nghiệp nói lời thô ác là một chúng sinh. Vì nhiễm tâm tác động, muốn làm tổn thương một người nào đó nên nặng lời với họ. Nhiễm tâm thường là sân, nhưng cũng có thể là si, hay tham.  Nói ví dụ chúng ta có thể vì ham muốn tài sản của người khác nên gây trận cải vã để chiếm đoạt. Tác ý là ý muốn gây hại cho người kia. Tác nghiệp là nói ra lời thô ác, vạch lỗi hay moi móc điểm yếu của người kia để tấn công với lời nói thật hay không thật.  Có thể là nói về trình dộ học vấn, về chỗ đứng trong xã hội, về tướng mạo, bạn bè, hay hành vi của người ấy.  Nặng nhất là nói lời thô ác với đấng đạo sư, với cha mẹ hay với bậc A la hán.

§  Lời nói không nhất thiết phải dữ dằn. Có khi là gây thương tổn bằng lời nhỏ nhẹ lịch sự. Ví dụ chúng ta có thể ngọt ngào khen người kia tu giỏi, là bậc hành giả kim cương tối thượng thừa có thể uống rượu không say không phạm giới, thật may mắn chẳng giống chúng ta. Đương nhiên nói vậy là để mỉa mai xỉa xói. Kinh sách dạy rằng nghiệp nói lời thô ác hoàn tất khi người kia nghe và hiểu lời chúng ta nói.

§ Dùng lời thô ác để mà mắng đùa hay mắng yêu cũng tạo nghiệp, dĩ nhiên không nặng như khi nói vì nổi sân, nhưng vẫn tạo cho mình thói quen nói lời thô ác. Mức độ trầm trọng của nghiệp này cũng tùy vào đối tượng. Ví dụ cùng một câu nhưng mắng đùa người trong Tăng đoàn thì nghiệp sẽ nặng hơn là mắng đùa một người bạn.

  • # Nói lời thô ác là hành động xuất phát từ ý muốn gây thương tổn cho người  nghe
  • # Lời thô ác không nhất thiết phải dữ dằn, có khi là lời rất lịch sự nhẹ nhàng
  • # Mắng yêu hay mắng đùa cũng tạo ác nghiệp

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.6 Nói lời thô ác



#NGÀY 186 — NÓI ĐƯỢC MỘT LỜI KHÔNG TẦM PHÀO, THẬT KHÓ LẮM THAY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nói tầm phào là nói những điều vô nghĩa, chẳng để làm gì. Cơ sở của nghiệp này thường được xem là với một chúng sinh nào đó, nhưng nói với chính mình không ai nghe, không ai để ý, hay nói với người bị điếc cũng vẫn gieo nghiệp nói tầm phào. Nhiễm tâm là si, sân hay tham. Tác ý là ý muốn nói về bất cứ thứ gì hiện ra trong đầu, dù chẳng để làm gì. Không cần có ý thức là mình đang nói chuyện tầm phào, nhưng phải ý thức về nội dung lời nói. Tác nghiệp là khi nói, và nghiệp hoàn tất khi ngưng nói. Mặc dù nghiệp nói lời tầm phào không nặng như những ác nghiệp khác, nhưng cũng có thể trở thành nghiệp nặng, tùy mức độ thường xuyên và mức độ trọn vẹn của nghiệp.

§ Ví dụ như là mách lại chuyện người khác cãi vả, tranh biện về những thứ thấy giống Phật pháp ví dụ như kinh điển ngoài Phật giáo. Bao gồm hết thảy mọi lời nói về chuyện thế gian, mọi  vấn đề khó khăn thế tục, hễ thiếu động cơ của chánh pháp thì đều là chuyện tầm phào. Vì vậy chủ yếu phải xét lại tâm nguyện động cơ của mình. Có phải mình đang muốn khoe khoang cho người khác biết là mình đã thành tựu như thế nào, đã sống vất vả ra sao? Có phải chỉ đang muốn chọc cho người khác cười, chẳng có mục tiêu nào khác? Nói chuyện khi dự tiệc không vì chánh pháp, đều là chuyện tầm phào. Tầm phào hay không là tùy vào tâm nguyện động cơ khi nói.

§ Chư bồ tát hay chư hành giả kể về khó khăn trong đời là để chính mình hay người nghe buông cảnh sinh tử; kể về việc vui sống là để hiển thị thiện báo. Cho dù có chọc cho người khác cười , động cơ của chư vị vẫn khác.

  • # Nói tầm phào có nghĩa là nói lời vô nghĩa, không để làm gì
  • # Việc chính cần phải xét là tâm nguyện động cơ của mình — ví dụ có phải là mình đang khoe khoang?
  • # Ngược lại, lời nói của chư bồ tát phát xuất từ động cơ muốn san sẻ chánh pháp

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.7 Nói chuyện tầm phào



#NGÀY  187 — QUẢ BÁO CỦA THAM LAM LÀ ĐẠI THAM LAM, KHÔNG THỎA  MÃN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tham lam là loại tham gây thèm muốn. Cơ sở của nghiệp này là bất cứ thứ gì thuộc quyền sở hữu của người khác. Kinh sách thường nói đến súc vật như ngựa bò chó. Nặng nhất là thèm muốn sở hữu của bậc thánh giả. Có năm bước làm cho nghiệp tham lam hoàn tất. Trước tiên là tham chấp dữ dội sở hữu của chính mình. Rồi đớn đau bất mãn, muốn tích lũy nhiều hơn. Rồi thấy người khác có thứ gì hấp dẫn nên nổi lòng thèm muốn. Cuối cùng là quyết định chiếm đoạt thứ ấy làm của riêng. 

§ Nghiệp tham lam chỉ đơn giản là cái tâm thèm muốn món đồ ấy, không cần quyết định muốn chiếm đoạt. Lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch chiếm đoạt là những loại nghiệp bất thiện khác. Nhiều khi chúng ta thèm muốn những thứ không thể chiếm đoạt: Thèm được làm chủ toàn bộ thành phố New York với tất cả mọi ngân hàng ở đó. Đương nhiên đây chỉ có thể là giấc mộng không thành, nhưng chúng ta vẫn có thể thèm muốn như vậy và tạo nghiệp tham lam.

§ Vì tham lam mà gieo nghiệp chiếm đoạt thứ mình ham muốn, việc này lôi theo một loạt bốn loại khổ báo khác, trong đó có việc quả báo khiến tái phạm trong tương lai. Cứ thế mà đẩy cho khổ đau xoay vần bất tận. Phiền não tràn tâm, ngập đời sống, đến nỗi không còn thời gian tâm trí đâu để mà hành trì chánh pháp. Việc duy nhất chúng ta làm, và làm một cách hoàn hảo, là vòng khổ đau triền miên bất tận.

  • # Tham lam là lòng tham không thỏa mãn, thèm thuồng sở hữu của người khác
  • # Nghiệp ác này chỉ đơn giản là thèm muốn thứ ấy, không cần thật sự ra tay chiếm đoạt
  • # Để có được điều mình thèm muốn, chúng ta đẩy cho chuỗi khổ báo xoay vần

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.8 Tham lam



#NGÀY 188 — MUÔN VÀN KHỔ ĐAU KHỦNG KHIẾP BẤT TẬN XUẤT PHÁT TỪ VỎN VẸN MỘT ÁC Ý — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Việc bất thiện của ý tiếp theo là ác ý. Cơ sở của nghiệp  này là một chúng sinh. Nhiễm tâm là tham sân si, giống như của nghiệp nói lời thô ác, và tác ý là muốn hại chúng sinh kia. Đây có thể là ý muốn hành hung thể xác, cũng có thể là muốn cho người kia khốn khổ vì mất tài hết sản sở hữu. Ví dụ như khi ghét ai chúng ta có thể ước mong cho người ấy làm ăn lụn bại, gia đình tiêu tán.

§ Tác nghiệp là muốn thực hiện việc gây hại. Không chỉ là cơn nóng giận nhất thời mà phải là sự ấp ủ mong muốn người kia gặp nạn. Nghiệp này hoàn tất khi quyết định sẽ làm hại người kia. Nặng nhất là muốn phạm một trong năm nghiệp vô gián: giết mẹ; giết cha; giết A la hán; làm chảy máu thân Phật; phá hòa hợp Tăng.

§ Để nghiệp này hoàn tất sung mãn thì phải hội đủ năm đặc tính. Chấp mình và nguyên nhân hại mình cả hai đều thật có, nuôi tâm giận dữ oán hận người hay loài nào gây hại cho mình, luôn nhớ lại lý do để bồi đắp cho oán hận càng dữ dội hơn. Làm như vậy để thấy mình oán hận và muốn hại người kia là chánh đáng. Rồi sẽ không còn thấy xấu hổ với ác ý ấp ủ trong tâm, cũng không ý thức được nuôi ác ý như vậy tai hại ra sao, chúng ta cứ thế mà để cho ác ý tràn ngập tâm mình.

  • # Ác ý xuất phát từ ý muốn một chúng sinh khác gặp nạn, chịu khổ
  • # Tạo tác nghiệp này là tiếp tục muốn chúng sinh kia gặp nạn
  • # Tâm bị ác ý xâm chiếm có năm đặc tính

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.9 Ác ý



#NGÀY 189 — TÀ KIẾN, CÒN GỌI LÀ TÂM DỊ GIÁO, LÀ LẦM TƯỞNG ĐIỀU CÓ THẬT LÀ KHÔNG THẬT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Nghiệp bất thiện cuối là tà kiến. Xét trên nhiều mặt, đây là thứ nghiệp quan trọng nhất, vì từ đó sẽ lôi về mọi việc bất thiện khác. Tà kiến là phủ nhận Tứ Diệu Đế, Tam Bảo, luân hồi, hay nghiệp, nghĩ rằng lời Phật dạy là dối láo, hoặc nghĩ rằng không làm có gì có những thứ như là tâm bồ đề hay trí toàn giác v.v… Có rất nhiều người vì tin theo giáo thuyết sai lầm, hay vì gặp thầy bạn sai quấy, nên điều có thật mà họ tin là không thật.

§  Tà kiến có thể phát sinh từ tập khí quá khứ. Chúng ta có thể gặp được Phật pháp và bắt đầu tu học, nhưng rồi bị người khác ảnh hưởng nên không còn tin nhân quả. Nhiễm tâm là tham, sân hay si, và tác ý là ý muốn phủ nhận điều thật có. Sau khi ý niệm ấy khởi sinh, tác nghiệp  là liên tục bám giữ và luôn nói về niềm tin sai lệch ấy. Nghiệp này hoàn tất khi tin chắc thứ có thật là không thật.

§ Có thể là chúng ta cũng chấp nhận khái niệm chung chung trong Phật giáo, nhưng gặp điều trái với lối suy nghĩ của mình thì chúng ta thấy khó chịu, ví dụ như một số chi tiết về nghiệp. Tuy mặt ngoài không thể bát bỏ nhưng trong tâm vẫn cảm thấy khó tin. Trước khi bị nước lũ tà kiến cuốn phăng đi, phải nên nhìn lại trình độ hiểu biết của chính mình, có là gì so với trình độ hiểu biết của những bậc đại đạo sư có khả năng kiểm chứng giáo pháp Phật dạy bằng kinh nghiệm thật chứng.

  • # Tà kiến là điều có thật mà tin là không thật, ví dụ như nghiệp
  • # Phạm nghiệp tà kiến khi liên tục chấp thủ và luôn nói về niềm tin sai lệch ấy
  • # Tà kiến có thể dứt được nhờ so sánh sự hiểu của mình với sự hiểu của chư đại đạo sư

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.1 Mười việc bất thiện [thập ác]
! 2.1.10 Tà kiến



#NGÀY 190 — PHẢI HIỂU ĐƯỢC NGHIỆP VÀ THẤY ĐƯỢC VÌ SAO MÌNH KHỔ THÌ MỚI CHẬN ĐỨNG ĐƯỢC VÒNG KHỔ NẠN BẤT TẬN NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có nhiều yếu tố xác định mức độ mạnh yếu của nghiệp và độ nặng nhẹ của nghiệp báo.  Thầy Pabongka Dechen Nyingpo nói có sáu yếu tố: bản chất, tác ý, việc làm, cơ sở, tần số, và chưa tịnh hóa.

§  Nếu mọi yếu tố khác đều bằng nhau thì mười ác nghiệp này ngay từ bản chất đã có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đức Pabongka Rinpoche nói rằng bảy ác nghiệp của thân và khẩu được xếp theo thứ tự từ nặng đến nhẹ: sát sinh là nặng nhất cho đến nói chuyện tầm phào là nhẹ nhất. Trong ba ý nghiệp thì tà kiến là nặng nhất. Phiền não tác ý càng mạnh thì nghiệp càng mạnh, khổ báo cảm nhận cũng dữ dội hơn. Mặc dù giá trị tiền bạc không phải là yếu tố quan trọng, nhưng tài sản xâm phạm giá trị càng cao thì người bị xâm phạm càng khổ, nghiệp gieo càng nặng. Nghiệp nặng hay nhẹ cũng tùy vào cơ sở, có nghĩa là tùy đối tượng bị hại. Có những đối tượng đặc biệt là nguồn năng lượng lớn đối với mình, ví dụ như cha mẹ, bồ tát, Phật đà và đương nhiên là đạo sư của mình.

§ Tạo quả tương đồng với nhân là luyện cho tâm mình thói quen cùng một nghiệp làm hoài, nên khổ báo càng lúc càng nặng mặc dù nghiệp ấy tự nó vốn không nặng gì mấy. Nói chuyện tào lao là ví dụ điển hình. Chúng ta cũng đã biết là nghiệp nó tự bành trướng, nếu không tịnh đi thì khổ báo sẽ càng lúc càng nặng hơn, cho đến khi trổ quả. Người thọ giới cao hơn thì nghiệp gieo cũng nặng hơn.

  • # Có nhiều yếu tố quyết định mức độ nặng nhẹ của nghiệp chúng ta tạo ra
  • # Trong đó có bản chất của nghiệp, tác ý, việc làm, và cơ sở
  • # Nghiệp lặp đi lặp lại, hay không được tịnh hóa, thì nghiệp báo sẽ nặng hơn

! NGHIỆP

! 2  Đường đi của ác nghiệp

! 2.2 Sự khác biệt khiến nghiệp thành nặng hay nhẹ



#NGÀY 191 — VIỆC BẤT THIỆN NÀO CŨNG TẠO HIỆU ỨNG DÂY CHUYỀN, DẪN ĐẾN CÀNG LÚC CÀNG NHIỀU KHỔ ĐAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mỗi việc làm bất thiện đều kéo theo bốn loại ác báo. Chánh báo là loại quả báo quyết định sinh vào cõi nào, vì là làm ác nên chắc chắn sẽ đọa ác đạo. Đến khi được trở lại làm người thì khổ báo vẫn chưa dứt, hãy còn 3 loại khác phải chịu. Y báo quyết định hoàn cảnh và môi trường sống. Chịu quả dữ tương đồng với nhân là phải chịu cùng một cảnh khổ mà mình đã gieo cho chúng sinh khác, và tạo quả dữ tương đồng với nhân là thói quen làm đi làm lại mãi cùng một ác nghiệp.

§ Tạo quả tương đồng với nhân là điều quan trọng cần phải hiểu, vì hiểu được điều này thì sẽ hiểu hết về nghiệp. Dù được sinh vào thiện đạo nhưng bởi vì nghiệp có thứ đặc tính này, nên chúng ta sẽ vì thói quen mà vẫn tiếp tục làm ác. Lấy ví dụ đời trước quen sát sinh thì đời này sẽ lại sát sinh. Mỗi lần sát sinh lại lãnh trọn bốn loại ác báo: sinh vào ác đạo hay sinh vào loài người với hoàn cảnh và môi trường sống khủng khiếp; chịu quả dữ tương đồng với nhân là bị chém chết hay chết yểu; và trầm trọng nhất là tạo quả dữ tương đồng với nhân, càng lúc càng quen với việc chém giết.

§ Phạm việc bất thiện dù nhỏ đến đâu cũng cần phải hiểu khía cạnh này của nghiệp, phải biết vì sao việc bất thiện càng làm thì không những là càng phải chịu nhiều ác báo, mà còn luyện dần cho mình thói quen tạo nghiệp càng lúc càng nặng hơn. Hễ còn chạy theo vọng tâm phiền não và nghiệp thì vẫn sẽ luôn phải gieo ác nghiệp và chịu ác báo.

  • # Mỗi việc ác đều có một chánh báo, rồi đến khi sinh làm người thì hãy còn ba loại ác báo khác phải trả
  • #Loại quả báo đáng sợ nhất là tạo quả dữ tương đồng với nhân, vì nó mà ta phải chịu khổ đau triền miên không dứt
  • # Việc ác dù nhỏ nhoi không đáng gì cũng tập cho mình thói quen tạo ác nghiệp càng lúc càng nặng hơn

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp
! 2.3 Bốn khổ báo



#NGÀY  192 — TÂM BẤT THUẦN GÂY KHỔ NẠN CHO ĐỜI, VÌ VẬY THUẦN TÂM LÀ ĐIỀU VÔ CÙNG KHẨN THIẾT — LAMA YESHE

§ Chúng ta vẫn thường hành động trong vô thức. Ví dụ làm tổn thương những người mình thương yêu, phần lớn vì vô tình chứ không phải vì cố ý. Nếu biết thân khẩu ý của mình làm gì cũng đều gây tác động đến chính mình ở bên trong và người khác ở bên ngoài thì có lẽ chúng ta đã thận trọng và nhẹ nhàng hơn mỗi khi nói, làm, hay suy nghĩ. Lần sau nếu có thấy mình cư xử như loài dã thú, quý vị phải xét lại xem khi ấy năng lượng của mình đang chạy trong mạch đạo nào, và phải hiểu đây là điều mình có khả năng thay đổi: quý vị có đủ sức mạnh, trí tuệ và tiềm năng để làm việc này.

§ Và cũng phải chấp nhận là mình cũng sẽ vướng lỗi. Lầm lỗi có thể xảy ra, chúng ta đâu phải Phật. Khi vướng lỗi, đừng lo sợ mà hãy nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình. Thậm chí phải thấy mừng: “Ôi thôi chết, sai rồi. May mà kịp thấy ra! ” Một khi thấy được lỗi, hãy truy xét xem lỗi ấy nặng hay nhẹ: “Vì duyên gì, vì nhân gì mà vướng lỗi này?” Lỗi không bao giờ vô duyên vô cớ mà có. Phải xét xem tâm mình khi vướng lỗi đang chạy trong mạch đạo nào. Thấy được điều này thì sẽ có khả năng hoán chuyển thái độ của mình.

§ Đặc biệt phải hiểu rằng việc tiêu cực là do mình làm nên chính mình mới là người phải làm gì đó để ngăn chận không cho phản ứng tiêu cực phát sinh. Chúng ta có trách nhiệm phải làm gì đó, đừng cứ thế ngồi chờ khổ báo ập đến. Đừng thụ động chấp nhận và nghĩ rằng “đó là nghiệp của tôi” chứ không cố gắng hoán chuyển năng lượng của mình thành thứ gì tốt hơn. Thay vào đó phải rằng hiểu bản thân chính mình thật sự có khả năng làm chủ tất cả những gì xảy đến cho mình. Phải cố gắng kiểm soát hành động của mình, càng chặt chẽ càng tốt.

  • # Chúng ta phải kiểm soát hành động của mình và phải biết là mình thừa sức mạnh và trí tuệ để thay đổi
  • # Phải biết nhìn nhận lỗi lầm để nhờ đó thay đổi cách hành xử
  • #Mọi việc tiêu cực đều mình làm nên mình là người có trách nhiệm phải làm chủ hành động của mình

! NGHIỆP
! 2  Đường đi của ác nghiệp



#NGÀY  193 — ĐỜI MÌNH KHỔ HAY VUI CÓ THỂ TÙY Ý ĐỔI NHƯ ĐỔI KÊNH TRUYỀN HÌNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quyết tâm không làm mười việc ác thì đó là mười việc thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo, không nói lời ly gián, không nói lời thô ác, không nói chuyện tào lao, không tham lam, không ác ý, không tà kiến. Mười việc thiện là nền tảng của mọi hạnh phúc, mọi thành tựu, của quả giải thoát và quả đại giác ngộ. Vì thế so với ngọc quý lấp đầy hằng sa thế giới thì tu mười việc thiện có giá trị hơn xa.

§ Tránh không phạm một, một số, hay tất cả mọi việc ác, dù chỉ trong thời gian một ngày, cũng sẽ có được bốn loại thiện báo. Chánh báo của việc thiện luôn là được sinh vào thiện đạo, vào cõi người hay cõi trời. Những thiện báo khác đều ứng với từng việc thiện đã làm, nhưng nói chung thì y báo của việc thiện là được sinh vào cảnh sống đẹp đẽ, sung túc, vụ mùa tốt tươi, thực phẩm dồi dào, đời sống mạnh khỏe trường thọ, đại loại như vậy. Quan trọng nhất là tạo quả lành tương đồng với  nhân, có nghĩa là nhờ kiếp trước có thọ giới, giữ giới, cúng dường chư Phật vân vân, nên đời này tự nhiên sẽ tiếp tục làm thiện, nhờ đó niềm vui chỉ tăng không giảm. [ND: Thiện báo thứ tư là hưởng quả tương đồng với nhân]

§  Cũng như mười việc ác tiêu biểu cho vô số việc ác khác, mười việc thiện cũng vậy, tiêu biểu cho vô số việc thiện khác có thể làm. Chúng ta có thể lấy mười việc thiện này làm gốc rễ của hạnh phúc, biết rằng tất cả mọi niềm vui chỉ đến từ việc thiện, kể cả niềm vui thế gian, nhập đạo tiểu thừa hay đại thừa, cho đến tận quả giải thoát, giác ngộ.

  • # Mười ác nghiệp dẫn đến khổ đau, mười thiện nghiệp dẫn đến hạnh phúc
  • # Quan trọng nhất là thiện báo khiến chúng ta tự nhiên tiếp tục làm thiện
  • # Danh sách mười thiện nghiệp chỉ là tiêu biểu, còn vô số thiện nghiệp khác có thể làm

! NGHIỆP
! 3 Đường đi của thiện nghiệp
! 3.1 Đường đi của thiện nghiệp và thiện báo [1]



#NGÀY 194 — NĂNG LƯỢNG KHỦNG KHIẾP CỦA ĐỜI SỐNG VÀ CỦA NGHIỆP ĐẾN TỪ ĐỘNG CƠ, KHÔNG PHẢI TỪ HÀNH ĐỘNG — LAMA YESHE

§ Theo quan niệm Phật giáo thì việc làm có thể thấy giống như là tốt hay xấu, nhưng muốn thật sự phân biệt thiện ác là điều rất khó, vì thiện hay ác là tùy ở nơi tâm. Sau lưng mỗi hành động là cả một chuỗi hoạt động tâm thức. Mọi việc làm đều tùy thuộc duyên sinh, và làm với cái tâm như thế nào mới chính là yếu tố xác định việc làm ấy là thiện hay ác.

§  Để Thầy ví dụ cho quý vị dễ hiểu. Có một phú ông rộng rãi cúng dường cho tu viện, bỏ ra vô số bạc vàng tài trợ cho pháp lễ với hàng ngàn tăng sĩ. Ông ta làm như vậy vì chấp vào tám pháp thế gian, chủ yếu là để cầu danh. Ở bên ngoài có một gã ăn mày, thấy pháp lễ đang diễn ra trong chùa thì mừng theo việc thiện của người khác bằng cái tâm trong sáng. Đến cuối buổi lễ, Sư trưởng trụ trì hồi hướng về cho gã ăn mày chứ không nhắc gì đến vị thí chủ tài trợ. Bỏ ra nhiều tiền của nhưng không có được cái tâm trong sáng, nhìn thấy giống như là làm việc thiện, tài trợ cho cả một pháp lễ, nhưng cái tâm bên trong lại là cái tâm thế tục bất thiện. Gã ăn mày chẳng làm gì ngoài việc tùy hỉ, nhưng vì động cơ trong sáng nên lại là người hưởng được phần công đức lớn.

§  Bất kể hành động là gì, động cơ hành động mới là điều đáng nói, vì tấm lòng cảm thông sẽ mang đến sự rộng mở, làm tiêu tan bóng tối vị kỷ trong ta. Chỉ thế thôi. Đó là điểm chính.

  • # Thái độ trong tâm là yếu tố xác định việc làm là thiện hay ác
  • # Vì động cơ khác nhau mà kẻ ăn mày tạo phước còn phú ông lại không
  • # Tấm lòng cảm thông sẽ mang đến sự rộng mở, làm tiêu tan bóng tối vị kỷ trong ta

! NGHIỆP
! 3 Đường đi của thiện nghiệp
! 3.1 Đường đi của thiện nghiệp và thiện báo [2]



#NGÀY 195 — CHÚNG TA ĐƯỢC SỰ TỰ DO KHÔNG MẤY AI CÓ ĐƯỢC: TỰ DO TÙY Ý TẠO THIỆN NGHIỆP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Thường nói rằng nếu chúng ta bắt hết chúng sinh phàm phu trên vô lượng cõi thế nhốt vào ngục cột lại, nghiệp này không nặng bằng một tia mắt giận dữ nhìn bồ tát. Đó là vì năng lực của tâm bồ đề, và cũng vì thân bồ tát quý giá vô cùng. Ngược lại, với cái tâm trong trẻo trân trọng mà tôn kính nhìn bậc bồ tát thì tạo phước đức nhiều hơn là nhìn chúng sinh trong khắp ba cõi.

§  Một khi tạo được sự kết nối và bắt đầu gần gũi thánh vật, thiện nghiệp sẽ chín mùi rất nhanh và rất mạnh. Thầy thường hay ví việc này với cây đèn pin. Cắm được vào hai cực điện thì đèn sẽ sáng. Tương tự như vậy, quyết định kết nối với Phật pháp thì Tam bảo sẽ trở thành nguồn năng lực mãnh liệt nhất đời mình, và đây sẽ là thửa ruộng tuyệt hảo để mình cấy trồng công đức. Bất cứ việc làm nào thuận với chánh pháp cũng đều có năng lực lớn hơn là làm việc thế tục. Lấy ví dụ thí pháp là hạnh thí thù thắng nhất; cúng dường công phu tu tập cho đạo sư và Tam bảo là hạnh cúng dường thù thắng nhất mà mình có thể làm.

§ Có nhiều yếu tố làm tăng cường độ của nghiệp báo, trong đó tác ý là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Ác nghiệp dẫn đến khổ đau và động cơ xấu, thiện nghiệp dẫn đến niềm vui và động cơ tốt. Một nén hương dâng lên với tâm nguyện bồ đề có năng lực lớn ngoài sức tưởng tượng, trong khi đó tài sản dù cho ra nhiều bao nhiêu, nếu tâm không chánh thì việc thiện không thành.

  • # Năng lực của nghiệp tạo ra tùy thuộc vào năng lực của đối tượng
  • # Thiện nghiệp có thể chín mùi rất nhanh và rất mạnh sau khi kết nối với Phật pháp
  • # Với tâm bồ đề thì cúng dường một que nhang cũng tạo công đức mãnh liệt

! NGHIỆP
! 3 Đường đi của thiện nghiệp
! 3.2 Những nẻo vô tình dẫn đến nghiệp nặng [1]



#NGÀY 196 — THỌ GIỚI SẼ KHIẾN CÔNG ĐỨC TĂNG BỒI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Bất kể là giới cư sĩ, giới xuất gia Tăng, hay Ni, càng thọ giới thì càng bảo đảm được cho mình nguồn hạnh phúc tự tại. Giới không chỉ giúp tránh ác nghiệp mà còn giúp thoát điên đảo, kể cả ngay trong đời này, và bảo đảm hàng vạn kiếp tái sinh bình yên về sau. Ngay trong đời kế tiếp sẽ lại đủ duyên để tiếp tục tu giới, bồi đắp vững chắc hơn con đường dẫn đến hạnh phúc tối thượng của mình. Vì nghiệp tự tăng trưởng nên chỉ cần giữ một giới trong một ngày cũng đã có thể đạt được tất cả những gì nói trên, huống chi là mỗi ngày đều giữ được tất cả mọi giới thì sẽ như thế nào. Đây là tấm vé một chiều đến với quả giải thoát và giác ngộ.

§  Có sự khác biệt rất lớn giữa việc có đối trước Tam bảo phát nguyện thọ giới hay không. Dù trong hiện tại không sát sanh cũng không có nghĩa là mình đang tu thiện nghiệp này. Nói ví dụ quý vị nằm nhà thương, chân tay đều bị bó bột thì lấy gì mà sát sinh? Không có ý chí muốn mình đừng sát sinh, cũng không phát nguyện thọ giới trước Tam bảo, thì dù có sống như thế hàng trăm năm cũng không được phước gì.

§ Ngược lại, nếu chủ động phát nguyện không sát sanh thì mỗi phút mỗi giây đều tạo được công đức vô lượng, bất kể có đang nghĩ đến việc không sát sanh hay không. Từ khi phát nguyện thọ giới cho đến khi chết, thiện nghiệp liên tục được tạo ra, bất kể có đang làm gì, thậm chí cả khi không  làm gì cả. Chúng ta liên tục tạo nhân vui cho nhiều đời nhiều kiếp về sau, không chỉ một đời này. Và vì nghiệp tự tăng trưởng cho nên thiện báo hưởng được không chỉ có niềm vui trong đời này, mà còn hưởng được niềm vui trong nhiều đời nhiều kiếp về sau.

  • # Tu giới là tấm vé một chiều dẫn đến quả giải thoát, giác ngộ
  • # Có sự khác biệt rất lớn giữa việc ở có đối trước Tam bảo phát nguyện thọ giới hay không
  • # Phát nguyện thọ giới không sát sanh thì sẽ liên tục tạo thiện nghiệp, kể cả khi không đang làm gì cả

! NGHIỆP
! 3 Đường đi của thiện nghiệp
! 3.2 Những nẻo vô tình dẫn đến nghiệp nặng [2]



NGÀY 197 — CÓ TÁM PHƯỚC BÁO GIÚP TA LÀM LỢI CHÚNG SINH VÀ DỄ CHUYỂN TÂM TRÊN ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Với thân người toàn hảo này chúng ta có thể thành tựu ba mục tiêu lớn cùng với tất cả mọi niềm an lạc trong tương lai, kể cả việc tái sinh làm người với tám phước báo: trường thọ; hảo tướng; sinh dòng vọng tộc; dồi dào tài lộc; lời nói uy tín; quyền thế; danh tiếng; sinh làm nam tử với thân tâm mạnh mẽ. Đức Tông Khách Ba nhấn mạnh tầm quan trọng của tám phước báo này để mau chóng tiến bộ và thành tựu đường tu giác ngộ.

§ Đạt được thân người với tám phước báo ấy thì sẽ mau chóng thành tựu đường tu giác ngộ, vì vậy Lama Tsongkhapa giải thích cách tạo nhân cho từng món một. Ví dụ, tự chế ngự không nói chuyện tào lao hay các khẩu nghiệp khác thì lời nói sẽ tăng uy lực. Nói vậy có nghĩa là khi giải thích Phật pháp cho chúng sinh khác, hay khuyên người khác, ví dụ như là nói “việc này sẽ tạo ác nghiệp, đừng làm, thay vào đó hãy làm việc lợi người và lợi mình này,” thì người kia sẽ làm theo lời mình nói.

§  Thân tâm mạnh mẽ thì sẽ như đức Milarepa, đủ sức gánh mọi khổ nhọc, bất kể khó khăn thế nào vẫn luôn miên mật hành trì chánh pháp.

  • # Với thân này chúng ta có khả năng tái sinh làm người với tám phước báo
  • # Mỗi phước báo đều có nhân riêng, giúp ta mau chóng đắc quả
  • # Thân và tâm mạnh mẽ thì có thể miên mật hành trì chánh pháp

! NGHIỆP
! 3 Đường đi của thiện nghiệp
! 3.3 Thiện báo



#NGÀY 198 — NẾU LUẬN NHÂN QUẢ KHÔNG CHI PHỐI ĐỜI SỐNG THÌ KHÔNG LÀM GÌ CÓ PHÁP TU, KHÔNG CÓ PHÁP TU THÌ VÔ MINH VÀ KHỔ ĐAU SẼ CÒN MÃI — LAMA YESHE

§ Hiểu sâu về nhân quả, biết việc làm nào cũng có hậu quả tương ứng, thì sẽ thấy thận trọng với việc mình làm là điều quan trọng đến mức nào.Thận trọng với nghiệp thì tự nhiên sẽ thận trọng với hành vi của mình. Thấy làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, tự nhiên sẽ biết cẩn thận cân nhắc và ý thức hơn về bản chất của việc mình làm.

§ Duy trì tỉnh thức trước mọi hoạt động thân khẩu ý của mình từ sáng đến tối, so với việc mỗi sáng ngồi thiền một tiếng thì phải nói là sâu và ngấm hơn rất nhiều. Đương nhiên rồi. Một tiếng ngồi thiền có là gì so với cả ngày tu. Và chỉ cần quán về lợi ích nhiều khủng khiếp đến từ chỉ vỏn vẹn một ngày sống tỉnh thức với nghiệp, chúng ta sẽ thoát được cảm giác chán chường và trầm cảm dễ gặp khi tu.

§ Lý do nhấn mạnh tầm quan trọng của việc canh chừng nghiệp, đó là vì nhiều người Tây phương rất thích ngồi thiền. Thích ngồi thiền nhưng lại không thích nghe giảng về nghiệp. Không phải là Thầy bảo rằng tu thiền không quan trọng, nhưng dù có gặp trở ngại không thể ngồi thiền vẫn có thể hành trì chánh pháp rất tốt. Thiền nói ở đây có nghĩa là canh chừng hành động của mình, nuôi dưỡng tình thương yêu chứ không lợi dụng. Đó là thiền. Nói cho đúng, ở mức độ tu của chúng ta hiện giờ, tiếp cận pháp tu theo hướng này có thể chính xác và thực tế hơn là thiền những pháp môn mật thừa thâm sâu.

  • # Hiểu sâu về nghiệp sẽ khiến ta thận trọng với việc mình làm
  • # Một tiếng đồng hồ tu thiền không là gì so với cả ngày duy trì tỉnh thức
  • # Kiểm soát hành động và nuôi lớn lòng từ phải là pháp tu chính của mình

! NGHIỆP

! 4 Cách hoán chuyển việc mình làm [1]



#NGÀY 199 — NGHIỆP KHÔNG PHỨC TẠP, KHÔNG PHẢI LÀ TRIẾT LÝ CAO SIÊU MÀ CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ CANH CHỪNG THÂN KHẨU Ý CỦA MÌNH — LAMA YESHE

§ Tất cả mọi khổ nạn đều do chính mình gây nên, thấy được điều này là bước tiến rất quan trọng. Chỉ cần hiểu thôi cũng đã rất quan trọng rồi. Chúng ta gây ra vấn đề là vì không biết cách giữ thân khẩu ý của mình cho đúng, kết quả là đủ loại khổ nạn cho mình và cho người. Chúng ta tự làm mình điên đảo và khiến người khác điên đảo đã hàng trăm, hàng ngàn, hàng vô lượng đời kiếp rồi. Đã là như thế và sẽ luôn là như thế, trừ phi biết quay lưng với vòng khổ đau lẩn quẩn này. Bản thân mà khổ thì sẽ làm người khác khổ. Bản thân có vui thì mới làm cho người khác vui.

§ Phải biết sửng sốt trước sự điên đảo triền miên bất tận này, và phải nên mạnh mẽ cương quyết quét sạch hết đi. Nghĩ rằng, “nếu thật sự yêu thương người khác, thật sự có lòng từ bi dành cho chúng sinh thì phải tự sửa mình. Việc làm, lời nói và ý nghĩ phải làm cho tốt hơn, bằng không chẳng mong giúp được gì cho ai. Nói là mình muốn giúp người khác mà cứ tiếp tục làm ác qua ba cửa thân khẩu và ý thì có mà nằm mơ.” Đây là suy nghĩ cần phải có nếu chúng ta thật sự muốn ra sức vì chúng sinh.

§ Chúng ta thấy được lỗi của người khác nhưng không thấy được lỗi của chính mình. Chúng ta luôn tưởng là mình sạch trong. Tâm phàm phu nó hẹp như thế đó. Thành ra hiểu được rằng mình cũng có nghiệp phải tịnh, tự nhiên sẽ thấy vui, là vì vẫn còn lối để cải thiện đời mình. Thầy cho rằng đây cũng là một loại chứng ngộ. Thấy được nghịch cảnh là do tâm mình tạo ra thì sẽ hiểu tâm này cũng có khả năng ngăn chận nghịch cảnh ấy. Đây là điểm chính.

  • # Chúng ta gây ra vấn đề cho chính mình là vì không giữ được thân khẩu ý cho đúng cách
  • # Muốn giúp người khác thì phải quyết tâm quét sạch sự điên đảo này
  • # Nhận thấy mình cần tịnh nghiệp cũng là một loại chứng ngộ

! NGHIỆP
! 4 Cách hoán chuyển việc mình làm [2]



#NGÀY 200 — DẤU ẤN CỦA NGHIỆP GIỐNG NHƯ QUẢ BOM CÀI TRONG TÂM THỨC, CHỜ DỊP NỔ TUNG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Là người tu theo Phật pháp, chúng ta có khi là đã phát nguyện thực hành một số pháp tu sám hối, nhưng tu một cách hời hợt lỏng lẽo vì nghĩ rằng mình không có ác nghiệp gì nhiều để tịnh. Đức Pabongka Dechen Nyingpo dạy rằng đó là vì học chưa kỹ về chủ đề này. Từ vô lượng đời kiếp đến nay, không có ác nghiệp nào mà chúng ta chưa từng phạm. Việc ác nào cũng đã lượm về đủ cả, nằm sẵn trong tâm thức, chờ dịp chín mùi trổ quả.

§ Thầy thường ví  việc này  giống như là thức dậy thấy trên người mình có cả một ổ rắn hổ mang. Thử tưởng tượng mà xem! Chắc chắn chẳng thể nhởn nhơ, nhất định phải hất cho văng càng xa càng tốt. Nhưng rắn hổ mang cùng lắm chỉ có thể cắn mình chết thảm. Chẳng là gì so với cảnh dữ phải chịu vì mớ ác nghiệp trong tâm. Rắn hổ mang không có khả năng xô ta vào địa ngục, trong khi đó thứ ác nghiệp cỏn con nhất cũng làm được việc này dễ như chơi. Bao giờ đến cả việc ác nhỏ nhất cũng biết sợ như sợ rắn hổ mang ở  trên đùi thì mới có thể nói là mình thật sự tin nơi nghiệp.

§  Phải hiểu đúng về nghiệp thì mới có được sự quyết tâm muốn tịnh nghiệp. Nói cho ngay, nếu thật sự thấy được khổ báo của nghiệp mình đã gieo thì chắc chắn là sẽ không còn muốn làm việc gì khác hơn là tu cho sạch nghiệp. Nhìn lại cho kỹ mớ ác nghiệp nhiều mênh mông trong tâm mà mình đã tích lũy từ vô thủy sinh tử và vẫn hãy còn đang tiếp tục tích lũy thêm từng ngày, thì nhất định là ngoài việc tịnh nghiệp ra chúng ta sẽ chẳng còn thiết tha với bất cứ việc gì khác. Chắc chắn là sẽ dành trọn đời mình chỉ để lo tu sám hối tịnh nghiệp.

  • # Thấy mình không có ác nghiệp gì nhiều để tịnh là vì hiểu chưa đủ khéo đủ sâu
  • # Phải biết sợ ác nghiệp như sợ ổ rắn hổ mang trên người
  • # Thật sự hiểu về nghiệp thì mới đủ quyết tâm để tu sám hối

! NGHIỆP ! 4 Cách hoán chuyển việc mình làm [3]



#NGÀY 201 — BỐN SÁM LỰC LÀ HỘ CHIẾU ĐƯA TA THOÁT MỌI KHỔ ĐAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn pháp tu sám hối được hoàn hảo thì phải đủ bốn sám lực: lực chỗ nương; lực hối cải; lực quyết tâm; và lực hóa giải. Mặc dù việc thuận chánh pháp nào cũng đều có khả năng tịnh nghiệp, nhưng nếu được phối hợp với bốn sám lực thì lực tịnh hóa sẽ lớn hơn rất nhiều, vượt ngoài sức tưởng tượng.

§  Quy y vững chắc nơi Phật Pháp và Tăng là chỗ nương, dựa vào năng lực của chỗ nương này để nhìn lại ác nghiệp mà mình đã gieo, nghe trào dâng cảm giác hối hận, nhớ nỗi tai hại của ác nghiệp này. Càng cảm thấy hối hận thì ác nghiệp và ác chướng sẽ được tịnh hóa càng nhanh càng nhiều. Việc này tự nhiên sẽ khiến chúng ta nhất quyết không còn muốn  lặp lại việc làm ấy nữa, đó là lực quyết tâm, sám lực thứ ba. Với cái tâm như vậy, chúng ta thực hành pháp tu sám hối, ví dụ tụng chú Kim cang tát đỏa hay lễ lạy, đây là lực hóa giải. Không nhất thiết phải là pháp tu gì đặc biệt, chỉ cần phối hợp với lòng ăn năn hối hận và ý chí cương quyết không tái phạm.

§  Mỗi sám lực đều tịnh được loại ác báo tương ứng. Lực chỗ nương phá được y báo, là loại quả báo quyết định hoàn cảnh và môi trường sống. Lực hối cải  phá được loại quả báo khiến phải chịu quả dữ tương đồng với nhân. Lực quyết tâm phá được loại quả báo khiến phải tạo quả dữ tương đồng với nhân. Lực hóa giải phá được chánh báo, là loại quả báo quyết định sẽ tái sinh về đâu. Có thể thấy được vì sao khi tu sám hối thì quan trọng nhất là sám lực phải đủ cả bốn sám lực chứ chỉ một là không được. Đây chính là then chốt, là đáp án đích thực.

  • # Bốn sám lực làm cho pháp sám hối trở nên mãnh liệt ngoài sức tưởng tượng
  • # Bốn sám lực này là: lực chỗ nương, lực hối cải, lực quyết tâm và lực hóa giải
  • # Phải đủ cả bốn sám lực, vì mỗi lực phá được một trong bốn loại khổ báo

! NGHIỆP
! 4 Làm thế nào để hoán chuyển việc mình làm
! 4.1 Tịnh bằng bốn sám lực



#NGÀY 202 — TỊNH NGHIỆP NHƯ LÀ LỬA, ÁC NGHIỆP NHƯ LÀ HẠT BỊ LỬA ẤY THIÊU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có nhiều cách sám hối quét tâm. Kinh sách Lam-rim thường nhắc đến sáu cách: [1] Niệm và đảnh lễ hồng danh Phật, ví dụ như hồng danh 35 vị Sám Phật; [2] tụng chú quét nghiệp, ví dụ như Kim cang bách tự chú; [3] tạo dựng thánh vật, ví dụ như tranh, tượng, tượng tsatsas; [4] tụng kinh hệ bát nhã, ví dụ như Bát nhã Tâm kinh hay Kinh Kim cương; [5] thiền quán về tánh không, về tâm bồ đề hay những đề mục tương tự; [6] cúng dường Phật Pháp Tăng.

§ Những pháp tu tạo phước đức cũng là một loại sám hối tịnh nghiệp. Học Pháp, tu thiền, tu hạnh bố thí, thậm chí quét dọn chốn tôn nghiêm, hễ có liên quan đến chánh pháp là đều góp phần cởi thoát vọng tâm điên đảo bủa vây. Nói về những pháp tu chuyên dành cho việc sám hối sạch tâm thì pháp Kim cang tát đỏa thường được xem là tối thượng, nhưng cũng có nhiều phương pháp sám hối khác vô cùng hữu hiệu. Hai ngày nhập thất tu Nyung-nê là phương pháp sám hối mãnh liệt ngoài sức tưởng tượng. Sám hối bằng cách lễ lạy thỉnh nguyện đức Phật Từ Bi Quan Thế Âm, nhịn ăn nhịn nói, chú tâm vào nỗi khổ của chúng sinh, nhờ đó sạch ngã ái trong tâm. Bất kể tu pháp sám hối tịnh nghiệp nào cũng đều phải phối hợp với tâm quy y, và muốn hiệu nghiệm thì phải đủ bốn sám lực.

§ Sám hối quét nghiệp cho thật mạnh và thật siêng thì ác nghiệp đã gieo sẽ không trổ được thành quả. Dù sám hối một lần không sạch hết ác nghiệp gieo trong ngày, nhưng chắc chắn là có giảm đi. Vì vậy, sám hối với bốn sám lực phải nằm trong công phu tu tập hàng ngày của mình.

  • # Có nhiều cách để quét sạch tâm, kinh sách Lam-rim thường nhắc đến sáu phương pháp sám hối
  • # Ngoài những pháp chuyên sám hối, bất cứ thiện pháp nào đều giúp sám hối tịnh nghiệp
  • # Sám hối với bốn sám lực phải nằm trong công phu tu tập hàng ngày

! NGHIỆP
! 4 Làm thế nào để hoán chuyển việc mình làm
! 4.2 Phương pháp sám hối tịnh nghiệp



#NGÀY 203 — QUÉT SẠCH TÂM LÀ QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA — LAMA YESHE

§ Hiểu mối tương quan nhân quả sẽ tiếp sức cho ta chuyển hóa tâm mình. Tuy vậy, điểm trọng yếu vẫn phải là phải tu bằng nhẫn và trí. Thay đổi thói quen không dễ. Đâu phải giống như pha ly cà phê uống liền, chúng ta cần thời gian. Phiền não và ác nghiệp có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau nên muốn thay đổi cũng phải từ từ.  Mỗi vấn đề tâm thức cần được điều trị bằng phương pháp phù hợp với tính chất riêng của nó, tùy là thứ vi tế ăn sâu trong tâm thức hay là thứ hiển hiện trong tầm tay.

§ Phương pháp hợp lý là tập trung quét mớ nhiễm tâm thô lậu trước, rồi mới cố bứng tới loại nhiễm tâm vi tế sâu xa. Chủ yếu là vì lỗi sờ sờ trước mắt thì dễ quét được ngay. Phải khôn ngoan dốc sức vào chỗ xác xuất thành công cao, hơn là phí sức ở những nơi vô vọng. Ví như khi giặt tấm giẻ dơ thì vết ố và mùi hôi không thể sạch ngay được. Đợt đầu phải gụt sạch lớp dơ trên mặt trước, từ từ vò thêm hai ba lần nữa rồi mới tới vết ố. Phiền não căn bản tham sân và si là vết ố của tâm. Trong ba thứ này thì loại vô minh về chân thực tại là thứ bám sâu khó sạch nhất.

§ Đương nhiên cố gắng đạt sự toàn hảo là điều tốt, nhưng chúng ta phải thực tế. Tốt nhất là leo từng bậc, bước từng bước. Nếu không, có thể vì quá nhanh nên gãy chân. Muốn tu tập thành công thì tốt hơn hết là phải nên thư giãn, thoải mái và thực tế. Phải tùy theo hoàn cảnh mỗi ngày mà điều chỉnh mật độ tu tập cho thích hợp.

  • # Thay đổi thói quen là cả một quá trình tiến hóa có trình tự, đòi hỏi phải có nhẫn và có trí
  • # Phải tập trung loại bỏ thứ ác nghiệp thô lậu và quét lỗi dễ thấy trước
  • # Muốn tu tập thành công thì thư giãn và thực tế là tốt nhất

! NGHIỆP
! 4 Làm thế nào để hoán chuyển việc mình làm



#NGÀY 204 — HIỂU NGHIỆP THÌ THÁI ĐỘ SỐNG SẼ HOÀN TOÀN THAY ĐỔI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hiện giờ chúng ta khổ mà không hiểu tại vì sao. Không thấy được mọi cảnh sống mà mình phải chịu, dù xấu hay tốt, cũng đều là do nghiệp của chính mình. Không thấy được kinh nghiệm sướng khổ trong hiện tại đến từ việc thiện ác đã làm trong quá khứ, nên hễ gặp vấn đề khổ não là chúng ta cứ đổ lỗi cho ngoại cảnh, không ngờ được rằng tất cả đều cho tâm của chính mình gây ra.

§ Người khác có làm gì mình cũng đều là kết quả trực tiếp của những gì mình đã gây ra cho họ trong quá khứ. Chúng ta đã hại họ trong đời này hay đời trước nên bây giờ phải chịu cảnh bị họ làm hại. Hại người khác thì thấy không sao, chuyện bình thường, đáng lắm mà. Đến khi chính mình bị hại thì lại thấy oan ức. Đây là suy nghĩ của cái tâm ngã ái độc tài, chỉ biết quý bản thân. Chịu khó nghĩ lại, sẽ thấy lối suy nghĩ này thật quái lạ, hại người thì được không ai có quyền hại mình.

§ Không có kẻ thù nào khác hơn là vọng tâm phiền não của chính mình. Cớ gì lại trách móc người khác. Chẳng có lý do gì để nổi giận với bất kỳ một ai. Với người hận ta, hại ta, thật sự phải thấy thương cho họ, là vì chúng ta đã từng hại họ trong quá khứ nên kiếp này họ phải hại ta, chính ta đã khiến họ phải gây ác nghiệp. Chúng sinh ấy không có chút tự do nào, luôn bị tham sân si và ác nghiệp khống chế, vì vậy phải mở lòng từ bi đối với họ.

  • # Chúng ta không thấy được rằng mọi khổ đau mà mình phải chịu đều đến từ nghiệp của chính mình
  • # Người khác có làm gì mình cũng đều là kết quả trực tiếp của những gì mình đã gây ra cho họ trong quá khứ
  • # Kẻ thù duy nhất là vọng tâm phiền não của chính mình, không lý do gì để nổi giận với bất kỳ một ai

! NGHIỆP
! Kết [1]



#NGÀY 205 — CÀNG HIỂU VỀ NGHIỆP THÌ LẠI CÀNG UNG DUNG TỰ TẠI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Được gặp chánh pháp là điều may mắn không tưởng. Nhờ đó chúng ta có được đôi chút khái niệm về nghiệp. Trước đây, chúng ta cứ phải mù lòa té lên té xuống, cố tìm hạnh phúc nhưng không biết vui khổ đến từ đâu, chưa từng thật sự hiểu tại vì sao mình có làm gì thì mọi sự vẫn cứ hỏng bét như thế. Bây giờ thì tốt rồi, chúng ta đã có được con đường thoát khổ hoàn hảo không sai lầm. Thấy ra mình vui bao nhiêu đều nhờ việc thiện đã làm trong quá khứ, và khổ bao nhiêu đều vì ác nghiệp đã từng gieo. Thấy rõ được điều này thì biết được đích xác việc cần làm để thay đổi tình thế.

§ Chẳng tuyệt vời lắm sao! Chỉ đơn giản thấy nghiệp và tránh nhân tạo khổ là nắm được cội nguồn của hạnh phúc trong tay, biết cách chuyển mọi hành động thành nhân tạo hạnh phúc cho tương lai. Nhờ đó mà được sự tự do ngoài sức tưởng tượng. Trước đây chúng ta chưa từng được tự do. Cố tìm vui nhưng cứ bị vô minh lôi đến chỗ đối nghịch. Làm  gì cũng vướng lỗi. Nhưng bây giờ đã có khả năng cấy trồng nhân vui trong từng hành động. Hãy cảm nhận niềm vui lớn khi hiểu ra là mình ung dung tự tại đến mức nào.

§ Khi mới học về nghiệp, chúng ta có thể lầm tưởng rằng vì nghiệp cũ nên cảnh sống hiện tại đã được định sẵn, không còn chút tự do chọn lựa nào nữa. Nhưng thật ra chỉ khi nào hiểu được nghiệp thì mới biết cách thay đổi hành vi, cứu mình thoát khởi ngục tù của sinh tử, của khổ đau, và của vọng tâm phiền não.

  • # Không biết về nghiệp thì đui mù vấp ngã không biết phải đi lối nào mới thoát được khổ đau
  • # Biết nghiệp thì tự do trồng nhân vui qua từng hành động
  • # Phải hiểu về nghiệp thì mới có khả năng giải thoát chính mình ra khỏi ngục tù sinh tử

! NGHIỆP
! Kết [2]



#NGÀY 206 — CHỈ DỰA VÀO KIẾN THỨC THÌ KHÔNG ĐỦ ĐỂ CHẬN KHỔ VÀ HƯỞNG VUI — LAMA YESHE

§ Có sự khác biệt lớn giữa hiểu biết về nghiệp bằng kiến thức và hiểu biết về nghiệp bằng kinh nghiệm sống. Có một số đệ tử thuộc làu mọi thứ về nghiệp và có được đôi chút lòng tin hời hợt, kiểu “nhất định phải đúng thôi, vì thầy tôi nói thế.” Không hiểu được nghiệp bằng kinh nghiệm sống nên khi bị hoàn cảnh thử thách thì họ không đủ sức vượt qua. Họ không biết phải làm sao khi gặp vấn đề nghiêm trọng. Giỏi nói về nghiệp là họ vui rồi, như thể chỉ cần học thuộc để mách lại với cha mẹ bạn bè là đủ. Họ không làm được điều họ nói, vì không tu.

§ Cũng có đệ tử không hài lòng với mớ lý thuyết suông, học được gì họ đều cố gắng hiểu bằng sự thực hành. Có thể là họ không biết giải thích sâu rộng về nghiệp, nhưng luôn ý thức được việc mình đang làm, nhờ đó nếm được vị thật của chánh pháp, thật như vị ngọt của mật trên đầu lưỡi. Với những người như vậy, khi nghịch cảnh xảy ra họ luôn biết phải làm gì.

§ Thầy tin chắc rằng chúng ta ở đây hầu hết đều hiểu rõ vì sao mọi hoạt động ô nhiễm của thân khẩu và ý đều mang tính chất của luân hồi, dẫn đến quả khổ đau, điên đảo, càng thêm ô nhiễm. Chúng ta trong tâm đã không còn chút nghi ngờ nào về sự thật này. Quý vị giải thích về điều này chắc mạch lạc hơn Thầy. Nghe thứ tiếng Anh lủng củng của Thầy, có khi quý vị nghĩ trong đầu, “Nói thứ tiếng gì vậy trời! Để tôi nói dùm cho, sẽ hay hơn nhiều.” Đều đúng cả. Nhưng tại sao chúng ta lại không thể chấm dứt thói quen bất thiện của mình? Lý thuyết suông là không đủ.

  • # Có sự khác biệt rất lớn giữa hiểu biết về nghiệp bằng kiến thức và hiểu biết về nghiệp qua kinh nghiệm
  • # Ai giữ được tỉnh giác khi hành động thì sẽ nếm được vị thật của chánh pháp
  • # Hiểu biết lý thuyết suông không đủ để chận đứng thói quen bất thiện của mình

! NGHIỆP
! Kết [3]



#NGÀY 207 — TỪNG PHÚT SỐNG TRONG NGÀY CÓ GẶP VIỆC GÌ CŨNG ĐỀU LỜI GIẢNG VỀ NGHIỆP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Có một cách thiền rất hay, đó là thấy mọi sự trong tâm đều là phóng ảnh của nghiệp, đều chỉ đơn thuần là cảnh hiện của nghiệp. Ta có thể thiền như vậy ở mọi nơi, khi ăn, khi đi, khi nói, khi làm việc trong công ty, lúc nào cũng thiền được, kể cả khi ngủ.

§ Ngắm hoa trong vườn, ta có thể soi đóa hoa cho thật kỹ, thấy hoa này vì sao lại là do nghiệp cảm của mình mà thành. Nhìn cuống hoa, lá hoa, tướng dạng đặc thù, màu sắc hòa quyện ra sao. Thật sự quan sát đóa hoa, xem nó phức tạp đến mức nào. Khi nhìn như vậy, hãy suy nghĩ xem vì sao những gì mình thấy lại là sản phẩm của tâm mình, của nghiệp của chính mình. Đây là điều vô cùng thú vị. Đóa hoa đẹp hiện ra trước mắt chỉ nhờ vào nghiệp của mình. Hóa ra tâm mình có khả năng tạo ra những điều tuyệt vời đến thế! Bởi việc thiện đã làm trong quá khứ nên tâm thức có được tiềm năng hạnh phúc và thưởng thức vẻ đẹp, bây giờ nhân duyên hội tụ đầy đủ nên hưởng được vẻ đẹp của đóa hoa này.

§ Chúng ta có thể dùng pháp thiền này để tạo nguồn cảm hứng. Thay vì cảm thấy vô vọng và vô năng, hãy thấy rằng mình nếu đủ khả năng tạo được kỳ diệu này thì cũng sẽ đủ khả năng tạo nên bất cứ cảnh giới nào mình muốn. Thiền như vậy sẽ cho ta thấy khả năng phát triển của tâm, thúc đẩy ta thực hiện điều này. Chúng ta thấy ra là mình có thể đi đến tột điểm, phát triển tâm đến mức sạch hết mọi vọng tâm phiền não, thoát cảnh luân hồi cùng tất cả mọi khổ đau.

  • # Có cách thiền rất tốt, đó là nhìn mọi thứ trong tâm mình đều là phóng ảnh của nghiệp
  • # Niềm vui đang hưởng là kết quả của việc thiện đã làm trong quá khứ
  • # Biết mình có khả năng tạo nên cảnh sống của chính mình, đây sẽ là nguồn cảm hứng và khích lệ rất lớn

! NGHIỆP
! Kết [4]



#NGÀY 208 — HÃY HÀI LÒNG VÀ VUI VỚI TỪNG BƯỚC TIẾN BÉ NHỎ — LAMA YESHE

§ Phải nên thực tế. Vận dụng trí tuệ sẵn có của mình và cứ thế mà hành động! Phải phát triển từ từ, một cách hợp lý, đừng bao giờ nghĩ là đã quá trễ. Không bao giờ quá trễ cả. Dù ngày mai có chết thì hôm nay vẫn phải giữ mình cho thẳng và sạch, sống cho thật vui. Cứ từng ngày giữ niềm vui, rồi sẽ có lúc đạt được niềm vui lớn của niết bàn.

§ Hãy nhớ lấy, chúng ta phải chịu trách nhiệm cho đời sống của chính mình. Đừng nghĩ rằng, “Ông thầy Tây tạng này sẽ cho tôi quả giác ngộ; sẽ truyền năng lực cho tôi.” Không có đâu. Ai tự cho mình là Phật tử thì phải biết mối quan tâm hàng đầu trong Phật giáo chính là cái tâm. Tâm là hạt nhân của luân hồi và niết bàn. Mỗi trải nghiệm trong đời đều xuất ra từ cái tâm. Chúng ta tiếp cận với đời sống và thế giới bằng thái độ tâm thức của mình, vì vậy giữ cái tâm cho thật chánh mới là điều quan trọng nhất phải làm. Tâm bất chánh thì cảnh sống sẽ khổ đau, thất vọng cùng cực.

§ Hãy nghĩ như vầy, “Cho phần đời còn lại, trách nhiệm của tôi là làm cho chánh niệm và niềm vui tăng thêm. Mỗi ngày tôi sẽ làm cho lòng từ ái sẵn có nới rộng thêm một chút. Mỗi sáng thức dậy, tôi sẽ mở con mắt tuệ của mình để nhìn sâu hơn, sâu hơn nữa, vào cảnh giới thực tại bên trong; sẽ dốc sức giữ chánh niệm, gánh lấy trách nhiệm đời mình, và cống hiến cho mọi người bằng cách nuôi cho tâm từ ái và trí tuệ lớn mạnh; sẽ phụng sự cho chúng sinh, bằng trọn khả năng của mình.” Chúng ta phải cương quyết lấy điều này làm lối sống của mình.

  • # Cứ từng ngày giữ được niềm vui, rồi sẽ có lúc đạt được niềm vui lớn của niết bàn
  • # Tâm là hạt nhân của luân hồi và niết bàn, vì vậy cần giữ cái tâm cho thật chánh
  • # Phải nhất quyết sống với trí tuệ, chánh niệm, và từ bi

! NGHIỆP
! Kết [5]



#NGÀY 209 — PHẢI THẤY TRỌN CẢNH LUÂN HỒI LÀ MỘT TRẬN LỬA LỚN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Dựa trên nền tảng của thân người toàn hảo, Lam-rim nói đến ba đường tu dành cho ba loại căn cơ, tùy vào động cơ của người tu. Đường tu sơ căn dành cho những người cầu kiếp tái sinh tốt lành, bao gồm các đề mục như là vô thường và cái chết; ba cõi ác đạo; quy y; và nghiệp. Bây giờ chúng ta sẽ xem tiếp phần giáo pháp dành cho đường tu trung căn của những người không chỉ tìm cầu kiếp tái sinh tốt lành mà còn muốn tự mình thoát được tất cả mọi khổ đau.

§ Từ những sinh vật nhỏ bé đến nỗi chỉ có thể thấy được qua kính hiển vi, cho đến người địa vị cao nhất, dù có sở hữu toàn bộ trái đất này đi chăng nữa, cũng không có một ai là không phải chịu khổ đau. Có thể là chữ “khổ đau” chỉ ứng được với nghĩa thô lậu, không chuyển tải được trọn vẹn mùi vị của chữ “dukkha” tiếng Phạn.  Dukkha có nghĩa là khổ, nhưng khổ ở mọi mức độ. Có lẽ dùng chữ “bất như ý” thì đúng hơn. Nói cho chính xác thì dukkha có nghĩa là: có cái tâm bất thuần.

§ Trừ phi chặt đứt được chuỗi nhân quả cột cứng mình vào sinh tử luân hồi, bằng không chúng ta sẽ phải tiếp tục chịu khổ triền miên bất tận hết đời này đến đời khác. Luân hồi sẽ không dứt nếu không sạch mọi phiền não điên đảo trong tâm, kể cả loại vi tế nhất. Muốn làm được việc này thì phải hiểu rằng mọi thú vui trong luân hồi đều chỉ là khổ đau trá hình, và phải đủ sức quay lưng với chúng. Chưa có được cảm giác mọi thứ trong cảnh luân hồi này, từ cảnh khổ tận cùng địa ngục cho đến lạc thú cõi trời, hết thảy đều chỉ là một ngọn lửa lớn đang thiêu ta cháy rụi, thì sẽ không bao giờ đạt được quả giải thoát, giác ngộ. Đó là lý do vì sao cần hiểu rõ khổ đau dưới mọi tướng dạng của nó.

  • # Người sơ căn tìm cầu giải thoát mọi khổ đau
  • # Chúng sinh hữu tình đều bị khổ đau khống chế, có nghĩa là đều có cái tâm bất thuần
  • # Cần thấy ra rằng khổ đau luân hồi là ngọn lửa lớn đang thiêu ta cháy rụi

! KHỔ LUÂN HỒI [1]



#NGÀY 210 — NGOẠI CẢNH KHÔNG KHỔ, CHỈ CÓ TÂM VÔ MINH KHỔ — LAMA YESHE

§ Phật giáo nói mãi về khổ. Nhiều người Tây phương nghe mà phát ngán: “Chúng tôi thấy vui mà, đâu có khổ, chúng tôi có vấn đề gì mà cứ phải nghe dạy mãi về khổ như thế này?” Muốn nghĩ như vậy cũng được, nhưng nếu chịu khó nhìn kỹ hơn xem cái tâm mình hoạt động như thế nào trong đời sống hàng ngày, sẽ thấy ra là mình luôn bất mãn, tâm cứ lên lên xuống xuống, khó trị đến mức nào. Chính cái tâm lên xuống thất thường tự nó đã là khổ, đơn giản thế thôi.

§ Khi nói về khổ, đức Phật Thế tôn không chỉ nói về khổ đau thể xác như là đau răng, nhức đầu, các thứ. Khổ đau loại này chỉ có trong nhất thời, không là gì cả. Nhưng dù giàu hay nghèo, lừng danh hay vô danh, cứ xét bên trong là sẽ luôn tìm ra cả đống bất mãn, một loại năng lượng bất trị thất thường của lòng chán ghét. Năng lượng này cũng là khổ. Từ đầu quá trình tiến hóa của loài người trên trái đất này cho đến ngày hôm nay, người ta không ngừng tìm đủ mọi cách để kiếm cho ra một điều gì đó có ý nghĩa, thú vị và hạnh phúc. Nhưng hầu hết đều tìm sai cách. Tìm ở đây trong khi hạnh phúc luôn ở phía đối nghịch bên kia. Chúng ta là người có học thức, chúng ta có thể nhìn lại lịch sử xem con người qua các thời đại đã tin vào những gì và đã làm những gì để sống cho có ý nghĩa. Chúng ta thấy được mà. Hầu hết đều đi ngược hướng.

§ Nên bây giờ người ta bắt đầu thấy ra là hạnh phúc không tùy thuộc vào sự tiến hóa của thế giới bên ngoài hay là tiền tài vật chất. Đời nay chúng ta không cần đạo sư giải thích vẫn hiểu được điều này, vì thế giới tự nó đã chứng minh cho ta thấy tính chất lên xuống thất thường của đời sống trong cõi thế gian — xã hội, kinh tế, hay nhiều lãnh vực khác. Cho nên bây giờ người ta bắt đầu tìm cách khác tốt hơn để có được đời sống vui vẻ hạnh phúc.

  • # Nếu nghĩ rằng mình không khổ thì hãy  nhìn lại cái tâm bất trị của chính mình
  • # Khổ không chỉ là khổ đau thể xác mà còn là nguồn năng lực bất mãn thường trực
  • # Bây giờ người ta bắt đầu thấy ra rằng mình toàn là tìm hạnh phúc ở sai chỗ

! KHỔ LUÂN HỒI [2]



#NGÀY 211 — KHÔNG BIẾT KHỔ LÀ GÌ THÌ KHÔNG THỂ NÀO BẮT ĐẦU DIỆT KHỔ  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tứ diệu đế là giáo pháp đầu tiên do đấng Bổn Sư Thích ca mâu ni Phật thuyết giảng sau khi thành đạo. Thứ nhất là sự thật về khổ, gọi là Khổ đế: Phật bảo đây là điều cần phải hiểu. Thứ hai là sự thật về nguyên nhân của khổ, gọi là Tập đế: Phật bảo đây là điều cần phải bỏ, phải buông. Thứ ba là sự diệt khổ, gọi là Diệt đế. Đây là điều cần thực hiện nhờ vào chân lý thứ tư, là con đường dẫn đến sự diệt khổ, gọi là Đạo đế, là điều cần phải tu. Qua giáo pháp trọng yếu này, đức Phật trình bày trọn đường tu Phật pháp, bắt đầu từ chỗ chúng ta đang đứng trong hiện tại cho đến quả chứng ngộ được gọi là giải thoát.

§ Muốn buông khổ thì phải hiểu khổ là gì và phải biết thứ gì là nguyên nhân của khổ. Bác sĩ cho thuốc mà không giải thích chúng ta bị bệnh gì, thì chúng ta sẽ không thấy mình cần phải uống thuốc. Vì vậy đức Phật giải thích về khổ trước, tiếp theo giải thích về nguyên nhân của khổ.  Biết được mình khổ ra sao và biết tại sao khổ, chúng ta sẽ thắc mắc không biết khổ này có chữa được hay không. Đây là đế thứ ba: sự thật là chúng ta có thể tận diệt mọi khổ đau, thật sự được tự do, được giải thoát. Biết thế rồi chúng ta sẽ hăng hái muốn tìm thuốc chữa, đó là sự thật thứ tư, là sự thật về con đường giác ngộ, gọi là đạo đế, là trọn chánh pháp, lối thoát khổ đau.

§ Phật thấy được điều chúng ta cần trước tiên là hiểu được tầm vóc của khổ đau mà mình đang phải chịu để có được ý chí muốn thoát khổ. Phải vậy mới có đủ năng lực làm tất cả những gì cần làm để vượt thoát khổ đau.

  • # Giáo pháp về Tứ diệu đế của Phật trình bày trọn đường tu
  • # Biết mình bệnh gì và vì sao bệnh thì sẽ hăng hái tìm thuốc chữa
  • # Phật thấy trước tiên chúng ta cần hiểu được tầm vóc của khổ đau mà mình đang phải chịu

! KHỔ LUÂN HỒI [3]



#NGÀY  212 — SINH TỬ LUÂN HỒI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NƠI CHỐN MÀ LÀ MỘT TRẠNG THÁI TÂM THỨC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không thể thoát luân hồi bằng cách trốn qua một quốc gia nào khác, hay rời hành tinh này, thiên hà này. Không thể đến một nơi nào đó mà thoát được sinh tử luân hồi. Luân hồi không phải là thứ gì nằm ngoài tâm của mình. Ta có thể lên mặt trăng nhưng vẫn sẽ bưng luân hồi theo với mình. Cho dù có chết cũng vẫn vác luân hồi theo. Nằm giường êm nhất, xung quanh đầy người giúp việc tận tâm nhất, điều này cũng không giúp ta thoát được luân hồi. Khi chết, thân này phải bỏ lại, nhưng tâm ta đi đến đâu cũng đều sẽ mang luân hồi theo. Thân có thể thiêu cháy thành tro bụi, tâm vẫn ở với luân hồi. Vào cõi trung ấm cũng vẫn luân hồi, và cũng sẽ luân hồi khi vào kiếp tái sinh, bất kể là vào địa ngục hay lên cõi trời.

§ Nhưng nếu tài sản hay môi trường đều không phải là luân hồi, vậy luân hồi là gì? Năm hợp thể thân tâm mà chúng ta gọi là “tôi,” đó chính là luân hồi. Không chỉ có cái thân, thân thể vật lý chỉ là một phần. Hãy còn bốn hợp thể tâm lý khác, thọ, tưởng, hành và thức, cũng đều là luân hồi. Năm hợp thể này còn gọi là ngũ uẩn. Đây chính là luân hồi vì chúng bị nghiệp và phiền não ràng buộc, nên cứ phải lẩn quẩn vòng quanh trong sinh tử luân hồi, mãi mãi là như thế, trừ phi chúng ta bẻ gãy được luân hồi nhờ đạt quả giải thoát hay giác ngộ.

§ Còn chưa giải thoát khổ đau luân hồi thì mọi việc ta làm đều mang tính chất khổ đau. Ngũ uẩn còn bị nhiễm vô minh thì mỗi khi giác quan tiếp xúc với đối cảnh, vọng tâm phiền não đều nổi lên, tác động thành việc làm, gieo hạt giống ác nghiệp, sớm muộn gì cũng trổ thành ác báo. Đây là câu chuyện mỗi ngày đều tái diễn hàng triệu lần.

  • # Không dễ gì thoát được luân hồi, nó nằm ngay trong tâm, dù đi đâu nó cũng sẽ đi theo
  • # Ngũ uẩn của mình chính là luân hồi, vì dính chặt với phiền não và nghiệp
  • # Chưa giải thoát luân hồi thì việc làm nào cũng đều mang tính chất khổ đau

! KHỔ LUÂN HỒI [3]
! 1. Sáu loại khổ chung



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 213 — CHẲNG CÓ GÌ ĐÁNG TIN CẬY TRONG CẢNH LUÂN HỒI NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Luân hồi này không có gì là chắc chắn cả. Không một thứ gì có thể nói chắc là sẽ trường tồn. Mọi mối quan hệ với con người hay với sự vật đều luôn thay đổi, không tồn tại lâu dài. Quan hệ giữa người và người biến chuyển rồi kết thúc. Sở hữu cũng vậy, biến chuyển rồi kết thúc. Dù là tấm thân này rồi cũng sẽ có ngày bỏ ta mà đi.

§  Đây là điều đơn giản dễ hiểu. Chỉ cần nhìn quanh cũng thấy mọi sự đều chính xác là như vậy. Sáng thức dậy vui vẻ, chưa đến trưa đã bực bội. Giờ ăn thoải mái được một chút, chiều lại xảy ra việc khiến muộn phiền. Thấy người nghèo cũng không thể nói chắc trước đây họ chưa từng giàu. Gặp người cả thế giới ngợi khen biết đâu chừng mới năm ngoài còn bị chê bai đủ thứ. Không có gì là cố định cả. Mọi sự đều biến chuyển thay đổi.

§ Thấy được mọi mối quan hệ đều chỉ như như màn luân vũ không ngừng biến chuyển thì sẽ thấy thế gian này chẳng có gì tồn tại lâu dài. Có lần tôn giả Xá Lợi Phất, một vị A la hán thần thông vượt bực, khất thực ngang qua một căn nhà, nhìn vào thấy con cá trên bàn ăn trước kia là cha, người câu cá lên ăn là con trai, con chó nằm dưới chân là mẹ, đang nhai xương cá là chồng mình. Người con trai ẵm con, trước kia là kẻ thù, cầm gậy đánh mẹ, bây giờ là con chó. “Nhai cha, đánh mẹ, chăm chút kẻ thù, ôi luân hồi thật đáng cười thay” ngài nói thế.

  • # Luân hồi không có gì chắc chắn cả. Gia đình, tài sản, thân thể, không một thứ gì tồn tại lâu dài
  • # Chỉ cần nhìn lại tâm mình hay nhìn xung quanh cũng đủ thấy mọi sự đều thay đổi
  • # Tôn giả Xá Lợi Phất đầy thần thông thấy được mối quan hệ của người trong gia đình mỗi đời mỗi khác

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung
! 1.1 Trong luân hồi không có gì là chắc chắn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 214 — VÌ KHÔNG BIẾT ĐỦ VÀ KHÔNG THẤY THỎA MÃN NÊN KHÔNG THỂ BÌNH YÊN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vấn đề chính mà chúng ta ai ai cũng vướng phải, đó là không thỏa mãn được ham muốn của mình, từ những nhu cầu ăn mặc tất yếu cho đến những thứ mình ưa thích như là danh tiếng, những âm thanh dễ nghe và an ủi, những thứ đại loại. Có những loại khổ dễ thấy hơn, ví dụ như khổ vì đói vì nghèo. Nhưng dưới hình thức này hay dưới hình thức khác chúng ta ai nấy cũng đều khổ vì sự thèm khát điên cuồng những gì mình không có.

§ Lấy ví dụ có người giàu đến mức suốt đời không bao giờ phải bận tâm về vấn đề vật chất, muốn gì mua mấy, tự do du lịch đến bất cứ chỗ nào mình muốn, hưởng đủ loại lạc thú đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Cuối cùng đi đến mức không có gì chưa có, không chỗ nào chưa đi, không khoái lạc nào chưa nếm, nhưng vẫn không tìm được sự thỏa mãn. Họ lại càng khổ đau quay cuồng. Nhiều người nổi điên vì không chịu được nỗi thống khổ kịch liệt bủa vây.

§ Vì vậy cho dù đầy đủ tiền tài vật chất thì cũng vẫn khổ. Nói cho ngay, của cải vật chất càng nhiều lại càng dễ bất mãn, vì càng thấy rõ tiền tài vật chất vốn không có khả năng bứng gốc khổ đau. Bất mãn, hoang man, lo lắng và đủ loại phiền não khác vẫn tiếp nối không ngừng. Nếu tích lũy tiền tài có khả năng xóa khổ thì đến một mức nào đó lẽ ra khổ đau phải dứt, mọi bất mãn phải tan. Nhưng hễ tâm còn bị cột vào cái thân bất trị này thì khổ đau sẽ vẫn tiếp nối không ngừng.

  • # Vấn đề chính là chúng ta khổ vì không đạt được điều mình muốn
  • # Dù vật chất đầy đủ cũng vẫn khổ vì bất mãn
  • # Tâm còn bị cột vào cái thân bất trị này thì  khổ đau sẽ còn tiếp nối

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung
! 1.2 Luân hồi không có gì có thể khiến ta thỏa mãn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 215 — CHÚNG TA CHUYỀN TỪ THÂN NÀY SANG THÂN KHÁC NHƯ KHỈ CHUYỀN CÀNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Phải tái sinh luân hồi không có quyền chọn lựa có nghĩa là chúng ta sẽ phải lìa bỏ thân này. Không chọn mà chết. Không chọn mà lìa thân. Không chọn mà phải tái sinh. Đây là một trong những nỗi khổ của luân hồi. Chúng ta đã có thân người, cũng đã có thân của tất cả mọi loài khác, súc sinh, trời, atula, quỷ đói, địa ngục, không có thân nào là chúng ta chưa từng có, chưa từng bỏ, và đã như thế hàng vô lượng lần rồi.

§ Cũng như mọi lạc thú thế gian khác, đến cả đời sống trường thọ đầy khoái lạc của cõi trời dục giới rồi cũng phải chấm dứt. Khi ấy, điện ngọc sẽ biến thành nhà sắc nung không cửa hay cửa sổ, thực phẩm cam lồ thành dung nham đổ vào họng, nền ngọc lưu ly phẳng mịn thành cánh đồng lưỡi lam, và thiên nam thiên nữ xinh đẹp thường chơi với mình nay vì nghiệp cảm mà biến thành ngục tốt đầu thú dị dạng, chuyên lo việc tra tấn. Lầu thành tỏa sáng như mặt trời mặt trăng trở thành cõi tối đen, đến cả thân của chính mình cũng không thể nhìn thấy.

§  Thân thể nào có trong đời này cũng đều phải bỏ lại. Dù là thân thể đẹp nhất cũng sẽ mất vì vậy chẳng có gì trong cõi luân hồi này là có thể trông cậy vào được. Ngay trong đời này đã thay đổi, huống chi khi chết, sẽ mất hết. Thân này chỉ có trong khoảnh khắc, rồi sẽ bỏ ta mà đi. Chẳng lý do gì phải quyến luyến, cho dù nó có là sở hữu thân thiết nhất của ta.

  • # Không chọn mà vẫn phải vô số lần bỏ lại thân tái sinh luân hồi
  • # Dù có sinh vào cõi trời dục giới thì cũng vẫn có ngày phải chết và sinh vào địa ngục
  • # Thân này chỉ có trong khoảnh khắc, chẳng lý do gì phải quyến luyến

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung
! 1.3 Cứ phải liên tục lìa bỏ thân này



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 216 — CHÚNG TA ĐÃ PHẢI VÔ SỐ LẦN CHỊU KHỔ ĐAU CỦA TỪNG LOẠI CHÚNG SINH KHÔNG SÓT LOẠI NÀO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Luân hồi còn một nỗi khổ khác, đó là sau khi lìa thân thì lại phải tái sinh thêm lần nữa. Lìa thân này để vào thân khác, dính vào noãn trong thai mẹ. Mẹ đời này cho ta thân này, cũng như mẹ đời trước cho ta thân trước. Và trước đó lại có một bà mẹ khác, và trước đó nữa, trước trước đó nữa… như tấm gương này phản chiếu tấm gương kia, phản chiếu lẫn nhau đến bất tận.

§ Hãy nghĩ đến từng chúng sinh trong từng cõi, và từng việc xảy ra trong đời sống của họ. Chúng ta đã tái sinh vô số lần. Mỗi thân tái sinh ấy đã phải chịu khổ, hầu hết rất kinh khiếp. Kinh sách nói rằng nếu gom lại thì nước mắt chúng ta đã từng rơi sẽ đầy khắp vũ trụ; đồng nung địa ngục đã bị đổ vào họng sẽ tràn ngập đại dương; sữa mẹ đã từng uống sẽ lấp cả không gian.

§ Đầu kẻ thù mà chúng ta đã chặt khi ra trận sẽ chất thành đống to hơn cả thế giới. Rác rưởi mà chúng ta đã ăn như là heo, chó, xác chết và các chúng sinh khác sẽ chất cao hơn cả núi Tu di, vua của các núi. Và, đương nhiên là trừ phi thoát khỏi sinh tử luân hồi, bằng không mớ rác rưởi mà chúng ta nuốt vào cũng khổng lồ như thế. Mớ phẩn dơ mà chúng ta đã ăn khi sinh làm dòi bọ, nếu gom lại sẽ đầy ắp thái bình dương. Nghĩ lại thấy thật khó mà chịu nổi.

  • # Từ vô lượng sinh tử, mỗi lần lìa bỏ thân này chúng ta đều lại phải tái sinh
  • # Mỗi thân tái sinh luân hồi đều phải chịu khổ, hầu hết là loại khổ đau kinh khiếp
  • # Khổ đau mà chúng ta phải chịu to lớn không thể tưởng, và sẽ tiếp nối trừ phi thoát được sinh tử luân hồi

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung
! 1.4 Cứ phải tái sinh mãi



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 217 — CHỈ TRONG KHOẢNH KHẮC MÀ ĐỌA TỪ TRÊN CAO XUỐNG VỰC THẲM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Cứ phải thay thân, đổi phận, chúng ta không thể biết được mình sẽ đi về đâu trong cõi luân hồi này. Vô số lần làm vua ngồi trên ngai vàng thống lãnh đại quân, và vô số lần rơi vào kiếp sống cùng cực cõi ác đạo. Vô số lần sống trong giàu sang nhung lụa, chỉ để lìa bỏ tất cả, đi vào chốn khổ đau kinh khiếp đến mức dù chỉ tưởng tượng cũng không tưởng tượng ra nổi.

§  Không có cảnh nào trong luân hồi chúng ta chưa từng trải qua. Không có thứ gì mới mẻ chưa từng biết. Chúng ta có thể ghen tị khi thấy minh tinh điện ảnh có những căn biệt thự vĩ đại, những chiếc du thuyền đắc giá, nhưng chúng ta cũng đã từng sống trong cảnh ấy hàng vô số lần rồi. Chúng ta có thể cho rằng đứng đầu cả một quốc gia với cả triệu người răm rắp làm theo ý mình là loại kinh nghiệm mới mẻ, nhưng chúng ta đã từng trị vì nhiều vương quốc hơn cả số sao ở trên trời.

§ Lạc thú thế gian không tăng mà cũng không bền. Muốn vui thì mỗi lần mỗi phải ra sức, vì vậy gầy dựng hạnh phúc dù cố gắng đến đâu cũng không đủ và không có kết quả. Chúng ta đuổi theo một thứ gì ở bên ngoài, bắt được, rồi mất, mọi nỗ lực đều chỉ hoài công. Nhiều người mơ một đời sống sung túc, ngồi xe ngon, mặc áo đẹp, ăn đồ thượng phẩm, và họ cật lực làm việc chịu đủ mọi khổ nhọc để có được đời sống ấy. Nhưng cho dù rốt lại có đạt được đời sống mình luôn mơ ước, mơ vẫn chỉ là mơ. Như một giấc mơ, tất cả tồn tại trong một khoảng thời gian cực ngắn, rồi tan.

  • # Chúng ta đã vô số lần rơi từ cuộc sống giàu sang vô tận vào nỗi khổ đau khủng khiếp
  • # Trong luân hồi không có cảnh nào chúng ta chưa từng sống qua, nhưng chẳng giúp được gì
  • # Dù có đạt được cuộc sống mình mơ ước thì cũng chẳng mấy chốc đã tan

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung
! 1.5 Cứ sẽ mãi đọa rơi



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  218 — KHÔNG AI CHIA SẺ CÙNG TA ĐOẠN ĐƯỜNG ĐI HAY ĐẾN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta một mình chào đời, một mình lìa đời. Những lúc ấy, không một ai có thể cùng ta san sẻ nỗi đau. Đã gieo nghiệp để phải chịu khổ thì khổ ấy bắt buộc phải chịu. Không ai có thể giúp khi ta đi vào thai mẹ, ở trong thai mẹ, hay mở mắt chào đời. Không một ai có thể giúp khi ta qua cửa tử, vào cõi trung ấm. Thân nhân bằng hữu dù có vây kín xung quanh, đến trước thềm sinh tử chúng ta vẫn phải một mình mà đi.

§ Cả trong đời sống cũng đã phải một mình chịu khổ. Đâu ai có thể đỡ nghiệp dùm ta, chịu thay cho ta. Đau bụng tiêu chảy đâu thể nhờ bạn đau dùm. Nhức đầu cũng đâu thể vất ra cho người khác gánh thế.

§ Loại khổ này còn được gọi là “khổ không ai giúp.” Khi chết, thần thức lìa khỏi xác như sợi tóc bị tuốt ra khỏi tảng bơ, không dính theo được chút gì. Chúng ta không những phải bỏ lại thân xác mà cả sở hữu và người thân cũng phải bỏ lại phía sau. Không ai có thể theo cùng, cũng không ai giúp được gì cho ta. Dù có là người quyền thế nhất thế gian, với cả ngàn vạn quần thần, cả tỷ con dân sẵn sàng chết thay cho mình, rồi vẫn phải một mình mà đi. Quần thần hay con dân, bác sĩ hay y tá, tài sản hay quyền lực, không gì có thể đi theo thần thức trên đoạn đường vào kiếp sau.

  • # Chúng ta một mình chào đời, một mình lìa đời, trên đoạn đường này không một ai có thể cùng ta san sẻ nỗi đau
  • # Ngay trong cuộc sống cũng đã phải chịu khổ một mình
  • # Khi lìa đời, không những phải bỏ lại thân xác, cả sở hữu và người thân cũng phải bỏ hết lại ở phía sau

! KHỔ LUÂN HỒI

! 1. Sáu loại khổ chung

! 1.6 Cứ phải đau và chết một mình



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 219 — LUÂN HỒI TRÔNG THẬT HẤP DẪN, NHƯNG CẦN PHẢI THẤY CHẤT ĐỘC Ở BÊN TRONG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Quán về sáu khổ luân hồi, quan trọng là phải rút ra kết luận cho thật vững chắc. Luân hồi không có gì cố định, cũng không có gì thỏa mãn. Vì không biết điều này nên cứ phải nhảy từ hết thân này sang thân khác, không bao giờ ngưng. Chúng ta phải dốc tâm làm hết những gì cần phải làm để bẻ gãy vòng xoay của luân hồi, không còn bị dáng vẻ hấp dẫn của luân hồi dụ dỗ.

§ Nếu không quyết tâm kiên trì quán khổ luân hồi và những đề mục Lam-rim khác thì sẽ sự hiểu sẽ không đủ sâu để có thể khiến đời mình thay đổi. Cứ thế mà bị lòng tham và các loại vọng tâm phiền não khác khống chế. Hiểu biết thì nhiều nhưng chỉ toàn là chữ nghĩa khô khan, trong tim không cảm nhận được gì. Chúng ta cần cả hai, vừa phải hiểu về lý thuyết bằng cách học cho thật sâu và thật kỹ giáo pháp Lam-rim, vừa phải đưa hiểu biết của mình vượt tầm lý thuyết đến với kinh nghiệm tâm thức bằng cách tu cho thật vững pháp tu thiền. Càng tiến bộ thì hiểu biết sẽ càng nâng cao pháp thiền và pháp thiền sẽ càng nâng cao hiểu biết. Ban đầu có thể thấy rất khó, nhưng rồi sẽ càng lúc càng dễ hơn.

§ Chúng ta thường tưởng rằng tình thân là thứ gì bền vững, trường tồn, mang lại sự thỏa mãn; rằng tài sản sẽ mang đến cho ta hạnh phúc lâu dài; và thân xác sẽ có thả mang đến cho mình lạc thú giác quan. Cái bẫy này nhất định phải thấy, đừng để bị lừa. Có như vậy thì khi bạn biến thành thù, tài sản bỏ ta đi, và thân này phải lìa bỏ, chúng ta cũng vẫn bình thản đối mặt, không lo không sợ. Chúng ta sẽ thấy mình không lìa xa nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh cữu mà là lìa xa nguồn khổ đau.

  • # Khi quán về sáu khổ thì phải hạ quyết tâm bẽ gãy vòng quay của luân hồi
  • # Phối hợp hiểu biết kiến thức với pháp tu thiền sẽ giúp ta thoát vòng chữ nghĩa khô cằn
  • # Phải nhìn cho ra cái bẫy của luân hồi, đừng để bị lừa

! KHỔ LUÂN HỒI
! 1. Sáu loại khổ chung



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 220 — KHÔNG LÀM GÌ CÓ CHUYỆN TẠM NGHỈ TÁI SINH LUÂN HỒI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Có những loại khổ chung cho mọi chúng sinh trong luân hồi, và những loại khổ riêng cho chúng sinh cõi thiện đạo. Nếu không xét kỹ, chúng ta sẽ cho rằng giàu là vui mà nghèo là khổ, rồi cứ thế mà muốn được thoải mái sang giàu, sợ cảnh vất vả nghèo khó. Tuy vậy, nếu chịu khó tìm hiểu về sáu khổ và tám khổ thì sẽ bắt đầu thấy ra được toàn bộ luân hồi đều chỉ là khổ, và thấy mình có thể bẻ gãy được ràng buộc sinh tử luân hồi.

§ Nhiều lúc tôi thấy buồn khi nhìn hành khách khiêng xách tay đưa vào hộp hành lý trên đầu, nao nức với chuyến bay xa, tạm gát lại việc làm và những lo toan thường nhật trong một khoảng thời gian ngắn. Rõ ràng là họ chẳng có chút khái niệm gì về sinh tử và nghiệp cũ đang thắt chặt, cũng không thấy được rằng đi chơi như vậy không phải để thoát khổ mà chỉ để buộc càng thêm nhiều phiền não và nghiệp vào mình.

§ Họ không có chút khái niệm gì về thực tại, không biết vì đâu mà khổ, phải làm gì để thoát khổ đau. Mọi hoạt động của họ, ở chỗ làm hay chỗ nghĩ, đều xuất phát từ cái tâm bất thiện và sẽ dẫn đến kết quả khổ đau. Nếu đi làm để gieo nhân bất thiện và nghỉ hè để gieo nhân bất thiện, vậy có khác gì nhau? Nghĩ như vậy thì mở lòng từ bi cho khắp chúng sinh không khó, cho người nghèo nhất cũng như người giàu nhất, cho người bù đầu trong công sở, hay người đang nằm thư giãn trên bãi biển miền nhiệt đới.

  • # Tám loại khổ trong cõi người cho ta thấy nghèo là khổ mà giàu cũng là khổ
  • # Nhiều người không có chút khái niệm gì về sinh tử và nghiệp, không biết đâu là nguyên nhân gây khổ và muốn thoát khổ thì phải làm sao
  • # Dễ mở lòng từ bi cho những người vô minh không thấy được thực tại

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 221 — CHÚNG TA HẦU HẾT KHÔNG AI NHỚ ĐƯỢC KHỔ ĐAU MÀ MÌNH ĐÃ TRẢI QUA KHI CHÀO ĐỜI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta cho rằng nhập thai và chào đời thì có gì là khổ, nhưng khổ này rất thật. Tâm của mẹ và tâm của thai nhi không phải là một, nên đến cả mẹ cũng không thể biết hết thai nhi trong bụng vất vả thế nào. Thật sự là hoàn cảnh trong thai mẹ khiến cho thai nhi cả thân lẫn tâm đều vất vả khổ sở.

§  Sinh linh bé nhỏ này bị kẹt trong một khoảng không chật hẹp, chật hẹp đến nỗi chẳng được mấy chút tự do. Bất cứ hành động bất ngờ nào của mẹ cũng đều ảnh hưởng đến thai nhi, ăn đồ quá nóng, quá lạnh, hay quá cay. Thai nhi bị nhốt gần chất thải hôi thối, dễ bị ảnh hưởng vì hoạt động của hệ tiêu hóa và hệ hô hấp của người mẹ. Khổ đau này có thể khó thấy, khổ đau chào đời dễ nhận ra hơn. Khi bị tống ra khỏi thai mẹ, thai nhi phải chịu sức ép tệ hơn tất cả những gì đã từng phải chịu. Đi qua khe cửa tử cung với tốc độ chậm, cảm giác không khác gì bị nghiến giữa hai vách đá.

§  Khổ đau dữ dội này, chào đời rồi vẫn chưa hết. Da trẻ sơ sanh mỏng đến nỗi khí ấm trong phòng sanh vẫn là quá lạnh, quá khó chịu. Được quấn vào lớp vải mịn cỡ nào, trẻ sơ sanh vẫn thấy như bị gai nhọn cào rách. Ngoài khổ đau thể xác ra, trẻ sơ sanh còn phải chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng, không kém gì lúc chết. Vì vậy thấy trẻ sơ sinh khóc thì đừng nghĩ rằng em khóc không có lý do.

  • #Chúng ta thường không nghĩ đến khổ đau tinh thần và thể xác khi nhập thai và khi chào đời
  • #Bị kẹt trong thai mẹ rồi lại phải đi vào hành trình khổ đau qua cửa tử cung
  • #Chào đời rồi khổ đau vẫn dữ dội, chẳng trách gì trẻ sơ sanh hay khóc

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.1 Khổ vì sinh



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 222 — KHÔNG AI MUỐN THÂN MÌNH GIÀ YẾU NHƯNG KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC ĐIỀU NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mặc dù quá trình lão hóa đã bắt đầu ngay từ lúc thọ sinh, nhưng khổ vì già chủ yếu là khoảng thời gian chúng ta thấy ra mình đã già, biết thân xác này sẽ không trường tồn, đã bắt đầu muốn bỏ ta mà đi, cứ bệnh mãi, càng lúc càng yếu, sức lực không còn. Mắt phải đeo gương, tai nghe không rõ. Giác quan càng lúc càng kém mờ nên không còn thú vị trước cảnh trần. Chúng ta thấy ra cái chết là hiện thực.

§ Còn trẻ thì thân thể cường tráng khỏe mạnh. Da căng, tóc dày dặn tươi thắm. Bỗng một ngày soi gương thấy sợi tóc bạc đầu tiên. Dĩ nhiên đâu có ai không già, nhưng bây giờ đã có được bằng chứng hiển nhiên. Rồi càng ngày càng thấy nhiều dấu hiệu già nua hơn. Thân thể ốm dần, nếp nhăn xuất hiện. Gương mặt tưởng sẽ luôn xinh đẹp nay đã mất nét, tóc bạc thêm nhiều, da càng thêm nhăn. Chẳng mấy chốc da dẻ chẳng khác gì chiếc áo lụng thụng không vừa kích cỡ.

§ Lúc chưa già có một pháp quán rất hay đó là quán mình khi già sẽ ra sao. Tưởng tượng đến lúc làm gì cũng thấy đau, sức yếu đến nỗi tay không nhấc nổi thứ gì, chân không bước quá được vài bước, mắt không thấy rõ, tai cũng không nghe rõ, việc gì cũng phải trông cậy vào người khác, từ việc ăn uống cho đến tắm rửa, thay áo quần. Với tuổi già thì mỗi ngày là một lời nhắc nhở mạng sống của mình đang ngắn đi, sức sống đang lụi dần, giác quan và khả năng hoạt động từ từ tan biến.

  • #Khổ vì già chủ yếu là khoảng thời gian khi ta nhận ra là mình đã già
  • #Thân thể trẻ trung tràn đầy sức sống nay đang dần yếu đi và già đi
  • #Chưa già thì hãy nên quán xem khi già mình sẽ như thế nào

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.2 Khổ vì già



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 223 — PHẢI CHỊU NHIỀU CƠN BỆNH KHÁC NHAU, KHÔNG CÓ QUYỀN CHỌN LỰA  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Già thì sẽ bệnh. Bệnh là bạn đồng hành của tuổi già. Nhưng dù chưa già cũng có rất nhiều tật bệnh đớn đau phải chịu. Chắc ai cũng đồng ý với Thầy, bệnh tật là thứ khổ đau ai ai cũng muốn tránh.

§  Bệnh thì thân thể biến đổi. Bị cảm lạnh thì nước mũi chảy. Bị cao máu là mặt đỏ ong. Nhiều thứ bệnh khiến chúng ta trở nên xấu xí, da dẻ vàng bệt, rồi chết. Chúng ta bị bướu trên da, bị bướu trong thân thể, chúng ta bị sốt xuất hạn, ói mửa, ớn lạnh. Ngoài khó chịu thể xác hãy còn nỗi lo tinh thần. Chúng ta mất hết sáng suốt, đời sống không còn gì khác hơn ngoài cơn bệnh này. Chẳng có gì vui. Không thể đến nơi mình thích đi, ăn món mình thích ăn, và vì ham muốn lạc thú giác quan nên ta thấy khổ. Không ai thích uống thuốc, vậy mà có khi mỗi ngày phải uống hàng chục viên thuốc, với đủ loại tác dụng phụ khó chịu. Cũng có thể phải chụp X-quang hay hóa trị.  Cảm giác giống như trị bệnh còn tệ hơn cả bị bệnh. Rốt lại, vướng trọng bệnh thì luôn phải sống với nỗi lo âu sợ chết.

§ Sống hay chết không hoàn toàn tùy thuộc vào tài năng của bác sĩ hay hiệu quả của thuốc. Đã gieo nghiệp chết vì bệnh ấy thì sẽ chết vì bệnh ấy, bằng không thì thôi.  Chúng ta nếu không bị phiền não và nghiệp khống chế thì ngay từ đầu đã chẳng cần gì phải đối phó với tật bệnh.

  • #Không ai muốn bệnh như cứ phải chịu bệnh chịu đau
  • #Thân thể thay đổi khi bệnh, không thể sống vui, phải chịu khổ sở, sợ hãi, rồi chết
  • #Bệnh tật không nằm trong tầm kiểm soát của ta mà là do phiền não và nghiệp khống chế

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.3 Khổ vì bệnh



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 224 — CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT MÀN KỊCH, Ở ĐÓ CÓ TA SINH RA, SỐNG MỘT ĐỜI NGẮN NGỦI, RỒI CHẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Rồi một ngày cái chết nhất định sẽ đến. Cuối cuộc sống là cái chết, chỉ đơn giản thế thôi, đâu ai làm được gì. Dù sợ hãi đến đâu, tiếc nuối đến đâu, dù có hối hận sao mình không tu theo chánh pháp để phát triển thiện tâm, rồi cái chết cũng vẫn đến. Dù tin có tái sinh luân hồi hay không tin, rồi cũng vẫn chết. Cá nhân con người mà mình gọi là “tôi” đó, nâng niu cung phụng bấy lâu nay, nó sẽ ngừng hiện hữu. Tâm thức vi tế sẽ tách khỏi cái xác vô dụng này để đi vào một kiếp sống khác.

§ Chết sẽ đến, bất kể mình muốn gì hay cần gì. Đến khi chết chúng ta phải bỏ hết lại ở phía sau. Tất cả sở hữu tích lũy trong đời, tất cả bạn bè, gia đình, người thân, đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh, kẻ thù, kể cả thân xác này đây, tất cả đều sẽ ngừng hiện hữu, chúng ta sẽ phải lìa bỏ xác thân này để đi vào kiếp tái sinh kế tiếp. Vì vậy mới khổ đến như vậy khi chết, phải bỏ lại hết mọi thứ quen thuộc. Càng luyến chấp tài sản, thân nhân, bằng hữu và thân xác của mình thì lại càng khổ đau.

§ Trừ phi đã hòa được đời mình vào chánh pháp, bằng không dù sợ đến đâu cũng không thoát nổi. Dù có tin rằng chết là hết, không hiểu gì về nghiệp, vẫn sẽ phải kinh hoàng trước những gì xảy ra khi chết, khi ấy dù muốn cũng không còn thời gian để chuẩn bị. Chết với tâm bất thiện thì sẽ vì nghiệp cảm mà thấy cảnh tượng kinh hoàng, nghe âm thanh dữ dội, đều là điềm báo trước của một kiếp sau khổ đau. Tâm dù ngập ngụa trong hoảng sợ vẫn phải rời thân. Đây là điều chắc chắn có thể xảy ra cho chúng ta.

  • #Dù sợ hãi, tiếc nuối, hay dù không tin, cái chết nhất định sẽ có ngày đến viếng
  • #Khi chết chúng ta bị tách lìa khỏi tài sản, thân nhân, bằng hữu, và thân xác của mình
  • #Trừ phi hòa đời mình vào chánh pháp, bằng không sẽ phải chịu nỗi sợ hãi khổ đau cùng cực

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.4 Khổ vì chết



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 225 — CHÚNG TA TẠO ĐỦ TRÒ HƯ HUYỄN, DÍNH VÀO LẠC THÚ GIÁC QUAN VÀ KẾT THÚC TRONG TAI HỌA — LAMA YESHE

§ Trong toàn bộ vũ trụ này, chúng ta chọn lấy một nguyên tử — người mình yêu — một nguồn năng lượng bé tẻo teo, và tuyên bố, “Tôi yêu.” Với ngần ấy luyến ái, chúng ta đổ cả một khối năng lượng khổng lồ lên trên mỗi một đối tượng cụ thể này thôi, ngay từ đầu đã tự nhiên dồn mình vào thế xung đột. Bồi đắp khối luyến tham dữ dội như vậy, tạo trong mình cả một quả bom nguyên tử tâm lý. Nguồn năng lượng bên trong bị lệ thuộc nặng nề vào đối tượng bên ngoài — là một người con gái, con trai, hay bất cứ thứ gì — đến nỗi đối tượng nhúc nhích chút xíu cũng đủ khiến chúng ta chấn động dữ dội. Tâm chấn động. Đời sống chấn động.

§  Đối tượng này lại là thứ vô thường, vốn luôn thay đổi, thay đổi nữa, thay đổi mãi. Nhưng lòng tham luyến lại không thích sự thay đổi, nó muốn mọi thứ phải đứng yên một chỗ. Nên khi sự vật thay đổi, nó sẽ thấy bất an, nổi chứng hoang tưởng. Rồi đến khi thật sự phải lìa xa đối tượng luyến ái, vì chết hay vì lý do gì khác, thì lại, “Ôi, đời tôi thế là hết.” Đương nhiên là không đúng. Có thấy tham luyến nó phóng đại mọi sự giỏi đến mức nào không?  “Cuộc sống tôi nay còn đâu.” Trước còn, nay tự dưng không còn nữa à? Tin được không? Bấy nhiêu đủ thấy khái niệm tham chấp cơ bản này nó thật sự thích phóng đại và làm quá lên như thế nào. Niềm vui của ta đâu thể chỉ tùy thuộc vào mỗi một nguyên tử khác. Lối suy nghĩ duy vật này thật vô lý. Toàn bộ đều sai quá sai.

§ Thế giới ngày nay con người luôn sợ mất nhau. Họ luôn lo lắng, “vợ tôi sắp chết; bạn trai sắp bỏ tôi đi; bạn gái tôi sắp biến mất.” Mọi nỗi lo âu này đều phát xuất từ lòng tham, quá bận tâm cho niềm vui của chính mình. Dù gọi đó là niềm vui, thật ra chẳng vui gì cả.

  • #Tham luyến đối tượng bên ngoài là tạo cho mình cả một quả bom nguyên tử tâm lý
  • #Ngoại vật đương nhiên luôn thay đổi, khiến âu lo hoang tưởng nổi lên
  • #Chúng ta sống trong nỗi sợ xa lìa những gì mình tưởng là vui

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.5 Khổ vì thích mà phải xa



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 226 — CHƯA THOÁT LUÂN HỒI CHƯA THỂ DỨT ÂU LO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta không những khổ vì không có được điều mình muốn mà còn khổ vì phải gặp những thứ mình không ưa. Tiếp xúc với kẻ thù, nuốt món không hạp vị hay chịu cảnh vất vả thân tâm, khổ đau loại này khiến chúng ta suốt đời điên đảo.

§ Cứ không vừa lòng và bất mãn như thế thì chẳng sống được bình yên. Có nhiều bao nhiêu cũng vẫn muốn thêm. Vẫn làm việc, lên kế hoạch, bày mưu tính kế, tìm đủ mọi phương pháp mới mẻ để tích lũy được nhiều hơn, như thể mình sẽ sống đời, ít gì cũng vài ba thế kỷ. Thử nghĩ mà xem, mình vì lo cho tấm thân này đã phải  làm hết những gì! Phí bao công sức chỉ để giữ cho thân này khỏi đói, lạnh, tật bệnh, tấn công, và sau cùng là khỏi chết. Đời sống này cả là một cuộc đấu tranh không ngừng để thoát cảnh hiểm nguy, gần như bán thân làm đầy tớ chỉ để thực hiện mục tiêu ấy. Sự thật này chúng ta có thể tự bịt mắt không muốn thấy, nhưng sâu thẳm trong tâm chúng ta luôn biết rõ mọi nỗ lực của mình đều mang tính chất của khổ đau.

§ Dù vất vả nhiều năm để gầy dựng đời sống an toàn, nhưng chỉ cần hoàn cảnh biến đổi một chút là đã vướng bệnh hay gặp cảnh bất hạnh khác. Được chở che thì khó chứ gặp khổ nạn lại rất dễ. Dù đủ may mắn đạt được thành tựu, tưởng sẽ sống thoải mái xứng đáng, không ngờ lại là nguyên nhân mang đến thêm nhiều khổ đau.  Nói ví dụ dành dụm đủ tiền để đi du lịch, nhưng trên đường đi gặp tai nạn khủng khiếp. Hoặc vào nhà hàng sang trọng nhưng lại bị trúng độc thực phẩm. Khổ đau cứ thế ập đến, chẳng cách gì tránh nổi.

  • #Phải gặp thứ gì mình ghét, ví dụ như gặp kẻ thù, là nguyên nhân tạo khổ
  • #Đời sống này cả là một cuộc đấu tranh vô vọng để tích lũy tiền tài và trốn tránh hiểm nguy
  • #Cả những thứ giúp sống thoải mái cũng thường là nguyên nhân mang đến thêm nhiều khổ đau

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.6 Khổ vì ghét mà phải gần



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 227 — VÌ HẠNH PHÚC MÀ LÀM BAO NHIÊU VIỆC, HẦU NHƯ CHỈ ĐỂ RƠI VÀO BẤT HẠNH— LAMA YESHE

§  Từ sáng thức dậy đến tối đi ngủ, và cả trong giấc mơ, chúng ta luôn bị lòng tham thúc đẩy. Giác quan nào cũng thèm món của mình. Mắt thèm thấy sắc đẹp; tai thèm nghe tiếng êm; mũi tích cực  ngửi mùi thơm, ghét mùi thối; lưỡi luôn tìm vị lạ; còn xúc giác thì luôn khao khát đủ loại va chạm khác nhau.

§ Thèm khát như vậy là vì muốn được hạnh phúc. Nhìn từ khía cạnh này, mọi người đều bình đẳng như nhau. Chúng ta ai cũng muốn được hạnh phúc — dù có thể là mỗi người định nghĩa hạnh phúc một kiểu khác nhau — và không ai muốn mình gặp khổ đau thất vọng, dù chỉ mảy may. Nếu chịu khó xét kỹ sẽ thấy mình làm việc gì cũng đều vì để có cảm giác dễ chịu, hoặc vì để tránh cảm giác khó chịu.

§  Ngoài hạnh phúc ra chúng ta đâu muốn gì khác, vậy mà đời sống lại ngập tràn khổ đau bất mãn. Làm lụng vất vả có được thứ gì thì lại bị hỏng, bị mất, bị cướp, hay chỉ đơn giản là không còn mang đến sự thỏa mãn. Bạn đời mình thương yêu rất mực bỗng biến thành kẻ thù tệ hại nhất, hay lìa đời bỏ ta lại quạnh hiu một mình. Công việc trước kia khao khát biết bao, nay thành gánh nặng nuốt hết thời gian sức lực của mình. Hạnh phúc cứ thế vuột khỏi tầm tay. Tựa như càng gắng tìm hạnh phúc lại càng chuốc lấy bất hạnh. Đời sống giống như một cuộc chạy đua vô nghĩa; vì muốn hạnh phúc mà cứ phải chạy vòng quanh, cho đến khi kiệt sức trong vô vọng.

  • #Chúng ta luôn bị lòng tham thúc đẩy, từ sáng thức dậy cho đến tối đi ngủ
  • #Ai cũng muốn được hạnh phúc, không muốn gặp chút khổ đau bất mãn nào
  • #Đời sống của chúng ta tràn ngập khổ đau bất mãn, hạnh phúc cứ mãi vuột khỏi tầm tay

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.7 Khổ vì không đạt được điều mình muốn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày  228 — CÒN NĂM UẨN PHIỀN NÃO THÌ HẠT GIỐNG KHỔ ĐAU VẪN CÒN TRONG TA — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Khổ đau thứ tám trong tám loại khổ đó là bởi vì thân tâm của chúng ta là do phiền não và nghiệp sinh ra nên chúng ta vĩnh viễn bị trói vào với khổ đau. Nhu cầu của cái thân phàm tục và cái tâm phiền não này sẽ luôn bắt ta tạo ác nghiệp, cứ thế mà chịu khổ. Có thể xem năm uẩn này là năm cái hủ chứa trọn khổ đau của quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng là sản phẩm của khổ đau quá khứ, là cảnh khổ trong hiện tại, và là thủ phạm gieo khổ cho tương lai.

§  Vì tâm chứa vết hằn của ác nghiệp nên chúng ta gieo nhân tạo khổ cho tương lai, và vì vốn là từ phiền não và nghiệp sinh ra nên chính thân tâm này là công cụ tạo khổ, mang đến già, bệnh và chết, cùng rất nhiều khổ đau tinh thần khác không thể tránh khỏi. Khổ vì già bắt đầu từ lúc chúng ta nhập thai mẹ và chấm dứt khi gặp khổ vì chết. Ở giữa nhập thai và lìa đời, chúng ta luôn vì năm uẩn phiền não này mà phải chịu đủ loại khổ đau khác. Thân này còn thì hành khổ còn. Chúng ta vốn là thứ sinh ra từ khổ đau và chết đi trong khổ đau.

§ Bất kể sinh vào sáu cõi luân hồi này với thân nào thì thân ấy cũng đều mang tính chất của khổ đau. Không hy vọng gì có được sự yên vui chân chính dù chỉ trong khoảnh khắc, thậm chí đến cả thứ yên vui tạm bợ nhất thời cũng khó tìm. Gánh nặng khổ đau phải khuân theo này có thể ví như khối sắc nung khổng lồ đồng nhất với lửa, vĩnh viễn xích vào lưng ta. Đi đâu cũng phải vác theo.

  • #Vì thân tâm này do phiền não và nghiệp sinh ra nên chúng ta vĩnh viễn bị cột vào với khổ
  • #Từ khi vào thai cho đến khi chết, năm uẩn là công cụ tạo khổ đau
  • #Đi đâu cũng phải vác khổ theo như vác khối sắc nung đỏ trên lưng

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.1 Tám loại khổ cõi người
! 2.1.8 Khổ vì ngũ uẩn này vốn là phiền não



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 229 — CÓ NHỮNG CÕI CAO HƠN CÕI NGƯỜI, CHÚNG SINH Ở ĐÓ SỐNG TRONG LẠC THÚ CẢ NẰM MƠ TA CŨNG KHÔNG NGHĨ TỚI, NHƯNG VẪN CHỈ LÀ KHỔ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Xét về lạc thú thì cõi a tu la cao hơn cõi người và thấp hơn cõi trời. Loài a tu la trông giống loài trời ở chỗ thân thể xiêm y đều rất đẹp, nhưng vẫn không thể sánh với loài trời. Năng lực của loài A tu la cũng vậy, cao hơn cõi  người xa, nhưng vẫn không sánh nổi với cõi trời.

§ Có được rất nhiều những vẫn quá ít so với cõi trời ở trên, đó là cảnh sống của loài a tu la. Nhìn cảnh tráng lệ huy hoàng cõi trời, loài a tu la điên cuồng ghen tức, đau như gai nhọn xuyên tim. Vẻ đẹp vợ mình chẳng là gì so với sắc đẹp của thiên nữ cõi trời. Họ vì vậy liên tục kéo quân gây chiến với loài trời. Suốt đời cứ phải chứng kiến cảnh loài trời thảnh thơi trong những vườn khu vườn xinh đẹp với cả trăm người vợ vây quanh, loài A tu la quyết định mình phải chiếm hết. Vì vậy họ luôn mang vũ khí tinh xảo đi đánh chiếm cõi trời. Nhưng đây luôn là cuộc chiến vô vọng, vì bất kể thế nào, khả năng và sức mạnh của loài trời luôn vượt họ rất xa.

§ Thấy cảnh sung túc sang giàu vượt bực ở cõi A tu la, chúng ta có thể nổi lòng ham muốn, nhưng thật ra cõi này đầy khổ sở, ganh ghen, keo bẩn và chiến tranh. Loài A tu la thường được xếp thấp hơn loài người không phải vì mức sống mà vì tâm thái của họ. Họ có thể rất thông minh, nhưng không bao giờ có được khả năng hiểu chân tánh của thực tại, hay khởi lòng vị tha.

  • #Cõi A tu la hưởng nhiều lạc thú hơn cõi người, nhưng thua cõi trời
  • #Điên cuồng gì ghen tức đời sống xa hoa của loài trời, họ luôn gây chiến tranh
  • #Trong cõi sống khốn khổ ấy, họ không bao giờ có được khả năng hiểu chân tánh của thực tại hay khởi lòng vị tha

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.2 Khổ cõi a tu la



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 230 — NIỀM VUI LỚN Ở CÕI TRỜI LÀ CÁI BẪY DẪN VÀO ĐỊA NGỤC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chư thiên ở cõi trời dục giới hưởng được niềm vui lớn nhờ thiện nghiệp đã làm trong quá khứ. Tiếc thay khi sống ở ở cõi trời họ không được gì ngoài việc hưởng hết phần thiện báo của mình. Chìm đắm trong lạc thú, họ không còn tâm trí đâu để nghĩ đến bất cứ điều gì khác, nên không có khả năng tạo thêm thiện nghiệp. Đến khi thiện báo cạn hết, họ lại đọa rơi, chịu nỗi khổ lớn.

§ Chư thiên ở cõi trời hữu sắc được sinh vào đó là nhờ buông xả toàn bộ cảnh dục giới, hoàn thành chín bước tu thiền chỉ, đạt tịnh chỉ. Ở trong cõi định này, tâm có thể trụ vững nơi đề mục, thoát mọi niệm tưởng. Đây là đường tu thế gian, không phải đường tu giác ngộ, dù cả hai đường tu đều phải đạt tịnh chỉ như nhau. Chư thiên cõi trời hữu sắc chán ngán lạc thú giác quan trong luân hồi, nhưng tiếc thay họ không chán toàn bộ sinh tử luân hồi, ngược lại cho rằng an lạc cõi định là niềm an lạc chân chính.

§ Quán sự rỗng rang thì không làm gì phát được tâm bồ đề và khai được trí tuệ chứng tánh không. Không những không khai tuệ mà còn nuôi lớn vô minh, đọa sinh cõi thô lậu. Có khi còn tệ hơn. Khi chư thiên cõi trời vô sắc đối diện với cái chết, họ thấy mình sắp phải đọa rơi, nhớ lại những gì đã đưa mình đến chóp đỉnh cõi sinh tử. Họ nghĩ rằng bao công sức bỏ ra thật chẳng ích gì, đâu làm gì có giải thoát. Cứ thế tâm họ nổi tà kiến, đẩy họ vào địa ngục.

  • #Tái sinh vào cõi trời sẽ khiến mình hưởng sạch thiện báo, chịu khổ đau lớn
  • #Chư thiên cõi sắc giới đạt được pháp định hoàn hảo, nhưng không thuộc về đường tu giác ngộ
  • #Quán sự rỗng rang chỉ nuôi lớn vô minh khiến sinh vào cõi thô lậu

! KHỔ LUÂN HỒI
! 2 Khổ thiện đạo
! 2.3 Khổ cõi trời



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 231 — NGOÀI KHỔ ĐAU THÔ LẬU HÃY CÒN NHIỀU LỚP KHỔ ĐAU KHÁC BUỘC TA VÀO SINH TỬ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong kinh Tứ Diệu Đế, đức Phật giải thích khổ đau có nhiều loại — sáu loại, tám loại, vân vân — nhưng chủ yếu có ba loại chính: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Mọi giáo pháp Phật dạy về khổ đều quy về ba loại khổ ấy. Hiểu được ba loại khổ này thì dễ dàng thấy được trọn biển khổ sinh tử đều nằm gọn trong đó.

§ Hành khổ là nền tảng của hai loại khổ còn lại. Khổ khổ và hoại khổ giống như bọt nước nổi trên mặt nước của hành khổ. Từ nước mà nổi lên bọt nước, tương tự như vậy, từ hành khổ mà sinh ra tất cả mọi khổ đau. Sống với hạt giống của vọng tâm phiền não thì làm việc gì cũng đều sinh thêm nhiều phiền não, gieo thêm nhiều chủng nghiệp vào dòng tâm thức, từ đó khổ đau trổ quả càng nhiều. Chúng ta kẹt cứng trong cái vòng lẩn quẩn bất tận này. Sự thật là như vậy, đúng y như lời Phật dạy, không nói ngoa, không nói quá. Với trí toàn giác, đức Phật thấy rõ bản chất của thực tại, thấy chúng ta vướng kẹt trong luân hồi như thế đó, chịu khổ như thế đó. Y như lời Phật mô tả.

§ Không quán khổ đau của toàn bộ luân hồi thì sẽ chỉ biết tránh mỗi loại khổ đau thứ nhất là khổ khổ. Nếu biết được rằng hai loại khổ kia cũng trói ta vào luân hồi, đẩy ta vào khổ khổ, tự nhiên sẽ muốn tìm cách thoát mọi lớp khổ đau, kể cả hành khổ.

  • #Kinh Tứ Diệu Đế tóm gọn mọi giáo pháp Phật dạy về khổ thành ba loại
  • #Hành khổ là nền tảng của hai loại khổ kia
  • #Hiểu được cả ba mức độ khổ này rồi sẽ tự nhiên kiếm cách thoát hết cả ba

! KHỔ LUÂN HỒI
! 3 Ba loại khổ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 232 — BẤT CỨ THỨ GÌ KHIẾN KHÔNG VUI ĐỀU THUỘC LOẠI KHỔ KHỔ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khổ khổ là thứ ai ai cũng đều nhận ra và đều muốn thoát. Thứ khổ này người biết, súc sinh biết, quỷ đói biết, chúng sinh cõi địa ngục cũng biết. Khổ khổ bao gồm tất cả mọi đớn đau phiền muộn quấy nhiễu thân tâm ai nấy đều muốn vất bỏ. Thứ gì chúng ta không ưa đều thuộc về khổ khổ.

§ Chỉ cần xem tin tức trên báo hay trên đài truyền hình là có thể thấy được vô số chúng sinh đang phải chịu khổ đau khủng khiếp. Chiến tranh, nạn đói, hạn hán, lũ lụt, và đủ loại thiên tai hoành hành gây khó khăn cho nhiều nơi, càng lúc thế giới này càng nhiều người đói kém hơn là no đủ. Nhưng dù thuộc thành phần thiểu số có được đời sống no đủ, họ vẫn phải chịu khổ đau tinh thần, làm mất hết cơ hội sống vui. Triệu phú luôn ngổn ngang lo lắng cho an nguy của bản thân và tài sản, cho những cuộc chiến với những ai đang lăm le muốn chiếm đoạt sở hữu của họ. Ăn mày có vấn đề của ăn mày, phú ông có vấn đề của phú ông. Cầu thủ đá banh có vấn đề của cầu thủ đá banh, người hâm mộ cũng vậy. Người diễn xiếc và người xem xiếc, chính trị gia và người bỏ phiếu, ai nấy đều có vấn đề riêng. Không có bất cứ mặt nào ở bất cứ xã hội nào mà lại không có vấn đề.

§ Hiểu được khổ khổ thì xem tin tức sẽ thành pháp tu giúp ta phát tâm buông sinh tử. Xem đài truyền hình, đi ngoài đường, thấy người khác gặp vấn đề, tất cả đều trở thành thiền quán về khổ khổ. Tất cả những gì mình thấy được đều là lời dạy về khổ nạn sinh tử luân hồi, cho chúng ta thấy rõ đây không phải là hạnh phúc chân chính, biết mình cần buông hết toàn bộ sinh tử luân hồi này.

  • #Khổ khổ là thứ mà chúng ta ai nấy đều biết và đều muốn thoát
  • #Nhìn vào bất cứ mặt nào của xã hội cũng đều thấy ra cả một đại dương khổ nạn
  • #Hiểu được điều này thì chỉ đơn giản đọc báo cũng khiến ta thôi thúc muốn buông sinh tử luân hồi

! KHỔ LUÂN HỒI
! 3 Ba loại khổ
! 3.1 Khổ khổ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 233 — BẤT CỨ THỨ GÌ TA TƯỞNG LÀ VUI THẬT RA CHỈ TOÀN LÀ BẤT HẠNH — LAMA YESHE

§ Tổ Tsongkhapa nói rằng, “Còn trong luân hồi thì không bao giờ có được hạnh phúc.” Nghe mà nổi cơn trầm cảm, đúng không nào? Ý của Tổ là những kinh nghiệm khoái lạc có tự tánh ấy, mình tưởng đó là hạnh phúc nhưng thật ra không phải. Tổ cho ví dụ như sau:

§ Đói thì thấy khổ. Nếu không ăn thì sẽ càng lúc càng đói, nỗi đớn đau vì đói càng lúc càng tăng. Rồi được ăn, cảm giác đói biến mất, chúng ta ghi nhận đó là hạnh phúc. Gọi được ăn là hạnh phúc, nhưng cái được gọi là hạnh phúc ấy thật ra chỉ là sự ngưng khổ vì đói. Không còn đói dữ dội nữa thì nói rằng, “Bây giờ tôi vui rồi, bây giờ thật thoải mái.” Quý vị có nghĩ đó là hạnh phúc hay không? Chỉ là ngưng cảm giác đói dữ dội, đó có phải là hạnh phúc chân chính hay không? Đây mới là câu hỏi cần đặt ra.

§ Ví dụ của Tổ thật đơn giản, thực tế. Chúng ta cần hiểu vấn đề một cách thực tế, đừng hiểu mông lung. Tổ dạy rằng khi đói mà được ăn, ban đầu sẽ thấy dễ chịu, nhưng cảm giác dễ chịu này từ từ sẽ biến thành khổ đau, vì ăn quá nhiều. Nói vậy dễ hiểu mà, đúng không? Tôi thấy quá đúng. Buổi tối lúc mới ăn tôi luôn thấy dễ chịu, nhưng ăn được một lúc thì bắt đầu thấy khó chịu. Mới ăn thấy dễ chịu thì gọi đó là vui. Nói cách khác, thứ vui này chỉ là do tâm phóng tưởng mà có. Mình tưởng một thứ gì đó là hạnh phúc, gọi đó là “hạnh phúc,” thật ra chỉ là thứ sẽ mang đến khổ đau.

  • #Niềm vui có tự tánh mà mình có đây, thật ra không phải là hạnh phúc chân chính
  • #Bắt đầu hết đói thì gọi đó là hạnh phúc
  • #Tưởng một thứ gì đó là hạnh phúc, thật ra chỉ là thứ sẽ mang đến khổ đau

! KHỔ LUÂN HỒI
! 3 Ba loại khổ
3.2 Hoại khổ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 234 — KHÔNG HIỂU VỀ HÀNH KHỔ THÌ SẼ KHÔNG BIẾT VẤN ĐỀ MÌNH ĐẾN TỪ ĐÂU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hành khổ là thứ cần hiểu và cần bỏ nhất. Khổ khổ thì đến cả loài súc sinh cũng hiểu được và không muốn. Nhiều người cũng thấy được sự tai hại của lòng tham, cốt lõi của hoại khổ. Nhưng hành khổ mới là thứ thật sự buộc ta vào luân hồi, là thủ phạm gây nên hai loại khổ kia.

§ Thân ngũ uẩn mình đang có đây chính là hành khổ. Như đức Đalai Lama thường nhấn mạnh, “hành” có nghĩa là tất cả đều bị phiền não và nghiệp khống chế. Vì vậy mà thấy lo sợ, cô đơn, trầm cảm, với đủ loại cảm nhận tiêu cực khác. Tây phương có khoa tâm thần học và khoa tâm lý học tìm hiểu vì sao người ta gặp vấn đề trong cảm xúc. Thật ra câu trả lời nằm ở ngay đây. Vì vọng tâm phiền não nên tâm xáo trộn không vui. Vì tham nên bám dính vào cảm giác thoải mái vui vẻ, sợ gặp cảnh khó chịu không vui. Vì tham nên bận tâm việc thế tục. Trăm vạn vấn đề quấy nhiễu đời ta đều đến từ gốc rễ vô minh điên đảo lan tràn trong tâm. Gọi là “hành” bởi vì từ tập khí này, một khối thân tâm tương tự sẽ phát sinh. Thân ngũ uẩn đang có trong hiện tại sẽ sinh ra thân ngũ uẩn tương tự trong tương lai, để lại phải tiếp tục chịu ba loại khổ.  Nói cách khác, khối hợp thể thân và tâm trong hiện tại sẽ tạo ra một khối hợp thể thân và tâm khác, ngũ uẩn của kiếp sau, vốn mang cùng tính chất khổ đau với kiếp này.

§ Với cái thân bất tịnh và cái tâm phiền não điên đảo này là đủ để phải chịu hành khổ. Thật không có vấn đề nào vĩ đại hơn vấn đề này. Vì lỡ lấy cái thân phàm phu này nên cả đời phải tất bật cung phụng nó như nô lệ. Có cái thân ô nhiễm này chẳng khác gì sống trong hố rác hay hố phân.

  • #Hành khổ là thứ cần hiểu và cần bỏ nhất
  • #Dưới sự khống chế của phiền não và nghiệp, chúng ta đời đời trôi lăn trong khổ đau
  • #Có cái thân ô nhiễm này chẳng khác gì sống trong hố rác hay hố phân

! KHỔ LUÂN HỒI
! 3 Ba loại khổ
! 3.2 Hành khổ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 235 —CHÚNG TA LÀM NÔ LỆ CHO CƠM ÁO GẠO TIỀN, CHO THAM LAM BÁM DÍNH CHUYỆN ĐỜI NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mù tịt không biết gì về nguyên nhân tạo vui gây khổ nên kẻ phàm phu như chúng ta đây cứ nghĩ rằng mình ra sức là để được hạnh phúc, có biết đâu chỉ đang không ngừng tạo nhân mang khổ đến. Chúng ta luôn khiến mình bận rộn, tất bật ngày đêm như con kiến loạn xạ chạy lên cây xuống đất. Đến cả lòng tham cho kiếp sau cũng chẳng có, chỉ biết bám dính vào mỗi kiếp hiện tiền nên bất kể làm gì, nói gì, nghĩ gì, cũng đều là ác nghiệp.

§ Xét trên phương diện này chúng ta có khác gì loài côn trùng, chỉ như con nhện hay con kiến, động cơ y hệt như nhau. Tỷ phú, thiên tỷ phú, hay tỷ tỷ phú gì cũng vậy, cũng có cùng một động cơ như nhau. Từ vô lượng sinh tử đến giờ, chúng ta đã từng là tỷ phú, thiên tỷ phú, tỷ tỷ phú, vua loài trời, vua loài người, đã từng là Phạm thiên, Đế thích, vô số lần rồi. Nhưng cũng chỉ như mấy con sên bò ra khi mưa. Có khác gì đâu, toàn là vất vả cho đời này, làm việc gì cũng thành việc bất thiện.

§ Chưa thoát vòng kềm tỏa của phiền não và nghiệp thì cứ khổ mãi không thôi với những là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Chúng ta đã từng nếm đủ mọi khổ đau khắp sáu cõi sinh tử, khổ đi khổ lại mãi, triền miên không dứt. Điều cần làm là thoát ra khỏi toàn bộ cảnh sinh tử luân hồi, đạt tiểu niết bàn với sự an lạc vắng khổ. Nhưng bấy nhiêu cũng không đủ. Tốt hơn phải đạt đại niết bàn, quả giác ngộ viên mãn. Cần độ mình thoát cả những che chướng vi tế nhất gọi là trí chướng, và đặc biệt là phải vì chúng sinh mà thực hiện việc này. Vì muốn độ chúng sinh sớm thoát biển khổ và đạt đại niết bàn nên chính mình phải đạt quả đại niết bàn càng nhanh càng tốt.

  • #Chúng ta khiến mình tất bật ngày đêm chỉ để gieo thêm nhiều nhân tạo khổ
  • #Tỷ phú ra sức cho đời này có cùng một động cơ với loài côn trùng
  • #Thoát khổ không đủ, phải thành tựu quả đại bồ đề

! KHỔ LUÂN HỒI
! Kết [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 236 — BẢN TÁNH CỦA LỬA LÀ CHÁY; BẢN TÁNH CỦA LUÂN HỒI LÀ KHỔ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn hưởng cảnh luân hồi mà không muốn khổ thì thật là vô ích. Vấn đề là phải  gắng mà thoát khỏi luân hồi. Chưa thoát được thì bắt buộc phải chấp nhận cảnh khổ, gặp chuyện không vui phải nghĩ rằng, “Đương nhiên rồi. Luân hồi mà! Làm gì mà chẳng khổ khi còn ở trong cái cõi luân hồi này.”

§ Thành ra chẳng cần lo lắng. Gặp cảnh bất hạnh nếu thấy không đành lòng, thấy bất công, thấy lẽ ra mình đâu phải chịu cảnh này, thì như vậy chỉ khiến khổ nhân lên gấp đôi, vấn đề càng thêm lớn. Khổ nhiều hay ít là tùy cách suy nghĩ của mình. Biết đón nhận thì sẽ không bị sốc khi gặp chuyện không vui. Tâm sẵn sàng chờ khổ đến, dù gặp tình huống nào cũng đối phó tốt hơn nhiều. Giống như khi nhảy vào nước. Nước lạnh mà tưởng ấm thì sẽ bị sốc. Nhưng nếu biết nước này lạnh thì không còn thấy bất ngờ. Chúng ta biết mình đang sống trong luân hồi, biết khổ là đương nhiên, bởi vì bản chất của luân hồi vốn là như vậy.

§ Nghĩ như vậy sẽ biết gánh khổ đau của chính mình. Thấy đây là kết quả của nghiệp bất thiện mình đã gieo trong quá khứ. Nhờ đó biết đây là phần trách nhiệm là của chính mình, không còn trỏ tay đổ lỗi cho ai khác. Nhận biết mình là thủ phạm duy nhất thì sẽ quyết tâm không gieo thêm nhân ác để đừng gánh thêm khổ trong tương lai.

  • #Còn trong luân hồi thì còn khổ, đây là điều không thể tránh
  • #Gặp cảnh bất hạnh mà thấy bất công thì chỉ khiến khổ tăng đôi
  • #Gánh trách nhiệm trước khổ đau của chính mình sẽ giúp chúng ta tăng cường ý chí muốn thoát luân hồi

! KHỔ LUÂN HỒI
! Kết [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 237 — KHÔNG CẦN THAY ĐỔI BÊN NGOÀI, CHỈ CẦN ĐƠN GIẢN THAY ĐỔI Ở BÊN TRONG — LAMA YESHE

§ Phải nên hết mình tận hưởng lạc thú của đời sống vật chất, nhưng cùng lúc phải biết rõ bản chất của lạc thú ấy là gì, cả món vật được hưởng và cái tâm đang hưởng, cùng mối tương quan giữa hai điều này. Hiểu được sâu xa những điều này thì đó chính là tu.

§ Còn nếu không có chút khái niệm nào về những điều này, chỉ biết nhìn từ bên ngoài chứ không từng soi vào phía bên trong, thì như vậy tâm của chúng ta sẽ rất thiển cận. Thầy thấy đó là duy vật. Duy vật không phải vì sở hữu tiền tài vật chất, mà vì thái độ. Nói ví dụ Thầy trút hết đời mình vào một đối tượng, “Hoa này quá đẹp, có nó đời tôi mới đáng sống. Nó mà chết thì tôi cũng muốn chết theo.” Nếu Thầy tin như vậy, quý vị thấy Thầy có ngu xuẩn lắm không? Muốn thực tế hơn thì phải nghĩ như vầy, “Hoa đẹp thật, nhưng không bền. Nay còn, mai mất. Tuy vậy, tôi không sống vì một đóa hoa. Sinh ra làm người đâu phải chỉ để ngắm hoa.”

§  Bất cứ hiểu được gì, nhờ tôn giáo, nhờ Phật giáo, hay nhờ tư tưởng triết lý, thì phải ứng ngay sự hiểu của mình vào trong đời sống cơ bản hàng ngày. Có vậy mới thử nghiệm được, “Bất mãn này có phải là đến từ tâm của chính mình hay không?” Thế là đủ. Không cần cực đoan thay đổi cả cuộc sống, hay đột ngột bứng mình ra khỏi thế giới này để thấy ra rằng bất mãn này đến từ tâm mình. Chúng ta có thể tiếp tục sống bình thường, chỉ cần vừa sống vừa cố gắng quan sát bản chất của cái tâm bất mãn. Đây là cách tiếp cận thực tế và thực dụng. Làm theo như vậy nhất định sẽ tìm ra câu trả lời.

  • #Phải vừa tận hưởng lạc thú của đời sống vật chất vừa hiểu rõ bản chất của lạc thú này
  • #Chủ nghĩa duy vật là cái tâm thiển cận nhìn mọi sự từ bên ngoài hơn là từ bên trong
  • #Chúng ta sẽ tìm thấy mọi câu trả lời nhờ quan sát bản chất của tâm bất mãn

! KHỔ LUÂN HỒI
! Kết [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#Ngày 238 — KHÔNG MUỐN KHỔ THÌ KHÔNG CÓ CHỌN LỰA NÀO KHÁC: PHẢI HÀNH TRÌ CHÁNH PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Từ vô thủy sinh tử cho đến ngày nay, vọng tâm bất thiện đã khiến ta phải triền miên chịu bao khổ não. Bao nhiêu biển khổ của mọi cõi trong luân hồi chúng ta đều đã trải qua, vô số lần, từ vô thủy sinh tử. Nghĩ lại cho kỹ sẽ thấy chẳng phải là mình có trăm ngàn việc để làm, để suy nghĩ, để tạo dựng. Rất đơn giản, thấy không? Chỉ một việc chận được mọi khổ đau, đó là hành trì chánh pháp. Chốt lại đáp án là phải hành trì chánh pháp. Chỉ vậy thôi.

§ Người đời nay sống đến cả trăm tuổi, nhưng chẳng có được bao nhiêu thời gian. Đã vậy càng lúc lại càng ít đi, quá ít ỏi hiếm hoi, cứ bị thúc ngắn dần. Còn được bảy mươi, sáu mươi, ba mươi hay hai mươi năm, đâu ai biết. Một năm, một tháng, một tuần hay một ngày, chắc chắc rồi cái chết sẽ đến, chỉ không biết lúc nào. Đâu có gì nhiều để suy nghĩ ngoài việc thực hành chánh pháp. Đây là điều chắc chắn. Chỉ có một quyết định duy nhất trong đời, chỉ một việc duy nhất để làm, đó là hành trì chánh pháp. Mọi thứ khác đều là vô nghĩa.

§ Chúng ta đã khổ vô số lần từ vô thủy sinh tử, việc đang làm đời này có gì là mới đâu. Việc gì cũng đã làm vô số lần rồi. Khỏi cần nhớ đến khổ đau bất tận trong sinh tử, hay biển khổ của từng cõi sẽ phải chịu trong tương lai, chỉ cần nghĩ đến khổ đau mà mình đã chịu trong các đời quá khứ, bấy nhiêu quá đủ cho mình hành trì chánh pháp. Nghĩ đến những điều này tự nhiên mọi thứ không thuận với chánh pháp sẽ ngừng, và chúng ta sẽ chuyên tâm hành trì chánh pháp.

  • # Hành trì chánh pháp là việc duy nhất chấm dứt cảnh tái sinh triền miên từ vô thủy sinh tử
  • #Chết có thể đến bất cứ lúc nào, mọi việc không thuận với chánh pháp đều chỉ là vô nghĩa
  • #Nhớ đến vô số khổ đau mà mình phải chịu trong quá khứ sẽ thúc đẩy chúng ta hành trì chánh pháp

! KHỔ LUÂN HỒI
! Kết [4]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 239 — MUỐN VUI THÌ PHẢI XÉT LẠI LỐI SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH — LAMA YESHE

§ Không phải chỉ ai tu mới cần sự giải thoát. Nếu hiểu được hoàn cảnh và lối sống của mình thì dù không tu vẫn có thể thấy bản thân mình điên đảo và bất mãn đến mức nào; thấy những gì mình tưởng là hạnh phúc thật ra chỉ làm tăng thêm ham muốn chứ không thật sự mang đến niềm vui. Chúng ta cũng thấy được rằng cảnh khổ làm mình dễ nổi sân, cảnh dửng dưng làm mình thêm ngu si u tối. Đó là luân hồi. Trọn cuộc sống của mình biến thành luân hồi. Không phải vì sống mà luân hồi. Không phải vậy đâu nhé. Luân hồi có liên quan tới thái độ ngu si, chấp trước, và đần độn của mình. Đây mới là những thứ làm cho cuộc sống của mình biến thành luân hồi. Gọi luân hồi vì đây là một vòng tròn, chúng ta cứ đi mãi đi mãi theo vòng tròn lẩn quẩn bất tận ấy.

§ Tu thiền sẽ cởi thoát mọi cảm giác tự đáng thương lẩn quẩn ấy. Thoát được rồi thì đời sống sẽ ổn định hơn. Bớt kỳ vọng vì hiểu được bản tánh của sự vật vốn chỉ có thể mang đến chút niềm vui tạm bợ giới hạn. Chờ đợi áo quần mang đến cho mình niềm vui bất tận thì chắc chắn sẽ thất vọng. Con người cũng vậy, chẳng thể mang đến cho nhau niềm vui vĩnh cửu. Một ông thầy chùa khỉ đột núi Hy mã lạp sơn như tôi đây, chắc chắn không thể mang đến cho quý vị niềm vui vĩnh cửu. Mọi mối quan hệ trên khắp thế gian đều là như vậy cả. Không ai có khả năng mang niềm vui vĩnh cửu đến cho ai. Mỗi người đều phải tự mình cố gắng hoàn thiện tâm của chính mình.

§ Giáo pháp Phật dạy thật là đơn giản. Chúng ta chỉ cần nhìn lại đời mình. Tìm hiểu mình sống ra sao là bước đầu tiên dẫn đến tâm buông sinh tử. Phát được tâm buông sinh tử thì nhập giải thoát đạo. Biết luân hồi hoạt động như thế nào, sự biết này tự nó đã là buông sinh tử.

  • # Thái độ ngu si chấp trước của mình chính là thứ khiến mình điên đảo và bất mãn
  • # Tu thiền sẽ giúp ta hiểu được thực chất của mọi sự và bớt kỳ vọng
  • # Phát được tâm buông sinh tử thì nhập giải thoát đạo.

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! Dẫn nhập



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 240 — GỐC RỄ TÂM LÝ CHƯA HIỂU THÌ VẤN ĐỀ CHƯA THỂ CHẶT BỎ — LAMA YESHE

§ Phật giáo mô tả sáu loại phiền não căn bản khiến tâm bức xúc, bất an, xáo trộn, đó là: si, tham, sân, mạn, nghi, và ác kiến. Đây là những trạng thái của tâm, không phải thứ gì ở bên ngoài. Muốn hàng phục sáu loại phiền não gốc rễ của khổ đau này mà chỉ dựa vào tín ngưỡng và niềm tin là không đủ. Chúng ta cần phải hiểu bản chất của chúng là gì.

§ Không dùng tuệ quán để quán chiếu tâm của chính mình thì sẽ không bao giờ thấy được trong tâm có những gì. Không kiểm soát tâm và cảm xúc thì dù có nói nhiều đến đâu cũng sẽ không bao giờ thật sự hiểu được cảm xúc căn bản của chúng ta luôn là vị kỷ, và đây chính là thứ khiến ta vọng động. Thật ra muốn thắng bản ngã không cần phải vất bỏ sở hữu. Giữ hết không sao. Sở hữu không phải là thứ khiến đời ta khốn đốn. Vọng động là vì tham mà bám chặt vào những thứ của mình. Ngã và tham vấy bẩn tâm, khiến tâm trở nên mờ mịt, ngu dốt, kích động, và làm cho nguồn ánh sáng trí tuệ không thể lan tỏa. Giải pháp của vấn đề này là pháp tu thiền.

§  Tu thiền không phải chỉ là tĩnh tâm ngồi một chỗ không làm gì cả. Thiền là trạng thái tỉnh thức, đối nghịch với sự trì trệ. Thiền là trí tuệ. Khi tu thiền, chúng ta phải ý thức từng khoảnh khắc sống trong ngày, biết rõ việc mình làm, tại sao làm, và làm bằng cách nào. Phần lớn chúng ta luôn hoạt động trong vô thức. Ăn trong vô thức, uống trong vô thức, nói trong vô thức. Tự cho là mình có ý thức, nhưng mớ phiền não đang hoành hành trong tâm, chi phối mọi việc làm, mình có thấy được gì đâu. Phải tự xét, phải thí nghiệm. Tu theo Phật pháp là như vậy. Theo Phật pháp thì bất cứ việc gì cũng có thể tự xét bằng kinh nghiệm bản thân, xem có thật đúng hay là như vậy hay không.

  • # Có sáu loại phiền não căn bản gây bức xúc, quấy nhiễu sự bình an trong tâm người
  • # Quán tâm thì thấy tâm mình xáo trộn là vì cái ngã
  • # Tu thiền là giải pháp: ý thức hoàn toàn việc mình đang làm, tại sao làm, và làm bằng cách nào.

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 241 — NẾU PHẬT PHÁP CHỈ HỌC ĐÚNG MỘT THỨ DUY NHẤT THÌ ĐÓ PHẢI LÀ: MỌI VẤN ĐỀ TRÊN QUẢ ĐẤT NÀY ĐỀU PHÁT XUẤT TỪ LÒNG THAM — LAMA YESHE

§ Theo quan điểm của Phật pháp, hễ còn chưa thấy ra kẻ thù thật sự đang nằm ở bên trong thì sẽ không cách gì biết được cái tâm tham chấp mới chính là gốc rễ của mọi vấn đề khiến thân tâm mình vất vả. Ngược lại, thấy được nguồn gốc tâm lý của mọi vấn đề, hiểu được tánh chất của lòng tham, biết nó hoạt động kiểu gì mà lại biến mình thành thứ hung dữ, tham lam đầy oán hận như thế, tâm của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ.

§ Gặp lúc yên lành chúng ta sẽ thấy, “Ôi, tôi thật an nhiên tự tại, tu thiền tốt ghê, đạt cảnh giới cao đến thế,” nhưng khi xuống phố hay ra chợ, bị người khác va vào là xoắn lên ngay. Bởi không đang ngồi thiền mà đang đi nên cái tâm bỏ ngỏ không ai quản thúc. Nhưng nếu hiểu được cơ cấu tâm lý của lòng tham, biết mình phản ứng kiểu gì thì cũng chỉ vì tham, được vậy sẽ không dễ bị xoắn và sẽ thật sự có khả năng làm chủ cái tâm của chính mình, dù đang ở đâu hay với ai.

§ Ở đây Thầy không nói triết lý mà là chỉ nêu ra sự thật đến từ kinh nghiệm sống. Không riêng gì Phật giáo, tôn giáo nào khác cũng đều nhìn nhận sự tai hại của lòng tham. Đến cả người đời cũng nói tham là không tốt. Tuy vậy, cho dù có nói “lòng tham thế này, lòng tham thế kia” thì cũng vẫn chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, chúng ta không thật sự thấy được rằng tham mới là vấn đề lớn nhất quả đất. Ý Thầy là, phải chi mình biết được vấn đề nào đổ xuống đầu mình cũng đều chỉ vì mình tham. Mâu thuẫn với chồng, vợ, con cái, xã hội, chính quyền, mọi người; bị bôi nhọ; bị bạn bè ghét bỏ; bị người khác nói xấu; ghét thầy, ghét sư phụ, ghét cha cố, tất cả chẳng qua chỉ vì mình tham. Điều này cần phải tự mình xét lấy xem có đúng là như vậy hay không.

  • # Tham là gốc của mọi vấn đề khiến thân tâm vất vả
  • # Hiểu được cơ cấu tâm lý của lòng tham thì sẽ học được cách làm chủ tâm mình
  • # Nếu xét lại sẽ thấy tham là vấn đề lớn nhất quả đất

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.2 Tham



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 242 — MỖI KHOẢNH KHẮC NỔI SÂN MẤT KIỂM SOÁT ĐỀU LÀM TĂNG NĂNG LỰC SÂN HẬN TRONG TA — LAMA YESHE

§ Sân là thứ ác nghiệp tệ hại bậc nhất. Không những nó phá sạch đời sống sung túc yên lành vui vẻ của mình trong hiện tại, mà còn phá luôn cả đời sau. Đâu phải tự nhiên vô cớ mà lọt vào cõi tối ám, đúng không? Vì nhân quả nên năng lượng của tâm sân hận gây xúc tác và kết quả là hoàn cảnh này và tấm thân này. Phật giáo tin rằng điều gì cũng có nguyên nhân. Mọi thứ đều có quá trình biến chuyển riêng của nó.

§ Thành ra đối với chúng ta điều quan trọng nhất là phải làm chủ cơn giận của mình. Thầy nghĩ sân hận tàn phá mọi phẩm giá tốt đẹp của con người. Vì vậy, làm chủ sân hận là điều rất quan trọng. Lấy ví dụ, nổi nóng một phát là vỡ nát tình bạn hai, ba chục năm. Bạn bè sát cánh lâu năm, nổi nóng lên là tiêu tan tất cả. Nóng lên rồi thì còn biết quan tâm gì nữa. Có tin nổi không chớ? Thật khó tin nhưng một khoảnh khắc nổi nóng có thể phá sạch khối tình thân tích lũy cả mấy chục năm, đẩy mình vào cảnh hoang tàn khổ sở. Người ta thường gặp chuyện như vậy, đúng không?

§ Phật giáo khuyến cáo chúng ta đừng nên để cơn giận phát xuất thành lời nói hay hành động, vì đến khi ấy thì năng lực sân hận đã quá mạnh, quá khủng khiếp. Trước khi cơn giận biểu lộ thành lời nói và hành động, chúng ta phải sớm dứt khoát đối đầu, làm chủ nó ngay. Phải làm sao để tiêu hóa hay buông bỏ cơn giận này, bằng thiền định, thiền quán, hay bằng bất cứ phương tiện khả thi nào khác.

  • # Sân hận phá tan sự an lành không những của đời này mà của cả đời sau
  • # Nổi nóng dù chỉ một trong khoảnh khắc ngắn ngủi cũng đủ phá tan mối tình thân lâu năm
  • # Phải làm mọi cách để khống chế và buông bỏ cơn giận

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.2 Sân



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 243 — SI LÀ CĂN NHÀ KHÔNG CỬA, HOÀN TOÀN TỐI ĐEN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Si [hay vô minh] có hai loại: một là cái thấy mờ mịt về cảnh hiện của tục đế; và hai là cái thấy mờ mịt về cảnh thật của chân đế. Loại vô minh thứ nhất là cái tâm không thấy, không biết, giống như mắt mà nhắm thì không thấy được đối cảnh. Vô minh về tục đế như vậy có nghĩa là không hiểu nghiệp, về tứ đế, hay không hiểu về đối tượng quy y Phật Pháp Tăng.

§ Có thể lấy sợi dây thừng làm ví dụ cho sự khác biệt giữa hai loại vô minh này.  Giả sử vì nhìn không rõ nên không thấy ra sợi dây:  không thấy được sợi dây thì giống vô minh về tục đế; còn tưởng sợi dây là con rắn thì giống vô minh về chân đế. Chúng ta thấy có cái tôi cũng giống như nhìn dây mà thấy rắn, mặc dù thật ra không có rắn.

§ Vô minh thì nhắm mắt mà đi, không thấy được bất cứ thứ gì. Xung quanh đều là nhân và quả nhưng chúng ta bị mù, gieo việc bất thiện rồi ngạc nhiên không hiểu vì sao mình lại khổ. Không thấy được tham và sân đẩy mình vào khổ đau như thế nào, cũng không hiểu gì về Tam bảo, không biết Tam bảo có khả năng cứu ta thoát hiểm, cần thiết đến mức nào trong cuộc sống. Tệ nhất là không thấy được cái tôi và mọi thứ trên đời đều không có tự tánh. Đây là loại vô minh căn bản, mọi khổ đau đều từ đó mà ra.

  • # Si là không hiểu rõ về nghiệp, tứ đế và đối tượng quy y
  • # Si khiến ta lầm về cảnh hiện tục đế và cảnh thật chân đế
  • # Si là cội nguồn của mọi khổ đau

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.3 Si



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 244 — MẠN LÀ THÁI ĐỘ THỔI PHỒNG LÊN, TRÁI VỚI HIỆN THỰC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Mạn là cảm giác mình hơn người, như thể đứng trên đỉnh cao nhìn xuống. Thấy người khác không bằng mình, thấy mình hơn người ta. Có thể là thấy mình thông minh hơn, làm từ thiện rộng rãi hơn, đẹp hơn, ăn nói khéo léo hơn, hay ở một quốc gia hùng mạnh hơn. Có hàng triệu lý do có thể khiến ta kiêu hãnh. Cảm giác như được thổi phồng đầy ắp. Chúng ta không hề thấy suy nghĩ như vậy có gì là không đúng, thật ra chúng ta thường vẫn kiêu hãnh với sự kiêu hãnh của mình.

§  Mạn đầy ắp trong tâm thì không còn chỗ để nhận về bất cứ thứ gì. Dù có nghe pháp, tâm cũng khó lòng có được lợi ích gì. Gặp điều chưa hiểu, tâm ngạo mạn sẽ cản không cho ta nhờ người khác giải thích. Nhìn bên ngoài thấy giống người tu, nhưng ngạo mạn khiến ta không bao giờ đạt được ba mục tiêu lớn là an lạc đời sau, quả giải thoát, và quả giác ngộ.

§  Mạn này muốn khống chế không khó. Chỉ cần thực tế nhìn vào mức độ thành tựu của mình là tự nhiên sẽ khiêm tốn ngay. Nhìn lại tất cả những thành tựu mà mình chưa đạt, sẽ thấy con đường trước mắt hãy còn rất dài. Hiện giờ mặc dù đã có được thân người quý giá, nhưng có đã tận dụng được cơ hội này chưa? Đến khi chết, có chắc chắn được 100%  hay không, là mình sẽ không sa vào ác đạo? Có nói chắc được hay không, rằng mình sẽ không bao giờ tích lũy ác nghiệp trong đời này? Nếu có câu nào trả lời là “không,” thì như vậy chẳng có gì đáng để tự hào.

  • # Mạn là cảm giác hơn người, chúng ta thường không biết được rằng cảm giác này là bất thiện
  • # Để tâm đầy ắp ngạo mạn thì Phật pháp cũng khó lòng giúp được ta
  • # Muốn khống chế tâm ngạo mạn này thì đơn giản nhất là thực tế nhìn vào thành tựu của chính mình

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.4 Mạn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 245 — NGHI CƯỚP HẾT NĂNG LƯỢNG VÀ NGHỊ LỰC, GÂY HỖN LOẠN LỚN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Nghi là thái độ không quyết, không biết chắc những thứ như là Tứ đế, nghiệp, hay Tam bảo, có phải là thật hay không. Nghi là cái tâm rất phiền phức vì nó cản hết mọi bước tiến trên đường tu. Nếu không chắc lắm về Phật Pháp Tăng và về lợi ích quy y Tam bảo thì sẽ không quy y, sẽ không trở thành “người bên trong,” không thể bắt đầu quét chướng, đắc quả. Không biết chắc nhân quả là có hay không có thì sẽ không đủ nghị lực để dứt khoát quay lưng với việc bất thiện.

§  Nghi lớn lên từ vô minh. Nghi là cái tâm bất nhất, thấy có thể đúng, có thể không, không thể quyết định. Dù có học pháp và hiểu rõ mọi đề mục trên phương diện lý thuyết, nếu chưa hết nghi thì sẽ không thành tựu được gì. Giống như có thuốc nhưng không tin uống vào sẽ hết bệnh nên không uống.

§ Khi mới tiếp cận với đường tu thì cần phải nghi mới tốt. Nhưng loại nghi ấy khác với cái nghi đang nói ở đây. Nghi ấy là thay vì mù quáng tin theo thì phải biết bỏ công tìm hiểu phân tích xem giáo pháp nói có đúng với sự thật hay không, có hiệu nghiệm với mình hay không. Phật dạy đừng tin vì đó là lời Phật, phải thử như thợ thử vàng để quyết định chất lượng. Nghi như vậy rất tốt, tìm hiểu kỹ lưỡng để đến với kết luận. Còn cái nghi nói ở đây chỉ đơn giản là không tin vào sự thật chứ không hề bỏ công tìm hiểu, đánh giá.

  • # Nghi là thái độ bất quyết về những điểm trọng yếu trong Phật pháp
  • # Nghi lớn lên từ vô minh, ngăn không cho ta đạt bất cứ thành tựu nào trên đường tu
  • # Ngược lại, hoài nghi tìm hiểu trước khi quyết định là rất điều rất tốt

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.5 Nghi



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  246 — CHẤP THỦ TÀ KIẾN NÀO CŨNG LÀ VỌNG TÂM PHIỀN NÃO, DẪN ĐẾN KHỔ ĐAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong sáu loại phiền não căn bản thì loại cuối là ác kiến, được chia thành năm thứ. Đầu tiên là thân kiến, cơ sở của các loại ác kiến còn lại. Thân kiến có nghĩa là mặc dù năm uẩn biến chuyển liên tục nhưng ta không thấy điều này, ngược lại nhìn vào đó mà thấy có một cái tôi thường hằng, chắc thật.

§ Ác kiến thứ hai là biên kiến, cũng rất vi tế và phổ biến. Biên kiến là thấy sự vật trường tồn và biệt lập, gọi là thường kiến, hay là thấy sự vật hoàn toàn không hiện hữu, gọi là đoạn kiến. Thứ ba là kiến thủ kiến, chấp một trong bốn ác kiến còn lại, cho rằng đó mới là cái thấy cao nhất, đúng nhất. Thứ tư là giới cấm thủ kiến, chấp vào giá trị đạo đức lệch lạc và giới cấm sai lầm của tín ngưỡng cá nhân của mình, cho rằng đó mới là tối cao. Loại ác kiến này là nguyên nhân của nhiều cuộc va chạm lớn trên thế giới. Văn hóa hay tôn giáo của mình có thể khuyến khích những việc làm trái đạo đức, nhưng ta vẫn thấy làm như vậy là đúng. 

§ Ác kiến cuối đơn giản gọi là tà kiến. Là bất cứ cái thấy sai lầm nào, nhưng đặc biệt là sự tin không có nghiệp, thấy toàn bộ vũ trụ, thế gian, cảnh vật và chúng sinh, không phải do nghiệp mà có, mà là do đấng tạo hóa tạo ra. Tà kiến này bao gồm cả việc thấy mọi sự đều hiện hữu có tự tánh. Ác kiến chính là cội nguồn của sinh tử luân hồi. Sống với cái thấy hư vọng này thì từ đó sẽ phát sinh đủ loại vọng tâm phiền não khác.

  • # Ác kiến cơ bản nhất là thứ gán một cái tôi thường hằng lên trên năm uẩn
  • # Các loại ác kiến khác dẫn ta đến với thường kiến, đoạn kiến, gây nhiều mâu thuẫn lớn
  • # Ác kiến thứ năm là bất cứ cái thấy sai lệch nào, nhất là không tin vào nghiệp và tánh không

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.6 Năm ác kiến



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 247 — MỌI VẤN ĐỀ ĐỀU DO CÁI TÂM PHÓNG TƯỞNG SAI LẦM — LAMA YESHE

§ Quan trọng là phải biết rằng tham, sân cùng các vọng tâm phiền não khác, cũng như mọi vấn đề chúng gây ra, tất cả đều phát xuất từ tham và ngã. Thật ra trong hai thứ này thì ngã đến trước. Vọng tâm phiền não bắt đầu với ngã, rồi tham sẽ nối đuôi theo sau. Như thế nào? Khái niệm về ngã dựng lên một phóng ảnh về cái “tôi,” tô vẽ phóng ảnh ô nhiễm ấy bằng lớp son phẩm chất. Rồi khi cái tôi nông cạn, giả tạo và hư huyễn kia nhìn vào lạc thú giác quan, nó sẽ dán cái nhãn “ưa thích” lên một số món, rồi cứ thế nổi tham, bám chặt vào đối tượng ưa thích ấy. Đây là quá trình hình thành của lòng tham, nói thật ngắn gọn.

§  Khi cái ngã vừa mở miệng nói “tôi,” chúng ta lập tức thấy mình là một thực thể hoàn toàn khác biệt với những mớ nguyên tử khác, những con người khác. Giữa tôi với người khác, chúng ta mặc nhiên thấy cái tôi quan trọng hơn. Rồi vì tham mà cái tâm thiển cận này tự chọn riêng cho mình một nguyên tử, lấy đó làm nguồn lạc thú giác quan. Rồi nó bắt chúng ta phải dửng dưng hay ghét bỏ mọi nguyên tử khác. Mọi sự bắt đầu như thế.

§ Nói cách khác, vừa nổi vọng tưởng thấy có cái tôi tự có và biệt lập là chúng ta lập tức chấp nhận có thứ không phải tôi. Rồi thấy cái thứ không phải tôi ấy nó khác với mình hoàn toàn. Nếu không có cái tôi thì cái không phải tôi cũng không có. Nhưng chúng ta dựng lên sự khác biệt này, và đây là điểm xuất phát mọi vấn đề trong luân hồi. Mọi thứ ấy đều là tạo tác của ngã, và ngã này tự nó là sản phẩm của vô minh. Vô minh là thứ tạo ra cái ngã.

  • # Vô minh bắt đầu bằng cái ngã dựng nên phóng ảnh ô nhiễm của “cái tôi”
  • # Ngã vừa nói “tôi” là chúng ta lập tức thấy mình là một thực thể biệt lập và quan trọng hơn mọi thực thể khác
  • # Đây là cội nguồn của mọi vấn đề trong sinh tử luân hồi, tất cả đều bắt nguồn từ vô minh

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 1 Phiền não căn bản
! 1.6 Trình tự phát sinh phiền não



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 248 — VẤN ĐỀ CON NGƯỜI CÓ THỂ GIẢI QUYẾT BẰNG TRÍ TUỆ  — LAMA YESHE

§ Tất cả mọi sự, dù là tin tốt, tin xấu, thiên đàng, địa ngục, luân hồi, hay niết bàn, bất kể thứ gì, hết thảy đều là tướng hiện của tâm. Khi tâm bị vô minh phủ lấp thì nó tạo khổ đau. Vì vậy muốn thoát khổ thì quan trọng là phải hiểu chân tánh của cái tâm phiền não này, cùng với sáu yếu tố khiến phiền não ấy sinh sôi nảy nở. Nhận diện và thiền quán về sáu yếu tố này là điều rất đáng làm. Sự hiểu của chúng ta có thể mạnh đến mức làm cho cái tâm trở nên thật thẳng và sáng. Bằng không chẳng làm sao vất bỏ được vọng tâm.

§ Nếu đủ năng lực tự chủ, đủ ý thức về những gì đang xảy ra trong tâm, thì không lý do gì lại không thể chỉ chọn những ý nghĩ  mang hạnh phúc đến cho mình và người. Dù bị cả thế gian chống đối nhưng nếu đủ khả năng làm chủ tâm mình thì vẫn sẽ luôn có thể chọn thấy mọi người đều là bạn, thay vì co rúm trong nỗi sợ hãi, hận thù.

§  Hãy tưởng tượng mà xem, nếu có được khả năng làm chủ tâm mình như vậy thì an vui biết mấy. Không còn điên đảo, cũng không gây vấn đề cho người hay cho mình. Cảm nhận an vui sâu thẳm ấy là kết quả đương nhiên của công phu hành trì. Bất cứ ai đủ kiên trì theo đuổi con đường tâm linh nội tại cũng đều có thể đạt được. Làm chủ tâm mình để giải quyết vấn đề không những là phương pháp hữu hiện nhất, mà còn là phương pháp dễ dàng nhất và an toàn nhất. Chúng ta có thể đạt được nguồn hạnh phúc chân chính mà không làm tổn hại đến sự an vui của bất cứ một ai.

  • # Hiểu được thực chất và nguyên nhân của phiền não thì tâm sẽ sáng
  • # Có thể dùng năng lực tự chủ và tự giác để luyện cách làm chủ tâm của chính mình
  • # Đây là cách hóa giải vấn đề và đạt nguồn hạnh phúc chân chính hữu hiệu nhất

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh phiền não



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  249 — NGUYÊN NHÂN CƠ BẢN CỦA PHIỀN NÃO LÀ DẤU ẤN CỦA NGHIỆP DO VIỆC ÁC GIEO VÀO TÂM THỨC — LAMA YESHE

§ Lấy ví dụ chúngta nghĩ đến chiếc bánh sô cô la. Vì sao lại nghĩ đến bánh sô cô la? Vì lần trước ăn thấy ngon, gieo dấu ấn vào trong dòng tâm thức. Kinh nghiệm này đã qua, đã biến mất, nhưng dấu ấn vẫn còn, như thể chúng ta niêm phong nó vào trong dòng tâm thức. Dấu ấn này còn thì sự nhận diện bất khả đoạn cũng sẽ còn.

§ Giống như khi chúng ta trải qua kinh nghiệm tâm lý nào đó, vui, khổ, giận, sướng, không có thứ gì mất đi bao giờ. Chúng in vào trong tâm, như được lập trình vào trong máy vi tính tâm thức này. Chúng luôn ở đó. Chúng là ký ức. Có sự liên tục giữa kinh nghiệm trong quá khứ và sự nhớ lại trong hiện tại. Giống như dòng điện, nguồn ở nơi nào khác, nhưng điện vẫn theo đủ loại dây khác nhau đến với ta ở đây, không có sự gián đoạn. Kinh nghiệm quá khứ, ý nghĩ, con người, đối cảnh, hết thảy đều đã qua, nhưng ký ức thèm muốn vẫn trở lại, mê vọng trở lại, vì được đã được in hằn trong tâm thức.

§ Kinh nghiệm ăn bánh sô cô la này, nếu hiểu rằng nó đến từ rất nhiều yếu tố khác thì sẽ thấy được là nó không có tự tánh, kinh nghiệm này không đến từ đối cảnh ở bên ngoài, mà phát xuất từ nguồn năng lượng trong tâm. Không cần giải thích gì nhiều cũng có thể thấy được điều này, đơn giản lắm đúng không? Dấu ấn của kinh nghiệm ăn bánh sô cô la vẫn luôn còn ở đây, dù đang thức, đang ngủ, hay đang tu thiền. Đương nhiên là cũng có những hoàn cảnh hỗ trợ như là cảm giác đói, cảm giác thèm, và đối cảnh là cái bánh sô cô la. Hết thảy gộp lại. Chúng ta cần thấy ra rằng cái bánh sô cô la ngon lành kia vốn chỉ là ảo tưởng. Nó không có một cách khách quan. Như thể chính dấu ấn trong tâm ta hiện ra thành cái bánh sô cô la.

  • # Ý nghĩ về cái bánh sô cô la đến từ dấu ấn tâm thức của nhiều kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ
  • # Mỗi kinh nghiệm tâm lý đều được lập trình vào trong tâm và sẽ không bao giờ mất đi
  • # Khi dấu ấn này gặp đủ duyên tố hỗ trợ thì cái bánh sô cô la sẽ hiện ra trước mắt

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh vọng tâm phiền não
! 2.1 Bản thể



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 250 — CHÚNG TA GÁN VỌNG TƯỞNG LÊN ĐỐI CẢNH ĐỂ RỒI KHỐN KHỔ VÀ BẤT MÃN — LAMA YESHE

§ Phần lớn là mỗi khi đến gần đối cảnh và trong tâm có sẵn dấu ấn của nghiệp là, BÙM! — vọng tâm phiền não xuất hiện. Ví dụ như khi đi mua sắm. Món đồ đang yên lành trên kệ, tự dưng chạm mắt vào, còn chưa kịp hiểu việc gì xảy ra thì tâm đã đắm đuối với nó rồi. Sự việc cứ thế lén lút đến, rất khó thu tâm về. Tay của chúng ta tự động cho vào túi, moi tiền, mua xong rồi còn chưa kịp hiểu mình đã làm gì. Chuyện đơn giản quá mà, chẳng đúng sao?

§ Ở Tây phương mọi sự đều được khoa trương phóng đại để tạo sự chú ý, “Nhìn xem đây này, chẳng tuyệt vời lắm sao!” Tiểu xảo này phổ biến đến nỗi ở đây mở lớp hướng dẫn tu thiền cũng phải quảng cáo: “Hãy đến lớp tu thiền tuyệt vời của chúng tôi để học về cái tâm tuyệt vời của bạn!” Văn hóa Tây phương thật có hơi quá đáng.

§ Với tất cả những điều này, đức Phật có cho một cái tên rất đơn giản. Phật gọi thế giới mà chúng ta đang sống đây là “dục giới.” Chúng ta có thể dễ dàng thấy ra vì sao Phật lại gọi tên như thế. Dục giới, thế giới của tham dục! Vọng tâm phiền não mà gặp đối cảnh gợi ham muốn là vọng tưởng lập tức ùa về, khiến phiền não phát sinh cành lúc càng nhiều hơn. Vì lý do này nên đức Milarepa ở lại trong hang động. Ngài biết hễ cái tâm phiền não mà chạm vào đối tượng ham muốn là phiền não sẽ nổi lên không cách gì khống chế . Vì vậy đức Milarepa nghĩ rằng tốt hơn đừng nên chạm vào, chờ thuần tâm mình trước đã.

  • # Phiền não nổi lên khi ta ở gần đối cảnh và trong tâm có dấu ấn của nghiệp
  • # Ở Tây phương mọi thứ đều được khoa trương phóng đại để lôi kéo sự chú ý của vọng tâm phiền não
  • # Vọng tâm phiền não mà chạm vào đối cảnh ham muốn là lập tức phiền não nổi càng nhiều

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh vọng tâm phiền não
!2.2 Đối cảnh [phan duyên]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 251 — ẢNH HƯỞNG CỦA BẠN BÈ RẤT LỚN, CÓ THỂ DỄ DÀNG KHIẾN PHIỀN NÃO PHÁT SINH — LAMA YESHE

§ Theo lời Sơ Tổ Tsongkhapa dạy thì nguyên nhân thứ ba gây phiền não là những tác động đến từ bên ngoài, trong đó  bao gồm những người bạn xấu, cho thông tin sai lệch khiến chúng ta lầm đường. Họ là những người quen, làm tâm ta điên đảo. Thành ra quan trọng là làm bạn với ai, gần gũi với người nào. Nói ví dụ nếu quanh mình ai cũng uống rượu thì bản thân mình tự chủ được một tuần không bị ảnh hưởng là giỏi lắm rồi. Sau một thời gian sẽ bị hoàn cảnh lấn át, mất tự chủ.

§ Chúng ta không chỉ chịu sự tác động của bạn tốt và bạn xấu. Sống trong đời chúng ta có quá nhiều “sư phụ,” trút đủ loại thông tin lên đầu khiến cho chúng ta đã vô minh lại càng vô minh. Nên quan trọng là phải ở gần những ai tạo được cho chúng ta nguồn năng lượng đúng đắn, năng lượng của trí tuệ, hơn là để mình suốt ngày phải chịu đủ loại thứ năng lượng ô nhiễm, điên đảo. Nói vậy không có nghĩa là người nào khiến mình lầm lạc thì phải dứt bỏ hoàn toàn, hận thù và nghĩ xấu về họ. Không, không thể làm như thế được. Cần giữ lòng từ bi, đây mới là điều quan trọng nhất. Phải nhớ rằng mình đã sẵn ô nhiễm rồi, không phải lỗi của bạn. Bạn bè chỉ khiến cho ô nhiễm thêm sâu dày mà thôi.

§ Đầu óc người phương Tây rất lạ. Một mặt họ rất đa nghi, việc gì cũng nghi ngờ. Thái độ này cũng có khi cần thiết, nhất là khi phải sống trong một môi trường giả dối. Mặt khác họ lại rất cả tin. Thấy thứ gì có được một khía cạnh tốt, một điểm thú vị, họ sẽ tin ngay rằng thứ đó toàn bộ đều tốt. Cách suy nghĩ đầy cảm tính này rất nguy hiểm.

  • # Xét lại đời sống của mình sẽ thấy chọn bạn quan trọng như thế nào
  • # Tốt hơn nên gần những người tạo cho chúng ta nguồn năng lượng của trí tuệ hơn là của sự điên đảo
  • # Đầu óc người phương Tây rất đa nghi nhưng cũng đầy cảm tính và cả tin

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh phiền não
! 2.3  Theo Thầy bạn không tốt



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 252 — MẨU THÔNG TIN SAI LỆCH NÀO LƯỢM VỀ CŨNG ĐỀU KHIẾN PHIỀN NÃO THÊM DÀY  — LAMA YESHE

§ Nhân gây phiền não thứ tư là theo giáo thuyết sai lầm. Lầm tin một người nào đó, tưởng người đó là bậc Thầy xứng đáng, nghe và chạy theo những quan niệm sai lầm vị Thầy ấy dạy. Giáo thuyết dù chất lượng ra sao cũng đều sẽ có người thấy hay. Nhưng có nhiều khi thấy hay chỉ bởi vì thèm khát thông tin.

§ Đương nhiên là có trí tuệ thì đọc thông tin rác rưởi cỡ nào cũng không bị ảnh hưởng. Sẽ biết suy xét chứ không tham lam nuốt hết vào. Làm vậy là ổn. Nhưng nếu cảm thấy quá phấn khích, quá lôi cuốn, “Hay quá, nói thêm cho tôi nghe nữa đi nào!” thì những thông tin ấy sẽ lưu ấn tượng lớn trong tâm. Không trí quán sát, không rõ đúng sai, chúng ta ngốn hết vào, hoàn toàn không có óc phán đoán.

§ Thông tin nào cũng vậy, nạp vào quá nhiều nhưng nói chung chẳng tiêu hóa được gì, không phân biệt được thứ gì hữu ích, thứ gì gây hại. Thật ra hầu hết mọi khía cạnh của nền văn hóa quần chúng Tây phương như sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền hình, vân vân, chỉ toàn nhắm đến một việc, đó là khiến người xem nổi tham và  tin vào điều không thật. Đương nhiên cũng có ngoại lệ. Ví dụ có nhiều bộ phim rất khác. Nhưng phần lớn đều bày cho chúng ta thấy những gì mình muốn thấy, những gì tâm mê tín muốn thấy, bất kể là gì, chỉ cần lôi kéo được sự chú ý. Người làm phim viết sách họ đều hiểu rõ tâm lý người xem. Họ biết đích xác thứ gì khiến người xem nổi tham, tin theo, mê tín, thứ gì sẽ khiến người xem đã điên đảo lại càng thêm điên đảo.

  • # Phiền não nổi lên khi chúng ta tin theo những khái niệm sai lầm hay những người Thầy không chân chính
  • # Thiếu quán sát trí thì sẽ tham lam ngốn hết mọi thông tin rác rưởi
  • # Văn hóa quần chúng phương Tây nhắm đến việc khơi dậy sự tham lam, mê tín, và điên đảo

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh phiền não
! Theo giáo thuyết sai lầm



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 253 — BẤT CỨ VIỆC GÌ, DÙ THIỆN HAY ÁC, NẾU CỨ LÀM ĐI LÀM LẠI HOÀI THÌ SẼ LÀM TĂNG NGUỒN NĂNG LƯỢNG TƯƠNG ỨNG — LAMA YESHE

§ Nhân thứ năm tăng cường phiền não là thói quen. Có thể là như vầy: ở một thời điểm nào đó, chúng ta trải qua một kinh nghiệm nào đó với một thứ gì đó. Đến khi gặp lại thứ ấy thì trải nghiệm cũ tái hiện, rồi mỗi lần lặp lại việc ấy ký ức lại được tăng cường, trở nên mạnh hơn và méo mó hơn trong trí tưởng tượng của chúng ta. Thói quen sẽ tạo thành mốt số liên tưởng nhất định, mạnh đến nỗi hễ gặp cảnh tương tự là tâm của chúng ta tự động chạy về hướng phiền não.

§ Có người cứ thế mà bị thứ hư huyễn ám ảnh không thể nào quên. Tại sao? Vì trải nghiệm ấy cứ lặp đi lặp lại mãi làm cho dấu ấn càng lúc càng sâu đậm trong tâm. Tâm cứ trở lại mãi với mớ ký ức này, khiến phiền não càng tăng. Thậm chí không thể ngủ nếu không thấy được đối tượng ấy trong mơ. Thầy dám chắc không ai chưa từng trải qua cảnh này. Thói quen lặp lại đủ nhiều, ấn tượng hằn dấu đủ sâu, chúng ta thật sự có thể nổi điên.

§ Có đôi khi đối tượng áp đặt dấu ấn lên trí tưởng tượng của chúng ta. Ví dụ ở xứ Tây khi chia tay với người thương, cả hai đều năn nỉ, “Đừng quên tôi nhé! Nhớ tôi mãi nhé! Quên là hết thương rồi.” Cứ thế mà mất hết tự do. Chúng ta cũng thấy là mình không có tự do vì cứ thế mà bị ám ảnh.

  • # Thói quen sẽ tăng bồi sự liên tưởng làm cho tâm tự động chạy theo phiền não
  • # Lặp đi lặp lại cùng một trải nghiệm thì ấn tượng sẽ càng lúc càng đậm sâu
  • # Bị một đối tượng hư huyễn ám ảnh thì rõ ràng là mất hết tự do

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh phiền não
! Thói quen



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 254 — THẾ GIỚI NỘI TÂM LUÔN BỊ HAI CỰC ĐOẠN THAM VÀ SÂN LÀM MẤT QUÂN BÌNH — LAMA YESHE

§ Thấy thích thứ gì thì cũng đều vì phóng đại. Phóng đại mặt tốt đến nỗi mất hết phán đoán, lại còn thấy đối cảnh ấy giống như là thứ gì tự một mình mà có. Trong nhận thức của chúng ta, đối cảnh ấy là cố định và tự tồn tại giống y như những gì mình thấy. Chúng ta không thấy được đối cảnh ấy hình thành là do chức năng phóng tưởng của tâm, ngược lại cho rằng những phẩm chất phóng đại kia vốn có từ phía đối tượng, không phải do phía bên mình phóng tưởng gán đặt mà có.

§ Nói ví dụ chúng ta có một người bạn đời rất gắn bó. Từng cử động của người ấy chúng ta đều thấy rất ý vị. Đi đứng ra sao, nói gì, làm gì, tất cả đều hoàn hảo. Dù có sai trái đến đâu chúng ta vẫn thấy là niềm vui. Chú tâm đến khía cạnh lôi cuốn, bưng bít mọi khía cạnh tiêu cực. Tâm của chúng ta là như vậy.  Nhưng một hôm nếu người kia nói điều gì khiến chúng ta đặc biệt khó chịu, thái độ của chúng ta sẽ thay đổi. Sẽ bắt đầu thấy, “Ôi, thật ra chẳng tốt lành gì!” Chú tâm mãi vào ý nghĩ, “Xấu quá, xấu quá, xấu quá.” Chẳng mấy chốc, người kia làm gì nói gì chúng ta cũng đều thấy rất phản cảm, chẳng còn chút gì đáng ưa. Đây là việc thường thấy, đúng không?

§ Cái lối hoạt động của phiền não thật đáng kinh ngạc. Trước thấy đối cảnh hoàn toàn tốt, sau lại thấy hoàn toàn trái ngược. Nhưng phải nói rằng đâu có thứ gì người gì mà lại hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Mọi thứ đều hội đủ hai nguồn năng lượng tích cực và tiêu cực. Chỉ có cái tâm ám ảnh mới thấy sự vật qua hai mặt trắng đen.

  • # Khi nhìn đối tượng đáng ưa chúng ta luôn thấy nó cố định và phóng đại mặt tốt của nó
  • # Trước tiên chúng ta thấy người bạn đời của mình hoàn toàn hấp dẫn, sau lại thấy hoàn toàn phản cảm
  • # Lối hoạt động của phiền não là luôn lầm lẫn phân chia mọi sự thành trắng hay đen

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 2 Nhân duyên sinh phiền não
! 2.6 Hiểu sai



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 255 — PHIỀN NÃO LÀ KẺ THÙ CHÂN CHÍNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nếu cứ để phiền não khống chế thì phiền não sẽ cứ thế mà phá nát hạnh phúc của chúng ta trong quá khứ, trong hiện tại, và cả trong tương lai. Muốn liên tục tu theo Phật pháp không gặp chướng ngại thì phải liên tục nhớ đến tai hại của phiền não. Phải canh chừng nguy cơ rơi vào lý thuyết suông không cảm nhận sâu xa, ngoài miệng chống đối trong tâm lại nhận phiền não làm bạn. Phiền não là chướng ngại lớn nhất, không những ngăn không cho ta vượt sang bờ giải thoát và giác ngộ, mà còn ngăn cả sự an vui trong đời sống luân hồi. Phiền não ngoài việc gây hại  ra chẳng biết làm gì khác.

§ Không phiền não thì đâu còn vấn đề gì nữa. Tự sát, mạt sát, thù địch, hết thảy đều dứt. Còn nuôi trong tâm hạt giống phiền não thì tai họa sẽ luôn ụp xuống, cướp sạch hạnh phúc, gây khổ đau và ngăn không cho ta đến với giải thoát và giác ngộ.

§ Nếu có thể thật sự thấy được phiền não từ vô lượng đời kiếp đã khiến mình khổ đến mức nào, chúng ta chắc chắn sẽ không còn tâm trí đâu để nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoài việc phá hủy phiền não đi. Cả Phật cũng không lường hết được khổ đau mà phiền não khiến chúng ta phải chịu. Nhà độc tài phải bỏ nhiều năm lên kế hoạch thôn tính các quốc gia khác, dốc hết tâm sức để thực hiện mục tiêu này, nhưng đâu là gì so với việc diệt bỏ dù chỉ một phiền não. Chúng ta lại có vô số phiền não phải diệt, nên phải kiên trì, phải quyết tâm. Phải thấy phiền não là kẻ thù duy nhất, dứt khoát muốn tiêu diệt tất cả, bất kể phải tốn bao nhiêu đại kiếp.

  • # Để hành trì chánh pháp chúng ta cần liên tục nhớ nghĩ đến tai hại của phiền não
  • # Phiền não là nguồn gốc của mọi vấn đề và sẽ luôn cướp sạch nguồn hạnh phúc của chúng ta
  • # Nếu thấy được phiền não đã hại ta như thế nào, chúng ta sẽ chỉ còn nghĩ đến việc diệt bỏ chúng

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 3. Tai hại của phiền não



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 256 — BỎ BÊ KHÔNG BẢO VỆ TÂM MÌNH THÌ SẼ KHÔNG ĐÓNG ĐƯỢC CỬA KHỔ ĐAU CŨNG KHÔNG THỂ MỞ ĐƯỢC CỬA HẠNH PHÚC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì tâm của chúng ta có sẵn hạt giống của phiền não nên cứ gặp thứ đáng ưa là nổi tham, chạm thứ đáng ghét là nổi sân. Giữ được chánh niệm thì sẽ thấy tâm mình luôn chạy theo đối cảnh như thế nào, tạo đủ loại khổ đau. Thấy rõ rồi thì tránh phiền não không khó. Có thể là lúc đầu chưa đủ khả năng diệt phiền não, nhưng nếu thấy được khi chúng vừa mới chớm, chúng ta sẽ có khả năng đứng lại không đuổi theo chúng nữa.

§ Còn nếu thiếu chánh niệm thì cảm xúc phiền não sẽ bất ngờ nổi lên, lôi theo cả một chuỗi việc làm bất thiện. Chưa gì lòng ham đã sừng sững níu thứ đáng ưa, không muốn làm theo cũng không được. Chưa gì lòng sân đã sừng sững hất thứ đáng ghét, chúng ta cũng không thể nào không nghe theo nó. Từ thân cây này phiền não chĩa nhánh, nghiệp trổ lá xum xuê, quả báo chín nặng trĩu cành.

§ Chánh niệm là công cụ quan trọng nhất giúp chúng ta bảo vệ tâm mình, bảo đảm mình sẽ không tạo ác nghiệp. Chúng ta cần chánh niệm để lúc nào cũng có mặt canh chừng và kiểm soát xem tâm mình đang làm gì. Ý tưởng bất thiện vừa chớm là phải lấy chánh niệm nhận diện ngay lập tức để quay lưng. Cần phải có chánh tri đứng đó như lính bảo vệ canh cửa, luôn tỉnh giác canh chừng kẻ trộm rình rập lẻn vào trộm mất của báu trong nhà. Của báu ở đây là niềm an vui hạnh phúc và phiền não là kẻ trộm.

  • # Vì hạt giống phiền não trong tâm mà cảm xúc tiêu cực nổi nên
  • # Vắng chánh niệm thì cảm xúc này sẽ lôi về cả một chuỗi hành động bất thiện
  • # Chánh niệm bảo vệ không cho phiền não cướp đi nguồn hạnh phúc

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 3. Tai hại của phiền não



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 257 — HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU TẤT CẢ ĐỀU ĐẾN TỪ TÁC Ý — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn sống vui thì phải giữ sao cho mình chỉ làm toàn việc thiện, và muốn được như vậy thì trong mỗi việc làm đều phải biết phân biệt đúng sai. Phải xét cho thật kỹ mới đánh giá được động cơ hành động của mình, mới thấy được động cơ ấy là thiện hay là bất thiện. Nói vậy cũng có nghĩa là chúng ta phải hiểu hết về nghiệp.

§ Tiếng Phạn gọi nghiệp là “karma,” có nghĩa là việc làm, nhất là việc làm của ý. Đây là tác động đầu tiên của tâm khiến ta tiếp nhận đối cảnh. Vậy có thể nói rằng nghiệp là tác ý, một trong năm tâm sở biến hành, lúc nào cũng có. Ở đâu có tâm, ở đó có tác ý, có nghiệp. Hoạt động nào cũng phải xuất phát từ một động cơ, từ một sự tác ý. Không tác ý thì tâm không lấy đâu ra năng lực để hành động. Nói cho chính xác, không những phải có sự tác ý khiến việc làm khởi đầu mà trong khi thực hiện cũng phải có sự tác ý để việc làm hoàn tất. Tác ý lúc khởi đầu được gọi là nhân nghiệp, là ý nghiệp. Tác ý làm năng lượng hoàn tất việc làm được gọi là thời nghiệp, là việc làm của sự tác ý, là nghiệp tác ý.   (intended action, or intended karma).

§ Để việc làm được sạch sẽ tuyệt đối thì không những phải bảo đảm động cơ lúc khởi động là tối hảo mà còn phải bảo đảm cả động cơ của lúc đang thực hiện. Được vậy thì việc làm ấy sẽ trở thành thiện nghiệp đầy năng lượng. Nếu động cơ trước và trong khi làm đều không được kiểm soát chặt chẽ thì có thể là việc làm ban đầu là thiện nhưng từ từ lại biến thành bất thiện. Mặc dù vẫn tạo được thiện nghiệp nhờ nhân nghiệp ban đầu là thiện, nhưng vì thời nghiệp bất thiện nên việc thiện ấy không tròn.

  • # Muốn an vui hạnh phúc thì phải luôn tự xét động cơ sau từng hành động của mình
  • # Ý nghiệp là sự tác ý trước khi làm, và tác ý nghiệp là sự tác ý hoàn tất việc làm
  • # Việc làm là thiện hay bất thiện tùy vào sự tác ý chứ không tùy vào biểu hiện bên ngoài

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 4 Nghiệp, chết và tái sinh
! 4.1 Ý nghiệp và tác ý nghiệp



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 258 — KHI KIẾP NÀY CHẤM DỨT, TÂM SẼ BỊ GIÓ NGHIỆP CUỐN VÀO MỘT KIẾP KHÁC, KHÔNG QUYỀN CHỌN LỰA

§ Trong Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay, Pabongka Rinpoche dạy rằng ý nghĩ cuối cùng trước khi chết sẽ khởi động thứ nghiệp làm nhân cho kiếp tái sinh tiếp theo, và chất xúc tác là ái và thủ, chi thứ tám và thứ chín trong mười hai chi duyên khởi. Ngài dạy khi việc này xảy ra thì tâm hãy còn hoạt động, chúng ta vẫn có thể nhớ đến thiện đức, hay nhờ người khác nhắc nhở dùm.

§ Ở thời điểm này, quan trọng nhất là phải đủ sức khống chế không để phiền não nổi lên, bằng cách nhớ sư phụ và nhớ chánh pháp như tâm buông luân hồi, nghiệp, tánh không, đại từ, đại bi vân vân, những thứ giúp ta sinh vào cõi Phật hay có được thân người tuyệt hảo. Tâm thô lậu cuối cùng là thiện thì nghiệp đẩy sẽ là nghiệp thiện; tâm thô lậu cuối cùng là bất thiện thì nghiệp đẩy sẽ là nghiệp bất thiện. Nghiệp đẩy này sẽ làm chín mùi một hạt giống nghiệp sẵn có, thứ nặng nhất và mạnh nhất, có thể đã gieo từ hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm về trước; nếu có hai hạt giống nặng và mạnh bằng nhau thì hạt giống nào gieo trước sẽ là hạt giống được chín mùi trước.

§  Nói ví dụ chết khi đang giận hay đang nổi lòng tham dữ dội thì chỉ có thể sanh vào cõi ác đạo chứ không đâu khác. Nói chung, tham thì sinh làm ngạ quỹ, si thì sinh làm súc sinh, sân thì sinh vào địa ngục. Ở đó phải chịu khổ đau không tưởng, trong một thời gian dài khó tin. So sánh ra thì khổ đau cõi người có là gì, chỉ toàn là cảnh sung sướng.

  • # Ý nghĩ cuối cùng trước khi chết sẽ tác động nghiệp đẩy làm nhân cho kiếp tái sinh tiếp theo
  • # Nghiệp đẩy tùy thuộc vào ý nghĩ cuối cùng trước khi chết là thiện hay bất thiện
  • # Chết khi đang giận hay đang nổi lòng tham dữ đội thì chỉ có thể sinh vào cõi dữ

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 4 Nghiệp, chết và tái sinh
! 4.2  Trước thềm cửa tử



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 259 — THÂN TRUNG ẤM TÙY VÀO THÂN CỦA KIẾP SAU, THÂN CỦA KIẾP SAU THÌ LẠI TÙY MÌNH SỐNG RA SAO TRONG KIẾP HIỆN TẠI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm lìa khỏi xác thì đi vào cõi trung ấm, còn gọi là trung hữu, là bardo. Thân trung ấm giống hình dáng thân của kiếp sau. Thân trung ấm này không bị vật thể ngăn ngại, bất hoại và có nhiều thần thông, ví dụ có thể bay, hay là vừa nghĩ đến chỗ nào, dù xa đến đâu, thân đã có ngay ở đó. Những thứ thần thông này không phải nhờ tu thành, mà do nghiệp.

§ Thọ mạng tối đa của thân trung ấm là 7 ngày, cũng có thể tái sinh bất cứ lúc nào trước đó. Sau bảy ngày, thân trung ấm chết, gọi là cái chết nhỏ, và tái sinh trở lại vào cõi ấy, trong cùng một thân tướng, tồn tại như vậy thêm 7 ngày cho đến cái chết nhỏ kế tiếp, hoặc là tái sinh trước đó. Thân trung ấm có thể tồn tại như vậy tối đa 49 ngày.

§ Ai sinh vào thai mẹ thì sẽ thấy cha mẹ tương lai giao phối, bị một trong hai người thu hút. Kiếp sau là nữ thì sẽ tham cha sân mẹ, còn nếu kiếp sau là nam thì ngược lại tham mẹ sân cha. Đủ mạnh để chết đi và tái sinh. Chúng sinh trung ấm này muốn giao phối với cha hay mẹ của kiếp sau, nhưng khi đến gần thì chỉ thấy được mỗi bộ phận sinh dục của người ấy, khiến chúng sinh này nổi cơn cuồng nộ. Vậy yếu tố khiến chúng sinh trung ấm chết đi và tái sinh là tham rồi tiếp theo là sân. Bấy nhiêu đủ thấy vì sao lại nói rằng người phàm tái sinh là vì nghiệp và phiền não.

  • # Sau khi chết, tâm vào cõi trung ấm, hình dạng giống thân của kiếp sau
  • # Cõi trung ấm kéo dài từ 7 đến 49 ngày
  • # Lý do khiến tái sinh là vì ham muốn một trong hai đấng sinh thành, tiếp theo là nổi giận

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 4 Nghiệp, chết và tái sinh
! Cõi trung ấm



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 260 — ĐIỀU TUYỆT VỜI NHẤT KHI ĐƯỢC LÀM NGƯỜI ĐÓ LÀ LOÀI NGƯỜI NGAY TỪ BẨM SINH ĐÃ CÓ KHẢ NĂNG GIẢI THOÁT — LAMA YESHE

§ Chúng ta ở đây ai cũng đang được làm người, ai cũng có sẵn tiềm năng sống một cuộc sống có ý nghĩa, có mục tiêu. Muốn tận dụng cơ duyên này thì phải sống khá hơn loài súc sinh. Biết cách dùng thân người và làm chủ được cái tâm thì sẽ chặt sạch gốc khổ đau, chỉ cần một hoặc nhiều đời là thoát được vòng sinh tử. Còn nếu cứ để yên như cũ thì sẽ lại phải tái sinh triền miên không dứt, không quyền chọn lựa, chịu đủ mọi khổ đau với cái thân không chút tự chủ nào cả. Nhưng nếu dụng công đúng cách thì sẽ bẻ đập gãy được chuỗi sinh tử điên đảo này, vĩnh viễn thoát mọi khổ đau bức xúc.

§ Được làm người thật là một duyên may rất lớn, vì con người có  khả năng quý giá biết dùng trí tuệ hiểu biết của mình. Sự khác biệt lớn giữa con người và con chó, đó là con người có khả năng tự kiểm soát hành động của mình, con chó không làm được việc này. Chúng ta có được khả năng đánh giá ý nghĩ hành động của mình là thiện hay không, nên đây là cơ hội lớn, cũng là trách nhiệm lớn, phải xét kỹ bản chất của lầm lỗi và khuyết điểm của chính mình. Mặc dù làm vậy khó hơn moi lỗi người, nhưng nếu thấy ra được khuyết điểm của mình và bứng sạch rễ đi thì lợi ích không thể nào nói hết.

§  Có được cơ hội quý hiếm như vậy không tận dụng, lại mù quáng chạy theo bản năng thì đáng tiếc biết bao. Bởi vậy, dù gặp việc tốt hay xấu gì cũng phải thí nghiệm tối đa, dùng trí tuệ của chánh pháp chuyển hết thành đường tu giác ngộ với nguồn an lạc bất tận.

  • # Thân người này cho chúng ta cơ hội đốn sạch gốc rễ khổ đau
  • # Thân người này cho ta khả năng và trách nhiệm tự xét lấy hành động của chính mình
  • # Đây là cơ hội chuyển hết tất cả thành đường tu giác ngộ đầy an lạc

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 5 Đường tu giải thoát
! 5.1 Thân tái sinh chận đứng luân hồi



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 261 — KHÔNG TU GIỚI ĐỊNH TUỆ KHÔNG THỂ THOÁT LUÂN HỒI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Làm sao hướng dẫn người tu bằng pháp Lamrim?  Trình tự đường tu giác ngộ được chia thành ba phần: của hàng sơ căn, của hàng trung căn, và của hàng thượng căn. Hàng trung căn là những người sống với mục tiêu chặt sạch mọi chấp bám vào đời này để đạt hạnh phúc cho những đời về sau, chỉ vậy thôi. Họ đắc đạo và tu được là nhờ thấy ra khuyết điểm của mười việc bất thiện và sống thuận theo mười việc thiện.

§ Hàng trung căn là những người sống với mục tiêu quay lưng với toàn bộ sinh tử luân hồi. Họ không hề thấy luân hồi này có gì đáng ưa dù chỉ phút giây, ngược lại thấy cõi này chỉ toàn là khổ đau, như ổ rắn độc, như hố than hồng. Họ nhắm đến quả giải thoát bằng cách tu theo ba môn Giới Định Tuệ. Đây là đường tu của hàng trung căn. Để tu Giới Định Tuệ, họ dựa vào cơ sở của hàng sơ căn, sống theo thập thiện.

§ Thượng căn là những người sống với mục tiêu vì người chứ không vì mình. Họ nhất tâm hướng về lợi ích chúng sinh và thành tựu quả đại giác. Để thực hiện điều này, họ tu theo sáu hạnh ba la mật. Rồi cuối cùng dựa trên cơ sở này họ tu theo mật pháp. Mọi pháp tu của hàng thượng căn đều được đặt trên cơ sở của đường tu sơ căn và trung căn.

  • # Hàng sơ căn nhắm đến hạnh phúc của những đời sau, họ tu thập thiện
  • # Hàng trung căn nhắm việc thoát luân hồi, họ tu Giới Định Tuệ
  • # Hàng thượng căn nhắm đến việc phụng sự chúng sinh, họ tu sáu hạnh ba la mật

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 5 Đường tu giải thoát
§ 5.2 Ba môn vô lậu học (Giới Định Tuệ)



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 262 — GIỚI LÀ NHÂN TỐ CHÍNH YẾU CỦA GIẢI THOÁT LUÂN HỒI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không thể thoát luân hồi nếu không có Tuệ vô lậu học, nghĩa là trí tuệ trực chứng tánh không. Tuệ này chỉ có nhờ Định vô lậu học. Và hai môn vô lậu học này không thể nào có nếu thiếu Giới vô lậu học.

§ Xét từ kinh nghiệm bản thân cũng có thể thấy được rằng Giới là điều vô cùng quan trọng. Khi tâm bị xáo trộn mê mờ thì khó mà chú tâm. Để cho tâm đầy phiền não thì chẳng làm sao có thể tu thiền. Thậm chí đọc kinh cũng không hiểu được nghĩa. Tâm như cánh chim trong cơn gió lớn, không thể giữ yên dù chỉ một phút. Hay giống như ngắm tranh Phật trong đêm dưới ngọn đèn bơ. Muốn xua bóng tối thì đèn không những phải sáng mà còn phải đứng yên đừng bị gió lay động. Đèn mà nhấp nháy thì dù sáng cỡ nào cũng không thể thấy được chi tiết bức tranh. Tương tự như vậy, tâm phải đứng yên thoát mọi tán loạn vi tế thì ánh sáng bất động của tuệ mới soi được thực tại đúng như sự thật, tận diệt phiền não. Những điều này sẽ không xảy ra nếu tâm chao động và tán loạn theo cảnh trần, vì thiếu Giới.

§ Chính đức Phật Thích ca nói rằng khi Phật nhập bát niết bàn thì Giới sẽ là người dẫn đường cho chúng ta. Cho hàng đệ tử nhập môn như chúng ta thì Ba môn vô lậu học này quá cao, mình chỉ có thể nguyện mong. Dù vậy, dù định nhất tâm bất loạn và tuệ trực chứng tánh không là những gì quá xa vời trong hiện tại, chúng ta chắc chắn vẫn có thể tu Giới bằng cách thọ và giữ giới biệt giải thoát.

  • # Giới là điều kiện tiên quyết, phải có trước khi tu Định và Tuệ
  • # Tâm mà thiếu giới thì giống cánh chim hay ngọn đèn trong cơn gió lớn
  • # Dù chỉ mới nhập môn cũng vẫn có thể tu Giới bằng cách thọ và giữ giới biệt giải thoát

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 5 Đường tu giải thoát
! 5.3 Giới [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 263 — GIỚI TẠO TRÁCH NHIỆM, KHIẾN SỰ QUYẾT TÂM THÊM NẶNG KÝ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Điểm trọng yếu là phải bảo vệ nghiệp của mình. Để thực hiện việc này không gì đảm bảo hơn là thọ giới. Dù chỉ giữ một giới nhỏ lợi ích cũng rất lớn. Nói ví dụ muốn chiếm đoạt thứ mình rất thích nhưng cưỡng lại được, bẻ gãy vòng xoáy muốn-và-lấy, nhờ đó khỏi phải chịu bốn loại khổ báo trong tương lai. Tuy nhiên, nếu làm như vậy mà có thọ giới thì kết quả sẽ lớn rộng hơn rất nhiều.

§ Thọ giới rồi tránh không phạm việc bất thiện là cách làm sạch tâm thật tuyệt vời, thật mãnh liệt. Nếu giới chỉ là mấy chữ chạy ở trong đầu thì chẳng có ý nghĩa gì cho lắm. Thọ giới rồi phải cương quyết không làm việc ấy nữa. Trước đạo sư hay trước mặt Phật thọ giới rồi giữ giới, làm vậy sẽ tạo được dấu ấn thiện lành mạnh đến khó tin, đẩy ta tiến tới trên đường tu giác ngộ.

§ Giữ giới đã thọ thì tâm sẽ được gia lực. Đối trước thánh vật hay đạo sư mà thọ một bộ giới là nhận lấy trách nhiệm vĩ đại. Trách nhiệm này luôn đè nặng, tâm vừa hơi nghiêng về phía việc ác là cảm nhận được ngay trách nhiệm của mình: làm vậy không những hại chúng sinh kia mà còn hại cả sư phụ mình, hại cả tâm của chính mình. Chúng ta có bao giờ muốn làm hại người thân nhất của mình đâu, huống chi là hại bậc thiện tri thức, hại ân sư của chính mình, vì vậy càng nghe thôi thúc không muốn phạm việc ác kia.

  • # Điểm trọng yếu là phải bảo vệ nghiệp của mình, và thọ giới là cách tốt nhất để thực hiện việc này
  • # Thọ giới rồi phải cương quyết không làm việc ác ấy nữa
  • # Giới đã thọ sẽ gia lực cho tâm, giúp ta tránh không hại người khác

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! 5 Đường tu giải thoát
! 5.3 Giới [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 264 — MỖI NGÀY, MỖI GIỜ, MỖI PHÚT GIÂY, HẠNH PHÚC HAY KHỔ ĐAU LÀ TÙY VÀO CÁCH SUY NGHĨ CỦA MÌNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Buông bỏ tham luyến đời này có nghĩa là buông bỏ nguyên nhân tạo khổ. Không phải là quay lưng với bạn bè, gia đình, hay vất bỏ tài sản sở hữu. Chúng ta không cần đốt quần áo, ném sách vở dĩa nhạc xuống vực. Thứ cần phải buông là sự ham muốn luyến chấp vào những thứ ấy. Tâm buông được mọi tham luyến vào chuyện đời này thì dù có nắm giữ toàn cõi thế gian cũng chẳng sao cả. Chúng ta buông bỏ không còn ham muốn hạnh phúc trong đời này để đạt nguồn hạnh phúc lớn hơn xa.

§  Chúng ta ngày nào cũng đều phải đối đầu liên tục với đủ loại hoàn cảnh, gặp đủ chuyện đáng ưa đáng ghét. Ông chủ nổi giận,  đồng nghiệp tán thưởng, bánh sô cô la ngon, mưa bão đột xuất… cảnh nào cũng chờ chực đẩy ta vào trạng thái hoặc dễ chịu, hoặc khó chịu, hoặc một trạng thái phiền não nào khác, tạo bấp bênh cho đời sống bám víu này. Nhưng chúng ta không bắt buộc phải là như thế. Thay vì bám vào đời này, chúng ta có thể thấy nó khổ đến mức nào để ngoảnh mặt quay lưng.

§  Chỉ cần tu theo chánh pháp chút xíu thôi cũng có được nguồn hạnh phúc không nhỏ, điều này chúng ta có thể tự mình trải nghiệm, càng sống với chánh pháp thì hạnh phúc thật sự càng tăng. Ngay bây giờ, việc cần thiết trước mắt là phải nhận biết lúc nào mình nổi tham để chận nó lại, từ từ học cách buông bỏ lòng tham bám víu chuyện đời này. Rồi từ đó mọi chứng ngộ khác sẽ đến theo.

  • # Buông được tham luyến đời này thì tiền tài của cả thế gian cũng chẳng làm gì được mình
  • # Chúng ta có thể chọn ngoảnh mặt quay lưng trước nỗi khổ bấp bênh của đời sống bám víu này
  • # Càng hòa chánh pháp vào cuộc sống thì hạnh phúc càng tăng

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! Kết



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 265 — NHƯ ĐẤT SÉT NẮN TRONG TAY, CHÚNG TA CÓ THỂ TÙY Ý NẮN TÂM MÌNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Cần phải hiểu những gì Phật dạy để chuyển khổ đau phiền não thành niềm vui bất tận. Nói vậy có nghĩa là phải làm thiện và chỉ làm thiện, không bao giờ làm ác. Gieo nhân khổ mà chờ vui thì có khác gì đưa tay vào lửa lại mong mình không bị bỏng.

§  Vì vậy tu theo chánh pháp thì phải biết quan sát nghiệp của chính mình, biết đâu là thiện, đâu là bất thiện để chỉ làm việc thiện, không làm việc gì khác. Muốn hiểu điều này thì phải thấy rõ thế nào là khổ để biết mà tránh đi. Lạc thú giác quan mà tưởng là niềm vui chân chính thì đương nhiên là không đủ sức cưỡng lại rồi. Vì vậy quan trọng là phải hiểu hết mọi biểu hiện của khổ đau và quyết tâm đưa mình thoát khổ.

§ Làm được như vậy thì nhất định sẽ chuyển được tâm. Thói quen cũ có thể rất khó dời, vì nói cho cùng đều là những thói quen đến từ vô lượng đời kiếp, nhưng chúng ta có thể làm được, bởi vì tâm này là thứ có thể uốn nắn, như chúng ta có thể tùy ý nắn đất sét non thành một cục xấu xí hay một chiếc bình đẹp đẽ. Tâm chỉ khác đất sét non ở chỗ nó không phải do nguyên tử hợp lại mà chỉ đơn thuần là năng lượng, đơn thuần là tánh sáng và tánh biết, vì vậy tâm không có những giới hạn của vật thể. Khả năng của tâm không có giới hạn. Giác ngộ tưởng đâu là mục tiêu không thể với tới, nhưng thật ra lại là điều có thể làm được.

  • # Muốn chuyển tâm từ khổ thành vui thì phải làm thiện và chỉ làm thiện
  • # Hiểu cho rõ về khổ thì sẽ biết cách lánh khổ
  • # Tâm chỉ đơn thuần là năng lượng, có thể biến thành bất cứ thứ gì mình muốn, không có giới hạn

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! Kết [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 266 — KHÔNG BIẾT CHÂN TÁNH CỦA TÂM THÌ CẢ BẤT HẠNH CỦA MÌNH CŨNG KHÔNG CHỮA NỔI — LAMA YESHE

§ Vấn đề của chính mình còn chưa hiểu, tự cứu chính mình còn chưa xong, làm sao có thể nghĩ là mình cứu được người khác? Chỉ toàn là cảm tính: không trí tuệ, không phương tiện, thật khéo nói đùa! Trước hết chúng ta cần ý thức cảnh sống của chính mình: “Không chỉ mình tôi, vô số chúng sinh trên mặt đất này cũng chịu cùng một cảnh, đầy cả vọng tưởng và vì vậy nên thân tâm xung đột.” Tâm của chúng ta đầy xung đột, khi nguồn năng lượng tâm thức này biến hóa vào thế giới vật chất thì thân sẽ bệnh. Nói vậy mọi chứng bệnh đều xuất phát từ tâm, tâm bệnh biểu hiện thành thân bệnh.

§  Vậy muốn mở lòng từ bi trước hết phải tự hiểu chính mình, rồi nhờ đó mới hiểu được chúng sinh hữu tình khác. Được vậy quá tốt. Vấn đề là lắm lúc đến cả chính mình chúng ta cũng không thương, không thông cảm, lấy gì từ bi với chúng sinh? Chắc chắn là không thể. Cho dù có oang oang là mình yêu thương người khác thì cũng chỉ là lời nói suông, đầy cảm tính. Chúng ta nói, “tôi thương bạn,” nhưng tình thương chân chính phải xuất phát từ lòng yêu thương chính mình. Phải hiểu hoàn cảnh mình ra sao, bản thân mình là gì, rồi từ đó mới có thể chân thành yêu thương người khác. Bằng không chỉ làm trò đùa.

§  Chúng ta cần xét lại mình sống như thế nào, suy nghĩ ra sao, phạm những lỗi gì và vọng tưởng có liên quan gì đến cảnh sống mình đang phải chịu. Cần phân tích tất cả những thứ đó xảy ra như thế nào, có liên quan gì đến lòng tham chấp. Thấy được những điều này thì thay vì bận tâm cho những vấn đề của riêng mình, chúng ta sẽ thấy được khắp chúng hữu tình trên toàn cõi thế gian này đều cùng chung một hoàn cảnh với mình. Lòng từ bi khi ấy sẽ tự động đến, một cách rất tự nhiên.

  • # Không thông cảm không giải quyết được vấn đề của chính mình thì không thể giúp người khác
  • # Muốn khai mở lòng từ bi thì phải thông cảm và thương mình trước đã
  • # Thấy được vấn đề của chính mình thì tự nhiên sẽ mở lòng từ bi cho khắp cả chúng sinh

! QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH SINH TỬ
! Kết [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 267 — BÁNH XE LUÂN HỒI LÀ GIẢI THÍCH KHOA HỌC VỀ SỰ VẬN HÀNH CỦA THẾ GIỚI NỘI TẠI — LAMA YESHE

§ Quý vị chắc cũng đã thấy qua bức tranh vẽ Bánh Xe Luân Hồi, rất phổ thông. Có nhiều chi tiết lắm. Ở giữa có một con heo, ngậm trong miệng lông đuôi con gà. Mỏ con gà thì lại ngậm đuôi con rắn, còn con rắn thì lại cắn đuôi con heo. Bánh xe luân hồi không phải là sản vật của nền văn hóa Tây tạng mà là biểu tượng của giáo pháp thâm sâu, do chính đức Phật Thế tôn dạy.

§ Có lần một số đệ tử của đức Phật tìm quà để gửi tặng một vị vua xứ lân cận, không theo Phật giáo. Đức Phật chỉ cách vẽ Bánh Xe Luân Hồi làm tác phẩm nghệ thuật gửi tặng vị vua kia, không kèm lời giải thích. Sau khi nhận quà, vua ngắm rồi lại ngắm, một ngày bỗng dưng hiểu nghĩa. Bức tranh tự nó nói chuyện với vua. Vua ngộ ra rằng tự ngã, tham, và sân là thuốc độc tệ hại nhất, gây ra mọi khổ đau. Nếu chúng ta cũng giữ tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trong phòng mình thì tâm cũng có thể nhận được ảnh hưởng tốt tương tự.

§  Trong Bánh Xe Luân Hồi, con heo là biểu tượng của si, của vô minh; con gà là tham; và con rắn là sân. Đây là biểu tượng hoàn hảo chỉ cho ta thấy tại sao từ vô minh mà lại phát sinh phiền não. Chẳng liên quan gì đến hành trình về phương Đông hay hành trình của ông La-ma, hay bất cứ hành trình nào khác. Đây chỉ đơn giản là hoàn cảnh của chúng sinh trong luân hồi, ai ai cũng phải chịu. Điều trọng yếu mà đức Phật chứng biết, đó là vô minh ô nhiễm là gốc của tất cả mọi vấn đề. Từ vô minh này mà có tham, và sân.

  • # Bánh Xe Luân Hồi là biểu tượng của giáo pháp thâm sâu Phật dạy
  • # Dưới hình thức của một tác phẩm nghệ thuật, chỉ cho nhà vua thấy tam độc là nguyên nhân của khổ đau
  • # Heo, gà và rắn tượng trưng cho si, tham và sân

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 268 — VÔ MINH LÀ THỦ PHẠM GÂY NGHIỆP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vô minh là gốc rễ của luân hồi, và là cội nguồn của các duyên khởi còn lại trong mười hai chi duyên khởi. Trong tranh bánh xe luân hồi, vô minh được vẽ thành hình người mù chống gậy. Chúng ta chính là như thế, mù quáng mò mẫm trong luân hồi, phạm hết lỗi này đến lỗi khác chỉ vì níu mãi không buông khái niệm chấp thật ngã, không thấy ra được ngã này cùng mọi thứ khác thật sự hiện hữu như thế nào.

§ Vô minh có thể được chia thành hai loại: vô minh không thấy chân tướng của sự vật; và vô minh không thấy nghiệp. Vô minh không thấy nghiệp xuất phát từ vô minh căn bản không thấy chân tướng của sự vật. Phá vô minh căn bản này rồi thì vô minh không thấy nghiệp cũng tự dứt. Vô minh không thấy chân tướng của sự vật có nghĩa là không hiểu được rằng mọi sự vật vốn chỉ là duyên sinh, chỉ do nhân và duyên hội tụ mà có, và cũng không hiểu được rằng sự vật vốn không có gì thật sự có tự tánh. Đây là thứ vô minh trói ta vào sinh tử luân hồi.

§ Vì vô minh [1. vô minh] nên gieo nghiệp [2. hành]. Vì nghiệp mà có thức [3. thức]. Vì thức nên nhập thai [4. danh sắc]. Vì nhập thai nên sáu giác quan hình thành [5. lục nhập]. Vì có sáu giác quan nên tiếp xúc với đối cảnh [6. xúc]. Vì tiếp xúc với đối cảnh nên có cảm nhận [7. thọ]. Vì có cảm nhận nên sinh lòng ưa thích và chấp bám [8-9. ái và thủ]. Ái và thủ là hai nhân duyên then chốt khi lìa trần, bắt chúng ta chuyển từ thân xác hiện tại, chỉ còn là xác chết, để vào một thân xác mới, và đó chính là hữu, chi duyên khởi thứ 10 [10. hữu] Từ hữu mà sinh vào kiếp tái sinh mới [11. sinh], và cuối cùng chỉ còn lại già và chết [12. Lão tử]. Đây là quá trình luân chuyển, là cơ cấu, trói chặt chúng ta vào vòng xoay của bánh xe sinh tử luân hồi.

  • # Vô minh có nghĩa là khái niệm sai lầm, được biểu hiện qua hình ảnh người mù
  • # Vô minh có hai loại: không thấy sự vật hiện hữu như thế nào; và không thấy nghiệp
  • # Vô minh làm khởi động vòng xoay của bánh xe 12 duyên khởi, trói chúng ta vào sinh tử luân hồi

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 1. Vô minh



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 269 — VÔ MINH SINH HÀNH NGHIỆP, LÀ HÀNH ĐỘNG ĐA HỢP GIEO DẤU ẤN CỦA NGHIỆP VÀO TÂM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vô minh sinh hành nghiệp. Hành được biểu hiện qua hình ảnh người nắn chiếc bình gốm. Bình gốm có thể được nắn thành nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, hành nghiệp cũng vậy, có thể dẫn đến nhiều kết quả khác nhau. Nghiệp có thể là thiện, bất thiện, hay trung tính. Nghiệp phát xuất từ vô minh, và điểm quan trọng nhất đó là nghiệp luôn tạo quả, thứ quả tương đồng với nhân.

§ Nghiệp có một điểm then chốt, đó là nó có khả năng ném ta vào kiếp sau. Nghiệp thiện đẩy ta vào thiện đạo, nghiệp ác đẩy ta vào ác đạo. Chúng sinh nào cũng thế, ngoại trừ hàng thánh giả, là những người đã đạt được kiến đạo, là chứng đạo thứ ba trong năm chứng đạo trên đường tu giác ngộ. Chư vị đã diệt đủ ái và thủ để không còn gieo thứ nghiệp khiến phải tái sinh ngoài ý muốn trong sinh tử luân hồi.

§ Lấy ví dụ chúng ta gieo thứ nghiệp phải đọa sinh làm con gà. Đây là hành nghiệp, do vô minh mà có. Vô minh vửa khiến cho nghiệp hình thành thì ngay lập tức dấu ấn của nghiệp sinh làm con gà sẽ được lưu vào dòng tâm thức. Đến trước khi chết, ái và thủ nổi lên với sự khát khao được tiếp nối sự tồn tại. Khi ấy nếu nghiệp sinh làm gà là dấu ấn mạnh nhất trong dòng tâm thức thì nó sẽ thành chi duyên khởi thứ mười là hữu mà chúng ta phải chịu. Từ đó chắn chắn sẽ phải đọa sinh làm gà, cùng mọi quả khổ khác.

  • # Hành nghiệp được biểu hiện qua hình ảnh người nắn bình gốm
  • # Nghiệp có khả năng ném ta vào kiếp sau không thể tránh
  • # Khi chết nếu nghiệp mạnh nhất là nghiệp đọa sinh làm gà thì việc này sẽ xảy ra

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! Hành



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 270 — THỨC LÀ NƠI CHỨA MỌI DẤU ẤN VUI KHỔ, CHỞ THEO HẾT ĐỜI NÀY SANG ĐỜI KHÁC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hành nghiệp sinh ra thức. Thức là chi duyên khởi thứ ba, được biểu hiện qua hình ảnh con khỉ ôm trái cây trong tay, chuyền từ cành này sang cành khác. Hình ảnh này cho thấy thức chứa hành nghiệp và kết nối đời trước với đời sau như thế nào. Chức năng của thức là kết nối hành nghiệp đã gieo trong quá khứ với cảnh sống phải chịu trong hiện tại, và kết nối việc làm trong hiện tại với những gì mình phải chịu trong tương lai.

§ Trong khuôn khổ của 12 duyên khởi, thức nói ở đây chủ yếu là thức chính cùng với tùy tùng của nó là nghiệp đẩy. Nghiệp đẩy là thứ hành nghiệp đặc biệt, đẩy tâm ta vào kiếp sau. Khi nghiệp đẩy chín mùi, nó sẽ ném ta vào cảnh tái sinh tương ứng. Vô minh là thủ phạm tạo nên hành nghiệp, và hành nghiệp được thức chuyên chở. Nếu không có thức thì phần còn lại sẽ không xảy ra. Như con khỉ chuyền từ cành này sang cành nọ, thức cũng chuyển từ kiếp trước sang kiếp sau. Thức là quả, và thức là nhân.

§ Tâm thức của chúng ta chuyên chở hàng tỷ tỷ tỷ tỷ dấu ấn của nghiệp, là kết quả của vô số việc thiện ác lớn bé mà chúng ta đã làm và phải mang theo từ vô lượng đời kiếp. Trong đó có rất nhiều dấu ấn nếu được tác động chín mùi ngay ở thời điểm chết thì sẽ đầy đủ khả năng tạo thành một kiếp tái sinh tương ứng, nói ví dụ, sinh vào cõi súc sinh, cõi trời, cõi địa ngục, hay cõi người với thân người toàn hảo. Dấu ấn của nghiệp có trong tâm từ muôn vạn đời kiếp vốn đã nhiều khủng khiếp, vậy mà chúng ta mỗi phút mỗi giây vẫn tiếp tục đều đặn gieo thêm vào nhiều vô số kể.

  • # Thức được biểu hiện qua hình ảnh con khỉ ôm trái cây nhảy từ cành này sang càng khác
  • # Thức chính đi từ đời trước sang đời sau, quyết định kiếp sau sinh cõi nào
  • # Thức chứa cả tỷ hành nghiệp, và chúng ta vẫn đang tiếp tục tạo thêm cả tỷ khác

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 3 Thức



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 271 — DANH SẮC LÀ TÂM VÀ THÂN, THỪA HƯỞNG TỪ SỰ CHÍN MÙI CỦA MỘT DẤU ẤN NGHIỆP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Thức sinh danh sắc. Danh sắc được biểu hiện qua hình ảnh của người chèo thuyền. Danh là bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức, và sắc là sắc uẩn, ở đây là trứng thụ thai. Chúng sinh nào sinh vào cõi vô sắc thì sẽ chỉ có danh, không có sắc.

§  Người chèo thuyền cần phải có thuyền, có chèo, và có sông nước vân vân. Tương tự như vậy, cái tôi trung tâm của thế giới của chúng ta đây cũng cần phải có danh sắc, nói cách khác, phải có năm uẩn. Thuyền đi đâu người chèo theo đó, tương tự như vậy ngũ uẩn đi đâu thì cái tôi, vốn chỉ là tên gọi của ngũ uẩn ấy, đều đi theo. Thuyền chỉ là có trong một lúc, không gì khác hơn là phương tiện chở người chèo sang sông. Thân cũng vậy, chỉ là căn nhà trọ của khách lữ hành đi từ đời này sang đời khác. Nhà trọ thì có gì để phải lưu luyến, thân này cũng vậy, chẳng có gì để phải bám vào.

§  Trong trường hợp sinh bằng thai thì danh sắc bắt đầu từ lúc thức nhập vào trứng thụ tinh, điểm đầu tiên của thời kỳ thai nghén. Đây là khởi điểm của đời sống hiện tại, trước khi sáu giác quan hình thành. Điều chẳng may là phiền não của tất cả mọi kiếp trước, chúng ta phải khuân hết theo dưới dạng dấu ấn của nghiệp. Sinh làm người là duyên may rất lớn, dù vậy vẫn chỉ là từ phiền não và nghiệp sinh ra. Từ khoảnh khắc đầu tiên được thụ thai, hợp thể thân và tâm mà chúng ta thâu được đều chỉ là từ hạt giống của phiền não và nghiệp sinh ra.

  • # Danh sắc là người chèo thuyền, ứng với sự hội tụ của năm uẩn
  • # Không danh sắc, năm uẩn, thì không có cá nhân nào hình thành
  • # Năm uẩn mà chúng ta thâu được đều từ hạt giống của phiền não và nghiệp sinh ra

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 4 Danh sắc



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 272 — CHÚNG TA TIẾP XÚC ĐIỀU GÌ CŨNG ĐỀU LÀ TIẾP XÚC BẰNG SÁU GIÁC QUAN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Danh sắc sinh lục nhập. Lục nhập được biểu hiện qua hình ảnh căn nhà trống có sáu cửa, thường là một cửa chính và năm cửa sổ. Căn nhà từ xa nhìn giống như có người, nhưng thật ra là căn nhà trống. Tương tự như vậy, sáu giác quan [sáu căn] mà thiếu mất đối cảnh [sáu trần] thì chẳng để làm gì.

§  Căn là giác quan vi tế, nằm trong bộ phận giác quan thô lậu. Tỷ căn nằm ở lưỡi, nhãn căn nằm ở mắt, vân vân, nhưng căn không phải là vật thể giống như bộ phận giác quan thô lậu, ngược lại thuộc về cái gọi là thân vi tế. Lấy ví dụ khi đóa hoa trở thành đối cảnh của tâm thức, con mắt là giác quan thô lậu giúp tâm thức tiếp nhận đối cảnh ấy. Tâm thức cưỡi trên khí, trải nghiệm đóa hoa bằng nhãn căn, phân biệt màu sắc và tướng dạng của đóa hoa này.

§ Vật thể ở bên ngoài nhìn thấy giống như là tự chúng có hình sắc, mùi vị, âm thanh các thứ, nhưng chúng ta có thể thấy rằng thật ra quá trình này xuất phát từ cái tâm. Mọi kinh nghiệm có được đều là sản phẩm của tâm, được tạo ra khi căn tiếp xúc với đối cảnh ở bên ngoài [trần] qua bộ phận giác quan thô lậu. Thơm hay thúi, đẹp hay xấu, ngon hay dở, tất cả đều là sản phẩm của tâm mình. Trải qua kinh nghiệm tốt hay xấu là tùy khi tiếp xúc với đối cảnh, dấu ấn nào của nghiệp trong tâm được chín mùi. Cho nên trải nghiệm đối cảnh ra sao là tùy ở nghiệp của mình, và nghiệp này thì lại đến từ vô minh căn bản. Sẽ chẳng gì có thể xảy ra nếu không tâm thức.

  • # Sáu căn được biểu hiện qua hình ảnh căn nhà trống có sáu cửa
  • # Giác quan vi tế này thuộc về cái được gọi là thân vi tế
  • # Mọi trải nghiệm đều tùy vào các căn, vì vậy tùy vào tâm mình

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 5. Lục nhập [sáu giác quan]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  273 — SÁU CĂN SINH XÚC, TIẾP XÚC VỚI ĐỐI CẢNH CỦA SỰ BIẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Lục nhập sinh xúc. Xúc được biểu hiện qua hình ảnh nam nữ chạm vào nhau, đây là sự tiếp xúc giữa giác quan và đối cảnh, nói cách khác, của các căn với các trần. Xúc có sáu loại, năm loại cho năm căn, và một loại cho ý căn. Định nghĩa của xúc là một trong sáu căn của tâm phiền não gặp gỡ tiếp xúc với đối cảnh bằng lực của chính mình. Vì vậy xúc bắt buộc phải là chi duyên khởi kết nối giữa việc có sáu căn tiếp xúc được với đối cảnh [lục nhập] và việc phát triển cảm nhận về đối cảnh này [thọ].

§  Chữ “xúc” nói ở đây không phải là sự đụng chạm vật lý giữa giác quan thô lậu và đối cảnh. Nói con mắt khi tiếp xúc không cần chạm vào đối cảnh thì dễ hiểu, nhưng thật ra lưỡi cũng vậy. “Xúc” nói ở đây là thức tiếp xúc với đối cảnh qua sự va chạm vật lý ấy. Lấy ví dụ, chảo nóng có thể chạm vào da, nhưng chỉ khi nào tâm thức ghi nhận sự va chạm này thì mới sinh ra Xúc. Xúc là chi duyên khởi thứ sáu, dẫn đến chi duyên khởi thứ bảy là thọ, và trong ví dụ này là cảm thọ khó chịu.

§ Thế giới chúng ta đầy những âm thanh dễ nghe, khó nghe, mùi dễ chịu, khó chịu, hình ảnh dễ nhìn, khó nhìn. Tuy vậy, muốn trải nghiệm thì trước tiên phải tiếp xúc. Mắt muốn thấy thì nhãn căn phải tiếp xúc với hình sắc của một vật gì đó qua bộ phận giác quan thô lậu là con mắt. Gần như ngay lập tức sau đó, cảm giác sẽ tùy nghiệp cũ mà phát sinh. Đối cảnh, giác quan và tâm thức, hay nói cách khác căn, trần và thức, phải gặp nhau thì việc này mới xảy ra.

  • # Xúc được biểu hiện qua hình ảnh bộ phận sinh dục nam nữ chạm nhau
  • # Chi duyên khởi Xúc được tạo ra khi tâm thức ghi nhận sự va chạm vật lý
  • # Căn trần và thức phải gặp nhau thì việc này mới xảy ra

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 6 Xúc [tiếp xúc]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 274 — TỪ XÚC SINH THỌ, LÀ CẢM NHẬN DỄ CHỊU, KHÓ CHỊU HAY TRUNG TÍNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Xúc sinh thọ. Thọ là cảm nhận, được biểu hiện qua hình ảnh người có mũi tên trong mắt, phải chịu khổ vì tiếp xúc đối cảnh. Nếu không có xúc thì cũng sẽ không có thọ. Cảm thọ có ba loại, dễ chịu, khó chịu và trung tính, cũng có thể gọi là vui, khổ và dửng dưng. Cảm thọ dễ chịu thì nổi tham, khó chịu thì nổi sân, và dửng dưng thì hờ hững và nổi si.

§ Đối cảnh mà thức tiếp xúc tự nó không đẹp, xấu hay chán, cũng không tốt, xấu hay trung bình, chỉ do tâm biến nó thành như vậy. Như đã thấy, mọi sự đều đến từ cái tâm, như thước phim chiếu trên màn ảnh. Hai người nhìn vào cùng một thứ, nhưng người này thấy đẹp người kia lại thấy xấu. Nếu đẹp xấu là tùy ở đối cảnh thì lẽ ra mọi người trong mọi lúc trước cùng một đối cảnh phải có cùng một cảm nhận như nhau, nhưng đương nhiên không phải là như vậy.

§ Thấy đối cảnh tự nó là đẹp hay xấu, không biết đó chỉ là phóng ảnh của tâm thì sẽ phải hứng chịu đủ loại khổ đau. Đây là lý do vì sao chúng ta bắt buộc phải hiểu thọ sinh từ xúc, xúc sinh từ nghiệp, và nghiệp do vô minh tạo như thế nào.

  • # Thọ được biểu hiện qua hình ảnh người bị mũi tên bắn vào mắt
  • # Cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay trung tính là tùy ở nơi tâm
  • # Thấy đối cảnh tự nó là tốt hay xấu thì sẽ phải hứng chịu đủ loại khổ đau

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 275 — ÁI VÀ THỦ NGÀY NÀO CŨNG HOẠT ĐỘNG TRIỆU KIỂU TO NHỎ KHÁC NHAU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Xúc và thọ sinh ái. Ái được biểu hiện qua hình ảnh người uống rượu. Rượu uống bao nhiêu cũng không hết khát, lòng tham cũng vậy, thêm bao nhiêu cũng không đủ, chỉ càng ham muốn thêm. Lòng tham sẽ hủy hoại đời sống hiện tại và sẽ hủy hoại nhiều kiếp tương lai. Ái nói chung có ba loại, dục ái, vô hữu ái và hữu ái.

§ Ái thứ nhất là dục ái, nghĩa là ham muốn lạc thú giác quan. Điều này dễ hiểu. Chúng ta luôn chạy theo kinh nghiệm thoải mái dễ chịu, một buổi chiều hoàng hôn, mối tình thân thú vị. Không những muốn được dễ chịu mà còn muốn đừng lìa xa. Với nhiều người, đó chính là cuộc sống. Ái thứ hai là vô hữu ái, nghĩa là muốn được tự do thoát sợ hãi, như nỗi sợ của loài vật hay của những người nghèo hèn phải đối phó hàng ngày, sợ đói, sợ khát, sợ chết, sợ bị hành hung, vân vân. Ái này gồm cả sự muốn thoát nỗi sợ không đạt được điều mình muốn, là thứ sợ hãi của những người may mắn như chúng ta đây.

§ Ái thứ ba là hữu ái, là ham muốn được tồn tại. Đây là loại ái mạnh nhất, và cơ bản nhất. Khi đối diện với cái chết, chúng ta sẽ sợ mình biến mất. Sự khát khao được tồn tại sẽ đẩy ta vào duyên khởi kế tiếp là thủ, yếu tố quyết định mình sẽ lấy một cái thân khác. Như đã thấy trong phần hành nghiệp, sinh vào thân nào là tùy khi chết nghiệp nào được thúc đẩy chín mùi. Trong cả tỷ tỷ dấu ấn của nghiệp có sẵn trong dòng tâm thức, nghiệp nào mạnh nhất sẽ chín. Ái và thủ sẽ là yếu tố quyết định cho việc này.

  • # Ái được biểu hiện qua hình ảnh người uống rượu không bao giờ hết khát
  • # Đời sống của chúng ta ngập tràn lòng ham muốn lạc thú giác quan và thoát mọi sợ hãi
  • # Ái mạnh nhất là ham muốn được tồn tại, và chính ái này sẽ dẫn đến thủ và hữu

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 8 Ái



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 276 — KHI ÁI MẠNH ĐẾN MỨC KHIẾN TA NHẤT QUYẾT PHẢI CÓ CHO ĐƯỢC ĐIỀU MÌNH MUỐN THÌ SẼ TRỞ THÀNH THỦ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Ái sinh thủ. Thủ được biểu hiện qua hình ảnh con khỉ hái trái trên cây. Đã nếm được một quả con khỉ phải leo cây tìm hái nhiều hơn. Thủ là từ ái sinh ra, khiến chúng ta phải làm đủ việc bất thiện để thỏa mãn tham sân si, vì vậy mà gặp bao khổ não. Nói ví dụ, nghĩ tới rượu thấy thích nên thèm nhắp một ly. Nếu chỉ là ý muốn suông vậy thôi thì cũng không quá tệ, nhưng thèm muốn này sẽ càng lúc càng tăng, cho đến khi chúng ta thấy là mình phải làm gì đó để được thỏa mãn. Đây là thủ, là cái tâm đuổi theo mục tiêu ham muốn. Thủ khiến tham càng thêm dữ dội, khiến cho chúng ta nhất quyết phải mua chai rượu ấy, và uống.

§ Trong khế kinh, Phật dạy có bốn loại thủ, [1] dục thủ là chấp thủ lạc thú giác quan; [2] kiến thủ là chấp thủ cái thấy sai lầm phủ nhận thực tại đúng như sự thật; [3] giới cấm thủ là chấp thủ cái thấy sai lầm tự cho niềm tin của mình là cao trội hơn cả; [4] ngã luận thủ là chấp thủ cái thấy sai lầm cho rằng có một cái tôi tự lập. Bốn loại thủ này đều có mối quan hệ mật thiết với biên kiến mà chư luận sư Phật giáo vẫn thường nhắc đến.

§ Ái và thủ gần nhau đến nỗi chúng ta luôn xem chúng là một. Ái vừa chớm đã biến thành thủ. Vừa chớm nghĩ đến sô cô la là đã thấy thèm, vừa thấy thèm là đã muốn có để mà ăn. Ái khiến ta muốn có được cảm giác dễ chịu, và thủ khiến ta quyết tâm thực hiện điều mình muốn. Hai chi duyên khởi này đặc biệt dữ dội ở thời điểm cận tử, vào lúc chúng ta hoảng hốt sợ mình sẽ tan biến, ham muốn được tồn tại này sẽ trở thành thủ đẩy chúng ta vào kiếp sau.

  • # Thủ được biểu hiện qua hình ảnh con khỉ leo cây tìm quả
  • # Phật dạy có bốn loại thủ, loại nào cũng đều có liên quan đến biên kiến
  • # Tham ái vừa chớm là thủ đã đến, đẩy ta vào kiếp sau

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 9 Thủ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 277 — ÁI VÀ THỦ KHIẾN DẤU ẤN NGHIỆP TRONG TÂM CHÍN MÙI THÀNH CHI DUYÊN KHỞI THỨ MƯỜI LÀ HỮU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vì thủ này bám vào cái thân nên sinh ra hữu, duyên khởi thứ mười. Hữu được biểu hiện qua hình ảnh người phụ nữ mang thai. Định nghĩa của hữu là “một thứ tâm sở hư vọng, bản chất mang tướng chín mùi, do vô minh dựa vào nghiệp lực và ái thủ sinh ra. Nói “bản chất mang tướng chín mùi” có nghĩa là nghiệp ấy không còn là hạt giống tiềm tàng trong tâm, bị nghiệp lực và ái thủ tác động nên đã chín mùi thành quả.

§ Hoạt động của bộ ba duyên khởi ái thủ hữu này nổi lên ngay trước khi trổ quả. Một bộ ba ái thủ hữu có thể phải đợi hàng vô lượng kiếp trước khi nổi lên vào lúc chết vì bị nghiệp khác mạnh hơn cản đường. Nói ví dụ người sắp chết tự nhiên sẽ muốn được sinh trở lại làm người, nhưng vì nhân duyên sinh làm người rất hiếm nên hầu hết đều phải rơi vào ác đạo trong nhiều đại kiếp. Tuy nghiệp sinh làm người vẫn có ở đó, nhưng muốn được bộ ba ái thủ hữu này đẩy mình vào kiếp người thì phải tịnh hết ác nghiệp trước đã.

§ Với hữu thì ngay từ lúc gặp tinh cha noãn mẹ, tâm thức đã phải chịu sự khống chế của phiền não và nghiệp. Trọn đời này, rồi chết, rồi vào cõi trung ấm, chúng ta luôn bị phiền não và nghiệp khống chế, cho nên đương nhiên là kiếp sau cũng vậy thôi. Đó là lý do vì sao chúng ta đã phải chịu khổ trong luân hồi và sẽ vẫn tiếp tục khổ mãi, cho đến khi phá vỡ vòng phiền não.

  • # Hữu được biểu hiện qua hình ảnh người phụ nữ mang thai, tượng trưng cho nghiệp đã chín mùi thành quả
  • # Khi chết, ái thủ và hữu nổi lên thành một bộ ba
  • # Chúng ta vừa tái sinh là đã bị phiền não và nghiệp khống chế

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! Hữu



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 278 — HỮU DẪN ĐẾN TÁI SINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hữu sinh sinh. Sinh được biểu hiện qua hình ảnh người phụ nữ lâm bồn. Định nghĩa của sinh là sự hội tụ trong luân hồi của thức uẩn, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, do ái, thủ và hữu mà có. Thức uẩn hiện hữu dưới dưới dạng chín mùi, bị phiền não và nghiệp buộc vào luân hồi.

§ Sinh có bốn loại: sinh bằng thai, sinh bằng trứng, sinh bằng hơi nóng ẩm thấp, và sinh bằng biến hóa. Sinh bằng thai và sinh bằng trứng là điều dễ hiểu. Sinh bằng hơi nóng ẩm thấp là cách sinh của một số sinh vật li ti, sinh ra từ thớ gỗ, trái cây hay nước, không trải qua quá trình nằm trong thai mẹ. Nói ví dụ xác loài vật thúi rữa sẽ mau chóng phát sinh dòi bọ. Loại sinh thứ tư là sinh bằng biến hóa. Ngoại trừ một số loài ngạ quỷ sinh từ thai, còn lại các loài địa ngục; phần lớn loài ngạ quỹ; loài trời hữu sắc và vô sắc; cũng như chúng sinh cõi trung ấm, đều không phải sinh ra từ thai, từ trứng hay từ ẩm thấp mà sinh bằng biến hóa. Dấu ấn lưu trong tâm thức sẽ là yếu tố quyết định làm sao và lúc nào thức uẩn của chúng sinh trung ấm sẽ hội tụ với tinh cha và noãn mẹ.

§ Dấu ấn cũng giống như là hạt giống, được ái và thủ tiếp lực làm chín mùi thành quả ở thời điểm chết, tương tự như nước, hơi ấm vân vân tiếp sức cho hạt giống tăng trưởng. Khi hạt giống nảy mầm là tương đương với hữu, khi đủ cành đủ là là tương đương với sinh.

# Sinh được biểu hiện bằng hình ảnh của người phụ nữ lâm bồn, do ái thủ và hữu xúc tác
# Sinh có bốn loại: bằng thai, bằng trứng, bằng ẩm thấp và bằng biến hóa
# Sinh giống như đại thụ đủ cành đủ lá, lớn lên từ chồi non của hữu

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 11 Sinh



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 279 — CHẾT LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN; CHỈ MỖI CÁI CHẾT LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN DUY NHẤT TRONG ĐỜI NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Già và chết được gộp chung thành một chi duyên khởi, biểu hiện qua hình ảnh của người vác xác chết. Già không nhất định phải là tuổi già. Có rất nhiều người chết trước khi tóc bạc, da nhăn vân vân. Già bắt đầu từ thời điểm trứng thụ tinh hội tụ với thức, mang đến cái chết không thể tránh. Định nghĩa của già là sự phân rã ngoài ý muốn của ngũ uẩn dưới sự khống chế của phiền não và nghiệp. Định nghĩa của cái chết phàm trần là sự tách lìa khỏi thân ngoài ý muốn của thức dưới sự khống chế của phiền não và nghiệp.

§ Chúng ta đều đang đi trên quá trình già và chết. Có một số người ý thức được điều này, có lẽ vì cơ thể đã thể hiện rõ rệt, còn lại phần lớn chúng ta đều chối bỏ sự thật hiển nhiên này, đến cả chữ “già” cũng không muốn nghe nhắc đến. Nhưng tuổi già và cái chết chắc chắn sẽ đến, trừ phi là chết yểu. Vì vậy chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tại này để biết mà tận dụng tất cả những gì mình đang có.

§ Dù có sợ đến đâu, dù có hối tiếc đã không tu theo chánh pháp, chưa khai mở thiện tâm thì rồi vẫn sẽ chết. Đương nhiên là chết không phải là hết mà chỉ là khởi đầu của một chu kỳ duyên khởi mới, khởi đầu của một vòng sinh tử khổ đau mới, ở đó chúng ta sẽ tạo ra thêm vô số chu kỳ nhân quả khác, chôn mình càng lúc càng sâu hơn vào vũng lầy luân hồi sinh tử này.

  • # Già và chết được biểu hiện qua hình ảnh của người vác xác chết
  • # Nhiều người trong chúng ta phủ nhận sự thật hiển nhiên là mình đang đi trên quá trình của già và chết
  • # Chết không phải là hết mà chỉ là khởi điểm của một chu kỳ 12 duyên khởi khổ đau mới

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! 12 Già và chết



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 280 — VÌ VÔ MINH MÀ NGÀY NÀO, GIỜ NÀO, PHÚT NÀO, GIÂY NÀO CHÚNG TA ĐỀU ĐANG GIEO NGHIỆP TẠO CHU KỲ DUYÊN KHỞI MỚI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chuỗi tùy duyên sinh khởi mô tả quá trình luân chuyển tái sinh từ kiếp khổ đau này sang kiếp khổ đang khác. Một chu kỳ 12 duyên khởi không kết thúc ở một đời mà cần hai hoặc ba đời mới đi trọn.

§ Nói ví dụ, chúng ta vừa mới gieo một nghiệp ngay trong thời điểm này. Có thể là nghiệp tốt, nhưng gieo vì vô minh không thấy được thực tại đúng như sự thật, ví dụ như vì chấp ngã. Vô minh này có thể lưu nghiệp sinh vào cõi trời vào tâm thức. Đến khi chết, nghiệp sinh vào cõi trời này có thể không mạnh bằng nghiệp sinh làm chó đã gieo ở một thời điểm nào khác. Vì vậy bộ ba ái thủ và hữu hoạt động khi chết sẽ thuộc về một chu kỳ duyên khởi khác. Nhưng nghiệp sinh vào cõi trời vẫn không mất đi, vẫn nằm trong tâm thức, sẽ được tác động ở một thời điểm cận tử nào đó trong tương lai. Trong hiện tại đi vào kiếp tái sinh làm chó, chúng ta sẽ phải chịu bảy chi duyên khởi còn lại của kiếp làm chó này. Rồi một ngày nào đó nghiệp sinh vào cõi trời sẽ đứng trước và bộ ba ái thủ hữu khi chết sẽ đưa ta vào cõi ấy, với bảy chi duyên khởi còn lại của chu kỳ duyên khởi này.

§ Chúng ta đã tạo nên ba chi duyên khởi đầu của hằng hà vô số chu kỳ duyên khởi. Trừ phi thuần được tâm mình, kiểm soát được mọi hoạt động và diệt được vô minh, bằng không những chu kỳ duyên khởi này sẽ mãi lôi chúng ta vào hết kiếp khổ đau này đến kiếp khổ đau khác. Tâm thức như chuyến xe chuyến tàu chở hàng, phải đi hết chỗ này đến chỗ nọ, hết đời này sang đời khác, lãnh hàng hóa nghiệp chất lên và chở đi, cho đến khi giao hàng lấy tiền.

  • # Một chu kỳ duyên khởi cần hai hay ba đời để hoàn tất
  • # Nghiệp không bao giờ mất đi nhưng có thể cần nhiều thời gian để trổ quả
  • # Trừ phi thuần được tâm, bằng không sẽ cứ phải đi hết kiếp khổ đau này đến kiếp khổ đau khác

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! Kết [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 281 — KHÔNG GÌ QUAN TRỌNG HƠN LÀ HIỂU ĐƯỢC CÁI GÌ ĐÃ BUỘC MÌNH VÀO NỖI KHỔ BẤT TẬN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nhìn theo thứ tự thì mỗi chi duyên khởi là quả của chi duyên khởi đi trước và là nhân của chi duyên khởi theo sau. Tuy vậy, chức năng của 12 chi duyên khởi sẽ được biểu hiện rõ ràng hơn nếu phân thành ba loại: nguyên nhân chính là phiền não; nghiệp sinh từ phiền não; và quả khổ đến từ nghiệp. Theo đó, phiền não là vô minh, ái, và thủ, nguyên nhân của khổ; nghiệp là hành và hữu; quả khổ đến từ phiền não và nghiệp là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sinh và già chết.

§ Có nhiều nhánh trong chu kỳ duyên khởi này chúng ta biết rất rõ, những chi duyên khởi thuộc về kiếp hiện tại mình đang sống đây. Tuy vậy, điều mà chúng ta không biết đó là tại sao những chi duyên khởi này lại đến từ ái thủ và hữu ở đời trước, và bộ ba ái thủ hữu đời trước này tại sao lại hình thành từ vô minh và nghiệp ở một đời trước đó nữa.

§ Ngay lúc này chúng ta đang tạo nghiệp gì? Trong từng hành động có đảm bảo được cho mình một kiếp tái sinh với thân người toàn hảo, hay lại vô tâm chạy theo lạc thú giác quan, chấp bám vào đời sống hiện tại để đảm bảo kiếp sau sinh vào cảnh khổ? Có đang bẻ khóa ngục tù khổ đau, hay đang nhốt mình vào cùng một hành trình, hết lần này dến lần khác. Ai cũng biết ở tù khổ như thế nào, nhưng tù ngục luân hồi khổ hơn cả trăm ngàn vạn lần. Chúng ta tự nhốt mình vào đó mà không tự biết.

  • # Mười chi hai duyên khởi có thể chia thành ba loại: phiền não, nghiệp và quả khổ
  • # Những chi duyên khởi trong hiện tại đến từ ái, thủ và hữu của đời trước
  • # Phải biết nghiệp mình đang gieo trong hiện tại là đang cởi thoát hay đang trói mình vào sinh tử

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! Kết [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 282 — XÉT 12 DUYÊN KHỞI THEO THỨ TỰ ĐẢO NGƯỢC THÌ BIẾT CÁCH PHÁ VỠ CHU KỲ NÀY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta có thể dựa vào mười hai chi duyên khởi để tìm hiểu thế giới của mình và từ từ thay đổi nó đi. Tham — là ái và thủ — nổi lên vì một đối cảnh ưa thích. Nếu xét tham này trên cơ sở của 12 chi duyên khởi, sẽ thấy ái và thủ chỉ có thể đến từ cảm nhận [thọ]; và cảm nhận này có là vì tiếp xúc với đối cảnh [xúc], có tiếp xúc là do một hay nhiều giác quan [lục nhập]. Theo đó, mỗi chi duyên khởi đều chỉ phát sinh từ chi duyên khởi đi trước. Cho nên tất cả đều phát xuất từ nghiệp, và đương nhiên là nghiệp này đến từ vô minh, nền tảng của trọn chu kỳ này.

§ Như đã thấy, đồ đẹp hay xấu, mùi thơm hay thúi, nhạc êm tai hay chói tai, tất cả đều là sản phẩm của tâm, là phóng tưởng đến từ dấu ấn của nghiệp trên dòng tâm thức. Cũng như người nông dân tùy thuộc vào cánh đồng và hạt giống, tương tự như vậy, không có vô minh tạo tác thì sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Toàn bộ cõi luân hồi này là sản phẩm của tâm. Không có sức mạnh bên ngoài nào, như thượng đế hay ông trời, quyết định niềm vui nỗi khổ của mình cả. Hết thảy đều đến từ cái tâm của chính mình.

§ 12 chi duyên khởi cho ta thấy luân hồi phức tạp như thế nào, tại sao chúng ta vì vô minh mà vướng kẹt trong luân hồi. 12 chi duyên khởi còn cho chúng ta thấy lối ra. Vì mọi sự đến từ tâm chính mình, nên chúng ta nắm quyền tự do tuyệt đối. Mọi thứ đều tùy nghiệp, có nghĩa là tùy vào việc mình làm, cho nên bất cứ phút giây nào trong đời chúng ta cũng đều nắm quyền chọn lựa tạo vui hay tạo khổ.

  • # Hiểu được 12 chi duyên khởi thì sẽ có khả năng tìm hiểu và thay đổi thế giới của mình
  • # Mọi cảnh sống đều là sản phẩm của tâm mình, và đều có thể truy ngược về gốc rễ là vô minh
  • # 12 cho duyên khởi cho ta thấy luân hồi phức tạp ra sao, và chỉ cho ta thấy lối ra

! MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI
! Kết [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 283 — THÀNH TỰU TÂM BỒ ĐỀ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRÊN SUỐT HÀNH TRÌNH VỀ NẺO GIÁC — LAMA YESHE

§ Muốn đạt mục tiêu cao nhất thì phải nuôi động cơ cao nhất khi bước trên đường tu. Theo ngôn ngữ Phật giáo, động cơ cao nhất này được gọi là tâm bồ đề. Đây là chí nguyện muốn thành Phật để có đủ khả năng độ hết tất cả chúng sinh. Chỉ khi nào có thể cống hiến trọn vẹn bản thân cho hanh phúc của chúng sinh.—nói cách khác, khai mở tâm bồ đề quảng phát tâm bồ đề—thì chính mình mới đến được với nguồn hạnh phúc tối thượng.

§ Tâm bồ đề là nguồn năng lực mãnh liệt, đủ sức làm cho tâm mình thay đổi toàn diện. Điều này có thể chứng thực bằng kinh nghiệm bản thân chứ không cần phải mù quáng tin theo. Trong tim mà có được tâm bồ đề thì mọi sự tốt lành trong đời đều sẽ đổ về như sắc bị nam châm cuốn hút, chẳng cần cố gắng cũng ập xuống như mưa sa. Trong hiện tại, với cái tâm tràn đầy ngã ái, chúng ta chỉ thu hút về toàn thứ xui xẻo. Nhưng với tâm bồ đề thì tự nhiên sẽ thu hút về bạn tốt, đời sống tốt, cái gì cũng tốt.

§ Như đức Đalai Lama từng nói, nếu đã ích kỷ thì phải ích kỷ cho thật thông minh. Ý của Ngài là, nhìn ở một khía cạnh nào đó, tâm bồ đề giống như một sự ích kỷ khổng lồ: mở lòng từ ái cống hiến bản thân cho người khác thì sẽ nhận về nguồn hạnh phúc vượt xa tất cả những gì có thể đạt được nhờ bất cứ phương tiện nào khác. Chúng ta thường chỉ kiếm được đôi chút niềm vui, mong manh dễ mất. Nếu muốn hạnh phúc tối đa thì chỉ có một cách, đó là hết lòng cống hiến bản thân cho niềm an vui của chúng sinh.

  • # Tâm bồ đề là động cơ tối thượng, vì lợi ích chúng sinh mà cầu Phật đạo
  • # Năng lượng tâm bồ đề làm tâm ta chuyển hóa, và thu hút về mọi việc lành trong đời
  • # Cách tốt nhất để đạt hạnh phúc là hết lòng cống hiến bản thân cho niềm an vui của khắp chúng sinh

! TÂM BỒ ĐỀ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 284 — BỒ ĐỀ CÓ NGHĨA LÀ “RỘNG MỞ” VÀ TÂM CÓ NGHĨA LÀ “TRÁI TIM,” TÂM BỒ ĐỀ CÓ NGHĨA LÀ TRÁI TIM RỘNG MỞ — LAMA YESHE

§ Tâm bồ đề có nghĩa là mở rộng tim ra, càng rộng càng tốt. Thường chúng ta ở một mức độ nào đó cũng có mở tấm lòng, ai cũng vậy, nhưng ở đây chúng ta đang nói đến việc mở rộng con tim để thực hiện mục tiêu tối thượng: mục tiêu siêu việt đưa khắp thế gian đạt đại bồ đề. Đây là cách tạo sức chứa cho con tim. Điều này rất quan trọng.

§ Trong mối quan hệ bình thường với người khác, chúng ta có thể thấy rằng nếu căng thẳng khép kín thì sẽ khó hòa hợp với nhau, nhưng nếu mở rộng trái tim hướng về mục tiêu sâu sắc hơn, tự nhiên sẽ thoải mái hơn nhiều. Nếu tôi thân với bạn vì sô cô la, không có sô cô la tôi chắc chắn sẽ quạu, đúng không nào? Nhìn từ quan điểm Phật giáo, con người sâu sắc hơn thế nhiều. Chúng ta có khả năng thực hiện những điều thật sự lớn lao. Vì vậy tâm bồ đề rất quan trọng. Chúng ta nghĩ rằng điều quan trọng là phải tu thiền cho thật giỏi, nhưng sống trong thế giới tân tiến ngày nay, thực hiện việc này không dễ. Sống đời nay thì tập mở rộng con tim, lấy đó làm đường tu của mình, làm như vậy thiết thực hơn nhiều.

§ Tuy vậy, tâm bồ đề nói dễ chứ thật sự tu không dễ. Phải liên tục ra công, kiên trì cố gắng, không thể chỉ dựa vào một vài nỗ lực rời rạc thỉnh thoảng mà thành tựu được. Với tâm bồ đề thì nhìn khắp thế gian không còn thấy có gì đáng ghét hận hay thèm muốn điên cuồng. Dĩ nhiên để có được cái nhìn an nhiên như vậy trước mọi sự trong đời thì phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Dù vậy, Phật giáo rất thực tế, có tầm nhìn rất sâu rộng, luôn hướng dẫn phát triển theo trình tự tự nhiên. Ai cũng có thể nhờ tâm bồ đề mà trở nên thật sự lành mạnh, sạch mọi vấn đề.

  • # Tâm bồ đề tạo sức chứa trong tim, giúp ta đủ khả năng thành tựu đại giác ngộ
  • # Sống trong thế giới hiện đại ngày nay, mở rộng trái tim cho mọi người mới là đường tu thiết thực
  • # Phát tâm bồ đề là một quá trình tuần tự, đòi hỏi sự kiên trì cố gắng liên tục

! TÂM BỒ ĐỀ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 285 — HẠNH PHÚC THẬT SỰ BẮT ĐẦU KHI CHÚNG TA BẮT ĐẦU BIẾT SỐNG VÌ NGƯỜI KHÁC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm bồ đề là điều thật nhiệm mầu khó tin. Tâm này thấy việc làm nào không vì chúng sinh cũng đều nhàm chán, trái ý. Ngoài việc này ra không còn thấy hứng thú với bất cứ điều gì khác trong đời. Mọi thứ đều vô vị, vô nghĩa, rỗng không, chẳng có chút thực chất nào.

§ Với tâm ngã ái, chúng ta chỉ biết nghĩ đến chính mình. “Làm sao có hạnh phúc? Làm sao tránh khổ đau?” Trong tim không chút niềm vui, chỉ biết âu lo, sợ hãi. Nhìn đâu cũng thấy đầy cả vấn đề, tâm không thoải mái. Nhưng vừa chuyển đối tượng từ quan tâm chính mình thành quan tâm cho người khác, dù chỉ là một người khác, tâm chợt thoát ngã ái như tay chân được cởi thoát gông cùm. Vừa hoán chuyển vị kỷ thành vị tha là trái tim thoát ngay mọi ràng buộc của ngã ái. Vừa hoán chuyển đối tượng mình trân quý, đáy tim chợt bình an. Đổi quý mình thành quý người, tự do đã có mặt, giải thoát vòng kiềm tỏa của lòng ích kỷ.

§ Đối tượng cần buông bỏ vĩnh viễn là cái gọi là “ngã,” là “tôi.” Đối tượng cần trân quý vĩnh viễn là cái gọi là “tha,” là “chúng sinh khác.” Ai biết sống vì người khác , dù chỉ là một chúng sinh khác, sẽ có được niềm vui lớn nhất, sống cuộc sống xứng đáng nhất. Hạnh phúc chân chính trong đời bắt đầu từ lúc chúng ta biết quý người khác. Sống vì người khác, quan tâm chăm sóc cho họ bằng trọn tấm lòng từ bi, đây chính là cánh cửa của hạnh phúc, cánh cửa của giác ngộ.

  • # Không gì thú vị đáng ưa và có ý nghĩa hơn là tâm bồ đề
  • # Chuyển từ quý mình thành quý người thì được tự tại bình yên
  • # Trân quý người khác là cánh cửa dẫn vào hạnh phúc và giác ngộ

! TÂM BỒ ĐỀ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 286 — MUỐN TRỞ THÀNH PHẬT TỬ ĐẠI THỪA THÌ PHẢI ĐẠT TÂM BỒ ĐỀ — LAMA YESHE

§ Chúng ta tự xưng là Phật tử Đại thừa, nhưng chỉ tin theo triết lý đại thừa thì chưa đủ để trở thành Phật tử Đại thừa. Đại là lớn, và thừa là cỗ xe. Muốn làm Phật tử Đại thừa thì trái tim phải có sức chứa của cỗ xe lớn. Sức chứa của cỗ xe lớn là gì? Là tâm bồ đề, là cái tâm sâu xa nhất, trong sáng, rộng lớn, gánh hết thế gian, là ý chí cương quyết thành Phật để làm lợi cho khắp cả chúng sinh. Có như vậy thì Đại thừa mới giống như chiếc thuyền chở hết chúng sinh vượt biển luân hồi đến bờ giác ngộ.

§ Chúng ta có thể tu và học về Đại thừa rồi vỗ ngực tự xưng mình là Phật tử Đại thừa, với cái tâm ít nhiều phân biệt tông phái. Nhưng chưa có tâm bồ đề thì không phải là Phật tử Đại thừa. Nhiều người tưởng rằng Đại thừa với Tiểu thừa là một thứ triết lý và giáo lý, nhưng hai cỗ xe này tuy cũng có triết lý và giáo lý nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu. Nói cho đơn giản, nếu chỉ biết quan tâm đến chính mình, không nghĩ gì đến chúng sinh khác thì dù sống trọn đời trong ngôi chùa Đại thừa cũng chẳng ích gì. Tâm không đổi thì vấn đề của mình chẳng thể giải quyết.

§ Điều Thầy muốn nói ở đây đó là nếu có được tâm bồ đề thì bảo đảm cỗ xe này sẽ chở chúng ta đến với quả giác ngộ, không bao giờ sai. Vì vậy khi thuyết pháp Đại thừa, đức Phật luôn nhấn mạnh về tâm bồ đề trong sáng.

  • # Đại thừa không tùy vào hệ triết lý mà tùy ở tâm bồ đề
  • # Nếu chỉ biết quan tâm đến chính mình thì không phải là Phật tử Đại thừa
  • # Đức Phật nhấn mạnh về tâm bồ đề, vì tâm này bảo đảm sẽ đưa ta đến với quả giác ngộ

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! Tâm bồ đề là cánh cửa duy nhất dẫn vào Đại thừa



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 287 — BỒ TÁT CHO DÙ CÓ NGHÈO HAY VÔ HỌC ĐẾN MẤY CŨNG ĐỀU ĐƯỢC GỌI LÀ “TRƯỞNG TỬ CỦA PHẬT” — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khắp chư Phật đều vô cùng mừng vui khi có người trở thành bồ tát. Phật gọi người ấy là trưởng tử của Phật, vì họ giống như vị thái tử sẽ lên ngôi vua. Dù chưa biết nói biết đi, thái tử vẫn giữ địa vị quan trọng và cao quý, không quý tộc đại thần nào có thể sánh bằng. Tương tự như vậy, bồ tát mới phát tâm là người sẽ thành Phật, phụng sự khắp chúng sinh. Không điều gì có thể khiến chư Phật vui hơn.

§ Vừa phát được tâm bồ đề là chúng ta trở thành bậc thượng nhân, xứng cho mọi loài tôn kính. Bất kể tướng dạng ra sao, trời và người vẫn đều đảnh lễ chiêm bái. Trong sách Bảo Đăng đức Khunu Lama Rinpoche có nói rằng tâm bồ đề đẹp nhất trên đời, dù nhìn bằng mắt thế gian có thấy xấu thấy nghèo đến mức nào, người có tâm bồ đề vẫn là nơi xứng đáng được tôn vinh vì là nơi của lòng vị tha tuyệt vời. Bồ tát có thể là tên ăn mày vừa nghèo vừa hôi, áo rách tả tơi, tóc tai bê bết; cũng có thể là tên híp pi vừa ốm vừa dơ, mọi người xa lánh, cử chỉ bộ dạng quái gỡ điên khùng; cũng có thể là người cùi bị ruồng bỏ. Nhưng phát được tâm bồ đề là trở thành bậc thượng nhân, được sự tôn vinh của trời và của người, cho dù là A La Hán đã chứng tánh không và đã diệt được phiền não thô lậu cũng không thể sánh.

§ Như đứa con đến từ sự phối hợp của cha và mẹ, tâm bồ đề có được là nhờ quy y Tam bảo, Phật Pháp Tăng, và trở thành Phật nhờ nương vào chư Phật, nhất là nương vào đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, cùng với giáo pháp Phật dạy, và Tăng đoàn của Phật.

# Bồ tát được gọi là trưởng tử của Phật vì có được tiềm năng phụng sự chúng sinh rất lớn
# Bất kể tướng dạng ra sao, bồ tát luôn là bậc thượng nhân xứng đáng được tôn vinh
# Như đứa trẻ tùy thuộc nơi cha mẹ, chúng ta tùy thuộc vào Tam bảo

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.2. Được thành trưởng tử của Phật



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 288 — BỒ TÁT DÙ CHỈ MỚI PHÁT TÂM CŨNG VƯỢT XA A LA HÁN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nếu có được tâm bồ đề, chúng ta sẽ vượt xa bậc A la hán của thanh văn và duyên giác. Chư A la hán có nhiều phẩm chất ngoài sức tưởng tượng, nhưng có một điều chư vị không có, đó là đại nguyện của bồ tát: là ý chí tối thượng muốn chăm lo cho từng chúng sinh hơn cả bản thân của chính mình và muốn đưa tất cả vượt sang bờ giác.

§ Đức Pabongka Dechen Nyingo giải thích rằng bậc A la hán nhập cõi niết bàn trong đại định, vì đã quen với mùi vị an lạc của thiền định cõi niết bàn nên chư vị không hề khởi ý muốn phát tâm bồ đề. Là vì bậc A la hán muốn phát tâm bồ đề rất khó, chư vị đã thoát mọi khổ đau nên không thể nhìn vào khổ đau của chính mình để thấu hiểu nỗi khổ của chúng sinh. Điều này chúng ta nên hiểu rõ. Vì không còn khổ nên bậc A la hán khó phát tâm đại bi. Không phải vì chư vị không có lòng từ bi đối với chúng sinh. Tâm từ bi của chư vị thật sự to lớn so với thứ từ bi bé mọn mà chúng ta có thể có. Chư vị cũng thôi thúc mong cho tất cả chúng sinh được thoát khổ, được hạnh phúc, nhưng điều mà chư vị còn thiếu là đại nguyện, là cái tâm nhận lãnh trách nhiệm tự mình gánh vác chúng sinh. Và đây là phẩm chất làm nên mọi khác biệt.

§ Bậc A la hán nhập vào cõi niết bàn, đạt niềm an vui không thể nghĩ bàn, vì vậy chư vị ở trong thiền định nhiều đại kiếp trước khi xuất định để bước vào đường tu Đại thừa. Thời gian chư vị nhập đại định dài đến nỗi đủ cho chúng sinh cõi địa ngục trả hết khổ báo địa ngục, sanh trở lại làm người, có được thân người tuyệt hảo, bước vào đường tu đại thừa và tu thành Phật.

  • # Bậc A la hán có rất nhiều phẩm chất nhưng thiếu mất đại nguyện gánh vác chúng sinh
  • # Rời đại định niết bàn để phát tâm bồ đề là điều rất khó làm đối với bậc A La Hán
  • # Thời gian A la hán nhập đại định đủ dài cho chúng sinh khác đi từ cõi địa ngục cho đến tận quả vị Phật

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.3 Trên cả bậc A La Hán



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 289 — VỪA ĐẠT TÂM BỒ ĐỀ LÀ TRỞ THÀNH RUỘNG PHƯỚC TỐI THƯỢNG, XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC SỰ TÔN VINH HIẾN CÚNG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Thành bồ tát là thành ruộng phước xứng cho chúng sinh hiến cúng. Chúng ta mà thành bồ tát thì người nào hiến cho chúng ta sẽ có được vô lượng công đức, bản thân chúng ta là người nhận cũng sẽ có được vô lượng công đức. Chứng ngộ càng cao thì công đức cho mình và cho người càng nhiều.

§ Mặt đất bước qua, dấu chân trên bụi đường, hết thảy đều trở thành nơi xứng cho trời người đảnh lễ, đó là vì năng lực của đại nguyện. Cả những vị vua chuyển pháp luân, cả Đế thiên, Phạm thiên, đều tôn kính đặt đỉnh đầu lên dấu chân của bồ tát. Chính đức Phật dạy rằng, “Ai muốn tôn kính ta thì phải đảnh lễ bồ tát hơn là đảnh lễ Phật.” Phật cũng dạy rằng, “Bồ tát mà thích ngồi xe thì Như lai cũng nguyện kéo xe cho bồ tát.” Bậc A la hán dù nhập niết bàn dài hàng đại kiếp, nhưng không được tôn vinh bằng một vị bồ tát mới phát tâm, vì bồ tát chỉ biết quan tâm cho sự an nguy của chúng sinh. Trọn thân thể của bồ tát, từ đỉnh đầu chót tóc cho đến tận ngón chân, đều đáng được tôn vinh, đều là thánh địa, là xá lợi. Thậm chí những gì đến từ thân này, máu, phân hay nước tiểu, đều chan chứa lực gia trì, đều có tác dụng làm sạch và chữa lành cho chúng sinh khác.

§ Dù có phải bỏ ra nhiều đời, đây là mục tiêu lớn lao phải nhất quyết thực hiện. Phải toàn tâm toàn ý với mục tiêu này, dốc hết năng lực của mình vào đấy. Đời sống trôi qua rất nhanh, chúng ta có thể sẽ thất bại, chết mà chưa kịp phát tâm bồ đề, dù vậy, nếu cứ tiếp tục nỗ lực, chắc chắn đời sau sẽ có thể thành tựu.

  • # Bồ tát là ruộng phước tối thượng, xứng cho tất cả chúng sinh hiến cúng
  • # Đế thiên, Phạm thiên và chính đức Phật tán dương chiêm ngưỡng người có tâm bồ đề
  • # Đạt tâm bồ đề là mục tiêu lớn lao, chúng ta nhất định phải dốc hết toàn tâm toàn lực vào đó

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.4. Sẽ thành ruộng phước tối thượng xứng được hiến cúng



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 290 — MUỐN THÀNH CÔNG TRONG VIỆC TÍCH LŨY CÔNG ĐỨC THÌ PHẢI CÓ TÂM BỒ ĐỀ — LAMA YESHE

§ Thiếu tâm bồ đề mà muốn lũy công đức là việc rất khó. Công đức vừa mới tạo đã bị hủy ngay. Công đức tạo ra buổi sáng, đến trưa đã mất sạch. Giống như vừa dọn nhà vừa xả rác. Tâm vừa quét sạch đã quậy bung lên. Công việc làm ăn này thật không có lời. Có được tâm bồ đề thì chúng ta trở thành giống như cục vàng, cục kim cương, quý giá vô cùng. Chúng ta trở thành thứ hoàn hảo nhất trên cõi đời, không tiền tài vật chất nào có thể sánh nổi. Quý vị có nhớ câu chuyện của đức Tịch Thiên, bị người khác xem thường như thế nào không?

§ Họ thường gọi Ngài là kẻ biết làm ba việc ăn ngủ ỉa. Đây là lời sỉ nhục rất tệ, nhất là đối với bậc xuất gia. Nhưng họ chỉ thấy Ngài làm có ba việc đó thôi. Điều mà họ không thấy, đó là Ngài có tâm bồ đề, vì vậy bất cứ làm việc gì, dù là việc trần tục nhất đời, cũng vẫn mang lợi ích lớn nhất đến cho chúng sinh. Nằm với tâm an định, Ngài thiền quán với tấm lòng thương lo cho khắp chúng hữu tình, và thường vì lòng đại bi mà rơi dòng nước mắt. Người Tây phương cần cách hành trì này.

§ Với cái nhìn thực tế của người Tây phương, chúng ta nghĩ rằng có tiền mà nói “tôi muốn bố thí, tôi sẽ tặng 100 đô cho mỗi người trên toàn thế giới” thì thật quá tuyệt vời. Nhưng dù người ấy có làm được việc này với tấm lòng chân thành nhất, công đức có được cũng chẳng là gì so với chỉ một ý nghĩ “tôi muốn phát tâm bồ đề để làm lợi cho chúng sinh, nên tôi sẽ tận lực tu sáu hạnh ba la mật.” Đó là lý do vì sao Thầy luôn nói rằng thành tựu tâm bồ đề là con đường hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể theo.

  • # Không có tâm bồ đề thì tạo bao nhiêu công đức sẽ phá hết bấy nhiêu
  • # Vì Thánh Tịch Thiên có tâm bồ đề nên cả những việc trần tục Ngài làm cũng tạo lợi ích lớn
  • # Chỉ đơn giản muốn thành tựu tâm bồ đề cũng tạo được nhiều công đức hơn cả việc bố thí vĩ đại nhất

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.5 Dễ dàng tích lũy lượng công đức khổng lồ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 291 — MỌI ÁC NGHIỆP ÁC CHƯỚNG ĐỀU BỊ THIÊU RỤI DƯỚI NGỌN LỬA LỚN CỦA TÂM BỒ ĐỀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm bồ đều tuyệt diệu sẽ giúp ta làm sạch mọi thứ ác nghiệp dữ dội mà những phương tiện khác không thể làm sạch. Lý do kẻ phàm phu như chúng ta không thắng được ác nghiệp đó là vì thiện đức tạo ra quá yếu so với sức mạnh của ác nghiệp, và vì chúng ta chưa có được thiện đức đầy uy năng của tâm bồ đề. Khi tâm bất thiện nổi lên, chúng ta không khống chế nổi, cứ thế mà tiếp tục gieo nhân ác gặt quả ác, không cưỡng lại được. Làm ác thuần thục đến nỗi sám hối kiểu nào cũng không đủ mạnh, chỉ có tâm bồ đề mới đủ sức áp đảo.

§ Trong tất cả những phương tiện Phật pháp dành cho ta, tâm bồ đề hữu hiệu nhất trong việc ngăn không cho chúng ta chạy theo ác tâm, vì tâm này diệt được ngã ái, gốc của mọi vấn đề. Tâm bồ đề có sức mạnh vô song. Thiếu tâm bồ đề thì việc ác sẽ luôn sinh sôi nảy nở; có tâm bồ đề thì sẽ mau chóng diệt sạch cả. Cũng như lửa hoại kiếp thiêu rụi cả thế gian, núi tu di hay thứ gì cũng cháy sạch, tương tự như vậy, tâm bồ đề thiêu rụi mọi ác nghiệp ác chướng, không sót lại chút gì. Chư đại đạo sư dạy rằng chỉ một thời công phu luyện tâm bồ đề sẽ gieo lại dấu ấn trên tâm thức mãnh liệt và lợi ích hơn cả hàng trăm năm liên tục tu sám hối mà thiếu mất tâm nguyện bồ đề.

§ Như tội phạm cần thú tội, chúng ta cũng vậy, khi tu pháp sám hối cần nhìn nhận việc bất thiện đã làm để phát lộ sám hối. Tâm nguyện bồ đề càng mạnh thì sám hối càng có hiệu quả. Với tâm nguyện bồ đề mạnh mẽ, ác nghiệp dữ dội tạo từ nhiều đời nhiều kiếp có thể tịnh sạch trong một khoảng thời gian rất ngắn.

  • # Tâm bồ đề làm sạch được loại nghiệp ác dữ dội mà những cách sám hối khác không thể làm sạch
  • # Tâm bồ đề diệt sạch ngã ái nên chúng ta không còn chạy theo ác tâm
  • # Nhờ sám hối với tâm nguyện bồ đề mãnh liệt mà ác nghiệp sẽ mau chóng thanh tịnh

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.6 Mau chóng làm sạch ác nghiệp ác chướng



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 292 — TÂM BỒ ĐỀ GIÚP TA DỄ DÀNG THÀNH TỰU MỌI NGUYỆN ƯỚC KHÔNG BỊ NỘI CHƯỚNG NGOẠI CHƯỚNG CẢN TRỞ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm bồ đề tâm còn một lợi ích khác, đó là tâm này giúp cho chúng ta làm được tất cả những gì mình muốn, nghĩa là thành tựu viên mãn mọi việc mình làm. Không những vậy, với tâm bồ đề thì làm gì cũng đều làm vì chúng sinh, vì thế mọi việc làm đều tự nhiên thành tựu không cần nhiều cố gắng.

§ Nhiều vấn đề thế tục thấy khó vượt qua, như bị loài người gây hại; bị loài không phải người như tà ma hay tứ đại quấy nhiễu, tất cả đều có thể dễ dàng vượt qua nếu có tâm bồ đề. Bồ tát có thể dễ dàng chữa lành bệnh cho người khác chỉ bằng những việc đơn giản như cho ăn, hay thổi vào người bệnh. Thậm chí nước tiểu của bồ tát cũng có chức năng chữa lành bệnh khổ. Thầy có ở tám năm trong trong trại tị nạn ở Buxa Duar. Người địa phương lúc ấy luôn khổ vì mưa quá nhiều hay không đủ, tùy mùa mưa đến hay không đến. Họ bắt đầu nhờ chư Tăng trợ giúp. Gặp lúc hạn hán, chư Tăng xuống sông làm pháp lễ cúng dường, thường là trước khi về lại đến chùa thì trời đã mưa. Mưa hay không là tùy vào các loài quỷ thần như long thần hay đại loại, vì họ bị quấy nhiễu nên gây chướng ngại cho đời sống nông dân. Nhờ pháp lễ cúng dường, nhờ sức mạnh phát tâm bồ đề, quỷ thần được yên ủi, nhờ đó trời đổ mưa.

§ Phát được tâm bồ đề thì cả hai loại thành tựu tự lợi và lợi tha đều sẽ có: diệt khổ cho mình và cứu khổ cho người. Muốn niềm vui nào là có được niềm vui nấy, từ niềm vui cõi trần cho đến niềm vui của chư thiên, từ niềm vui lớn cõi niết bàn cho đến niềm vui cứu cánh quả bồ đề vô thượng.

  • # Với tâm bồ đề thì làm bất cứ việc gì cũng sẽ thành tựu viên mãn không cần cố gắng
  • # Nhiều vấn đề thế tục nhờ sức mạnh của tâm bồ đề mà dễ dàng được giải quyết
  • # Phát tâm bồ đề thì có khả năng diệt khổ cho mình và cho người

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.7. Thành tựu mọi mong cầu



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 293 — BỒ TÁT LUÔN ĐƯỢC UY LỰC CỦA BỒ ĐỀ TÂM HỘ TRÌ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm bồ đề tâm lại còn một lợi ích khác nữa, đó là chúng ta sẽ không còn bị hại bởi những chướng ngại bên trong, như tâm tán loạn, hay bên ngoài, như loài người và loài không phải người. Khế kinh dạy rằng Thiên vương giàu có hùng mạnh tột bực nhưng khi ngủ vẫn phải cần nhiều hộ vệ canh gác, còn bồ tát tự nhiên vẫn có hộ vệ nhiều gấp đôi, ngày đêm che chở, giữ không cho các loài quỷ thần hay chướng ngại khác quấy nhiễu. Đây không phải là mục tiêu bồ tát nhắm đến, chỉ là kết quả tự nhiên có nhờ phát tâm bồ đề.

§ Khi bồ tát đến một nơi nào đó, dù là nơi hung hiểm đầy quỷ dữ, chỗ ấy vẫn có thể biến đổi, trở thành yên lắng thanh tịnh, hung khí tiêu tan. Hạn hán, nạn đói, cùng các đại nạn do quỷ thần gây ra sẽ đình chỉ trước tầm ảnh hưởng của bồ tát. Dù phải bước qua rừng rậm đầy hùm beo rắn độc, bồ tát vẫn luôn được sự chở che của tâm bồ đề, thú dữ sẽ quy thuận. Vị đại hiền thánh St. Francis of Assisi là bằng chứng hiển nhiên. Trong rừng có một con sói, người vào rừng thường bị nó tấn công. Thánh Francis muốn vào rừng nói chuyện với sói. Mọi người đều can ngăn, nói làm vậy sẽ chết. Nhưng khi ngài đến gần thì con sói trở nên ngoan ngoãn như chó nuôi ở nhà được chủ cho ăn. Nó nằm trước mặt, và liếm chân ngài.

§ Tâm bồ đề hàng phục được chướng ngại bên ngoài vì đã phá hủy chướng ngại lớn nhất ở bên trong là phiền não. Chướng ngại bên ngoài như quỷ thần tà ma đều không thể nhiễu hại bồ tát, và cả chướng ngại bên trong là phiền não cũng không thể.

  • # Chướng ngại bên trong hay bên ngoài đều không thể nào nhiễu hại bồ tát
  • # Có được tâm bồ đề thì sẽ tự nhiên luôn được an toàn thoát hiểm
  • # Tâm bồ đề khống chế được chướng ngại bên ngoài vì đã phá sạch chướng ngại bên trong

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.8 Không còn bị chướng ngại quấy nhiễu



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 294 — CÓ BỒ ĐỀ TÂM THÌ THÀNH TỰU SẼ ĐỔ XUỐNG NHƯ MƯA SA KHÔNG CẦN CỐ GẮNG GÌ NHIỀU — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Với tâm bồ đề thì làm việc gì cũng tạo được vô lượng công đức, nên sẽ tự nhiên mau chóng viên thành Phật đạo. Trở thành bồ tát rồi, chúng ta tu sáu hạnh ba la mật và tứ nhiếp pháp, cứ thế tiến nhanh qua năm chứng đạo. Chẳng bao lâu sẽ thành tựu hai bồ tư lương phước đức và trí đức, đạt hai thân Phật là pháp thân và sắc thân, tương ứng với tâm và thân nhiệm mầu của Phật. Thiếu tâm bồ đề thì trí đức có thể viên thành chứ phước đức không bao giờ có thể.

§ Tu với tâm bồ đề thì làm gì cũng đều thuận với chánh pháp. Buổi sáng thức dậy chúng ta tự nhắc nhở chính mình rằng mình sống là vì lợi ích của chúng sinh. Nhờ vậy có làm gì trong ngày cũng không vì lợi ích riêng mình. Mọi việc chúng ta làm đều là làm vì muốn thành Phật để độ sinh. Chúng ta sống là để quét sạch mọi khổ đau cho từng chúng sinh mẹ hiền. Với động cơ này, mỗi phút giây sống trong đời đều mang ý nghĩa lớn lao, không bé hẹp mà mênh mông như trời rộng. Đến cả từng hơi thở cũng hướng về mục tiêu này, vì vậy mọi việc chúng ta làm, ăn hay ngủ, đi hay ngồi, bất cứ việc lớn việc bé gì cũng đều mang ý nghĩa lớn lao.

§ Dù có tu theo đường tu nào, Đại thừa, Ba la mật đa thừa thừa hay Kim cang thừa, thì tâm bồ đề vẫn là yếu tố không thể thiếu. Chúng ta có thể dành hết cuộc đời để tu hai giai đoạn của Kim cang thừa là giai đoạn khởi hiện và giai đoạn viên thành, có thể điều khiển khí mạch, mở luân xa, những thứ đại loại đều có thể làm, nhưng nếu thiếu tâm bồ đề thì đến cả pháp Đại thừa cũng không phải, nói gì đến việc tạo nhân cho quả đại bồ đề.

  • # Thành bồ tát thì sẽ mau chóng viên thành hai bồ tư lương phước trí
  • # Có được tâm nguyện muốn đưa chúng sinh thoát khổ thì làm việc gì cũng đều có ý nghĩa lớn lao
  • # Không có tâm bồ đề thì dù tu Kim cang thừa cũng không thành nhân đạt quả đại bồ đề

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.9 Mau chóng viên thành mọi chứng vị trên đường tu



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 295 — VỚI TÂM BỒ ĐỀ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NGUỒN  HẠNH PHÚC CHO KHẮP CHÚNG SINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nếu có ai hỏi công phu chính của chúng ta là gì, tinh túy pháp hành của chúng ta nằm ở đâu, thì phải nói rằng đó là tâm bồ đề. Thông thường khi có ai hỏi “bạn tu pháp gì,” người tu thường nêu tên một vị Phật, hay nói là mình tu pháp thiền Kundalini, hay thiền khí thiền tủy, các thứ đại loại. Nhưng trên thực tế, mặc dù pháp tu nào cũng có ích nhưng pháp tu chính phải là tu tâm bồ đề.

§ Sống vì người là nền tảng của mọi thiện đức có thể đạt được trên đường tu bồ đề. Nhờ đó mà vào được Đại thừa, bước qua năm chứng đạo, đắc mười địa bồ tát và hai giai đoạn của mật tông tối thượng du già. Trên nền tảng của tâm vì chúng sinh, chúng ta trở thành Phật, đạt vô lượng thiện đức của thân Phật, khẩu Phật và ý Phật, rồi thật sự có khả năng phụng sự chúng sinh một cách hoàn hảo không chút sai lầm. Chúng ta đủ khả năng mang nguồn lợi ích lớn lao đến như vậy về cho khắp cả chúng sinh nhờ buông tâm ngã ái, xoay thành tâm lợi tha. Nhìn lại sẽ thấy trái tim tốt lành biết quý người khác của mình, trái tim của một người, là thứ quý giá nhất, như ngọc như ý mang hạnh phúc đến cho từng chúng sinh trong cõi địa ngục, quỷ đói, súc sinh, người, a tu la, trời, và cõi trung ấm. Chúng ta thành tựu được những điều khó tin vô giá.

§ Chúng ta phải noi theo gương bồ tát, nhìn xem chư vị đã tu như thế nào để có cái tâm quý người hơn chính mình. Phải thấy chư vị là những tấm gương sáng, chỉ cho chúng ta biết cách quét sạch mọi vấn đề, nắm lấy nguồn hạnh phúc vô thượng cho bản thân mình và cho tất cả. Cứ làm theo như thế, rồi cũng sẽ có ngày chúng ta trở thành tấm gương sáng cho người khác noi theo.

  • # Phát tâm bồ đề phải là nơi nương náu và là trái tim của pháp hành của chúng ta
  • # Trân quý người khác là nền tảng của mọi thiện đức trên đường tu
  • # Bồ tát là gương sáng cho ta noi theo, chỉ chúng ta biết cách đạt hạnh phúc cho mình và cho người

! TÂM BỒ ĐỀ
! 1. Mười lợi ích của tâm bồ đề
! 1.10. Trở thành nguồn hạnh phúc cho khắp chúng sinh



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 296 — MUỐN PHÁT TÂM ĐẠI TỪ THÌ PHẢI CÓ TÂM ĐẠI XẢ, LÀ CÁI TÂM BÌNH ĐẲNG VỚI TẤT CẢ CHÚNG SINH TRÊN TOÀN CÕI THẾ — LAMA YESHE

§ Một trong những nét đẹp của Phật giáo, đó là Phật giáo chỉ cho chúng ta phương pháp luyện tâm rất thực tiễn. Phật giáo không hề nói, “Tâm bồ đề tuyệt vời vì đó là lời Phật!” ngược lại, chỉ cho chúng ta cách làm sao để đạt được tâm này, rồi khi ấy chúng ta có thể tự mình xét xem tâm ấy có thật sự tuyệt vời như đã nói hay không.

§ Theo phương pháp này thì thứ đầu tiên cần phải có là tâm đại xả, còn gọi là tâm bình đẳng chúng sinh. Muốn xây nhà thì nền đất phải bằng phẳng, tương tự như vậy, muốn bồi đắp tâm bồ đề thì phải có tâm đại xả, đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh. Theo kinh nghiệm của các bậc đại hành giả, có được tâm đại xả thì sẽ có khả năng dễ dàng mau chóng phát tâm bồ đề. Tuy vậy, bởi thói quen phân biệt thân thù lạ của chúng ta đã bắt rễ trong tâm thức quá sâu, nên muốn có được tâm bình đẳng này thật sự không dễ. Vì tham nên thích ai thì níu lấy, vì sân nên ghét ai thì đẩy ra, vì dửng dưng nên đối với vô số chúng sinh không lợi không hại gì cho mình thì ngoảnh mặt làm ngơ. Còn bị tham, sân và sự dửng dưng chi phối thì sẽ không bao giờ nuôi được tâm bồ đề trân quý ở trong tim.

§ Đại xả không phải là một khái niệm, không chỉ là thêm một tư tưởng lạ, một ý tưởng hay để giải trí đầu óc. Đây là một trạng thái tâm thức, một phẩm chất đặc biệt của tâm. Muốn có được đại xả thì phải liên tục luyện tâm để tạo thành thói quen, đòi hỏi rất nhiều công sức. Nói cách khác, chúng ta phải luyện tâm và phải thay đổi thái độ cơ bản của mình đối với người khác.

  • # Phương pháp luyện tâm của Phật giáo rất thực tiễn, chúng ta có thể tự mình đánh giá
  • # Nền tảng thiết yếu phải có là tâm đại xả, đây là thái độ không thiên vị đối với tất cả chúng sinh
  • # Đại xả là một trạng thái tâm đạt được nhờ nỗ lực và không ngừng huân tập

! TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! Nền tảng: Đại Xả [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 297 — LÀ NGƯỜI THÂN, KẺ THÙ, HAY KẺ LẠ, TẤT CẢ ĐỀU CHỈ LÀ VỌNG TƯỞNG — LAMA YESHE

§ Có lẽ Thầy nên giải thích làm thế nào để phát tâm đại xả. Tâm này có được nhờ tu thiền. Tưởng tượng ở phía trước mặt có một người làm cho mình khó chịu, người mình thấy đáng ghét. Sau lưng là người mình thương yêu nhất. Xung quanh là những người mình thấy dửng dưng.

§ Nhìn vào ba loại người thân thù lạ này để thiền quán, xem mình cảm nhận thế nào. Nhìn vào người mình thương yêu nhất sẽ thấy tự nhiên muốn gần, muốn níu. Nhìn vào người làm phiền, làm hại mình sẽ tự nhiên thấy muốn xa, muốn bỏ. Chỉ đơn giản tưởng tượng họ có ở đó và quan sát cảm nhận của mình. Rồi tự hỏi tại sao với người này người kia cảm nhận của mình lại khác? Tại sao mình chỉ muốn giúp người mình thương, không muốn giúp người mình ghét? Nếu chân thành, quý vị sẽ thấy câu trả lời thật là vô lý, chỉ đến từ cái tâm phiền não. Phải kiểm soát lại hết. Hãy tưởng tượng chúng sinh trên toàn cõi thế đang ở quanh mình, phải thấy ra rằng ai ai cũng đều giống như mình, đều muốn vui, không muốn khổ. Vậy tại sao lại chủ quan phân biệt thân thù, giúp người thân với cái tâm luyến chấp dữ dội, chống đối kẻ thù với cái tâm oán ghét tột cùng? Phản ứng như vậy không hợp lý, bởi vì khi cái tâm bất mãn của con người lên lên xuống xuống thì quan hệ này cũng biến đổi theo.

§ Đó là cách phát tâm đại xả. Càng luyện sẽ càng thấy thật ra không lý do gì phải phân biệt thân thù xa lạ chỉ vì tham và sân. Chỉ có cái tâm bệnh hoạn mới làm như vậy.

  • # Để phát tâm đại xả, chúng ta quán người thân, kẻ thù và kẻ lạ ở quanh mình
  • # Quan sát cảm giác của mình, xét lại xem phản ứng của mình có hợp lý hay không
  • # Càng quán như vậy sẽ càng thấy không có lý do gì phải phân biệt như thế

! TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! Nền tảng: Đại Xả [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 298 — BÌNH ĐẲNG CHÚNG SINH KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHẢI TRIỆT ĐỂ THAY ĐỔI NGOẠI CẢNH MÀ LÀ THAY ĐỔI Ở TRONG TÂM — LAMA YESHE

§ Cái tâm không phân biệt, thấy chúng sinh bình đẳng như nhau không phải là cái tâm ngụy tạo. Chúng ta không ráng làm cho bình đẳng những thứ vốn không bình đẳng. Điều chúng ta ráng làm, đó là thấy ra sự bình đẳng của những gì vốn vẫn bình đẳng. Chúng ta cố dẹp bỏ hình ảnh méo mó của sự không bình đẳng đến từ ngã và tham, thủ phạm khiến chúng ta vướng hai cực đoan thương và ghét. Thử nhìn quanh mà xem, có ai không muốn được hạnh phúc vui vẻ? Ai cũng đều muốn. Có ai muốn khổ đau? Không ai cả. Mọi người đều như nhau, đều muốn vui, không muốn khổ. Theo đó có thể thấy cái tâm cực đoan nó mất quân bình đến mức nào, vì nó mà ta phải chịu xung đột nhiều đến mức nào. Đến khi thấy rõ được điều này, tự nhiên sẽ không tin nổi tại sao trước đây mình lại có thể nực cười đến thế.

§ Phải thấy mình bình đẳng với khắp chúng hữu tình vì đây là lẽ đương nhiên. Chúng ta phải tiếp cận cảm giác bình đẳng này bằng cách dùng lý trí phân tích. Đến khi thấy được sự bình đẳng qua lý trí, hãy để tâm mình an trú trong cảm giác đó, duy trì sự nhất tâm chuyên chú vào cảm giác bình đẳng này càng lâu càng tốt. Đến khi bị tán tâm [nghĩ tới những thứ khác] thì trở lại dùng lý trí để suy xét, nhắc nhở mình bản chất của tham là gì, tai hại như thế nào. Khi đến với kết luận mình và chúng sinh bình đẳng như nhau thì lại để tâm an trú trong cảm nhận bình đẳng này, hài lòng với bấy nhiêu, đơn giản trú ở đó hơn là tiếp tục vận dụng lý trí ở thời điểm này.

§ Lần đầu nếm được vị bình đẳng, dù chỉ một tí xíu, cũng vẫn là kinh nghiệm mãnh liệt. Với kinh nghiệm nhỏ này, chúng ta bắt đầu bước vào quá trình tu chứng, bắt đầu chứng được tâm an lạc.

  • # Chúng sinh nào cũng muốn được vui và muốn thoát khổ như nhau
  • # Chúng ta phải nhờ lý trí để đến với cảm giác bình đẳng, rồi để tâm an trú trong cảm giác đó
  • # Nếm được chút mùi vị của tâm bình đẳng thì sẽ bắt đầu chứng đắc tâm an lạc

! TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! Nền tảng: Đại Xả [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  299 — CHÚNG SINH NÀO Ở TRÊN TRỜI, DƯỚI ĐẤT HAY TRONG LÒNG BIỂN CŨNG ĐỀU ĐÃ TỪNG LÀ MẸ CỦA TA — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Để thấy được ơn nặng của chúng sinh và có được ý muốn đền trả ơn ấy thì trước hết chúng ta phải dùng lý lẽ để hiểu rằng trải qua vô số đời kiếp, chúng sinh nào cũng đều đã từng giúp đỡ cho ta, vì chúng sinh nào cũng đều đã từng là mẹ của ta, vô số lần rồi chứ không phải chỉ một. Mặc dù có một số người có thể có vấn đề với mẹ của mình, nhưng đối với đại đa số thì người mẹ đời này là người mình thương quý nhất, là người đã dành nhiều tình thương nhất cho mình, có ơn lớn nhất đối với mình, hơn cả ơn cha. Đó là lý do vì sao kinh sách dạy phát tâm bồ đề thường dùng hình ảnh của người mẹ.

§ Nhìn lại chúng sinh luân hồi cứ đi hết này qua đời nọ triền miên không dứt, sẽ thấy vì mình đã tái sinh vô số lần như vậy nên mẹ cũng mình cùng nhiều vô số kể. Mỗi chúng sinh trong sáu cõi luân hồi đều đã từng là mẹ của mình trong rất nhiều đời kiếp chứ không phải chỉ một đời. Con mà lìa mẹ từ thuở lọt lòng thì lớn lên sẽ không nhớ được mẹ, nhưng không phải là không có mẹ. Tương tự như vậy, chúng ta không nhớ được người mẹ đời này đã từng là mẹ của mình trong nhiều đời quá khứ, cũng không nhớ được là mỗi chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình.

§ Trong hiện tại hễ thấy mẹ là tự nhiên dấy cảm giác, “Ôi, mẹ tôi đây.” Chúng ta sẽ đạt được bước thứ nhất của pháp tu bảy điểm nhân quả nếu có được cảm giác đó với bất cứ chúng sinh nào mình gặp, mỗi con sâu, con chim, hay con người.

  • # Chúng ta cần thấy ra rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình vô số lần rồi
  • # Vì chúng ta đã tái sinh vô số lần nên mẹ của chúng ta cũng nhiều vô số
  • # Khi thấy chúng sinh nào mình gặp cũng đều là mẹ của mình thì bước tu này hoàn tất

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.1 Tất cả chúng sinh đều từng là mẹ ta



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 300 — TẬN ĐÁY LÒNG CON LUÔN NHỚ ƠN MẸ  — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Theo đúng sách thì ơn mẹ có bốn: cho con tấm thân này; che chở hiểm nguy trong đời; dạy dỗ con nên người;  chịu vất vả vì con mà gieo ác nghiệp.

§ Kể từ khi con vào đời, mẹ là người hy sinh cả tánh mạng để cho con không những được sống mà còn được sống tốt, cần gì có nấy. Chúng ta chẳng biết làm gì cả, nhờ có mẹ che chở mới không gặp hiểm nguy. Việc gì cũng phải nhờ tới mẹ. Mẹ dạy cho chúng ta đủ thứ để có thể sống còn, dạy đi, dạy ăn, dạy uống, dạy tránh hiểm nguy, dạy cách đối xử với người khác vân vân, và cũng lo cho chúng ta đến trường, học tập kiến thức thế gian. Để bảo vệ cho chúng ta, mẹ đã gánh chịu biết bao vất vả, kể cả ác nghiệp mẹ cũng phải gieo. Nhớ lại ơn mẹ đời này thì pháp quán ơn nặng mẹ hiền sẽ rất hiệu quả. Chúng ta có được cơ hội lớn lao như vậy đều nhờ thân người quý giá mẹ cho, đổi bằng biết bao nhiêu là hy sinh vất vả.

§ Quán về bốn ơn nặng của mẹ, nhờ mẹ đời này của mình để mở tâm rộng ra với khắp cả chúng sinh. Tâm này không thể thiếu cho bước tiếp theo sau, đền trả ơn mẹ, rồi từ đó phát tâm đại từ; phát tâm đại bi; và phát đại nguyện muốn tự mình gánh lấy tránh nhiệm cứu giúp chúng sinh thoát mọi khổ đau.

  • # Quán ơn nặng của mẹ có bốn điểm
  • # Mẹ cho con thân này, che chở cho con, dạy dỗ cho con, và vì con mà phải chịu bao vất vả
  • # Lấy tấm lòng của mẹ đời này làm mẫu để mở rộng ra với khắp cả chúng sinh

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.2. Nhớ ơn nặng của mẹ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 301 — MỤC TIÊU ĐỜI NÀY LÀ DIỆT KHỔ CHO KHẮP CHÚNG SINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Nếu mẹ một mình đui mù, té lăn về phía vực thẳm, và chỉ có con là người duy nhất có thể cứu giúp, chẳng đáng xấu hổ lắm sao nếu con ngoảnh mặt làm ngơ, dạo chơi vườn hoa, thảnh thơi múa hát, nằm phơi nắng, mặc cho mẹ mình lăn vào vực thắm mà chết.

§ Đây là hoàn cảnh của tất cả chúng sinh, đui mù thiếu chánh pháp, té lăn về phía vực thẳm ác đạo khổ não khôn kham. Họ không có trí tuệ chánh pháp, không có người dẫn dắt, bị phiền não làm cho điên đảo, tưởng lạc thú giác quan là hạnh phúc, tê dại trong nỗi đau khủng khiếp đến từ ba loại khổ. Từng giây, từng phút, từng giờ, họ lăn dần về vực thẳm phân chia khổ đau đời này với khổ đau khủng khiếp hơn nhiều của đời sau. Họ đã từng vô số lần là mẹ của ta, ơn lớn biết nhường nào. Không tận lực gắng sức để cứu mẹ thoát vực thẳm thì thật quá trơ trẽn.

§ Chúng ta cũng khổ, nhưng có được lợi thế lớn là được bậc thiện tri thức dẫn dắt, lại được thọ nhận chánh pháp nên có khả năng cứu mình thoát khổ đau, đạt niết bàn. Chúng ta có đầy đủ phương tiện để tự cứu chính mình, chúng sinh khác không được may mắn như vậy. Nếu không làm tất cả những gì có thể làm để đền trả ơn nặng cho chúng sinh, thì chẳng có gì ích kỷ và tàn nhẫn cho bằng. Thấy được điều này, từ tận đáy tim phải nghe thôi thúc muốn đền trả ơn nặng của khắp đa sinh hiền mẫu, cứu mẹ thoát khổ sinh tử luân hồi, đưa đến bờ đại giác.

  • # Mẹ té lăn về phía vực thẳm mà con không cứu giúp thì thật quá trơ trẽn
  • # Hết thảy đa sinh hiền mẫu bị phiền não làm cho điên đảo đều trông nhờ vào sự giúp đỡ của chúng ta
  • # Cần phát cho được tâm nguyện muốn đưa chúng sinh thoát hết khổ đau, đạt đại niết bàn

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.3. Đền trả ơn nặng của mẹ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 302 — TÂM TỪ LÀ CỐT TỦY CỦA TÂM BỒ ĐỀ — LAMA YESHE

§ Theo quan điểm Phật giáo, chúng ta biết rõ ràng sạch sẽ yêu thương là gì: yêu thương có nghĩa là mong cho người kia được hạnh phúc. Đó là yêu thương, là từ ái. Mất bạn đời mà khóc thì chẳng phải vì quan tâm muốn bạn đời được hạnh phúc, ngược lại là khác, chỉ là quan tâm chính mình không được vui. Hoàn toàn ngược với yêu thương.

§ Trú được trong tánh tự nhiên sạch trong thì thấy được cái tâm ngã ái, cái tâm tham lam, là thủ phạm làm mình khóc, làm mình khổ, làm mình cô đơn, làm tâm thần mình bấn loạn. Nhờ kinh nghiệm này mà hiểu được một cách sạch trong, và nhờ trú trong tánh tự nhiên sáng trong này mà có được nhiều lòng từ ái thương người hơn. Chúng ta sẽ nghĩ như vầy, “Mình thật quá thảm. Ngã ái tham lam làm mình khóc như con nít. Thật ấu trĩ. Thật vô dụng. Nhìn xem tôi kìa, đã thành thứ gì rồi! Thiệt hết nói! Nhiều người cũng vậy, giống như tôi, khổ quá là khổ, vọng tưởng nhiều quá là nhiều, họ cũng như tôi không chạm được vào cái tâm sáng trong.” Nhờ cảm thông nên lòng từ bi chân chính bắt đầu khởi sinh, chúng ta mong họ bỏ được sự điên đảo, trú cõi tâm an lạc.

§  Bản thân phải có kinh nghiệm trước đã, rồi đặt kinh nghiệm này vào người khác: “Nhiều người cũng như tôi.” Làm như vậy tâm từ bi sẽ đến, chúng ta sẽ duy trì được tấm lòng từ ái, cảm thông. Trú ở trạng thái này là thiền quán tâm bồ đề.

  • # Tâm từ có nghĩa là muốn cho người khác được vui
  • # Muốn khởi tâm từ thì phải thấy mình và người khác phải chịu khổ đau vì phiền não như thế nào
  • # Hiểu bằng kinh nghiệm bản thân thì sẽ thấy cảm thông với người khác

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.4. Đại từ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 303 — ĐẠI BI CỦA ĐẠI THỪA LÀ ƯỚC MUỐN ĐƯỢC  GÁNH LẤY TRÁCH NHIỆM ĐỘ SINH — LAMA ZOPA RINPOCHEướ

§ Tâm bi là mong cho người khác thoát khổ đau. Tâm này là gốc của mọi nguồn hạnh phúc trong đời, là phương tiện chính yếu đảm bảo nguồn hạnh phúc cho mình và cho người. Thiếu tâm bi thì không làm gì có hòa bình hạnh phúc trong gia đình, xã hội, quốc gia, hay trên toàn thế giới. Tâm bi cũng giúp cho thân tâm khỏe mạnh, là phương pháp trị liệu hiệu quả nhất để chữa lành chính mình và khắp chúng sinh.

§ Tâm bi này được gọi là “đại bi” nếu gồm cả ước muốn chính mình ra sức độ chúng sinh thoát khổ và nhân tạo khổ. Bỏ sót mất dù chỉ một chúng sinh thì cũng chưa phải là đại bi. Cũng không phải là đại bi nếu thiếu mất ước muốn chính mình gánh việc độ sinh này. Tâm đại bi đại thừa giống như tình thương của mẹ dành cho đứa con cưng. Con rơi hố lửa thì mẹ với tình thương bao la sẽ bỏ cả tánh mạng, tìm đủ mọi cách để cứu con mình. Dù con có hỗn láo, không nghe lời, tình thương của mẹ vẫn không giảm. Hạnh phúc của con là mối bận tâm duy nhất của mẹ, hy sinh tất cả chỉ để bảo đảm cho con được bình an hạnh phúc. Đây là tấm lòng chúng ta cần phải có đối với mỗi một chúng sinh.

§ Càng nhiều đại bi thì càng cống hiến đời mình cho người khác. Được như vậy thì tất cả chúng sinh đều sẽ nhờ vào mình mà trực tiếp hay gián tiếp nhận được niềm an vui hạnh phúc. Vì vậy chúng ta ai ai cũng đều có trách nhiệm mang niềm an vui đến cho mỗi một chúng sinh hữu tình. Vì lý do đó, làm việc gì cũng chỉ để phát tâm đại bi.

  • # Tâm bi là mong chúng sinh thoát khổ, đây là gốc của mọi nguồn hạnh phúc
  • # Đại bi của đại thừa là ước muốn tự mình độ thoát chúng sinh không chừa sót một ai
  • # Trực tiếp hay gián tiếp, tâm bi của mình sẽ mang hòa bình hạnh phúc đến cho khắp chúng hữu tình

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.5. Đại bi



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 304 — ĐẠI NGUYỆN CÁI TÂM 100% DỨT KHOÁT LÀ MÌNH SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG SINH ĐẾN VỚI QUẢ ĐẠI BỒ ĐỀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đại nguyện là cái tâm có được khi chúng ta quyết định sẽ một mình gánh vác trách nhiệm mang hạnh phúc đến cho chúng sinh. Cũng giống như trong đời sống hàng ngày, khi thấy có việc quan trọng khó khăn cần phải làm chúng ta đi từ ý nghĩ phải có ai đó thực hiện việc này, chuyển sang ý nghĩ chính mình sẽ là người thực hiện việc này. Thấy một cụ bà vất vả khuân giỏ ở bến xe, có thể phản ứng đầu tiên của chúng ta là nghĩ rằng “chắc chắn sẽ có ai đó giúp bà cụ.” Nhưng rồi lại nghĩ,  “mình phải làm việc này,” nghĩ như vậy rồi dứt khoát hành động. Chúng ta gánh lấy tránh nhiệm. Gánh khổ về phần mình thay vì để người khác khổ.

§  Chúng ta phải đưa khắp chúng sinh thoát khổ đau, đặt họ vào niềm an vui niết bàn không gì có thể sánh. Với đại từ và đại bi, chúng ta quyết định là mình sẽ làm việc này. Với đại nguyện, chúng ta bước xa hơn một bước, quyết định một mình mình làm việc này. Đó là điểm đặc thù, tự nguyện gánh lấy trách nhiệm mang hạnh phúc đến cho chúng sinh không sót một ai, đưa họ thoát chốn khổ đau đến với trí Phật toàn giác. Mấy chữ thêm vào “một mình mình” này rất quan trọng. Phải luôn ghi nhớ.

§ Đức Pabongka Dechen Nyingo giải thích rằng điểm khác biệt giữa ước nguyện muốn đền trả ơn nặng và đại nguyện cũng giống như là muốn mua món đồ gì đó và sự dứt khoát giá nào cũng mua. Không còn là sự mong muốn mà trở thành quyết định dứt khoát, “Tôi sẽ trả tiền. Tôi sẽ bưng nó đi.” Đây là sức mạnh của lòng cương quyết một mình mình giải thoát cho chúng sinh.

  • # Đại nguyện là cái tâm dứt khoát một mình gánh lấy trọn vẹn trách nhiệm mang hạnh phúc đến cho khắp chúng sinh
  • # Phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của mấy chữ “một mình mình” thêm vào này
  • # Đại nguyện không còn là ước muốn mà đã thành sự cương quyết dứt khoát

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.6. Đại nguyện



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 305 — TÂM BỒ ĐỀ CHỈ NẰM Ở TRONG TIM NHƯNG CHỨA HẾT CHÚNG SINH HỮU TÌNH CỦA KHẮP TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI — LAMA YESHE

§ Khi phát khởi tâm nguyện muốn độ giúp chúng sinh vô biên, và nhìn sâu vào những gì phải làm để thực hiện điều này, ngay lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rằng tâm, trí và việc làm của mình quá bé hẹp, không thể gánh vác cho khắp chúng hữu tình. Muốn làm được việc này thì phải đạt trí tuệ siêu việt vô biên của Phật. Thành Phật rồi sẽ có thể hóa hiện hàng trăm ngàn vạn tướng dạng khác nhau để gặp gỡ tiếp xúc với mỗi loài chúng sinh bằng ngôn ngữ riêng của họ, tùy theo căn cơ của họ. Hiểu được là mình hiện giờ chưa thể, nhưng đủ khả năng tu thành Phật để thật sự gánh vác chúng sinh nên chúng ta bắt đầu tu theo chánh pháp cho đến khi thành Phật. Đến lúc ấy sẽ có thể thật sự mang lợi ích đến cho chúng sinh.

§ Đường tu giác ngộ có ba bậc căn cơ. Bậc đầu dẫn đến thiện đạo, nhưng chưa thoát được sinh tử luân hồi; ở trình độ này chúng ta chưa giúp được gì nhiều cho ai. Bậc thứ hai dành cho những người muốn thoát toàn bộ sinh tử luân hồi, chủ yếu để chính mình thoát khổ. Mặc dù người tu ở mức độ này đã thoát ngã chấp, nhưng sự giúp đỡ của chư vị cũng rất giới hạn, không thể cứu giúp toàn thể chúng sinh mẹ hiền. Chỉ có Phật đà toàn giác mới có thể gánh vác cho khắp chúng sinh. Nếu điều chúng ta muốn làm là gánh vác chúng sinh, thì phải nhắm đến mục tiêu thành Phật.Đây là điểm đến của đường tu bậc thứ ba, là cấp bậc căn cơ cao nhất trên đường tu giác ngộ.

§  Động cơ này là bồ đề tâm; khi hai tâm nguyện —muốn thành Phật và để độ sinh— cùng hiện ra trong tâm thì đó là bồ đề tâm.

  • # Trong hiện tại tâm, trí và việc làm của chúng ta quá bé hẹp, không đủ để cứu độ chúng sinh
  • # Chỉ khi nào viên thành được quả vị cao nhất trên đường tu thì mới có thể thật sự cứu giúp chúng sinh
  • # Tâm bồ đề là cái tâm bao gồm cả hai việc, thành tựu quả vị Phật và làm lợi cho chúng sinh

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 2. Bảy điểm nhân quả
! 2.7. Phát tâm bồ đề



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  306 — THẬT SỰ MUỐN ĐẠT VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ PHẢI QUÊN VUI MÌNH VÀ CHỈ BIẾT QUAN TÂM ĐẾN NIỀM VUI CỦA CHÚNG SINH — LAMA YESHE

§ Có một phương pháp phát tâm bồ đề mà Thánh Tịch Thiên [Shantideva] đặc biệt nhấn mạnh, đó là pháp hoán chuyển ngã tha: thay vì bám vào hạnh phúc của mình thì bám vào hạnh phúc của người khác. Từ vô thủy sinh tử chúng ta luôn tập trung vào niềm vui của chính mình, hoàn toàn bỏ bê niềm vui của người khác. Đây chính là điều được gọi là “ngã ái,” muôn đời tập trung lo cho mình được vui, đạp lên trên niềm vui của người khác. Thái độ này cần phải đổi thành quan tâm đến sự an nguy của người khác hơn của chính mình.

§ Nói cho ngay, tâm này tự nó đã có sức mạnh khủng khiếp; chỉ cần khởi được tâm này là tự nhiên diệt được cái tôi. Nói ví dụ nếu có ai nhờ chúng ta pha trà mời khách, chúng ta sẽ cảm thấy bực bội. Vẫn làm, nhưng trong bụng không vui. Vừa nghe nhờ là đã thấy khó chịu. Có tin nổi không chứ! Mời người tách trà còn không vui nổi. Thành ra tâm bồ đề này rất thực tế. Không cần triết lý sâu xa, chỉ cần mỗi ngày canh chừng coi cái tâm ngã ái nó quậy mình ra sao. Chỉ nhờ pha một ly trà thôi đã nổi dóa. Thật không tin nổi, nhưng cái ngã của mình nó là như vậy đó. Thế là chúng ta bưng một tách trà ra cho khách, miễn cưỡng dằn xuống mặt bàn “Trà đây này!” Nhưng dù có bưng trà cho người khác thì cũng là làm với với tâm đầy ích kỷ nên chỉ ác nghiệp.

§ Nếu ngược lại bưng trà cho người với cái tâm hồi hướng bồ đề thì lại là việc thiện lành bậc nhất có thể làm: tất cả mọi thiện đức tuyệt hảo của trí toàn giác đều đến từ cái tâm biết quan tâm đến niềm vui của người khác. Chỉ hiểu được điều này thôi đã tạo sức mạnh cực lớn rồi.

  • # Hoán chuyển ngã tha là phương pháp phát tâm bồ đề được Thánh Tịch Thiên Shantideva nhấn mạnh
  • # Tâm này có uy lực rất lớn và rất thực tế, cái tôi sẽ tự động bị tâm này hủy diệt
  • # Có sự khác biệt rất lớn giữa bưng trà cho người bằng với tâm vị kỷ hay với tâm bồ đề

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 307 — CHÚNG TA CẦN CẢ HAI TÂM BỒ ĐỀ, QUY ƯỚC VÀ CỨU CÁNH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§  Nếu có thể chuyển hóa toàn bộ kinh nghiệm sống thành đường tu bằng cách phát hai tâm bồ đề thì sẽ mau chóng đạt niết bàn tối thượng. Hai tâm bồ đề này là tâm bồ đề quy ước, tương đối trong cảnh hiện che chướng của tục đế, và tâm bồ đề cứu cánh, tuyệt đối trong cảnh thật của chân đế. Tâm bồ đề quy ước là tâm vương, [không phải tâm sở] quyết tu thành Phật vì muốn độ khắp chúng sinh. Tâm bồ đề cứu cánh là chứng ngộ tánh không trong dòng tâm thức của người có tâm bồ đề.

§ Tâm bồ đề quy ước, hay là tâm bồ đề tương đối trong cảnh hiện che chướng của tục đế, bất kể gọi bằng tên gì, ở trong mắt nhìn của vô minh chấp thật có thì tâm ấy luôn là thứ thật có. Cũng giống như làm đổ bình mực lên trên bức tranh đường nét tỉ mỉ thì tiêu mất bức tranh, tương tự như vậy, như thật tri kiến — là cái thấy đúng như sự thật — sẽ bị tâm vô minh chấp thật có khuất lấp, do đó mà gọi là “tương đối trong cảnh hiện che chướng của tục đế.” Đây vẫn là tâm bồ đề, và vẫn là cái tâm đầy uy lực, ngoài sức tưởng tượng, nhưng nó không thấy được tánh không của sự vật hiện ra trong tâm. Chân đế chính là tánh không này, là sự không có tự tánh của ngã và của vạn pháp, vì vậy tâm bồ đề cứu cánh cái tâm có được sự chứng ngộ này về tánh không. Luyện tâm bồ đề cho đúng cách thì phải gồm đủ cả hai mặt:  tuần tự luyện tâm bồ đề quy ước, và luyện tâm bồ đề cứu cánh.

§ Trong Bảy Điểm Luyện Tâm của Geshe Chekawa, trình tự phát tâm bồ đề cứu cánh được giải thích trước trình tự phát tâm bồ đề quy ước. Nhưng Tổ Tsongkhapa và nhiều đại đạo sư khác giải thích về tâm bồ đề quy ước trước rồi mới giải thích về tâm bồ đề cứu cánh, khéo léo dẫn dắt tâm đệ tử đến với quả giác ngộ bằng cách nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thứ tự này.

  •  
  • # Chuyển kinh nghiệm bằng hai tâm bồ đề sẽ giúp tiến nhanh trên đường tu
  • # Tâm bồ đề cứu cánh chứng tánh không, còn tâm bồ đề quy ước thì không
  • # Lama Tsongkhopa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chứng hai tâm này theo trình tự

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.1. Luyện hai tâm bồ đề



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 308 — CHÚNG TA AI CŨNG CẦU VUI SỢ KHỔ NHƯ NHAU — LAMA YESHE

§ Lý do vì sao phải thấy tất cả chúng sinh đều bình  đẳng như nhau, ở chỗ ai cũng muốn được vui, không ai muốn gặp điều kém vui, chúng ta cũng vậy. Nên phải thấy rằng, “Ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn khổ, kể cả chính mình. Mỗi khi cảm thấy không vui tôi đều muốn cảm giác ấy biến đi tức khắc. Chúng sinh ai cũng cầu vui lánh khổ nhưng dù chúng sinh nhiều cả vô số tỷ lần, cái tâm thất thường của tôi chỉ biết quan tâm đến mỗi một chúng sinh duy nhất, quên hết phần còn lại. Ai khiến tôi bất an thì tôi xem họ là kẻ thù, muốn hại họ, họ mà gặp việc may mắn là tôi lồng lộn ganh tức. Chẳng lý do gì lại giữ một cái tâm điên đảo, thiếu quân bình, và cực đoan như vậy.”

§ Chẳng khác gì hai người đói khát như nhau đến gõ cửa xin ăn nhưng chúng ta nhìn vào họ chỉ chọn một, “anh này vào đây,” và nói với người kia, “anh này đi chỗ khác chơi.” Biết họ khổ như nhau, đói như nhau, nhưng cái tâm bé hẹp của chúng ta lại chỉ chọn một — “Vào đây, tôi quý bạn lắm. Hãy mặc cho thật đẹp, ăn cho thật ngon nhé” — và phủ phàng đuổi người kia đi.

§ Đó là phản ứng của cái tâm bé hẹp, ngu muội, cực đoan. Bị tham luyến bóp méo tầm nhìn nên đánh mất sự quân bình, phản ứng méo mó một cách vô lý, và chắc chắn là điều này chẳng liên quan gì đến Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác. Có xét theo cái nhìn khách quan khoa học thì thái độ này cũng vẫn là lý; cả người bình thường không tôn giáo cũng thấy cái tâm như vậy thật đáng cười.

  • # Tâm phân biệt ngã và tha là cái tâm điên đảo, thiếu quân bình, và cực đoan
  • # Hai người cùng đói khát như nhau mà cung phụng người này hất hủi người kia thì thật là vô lý
  • # Dù là người thường, không tôn giáo, cũng vẫn sẽ thấy được cái tâm như vậy thật đáng cười

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.1. Bình đẳng ngã tha



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 309 — KHÔNG CÓ KẺ THÙ NÀO Ở BÊN NGOÀI, THẬT SỰ CHỈ CÓ MỘT KẺ THÙ LÀ TÂM NGÃ ÁI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta có thể tưởng rằng đời mình thật hoàn hảo nếu không bị hoàn cảnh bên ngoài gây trở ngại khiến mình cứ phải lao đao. Nhưng nếu nhìn sâu hơn chúng ta sẽ thấy nếu dẹp được ngã ái thì chẳng khổ chút nào cả, dù hoàn cảnh bên ngoài có ra sao. Ngã ái mới đích thật là thủ phạm của từng mảnh khổ đau lớn bé mà mình phải chịu.

§  Tâm ngã ái giống như tên đồ tể giết sạch tự do của chúng ta, mang đến đủ mọi vấn đề cho đời này và những đời về sau. Nó gây thù kết oán, ngăn không cho chúng ta tu thiện tạo phước, lại khiến chúng ta lọt vào vòng kiềm tỏa của sân hận và đủ loại phiền não khác. Không bao giờ dẫn chúng ta đến với bình an giác ngộ, nó chỉ đẩy chúng ta vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Công đức bao lâu vất vả tích lũy, nó cướp sạch sành sanh. Vậy mà chúng ta vẫn muốn chạy theo nó, vì nó mà trầm luân sáu cõi sinh tử luân hồi không thể thoát ra được, kẹt cứng trong đó chịu mọi khổ đau triền miên bất tận. Sinh vào cõi người thì nó là nguyên nhân khiến chúng ta phải chịu khổ vì già, vì bệnh, vì chết, cùng với đủ loại khổ đau mà ngày ngày chúng ta cứ phải đối mặt.

§ Còn ôm chặt ngã ái trong tim thì giác ngộ, giải thoát hay tâm bồ đề gì cũng đều là chuyện không tưởng. Bất kỳ chứng ngộ nào trên đường tu, thành tựu thân người toàn hảo, chứng được vô thường và cái chết vân vân, tất cả đều không thể. Từ sáng đến tối chẳng làm được việc gì thuận với chánh pháp để có thể tạo nhân hạnh phúc. Ngã ái tràn ngập tâm trí, không còn chỗ đâu để nghĩ đến người khác, để phát khởi tâm từ và tâm bi.

  • # Khổ đau lớn nhỏ nào phải chịu cũng đều đến từ ngã ái
  • # Ngã ái là đồ tể giết sạch mọi tự do và kéo ta vào ác đạo
  • # Nuôi ngã ái thì chẳng bao giờ chứng được Lamrim

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.2. Tai hại của ngã ái



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 310 — MỌI VẤN ĐỀ TRONG ĐỜI ĐỀU ĐẾN TỪ LÒNG ÍCH KỶ — LAMA YESHE

§ Ngã ái là gốc rễ của mọi vấn đề trên cõi thế gian. Nó khiến đời sống trở nên khó khăn khốn khổ. Muốn trị ngã ái thì phải dùng cái tâm hoàn toàn đối nghịch với nó là tâm bồ đề. Ngã ái chỉ biết lo cho chính mình, toàn những tôi là tôi, một cái tôi tự có. Bồ đề tâm ngược lại đổi ngã lấy tha, tâm tư khoáng đạt. Rồi thì cho dù người bạn thân nhất của mình có quên không tặng quà Giáng sinh, mình cũng không thấy phiền.

§ Trong bài tụng Cúng Dường Đạo Sư, Panchen Lama có câu nói như sau, “Ngã ái là cửa dẫn vào khổ đau bất mãn, quý chúng sinh mẹ hiền hơn cả chính mình là nền tảng của mọi chứng ngộ và trí tuệ, vì vậy xin hãy gia trì cho con có thể từ vị kỷ hoán chuyển thành vị tha.” Chẳng phải triết lý gì cao siêu, chỉ là một câu nhận xét rất bình thường. Không cần sách Tây tạng nói mới biết, chỉ cần nhìn vào kinh nghiệm sống của mình cũng thấy được rằng cái tâm ngã ái đầy ích kỷ là nguyên nhân dẫn đến mọi sự điên đảo bất như ý. Quá trình hình thành khổ đau này không chỉ thấy ở Tây tạng, mà cả nơi chốn mình đang sống cũng vậy.

§ Panchen Lama nói chúng ta phải nhìn xem Phật đã làm gì. Phật buông bỏ ngã chấp, viên thành đại giác ngộ. Rồi nhìn xem chúng ta đã làm gì, chỉ biết ám ảnh với cái tôi, chẳng thành tựu được gì ngoài nỗi thống khổ triền miên bất tận. Chẳng rõ lắm sao? Bởi thế cơ cấu này chúng ta cần phải hiểu cho thật rõ ràng sạch sẽ. Bỏ vọng tưởng thương quý bản thân đi thì mới thoát được mọi khổ đau bất mãn. Biết quan tâm đến người khác, muốn cho họ đạt được thành tựu tối thượng, ví dụ như tâm bồ đề, thì chính mình sẽ tìm được mọi niềm an vui thỏa mãn.

# Ngã ái là nguồn gốc của mọi vấn đề trên thế gian, tâm bồ đề là thuốc chữa
# Nhìn vào kinh nghiệm sống của mình sẽ thấy ngã ái khiến chúng ta điên đảo và bất mãn như thế nào
# Phật trái lại buông hết ngã chấp và đạt mọi thành tựu siêu việt

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.2. Tai hại của ngã ái [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 311 — KHÔNG AI CÓ THỂ SỐNG KHÔNG NHỜ ƠN NGƯỜI KHÁC — LAMA YESHE

§ Hạnh phúc lợi lạc nào cũng đều có được là nhờ người khác. Khi vào đời, chúng ta đến từ thai mẹ, chẳng có gì cả, không cả mẫu vải che thân. Cha mẹ cho áo cho quần, bú mớm nâng niu.

§ Bây giờ lớn rồi chúng ta có áo quần và nhiều thứ khác. Từ đâu mà có? Từ công sức của chúng sinh khác. Chúng ta có thể nghĩ rằng đều nhờ mình có tiền. Nhưng tiền đâu mặc được lên người. Không ai dệt vải thì chẳng làm gì có được áo mặc. Bánh ăn ngon là do người khác làm. Không ai bỏ công sức ra làm bánh, lấy gì để mà ăn? Mọi lạc thú thế gian đều như vậy cả, thứ gì cũng do chúng sinh khác làm ra, mình mới có để mà hưởng. Nghĩ lại xem ngày hôm nay mình đã làm gì. Sữa uống buổi sáng đâu phải là sữa của mình, chẳng phải sao? Tương tự như vậy, chúng ta có thể nhìn lại mọi thứ mình đang có, không gì không phải nhờ đến người khác. Mình sinh ra với hai bàn tay trắng. Ơn của người khác lớn biết bao. Đừng nghĩ rằng được vậy là nhờ chính mình thăng tiến trong xã hội, — học hành, đi làm, lập sự nghiệp,— nên việc gì cũng do một tay mình làm nên tất cả.

§ Quên ơn người khác và nghĩ rằng, “một tay tôi làm nên tất,” là lầm to. Thái độ này không đúng với thực tế. Hãy xét lại đi. Tất cả thực phẩm trong siêu thị đều có nhờ công sức của người khác. Chúng ta tự một mình chẳng làm được gì. Đều nhờ chúng sinh khác đổ bao công sức mới có được thực phẩm bày sẵn ở siêu thị cho mình mua. Thầy tin chắc là cái ngã tham lam sẽ không bao giờ cho phép chúng ta nghĩ đến ơn của chúng sinh. Hàng vô lượng lần đại kiếp, ý nghĩ này chưa từng hiện ra trong tâm của chúng ta.

  • # Mọi hạnh phúc lợi lạc chúng ta có được đều đến từ người khác
  • # Xét lại sẽ thấy không ai có thể sống mà không nhờ ơn người khác
  • # Quên ơn chúng sinh là thái độ sai lầm trái với thực tại

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.3. Lợi ích trân quý chúng sinh [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  312 — TRÂN QUÝ DÙ CHỈ MỘT CHÚNG SINH CŨNG SẼ ĐƯA CHÚNG TA ĐẾN VỚI PHẬT QUẢ— LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Không có chúng sinh chịu khổ thì chúng ta sẽ không thể nào phát được tâm bồ đề. Vì vậy chúng sinh hữu tình nào đối với chúng ta cũng đều vô giá, mang lợi ích rất lớn đến cho chúng ta. Chúng sinh là chân sư. Trân quý phụng sự dù chỉ một chúng sinh, mẹ hay cha, con cái hay kẻ thù, đều sẽ đưa chúng ta đến với giác ngộ, vì nhờ vào đó chúng ta sẽ tịnh được rất nhiều ác chướng, tích lũy được rất nhiều công đức.

§  Chúng sinh nào cũng đều quý hơn bản thân của chính mình, bởi vì tất cả mọi hạnh phúc thành công mà mình có thể có được đều đến từ tấm lòng trân quý chúng sinh này. Một chúng sinh đã quý giá như vậy thì hai chúng sinh còn quý giá và quan trọng hơn nữa, cũng cần trân quý phụng sự. Một trăm chúng sinh càng quý giá quan trọng hơn xa, cũng phải trân quý phụng sự. Nhưng mà chúng sinh thì nhiều đến vô lượng, vậy vô lượng chúng sinh quý giá và quan trọng đến mức nào, chúng ta phải trân quý khắp cả. Quán như vậy sẽ thấy rằng đời mình chẳng có gì quan trọng hơn là trân quý phụng sự vô lượng chúng sinh.

§ Nếu có một ai trong đời chúng ta không trân quý, ví dụ như người ghét bỏ hay nói xấu mình, thì quả giác ngộ vuột khỏi tầm tay. Không trân quý người ấy thì không thể đạt giác ngộ, mà trân quý người ấy thì có thể đạt giác ngộ. Thế thì người ấy là người quan trọng và quý báu nhất đời mình rồi còn gì. Chúng ta có thể đoạn nhiễm tâm, giải thoát mọi khổ đau, thành tựu mọi chứng địa, đạt đến nguồn an lạc tối thượng, rồi độ vô lượng chúng sinh khác thành Phật, tất cả đều nhờ ơn nặng của một con người quý báu này.

  • # Trân quý dù chỉ một chúng sinh cũng giúp chúng ta tịnh nghiệp tích phước
  • # Không gì quan trọng hơn là trân quý vô lượng chúng sinh
  • # Chúng sinh nào cũng đều vô cùng quý báu, bởi vì nhờ trân quý chúng sinh ấy mà chúng ta đạt được nguồn hạnh phúc tối thượng

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.3. Lợi ích trân quý chúng sinh [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 313 — HOÁN CHUYỂN NGÃ THA LÀ CUỘC CÁCH MẠNG NỘI TẠI KHIẾN TÂM THỨC ĐẢO NGƯỢC HOÀN TOÀN — LAMA YESHE

§ Can đảm mang thái độ vị kỷ hoán chuyển thành vị tha là một quyết định thông minh tuyệt vời. Sinh vật sống trên quả đất này nhiều vô số, nhưng đâu mấy ai biết hoán chuyển ngã tha. Pháp tu này có thể là rất khó thực hành nhưng vô cùng xứng đáng. Nếu làm được thì mọi khổ nạn đều sẽ được giải quyết. Thay đổi được cái nhìn như vậy thì chuyển được mọi nghịch cảnh thành con đường an lạc giải thoát. Chúng ta quá cần một phương pháp như thế. Đời sống quá khổ, tâm lại quá yếu. Hoán chuyển ngã tha là cuộc cách mạng chân chính. 

§ Nếu thấy khó không thể nhận về khổ đau của người khác thì tập nhận khổ của mình trước. Lần sau ngồi thiền bị đau đầu gối thì hãy thẳng tay đập cái khổ đó lên trên bản ngã mình cho nó sợ chơi. Cứ hãy làm cho nó càng lúc càng hốt hoảng, tập như thế một tuần. Rồi sau đó tập nhận về hết tất cả mọi khổ đau mà mình đã từng phải chịu trong quá khứ. Ngã và tham nhất định sẽ không thích đâu, nhưng mặc kệ chúng nó. Cứ từ từ nới rộng ra thêm, lấy về hết mọi khổ đau của cha mẹ, bạn bè, của mọi người trong quốc gia, trên thế giới, cho đến khi có khả năng nhận về tất cả mọi bất hạnh khổ đau của tất cả mọi chúng sinh trên toàn cõi thế.

§  Bản chất của lòng tham là khi gặp chuyện không vui thì nó mù quáng muốn tống khứ đi hết. Tu pháp tu này là luyện cho tâm đủ sức mạnh gánh vác ác nghiệp, có được tình thương yêu quan tâm đến người khác, nhận hết khổ đau bất hạnh của họ về phần mình, nhờ đó trị được cái tâm ngã ái và biết trân quý người hơn chính bản thân.

  • # Hoán chuyển ngã tha là cuộc cách mạng nội tại giúp giải quyết tất cả mọi vấn đề
  • # Bắt đầu bằng cách nhận khổ của chính mình, rồi từ từ nhận khổ của người khác
  • # Pháp tu này luyện cho tâm đủ sức mạnh gánh vác ác nghiệp và biết quý người khác hơn chính bản thân

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.4. Cách quán Tonglen: Cho và Nhận [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  314 — NĂNG LỰC CỦA LÒNG THAM LAM ÍCH KỶ TỰA NHƯ KIM NHỌN ĐÂM VÀO TRONG TIM, RÚT RA ĐƯỢC LÀ VUI MỪNG KHÔNG THỂ TẢ — LAMA YESHE

§ Pháp tu Tây tạng có một kỹ thuật luyện tâm đặc biệt giúp xả bỏ cái tâm tham chấp ngã ái, đó là tưởng tượng thân mình biến thành hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ tỷ tấm thân, tặng hết cho chúng sinh. Chúng ta biến thân mình thành nhiều món vật, không phải thứ xấu xí mình không ưa mà toàn là những thứ thật xinh đẹp, và tặng hết cho tất cả chúng sinh. Phải làm như vậy là vì trong hiện tại chúng ta luôn bám vào thân của mình bằng sức mạnh tham chấp kinh người; mang thân mình tặng cho người khác là bắt đầu phá hủy sức mạnh ấy.

§ Không chỉ cho ra thân thể, hãy quán tưởng mang hết sở hữu của mình tặng cho chúng sinh. Nhà của mình biến thành hàng ngàn căn nhà, thực phẩm trong tủ lạnh nhân lên nhiều gấp trăm ngàn lần, quán tưởng như thế với mọi thứ mà mình đang hưởng dụng, tặng hết cho chúng sinh với tấm lòng yêu thương không bờ bến, biết rõ ai ai cũng đều muốn vui và sợ khổ giống hệt như nhau, chỉ vì vô minh nên cứ phải liên tục chịu khổ đau, điên đảo, bức xúc.

§  Pháp quán này không phải là trò đùa hay trò giải trí, mà là chuyện khẩn thiết. Trước khi tu theo pháp này, lòng tham có thể khiến chúng ta dù cho ra một xu lòng cũng đau như cắt, nhưng nhờ luyện tâm như vậy, từ từ chúng ta đạt đến mức có thể cho ra với niềm thích thú. Thầy không nói đây là kinh nghiệm của Thầy, nhưng có rất nhiều người, Đông cũng như Tây, đã có được kinh nghiệm này. Vậy đây là thứ mà chúng ta cũng cần phải có, phải có khả năng vui vẻ cho ra thân thể, tài sản, sở hữu của chính mình.

  • # Để diệt lòng tham, chúng ta biến thân mình thành quà tặng cho người khác
  • # Cũng có thể quán tài sản của mình tăng lên gấp bội để gửi cho khắp chúng sinh
  • # Đây là cách từ từ luyện cho tâm biết vui vẻ thích thú khi cho ra

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.4. Cách quán Tonglen: Cho và Nhận [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 315 — CÁCH LUYỆN TÂM HỮU HIỆU NHẤT ĐỂ TIÊU DIỆT NGÃ ÁI LÀ PHÁP QUÁN CHO VÀ NHẬN — LAMA YESHE

§ Pháp tu cho và nhận, Tây tạng gọi là Tonglen, thật ra phải luyện như thế nào? Bắt đầu bằng thở ra qua lỗ mũi bên phải. Tưởng tượng mình thở ra luồng ánh sáng trắng, tinh túy của trọn nguồn năng lực phước trí của mình, soi sáng toàn bộ chúng sinh trong khắp sáu cõi luân hồi và xa hơn nữa. Ánh sáng trắng này đi vào lỗ mũi bên trái của từng chúng sinh, vào trong tim họ mang lại nguồn hỷ lạc lớn lao. Tưởng tượng họ thở ra luồng khói đen, tinh túy của mọi ác nghiệp, điên đảo, và khổ nạn. Năng lực tối đen ô nhiễm này đi vào lỗ mũi bên trái của mình, xuống tới tim. Đừng để ở bên ngoài, phải đập thẳng vào tim cho bản ngã và lòng tham hốt hoảng kinh hãi.

§ Lặp lại ba lần chu kỳ thở ra ánh sáng trắng qua lỗ mũi bên phải và hít vào khói đen qua lỗ mũi bên trái. Tiếp theo thở ra từ lỗ mũi bên trái và hít vào bằng lỗ mũi bên phải ba lần. Rồi sau đó thở ra và hít vào bằng cả hai lỗ mũi, ba lần. Sau mỗi chu kỳ chín vòng hô hấp như vậy, hãy nhiếp tâm quán càng lâu càng tốt, rằng mình và tất cả chúng sinh đều đã sạch mọi khổ đau, ác nghiệp, diệt hết mọi phạm vi đối đãi phân biệt trong tâm, đạt đại giác ngộ, kinh nghiệm đại lạc tràn khắp thân tâm. Đến khi tâm mất tập trung thì trở lại thở thêm một lần chín vòng hô hấp nữa.

§ Đừng nghĩ rằng đây chỉ là ảo tưởng, thiền quán như vậy chẳng có tác dụng gì đối với khổ đau của chính mình và người khác. Thật ra pháp tu này vô cùng thâm sâu, mỗi khi hành trì sẽ mang mình và chúng sinh khác đến gần quả giác ngộ hơn.

  • # Tu Tonglen, Cho và Nhận, là thở ra năng lực của thiện nghiệp và hít vào năng lực của ác nghiệp
  • # Sau mỗi chu kỳ chín vòng hô hấp, hãy nhiếp tâm cho vững vào sự thanh tịnh và hỉ lạc
  • # Mỗi lần hành trì đều mang chúng sinh và chính mình đến gần với hơn với quả giác ngộ

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 3. Hoán chuyển ngã tha
! 3.2. Luyện tâm bồ đề quy ước
!  3.2.4. Cách quán Tonglen: Cho và Nhận [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 316 — PHÁP CHUYỂN TÂM LÀ CÁCH GIEO TRỒNG HẠNH PHÚC TRONG TÂM RÕ VÀ KHÉO BẬC NHẤT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Pháp tu đại thừa Lojong có nghĩa là “luyện tâm,” là “chuyển tâm.” Phương pháp này chủ yếu chuyển mọi nghịch cảnh thành thuận duyên trên đường tu. Chúng ta nhìn mọi cảnh sống bằng cái nhìn tích cực, gặp hoàn cảnh nào thì dùng hoàn cảnh ấy làm phương tiện để khai mở trí tuệ và từ bi. “Cảnh xấu” chẳng qua chỉ là một khái niệm được hình thành trong tâm. Vậy thì mình cứ hình thành khái niệm “cảnh tốt,” cũng đâu có khó khăn gì hơn.

§ Nền tảng của pháp tu Phật giáo là không gây hại cho ai, thế nhưng khi nổi cơn giận dữ, tham lam, ganh ghét v.v.. chúng ta lại làm hại chính mình và người khác. Pháp tu chuyển tâm là phương pháp vô cùng hữu hiệu giúp chúng ta đảo ngược tình thế, mọi việc làm đều sẽ lợi cho mình và cho người. Pháp này sẽ dễ tu hơn nếu thấy được chạy theo ngã ái tai hại ra sao, chống lại ngã ái lợi ích như thế nào. Ví dụ khi có ai nổi sân với mình thì mình tự nhiên sẽ nổi sân lại. Nhưng nếu tu theo pháp chuyển tâm thì sẽ thấy mình phải gặp cảnh này mới có cơ hội để tu tập và viên thành hạnh nhẫn, là thành tựu không thể thiếu nếu muốn đạt quả giác ngộ. Hiểu được như vậy tự nhiên sẽ thấy người kia là viên ngọc quý, là bậc tôn sư. Nói vậy không có nghĩa là họ xử tốt với mình, chỉ là trước mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn có quyền chọn lựa phản ứng tích cực hay tiêu cực, tùy theo cách suy nghĩ của mình.

§ Đảo ngược khuynh hướng ích kỷ, luyện cho tâm biết cách sống vì người, đây chính là tinh túy của pháp tu chuyển tâm. Không thay đổi triệt để như vậy thì sẽ không hy vọng gì phát được tâm đại bi, tâm bồ đề, và tất cả những cái tâm cần thiết khác trên đường tu dẫn đến Phật quả.

  • # Tu pháp chuyển tâm thì chuyển mọi cảnh sống thành từng bước tiến trên đường tu giác ngộ
  • # Pháp tu này chỉ cách làm sao để thấy người hại ta là viên ngọc quý, là bậc tôn sư
  • # Pháp tu Lojong này đảo ngược thói quen ích kỷ, luyện cho tâm biết cách sống vì người

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 317 — GIẢI PHÁP ĐÚNG CHO MỌI VẤN ĐỀ LÀ PHẢI ĐỐI DIỆN VÀ TÌM CÁCH HIỂU RA THẬT TƯỚNG CỦA SỰ VIỆC — LAMA YESHE

§ Phật tử gặp chuyện tiêu cực thì không trốn tránh mà trực diện đối đầu, xét xem vì sao lại như thế, thực chất của sự việc là gì, vân vân. Đây là cơ sở tốt nhất để phá hủy tâm lý tiêu cực, hợp lý và khoa học hơn là trốn tránh, ví dụ như trốn tới một chỗ nào khác, hay cố ép mình chỉ nghĩ đến điều tích cực. Bấy nhiêu là không đủ. Bao giờ vấn đề ụp đến, thay vì quay lưng chạy trốn, chúng ta hãy trừng mắt nhìn thẳng và mặt chúng. Rất hữu ích. Đó là lối đi của Phật tử. 

§ Gặp vấn đề mà chạy trốn thì sẽ không bao giờ thấy được gốc rễ của vấn đề là gì. Chui đầu vào đống cát có giúp được gì đâu. Chúng ta phải nhận định vấn đề từ đâu đến, xảy ra như thế nào. Muốn ngộ được cái tâm sạch và trong thì phải biết bản chất của cái tâm không sạch không trong là gì, nhất là phải biết nguyên nhân của nó. Bụi gai mọc ngay ở trước cửa mỗi khi đi qua là bị cào rách da, mà chỉ biết cắt cành thì vấn đề vẫn chưa được  giải quyết. Phải nhổ cho sạch gốc thì mới yên, không bao giờ còn phải bận tâm nữa.

§ Nhờ thiền quán chúng ta có thể thấy được cái tâm tham lam vị kỷ là nguyên nhân của mọi bức xúc và mọi tật bệnh trong tâm, thấy chỉ cần thay đổi thái độ là tâm sẽ lành mạnh, đời sống sẽ tràn đầy ý nghĩa. Thái độ cần phải thay đổi đó là từ khuynh hướng lo lắng bận tâm quá đáng cho chính mình, —”Có khi là mình sẽ bị bệnh, có khi là như thế này, có khi là như thế kia” — nhờ tu theo pháp chuyển tâm chúng ta sẽ đổi được thành cái tâm dành trọn đời mình làm lợi cho chúng sinh.

  • # Đừng quay lưng trốn tránh mà hãy trừng mắt trực diện vấn đề
  • # Chúng ta có thể ngộ được cái tâm sạch và trong nhờ hiểu được thực chất của cái tâm không sạch không trong là gì
  • # Thay đổi thái độ sẽ giúp cho tâm trở nên lành mạnh, đời sống có ý nghĩa

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  318 — TRẢ HẾT MỌI LỖI LẦM VỀ LẠI CHO TÂM NGÃ ÁI THÌ MỌI VẤN ĐỀ SẼ TAN BIẾN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Một trong những điểm trọng yếu bậc nhất của pháp chuyển tâm đại thừa, đó là phải trả hết mọi lỗi lầm về lại cho khổ chủ là tâm ngã ái. Làm như vậy sẽ thấy ghét cái tâm ngã ái, thấy nó là kẻ thù của mình. Cứ thế chúng ta sẽ không còn nhận diện nó là mình, cũng không nghe theo nó nữa, chúng ta tách mình ra khỏi tâm ngã ái. Làm được như vậy thì trong ngày bất kể làm gì cũng đều thành chánh pháp.

§ Gặp cảnh khó khăn đến đâu cũng đều phải trả hết về lại cho tâm ngã ái, bắt nó chịu. Phải thấy khốn đốn thế này đều vì lỗi của tâm ngã ái, phải trả về cho nó mọi khổ nạn nó đã tạo ra. Tâm ngã ái sẽ muốn chúng ta kiếm thủ phạm ở chỗ nào khác chịu thay cho nó, nhưng chúng ta tu pháp tu này sẽ không bị lừa, sẽ trực tiếp trả hết mọi lỗi lầm về lại đúng cho khổ chủ là cái tâm ngã ái. Không hiểu được chuyện này thì mỗi khi gặp nghịch cảnh là chúng ta tạo ác nghiệp, nhưng nếu biết dùng nghịch cảnh làm vũ khí diệt ngã ái thì mọi vấn đề va phải đều sẽ trở thành phương tiện thù thắng để diệt vô minh và ác nghiệp. Điều này đặc biệt cần thiết nếu đó là vấn đề không thể tránh. Biết đập trả nghịch cảnh về lại cho tâm ngã ái để tiêu hủy nó, làm được như vậy thì mọi vấn đề mình phải chịu đều thật sự trở thành đường tu.

§ Bao nhiêu năng lượng đổ ra để cố gắng tiêu diệt vấn đề ở bên ngoài, bây giờ thay vào đó hãy dùng năng lượng này để tiêu diệt ngã ái. Nhất là nếu lấy nỗi sợ bị chê bai chỉ trích để làm vũ khí tấn công ngã ái thì sẽ rất hữu hiệu. Cứ liên tục làm như vậy, mọi nỗi sợ hãi, ám ảnh, âu lo sẽ không còn phát sinh. Đây là hoạt động tâm lý rất thâm sâu và thiết yếu, đủ sức quét sạch cội nguồi của mọi vấn đề là cái tâm ngã ái, làm cho nó tiêu tan hết không còn gì.

  • # Một trong những điểm then chốt của pháp chuyển tâm đại thừa là đập trả mọi lỗi lầm về lại cho tâm ngã ái
  • # Làm như vậy thì gặp phải vấn đề gì cũng đều sẽ trở thành vũ khí diệt vô minh và ác nghiệp
  • # Đây là hoạt động tâm lý thâm sâu và thiết yếu làm cho tâm ngã ái tiêu tan không còn gì

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng ý nghĩ
! 4.1.1. Chuyển bằng quán xét [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 319 — KHỔ NẠN LÀ CỘI NGUỒN CỦA TRÍ TUỆ — LAMA YESHE

§ Nếu không tự mình thử nghiệm thì chúng ta sẽ chỉ nghe hết pháp này đến pháp kia rồi tự cho là mình ổn. Đến khi đụng việc mới thấy ra là mình chẳng ổn chút nào. Phật tử chân chính luôn sẵn lòng chào đón nghịch cảnh, vì phải đụng nghịch cảnh mới có cơ hội thử xem điều mình học có tác dụng gì chăng, có chuyển khổ thành vui được chăng. Bằng không sẽ cứ mãi nhởn nhơ xa lìa thực tế, cứ nghĩ là mình rất ổn trong khi chẳng ổn chút nào, là vì chưa từng thật sự thực hành chánh pháp.

§ Trong thời gian học ở Tu Viện Sera bên Tây tạng, từ năm lên chín cho đến năm 24 tuổi, tôi luôn dốc sức để học và hành pháp. Dù vậy, đến năm 1959 khi bị Trung quốc đuổi đi… Nói cho đúng, họ không trực tiếp đuổi, nhưng không ai được phép hành trì Phật pháp, cho nên muốn tiếp tục tu thì không thể ở lại Tây tạng. Vì vậy tôi trốn qua Ấn độ. Trong hoàn cảnh bấp bênh đầy đau đớn đó, tôi phải nhìn sâu vào chính mình xem giáo pháp mà mình đã học có thật sự giúp được mình đương đầu với thực tại mới này hay không. Và tôi thấy ra rằng thật sự đã giúp rất nhiều. Nhờ đó tôi mới có đủ tự tin và nghị lực để đối phó với sự thay đổi trong môi trường sống của mình.

§ Kinh nghiệm đau đớn sẽ giúp chúng ta hiểu được sâu hơn, thoát khỏi giới hạn của ngôn từ và lý thuyết. Đương nhiên nếu chúng ta không biết gì cả thì dù có chịu khổ đến đâu cũng hoài công, không biết chuyển khổ thành vui, không biết làm gì khác hơn là chịu hết khổ đau này đến khổ đau khác. Ngược lại, nếu có được chút ít trí tuệ Phật pháp, khi gặp khó khăn chúng ta sẽ biết tận dụng cảnh khó đó để đưa mình đến với chốn an vui.

  • # Người tu chân chính luôn sẵn lòng đón nghịch cảnh để thử thách chính mình và để sống chạm thực tế
  • # Khi gặp nghịch cảnh, như cảnh lưu vong của người Tây tạng, giáo pháp sẽ giúp ta rất nhiều
  • # Hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn, vượt ra khỏi giới hạn của ngôn từ và lý thuyết

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng ý nghĩ
! 4.1.1. Chuyển bằng quán xét [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  320 — CÓ THỂ DÙNG NGHỊCH CẢNH ĐỂ TIÊU DIỆT LÒNG KIÊU MẠN — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mỗi khi gặp cảnh khó khăn, chúng ta có thể lấy đó làm vũ khí hủy diệt tâm kiêu mạn của mình, là một trong sáu phiền não chính. Chưa thoát phiền não một cách triệt để thì sẽ không thật sự tự do, sẽ luôn bị nghiệp cũ và phiền não ràng buộc. Kiêu mạn thấy giống như một người bạn thân, thật ra nó chỉ mang đến cho ta khổ nạn nhiều bất tận.

§ Kiêu mạn chủ yếu nhắm vào khuyết điểm của người khác và phóng đại ưu điểm của chính mình. Nếu biết  bản thân chính mình có rất nhiều vấn đề, luôn nhớ điều này thì sẽ không sinh taam kiêu mạn. Thấy được khổ đau của chính mình thì kiêu mạn sẽ tiêu tan, và lòng từ bi thương xót cho chúng sinh khổ giống mình sẽ phát khởi. Kiêu mạn khiến chúng ta vui khi thấy người khác khổ, làm cho tâm từ bi không còn đất đứng. Nếu ngược lại, nhớ rằng mình có nhiều vấn đề, thiện tâm muốn người khác được vui sẽ dễ dàng nảy sinh.

§ Có một cách khống chế kiêu mạn rất hiệu quả, đó là quán về lầm lỗi của chính mình. Nghĩ đến sự thành công của mình sẽ khiến tâm kiêu mạn phát sinh, nhưng nếu nhìn vào lầm lỗi của mình thì kiêu mạn sẽ tan biến. Phải nhìn lại mà xem hiểu biết của mình bé hẹp đến mức nào: nhìn lại mớ hiểu biết thế gian của mình, chẳng mang đến cho mình được bao nhiêu hạnh phúc thật sự; nhìn lại mớ hiểu biết về Phật pháp của mình, chẳng là gì so với biển trí tuệ còn phải học. Có những việc tưởng như mình đã biết, nhưng cùng lắm chỉ là biết được đôi chút ngôn từ lý thuyết, chẳng có chút kinh  nghiệm chứng ngộ nào. Mặc dù hiểu lời giảng, nhưng đụng việc thì vẫn khổ, rõ ràng là chúng ta chưa hiểu gì về chân tánh của tâm mình, của thân mình, của giác quan của mình. Nghĩ như vậy sẽ chận được tâm kiêu mạn.

  • # Nghịch cảnh giúp diệt tâm kiêu mạn, nguyên nhân mang đến khổ nạn nhiều bất tận
  • # Nhìn nhận mình có vấn đề sẽ diệt tâm kiêu mạn, nhường chỗ cho lòng từ bi phát sinh
  • # Quán xét về lỗi lầm và sự thiếu hiểu biết của mình sẽ chận được kiêu mạn

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng ý nghĩ
! 4.1.1. Chuyển bằng quán xét [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  321 — CHÚNG TA CHẾT ĐUỐI TRONG BIỂN THẾ GIỚI HOANG TƯỞNG TỰ TẠO — LAMA YESHE

§ Nói về vấn đề của con người thì phần lớn là từ cái đầu mà ra. Đương nhiên có những vấn đề sâu hơn thuộc cảnh giới của trực giác, nhưng phần lớn những vấn đề, như là muộn phiền âu lo, nói chung đều đến từ cách suy nghĩ của mình.

§ Thuở ấu thời đâu ai có vấn đề chính trị, đúng không? Còn là em bé đâu làm gì có vấn đề kinh tế hay xã hội. Còn nhỏ quá chưa biết gì để có thể bị xung đột bản ngã hay tư tưởng, cũng không bị xung đột tôn giáo, bất mãn tôn giáo, hay xung đột ý thức hệ, chủng tộc, những vấn đề thuộc lãnh vực tư tưởng này, khi còn nhỏ không ai vướng phải. Nhưng lớn lên thì bắt đầu suy nghĩ: “Xã hội là gì? Tôi là ai? Tôi phải nhận định về bản thân như thế nào? Bản tánh của tôi là gì?” Cái ngã của chúng ta nó muốn nó phải có một bản sắc riêng, một thứ gì có thể giữ được, nắm được. Nó không thể hiện hữu một cách tự nhiên. Đó là lý do vì sao chúng ta chỉ toàn là hư giả, điên đảo, và bất mãn.

§ Chúng ta có thể thấy phần lớn vấn đề của thế giới hiện đại đều đến từ sự xung đột giữa người và người. Đàn ông có vấn đề với đàn bà, đàn bà có vấn đề với đàn ông. Tất cả những vấn đề này đều là trò chơi tư tưởng chứ không phải tự nhiên mà có. Khái niệm phân biệt khiến chúng ta tin vào những thứ như là “Thứ này tốt nhất tôi nên nắm chặt, không có nó thì tôi cũng không sống nữa. Những thứ khác chẳng nghĩa lý gì đối với tôi, chỉ có thứ này mới là thực tại của tôi thôi.” Cứ thế mà chấp niệm, rốt lại giết cả chính mình. Chúng ta có thể thấy vấn đề đến từ bộ não của con người là vấn đề tự tạo, không tự nhiên, không thực tế, hoàn toàn tách lìa khỏi thế giới thực tại. Lấy ví dụ tâm vô minh diễn tả trái táo là “Thật quá tuyệt vời. Màu đỏ thật đẹp. Tôi thích vô cùng.” Hễ thích thứ gì là cứ phóng đại nó lên, cứ thế mà làm cho tâm mình càng thêm bệnh hoạn. Nói cho cùng, chỉ toàn là hoang tưởng.

  • # Phần lớn mọi vấn đề, như cảm giác phiền muộn âu lo, đều đến từ cách suy nghĩ của chúng ta
  • # Khi lớn lên, bản ngã của chúng ta tạo ra vấn đề vì động niệm phân biệt và chấp niệm
  • # Vấn đề của con người là vấn đề hư giả, không đúng với thực tại, phát xuất từ cái tâm bệnh hoạn

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng ý nghĩ
! 4.1.1. Chuyển bằng tri kiến [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 322 — VẤN ĐỀ CỦA HỮU TÌNH ĐẾN TỪ SỰ THIẾU TRÍ TUỆ, KHÔNG BIẾT MÌNH LÀ GÌ, HIỆN HỮU NHƯ THẾ NÀO, TƯƠNG ĐỐI HAY TUYỆT ĐỐI  — LAMA YESHE

§ Điều quan trọng cần phải hiểu đó là chúng ta tuy bám vào hình ảnh tự đáng thương của chính mình nhưng cái tôi này thật ra không hề có hiện hữu. Điều này muốn giải thích một cách chi tiết bằng luận lý thì không khó gì, nhưng để tiếp cận đơn giản hơn, chúng ta cứ hãy nhìn lại xem cái tôi mà mình thấy ngày hôm nay nó như thế nào, “Tôi là thế này, tôi là thế kia,” và so sánh nó với cái tôi mà mình thấy năm ngoái.

§ Trước hết phải nói rằng sự việc biến chuyển trong từng sát na. Không thể nào anh A của hôm nay lại giống hệt anh A của hôm qua. Không làm gì có chuyện như vậy. Đến khi chúng ta nhìn thấy được rõ ràng mình chấp bám vào cái tôi thường hằng như thế nào thì khi ấy chỉ còn biết cười phì. Vô lý quá mà. Chúng ta tin rằng mình của hôm nay cũng là mình của mười năm về trước. Đây điều đức Phật muốn nói đến khi bảo rằng chúng ta điên đảo, điên đảo, thật quá điên đảo! Điên đảo có nghĩa là nắm giữ chấp bám vào những khái niệm vô lý, những phóng tưởng hư ảo về chính mình. Hễ còn chưa bứng sạch gốc rễ này của mọi vấn đề thì vẫn chưa làm nên được tích sự gì.

§ Chúng ta có thể ngồi thiền hai ba chục năm, nhưng chưa động đến gốc rễ của vấn đề, chưa làm cho cái ngã lung lay, chỉ khiến nó đẹp hơn, kiên cố hơn mà thôi, thì như vậy tu không giỏi chút nào. Điều cần phải làm là, với cảnh luân hồi của mình, chúng ta phải tạo nên cả một cơn trận địa chấn làm lay động tận gốc rễ của cái ngã, của cách mà cái ngã nắm giữ mọi sự. Làm chấn động ngọn núi Tu di của cái ngã thì toàn bộ cảnh luân hồi của mình sẽ sụp đổ. Đây là cơn trận địa chấn thật thụ. Giáo pháp Phật dạy về chân thực tại vô cùng thâm sâu vi diệu, chỉ cho chúng ta cách thù thắng nhất để có được sự lành mạnh chân chính, bằng cách làm tiêu tan mọi khái niệm và ảo vọng của chính mình.

  • # Quan trọng nhất là phải hiểu mình bám vào hình ảnh tự đáng thương của chính mình như thế nào
  • # Tin rằng mình của hôm nay cũng chính là mình của hôm qua thì thật quá vô lý
  • # Cảnh luân hồi của mình sẽ sụp đổ khi làm tiêu hết khái niệm và ảo tưởng của cái tôi

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng ý nghĩ
! 4.1.1. Chuyển bằng tri kiến [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 323 — KHI GẶP CẢNH TẬT BỊNH HAY KHỔ ĐAU, CHÚNG TA PHẢI THẤY GIỐNG NHƯ MÌNH VỪA TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Lâm bệnh mà xuống tinh thần và ám ảnh với tật bệnh thì chỉ khiến tệ hơn thôi, thay vào đó, chúng ta phải lập tức thấy rằng, “Tôi đã cầu nguyện gánh khổ cho chúng sinh, bây giờ đã đạt được rồi. Tôi sẽ chịu khổ này thay cho khắp chúng hữu tình.” Khổ bệnh của mình là khổ bệnh của khắp chúng sinh, dù sao bệnh này mình cũng phải chịu, vậy chi bằng dùng cơ hội này để phát tâm bồ đề cứu cánh.

§ Bằng cách nào? Chúng ta cần nghĩ đến bệnh khổ và mọi khổ nạn khác mà chúng sinh phải chịu. Khi bệnh, hãy nghĩ rằng mình chịu bệnh này thay cho khắp những ai đang bệnh giống như mình, thay cho những ai đang bệnh bất cứ thứ bệnh gì khác, thay cho vô lượng chúng sinh đang chịu khổ. Gánh khổ này cho chúng sinh thoát khổ, thoát cả nguyên nhân tạo khổ, vui hưởng niềm hạnh phúc vô song của vô thượng bồ đề. Bất kể bệnh nặng hay nhẹ, chúng ta đều có thể quán theo cách này để làm lợi cho chúng sinh.

§ Khỏe mà muốn đừng chú tâm vào hạnh phúc của mình thì khó lắm. Nhưng ở đây chúng ta đã được trao cho viên ngọc vô giá này. Như tôi vẫn thường nói, mục tiêu chính của đời sống không phải là sống khỏe hay sống lâu. Khỏe hay bệnh, giàu hay nghèo, vinh hay nhục, sống hay chết, mục tiêu chính của chúng ta chỉ có một, đó là làm lợi cho chúng sinh. Nếu khỏe mà không làm được thì khỏe cũng vô dụng. Nếu bệnh mà làm được thì bệnh mới là quý. Hạnh phúc trong đời tùy thuộc vào việc chúng ta có hay không có thái độ này.

  • # Khi bệnh, chúng ta dùng bệnh khổ của mình để phát tâm bồ đề cứu cánh
  • # Thực hiện điều này bằng cách nguyện gánh bệnh này thay cho khắp chúng sinh
  • # Mục tiêu chính trong đời không phải để sống khỏe hay sống lâu mà để mang lợi ích đến cho người khác

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng hành động [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 324 — NĂM LỰC GÓI TRỌN CẢ MỘT ĐỜI TU TẬP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để triệt để thoát khỏi ngã ái, đó là năm lực. Đây là pháp tu cơ bản mang ý nghĩa về cho đời sống, lợi ích cho khắp chúng sinh, ngăn chận mọi chướng ngại trên đường tu. Đây là nền tảng của mọi pháp tu khác, nghi quỹ, tụng chú, lễ lạy v.v… Đây chính là thứ phá hủy tâm ngã ái, làm kiên định tâm kính Thầy, nâng đỡ chúng ta khi sống và chuẩn bị cho chúng ta khi chết.

§ Kinh sách hệ chuyển tâm diễn tả năm lực này qua hai thứ tự khác nhau, một dành cho khi sống, và một dành cho thời điểm chết. Khi sống thì thứ tự của 5 lực như sau: [1] động cơ; [2] thói quen; [3] hạt giống trắng; [4] tiêu hủy (ngã ái) ; và [5] nguyện. Khi sống trong đời, chúng ta luôn xét tâm nguyện động cơ của mình để giữ động cơ càng lớn rộng càng tích cực càng tốt. Sáng thức dậy phát khởi tâm nguyện động cơ rồi cả ngày sinh hoạt đi đứng, ăn uống, làm việc vân vân, [tạo thói quen] giữ cái tâm vị tha càng thuần tịnh càng tốt. Từ, bi, nhẫn và giới hết thảy đều tu là vì chúng sinh, nhờ đó tích lũy công đức. Gặp vấn đề là lập tức nhớ ngay đó là do lỗi của tâm vị kỷ của mình để đập trả mọi lỗi lầm về lại cho nó. Cuối cùng, nguyện lực là hồi hướng công đức để phát tâm bồ đề.

§ Bất kể gặp hên hay xui, thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay tật bệnh, nhờ tu năm lực này, vốn là tinh túy của trọn chánh pháp, chúng ta tận dụng mọi cảnh sống của mình để phát tâm bồ đề.

  • # Năm lực là một pháp tu cơ bản, làm cho đời sống trở nên có ý nghĩa
  • # Năm lực này là lực động cơ, lực huân tập, lực hạt giống trắng, lực tiêu hủy và nguyện lực
  • # Nhờ tu năm lực chúng ta sẽ có thể tận dụng mọi cảnh sống của mình để phát tâm bồ đề

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng hành động [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 325 — PHẢI THÍCH NGHỊCH CẢNH MỘT CÁCH TỰ NHIÊN NHƯ THÍCH ĂN KEM HAY THÍCH NGHE NHẠC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn thành công tu pháp chuyển tâm được thì phải có được nguồn can đảm nghị lực, điều này rất quan trọng. Với cái tâm cương quyết mãnh liệt, chúng ta luyện cho tâm mình trở thành giống như tay kỵ sĩ tài ba dù lơ đễnh vẫn nắm vững yên cương, không cần cố gắng. Ngựa có làm gì kỵ sĩ cũng không té, không gặp hiểm nguy. Được vậy là vì thân thể đã quen thích ứng với cách ngựa chạy. Tương tự như vậy, khi gặp nghịch cảnh chướng duyên, người tu pháp chuyển tâm giàu kinh nghiệm lập tức thấy đó là điều tốt, không cần ra sức dụng công.

§ Nếu tự nhiên thấy nghịch cảnh là thuận duyên thì tâm sẽ an vui. Dù có gặp cảnh bị chỉ trích, nghèo, khó, thất bại, tật bệnh hay dù có sắp chết, không một thứ gì có thể khiến tâm xáo trộn. Chúng ta luôn trú ở niềm vui. Không cần ra sức dụng công vẫn sẽ tự nhiên thấy được lợi điểm của nghịch cảnh, và càng thấy được lợi điểm thì tâm sẽ càng mừng vui khi gặp việc khó trong đời. Luyện cho tâm quen không còn thấy nghịch cảnh là nghịch cảnh thì dù thân tâm có gặp đại nạn chúng ta cũng vẫn dễ dàng gánh hết không chút khó khăn. Khổ nạn trở thành niềm vui, như nhẹ mềm như sợi tơ bông.

§ Chỉ dựa vào lời Thầy nói thì không đủ đâu, quý vị phải tự mình nếm thử. Đương nhiên là nếu thình lình gặp đại nạn thì không ai đủ sức chuyển nó thành đường tu. Phải tập chuyển cảnh khổ nho nhỏ vừa sức trước, rồi sẽ có lúc dù có gặp nạn lớn, kể cả cái chết là điều đáng sợ hơn hết, chúng ta cũng sẽ có đủ khả năng tưới tẩm khổ nạn bằng công đức, dùng cảnh khổ để tu và tiến xa hơn trên con đường dẫn đến niềm hỉ lạc cứu cánh.

  • # Nghịch cảnh có thể chuyển không cần dụng công, như tay kỵ sĩ tài ba cưỡi ngựa
  • # Bao giờ tự nhiên thấy được điểm hay của nghịch cảnh thì sẽ không còn gì có thể khiến tâm xáo trộn
  • # Nhờ từ từ luyện tâm mà rồi đến cả đại nạn cũng có thể dùng để mà tu

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng hành động [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 326 — NẾU TU ĐÚNG CÁCH THÌ KẾT QUẢ SẼ LÀ NIỀM AN LẠC TRONG TÂM — LAMA YESHE

§ Bất kể là đi đâu, Đông, Tây, lên trời, xuống đất hay chui vào lòng đất, chỗ nào cũng có chúng sinh. Thấy được ngã và tham là hư vọng, nhờ đó phát được tâm nguyện trong sáng, rồi cống hiến đời mình cho chúng sinh, làm được như vậy thì đời sống mới thật sự xứng đáng. Sống như vậy mới có ý nghĩa, và quan hệ với người xung quanh sẽ tốt hơn nhiều. Không cần thay đổi bất cứ thứ gì ở bên ngoài, điều duy nhất cần thay đổi nằm ở trong tâm.

§ Đẩy khí lực của mình theo mạch đạo bình an trí tuệ thì nó sẽ tự nhiên chảy về hướng đó. Chúng ta không cần suy nghĩ quá nhiều. Chỉ cần làm theo chánh đạo và làm hết sức của mình để đạt chứng ngộ, bấy nhiêu là đủ. Chúng ta luôn đánh giá việc làm qua bề ngoài: “Họ làm điều này, xấu quá. Họ làm điều kia, tốt quá.” Chúng ta cho rằng sự việc vốn có tốt, có xấu. Nhưng không có việc làm nào luôn là tốt hay là xấu cả. Việc làm không thể phân loại như thế được. Đều còn tùy ở nơi tâm. Nói ví dụ việc thường được xem là tốt nhưng nếu mình làm với cái tâm tham làm thì đó là ác nghiệp. Người ngoài nhìn vào có thể nghĩ là mình làm việc tốt, nhưng nghĩ như vậy là sai. Muốn đánh giá việc làm tốt hay xấu thì phải xét tâm nguyện động cơ khi hành động chứ không phải chính nơi hành động ấy.

§ Chúng ta phải nhận thấy kẻ thù thật sự của mình, tên trộm đang cuỗm hết niềm vui của mình, thật ra đang nằm ngay ở trong tim, là đứa mà mình nâng niu cung phụng từ vô thủy sinh tử. Thấy vậy rồi thì phải quyết chí vất nó đi, đừng bao giờ để nó trở lại.

  • # Đời sống trở nên thật sự xứng đáng khi ta buông bỏ cái tôi và cống hiến đời mình cho chúng sinh khác
  • # Hành động tốt hay xấu là tùy ở cái tâm chứ không tùy dáng vẻ ở bên ngoài
  • # Kẻ thù chân chính là ngã ái trong tâm, đánh cắp hết niềm vui của mình

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng hành động [4]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 327 — VỚI TÂM BỒ ĐỀ CHÚNG TA CÓ THỂ CHUYỂN ĐỜI SỐNG PHƯƠNG TÂY THẾ TỤC THÀNH BỒ TÁT ĐẠO  — LAMA YESHE

§ Phải thực tế một chút. Phần lớn chúng ta ai cũng phải đi làm. Vậy mỗi sáng thức dậy  chúng ta phải phát tâm cho thật mãnh liệt, rằng “hôm nay tôi sẽ cố gắng hết mình để sống vì người khác. Với thân này tâm này, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm để mang lợi ích đến cho người khác.” Phát nguyện mạnh mẽ như vậy, nghĩ rằng, “khi gặp cảnh khó khăn, bị người chỉ trích, tôi sẽ không nổi giận.”

§ Với ý chí mạnh mẽ như vậy thì dù có làm phu hốt rác, bưng rác đổ vào xe, cũng vẫn rất ổn. Vẫn là làm vì người khác. Điều quan trọng nhất là động cơ hành động. Khởi động cơ đúng đắn là điều rất quan trọng, nhất là trong xã hội Tây phương. Người Tây phương vốn không thích hợp với tu thiền, tâm rất khó an định. Quý vị hiểu không? Chúng ta vốn không thích hợp với những việc như thế, nhưng vẫn có thể sống vì người khác, phụng sự cho chúng sinh, làm những việc có ý nghĩa cho người. Và điều này chúng ta thật sự có thể tu mỗi ngày.

§ Tôi thấy sống như vậy tốt hơn là nói, “Ô tôi phải thành một đại hành giả.” Xã hội này vốn không thích hợp với những việc như thế. Nhưng trên thực tế chúng ta có thể cống hiến bản thân cho chúng sinh. Khống chế cơn giận dữ, ích kỷ, tham lam của mình, đơn giản mở lòng ra, chăm sóc cho người, càng nhiều càng tốt. Đây là điều chúng ta có thể làm.

  • # Mỗi sáng phải phát nguyện mạnh mẽ cống hiến đời mình cho chúng sinh
  • # Với ý chí mạnh mẽ ấy thì dù có làm phu hốt rác đời sống cũng có ý nghĩa
  • # Khống chế phiền não và phụng sự chúng sinh là đường tu thực tế nhất trong thế giới hiện đại ngày nay

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 4. Chuyển nghịch cảnh thành đường tu
! 4.1. Chuyển bằng hành động [6]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 328 — NẾU NUÔI TÂM BỒ ĐỀ VÀ TU SÁU BA LA MẬT THÌ NHẤT ĐỊNH SẼ ĐẠT QUẢ GIÁC NGỘ  — LAMA YESHE

§ Đại thừa dẫn ta đến với tâm bồ đề qua nhiều bước tuần tự.  Chúng ta đã thấy, để phát tâm đại từ thì trước đó phải có tâm đại xả. Dựa vào đó phát tâm bồ đề. Phát tâm bồ đề rồi thì bổn phận của chúng ta là thành tựu sáu hạnh ba la mật: thí, giới, nhẫn, tấn, định, và tuệ.

§ Hạnh thí của Bồ tát, hay bất cứ hạnh nào trong sáu hạnh ba la mật, cũng đều bao gồm cả năm hạnh còn lại. Nói cách khác, hạnh thí phải tu chung với năm hạnh giới, nhẫn, tấn, định và tuệ, nhất là hạnh tuệ. Chúng ta cần hiểu sâu về thứ được gọi là “tam không,” nghĩa là tánh không của món được san sẻ, của hành động san sẻ, và của đối tượng nhận sự san sẻ. Nếu san sẻ mà không hiểu rõ về điều này thì không lợi ích cũng không toàn hảo, lại còn gây phản tác dụng. Xét cho thật kỹ thật sâu thế nào là bố thí chân thật, có lẽ chúng ta sẽ thấy trọn đời mình chưa từng bố thí được một lần. Có thật sự xét nhu cầu của phía nhận? Có kiểm soát động cơ của mình trước khi cho ra? Và có thiền quán về ba tánh không khi thực hành bố thí?

§ Tôi có thể nói chắc rằng nếu tu cho đúng cách thì nhất định sẽ đạt nguồn an lạc vĩnh cửu của quả giác ngộ. Nhưng dù không nói đến việc ấy, ngày hôm nay tu giỏi thì ngày mai tự nhiên sẽ an bình hơn. Thiền đúng cách buổi sáng thì cả ngày sẽ suông sẻ. Đây là điều chúng ta có thể dễ dàng tự mình kiểm chứng. Đạt giác ngộ nhờ thiền quán và tu sáu hạnh ba la mật, bước qua mười địa bồ tát, vốn là một quá trình tuần tự.

  • # Phát tâm bồ đề rồi thì bước tiếp theo là tu sáu hạnh ba la mật
  • # Tu mỗi hạnh ba la mật đều phải bao gồm cả năm hạnh còn lại, nhất là hạnh tuệ
  • # Tu được đúng cách thì nhất định sẽ đạt đến nguồn an lạc vĩnh cữu của quả giác ngộ

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 329 — THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO THÌ HẠNH THÍ KHÔNG PHẢI LÀ CHO THỨ GÌ, MÀ LÀ VÌ SAO CHO VÀ CHO NHƯ THẾ NÀO — LAMA YESHE

§ Mọi tôn giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bố thí, nhưng hầu như chỉ có đức Phật là dạy về khía cạnh tâm lý của việc san sẻ chứ không quan tâm gì nhiều đến biểu hiện ở bên ngoài. Vì sao? Vì chỉ khi nào tâm buông hết được mọi khuynh hướng keo kiệt tham chấp thì mới thành tựu được hạnh thí ba la mật. Điều này chỉ đơn thuần thuộc về lãnh vực của tâm thức.

§ Nếu bố thí làm cho tâm bớt phiền não, thêm bình an, tăng hiểu biết thì đó là chánh pháp. Nhưng nếu bố thí làm tăng phiền não thì tốt hơn đừng làm, bất kể biểu hiện bên ngoài ra sao. Tại sao lại làm những việc khiến cái tâm đã loạn động lại càng thêm loạn động?  Ví dụ tâm chưa hết tham chấp, cho ra hôm nay, ngày mai lại thấy tiếc, “ước gì đừng cho, bây giờ không có để mà xài.” Bố thí kiểu này chẳng phải là tu. Cũng không được bố thí những gì thuộc quyền sở hữu của người khác, như của gia đình, hay bạn bè. Nhiều người hỏi tôi có lấy của người giàu mang cho người nghèo được không. Đó không phải là hạnh thí. Còn nữa, nhiều khi chúng ta làm quá, chẳng cần biết người nhận có cần thứ mình cho hay không, cứ thế mà cho. Nhưng nếu không lợi ích cho người nhận thì tốt hơn đừng cho. Nếu vì cho mà làm hại người nhận thì không phải là hạnh thí. Chúng ta tưởng việc mình làm là việc thiện, thật ra chỉ là việc ác.

§ Bố thí có ba loại, tài thí là cho tài vật, pháp thí là cho trí tuệ, và vô úy thí là cho sự an toàn thoát hiểm. Đủ sức cho được gì thì hãy cho ra, với sự hiểu càng chính xác càng tốt. 

  • # Đức Phật nhấn mạnh về mặt tâm lý hơn là biểu hiện bên ngoài của hạnh thí
  • # Hạnh thí chân chính làm giảm phiền não, và được làm với cái tâm sạch tham chấp
  • # Chúng ta phải tận sức thực hiện ba loại thí, càng nhiều càng đúng thì càng tốt

!  TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.1. Hạnh Thí



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 330 — TÂM CỦA NGƯỜI GIỮ GIỚI NHƯ NƯỚC TRONG YÊN LẮNG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong Lamrim Đại Luận, Tổ Tsongkhapa giải thích giới có ba loại: giữ không làm ác; thành thục tâm mình; và phụng sự chúng sinh. Loại giới thứ nhất chủ yếu là phải làm thập thiện ngược với thập ác. Loại giới thứ hai là thiện tâm nào chưa có thì phải làm cho có. Loại thứ ba là ra sức làm lợi cho chúng sinh, không chỉ bao gồm lợi ích thế gian mà còn dẫn dắt cho người không biết gì về Phật pháp biết và theo Phật pháp.

§ Mục tiêu giữ giới là để chận đứng mọi chướng ngại trên đường tu, thành tựu quả bồ đề. Sống đời giới hạnh không chỉ giúp chúng ta toàn thành mục tiêu cứu cánh mà còn giúp chúng ta chu toàn mọi nhu cầu trước mắt. Giữ giới và không hại người khác thì chướng ngại tự nhiên giảm, đời sống tự nhiên vui, như thể giữ giới là đất lành cho mọi việc thiện khác phát sinh. Có sự khác biệt rất lớn giữ người giữ giới và người không giữ giới. Thiếu nền đất giới hạnh thì hạt giống an lạc không thể gieo trồng, không những phải chịu khổ triền miên mà còn không làm sao tránh khỏi được việc gây hại cho người khác. Đơn giản thế thôi.

§ Then chốt của giới là những bộ giới khác nhau mà chúng ta có thể thọ nhận: giới cư sĩ, bát quan trai giới, giới xuất gia, hay giới bồ tát, vân vân. chi tiết sẽ được giải thích sau. Thọ được giới là điều rất hiếm. Giữ được giới đã thọ lại càng hiếm hơn.

  • # Ba loại giới là tránh làm việc ác, thành thục tâm mình, và phụng sự chúng sinh
  • # Đời sống giới hạnh là đất đứng cho mọi việc thiện khác phát sinh
  • # Then chốt của hạnh giới là những bộ giới khác nhau mà chúng ta có thể thọ nhận

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.2. Hạnh Giới



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 331 — HẠNH THÍ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CÓ THỂ HỌC, VÌ THẾ PHẢI NÊN DÀNH NHIỀU CÔNG SỨC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hạnh nhẫn có ba loại. Có được bao nhiêu niềm vui trong đời sống hàng ngày đều tùy ba loại nhẫn này mình tu được bao nhiêu. Vì vậy quan trọng là phải hiểu rõ hạnh nhẫn là gì, và phải thực hành.

§ Loại nhẫn thứ nhất là nhẫn người, bị ai hại cũng không trả thù. Chuyển được tâm mình thành hạnh nhẫn thì sẽ không còn oán hận, không còn muốn trả thù khi bị người khác ám hại, chỉ trích, lạm dụng, đánh đập, cướp bóc, hay gì khác. Tu để cho tâm thấy biết ơn người ấy, vì hiểu ra được rằng thứ mà họ làm hại thật ra chính là cái tâm ngã ái của mình, là cái tôi đã khiến cho mình vất vả khổ sở từ vô lượng đời kiếp. Loại nhẫn thứ hai là nhẫn cảnh. Nhẫn này đặc biệt quan trọng cho người tu theo Phật pháp. Nói ví dụ không làm gì có chuyện tu nhập thất mà không gặp khó khăn. Ai cũng biết nếu quá bận tâm đến bản thân thì gặp chút gì cũng dễ bực bội, khiến tâm tán loạn. Loại nhẫn thứ ba là nhẫn pháp, là nhẫn để có thể tu và chứng ý nghĩa của bồ đề đạo và thiện đức siêu việt của Tam bảo. Mọi thiện đức ấy có được rồi thì sẽ không bao giờ thiếu kiên nhẫn khi hành pháp.

§ Một người có hạnh nhẫn thì vô số chúng sinh sẽ bớt bị hại. Càng nhiều người sống với hạnh nhẫn thì cõi thế gian sẽ càng nhiều hòa bình, ít oán hận, tổn hại. Vì vậy hòa bình thế giới tùy thuộc vào công phu tu hạnh nhẫn của mỗi người trong chúng ta. Hòa bình không phải là thứ nhờ người khác đảm bảo cho mình, mà chính mình phải có trách nhiệm.

  • # Hạnh phúc bình an trong đời sống hàng ngày đều tùy vào khả năng hiểu và tu hạnh nhẫn của chúng ta
  • # Nhẫn có ba loại: nhẫn người, nhẫn cảnh, và nhẫn pháp
  • # Hòa bình thế giới là trách nhiệm của chính mình, tùy chúng ta tu hạnh nhẫn như thế nào

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.2. Hạnh Nhẫn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 332 — CÓ HẠNH TẤN THÌ KHÔNG GẶP CHƯỚNG NGẠI, MUỐN GÌ SẼ LÀM ĐƯỢC NẤY — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Hạnh tấn là tâm hăng hái, là nguồn năng lượng vui cùng việc thiện và, cũng giống như những hạnh ba la mật khác, là thiện đức nhất định phải có. Tâm có hạnh tấn thì nỗ lực của mình sẽ làm tiêu tan phiền não, là chướng ngại ngăn không cho tâm mình đạt hạnh định ba la mật. Thiếu hạnh tấn thì dù có cố gắng tu định đến đâu vẫn bị nhiễm tâm trói buộc, bị hôn trầm và trạo cử làm cho tán loạn, như kẹt giữa nanh vuốt của loài dã thú hung dữ.

§ Tu với hạnh tấn thì dù sống dài hay ngắn gì cũng đều có ý nghĩa lớn lao. Thành tựu giác ngộ bồ đề nhanh bao nhiêu là tùy có được bao nhiêu hạnh tấn. Đây là thiện đức giúp ta xa lìa bận tâm thế tục, biếng lười, và ngủ. Trừ phi có được hạnh tấn, bằng không muốn đừng làm biếng cũng không thể, cứ thế mà rơi vào việc bất thiện, công đức tích lũy được bao nhiêu đều bị mất hết. Đến lúc ấy, cả việc thế gian cũng đừng mong thành tựu được gì, nói chi đến chuyện viên thành mục tiêu cứu cánh. Làm biếng có ba loại cần quét: làm biếng muốn ở không vì trọng ngã ái hơn là hành trì chánh pháp; làm biếng vì ham việc đời; làm biếng vì thoái chí và thiếu tự tin.

§ Là bồ tát mà đạt hạnh Tấn thì chúng ta sẽ ra sức vì chúng sinh không bao giờ chán mệt, sẽ không thấy thoái chí nản lòng, sẽ phụng sự chúng sinh trong niềm vui lớn. Nếu cần, chúng ta có thể vì chỉ một chúng sinh mà vào tận hỏa ngục sâu thẳm nhất, chịu khổ đau trong thời gian dài cả đại dương đại kiếp. Ý chí dũng mãnh này, chúng ta nhất định phải có.

  • # Hạnh Tấn là cái tâm vui cùng việc thiện với lòng hăng hái tràn đầy năng lượng
  • # Hạnh này phá được ba loại làm biếng: thích ở không; ham việc đời; và thoái chí nản lòng
  • # Hạnh tấn giúp chúng ta vui vẻ ra sức vì chúng sinh không hề biết mệt

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.2. Hạnh Tấn



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 333 — NHỜ LÀM CHO TÂM THÔ LẬU LẮNG XUỐNG VÀ TAN BIẾN MÀ TẠO ĐƯỢC KHOẢNG KHÔNG CẦN THIẾT ĐỂ THẤY RA KHÁI NIỆM CHẤP NGÃ — LAMA YESHE

§ Vì sao Phật giáo lại xem trọng pháp tu thiền đến thế? Đó là vì tâm của chúng ta quá thô lậu, trí nhớ quá yếu, dễ dàng quên hết mọi thứ, không nhớ được những đời kiếp vô lượng mà mình đã trải qua. Vì vậy phải tu thiền để tăng cường trí nhớ, nói cách khác, để phát huy chánh niệm, về thực tại.

§ Những mẫu ý tưởng rời rạc tán loạn mỗi ngày hiện ra trong tâm nhiều vô số kể. Chuyện vô nghĩa cứ lòng vòng quanh quẩn trong tâm trí, chạy tới chạy mãi. Chẳng khác gì tranh vẽ bánh xe luân hồi, ở giữa có con heo, con gà và con rắn nối đuôi nhau xoay thành vòng tròn bất tận. Tương tự như vậy, cái tâm heo, tâm gà, tâm rắn của chúng ta cứ mãi vang rền trong tâm thức, làm cho trí nhớ tiêu tan chẳng còn gì. Pháp thiền chận được ba cái tâm này là điều rất quan trọng. Chưa chận đứng được phiền não thì sẽ không thể thấy được khái niệm chấp ngã mà mình luôn có một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày. Vì đây là điều rất vi tế nên chưa diệt được tâm thô lậu thì không thể nào thấy được hoạt động của cái ngã. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải quán chiếu năng lượng của kinh nghiệm tâm thức của chính mình.

§ Có người nghĩ rằng phải học về tánh không để hiểu tánh không là gì trước, rồi sau mới tu thiền. Sai quá là sai. Muốn chứng tánh không thì trước hết phải tu thiền. Vấn đề là những biểu hiện thô lậu của cái ngã, ba cái tâm độc hại như vừa nói trên, sẽ luôn làm phiền, quấy nhiễu, khiến tâm trí loạn động. Không phần nào điều phục được chúng, — chúng có thể được điều phục qua nhiều mức độ — thì sẽ không làm sao có thể thấy được cái ngã ở tầng vô thức đang chấp vào khái niệm có một cái tôi biệt lập tự có. Điều này không thể xảy ra. Đó mới là vấn đề. Vì thế bắt buộc phải tiếp cận tánh không qua pháp tu thiền. Kinh nghiệm quán năng lượng của cái tâm trong sáng sẽ tự nhiên làm cho phiền não tiêu tan.

  • # Chúng ta cần tu thiền vì chúng ta có cái tâm quá thô lậu và chánh niệm quá yếu
  • # Phiền não quấy động tâm thức sẽ bị pháp thiền làm cho tiêu tan
  • # Không điều phục được biểu hiện thô lậu nhất của cái ngã thì sẽ không thể nào chứng được tánh không

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.2. Hạnh Định



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 334 — MẮT NHÌN TỪ BI VÔ LƯỢNG CỦA TÂM BỒ ĐỀ ĐẾN THẲNG TỪ TUỆ QUÁN THẤY RÕ CHÂN THỰC TẠI CỦA MÌNH VÀ NGƯỜI — LAMA YESHE”

§ Trước hết phải tu đạt tịnh chỉ. Tâm chuyên nhất bất loạn này sẽ đưa chúng ta thoát mọi vấn đề cảm xúc thế tục, mang đến sự thỏa mãn thoát tục hơn. Nhưng trong tâm vẫn sót lại một vài bóng tối. Muốn chạm đến những tầng tâm thức sâu thẳm thì phải đạt tuệ quán, là điều duy nhất có thể đưa chúng ta thoát hết mọi cái thấy phân biệt nhị nguyên. Xét theo quan điểm của Phật giáo thì cái thấy nhị nguyên mới thật sự là thứ có vấn đề. Thiền định có thể mang đến cho chúng ta một mức độ bình an nhất định, nhưng nếu cái thấy nhị nguyên vẫn còn thì xung đột vẫn sẽ còn ở trong tâm.

§ Mục đích tu quán, chứng tánh không, là để đạt được cảnh giới bất nhị. Trong cảnh giới này, đối tượng của giác quan và ảnh hiện vừa lóe lên đã biến mất, chúng ta chứng biết sự hợp nhất của chân cảnh giới. Có sự khác biệt rất lớn giữa trực chứng tánh không và lý thuyết về tánh không. Nói về mặt lý thuyết thì đối tượng của giác quan có thật, lạc thú giác quan cũng có thật, và có mối tương quan giữa nhận thức giác quan và ngoại cảnh. Nhưng trong kinh nghiệm trực chứng thì không có sự đối đãi nhị nguyên trong cái biết, không có cảnh giới của giác quan hiện ra trong nhận thức, và không có sự xung đột nào làm phiền cõi tâm. Thông thường mỗi khi nhìn thấy thứ gì, chúng ta sẽ thấy hai chuyện: chính vật ấy và ngay lập tức phân biệt vật ấy với những thứ khác. Xã hội được dựng lên từ cái thấy nhị nguyên phân biệt đối đãi này.

§ Pháp tuệ là ngọn đèn xua tan bóng tối vô minh. Vô minh này là nguồn gố của mọi nhiễm tâm. Triết lý Phật giáo không phải là Pháp, giáo lý không phải là Pháp, nghệ thuật tôn giáo không phải là Pháp. Pháp không phải là pho tượng của Phật trên bàn thờ của các anh chị. Pháp là sự thấu hiểu thế giới thực tại, đến từ bên trong, dẫn chúng ta vượt thoát bóng tối vô minh, thoát mọi tâm lý bất mãn.

  • # Cái thấy nhị nguyên còn thì xung đột vẫn còn ở trong tâm
  • # Kinh nghiệm trực chứng tánh không là sự hợp nhất của chân cảnh giới, vượt ngoài mọi phạm trù đối đãi
  • # Pháp tuệ là sự thấu hiểu thế giới thực tại, đến từ bên trong, đưa chúng ta ra khỏi vô minh

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.1. Sáu hạnh ba la mật
! 5.1.2. Hạnh Tuệ



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 335 — ĐẠT TÂM BỒ ĐỀ RỒI, VỊ BỒ TÁT MỚI PHÁT TÂM SẼ TU SÁU HẠNH BA LA MẬT VÀ BỐN NHIẾP PHÁP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Sáu hạnh ba la mật là phương tiện làm thành thục tâm mình, và bồ tát còn có thêm bốn pháp hành khác, gọi là tứ nhiếp pháp, là bốn cách nhiếp phục chúng sinh về với chánh pháp. Đây là phương tiện làm thành thục tâm của người khác. Mặc dù “nhiếp phục đệ tử” mới là cách dịch chính xác, nhưng chữ này sẽ khiến ý nghĩa bị giới hạn đôi chút. Thật ra là nhiếp phục tất cả chúng sinh về với chánh pháp, là phải cảm hóa thế nào để có thể nói chánh pháp cho họ nghe, đưa họ đến với kiếp tái sinh tốt lành, đến với quả giải thoát, và quả giác ngộ.

§ Một là bố thí, nghĩa là san sẻ tài vật cho người chưa sẵn sàng nhận chánh pháp. Muốn đưa người vào với chánh pháp thì trước tiên phải làm cho tâm họ được vui, họ thiếu gì thì chu toàn giúp họ, ví dụ như thực phẩm, y phục. Thứ hai là ái ngữ, nghĩa là phải nói lời thích đáng và dễ nghe, ngọt như đường mía lau để tâm họ thấy thích. Thứ ba là lợi hành, nghĩa là khi nói pháp thì phải nói sao cho phù hợp với trình độ của người nghe.

  • § Thứ tư là đồng sự, nghĩa là tu theo điều mình dạy. Dạy người khác phải sống sao cho có ý nghĩa thì chính mình cũng phải sống đúng theo như vậy. Chúng ta khuyên người khác sống thuận theo Phật pháp, và họ cũng thấy là chúng ta làm y như vậy. Không sống thuận chánh pháp thì không thể làm gương, cũng không thành nguồn cảm hứng cho người khác, vậy thì tâm sẽ không đắc quả, cũng không có được sự bình an.

# Bốn nhiếp pháp là để thành thục tâm của người khác
# Ba nhiếp pháp đầu là bố thí, ái ngữ, và lợi hành
# Nhiếp pháp thứ tư là đồng sự, tu theo những gì mình dạy để làm gương cho người khác

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.2. Tứ nhiếp pháp: Bốn cách thu phục đệ tử



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 336 — KHÔNG GIỮ GIỚI BỒ TÁT GIỚI THÌ KHÔNG THỂ ĐẠT QUẢ VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Phát tâm bồ đề vì khắp chúng sinh là việc làm thù thắng nhất. Không có trách nhiệm nào lớn hơn trách nhiệm đưa vô lượng chúng sinh thoát mọi khổ đau, đặt họ vào với niềm an lạc vô song của quả vô thượng bồ đề, và mỗi khi thọ giới bồ tát là lại phát nguyện thực hiện những điều này.

§ Trước tiên chúng ta thọ giới tâm nguyện bồ đề, phát chí nguyện thành tựu quả vô thượng bồ đề. Tiếp theo thọ giới tâm hành bồ đề, phát thệ nguyện thực hành sáu hạnh ba la mật của bồ tát. Thọ giới rồi nghiêm giữ thì bảo đảm được đường tu giác ngộ của mình, nhưng nếu thọ giới rồi phá giới thì sẽ tạo chướng ngại lớn cho đường tu. Lấy ví dụ sống ở một nơi không ai biết tuân thủ luật pháp, thoải mái cướp bóc giết người, thì dù đội ngũ cảnh sát có nhiều đến bao nhiêu, chỗ ấy cũng vẫn là nơi rất nguy hiểm, rất khủng khiếp. Xã hội cần pháp luật và cần người tuân theo pháp luật. Tương tự như vậy, bồ tát phát tâm nguyện bồ đề cần phải thọ giới và giữ giới bồ tát. Đây là điều cần thiết. Sống giữ giới, dốc sức hướng về tâm bồ đề và quả giác ngộ không chán mệt, đây là điều lợi ích nhất chúng ta có thể làm, tích cực đưa vô lượng chúng sinh thoát biển khổ, đến với quả bồ đề.

§ Tâm nguyện bồ đề là tâm bồ đề tự nhiên không dụng công, có được trước khi cụ thể thọ giới bồ tát và bước vào hạnh của bồ tát. Bước vào rồi thì đó là tâm hành bồ đề. Bồ tát sống với sáu hạnh ba la mật sẽ tạo được nguồn công đức không gián đoạn, mãnh liệt không thể tưởng. Chỉ nhờ tâm nguyện muốn thực hành hạnh bồ tát mà công đức này tăng trưởng tự nhiên theo từng khoảnh khắt, dù là ngày hay đêm, thức hay ngủ, bất kể đang làm gì, kể cả khi rơi vào hôn mê cũng vẫn tạo vô lượng công đức. Đây là uy năng của giới bồ tát.

  • # Khi thọ giới bồ tát, chúng ta phát lời thệ nguyện dẫn dắt chúng sinh đến với quả bồ đề
  • # Trước tiên thọ giới tâm nguyện bồ đề, rồi sau thọ giới tâm hành bồ đề
  • # Tâm nguyện bồ đề sẽ dẫn đến tâm hành bồ đề, là cái tâm tạo vô lượng công đức

! TÂM BỒ ĐỀ
! 5. Tập làm việc bồ tát làm
! 5.3. Thọ bồ tát giới



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 337 — TÂM BỒ ĐỀ LÀ ĐƯỜNG TU HOÀN HẢO NHẤT — LAMA YESHE

§ Tâm bồ đề là đường tu thoải mái nhất, là pháp tu thiền dễ chịu nhất. Không có sự xung đột triết lý, khoa học hay tâm lý gì cả. Với tâm bồ đề thì đông tây không xung đột. Đây là đường tu dễ chịu nhất, hoàn hảo nhất, một trăm phần trăm không phức tạp, thoát mọi nguy cơ rơi vào cực đoan. Thiếu có tâm bồ đề thì làm việc gì cũng chẳng xong.

§ Nhớ lại câu chuyện của đức Dromtonpa, là thông dịch viên của Thánh Atisa, khi thấy có người đi nhiễu quanh bảo tháp, ngài hỏi, “ông làm gì thế?” Người kia đáp, “đi nhiễu.” Ngài mới nói, “Tu chánh pháp chẳng tốt hơn sao?” Lần sau Ngài lại thấy người kia đang lễ Phật, lại đến hỏi xem ông ta đang làm gì, người ấy đáp, “lạy Phật.” Ngài lại hỏi, “Tu chánh pháp chẳng tốt hơn sao?” Câu chuyện cứ thế tiếp tục, tóm lại điểm chính của câu chuyện này là dù có làm những việc nhìn mặt ngoài giống như đang tu, ví dụ như đi nhiễu, lạy Phật vân vân, nhưng chưa chắc đã là hành trì chánh pháp. Hãy còn tùy vào tâm nguyện người tu. Chúng ta phải chuyển lòng tham lam ngã ái. Tâm không chuyển thì tu gì cũng không thành, chỉ như trò đùa. Pháp có nghĩa là chuyển hóa trọn vẹn thái độ của mình, đây mới là thứ mang đến niềm hạnh phúc nội tại, mới thật là chánh pháp, chứ lời nói suông chẳng để làm gì. Tâm bồ đề không phải để nuôi bản ngã, không phải để nuôi lòng tham, không phải để nuôi luân hồi. Đây là con đường chuyển hóa thần kỳ nhất, thoải mái nhất, và nặng ký nhất, chắc chắn không nhạt nhẽo.

§ Đi nhiễu không phải là chánh pháp, lạy Phật không phải là chánh pháp, tu thiền không phải là chánh pháp. Ôi trời ạ! Vậy chánh pháp là gì? Người đàn ông trong câu chuyện bị như vậy đó. Không nghĩ ra được mình phải nên làm gì . Thật ra Pháp thù thắng nhất, hoàn hảo nhất, đương nhiên là pháp tu tâm bồ đề.

  • # Tâm bồ đề là đường tu và pháp tu toàn hảo nhất, đơn giản nhất
  • # Tâm không chuyển thì mọi pháp tu khác đều chỉ là trò đùa
  • # Chánh pháp không phải là những việc làm nhìn giống như tu. Pháp hành thù thắng nhất là tâm bồ đề

! TÂM BỒ ĐỀ
! Kết [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 338 — NHƯ THUỐC TIÊN HÓA SẮC THÀNH VÀNG, TÂM BỒ ĐỀ BIẾN TRỌN CUỘC SỐNG NÀY THÀNH TÍCH CỰC LỢI THA — LAMA YESHE

§ Tâm bồ đề là cỗ xe chắc chắn đưa ta đến với quả bồ đề. Cũng là cái tâm vĩ đại nhất. Nhờ tâm này chúng ta thắng được ngã ái, sân hận. Còn sống trên trái đất này thì chúng ta vẫn phải sống với con người chứ không phải là sống với đất đá cỏ cây. Phần lớn mọi vấn đề chúng ta vướng phải đều là vì xung đột với người khác, với chúng sinh khác. Vì vậy có được tâm bồ đề tự nhiên sẽ sống với người khác tốt hơn.

§ Người có tâm bồ đề dù gặp hoàn cảnh nào cũng không bao giờ sát hại chúng sinh khác, hòa bình là bản chất của họ. Chúng ta nói rằng, “tôi không thích chiến tranh, thiên hạ cứ đánh nhau, tôi muốn tạo hòa bình.” Thật ra tạo hòa bình bằng phương tiện bên ngoài rất khó, có thể nói là không thể. Nhưng nếu tạo được sự hòa bình bên trong thì sẽ có khả năng tách khỏi luồng năng lượng dữ dội của chiến tranh, gây hấn. Còn bị ngã ái khống chế thì việc này là không thể.

§ Người có tâm bồ đề họ luôn rất hòa bình, đầy sự cảm thông và thương yêu. Họ là thuốc chữa lành mọi cơn bệnh dữ, là bậc thầy của toàn cõi thế gian. Dù đi đến đâu, đông tây nam bắc, họ đều tỏa sáng nguồn năng lực tích cực. Bản chất luôn thẳng, luôn tự nhiên. Thử tưởng tượng mà xem, nếu tất cả chúng sinh trên cõi thế đều là bồ tát thì sao? Không thể có chiến tranh, không thể có chuyện chèn áp lợi dụng lẫn nhau. Tâm này thật quý giá, không thể tưởng tượng. Giác ngộ là thái độ của cả thế giới, tâm của chúng ta là cả thế gian. Chúng ta trở thành nguồn năng lượng của cả thế giới.

  • # Tâm bồ đề không chỉ là cỗ xe chở đến quả giác ngộ mà còn là cái tâm thật vĩ đại
  • # Không thể tạo hòa bình ở bên ngoài nếu chưa tạo được hòa bình ở bên trong
  • # Nếu tất cả hữu tình trên toàn cõi thế đều có tâm bồ đề thì sẽ không còn chiến tranh

! TÂM BỒ ĐỀ
! Kết [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 339 — TÂM BỒ ĐỀ PHẢI LÀ ĐỘNG CƠ CỦA MỖI VIỆC LÀM — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm bồ đề là tâm vị tha chỉ biết nỗ lực đưa khắp chúng sinh đạt quả giác ngộ. Tâm này là chìa khóa khai mở sự bí mật vĩ đại của hạnh phúc. Với tâm bồ đề, mọi sự đều có thể; thiếu tâm bồ đề, thứ gì cũng đều bị hạn chế. Tâm bồ đề là cái tâm rộng lớn, rộng lớn nhất trong tất cả mọi cái tâm. Tâm từ bi rất tuyệt vời, nhưng không có được khả năng nhìn vào khổ đau của mỗi chúng sinh, cũng không có được khả năng làm nhẹ khổ đau ấy. Khi thành tựu tâm bồ đề, mỗi việc làm đều mang lợi ích không thể nghĩ bàn đến cho mỗi một chúng sinh.

§ Với tâm bồ đề, làm việc gì cũng chỉ là làm vì khắp chúng sinh. Hãy nghĩ xem, như thế thì từng hành động thân khẩu ý của mình nhiều uy lực nhiều ý nghĩa đến mức nào. Mỗi lời nguyện, mỗi câu chú niệm lên, đều dành cho con thỏ trong vườn, con rết dưới đất, cho mấy con ruồi o o lượn quanh, mấy con bướm, ong đang hút mật, cho đàn kiến chạy loạn xạ dưới đất, cho biết bao nhiêu là côn trùng quanh đây, nhiều không thể đếm kể. Cho đám sâu trong thùng phân trộn, con dòi đang rúc miếng thịt thừa, con cá đang oằn mình trên đầu lưỡi câu. Cho khắp chim thú ở khắp năm châu. Loài ăn cỏ và loài ăn thịt ở châu Phi, nai và ngựa vằn làm mồi cho sư tử, khỉ và linh dương đầu bò. Đều dành cho đủ mọi loài thú, ở khắp mọi nơi. Chúng ta làm gì cũng đều là làm cho chúng, riêng lẻ từng cá nhân.

§ Dù chỉ là ý muốn một ngày nào đó mình có được tâm bồ đề thì như vậy cũng đã là điều thật sự đáng kinh ngạc. Suy nghĩ sẽ thấy, thật quá tuyệt vời.

  • # Tâm bồ đề rộng lớn là chìa khóa khai mở sự bí mật vĩ đại của hạnh phúc
  • # Với tâm bồ đề thì từng việc làm, từng lời cầu nguyện, từng câu chú, đều mang lợi ích đến cho mỗi một chúng sinh
  • # Chỉ cần muốn mình có tâm bồ đề đã là chuyện đáng kinh ngạc, quá tuyệt vời

! TÂM BỒ ĐỀ
! Kết [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 340 — GỐC CỦA MỌI BẤT HẠNH LÀ VÔ MINH KHÔNG BIẾT SỰ VẬT THẬT SỰ HIỆN HỮU NHƯ THẾ NÀO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mọi vấn đề của chúng ta trong luân hồi, trong vòng tròn sinh tử, tất cả đều bắt nguồn từ vô minh thấy mọi sự tự có. Chúng ta ở trong luân hồi không khác gì bị kẹt trong tòa nhà lớn, nhiều phòng, nhiều cửa, nhưng có chỉ mỗi một cánh cửa dẫn ra phía ngoài. Chúng ta vô vọng đi hết từ chỗ này sang chỗ khác tìm lối thoát này.

§ Cánh cửa thoát luân hồi là trí tuệ chứng sự vật vốn không tự có. Trí tuệ này là thuốc trực tiếp chữa vô minh. Vô minh vừa là nhân vừa là quả của cái tâm chấp ngã, tưởng cái tôi hiện hữu có tự tánh và biệt lập. Nói cách khác, cái tôi này, thấy vậy mà không phải vậy. Thấy giống một thực thể chắc thật, bất biến, tự có, và tâm vô minh chấp vào cái thấy sai lệch ấy. Chúng ta nghiện ngập cái tôi hư ảo này, quý nó như quý tài sản quý giá nhất. Trí tuệ thấy được rằng cái tôi hiện hữu tự lập này thật ra không hề có, nhờ đó diệt được vô minh. Kinh Phật nói rằng chánh kiến về tánh không, dù chỉ có được trong thời gian một sát na, cũng sẽ làm chấn động toàn bộ nền móng của luân hồi như cơn địa chấn làm chấn động nền móng của tòa nhà.

§ Theo lời dạy của Tổ Tsongkhapa thì để tạo duyên cho tâm chứng tánh không, có ba việc chúng ta cần chuyên tâm: một là phá chướng ngại và tích lũy công đức; hai là tôn kính đạo sư; và ba là học những giáo pháp như là Lamrim và Đại thủ ấn. Làm theo lời khuyên này thì sự hiểu sẽ mau chóng phát sinh.

  • # Nguồn gốc của mọi vấn đề là vô minh chấp sự vật tự có
  • # Trí tuệ diệt vô minh bằng cách thấy ra cái tôi có tự tánh ấy vốn không hề có
  • # Để chứng tánh không, chúng ta cần tịnh nghiệp tích phước; tu pháp tôn kính đạo sư; và học pháp

! TÁNH KHÔNG [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 341 — CHỨNG ĐƯỢC CHÂN TÁNH CỦA TÂM LÀ TỰ CỞI THOÁT MỌI RÀNG BUỘC — LAMA YESHE

§ Chân tánh của thực tại có rất nhiều tên. Có khi được gọi tánh không, vì thật tánh của vạn pháp là tánh không, ngược với những gì cái ngã tưởng tượng, luôn đầy ắp. Đầy ắp những gì? Đầy khái niệm, đầy mong đợi, đầy âu lo, đầy phóng tưởng, toàn là những thứ không liên quan gì đến thực tại. Mọi sự rốt lại đều là không. Thực tại cũng được gọi là không. Không là ngược với thế giới cứng chắc cố định do cái ngã tưởng tượng. Mọi sự từ cảnh thế gian cho đến xuất thế, hết thảy, ngay từ bản chất, vốn đều là không.

§ Việc nhất thiết phải làm là phải diệt sự thấy sai từ căn bản của cái ngã về thực tại, vì đây là gốc rễ của mọi khổ đau. Những gì cái ngã thấy đều không có cơ sở, không đúng với thực tại, đánh giá thấp bản thân mình và người khác. Sự thấy này xem thường tiềm năng và phẩm chất thật sự của chính mình, vì vậy luôn tạo cảm giác bất an cần tự vệ. Với thái độ tiêu cực như vậy, chúng ta dễ va vào những trận cãi vã, ẩu đả. Đấu đá là bản chất của cái ngã này. Không có ngã thì chẳng còn lý do để tranh cãi. Cái thấy sai lầm về thực tại của ngã trói buộc chúng ta, bằng sợi xích sắt của đời sống thế tục hay sợi xích vàng của đời sống tâm linh. Bị xích sắt buộc có nghĩa là phải chịu khổ triền miên trong cái vòng quẩn quanh sinh tử tử sinh ngoài ý muốn được gọi là luân hồi, còn bị xích vàng buộc nghĩa là bị vọng tưởng, vọng kiến khống chế. Dù mấy thứ này nhìn dễ nể đến đâu, đã là vọng thì vẫn sẽ luôn buộc chúng ta vào vô minh và khổ não.

§ Mục tiêu cao nhất là cởi thoát mọi ràng buộc. Nhưng ý Thầy không phải là cởi thoát theo nghĩa cách mạng. Không, điều Thầy đang cố gắng kích động là cuộc cách mạng ở trong tâm của chúng ta.

  • # Tánh không là chữ dùng để gọi chân tánh của thực tại
  • # Vọng tưởng của cái ngã về thực tại là gốc rễ của mọi khổ đau, đây là điều cần phải diệt bỏ
  • # Mục tiêu cao nhất là thoát mọi ràng buộc, đòi hỏi một cuộc cách mạng trong tâm

! TÁNH KHÔNG [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 342 — CHỈ CÓ TÁNH KHÔNG CỦA TRUNG QUÁN ỨNG THÀNH PHÁI [Prasangika] MỚI PHÁ SẠCH RÀNG BUỘC CỦA LUÂN HỒI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Điều có thể tận diệt gốc vô minh là tri kiến của Trung quán Ứng thành phái, vi tế nhất trong bốn hệ tri kiến Phật giáo: Hữu bộ, Kinh Lượng bộ, Duy thức tông và Trung quán tông với hai nhánh Trung quán Tự lập phái và Trung quán Ứng thành phái.

§ Mỗi tông phái đều có tri kiến riêng về chân tánh của thực tại, tuy vậy, chỉ có tri kiến Ứng thành mới thật sự bứng sạch gốc rễ của sinh tử luân hồi. Chỉ một điều duy nhất đủ khả năng khiến vô minh diệt tận, đó là tri kiến tánh không của Ứng thành phái, thấy mọi sự đều là không, đều là shunyata. Để dẫn dắt chúng ta đến với tri kiến này, đức Phật đã dạy về thuyết duyên sinh, giúp chúng ta đoạn diệt luân hồi. Đức Liên Hoa Sanh, đức Long Thọ, đức Thánh Thiên và cả tổ Tsongkhapa, chư vị đều đã chứng đắc tri kiến Ứng thành nên có khả năng thuyết giảng bằng kinh nghiệm thật chứng, giúp chúng ta thoát biển khổ luân hồi, đạt bồ đề viên mãn. Nhờ trực tiếp thọ pháp từ đức Văn Thù nên hiển kinh và mật kinh của Phật dạy Tổ Tsongkhapa có thể giải thích một cách cực kỳ rõ ràng, kể cả những điểm khó khăn nhất, làm sáng tỏ chỗ sai của nhiều bậc du già sư nổi tiếng trong quá khứ. Chúng ta gặp được giáo pháp của Tổ, thật là duyên may không tưởng.

§ Nếu không học, không tu, không chứng được chân thực tại là tánh không, thì như vậy là chúng ta đã lừa gạt chính mình. Ngay bây giờ, ngay trong đời này, chúng ta có đủ mọi duyên may không tưởng, cặp được chư đại đạo sư luôn dạy về tánh không, đặc biệt là tánh không do bậc đại giác đại bi Thích ca mâu ni cùng nhiều bậc hiền thánh như thánh Long Thọ, tổ Tsongkhapa v.v… chỉ dạy, nếu cứ xao lãng chạy theo lạc thú thế gian đâm đầu và chốn khổ, bỏ mất đại duyên này thì chẳng phải là đã tự lừa gạt chính mình rồi hay sao.

  • # Trung quán Ứng thành phái là tri kiến chính xác, một mình tri kiến này tận diệt gốc vô minh
  • # Giáo pháp về tánh không và duyên khởi do Tổ Tsongkhapa dạy đặc biệt rõ ràng
  • # Đại duyên chứng đắc chân thực tại này, chúng ta không thể bỏ lỡ

! TÁNH KHÔNG [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 343 — PHẢI BIẾT AI LÀ KẺ THÙ LUÔN HẠI MÌNH, AI LÀ KẺ TRỘM LUÔN VƠ VÉT TÀI SẢN CỦA MÌNH, TƯƠNG TỰ NHƯ VẬY, CHÚNG TA CẦN THẤY RA ĐỐI CẢNH CỦA VÔ MINH — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Muốn chứng tánh không thì việc trước tiên cần làm là phải hiểu cho đúng khi nói “sự vật vốn không” là không cái gì. Cần phải thấy ra đối tượng cần được phủ định, cái thứ mà mặc dù thấy là như vậy nhưng không phải vậy. Đối tượng phủ định này chính là khái niệm tự ngã mà mình luôn khuân theo như con rùa khuân cái mai.

§ Bên Ấn độ thường thấy dán bảng truy nã tội phạm ở đồn cảnh sát hay trên cột điện thoại. Chúng ta cũng phải làm giống như vậy, dán hình cái ngã của mình lên chỗ nào dễ thấy, cánh cửa tủ lạnh hay bên cạnh cái tivi, để canh chừng kẻ tội phạm nguy hiểm này xem nó có đang rình rập đâu đó hay không. Mỗi khi cảm giác tiêu cực nổi lên, chúng ta lập tức nhìn vào tấm hình ấy để thấy đây mới thật là vấn đề. Tận sâu thẳm trong tim, chúng ta luôn tự nhiên thấy có một cái tôi chắc và thật. Cái tôi này ở đâu ra? Khi chúng ta còn nhỏ nó đã có ở đó rồi. Xét cho kỹ sẽ thấy cái tâm chấp ngã này vốn không có điểm khởi đầu, ngay từ khoảnh khắt chào đời chúng ta nhất định đã phải có ý thức mãnh liệt về tự ngã rồi, đến từ ý thức tự ngã của kiếp trước.

§ Bản ngã ấy thật ra chỉ đơn thuần là cái tên gán lên khối ngũ uẩn không ngừng biến chuyển này. Dù vậy, chúng ta vẫn thấy nó có thật một trăm phần trăm. Chúng ta thấy cái tôi này, thân này, và cảm xúc này đều hiện hữu biệt lập, vì vậy mà khổ. Khái niệm tự ngã hư vọng này là năng lượng cơ bản của sinh tử luân hồi.

  • # Việc cần làm trước tiên là phải nhận diện đối tượng phủ định, đây chính là khái niệm tự ngã mà mình khuân đi khắp nơi
  • # Phải luôn cảnh giác canh chừng khuynh hướng tự nhiên thấy có một cái tôi chắc thật
  • # Khái niệm tự ngã hư vọng này chính là năng lượng chuyển đẩy bánh xe sinh tử.

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 344 — CHÚNG TA KHÔNG HIỆN HỮU MỘT CÁCH TƯƠNG ĐỐI HAY TUYỆT ĐỐI NHƯ MÌNH TƯỞNG — LAMA YESHE

§ Có một cách rất đơn giản cụ thể để hiểu về tánh không, chứng cái tôi không tự tánh, đó là trước tiên đơn giản chánh niệm quán chiếu xem cái ngã của mình nó chấp vào khái niệm tự ngã như thế nào. Đây là điều phải tìm thấy trước hết. Rồi đến một lúc nào đó thấy ra mình đang chấp vào một thứ gì rất nặng, rất cứng, thật có ở trong mình, một lớp màn cụ thể phủ nặng, đến khi quán chiếu thì lại thấy chỉ toàn là khái niệm hư vọng, nhờ vậy rốt lại có được kinh nghiệm về tánh không siêu việt khái niệm. Khi ấy chúng ta buông lỏng và an trú trong pháp thiền.

§ Trong cái thấy nông cạn của bản ngã, cái tôi là một thứ gì cứng chắc, nằm đâu đó trong thân hay trong tâm của mình. Nhưng khi dùng trí tuệ để quán chiếu xem ngã của mình nó giữ cái tôi ở đâu trong thân và tâm này thì lại thấy không có cái tôi chắc thật biệt lập nào ở đâu cả. Khám phá được điều này thì có thể thiền quán bằng cách giữ chánh niệm nơi kết luận vừa có, đơn giản thả lỏng tâm mình an trú nơi ấy. Đó là cách tu thiền.

§ Có lần tổ Tsongkhapa khi đang thuyết về tánh không thì có một vị đệ tử, vốn là một đại hành giả, đột nhiên thở gấp và níu lấy vạt áo vì ông ta bị mất cái tôi, tưởng mình biến mất nên hoảng sợ. Dĩ nhiên là cái tôi một lúc sẽ lại hiện ra thôi. Đây là ví dụ điển hình. Ông ta mất đi khái niệm chấp ngã, toàn bộ cảnh tâm tan biến, tưởng mình đã thành hư không nên vội chụp lấy vạt áo để tự trấn an là mình vẫn còn đó. Ngồi nghe sư phụ thuyết pháp là phải như vậy. Nên có những kinh nghiệm tầm cỡ này khi nghe pháp. Chúng ta có trí tuệ để quán thực tại một cách chính xác, nên đây là điều chúng ta có thể làm được.

  • # Quán xét khái niệm chấp ngã của mình là bước đầu tiên phải làm để có được kinh nghiệm về tánh không
  • # Khi thấy được rằng không có cái tôi tự lập thì thiền quán bằng cách thả lỏng tâm mình vào đó
  • # Nghe pháp cho đúng cách thì có thể hoàn toàn mất đi khái niệm chấp ngã

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 345 — CÓ CÁI TÔI CHỈ ĐƠN GIẢN VÌ TÂM GÁN TÊN LÊN TRÊN MỘT KHỐI HỢP THỂ PHÙ DU NHƯ BỌT NƯỚC — LAMA YESHE

§ Ở thời điểm tôi được đặt cho cái tên Thubten Yeshe thì Thubten Yeshe bắt đầu có hiện hữu. Trước khi được đặt tên, hắn không hề có. Không ai nhìn vào tôi mà nghĩ rằng, “Đây là Thubten Yeshe.” Đến cả tôi cũng không nghĩ như thế. Thubten Yeshe không hiện hữu. Nhưng khi cái thân như bọt nước này được vọng tưởng đặt cho cái tên — “Tên anh là Thubten Yeshe” — thì tâm mê tín của tôi nhận lấy: “Vâng, Thubten Yeshe là tôi.” Đây là mối tương quan tùy duyên sinh khởi. Vọng tưởng của tôi gán cho khối bọt nước duyên hợp này một cái tên, và tâm mê tín của tôi bắt đầu cảm thấy Thubten Yeshe thật sự có mặt ở đâu đó trong cái thân này.

§ Bản ngã tự nhiên cảm thấy có sự hiện diện của Thubten Yeshe đâu đó quanh đây, cảm nhận này rất nông cạn. Chúng ta có thể thấy thực tại duyên sinh của Thubten Yeshe chẳng có gì ngoài cái tên gán lên khối năng lượng như bọt nước này. Chỉ thế thôi. Vì vậy mà bậc đại luận sư đại hành giả Long thọ và bậc đại du già Tsongkhapa cả hai đều nói rằng mọi sự chỉ đơn thuần là giả danh, làm cho một số học giả Tây phương mới tìm hiểu về Phật giáo và kết luận rằng Thánh Long Thọ theo chủ nghĩa hư vô, đoạn kiến. Chỉ có những người không tu bỏ hết thời gian vật lộn với danh từ và khái niệm mới kết luận như vậy.

§ Nếu tôi xuất hiện ở đâu đó và đột ngột tuyên bố, “Bạn chỉ là một cái tên,” người ta sẽ nghĩ tôi điên. Nhưng nếu quán chiếu cho thật tận tường vì sao mình lại chỉ đơn thuần là cái tên, điều này sẽ trở thành điều hiển nhiên. Đoạn kiến thì cả hiện hữu duyên sinh cũng phủ nhận, nhưng Thánh Long Thọ thì không như vậy. Ngài chỉ đơn giản nói rằng sự vật duyên sinh có hiện hữu, nhưng chúng ta phải nhìn cho đúng với thực tại. Chúng đến, rồi đi, tăng trưởng, rồi chết.

  • # “Thubten Yeshe” chỉ bắt đầu hiện hữu khi tên ấy được gán cho thân này
  • # Thực tại duyên sinh của Thubten Yeshe — và của mọi sự vật khác — chẳng có gì ngoài cái tên
  • # Thánh Long Thọ không nói rằng sự vật duyên sinh không hiện hữu, mà giải thích chúng hiện hữu như thế nào

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 346 — KHI TRUY TÌM, PHÂN TÍCH, THÌ CÁI TÔI ĐỘT NHIÊN BIẾN MẤT — LAMA YESHE

§ Vọng tâm chấp vào một cái tôi tự có nó giống như tên trộm, khi mình không để ý thì nó lẻn vào, quay lại nhìn thì nó trốn mất. Buông lơi không canh chừng thì tên trộm sẽ rón rén xấn tới như quỷ dữ sẵn sàng tấn công. Nhưng nếu truy tìm thì nó sẽ thình lình biến mất như tan vào lòng đất. Cái tâm cong queo của chúng ta nó lừa mình như vậy đó. Và nó sẽ còn lừa mãi cho đến khi chúng ta cuối cùng túm được nó ngay tại trận.

§ Trước khi túm được nó chúng ta cứ phải tiếp tục tự nhiên thấy có một cái tôi, cảm nhận mơ hồ nó có ở đâu đó, có lẽ là trong thân thể. Muốn túm ảo giác này lại chỉ có một cách duy nhất là quan sát đối tượng của vọng tâm, trong trường hợp này là quan sát cái tôi của chính mình, xét cho thật kỹ xem nó thật ra là thứ gì. Cái tôi hư vọng này giống như tên trộm lén lút, muốn bắt nó thì phải dùng kế. Phải kiếm cách dụ nó ra ánh sáng để xem xét cho kỹ. Nó thường hiện ra rõ nhất khi chúng ta nổi cơn phiền não dữ dội, phải lợi dụng những lúc như vậy, rình khi nó trồi lên để quan sát xem nó ở đâu, nó là thứ gì. Còn một phương pháp khác cũng rất hữu hiệu, đó là cố tình tạo khủng hoảng tâm lý khi ngồi thiền để dụ khái niệm tự ngã này trồi lên.

§ Trong cả hai trường hợp, người tu cần cảnh giác cao độ để chụp bắt hình ảnh này trước khi nó biến mất. Cứ tu như vậy sẽ có ngày thấy ra rằng cái tôi mình luôn tưởng là thật có thật ra chẳng có chút cơ sở nào cả. Nó đã và luôn là vọng tưởng chứ không là gì khác.

  • # Vọng tâm chấp ngã giống như tên trộm lẻn vào khi ta không để ý
  • # Thời điểm tốt nhất để quan sát vọng tưởng này là khi chúng ta nổi cơn phiền não dữ dội
  • # Quan sát thì sẽ thấy ra cái tôi mà mình tin vào đó thật ra hoàn toàn không có chút cơ sở nào cả

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [4]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 347 — HIỆN HỮU CỦA CÁI TÔI VI TẾ ĐẾN NỖI TÂM HƯ VỌNG CỦA CHÚNG TA THẤY NÓ GẦN NHƯ KHÔNG CÓ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Đời sống thường ngày của chúng ta chỉ toàn giống như mộng, như huyễn, như ảo ảnh. Tư duy về những gì thật sự hiện hữu thì sẽ hiểu được cảnh giới hoang tưởng này. Nói cho ngắn gọn thì ngũ uẩn làm cơ sở đã có sẵn ở đó. Vì vậy mà ý tưởng khởi khái niệm về cái tôi, hình thành cái tôi giả danh và hành động giả danh tùy theo ngũ uẩn làm gì.

§ Ở thời điểm thứ nhất, ý tưởng chỉ đơn thuần gán tên lên cho cái tôi và việc làm của cái tôi. Nói ví dụ nếu cái tôi ngồi — nếu ngồi là hành động giả danh của cái tôi — thì trước có cái tôi giả danh, sau có hành động “ngồi” giả danh. Nên cái tôi vi tế lắm. Nó không từng có theo cái kiểu chúng ta đã lầm tưởng từ thuở chào đời, hay đúng hơn từ đời nảo đời nao cho đến bây giờ. Chúng ta cứ tưởng cái tôi nó thật có, nhưng hiện hữu của nó thật ra vi tế hơn thế nhiều, tựa hồ không có nếu so với cái tôi mà vọng tâm của chúng ta nhìn thấy. Và đây là việc xảy ra ở thời điểm thứ nhất.

§ Ở thời điểm thứ hai, khi cái tôi phản chiếu lại, lẽ ra chúng ta phải thấy nó chỉ là một hiện tượng giả hợp, giả danh. Tâm của chúng ta vừa mới lập danh cho nó ngay ở thời điểm trước đó thôi, lẽ ra phải thấy nó là như vậy. Nhưng không. Chỉ có chư Phật đà mới thấy nó là giả danh, chỉ những ai tâm không bị vọng tưởng che chướng, không vướng chút dấu vết mờ nhạt nào của chủng tử ác nghiệp, chỉ có bậc giác giả, chư Phật đà, mới thấy được cái tôi hiện ra đó vốn chỉ là một hiện tượng giả hợp, giả danh. Chưa thành Phật thì chúng sinh như chúng ta đây sẽ luôn thấy cái tôi là thật có bởi vì chưa dứt được dấu ấn ác nghiệp của nhiễm tâm che chướng.

  • # Tùy vào cơ sở lập danh và hoạt động của cơ sở này mà hình thành cái tôi giả danh và hành động giả danh của cái tôi ấy
  • # Ở thời điểm thứ nhất, ý tưởng chỉ là gán cái tên “tôi” và “hành động” lên trên cơ sở lập danh
  • # Ở thời điểm thứ hai, chủng tử ác nghiệp làm cho cái tôi phản chiếu lại thành giống như thứ gì thật có

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [5]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 348 — SỰ VẬT HIỆN HỮU, NHƯNG KHÔNG TỰ TÁNH, ĐÂY LÀ CHÂN ĐẾ CẦN ĐƯỢC CHỨNG BIẾT — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chứng tánh không giúp chứng duyên sinh chứ không gây mâu thuẫn, có vậy mới được xem là sự chứng chân chính. Còn nếu thấy tánh không mâu thuẫn với duyên sinh, càng hiểu tánh không càng thấy không có gì là duyên sinh, không có gì có hiện hữu cả, thì như vậy có nghĩa là chúng ta đã hiểu sai.

§ Tổ Tsongkhapa lấy chiếc bình làm thí dụ. Tổ nói khi quán chiếu truy tìm nhưng không tìm thấy chiếc bình — miệng bình không phải là chiếc bình, đáy bình không phải là chiếc bình — nếu cứ thế mà kết luận rằng không có chiếc bình nào cả thì kiểu tánh không này sẽ không giúp chúng ta thấy chiếc bình thật ra hiện hữu như thế nào. Trừ phi kết luận được bằng duyên sinh của tục đế, bằng không sẽ thấy không có cái bình và như thế là rơi vào đoạn kiến. Quán tánh không mà từ đầu để vướng lỗi lớn làm mất đối tượng phủ định thì sẽ dẫn chúng ta vào đoạn kiến. Quán chiếu chiếc bình đang có ở đó, chúng ta đã sai ngay từ đầu vì không nắm được đối tượng phủ định, không biết thứ gì mới đúng là thứ không có.

§ Cho nên phải thấy hai thứ này không khác với nhau. Duyên sinh và tánh không không khác, đó là trung đạo, không đoạn cũng không thường. Thứ gì là duyên sinh, thứ đó không tự có, chỉ do tâm phân biệt mà thành. Không gì có thể tự có một mình. Và chính tánh không cũng là duyên sinh. Duyên sinh và tánh không vốn hợp nhất.

  • # Hiểu tánh không mà thấy trái với duyên sinh thì đó là hiểu sai
  • # Trừ phi hiểu được chiếc bình là duyên sinh, bằng không sẽ rơi vào đoạn kiến
  • # Trung đạo tránh được cả hai đầu cực đoan nhờ hợp nhất tánh không và duyên khởi

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.1 Thứ cần phủ nhận [6]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 349 — NẾU THẬT SỰ CÓ CÁI TÔI THÌ NÓ VỚI NGŨ UẨN PHẢI HOẶC LÀ ĐỒNG NHẤT, HOẶC LÀ BIỆT LẬP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Thấy cái tôi là một thực thể biệt lập và tự có, thấy như vậy có gì sai? Câu hỏi này xét cho thật kỹ sẽ có lúc thấy rõ được câu trả lời. Nghĩ đến cái tôi thì không thể nào không nghĩ đến cái tâm hay là cái thân. Vậy nếu cái tôi thật sự là biệt lập và tự lập thì nó với thân tâm bắt buộc phải hoặc là hoàn toàn đồng nhất, hoặc là hoàn toàn tách lìa, khác biệt. Quán cho khéo sẽ thấy chỉ có hai trường hợp này mà thôi.

§ Khi quán về tánh không chúng ta sẽ bước qua nhiều giai đoạn của thiền quán. Trước hết thấy rõ mình đã hình thành cái tôi hư vọng như thế nào, cái tôi nhìn thấy giống như là có hiện hữu biệt lập ấy. Rồi khi truy tìm xem cái tôi hư vọng đó là một hay là khác với thân tâm của mình thì cái tôi này sẽ bắt đầu mờ nhạt đi, rồi biến mất.

§ Đến khi cái tôi này không còn tìm ra được nữa, khi ấy chúng ta sẽ có một cảm nhận rỗng không sâu thẳm, như thể mình vừa đánh mất thứ gì thật quý giá. Lúc đó có khi sẽ hoảng sợ vì không còn cái tôi để níu. Khi kinh nghiệm này xảy ra, chúng ta phải cẩn thận đừng để mình rơi vào đoạn kiến phủ nhận tất cả. Lỗi này rất nguy hiểm. Thay vào đó, hãy kiên trì quán tiếp, rồi sẽ có lúc chứng ngộ cực kỳ vi tế phát sinh. Chúng ta sẽ chứng được chân tánh của cái tôi vốn không có hiện hữu biệt lập, đồng thời cũng chứng được tướng hiện như huyễn của cái tôi trong cảnh giới tương đối của tục đế.

  • # Cái tôi nếu hiện hữu biệt lập thì phải hoặc là đồng nhất hoặc là khác biệt với ngũ uẩn
  • # Quán hai trường hợp này thì cái tôi hư vọng sẽ bắt đầu tan biến
  • # Cứ hãy kiên trì, sẽ có lúc đạt được chứng ngộ vi tế của cả chân đế lẫn tục đế

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.2 Nhận định mọi khả năng



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 350 — KHÔNG UẨN NÀO LÀ CÁI TÔI, TỔ HỢP CÁC UẨN CŨNG KHÔNG PHẢI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Mặc dù khối thân tâm này được gọi là “tôi,” nhưng chúng ta không thể trỏ vào thành phần nào trong đó để nói rằng, “đây là tôi.” Bàn tay, hay trái tim, hay bất cứ bộ phận nào khác trong cơ thể, không có cái gì là tôi cả. Suy nghĩ, hay cảm xúc, của lúc này hay, của lúc kia, cũng đều không thể nói đó là tôi. Chấp nhận hợp thể thân tâm là tôi nhưng vẫn nghĩ rằng, “đây là thân của tôi,” và “đây là tâm của tôi,” thì thật chẳng ra nghĩa lý gì cả. Nghĩ như vậy khác gì nói “đây là cái thân của cái thân,” và “đây là cái tâm của cái tâm,” toàn là những câu nói vô nghĩa.

§ Huống chi thân này có biết bao nhiêu là nguyên tử, tâm này nổi lên biết bao nhiêu là ý niệm, nếu mỗi nguyên tử mỗi ý niệm đều gọi là tôi, vậy phải kết luận rằng cái tôi có tới hàng trăm hàng vạn. Mà nếu nói chỉ có một trong đám đó là tôi, vậy phải làm gì với phần còn lại? Chúng thuộc về ai?

§ Những điểm này nếu quán xét cho thật chặt chẽ có hệ thống, và dựa vào đó để tìm hiểu xem mình thấy mình như thế nào, sẽ có lúc chúng ta thấy được rằng cái tôi biệt lập là thứ không làm gì có. Sự không có này là nghĩa của tánh không. Vô minh thấy có một cái tôi, hiện hữu một cách chắc thật và biệt lập, còn trí tuệ trực chứng tánh không thì thấy được rõ ràng rằng cái tôi đó không từng hiện hữu, dù chỉ mảy may. Hai cái thấy này hoàn toàn trái ngược với nhau.

  • # Không thể trỏ vào bộ phận nào trong khối thân tâm để nói rằng, “Đây là tôi.”
  • # Không thể nói rằng mỗi ý niệm nổi lên hay mỗi nguyên tử đều là cái tôi.
  • # Quán chiếu ngũ uẩn của mình một cách chặt chẽ có hệ thống sẽ thấy cái tôi biệt lập không làm gì có

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
!1.3 Ngã và ngũ uẩn không thật sự đồng nhất



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 351 — NẾU CÁI TÔI KHÁC VỚI NGŨ UẨN THÌ SẼ CHẲNG CÒN CHỖ CHO BẤT CỨ VIỆC GÌ XẢY RA — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Từ vô thủy sinh tử cho đến bây giờ, chúng ta luôn thấy cái tôi của mình vốn là một thứ gì độc nhất, tự có và là một chủ tể hoàn toàn biệt lập. Chúng ta không thấy cái tôi này thuộc về thân, tâm, hay bất cứ thứ gì khác, mà ngược lại thấy nó hoàn toàn tự lập. Cái thấy sai lệch này không cần học; chúng ta sinh ra, chết đi, rồi lại sinh ra với cái thấy tự nhiên mà có này.

§ Tuy vậy, rõ ràng là cái tôi không thể khác với thân tâm, bởi vì không thể nói đến cái tôi mà không chạm đến một phần nào đó của thân và tâm. Nói ví dụ khi thân nó buồn ngủ thì chúng ta nói, “Tôi buồn ngủ.” Khi thân nó ăn thì chúng ta nói, “Tôi ăn.” Khi thân nó ngồi trên ghế thì chúng ta nói, “Tôi ngồi.” Nếu cái tôi thật sự hiện hữu giống như chúng ta tưởng, nghĩa là một chủ tể biệt lập với thân tâm, thì nói như vậy chẳng nghĩa lý gì cả. Cái tôi vốn khác với cái thân, cớ gì thân ngồi mà lại nói là “Tôi ngồi”?

§ Cái tâm cũng vậy. Trong từng khoảnh khắt ngắn ngủi tâm luôn có nhiều hoạt động khác nhau, thường là trái ngược với nhau. Tuy vậy, khi cái tâm nó tư duy, ngủ nghỉ, tu thiền, nổi nóng hay chỉ đơn giản là chiêm bao, chúng ta đều nói “Tôi tư duy,” “tôi tu thiền,” tôi nổi nóng” vân vân. Nếu có cái tôi nào đó khác biệt với những trạng thái tâm thức này thì chẳng lý gì lại đi quy những hoạt động tâm thức đó về cho một cái tôi duy nhất và biệt lập.

  • # Chúng ta sinh ra là đã lầm tưởng mình có một cái tôi biệt lập và tự lập
  • # Nếu cái tôi khác biệt với cái thân thì nói “Tôi ăn,” hay “Tôi ngồi,” đều là lời vô nghĩa
  • # Hoạt động tâm thức cũng vậy, không thể thuộc về một cái tôi chủ tể biệt lập nào khác

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.4 Ngã và ngũ uẩn không thật sự biệt lập



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 352 — CẦN LIÊN TỤC CHẤT VẤN KINH NGHIỆM CỦA CHÍNH MÌNH — LAMA YESHE

§ Phải hiểu rằng thói quen chấp ngã này không thể liền một lúc mà dẹp hết ngay được. Muốn làm tan hết cảnh hiện cứng chắc này thì phải có thời gian. Tuy vậy, ngay bây giờ chúng ta có thể tấn công vọng tưởng ở mức độ thô tế bằng cách nới lỏng sự chấp bám vào những thứ mà mình tưởng là thực tại. Được vậy thì dù vọng cảnh vẫn còn, chúng ta cũng không dễ gì bị nó lừa cho lạc hướng.

§ Kinh Phật lấy màn ảo thuật của thuật sĩ và người xem làm thí dụ. Một thuật sĩ tài ba có thể lấy khúc gỗ hay cục đá rồi đọc bùa chú khiến người xem nhìn vào đó mà thấy một đàn ngựa, ví dụ vậy. Vì ảnh hưởng của bùa chú, những con thú không thật kia họ không những nhìn thấy mà còn tin là có thật. Bị sức mạnh bùa chú mê hoặc, họ tin vào huyễn cảnh do thuật sĩ tạo ra. Thuật sĩ cũng vì sức mạnh của bùa chú mà thấy có ngựa nhưng dĩ nhiên là không tin vào cảnh ấy. Thuật sĩ biết ngựa kia là huyễn cảnh, do chính mình tạo ra. Dù người xem có lóa mắt kinh ngạc, thuật sĩ vẫn điềm nhiên, không bị ảnh hưởng.

§ Thường thì chúng ta cũng giống những người xem ấy. Tin hết những gì khái niệm phân biệt tạo ra. Nhưng chúng ta vẫn có thể buông bỏ sự tin vô minh ấy. Như nhà thuật sĩ, dù cảnh hiện chắc thật có hiện ra thế này hay thế nọ, chúng ta cũng không cần phải vì thế mà chao động. Rồi sẽ có lúc tâm của chúng ta sạch hết mọi cái thấy hư vọng, huyễn cảnh tan biến hết. Nhưng không cần phải đợi đến lúc ấy để thoát vòng kiềm tỏa của phiền não. Chỉ cần thả lỏng nhận thức cứng chắc là đã có thể bắt đầu nếm được mùi vị của sự ung dung tự tại này.

  • # Chúng ta có thể bắt đầu thay đổi thói quen chấp ngã bằng cách làm cho vọng niệm yếu đi
  • # Phải giống như nhà thuật sĩ thấy huyễn cảnh mình tạo ra nhưng không tin đó là thật
  • # Chỉ cần thả lỏng nhận thức cứng chắc của mình là có thể nếm được ngay được mùi vị của tự do

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.5 Cách thấy mọi sự như huyễn [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 353 — CHÚNG TA PHẢI LUYỆN CHO TÂM THẤY VÀ CẢM NHẬN ĐƯỢC THỰC TẠI MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG, TỰ NHIÊN VÀ KHÉO LÉO — LAMA YESHE

§ Khi cố gắng dùng lý trí để tự chứng minh cho mình thấy một thứ gì đó là không, nó không có tự tánh, nó không chắc thật, tự lập, có khi sẽ thấy là mình làm hơi quá. “Nó là không, bởi vì thế này, thế kia, thế nọ…” Cảm thấy có gì đó không được thoải mái. Việc như vậy vẫn thường xảy ra. Nỗ lực áp dụng luận lý quá đà có thể tạo rào chắn thay vì giúp chúng ta hiểu sâu hơn.

§ Vào những lúc như vậy tốt nhất là giảm bớt lực quán sát bằng lý trí, chỉ đơn giản nhìn xem đối cảnh mình đang tìm hiểu nó hoạt động như thế nào, nó đến từ đâu, vân vân. Nói ví dụ khi đang xét một thứ gì xem nó có thật sự tự có giống như mình tưởng hay không, chúng ta có thể nghĩ như thế này, “Món này do thợ nhà máy tạo ra, rồi chở ra chợ bán, rồi tôi mua về, bây giờ đang dùng nó đây.” Nhìn qua khía cạnh này, tánh chất không tự có của sự vật trở nên rõ hơn một chút. Chúng ta thấy nó là thứ gì đến từ rất nhiều nhân duyên, tùy thuộc vào rất nhiều thứ mới có thể hiện hữu và hoạt động được như vầy hay như kia. Cái thấy này sẽ làm dịu bớt cảm giác tổng quát thấy nó là một thứ gì biệt lập cố định, một thực thể chắc thật và tự lập thật có ở ngoài kia.

§ Tiếp cận tánh không bằng cách hiểu về duyên sinh và không tự có như vậy rất dễ chịu và trực tiếp. Quen rồi sẽ dễ dàng thấy vì sao nhiều bậc đại đạo sư trong quá khứ đã từng nói rằng duyên sinh, hay tùy duyên sinh khởi , là luận lý vương và là phương pháp tốt nhất để hiểu ra chân tướng của sự vật.

  • # Lý luận rất quan trọng nhưng nhiều khi có thể làm cản trở sự hiểu
  • # Thay vào đó, chúng ta có thể đơn giản quan sát mọi sự tùy thuộc nhân duyên như thế nào
  • # Nhiều bậc đại đạo sư nói rằng duyên sinh là cách tốt nhất để ngộ được chân thực tại

! TÁNH KHÔNG
! 1 Xác định nhân vô ngã
! 1.5 Cách thấy mọi sự như huyễn [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 354 — MỌI TRẢI NGHIỆM CỦA TA , CẢM NHẬN, CẢM GIÁC, HÌNH VÀ SẮC, TẤT CẢ ĐỀU ĐẾN TỪ CÁI TÂM CỦA MÌNH — LAMA YESHE

§ Nhìn vào thế giới bên ngoài chúng ta luôn có cảm nhận mạnh mẽ thấy thế giới này là thật, có biết đâu cảm nhận mạnh mẽ ấy chỉ đơn thuần là sự suy diễn của tâm trước những gì nó thấy. Chúng ta cho rằng thực tại vững vàng cứng chắc kia thật sự có ở bên ngoài, rồi nhìn vào phía bên trong có thể là chúng ta cảm thấy trống rỗng. Đây cũng là vọng tưởng, ấn tượng mạnh mẽ thấy có một thế giới thật có ở bên ngoài thật ra chỉ là phóng tưởng của tâm. Mọi trải nghiệm có được, từ cảm nhận, cảm giác, cho đến hình và sắc, tất cả đều đến từ cái tâm của mình.

§ Nói ví dụ khi nói đến chữ “vệ tinh,” trong đầu chúng ta hiện ra hình ảnh của cái thứ được gọi là vệ tinh. Khi chiếc vệ tinh đầu tiên được tạo ra, người phát minh nói rằng, “Tôi tạo ra cái thứ đi quanh quỹ đạo trái đất này, tên của nó là ‘vệ tinh.'” Rồi khi có ai khác nhìn thấy, họ nói rằng, “A, đó là chiếc vệ tinh.” Nhưng “vệ tinh” chỉ là cái tên, đúng không? Trước khi người phát minh tạo ra chiếc vệ tinh, anh ta tưởng tượng nó trong đầu, rồi dựa vào hình ảnh ấy, anh ta bỏ công làm cho nó thành hiện thực, rồi nói với mọi người, “đây là chiếc vệ tinh.” Vì vậy mọi người nghĩ, “Ồ, một chiếc vệ tinh, đẹp làm sao, tuyệt vời làm sao.” Đủ thấy chúng ta nực cười đến mức nào. Người ta gán tên rồi chúng ta cứ bám vào cái tên ấy, tưởng đó chính là món vật có thật.

§ Nhìn vào tất cả những thứ mình thấy trong siêu thị: biết bao nhiêu là cái tên, là đồ ăn, là đồ vật. Trước đó có người cho tên, tên này, tên nọ, tên kỉa kìa kia. Rồi cái này, cái nọ, cái kỉa kìa kia hết thảy hiện ra trước mắt chúng ta. Nếu hàng ngàn món đồ trong siêu thị với những là tên bay, hỏa tiển, vệ tinh hết thảy đều là phóng tưởng của tâm, vậy thì có gì là thứ không phải đến từ tâm?

  • # Ngoại cảnh không phải là cứng chắc, cũng không thật có mà chỉ do tâm mình tạo ra
  • # Chúng ta tin rằng vệ tinh là thật có, nhưng “vệ tinh” chỉ là cái tên do người phát minh nghĩ ra
  • # Mọi thứ ta thấy hiện ra trước mắt đều chỉ do tâm biểu hiện mà thành

! TÁNH KHÔNG
! 2 Xác định pháp vô ngã



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 355 — CÁI BÀN KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ, NHƯNG CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ CÓ MỘT CÁCH CỨNG CHẮC NHƯ TA LẦM TƯỞNG — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vấn đề phát sinh trong đời bởi vì chúng ta nhìn vào thứ gì cũng đều thấy ngược với thực tại, ngược với chân tướng của sự vật. Đây mới là vấn đề. Chúng ta tin chắc cái thấy của mình là đúng, nhưng đó chỉ là phóng tưởng, không phải thực tại.

§ Lấy ví dụ cái bàn. Chân bàn không phải là cái bàn, chỉ là một bộ phận chứ không phải là cái bàn. Bộ phận nào của cái bàn cũng không phải là cái bàn. Tổ hợp của mọi bộ phận cũng không phải là cái bàn mà chỉ là nền tảng lập danh của cái bàn. Nền tảng lập danh của cái bàn không phải là cái bàn. “Cái bàn” chỉ đơn thuần là một khái niệm gán lên tổ hợp các bộ phận của cái bàn. Rõ ràng có sự khác biệt giữa cái bàn và nền tảng lập danh của nó. Cái bàn là do tâm gán đặt, đơn thuần là một cái danh gán lên trên nền tảng lập danh của nó, nên không làm gì có cái bàn cứng chắc, thật có và tự có. Có thể thấy cái bàn hoàn toàn không là cái bàn tự có.

§ Vậy cái gì là cái bàn? Nói cho thật đơn giản thì cái bàn chỉ đơn thuần là khái niệm được gán đặt lên nền tảng lập danh của nó, là tổ hợp những bộ phận của cái bàn, chứ không là gì khác. Cái bàn không hề là cái bàn thật có và tự có. Tánh không là chân tánh của cái bàn. Ở đây có một cái bàn. Cái bàn không phải là không có. Nó có ở đó, đơn thuần hiện hữu qua sự giả danh, là cái danh nhờ giả lập mà có. Cái bàn là duyên sinh, tùy thuộc vào nền tảng lập danh của nó, đồng thời nó cũng không tự có. Duyên sinh và tánh không hợp nhất.

  • # Vấn đề phát sinh bởi vì cái thấy của chúng ta hoàn toàn trái ngược với chân thực tại
  • # Cái bàn có, nó đơn thuần là cái danh, gán cho tổ hợp các bộ phận
  • # Cái bàn là duyên sinh và không là tự có

! TÁNH KHÔNG
! 2 Xác định pháp vô ngã
! 2.1 Vật thể không thật có



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 356 — CÁI TÂM THẤY GIỐNG NHƯ THẬT CÓ VÀ TỰ CÓ, THẬT RA KHÔNG TỪNG CÓ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm là gì? Thức là gì? Là một thứ khác với cái thân. Nó không có vật thể, hình, dạng, hay màu sắc. Nhưng lại giống tấm gương, phản chiếu đối cảnh một cách rõ ràng. Đối cảnh hiện ra trong tâm, cái tâm có thể nhận biết đối cảnh. Gương không bị bẩn thì đối cảnh sẽ hiện rõ. Tương tự như vậy, tâm không bị che chướng thì vật thể, sắc, dạng, đồ vật, đều có thể hiện ra trong tâm. Tâm là một hiện tượng nhận biết đối cảnh. Đây là nền tảng lập danh.

§ Trước hiện tượng này, chúng ta gán cho nó một cái tên “tâm.” Và hiện hữu của cái tâm là như vậy, chỉ đơn thuần hiện hữu qua cái tên, qua sự giả danh. Điều mình gọi là cái tâm, thật ra chỉ là khái niệm do niệm tưởng giả lập mà thành. Tương tự như đặt tên cho một người. Tên dù tự mình đặt hay do cha mẹ đặt cũng đều là cái tên do tâm tạo. Tương tự như vậy, cái gọi là “tâm” cũng chỉ là cái tên. Chúng ta tưởng có một cái tâm chắc thật, hiện hữu ở đâu đó. Chúng ta thấy cái tâm là như vậy, và không một thoáng hoài nghi, chúng ta tin vào cái thấy đó 100%. Nhưng nếu xét lại hiện tượng được gọi là cái tâm này thì sẽ thấy nó chẳng khác gì cái tên do cha mẹ đặt, đều do tâm tạo mà có.

§ Cái được gọi là tâm chỉ là cái tên gán lên nền tảng lập danh của nó. Nền tảng lập danh ở đây là một hiện tượng vô sắc, không tướng dạng, không màu sắc, bản tánh sáng trong và có khả năng nhận biết đối cảnh. Đó là nền tảng lập danh của “tâm.” Danh và nền tảng lập danh là hai điều khác nhau, không phải một thứ. Không tách rời nhau nhưng vẫn khác nhau. Đây là điều chúng ta cần chứng biết: hai thứ này khác nhau.

  • # Tâm là một hiện tượng không hình, dạng hay màu sắc, và hoạt động giống như chiếc gương
  • # Chúng ta tưởng rằng có một cái tôi chắc thật, nhưng thật ra đó chỉ là một cái tên, do tâm giả lập mà có.
  • # Nền tảng lập danh không sắc không màu và cái danh “tâm” là hai thứ khác nhau

! TÁNH KHÔNG
! 2 Xác định pháp vô ngã
! Tâm thức không thật có



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 357 — THỜI GIAN DO TÂM TẠO — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Khi nghĩ đến khoảng thời gian một năm, nếu không đang thiền, nếu không biết thời gian do tâm tạo, chúng ta sẽ thấy một năm đó có hiện hữu chắc thật. Chúng ta thấy như thế và tin chắc 100% nó đúng là như thế. Đó là cái thấy của vô minh chấp tự tánh, chấp thật hữu. Chỉ là ảo giác.

§ Ảo giác này là cái thấy bình thường của chúng sinh. Ai chưa chứng tánh không cũng đều để cho tâm mình tin vào cái thấy ấy. Chúng ta không từng đặt câu hỏi, không từng nghi ngờ hiện hữu chắc thật của một năm. Nhưng mười hai tháng không tháng nào là một năm. Mười hai tháng gộp lại cũng không phải là một năm, chỉ là nền tảng lập danh mà thôi. Khi thấy 12 tháng thì chúng ta tạo ra cái tên “một năm,” chỉ thuần là giả danh.

§ Bây giờ chúng ta có thể thấy là không có gì là một năm thật có. Không tìm đâu ra một năm thật có. Trước đây, một năm thật có luôn hiện ra trong đầu, và chúng ta tin vào đó, đột nhiên nó không có ở đó nữa. Hoàn toàn không hiện hữu. Một năm thật có là đối tượng cần phủ nhận, gọi là gag cha, như các bộ luận có giải thích. Đây chính là thứ chúng ta phải thấy là không, là không có hiện hữu, vì nó không từng hiện hữu. Thứ có hiện hữu là một năm giả danh, là cái tên giả hợp do tâm gán đặt mà thành. Có một năm vì có mười hai tháng. Chỉ vậy thôi. Một năm là gì? Là thứ giả hợp do tâm lập danh chứ không là gì khác. Tâm của chúng ta gán một cái tên, rồi tin vào đó. Thật ra nó chỉ thuần là ý tưởng, là khái niệm.

  • # Một năm thật có mà chúng ta tin vào, thật ra chỉ là ảo giác do tâm tạo nên
  • # “Năm” là khái niệm do tâm gán đặt lên nền tảng mười hai tháng
  • # Một năm thật có ấy chính là đối tượng phủ định, hoàn toàn là không, là không hiện hữu, chỉ thuần là khái niệm

! TÁNH KHÔNG
! 2 Xác định pháp vô ngã
! 2.3 Bất tương ưng hành pháp không thật có



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 358 — DÙ CÓ LÀ VÔ NHÂN, VÔ SINH VÀ THƯỜNG CÒN, SỰ VẬT VẪN CHỈ LÀ GIẢ DANH, DO TÂM GÁN ĐẶT MÀ CÓ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Chúng ta có thể tưởng rằng mình đang thiền quán tánh không, nhưng thật ra chúng ta chỉ là nhiều năm nhiều tháng quán hư không, không phải quán tánh không. Chúng ta tin rằng mình đang thiền về tánh không, thật ra chỉ là nhìn vào zcảnh rỗng không, giống như ngồi trên máy bay ngó ra cửa sổ. Nguy hiểm thật sự. Rủi mà gặp cảnh này thì thật là lãng phí thời gian.

§ Thay vào đó, khi hư không hiện ra trong trí thì phải phân tích nó, nghĩ rằng đến cả hư không cũng không tự có. Và thế là quán đúng, nắm đúng trọng điểm. Hư không hiện ra trong trí thì đừng thấy sắc dạng, hư không vốn không sắc tướng. Tuy vậy, khi quán tánh không, khi mọi thứ tan biến và hư không hiện ra, lúc ấy chúng ta có thể quán xét hư không. Chúng ta có thể siêu việt hư không. Phải tự hỏi, “Mình thấy không gian này ra sao, là giả danh hay không là giả danh?” Nếu thấy hư không không phải là giả danh do tâm gán đặt mà có, thì phải biết đó là ảo giác, là đối tượng phủ định cần phủ nhận, phải biết rằng hư không thì không tự có một mình.

§ Còn một cách tiếp cận khác, đó là nhìn vào hư không thật có hiện ra trong trí, rồi nhận biết đó là ảo giác. Nếu không cũng có thể nghĩ rằng, “Cả hư không này cũng toàn là không,” cứ thế mà đánh thẳng vào trọng tâm. Không gian hoàn toàn không, nó không tự có một mình. Là cách hữu hiệu để siêu việt hư không. Thiền như vậy là đúng cách.

  • # Có nguy cơ lầm lẫn thiền về hư không với thiền về tánh không
  • # Khi hư không hiện ra trong trí, chúng ta phải thấy đó chỉ là ảo giác, vốn chỉ là giả danh
  • # Hư không hoàn toàn chỉ là không, không có hư không nào là thật có và tự có cả

! TÁNH KHÔNG
! 2 Xác định pháp vô ngã
! 2.4 Pháp vô vi không thật có



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 359 — NHƯ KHOA HỌC MỔ XẺ XÁC THÚ VẬT ĐỂ TÌM SỰ THẬT, CHÚNG TA CŨNG PHẢI TRUY TÌM CÁI TÔI — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Để chứng được chân tánh của ngã, biết được ngã thật ra là gì, thì trước tiên phải biết nhận diện vô minh. Vô minh là cái tâm khiến chúng ta thấy sai về cái ngã, hoàn toàn trái ngược với thực tại chân thật của ngã. Chúng ta nhìn ngã qua lăng kính của vô minh.

§ Trước tiên hãy chú tâm vào ý tưởng của mình, bất cứ thứ gì tâm mình đang nghĩ đến. Để cho tâm thư giãn lắng xuống, rồi hãy xét kỹ xem cái tôi, cái ngã, hiện ra trong trí mình như thế nào, mình thấy nó như thế nào. Nếu tìm thấy một thứ gì đó, nếu tìm thấy cái tôi thật có, cái ngã thật có, hãy tìm xem chỗ trú của nó ở đâu. Khi thấy có cái ngã thật có thì hãy tìm xem nó là thân, hay là tâm, xét xem nó ở bên trong thân tâm, hay ở bên ngoài. Hãy xét như vậy. Nếu tìm mà không thấy, nếu thấy tánh không của ngã, thì hãy đơn giản nhiếp tâm vào đó. Còn nếu tìm được cái ngã, thì hãy xét xem nó là thân, hay là tâm, hay là cả hai? Phải đi tìm cái ngã thật có này, từ đầu đến chân, từ mỗi bộ phận thân thể, kiếm cho ra cái ngã đích xác đang nằm ở đâu. Nếu tìm không ra rồi kết luận rằng cái ngã không có thì như vậy là sai, rơi vào cực đoan đoạn kiến. Kết luận như vậy sẽ không giúp quý vị thoát khổ đau.

§ Tuy vậy, nếu cảm nhận về tánh không của ngã đến với quý vị một cách khá tự nhiên, không cần cố gắng gì lắm thì đừng bỏ chạy, quý vị hãy nên nhiếp tâm vào đó để gieo duyên cát tường quán tánh không, truy tìm chân tướng của ngã.

  • # Muốn chứng được chân tánh của ngã thì trước hết phải biết nhận diện tâm vô minh
  • # Bắt đầu bằng thiền quán xem cái ngã thật có ấy hiện ra như thế nào và trú ở đâu
  • # Khi có được cảm nhận tự nhiên về tánh không của ngã thì hãy nhiếp tâm vào đó

! TÁNH KHÔNG
! 3 Cách tu tuệ quán [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 360 — CHẶT HẾT MỚ VỌNG TƯỞNG CHE CHƯỚNG THÌ KINH NGHIỆM CHỨNG TÁNH KHÔNG SẼ TRỔI DẬY — LAMA YESHE

§ Có được trí tuệ sắc bén thì chứng tánh không chẳng khó gì. Chẳng cần phải học nhiều giáo thuyết phức tạp, hay tu nhiều bộ kinh sách với nhiều vị đạo sư. Đương nhiên là có thể học từ đạo sư và kinh sách, nhưng nếu khéo léo thì có thể học theo cách rất đơn giản: đừng tin vào giác quan. Cái thứ cản không cho mình chứng tánh không này chẳng cần tìm đâu cho xa. Chỉ cần đơn giản nhận ra mọi nhận thức giác quan của mình trong đời sống hàng ngày đều trật lất, đều chỉ là phóng ảnh sai lầm của cái ngã. Ngay khi nhận ra được điều này, cái thấy hư vọng sẽ tan biến.

§ Chúng ta sống trong thế giới giác quan, thấy nhận thức sai lầm và phóng ảnh của cái tâm vô minh của mình là thật. Chúng ta tin vào những điều mắt thấy tai nghe, “Chuyện đó có thật, chính mắt tôi nhìn thấy.” Nhiều người cuồng nhiệt tin rằng triết lý của mình là tốt nhất cho xã hội. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, đều chỉ là ảo giác. Cứ tiếp tục như vậy sẽ không bao giờ tìm được tánh không. Tánh không sẽ luôn ở một nơi nào khác. Bao giờ ý thức được rằng thế giới mình thấy đó chỉ là ảo giác, rằng cái thấy về thực tại của mình đang bị một lớp màn hư vọng vừa dầy vừa nặng phủ kín, khi ấy cái thấy sai lầm sẽ tan biến, chúng ta sẽ ở lại với điều ngược lại, là cái thấy đúng về tánh không. Dập tắt được tâm đối đãi nhị nguyên thì ngay lúc sẽ thấy được tánh không.

§ Cho nên chúng ta có thể tu học tánh không mỗi ngày, vì ngày nào năm giác quan của chúng ta cũng đều bám dính vào thế giới giác quan khiến chúng ta tin rằng mọi sự thấy sao thì đúng là như vậy. Nếu liên tục quán chiếu về nhận thức giác quan của mình, về những gì mình tin vào, thì chúng ta sẽ không lúc nào là không đang tu học về tánh không.

  • # Cách đơn giản nhất để hiểu tánh không là đừng tin vào giác quan của mình
  • # Chúng ta chứng tánh không ngay ở thời điểm chứng biết rằng cái thấy về thế giới của mình là ảo giác
  • # Nhờ quán chiếu liên tục về những điều mình tin vào, chúng ta có thể cả ngày tu học về tánh không

! TÁNH KHÔNG
! 3 Cách tu tuệ quán [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 361 — BIẾT MỌI SỰ DO TÂM TẠO LÀ GỐC CỦA MỌI PHÁP TU GIÁC NGỘ — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Trong đời sống hàng ngày, bất kể đang làm gì chúng ta cũng đều có thể tu bằng cách giữ chánh niệm về cái tôi giả danh, việc làm giả danh, và đối cảnh giả danh. Luyện cho mình nhớ vì sao mọi sự đều do tâm lập danh mà có. Chánh niệm này mà giữ được thì phiền não tham sân si sẽ không nổi lên, sẽ đưa ta đến với quả giải thoát, làm gì cũng sẽ thành thuốc chữa luân hồi. Cứ thế thì vô minh gốc của khổ đau sẽ tận diệt, chúng ta sẽ chứng được ảo ảnh là ảo ảnh. Cái-tôi-thật-có ấy, nó vốn không thật sự có ở đó; nó là ảo ảnh không có ở đó. Cái-tôi-thật-có đã không có ở đó thì mọi việc do cái tôi ấy làm, những việc-làm-thật-có ấy cũng đều là giả, là ảo ảnh. Lấy ví dụ khi chúng ta đi thì sự-đi-thật-có ấy là giả. Cái-tôi-thật-có và sự-đi-thật-có, cả hai đều là giả. Và con đường mình đi, con-đường-thật-có, cũng không thật sự có ở đó.

§ Nhìn thấy mọi sự như là huyễn mộng cũng là một cách thiền rất hữu hiệu. Bất kể đang làm gì thì người làm, việc làm, và đối tượng của việc làm ấy, bất cứ thứ gì thấy giống như là tự có một mình, không phải do cái tâm lập danh mà có, chúng ta đều thấy chúng chỉ giống như một giấc mộng. Giữ chánh niệm như vậy càng lâu càng tốt. Đây là phương pháp thiền rất mãnh liệt và hữu hiệu.

§ Lại còn một cách thiền quán tánh không khác nữa: thấy vô minh của mình là nhà ảo thuật. Vô minh ví như nhà ảo thuật và chúng ta là khán giả ngồi xem. Nhà ảo thuật tạo ảo giác khiến người xem tin vào đó, thấy những thứ không thật là có. Chẳng có gì thật cả. Đây là một loại chánh niệm khác có thể áp dụng vào đời sống bận rộn hàng ngày. Đang nói, đang lái xe hay đang đi chợ, lúc nào cũng thu nhiếp một phần tâm thức của mình vào trong pháp thiền này.

  • # Ở đâu làm gì cũng có thể chánh niệm cái tôi giả danh, việc làm giả danh và đối tượng giả danh
  • # Còn một pháp thiền mãnh liệt và hữu hiệu khác đó là thấy mọi sự trong đời đều như một giấc mơ
  • # Cách thứ ba: thấy vô minh là một nhà ảo thuật tạo ảo giác đánh lừa giác quan của chúng ta

! TÁNH KHÔNG
! 3 Cách tu tuệ quán [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 362 — MỖI LỜI PHẬT NÓI, MỖI VIỆC PHẬT LÀM, ĐỀU LÀ ĐỂ GIÚP CHÚNG SINH CHỨNG ĐƯỢC CHÂN TÁNH CỦA THỰC TẠI — LAMA YESHE

§ Quy luật cõi thế gian là một thực tại khoa học, không phải do tưởng tượng mà có. Tự mình chứng biết quy luật ấy là gì là điều tối quan trọng. Chứng được rồi sẽ hiểu tại sao bóng tối vô minh nhốt chúng sinh trong điên đảo đáng thương; tại sao chúng sinh không thấy được nguồn năng lượng sạch trong của chân thực tại thì phải chịu khổ. Sự chứng ấy chính là điều họ thiếu.

§ Bao nhiêu vất vả đương đầu với cảnh thế gian tương đối, bao nhiêu lên xuống hết buồn lại vui hết vui lại buồn, mọi cảm xúc cực đoan ấy đều phát xuất từ cái thấy phân biệt nhị nguyên sai lệch, cho rằng sự vật dễ chịu hay khó chịu đều là những thực thể đối nghịch, chắc thật và tự có. Cái đẹp đương nhiên là có, tôi không phủ nhận cái đẹp. Nhưng có một điều lẽ ra phải khiến chúng ta bận tâm, đó là những thứ tạm bợ, giả hợp và không tự có nổi lên như bọt bóng tương đối kia, sao chúng ta lại tưởng chúng là chắc thật, tự lập và tự có, để cho chúng áp đảo, lấn át và khống chế toàn bộ thế giới thực tại của mình. Nhìn vào đối cảnh của niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh ấy, chúng ta thấy chúng là gì? Nếu thấy đều chỉ là hư huyễn và bất nhị thì cảm xúc cực đoan lấn át mọi cảm nhận khác tự nhiên sẽ mất khả năng hoạt động. Chứng được sự hợp nhất của hai cực đối nghịch, thấy được chúng vốn đồng một tánh với nhau và cũng đồng một tánh với người nhìn là chúng ta đây, thì đời sống chúng ta sẽ quân bình.

§ Trong kinh đức Phật vẫn thường lặp đi lặp lại rằng, “Có khi Như lai bảo phải làm thế này, có khi Như lai bảo phải làm thế kia. Như lai bảo nhiều thứ, nhưng mỗi thanh âm, mỗi lời chữ, mỗi pháp môn Như lai dạy đều nhắm đến một mục tiêu duy nhất, đó là để dẫn dắt chúng sinh chứng được tánh không, là chân thực tại của toàn cõi thế.”

  • # Tự mình chứng biết quy luật tự nhiên cõi thế gian là điều cực kỳ quan trọng
  • # Nếu không sẽ phải chịu sự khống chế của cảm xúc cực đoan đến từ cái thấy phân biệt nhị nguyên sai lệch

  • # Mục tiêu duy nhất của mọi lời Phật dạy là để cho chúng ta thấy ra thực tại chân thật, là tánh không

! TÁNH KHÔNG
! Kết [1]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY 363 —CÁI TÔI CHỈ LÀ GIẢ DANH, CÓ GÌ ĐỂ MÀ NÂNG NIU, LUYẾN CHẤP — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Vô minh không biết sự vật thật ra hiện hữu như thế nào — nhất là không biết cái tôi này hiện hữu như thế nào — là thủ phạm chính tạo nên cảnh luân hồi. Kẻ thù độc hại nhất của chúng ta là đây. Vô minh này là mắc xích đầu tiên trong mười hai chi duyên khởi, điểm phát xuất của toàn bộ quá trình sinh tử này.

§ Tất cả mọi vấn đề của chúng ta đều do vô minh chấp có cái tôi riêng biệt và trường tồn gây ra, khiến chúng ta cứ phải nhảy hết từ thân này sang thân khác, trôi lăn triền miên trong vòng sinh tử luân hồi bất tận. Làm sai rồi chịu khổ đều là vì nghiệp; nghiệp tạo là vì đủ loại phiền não; phiền não thì lại bắt nguồn từ phiền não căn bản là vô minh không biết đúng chân tánh của ngã. Chân tánh của ngã có nghĩa là tánh không tự tánh của cái ngã mà mình đang gán vào. Chứng được tánh không này là thuốc đối trị trực tiếp toàn bộ sinh tử luân hồi. Đây là quả bom nguyên tử làm tiêu tan tất cả nhờ diệt sạch từ tận gốc rễ.

§ «Phá bỏ khái niệm sai lầm về cái tôi» không chỉ đơn giản là ngồi thiền và thấy ra cái tôi thật sự không phải giống như mình thấy mà nhiều hơn thế nhiều. Nói trên phương diện thực tế, điều này có nghĩa là diệt sạch tâm vị kỷ, cái tâm luôn thấy mình là rốn của vũ trụ, mọi thứ khác đều chỉ để phục vụ cái tôi. Nuôi dưỡng tâm vô ngã đặt chúng sinh khác lên trước cái tôi cũng quan trọng không kém gì chứng biết cái tôi không thật có. Đây là nơi mà hai mặt phương tiện và trí tuệ của đường tu phối hợp với nhau. Tu theo Phật pháp cũng chỉ vì lý do này thôi. Chúng ta nỗ lực là vì người khác, không phải vì chính mình. Muốn tu thành Phật là vì chúng sinh, không phải vì bản thân. Đây chính là tâm của đại thừa.

  • # Vô minh không biết sự vật hiện hữu như thế nào là kẻ thù tệ hại nhất, luân hồi của mình là do nó tạo ra
  • # Vì thứ phiền não căn bản này mà chúng ta cứ phải tạo nghiệp và chịu khổ triền miên
  • # Nhờ diệt bỏ khái niệm sai lầm về ngã mà phát được tâm đại thừa vô ngã

! TÁNH KHÔNG
! Kết [2]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  364 — BỎ BÊ KHÔNG GIỮ TÂM MÌNH THÌ KHÔNG THỂ ĐÓNG CÁNH CỬA KHỔ ĐAU CŨNG KHÔNG THỂ MỞ CÁNH CỬA HẠNH PHÚC — LAMA ZOPA RINPOCHE

§ Tâm này giống như cái máy truy hình nhiều kênh. Một kênh thấy toàn là vấn đề. Bấm sang kênh khác thì lại thấy trống trơn. Nhiều chương trình lắm. Quan trọng là phải nhớ cảnh sống hiện tại ra sao đều tùy cái thấy của mình, tùy mình đang bấm xem kênh nào.

§ Hiểu được điều này rất tốt, nhờ đó sẽ hiểu rằng kênh-tâm-thức nào mình muốn cũng đều có trong lòng tay. Muốn đời mình ra sao, đầy vấn đề hay đầy niềm vui, đều tùy một tay mình chọn. Luân hồi hay giải thoát, địa ngục hay niết bàn, mọi thứ đều tùy mình dùng cái tâm của mình ra sao. Mỗi ngày gặp bất cứ cảnh gì, hòa hợp hay bất hòa, vui hay khổ, đều do mình chọn kênh. Chúng ta có được sự tự do ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ vì bản tánh của tâm vốn thanh tịnh, theo nghĩa có tánh tịnh và tánh biết, tách lìa phiền não, mà còn vì trong hiện tại chúng ta đặc biệt có được thân người toàn hảo, nhờ đó hội đủ mọi cơ duyên để phát huy tâm mình. Chúng ta có thể dứt lỗi, sạch khổ, đạt niềm vui tối thượng của tâm tịch tịnh cõi niết bàn vô thượng. Duyên lành này, chúng ta có đủ.

§ Nhờ có được thân người toàn hảo này và nhờ phát huy tâm theo trình tự đường tu giác ngộ. theo phương tiện quảng đại và trí tuệ thâm sâu, rồi chúng ta cũng sẽ có được khả năng đưa khắp chúng sinh thoát mọi khổ đau che chướng, đến với quả giác ngộ hưởng niềm an lạc tối thượng. Đừng lãng phí đời mình, đây là điều vô cùng quan trọng, hãy nổ lực dốc sức vào mục tiêu này, sao cho đến khi đứng trước thềm cửa tử, chúng ta không có gì để phải hối tiếc.

  • # Tâm như máy truyền hình, chọn kênh nào sẽ hiện ra cảnh nấy
  • # Mọi sự đều tùy mình dùng cái tâm của mình ra sao, hoàn toàn nằm trong lòng tay của mình
  • # Đừng lãng phí cơ hội đưa khắp chúng sinh đạt niết bàn

! KẾT [3]



Lamrim là thuốc chữa lành bệnh điên đảo của tâm

#NGÀY  365 — HÃY TỰ XÉT, ĐÓ LÀ CÁCH HỌC VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NỘI TẠI CỦA MÌNH — LAMA YESHE

§ Quý vị đã bỏ ra khá nhiều thời gian để ngồi đây với Thầy, nghe Thầy giải thích Tổ Tsongkhapa nói gì về vấn đề của cá nhân mỗi người cũng như vấn đề căn bản chung của con người. Quý vị đã đọc và nghe cả mấy tháng rồi thì phải biết đến với kết luận, cần để tâm mình hòa nhập vào với giáo pháp này.

§ Nghe lời Thầy nói quý vị có thể nghĩ rằng, “Đúng rồi, những gì Thầy nói đều đúng,” nhưng hiểu biết lý thuyết suông với kinh nghiệm chứng ngộ khác nhau xa. Quan trọng là khi nghe sư phụ nói, trí của quý vị hiểu được gì phải mang ra thí nghiệm xem có thật là như vậy hay không. Nếu không thì ngoài miệng cứ nói là buồn vui không tùy vào ngoại cảnh mà tùy vào cách suy diễn của vọng tưởng, nhưng trong tâm thì lại vẫn nghe theo lời của bản ngã. Hiểu lời chứ không chứng nghĩa, chúng ta không sống thuận theo trí tuệ của mình. Muốn thâm nhập nguồn trí tuệ thâm sâu ấy thì phải lấy tâm mình ra để mà thí nghiệm, đừng chỉ biết nói suông. Đây là lý do vì sao nhập thất rất quan trọng. Khoa học hiện đại tiến hành thí nghiệm với các hiện tượng bên ngoài, còn chúng ta thí nghiệm với cái tâm ở bên trong, quán sát sâu xa các hiện tượng tâm lý.

§ Hiểu được gì thì phải biến sự hiểu này thành kinh nghiệm chứng ngộ. Đạt được kinh nghiệm và chứng ngộ của đề mục này rồi thì phải bước qua đề mục tiếp theo, cứ thế tiến dần trên đường tu. Không từng bước tiến tới thì có đi được đâu xa. Đừng chỉ biết lượm về mớ ngôn từ rỗng tuếch, đạp hết hành vi của mình xuống đất. Lượm được mớ ngôn từ nói về chuyện bay lên mặt trăng không có nghĩa là mình thật sự bay lên mặt trăng. Chỉ với lời nói suông thì sẽ mãi kẹt ở dưới đất.

  • # Nghe giảng xong rồi bây giờ quan trọng là phải hòa tâm mình vào với chánh pháp
  • # Hiểu biết lý thuyết suông không phải là kinh nghiệm chứng ngộ
  • # Từng bước một, từng đề mục một, phải vượt lên trên danh từ và khái niệm để đạt chứng ngộ

! KẾT [4]

HẾT




PHÁT TÂM BỒ ĐỀ Cùng Đức Đalai Lama XIV

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ – CÙNG THÁNH ĐỨC ĐALAI LAMA XIV

English: https://youtu.be/b7u05-Qjq50
Tiếng Việt: https://youtu.be/xhEVpLNGMjU
Đánh máy, nhuận văn, dịch các bài tụng niệm trích dẫn: Hồng Như Thupten Munsel
 
Hạ Tải PDF: <PDF tiếng Việt>

Điều kiện hành trì: Đức Đalai Lama XIV dạy tất cả mọi người, bất kể thuộc tôn giáo nào, đều có thể hành trì theo nghi thức ở đây. 

THÁNH ĐỨC ĐALAI LAMA XIV

Ghi chú của hongnhu-archives: Ngày 5 tháng 6 năm 2020, Đức Đalai Lama XIV vô vàn từ hòa đã cùng mọi người phát tâm bồ đề, và nói rằng nếu mọi người thiết tha với pháp này thì trong 15-20 năm tới, Ngài vẫn sẽ còn đây để cùng mọi người phát tâm vào dịp Phật đản. Vì duyên lành lớn lao như vậy, xin chép lại nghi thức và bài giảng của ngày hôm ấy để tạo điều kiện cho bản thân và mọi người thường xuyên đọc tụng, làm mới lại tâm nguyện của mình, mong hàng năm có đủ thuận duyên để cùng Ngài phát tâm.

/ hết /

 




Cầu Nguyện Cùng Đại Bảo Pháp Vương Karmapa 17 Ogyen Trinley Dorje Cho Đại Nạn Coronavirus

Prayers For A Time Of Pandemic [Hạ Tải – Download]

[0] 14/4/2020


[1] 18/04/2020


[2] 19/04/2020




[3] 20/04/2020

Bài Tụng Akshobhya Đà li ni không có tiếng Việt, đọc theo văn bản Tạng-Anh
Prayers For A Time Of Pandemic [Hạ Tải – Download]


[4] 21/04/2020




Kinh Phật: SÁM HỒNG DANH

NIỆM HỒNG DANH VÀ ĐẢNH LỄ 35 SÁM PHẬT

Trích FPMT Tụng Niệm Nhập Thất
Hướng dẫn hành trì: Lama Zopa Rinpoche

Bản Việt ngữ: <HẠ TẢI>




Lama Zopa Rinpoche: CÁCH CHUYỂN KHỔ THÀNH VUI (ĐẾN TẬN QUẢ GIÁC NGỘ)

Xuất xứ: trích FPMT TUYỂN TẬP TỤNG NIỆM NHẬP THẤT
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ

CÁCH CHUYỂN KHỔ THÀNH VUI (Đến Tận Quả Giác Ngộ)
The Method To Transform A Suffering Life Into Happiness
(Including Enlightenment)

Buổi sáng mở mắt thức dậy cho đến khi thành tựu đại giác ngộ, cho đến khi chết, và nhất là cho ngày hôm nay, phải làm sao cho mọi hoạt động của thân khẩu và ý—nghe, nghĩ và thiền, cũng như đi, đứng, nằm, ngồi, và làm việc v.v. —đừng trở thành nguyên nhân tạo khổ mà trở thành nguyên nhân tạo hạnh phúc, đặc biệt là nguyên nhân thành tựu Phật quả, (nói cách khác, biến chúng thành phương pháp thực hiện phúc lợi cho tất cả chúng sinh), vận dụng cách này để đưa tâm vào chánh Pháp, đặc biệt là vào với tâm bồ đề.

PHÁP TRỰC QUÁN TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ BAO GỒM MỌI Ý NGHĨA TRỌNG YẾU– A Direct Meditation on the Graduated Path Containing All the Important Meanings]  – Tác luận: Dorje Chang Losang Jinpa

Là tinh túy của / khắp mười phương Phật;  / Là cội của khắp / giáo truyền giáo chứng;  / Là bậc trọng yếu / trong hàng Thánh Tăng: / Ân sư nhiệm mầu / con xin đảnh lễ.

Kính xin Ân sư / từ bi gia hộ, / giúp cho tâm con / chuyển thành chánh pháp, / giúp cho chánh pháp / chuyển thành đường tu, / giúp cho đường tu / lìa xa chướng ngại[1]

Chờ cho đến ngày / con thành chánh quả,  / Xin Thầy gia hộ / cho con được như / hai vị bồ tát / Thiện Tài Đồng Tử / và đức Thường Đề[2] / Tâm hạnh đều sáng : / theo gót Ân sư;  / Thấy việc Thầy làm / đều luôn thanh tịnh;  / Thực hiện trọn vẹn / lời dạy của Thầy.

[Đó là cách nương thiện tri thức, gốc rễ của vô thượng bồ đề]

Xin Thầy gia hộ / cho con thấy ra / thân người này đây tự tại thuận tiện, / thật là khó tìm, / mà lại dễ mất; / Thấy nghiệp và quả / thật quá thâm sâu; / Thấy khổ ác đạo / thật không kham nổi; / Xin Thầy gia hộ, / cho đáy lòng con / về nương Tam bảo[3] / lánh mọi điều ác / làm mọi điều lành / thuận theo chánh pháp.

[Đó là trình tự đường tu sơ căn]

Cho dù nhờ vậy / lên cõi trời, người, / Cũng vẫn triền miên / chịu khổ sinh tử / Là vì chưa dứt / phiền não vô minh. / Xin Thầy gia hộ / cho con khéo hiểu / cảnh luân hồi này / luân chuyển ra sao, / Ngày đêm chuyên tâm / tu Giới Định Tuệ, / Là thiện phương tiện / giải thoát luân hồi.

[Đó là trình tự đường tu trung căn]

Cho dù nhờ vậy / đạt quả giải thoát, / Thử hỏi sáu cõi / ai không từng là / cha mẹ của con? / Xin Thầy gia hộ / cho con có thể / khởi tâm độ sinh / Không cầu vui nhỏ / niết bàn riêng biệt,  / Rồi nhờ bình-đẳng-hoán-chuyển-ngã-tha / mà phát được tâm / bồ đề trân quí; / Tu hạnh bồ tát / sáu ba la mật…

[Đó là trình tự đường tu thượng căn]

Theo đường phổ thông / luyện tâm như vậy / Nên khổ luân hồi / dù chịu bao lâu / cũng không quản ngại. / Nhưng con xin Thầy / gia hộ cho con / nhìn chúng sinh mà / xót không chịu nổi / Để dấn thân vào / đường tu chóng vánh / cỗ xe Kim cang. / Khi ấy, xin Thầy / gia hộ cho con / giữ gìn giới hạnh / cùng với mật thệ / quí hơn mạng sống / Mau chóng thành tựu / địa vị hợp nhất / Phật Kim Cang Trì, / Ngay kiếp hiện tiền / giữa thời mạt pháp.

[Đó là trình tự đường tu mật thừa tối thượng căn]
[Rồi đọc bài kệ dưới đây, quán Đạo sư vào tim]

PÄL DÄN LA MÄI NAM PAR THAR PA LA
Nguyện con không hoài nghi / dù chỉ trong phút giây
KÄ CHIG TSAM YANG LOG TA MI KYE SHING
Việc làm thật bao la / của Đạo Sư uy đức
CHI DZÄ LEG PAR THONG WÄI MÖ GÜ KYI
Thấy mọi việc Thầy làm / đều nhiệm mầu thanh tịnh
LA MÄI JIN LAB SEM LA JUG PAR SHOG
Nhờ đó lực gia trì / của Thầy luôn chan chứa / trong tận đáy tim con.

PÄL DÄN TSA WÄI LA MA RIN PO CHHE 
Thỉnh Bổn sư uy đức
DAG GI NYING KHAR PÄ MÖI TENG ZHUG LA
Về trụ tòa sen nguyệt / ngay giữa trái tim con
KA DRIN CHHEN PÖI GO NÄ JE ZUNG TE
Xin dẫn dắt con đi / bằng tình thương rộng lớn
KU SUNG THUG KYI NGÖ DRUB TSÄL DU SÖL 
Cho con mọi thành tựu thân khẩu ý của Thầy.

[Rồi đọc các bài kệ dưới đây chỉ cách sống vì chúng sinh]

TRÍCH TÁM THI KỆ LUYỆN TÂM Eight Verses of Thought Transformation
đến từ Ngài Kadampa Geshe Langri Thangpa

Với quyết tâm thành tựu / lợi lạc lớn lao nhất / nhờ tất cả chúng sinh, / tôi nguyện luôn giữ gìn / chúng sinh trong đáy tim, / vì chúng sinh quí hơn / cả bảo châu như ý.

TRÍCH THẤT THẬP TỤNG[4] – Seventy Stanzas – đến từ đức Aryasura

Nguyện làm ngọc như ý / Toàn thành mọi ước mong / Nguyện làm cây như ý, / Toàn thành mọi hy vọng / cho khắp cả chúng sinh.

TRÍCH NHẬP BỒ ĐỀ HẠNH LUẬN– From the Conquerors’ Son Shantideva’s A Guide to the Bodhisattva’s Way of Life – đến từ Trưởng Tử của Phật, Tịch Thiên Shantideva

[Bản dịch kệ 11-12 Chương 3, và kệ 55 Chương 10 của bài pháp của đức Tịch Thiên, Lama Zopa Rinpoche có thêm vài ít chữ cho rõ nghĩa, viết chữ nghiên, thêm lời giải thích ghi lại giữa các câu kệ.]

III.11. Vì hai mục tiêu / của khắp chúng sinh / Tài sản áo cơm / thân mạng cùng với  / Công đức ba thời / tôi mang cho hết / Không hề cảm thấy / mất mát bận tâm.

[“Nhờ ngưng chấp bám và cho ra hết mà siêu thoát khổ đau. Vì chúng sinh là ruộng phước tối thượng của hạnh thí, tôi tặng hết cho chúng sinh.”]

III.12. Muốn đạt niết bàn / phải [ngưng chấp bám / và] cho ra hết / Rồi tâm sẽ đạt tựu / vô trú niết bàn / [là trí toàn giác] / Dù sao rồi cũng / phải bỏ mà đi / Chi bằng bây giờ / mang ra bố thí / [vì quả vị Phật / đạt được nhờ vậy]

Thân mạng này đây [hợp thể ô nhiễm] / tôi đã hiến cúng / Cho khắp chúng sinh[6] / tùy ý hưởng dụng. / Dù giết, dù chê / dù là đánh đập, / Tôi cũng cam tâm.

[“Tôi sẽ để cho họ thích sao làm vậy, sẽ thôi không bám dính vào thân thể này, và sẽ không nổi giận với người khác.]

III.14. [Từ nay về sau] / cứ hãy mang tôi / ra làm trò vui, / tha hồ bỡn cợt, / chê bai, chế nhạo [hay làm thương tổn] / Tấm thân này đây / tôi đã hiến cúng / cho khắp chúng sinh, / Thì còn có gì / đáng để quan tâm [bảo vệ giữ gìn v.v…]

III.15a. Tôi lấy thân tôi / bắt làm việc thiện / Không hại một ai / làm lợi khắp cả.

[Nguyện cho việc thiện trở thành nhân không bị phí uổng, kể cả nguyện bản thân trở thành nhân chỉ mang lợi ích đến cho người khác (v.15b), nguyện cho thái độ của người khác trở thành nhân không bị phí uổng (v.16), và nguyện cho việc làm của người khác trở thành nhân không bị phí uổng.]

III.15b. Bất kể là ai / khi chạm mặt tôi / Nguyện không uổng công / luôn được lợi ích.

III.16. Nếu nhìn thấy tôi / mà tâm không vui / Sùng sục nổi sân / nổi cơn ác hận / Nguyện ác hận này / luôn trở thành nhân / Giúp cho họ đạt / hết thảy mục tiêu / nhất thời, cứu cánh.

III.17. Ai dùng lời nói / chê bai chỉ trích; / Ai động chân tay / gây hại cho tôi / Hay ở sau lưng / dèm pha, chế diễu, / Nguyện cho họ đạt / thiện duyên bồ đề.

III.18. Ai thiếu chỗ nương, / tôi làm chỗ nương; / Ai khách lữ hành, / tôi xin dẫn lối; / Ai người đang cần / vượt biển vượt sông, / Tôi đây xin nguyện / làm ghe, thuyền, cầu.

III.19. Ai ngóng đất liền, / tôi làm hòn đảo; / Ai tìm ánh sáng, / tôi sẽ là đèn;
Ai cần ngơi nghỉ, / tôi là giường chiếu;  / Ai cần giúp việc, / tôi đây tôi đòi.

III.20. Làm ngọc như ý, / làm bình bảo quí, / [muốn gì được nấy] / Làm câu chân ngôn [tiêu tai tăng ích v.v…] / Thuốc quí [chữa lành mọi bệnh] / cây thần [cung ứng mọi nhu cầu] / Làm trâu như nguyện, / cho khắp chúng sinh.

III.21. Như là đại địa, / như là không gian, / Cùng các thành phần / nước lửa và gió, / Nguyện thân tôi đây / biến hiện phong phú, / Làm nền tảng sống / cho khắp chúng sinh.

III.22. Nguyện làm phương tiện / giữ gìn sự sống [mọi lúc, mọi cách] / Cho khắp chúng sinh / trên toàn cõi thế / Nhiều sánh không gian / bao la vô tận, / Chờ khắp chúng sinh / giải thoát niết bàn.

[Thánh Đức Đalai Lama thường đọc những dòng này của Ngài Tịch Thiên Shantideva, trưởng tử của Phật, sau khi thọ Bồ tát giới.]

X.55. Không gian chưa cùng / Chúng sinh chưa tận / Nguyện tôi còn vẫn / ở lại chốn này / Quét khổ thế gian.

[Đức Gampopa, đại đệ tử tâm truyền của đức Milarepa, nói rằng: “Sau khi thức dậy, trước khi xuống giường, hãy nghĩ rằng: ‘ngày hôm nay tôi sẽ dùng thân khẩu và ý để làm việc thiện [cho chúng sinh].’ Tâm nguyện bồ đề này, thiện tâm tối thượng này, là điều cần phát khởi biết bao. Làm vậy thì bất kể ngày hôm ấy có làm gì cũng đều là làm với tâm bồ đề, do đó mọi việc làm đều trở thành việc thiện, và trở thành nhân tố đạt quả giác ngộ. Nếu tâm nguyện sai trái thì mọi việc làm đều trở thành ác nghiệp và biến thành nhân tố khiến đọa sinh ác đạo.
[“Rồi đến tối đi ngủ, hãy hồi hướng mọi hoạt động thân khẩu và ý cho khắp chúng sinh. Đây là điều vô cùng quan trọng.
[“Thường nói rằng đây là con đường dẫn đến Pháp thân. Không khó.”]





Kinh Phật: TÂM KINH PHÁ CHƯỚNG [Heart Sutra to Avert Obstacles]

Hạ tải văn bản:
– [PDF – khổ giấy Letter] Tạng văn-Tạng Âm-Việt- Anh-Pháp 
– [PDF – khổ giấy A4] Tạng văn-Tạng Âm-Việt- Anh

Lab Kyabgon Rinpoche tụng Tạng ngữ,
từ đầu đến hết Tâm Kinh (không có phần phá chướng ngại)

|Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp| Việt | Tạng Văn

A. Tán Dương Bát Nhã Ba La Mật Đa
– In Praise of Prajñāpāramitā
– Louange à la Mère Prajnaparamita

སྨྲ་བསམ་བརྗོད་མེད་ཤེས་རབ་ཕ་རོལ་ཕྱིན། །
ma sam jö mé she-rab pa-rol chin
 
Bát nhã ba la mật / vượt ngoài tầm nghĩ bàn
   
Beyond words, beyond thought, beyond description, Prajñāpāramitā
      Prajñāpāramitā, ineffable, inpensable et inexprimable
མ་སྐྱེས་མི་འགག་ནམ་མཁའི་ངོ་བོ་ཉིད། །
ma-kyé min-gak nam-khé ngo-wo nyi
 
không sinh, cũng không diệt / tự tánh của hư không
   
Unborn, unceasing, the very essence of space
      sans naissance, ni cessation, l’essence même de l’espace
སོ་སོ་རང་རིག་ཡེ་ཤེས་སྤྱོད་ཡུལ་བ། །
so-so rang-rig ye-she chö-yul-wa
 
và cũng là hành xứ / của trí giác bản nhiên
   
Yet it can be experienced as the wisdom of our own rigpa:
      Elle est pourtant le domaine d’activité de la sagesse intrinsèque
དུས་གསུམ་རྒྱལ་བའི་ཡུམ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
dü sum gyal-wé yum la chak-tsal lo
 
Mẹ của Phật ba thời / đệ tử xin kính lễ
   
Homage to the mother of the buddhas of past, present and future!
      Hommage à la mère des Bouddhas des trois temps


B. Chánh Văn Bát Nhã Tâm Kinh
– The Sūtra of the Heart of Transcendent Wisdom
– Le Soutra du Coeur de la Perfection de la Sagesse

༈ རྒྱ་གར་སྐད་དུ། བྷ་ག་བ་ཏི་པྲཛྙཱ་པཱ་ར་མི་ཏཱ་ཧྲི་ད་ཡ།
gya-gar ké du Bhagavatī prajñāpāramitā hṛdaya
 
Tựa đề tiếng Phạn: Bhagavatī prajñāpāramitā hṛdaya
   
In the language of India: Bhagavatī prajñāpāramitā hṛdaya
      En Sanskrit: Bhagavatī prajñāpāramitā hṛdaya
བོད་སྐད་དུ། བཅོམ་ལྡན་འདས་མ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྙིང་པོ། །
bö-ké du chom den de ma she-rab kyi pa-rol tu chin-pé nying po
 
Tựa đề tiếng Tạng: chom den de ma she-rab kyi pa-rol tu chin-pé nying po
   
In the language of Tibet: chom den de ma she-rab kyi pa-rol tu chin-pé nying po
      En Tibetain: chom den de ma she-rab kyi pa-rol tu chin-pé nying po
བམ་པོ་གཅིག་གོ
bam-po chik go
 
Dài một phẩm.
   
In a single segment.
      En un seul segment

༈ འདི་སྐད་བདག་གིས་ཐོས་པའི་དུས་གཅིག་ན་
di kä dag gi thö päi dü chig na
 
Tôi nghe như vầy: Một thời
   
Thus did I hear at one time.
      Voici ce qu’une fois j’ai entendu.
བཅོམ་ལྡན་འདས་རྒྱལ་པོའི་ཁབ་བྱ་རྒོད་ཕུང་པོའི་རི་ལ། དགེ་སློང་གི་
chom dän dä gyäl pöi khab ja gö phung pöi ri la ge long gi
 
đức Thế tôn ở thành Vương xá, đỉnh Linh thứu,
   
The Bhagavan was dwelling on Mass of Vultures Mountain in Rajagriha
      Le Bhagavan se trouvait à Rajagriha, sur le Pic des Vautours, entouré d’une
དགེ་འདུན་ཆེན་པོ་དང༌བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་དགེ་འདུན་ཆེན་པོ་དང་
ge dün chhen po dang jang chhub sem päi ge dün chhen po dang
 
cùng với đại tăng đoàn đại tỷ kheo và đại tăng đoàn đại Bồ tát.
   
together with a great community of monks and a great community of bodhisattvas.
      grande congrégation de moines et d’une grande assemblée de bodhisattvas.
ཐབས་ཅིག་ཏུ་བཞུགས་ཏེ། དེའི་ཚེ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཟབ་མོ་སྣང་བ་ཞེས་བྱ་བའི་
thab chig tu zhug te dei tshe chom dän dä zab mo nang wa zhe ja wäi
 
Lúc bấy giờ đức Thế tôn
   
At that time, the Bhagavan was absorbed in the concentration
      A ce moment-là, le Bhagavan était absorbé en la concentration
ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས་ཀྱི་ཏིང་ངེ་འཛིན་ལ་སྙོམས་པར་ཞུགས་སོ།
chhö kyi nam drang kyi ting nge dzin la nyom par zhug so
 
nhập chánh định Minh Hiện Thậm Thâm.
   
on the categories of phenomena called “Profound Perception.”
      sur les catégories de phénomènes, appelée « Perception Profonde ».
ཡང་དེའི་ཚེ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་
Yang dei tshe jang chhub sem pa sem pa chhen po phag pa chän rä zig
 
Cũng vào lúc bấy giờ, Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại
   
Also, at that time, the bodhisattva Mahasattva Arya Avalokiteshvara
      Au même moment, le bodhisattva mahasattva arya Avalokiteshvara
དབང་ཕྱུག་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་སྤྱོད་པ་ཉིད་ལ་རྣམ་པར་
wang chhug she rab kyi pha röl tu chhin pa zab möi chö pa nyi la nam par
 
quán chiếu hạnh Bát nhã ba la mật đa sâu xa,
   
looked upon the very practice of the profound perfection of wisdom and
      contempla la pratique même de la profonde perfection de la sagesse
བལྟ་ཞིང་ཕུང་པོ་ལྔ་པོ་དེ་དག་ལ་ཡང་རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་པར་རྣམ་པར་བལྟའོ།
ta zhing phung po nga po de dag la yang rang zhin gyi tong par nam par ta o
 
soi thấy cả năm uẩn cũng đều không tự tánh.
   
beheld those five aggregates also as empty of inherent nature.
      et il vit que les cinq agrégats également étaient vides de nature propre.
དེ་ནས་སངས་རྒྱས་ཀྱི་མཐུས་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་རིའི་བུས་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་
de nä sang gyä kyi thü tshe dang dän pa sha ri bü, jang chhub sem pa
 
Lúc ấy, nương vào Phật lực, tôn giả Xá Lợi Tử thưa rằng,
   
Then, through the power of Buddha, the venerable Shariputra
      Puis, par le pouvoir du Bouddha, le vénérable Sharipoutra
སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་ལ་འདི་སྐད་ཅེས་སྨྲས་སོ།
sem pa chhen po phag pa chän rä zig wang chhug la di kä che mä so,
 
Kính thưa Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại,
   
said this to the bodhisattva Mahasattva Arya Avalokiteshvara:
      s’adressa en ces termes au bodhisattva mahasattva arya Avalokiteshvara :
རིགས་ཀྱི་བུ་གང་ལ་ལ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་
rig kyi bu, gang la la, she rab kyi pha rol tu chhin pa zab möi
 
thiện nam nào muốn thực hành hạnh Bát nhã ba la mật sâu xa,
   
“How should any son of the lineage train who wishes to
      « Les fils de la lignée désireux de pratiquer la profonde perfection de la sagesse,
སྤྱད་པ་སྤྱོད་པར་འདོད་པ་དེས་ཇི་ལྟར་བསླབ་པར་བྱ། དེ་སྐད་ཅེས་སྨྲས་པ་དང༌།
chä pa chö par dö pa de ji tar lab par ja, de kä che mä pa dang,
 
phải nên tu như thế nào?
   
practice the activity of the profound perfection of wisdom?”
      comment doivent-ils s’y prendre ? »
བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་
jang chhub sem pa sem pa chhen po phag pa chän rä zig
 
Nghe hỏi như vậy, Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại
   
He said that, and the bodhisattva Mahasattva Arya Avalokiteshvara
      Le bodhisattva mahasattva arya Avalokiteshvara
དབང་ཕྱུག་གིས་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་ར་དྭ་ཏིའི་བུ་ལ་འདི་སྐད་ཅེས་སྨྲས་སོ། །
wang chhug gi tshe dang dän pa sha ra dva ti bu la di kä che mä so
 
đáp lời tôn giả Xá lợi Tử như sau:
   
said this to the venerable Sharadvatiputra.
      répondit alors au vénérable Sharadvatipoutra :
ཤཱ་རིའི་བུ། རིགས་ཀྱི་བུ་འམ་རིགས་ཀྱི་བུ་མོ་གང་ལ་ལ་
sha ri bu rig kyi bu am rig kyi bu mo gang la la
 
Xá Lợi Tử, thiện nam thiện nữ nào
   
“Shariputra, any son of the lineage or daughter of the lineage
      « Sharipoutra, les fils ou les filles de la lignée qui désirent pratiquer la profonde
ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་སྤྱད་པ་སྤྱོད་པར་འདོད་པ་དེས་
she rab kyi pha röl tu chin pa zab möi chä pa chö par dö pa de
 
muốn thực hành hạnh Bát nhã ba ma mật đa sâu xa,
   
who wishes to practice the activity of the profound perfection of wisdom
      perfection de la sagesse doivent la considérer de la manière suivante ;
འདི་ལྟར་རྣམ་པར་བལྟ་བར་བྱ་སྟེ་ཕུང་པོ་ལྔ་པོ་དེ་དག་ཀྱང་
di tar nam par ta war ja te phung po nga po de dag kyang,
 
phải thấy như thế này, thật sự thấy rằng đến cả năm uẩn ấy
   
should look upon it like this, correctly and repeatedly
      ils doivent contempler, correctement et à maintes reprises,
རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་པར་རྣམ་པར་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་བལྟའོ །
rang zhin gyi tong par nam par yang dag par je su ta o
 
cũng đều không tự tánh.
   
beholding those five aggregates also as empty of inherent nature.
      le fait que les cinq agrégats, eux aussi,sont vides de nature propre.
གཟུགས་སྟོང་པའོ། སྟོང་པ་ཉིད་གཟུགས་སོ།
Zug tong pa o, tong pa nyi zug so,
 
Sắc tức là không, không tức là sắc;
   
Form is empty. Emptiness is form.
      La forme est vide. La vacuité est la forme.
གཟུགས་ལས་སྟོང་པ་ཉིད་གཞན་མ་ཡིན།
zug lä tong pa nyi zhän ma yin
 
không chẳng khác sắc,
   
Emptiness is not other than form;
      La vacuité n’est pas autre que la forme et
སྟོང་པ་ཉིད་ལས་ཀྱང་གཟུགས་གཞན་མ་ཡིན་ནོ། །
tong pa nyi lä kyang zug zhän ma yin no
 
sắc cũng chẳng khác không;
   
form is also not other than emptiness.
      la forme n’est pas autre que la vacuité.
དེ་བཞིན་དུ་ཚོར་བ་དང༌། འདུ་ཤེས་དང༌། འདུ་བྱེད་དང༌།
de zhin du tshor wa dang, du she dang, du je dang
 
tương tự như vậy, thọ, tưởng, hành,
   
In the same way, feeling, discrimination, compositional factors,
      De même, la sensation, l’identification, les facteurs composés et
རྣམ་པར་ཤེས་པ་རྣམས་སྟོང་པའོ། །
nam par she pa nam tong pa’o
 
thức [1] hết thảy đều không.
   
and consciousness are empty.
      la conscience sont-ils vides.
ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟར་ཆོས་ཐམས་ཅད་སྟོང་པ་ཉིད་དེ། མཚན་ཉིད་མེད་པ།
Sha ri bu, de tar chhö tham chä tong pa nyi de, tshän nyi me pa,
 
Xá Lợi Tử, vậy các pháp đều là không, không có tướng:
   
“Shariputra, likewise, all phenomena are emptiness; without characteristic;
      Sharipoutra, ainsi tous les phénomènes sont-ils vacuité ; ils sont sans
མ་སྐྱེས་པ། མ་འགག་པ། དྲི་མ་མེད་པ། དྲི་མ་དང་བྲལ་བ།
ma kye pa, ma gag pa, dri ma me pa, dri ma dang dräl wa,
 
không sanh, không diệt; không dơ, không sạch;
   
unproduced, unceased; stainless, not without stain;
      caractéristique ; ils ne naissent ni ne cessent ; ne sont ni souillés ni non souillés ;
བྲི་བ་མེད་པ། གང་བ་མེད་པའོ། །
dri wa me pa, gang wa me pa’o
 
không giảm, không tăng.
   
not deficient, not fulfilled.
      ni déficients, ni parfaits.
ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟ་བས་ན་སྟོང་པ་ཉིད་ལ་
Sha ri bu, de ta wä na, tong pa nyi la
 
Xá Lợi Tử, thế nên trong không,
   
“Shariputra, therefore, in emptiness there is
      En conséquence, Sharipoutra, dans la vacuité il n’y a
གཟུགས་མེད། ཚོར་བ་མེད། འདུ་ཤེས་མེད། འདུ་བྱེད་རྣམས་མེད། རྣམ་པར་ཤེས་པ་མེད།
zug me, tshor wa me, du she me, du je nam me, nam par she pa me,
 
không sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
   
no form, no feeling, no discrimination, no compositional factors, no consciousness;
      ni forme, ni sensation, ni identification, ni facteurs composés, ni conscience ;
མིག་མེད། རྣ་བ་མེད། སྣ་མེད། ལྕེ་མེད། ལུས་མེད། ཡིད་མེད།
mig me, na wa me, na me, che me, lü me, yi me,
 
không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý [2];
   
no eye, no ear, no nose, no tongue, no body, no mind;
      ni œil, ni oreille, ni nez, ni langue, ni corps, ni mental ;
གཟུགས་མེད། སྒྲ་མེད། དྲི་མེད། རོ་མེད། རེག་བྱ་མེད། ཆོས་མེད་དོ། །
zug me, dra me, dri me, ro me, reg ja me, chhö me do,
 
không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp [3];
   
no visual form, no sound, no odor, no taste, no object of touch, and no phenomenon.
      ni forme, ni son, ni odeur, ni saveur, ni objet du toucher, ni phénomène mental.
མིག་གི་ཁམས་མེད་པ་ནས་ཡིད་ཀྱི་ཁམས་མེད།
mig gi kham me pa nä yi kyi kham me,
 
không nhãn giới, đến không ý giới,
   
There is no eye element and so on up to and including no mind element and
      De l’élément de l’œil et ainsi de suite, jusqu’à l’élément du mental et
ཡིད་ཀྱི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ཁམས་ཀྱི་བར་དུ་ཡང་མེད་དོ།།
yi kyi nam par she päi kham kyi bar du yang me do,
 
đến tận ý thức giới [4] cũng đều không.
   
no mental consciousness element.
      l’élément de la conscience du mental, il n’y a pas d’élément.
མ་རིག་པ་མེད། མ་རིག་པ་ཟད་པ་མེད་པ་ནས།
ma rig pa me, ma rig pa zä pa me pa nä,
 
Không vô minh và sự diệt tận của vô minh,
   
There is no ignorance, no extinction of ignorance, and so on, up to and including
      Il n’y a ni ignorance ni élimination de l’ignorance et ainsi de suite, jusqu’à :
རྒ་ཤི་མེད། རྒ་ཤི་ཟད་པའི་བར་དུ་ཡང་མེད་དོ། །
ga shi me, ga shi zä päi bar du yang me do,
 
cho đến không lão tử, không cả sự diệt tận của lão tử.[5]
   
no aging and death and no extinction of aging and death.
      il n’y a ni vieillissement et mort, ni élimination du vieillissement et de la mort.
དེ་བཞིན་དུ་སྡུག་བསྔལ་བ་དང༌། ཀུན་འབྱུང་བ་དང༌། འགོག་པ་དང༌། ལམ་མེད།
de zhin du dug ngäl wa dang, kün jung wa dang, gog pa dang, lam me,
 
Tương tự như vậy, không khổ, tập, diệt, đạo [6];
   
Similarly, there is no suffering, origination, cessation, and path;
      Et à l’avenant, il n’y a ni souffrance, ni origine de la souffrance, ni cessation, ni voie ;
ཡེ་ཤེས་མེད། ཐོབ་པ་མེད། མ་ཐོབ་པ་ཡང་མེད་དོ། །
ye she me, thob pa me, ma thob pa yang me do
 
không trí giác, không thủ đắc, không cả sự không thủ đắc.
   
there is no exalted wisdom, no attainment, and also no nonattainment.
      il n’y a ni sagesse transcendante, ni obtention, ni non-obtention.
ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟ་བས་ན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ཐོབ་པ་མེད་པའི་ཕྱིར་
Sha ri bu, de ta wä na, jang chhub sem pa nam thob pa me päi chhir,
 
Xá Lợi Tử, bồ tát vì không thủ đắc
   
“Shariputra, therefore, because there is no attainment,
      Sharipoutra, ainsi, puisqu’il n’y a pas d’obtention, les bodhisattvas
ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་བརྟེན་ཅིང་གནས་ཏེ།
she rab kyi pha röl tu chhin pa la ten ching nä te,
 
nên nương trụ Bát nhã ba la mật đa,
   
bodhisattvas rely on and dwell in the perfection of wisdom,
      se fondent-ils sur la perfection de la sagesse et ils demeurent en elle,
སེམས་ལ་སྒྲིབ་པ་མེད་པས་སྐྲག་པ་མེད་དེ།
sem la drib pa me pä trag pa me de,
 
tâm không chướng ngại nên không khiếp sợ,
   
the mind without obscuration and without fear.
      l’esprit sans voile et sans peur. Et comme ils sont passés bien au-delà de toute
ཕྱིན་ཅི་ལོག་ལས་ཤིན་ཏུ་འདས་ནས་མྱ་ངན་ལས་འདས་པའི་མཐར་ཕྱིན་ཏོ། །
chhin chi log lä shin tu dä nä, nya ngän lä dä päi thar chhin to,
 
vượt mọi thát loạn, cứu cánh niết bàn.
   
Having completely passed beyond error, they reach the endpoint of nirvana.
      erreur, ils parviennent au stade final du nirvana.
དུས་གསུམ་དུ་རྣམ་པར་བཞུགས་པའི་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ཀྱང་
dü sum du nam par zhug päi sang gyä tham chä kyang
 
Hết thảy Phật đà trú ở ba thời
   
All the Buddhas who dwell in the three times also
      C’est en s’appuyant sur la perfection de la sagesse
ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་བརྟེན་ནས་བླ་ན་མེད་པ་
she rab kyi pha röl tu chhin pa la ten nä, la na me pa
 
nhờ y theo Bát nhã ba la mật đa sâu xa
   
manifestly, completely unsurpassable, perfect,
      que tous les bouddhas des trois temps eux aussi font naître pleinement
ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་ཏུ་མངོན་པར་རྫོགས་པར་སངས་རྒྱས་སོ། །
yang dag par dzog päi jang chhub tu ngön par dzög par sang gyä so
 
mà thành tựu chánh giác vô thượng tam miệu tam bồ đề.
   
complete enlightenment in reliance on the perfection of wisdom.
      l’insurpassable éveil parfaitement accompli. Aussi,
དེ་ལྟ་བས་ན་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕིན་པའི་སྔགས། རིག་པ་ཆེན་པོའི་སྔགས།
De ta wä na, she rab kyi pha röl tu chhin päi ngag, rig pa chhen pöi ngag,
 
Do đó mà nói Bát nhã ba la mật đa là bài chú đại trí tuệ;
   
Therefore, the mantra of the perfection of wisdom, the mantra of great knowledge,
      le mantra de la perfection de la sagesse, le mantra de la grande connaissance,
བླ་ན་མེད་པའི་སྔགས། མི་མཉམ་པ་དང་མཉམ་པའི་སྔགས།
la na me päi ngag, mi nyam pa dang nyam päi ngag,
 
bài chú tối thượng; bài chú tuyệt bậc và đồng bậc;
   
the unsurpassed mantra, the mantra equal to the unequaled,
      le mantra auquel rien n’est supérieur, le mantra égal à l’inégalable,
སྡུག་བསྔལ་ཐམས་ཅད་རབ་ཏུ་ཞི་བར་བྱེད་པའི་སྔགས།
dug ngäl tham chä rab tu zhi war je päi ngag,
 
bài chú diệt trừ mọi khổ não;
   
the mantra that thoroughly pacifies all suffering,
      le mantra qui apaise à jamais toute souffrance,
མི་རྫུན་པས་ན་བདེན་པར་ཤེས་པར་བྱ་སྟེ།
mi dzün pä na, den par she par ja te,
 
phải biết chú này là chắc thật vì không hư ngụy.
   
should be known as truth since it is not false.
      doit être reconnu comme véridique car il ne trompe pas.
ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྔགས་སྨྲས་པ།
she rab kyi pha röl tu chhin päi ngag mä pa
 
Thế nên tuyên thuyết chú Bát nhã ba la mật đa:
   
The mantra of the perfection of wisdom is declared:
      Et voici le mantra de la perfection de la sagesse :
     
ཏདྱཐཱ། ག་ཏེ་ག་ཏེ། པཱ་ར་ག་ཏེ། པཱ་ར་སཾ་ག་ཏེ། བོ་དྷི་སྭཱ་ཧཱ།
TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA
Tê-ya-tha ga-tê, ga-tê, pa-ra-ga-tê, pa-ra-xăm-ga-tê, bô-đi, sô ha
[Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha]
     

ཤཱ་རིའི་བུ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོས་
Sha ri bu, jang chhub sem pa sem pa chhen pö,
 
Xá Lợi Tử, các đại Bồ tát phải nên hành trì
   
“Shariputra, the bodhisattva Mahasattva should train in
      Sharipoutra, c’est ainsi qu’un bodhisattva mahasattva doit s’exercer
དེ་ལྟར་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོ་ལ་བསླབ་པར་བྱའོ། །
de tar she rab kyi pha röl tu chhin pa zab mo la lab par ja o
 
Bát nhã ba la mật đa sâu xa theo đúng như vậy.
   
the profound perfection of wisdom like that.”
      à la profonde perfection de la sagesse. »
དེ་ནས་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཏིང་ངེ་འཛིན་དེ་ལས་བཞེངས་ཏེ་
de nä chom dän dä ting nge dzin de lä zheng te,
 
Bấy giờ, đức Thế tôn từ chánh định trở ra,
   
Then the Bhagavan arose from that concentration
      Puis le Baghavan sortit de sa concentration
བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་ལ་
jang chhub sem pa sem pa chhen po phag pa chän rä zig wang chhug la
 
tán dương Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại, nói rằng:
   
and commended the bodhisattva Mahasattva Arya Avalokiteshvara saying:
      et loua le bodhisattva mahasattva arya Avalokiteshvara en disant :
ལེགས་སོ་ཞེས་བྱ་བ་བྱིན་ནས། ལེགས་སོ་ལེགས་སོ། ། རིགས་ཀྱི་བུ།
leg so zhe ja wa jin nä, leg so leg so rig kyi bu
 
Lành thay, lành thay, thiện nam tử,
   
“Well said, well said, son of the lineage,
      « Bien ! Bien ! Ô fils de la lignée,
དེ་དེ་བཞིན་ནོ། ། རིགས་ཀྱི་བུ། དེ་དེ་བཞིན་ཏེ།
de de zhin no, rig kyi bu, de de zhin te,
 
đúng là như vậy. Thiện nam tử, đúng là như vậy,
   
it is like that. It is like that;
      il en est ainsi, il en est bien ainsi.
ཇི་ལྟར་ཁྱོད་ཀྱིས་བསྟན་པ་དེ་བཞིན་དུ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོ་ལ་
ji tar khyö kyi tän pa de zhin du, sherab kyi pha röl tu chhin pa zab mo la
 
phải nên hành trì Bát nhã ba la mật đa đúng như ông nói,
   
one should practice the profound perfection of wisdom just as you have indicated;
      C’est exactement comme tu viens de l’exposer qu’il convient de pratiquer
སྤྱད་པར་བྱ་སྟེ། དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱང་རྗེས་སུ་ཡི་རང་ངོ། །
chä par ja te, de zhin sheg pa nam kyang je su yi rang ngo
 
làm được như vậy chư Như lai sẽ đều hoan hỷ.
   
even the Tathagatas rejoice.”
      la profonde perfection de la sagesse et les tathagatas eux-mêmes se réjouissent. »
བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་དེ་སྐད་ཅེས་བཀའ་སྩལ་ནས།
Chom dän dä kyi de kä che ka tsäl nä,
 
Đức Thế tôn nói lời ấy xong,
   
The Bhagavan having thus spoken,
      Lorsque le Baghavan eut dit cela,
ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་ར་དྭ་ཏིའི་བུ་དང༌།
tshe dang dän pa sha ra dva ti bu dang,
 
tôn giả Xá Lợi Phất,
   
the venerable Sharadvatiputra,
      le vénérable Sharadvatipoutra,
བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་དང༌
jang chhub sem pa sem pa chhen po chän rä zig wang chhug dang
 
Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại,
   
the bodhisattva Mahasattva Arya Avalokiteshvara,
      le bodhisattva mahasattva arya Avalokiteshvara,
ཐམས་ཅད་དང་ལྡན་པའི་འཁོར་དེ་དག་དང༌།
tham chä dang dän päi khor de dag dang,
 
cùng hết thảy tùy tùng,
   
and those surrounding in their entirety
      l’entourage au complet,
ལྷ་དང༌། མི་དང༌། ལྷ་མ་ཡིན་དང༌། དྲི་ཟར་བཅས་པའི་འཇིག་རྟེན་
lha dang, mi dang, lha ma yin dang, dri zar chä päi jig ten
 
và chư thiên, nhân loại, a tu la và càn thát bà,
   
along with the world of gods, humans, asuras, and gandharvas
      ainsi que le monde des dieux, des hommes, des asouras et des gandharvas,
ཡི་རངས་སྟེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་གསུངས་པ་ལ་མངོན་པར་བསྟོད་དོ། །
yi rang te, chom dän dä kyi sung pa la ngön par tö do
 
tất cả đều hoan hỷ tán dương pháp Phật vừa thuyết.
   
were overjoyed and highly praised that spoken by the Bhagavan.
      furent remplis de joie et louèrent les paroles du Baghavan.
འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྙིང་པོ་རྫོགས་སོ།
  (Đến đây chấm dứt Ärya-bhagavatï-prajñäpäramitä-höidaya-sütra.)
   
(This completes the Ärya-bhagavatï-prajñäpäramitä-höidaya-sütra.)
      (Ainsi s’achève l’Ärya-bhagavatï-prajñäpäramitä-höidaya-sütra.)

ཏདྱཐཱ། ག་ཏེ་ག་ཏེ། པཱ་ར་ག་ཏེ། པཱ་ར་སཾ་ག་ཏེ། བོ་དྷི་སྭཱ་ཧཱ། (108x)
TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA (108x)
Tê-ya-tha ga-tê, ga-tê, pa-ra-ga-tê, pa-ra-xăm-ga-tê, bô-đi, sô ha (108x)
[Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha] (108x)


C. Tâm Kinh Phá Chướng Ngại
Averting Obstacles
Dissiper les Obstacles par le Soutra du Coeur

༈ ན་མོ་བླ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། ། སངས་རྒྱས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
na-mo, la-ma la chak-tsal lo, sang-gye la chak-tsal lo
 
Đệ tử quy y; kính lạy Thượng Sư; kính lạy Phật;
   
Namo! Homage to the Guru! Homage to the Buddha!
      Namo! Hommage au Lama! Hommage au Bouddha
ཆོས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། ། དགེ་འདུན་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
chö la chak-tsal lo, gen-dün la chak-tsal lo
 
kính lạy Pháp; kính lạy Tăng;
   
Homage to the Dharma! Homage to the Saṅgha!
      Hommage au Dharma, Hommage au Sangha
ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
yum chen-mo she-rab kyi pa-rol tu chin-pa la chak-tsal lo
 
Kính lạy Đại Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật.
   
Homage to the Great Mother, Prajñāpāramitā!
      Hommage à la Grande Mère, Prajñāpāramitā
ཁྱེད་རྣམས་ལ་ཕྱག་འཚལ་བའི་མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས།
khyé nam la chak-tsal-wé tu dang nü-pa la ten né
 
Nguyện nương năng, lực, / lễ lạy chư vị
   
Through the power and strength of paying homage to you,
      Par le pouvoir et la force de vous rendre hommage
བདག་ཅག་གི་ཚིག་འདི་འགྲུབ་པར་གྱུར་ཅིག །
dak-chak gi tsik di drub-par gyur chik
 
lời nguyện chúng con, / đều thành tựu cả
   
May these words of ours come true!
      Puissent ces paroles de vérité soient accomplies
ཇི་ལྟར་སྔོན་ལྷའི་དབང་པོ་བརྒྱ་བྱིན་གྱིས་
ji-tar ngön lhé wang-po gya-jin gyi
 
Như trong quá khứ, / thiên vương Đế Thích,
   
Just as, long ago, the king of the gods Indra,
      De la même manière que le puissant souverain Indra d’antan,
ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་དོན་ཟབ་མོ་
yum chen-mo she-rab kyi pa-rol tu chin-pé dön zab mo
  nhờ vào năng, lực, / tư duy tụng niệm,
   
by the power and strength of contemplating the profound meaning
      par le pouvoir et la force de contempler le sens profond
ཡིད་ལ་བསམ་ཞིང་ཚིག་ཁ་ཏོན་དུ་བྱས་པའི་མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས། །
yi la sam shying tsik kha-tön du je-pé tu dang nü-pa la ten né
 
ý nghĩa thâm sâu, / Đại Mẫu Bát Nhã, / Ba La Mật Đa
   
of the perfection of wisdom, the Great Mother, and reciting its words,
      de la Prajñāpāramitā et de réciter ces paroles,
བདུད་སྡིག་ཅན་ལ་སོགས་པ་ཕྱིར་བཟློག་པ་དེ་བཞིན་དུ་
dü dik-chen la-sok-pa chir dok-pa de-shyin-du
 
mà đuổi được hết, / ma vương ma quân.,
   
Was able to avert the demonic forces of negativity,so in the very same way,
      put détourner les forces démoniaques,
བདག་ཅག་གིས་ཀྱང་ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་
dak-chak gi kyang yum chen-mo she-rab kyi pa-rol tu chin-pé
 
chúng con cũng nguyện, / nhờ vào năng, lực,
   
may we too, through the power and strength of contemplating
      Puissions-nous aussi, par le pouvoir et la force de contempler le sens profond
དོན་ཟབ་མོ་ཡིད་ལ་བསམ་ཞིང་ཚིག་ཁ་ཏོན་དུ་བྱས་པའི་
dön zab-mo yi la sam shying tsik kha-tön du je-pé
 
tư duy tụng niệm, / ý nghĩa thâm sâu,
   
the profound meaning of the Perfection of Wisdom,
      de la Prajñāpāramitā et the Great Mother, récitant quotidiennement
མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས། ། བདག་ཅག་འཁོར་དང་བཅས་པའི་
tu dang nü-pa la ten né dak-chak khor dang che-pé
 
Đại Mẫu Bát Nhã, / Ba la mật đa, / làm cho nghịch cảnh,
   
and reciting its words, avert all the negative influences
      ces paroles, que toutes les circonstances disharmonieuses
དམ་པ་ཆོས་སྒྲུབ་པའི་སྤང་བྱ་མི་མཐུན་པའི་ཕྱོགས་
dam-pa chö drub-pé pang-ja mi-tün-pé chok
 
cản trở chúng con, / thành tựu diệu pháp,
   
which prevent us and those around us from
      empechant notre accomplissement du Noble Dharma
ཐམས་ཅད་ཕྱིར་བཟློག་པར་གྱུར་ཅིག །  
tam-ché chir dok-par gyur chik
 
quay lui tất cả
   
accomplishing the Noble Dharma! (clap)
      Soient détournées
མེད་པར་གྱུར་ཅིག །  
me par gyur chik
 
Nguyện cho tan biến
   
May they be annihilated!  (clap)
      Qu’elles soient devenir inexistantes
ཞི་བར་གྱུར་ཅིག །  
shyi-war gyur chik
 
Nguyện cho tịnh yên
   
May they be rendered harmless! (clap)
      Qu’elles soient pacifiées
རབ་ཏུ་ཞི་བར་གྱུར་ཅིག །
rab-tu shyi-war gyur chik
 
Tịnh yên triệt để
   
May they be completely pacified!
      Qu’elles soient totallement pacifiées
བགེགས་རིགས་སྟོང་ཕྲག་བརྒྱད་ཅུ་ཞི་བ་དང་།།
Geg-rig tong-thrag-gyä-chu zhi-wa dang
 
Ma tám vạn loại, / hết thảy tịnh yên,
   
The 80,000 types of obstructors pacified,
      Que les quatre-vight mille types d’obstacles soient pacifiés
མི་མཐུན་གནོད་པའི་རྐྱེན་དང་བྲལ་བ་དང་།།
mi-thün nö-päi kyen dang-dräl-wa dang
 
Nghịch cảnh ác duyên, / đều lìa xa cả
   
Freed from adverse, harmful conditions,
      Puissions-nous être séparés de conditions nuisibles et disharmonieuses
མཐུན་པར་གྲུབ་ཅིང་ཕུན་སུམ་ཚོགས་གྱུར་པའི།།
thün-par drub ching phün-sum tshog gyur-päi
 
nguyện cảnh phồn vinh, / đều thuận chánh pháp;
   
may all enjoyments be in accord with the Dharma;
      Puissions-nous obtenir tout ce qui est conductif, et par le bon augure
བཀྲ་ཤིས་དེས་ཀྱང་དེང་འདིར་བདེ་ལེགས་ཤོག  །
Tra-shi de kyang deng dir de-leg shog
 
Bây giờ, nơi đây, / nguyện cho mọi sự / an lạc cát tường.
   
And may there be auspiciousness and perfect happiness here right now.
      de tout ce qui est bien, puisse-t-il y avoir un bonheur excellent ici et maintenant


XUẤT XỨ – Sources – Références -: 
A. In Praise of Prajñāpāramitā – Louange à la Mère Prajnaparamita – Tán Dương Bát Nhã Ba La Mật Đa: Tibetan, English: https://www.lotsawahouse.org/words-of-the-buddha/heart-sutra-with-extras; Phonetics, French, Vietnamese: Hong Nhu Thupten Munsel (Anh Ho). B. The Heart Sutra – Le Soutras du Coeur – Tâm Kinh: Tibetan, Phonetics, English, French: FPMT Essential Prayer Book Vol.1, 2006; Vietnamese: Hong Nhu Thupten Munsel (Anh Ho). C. Averting Obstacles – Dissiper les Obstacles – Tâm Kinh Phá Chướng Ngại: Tibetan, Phonetics, English, French: references unavailable; Vietnamese: Hong Nhu Thupten Munsel (Anh Ho). D. Mūlamadhyamakakārikā’s extract – extrait de Mūlamadhyamakakārikā –Tán Dương Kệ (Trung Quán Luận):  French: Padmakara Group; Tibetan, English: https://www.lotsawahouse.org/words-of-the-buddha/heart-sutra-with-extras; Vietnamese: Hong Nhu Thupten Munsel (Anh Ho)

|Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp| Việt | Tạng Văn |



| Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp | Việt | Tạng Văn |

TÁN DƯƠNG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

 Bát nhã ba la mật / vượt ngoài tầm nghĩ bàn
không sinh, cũng không diệt / tự tánh của hư không
và cũng là hành xứ / của trí giác bản nhiên
Mẹ của Phật ba thời / đệ tử xin kính lễ

CHÁNH VĂN BÁT NHÃ TÂM KINH

Tựa đề tiếng Phạn: Bhagavatī prajñāpāramitā hdaya
Tựa đề tiếng Tạng: chom den de ma she-rab kyi pa-rol tu chin-pé nying po
Dài một phẩm.

 Kính lễ đức Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa

 Tôi nghe như vầy: Một thời đức Thế tôn ở thành Vương xá, đỉnh Linh thứu,
cùng với đại tăng đoàn đại tỷ kheo và đại tăng đoàn đại Bồ tát. Lúc bấy giờ đức Thế tôn nhập chánh định Minh Hiện Thậm Thâm. Cũng vào lúc bấy giờ, Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại quán chiếu hạnh Bát nhã ba la mật đa sâu xa, soi thấy cả năm uẩn cũng đều không tự tánh.

Lúc ấy, nương vào Phật lực, tôn giả Xá Lợi Tử thưa rằng, “Kính thưa Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại, thiện nam nào muốn thực hành hạnh Bát nhã ba la mật sâu xa, phải nên tu như thế nào?”

Nghe hỏi như vậy, Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại đáp lời tôn giả Xá lợi Tử như sau: “Xá Lợi Tử, thiện nam thiện nữ nào muốn thực hành hạnh Bát nhã ba ma mật đa sâu xa, phải thấy như thế này, thật sự thấy rằng đến cả năm uẩn ấy cũng đều không tự tánh.
“Sắc tức là không, không tức là sắc;
không chẳng khác sắc, sắc cũng chẳng khác không;
tương tự như vậy, thọ, tưởng, hành, thức hết thảy đều không.
“Xá Lợi Tử, như thế các pháp đều là không, không có tướng:
không sanh, không diệt; không dơ, không sạch; không giảm, không tăng.
“Xá Lợi Tử, thế nên trong không, không sắc, thọ, tưởng, hành, thức;
“không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ;
“không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
“không nhãn giới, đến không ý giới, đến tận ý thức giới cũng đều không;
“không vô minh và sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử, không cả sự diệt tận của lão tử. “Tương tự như vậy, không khổ, tập, diệt, đạo [[6]]; không trí giác, không thủ đắc, không cả sự không thủ đắc.
“Xá Lợi Tử, bồ tát vì không thủ đắc nên nương trụ Bát nhã ba la mật đa, tâm không chướng ngại nên không khiếp sợ, vượt mọi thát loạn, cứu cánh niết bàn.
“Hết thảy Phật đà trú ở ba thời nhờ y theo Bát nhã ba la mật đa sâu xa mà thành tựu chánh giác vô thượng tam miệu tam bồ đề.
“Do đó mà nói Bát nhã ba la mật đa là bài chú đại trí tuệ; bài chú tối thượng; bài chú tuyệt bậc và đồng bậc; bài chú diệt trừ mọi khổ não; phải biết chú này là chắc thật vì không hư ngụy, thế nên tuyên thuyết chú Bát nhã ba la mật đa:

TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA
Tê-ya-tha ga-tê, ga-tê, pa-ra-ga-tê, pa-ra-xăm-ga-tê, bô-đi, sô ha
[Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha]

“Xá Lợi Tử, các đại Bồ tát phải nên hành trì Bát nhã ba la mật đa sâu xa theo đúng như vậy.”

Bấy giờ, đức Thế tôn từ chánh định trở ra, tán dương Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại, nói rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử, đúng là như vậy! Thiện nam tử, đúng là như vậy, làm được như vậy chư Như lai sẽ đều hoan hỷ.

Đức Thế tôn nói lời ấy xong, tôn giả Xá Lợi Phất, Đại bồ tát Ma ha tát Quan Tự Tại cùng hết thảy tùy tùng, và chư thiên, nhân loại, a tu la và càn thát bà, tất cả đều hoan hỷ tán dương pháp Phật vừa thuyết.

(Đến đây chấm dứt Ärya-bhagavatï-prajñäpäramitä-höidaya-sütra.)

Tụng chú

TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA (108x)
Tê-ya-tha ga-tê, ga-tê, pa-ra-ga-tê, pa-ra-xăm-ga-tê, bô-đi, sô ha  (108x)
[Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha] (108x)

Tâm Kinh Phá Chướng Ngại

Đệ tử quy y; kính lạy Thượng Sư; kính lạy Phật;
kính lạy Pháp; kính lạy Tăng;
Kính lạy Đại Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật.
Nguyện nương năng lực, / lễ lạy chư vị
lời nguyện chúng con, / đều thành tựu cả

Như trong quá khứ, / thiên vương Đế Thích,
nhờ vào năng lực, / tư duy tụng niệm,
ý nghĩa thâm sâu, / Đại Mẫu Bát Nhã, / Ba La Mật Đa
mà đuổi được hết, / ma vương ma quân.,

Chúng con cũng xin / nhờ vào năng lực,
tư duy tụng niệm, / ý nghĩa thâm sâu,
Đại Mẫu Bát Nhã, / Ba la mật đa, / làm cho nghịch cảnh,
cản trở chúng con, / thành tựu diệu pháp,

Nguyện đẩy lùi cả (vỗ mạnh tay)
Nguyện cho tan biến (vỗ mạnh tay)
Nguyện cho tịnh yên (vỗ mạnh tay)
Tịnh yên triệt để

Ma tám vạn loại, / hết thảy tịnh yên,
Nghịch cảnh ác duyên, / đều lìa xa cả
nguyện cảnh phồn vinh, / đều thuận chánh pháp;
Bây giờ, nơi đây, / nguyện cho mọi sự / an lạc cát tường.


| Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp | Việt | Tạng Văn |



| Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp | Việt | Tạng Văn |

 སྨྲ་བསམ་བརྗོད་མེད་ཤེས་རབ་ཕ་རོལ་ཕྱིན། །མ་སྐྱེས་མི་འགག་ནམ་མཁའི་ངོ་བོ་ཉིད། །སོ་སོ་རང་རིག་ཡེ་ཤེས་སྤྱོད་ཡུལ་བ། །དུས་གསུམ་རྒྱལ་བའི་ཡུམ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །༄༅། །བཅོམ་ལྡན་འདས་མ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྙིང་པོ། 

།༈ རྒྱ་གར་སྐད་དུ། བྷ་ག་བ་ཏི་པྲཛྙཱ་པཱ་ར་མི་ཏཱ་ཧྲི་ད་ཡ།བོད་སྐད་དུ། བཅོམ་ལྡན་འདས་མ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྙིང་པོ། །བམ་པོ་གཅིག་གོབཅོམ་ལྡན་འདས་མ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །

༈ འདི་སྐད་བདག་གིས་ཐོས་པའི་དུས་གཅིག་ན་བཅོམ་ལྡན་འདས་རྒྱལ་པོའི་ཁབ་བྱ་རྒོད་ཕུང་པོའི་རི་ལ། གེ་སློང་གི་དགེ་འདུན་ཆེན་པོ་དང༌བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་དགེ་འདུན་ཆེན་པོ་དང་ཐབས་ཅིག་ཏུ་བཞུགས་ཏེ། དེའི་ཚེ་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཟབ་མོ་སྣང་བ་ཞེས་བྱ་བའི་ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས་ཀྱི་ཏིང་ངེ་འཛིན་ལ་སྙོམས་པར་ཞུགས་སོ།ཡང་དེའི་ཚེ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་སྤྱོད་པ་ཉིད་ལ་རྣམ་པར་བལྟ་ཞིང་ཕུང་པོ་ལྔ་པོ་དེ་དག་ལ་ཡང་རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་པར་རྣམ་པར་བལྟའོ།དེ་ནས་སངས་རྒྱས་ཀྱི་མཐུས་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་རིའི་བུས་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་ལ་འདི་སྐད་ཅེས་སྨྲས་སོ།རིགས་ཀྱི་བུ་གང་ལ་ལ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་སྤྱད་པ་སྤྱོད་པར་འདོད་པ་དེས་ཇི་ལྟར་བསླབ་པར་བྱ། དེ་སྐད་ཅེས་སྨྲས་པ་དང༌།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་གིས་ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་ར་དྭ་ཏིའི་བུ་ལ་འདི་སྐད་ཅེས་སྨྲས་སོ། །ཤཱ་རིའི་བུ། རིགས་ཀྱི་བུ་འམ་རིགས་ཀྱི་བུ་མོ་གང་ལ་ལ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོའི་སྤྱད་པ་སྤྱོད་པར་འདོད་པ་དེས་འདི་ལྟར་རྣམ་པར་བལྟ་བར་བྱ་སྟེ་ཕུང་པོ་ལྔ་པོ་དེ་དག་ཀྱང་རང་བཞིན་གྱིས་སྟོང་པར་རྣམ་པར་ཡང་དག་པར་རྗེས་སུ་བལྟའོ །གཟུགས་སྟོང་པའོ། སྟོང་པ་ཉིད་གཟུགས་སོ།གཟུགས་ལས་སྟོང་པ་ཉིད་གཞན་མ་ཡིན།སྟོང་པ་ཉིད་ལས་ཀྱང་གཟུགས་གཞན་མ་ཡིན་ནོ། །དེ་བཞིན་དུ་ཚོར་བ་དང༌། འདུ་ཤེས་དང༌། འདུ་བྱེད་དང༌།རྣམ་པར་ཤེས་པ་རྣམས་སྟོང་པའོ། །ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟར་ཆོས་ཐམས་ཅད་སྟོང་པ་ཉིད་དེ། མཚན་ཉིད་མེད་པ།མ་སྐྱེས་པ། མ་འགག་པ། དྲི་མ་མེད་པ། དྲི་མ་དང་བྲལ་བ།བྲི་བ་མེད་པ། གང་བ་མེད་པའོ། །ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟ་བས་ན་སྟོང་པ་ཉིད་ལ་གཟུགས་མེད། ཚོར་བ་མེད། འདུ་ཤེས་མེད། འདུ་བྱེད་རྣམས་མེད། རྣམ་པར་ཤེས་པ་མེད།མིག་མེད། རྣ་བ་མེད། སྣ་མེད། ལྕེ་མེད། ལུས་མེད། ཡིད་མེད།གཟུགས་མེད། སྒྲ་མེད། དྲི་མེད། རོ་མེད། རེག་བྱ་མེད། ཆོས་མེད་དོ། །མིག་གི་ཁམས་མེད་པ་ནས་ཡིད་ཀྱི་ཁམས་མེད།ཡིད་ཀྱི་རྣམ་པར་ཤེས་པའི་ཁམས་ཀྱི་བར་དུ་ཡང་མེད་དོ།།མ་རིག་པ་མེད། མ་རིག་པ་ཟད་པ་མེད་པ་ནས།རྒ་ཤི་མེད། རྒ་ཤི་ཟད་པའི་བར་དུ་ཡང་མེད་དོ། །དེ་བཞིན་དུ་སྡུག་བསྔལ་བ་དང༌། ཀུན་འབྱུང་བ་དང༌། འགོག་པ་དང༌། ལམ་མེད།ཡེ་ཤེས་མེད། ཐོབ་པ་མེད། མ་ཐོབ་པ་ཡང་མེད་དོ། །ཤཱ་རིའི་བུ། དེ་ལྟ་བས་ན་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་རྣམས་ཐོབ་པ་མེད་པའི་ཕྱིར་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་བརྟེན་ཅིང་གནས་ཏེ།སེམས་ལ་སྒྲིབ་པ་མེད་པས་སྐྲག་པ་མེད་དེ།ཕྱིན་ཅི་ལོག་ལས་ཤིན་ཏུ་འདས་ནས་མྱ་ངན་ལས་འདས་པའི་མཐར་ཕྱིན་ཏོ། །དུས་གསུམ་དུ་རྣམ་པར་བཞུགས་པའི་སངས་རྒྱས་ཐམས་ཅད་ཀྱང་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་བརྟེན་ནས་བླ་ན་མེད་པ་ཡང་དག་པར་རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་ཏུ་མངོན་པར་རྫོགས་པར་སངས་རྒྱས་སོ། །དེ་ལྟ་བས་ན་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕིན་པའི་སྔགས། རིག་པ་ཆེན་པོའི་སྔགས།བླ་ན་མེད་པའི་སྔགས། མི་མཉམ་པ་དང་མཉམ་པའི་སྔགས།སྡུག་བསྔལ་ཐམས་ཅད་རབ་ཏུ་ཞི་བར་བྱེད་པའི་སྔགས།མི་རྫུན་པས་ན་བདེན་པར་ཤེས་པར་བྱ་སྟེ།ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྔགས་སྨྲས་པ།ཏདྱཐཱ། ག་ཏེ་ག་ཏེ། པཱ་ར་ག་ཏེ། པཱ་ར་སཾ་ག་ཏེ། བོ་དྷི་སྭཱ་ཧཱ།ཤཱ་རིའི་བུ། བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོས་དེ་ལྟར་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོ་ལ་བསླབ་པར་བྱའོ། །དེ་ནས་བཅོམ་ལྡན་འདས་ཏིང་ངེ་འཛིན་དེ་ལས་བཞེངས་ཏེ་བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་ལ་ལེགས་སོ་ཞེས་བྱ་བ་བྱིན་ནས། ལེགས་སོ་ལེགས་སོ། ། རིགས་ཀྱི་བུ།དེ་དེ་བཞིན་ནོ། ། རིགས་ཀྱི་བུ། དེ་དེ་བཞིན་ཏེ།ཇི་ལྟར་ཁྱོད་ཀྱིས་བསྟན་པ་དེ་བཞིན་དུ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ཟབ་མོ་ལ་སྤྱད་པར་བྱ་སྟེ། དེ་བཞིན་གཤེགས་པ་རྣམས་ཀྱང་རྗེས་སུ་ཡི་རང་ངོ། །བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་དེ་སྐད་ཅེས་བཀའ་སྩལ་ནས།ཚེ་དང་ལྡན་པ་ཤཱ་ར་དྭ་ཏིའི་བུ་དང༌།བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ་སེམས་དཔའ་ཆེན་པོ་འཕགས་པ་སྤྱན་རས་གཟིགས་དབང་ཕྱུག་དང༌ཐམས་ཅད་དང་ལྡན་པའི་འཁོར་དེ་དག་དང༌།ལྷ་དང༌། མི་དང༌། ལྷ་མ་ཡིན་དང༌། དྲི་ཟར་བཅས་པའི་འཇིག་རྟེན་ཡི་རངས་སྟེ། བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་གསུངས་པ་ལ་མངོན་པར་བསྟོད་དོ། །འཕགས་པ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་སྙིང་པོ་རྫོགས་སོ།ཏདྱཐཱ། ག་ཏེ་ག་ཏེ། པཱ་ར་ག་ཏེ། པཱ་ར་སཾ་ག་ཏེ། བོ་དྷི་སྭཱ་ཧཱ།

༈ ན་མོ་བླ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། ། སངས་རྒྱས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །ཆོས་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། ། དགེ་འདུན་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །ཁྱེད་རྣམས་ལ་ཕྱག་འཚལ་བའི་མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས།བདག་ཅག་གི་ཚིག་འདི་འགྲུབ་པར་གྱུར་ཅིག །ཇི་ལྟར་སྔོན་ལྷའི་དབང་པོ་བརྒྱ་བྱིན་གྱིས་ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་དོན་ཟབ་མོ་ཡིད་ལ་བསམ་ཞིང་ཚིག་ཁ་ཏོན་དུ་བྱས་པའི་མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས། །བདུད་སྡིག་ཅན་ལ་སོགས་པ་ཕྱིར་བཟློག་པ་དེ་བཞིན་དུ་བདག་ཅག་གིས་ཀྱང་ཡུམ་ཆེན་མོ་ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པའི་དོན་ཟབ་མོ་ཡིད་ལ་བསམ་ཞིང་ཚིག་ཁ་ཏོན་དུ་བྱས་པའི་མཐུ་དང་ནུས་པ་ལ་བརྟེན་ནས། ། བདག་ཅག་འཁོར་དང་བཅས་པའི་དམ་པ་ཆོས་སྒྲུབ་པའི་སྤང་བྱ་མི་མཐུན་པའི་ཕྱོགས་ཐམས་ཅད་ཕྱིར་བཟློག་པར་གྱུར་ཅིག །  མེད་པར་གྱུར་ཅིག །  ཞི་བར་གྱུར་ཅིག །  རབ་ཏུ་ཞི་བར་གྱུར་ཅིག །བགེགས་རིགས་སྟོང་ཕྲག་བརྒྱད་ཅུ་ཞི་བ་དང་།།མི་མཐུན་གནོད་པའི་རྐྱེན་དང་བྲལ་བ་དང་།།མཐུན་པར་གྲུབ་ཅིང་ཕུན་སུམ་ཚོགས་གྱུར་པའི།།བཀྲ་ཤིས་དེས་ཀྱང་དེང་འདིར་བདེ་ལེགས་ཤོག  །༈ གང་གིས་རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་། །འགག་པ་མེད་པ་སྐྱེ་མེད་པ། །ཆད་པ་མེད་པ་རྟག་མེད་པ། །འོང་བ་མེད་པ་འགྲོ་མེད་པ། །ཐ་དད་དོན་མིན་དོན་གཅིག་མིན། །སྤྲོས་པ་ཉེར་ཞི་ཞི་སྟོན་པ། །རྫོགས་པའི་སངས་རྒྱས་སྨྲ་རྣམས་ཀྱི། །དམ་པ་དེ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །རྫོགས་པའི་བྱང་ཆུབ་སྒྲུབ་པ་ལ། །ཕྱི་དང་ནང་གི་འཚེ་བ་ཡི། །བར་དུ་གཅོད་པ་ཐམས་ཅད་ཀུན། །ཉེ་བར་ཞི་བར་མཛད་དུ་གསོལ། །གཞན་ཡང་སྐྱེ་བ་འདི་ཉིད་དུ། །མི་མཐུན་ཕྱོགས་ཀུན་ཞི་བ་དང༌། །ཚེ་རིང་ནད་མེད་ཕུན་སུམ་ཚོགས། །རྟག་ཏུ་བདེ་དང་ལྡན་གྱུར་ཅིག།  །།

| Tạng Văn – Tạng Âm – Việt – Anh – Pháp | Việt | Tạng Văn |




KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM: Trì Tụng – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)
Nghe kinh: <theo từng phẩm>
Tài liệu thông tin tiếng Anh (Lama Zopa Rinpoche): <FPMT:Golden Light Sutra>
Lợi ích tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim <Hạ tải văn bản: PDF>    <web>

MỜI CÙNG ĐỌC KINH

Trang Web này dành để trì tụng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Bạn nào muốn đồng hành, xin cùng đọc, mỗi ngày một ít (từ 5 đến 15 phút, tùy đoạn)

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chón vánh;
    • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
    • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
      nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
      nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
      vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

Chúng ta sẽ đọc bản kinh do Ngài Thích Trí Quang chuyển Việt ngữ. Thật vô cùng may mắn có được bản dịch như thế này để đọc tụng.

Tạ ơn Ân sư đưa chúng con vào với Ánh Sáng Hoàng Kim, pháp hội vĩ đại, cảnh giới rạng ngời, hộ trì lớn lao.

Với lời nguyện cát tường,

Đệ tử Hồng Như
16 tháng 8 năm 2018


Cách Đọc

Ở đây sẽ phân sẵn ra thành từng phần nhỏ để tiện việc trì tụng mỗi ngày. Hôm nào có thời gian muốn đọc nhiều hơn, xin cứ đọc tiếp phần sau. Hôm nào bận thì nghỉ, đọc đến đâu lần sau cứ ngang đó mà đọc tiếp. Xong hết cuốn thì đếm một lần, nếu thích có thể đáo trở lại tiếp tục trì tụng.

Bạn nào muốn hành trì pháp sám hối theo kinh này thì làm theo Nghi Thức Sám Hối do Ngài Thích Trí Quang hướng dẫn. Nếu không cứ hãy có giờ là đọc, ở đâu cũng được không nhất thiết phải ngồi trước bàn thờ. Trước khi đọc lắng tâm nhớ lại vì sao mình muốn tụng kinh này, Đọc xong hồi hướng như đã ghi. Nếu có hồi hướng riêng, có thể thêm vào.

Kinh này không dễ đọc. Phần Tổng quan sẽ giúp hiểu kinh dễ dàng hơn, xin dành chút thời gian tham khảo.


Lịch Trì Tụng

Đợt — :

  • Khởi động: —
  • Bắt đầu trì tụng —-
 Khởi động  Tham khảo các phần giới thiệu
| Tổng Quan | Nghi Thức Sám Hối |
Chánh Văn Kinh | T7 | CN | T2 | T3 | T4 |T5 | T6 |
Tuần 1 –    | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 |
Tuần 2 –  08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
Tuần 3 –  | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
Tuần 4 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 2728 |
Tuần 5 –  | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 |
Tuần 6 –  | 36 | 37 | 38 | 39 |4041 | 42 |
Tuần 7 –  | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 |
Tuần 8 –  | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 |
Tuần 9 –  | 57 | 58 | 59 | 60| 61 | 62 | 63 |
Tuần 10 –  | 64 | 65 | 66 |  [hết]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
Kim quang minh tối thắng vương kinh [i]

bản Hoa dịch của ngài Nghĩa Tịnh
Trí quang dịch
2538 – 1994

Ghi chú: ([i]) Tên kinh này gọi đủ là Kim quang minh tối thắng vương. Kim quang minh : ánh sáng hoàng kim. Tối thắng vương : chúa tể tối thượng.


MỤC LỤC

Tổng Quan
Một, tổng quan văn bản
Hai, tổng quan ngoại hình
Ba, tổng quan nội dung

Nghi Thức Sám Hối Đơn Giản Trước Khi Tụng Kinh

KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM

CUỐN 1
Phẩm 1 Mở đầu pháp thoại 
Phẩm 2 Thọ Lượng Thế Tôn

CUỐN 2
Phẩm 3 Phân Biệt Ba Thân
Phẩm 4 Âm Thanh Trống Vàng

CUỐN  3
Phẩm 5 Diệt Trừ Nghiệp Chướng

CUỐN 4
Phẩm 6 Minh Chú Tịnh Địa

CUỐN 5
Phẩm 7 Hoa Sen Ca Tụng
Phẩm 8 Minh Chú Kim Thắng
Phẩm 9 Trùng Tuyên Về Không
Phẩm 10 Mãn Nguyện Vì Không
Phẩm 11 Thiên Vương Quan Sát

CUỐN 6
Phẩm 12 Thiên Vương Hộ Quốc

CUỐN 7
Phẩm 13 Minh Chú Ly Nhiễm
Phẩm 14 Ngọc Báu Như Ý
Phẩm 15/1 Đại Biện Thiên Nữ

CUỐN 8
Phẩm 15/2 Đại Biện Thiên Nữ
Phẩm 16 Cát Tường Thiên Nữ
Phẩm 17 Tăng Trưởng Tài Vật
Phẩm 18 Kiên Lao Địa Thần
Phẩm 19 Dược Xoa Đại Tướng
Phẩm 20 Vương Pháp Chính Luận

CUỐN 9
Phẩm 21 Thiện Sinh Luân Vương
Phẩm 22 Tám Bộ Hộ Trì
Phẩm 23 Thọ Ký Thành Phật
Phẩm 24 Chữa Trị Bịnh Khổ
Phẩm 25 Truyện Của Lưu Thủy

CUỐN 10
Phẩm 26 Xả Bỏ Thân Mạng
Phẩm 27 Bồ Tát Tán Dương
Phẩm 28 Diệu Tràng Tán Dương
Phẩm 29 Thọ Thần Tán Dương
Phẩm 30 Biện Tài Tán Dương
Phẩm 31 Ký Thác Kinh Vua 3

Ghi chú (của Ngài Thích Trí Quang)

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim: Kim quang minh tối thắng vương kinh
bản Hoa dịch của ngài Nghĩa Tịnh
Trí quang dịch
2538 – 1994

[Sơ Khởi] 

Tổng quan


[Phần này mượn phần thâu âm của Thy Mai [Trung Tâm Diệu Pháp Âm]

Một, tổng quan văn bản

(1)

Kim quang minh kinh, theo Phật học nghiên cứu (Bài 10 trang 52), có 6 bản dịch. Bản Một, Kim quang minh kinh, 4 cuốn, 19 phẩm, Đàm mô sấm dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 414-426. Bản Hai, Kim quang minh kinh, 7 cuốn, 21 phẩm, Chân đế dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 548-569. Bản Ba, Kim quang minh kinh tục, 4 cuốn, Quật đa da xá dịch. Bản Bốn, Kim quang minh kinh ngân chủ chúc lụy phẩm, Xà na quật đa dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 561-600. Bản Năm, Kim quang minh kinh, còn gọi là Hợp bộ Kim quang minh kinh, 8 cuốn, Bảo quí san tiết, niên đại 598. Bản Sáu, Kim quang minh tối thắng vương kinh, 10 cuốn, 31 phẩm, Nghĩa tịnh dịch. Sẽ ghi riêng ở dưới.

(2)

Nhưng hiện nay trong Đại tạng kinh bản Đại chính chỉ còn các bản Một, Năm và Sáu.

Bản Một còn nguyên vẹn, mang số hiệu 663, Đàm mô sấm dịch. Ngài là vị đã dịch kinh Đại bát niết bàn và Phật sở hành tán rất nổi tiếng. Văn và nghĩa tất cả dịch phẩm của ngài này rất là trong sáng. Chỉ tiếc kinh Kim quang minh thì Phạn bản của ngài căn cứ chắc chắn thiếu sót. Thế nhưng trước bản Sáu, bản Một này được quan tâm nhiều lắm. Mục lục Đại tạng kinh bản Đại chính ghi có 5 bản sớ giải (số hiệu 1783-1787), toàn do các vị đại sư viết, trong đó có các ngài Trí giả, Cát tạng. Mục lục Tục tạng kinh bản chữ Vạn ghi 6 bản, trong các tập 30-31. Gần như nói kinh Kim quang minh là nói bản Một.

Bản Năm, nói là hợp, nhưng Phật học nghiên cứu (bài 10 trang 52) nói là san tiết 4 bản trước. Thế là việc làm công ít hơn tội. San tiết đến mức nào, theo tiêu chuẩn nào, thì chưa quyết đoán được, nay, sơ khởi, chỉ xét đại thể, thì bản Năm này hợp 18 phẩm của bản Một  ; 4 phẩm (3, 5, 6, 9) của bản Hai, nhưng toàn là những phẩm rất quan trọng  ; lại hợp 2 phẩm (11 và 24) của bản Bốn.

Đáng thống trách là bản Hai của ngài Chân đế dịch đã không còn. Không những dịch giả là ngài Chân đế, mà bản này khá đủ (28 phẩm), nên bản này chắc chắn quan trọng. Nhưng hiện nay đã mất. Nếu bản Năm cũng có trách nhiệm phần nào trong sự mất ấy thì bản Năm công ít hơn tội.

(3)

Nay nói riêng bản Sáu. Đó là chính văn tôi dịch. Chính văn bản này nằm trong Chính 16/403-456. Ở đó, chót hết, trang 456, có ghi : Phạn bản kinh này là của hiệp hội Asia hoàng gia Anh quốc. So với bản dịch của ngài Nghĩa tịnh, thì Phạn bản này có chỗ thiếu. Tức như minh chú thiếu khá nhiều. Căn cứ bản dịch của Tây tạng (Đồ thư quán đại học Tôn giáo của Nhật) mà đối chiếu, thì kinh Kim quang minh Tây tạng có 2 bộ. Một trong 2 bộ ấy đúng là bản Hoa văn của ngài Nghĩa tịnh dịch, dẫu tựu trung vẫn có khác chút ít.

Như vậy Phạn bản kinh này, vì quá phổ thông, sao chép không ít, nên Phạn bản của các bản Một Hai đã khác nhau, lại khác với bản Sáu. Phạn bản của bản Sáu cũng khác chút ít với Phạn bản hiện còn, với bản dịch Tây tạng. Chưa hết, theo ghi chú của chính ngài Nghĩa tịnh (Chính 16/437) mà tôi ghi lại (số 78) thì khi dịch kinh này, ngài Nghĩa tịnh có trong tay không phải chỉ có 1 Phạn bản. Thế nhưng, nhìn chung bản Một và bản Sáu, suy đoán thêm bản Hai, thì có thể biết Phạn bản tuy sao chép không hoàn toàn đồng nhất mà lại rất đồng nhất về đại thể.

Dịch giả bản Sáu, ngài Nghĩa tịnh, thì lược truyện nằm trong Chính 50/710-711. Nhưng ở đây chỉ trích 2 lời ghi. Một, Chính 98/662 ghi : Ngài người Tề châu, họ Trương, tự Văn minh, năm 671 du học Ấn độ, năm 695 về nước. Năm 700-711 dịch Kim quang minh tối thắng vương kinh v/v, lại viết Đại đường tây vức cầu pháp cao tăng truyện v/v. Năm 713 viên tịch. Hai, Phật học nghiên cứu (bài 10 trang 18) ghi : Ngài Nghĩa tịnh năm 15 tuổi đã nuôi chí du học Ấn độ, nhưng năm 37 tuổi mới đi được. Ban đầu có đồng chí vài mươi người, nhưng rồi lui cả. Ngài phấn chí độc hành. Trải đủ gian nan hiểm nạn. Đến đâu cũng biết tiếng nói ở đó. Tù trưởng nào cũng trọng. Trải 25 năm, qua hơn 30 tiểu quốc, lưu học Na lan đà 10 năm. Khi về, mang theo Phạn bản kinh luật luận gần 400 bộ, dịch được 56 bộ, 230 cuốn (kiểm tra Chính 98/662 liệt kê thì 58 bộ, 236 cuốn). Sau ngài Huyền tráng chỉ một ngài này mà thôi. Ngài viết Đại đường tây vức cầu pháp cao tăng truyện, Nam hải ký qui truyện, Nội pháp truyện, toàn là sách quí về chưởng cố của Phật giáo. Cuốn hạ Cầu pháp truyện, nơi truyện Huyền lục, ngài tự thuật du tích khá rõ.

Bản dịch kinh này của ngài Nghĩa tịnh có 3 bản sớ giải. Trung hoa có bản của ngài Tuệ chiểu (số hiệu 1788), Nhật bản có 2 bản (các số hiệu 2196 và 2197). Dĩ nhiên bản của ngài Tuệ chiểu phải được tham khảo hơn cả. Tôi đã tham khảo bản này mà dịch. Về ngài Tuệ chiểu thì là tam truyền của ngài Huyền tráng, tác giả Duy thức liễu nghĩa đăng. Chính 98/659 ghi : Húy là Huyền, họ đời là Lưu, người Bành thành, ở chùa Đại vân thuộc Truy châu. Thâm đạt huyền chỉ Pháp tướng tông, viết nhiều sớ giải. Lại tham dự dịch trường của các ngài Nghĩa tịnh và Bồ đề lưu chí. Viên tịch năm 714. Vậy là dịch giả và sớ giả bản Sáu viên tịch cách nhau có 1 năm, lại cọng sự phiên dịch, thì bản sớ giải của ngài Tuệ chiểu được viết lúc ngài Nghĩa tịnh đang còn, chắc là như vậy.

Hai, tổng quan ngoại hình

(1)

Trước hết nên thu xếp 31 phẩm lại một chút.

Phần một là phẩm 1 “mở đầu pháp thoại”.

Phần hai là phẩm 2 “thọ lượng Thế tôn” và phẩm 3 “phân biệt ba thân” là nói pháp thân bất diệt.

Phần ba là phẩm 4 “âm thanh trống vàng”, phẩm 7 “hoa sen ca tụng” phụ thuộc phẩm 4, phẩm 5 “diệt trừ nghiệp chướng”, tất cả đều nói sám trừ ác nghiệp.

Phần bốn là phẩm 6 “minh chú tịnh địa” là nói 10 địa 10 độ.

Phần năm là phẩm 9 “trùng tuyên về Không” và phẩm 10 “mãn nguyện vì Không” là nói do Không mới sám trừ ác nghiệp và tu hành địa độ.

Phần sáu là phẩm 8 “minh chú Kim thắng”, phẩm 13 “minh chú Ly nhiễm”, phẩm 14 “ngọc báu Như ý”, là nói minh chú căn bản, nhất là phẩm 8 và phẩm 13.

Phần bảy là các phẩm 11 (phụ vào là phẩm 12), phẩm 15, phẩm 16 (phụ vào là phẩm 17), phẩm 18, phẩm 19, phẩm 22, tất cả là nói thiên thần hộ trì (chư thiên và thiện thần hộ trì cho nhân loại).

Phần tám là phẩm 20 “vương pháp chính luận” và phẩm 21 “Thiện sinh luân vương” là nói tư cách quốc trưởng.

Phần chín là phẩm 23 “thọ ký làm Phật”, phẩm 24 “chữa trị bịnh khổ” và phẩm 25 “truyện của Lưu thủy” là nói năng lực trì kinh (qua tiền thân).

Phần mười là phẩm 26 “xả bỏ thân mạng” nói một bồ tát hạnh của Phật.

Phần mười một là các phẩm 27, 28, 29 và 30, là nói sự tán dương Phật.

Phần mười hai là phẩm 31 “ký thác kinh vua”, kết thúc pháp thoại.

(2)

Tất cả 12 phần trên, trừ phần đầu và phần cuối, còn lại nên chia ra 2 bộ phận. Bộ phận chính thuyết, gồm có phần hai đến phần năm. Bộ phận phụ thuyết gồm 6 phần còn lại.

Bộ phận chính thuyết cốt nói sám hối, diệt trừ ác nghiệp, là vì bản thể là pháp thân trong sáng, vì ác nghiệp là Không. Cũng từ Không mà viên mãn thệ nguyện và hoàn thành 10 địa mà thực hiện pháp thân.

Bộ phận phụ thuyết nói uy linh của minh chú và sự hộ vệ của chư thiên thiện thần  ; nói tư cách, đặc biệt tư cách quốc trưởng, được sự hộ vệ ấy  ; nói vài tiền thân của Phật liên hệ kinh này. Tất cả đều cốt để duy trì và quảng bá kinh này (mà bộ phận chủ thuyết đã nói).

(3)

Tựu trung có vài chỗ cần nói. Phần bốn phẩm 6 nói số lượng chư Phật tuyên thuyết minh chú cho 10 địa có vẻ ước lệ quá. Đoạn nói sự trạng mà 10 địa thấy thì có mấy sự trạng hơi lạ.

Phần mười phẩm 26 nói tiền thân của Phật xả thân cho mẹ con cọp đói ăn. Về văn tự, phần chỉnh cú của phẩm này rõ ràng sao chép có phần thiếu thứ tự, hóa ra như có chỗ trùng lặp. Nhưng cái điều đáng nói là, qua chỉnh cú 80, 81 và 82, nói cọp mẹ sau là Đại thế chúa (?), 7 cọp con là 5 vị tỷ kheo đầu tiên và các ngài Xá lợi phất và Mục kiền liên, sự kết thúc này cho thấy hành động xả thân của Phật đã không là xúc động thiếu suy xét. Bởi vì, hoặc do quá chân thành mà cảm ra, hoặc do quá biết trước sẽ xảy ra, đàng nào việc Phật làm vẫn có hậu quả là cọp mẹ cọp con đều không còn là cọp nữa. Trước đó, trong văn trường hàng, đã thuật lời tiền thân của Phật, rằng “Ngày nay ta sai cái thân này làm cái việc cao cả. Trong biển sinh tử, nó phải là thuyền tàu to lớn”. Vậy thì tiền thân Phật xả thân không vì xúc cảm thiếu suy xét, càng không vì chán mình.

(4)

Kinh này dầu là loại hiển mật, nhưng hiển giáo vẫn là phần chính. Xét phần này thì thấy kinh này chịu ảnh hưởng rõ rệt, quá rõ rệt, của các kinh sau đây.

Trước hết là ảnh hưởng của Pháp hoa. Phần hai, với phẩm 2 và 3, cho thấy như vậy. Không những pháp thân bất diệt, mà báo thân cũng bất diệt. Phật bất diệt là như vậy.

Rồi đến ảnh hưởng của Bát nhã. Phần ba với phẩm 5, phần năm với phẩm 9 và phẩm 10, đích thị là chủ yếu của kinh này, mà căn bản là cái Không vừa siêu việt, vừa biện chứng, vừa tích cực.

Sau hết, ảnh hưởng cũng không nhỏ của kinh Giải thâm mật và kinh Duy ma cật. Không nói rải rác đây đó, mà chỉ nói phần bốn phẩm 6 và phần năm phẩm 10 cũng quá đủ để thấy ảnh hưởng ấy.

Tuy nhiên, tuy kinh này có đến 31 phẩm, qui nạp thành 12 phần, và chịu ảnh hưởng nhiều kinh, nhưng kinh này vẫn có tư tưởng hệ riêng và rõ, rất thống nhất và hoàn chỉnh.

Ba, tổng quan nội dung

(A/1)

Toàn bộ Phật giáo, bất kể nguyên thỉ, bộ phái hay đại thừa, đều rất trọng cái thân loài người. Nói tu theo Phật giáo là nói do cái thân người và do ý thức nơi thân ấy. Kinh này, trước hết, cũng là như vậy.

Không cần lặp lại, Phật tử thì ai cũng biết thân người dễ tu chứng, nhân loại là nơi Phật thị hiện thân Phật. Vì ở đây không quá khổ quá sướng, ở đây tư duy và hành động sắc bén, quả cảm. Nhưng kinh này còn nói rõ chính nơi cái thân ngũ uẩn mà phát hiện pháp thân và thực hiện pháp thân ấy.

Rõ ràng hơn nữa, kinh này nói “thân này thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả, tất cả toàn là dựa vào chân như, và nó thật khó mà nghĩ bàn. Thân này là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai” (phẩm 3). Câu đầu đoạn văn này phải giải thích. Bản thân thì thân này là thắng thân (cái thân đặc thù, hơn hết), làm cái dụng cụ chứa đựng Phật pháp. Yếu tố là thắng thiện (điều thiện đặc thù, hơn hết) đời trước làm nhân tố có ra thân này. Đối cảnh là trí tuệ và phước đức mà thân này vin lấy. Đối tượng là đối tượng tối thượng và tối hậu mà thân này nhắm đến, hoạt động theo, đó là đại bồ đề. Kết quả là sự đại giải thoát hội nhập chân như. Bản thân là dị thục quả, yếu tố là tăng thượng quả, đối cảnh là đẳng lưu quả, đối tượng là sĩ dụng quả, kết quả là ly hệ quả. Trọn vẹn kinh này, hay bất cứ kinh nào, nằm gọn như vậy trong cái thân này.

(A/2)

Dựa vào thân ấy mà kinh này nói về diệu pháp sám hối. Sám hối là chủ đề của kinh này. Sám hối là vì một, bản thể là bất diệt và hai, ác nghiệp vốn Không.

Bản thể bất diệt nghĩa là bản thể không sinh diệt, vốn và vẫn trong sáng. Bản thể ấy là chân như. Do vậy mà phải sám hối và có thể sám hối được. Tựa như trăng vốn và vẫn sáng, nên mây mù phải được, và có thể được, xua tan đi.

Bản thể ấy thực hiện là Phật. Nên Phật thì bất diệt, thọ lượng bất tận. Niết bàn chỉ là sự thị hiện vì cần phải thị hiện như vậy. Nhưng Phật bất diệt không phải chỉ là pháp thân bất diệt. Có 2 trường hợp nữa. Một, cái nhân thọ lượng bất diệt (bất sát và dữ thực) Phật rất viên mãn, nên báo thân của Phật là bất diệt. Phật thường ở Linh sơn, kinh Pháp hoa và kinh này đều nói minh bạch như vậy. Hai, Phật ở ngay cạnh ta. Ta không thấy được vì cái thấy của ta thấy sống thấy chết. Cái thấy ấy không thể thấy được cái không sống chết là Phật. Phật là thực tướng hiện tiền. Ác nghiệp diệt trừ thì đương xứ tiện thị, bản lai như thị.

(A/3)

“Thiện nam tử, tất cả các pháp sinh từ yếu tố tương quan  ; Như lai đã nói sự thể này sinh thì sự thể khác diệt, vì yếu tố khác biệt với nhau, nên sám hối sinh thì nghiệp chướng diệt. Do vậy, ác pháp đã có thì diệt trừ vì sự sám hối, nên nghiệp chướng không còn sót lại  ; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh vì sự sám hối, nên nghiệp chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử, tất cả các pháp toàn là Không  ; Như lai đã nói không ngã nhân chúng sinh thọ giả, không sinh không diệt, không cả hành pháp sám hối. Thiện nam tử, tất cả các pháp toàn dựa vào căn bản chân như, nên cũng không thể diễn tả — vì căn bản chân như thì siêu việt tất cả trạng thái sinh diệt. Thiện nam hay thiện nữ nào hội nhập diệu lý như vậy mà kính tin, thì thế là không chúng sinh mà có căn bản — Chính vì ý nghĩa này mà nói đến sự sám hối, diệt trừ nghiệp chướng” (phẩm 5). Chưa kinh luận nào có văn ý đơn giản mà rõ ràng như đoạn văn này, nói về sự sám hối, về Không trong sự sám hối. Cái Không ấy vừa là siêu việt, vừa là biện chứng, lại vừa là tích cực. Cái Không tích cực là “vì Không mà các pháp được thành tựu”, nên kinh này nói 10 địa độ, nói “mãn nguyện vì Không”.

Và như vậy thì nội dung bộ phận chủ thuyết của kinh này có thể tạm ngừng ở đây. Dưới đây là nội dụng bộ phận phụ thuyết.

(B/1)

Có cái điều này chẳng phải chỉ là nội dung của bộ phận phụ thuyết, mà là chủ yếu của trọn kinh này. Ấy là kinh này rất trọng cái gọi là thắng diệu lạc : hạnh phúc đặc thù và tuyệt hảo trong nhân loại và chư thiên, nhưng đặc biệt vẫn là trong nhân loại. Rất giống kinh Địa tạng, kinh này đề cao thắng diệu lạc từ đầu đến cuối. Kinh này không nói gì cao xa, chỉ nói sự yên ổn, yên vui, nhất là sự yên vui của quốc gia. Tiền tài, danh vọng, kinh này không khinh thị. Nhưng thắng diệu lạc, trước hết, vẫn là thoát ly “cái khổ trong lĩnh vực Diêm vương”, trong các ác đạo.

Thế nhưng thắng diệu lạc là xuất từ kinh này và có khả năng theo kinh này. Thắng diệu lạc không có cho ai có khả năng vì thắng diệu lạc mà làm trái kinh này. Cho nên tiền tài, danh vọng, nói rộng ra cho đến nền thanh bình của một quốc gia, không thể có được từ những nguyên nhân và dẫn đến hậu quả phi chánh pháp. Minh chú và chư thiên thiện thần không giúp được ước vọng thắng diệu lạc phi thực chất thắng diệu lạc.

Điều cần nói thêm là thắng diệu lạc của một quốc gia thực chất phải là hoán cải theo chánh pháp. Trong thực chất ấy, rõ hơn bất cứ kinh luận nào, kinh này đối với nền an ninh quốc gia không phủ nhận mà trái lại còn đề cao quân lực, đề cao chiến đấu, và chiến đấu thành công, trong sự tự vệ. Kinh này phủ nhận hoàn toàn sự xâm lăng, bành trướng, chấp nhận rõ ràng các quốc gia phải sống hòa bình tương nhượng, nên nếu bị giặc thù xâm lăng thì sự chống trả được hỗ trợ.

Nhưng trên đây chỉ mới nói giặc. Không thắng diệu lạc còn có 2 sự nữa được kinh này luôn luôn nêu lên, ấy là đói (nhân mãn) và dịch (truyền nhiễm). Không một chút khó khăn gì để thấy tại sao kinh này quan tâm đến 2 điều này.

(B/2)

Nhưng thắng diệu lạc của quốc dân và quốc gia tùy thuộc, nếu không hoàn toàn thì cũng là chủ yếu, vào chức vị nguyên thủ. Chức vị đó được gọi là quốc vương, hay là gì, chỉ là vì thể chế, nhưng thực sự vẫn chịu trách nhiệm đối với quốc dân và quốc gia. Kinh này, vì vậy, nói khá nhiều về quốc vương.

Căn bản của quốc vương là phục vụ quốc dân và quốc gia bằng sự áp dụng chánh pháp cho bản thân, thân quyến và quốc dân. Ông phải tự cấm và tự trừng trị ông, phải cấm và từng trị những kẻ gian tham và dua nịnh. Ông không được để những kẻ này phá hoại quốc gia và quốc dân như những con voi điên dẫm đạp hoa viên. Ông không đáng gọi là quốc vương nếu không áp dụng chánh pháp, trừng trị phi pháp. Ông phải tự làm và làm cho quốc dân “hướng về nhau bằng từ tâm”. Nếu ông là một quốc vương xứng danh và thực như vậy thì quốc dân và quốc gia của ông thịnh vượng vì quân lực, vì thương nghiệp và nông nghiệp, không thể bị hoành hành vì giặc, đói và bịnh.

(B/3)

Kinh này dĩ nhiên đề cao sự hộ vệ của chư thiên thiện thần. Chư thiên và thiện thần kinh này nói mà ít thấy ở kinh khác, đó là Phạn vương, Đế thích, Thiên vương, Đại biện tài thiên nữ, Đại cát tường thiên nữ, Kiên lao địa thần, Bồ đề thọ thần, Chánh liễu tri đại tướng. Hãy chú ý vị cuối cùng. Đấy là đại tướng thủ lãnh của bộ loại Dược xoa. Dược xoa là Kim cang quyến thuộc, trong Mật tông thì thống thuộc Kim cang tạng bồ tát (Phổ hiền bồ tát của Hiển giáo). Bộ loại Dược xoa mạnh, nhanh, bí mật, do nghiệp lực mà có cũng có, do nguyện lực mà có cũng có. Bộ loại này được nói đến trong sự hộ trì kinh chú và người trì kinh chú, trong sự hộ vệ quốc gia và quốc dân.

Đặc điểm kinh này nói về thiên và thần là giữa họ với nhân loại có sự tương quan. Ấy là nhân loại sống theo chánh pháp thì họ được nhờ và họ hộ vệ. Phải chú ý sự tương quan này mới nói đến sự hộ vệ của chư thiên thiện thần.

Đương cơ của kinh này là Diệu tràng, một vị bồ tát người thành Vương xá. Trong danh sách bồ tát loài người, thời Phật, phải kê thêm tên vị này. Và thật là dễ hiểu khi thấy đặc tính nhân bản rất rõ và nhất quán của kinh này.

12.1.2538

[Hết phần Tổng Quan do Ngài Thích Trí Quang chắp bút]

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Nghi Thức Sám Hối Đơn Giản Trước Khi Tụng Kinh


[Phần này mượn phần thâu âm của Thy Mai [Trung Tâm Diệu Pháp Âm]

Một

Nếu không phải ăn chay trường thì nên chọn ngày ăn chay. Phải đánh răng, súc miệng, tắm rửa, thay đồ sạch. Chưng hoa quả nếu có, thắp hương đèn. Rồi đứng nghiêm chỉnh, chắp tay, lắng lòng trong nửa phút, đọc chú tịnh pháp giới Án lam sa ha 7 lần, chú tịnh tam nghiệp Án sa phạ bà phạ, thuật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám cũng 7 lần, rồi quì xuống, đọc lời cúng hương :

Nguyện hương vân này
khắp cả pháp giới,
hiến cúng chư Phật
hiến cúng Phật pháp
hiến cúng Bồ tát
Độc giác Thanh văn,
duyên khởi ánh sáng
thi thố việc Phật :
xông cho chúng sinh
phát tâm bồ đề,
viễn ly vọng nghiệp
viên thành Phật đạo.

Xá 1 xá rồi tác bạch lời cầu nguyện :

Hôm nay con tên XX, pháp danh XX, nguyện vì bản thân, vì thân nhân, vì mọi người, vì chúng sinh, mà trì tụng kinh Ánh sáng hoàng kim. Trước khi trì tụng, con xin sám hối y như kinh dạy.

Chú ý : vì thân nhân và vì mọi người là nói chung. Khi vì ai đích thị thì phải nói tên ra.

Hai

Trước hết kính lạy Tam bảo : Nhất tâm đảnh lễ giáo chủ kinh Ánh sáng hoàng kim là đức Bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn, cùng với hết thảy Phật bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh lễ kinh Ánh sáng hoàng kim cùng với hết thảy Pháp bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh lễ liệt vị Bồ tát Độc giác Thanh văn trong pháp hội Ánh sáng hoàng kim, cùng với hết thảy Tăng bảo (1 lạy).

Rồi quì xuống đọc 3 lần lời sám hối sau đây : Kính lạy đức Thích ca mâu ni, bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, là đấng Thế tôn của con. Xin đức Thế tôn từ bi nhiếp thọ cho con, chứng minh cho con sám hối ác nghiệp. Vì hoặc chướng và vì báo chướng, con đã tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng. Thân làm, miệng nói, ý nghĩ, toàn là phi chánh pháp. Ngày nay con xin sám hối tất cả, nguyện cắt đứt sự liên tục của ác nghiệp. Ngưỡng nguyện Thế tôn da trì cho con vượt qua mọi nghịch cảnh, thắng được mọi thói quen, chí hướng thượng không thoái lui, tâm tu hành không suy giảm, trừ sạch nghiệp chướng, thể hội pháp thân. Con lại xin thay cho cha mẹ thân nhân, thay cho đa sinh phụ mẫu, thay cho mọi người, thay cho chúng sinh, mà sám hối như vậy. Ngưỡng mong Thế tôn, bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, từ bi da trì cho sự sám hối của con được thành tựu.

Đứng dậy lạy Phật :

Kính lạy đức Thích ca mâu ni như lai,
Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
Kính lạy đức A di đà như lai ở hướng tây,
Kính lạy đức Thiên cổ âm như lai ở hướng bắc,
Kính lạy đức Quảng chúng đức như lai ở hướng trên,
Kính lạy đức Minh đức như lai ở hướng dưới,
Kính lạy đức Bảo tạng như lai,
Kính lạy đức Phổ quang như lai,
Kính lạy đức Phổ minh như lai,
Kính lạy đức Hương tích vương như lai,
Kính lạy đức Liên hoa thắng như lai,
Kính lạy đức Bình đẳng kiến như lai,
Kính lạy đức Bảo kế như lai,
Kính lạy đức Bảo thượng như lai,
Kính lạy đức Bảo quang như lai,
Kính lạy đức Vô cấu quang minh như lai,
Kính lạy đức Biện tài trang nghiêm tư duy như lai,
Kính lạy đức Tịnh nguyệt quang xưng tướng vương như lai,
Kính lạy đức Hoa nghiêm quang như lai,
Kính lạy đức Quang minh vương như lai,
Kính lạy đức Thiện quang vô cấu xưng vương như lai.
Kính lạy đức Quan sát vô úy tự tại vương như lai,
Kính lạy đức Vô úy danh xưng như lai,
Kính lạy đức Tối thắng vương như lai,
Kính lạy hết thảy các đức Như lai,
Kính lạy đức Quan tự tại đại bồ tát,
Kính lạy đức Địa tạng đại bồ tát,
Kính lạy đức Hư không tạng đại bồ tát,
Kính lạy đức Diệu cát tường đại bồ tát,
Kính lạy đức Kim cang thủ đại bồ tát
Kính lạy đức Phổ hiền đại bồ tát,
Kính lạy đức Vô tận ý đại bồ tát,
Kính lạy đức Đại thế chí đại bồ tát,
Kính lạy đức Từ thị đại bồ tát,
Kính lạy đức Thiện tuệ đại bồ tát,
Kính lạy tất cả các vị Bồ tát, Độc giác, Thanh văn.

Ba

Ngồi xuống tụng kinh Ánh sáng hoàng kinh. Tụng theo cuốn hay tụng theo phẩm. Mỗi lần tụng đều mở đầu bằng nghi thức này, cho đến hết bộ. Nếu muốn mỗi ngày tụng 1 lần, tụng thường xuyên, thì có thể chỉ tụng phẩm Diệt trừ nghiệp chướng (cuốn 3 phẩm 5). Khi tụng cũng mở đầu bằng nghi thức này. Bắt đầu tụng thì niệm 3 lần Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn.

Bốn

Tụng kinh rồi trì minh chú Kim thắng : Nam mô, rát na, tra da da, tát da tha, kun tê, kun tê, ku sá tê, ku sá lê, ku sá lê, ích chi li, mi ti li, soa ha. Chú ý : tra da da, chữ tra đọc theo vần Pháp văn (tr-a). Trì minh chú này 7 lần, 21 lần, 49 lần, hay hơn nữa tùy ý.

Năm

Rồi hồi hướng : Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo. Và tam tự qui : Tự qui y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. Tự qui y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

[Hết phần Nghi Thức Sám Hối Trước Khi Tụng Kinh do Ngài Thích Trí Quang soạn thảo ]

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Nội dung sách: | Mục Lục | Tổng Quan | Nghi Thức Sám Hối | Chánh Văn | Ghi chú |

CHÁNH VĂN KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM

 [NGÀY 1]

Cuốn 1

Phẩm 1: Mở đầu pháp thoại


[Thâu Âm ngày 1, Hồng như đọc]

Tôi nghe như vầy. Một thời đức Thế tôn, tại đỉnh Thứu phong thuộc thành Vương xá, Ngài ở nơi pháp giới rất trong sáng, rất sâu xa. Pháp giới ấy là lĩnh vực của Phật đà, là trú xứ của Thế tôn.

Bấy giờ chúng đại bí sô có chín mươi tám ngàn vị, toàn là a la hán ; khéo tự thuần hóa, in như voi chúa  ; sơ hở đã hết, không còn phiền não ; tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát ; việc làm hoàn tất, bỏ mọi gánh nặng ; đạt đến tự lợi, hết sạch kiết sử ; được đại tự tại, ở trong tịnh giới ; phương tiện khéo léo, tuệ giác trang nghiêm ; được tám giải thoát, đến bờ bên kia. Danh hiệu các vị là

cụ thọ A nhã kiều trần như,
cụ thọ A thuyết thị đa,
cụ thọ Bà thấp ba,
cụ thọ Ma ha na ma,
cụ thọ Bà đế lị ca,
tôn giả Đại ca nhiếp ba,
tôn giả Ưu lâu tần loa ca nhiếp,
tôn giả Dà da ca nhiếp,
tôn giả Na đề ca nhiếp,
tôn giả Xá lị tử,
tôn giả Đại mục kiền liên,
tôn giả A nan đà, người ở vị trí đang còn tu học.

Các vị đại thanh văn như vậy, sau lúc quá trưa cùng xuất định, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía.

Chúng đại bồ tát trăm ngàn vạn ức vị, có uy đức lớn, như đại long vương ; tiếng khen vang khắp, ai cũng biết đến ; thường thích phụng hành tịnh thí tịnh giới ; nhẫn nhục tinh tiến qua vô số kiếp ; vượt mọi thiền định, tâm ở trước mắt ; mở cửa tuệ giác, thiện dụng phương tiện ; tự tại du hành thần thông vi diệu ; thành đạt tổng trì, hùng biện vô tận ; cắt đứt phiền não, hệ lụy không còn ; đã gần thành đạt trí tuệ toàn giác ; chế ngự ngoại đạo cho sinh tịnh tâm ; chuyển đẩy pháp luân, hóa độ người trời ; mười phương cõi Phật đều trang hoàng cả ; sáu nẻo hữu tình đều nhờ ích lợi ; thành tựu đại trí, viên mãn đại nhẫn ; có tâm đại từ bi, có lực đại kiên cố ; phụng sự chư Phật, không nhập niết bàn ; phát nguyện rộng lớn, cùng tận vị lai ; nơi các đức Phật trồng sâu tịnh nhân ; cả ba thì gian ngộ vô sinh nhẫn ; vượt qua lĩnh vực nhị thừa bước đi ; đem đại thiện phương tiện mà hóa đạo thế giới ; phu diễn được hết giáo huấn của Phật ; với đạo lý Không sâu xa bí mật, đều thấu triệt cả không còn nghi hoặc. Danh hiệu các vị là

bồ tát Vô chướng ngại chuyển pháp luân,
bồ tát Thường phát tâm chuyển pháp luân,
bồ tát Thường tinh tiến,
bồ tát Bất hưu tức,
bồ tát Từ thị,
bồ tát Diệu cát tường,
bồ tát Quan tự tại,
bồ tát Tổng trì tự tại vương,
bồ tát Đại biện trang nghiêm vương,
bồ tát Diệu cao sơn vương,
bồ tát Đại hải thâm vương,
bồ tát Bảo tràng,
bồ tát Đại bảo tràng,
bồ tát Địa tạng,
bồ tát Hư không tạng,
bồ tát Bảo thủ tự tại,
bồ tát Kim cang thủ,
bồ tát Hoan hỷ lực,
bồ tát Đại pháp lực,
bồ tát Đại trang nghiêm quang,
bồ tát Đại kim quang trang nghiêm,
bồ tát Tịnh giới,
bồ tát Thường định,
bồ tát Cực thanh tịnh tuệ,
bồ tát Kiên cố tinh tiến,
bồ tát Tâm như hư không,
bồ tát Bất đoạn đại nguyện,
bồ tát Thí dược,
bồ tát Liệu chư phiền não bịnh,
bồ tát Y vương,
bồ tát Hoan hỷ cao vương,
bồ tát Đắc thượng thọ ký,
bồ tát Đại vân tịnh quang,
bồ tát Đại vân trì pháp,
bồ tát Đại vân danh xưng hỷ lạc,
bồ tát Đại vân hiện vô biên xưng,
bồ tát Đại vân sư tử hống,
bồ tát Đại vân ngưu vương hống,
bồ tát Đại vân cát tường,
bồ tát Đại vân bảo đức,
bồ tát Đại vân nhật tạng,
bồ tát Đại vân nguyệt tạng,
bồ tát Đại vân tinh quang,
bồ tát Đại vân hỏa quang,
bồ tát Đại vân điện quang
bồ tát Đại vân lôi âm,
bồ tát Đại vân tuệ vũ sung biến,
bồ tát Đại vân thanh tịnh vũ vương,
bồ tát Đại vân hoa thọ vương,
bồ tát Đại vân thanh liên hoa hương,
bồ tát Đại vân bảo chiên đàn hương thanh lương thân,
bồ tát Đại vân trừ ám,
bồ tát Đại vân phá ế.

Các vị đại bồ tát như vậy, sau lúc quá trưa cùng xuất định, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía.

Lại có năm trăm tám ngàn đồng tử Lê xa tì, tên là

đồng tử Sư tử quang,
đồng tử Sư tử tuệ,
đồng tử Pháp thọ,
đồng tử Nhân đà ra thọ,
đồng tử Đại quang,
đồng tử Đại mãnh,
đồng tử Phật hộ,
đồng tử Pháp hộ,
đồng tử Tăng hộ,
đồng tử Kim cang hộ,
đồng tử Hư không hộ,
đồng tử Hư không hống,
đồng tử Bảo tạng,
đồng tử Cát tường diệu tạng.

Những đồng tử như vậy làm người đứng đầu. Họ cùng đứng vững nơi vô thượng giác, thâm tín vui thích đối với đại thừa. Sau lúc quá trưa họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có bốn mươi hai ngàn thiên tử, tên là

thiên tử Hỷ duyệt,
thiên tử Nhật quang,
thiên tử Nguyệt kế,
thiên tử Minh tuệ,
thiên tử Hư không tịnh tuệ,
thiên tử Trừ phiền não,
thiên tử Cát tường.

Những thiên tử như vậy làm người đứng đầu. Họ phát đại nguyện hộ vệ đại thừa, làm cho chánh pháp rực rỡ liên tục. Sau lúc quá trưa, họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có hai mươi tám ngàn long vương,

long vương Liên hoa,
long vương Ế la diệp,
long vương Đại lực,
long vương Đại hống,
long vương Tiểu ba,
long vương Trì sử thủy,
long vương Kim diện,
long vương Như ý.

Những long vương như vậy làm người đứng đầu. Họ thường thích nhớ chánh pháp đại thừa, tin tưởng sâu xa, tán dương duy trì. Sau lúc quá trưa, họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có ba mươi sáu ngàn Dược xoa, đứng đầu bởi Tì sa môn thiên vương, tên của họ là

dược xoa Yêm bà,
dược xoa Trì yêm bà,
dược xoa Liên hoa quang tạng,
dược xoa Liên hoa diện,
dược xoa Tần mi,
dược xoa Hiện đại bố,
dược xoa Động địa,
dược xoa Thôn thực.

Những dược xoa như vậy ưa thích chánh pháp của đức Thế tôn, chân thành duy trì, không hề giải đãi. Sau lúc quá trưa, họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải, rồi lui ra cùng ngồi một phía. Có bốn mươi chín ngàn yết lộ trà vương, đứng đầu bởi Hương tượng thế lực vương ; có kiền thát bà, a tô la, khẩn na la, mạc hô lạc dà, vân vân ; có các thần tiên rừng núi sông biển ; có quốc vương của các quốc gia lớn, được tháp tùng bởi hoàng hậu hoàng phi ; có nam nữ đức tin trong sáng. Các chúng nhân loại và chư thiên cùng đến vân tập, cùng nguyện hộ vệ đại thừa tối thượng, đọc xét văn nghĩa, tụng tập thuộc lòng, học hỏi tiếp nhận, nắm giữ trong trí, sao chép lưu thông ([1]). Sau lúc quá trưa, họ đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài, đi quanh Ngài ba vòng theo chiều phải, rồi lui ra cùng ngồi mỗi chúng một phía.

Đại hội như vậy, bao gồm thanh văn, bồ tát, nhân loại, chư thiên, tám bộ long thần, vân tập cả rồi, ai cũng nhất tâm, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Thế tôn, mắt không rời Ngài. Họ thích thú muốn nghe chánh pháp siêu việt, nhiệm mầu.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
    • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Nội dung sách: | Mục Lục | Tổng Quan | Nghi Thức Sám Hối | Chánh Văn | Ghi chú |

— [NGÀY 2] —

Lúc ấy đức Thế tôn, sau lúc quá trưa, xuất khỏi thiền định, quan sát đại hội mà nói những lời chỉnh chú sau đây.

(1) Ánh sáng hoàng kim,
bản kinh nhiệm mầu,
siêu việt hơn hết,
vua của các kinh.
Kinh ấy rất sâu,
khó mà được nghe ;
kinh ấy chính là
lĩnh vực của Phật.

(2- 3) Như lai ngày nay
sẽ tuyên thuyết đến
bản kinh như vậy
cho cả đại hội.
Hướng đông có đức
A súc như lai,
hướng nam có đức
Bảo tướng như lai,
Như lai hướng tây
là Vô lượng thọ,
Như lai hướng bắc
là Thiên cổ âm,
bốn đức Như lai
bốn hướng như vậy
cùng đem uy thần
hộ trì kinh này.

(4) Như lai sẽ nói
pháp mầu sám hối,
pháp ấy cát tường
pháp ấy thù thắng.
Năng lực pháp ấy
diệt mọi tội ác,
loại trừ sạch sẽ
những hành vi ác,

(5) tiêu tan mọi nỗi
khổ não tai họa,
thường xuyên đem lại
yên vui khó lường.
Căn bản pháp ấy
là nhất thế trí,
và được trang hoàng
bởi bao phẩm chất.

(6) Những ai cơ thể
không được hoàn hảo,
đời sống sắp sửa
đi đến hủy diệt,
những sự đáng sợ
đã biến hiện ra,
chư thiên thiện thần
cùng lánh xa cả.

(7) Thân hữu tức giận,
thân quyến phân ly,
mọi phía chống nhau,
sản vật tan tác,

(8) ác tinh tác quái,
tà độc xâm phạm,
ưu sầu quá nhiều,
khổ não lại ép,

(9) ngủ nghỉ ác mộng
từ đó phiền não.
Người ấy phải nên
tắm rửa sạch sẽ,
và mặc y phục
sạch sẽ tinh khiết.

(10) Đối với kinh này
bản kinh mầu nhiệm,
rất mực sâu xa
Như lai ca tụng,
hãy nên chuyên chú
lòng không tán loạn,
nghiên cứu, tụng thuộc,
lắng nghe, tiếp nhận,
nắm giữ trong trí
chuyên tâm phụng trì.

(11) Thì nhờ uy lực
của kinh pháp này
mà được tách rời
mọi sự tai họa,
bao nỗi khổ sở
cùng trừ diệt cả.

(12) Bốn vị thiên vương
hộ vệ thế giới,
cùng với đại thần
tùy thuộc của họ,
vô lượng dược xoa
nhất tâm hộ vệ.

(13 – 14) Lại có thiên nữ
tên Đại biện tài,
thần sông Ni liên,
thần mẹ Ha lị,
địa thần Kiên lao,
Phạn vương, Đế thích,
cùng với long vương,
và khẩn na la,
kim sí điểu vương,
tu la, chư thiên.

(15) Bao nhiêu chư thiên
thần chúng như vầy
ai cũng đem theo
tùy tùng của mình,
cùng đến hộ vệ
cho người như vậy,
cả ngày liền đêm
thường không tách rời

(16) Như lai sẽ nói
về kinh pháp này,
bản kinh rất sâu,
chỗ Như lai đi,
và là mật giáo
của chư Như lai,
ngàn vạn đời kiếp
khó mà gặp được.

(17) Ai nghe kinh này,
đem nói cho người,
hay sinh tùy hỷ
hoặc thiết cúng phẩm,

(18) thì người như vậy
sẽ vô lượng kiếp
được các thiên nhân
long thần kính trọng.

(19) Cái khối phước đức
nhiều hơn hằng sa,
nghiên cứu, tụng thuộc
kinh pháp như vầy,
thì sẽ có được
khối phước đức ấy,

(20) được chư Thế tôn
khắp trong mười phương,
được chư Bồ tát
tu hành sâu xa,
cùng hộ trì cho
tách rời khổ nạn.

(21) Hiến cúng kinh này
thì như đã nói
tắm rửa sạch sẽ,
phụng hiến hoa hương,
khởi ý từ bi
vì người phụng hiến.

(22) Muốn nghe kinh này
tâm phải sạch sẽ,
thường sinh hoan hỷ
lớn thêm công đức.

(23) Đem lòng tôn trọng
mà nghe kinh này,
thì thế chính là
khéo làm thân người,
rời xa mọi nỗi
khổ não tai nạn.

(24) Kẻ ấy thiện căn
đã là thuần thục,
được chư Như lai
cùng nhau ca tụng,
mới nghe kinh này
và sám pháp này.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Nội dung sách: | Mục Lục | Tổng Quan | Nghi Thức Sám Hối | Chánh Văn | Ghi chú |

— [NGÀY 3] —

Phẩm 2 – Thọ Lượng Thế Tôn

Trong thành Vương xá có vị bồ tát tên Diệu tràng ([2]), đã ở nơi quá khứ vô lượng chư Phật phụng sự, hiến cúng, trồng các thiện căn. Bấy giờ bồ tát Diệu tràng một mình ở chỗ thanh vắng, nghĩ rằng, vì lý do nào mà đức Thích ca thế tôn thọ lượng ngắn ngủi, chỉ tám mươi năm. Lại nghĩ, như đức Thế tôn dạy, có hai lý do được thọ lượng lâu dài. Hai lý do ấy là gì, một là không hại sinh mạng, hai là hiến cho ẩm thực. Mà đức Thích ca thế tôn thì đã vô số đại kiếp không hại sinh mạng, làm mười thiện nghiệp ; lại thường đem ẩm thực hiến cho chúng sinh đói khát, thậm chí máu thịt xương tủy của mình cũng đem mà cho, huống chỉ ẩm thực.

Khi bồ tát Diệu tràng nghĩ về đức Thế tôn như vậy thì, do uy lực của Ngài, phòng ông bỗng nhiên rộng lớn, đẹp và sạch, với những thứ ngọc đế thanh lưu ly màu sắc xen nhau mà trang hoàng, in như tịnh độ của chư Phật. Có hơi thơm tuyệt diệu, quá hơn hương liệu chư thiên, thơm tho khắp cả. Bốn phía phòng ấy có bốn bảo tọa sư tử, thượng hạng và tinh hảo, được tạo thành bởi bốn loại ngọc. Ở trên bảo tọa trải vải quí của chư thiên. Bốn bảo tọa đều xuất hiện hoa sen tuyệt diệu, trang sức bằng những thứ ngọc quí, tầm cỡ tương xứng với các đức Thế tôn. Trên bốn hoa sen có bốn đức Thế tôn : Bất động thế tôn ở phương đông, Bảo tướng thế tôn ở phương nam, Vô lượng thọ thế tôn ở phương tây, Thiên cổ âm thế tôn ở phương bắc. Mỗi đức Thế tôn cùng ngồi xếp bằng trên một bảo tọa, phóng ánh sáng lớn chiếu rực cả thành Vương xá, cả đại thiên thế giới, cả mười phương hằng sa cõi Phật. Thiên hoa mưa xuống, thiên nhạc tấu lên. Bấy giờ trong Thiệm bộ châu và đại thiên thế giới, bao nhiêu chúng sinh đều nhờ uy lực của chư vị Thế tôn mà hưởng được cái vui siêu việt, tinh tế, không thiếu gì cả. Ai cơ thể bất toàn thì toàn hảo. Ai mù thì thấy đuợc. Ai điếc thì nghe được. Ai ngọng thì nói được. Ai ngu thì khôn. Ai điên thì tỉnh. Ai rách rưới thì được y phục. Ai bị khinh ghét thì được kính trọng. Ai dơ bẩn thì được thanh khiết. Thế giới này, bao chuyện hiếm có đều diễn ra.

Bấy giờ bồ tát Diệu tràng thấy bốn đức Thế tôn và bao điều hiếm có thì vui mừng hết sức, chắp tay, nhất tâm, chiêm ngưỡng tướng hảo thù thắng của các Ngài. Bồ tát lại nghĩ đến công đức vô lượng của đức Thích ca thế tôn, chỉ hoài nghi về thọ lượng của Ngài, rằng tại sao Thế tôn công đức vô lượng mà thọ lượng ngắn ngủi, chỉ có tám thập kỷ  ? Lúc ấy bốn đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, thiện nam tử, ông không nên nghĩ Thích ca như lai thọ lượng dài ngắn. Tại sao  ? Vì, thiện nam tử, chư Như lai không thấy chư thiên, nhân loại, phạn vương, ma vương, sa môn, bà la môn, tất cả nhân loại và phi nhân loại, có ai tính mà biết được giới hạn thọ lượng của đức Thích ca như lai, trừ ra các bậc Vô thượng biến giác. Bốn đức Thế tôn muốn nói thọ lượng của đức Thích ca thế tôn. Do uy lực của các Ngài, chư thiên cõi Dục và cõi Sắc, tám bộ long thần, vô số bồ tát cùng đến vân tập trong cái phòng tuyệt diệu của bồ tát Diệu tràng. Đối với đại hội như vậy, bốn đức Thế tôn muốn hiển thị thọ lượng của đức Thích ca thế tôn nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Biết được số giọt
nước các biển cả,
mà không thể biết
thọ lượng Thích tôn.

(2) Nghiền núi Tu di
thành những hạt cải,
số hạt cải ấy
có thể biết được,
mà không biết được
thọ lượng Thích tôn.

(3) Có thể biết được
số bụi đại địa,
không thể đếm biết
thọ lượng Thích tôn.

(4) Lường tính không gian
biết được biên tế,
mà không lường nổi
thọ lượng Thích tôn.

(5) Nếu ai sống đến
trăm ngàn đời kiếp,
tận lực thường xuyên
dùng toán mà tính,
cũng không biết được
thọ lượng Thích tôn.

(6) Không hại sinh mạng,
hiến cho ẩm thực,
chính do hai loại
diệu nhân như vậy
làm cho đạt được
thọ lượng lâu dài.

(7) Do đó thọ lượng
của bậc Đại giác
khó có người nào
biết được số lượng.
Tựa như thì gian ([3])
vô cùng vô tận,
thọ lượng Thích tôn
cũng y như thế.

(8) Diệu tràng, nên biết :
không nên hoài nghi ;
thọ lượng các đấng
Siêu việt bậc nhất,
không một người nào
biết được số lượng.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 4] —

Lúc ấy bồ tát Diệu tràng nghe bốn đức Thế tôn nói thọ lượng bất tận của đức Thích ca thế tôn, thì tác bạch như vầy, kính bạch chư vị Thế tôn, tại sao đức Thích ca thế tôn thị hiện thọ lượng ngắn ngủi  ? Bốn đức Thế tôn dạy bồ tát Diệu tràng, thiện nam tử, khi đức Thích ca thế tôn xuất hiện trong giai đoạn đủ cả năm thứ dơ bẩn, thì thọ lượng nhân loại chỉ trên dưới bách kỷ, bẩm tính thấp hèn, thiện căn kém mỏng, không tin hiểu gì. Nhân loại như vậy đa số quan niệm bản ngã, quan niệm sinh thể, quan niệm linh hồn ; quan niệm tồn tại — những quan niệm bồi dưỡng, quan niệm sai lầm — quan niệm bản ngã và sở hữu của bản ngã, quan niệm vĩnh hằng, quan niệm hư vô ([4]). Để lợi ích cho những kẻ dị sinh và dị giáo như vậy, làm cho họ phát sinh lý giải chính xác, mau chóng đạt đến tuệ giác tối thượng, nên đức Thích ca như lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi. Thiện nam tử, đức Thích ca như lai muốn làm cho chúng sinh thấy Ngài niết bàn để sinh ý tưởng khó gặp, ý tưởng lo lắng ; đối với kinh pháp Ngài nói, họ lo cấp tốc tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc cho thông suốt, đem nói cho người, không hề khinh thường. Vì muốn như vậy mà đức Thích ca như lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi. Lý do ở đây là, chúng sinh như đã nói ở trước, nếu thấy đức Thích ca như lai không nhập niết bàn, thì không có ý tưởng kính trọng, khó gặp ; đối với kinh pháp sâu xa mà Ngài tuyên thuyết cũng không lo tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc cho thông suốt, và đem nói cho người. Tại sao như vậy, vì thường xuyên thấy Phật thì không kính trọng nữa. Thiện nam tử, ví như có kẻ thấy cha mẹ mình có lắm của cải vàng ngọc thì, đối với tài sản ấy, người con không sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp, tại sao, vì đối với cha mẹ, và tài sản của cha mẹ, người con có ý tưởng còn mãi. Thiện nam tử, chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy đức Thích ca như lai không nhập niết bàn thì không sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp, lý do là vì thường thấy. Thiện nam tử, ví như có kẻ cha mẹ nghèo nàn, thiếu thốn tài sản, người con nghèo thiếu đến cung vua chúa hay đến dinh đại thần, thấy tài sản tràn đầy, thì sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp. Người con này muốn có tài sản nên làm lụng đủ cách, siêng năng không nhác, lý do là để hết nghèo nàn, hưởng an lạc. Thiện nam tử, chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy đức Thích ca như lai nhập vào niết bàn mới có ý tưởng khó gặp, ý tưởng lo lắng. Họ nghĩ, vô số kiếp Phật mới xuất hiện, như hoa ô đàm lâu lắm mới có một lần. Nghĩ vậy nên họ có ý tưởng hiếm có, ý tưởng khó gặp. Và gặp Phật thì tôn kính, tin tưởng, nghe Ngài thuyết pháp thì có ý tưởng nói thật, bao nhiêu kinh pháp đều tiếp nhận, ghi nhớ, chớ không khinh thường. Thiện nam tử, vì lý do đã nói trên đây mà đức Thích ca như lai không ở đời lâu dài, niết bàn mau chóng. Thiện nam tử, như thế đó, chư vị Như lai áp dụng phương tiện khéo léo mà tác thành chúng sinh. Nói như vậy rồi, bốn đức Thế tôn bỗng nhiên ẩn mất.

Bấy giờ bồ tát Diệu tràng cùng với vô lượng bồ tát, và vô số chúng sinh, cùng nhau đi đến trên đỉnh Thứu phong, chỗ đức Thích ca thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài rồi đứng qua một bên. Bồ tát Diệu tràng đem sự thể trên đây trình bạch đầy đủ với đức Thế tôn. Lúc ấy bốn đức Thế tôn cũng đã đến Thứu phong, chỗ đức Thích ca thế tôn. Tùy phương hướng của mình, các Ngài đến bảo tọa mà ngồi, rồi bảo vị bồ tát thị giả, rằng thiện nam tử, ông hãy đến chỗ đức Thích ca như lai, thay lời Như lai mà vấn an Ngài, rằng Ngài ít bịnh ít phiền, cử động linh hoạt, sống yên vui chăng. Ông lại tác bạch như vầy : Lành thay đức Thế tôn, xin Ngài nay có thể tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim, pháp yếu cực sâu, để lợi ích chúng sinh, loại bỏ đói khát, làm cho yên vui. Đức Thế tôn của con xin tùy hỷ việc này. Các vị thị giả cùng đến chỗ đức Thích ca thế tôn, đảnh lễ hai chân của Ngài, rồi đứng qua một bên, cùng tác bạch rằng, bạch đức Thế tôn, đức Thầy trời người của chúng con vấn an vô lượng, rằng Ngài ít bịnh ít phiền, cử động linh hoạt, sống yên vui chăng. Các vị thị giả lại tác bạch như vầy : Lành thay đức Thế tôn, xin Ngài nay có thể tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim, pháp yếu cực sâu, để lợi ích chúng sinh, loại bỏ đói khát, làm cho yên vui. Đức Thầy trời người của chúng con xin tùy hỷ việc này. Bấy giờ đức Thích ca thế tôn, bậc Như lai, bậc Ứng cúng, bậc Chánh đẳng giác, nói với các vị bồ tát thị giả, rằng lành thay, bốn đức Như lai muốn làm cho chúng sinh lợi ích yên vui mà khuyến cáo Như lai tuyên dương pháp yếu ! Ngài nói mấy lời chỉnh cú sau đây.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 5] —

(9) Như lai thường trú
trên đỉnh Thứu phong,
tuyên thuyết kinh bảo
Ánh sáng hoàng kim ;
nhưng vì tác thành
cho bao chúng sinh,
Như lai thị hiện
nhập vào niết bàn.

(10) Chúng sinh phàm phu
quan niệm lầm lẫn,
nên không tin được
lời Như lai nói ;
chính vì tác thành
chúng sinh như vậy,
Như lai thị hiện
nhập vào niết bàn.

Bấy giờ trong đại hội có một vị bà la môn họ Kiều trần như, tên Pháp sư thọ ký, cùng vô số bà la môn hiến cúng đức Thế tôn rồi, nghe Ngài nói nhập vào niết bàn, thì nước mắt nước mũi xen nhau chảy ra, bước tới lạy chân Ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, nếu thật đức Thế tôn có lòng đại từ bi đối với chúng sinh, thương xót ích lợi, làm cho yên vui, in như cha mẹ không ai sánh bằng ; Ngài làm chỗ nương tựa cho cả thế giới, in như vầng thái âm tròn đầy ; Ngài soi sáng bằng tuệ giác lớn lao, in như vầng thái dương mới mọc ; Ngài nhìn khắp cả, thương tưởng đồng đều, coi ai cũng như tôn giả La hô la — thì con xin Ngài ban cho con một điều ước nguyện. Nghe thưa như vậy, đức Thế tôn chỉ im lặng. Nhưng do uy lực của Ngài, trong đại hội có một vị đồng tử Lê xa tì tên Ai cũng thích nhìn, nói với bà la môn Kiều trần như, rằng thưa đại bà la môn, ông muốn xin đức Thế tôn điều ước nguyện gì, tôi có thể thỏa mãn cho ông. Bà la môn Kiều trần như nói, đồng tử, tôi muốn hiến cúng ([5]) đức Thế tôn tối thượng, nên cầu xin Ngài cho tôi một chút xá lợi chỉ bằng hạt cải. Tại sao tôi cầu xin như vậy  ? Vì tôi từng nghe nói, nếu thiện nam hay thiện nữ nào được xá lợi của đức Thế tôn chỉ bằng hạt cải thôi, để tôn kính hiến cúng, thì sẽ sinh lên tầng trời Đao lợi mà làm Đế thích. Nghe như vậy, đồng tử Lê xa tì nói với bà la môn, nếu ông muốn sinh lên Đao lợi hưởng thụ quả báo hơn người, thì hãy dốc lòng mà nghe kinh Ánh sáng hoàng kim. Kinh này hơn hết các kinh khác, khó lý giải, khó hội nhập. Thanh văn Độc giác không thể hiểu nổi. Kinh này sinh ra vô biên quả báo phước đức, cho đến hoàn thành tuệ giác vô thượng. Tôi nay chỉ nói cho ông vắn tắt như vậy. Bà la môn nói, lành thay đồng tử ; nhưng kinh Ánh sáng hoàng kim cực sâu, tối thượng, khó lý giải, khó hội nhập, Thanh văn Độc giác không thể hiểu nổi, huống chi chúng tôi, những kẻ biên dã, trí tuệ kém cỏi, làm sao hiểu được. Do vậy, hôm nay tôi chỉ cầu xin xá lợi của đức Thế tôn bằng hạt cải thôi, để đem về bản xứ, tôn trí vào trong hộp ngọc, tôn kính hiến cúng. Thì mạng chung rồi được làm Đế thích, thường hưởng yên vui. Tại sao đồng tử không thể từ đấng Đủ sự sáng cầu xin cho tôi môt điều ước nguyện như vậy  ? Bà la môn nói rồi, đồng tử Lê xa tì liền nói cho ông nghe những lời chỉnh cú sau đây.

(11) Dòng nước chảy xiết
của sông Hằng hà
có thể mọc lên
hoa sen bạch liên ;
loài chim màu vàng
có thể thành trắng,
hay chim màu đen
có thể thành đỏ ;

(12) hoặc cây thiệm bộ
sinh trái đa la,
cây khát thụ la
sinh trái yêm la ;

(13) sự vật hiếm có
có thể chuyển biến,
xá lợi Thế tôn
cũng không thể có.

(14) Giả sử lông rùa
dệt thành áo đẹp,
áo đó có thể
mặc vào mùa lạnh,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(15) Giả sử chân muỗi
đỡ được lầu đài
vô cùng kiên cố
không thể lay động,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(16) Giả sử miệng đỉa
mọc lên răng trắng
đã dài lại lớn
sắc như mũi nhọn,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(17) Giả sử sừng thỏ
làm thành cái thang
và leo thang ấy
lên đến cung trời,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(18) Chuột leo thang ấy
lên đánh tu la
che khuất mặt trăng
ở trong không gian,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(19) Ruồi uống rượu say
bay khắp làng xóm
dựng lên bao nhiêu
là những nhà cửa,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(20) Giả sử mõm lừa
đỏ lên in như
trái cây tần bà
lại khéo ca vũ,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(21) Quạ với cú mèo
đứng được một chỗ
và cả hai bên
thuận tùng với nhau,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(22) Nếu lá ba la
thành được tàn lọng
có thể che được
cơn mưa to lớn,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(23) Giả sử thuyền lớn
chở đầy vàng ngọc
mà lại lướt đi
trên mặt đất liền,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

(24) Và nếu chim ri
mỏ ngậm Hương sơn
tùy theo ý muốn
bay đâu cũng được,
thì mới tìm được
xá lợi Thế tôn.

Bà la môn Pháp sư thọ ký nghe những lời chỉnh cú ấy, thì cũng đem chỉnh cú mà đáp lại đồng tử Ai cũng thích nhìn.

(25) Lành thay đồng tử
bậc đại cát tường,
khéo léo sử dụng
tuệ giác phương tiện,
nên được Thế tôn
thọ vô thượng ký.

(26) Uy đức Thế tôn
cực kỳ vĩ đại,
đầy cả năng lực
cứu hộ thế giới ;
ông hãy nghe tôi
tuần tự nói đến.

(27) Lĩnh vực Thế tôn
rất khó nghĩ thấu,
toàn thể thế giới
không ai đồng đẳng ;
pháp thân của Ngài
thể tánh thường trú,
tu hành cũng không
làm cho sai biệt.

(28) Chư vị Thế tôn
thể tánh đồng nhất,
Pháp các Ngài nói
cũng là như vậy ;
nên chư Thế tôn
vốn phi tạo tác,
lại nữa cũng là
vốn phi sinh khởi.

(29) Thân thể kim cương
của chư Thế tôn
quyền biến thị hiện
thân thể ứng hóa ;
thế nên xá lợi
của chư Thế tôn
cũng vốn không có
bằng một hạt cải.

(30) Thân chư Thế tôn
không phải máu thịt,
làm sao mà có
linh cốt xá lợi ;
thế nhưng phương tiện
lưu lại linh cốt,
là để lợi ích
bao loại chúng sinh.

(31) Pháp thân là Phật,
pháp giới cũng Phật ;
pháp thân mới thật
là thân của Phật,
Pháp của Phật nói
là pháp giới ấy.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 6] —

Trong đại hội có ba mươi hai ngàn thiên tử, nghe nói như vậy về thọ mạng bất diệt đức Thế tôn, ai cũng phát tâm vô thượng bồ đề, hoan hỷ, phấn chấn, cảm được sự thể chưa bao giờ có, nên khác miệng mà đồng tiếng, nói mấy lời chỉnh cú sau đây.

(32) Phật không nhập diệt,
Pháp cũng bất diệt,
chỉ vì ích lợi
cho bao chúng sinh,
nên Phật thị hiện
có sự diệt tận.

(33) Phật thì đích thị
bất khả tư nghị,
thân mầu của Phật
không hề biến đổi,
nhưng vì ích lợi
cho bao chúng sinh
mà Phật thị hiện
mọi sự trang nghiêm.

Bấy giờ bồ tát Diệu tràng đích thân đối trước đức Thế tôn, trước bốn đức Thế tôn, trước hai vị đại nhân và bao nhiêu thiên tử, nghe nói thọ lượng của đức Thế tôn, thì lại từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa với Ngài, rằng bạch đức Thế tôn, nếu thật chư vị Thế tôn không nhập niết bàn, không có xá lợi, thì tại sao trong các kinh trước đây nói Ngài có niết bàn, và có xá lợi để cho nhân loại và chư thiên tôn kính hiến cúng  ? Chư vị Thế tôn đã quá khứ rồi, hiện có linh cốt phân bố trong đời, người trời hiến cúng phước được vô hạn. Vậy mà ngày nay lại nói không có, gây ra hoài nghi. Con thỉnh cầu đức Thế tôn thương mà giải thích phong phú cho chúng con.

Vào lúc ấy, đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, và cả đại hội, rằng các người phải nhận thức, nói có niết bàn và có xá lợi là nói theo ý nghĩa bí mật. Ý nghĩa như vậy hãy chuyên nhất tâm trí mà nghe. Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nên biết như vầy : có mười sự thể có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như lai nói có niết bàn vĩ đại và cứu cánh. Thế nào là mười  ? Một là chư Như lai cứu cánh diệt hết phiền não chướng và sở tri chướng nên nói là niết bàn. Hai là chư Như lai khéo léo thấu triệt nhân vô tánh và pháp vô tánh nên nói là niết bàn. Ba là chư Như lai có thể chuyển thân y và pháp y nên nói là niết bàn. Bốn là chư Như lai đối với chúng sinh, một cách tự nhiên, tạm ngừng hóa độ [khi cơ duyên hóa độ đã hết], nên nói là niết bàn. Năm là chư Như lai chứng được pháp thân không có sai biệt nên nói là niết bàn. Sáu là chư Như lai thấu triệt cái tánh bất nhị của sinh tử với niết bàn nên nói là niết bàn. Bảy là chư Như lai thấu triệt căn bản của các pháp, thực hiện thanh tịnh nên nói là niết bàn. Tám là chư Như lai khéo léo tu hành sự bất sinh diệt của các pháp nên nói là niết bàn. Chín là chư Như lai chứng được chánh trí đối với chân như nên nói là niết bàn. Mười là chư Như lai chứng được sự không sai biệt của tánh các pháp và tánh niết bàn nên nói là niết bàn. Như thế đó là mười sự thể nói có niết bàn.

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nên biết như vầy : có mười sự thể nữa có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như lai nói có niết bàn vĩ đại và cứu cánh. Thế nào là mười  ? Một là mọi thứ phiền não lấy ưa muốn làm gốc, từ ưa muốn mà sinh, chư Như lai dứt ưa muốn nên nói là niết bàn. Hai là chư Như lai dứt hết ưa muốn, không thủ đắc một pháp nào cả : vì không thủ đắc mà không đi không đến nên nói là niết bàn. Ba là vì không đi đến, không thủ đắc, thế là pháp thân bất sinh diệt : bất sinh diệt nên nói là niết bàn. Bốn là sự bất sinh diệt thì không phải ngôn ngữ nói thấu : ngôn ngữ loại bỏ nên nói là niết bàn. Năm là không có bản ngã và sinh thể, tư duy sự sinh diệt của các pháp mà được chuyển y nên nói là niết bàn. Sáu là phiền não là khách, pháp tánh là chủ, không đến không đi : chư Như lai thấu triệt như vậy nên nói là niết bàn. Bảy là chân như là thật, ngoài ra là giả : chân như là Như lai nên nói là niết bàn. Tám là thật tế thì không hý luận : chỉ có Như lai chứng pháp thật tế, vĩnh diệt hý luận nên nói là niết bàn. Chín là vô sinh thì thật, sinh thì dối : người ngu chìm đắm sinh tử, còn thật thể Như lai thì không giả dối nên nói là niết bàn. Mười là cái pháp không thật thì do duyên sinh, cái pháp chân thật thì phi duyên sinh, mà pháp thân Như lai là chân thật nên nói là niết bàn. Như thế đó là mười sự thể nói có niết bàn.

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nên biết như vầy : có mười sự thể nữa có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như lai nói có niết bàn vĩ đại và cứu cánh. Thế nào là mười  ? Một là Như lai khéo biết bố thí và quả báo của bố thí là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với bố thí và quả báo của bố thí, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Hai là Như lai khéo biết trì giới và quả báo của trì giới là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với trì giới và quả báo của trì giới, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Ba là Như lai khéo biết nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Bốn là Như lai khéo biết tinh tiến và quả báo của tinh tiến là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với tinh tiến và quả báo của tinh tiến, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Năm là Như lai khéo biết thiền định và quả báo của thiền định là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với thiền định và quả báo của thiền định, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Sáu là Như lai khéo biết trí tuệ và quả báo của trí tuệ là không bản ngã và sở hữu của bản ngã ; đối với trí tuệ và quả báo của trí tuệ, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Bảy là Như lai khéo biết chúng sinh phi chúng sinh, các pháp phi các pháp, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là niết bàn. Tám là thương mình thì đeo đuổi, theo đuổi thì đau khổ ; Như lai dứt thương mình, hết theo đuổi : hết theo đuổi nên nói là niết bàn. Chín là các pháp hữu vi thì toàn có số lượng, pháp tánh vô vi thì số lượng loại hết ; Như lai rời hữu vi, chứng vô vi, không số lượng nên nói là niết bàn. Mười là Như lai thấu triệt chúng sinh và các pháp toàn không : không tánh là pháp thân chân thật nên nói là niết bàn. Như thế đó là mười sự thể nói có niết bàn.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 7] —

Lại nữa, Thiện nam tử, đâu phải chỉ có cái việc không nhập niết bàn của Như lai là hiếm có, mà còn có mười sự hiếm có nữa là việc Như lai làm. Thế nào là mười  ? Một, sinh tử thì tội lỗi, niết bàn thì vắng lặng, thế nhưng Như lai chứng được sự bình đẳng của sinh tử với niết bàn, nên không ở sinh tử, không ở niết bàn, không chán bỏ phản bội chúng sinh, đó là việc Như lai làm. Hai, đối với chúng sinh, Như lai không nghĩ họ là ngu phu, đi theo quan niệm thác loạn, bị phiền não ép buộc, Như lai phải khai thị cho họ siêu thoát ; thế nhưng do sức mạnh của từ bi quá khứ, nên đối với chúng sinh vẫn tùy trình độ, ý thích và nhận định ([6]) của họ mà tự nhiên cứu độ, chỉ thị và huấn dụ cho họ lợi ích và hoan hỷ ([7]) mà không phân biệt gì hết, cùng tận thì gian, không có kết thúc, đó là việc Như lai làm. Ba, Như lai không nghĩ Như lai phu diễn mười hai thành phần của giáo pháp ([8]), lợi ích chúng sinh ; thế nhưng do sức mạnh từ bi quá khứ, vẫn tuyên thuyết phong phú cho chúng sinh, cho đến cùng tận thì gian, không có kết thúc, đó là việc Như lai làm. Bốn, Như lai không nghĩ đi đến thị thành, thôn quê, những nơi dân cư, vào nhà vua chúa, đại thần, bốn giai cấp xã hội mà khất thực ; nhưng do sức mạnh huân tập của thân miệng ý quá khứ mà tự nhiên đi đến, vì lợi ích cho họ mà khất thực, đó là việc Như lai làm. Năm, Như lai thì thân không đói khát, cũng không đại tiểu, nên tuy khất thực mà không thọ thực ; nhưng vì tự nhiên ích lợi chúng sinh nên hiện có ăn uống, đó là việc Như lai làm. Sáu, Như lai không nghĩ chúng sinh có cao vừa thấp, tùy trình độ của họ mà thuyết pháp cho ; nhưng Như lai không phân biệt mà vẫn tự nhiên tùy trình độ ([9]) chúng sinh, khéo ứng theo cơ duyên mà thuyết pháp cho họ, đó là việc Như lai làm. Bảy, Như lai không nghĩ có người không tôn kính Như lai, thường phát ngôn phỉ báng, Như lai không thể đối thoại ; có người tôn kính Như lai, thường phát ngôn ca tụng, Như lai có thể đối thoại ; thế nhưng Như lai thường có tâm từ bi, bình đẳng bất nhị, đó là việc Như lai làm. Tám, Như lai không có thương ghét, kiêu ngạo, tham tiếc, và mọi thứ phiền não đồng đẳng như vậy ; mà Như lai thường thích vắng lặng, khen thiểu dục, tách rời huyên náo, đó là việc Như lai làm. Chín, Như lai không có một pháp nào không biết và không khéo thông suốt, đối với toàn bộ các pháp thì cảnh trí ([10]) như ở trước mắt và không có phân biệt ; thế nhưng Như lai vẫn thấy công việc của chúng sinh, tùy ý họ mà phương tiện dẫn dụ cho họ siêu thoát, đó là việc Như lai làm. Mười, Như lai thấy ai giàu thịnh thì không mừng, thấy họ suy bại cũng không lo ; nhưng thấy họ làm theo chánh hạnh thì vô ngại đại bi tự nhiên gia hộ, thấy họ làm theo tà hạnh thì vô ngại đại bi tự nhiên cứu hộ, đó là việc của Như lai làm. Thiện nam tử, nên biết Như lai nói có vô lượng diệu hạnh như vậy, và đó là sắc thái thật của niết bàn. Còn có khi các người thấy Như lai nhập niết bàn, thì đó là phương tiện thích nghi ; các người lại thấy lưu lại xá lợi thì đó là để cho chúng sinh tôn kính hiến cúng. Những việc như vậy toàn là do sức mạnh từ bi của Như lai, để ai hiến cúng xá lợi thì vị lai xa rời tám nạn, gặp được chư vị Như lai, gặp được các bậc Thiện tri thức, thiện tâm liên tục chứ không mất, phước báo vô cùng, mau được siêu thoát, không bị sinh tử trói buộc. Diệu hạnh như vậy các người nên nỗ lực mà làm, đừng có phóng dật.

Bồ tát Diệu tràng nghe đức Thế tôn đích thân nói đến sự không nhập niết bàn và những diệu hạnh cực sâu, thì chắp tay, cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, ngày nay con mới biết bậc Thầy cao cả không nhập niết bàn và lưu lại xá lợi, nhưng vì lợi ích một cách rộng lớn cho chúng sinh [mà thị hiện niết bàn và lưu lại xá lợi]. Cả cơ thể và tâm trí đều phấn chấn, vui đẹp, bồ tát Diệu tràng than rằng thật là sự thể chưa bao giờ có.

Khi phẩm thọ lượng Thế tôn được tuyên thuyết hoàn tất thì vô số chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề. Và bốn đức Thế tôn đều ẩn mất. Bồ tát Diệu tràng đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi đứng dậy trở về chỗ cũ.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 8] —

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – Cuốn 2

Phẩm 3 – Phân Biệt Ba Thân

Lúc ấy đại bồ tát Hư không tạng ở trong đại hội từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt pháp y ở vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay tôn kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem cái lọng thượng hạng có gắn tràng phan và kết những thứ hoa vàng ngọc tinh hảo mà hiến dâng lên Ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bồ tát đại sĩ tu hành chính xác như thế nào về bí mật sâu xa của chư vị Thế tôn  ? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, hãy nghe cho kỹ, hãy khéo suy nghĩ, Như lai sẽ phân tích giải thích cho ông.

Thiện nam tử, chư vị Như lai có ba thân, một là hóa thân, hai là ứng thân, ba là pháp thân. Ba thân như vậy bao quát đầy đủ về vô thượng bồ đề, nhận thức chính xác thì mau chóng siêu thoát sinh tử. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức hóa thân như thế nào  ? Nên nhận thức rằng Như lai quá khứ ở trong vị trí tu hành, vì chúng sinh mà tu tập diệu pháp. Tu tập cho đến vị trí viên mãn. Thì do sức mạnh tu tập mà được sự tự tại lớn lao. Được sự tự tại nên tùy ý muốn của chúng sinh, tùy việc làm của chúng sinh, tùy thế giới của chúng sinh, biết rành tất cả. Rồi không chờ đợi cơ hội, không lỡ mất cơ hội, thích ứng địa phương, thích ứng thì gian, thích ứng việc làm, thích ứng thuyết pháp, mà thị hiện mọi loại thân hình, đó là hóa thân. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức ứng thân như thế nào  ? Nên nhận thức rằng Như lai vì làm cho bồ tát được sự thông đạt mà nói về chân đế, rằng do thấu triệt sinh tử với niết bàn là nhất thể, do loại trừ sự sợ hãi và sự vui mừng của chúng sinh chấp ngã, do làm căn bản cho vô biên phẩm chất Phật đà, do sức mạnh bản nguyện thích ứng đích thực với như như trí của như như lý, mà hình thành thân thể với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi nét đẹp, sau cổ là vầng sáng tròn, đó là ứng thân. Thiện nam tử, bồ tát nên nhận thức pháp thân như thế nào  ? Nên nhận thức rằng do loại trừ phiền não chướng và sở tri chướng, do đầy đủ thiện pháp, mà chỉ có như như lý của như như trí ([11]), đó là pháp thân.

Thiện nam tử, hai thân trước là có giả, thân thứ ba mới có thật, làm căn bản cho hai thân trước. Tại sao  ? Vì tách rời như như lý và như như trí thì chư vị Như lai không có phẩm chất nào cả. Nhưng chư vị Như lai thì tuệ giác toàn hảo, phiền não diệt tận, thủ đắc vị trí Phật đà tối cực thanh tịnh. Thế nên như như lý và như như trí tổng quát tất cả phẩm chất Phật đà.

Thiện nam tử, chư vị Như lai tuyệt đối lợi ích mình người ([12]). Lợi ích mình là như như lý. Lợi ích người là như như trí. Như như lý và như như trí làm cho đạt được tự tại trong sự lợi ích mình người, hoàn thành vô biên diệu dụng, do vậy mà phẩm chất Phật đà có vô biên các dạng dị biệt. Thiện nam tử, ví như do vọng tưởng mà nói các loại phiền não, các loại nghiệp dụng, các loại quả báo ; cũng y như vậy, do như như lý và như như trí mà nói các pháp Phật đà, các pháp Độc giác, các pháp Thanh văn. Do như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành tất cả Phật pháp, đó là sự thể bậc nhất, bất khả tư nghị. Thiện nam tử, như vẽ đồ dùng trong không gian, đó là sự khó thể nghĩ bàn ; do như như lý và như như trí mà hoàn thành phẩm chất Phật đà cũng khó nghĩ bàn như vậy. Tại sao như như lý và như như trí cả hai đều không phân biệt mà lại tự tại hoàn thành sự thể  ? Điều này ví như Như lai nhập niết bàn, nhưng do nguyện lực tự tại mà thành được đủ mọi sự thể. Như như lý và như như trí mà tự tại hoàn thành mọi sự cũng là như vậy. Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nhập định vô tâm ([13]), nhưng do nguyện lực trước đó mà xuất định vẫn làm mọi sự ; như như lý và như như trí không phân biệt mà vẫn tự tại thành sự cũng vậy. Như trời trăng không có phân biệt, nước gương không có phân biệt, ánh sáng không có phân biệt, nhưng cả ba thứ này hợp lại thì có hình ảnh ; như như lý và như như trí không phân biệt, nhưng do nguyện lực tự tại mà chúng sinh thấy có ứng thân và hóa thân. Thiện nam tử, rất nhiều nước gương do ánh sáng mà không ảnh ([14]) hiện ra đủ hình dạng khác nhau, nhưng không gian thì không có hình dạng như vậy. Cũng y như vậy, những người tiếp nhận giáo hóa chính là hình ảnh của pháp thân. Do nguyện lực mà hai thân đủ mọi hình tướng, nhưng pháp thân thì không có hình tướng khác nhau.

Thiện nam tử, do hai thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn hữu dư, do pháp thân mà nói chư vị Như lai là niết bàn vô dư, vì những gì dư lại đã tuyệt đối diệt tận. Lại do ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn. Hai thân là không trụ niết bàn, còn tách rời pháp thân thì không có Phật thân nào biệt lập, [nên pháp thân cũng là không trụ niết bàn]. Tại sao hai thân không trụ niết bàn, vì hai thân là có giả, sinh diệt như mỗi ý nghĩ, không cố định trụ lại, lại luôn luôn xuất hiện chứ không cố định. Pháp thân thì không như vậy. Nên hai thân thì không trụ niết bàn, còn pháp thân thì vì bất nhị [với hai thân] nên cũng là không trụ niết bàn mà thôi. Do vậy, căn cứ ba thân mà nói chư vị Như lai không trụ niết bàn ([15]).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 9] —

Thiện nam tử, phàm phu vì ba tướng mà có ràng buộc, có ngăn cách, rời xa ba thân, không đạt đến ba thân. Ba tướng là gì, một là biến kế, hai là y tha, ba là thành tựu. Ba tướng như vậy mà không thể lý giải [cái nên lý giải], không thể diệt trừ [cái nên diệt trừ], không thể trong sáng [cái nên trong sáng], thế nên không thể đạt đến ba thân. Ba tướng như vậy mà có thể lý giải, có thể diệt trừ, có thể trong sáng, thì toàn hảo ba thân của chư vị Như lai. Thiện nam tử, phàm phu chưa trừ bỏ được ba tâm nên rời xa ba thân, không thể đạt đến. Ba tâm là gì, một là tâm sinh sự, hai là tâm dựa vào căn bản, ba là tâm căn bản. Do đạo tạm dẹp mà tâm sinh sự diệt tận, do đạo đoạn trừ mà tâm dựa vào căn bản diệt tận, do đạo hơn hết mà tâm căn bản diệt tận. Tâm sinh sự diệt tận thì biến hiện hóa thân, tâm dựa vào căn bản diệt tận thì hình thành ứng thân, tâm căn bản diệt tận thì hiển lộ pháp thân. Do vậy, chư vị Như lai đủ cả ba thân.

Thiện nam tử, nơi thân thứ nhất thì chư vị Như lai đồng nhất công việc, nơi thân thứ hai thì chư vị Như lai đồng nhất ý muốn, nơi thân thứ ba thì chư vị Như lai đồng nhất thể tánh.

Thiện nam tử, thân Phật thứ nhất là tùy ý chúng sinh có lắm dạng nên hiện ra lắm dạng, do vậy mà nói thân này là nhiều. Thân Phật thứ hai thì ý của đệ tử là một tướng nên hiện ra một tướng, do vậy mà nói thân này là một. Thân Phật thứ ba siêu việt tất cả dạng tướng, không phải lĩnh vực dạng tướng, do vậy mà nói thân này là phi nhất phi dị.

Thiện nam tử, thân thứ nhất dựa ứng thân mà biểu hiện, thân thứ hai dựa pháp thân mà biểu hiện, còn thân thứ ba thì có thật, không cần chỗ dựa.

Thiện nam tử, ba thân như vậy có nghĩa nói là thường còn, có nghĩa nói là vô thường. Hóa thân thường chuyển pháp luân, nơi nơi tùy duyên, phương tiện liên tục, không có chấm dứt, nên nói là thường còn ; nhưng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ không được biểu hiện, nên nói là vô thường. Ứng thân thì vô thỉ đến nay liên tục bất đoạn, thu giữ được hết thảy phẩm chất đặc hữu của chư vị Như lai, chúng sinh vô tận nên diệu dụng cũng vô tận, nên nói là thường còn ; nhưng cũng không phải là căn bản, đại dụng đầy đủ cũng không biểu hiện, nên nói là vô thường. Pháp thân không phải là hữu vi ([16]), không có các dạng khác nhau, mà là căn bản, tựa như không gian, nên nói là thường còn. Thiện nam tử, rời như như trí thì không có tuệ giác tối thượng nào nữa, rời như như lý thì không có đối cảnh tối thượng nào nữa. Một mặt là như như của các pháp, một mặt là như như của tuệ giác, hai mặt như như ấy là như như, phi đồng nhất phi dị biệt. Do vậy, pháp thân thì tuệ giác trong sáng, diệt trừ trong sáng, do hai sự trong sáng này mà pháp thân hoàn toàn trong sáng.

Thiện nam tử, phân biệt ba thân thì có 4 sự khác nhau : có hóa thân không phải ứng thân, có ứng thân không phải hóa thân, có hoá thân cũng là ứng thân, có không phải hoá thân cũng không phải ứng thân. Hóa thân không phải ứng thân là thế nào, là chư Như lai nhập niết bàn rồi, do đại nguyện tự tại mà vẫn tùy duyên lợi ích chúng sinh. Ứng thân không phải hóa thân là thế nào, là cái thân được thấy bởi bồ tát trước mười địa [17]). Hóa thân cũng là ứng thân là thế nào, là cái thân ở nơi niết bàn hữu dư. Không phải hóa thân cũng không phải ứng thân là thế nào, là chính pháp thân. Thiện nam tử, pháp thân như vậy do hai sự vô sở hữu mà hiển lộ. Hai sự vô sở hữu là thế nào, là nơi pháp thân thì ngã chấp pháp chấp ([18]) toàn là không, phi có phi không, phi một phi khác, phi số lượng phi siêu số lượng, phi sáng suốt phi ngu tối, ấy vậy, như như trí thì không thấy ngã chấp pháp chấp, không thấy phi có phi không, cho đến không thấy phi sáng suốt phi ngu tối. Thế nên phải biết đối cảnh trong sáng với tuệ giác trong sáng là bất khả phân biệt, không phải ở giữa [những khái niệm đối lập lẫn nhau] ; làm căn bản cho diệt đế và đạo đế ([19]), nên pháp thân đầy tính năng biểu hiện đủ loại sự nghiệp của chư vị Như lai.

Thiện nam tử, thân này ([20]) thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả, tất cả toàn là dựa vào căn bản [như như lý] ([21]) và nó thật khó mà nghĩ bàn. Nếu hiểu nghĩa ấy thì biết thân này là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai ([22]). Dựa vào thân này thì được cái tâm vị trí mới phát và cái tâm vị trí tu hành đều hiện ra, cái tâm vị trí bất thoái cũng hiện ra, cái tâm vị trí bổ xứ, cái tâm vị trí kim cang, cái tâm vị trí Như lai cũng hiện ra cả, vô lượng vô biên phẩm chất tinh tế của Như lai cũng hiện ra. Thiện nam tử, dựa vào pháp thân mà đại định và đại trí được thực hiện, và do đó mà hóa thân dựa vào đại định với ứng thân dựa vào đại trí cũng được thực hiện. Pháp thân như vậy do tự thể của Nó mà nói là thường và nói là ngã, do đại định của Nó mà nói là lạc, do đại trí của Nó mà nói là tịnh. Do vậy mà Như lai thường trú, tự tại, an lạc, thanh tịnh ([23]).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 10] —

Do đại định mà hết thảy thiền định, định Thủ lăng nghiêm và các định đồng đẳng, hết thảy niệm xứ, đại pháp niệm xứ và những niệm xứ đồng đẳng, đại từ đại bi, hết thảy tổng trì, hết thảy thần thông, hết thảy tự tại, hết thảy bình đẳng, hết thảy các pháp Phật đà như vậy đều được thực hiện. Do đại trí mà mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp bất cọng ([24]), hết thảy các pháp bất khả tư nghị như vậy đều được thực hiện. Ví như do ngọc như ý mà vô số các loại ngọc quí đều được xuất hiện, cũng là như vậy, do ngọc đại định và ngọc đại trí mà xuất ra vô số diệu pháp của chư vị Như lai.

Thiện nam tử, pháp thân như vậy, và đại định đại trí của Nó, toàn là siêu việt hết thảy khái niệm ([25]), không vướng mắc khái niệm nào hết, không thể phân biệt, phi thường phi đoạn, gọi là trung đạo ([26]) ; tuy phân biệt mà thể tánh không phân biệt, tuy có ba số ([27]) mà thể tánh không phải ba số, bất tăng bất giảm, tựa như mộng ảo không có năng chấp với sở chấp ; là pháp thể như như, là xứ sở giải thoát, vượt qua lĩnh vực của vua chết, vượt qua luôn sự tối tăm của sinh tử, là chỗ chúng sinh không thể tu hành và đạt đến [bằng khái niệm của mình], là chỗ an trú của chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát.

Thiện nam tử, như người muốn có vàng nên tìm kiếm khắp nơi, và tìm được mỏ vàng. Rồi đập ra, chọn phần nào tinh hơn thì bỏ vào lò mà luyện, nên thành vàng ròng, chế tạo đủ thứ đồ trang sức, đồ trang sức khác nhau mà vàng không biến đổi. Thế nên, thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu giải thoát siêu việt mà tu hành thiện căn thuộc phạm vi thế gian ([28]), thì được thấy chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, được thân gần, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, cái gì là thiện  ? cái gì là ác  ? cái gì là chính tu hành được thanh tịnh hạnh  ? Chư vị Như lai, và đệ tử của các Ngài, thấy họ hỏi thì nghĩ, thiện nam thiện nữ này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp. Nghĩ vậy nên liền nói cho họ khai ngộ. Họ nghe rồi chính xác ghi nhớ, phát tâm tu hành, được sức mạnh tinh tiến, loại trừ sự chướng ngại vì biếng nhác, diệt mọi tội lỗi, đối với giới pháp họ tách rời sự không tôn trọng, ngưng cả sự háo động và tiếc nuối, nên nhập vào địa thứ nhất. Do tâm của địa thứ nhất này loại trừ sự chướng ngại cho sự lợi ích chúng sinh, nên nhập vào địa thứ hai. Trong địa thứ hai này loại trừ sự chướng ngại cho sự không áp bức quấy rối chúng sinh, nên nhập vào địa thứ ba. Trong địa thứ ba này loại trừ sự chướng ngại cho tâm mềm dịu trong sáng, nên nhập vào địa thứ tư. Trong địa thứ tư này loại trừ sự chướng ngại cho phương tiện khéo léo, nên nhập vào địa thứ năm. Trong địa thứ năm này loại trừ sự chướng ngại vì thấy chân đế tục đế đối lập với nhau, nên nhập vào địa thứ sáu. Trong địa thứ sáu này loại trừ sự chướng ngại vì thấy có hành tướng, nên nhập vào địa thứ bảy. Trong địa thứ bảy này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự diệt, nên nhập vào địa thứ tám. Trong địa thứ tám này loại trừ sự chướng ngại vì không thấy sự sinh, nên nhập vào địa thứ chín. Trong địa thứ chín này loại trừ sự chướng ngại cho lục thông, nên nhập vào địa thứ mười. Trong địa thứ mười này loại trừ sự chướng ngại vì ngu muội các pháp sở tri, loại trừ cái tâm căn bản, nên nhập vào Như lai địa. Như lai địa do ba sự trong sáng mà gọi là cực trong sáng. Ba sự ấy là những gì  ? Một là trong sáng vì loại trừ phiền não, hai là trong sáng vì loại trừ khổ não, ba là trong sáng vì loại trừ tập khí. Như vàng thật chảy ra vì nung luyện, nung luyện rồi thì không còn quặng bẩn nữa, chứng tỏ vàng vốn trong sáng, chứ không phải không có vàng. Như nước dơ mà lọc trong thì không còn cặn bẩn, chứng tỏ nước vốn trong suốt, chứ không phải không có nước. Cũng là như vậy, pháp thân vốn tách rời phiền não, khổ và tập loại trừ rồi thì không còn tập quán thừa lại, chứng tỏ thể tánh pháp thân vốn trong sáng, chứ không phải không có thể tánh. Như không gian bị khói mây bụi mù che đi, trừ cái che ấy rồi thì không gian trong sáng, chứ không phải không có không gian ; pháp thân cũng vậy, mọi sự khổ não loại bỏ hết rồi thì nói là trong sáng, không phải không có thể tánh pháp thân. Như có kẻ trong mộng thấy bị trôi theo dòng nước sông lớn, nên vận dụng cả tay chân mà bơi qua, đến được bờ bến bên kia, ấy là do cả thân tâm kẻ ấy không nhác, không lùi. Khi mộng tỉnh thì không còn thấy nước, thấy bờ bên này bờ bên kia, nhưng không phải không có cái tâm : vọng tưởng sinh tử loại bỏ hết rồi thì tuệ giác trong sáng, chứ không phải không có tuệ giác. Ấy vậy, pháp thân thì mọi thứ vọng tưởng không còn phát sinh nên nói là trong sáng, chứ không phải chư vị Như lai không có thật thể.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

— [NGÀY 11] —

Lại nữa, thiện nam tử, pháp thân do làm sạch hoặc chướng mà biểu hiện ứng thân, do làm sạch nghiệp chướng mà biểu hiện hóa thân, do làm sạch trí chướng mà pháp thân tự biểu hiện. Ví như do không gian mà phát điện lực, do điện lực mà phát ánh sáng ; cũng là như vậy, do pháp thân mà biểu hiện ứng thân, do ứng thân mà biểu hiện hóa thân. Do thể trong sáng mà pháp thân tự biểu hiện, do trí trong sáng mà biểu hiện ứng thân, do định trong sáng mà biểu hiện hóa thân. Ba sự trong sáng như vậy là pháp tánh như như, bất dị như như, nhất vị như như, giải thoát như như, cứu cánh như như, do vậy, chư vị Như lai thì thể tánh không có dị biệt. Thiện nam tử, nếu thiện nam hay thiện nữ nào nói đức Thế tôn là bậc Thầy cao cả của tôi, tin tưởng quyết định như vậy, thì người ấy, từ trong tâm trí sâu xa, thấu hiểu pháp thân Như lai không có dị biệt. Và thiện nam tử, do vậy mà, đối với các pháp, người ấy loại trừ hết cả sự tư duy không chính xác, biết các pháp là phi nhị biên, là vô phân biệt, là thánh giả tu hành. Đối với các pháp, chính xác tu hành sự không có nhị biên như thế nào, thì đối với các chướng cũng loại trừ như vậy ; loại trừ các chướng như thế nào thì như như lý và như như trí cũng tối cực trong sáng như vậy ; như như lý và như như trí trong sáng như thế nào thì mọi sự tự tại cũng như vậy, bao quát đầy đủ, thành đạt tất cả. Các chướng loại trừ, các chướng lọc sạch, đó là chân tướng của như như lý và như như trí. Thấy như vậy là cái thấy của thánh giả, và thế gọi là thật thấy Như lai, tại sao, vì đó là đúng như sự thật mà thấy như như lý của các pháp. Do vậy, chư vị Như lai thấy biết tất cả chư vị Như lai. Còn chư vị Thanh văn và Độc giác tuy siêu thoát ba cõi, nhưng cầu mà không thể thấy biết như như lý. Thánh giả mà còn không thể thấy biết, huống chi phàm phu thì nghi hoặc, phân biệt thác loạn, nên không thể vượt đến. Khác nào thỏ mà bơi qua biển cả thì bơi không qua được, vì sức lực của thỏ quá kém, phàm phu cũng vậy, họ không thể thông đạt như như lý của các pháp. Nhưng chư vị Như lai thì siêu phân biệt, nên được đại tự tại đối với hết thảy các pháp, được đầy đủ tuệ giác trong sáng và sâu xa, và đó là lĩnh vực của chư vị Như lai, chứ không phải chung cùng với người khác. Do vậy mà biết chư vị Như lai trong vô số kiếp không tiếc tính mạng, làm khổ hạnh khó làm, mới được pháp thân tối thượng, không thể sánh bằng, bất khả tư nghị, vượt quá lĩnh vực ngôn ngữ, vắng lặng nhiệm mầu, rời hết mọi sự sợ hãi ([29]).

Ấy vậy, thiện nam tử, thấy biết như như lý của các pháp thì không sinh không già không chết, thọ lượng bất tận, không ngủ nghỉ, không đói khát, tâm thường thiền định, không có loạn động. Đối với Như lai mà tranh luận thì thế là không thể thấy được Như lai. Chư vị Như lai thì nói gì cũng lợi ích, ai nghe cũng giải thoát, và vì nghe pháp mà phước báo bất tận, đến nỗi chim dữ, thú dữ, người dữ, quỉ dữ, tất cả không bao giờ gặp phải. Nhưng chư vị Như lai không có sự vô ký ([30]), không sinh tâm muốn biết đối với các pháp [mà vẫn tự nhiên biết hết], không có ý tưởng sinh tử với niết bàn khác nhau. Chư vị Như lai phán quyết gì cũng là chắc chắn. Chư vị Như lai thì tất cả cử động toàn là tuệ giác, tất cả sự việc toàn là từ bi, không có gì không vì lợi ích yên vui chúng sinh. Thiện nam tử, đối với bản kinh Ánh sáng hoàng kim này, thiện nam hay thiện nữ nào nghe, tin, hiểu, thì không sa vào các nẻo địa ngục, ngạ quỉ, bàng sinh, tu la, thường sinh trong nhân loại và chư thiên mà không phải những nơi thấp hèn ; thì thân gần chư vị Như lai, nghe và tiếp nhận chánh pháp ; thì thường sinh thế giới trong sạch của chư vị Như lai : tất cả thành quả này là do nghe được kinh pháp cực kỳ sâu xa này. Thiện nam hay thiện nữ như vậy là được Như lai đã thấy biết và đã ghi nhận sẽ được không thoái chuyển vô thượng bồ đề. Thiện nam hay thiện nữ nào được kinh pháp cực kỳ sâu xa này một khi lướt qua thính giác, thì nên biết người ấy không phỉ báng Phật, không hủy hoại Pháp, không khinh dể Tăng. Ai chưa gieo trồng thiện căn họ làm cho gieo trồng, ai gieo trồng thiện căn rồi họ làm cho tăng trưởng và thành thục. Họ khuyến khích mọi người trong mọi thế giới làm theo sáu pháp ba la mật.

Bấy giờ đại bồ tát Hư không tạng, Phạn vương, Đế thích, bốn Thiên vương, chư thiên, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi thưa rằng, bạch Ngài, ở đâu mà có giảng diễn bản kinh mầu nhiệm Ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy có bốn cái lợi. Một, quân đội hoàng gia cường thịnh, không có thù địch, vua và dân không bịnh tật, sống lâu dài, an lạc cát tường, hưng hiển Phật pháp. Hai, hoàng gia và quần thần vui đẹp với nhau, rời xa sự dua nịnh, vua cũng trọng nể. Ba, tu sĩ và quốc dân thực tu Phật pháp, không bịnh, yên vui, không ai uổng tử, phụng sự tất cả ruộng phước. Bốn, ngày đêm cơ thể điều hòa, thư thái, chư thiên tăng thêm giữ gìn hộ vệ, tâm lý từ bi, bình đẳng, không có sự thương tổn, tác hại, làm cho ai cũng qui kính Tam bảo, ai cũng nguyện tu tập bồ đề hạnh. Như thế đó là bốn cái lợi. Bạch đức Thế tôn, chúng con cũng thường xuyên vì làm cho kinh pháp này lan rộng nên theo dõi những người thọ trì, họ ở đâu chúng con cũng đem lại lợi ích cho họ. Đức Thế tôn dạy rằng, lành thay các thiện nam tử, các người hãy làm đúng như vậy. Các người hãy nỗ lực phổ biến bản kinh nhiệm mầu và chúa tể này, và thế là làm cho Phật pháp ở đời lâu dài.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 12]

Phẩm 4 – Âm Thanh Trống Vàng ([31])

Vào lúc bấy giờ, bồ tát Diệu tràng đích thân ở trước đức Thế tôn nghe diệu pháp Ngài nói, thì hoan hỷ, phấn chấn, nhất tâm tư duy, trở về chốn cũ. Trong đêm hôm ấy, bồ tát mộng thấy cái trống vàng ròng to lớn, ánh sáng rực rỡ như vầng thái dương. Trong ánh sáng ấy, bồ tát thấy được chư vị Thế tôn khắp mười phương hướng, cùng ngồi trên pháp tòa lưu ly ở dưới cây ngọc, được bao quanh bởi đại chúng gồm có vô số người. Bồ tát lại thấy một vị Bà la môn cầm dùi mà đánh trống vàng ấy, xuất ra âm thanh to lớn. Âm thanh này nói lên những bài chỉnh cú nhiệm mầu, diễn đạt diệu pháp sám hối. Bồ tát Diệu tràng nghe rồi nắm giữ tất cả trong ký ức, buộc trí nhớ lại như ở trước mắt. Trời sáng, bồ tát cùng với hàng trăm hàng ngàn người đem các cúng phẩm ra khỏi thành Vương xá, vào đỉnh Thứu phong, đến chỗ đức Thế tôn. Bồ tát đảnh lễ ngang chân của Ngài, sắp hương hoa ra, đi quanh Ngài ba vòng, lui lại ngồi một phía, chấp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong đêm vừa rồi, con mộng thấy một vị Bà la môn lấy tay cầm dùi, đánh một cái trống bằng hoàng kim, rất đẹp, xuất ra âm thanh rất lớn. Âm thanh ấy nói lên những bài chỉnh cú nhiệm mầu, diễn đạt diệu pháp sám hối. Nghe rồi, con nắm giữ trong trí tất cả. Kính xin đức Thế tôn đại từ đại bi, cho con tường thuật. Đối trước đức Thế tôn, bồ tát Diệu tràng nói những chỉnh cú sau đây.

(1) Đêm hôm vừa rồi
trong mộng con thấy
cái trống bằng vàng
rất lớn và đẹp,
khắp cả thân trống
có ánh sáng vàng.

(2) Như vầng thái dương,
ánh sáng như vậy
chiếu rực khắp cả
mười phương thế giới,
làm ai cũng thấy
chư vị Thế tôn.

(3) Dưới những cây ngọc,
các Ngài cùng ngồi
pháp tòa lưu ly,
có hàng ngàn người
rất mực cung kính
bao quanh các Ngài.

(4) Một bà la môn
cầm dùi mà đánh
trống vàng hoàng kim
phát âm thanh lớn,
và chính âm thanh
phát từ trống ấy
nói những chỉnh cú
nhiệm mầu sau đây.

(5) Trống vàng sáng rực
phát ra tiếng mầu
vang khắp tất cả
đại thiên thế giới,
diệt tội cực nặng
trong ba đường ác
cùng bao khổ ách
của trong nhân loại.

(6) Uy lực âm thanh
của trống vàng này
diệt hẳn hết thảy
phiền não chướng ngại
loại trừ sợ hãi
làm cho yên vui,
in như chính đấng
Mâu ni tự tại.

(7) Chính trong cái nơi
biển cả sống chết,
Thế tôn tu hành
thành trí toàn giác,
làm cho chúng sinh
đủ các giác phần,
cứu cánh qui về
biển cả công đức.

(8) Trống vàng xuất ra
âm thanh mầu nhiệm
người nghe cùng được
phạn âm thâm thúy,
và rồi chứng được
vô thượng bồ đề,
thường chuyển pháp luân
trong sáng nhiệm mầu.

(9) Lại được thọ lượng
bất khả tư nghị,
tùy nghi thuyết pháp
lợi ích chúng sinh,
cắt đứt dòng nước
bao nhiêu khổ lụy,
bao nhiêu phiền não
cũng diệt trừ cả.

(10) Những người ở trong
nẻo đường rất dữ,
ngọn lửa dữ dội
phủ cả châu thân,
nghe được tiếng mầu
của trống vàng này
thì liền thoát khổ
qui y Phật đà.

(11) Và rồi thành được
trí biết đời trước,
nhớ được quá khứ
đến trăm ngàn đời,
nên cùng nhớ đến
đức Đại mâu ni,
được nghe kinh pháp
sâu xa của Ngài.

(12) Bởi nghe tiếng mầu
xuất từ trống vàng,
nên thường thân gần
chư vị Thế tôn,
lại thường rời bỏ
mọi hành vi ác,
thuần túy tu tập
các loại thiện pháp.

(13) Tất cả chúng sinh
nhân loại chư thiên
thiết tha chí thành
nguyện cầu những gì,
thì nghe tiếng mầu
xuất từ trống vàng
là thỏa mãn cả
những nguyện cầu ấy.

(14) Những kẻ sa vào
địa ngục vô gián,
lửa dữ bùng lên
đốt cháy thân thể,
và kẻ ở nơi
không ai cứu hộ,
nghe tiếng trống vàng
khổ sở mất cả.

(15) Chư thiên nhân loại
và các loài khác,
những ai hiện chịu
bao nỗi khổ nạn,
mà nghe tiếng mầu
xuất từ trống vàng
cũng hết đau khổ
và được giải thoát.

(16) Nguyện cầu tất cả
đấng Lưỡng túc tôn
hiện tại đang ở
mười phương thế giới,
đem lòng đại bi
nhớ nghĩ đến con.

(17) Tất cả những ai
không nơi nương tựa
không ai cứu hộ,
con nguyện làm nơi
nương tựa lớn lao
cho những người ấy.

(18) Trước đây con làm
bao nhiêu tội lỗi
trong đó gồm có
ác nghiệp nặng nề,
ngày nay đối trước
các đấng Thập lực
dốc lòng chí thành
sám hối tất cả.

(19) Con đã không tin
chư vị Thế tôn,
cũng không kính trọng
cha mẹ tôn trưởng,
không chăm tu hành
mọi thứ thiện nghiệp,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(20) Con đã tự thị
tôn quí cao sang
dòng dõi đẳng cấp
tiền tài địa vị,
tự thị trẻ mạnh
kiêu xa phóng túng,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(21) Tâm trí thường xuyên
nổi dậy tà niệm,
miệng nói độc ác,
không thấy tội lỗi,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(22) Con đã thường xuyên
làm việc phàm phu,
vô minh ám chướng
đi theo bạn xấu,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(23) Hoặc vì ăn chơi,
hoặc vì buồn nản,
ham muốn, tức giận
thắt kết trong lòng,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(24) Thân với người xấu,
keo kiết, ganh ghét
nghèo nàn, cùng khổ
nịnh hót, lừa dối,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(25) Cũng có những lúc
không thích tội ác,
nhưng vì e sợ,
vì bị sai sử,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(26) Hoặc vì háo động
hoặc vì hận thù
hoặc vì đói khát
dày vò hành hạ,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(27) Vì ăn vì mặc
vì ham nữ sắc,
vì lửa phiền não
thiêu đốt nung nấu,
nên thường tạo ra
bao nhiêu ác nghiệp.

(28) Với Phật Pháp Tăng
không biết tôn kính,
nên đã tạo ra
ác nghiệp như trên,
ngày nay con xin
sám hối tất cả.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 13]

(29) Độc giác Bồ tát
cũng không kính trọng,
nên đã tạo ra
ác nghiệp như trên,
ngày nay con xin
sám hối tất cả.

(30) Phỉ báng Phật pháp
bất hiếu cha mẹ,
nên đã tạo ra
ác nghiệp như trên,
ngày nay con xin
sám hối tất cả.

(31) Ngu muội kiêu căng
tham lam giận dữ
nên đã tạo ra
ác nghiệp như trên,
ngày nay con xin
sám hối tất cả.

(32) Trong mọi thế giới
hiến cúng vô lượng
chư vị Thế tôn,
con nguyện cứu vớt
cho bao chúng sinh
thoát ly khổ nạn.

(33) Nguyện cầu chúng sinh
đứng trong mười địa,
tròn đầy phước trí
thành Phật đà rồi
hướng dẫn bao kẻ
mê mờ ngu muội.

(34) Con vì chúng sinh
tu hành khổ hạnh
trăm ngàn đời kiếp,
đem đại trí lực
mà làm cho họ
vượt qua biển khổ.

(35) Con vì chúng sinh
diễn giảng kinh pháp
Ánh sáng hoàng kim,
bản kinh tối thượng
năng lực trừ được
bao thứ ác nghiệp.

(36) Những ai trải qua
trăm ngàn đời kiếp
tạo ra bao tội
cực kỳ nặng nề,
mà biết phát lộ
thì cũng tiêu trừ.

(37) Y theo kinh pháp
Ánh sáng hoàng kim,
sám hối như trên,
thì mau tận diệt
bao nhiêu ác nghiệp
đã gây đau khổ.

(38) Cả trăm cả ngàn
thiền định siêu việt,
cùng với tổng trì
bất khả tư nghị,
năm căn năm lực
bảy chi tuệ giác
tám chi thánh đạo
ba mươi bảy pháp,
con nguyện thường xuyên
tu tập không mỏi.

(39) Và con sẽ đến
mười bồ tát địa,
nơi đầy đủ cả
mọi thứ quí báu,
viên mãn tất cả
phẩm chất Phật đà,
cứu vớt chúng sinh
vượt dòng sinh tử.

(40) Đối với biển cả
quả vị Phật đà,
và với kho tàng
công đức sâu xa,
tuệ giác mầu nhiệm
bất khả tư nghị,
con nguyện thành tựu
một cách đầy đủ.

(41) Nguyện cầu mười phương
chư vị Thế tôn
hộ niệm cho con,
đem tâm đại bi
thương tưởng chấp nhận
cho con sám hối.

(42) Trong bao đời kiếp
con tạo ác nghiệp,
do ác nghiệp ấy
mà sinh đau khổ,
nguyện Phật thương tưởng
cho con trừ diệt.

(43) Con gây ác nghiệp
nên thường lo sợ,
trong mọi cử động
đi đứng nằm ngồi,
chưa hề có được
một chút vui vẻ.

(44) Thế tôn đại từ
trừ cho chúng sinh
bao nỗi sợ hãi,
nguyện xin chấp nhận
cho con sám hối
thoát ly lo sợ.

(45) Con có đủ cả
hoặc chướng nghiệp hướng
cùng với báo chướng,
nguyện xin Thế tôn,
đem nước đại bi
rửa cho sạch sẽ.

(46) Ác nghiệp quá khứ
ác nghiệp hiện tại
mà con tạo ra,
con xin chí thành
phát lộ tất cả
nguyện tiêu diệt hết.

(47) Và bao ác nghiệp
trong thì vị lai,
con xin giữ gìn
không cho nổi dậy,
giả sử vi phạm
lời thệ nguyện này
thì không bao giờ
con dám che giấu.

(48) Thân có ba nghiệp
miệng có bốn nghiệp,
ý có ba nghiệp
trói buộc chúng sinh
vô thỉ đến nay
thường xuyên liên tục.

(49) Do thân miệng ý
mà tạo thập ác,
tội ác như vậy
rất nhiều sắc thái,
ngày nay con xin
sám hối tất cả.

(50) Ác nghiệp con làm
sẽ phải tự chịu
ác báo đau khổ
[nếu không sám hối] ;
ngày nay đối trước
chư vị Thế tôn
con xin chí thành
sám hối tất cả.

(51) Đại lục Thiệm bộ
và bao thế giới
trong đó được có
bao nhiêu thiện nghiệp,
ngày nay con xin
tùy hỷ tất cả.

(50) Nguyện bỏ thập ác
nguyện tu thập thiện
an trú mười địa
thường thấy Thế tôn.

(53) Bao nhiêu những nghiệp
phước đức trí tuệ
mà thân miệng ý
của con tu được,
con xin vận dụng
thiện nghiệp như vậy
mau chóng đạt đến
tuệ giác tối thượng.

(54) Nay con đích thân
đối trước Thế tôn
chân thành phát lộ
lắm cái ác nạn  :
cái nạn ngu muội
si mê ba cõi,
cái nạn thường làm
ác nghiệp cực nặng,

(55) cái nạn tập hợp
dục vọng, tà kiến,
cái nạn tham ái
thường xuyên chảy dài,
cái nạn đam mê
thế giới hiện hữu,
cái nạn toàn là
phiền não phàm phu,

(56) cái nạn cuồng phóng
náo động thác loạn,
cái nạn thân gần
bạn bè bất lương,
cái nạn tham nhiễm
trong chốn sinh tử,
cái nạn sân si
ngu độn làm ác,

(57) cái nạn sinh nhằm
tám nơi không rảnh ([32]),
cái nạn chưa hề
tập hợp công đức,
nay con đối trước
các đấng Tối thắng
sám hối vô số
ác nạn như vậy.

(58) Nay con qui y
các đấng Thiện thệ,
kính lạy các đấng
Biển đức vô thượng ;
Ngài, núi vàng lớn
chiếu sáng khắp cả,
nguyện xin từ bi
gia hộ cho con.

(59) Thân Phật rực lên
ánh sáng hoàng kim,
mắt Phật tựa như
lưu ly xanh biếc ;
là đấng cát tường
uy đức đặc tôn,
Ngài đem mặt trời
của lòng đại bi
xua tan u ám
cho bao chúng sinh.

(60) Phật như mặt trời
sáng soi khắp cả,
sáng không vẩn đục,
sáng sạch bụi dơ  ;
Phật như mặt trăng
sáng soi mát mẻ,
sáng tan nhiệt lực
của bao phiền não.

(61) Ba hai tướng tốt
châu thân uy nghiêm,
tám mươi tướng phụ
toàn hảo cả người,
phước đức tuyệt bậc
khó nghĩ khó bàn,
như vầng thái dương
chiếu soi thế giới.

(62) Sắc thân tựa như
lưu ly trong suốt
lại như trăng đầy
ở giữa không trung.
Thân vàng như phủ
mạng lưới pha lê
rực rỡ bởi những
ánh sáng đủ màu.

(63) Trong cái thác nước
sinh tử khổ não,
già bịnh lo rầu
trôi cuốn chúng sinh ;
biển khổ như vậy
khó mà chịu nổi,
mặt trời Phật đà
chiếu cho khô cạn.

(64) Con xin lạy đấng
Trí tuệ toàn giác,
đấng Hiếm có nhất
thế giới đại thiên,
đấng mình vàng tía
sáng lên rực rỡ,
đấng trang sức mình
với bao cái đẹp.

(65) Ngài như đại dương
mênh mông khó biết,
Ngài như đại địa
bụi nhỏ khó tính,
Ngài như núi cao
trọng lượng khó cân,
Ngài như không gian
giới hạn khó cùng.

(66) Phật đức là vậy,
chúng sinh khó biết ;
càng nghĩ càng xét
trong lắm đời kiếp,
càng không biết nổi
bờ biển Phật đức.

(67) Nghiền nát đại địa
toán biết cực vi,
toán biết nước giọt
của cả đại dương
số lượng Phật đức
vẫn không biết nổi.

(68) Tất cả chúng sinh
cùng nhau ca tụng
phẩm chất danh tiếng
tướng hảo thanh tịnh
uy nghiêm nhiệm mầu
của đức Thế tôn,
cũng không khả năng
hết được giới hạn.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 14]

(69) Bao nhiêu thiện nghiệp
mà con có được,
con nguyện mau chóng
thành đấng Vô thượng,
thuyết pháp phong phú
ích lợi sinh linh,
làm cho tất cả
giải thoát khổ đau.

(70) Chiến thắng ma quân
có sức mạnh lớn,
chuyển đẩy bánh xe
chánh pháp tối thượng,
ở đời với những
thì gian khó tính,
con đem cam lộ
sung mãn chúng sinh.

(71) Y như quá khứ
các đấng Tối thắng
đã viên mãn cả
sáu ba la mật,
hủy diệt tham dục
sân hận ngu si,
loại trừ phiền não,
triệt đoạn khổ lụy.

(72) Con nguyện thường được
trí biết đời trước
nhớ được quá khứ
cả trăm ngàn đời,
nhất là thường nhớ
đấng Đại mâu ni,
được nghe diệu pháp
rất sâu của Ngài.

(73) Nguyện con biết đem
thiển căn như vậy
phụng sự vô biên
các đấng Tối thắng,
viễn ly hết thảy
nghiệp nhân bất thiện,
thường được tu hành
Pháp mầu chân thật.

(74) Làm cho chúng sinh
trong mọi thế giới
khổ não thoát ly
yên vui thật hiện,
bao kẻ giác quan
không được toàn hảo
thì làm cho được
cơ thể đầy đủ.

(75) Những ai gặp phải
khổ vì bịnh tật,
thân hình ốm yếu
không nơi nương tựa,
thì con làm cho
hết cả bịnh khổ,
sức khỏe tướng tốt
cùng được đủ cả.

(76) Những ai phạm pháp
sắp bị hành hình,
khổ sở hành hạ
lo sợ dày vò  ;
khi họ đau khổ
cực độ như vậy,
không biết nhờ ai
thì con cứu giúp.

(77) Ai bị đánh khảo
gông cùm xiềng xích,
đủ loại hình cụ
hành hạ thân thể,
trong khi vô số
những nỗi lo sợ
dày vò tâm trí
không chút yên vui  ;

(78) thì con làm cho
thoát được giam cầm
mà bao hình cụ
đã làm khổ họ,
sắp bị hành hình
thì toàn tính mạng,
bao khổ sở khác
cũng hết vĩnh viễn.

(79) Có những chúng sinh
đói khát hoành hành,
thì con làm cho
hưởng đủ mỹ vị,
làm mù được thấy
làm điếc được nghe
làm què được đi
làm ngọng được nói.

(80) Những kẻ nghèo nàn
thì được kho báu,
kho lẫm dẫy đầy
không thiếu thốn chi.
Con làm tất cả
hưởng vui thượng thặng,
không còn một ai
chịu lấy đau khổ.

(81) Người nào cũng được
mọi người thích nhìn,
dung nghi phong nhã
mà lại nghiêm chỉnh,
ai nấy cùng được
hiện tại yên vui,
đời sống phong phú
phước đức đủ cả.

(82) Tùy ý chúng sinh
nghĩ đến âm nhạc,
âm nhạc tuyệt hảo
tức thì tấu lên  ;
và nghĩ đến nước
nước mát đầy hồ,
sen màu hoàng kim
nổi trên nước ấy.

(83) Tùy ý chúng sinh
nghĩ đến vật dụng,
vật dụng đủ cả
cơm áo ghế giường,
đủ vàng đủ ngọc,
đủ ngọc lưu ly,
chuỗi ngọc vòng xuyến
có đủ hết thảy.

(84) Lại làm chúng sinh
không nghe tiếng dữ,
cũng không nhìn thấy
những gì trái ý ;
dung mạo có được
toàn là đoan trang,
và hướng về nhau
toàn bằng lòng từ.

(85) Lạc cụ để sống
nghĩ là có đủ,
vàng ngọc có được
không hề tiếc nuối,
phân cho tất cả
những ai cần thiết.

(86) Các loại hương liệu
và các loại hoa
từ cây rơi xuống
mỗi ngày ba lần,
tùy ý hưởng dụng
lòng tràn hoan hỷ.

(87) Con nguyện chúng sinh
đều biết hiến cúng
các đấng Tối thắng
thế giới mười phương,
hiến cúng Diệu pháp
hoàn bị cả ba
cỗ xe sáng sủa,
hiến cúng Thánh chúng
đủ cả Bồ tát
Độc giác Thanh văn.

(88) Con nguyện chúng sinh
đừng ai ở vào
những nơi hèn hạ
những chỗ tám nạn,
thường sinh làm người
có thể tu hành,
thường được phụng sự
chư vị Thế tôn.

(89) Con nguyện chúng sinh
sinh nhà sang giàu
tài sản bảo vật
đầy kho đầy lẫm,
tướng mạo, danh tiếng
không ai sánh bằng,
thọ lượng trải qua
nhiều kiếp lâu dài.

(90) Con nguyện chúng sinh
nữ biến thành nam
thông minh khỏe mạnh
đa trí đa năng,
và ai cũng đi
đường đi bồ tát
là siêng mà tu
sáu ba la mật.

(91) Con nguyện chúng sinh
thường thấy chư Phật
an tọa bảo tòa
dưới những cây ngọc —
bảo tòa sư tử
bằng chất lưu ly,
thường được thân nghe
Phật chuyển pháp luân.

(92) Quá khứ hiện tại
nếu con luân hồi
ở trong ba cõi
tạo các ác nghiệp
khả năng rước lấy
ác báo đáng ghét,
thì nguyện diệt sạch
không còn thừa sót.

(93) Ở trong biển có ([33])
bao nhiêu chúng sinh
bị buộc thắt chặt
trong lưới sinh tử,
con nguyện vì họ
cắt đứt lưới ấy
bằng kiếm trí tuệ,
làm cho mau chóng
thoát khỏi sinh tử
chứng đắc tuệ giác.

(94) Đại lục Thiệm bộ
hay thế giới khác,
chúng sinh trong đó
tạo bao thắng phước,
nay con nguyện xin
tùy hỷ tất cả.

(95) Con nguyện vận dụng
sự tùy hỷ này,
và bao thiện hạnh
của thân miệng ý,
làm cho thắng nghiệp
thường xuyên lớn lên,
thực hiện mau chóng
tuệ giác vĩ đại.

(96) Bao nhiêu thắng phước
lễ bái tán dương
công đức chư Phật,
với tâm sâu xa
cực kỳ trong sáng
không chút gợn bẩn,
con đem hồi hướng,
lại đem phát nguyện,
thì sáu mươi kiếp
vượt nẻo đường dữ.

(97) Nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào,
hoặc các vọng tộc
như Bà la môn,
chắp tay dốc lòng
tán dương chư Phật,
thì sinh ở đâu
cũng nhớ đời trước,

(98) giác quan toàn hảo
cơ thể toàn mỹ
và hoàn thành hết
công đức siêu việt,
thì trong vị lai
sinh ra ở đâu
chư thiên nhân loại
cũng thường chiêm ngưỡng.

(99) Người ấy không phải
ở nơi một đức
mười đức Phật đà
tu tập thiện căn
mà nay nghe được
pháp sám hối này,
mà phải ở nơi
trăm ngàn Phật đà
gieo trồng thiện căn,
mới được nghe đến
pháp mầu sám hối
như thế này đây.

Bấy giờ đức Thế tôn nghe những lời chỉnh cú ấy thì tán dương bồ tát Diệu tràng, rằng lành thay thiện nam tử, âm thanh xuất từ trống vàng mà ông mộng thấy, đã tán dương công đức Phật đà và diệu pháp sám hối. Ai nghe âm thanh như vậy cũng được rất nhiều phước đức. Âm thanh ấy lợi ích rộng lớn cho bao chúng sinh, loại trừ nghiệp chướng cho họ. Ông nên biết sự thể siêu việt này nguyên nhân là do tập quán quá khứ ông đã quen tán dương chư Phật và sám hối phát nguyện, lại do uy lực chư Phật da trì cho ông. Nguyên nhân ấy, rồi đây vì ông mà Như lai sẽ nói đến ([34]).

Lúc ấy, cả đại hội nghe pháp thoại này, ai cũng hoan hỷ, tin chịu, phụng hành.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 15]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 3

Phẩm 5 – Diệt Trừ Nghiệp Chướng

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở nơi sự phân biệt chính xác, vào trong sự thiền định sâu xa, từ những lỗ chân lông của Ngài phóng ánh sáng lớn đầy những màu sắc. Thế giới chư Phật hiện cả trong ánh sáng ấy, nhiều đến bao nhiêu sự tính toán so sánh đều không có khả năng diễn đạt. Cái thế giới đang ở trong thời kỳ đầy cả năm sự vẩn đục này cũng được ánh sáng ấy chiếu đến. Chúng sinh trong đó, những kẻ làm mười ác nghiệp, năm tội vô gián, phỉ báng Tam bảo, bất hiếu cha mẹ, khinh dể sư trưởng và bà la môn, đáng lẽ phải sa vào địa ngục ngạ quỉ bàng sinh ; những kẻ ấy nhờ ơn ánh sáng của đức Thế tôn chiếu đến chỗ họ ở. Họ thấy ánh sáng ấy rồi thì, nhờ sức mạnh của ánh sáng ấy, họ được hoan hỷ, sắc tướng toàn hảo, phước trí trang nghiêm, thấy được chư Phật. Bấy giờ Đế thích, các chúng chư thiên, nữ thần sông Hằng, cùng các chúng khác, nhờ ánh sáng của đức Thế tôn chiếu đến một cách hiếm có, nên cùng đến chỗ Ngài, đi quanh Ngài ba vòng, rồi lùi lại, mỗi chúng ngồi một phía. Lúc này Đế thích, vâng theo uy thần của đức Thế tôn, đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, rằng bạch đức Thế tôn, thiện nam hay thiện nữ làm sao nguyện cầu vô thượng bồ đề, tu hành đại thừa, nhiếp hóa những kẻ tà kiến thác loạn  ? Những kẻ đã tạo nghiệp chướng thì làm sao sám hối để trừ diệt cho được  ?

Đức Thế tôn dạy Đế thích, rằng lành thay thiện nam tử, ông hỏi như vậy chính là tu hành, muốn làm cho vô lượng chúng sinh thanh tịnh giải thoát. Ông thương xót thế giới, ích lợi hết thảy. Thiện nam tử, những người đã vì nghiệp chướng mà gây tội lỗi, thì phải thúc dục lấy mình, ngày đêm sáu buổi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, nhất cái tâm, chuyên cái niệm, miệng tự nói rằng, con xin qui mạng kính lạy chư vị Thế tôn hiện tại mười phương, những đấng đã chứng đắc vô thượng bồ đề, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp nhiệm mầu, bánh xe chánh pháp chói sáng, mưa nước Pháp vĩ đại, gióng trống Pháp vĩ đại, thổi loa Pháp vĩ đại, dựng cờ Pháp vĩ đại, cầm đuốc Pháp vĩ đại, vì lợi ích yên vui cho chúng sinh mà thường thực thi pháp thí, dạy dỗ cho những kẻ mê mờ bước tới, làm cho họ được quả báo vĩ đại, thường lạc. Chư vị Thế tôn như vậy, con xin đem cả thân miệng ý mà cúi đầu qui mạng kính lạy. Chư vị Thế tôn như vậy đem tuệ giác chân thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, sự bình đẳng chân thật, mà biết hết thấy hết thiện nghiệp ác nghiệp của chúng sinh. Từ vô thỉ đến giờ, con xuôi theo dòng nước tội ác mà cùng chúng sinh tạo ra nghiệp chướng, bị tham sân si buộc chặt. Khi chưa biết Phật, khi chưa biết Pháp, khi chưa biết Tăng, khi chưa biết thiện ác, thì con do thân miệng ý mà làm năm tội vô gián, là ác tâm làm chảy máu thân Phật, phỉ báng Phật pháp, phá Tăng hòa hợp, hại A la hán, hại cha hại mẹ ; con do thân ba miệng bốn ý ba mà làm mười ác nghiệp, bằng cách tự làm, bảo người làm, thấy người làm mà mừng theo ; đối với người hiền, con phỉ báng ngang ngược, dụng cụ cân lường thì dối trá, cho tà là chánh, đem ẩm thực phẩm xấu mà cho người ; đối với cha mẹ nhiều đời ở trong sáu đường thì con tàn hại ; đối với tài vật của Tháp, của Tăng bốn phương, của Tăng hiện diện, con trộm cướp, tự do sử dụng ; đối với giới pháp và giáo pháp của đức Thế tôn, con không thích tuân thủ phụng hành, sư trưởng huấn dụ cũng không thuận theo, thấy ai đi theo cỗ xe Thanh văn, cỗ xe Độc giác, cỗ xe vĩ đại, thì con nhục mạ, quấy phá  ; thấy ai hơn mình, con liền ganh ghét, pháp thí tài thí con tiếc lẫn cả, con để vô minh ngăn che, tà kiến mê hoặc, con không tu nhân lành mà lại tăng thêm nhân ác ; con phỉ báng đến cả chư vị Thế tôn, pháp thì con nói là phi pháp, phi pháp thì con nói là pháp. Bao nhiêu tội lỗi như vậy, chư vị Thế tôn đem tuệ giác chân thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, sự bình đẳng chân thật, mà biết hết, thấy hết, nên ngày nay con xin qui mạng kính lạy. Đối trước chư vị Thế tôn, con không dám che giấu. Tội chưa làm thì con không dám làm, tội đã làm thì con xin sám hối. Những nghiệp chướng đáng sa vào sáu đường tám nạn mà con đã làm, những nghiệp chướng mà hiện con đang làm, con nguyện được tiêu diệt cả. Những báo chướng của những nghiệp chướng ấy, con nguyện vị lai khỏi phải lãnh chịu. Tựa như các vị đại bồ tát quá khứ tu hành bồ đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa. Tựa như các vị đại bồ tát vị lai tu hành bồ đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều sám hối cả, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa. Tựa như các vị đại bồ tát hiện tại tu hành bồ đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm, con nguyện không dám làm nữa.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 16]

Thiện nam tử, vì [như cách nói đã chỉ] trên đây, nên có lỗi thì trong một sát na đã không được che giấu, huống chi một ngày một đêm cho đến hơn nữa. Ai phạm tội mà muốn được trong sạch thì phải biết xấu hổ, tin chắc vị lai phải có ác báo, rất e sợ mà sám hối. Như bị lửa cháy tóc cháy áo thì phải lập tức dập tắt, lửa chưa tắt thì không thư tâm được ; người phạm tội cũng vậy, phải sám hối cho hết liền đi. Muốn sinh nhà giàu vui, nhiều tiền lắm của, hay hơn nữa muốn phát tâm tu tập đại thừa, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Muốn sinh vào nhà hào quí của các giai cấp bà la môn hay sát đế lợi, vào nhà luân vương đủ cả bảy người vật quí báu, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Thiện nam tử, muốn sinh Tứ thiên vương thiên, Tam thập tam thiên, Dạ ma thiên, Đỗ sử đa thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Muốn sinh Phạn chúng thiên, Phạn phụ thiên, Đại phạn thiên ; Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Cực tịnh quang thiên ; Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên ; Vô vân thiên, Phước sinh thiên, Quảng quả thiên ; Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu cánh thiên, thì cũng phải sám hối mà trừ diệt nghiệp chướng. Thiện nam tử, muốn cầu Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất hoàn quả, A la hán quả, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Muốn cầu ba minh, sáu thông, Thanh văn bồ đề, Độc giác bồ đề, Tự tại bồ đề, cho đến Cứu cánh địa ; muốn cầu Nhất thế trí trí, Tịnh trí, Bất tư nghị trí, Bất động trí, Chánh biến trí, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Tại ([35]) sao như vậy  ? Vì, thiện nam tử, tất cả các pháp sinh từ yếu tố tương quan ([36]) ; Như lai đã nói sự thể này sinh thì sự thể khác diệt, vì yếu tố khác biệt với nhau, [nên sám hối sinh thì nghiệp chướng diệt]. Do vậy, ác pháp đã có thì diệt trừ [vì sự sám hối], nên nghiệp chướng không còn sót lại ; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh [vì sự sám hối], nên nghiệp chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử, tất cả các pháp toàn là Không ; Như lai đã nói không ngã nhân chúng sinh thọ giả, không sinh không diệt, không cả hành pháp [sám hối]. Thiện nam tử, tất cả các pháp toàn dựa vào căn bản [chân như], nên cũng không thể diễn tả — vì [căn bản chân như] thì siêu việt tất cả trạng thái [sinh diệt]. Thiện nam hay thiện nữ nào hội nhập diệu lý như vậy mà kính tin, thì thế là không chúng sinh mà có căn bản — Chính vì ý nghĩa này mà nói đến sự sám hối, diệt trừ nghiệp chướng ([37]).

Thiện nam tử, người nào thành tựu bốn pháp này thì trừ diệt nghiệp chướng mà vĩnh viễn thanh tịnh. Một là không nổi tà tâm mà thành tựu chánh niệm. Hai là không phỉ báng diệu lý sâu xa. Ba là đối với các vị bồ tát mới tu cũng nổi dậy Nhất thế trí tâm ([38]). Bốn là đối với chúng sinh thì nổi dậy Tứ vô lượng tâm. Đó là bốn pháp. Đức Thế tôn nói lời chỉnh cú sau đây.

Chuyên tâm giữ ba nghiệp
không phỉ báng diệu pháp,
nghĩ là Nhất thế trí ([39]),
từ tâm : sạch nghiệp chướng.

Thiện nam tử, có bốn nghiệp chướng khó thể diệt trừ. Một là phạm tội rất nặng của bồ tát giới. Hai là phỉ báng đại thừa. Ba là không tăng trưởng được thiện căn của mình. Bốn là tham vướng mà không có ý thoát ly ba cõi. Lại có bốn pháp đối trị được nghiệp chướng. Một là dốc lòng thân gần chư vị Như lai, phát lộ mọi sự tội lỗi. Hai là khuyến thỉnh chư vị Như lai nói diệu pháp sâu xa cho chúng sinh. Ba là tùy hỷ bao nhiêu công đức mà chúng sinh có. Bốn là hồi hướng bao nhiêu thiện căn mình có về nơi vô thượng bồ đề.

Đế thích lại thưa, bạch đức Thế tôn, thế giới có bao nhiêu là nam tử nữ nhân, đối với pháp hạnh đại thừa, có kẻ làm được, có kẻ không làm, vậy làm sao tùy hỷ được công đức của hết thảy chúng sinh  ? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, có người tuy chưa thể tu tập đại thừa, nhưng ngày đêm sáu thời, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chuyên tâm chú ý mà làm sự tùy hỷ thì được phước vô lượng– bằng cách tác bạch như vầy, mười phương thế giới, bao nhiêu chúng sinh hiện tại tu hành bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ, con nay tùy hỷ tất cả một cách sâu xa. Làm cái phước tùy hỷ như vậy thì quyết định đạt được kết quả cao trọng, siêu việt, không gì ở trên, không thể sánh bằng, cùng cực mầu nhiệm. Cũng một cung cách như vậy mà tùy hỷ tất cả đối với công đức của hết thảy chúng sinh quá khứ và vị lai. Lại nữa, hiện tại các vị bồ tát mới tu, phát bồ đề tâm có bao nhiêu công đức ; các vị bồ tát đã trải qua trăm kiếp tu hành bồ tát hạnh có bao nhiêu công đức to lớn ; các vị bồ tát được vô sinh pháp nhẫn, được bất thoái chuyển, được nhất sinh bổ xứ, tất cả những khối công đức như vậy, con xin dốc lòng tùy hỷ tán thán tất cả. Quá khứ và vị lai, tất cả bồ tát có bao nhiêu công đức, con cũng xin tùy hỷ tán thán như vậy. Lại nữa, hiện tại mười phương thế giới, tất cả chư vị Phật đà, Ứng cúng, Chánh biến tri, chứng được tuệ giác bồ đề vi diệu, vì độ thoát vô biên chúng sinh mà chuyển đẩy pháp luân vô thượng, thi hành pháp thí vô ngại, đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, mưa nước pháp, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh, làm cho ai cũng tin chịu, nhờ ơn pháp thí, sung túc mọi nỗi an lạc vô tận ; các vị Bồ tát, Thanh văn, Độc giác tập hợp công đức, chúng sinh chưa có công đức ấy thì làm cho có cả — [tất cả công đức của chư vị Phật đà và chư vị Thánh giả hiện tại như vậy], con xin tùy hỷ hết thảy. Quá khứ và vị lai, chư vị Phật đà và chư vị Thánh giả, có bao nhiêu công đức, con cũng hết lòng tùy hỷ tán thán như vậy. Thiện nam tử, tùy hỷ như vậy thì sẽ được cái khối công đức vô lượng. Hằng sa đại thiên thế giới, chúng sinh trong đó đều dứt phiền não, đều thành La hán ; nếu có thiện nam hay thiện nữ nào suốt đời hiến cúng y phục, ẩm thực, ngọa cụ, dược phẩm, toàn loại thượng hạng, thì công đức ấy vẫn không bằng một phần ngàn của công đức tùy hỷ như trên, vì sao, vì công đức hiến cúng có số có lượng, không bao gồm mọi công đức, còn công đức tùy hỷ thì vô số vô lượng, bao gồm tất cả công đức quá khứ hiện tại vị lai. Ấy vậy, ai muốn tăng thêm công đức siêu việt thì phải tu cái công đức tùy hỷ như thế. Nữ nhân nào ước nguyện chuyển nữ thân thành nam tử, thì cũng phải tu tập công đức tùy hỷ, cái nguyện chuyển thành nam tử tất được tùy tâm.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 17]

Bấy giờ Đế thích lại thưa, bạch đức Thế tôn, công đức tùy hỷ con đã được biết, còn công đức khuyến thỉnh thì con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho, để cho vị lai các vị bồ tát sẽ chuyển đẩy pháp luân, các vị bồ tát hiện tại thì chính xác tu hành. Đức Thế tôn dạy, Đế thích, thiện nam hay thiện nữ nào nguyện cầu vô thượng bồ đề thì phải tu hành đạo hạnh của thanh văn độc giác và đại thừa, ngày đêm sáu thời cử động như trên đã nói, chuyên tâm chú ý mà tác bạch như vầy, con xin qui y kính lạy mười phương chư vị Thế tôn ; các Ngài đã thành tựu vô thượng bồ đề mà chưa chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vô thượng, muốn xả bỏ sinh thân mà nhập niết bàn, thì con xin chí thành đảnh lễ, khuyến thỉnh các Ngài lăn xe pháp lớn, mưa nước pháp lớn, đốt đèn pháp lớn, soi sáng ý hướng của Pháp mà thực thi pháp thí vô ngại, đừng nhập niết bàn mà ở đời cho lâu, độ thoát an lạc tất cả chúng sinh, cho đến sung túc mọi nỗi an lạc vô tận như trên đã nói. Con lại đem công đức khuyến thỉnh này hồi hướng vô thượng bồ đề ; như quá khứ vị lai hiện tại các vị đại bồ tát đã đem công đức khuyến thỉnh hồi hướng vô thượng bồ đề, thì con cũng làm như vậy, đem công đức khuyến thỉnh mà hồi hướng vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, giả sử có ai đem bảy chất liệu quí báu đầy cả đại thiên thế giới mà hiến cúng chư vị Như lai, và người khác, khuyến thỉnh chư vị Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại, thì công đức của người này phước hơn người trên. Vì sao, vì người trên là tài thí, người này là pháp thí. Thiện nam tử, hãy gác lại sự bố thí bảy chất liệu quí báu đầy cả đại thiên thế giới, mà nói nếu ai đem bảy chất liệu quí báu đầy cả hằng sa đại thiên thế giới, hiến cúng tất cả chư vị Như lai, thì công đức khuyến thỉnh vẫn hơn công đức hiến cúng ấy. Lý do là vì pháp thí thì có năm sự lợi ích siêu việt. Một là pháp thí lợi cả mình người, tài thí không được như vậy. Hai là pháp thí làm cho chúng sinh siêu thoát ba cõi, cái phước tài thí không siêu thoát ba cõi. Ba là pháp thí làm trong sáng pháp thân, tài thí chỉ tăng thêm sắc tướng. Bốn là pháp thí thì vô cùng, tài thí thì hữu tận. Năm là pháp thí đoạn trừ vô minh, tài thí chỉ tạm dẹp tham ái. Do vậy, thiện nam tử, công đức khuyến thỉnh thì vô lượng vô biên, khó có gì có thể đối chiếu. Như chính Như lai xưa kia, khi đi theo đường đi bồ tát, Như lai đã khuyến thỉnh chư vị Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại, do công đức này mà ngày nay tất cả Phạn vương Đế thích đã khuyến thỉnh Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại. Thiện nam tử, khuyến thỉnh chuyển đẩy bánh xe chánh pháp là muốn độ thoát an lạc cho chúng sinh. Như lai xưa kia, khi tu bồ đề hạnh, đã khuyến thỉnh chư vị Như lai ở đời lâu dài, đừng nhập niết bàn ; do công đức này mà nay Như lai đạt được mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại biện, đại từ đại bi, thực hiện vô số phẩm chất bất cọng, nên dẫu Như lai nhập niết bàn đi nữa, chánh pháp của Như lai vẫn tồn tại lâu dài. Còn pháp thân của Như lai thì trong sáng tuyệt đối, tướng tốt đủ dạng, trí tuệ vô lượng, tự tại vô lượng, công đức vô lượng, khó thể tư duy, khó thể thảo luận, các loại chúng sinh đều nhờ lợi ích, trăm ngàn vạn kiếp nói cũng không cùng. Pháp thân bao quát các pháp, các pháp không thể bao quát pháp thân. Pháp thân thường trú mà không sa vào quan điểm thường, pháp thân đoạn diệt mà không sa vào quan điểm đoạn. Pháp thân phá được cho chúng sinh đủ loại quan điểm đối nghịch, sinh được cho chúng sinh đủ loại quan điểm chính xác. Pháp thân cởi mở được cho chúng sinh mọi thứ ràng buộc, mặc dầu không thật có mọi thứ ràng buộc được cởi mở. Pháp thân gieo trồng cho chúng sinh những gốc rễ công đức, ai chưa thành thục thì làm cho thành thục, ai đã thành thục thì làm cho giải thoát. Pháp thân bất tác bất động, rời xa ồn náo, vắng lặng vô vi, tự tại an lạc, siêu việt thì gian mà vẫn thị hiện theo thì gian. Pháp thân siêu việt lĩnh vực Thanh văn Độc giác, làm đối tượng tu hành của các vị đại bồ tát. Pháp thân thì chư vị Như lai không có khác biệt thể tánh. Tất cả phẩm chất trên đây toàn là do sức mạnh của công đức khuyến thỉnh mà có. Pháp thân như vậy Như lai đã chứng đắc. Thế nên ai muốn đạt được vô thượng bồ đề, thì đối với một câu một kệ trong kinh cũng nói cho người, và công đức đã vô hạn, huống chi khuyến thỉnh Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại, ở lâu trong đời chứ đừng nhập niết bàn.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 18]

Bấy giờ Đế thích lại thưa, bạch đức Thế tôn, thiện nam thiện nữ vì cầu vô thượng bồ đề mà tu tập đạo hạnh của cả tam thừa, thì công đức họ có được làm sao hồi hướng về trí Nhất thế trí  ? Phật dạy Đế thích, thiện nam tử, ai cầu vô thượng bồ đề, tu tập đạo hạnh tam thừa, có bao công đức mà nguyện hồi hướng, thì ngày đêm sáu thời, thiết tha chí thành, tác bạch như vầy, con từ vô thỉ đến nay, nơi Tam bảo con tu hành được bao công đức, cho đến cho loài bàng sinh một chút thực phẩm, hoặc khéo lời hòa giải tranh chấp, hoặc lãnh thọ ba pháp qui y và các giới pháp, hoặc sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, tất cả công đức trên đây, nay con tác ý, thu góp lại hết, xoay về hiến cho hết thảy chúng sinh, không có tâm lý tiếc lẫn, và đó là công đức thống thuộc phần giải thoát. Như chư vị Thế tôn thấy biết thì không thể cân lường, trong sáng vô ngại, có bao nhiêu công đức đều đem xoay lại hiến cho tất cả chúng sinh, không trú tướng cũng không xả tướng ([40]), thì con cũng làm như vậy, đem công đức mà hồi hướng hiến cho chúng sinh, nguyện cho chúng sinh được cái tay như ý, chỉ trong không gian cũng xuất ra vàng ngọc, thỏa nguyện của họ, giàu vui vô tận, trí tuệ vô cùng, diệu pháp và biện tài đều không trì trệ, cùng chúng sinh cùng chứng vô thượng bồ đề, được Nhất thế trí. Rồi do công đức này mà xuất sinh ra nữa vô lượng công đức, và cũng hồi hướng vô thượng bồ đề. Lại như quá khứ các vị đại bồ tát tu hành công đức thì xoay lại cả mà hồi hướng Nhất thế chủng trí, các vị bồ tát hiện tại vị lai cũng làm như vậy ; [con nay cũng làm như vậy], bao nhiêu công đức có được, con hồi hướng vô thượng bồ đề, và đem công đức này nguyện cùng chúng sinh cùng thành chánh giác. Y như chư vị Thế tôn khi ngồi dưới bồ đề thọ trong bồ đề tràng, thì thanh tịnh đến bất khả tư nghị và không còn chướng ngại, an trú trong tổng trì vô tận pháp tạng, trong định Thủ lăng nghiêm, phá tan quân đội đông đảo của ma vương Ba tuần, những gì phải thấy biết và phải thông suốt thì, trong một sát na, chư vị Thế tôn đã soi sáng tất cả, và phần sau của đêm ấy các Ngài được pháp cam lộ, chứng nghĩa cam lộ. Thì con và chúng sinh cũng nguyện cùng chứng diệu giác như vậy. Y như chư vị.

Vô lượng thọ như lai,
Thắng quang như lai,
Diệu quang như lai,
A súc như lai,
Công đức thiện quang như lai,
Sư tử quang minh như lai,
Nhật quang minh như lai,
Võng quang minh như lai,
Bảo tướng như lai,
Bảo diệm như lai,
Diệm minh như lai,
Diệm thịnh quang minh như lai,
Cát tường thượng vương như lai,
Vi diệu thanh như lai,
Diệu trang nghiêm như lai,
Pháp tràng như lai,
Thượng thắng thân như lai,
Khả ái sắc thân như lai,
Quang minh biến chiếu như lai,
Phạn tịnh vương như lai,
Thượng tánh như lai.

Đồng đẳng như vậy, trong quá khứ vị lai và hiện tại, chư vị Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, vì hóa độ chúng sinh mà thị hiện ứng hóa thân, chứng vô thượng bồ đề, chuyển vô thượng pháp luân, nay con cũng nguyện được như vậy, như trước đã nói rõ.

Thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ có đức tin trong sáng, đối với phẩm Diệt trừ nghiệp chướng này của kinh Ánh sáng hoàng kim mà tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, nhớ kỹ không quên, đem nói cho người một cách phong phú, thì được khối công đức vĩ đại, vô lượng vô biên. Ví như bao nhiêu chúng sinh trong đại thiên thế giới một lúc cùng được thân người, được thân người rồi thành Độc giác ; thiện nam thiện nữ nào suốt đời kính trọng, hiến cúng bốn sự, lại hiến cúng mỗi vị Độc giác một khối bảy chất liệu quí báu bằng núi Tu di, các vị Độc giác này nhập diệt thì đối với vị nào cũng đem ngọc quí xây tháp mà hiến cúng, tháp ấy cao rộng đến mười hai du thiện na, hiến cúng thường xuyên bằng hoa hương, bảo cái, tràng phan, thì thiện nam tử, ý ông nghĩ thế nào, người hiến cúng ấy được công đức nhiều không  ? Đế thích thưa, rất nhiều, bạch đức Thế tôn. Thiện nam tử, mặt khác, có ai đối với phẩm Diệt trừ nghiệp chướng này của kinh Ánh sáng hoàng kim, bản kinh nhiệm mầu, vua của các kinh, mà biết tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, nhớ kỹ không quên, đem nói cho người một cách phong phú, thì công đức người này có được, công đức hiến cúng của người trước không bằng một phần trăm, một phần ngàn, mười ngàn, trăm ngàn, cho đến toán số ví dụ cũng không thể diễn tả. Tại sao, vì người này đứng trong chánh hạnh, khuyến thỉnh chư vị Như lai chuyển đẩy pháp luân vô thượng và được các Ngài hoan hỷ tán thán. Thiện nam tử, Như lai đã nói rồi, trong mọi sự bố thí, pháp thí hơn hết. Do vậy, thiện nam tử, hiến cúng Tam bảo cũng không thể sánh bằng. Khuyến khích thọ ba qui y, giữ các giới pháp, không có vi phạm, ba nghiệp không trống rỗng, cũng không thể sánh bằng. Mọi chúng sinh trong mọi thế giới, tùy sức lực, tùy khả năng, tùy nguyện ước, mà đối với tam thừa khuyên người phát bồ đề tâm, cũng không thể sánh bằng. Trong mọi thế giới quá khứ hiện tại và vị lai, bao nhiêu chúng sinh đều được vô ngại, mau chóng làm cho thành đạt vô lượng công đức, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc độ quá khứ hiện tại vị lai đều làm cho không chướng ngại, thực hiện ba tuệ giác bồ đề, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc độ quá khứ hiện tại vị lai, khuyến khích cho họ mau chóng thoát ly cái khổ bốn nẻo đường dữ, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc độ quá khứ hiện tại vị lai, khuyến khích cho họ diệt trừ ác nghiệp rất nặng, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh khổ não, khuyến khích làm cho họ giải thoát cả, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh sợ hãi, khổ não bức bách, làm cho họ thoát cả, cũng không thể sánh bằng. Trước chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại và vị lai, bao chúng sinh có bao công đức, khuyến khích cho họ tùy hỷ, phát bồ đề tâm, cũng không thể sánh bằng. Khuyến khích cho họ trừ khử hành vi độc ác, nhục mạ, mọi công đức đều mong họ thành tựu, và sinh ra ở đâu cũng khuyến khích cho họ hiến cúng, tôn trọng, tán thán tất cả Tam bảo, khuyến khích cho họ tịnh tu công đức, thành tựu bồ đề, cũng không thể sánh bằng. Thế nên phải nhận thức rằng, khuyến thỉnh Tam bảo quá khứ hiện tại vị lai trong mọi thế giới, khuyến thỉnh hoàn bị sáu ba la mật, khuyến thỉnh chuyển đẩy pháp luân vô thượng, khuyến thỉnh ở đời lâu đến vô lượng kiếp, diễn nói vô lượng diệu pháp rất sâu, công đức rất sâu như vậy thì không thể sánh bằng ([41]).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 19]

Bấy giờ Đế thích, nữ thần sông Hằng, vô lượng Phạn vương, thiên chúng của bốn Đại thiên vương, cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay đảnh lễ rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, chúng con được nghe kinh Ánh sáng hoàng kim này, nay xin tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, một cách thông suốt, đem nói phong phú cho người, và y theo pháp của kinh ấy mà sống. Tại sao, bạch đức Thế tôn, vì chúng con muốn cầu vô thượng bồ đề, nên tùy thuận những sắc thái siêu việt của nghĩa lý kinh này mà thực hành đúng cách. Phạn vương, Đế thích, những vị đồng đẳng, ngay nơi chỗ đức Thế tôn thuyết pháp mà cùng nhau đem hoa mạn đà la rải trên Ngài. Đại thiên thế giới tức thì đại động. Thiên cổ và thiên nhạc không gióng mà tự kêu. Ánh sáng hoàng kim được phóng ra, trải đầy thế giới, xuất ra âm thanh tuyệt diệu. Đế thích lại thưa, bạch đức Thế tôn, tất cả cảnh tượng trên đây toàn là sức mạnh uy thần của kinh Ánh sáng hoàng kim, từ bi phổ độ, lợi ích đa dạng, đa dạng tăng trưởng công đức bồ tát, diệt trừ nghiệp chướng. Phật dạy Đế thích, đúng như vậy, đúng như ông nói. Tại sao, thiện nam tử, Như lai nhớ xưa kia, lâu hơn vô lượng trăm ngàn vô số kiếp, có đức Như lai danh hiệu là Bảo vương đại quang chiếu, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, xuất hiện thế giới, tồn tại sáu trăm tám mươi ức kiếp. Lúc ấy đức Bảo vương đại quang chiếu như lai vì muốn độ thoát nhân loại, chư thiên, Đế thích, Phạn vương, sa môn, bà la môn, và hết thảy chúng sinh, làm cho họ yên vui, nên khi xuất hiện, thuyết pháp đại hội đầu tiên, Ngài hóa độ trăm ngàn vạn ức người đều thành A la hán, sạch hết mọi sự sơ hở, ba minh sáu thông đều tự tại vô ngại ; thuyết pháp đại hội thứ hai, Ngài hóa độ chín mươi ngàn vạn ức người đều thành A la hán, sạch hết mọi sự sơ hở, ba minh sáu thông đều tự tại vô ngại ; thuyết pháp đại hội thứ ba, Ngài hóa độ cho chín mươi tám ngàn vạn ức người, đều thành A la hán, viên mãn những phẩm chất đã nói như trên. Thiện nam tử, bấy giờ Như lai làm thân nữ nhân, tên là Phước bảo quang minh. Trong đại hội thứ ba, được thân gần đức Bảo vương đại quang chiếu như lai, vì cầu vô thượng bồ đề nên tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc kinh Ánh sáng hoàng kim, nói rộng rãi cho người. Nên bấy giờ đức Bảo vương đại quang chiếu như lai thọ ký cho, rằng thiện nữ Phước bảo quang minh này vị lai sẽ được trở thành Phật đà, danh hiệu là Thích ca mâu ni, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời. Thế rồi Như lai xả bỏ nữ thân, và từ đó đến nay vượt qua bốn nẻo đường dữ, sinh trong nhân loại và chư thiên, hưởng thụ sự yên vui thượng diệu, tám mươi bốn trăm ngàn đời làm chuyển luân vương, và ngày nay thành bậc Chánh giác, danh tiếng vang khắp thế giới. Vào lúc bấy giờ cả đại hội đột nhiên ai cũng nhìn thấy đức Bảo vương đại quang chiếu như lai đang chuyển đẩy pháp luân vô thượng, diễn nói chánh pháp nhiệm mầu– [dầu cả đại hội vẫn chưa biết đức Thế tôn mình thấy là ai]. [Đức Thế tôn nói với Đế thích], thiện nam tử, cách thế giới Sách ha này, về hướng đông, qua trăm ngàn hằng sa cõi Phật, thì có thế giới tên là Bảo trang nghiêm, đức Bảo vương đại quang chiếu như lai hiện còn ở đó, chưa nhập niết bàn, nói pháp nhiệm mầu quảng hóa chúng sinh. Đấng mà đại hội các người nhìn thấy, chính là đức Như lai ấy. Thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ nào nghe được danh hiệu của đức Bảo vương đại quang chiếu như lai thì không còn thoái chuyển vị trí bồ tát, đạt đến đại niết bàn. Nữ nhân nào nghe danh hiệu của đức Bảo vương đại quang chiếu như lai, thì khi lâm chung được thấy Ngài đến chỗ mình. Thấy Ngài rồi tuyệt đối không còn làm nữ thân nữa. Thiện nam tử, Ánh sáng hoàng kim, bản kinh nhiệm mầu này lắm cách lợi ích, lắm cách tăng thêm công đức bồ tát, diệt trừ nghiệp chướng.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 20]

[Ghi chú: phần này và phần trên cùng một đoạn, không xuống hàng]

Thiện nam tử, bí sô, bí sô ni, ô ba sách ca, ô ba tư ca, những vị này ở chỗ nào giảng nói cho người bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy được bốn sự phước lợi. Một là quốc vương vô bịnh, không mọi tai ách. Hai là thọ lượng lâu dài, không bị trở ngại. Ba là không có thù nghịch, quân đội hùng cường. Bốn là yên ổn sung túc, Phật pháp lưu thông. Tại sao được như vậy, vì vị nhân vương này thường được Đế thích, Phạn vương, bốn vị Thiên vương, bộ chúng Dược xoa, cùng nhau hộ vệ. Đức Thế tôn hỏi chúng chư thiên ấy, các thiện nam tử, có đúng như vậy không  ? Đế thích, Phạn vương, bốn vị Thiên vương, bộ chúng Dược xoa, đồng thanh trả lời đức Thế tôn, rằng đúng như vậy, đúng như vậy, bạch đức Thế tôn. Quốc gia nào mà có tuyên giảng hay đọc tụng bản kinh vua của các kinh này, thì quốc vương của quốc gia ấy thường được chúng con hộ vệ, cùng chung đi đứng. Quốc vương ấy nếu có mọi sự tai nạn và thù nghịch, thì chúng con làm cho tan biến, sự ưu sầu và bịnh truyền nhiễm cũng được trừ khử cho lành mạnh, thọ lượng tăng thêm, cảm ứng điềm lành, ước nguyện toại ý, luôn luôn vui vẻ. Chúng con cũng làm cho quốc gia ấy có quân đội hùng cường. Đức Thế tôn nói, lành thay các thiện nam tử, đúng như lời các người đã nói, các người hãy thực hiện như vậy. Bởi vì vị quốc vương ấy khi làm đúng Phật pháp thì toàn thể dân chúng đều theo quốc vương mà làm đúng Phật pháp. Các người cũng nhờ [hộ vệ cho họ] mà sắc tướng và sức lực đều hơn lên, cung điện sáng hơn lên, thân thuộc thịnh hơn lên. Đế thích, Phạn vương, cùng các vị đồng đẳng, thưa rằng đúng như vậy, bạch đức Thế tôn. Đức thế tôn nói, chỗ nào có giảng đọc và lưu hành kinh pháp mầu nhiệm này, thì trong quốc gia ấy các vị đại thần cùng quan thuộc có bốn cái lợi. Một là thân nhau, hòa nhau, tôn trọng và thương nhớ đến nhau. Hai là thường được quốc vương mến trọng, lại được sa môn, bà la môn, đại quốc, tiểu quốc, đều kính mến. Ba là khinh của trọng đạo, không cầu lợi lộc, tiếng tốt vang khắp, ai cũng kính ngưỡng. Bốn là thọ lượng lâu dài, yên ổn thích thú. Đó là bốn cái lợi. Quốc gia nào tuyên thuyết kinh này, thì sa môn, bà la môn ở đó có bốn cái lợi. Một là đồ mặc, đồ ăn, đồ nằm, thuốc men, không thiếu gì cả. Hai là yên tâm mà tư duy đọc tụng. Ba là ở núi rừng, sống yên vui. Bốn là tùy ý muốn gì cũng thỏa nguyện cả. Đó là bốn cái lợi. Quốc gia nào tuyên thuyết kinh này thì dân chúng ai cũng sung túc, hạnh phúc, không mọi thứ bịnh tật và truyền nhiễm, thương khách qua lại, được lắm bảo vật và hàng hóa, tràn đầy thắng phước. Đó là cái lợi đa dạng.

Lúc ấy Phạn vương, Đế thích, bốn vị Thiên vương, và cả đại hội, cùng thưa, bạch đức Thế tôn, kinh điển như thế này nghĩa lý rất sâu xa, nếu còn thì ba mươi bảy giác phần còn cả, chưa mất ; nếu mất thì chánh pháp cũng mất. Đức Thế tôn nói, đúng như vậy, các thiện nam tử. Do vậy, đối với kinh Ánh sáng hoàng kim này, dầu một câu hay một bài chỉnh cú, dầu một phẩm hay trọn bộ, các người phải nhất tâm mà chính xác đọc tụng, chính xác nghe nhớ, chính xác suy nghĩ, chính xác tu tập, vì chúng sinh mà quảng bá rộng rãi, thì luôn luôn yên vui, phước lợi vô cùng. Bấy giờ đại hội nghe đức Thế tôn nói rồi, ai cũng được lợi ích siêu việt, hoan hỷ mà thọ trì.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 21]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 4

Phẩm 6 – Minh Chú Tịnh Địa

Bấy giờ bồ tát Sư tử tướng vô ngại quang diệm, cùng với bộ chúng vô lượng, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem các loại hoa hương và tràng phan bảo cái mà hiến cúng, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, có mấy nhân tố được tâm bồ đề  ? tâm bồ đề là gì  ? Bạch đức Thế tôn, nơi bồ đề thì tâm hiện tại không thể có, tâm vị lai không thể có, tâm quá khứ không thể có ; rời bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể có. Bồ đề thì không thể diễn tả, tâm cũng phi sắc tướng, phi sự nghiệp ([42]), phi tạo tác ; chúng sinh cũng không thể có, cũng không thể biết. Bạch đức Thế tôn, cái nghĩa rất sâu xa như vậy của các pháp thì làm sao biết được  ? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như vậy, bồ đề nhiệm mầu, sự nghiệp và tạo tác toàn là phi cả. Rời bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể có. Bồ đề không thể diễn tả, tâm cũng không thể diễn tả, phi sắc tướng, phi sự nghiệp. Chúng sinh cũng là không thể có. Tại sao, vì bồ đề với tâm đều là chân như, năng chứng sở chứng đều bình đẳng. Nhưng, thiện nam tử, không phải không các pháp mà có thấu hiểu. Bồ tát đại sĩ thấu hiểu như vậy thì mới gọi là thông suốt các pháp, là khéo nói về bồ đề và tâm bồ đề. Tâm bồ đề là phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại. Tâm cũng vậy. Chúng sinh cũng vậy. Và trong đó nhị biên thật không thể có được. Tại sao, vì các pháp toàn là vô sinh. Nên bồ đề không thể có, cái tên bồ đề cũng không thể có, chúng sinh và cái tên chúng sinh không thể có, Thanh văn và cái tên Thanh văn không thể có, Độc giác và cái tên Độc giác không thể có, Bồ tát và cái tên Bồ tát không thể có, Phật đà và cái tên Phật đà không thể có, tu hành với không phải tu hành ([43]) không thể có, cái tên tu hành với không phải tu hành cũng không thể có. Vì không thể có, nên trong sự vắng lặng mà được đứng yên, và đó là do công đức mà được.

Thiện nam tử, như núi ngọc Tu di lợi ích tất cả, tâm bồ đề lợi ích tất cả chúng sinh, đó là nhân tố của sự bố thí, ba la mật thứ nhất. Như đại địa giữ mọi sự vật, đó là nhân tố của sự trì giới, ba la mật thứ hai. Như sư tử oai sức rất lớn, đi một mình mà không sợ hãi gì, đó là nhân tố của sự nhẫn nhục, ba la mật thứ ba. Như tốc lực cực mạnh của gió, dũng cảm và mau chóng, tâm không thoái lui, đó là nhân tố của sự cần sách, ba la mật thứ tư. Như lầu đài bằng bảy chất liệu quí, có bốn đường cấp, gió mát thổi đến bốn cửa làm cho thích thú, kho tàng tịnh lự cũng vậy, thỏa mãn đầy đủ cho mọi sở cầu, đó là nhân tố của sự tịnh lự, ba la mật thứ năm. Như vầng thái dương sáng chói rực rỡ, tâm này mau chóng phá tan vô minh ám chướng, đó là nhân tố của sự trí tuệ, ba la mật thứ sáu. Như thương trưởng làm cho mọi tâm nguyện thỏa mãn, tâm này vượt được đường hiểm sinh tử, thu hoạch vàng ngọc công đức, đó là nhân tố của sự phương tiện, ba la mật thứ bảy. Như vầng trăng tròn sáng, tâm ấy trong sạch đầy đủ đối với mọi đối cảnh, đó là nhân tố của sự thệ nguyện, ba la mật thứ tám. Như tổng tư lịnh quân đội của luân vương tự do tùy ý, tâm này khéo trang hoàng thế giới, vô số công đức quảng lợi chúng sinh, đó là nhân tố của sự năng lực, ba la mật thứ chín. Như không gian và luân vương, tâm này đối với mọi đối cảnh không có chướng ngại, đối với mọi vị trí đều được tự tại, đạt đến địa vị quán đảnh, đó là nhân tố của sự trí giác, ba la mật thứ mười. Đó là mười nhân tố của tâm bồ đề. Mười nhân tố như vậy các người phải tu học.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 22]

Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu bố thí ba la mật : một là tín căn, hai là từ bi, ba là không có tâm lý cầu mong dục vọng, bốn là thu nhận hết thảy chúng sinh, năm là nguyện cầu trí nhất thế trí. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu bố thí ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu trì giới ba la mật : một là thân miệng ý trong sáng, hai là không làm yếu tố gây ra phiền não cho chúng sinh, ba là đóng cửa đường dữ mở cửa đường lành, bốn là vượt qua vị trí thanh văn độc giác, năm là hoàn thiện đủ hết mọi thứ công đức. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu trì giới ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật : một là dẹp được phiền não tham lam tức giận, hai là không tiếc tính mạng, không cầu an, ba là nghĩ đến nghiệp cũ, gặp khổ nhẫn được, bốn là vì phát tâm từ bi thành thục thiện căn cho chúng sinh, năm là để được vô sinh pháp nhẫn cực kỳ sâu xa. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật : một là không thích sống chung với mọi thứ phiền não, hai là công đức chưa đủ thì không hưởng yên vui, ba là không chán những sự khổ hạnh khó làm, bốn là đem đại từ bi lợi ích chúng sinh, phương tiện thành thục cho tất cả, năm là nguyện cầu vị trí không còn thoái chuyển. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu tịnh lự ba la mật : một là nắm giữ thiện pháp không cho tản mác, hai là thường mong giải thoát, không vướng nhị biên, ba là nguyện được thần thông để thành tựu thiện căn cho chúng sinh, bốn là vì làm trong sáng pháp giới, trừ khử dơ bẩn của tâm, năm là vì diệt trừ gốc rễ phiền não cho chúng sinh. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu tịnh lự ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu trí tuệ ba la mật : một là phụng sự thân gần mà không chán bỏ đối với chư vị Như lai Bồ tát và những bậc minh trí, hai là tâm thường thích nghe mà không biết chán biết đủ đối với diệu pháp sâu xa của chư vị Như lai, ba là thích khéo phân biệt về thắng trí chân đế và thắng trí tục đế, bốn là cấp tốc diệt trừ tất cả kiến hoặc tu hoặc, năm là tinh thông tất cả năm minh xứ, trong đó có mọi kỹ thuật thế gian. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu trí tuệ ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật : một là thông suốt hết thảy các dạng ý thích, phiền não và tâm hạnh của chúng sinh, hai là hiểu rõ vô lượng pháp môn đối trị, ba là tự do xuất và nhập định Đại từ bi, bốn là nguyện tu hành thành tựu đầy đủ các pháp ba la mật, năm là nguyện thấu suốt hết thảy Phật pháp, thu giữ không sót. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật : một là tâm ở yên được nơi đạo lý các pháp xưa nay bất sinh diệt, phi hữu vô, hai là tách rời dơ bẩn, thể hiện trong sáng, tâm ở yên được mà quan sát ý nghĩa cực kỳ nhiệm mầu của các pháp, ba là siêu việt tất cả ý tưởng, tâm ở yên được nơi chân như của tâm không thi vi, không chuyển biến, không dị biệt, không dao động, bốn là vì muốn lợi ích chúng sinh nên tâm ở yên được nơi tục đế, năm là tâm ở yên được nơi sự song hành của chỉ quán. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu năng lực ba la mật : một là đem năng lực của chánh trí mà thấu triệt tâm hạnh thiện ác của chúng sinh, hai là làm cho chúng sinh hội nhập diệu pháp cực kỳ sâu xa, ba là biết rõ chính xác chúng sinh tùy nghiệp mà sinh tử luân hồi, bốn là đem năng lực của chánh trí mà phân biệt biết rành ba loại căn tánh của chúng sinh, năm là do trí lực mà thuyết pháp hợp lý cho chúng sinh, làm cho họ gieo trồng thiện căn, thành thục và giải thoát. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu năng lực ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu trí giác ba la mật : một là phân biệt thiện ác đối với các pháp, hai là rời xa pháp đen mà thu nhận pháp trắng, ba là không chán sinh tử không ưa niết bàn, bốn là đầy đủ phước đức và trí tuệ mà đạt đến vị trí cứu cánh, năm là tiếp nhận sự quán đảnh siêu việt, thực hiện mọi pháp bất cọng và trí nhất thế trí của chư vị Như lai. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu trí giác ba la mật.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 23]

Thiện nam tử, ba la mật nghĩa là gì  ? Tu tập đạt được lợi ích siêu việt là nghĩa ba la mật. Hoàn hảo tuệ giác vô lượng, vĩ đại và rất sâu, là nghĩa ba la mật. Tâm không chấp trước pháp tu hành với pháp không phải tu hành, là nghĩa ba la mật. Tỉnh ngộ chính xác và quan sát chính xác tội lỗi của sinh tử với công đức của niết bàn, là nghĩa ba la mật. Người ngu người trí thu nhận tất cả, là nghĩa ba la mật. Hoạt hiện diệu pháp đủ hết các dạng quí báu nhiệm mầu, là nghĩa ba la mật. Đầy đủ trí tuệ vô ngại giải thoát là nghĩa ba la mật. Phân biệt biết chính xác pháp giới và chúng sinh giới, là nghĩa ba la mật. Bố thí cho đến trí giác đều làm cho đạt đến vị trí bất thoái chuyển, là nghĩa ba la mật. Hoàn thiện được vô sinh pháp nhẫn là nghĩa ba la mật. Làm cho chúng sinh thành thục thiện căn công đức là nghĩa ba la mật. Nơi tuệ giác vô thượng bồ đề, thành tựu được tất cả các pháp bất cọng của chư vị Như lai, là nghĩa ba la mật. Sinh tử với niết bàn rõ ràng bất nhị là nghĩa ba la mật. Cứu vớt tất cả là nghĩa ba la mật. Ngoại đạo chất vấn, khéo giải thích cho họ phục tùng, là nghĩa ba la mật. Chuyển được pháp luân đủ cả mười hai hành tướng là nghĩa ba la mật. Không vướng mắc, không quan điểm, không hệ lụy, là nghĩa ba la mật.

Thiện nam tử, bồ tát địa thứ nhất thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là vô số kho báu ([44]) trong đại thiên thế giới đều tràn đầy. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ hai thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là đại thiên thế giới đất bằng như bàn tay, với vô số vẻ đẹp của các loại ngọc quí và những đồ trang sức. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ ba thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là bản thân hùng mạnh, áo giáp và vũ khí uy nghiêm, làm cho mọi kẻ thù nghịch đều khuất phục. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ tư thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là có gió bốn hướng đưa những loại hoa tuyệt diệu đến rải đầy mặt đất. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ năm thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là có những bảo nữ tuyệt diệu, trang sức những chuỗi ngọc và những hoa miện. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ sáu thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là có hồ thất bảo lớn, với đường cấp bốn phía, cát vàng rải khắp, sạch sẽ không dơ, nước tám đặc tính quí tràn đầy trong hồ, các loại hoa sen mọc lên thích hợp vị trí, và nơi hồ đầy hoa sen này dạo đi thích thú, mát mẻ bậc nhất. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ bảy thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là trước mặt bồ tát có những kẻ đáng đọa địa ngục, nhưng vì năng lực của bồ tát mà không đọa nữa, không thương tổn, không sợ hãi. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ tám thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là hai bên thân mình có sư tử chúa hộ vệ, các loại thú vật đều khiếp sợ. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ chín thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là làm luân vương, với vô số người bao quanh phụng sự, trên đỉnh có bảo cái trắng, được trang hoàng bởi vô số ngọc quí. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ mười thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là thân thể Như lai màu vàng rực rỡ, đủ cả vô số ánh sáng trong suốt, với sô số Phạn vương bao quanh cung kính hiến cúng, chuyển đẩy pháp luân nhiệm mầu và tối thượng.

Thiện nam tử, tại sao địa thứ nhất tên là hoan hỷ, [cho đến địa thứ mười tên là pháp vân]  ? Thiện nam tử, địa thứ nhất là đầu tiên chứng được tâm trí siêu việt thế gian, xưa chưa được mà nay mới được, đại dụng tùy nguyện mà thành tựu cả, sinh ra nỗi vui mừng cùng cực, nên địa thứ nhất tên là hoan hỷ. Lỗi lầm phạm giới nhỏ nhiệm nhất đều sạch sẽ cả, nên địa thứ hai tên là vô cấu. Vô số ánh sáng của trí tuệ và chánh định đều không thể bị khuynh động, không thể làm cho khuất phục, lấy tổng trì Nghe nhớ làm căn bản, nên địa thứ ba tên là minh. Đem lửa trí tuệ đốt các phiền não, tăng thêm ánh sáng, tu hành giác phần, nên địa thứ tư tên là diệm. Tu hành phương tiện nên thắng trí tự tại, đó là điều rất khó có, kiến hoặc tu hoặc khó dẹp mà dẹp được, nên địa thứ năm tên là nan thắng. Rất mực tỏ rõ về sự liên tục của các hành ([45]), vô tướng tư duy hiện hành tất cả, nên địa thứ sáu tên là hiện tiền. Vô tướng tư duy đã vô lậu và liên tục, giải thoát và tam muội đều tu hành đã xa, sự trong sáng không có chướng ngại, nên địa thứ bảy tên là viễn hành. Vô tướng tư duy đã tu tự tại, mọi phiền não không thể khuynh động, nên địa thứ tám tên là bất động. Thuyết pháp đủ mọi dạng thức sai biệt mà được tự tại cả, không có hệ lụy, tăng trưởng trí tuệ đến tự tại vô ngại, nên địa thứ chín tên là thiện tuệ. Pháp thân như không gian, trí tuệ như mây lớn, bủa che khắp cả, nên địa thứ mười tên là pháp vân.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 24]

Thiện nam tử, vô minh chấp trước ngã pháp, vô minh sợ hãi đường dữ, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ nhất. Vô minh phạm giới nhỏ nhiệm, vô minh phát khởi hành nghiệp, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ hai. Vô minh say đắm được cái chưa được, vô minh chướng ngại cho tổng trì thù thắng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ ba. Vô minh say đắm sự vui thích thiền định, vô minh say đắm diệu pháp trong sáng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ tư. Vô minh muốn bỏ sinh tử, vô minh mong đến niết bàn, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ năm. Vô minh quán sát các hành lưu chuyển, vô minh hiện hành thô tướng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ sáu. Vô minh tế tướng hiện hành, vô minh tác ý ưa thích vô tướng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ bảy. Vô minh vô tướng quán có dụng công, vô minh chấp tướng tự tại, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ tám. Vô minh chưa khéo léo về ý nghĩa và ngữ văn, vô minh chưa tự do về hùng biện, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ chín. Vô minh chưa tự tại về đại thần thông, vô minh chưa thấu triệt về tối vi mật, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ mười. Vô minh về sở tri chướng nhỏ nhất, vô minh về phiền não chướng nhỏ nhất, hai thứ vô minh này chướng ngại cho Phật địa.

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ trong địa thứ nhất tu hành thí ba la mật, trong địa thứ hai tu hành giới ba la mật, trong địa thứ ba tu hành nhẫn ba la mật, trong địa thứ tư tu hành cần ba la mật, trong địa thứ năm tu hành định ba la mật, trong địa thứ sáu tu hành tuệ ba la mật, trong địa thứ bảy tu hành phương tiện ba la mật, trong địa thứ tám tu hành nguyện ba la mật, trong địa thứ chín tu hành lực ba la mật, trong địa thứ mười tu hành trí ba la mật.

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ địa thứ nhất phát tâm thì tu định Sinh ra vàng ngọc tuyệt diệu, địa thứ hai phát tâm thì tu định Sinh ra cái vui khả ái, địa thứ ba phát tâm thì tu định Sinh ra sự khó lay động, địa thứ tư phát tâm thì tu định Sinh ra sự không thoái chuyển, địa thứ năm phát tâm thì tu định Sinh ra bông hoa ngọc ngà, địa thứ sáu phát tâm thì tu định Sinh ra ánh sáng thái dương, địa thứ bảy phát tâm thì tu định Sinh ra thỏa nguyện như ý, địa thứ tám phát tâm thì tu định Sinh ra hiện tiền chứng ngộ, địa thứ chín phát tâm thì tu định Sinh ra kho tàng trí tuệ, địa thứ mười phát tâm thì tu định Sinh ra tinh tiến dũng mãnh. Thiện nam tử, như thế ấy là mười sự phát tâm tu định của bồ tát đại sĩ.

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ nhất được minh chú tên là Dựa sức công đức. Minh chú này do hơn một hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ nhất. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi, như cọp sói, sư tử, các ác thú khác, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy ([46]), không quên nhớ đến địa thứ nhất. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy ([47]) : Tát da tha, pua ni, măn tra tê, tu hu, tu hu, tu hu, da va, sua da, a va ba sa ti, da va, chăn dra, chu ku ti, ta va ta, rát sa, măng, chăn đa, pa ri ha răm, ku ru, soa ha. (Tadyatha purni mantrate tuhu tuhu tuhu yava surya avabhasati yava candra cukuti tavata raksa mam canda pariharam kuru svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ hai được minh chú tên là Khéo sống yên vui. Minh chú này do hơn hai hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ hai. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ hai. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, un ta li, si ri, si ri, un ta li, tăn năng, jăn tu, jăn tu, un ta li, hu ru, hu ru, soa ha. (Tadyatha untali siri siri untali tannam jantu jantu untali huru huru svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ ba được minh chú tên là Sức mạnh khó thắng. Minh chú này do hơn ba hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ ba. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ ba. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, tăn ta ki, pau ta ki, ka ra ti, kau ra ti, kê du ri, tăn ti li, soa ha. (Tadyatha tantaki pautaki karati kaurati keyuri tantili svaha).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 25]

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ tư được minh chú tên là Sự ích lợi lớn. Minh chú này do hơn bốn hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ tư. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ tư. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, si ri, si ri, đa mi ni, đa mi ni, đa ri i, Si đa ri ni ri, si ri ni, vi cha ra, pa chi, pa chi na, păn đa mi tê, soa ha. (Tadyatha siri siri damini damini darii Sdariniri sirini vicara paci pacina pandamite svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ năm được minh chú tên là Công đức trang nghiêm. Minh chú này do hơn năm hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ năm. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ năm. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, ha ri, ha ri ni, cha ri, cha ri ni, ka ra ma ni, săm ra ma ni, sáp, su ni, chăm ba ni, si tau va ni, mo ha ni, si ja bu hê, soa ha. (Tadyatha hari harini cari carini karamani samkramani samb suni cambani stauvani mohani sijabuhe svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ sáu được minh chú tên là Trí giác viên mãn. Minh chú này do hơn sáu hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ sáu. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ sáu. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, vi tô ri, vi tô rim, a ri ni, ma ri ni, ki ri, ki ri, vi tô hăn ti, ru ru, ru ru, chu ru, chu ru, đua va, đu ru va, sá sa, sắc cha, va ri sá, soát ti, sát va sát toa năm, sít đi dăn tu, ma da, măn tra, pa đa ni, soa ha. (Tadyatha vitori vitorim arini marini kiri kiri vitohanti ruru ruru curu curu durva duruva sasa saccha varisa svasti sasvasattvanam siddhyantu maya mantra padani svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ bảy được minh chú tên là Thắng hạnh của Pháp. Minh chú này do hơn bảy hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ bảy. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ bảy. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, ja ha, ja ha ru, ja ha, ja ha ru, vi đu kê, vi đu kê, ăm ri ta, kha ni, vri sa ni, vai ru, cha ni, vai ru chi kê, va ru vát ti, vi đi bi kê, băn đin, va ri ni, ăm ri ti kê, ba hu ja ja, ba hu ja du, soa ha (Tadyatha jaha jaharu jaha jaharu viduke viduke amrta khani vrsani vairu cani vairucike varuvatti vidhibike bhandin varini amrtike babujaja babujayu svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ tám được minh chú tên là Kho tàng vô tận. Minh chú này do hơn tám hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ tám. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ tám. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, si ri, si ri, si ri ni, mi tê, mi tê, ka ri, ka ri, hê ru, hê ru, hê ru, chu ru, chu ru, văn da ni, soa ha. (Tadyatha siri siri sirini mite mite kari kari heru heru heru curu curu vandani svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ chín được minh chú tên là Pháp môn vô lượng. Minh chú này do hơn chín hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ chín. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ chín. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, ha ri, chăn đa ri kê, ku la ma ba tê, tô ri si, ba ta, ba ta si, si ri, si ri, ka si ri, ka pi si ri, soát ti, sa va, soát ta năng, soa ha. (Tadyatha hari candarike kulamabhate torisi bata batasi siri siri kasiri kapisiri svasti sarva sattvanam svaha).

Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ nơi địa thứ mười được minh chú tên là Phá núi kim cương. Minh chú với những câu và chữ cát tường đưa đến vị trí Quán đảnh như thế này là do hơn mười hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa thứ mười. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa thứ mười. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, si đi, su si đê, mô cha ni, mốc sa ni, vi múc ti, a ma lê, vi ma lê, nia ma lê, mô ga lê, hi răn da ga bê, rát na ga bê, sa măn ta ba rê, sa văn tê, si tha ni, ma na si, ăm bu ti, ăn ti bu ti, a cha rê, vi ra sê, ăn ti, ăm ri ta, a ra sê, vi ra sê, brắt mê, brắt ma nê, pua ni, pu ra na, nao tra tê, soa ha. (Tadyatha sidhi susidhe mocani moksani vimukti amale vimale nirmale mogalehiranyagarbhe ratnagarbhe samantabhadre sarvante sthani manasi ambuti antibuti acare virase annti amrta arase virase brahme brahmane purni purana nautrate svaha).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 26]

Vào lúc bấy giờ bồ tát Sư tử tướng vô ngại quang diệm nghe đức Thế tôn tuyên thuyết những minh chú bất khả tư nghị như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, dùng những lời chỉnh cú mà tán dương Ngài.

(1) Con kính lạy đấng
Không thể ví dụ,
và kính lạy pháp
Ly tướng sâu xa.
Chúng sinh bỏ mất
cái biết chính xác,
chỉ đức Thế tôn
mới cứu vớt được.

(2) Mắt tuệ sáng tỏ
của đức Thế tôn
thì không thấy có
một pháp tướng nào,
nhưng Ngài lại dùng
mắt pháp chính xác
chiếu soi khắp cả
bất khả tư nghị.

(3) Không hề thấy có
một pháp sinh ra
không hề thấy có
một pháp diệt mất,
do sự nhìn thấy
bình đẳng như vậy
mà được đạt đến
vị trí vô thượng.

(4) Không hề phá hoại
đối với sinh tử,
không hề trú ở
đối với niết bàn ;
vì không vướng mắc
nhị biên như vậy,
nên đức Thế tôn
thật chứng niết bàn.

(5) Đối với thanh tịnh
đối với tạp nhiễm
thì đức Thế tôn
biết là nhất vị,
vì không phân biệt
các pháp như vậy
nên đức Thế tôn
được tối thanh tịnh.

(6) Thân không biên cương
của đức Thế tôn
không hề nói đến
một chữ nào cả,
thế mới làm cho
các chúng đệ tử
được sung mãn cả
nước mưa chánh pháp.

(7) Đức Thế tôn nhìn
thì tướng chúng sinh
tất cả chủng loại
đều là không cả,
thế nhưng đối với
những người khổ não
Ngài thường nổi dậy
mọi sự cứu hộ.

(8) Khổ não yên vui
thường còn vô thường
hữu ngã vô ngã
những quan điểm ấy
không là đồng nhất
cũng không dị biệt
không là phát sinh
cũng không diệt mất.

(9) Những nghĩa như vậy
thật nhiều rất nhiều,
chỉ do nói phô
mà có sai biệt  ;
ví như tiếng vang
dội từ hang trống,
chỉ đức Thế tôn
thấu rõ như vậy.

(10) Thể tánh các pháp
vốn không phân biệt,
vì thế không có
các thừa khác nhau ;
nhưng vì cứu độ
cho bao chúng sinh,
Thế tôn phân ra
nói có tam thừa.

Đại tự tại phạn thiên vương, lúc ấy, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim này hiếm có, khó lường, phần đầu phần giữa phần cuối đều khéo léo, văn và nghĩa đều trọn vẹn, hoàn thành được toàn bộ Phật pháp. Ai thọ trì thì thế là người ấy báo đáp ơn đức của chư vị Thế tôn. Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như ông nói. Thiện nam tử, những ai được nghe kinh này thì toàn là những người không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề, vì sao, thiện nam tử, vì những người ấy năng lực thành thục được thiện căn thù thắng của bồ tát ở địa vị không còn thoái chuyển. Kinh này là ấn tín bậc nhất của Phật pháp, là vua của các kinh, nên phải lắng nghe, tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc. Vì sao, thiện nam tử, vì nếu ai chưa gieo trồng thiện căn, chưa thành thục thiện căn, chưa thân cận chư vị Như lai, thì không thể lắng nghe diệu pháp như vầy. Nên thiện nam hay thiện nữ nào lắng nghe được thì diệt trừ nghiệp chướng, thực hiện thanh tịnh ; thường được nhìn thấy chư vị Như lai, không rời xa các Ngài và những bậc thiện tri thức, những bậc thắng hạnh ; thường nghe diệu pháp, đứng vững nơi vị trí không còn thoái chuyển, đạt được các pháp tổng trì thù thắng bất tận bất giảm — là tổng trì Hải ấn xuất sinh công đức vi diệu, tổng trì Thông suốt tâm ý và ngôn ngữ của chúng sinh, tổng trì Thái dương tròn đầy phát xuất ánh sáng không gợn bẩn, tổng trì Vầng trăng tròn đầy phát xuất ánh sáng, tổng trì Dẹp được mê hoặc mà diễn ra dòng nước công đức, tổng trì Phá nát núi kim cương, tổng trì Nói về kho tàng duyên khởi là nghĩa lý không thể diễn nói, tổng trì Thông suốt nguyên tắc và âm thanh của ngôn ngữ chân thật, tổng trì Không gian trong sáng làm ấn tín của tâm, tổng trì Phật thân vô biên biến thể khắp cả. Thiện nam tử, thành tựu được các pháp tổng trì bất tận bất giảm như vậy, thì vị bồ tát đại sĩ này năng lực hóa hiện được Phật thân khắp trong mười phương quốc độ, diễn nói chánh pháp vô thượng, đủ mọi dạng thức ; đối với chân như của các pháp thì không chuyển không trụ, không đến không đi ; thành thục thiện căn cho chúng sinh mà không thấy một chúng sinh nào là người được thành thục ; diễn nói các hành mà chính trong ngôn ngữ vẫn không chuyển không trụ, không đi không đến, chính nơi sinh diệt mà chứng bất sinh diệt. Tại sao nói các hành không có đi đến  ? Vì thể tánh các pháp không có dị biệt. Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này thì ba mươi ngàn bồ tát đại sĩ được vô sinh pháp nhẫn, vô số bồ tát không còn thoái chuyển tâm bồ đề, vô số bí sô và bí sô ni được sự trong sáng của mắt pháp, vô số chúng sinh phát tâm bồ đề, và đức Thế tôn nói lời chỉnh cú sau đây.

Thắng pháp ngược được
dòng nước sinh tử,
cùng cực nhiệm mầu
khó mà thấy được.
Chúng sinh đui mù
tham ái che khuất,
do không thấy được
nên chịu khổ não.

Bấy giờ cả đại hội đều đứng dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, cùng thưa rằng, bạch đức Thế tôn, chỗ nào giảng nói đọc tụng kinh Ánh sáng hoàng kim này thì chúng con đến đó để làm thính giả. Chúng con làm cho vị pháp sư tuyên thuyết kinh này được lợi ích, được yên vui, được không chướng ngại, thân thể và tâm ý đều thư thái. Chúng con thường tận tâm hiến cúng vị pháp sư ấy. Chúng con cũng làm cho những người nghe kinh này được yên ổn, vui thích ; làm cho quốc gia của họ cư trú không oán thù, không giặc giã, không kinh hoàng, không ách nạn, không đói khát, không tất cả cái khổ như vậy, và dân chúng thì đông đảo, thịnh vượng. Chỗ tuyên thuyết kinh này chúng con làm cho thành nơi đạo tràng, chư thiên, nhân loại, loài khác, không ai nên giẫm đạp trên đó với sự dơ bẩn, vì sao, vì chỗ tuyên thuyết kinh này tức là bảo tháp tôn thờ đức Thế tôn, hãy hiến cúng bằng hoa hương, bằng lọng dù bằng lụa, và chúng con thường bảo vệ chỗ ấy, không cho suy tổn. Đức Thế tôn dạy đại hội, chư thiện nam thiện nữ, các người nên siêng năng tu tập bản kinh nhiệm mầu này, thì thế là chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế giới này.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 27]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 5

Phẩm 7 – Hoa Sen Ca Tụng ([48])

Bấy giờ đức Thế tôn bảo thọ thần của bồ đề đại thọ, rằng thiện nữ thiên, thiện nữ nên biết cái lý do bồ tát Diệu tràng mộng thấy trống hoàng kim xuất âm thanh lớn, ca tụng công đức Như lai và diệu pháp sám hối. Như lai sẽ nói cho các người về lý do ấy. Các người hãy nghe kỹ, hãy khéo nghĩ khéo nhớ. Quá khứ có một đế vương tên Kim long chủ, thường đem hoa sen làm ví dụ mà ca tụng chư vị Như lai. Đức Thế tôn liền thuật lại cho đại hội nghe những lời ca tụng này.

(1) Chư Phật quá khứ
vị lai hiện tại,
ở trong thế giới
khắp cả mười phương,
con nay chí thành
cúi đầu kính lạy,
nhất tâm ca tụng
các đấng Tối thắng.

(2) Đấng Đại mâu ni
tối thượng thanh tịnh,
ánh sáng thân thể
rực như hoàng kim.
Trong các thứ tiếng
tiếng Ngài tối thượng,
như tiếng Đại phạn
như sấm rền vang.

(3) Tóc Ngài thì như
ong chúa đen huyền,
đường nét uốn xoay
ngời lên xanh biếc.
Răng đều và sít
trắng như tuyết, ngọc,
rất bằng và thẳng
và ngời sáng lên.

(4) Mắt trong không gợn,
cực đẹp, uy nghiêm,
to lớn tựa như
cánh hoa sen xanh.
Tướng lưỡi rộng dài,
cùng cực nhu nhuyến,
đỏ như sen hồng
từ nước trồi lên.

(5) Giữa mày thường có
ánh sáng bạch hào
uốn xoay chiều phải
với màu pha lê.
Lông mày dài, mịn,
sáng như trăng mới,
ngời lên lóng lánh
như thân ong chúa.

(6) Mũi cao, dài, thẳng,
tựa như đĩnh vàng,
sạch sẽ, tươi sáng,
không thiếu vẻ đẹp ;
mọi thứ hơi thơm
trong thế giới này,
mũi này ngửi thấy
là biết ở đâu.

(7) Thân màu hoàng kim
siêu tuyệt bậc nhất,
mỗi một đầu lông
đẹp đẽ đồng đẳng,
xanh biếc, mềm mại,
uốn theo chiều phải,
tinh tế ánh ngời
khó có gì bằng.

(8) Thân ấy mới sinh
đã có ánh sáng,
trải ra khắp cả
thế giới mười phương,
trừ được khổ não
ba cõi chúng sinh,
làm cho tất cả
đều được yên vui.

(9) Bất kể địa ngục,
bàng sinh, ngạ quỉ,
tô la, chư thiên,
cùng với nhân loại,
làm cho loại trừ
các dạng khổ não,
thường xuyên hưởng thụ
cái vui tự nhiên.

(10) Ánh sáng thân ấy
thường chiếu khắp cả,
tựa như vàng ròng
tinh tế bậc nhất.
Mặt thì sáng ngời
tựa như trăng tròn.
Môi thì đỏ tươi
như trái tần bà.

(11) Bước đi uy nghiêm
như sư tử đi.
Mình sáng in như
mặt trời mới mọc
Cánh tay thì dài,
đứng quá đầu gối,
thường buông thẳng xuống
như nhánh sa la.

(12) Vầng ánh sáng tròn
một tầm, tỏa chiếu,
rực rỡ tựa như
trăm ngàn mặt trời,
trải đến khắp cả
quốc độ của Phật,
tùy kẻ hữu duyên
mà được thức tỉnh.

(13) Ánh sáng trong suốt
không chi sánh bằng,
trải ra khắp cả
trăm ngàn thế giới,
và khắp mười phương,
không gì trở ngại,
mọi sự mờ tối
đều tan biến cả.

(14) Từ quang Thiện thệ
ban cho yên vui,
màu sắc trong suốt
như núi vàng ròng,
ánh sáng trải khắp
trăm ngàn quốc độ,
những ai gặp được
cùng siêu thoát cả.

(15) Vô biên thắng phước
hoàn thành thân Phật,
tất cả công đức
trang sức Phật thân,
vượt quá ba cõi,
độc xưng Thế tôn,
hơn hết thế giới
thành bậc Vô đẳng.

(16) Chư vị Thế tôn
thuộc thì quá khứ
nhiều như vi trần
của cả đại địa,
chư vị Thế tôn
vị lại hiện tại
cũng bằng vi trần
của cả đại địa.

(17) Đem thân miệng ý
cùng cực chân thành
con xin kính lạy
tam thế Thế tôn,
ca tụng biển cả
công đức vô biên,
hiến cúng đủ loại
những hương và hoa.

(18) Giả sử miệng con
có cả ngàn lưỡi,
ca tụng Thế tôn
trong vô lượng kiếp,
thì công đức Ngài
là bất tư nghị,
tối thắng, cực sâu,
vẫn khó diễn tả.

(19) Giả sử lưỡi con
có cả trăm ngàn
khen một công đức
của một đức Phật
cũng vẫn khó được
một phần chút ít,
huống chi vô biên
công đức chư Phật.

(20) Giả sử đại địa
cho đến chư thiên
đến trời Hữu đảnh
toàn là biển nước,
đầu lông nhỏ giọt
đếm biết hết cả,
một đức một Phật
cũng khó lường biết.

(21) Đem thân miệng ý
cực kỳ chân thành
mà con lễ bái
cùng với tán dương
công đức vô biên
của chư Phật đà,
sự lễ tán ấy
được bao thắng phước
quả báo siêu việt,
con xin hồi hướng
cho cả chúng sinh
chóng thành Phật đà.

(22) Kim long chủ vương
tán thán Phật rồi,
tâm càng thâm thiết
phát ra đại nguyện :
nguyện con sau này
trong thì vị lai
sinh ra đến mấy
đời kiếp đi nữa,

(23) thường xuyên mộng thấy
trống hoàng kim lớn,
được nghe âm thanh
diệu pháp sám hối.
Công đức tán Phật
thì như liên hoa,
nguyện chứng Vô sinh
thành bậc Chánh giác.

(24) Thế tôn xuất thế
lâu thay một lần,
trăm ngàn đời kiếp
cũng khó gặp được.
Nên đêm thường mộng
nghe tiếng trống vàng,
ngày thì theo đó
tu hành sám hối.

(25) Con nguyện viên tu
sáu ba la mật,
cứu vớt chúng sinh
ra khỏi biển khổ,
sau con mới thành
đấng Vô thượng giác,
với một tịnh độ
bất khả tư nghị.

(26) Con đem trống vàng
hiến lên chư Phật,
tán thán chư Phật
công đức chân thật,
nguyện nhờ việc này
sẽ gặp Thích tôn
thọ ký cho con
nối ngôi Pháp vương.

(27) Kim long, Kim quang,
là con của con,
quá khứ đã làm
bậc thiện tri thức ;
nguyện rằng đời đời
vẫn sinh nhà con,
cùng con tiếp nhận
thọ ký bồ đề.

(28) Với những chúng sinh
không ai cứu giúp,
trường kỳ luân hồi
lãnh chịu khổ não,
nguyện con đời sau
làm nơi nương tựa
cho họ thường được
yên vui thích thú.

(29) Cái khổ ba cõi
con nguyện diệt trừ,
làm cho tùy tâm
ở nơi an lạc.
Nguyện những đời sau
tu hành bồ đề
cũng như quá khứ
các vị thành Phật.

(30) Nguyện cầu cái phước
trống vàng sám hối
làm khô biển khổ
loại trừ nghiệp chướng ;
nghiệp chướng hoặc chướng
tan biến cả rồi,
nguyện con chóng đạt
quả báo trong sáng.

(31) Biển cả phước trí
giới hạn vô biên,
trong suốt rất mực
và sâu không cùng.
Nguyện con thực hiện
biển phước trí ấy,
mau chóng thành đạt
vô thượng bồ đề.

(32) Sức mạnh sám hối
của trống vàng này
sẽ thể hiện được
ánh sáng phước đức.
Thể hiện ánh sáng
nhiệm mầu như vậy,
rồi đem trí quang
chiếu soi khắp cả.

(33) Nguyện cầu cho con
thân thể, ánh sáng,
phước đức, trí tuệ.
đều như chư Phật,
trong mọi thế giới
độc xưng Thế tôn,
uy lực tự tại
không ai sánh bằng.

(34) Nguyện cầu vượt qua
biển khổ hữu lậu,
nguyện thường du ngoạn
biển vui vô vi,
biển phước hiện tại
nguyện thường dẫy đầy,
biển trí tương lai
nguyện được viên mãn.

(35) Nguyện cõi của con
siêu việt ba cõi,
phẩm chất thù thắng
không có số lượng,
những ai liên hệ
cùng sinh cõi ấy,
cùng mau thành đạt
trí giác thanh tịnh.

(36) Diệu tràng nên biết
Kim long chủ vương
đã phát nguyện ấy
là bản thân ông.

(37) Và hai người con
Kim long, Kim quang
thì nay chính là
Ngân tướng, Ngân quang,
sẽ cùng tiếp nhận
Như lai thọ ký.

Toàn thể đại hội nghe những lời này của đức Thế tôn, thì ai cũng phát tâm bồ đề, nguyện rằng hiện tại và vị lai thường y theo những lời ấy mà tu hành diệu pháp sám hối.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 28]

Phẩm 8 – Minh Chú Kim Thắng

Bấy giờ đức Thế tôn nói với bồ tát đại sĩ Thiện trú ở trong đại hội, rằng thiện nam tử, có một minh chú danh hiệu Kim thắng. Thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu đích thân nhìn thấy chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại vị lai để tôn kính hiến cúng, thì phải thọ trì minh chú này. Minh chú này là mẹ của chư vị Như lai trong ba thì gian. Do vậy, nên nhận thức rằng thọ trì minh chú này thì có đủ phước đức to lớn. Gieo trồng thiện căn nơi vô lượng chư vị Như lai quá khứ thì nay mới được thọ trì, được thanh tịnh giới pháp, không vi phạm, không thiếu sót, không có chướng ngại, quyết định thể nhập pháp môn sâu xa. Phép trì minh chú này là trước hết xưng niệm hồng danh mà chí thành kính lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát sau đây, rồi mới trì tụng minh chú.

Kính lạy chư vị Như lai,
Kính lạy chư vị Bồ tát đại sĩ,
Kính lạy chư vị Thanh văn Duyên giác.
Kính lạy đức Thích ca mâu ni như lai,
Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
Kính lạy đức A di đà như lai ở hướng tây,
Kính lạy đức Thiên cổ âm vương như lai ở hướng bắc,
Kính lạy đức Quảng chúng đức như lai ở hướng trên,
Kính lạy đức Minh đức như lai ở hướng dưới,
Kính lạy đức Bảo tạng như lai,
Kính lạy đức Phổ quang như lai,
Kính lạy đức Phổ minh như lai,
Kính lạy đức Hương tích vương như lai,
Kính lạy đức Liên hoa thắng như lai,
Kính lạy đức Bình đẳng kiến như lai,
Kính lạy đức Bảo kế như lai,
Kính lạy đức Bảo thượng như lai,
Kính lạy đức Bảo quang như lai,
Kính lạy đức Vô cấu quang minh như lai,
Kính lạy đức Biện tài trang nghiêm tư duy như lai,
Kính lạy đức Tịnh nguyệt quang xưng tướng vương như lai,
Kính lạy đức Hoa nghiêm quang như lai,
Kính lạy đức Quang minh vương như lai,
Kính lạy đức Thiện quang vô cấu xưng vương như lai,
Kính lạy đức Quan sát vô úy tự tại vương như lai,
Kính lạy đức Vô úy danh xưng như lai,
Kính lạy đức Tối thắng vương như lai,
Kính lạy đức Quan tự tại bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Địa tạng bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Hư không tạng bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Diệu cát tường bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Kim cang thủ bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Phổ hiền bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Vô tận ý bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Đại thế chí bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Từ thị bồ tát đại sĩ,
Kính lạy đức Thiện tuệ bồ tát đại sĩ.

Rồi trì tụng minh chú Kim thắng như sau : Nam mô, rát na, tra da da, tát da tha, kun tê, kun tê, ku sá tê, ku sá lê, ku sá lê, ích chi li, mi ti li, soa ha (Namo ratna trayaya tadyatha kunte kunte kusate kusale kusale icchili mitili svaha).

Đức Thế tôn dạy bồ tát Thiện trú, minh chú này là mẹ của tam thế Như lai. Thiện nam hay thiện nữ nào trì minh chú này thì xuất sinh cái khối phước đức vô lượng vô biên, thì tức là hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương đối với vô số chư vị Như lai, thì chư vị Như lai ấy cùng thọ ký cho người ấy về vô thượng bồ đề. Thiện trú, ai trì minh chú này thì [hiện tại] tùy theo ý muốn mà cơm áo, tài sản, đa văn, thông minh, vô bịnh, sống lâu, đều được lắm phước trong đó, ước nguyện toại ý. Thiện trú, trì minh chú này thì, cho đến lúc thực chứng vô thượng bồ đề, thường xuyên được ở chung với đại bồ tát Kim thành sơn, đại bồ tát Từ thị, đại bồ tát Đại hải, đại bồ tát Quan tự tại, đại bồ tát Diêu cát tường, đại bồ tát Đại băng di la, và các vị đồng đẳng ; được các vị đại bồ tát này hộ trì.

Thiện trú, trì minh chú này thì theo cách thức sau đây. Trước hết phải trì tụng cho được mười ngàn lẻ tám biến, làm tiền phương tiện. Kế đó, trang hoàng đạo tràng ở trong phòng kín ([49]), lấy ngày mồng một của tháng trăng tối mà tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch sẽ, rồi đốt hương rải hoa, hiến cúng như vậy, lại hiến cúng ẩm thực. Khi bước vào đạo tràng thì trước hết, như trước đã chỉ, xướng lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát ; tiếp theo, chí thành và thiết tha mà sám hối nghiệp chướng đã qua ; sau đó, đầu gối bên phải quì xuống chấm đất, trì tụng minh chú cho được một ngàn lẻ tám biến ; rồi ngồi ngay thẳng mà tư duy đến ước nguyện của mình. Mặt trời chưa mọc thì ở trong đạo tràng mà ăn thức ăn tịnh hắc ([50]), và chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Phải mười lăm ngày mới ra khỏi đạo tràng. Như vậy thì người ấy uy lực phước đức thật bất khả tư nghị, ước nguyện gì cũng toại ý cả.

Nếu không toại ý thì lại nhập đạo tràng. Toại ý rồi vẫn thường xuyên trì tụng, đừng quên.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 29]

Phẩm 9 – Trùng Tuyên Về Không

Đức Thế tôn nói về minh chú Kim thắng rồi, để lợi ích cho bồ tát đại sĩ, cho đại hội nhân loại chư thiên, làm cho ai cũng nhận thức đạo lý bậc nhất, thậm thâm chân thật, nên Ngài nói lại về Không, bằng những chỉnh cú sau đây.

(1) Như lai ở trong
các kinh sâu xa
đã nói phong phú
về diệu lý Không.
Nay trong bản kinh
vua các kinh này
lược nói về Không
siêu việt tư nghị.

(2) Với diệu lý Không
quảng đại sâu xa,
chúng sinh vô trí
không thể ý thức,
thế nên Như lai
trùng tuyên nơi đây
về diệu lý ấy
cho họ tỉnh ngộ.

(3) Những bậc đại bi
thương xót chúng sinh,
đem thiện phương tiện
làm thắng nhân duyên ([51]) ;
thế nên Như lai
trong đại hội này
trùng tuyên cho họ
thể nhận Không lý.

(4) Không thì thân này
tựa như xóm vắng,
lục tặc ở đó
mà không biết nhau ;
nhóm giặc sáu cảnh
dựa riêng sáu căn
mà không biết nhau
cũng y như vậy.

(5) Nhãn căn thường nhìn
vào nơi sắc cảnh,
nhĩ căn liên tục
nghe vào thanh cảnh,
tỷ căn thường ngửi
vào nơi hương cảnh,
thiệt căn vị giác
vào nơi mỹ vị,

(6) thân căn tiếp nhận
xúc giác mềm dịu,
ý căn biết pháp
có chán bao giờ :
như vậy sáu căn
khởi theo yếu tố,
cùng nơi cảnh riêng
mà sinh phân biệt.

(7) Thức như ảo hóa
đâu phải chắc thật,
nó dựa vào cảnh
mà vọng tham cầu.
Như người bôn ba
trong xóm trống vắng,
sáu thức cũng vậy
dựa vào sáu căn.

(8) Thức dông khắp cả
chuyển theo vị trí,
dựa căn vin cảnh
mà biết mọi sự :
đắm sắc thanh hương
say vị xúc pháp,
và riêng với pháp
tầm tư không ngừng.

(9) Thức theo duyên tố
đi khắp sáu căn,
tựa như con chim
bay trong không gian.
Nhưng phải nhờ căn
làm chỗ y cứ
thức mới nhận thức
đối với các cảnh.

(10) Không là tri giả,
không là tác giả ([52])
thân không bền chắc,
có do yếu tố.
Tất cả là sinh
từ vọng phân biệt,
chỉ như bộ máy :
chuyển động vì Nghiệp.

(11) Đất nước lửa gió
chung thành thân thể,
và tùy yếu tố
kết quả khác nhau.
Nhưng ở một chỗ
mà chúng hại nhau,
như bốn rắn độc
ở trong một hộp.

(12) Bốn rắn tứ đại
bản tính khác nhau,
cùng trong một thân
vẫn có thăng trầm,
hoặc lên hoặc xuống
khắp cả châu thân,
thế nên chung cục
qui về diệt vong.

(13) Bốn con rắn độc
tứ đại như vậy,
đất nước hai loại
đa số trầm xuống,
gió lửa hai loại
tính lại nhẹ bổng,
do mâu thuẫn ấy
bịnh hoạn phát sinh.

(14) Tâm thức dựa vào
cái thân như vậy,
tạo nghiệp lành dữ
đủ mọi dạng thức.
Rồi trong trời người
hay ba đường dữ
tùy theo nghiệp lực
mà nhận thân hình.

(15) Thân hình ấy bịnh,
rồi thân hình chết ;
bịnh thì đại tiểu
từ thân thoát ra,
chết thì thối rã
giòi bọ ghê tởm,
vất ở rừng thây ([53])
như vất gỗ mục.

(16) Đại hội hãy xét
thân là như vậy,
tại sao chấp là
bản ngã, sinh thể  ?
Phải xét các pháp
toàn là vô thường,
toàn do năng lực
vô minh khởi động.

(17) Bốn thứ đại chủng
toàn bộ hư vọng,
bản chất không thật
thật thể không sinh,
nên Như lai nói
đại chủng toàn không,
thì biết phù hư
không phải thật có.

(18) Và chính vô minh
tự tánh vốn không,
có ra chỉ vì
yếu tố hóa hợp,
làm cho lúc nào
cũng mất tuệ giác,
nên Như lai nói
đó là vô minh.

(19) Do hành với thức
mà có danh sắc,
lục nhập và xúc
cũng sinh từ đó,
do ái thủ hữu
có sinh già chết,
lo buồn khổ não
theo mãi chúng sinh.

(20) Khổ não ác nghiệp
ràng buộc bức bách,
sinh tử luân hồi
vì vậy không nghỉ.
Bản lai phi hữu,
thể tánh là không ;
vì không như lý,
phân biệt sinh ra.

(21) Như lai đã diệt
mọi thứ phiền não,
thường do chánh trí
hiện hành mà sống :
biết nhà ngũ uẩn
toàn là trống rỗng,
tiến chứng bồ đề
nơi thật chân thật.

(22) Như lai mở cửa
đại thành cam lộ,
chỉ cho đồ chứa
cam lộ vi diệu.
Tự mình đã được
chân cam lộ vị,
lại đem cho người
cam lộ vị ấy.

(23) Như lai gióng lên
trống pháp tối thắng,
Như lai thổi lên
loa pháp tối thắng,
Như lai đốt lên
đèn pháp tối thắng,
Như lai mưa xuống
nước pháp tối thắng.

(24) Chiến thắng phiền não
cùng bao oán kết,
Như lai dựng lên
cờ pháp tối thượng.
Từ biển sinh tử
cứu vớt chúng sinh,
Như lai đóng cửa
ba nẻo đường dữ.

(25) Phiền não lửa dữ
thiêu đốt chúng sinh,
không ai cứu cho
không nơi nương tựa.
Cam lộ mát ngọt
làm cho sung mãn,
thân tâm nóng bức
đều loại trừ cả.

(26) Do vậy Như lai
trong vô số kiếp
tôn kính hiến cúng
chư vị Như lai,
kiên trì giới pháp
bước tới bồ đề,
mong chứng pháp thân
thể hiện an lạc.

(27) Như lai đem cho
tai mắt chân tay,
vợ con tôi tớ
cũng không tiếc lẫn,
tài sản vàng ngọc
cả đồ trang sức,
tùy ai cầu gì
Như lai cho cả.

(28) Tu hành khắp cả
sáu ba la mật,
viên mãn mười địa
mà thành chánh giác,
thế nên được tôn
bậc Nhất thế trí,
không một ai khác
lường nổi Như lai.

(29) Giả sử đất đai
đại thiên thế giới
tất cả mọi nơi
đều mọc cây cối,
cây lùm cây rừng
lúa mè tre lau
cùng với bao nhiêu
chủng loại cây khác.

(30) Cây cối như vậy
đều đốn chặt hết,
và đem nghiền nhỏ
thành vi trần cả  ;
tụ vi trần ấy
thành khối thành đống,
cho đến tụ lại
đầy cả không gian.

(31) Tất cả quốc độ
khắp cả mười phương
có được bao nhiêu
đại thiên thế giới,
đất đai trong đó
cũng nghiền thành bụi,
số lượng bụi ấy
hết cách tính toán.

(32) Giả sử trí tuệ
của cả chúng sinh
gom lại thành ra
trí tuệ một người,
và người như vậy
nhiều đến vô số,
có thể biết được
số bụi nói trên.

(33) Nhưng chỉ một thoáng
tuệ giác Như lai,
mà những người trên
chung nhau suy lường
trong những đời kiếp
nhiều đến vô số,
cũng không tính toán
biết được phần ít.

Bấy giờ đại hội nghe đức Thế tôn trùng tuyên về cái Không sâu xa, thì có vô lượng chúng sinh thấu triệt bốn đại năm uẩn thể tánh toàn không, sáu căn sáu cảnh chỉ ràng buộc một cách giả dối. Ai cũng nguyện bỏ luân hồi, chính xác tu tập giải thoát, thâm tâm vui mừng, phụng trì đúng lời đức Thế tôn chỉ dạy.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 30]

Phẩm 10 – Mãn Nguyện Vì Không

Trong đại hội có thiên nữ Như ý bảo quang diệu, nghe đức Thế tôn tuyên thuyết diệu pháp sâu xa, thì hoan hỷ, phấn chấn, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn dạy cho chúng con cách tu hành về diệu pháp sâu xa. Thiên nữ nói lời chỉnh cú sau đây.

Đấng Soi thế giới !
đấng Lưỡng túc tôn !
đấng Tối thắng nhất !
con xin hỏi Ngài
về cách bồ tát
tu hành chính xác.
Xin Ngài từ bi
cho phép con hỏi.

Đức Thế tôn dạy, thiện nữ thiên, có điều gì nghi hoặc thì tùy ý mà hỏi. Như lai sẽ giảng giải cho. Thiện nữ thiên liền thỉnh vấn đức Thế tôn, rằng

Các vị bồ tát
làm sao tu hành
bồ đề chánh hạnh,
rời cả sinh tử
cùng với niết bàn
mà lợi mình người  ?

Đức Thế tôn dạy, thiện nữ thiên, hãy dựa pháp tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh. Dựa pháp tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh là thế nào  ? Là chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh. Pháp tánh là ngũ uẩn. Nhưng ngũ uẩn với pháp tánh không thể nói tức, cũng không thể nói rời. Nếu nói pháp tánh tức ngũ uẩn thì thế là đoạn kiến, nếu nói pháp tánh rời ngũ uẩn thì thế là thường kiến. Phải rời cả hai khái niệm, không vướng hai cực đoan, không thể thấy, vượt trên sự thấy, không danh từ, không ấn tượng, như thế mới là nói về pháp tánh.

Thiện nữ thiên, chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh là thế nào  ? Là xét ngũ uẩn không do yếu tố tương quan mà phát sinh. Nếu nói do yếu tố mà phát sinh, thì đã sinh mà sinh, hay chưa sinh mà sinh  ? Nếu nói đã sinh mà sinh thì cần gì yếu tố  ? Nếu nói chưa sinh mà sinh thì sự sinh ấy không thể có được. Chưa sinh là không có, không có danh từ, không có khái niệm, không phải tính toán hay ví dụ mà diễn tả được, vì đâu phải là cái do yếu tố tương quan mà sinh ra. Thiện nữ thiên, hãy nói như tiếng trống : do gỗ, do da, do dùi, do tay, do đủ thứ mới có tiếng phát ra. Tiếng ấy quá khứ đã không có, vị lai sẽ không có, hiện tại cũng không có. Tại sao, vì tiếng ấy không do gỗ mà có, không do da mà có, không do dùi do tay mà có, không có cả trong ba thì gian, thì thế là không sinh. Không sinh thì không diệt. Không diệt thì không đến từ đâu. Không đến từ đâu thì không đi đến đâu. Không đi đến đâu thì phi thường phi đoạn. Phi thường phi đoạn thì phi nhất phi dị. Nếu là nhất thì không khác pháp tánh, mà nếu thế thì phàm phu đáng lẽ thấy được pháp tánh, được niết bàn tối thượng an lạc ; nhưng đã không phải như vậy thì biết phi nhất. Nếu là dị thì chư vị Như lai và chư vị Bồ tát thi hành toàn là chấp trước, chưa được giải thoát, không chứng bồ đề ; nhưng đối với thánh giả thì cái ngũ uẩn chuyển biến với cái pháp tánh phi chuyển biến đồng là thật tánh, thế nên phi dị. Do vậy mà biết ngũ uẩn phi hữu phi vô, phi do yếu tố phát sinh, phi không do yếu tố phát sinh, và là cái thánh trí biết đến, không phải lĩnh vực của người khác ; lại là cái không phải ngôn ngữ diễn tả, không danh từ, không khái niệm, không nhân tố, không duyên tố, không thể ví dụ, đầu cuối vắng lặng, xưa nay tự không. Như thế đó gọi là chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh. Thiện nữ thiên, thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu vô thượng bồ đề thì phải phi chân phi tục, vượt quá suy lường, phàm cảnh thánh cảnh phi nhất phi dị, [nói tóm], không bỏ tục, không rời chân, thì đó là dựa pháp tánh mà hành bồ đề.

Đức Thế tôn dạy như vậy rồi, thiện nữ thiên phấn chấn hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, nhất tâm đảnh lễ, mà thưa, bạch đức Thế tôn, đúng như lời Ngài đã huấn dụ về bồ đề hạnh, con nguyện xin tu học.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 31]

Bấy giờ đại phạn thiên vương chủ của thế giới hệ Sách ha, ở trong đại hội, hỏi thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu, rằng bồ đề hạnh như vậy thật khó tu tập, thiện nữ làm sao tự tại được với bồ đề hạnh ấy  ? Thiện nữ thiên nói, đại phạn vương, như lời Thế tôn huấn dụ thì thật sâu xa, chúng sinh khó mà nhận thức, vì đó là lĩnh vực của thánh giả, nhiệm mầu, khó biết. Nhưng, đối với diệu pháp ấy tôi sống được yên vui trong đó, nếu lời này mà thật thì ước nguyện toàn thể chúng sinh trong cái thời kỳ đầy cả năm thứ dơ bẩn này đều thành màu hoàng kim, đủ ba mươi hai tướng tốt, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui, thiên hoa tự mưa xuống, thiên nhạc tự tấu lên, mọi cách hiến cúng đầy đủ tất cả. Thiện nữ thiên nói rồi, tất cả chúng sinh trong thời kỳ đầy cả năm thứ vẩn đục này đều thành màu hoàng kim, đủ tướng đại trượng phu, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui y như Tha hóa tự tại thiên cung, không mọi đường dữ, cây ngọc có hàng có lối, hoa sen bảy chất liệu quí đầy cả thế giới, lại mưa xuống thiên hoa bảy chất liệu quý rất đẹp, thiên nhạc tấu lên. Và thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu thì biến thể nữ thân thành thân đại phạn vương. Bấy giờ đại phạn vương hỏi thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu, ngài hành bồ đề hạnh như thế nào  ? Thiện nữ thiên nói, đại phạn vương, như trăng dưới nước hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như chiêm bao hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như sóng nắng hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như tiếng vang hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh. Đại phạn vương nghe nói như vậy thì thưa rằng, kính bạch bồ tát, ngài dựa vào ý nghĩa nào mà nói như vậy  ? Thiện nữ thiên trả lời, đại phạn vương, không một pháp nào là thực tại, toàn do yếu tố tương quan mà thành. Đại phạn vương nói, nói như ngài thì phàm phu lẽ đáng được vô thượng bồ đề cả ! Thiện nữ thiên nói, ngài nói như vậy là với ý gì  ? [Ngài nên biết, phàm phu thì cho] người ngu khác, người trí khác, bồ đề khác, phi bồ đề khác, giải thoát khác, phi giải thoát khác ; nhưng, đại phạn vương, [thánh giả thì thấy] các pháp như vậy bình đẳng không khác, biết pháp tánh chân như phi nhất phi dị, cũng không có cái trung tính để mà chấp trước, bất tăng bất giảm. Đại phạn vương, như nhà ảo thuật và đồ đệ của mình, rất rành ảo thuật, đến chỗ ngã tư, dùng những vật liệu cát đất cỏ cây vân vân, gom lại một chỗ mà làm ảo thuật. Làm cho người ta thấy những voi, những ngựa, những xe, vân vân, thấy đống bảy loại quí báu, thấy kho lẫm tràn đầy. Rồi kẻ khờ khạo không biết suy xét, không hiểu ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng cho là thật, voi thật ngựa thật vân vân, và chỉ thế là thật, ngoài ra là dối cả, sau đó không còn suy xét gì nữa. Còn người hiểu biết thì trái lại, biết cái gốc ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng nghĩ, những thứ ta thấy, thấy voi thấy ngựa vân vân, toàn là giả cả, chỉ do ảo thuật mê hoặc mắt người, vọng cho là voi, là lẫm, nhưng chỉ có tên, không có thật, nên cái ta thấy nghe không nên chấp là thật, sau đó càng xét biết là dối trá. Do vậy, trí giả thì biết các pháp không thật, chỉ do thế nhân thấy gì nghe gì thì nói ra như thế, chứ xét cho kỹ thì không phải như thế. Và như thế thì cũng do nói giả mà xét ra nghĩa thật. Đại phạn vương, chúng sinh chưa có mắt tuệ của các vị thánh giả, chưa biết chân như của các pháp là không thể nói, nên thấy hay nghe cái pháp hữu vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến thì tư duy y theo thấy nghe và chấp cho là thật ; trong chân đế, họ không thể thấu hiểu chân như các pháp là không thể nói. Còn các vị thánh giả thấy hay nghe cái pháp hữu vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến, thì tùy trí lực mà không chấp là thật có, thấu hiểu tất cả không có gì là hữu vi chuyển biến, không có gì là vô vi phi chuyển biến, chỉ vọng tưởng là chuyển biến phi chuyển biến, chỉ có tên không có thật. Thế rồi các vị thánh giả ấy tùy tục đế mà nói cho người khác biết sự thật là như vậy. Đại phạn vương, các vị thánh giả sử dụng sự thấy biết của bậc thánh, thấu hiểu chân như là không thể nói, chuyển biến phi chuyển biến cũng như vậy, nhưng vì làm cho người khác cũng biết như vậy nên nói ra bao nhiêu dạng thức của danh ngôn tục đế. Bấy giờ đại phạn vương lại hỏi bồ tát Như ý bảo quang diệu, rằng có bao nhiêu chúng sinh hiểu được cái pháp sâu xa như thế này  ? Bồ tát nói, đại phạn vương, có tâm vương và tâm sở của những người được ảo thuật tạo ra biết được cái pháp sâu xa này. Đại phạn vương nói, người ảo thuật thì không thật có, vậy tâm vương tâm sở có từ đâu  ? Bồ tát nói, [lời tôi nói có nghĩa] nếu biết pháp tánh phi hữu phi vô, thì người ấy biết được nghĩa lý sâu xa này.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 32]

Đại phạn vương thưa đức Thế tôn, bạch Ngài, vị bồ tát Như ý bảo quang diệu này thật bất khả tư nghị, thông suốt đến như vậy đối với nghĩa lý cực kỳ sâu xa. Đức Thế tôn dạy, đúng như vậy, đại phạn vương, đúng như ông nói. Thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu đã từ lâu giáo huấn cho các người phát tâm tu học vô sinh pháp nhẫn. Đại phạn vương cùng với phạn chúng, liền đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, lạy ngang chân bồ tát Như ý bảo quang diệu mà nói như vầy, thật là hiếm có, ngày nay chúng tôi hạnh ngộ đại sĩ, được nghe pháp nghĩa đại sĩ nói. Đức Thế tôn bảo đại phạn vương, vị thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu này, trong thì vị lai sẽ thành Phật đà, danh hiệu là Bảo diệm cát tường tạng, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này thì có ba ngàn ức bồ tát không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề, tám ngàn ức thiên tử và vô số quốc vương cùng thần dân đều xa bụi bặm, rời dơ bẩn, được sự trong sáng của mắt pháp.

Bấy giờ trong đại hội có năm mươi ức Bí sô hành bồ tát hạnh mà muốn thoái chuyển bồ đề tâm, nhưng khi nghe bồ tát Như ý bảo quang diệu thuyết pháp như trên thì ai cũng được sự kiên định bất khả tư nghị, thỏa mãn ước nguyện tối thượng, phát lại bồ đề tâm, và cởi pháp y mà hiến lên bồ tát, phát lại cái chí thắng tiến tối thượng, và nguyện rằng bao nhiêu thiện căn của chúng tôi đều được không còn thoái chuyển, hồi hướng về vô thượng bồ đề. Đức Thế tôn nói với đại phạn vương, các vị Bí sô này do công đức này mà tu hành đúng như huấn dụ, qua chín mươi đại kiếp thì sẽ được chứng ngộ, thoát ly sinh tử. Đức Thế tôn liền thọ ký cho, rằng chư vị Bí sô, qua ba mươi vô số kiếp, chư vị sẽ được thành Phật đà, với thời kỳ tên Nan thắng quang vương, quốc độ tên Vô cấu quang. Chư vị đồng thời chứng đắc vô thượng bồ đề, đồng một danh hiệu Nguyện trang nghiêm gián sức vương, đủ mười đức hiệu.

Đại phạn vương, bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim này ai chính xác nghe nhớ thì có uy lực rất lớn. Giả sử có ai tu hành sáu ba la mật trong trăm ngàn đại kiếp mà không có [sự nhận thức về Không làm] phương tiện, mặt khác, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào sao chép kinh Ánh sáng hoàng kim này, cứ mỗi nửa tháng đọc tụng chuyên chú, thì cái khối công đức này, công đức trước không bằng một phần trăm, đến nỗi toán số hay ví dụ cũng không đối chiếu được. Đại phạn vương, do vậy mà Như lai khuyến khích các người tu học, chánh niệm, thọ trì, tuyên thuyết phong phú. Tại sao, vì xưa kia, khi Như lai đi trên đường đi bồ tát thì, như dũng sĩ xung trận, Như lai không tiếc tính mạng mà lưu thông bản kinh vua chúa và nhiệm mầu này, tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giải thích cho người. Đại phạn vương, luân vương còn thì thất bảo còn, luân vương mất thì thất bảo cũng tự nhiên mất theo. Cũng y như vậy, Đại phạn vương, kinh vua Ánh sáng hoàng kim này nếu còn thì pháp bảo tối thượng còn cả, nếu không còn thì pháp bảo cũng ẩn mất hết. Do vậy, đối với kinh vua này, các người phải chuyên tâm mà lắng nghe, mà ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giải thích phong phú cho bao người khác, khuyến khích họ cũng sao chép và tu hành bằng sự tinh tiến ba la mật, không tiếc tính mạng, không nài mệt nhọc. Đó là công đức siêu việt trong các công đức. Là đệ tử của Như lai thì các người phải siêng năng tu học như vậy. Đại phạn vương với vô số phạn chúng, Đế thích cùng bốn vị Thiên vương với bộ chúng Dược xoa, tất cả đều từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con cùng nhau nguyện giữ gìn và quảng bá kinh Ánh sáng hoàng kim này, nguyện giữ gìn cho các vị pháp sư giảng nói kinh này. Có tai nạn gì chúng con cũng trừ khử, làm cho có đủ mọi sự cát tường, sắc tướng và sức lực sung túc, hùng biện vô ngại, cơ thể và tâm trí đều thư thái cả. Và cả thính giả nữa cũng yên vui hết thảy. Quốc gia họ ở nếu bị đói khát, giặc giã, kẻ thù, quỉ thần, quấy rối và tác hại thì chư thiên chúng con sẽ hộ trì cho. Dân chúng mà yên ổn, sung túc, không oan khuất, không tai họa, là do sức của chư thiên chúng con. Ai hiến cúng kinh này thì chúng con tôn kính hiến cúng y như đối với đức Thế tôn, không khác gì cả. Đức Thế tôn bảo đại phạn vương, phạn chúng, cho đến bốn vị Thiên vương, cùng bộ chúng Dược xoa, lành thay, các người đã được nghe diệu pháp sâu xa, đối với kinh vua của diệu pháp ấy lại phát tâm hộ trì, hộ trì những ai thọ trì kinh ấy, thì các người đã đạt được cái phước thù thắng và vô biên, mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề. Đại phạn vương, và mọi người đồng đẳng, nghe những lời đức Thế tôn huấn dụ thì hoan hỷ, cung kính mà tiếp nhận.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 33]

Phẩm 11 -Thiên Vương Quan Sát

Vào lúc bấy giờ, thiên vương Đa văn, thiên vương Trì quốc, thiên vương Tăng trưởng, thiên vương Quảng mục, bốn vị cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân của Ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bản kinh Ánh sáng hoàng kim này chư vị Thế tôn thường quan tâm, chư vị Bồ tát thường tôn kính, các bộ thiên long thường hiến cúng, tất cả chư thiên thường vui mừng, tất cả hộ thế thường ca tụng. Kinh này chư vị Thanh văn và chư vị Độc giác cùng nhau thọ trì. Kinh này có năng lực chiếu sáng cung điện chư thiên, có năng lực ban cho chúng sinh sự yên vui thượng thặng, có năng lực làm ngưng sự khổ sở trong các đường dữ, có năng lực loại trừ mọi sự sợ hãi, giải tỏa mọi sự thù địch, làm no những lúc đói khát, làm lành những bịnh truyền nhiễm, mọi tai biến với hàng trăm hàng ngàn khổ não đều tiêu tan cả. Bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim năng lực làm được những lợi lạc như vậy, lợi ích cho chính chúng con. Kính xin đức Thế tôn, trong đại hội này, tuyên thuyết phong phú thêm nữa cho chúng con. Bốn thiên vương chúng con, cùng tùy thuộc của mình, được nghe pháp vị cam lộ tối thượng như thế này, thì khí lực sung mãn, uy quang tăng thêm, tinh tiến sẽ dũng mãnh hơn, thần lực sẽ phát triển hơn.

Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con làm theo chánh pháp, nói theo chánh pháp, thường đem chánh pháp mà phục vụ thế giới. Chúng con lại làm cho tám bộ thiên long, cùng các vị quốc vương, cũng thường đem chánh pháp mà phục vụ thế giới, ngăn chận và hủy diệt những điều ác. Bao nhiêu quỉ thần không có từ tâm, hấp tinh khí của người, thì chúng con làm họ phải đi thật xa. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con, cùng đại tướng của hai mươi tám bộ chúng Dược xoa, với vô số trăm ngàn Dược xoa tùy thuộc, dùng thiên nhãn trong suốt hơn thị lực của nhân loại mà quan sát và hộ trì cho đại lục Thiệm bộ này. Do vậy mà, bạch đức Thế tôn, chúng con được gọi là những người hộ vệ thế giới.

Trong đại lục Thiệm bộ này, nếu có quốc vương nào quốc gia bị giặc thù xâm phạm luôn, quốc dân bị đói khát và tật dịch ([54]) hoành hành, bị hàng trăm hàng ngàn tai ách, thì, bạch đức Thế tôn, chúng con [vì họ mà] cung kính hiến cúng kinh Ánh sáng hoàng kim. Và nếu có vị pháp sư Bí sô nào thọ trì đọc tụng kinh này thì chúng con cùng đến mà thức tỉnh, khuyến thỉnh vị ấy ; vị ấy, do thần lực của chúng con thức tỉnh khuyến thỉnh, nên đến quốc gia nói trên, tuyên thuyết rộng rãi bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim. Do thần lực của kinh này mà hàng trăm hàng ngàn những sự tai ách đều bị loại trừ. Bạch đức Thế tôn, các vị quốc vương, khi có vị pháp sư Bí sô thọ trì kinh này đi đến quốc gia của họ, thì họ phải biết kinh này cũng đến quốc gia của họ. Do vậy, bạch đức Thế tôn, các vị quốc vương ấy hãy đến chỗ vị pháp sư mà lắng nghe vị ấy diễn giảng kinh này. Nghe rồi hoan hỷ, cung kính hiến cúng vị pháp sư, thâm tâm hộ trì cho vị ấy khỏi lo lắng để tuyên thuyết kinh này, lợi ích tất cả. Bạch đức Thế tôn, chính vì kinh này mà bốn thiên vương chúng con cùng nhau nhất tâm hộ trì vị quốc vương kia, cùng quốc dân của ông, làm cho xa rời tai họa, thường thường yên ổn. Bạch đức Thế tôn, nếu có vị Bí sô, Bí sô ni, ô ba sách ca, ô ba tư ca nào thọ trì kinh này, vị quốc vương kia nên hiến cúng, cung cấp những thứ cần dùng, không để thiếu thốn, thì bốn thiên vương chúng con làm cho vị quốc vương kia, và quốc dân của ông, ai cũng yên ổn, tách xa tai họa. Bạch đức Thế tôn, có ai thọ trì đọc tụng kinh này mà vị quốc vương cung kính, hiến cúng, tôn trọng, tán dương, thì chúng con làm cho vị quốc vương ấy được cung kính tôn trọng nhất trong các vị quốc vương, các vị quốc vương ai cũng tán dương ca tụng.

Đại hội nghe nói như vậy, ai cũng hoan hỷ, tiếp nhận và ghi nhớ.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 34]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 6

Phẩm 12 – Thiên Vương Hộ Quốc

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn nghe bốn vị thiên vương cung kính hiến cúng kinh Ánh sáng hoàng kim và hộ trì cho người thọ trì kinh ấy, thì tán dương rằng lành thay, bốn thiên vương, các người đã ở nơi vô số chư vị Như lai quá khứ cung kính hiến cúng tôn trọng tán dương, gieo trồng thiện căn, làm theo chánh pháp, nói theo chánh pháp, đem chánh pháp phục vụ thế giới. Đối với chúng sinh, các người trường kỳ nghĩ cách lợi ích, khởi tâm đại bi, nguyện đem yên vui lại cho họ. Chính vì lý do này mà làm các người hiện được hưởng thụ quả báo thù thắng. Nếu có quốc vương nào cung kính hiến cúng kinh Ánh sáng hoàng kim, thì các người phải siêng năng hộ trì cho [ông và quốc dân của ông] được yên ổn. Bốn thiên vương các người, và vô số dược xoa tùy thuộc, hộ trì kinh này, thì thế là hộ trì chánh pháp của chư vị Như lai quá khứ hiện tại vị lai, nên các người, với chư thiên và dược xoa, chiến đấu với tô la thì thường đắc thắng. Các người hộ trì kinh này thì do thần lực của kinh này mà loại trừ được mọi sự khổ não, giặc thù, đói khát, tật dịch. Do vậy, nếu thấy bốn chúng có ai thọ trì kinh vua này thì các người cũng nên siêng năng chung sức hộ trì, loại trừ suy tổn và đem lại yên vui cho họ.

Bốn vị thiên vương, lúc ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong thì vị lai, nơi đất nước, thành thị, làng xóm, núi rừng, đồng nội, chỗ nào và lúc nào bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này lưu hành đến, thì quốc vương chỗ ấy và lúc ấy nên hết lòng lắng nghe, tán dương, hiến cúng, lại cung phụng cho những người trong bốn chúng thọ trì kinh này, thâm tâm hộ trì cho họ tách rời suy não. Vì lý do này, chúng con hộ trì cho quốc vương ấy, và cho quốc dân của ông, ai cũng yên ổn, rời xa lo buồn, thọ lượng tăng thêm, uy đức toàn hảo. Bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương ấy thấy những người trong bốn chúng thọ trì kinh này mà cung kính hộ vệ như cha như mẹ, cung cấp những thứ nhu cầu, thì bốn thiên vương chúng con thường hộ vệ cho, làm cho ai cũng tôn kính. Chúng con và vô số các thần dược xoa, kinh vua này ở đâu cũng ẩn mình hộ vệ, không để bị cản trở. Chúng con cũng hộ vệ cho những thính giả, và quốc vương lắng nghe kinh này, loại trừ suy tổn và đem lại yên ổn cho họ, giặc thù từ xứ khác cũng được làm cho thoái tán. Thế nên nếu có quốc vương nào khi lắng nghe kinh này mà lân bang thù địch, động binh xâm lăng phá hoại thì, bạch đức Thế tôn, do thần lực của kinh này mà chúng con sẽ cùng vô số dược xoa tùy thuộc, ai cũng ẩn mình hỗ trợ, làm cho lân bang thù địch kia phải tự đầu hàng, không dám bước đến cương giới của quốc gia ấy, có đâu dám sử dụng vũ khí mà sát phạt ([55]).

Đức Thế tôn dạy bốn vị thiên vương rằng tốt lắm, các người có thể hộ vệ như vậy đối với kinh này. Vô số kiếp quá khứ, Như lai đã tu đủ loại khổ hạnh, được vô thượng bồ đề, chứng nhất thế chủng trí, nên ngày nay mới tuyên thuyết kinh này. Nếu có quốc vương nào thọ trì kinh này, cung kính hiến cúng, thì [uy lực kinh này] sẽ làm cho quốc vương ấy hết suy tổn, được yên ổn, lại làm cho tất cả đất nước của quốc vương ấy đến nỗi giặc thù cũng phải thoái tán. Uy lực kinh này cũng làm cho tất cả quốc vương trong đại lục Thiệm bộ không có suy tổn, chinh chiến. Mà, các người nên biết, đại lục Thiệm bộ có tám mươi bốn ngàn quốc gia và quốc vương, quốc vương nào cũng thích thú, tự do, tài sản sung túc, hưởng thụ đầy đủ, không xâm lăng chiếm đoạt lẫn nhau. Ai cũng tùy phước nhân đời trước mà thụ hưởng phước quả đời này, không ai nghĩ xấu, ham chiếm nước khác. Ai cũng giảm thiểu ham muốn, muốn lợi kẻ khác, không gây cái khổ chinh chiến, đày ải. Dân chúng của các quốc vương ấy thì thương nhau, trên dưới hòa thuận như nước với sữa, mến trọng lẫn nhau, hoan hỷ thư nhàn, hiền lành khiêm tốn, tăng tiến thiện căn. Do vậy mà đại lục Thiệm bộ này yên vui, sung túc, dân chúng đông đảo, đất đai màu mỡ, lạnh nóng điều hòa, thời tiết thích hợp, nhật nguyệt tinh tú vận hành bình thường, gió mưa đúng lúc, không có tai ương, tài sản phong phú, tâm tính hào phóng, thường hành huệ thí, đủ mười thiện nghiệp, và chết thì đa số sinh chư thiên, thiên chúng tăng lên. Bốn thiên vương, trong thì vị lai, có quốc vương nào lắng nghe kinh này, cung kính hiến cúng và thọ trì kinh này, thì được bốn chúng ca tụng, lại lợi ích cho chính các người và tùy thuộc của các người là vô số dược xoa. Vì vậy mà các quốc vương thường nên lắng nghe bản kinh vua này. Chính cái nước chánh pháp cái vị cam lộ này tăng thêm sức mạnh và tư thế cho thân tâm các người, làm cho các người tinh tiến mạnh mẽ, đầy đủ phước đức uy quang. Các quốc vương ấy nếu hết lòng lắng nghe kinh này thì thế là đã đem sự hiến cúng lớn lao và hiếm có mà hiến cúng cho ta, Thích ca như lai. Hiến cúng Như lai là hiến cúng vô số chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại vị lai. Hiến cúng tam thế Như lai thì được cái khối công đức bất khả tư nghị. Vì lý do ấy, các người nên hộ trì [cho các quốc vương ấy], cho hoàng gia của họ, cho thần trấn hoàng cung, ai cũng khỏi suy tổn, được an lạc, thiện căn khó lường. Quốc dân của các quốc vương ấy cũng hưởng thụ đủ loại lạc thú ngũ dục, mọi sự xấu ác tiêu tan tất cả.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 35]

Bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, trong thì vị lại, có quốc vương nào ưa thích lắng nghe kinh vua Ánh sáng hoàng kim để cầu mong bản thân và hoàng gia được sự yên vui bậc nhất ; để làm cho ngôi vua hiện tại được thịnh đạt ; để thu hoạch cái khối phước đức vô lượng ; để làm cho quốc dân và quốc gia của mình không bị thù địch, không lo buồn, không tai họa, thì, bạch đức Thế tôn, quốc vương ấy không nên phóng túng, nghĩ tưởng mông lung, mà phải cung kính, chân thành, thiết tha, muốn được lắng nghe tiếp nhận bản kinh vua tối thượng này. Muốn vậy thì trước hết quốc vương ấy phải trang hoàng một cung điện nào trong hoàng cung mà dễ thấy nhất và ông quí nhất, bằng cách đem nước thơm rưới đất, rải những bông hoa danh tiếng, đặt để pháp tòa sư tử đẹp nhất, trang khảm bằng ngọc quí, treo bảo cái tràng phan lên trên, rồi đốt hương liệu vô giá, tấu lên các loại âm nhạc. Bản thân quốc vương thì tắm rửa sạch sẽ, xoa hương thơm vào mình, mặc áo sạch và mới, đeo những chuỗi ngọc, nhưng ngồi trên cái ghế thấp nhỏ, không tự tôn, bỏ ngôi cao, rời ngạo mạn, đoan tâm chính niệm để chờ lắng nghe kinh vua này. Lại nữa, đối với vị pháp sư sẽ đến thì nghĩ tưởng là bậc đại sư ; đối với thân quyến thì sinh từ tâm, nhìn nhau vui vẻ, mặt hiền hòa, nói dịu ngọt, đối với bản thân thì tràn ngập một nỗi vui mừng lớn lao, nghĩ rằng tôi được lợi ích vĩ đại, ấy là được hiến cúng long trọng đối với bản kinh vua chúa. Quốc vương chuẩn bị như vậy rồi, thấy vị pháp sư đến thì lòng thành kính, khao khát, ngưỡng mộ.

Đức Thế tôn dạy bốn thiên vương, quốc vương ấy không nên không đi rước vị pháp sư. Quốc vương ấy phải mặc đồ sạch sẽ, trang sức bằng những chuỗi ngọc, đích thân cầm lọng dù màu trắng và hương hoa, nghiêm chỉnh quân cách, dàn nhiều nhạc cụ, đi bộ mà ra khỏi cửa hoàng thành đón rước vị pháp sư, vận dụng tâm tưởng, hết lòng tôn kính mà làm cái việc cầu chúc cát tường. Bốn thiên vương, tại sao quốc vương phải đích thân làm việc tôn kính hiến cúng như vậy  ? Vì quốc vương lúc ấy cất chân lên, đặt chân xuống, mỗi bước đã là tôn kính hiến cúng vô lượng chư vị Như lai, đã là vượt qua ngần ấy nỗi khổ sinh tử, đã là tương lai được làm ngần ấy ngôi vị luân vương. Lại tùy mỗi bước mà hiện tại phước đức tăng trưởng, vương vị tự tại, cảm ứng khó lường, quần chúng kính trọng ; mà tương lai vô số kiếp được cung điện thất bảo trong nhân loại và trên chư thiên, sinh ra ở đâu cũng làm vua chúa, thọ lượng tăng thêm, nói năng thông suốt, người trời tin chịu, không e sợ gì, được tiếng khen lớn, ai cũng ngưỡng mộ, ở trong nhân thiên mà hưởng thụ hạnh phúc tuyệt diệu, được đại thế lực, có đại oai đức, thân tướng kỳ vĩ, uy nghiêm tột bậc, gặp được các đấng Nhân thiên sư, gặp được các bậc Thiêển tri thức, hoàn hảo cái khối phước đức vô lượng. Bốn thiên vương nên biết, quốc vương ấy thấy những lợi ích như vậy nên phải đích thân đi rước pháp sư từ một du thiện na cho đến hàng trăm hàng ngàn du thiện na. Hãy nghĩ tưởng vị pháp sư ấy là Như lai. Rước về hoàng thành rồi, nghĩ rằng thế là đức Thích ca thế tôn vào trong hoàng cung của tôi, nhận cho sự hiến cúng của tôi, nói cho tôi nghe về diệu pháp. Rằng nghe diệu pháp rồi tôi không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề, được gặp vô lượng chư vị Thế tôn. Rằng ngày nay tôi đã tấu những nhạc cụ thượng thặng, và đem những cúng phẩm thù thắng, hiến lên tam thế Thế tôn. Rằng ngày nay tôi đã bạt nhổ vĩnh viễn cái khổ trong thế giới Diêm vương, đã gieo trồng hạt giống thiện căn của Phạn vương, Đế thích, Luân vương. Rằng việc tôi làm ngày nay sẽ làm cho vô số chúng sinh, thoát sinh tử được niết bàn, tích tụ cái khối phước đức bất khả tư nghị ; làm cho thân quyến và con dân của tôi yên ổn ; làm cho đất nước của tôi thanh bình, không tai họa, kẻ ác và giặc thù không thể quấy phá, xâm lược, rời xa mọi nỗi lo buồn. Bốn thiên vương, quốc vương ấy nên trân trọng như vậy đối với diệu pháp, lại nên hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương đối với bốn bộ đệ tử Như lai. Rồi trước hết đem cái thắng phước của thiện căn này mà hồi hướng cho chính các người, và tùy thuộc của các người. Thì quốc vương ấy có cái phước đức rất lớn làm yếu tố, nên hiện tại được đại tự tại, tăng thêm uy quang, sự cát tường và tướng tốt đẹp đều trang nghiêm, và đối với mọi loại giặc thù ông có năng lực đem diệu pháp mà chiến thắng.

Lúc ấy bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương nào tôn kính diệu pháp, muốn nghe kinh vua được như vậy, lại tôn kính hiến cúng bốn bộ thọ trì kinh vua, [trong đó có vị pháp sư], và muốn làm cho chúng con hoan hỷ, thì gần một bên pháp tòa, hãy rưới nước thơm, rải bông hoa, đặt ghế bàn cho bốn thiên vương chúng con. Chúng con sẽ nghe pháp chung với quốc vương. Quốc vương được thiện căn thì cũng đem một phần cái phước của thiện căn ấy hồi hướng cho chúng con. Bạch đức Thế tôn, khi quốc vương thỉnh mời vị pháp sư bước lên pháp tòa, thì cũng có một phần vì chúng con mà đốt các danh hương hiến cúng kinh vua này. Bạch đức Thế tôn, khói hương ấy, trong khoảnh khắc, bay lên không gian, bay đến cung điện của chúng con, và biến thành hương cái ở trong không gian. Chư thiên chúng con liền nghe được hơi thơm của danh hương, và thấy khói hương có ánh sáng màu hoàng kim, chiếu rực cung điện của chúng con, chiếu đến cung điện của Phạn vương, của Đế thích, của Đại biện tài thiên, của Đại cát tường thiên, của Kiên lao địa thần, của Chánh liễu tri đại tướng, của chư thần hai mươi tám bộ dược xoa, của Đại tự tại thiên, của Kim cang mật chủ, của Bảo hiền đại tướng, của quỉ mẫu Ha lị để và năm trăm quỉ tử, của long vương hồ Vô nhiệt não, của long vương Đại dương. Bạch đức Thế tôn, chư thiên chư thần như vậy, nơi cung điện của mình, ai cũng thấy khói hương ấy trong khoảnh khắc biến thành hương cái, nghe hơi thơm của khói hương và thấy ánh sáng của khói hương đến khắp tất cả cung điện của chư thiên chư thần.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 36]

Đức Thế tôn bảo bốn thiên vương, khói hương ấy, với hơi thơm và ánh sáng, không phải chỉ bay đến, biến thành hương vân hương cái và phóng ánh sáng lớn ở những cung điện [mà các người thấy được]. Khói hương do chính tay quốc vương tự bưng lò hương mà đốt lên để hiến cúng kinh vua ấy, trong khoảnh khắc, còn bay đến khắp đại thiên thế giới này với trăm ức nhật nguyệt, trăm ức núi Diệu cao, trăm ức bốn đại lục. Tại cung điện của tất cả tám bộ trong đại thiên thế giới này, khói hương ấy tràn đầy không gian, biến thành hương vân và hương cái, ánh sáng màu hoàng kim của vân cái này chiếu khắp cung điện chư thiên [và chư thần]. Tất cả hương vân và hương cái trong đại thiên thế giới này toàn là do cái lực của uy thần kinh vua Ánh sáng hoàng kim. Nhưng không phải khói hương do chính tay quốc vương bưng lò đốt lên hiến cúng kinh vua này chỉ bay đến khắp đại thiên thế giới này, mà, trong khoảnh khắc, cũng bay đến khắp vô lượng quốc độ của chư vị Như lai. Ở trên các Ngài, trong không gian, khói hương cũng [kết thành hương vân và] biến thành hương cái, chiếu ra ánh sáng hoàng kim. Đức Như lai nào cũng nghe hơi thơm của khói hương nhiệm mầu ấy, cũng nhìn thấy hương vân hương cái và ánh sáng hoàng kim ấy hiện ra khắp nơi vô lượng chư vị Như lai, thì chư vị Như lai cùng quan sát, và khác miệng cùng tiếng mà tán dương vị pháp sư, rằng lành thay bậc đại trượng phu, ông có năng lực quảng bá bản kinh sâu xa mầu nhiệm ! Như thế là ông đã thành tựu cái khối phước đức bất khả tư nghị. Ai lắng nghe ông giảng kinh này thì cái lượng công đức có được thật quá nhiều, huống chi sao chép, tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, diễn nói cho người, làm đúng kinh dạy. Tại sao, vì, thiện nam tử, ai nghe bản kinh Ánh sáng hoàng kim này thì không còn thoái chuyển nữa đối với vô thượng bồ đề. Chư vị Như lai trong vô lượng quốc độ còn khác miệng cùng tiếng, ngồi ngay trên pháp tòa mà tán dương vị pháp sư, rằng lành thay thiện nam tử, trong đời sau, ông do tinh tiến lực mà tu được vô số khổ hạnh, đầy đủ hai loại tư lương phước đức và trí tuệ, siêu việt trên hiền thánh, vượt ra quá ba cõi, làm bậc tối tôn tối thắng, sẽ ngồi dưới bồ đề thọ vương một cách trang nghiêm thù thắng, năng lực cứu được chúng sinh có liên hệ với mình ([56]) ở trong đại thiên thế giới, khéo léo thắng được ma quân hình nghi đáng sợ, thực hiện cái tuệ giác biết các pháp một cách hơn hết, trong sáng, rất sâu, không gì trên nữa, rất chính xác và cùng khắp. Thiện nam tử, ông sẽ ngồi trên kim cang tòa, chuyển cái pháp luân vô thượng, được chư vị Như lai tán dương, đủ cả mười hai hành tướng mầu nhiệm, cực kỳ sâu xa. Ông gióng trống pháp vô thượng rất lớn, thổi loa pháp vô thượng rất mầu, dựng cờ pháp vô thượng rất cao, đốt đuốc pháp vô thượng rất sáng, mưa nước pháp vô thượng rất ngọt, cắt đứt vô lượng phiền não kết thắt, làm cho vô lượng chúng sinh vượt qua biển cả đáng sợ mà không bến bờ, chấm dứt sự luân hồi bất tận của sinh tử, gặp được vô lượng chư vị Như lai.

Bốn thiên vương lại thưa, bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim này, trong hiện tại vị lai, thành tựu được vô lượng công đức như vậy. Thế nên quốc vương nào được nghe bản kinh mầu nhiệm này là vì đã gieo trồng thiện căn nơi vô lượng chư vị Thế tôn. Chúng con sẽ hộ trì cho quốc vương ấy. Lại vì nhìn thấy vô lượng phước đức, nên bốn thiên vương chúng con, cùng với vô lượng chư thần tùy thuộc, khi tại cung điện của mình thấy khói hương biến hiện hương vân hương cái, thì ẩn mình đi, vì để được nghe pháp nên đến chỗ thuyết pháp là cung điện bậc nhất của hoàng cung quốc vương. Các vị Phạn vương, Đế thích, Đại biện tài thiên, Đại cát tường thiên, Kiên lao địa thần, Chánh liễu tri đại tướng, chư thần hai mươi tám bộ dược xoa, Đại tự tại thiên, Kim cang mật chủ, Bảo hiền đại tướng, quỉ mẫu Ha lị để và năm trăm quỉ tử, long vương hồ Vô nhiệt não, long vương Đại dương, vô lượng chư thiên và dược xoa cũng vì để được nghe pháp nên ẩn mình mà đến chỗ đặt pháp tòa cao để thuyết pháp là cung điện bậc nhất của quốc vương. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con, với chư thần dược xoa tùy thuộc, sẽ một lòng cùng quốc vương làm thiện tri thức cho nhau. Vì ông là đại thí chủ pháp thí, đem cam lộ vị mà sung mãn cho chúng con, nên chúng con sẽ hộ vệ cho ông, loại trừ tai họa cho ông, làm cho ông được yên ổn, lại làm cho hoàng cung, quốc gia và quốc dân của ông tiêu tan được mọi thứ tai biến.

Bốn thiên vương lại cùng nhau chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, nếu quốc vương nào trong quốc gia của mình có kinh này mà chưa quảng bá bao giờ, muốn rời bỏ, không thích lắng nghe, không hiến cúng ca tụng, thấy người trong bốn bộ đệ tử Thế tôn thọ trì kinh này cũng không tôn trọng hiến cúng, làm cho chúng con cùng thân thuộc, và vô lượng chư thiên, không ai được nghe diệu pháp rất sâu xa, mất vị cam lộ, mất nước chánh pháp, không còn uy quang và thế lực, nẻo dữ thêm lên, người trời bớt đi, rơi sông sinh tử, mất đường niết bàn. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con, và những dược xoa tùy thuộc của chúng con, thấy như vậy nên bỏ quốc gia ấy, không có lòng nào hộ vệ. Chẳng những chúng con bỏ quốc gia của quốc vương ấy, mà các đại thiện thần có thệ nguyện hộ vệ đất nước cũng bỏ mà đi. Bỏ đi rồi, quốc gia ấy có đủ loại tai họa. Vị thế quốc gia bị mất ([57]). Quốc dân không có thiện tâm. Chỉ có tù đày, tàn hại, hận thù, đấu đá, dèm pha, dua nịnh, cô thế oan khuất, tật dịch hoành hành, sao chổi thường xuất hiện, hai mặt trời cùng xuất hiện ([58]), nhật thực nguyệt thực bất thường, hai cầu vồng đen trắng xuất hiện, sao sa, địa chấn, lòng giếng phát tiếng, mưa bạo, gió dữ, thời tiết hổn loạn, đói, mất mùa, kẻ thù và giặc giã thường từ xứ khác đến cướp phá xâm lược, quốc dân khổ sở, đất nước không có chỗ nào bình yên. Bạch đức Thế tôn, khi bốn thiên vương chúng con, vô lượng chư thiên thiện thần, cùng với thiện thần cũ hộ vệ quốc gia ấy, đều xa lánh cả, thì quốc gia ấy sinh ra lắm sự tai quái dữ dằng như vậy.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 37]

Bạch đức Thế tôn, quốc vương nào muốn quốc gia vui vẻ, muốn quốc dân yên ổn, muốn chiến thắng ngoại địch cho đất nước thịnh vượng, muốn lưu bố chánh pháp cho nỗi khổ điều dữ tan biến, thì, bạch đức Thế tôn, quốc vương ấy nên lắng nghe kinh vua nhiệm mầu này, nên hiến cúng những người thọ trì kinh này. Làm như vậy thì chúng con với vô lượng chư thiên thiện thần, do cái thiện căn lực lắng nghe chánh pháp và uống cam lộ vị mà gia tăng thắng ích cho chúng con, cho tùy thuộc của chúng con, cho chư thiên thiện thần, tại sao, vì quốc vương ấy hết lòng lắng nghe tiếp nhận kinh này.

Bạch đức Thế tôn, vì chúng sinh mà Phạn vương thường nói những luận thuyết xuất thế, mà Đế thích nói những luận thuyết đa dạng, và các tiên nhân ngũ thông cũng nói mọi thứ luận thuyết. Phạn vương, Đế thích và tiên nhân ngũ thông tuy có vô số luận thuyết, nhưng đức Thế tôn vì thương nhân loại và chư thiên mà tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim thì, so với những luận thuyết trên, phẩm chất hơn đến vô số bội số, không thể nào ví dụ được nữa. Tại sao  ? Vì kinh ấy có năng lực làm cho bao nhiêu quốc vương của đại lục Thiệm bộ đều đem chánh pháp mà phục vụ quốc gia, có năng lực ban cho chúng sinh mọi sự an lạc, làm cho bản thân các quốc vương, cho hoàng gia và quốc dân của các quốc vương ấy, đều không bị khổ não, không bị giặc thù xâm lăng tàn hại, mọi sự dữ dằng đều đi rất xa, đất nước trừ hết tai họa, hoán cải bằng chánh pháp mà không còn mọi sự tranh tụng. Do vậy, các quốc vương mỗi người nơi quốc gia của mình hãy đốt lên ngọn đuốc chánh pháp mà soi sáng vô tận, tăng thêm chư thiên và tùy thuộc của chư thiên. Bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con với vô lượng chư thiên thiện thần, bộ chúng dược xoa, với bao nhiêu chư thiên thiện thần trong đại lục Thiệm bộ, do việc làm của quốc vương ấy mà được uống cam lộ vị tối thượng, được đại uy đức, thế lực và ánh sáng có đủ tất cả, và tất cả chúng sinh cũng được yên ổn ; vị lai thì vô số kiếp thường hưởng hạnh phúc ; được gặp chư vị Thế tôn, gieo trồng thiện căn, để rồi chứng được vô thượng bồ đề. Vô lượng thắng ích như vậy toàn là do đức Thế tôn đem đại từ bi quá hơn Phạn vương, đem đại trí tuệ quá hơn Đế thích, đem đại khổ hạnh quá hơn các tiên nhân ngũ thông, đem những sự trải qua vô số kiếp ấy, vì chúng sinh mà tuyên thuyết bản kinh nhiệm mầu này, làm cho tất cả quốc vương và dân chúng trong toàn cõi đại lục Thiệm bộ hiểu được, trong phạm vi thế gian, những phương thức quản trị quốc gia và cải hóa quốc dân. Nhờ kinh này quảng bá mà nơi nào cũng được yên vui. Cái phước như vậy toàn là do từ bi lực của đức Thích tôn, vị thầy cao cả của chúng con, quảng bá rộng rãi kinh này. Bạch đức Thế tôn, vì vậy mà các quốc vương hãy thọ trì, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương bản kinh vua nhiệm mầu này. Tại sao, vì bản kinh này đem những phước đức bất khả tư nghị như vậy mà lợi ích tất cả, nên còn mệnh danh là bản kinh Chúa tể tối thượng. Bấy giờ đức Thế tôn dạy bốn thiên vương, các người, và tùy thuộc của các người, cùng với vô lượng chư thiên, thấy quốc vương nào hết lòng lắng nghe, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương kinh này, thì hãy hộ trì cho quốc vương ấy hết mọi suy tổn, và như vậy cũng làm cho các người hưởng thụ yên vui. Trong bốn bộ đệ tử của Như lai, ai quảng bá được kinh vua này, thì thế là ngay trong nhân loại và chư thiên, những người ấy làm việc Phật làm một cách rộng lớn, đem lại thắng ích cho vô số chúng sinh. Những người như vậy, bốn thiên vương các người hãy thường xuyên hộ vệ, đừng để họ bị việc khác quấy nhiễu. Hãy làm cho thân tâm của những người như vậy được yên tĩnh để quảng bá kinh vua này tồn tại liên tục, lợi ích chúng sinh cho đến cùng tận thì gian vị lai.

Bây giờ Đa văn thiên vương từ chỗ ngồi đứng dậy mà thưa, bạch đức Thế tôn, con có một minh chú tên là Ngọc như ý. Người nào ưa thích thọ trì minh chú ấy thì công đức vô lượng. Con luôn luôn hộ vệ cho người ấy rời khổ được vui, có năng lực hoàn thành hai loại tư lương phước đức và trí tuệ. Muốn thọ trì minh chú ấy thì trước hết phải trì tụng minh chú giữ gìn bản thân. Đa văn thiên vương liền nói minh chú giữ gìn bản thân : Nam mô, Vai sra va na da ma ha ra ja da, tát da tha, ra, ra, ra, ra, ku nu, ku nu, khu nu, khu nu, sa pa, sa pa, ma ha vi ka ra ma, ma ha vi ka ra ma, ma ha ra ja, rát sa, rát săn tu, năng, sa ra, sát toa năng, soa ha. (Namo Vaisravanayamaharajaya tadyatha ra ra ra ra kunu kunu khunu khunu sapa sapa mahavikarama mahavikarama maharaja raksa raksantu nam sarva sattvanam svaha).

Bạch đức Thế tôn, trì tụng minh chú này thì phải lấy chỉ trắng mà trì tụng bảy biến, mỗi biến thắt một gút, rồi buộc vào sau khuỷu tay, thì việc giữ gìn bản thân được thành tựu. Kế đó, phải tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch sẽ, rồi đem các hương liệu như an tức, chiên đàn, long não, tô hạp, đa yết la, huân lục, mỗi phần bằng nhau, trộn chung lại, tự tay bưng lò hương mà đốt hương liệu ấy để hiến cúng. Rồi ở trong cái phòng yên tĩnh ([59]) mà trì tụng mình chú triệu thỉnh con, Đa văn thiên vương. Đa văn thiên vương liền nói minh chú triệu thỉnh : Nam mô, Vai sra va na da, nam mô, Đa na đa da, Đa nết va ra da, a ka sá, a pa ri mi ta, đa nết va ra, pa ra ma, ka ru ni ka, sa va, sát toa hi ta chin ta, ma ma, đa na, va đa pa dê, soa dăm, a ka sa, soa ha. (Namo Vaisravanya namo Danadaya Danesvaraya akarsa aparimita danesvara parama karunika sarva sattvahitacinta mama dana vardhaparye svayam akarsa svaha).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 38]

Trì tụng minh chú này bảy biến rồi mới trì tụng minh chú căn bản là minh chú Ngọc như ý. Muốn trì tụng minh chú Ngọc như ý thì trước hết phải xướng hồng danh mà kính lạy Tam bảo, rồi lạy con, [với lời này : kính lạy] Đa văn thiên vương, người có năng lực ban cho tiền tài bảo vật, làm cho sở cầu mãn nguyện, thành tựu an lạc. Xướng lạy như vậy rồi trì tụng minh chú Ngọc như ý của con, Đa văn thiên vương, minh chú có năng lực đem cho người sự vui vẻ tùy ý. Đa văn thiên vương liền đối trước đức Thế tôn mà nói minh chú Ngọc như ý : Nam mô, rát na tra da da, nam mô, Vai sra ma na da, ma ha ra ja da, tát da tha, si mi, si mi, su mu, su mu, chăn đa, chăn đa, cha rê, cha rê, sa ra, sa ra, ka ra, ka ra, ki ri, ki ri, ku ru, ku ru, mu ru, mu ru, chu ru, chu ru, sa đa da, át ma năm, nít dăm, ăn ta ra, đa tu, soa ha ; nam mô, Vai sra ma na da, soa ha, đa na đa da, soa ha, na mô ra tha, pa ri pu ri ka da, soa ha. (Namo ratnatrayaya namo Vaisramanaya maharajaya tadyatha simi simi sumu sumu canda canda care care sara sara kara kara kiri kiri kuru kuru muru muru curu curu sadaya atmanam nityam antara dhatu svaha ; namo Vaisramanaya svaha dhanadaya svaha namoratha paripurikaya svaha).

[Bạch đức Thế tôn], thọ trì minh chú Ngọc như ý thì trước hết tụng một ngàn biến, sau đó, nơi trong tịnh thất ([60]) dùng cù ma ([61]) bôi đất, làm một đàn tràng nhỏ. Tùy thời mà đem ẩm thực nhất tâm hiến cúng. Thường xuyên đốt hương quí, sao cho khói hương không ngớt. Rồi tụng minh chú Ngọc như ý, ngày đêm tập trung tâm trí vào đó. Tụng sao chỉ tai mình tự nghe, đừng để ai biết. Thì bấy giờ sẽ có con của con, Đa văn thiên vương, tên là vương tử Thiền ni si, hiện thân đồng tử, đến chỗ người trì tụng, hỏi người cần gì mà kêu gọi phụ vương của tôi  ? Người trì tụng hãy trả lời, rằng tôi muốn hiến cúng Tam bảo nên cần tiền của, xin thiên vương ban cho. Vương tử Thiền ni si nghe lời ấy rồi, tức tốc trở về, tâu với con, rằng thưa phụ vương, nay có thiện nhân muốn chí thành hiến cúng Tam bảo mà thiếu tiền của, vì vậy mà triệu thỉnh phụ vương. Con bảo, con đi gấp đi, mỗi ngày đem cho thiện nhân ấy một trăm ca lị sa ba na ([62]). Người thọ trì minh chú thấy như vậy thì biết việc thành được. Hãy một mình ở trong tịnh thất ấy, đốt hương mà nằm. Đặt một cái hộp thơm bên giường. Mỗi sáng sớm nhìn vào sẽ được của mình cầu. Mỗi khi được của thì nội ngày ấy hãy hiến cúng Tam bảo bằng hương hoa ẩm thực, lại đem cho những người nghèo thiếu. Phải sử dụng như vậy cho hết, không được cất giữ. Đối với chúng sinh phải sinh tâm từ bi, không được sinh lòng giận dữ, dối trá, dua nịnh, tác hại. Giận dữ thì tức khắc mất linh nghiệm. Phải thường xuyên giữ cho tâm chớ có giận dữ. Lại nữa, thọ trì minh chú Ngọc như ý thì mỗi ngày tưởng nhớ đến con, Đa văn thiên vương, cùng với con trai con gái thân quyến của con, ca tụng, tán dương, và thường đem mười thiện nghiệp mà hỗ trợ cho nhau, làm cho chư thiên chúng con phước lực càng sáng, thiện nghiệp càng lớn, chứng được bồ đề. Chư thiên chúng con thấy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ, cùng đến hộ vệ cho người thọ trì minh chú. Người thọ trì minh chú ấy thọ lượng lâu dài, vĩnh ly ba nẻo đường dữ, thường xuyên tuyệt hết tai nạn. Người ấy cũng được làm cho được ngọc như ý, được kho tàng ẩn trong lòng đất, thần lực tự tại, sở nguyện thành cả. Cầu quan chức, vinh hoa, không có gì không vừa ý. Lại còn hiểu được tiếng nói của chim muông.

Bạch đức Thế tôn, thọ trì minh chú Ngọc như ý mà muốn nhìn thấy con tự hiện thân, thì ngày tám hoặc ngày rằm mỗi tháng, lấy vải trắng vẽ tượng đức Thế tôn, bằng cách dùng nhựa cây và nhiều màu mà tô vẽ. Người vẽ tượng phải được truyền thọ cho giới Bát quan trai. Bên trái tượng đức Thế tôn thì vẽ tượng Cát tường thiên nữ, bên phải tượng đức Thế tôn thì vẽ con, Đa văn thiên vương. Lại vẽ con trai con gái thân quyến của con. Rồi đặt để cho đúng phép. Bày ra bông hoa đủ màu, đốt lên hương liệu danh tiếng. Thắp đèn sáng luôn, ngày đêm không tắt. Aẫm thực thượng hạng và tinh tế, những thứ quí lạ, đều đem lòng thiết tha mà hiến cúng theo lúc. Thọ trì minh chú Ngọc như ý thì không được với tâm trí dễ dãi. Và khi triệu thỉnh con thì tụng minh chú này : Na ma hơ, Sri, kăn na da, bút đa da, nam mô, Vai sra ma na da, dát sa ra ja da, ma ha ra ja, a đi ra ja da, na ma hơ, sri dê, ma ha đêv dê, tát da tha, ta ra, ta ra, tu ru, tu ru, ba la, ba la, su sút đi, ha na, ha na, ma ni ka na ka, va rát vai đu ry da, múc ti ka lăm kri ta, sa ra ra da, sar va sát toa, hi ta ka ma, Vai sra ma na sri da, đê vi pra đa ya, ê hi, ê hi, ma vi lăm ba, gu ri na, gu ri na, pra si da, pra si da, đa đa hi, ma ma, a na ka na ma da, đa sá na, ka ma si da, đa săn năn, ma ma, ma na, pa ri ha ra đa da, soa ha. (Namah Sri kannaya buddhaya namo Vaisramanaya yaksarajaya maharaja adhirajaya namah sriye mahadevye tadyatha tara tara turu turu bala bala susuddhi hana hana manikanaka vajravaidurya muktikalamkrsta sariraya sarvasattva hitakama Vaisramanasriya devipradhaya ehy ehi mavilamba ghurna ghurna prasya prasya dadhahi mama amakanamaya darsana kamasya darsanan mama mana pariharadhaya svaha).

Bạch đức Thế tôn, nếu con thấy người ấy tụng trì minh chú, lại thấy hiến cúng trang trọng như vậy, thì thương mến và hoan hỷ. Con liền biến thể làm thân thiếu nhi, thân lão trượng, hay thân Bí sô, tay cầm ngọc như ý và túi vàng mà vào đạo tràng, thân thì thể hiện tôn kính, miệng thì niệm hồng danh của đức Thế tôn, rồi nói với người thọ trì minh chú Ngọc như ý, rằng tùy người cầu gì tôi cũng làm cho như nguyện. Muốn ẩn rừng rú, muốn chế tạo ngọc, muốn mọi người yêu mến, muốn những thứ bạc vàng, muốn trì minh chú nào cũng linh nghiệm, muốn thần thông, trường thọ, thắng diệu lạc, không có gì không vừa ý. Tôi nay chỉ nói mấy việc như vậy. Muốn cầu gì nữa thì cũng tùy ý thành tựu. Kho báu thì vô tận, phước đức thì vô cùng. Giả sử mặt trời mặt trăng sa xuống mặt đất, hoặc đại địa có lúc di chuyển vị trí, lời nói chắc thật của tôi cũng không bao giờ vô hiệu quả, yên vui thường có, hạnh phúc tùy tâm.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 39]

Bạch đức Thế tôn, có ai thọ trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim mà đọc tụng minh chú Ngọc như ý, thì không mượn sự mệt nhọc nhiều lắm mà linh nghiệm vẫn mau chóng thành tựu. Bạch đức Thế tôn, nay con vì bao kẻ nghèo nàn, khốn khó, khổ não, mà tuyên thuyết minh chú Ngọc như ý là để cho họ được lợi ích lớn lao, được giàu vui, tự tại, vô bịnh, cho đến suốt đời vẫn được con hộ vệ, theo dõi người thọ trì minh chú mà loại trừ cho họ bao nhiêu tai ách. Con lại làm cho những người quảng bá mà duy trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim, và những người thọ trì minh chú Ngọc như ý, trong chu vi mỗi phía trăm bước, được ánh sáng chiếu đến. Cả ngàn thần dược xoa của con cũng thường hộ vệ, tùy ý sai sử, họ làm vừa lòng cả. Con nói chân thành, không rỗng, không dối, chỉ có đức Thế tôn chứng biết cho con.

Bấy giờ, khi Đa văn thiên vương nói về minh chú Ngọc như ý rồi, đức Thế tôn dạy, rằng lành thay thiên vương, ông có năng lực xé nát mạng lưới nghèo khổ cho chúng sinh, làm cho họ giàu, vui, nên đã tuyên thuyết minh chú Ngọc như ý. Ông lại làm cho kinh vua này quảng bá cả thế giới.

Bốn vị thiên vương cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo một bên vai, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đem chỉnh cú tuyệt diệu mà tán dương đức Thế tôn.

(1) Khuôn mặt Thế tôn
như trăng tròn sáng,
như ngàn mặt trời
phóng ánh quang minh.
Mắt trong dài rộng
như cánh sen xanh.
Răng thì đều khít
trắng như tuyết ngọc.

(2) Đức tính Thế tôn
vô biên như biển,
bao phẩm chất quí
dồn lại ở đây ;
nước đại giác tuệ
được giữ dẫy đầy,
ngọc đại thắng định
sung mãn trong đó.

(3) Bàn chân chỉ tròn
bố trí tuyệt đẹp,
bằng phẳng vững vàng
như bánh xe êm ([63]).
Các ngón tay chân
có mạng tuyệt đẹp,
tựa như mạng chân
của con nga vương.

(4) Thân thể Thế tôn
núi vàng sáng rực,
trong sạch đặc thù
không ai sánh bằng,
lại đầy phước đức
như núi Diệu cao :
chúng con kính lạy
Núi chúa như vậy.

(5) Tướng hảo vô lượng
tựa như không gian,
phóng ra ánh sáng
hơn ngàn mặt trời ;
coi như huyễn ảo
bất khả tư nghị :
chúng con kính lạy
đấng Không vướng mắc.

Bốn thiên vương tán dương đức Thế tôn rồi, Ngài cũng nói lại bằng những chỉnh cú sau đây.

(6) Ánh sáng hoàng kim
kinh tối thượng này
là được tuyên thuyết
bởi đấng Vô thượng.
Thiên vương các người
hãy thường hộ vệ ;
hãy có tâm chí
dũng mãnh bất thoái.

(7) Kinh này quí báu
cùng cực sâu xa,
năng lực làm cho
chúng sinh yên vui.
Bởi vì làm cho
chúng sinh yên vui,
nên thường lưu hành
đại lục Thiệm bộ.

(8) Nhưng làm cho cả
đại thiên thế giới
bao loại chúng sinh
trong thế giới ấy,
nhất là địa ngục
ngạ quỉ bàng sinh,
những nẻo khổ ấy
đều được loại trừ.

(9) Những vị quốc vương
toàn cõi Thiệm bộ,
cùng với bao nhiêu
quốc dân của họ,
cái lực kinh này
làm cho hoan hỷ,
và được hộ vệ
giữ cho thanh bình.

(10) Tất cả nhân loại
trong đại lục này
không bịnh không khổ
không giặc không cướp ;
nhờ trong quốc gia
quảng bá kinh này,
quốc dân yên ổn
sung túc vui thỏa.

(11) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
muốn cầu cao sang
cầu tài cầu lợi,
cầu cho đất nước
phong phú thái bình,
tùy tâm cầu nguyện
thỏa mãn tất cả.

(12) Giặc từ xứ khác
cũng làm lui mất,
trong quốc gia mình
thường sống yên ổn ;
chính nhờ cái lực
của kinh vua này
mà thoát khổ não
mà không lo sợ.

(13) Tựa như cây ngọc
ở chính trong nhà
thì sinh tất cả
công cụ hạnh phúc ;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
ban cho quốc vương
bao nhiêu thắng phước.

(14) Như nước trong sạch
mà lại mát ngọt,
thì trừ được hết
cái nóng đói khát ;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
ai ưa phước lạc
làm cho thỏa mãn.

(15) Như kẻ trong nhà
có hộp ngọc quí,
thì sự hưởng dụng
toàn theo ý muốn ;
bản kinh tối thượng
cũng là như vậy,
phước lạc tùy tâm
không thiếu thốn gì.

(16) Thiên vương các người
cùng với chư thiên
hãy nên hiến cúng
bản kinh vua này ;
phụng trì kinh này
theo lời Như lai,
thì đủ tất cả
trí tuệ uy thần.

(17) Hiện tại mười phương
chư vị Như lai
cùng nhau hộ trì
bản kinh vua này ;
thấy ai đọc tụng
thọ trì kinh này
thì khen lành thay,
rất là hiếm có !

(18) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
thân tâm phấn chấn
hoan hỷ tràn ngập ;
thường có trăm ngàn
bộ chúng dược xoa
ở đâu cũng theo
mà hộ vệ cho.

(19) Thế giới hệ này
bộ chúng chư thiên
số lượng vô lượng
không thể nghĩ bàn,
ai cũng lắng nghe
bản kinh vua này
hoan hỷ hộ vệ
chứ không thoái chuyển.

(20) Những ai lắng nghe
bản kinh vua này,
thì uy đức mạnh
thì tự tại luôn ;
làm cho tăng thêm
nhân loại chư thiên,
làm hết suy bại
làm thêm ánh sáng.

Bốn thiên vương nghe những lời chỉnh cú này rồi hoan hỷ phấn chấn, thưa rằng bạch đức Thế tôn, từ xưa đến nay chúng con chưa từng được nghe pháp âm thậm thâm vi diệu như thế này, trong lòng vừa mừng vừa tủi, mắt mũi trào nước, cả người chấn động, chứng được sự thể hiếm có, bất khả tư nghị. Các thiên vương liền lấy thiên hoa mạn đà và đại mạn đà tung rải trên đức Thế tôn. Họ hiến cúng một cách thù thắng như vậy rồi, lại thưa, bạch đức Thế tôn, bốn thiên vương chúng con ai cũng có năm trăm dược xoa tùy thuộc, sẽ thường xuyên hộ vệ kinh này, và vị pháp sư tuyên thuyết kinh này, đem ánh sáng trí tuệ mà hỗ trợ. Vị pháp sư ấy có quên chữ nghĩa nào trong kinh vua này, thì chúng con làm cho vị ấy nhớ lại, không quên. Chúng con cũng hiến cho vị pháp sự ấy minh chú thù thắng, để vị ấy được toàn hảo. Lại làm cho bản kinh vua tối thượng này ở đâu thì quảng bá cho người, không mau chóng ẩn mất.

Khi ở trong đại hội, đức thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này, thì vô lượng chúng sinh được sự hùng biện đầy trí lớn thông minh, thu thập cái khối phước đức vô số lượng, rời lo buồn, phát hoan hỷ, khéo hiểu mọi thứ luận thuyết, bước lên trên đường thoát ly, không còn thoái chuyển mà mau chóng chứng được vô thượng bồ đề.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 40]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 7

Phẩm 13 – Minh Chú Ly Nhiễm

Khi ấy đức Thế tôn bảo trưởng lão Xá lợi tử, có một pháp tên là minh chú Ly nhiễm. Đó là pháp bồ tát tu. Bồ tát quá khứ đã thọ trì pháp ấy. Pháp ấy là mẹ của bồ tát. Đức Thế tôn nói như vậy rồi, trưởng lão Xá lợi tử thưa, bạch đức Thế tôn, minh chú là chữ nghĩa gì  ? Bạch đức Thế tôn, minh chú thì phi vị trí, phi siêu vị trí. Trưởng lão Xá lợi tử nói như vậy rồi, đức Thế tôn bảo, lành thay trưởng lão Xá lợi tử, nay trưởng lão đã đi đến đại thừa, đã tin hiểu đại thừa, đã tôn trọng đại thừa. Đúng như trưởng lão nói, minh chú thì phi vị trí phi siêu vị trí, phi pháp môn phi siêu pháp môn, phi quá khứ phi vị lai phi hiện tại, phi sự thể phi siêu sự thể, phi tương quan phi siêu tương quan, phi chuyển biến phi siêu chuyển biến, không có gì là sinh, không có gì là diệt. Thế nhưng vì lợi ích cho bồ tát mà Như lai nói. Bằng cách do năng lực, đường chính, lý thể, sức mạnh ([64]), do bốn mặt như vậy mà Như lai lập ra minh chú, và rằng đó là thành quả của chư vị Như lai, giới điều của chư vị Như lai, sở học của chư vị Như lai, bí mật của chư vị Như lai, sinh xứ của chư vị Như lai, nên mệnh danh là minh chú Ly nhiễm, pháp tối nhiệm mầu. Đức Thế tôn nói như vậy rồi, trưởng lão Xá lợi tử thưa Ngài, bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn dạy cho con về minh chú ấy. Bồ tát đứng vững nơi minh chú ấy thì không thoái chuyển vô thượng bồ đề. Thành tựu chánh nguyện, được sự ly nhiễm, tự tánh hùng biện, đạt được hiếm có, an trú thánh đạo, tất cả toàn là do được có minh chú Ly nhiễm. Đức Thế tôn dạy trưởng lão Xá lợi tử, lành thay, đúng như vậy, đúng như trưởng lão nói. Nếu bồ tát nào chứng đắc minh chú Ly nhiễm thì không khác gì Như lai. Ai hiến cúng vị bồ tát ấy thì trưởng lão hãy nhận thức rằng đó là hiến cúng Như lai. Trưởng lão Xá lợi tử, ngoài bồ tát ra, những người khác nếu nghe được minh chú này, thọ trì, đọc tụng, và sinh ra tin hiểu, thì cũng nên cung kính hiến cúng như đối với Như lai. Bởi vì nhờ nhân tố này mà được đạo quả tối thượng. Bấy giờ đức Thế tôn liền tuyên thuyết cho đại hội về minh chú Ly nhiễm : Tát da tha, sa đa ra ni, a pa đa ra ni, su săm pra tít thi ta, su na ma, su pra tít thi ta, vi ja da ba la, sát da, pra ti sin ja, su rô ha, sin ja na ma ti, u pa đa ni, a ba na ma ni, a bi sích ni, a biv da ka ra, sú ba pa ti, su ni sí ta, ba hum, gun ja, a bi pa đa, soa ha. (Tadyatha sandharani apadharani susampratisthita sunama supratisthita vijayabala satya pratisinja suroha sinjanamati upadhani ubanamani abhisigni abhivyakara subhapati sunisita bahum gunja abhipada svaha).

Đức Thế tôn bảo trưởng lão Xá lợi tử, câu minh chú Ly nhiễm này bồ tát nào khéo léo an trú và chính xác thọ trì thì phải nhận thức rằng bồ tát ấy một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp đã phát chánh nguyện không có cùng tận, thân thể đã không bị thương tổn vì khí giới, vì độc tố, vì nước lửa, vì mãnh thú. Tại sao, trưởng lão Xá lợi tử, vì minh chú Ly nhiễm là mẹ sinh chư vị Như lai quá khứ, mẹ sinh chư vị Như lai vị lai, mẹ sinh chư vị Như lai hiện tại. Trưởng lão Xá lợi tử, nếu có người nào, trong mười vô số kiếp, đem bảy loại quí báu chất đầy đại thiên thế giới mà phụng hiến chư vị Như lai, lại đem y phục ẩm thực thượng hạng và tinh tế mà hiến cúng với nhiều dạng thức và trải qua vô số kiếp ; mặt khác, nếu có người nào thọ trì đến nỗi chỉ một chữ của minh chú Ly nhiễm mà thôi, mà cái phước phát sinh từ sự thọ trì ấy cũng bội phần nhiều hơn người kia, tại sao, vì Xá lợi tử, minh chú Ly nhiễm là pháp cực kỳ sâu xa, là mẹ sinh chư vị Như lai.

Bấy giờ trưởng lão Xá lợi tử, cùng cả đại hội, nghe được minh chú Ly nhiễm thì ai cũng đại hoan hỷ, cùng nhau phát nguyện thọ trì.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 41]

Phẩm 14 –Ngọc Báu Như Ý

Bấy giờ, ở trong đại hội, đức Thế tôn bảo tôn giả A nan đà, rằng các người nên biết có một minh chú danh hiệu minh chú Như ý, làm rời xa mọi sự tai ách, lại ngăn chận những thứ sấm sét dữ dội, và được tuyên thuyết bởi chư vị Như lai quá khứ. Và nay, trong kinh này, Như lai cũng tuyên thuyết minh chú này cho đại hội. Minh chú này làm đại lợi ích cho nhân loại chư thiên, xót thương thế giới mà hộ vệ cho tất cả yên vui. Bấy giờ đại hội cùng với tôn giả A nan đà nghe lời đức Thế tôn nói như vậy, ai cũng chí thành chiêm ngưỡng Ngài để lắng nghe minh chú Như ý. Đức Thế tôn nói, đại hội hãy lắng nghe. Hướng đông vị trí này có chúa sấm sét tên A ga ta, hướng nam vị trí này có chúa sấm sét tên Sa tát ru, hướng tây vị trí này có chúa sấm sét tên Chu ta ba, hướng bắc vị trí này có chúa sấm sét tên Su ta ma ni ([65]). Thiện nam hay thiện nữ nào nghe được tên những chúa sấm sét này, và biết vị trí của họ, thì người ấy hết mọi sợ hãi và tai họa. Nơi chỗ ở mà viết tên của họ thì chỗ ở ấy không còn phải sợ sấm sét, không tai ách và chướng nạn, không cả chết phi thời, chết oan uổng. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú Như ý : Tát da tha, ni mi ni, ni mi ni, ni min đa ri, tri lô ka, lô ka ni, tri su ra pa ni, rát sa, rát sa, soa ha ; cầu nguyện cho con và chỗ ở này rời xa sự sợ hãi, sự khổ não, sự sấm sét, sự uổng tử. (Tadyatha nimini nimini nimindhari triloka lokani trisurapani raksa raksa svaha).

Bấy giờ đại bồ tát Quan tự tại ([66]) ở trong đại hội, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, nay con cũng đối trước đức Thế tôn tuyên thuyết vắn tắt về minh chú Như ý. Minh chú này làm đại lợi ích cho nhân loại và chư thiên, xót thương thế giới mà hộ vệ cho tất cả yên vui. Minh chú này có uy lực cực lớn, cầu gì cũng như ý. Đại bồ tát Quan tự tại liền tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, ga tê, vi ga tê, ni ga tê, prát da tha kê, pra ti mi trê, sút đê, mút tê, vi ma lê, pra ba soa rê, ăn đa rê, păn đa rê, suê tê, Păn đa ra va si ni, Ha ri, Kăn ta ri, Ka pi li, Pin ga lát si, Đa đi mu khi, rát sa, rát sa, soa ha ; cầu nguyện cho con và chỗ này rời xa mọi nỗi sợ hãi, đau khổ, cho đến uổng tử ; cầu nguyện cho con đừng thấy những sự tội ác, thường được đại bồ tát Quan tự tại hộ trì cho con bằng ánh sáng đại bi của Ngài. (Tadyatha gate vigate nigate pratyarthake pratimitre sudhe mukte vimale prabhasvare andare pandare svete Pandaravasini Hari Kantari Kapili Pingalaksi Dadhimukhi raksa raksa svaha).

Bấy giờ bồ tát bí mật chủ Chấp kim cang cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, nay con cũng xin nói minh chú danh hiệu Không gì hơn. Minh chú này cũng làm đại lợi ích cho nhân loại và chư thiên, xót thương thế giới mà hộ vệ cho tất cả. Minh chú này cũng có uy lực cực lớn, cầu gì cũng như ý cả. Bồ tát bí mật chủ Chấp kim cang liền tuyên thuyết minh chú Không gì hơn : Tát da tha, mu ni, mu ni, mu ni nê, ha rê, ma ti, ma ti, su ma ti, ma ha ma ti, ha, ha, ha, ha, ma ba, i na si thi tê, pa pa, va jrắt pa ni, a hăn, chi ri, cha, soa ha. (Tadyatha muni muni munine hare mati mati sumati mahamati ha ha ha ha mabha inasthite papa vajrapani aham ciri ca svaha).

Bạch đức Thế tôn, minh chú của con đây gọi là sự hộ vệ không gì hơn. Nam tử hay nữ nhân nào nhất tâm thọ trì, sao chép, đọc tụng, ghi nhớ không quên, thì cả ngày liền đêm con thường hộ vệ người ấy, rời xa mọi sự sợ hãi cho đến uổng tử.

Bấy giờ Phạn vương chủ thế giới hệ Sách ha cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, con cũng có minh chú nhiệm mầu, làm đại lợi ích cho nhân loại và chư thiên, xót thương thế giới mà hộ vệ cho tất cả. Minh chú này cũng có uy lực cực lớn, cầu gì cũng như ý cả. Phạn vương liền tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, hi li, mi li, đi li, soa ha, Brắt ma pu rê, Brắt ma ma ni, Brắt ma gar bê, pút pa săm si thi rê, soa ha. (Tadyatha hili mili dhili svaha Brahmapure Brahmamani Brahmagarbhe puspasamsthire svaha).

Bạch đức Thế tôn, minh chú của con đây danh hiệu là Phạn vương đối trị, hộ vệ tất cả những ai thọ trì, làm cho họ xa rời lo buồn, ác nghiệp, cho đến uổng tử.

Bấy giờ Đế thích, chủ chư thiên Đao lợi, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức thế tôn, con cũng có minh chú tên Va ja xá ni. Đó là minh chú rất sáng chói, trừ được mọi sự sợ hãi cho đến uổng tử, cứu khổ cho vui, lợi ích chư thiên nhân loại. Đế thích liền tuyên thuyết minh chú Va ja xá ni : Tát da tha, vi ni, va ri ni, van đa ma đăn đê, ma ni nê ti ni, Gau ri, Chăn đa li, Ma tăn gi, Pút ka si, sa ra pra ba, hi na mát da, ta ma, út ta ra ni, ma ha ra ni, đa ra ni ku, chắt ra va kê, sá va ri, sá va ri, soa ha. (Tadyatha vini varini vandhamadande maninetini Gauri Candali Matangi Pukkasi saraprabha hinamatya tama uttarani maharani dharaniku cakravake savari savari svaha).

Bấy giờ Đa văn thiên vương, Trì quốc thiên vương, Tăng trưởng thiên vương, Quảng mục thiên vương, bốn thiên vương ấy cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, ở đây chúng con cũng có minh chú tên là Ban cho chúng sinh sự không sợ hãi. Minh chú này thường hộ vệ mọi sự đau khổ, làm cho yên vui, tăng thêm thọ lượng, không mọi tai họa, cho đến uổng tử cũng không còn. Bốn thiên vương liền tuyên thuyết minh chú ấy : Tát da tha, pút pê, su pút pê, đu ma, pa ri ha rê, a ry da pa ri sá sít đê, săn ti ni, mút tê, măm găn dê, si tu tê, sít đa vi tê, soa ha. (Tadyatha puspe supuspe duma parihare aryaparisasidhe santini mukte mamgalye stute sidhavite svaha).

Bấy giờ lại có các đại long vương, như long vương Ma na si, long vương Điện quang, long vương hồ Vô nhiệt, long vương Điện thiệt, long vương Diệu quang, cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con cũng có minh chú Như ý, ngăn được điện khí dữ dằng, loại trừ sợ hãi, làm đại lợi ích cho nhân loại và chư thiên, xót thương thế giới mà hộ vệ tất cả, có uy lực cực lớn, cầu gì cũng thỏa, cho đến uổng tử cũng xa lánh cả, những loại độc tố đều bị vô hiệu, gieo độc sâu cổ, thư ếm chú thuật, mọi sự không tốt lành đều bị loại trừ. Chúng con xin đem minh chú này hiến lên đức Thế tôn, xin đức Thế tôn thương chúng con mà từ bi nạp thọ, để cho chúng con bỏ được quả báo loài rồng, vĩnh viễn loại trừ tham lẫn, sự tham lẫn mà do tính xấu ấy chúng con đã phải chịu lấy khổ sở. Chúng con nguyện [nhờ sự phụng hiến minh chú lên đức Thế tôn mà] trừ bỏ được hạt giống tham lẫn. Các vị long vương liền tuyên thuyết minh chú : Tát da tha, a cha lê, a ma lê, ăm ri tê, át sa, dê, a ba dê, pun da, par dáp tê, sar va pa pa pra sá ma ni dê, soa ha, a li dê, pan đu, su par ni dê, soa ha. (Tadyatha acale amale amrte aksa ye abhaye punya paryapte sarvapapaprasamanye svaha aliye pandu suparniye svaha).

Bạch đức Thế tôn, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào miệng nói minh chú này, hoặc sao chép ra, thọ trì đọc tụng, tôn kính hiến cúng, thì không bao giờ bị sấm sét, mọi sự sợ hãi, đau khổ, lo buồn, cho đến uổng tử cũng được rời xa, thuốc độc, sâu cổ, quỉ mị, trù ếm, hay cọp beo, sư tử, rắn độc, muỗi mòng, không gì hại được.

Bấy giờ đức Thế tôn phổ cáo đại hội, lành thay, những minh chú [mà các người tuyên thuyết] đều có sức lớn, chúng sinh cầu gì cũng được thỏa mãn. Có lợi ích lớn lao như vậy, trừ ra không chí tâm. Đại hội các người đừng có nghi hoặc. Cả đại hội, lúc ấy, nghe đức Thế tôn huấn dụ, ai cũng hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 42]

Phẩm 15/1 – Đại Biện Thiên Nữ

Vào lúc bấy giờ, ở trong đại hội, Đại biện tài thiên nữ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, có vị pháp sư nào giảng nói kinh Ánh sáng hoàng kim này thì con sẽ tăng thêm trí tuệ cho vị ấy, làm cho vị ấy toàn hảo sự hùng biện đầy nghiêm chỉnh và thuyết phục. Vị pháp sư ấy nếu quên mất văn chữ nào trong kinh Ánh sáng hoàng kim thì con làm cho nhớ lại, khéo léo mở mắt và thức tỉnh cho người. Con lại cho vị ấy minh chú để vị ấy được sự tổng trì thông suốt. Lại nữa, kinh Ánh sáng hoàng kim này được thường xuyên thọ trì bởi những người đã gieo trồng thiện căn nơi hàng trăm hàng ngàn chư vị Thế tôn, nên quảng bá trong đại lục Thiểm bộ mà không ẩn mất mau chóng, giúp cho những ai lắng nghe kinh này thì được sự hùng biện lanh lợi khó nghĩ khó bàn ; được đại trí vô tận, khéo hiểu các loại luận thuyết và kyՠthuật ; được mau thoát sinh tử, đạt đến vô thượng bồ đề ; và hiện tại thì được tăng thêm thọ lượng, đời sống đầy đủ. Bạch đức Thế tôn, con sẽ nói cho vị pháp sư thọ trì quảng bá kinh này, và những ai ưa thích lắng nghe kinh này, về cách tắm rửa nước thuốc, để những người ấy nếu có tai biến sao dữ, nếu lúc mới sinh có sự xung khắc với ngôi sao sở thuộc, nếu có cái khổ của những bịnh truyền nhiễm, của chiến tranh, của ác mộng, ác thần, sâu cổ, quỉ mị, ác chú, quỉ khởi thi, có những điều dữ như vậy làm chướng nạn thì được loại trừ cả. Cách ấy là những người có trí hãy tắm rửa như thế này. Hãy dùng ba mươi hai loại hương dược ([67]) sau đây, cân lượng bằng nhau :

(1) xương bồ,
(2) ngưu hoàng,
(3) mục túc hương,
(4) xạ hương,
(5) hùng hoàng,
(6) hợp hôn thọ,
(7) bạch cập,
(8) khung cùng,
(9) câu kỷ căn,
(10) tùng chi,
(11) quế bì,
(12) hương phụ tử,
(13) trầm hương,
(14) chiên đàn,
(15) linh lăng hương,
(16) đinh tử,
(17) uất kim,
(18) bà luật cao,
(19) vi hương,
(20) trúc hoàng,
(21) tế đậu khấu,
(22) cam tùng,
(23) hoắc hương,
(24) mao căn hương,
(25) sất chi,
(26) ngải nạp,
(27) an tức hương,
(28) giới tử,
(29) mã cân,
(30) long hoa tu,
(31) bạch giao,
(32) thanh mộc

Lấy ngày sao Bố sái ([68]) mà giã, rây lấy bột, và chú nguyện bằng một trăm lẻ tám biến minh chú này : Tát da tha, su kri ti, kri ti, kri ti, ka ma ta lê, jăn ka ra ti, u ka ra ti, in dra ja li ni, sát a ran tê, va cha chi lê, a ban ti, ka si kê na, ku đu, ku đu, kha ka vi lê, ka pi lê, ka pi lê, ka pi la ma ti, si la ma ti, săn đi đu ra ma ti, pa ba, ka, bam chi lê, Si rê, Si lê, sa ti dát thi tê, soa ha. (Tadyatha sukrti krti krti kamatale jankarati ukarati indrajanili sakarante vacacile abanti kasikena kudu kudu khakavile kapile kapile kapilamati silamati sandhiduramati paba ka bhamcile Sire Sile satyasthite svaha).

(1) Khi muốn đúng cách
tắm rửa theo phép,
thì làm đàn tràng
vuông tám khuỷu tay,
nơi chỗ tĩnh lặng
và phải yên ổn,
tại đó chú tâm
vào điều nguyện cầu.

(2) Đàn ấy phải dùng
ngưu phấn ([69]) tráng nền,
phía trên rải khắp
bông hoa nhiều màu.
Rồi dùng khí mãnh
bạc vàng tinh khiết
đựng đầy mĩ vị
hay sữa hoặc mật.

(3) Bốn phía đàn tràng
hay là bốn cửa,
hãy đặt bốn người
giữ gìn đúng phép.
Nhờ bốn đồng tử ([70])
phục sức trang nghiêm,
mỗi người một góc
tay bưng bình nước.

(4) Thế rồi thường xuyên
đốt an tức hương,
và nhạc ngũ âm ([71])
không hề ngớt tiếng
Phan lọng nghiêm chỉnh,
lại treo lụa màu,
trang hoàng bốn phía
của đàn tràng ấy.

(5) Ở trong đàn tràng
thì đặt gương sáng,
dao sắc kèm tên
mỗi loại bốn cái.
Chính giữa đàn tràng
vùi cái bồn lớn,
với ván xoi lỗ
đặt ở phía trên.

(6) Đem bột hương dược
hòa với nước nóng,
và cũng đặt để
ở trong đàn tràng.
Thiết trí như vậy
xong xuôi cả rồi,
sau đó tụng chú
kiết giới đàn tràng.

Minh chú kiết giới đàn tràng như vầy : Tát da tha, ăn ra kê, na da nê, hi lê, mi lê, gi lê, ki ki lê, soa ha (Tadyatha anrake nayane hile mile gile kikite svaha).

(7) Kiết giới như vậy
cho đàn tràng rồi,
sau đó mới vào
nơi trong đàn tràng,
chú nguyện nước [bình]
hai mươi mốt biến,
rồi rưới khắp cả
bốn phía đàn ấy.

(8) Kế đó chú nguyện
nước nóng hương dược
cho đủ số lượng
một trăm tám biến,
rồi bốn phía đàn
dùng màn mà che,
và rồi tắm rửa
cho cả thân thể.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 43]

Minh chú chú nguyện cho nước [bình] và nước nóng hương dược như vầy : Tát da tha, su ga ti, vi ga ti, vi ga cha, va đê, soa ha. (Tadyatha sugati vigati vigaca vade svaha).

Tắm rửa rồi, nước nóng tắm rửa ấy [đã chảy xuống bồn lớn], và những cúng phẩm hiến cúng trong đàn tràng, đều đem bỏ trong sông trong hồ. Ngoài ra thì thu dọn lại. Tắm rửa rồi mới mặc đồ sạch. Khi ra đàn tràng mà vào tịnh thất, thì vị thầy chú nguyện phải dạy cho người ấy cách phát đại nguyện nhắm vào sự diệt ác tu thiện, vào sự phát đại bi tâm đối với chúng sinh. Chính do yếu tố phát đại nguyện này mà được bao phước báo tùy tâm. Đại biện tài thiên nữ lại nói chỉnh cú sau đây.

(9) Những người khổ sở
vì các thứ bịnh,
điều trị đủ cách
mà không lành được,
thì hãy tắm rửa
đúng cách như trên,
cọng thêm đọc tụng
bản kinh vua này.

(10) Ngày đêm ý niệm
không hề tán loạn,
chuyên tâm thiết tha
và rất tin tưởng,
thì bao bịnh hoạn
được tiêu tan cả,
lại hết nghèo khó
có đủ tài sản.

(11) Tinh tú bốn hướng
cùng với nhật nguyệt
thần lực hộ vệ
cho được nhiều tuổi,
cát tường yên ổn
phước đức tăng thêm,
tai biến ách nạn
đều loại trừ cả.

Sau khi [phát đại nguyện], hãy tụng minh chú hộ trì thân thể sau đây, hai mươi mốt biến : Tát da tha, săm mê, vi săm mê, soa ha ; su ga tê, vi ga tê, soa ha. Vi ga ta, va ti, soa ha ; Sà ga ra săm bút đa da, soa ha ; si kăn đa, ma ta da, soa ha ; ni la kăn ta da, soa ha ; a pa ra ji ta, via da da, soa ha ; hi ma van ta da, soa ha ; a ni mi la vát ta da, soa ha ; nam mô, ba ga va tê, Brắt, ma ni, soa ha ; nam mô, Sa rát va ti, ma ha, đev dê, soa ha ; sít dăn tu, măm, măn tra pa đa, soa ha ; đa ra ta, va chi tô, Brắt ma nu, ma nô ra, soa ha. (Tadyatha samme visamme svaha ; sugate vigate svaha. Vigata vati svaha ; Sagarasambudhaya svaha ; skanda mataya svaha ; nilakantaya svaha ; aparajita viryaya svaha ; himavantaya svaha ; animilavaktaya svaha ; namo bhagavate Brah mani svaha ; namo Sarasvati maha devye svaha ; siddyantu mam mantrapada svaha  ; dharata vacito Brahmanu manora svaha).

Đại biện tài thiên nữ nói về cách tắm, về đàn tràng, và về minh chú rồi, bước tới lạy ngang chân đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong bốn bộ đệ tử đức Thế tôn có ai thọ trì đọc tụng sao chép lưu hành bản kinh vua nhiệm mầu này và tu hành đúng như kinh dạy, thì ở thành thị, thôn xóm, đồng nội, núi rừng, trú xứ tăng ni, bất cứ ở đâu con cũng vì họ mà đem tùy thuộc, tấu thiên nhạc, cùng đến chỗ ấy mà hộ vệ, loại trừ bịnh khổ, sao sa, quái tượng, truyền nhiễm, chinh chiến, tù đày, ác mộng, ác thần, cổ đạo, thuật ếm, những chướng nạn như vậy đều bị trấn áp mà ích lợi cho người trì kinh. Chúng con lại giúp cho bốn đệ tử đức Thế tôn, và những người lắng nghe kinh này, ai cũng mau chóng vượt qua biển cả sinh tử, không còn thoái chuyển vô thượng bồ đề.

Bấy giờ đức Thế tôn nghe Đại biện tài thiên nữ trình bày như vậy thì khen rằng, lành thay thiên nữ, thiên nữ có thể lợi ích cho bao nhiêu chúng sinh, bằng cách nói về minh chú, về nước thơm và đàn tràng như vậy. Phước báo của thiên nữ thật khó nghĩ thấu. Thiên nữ nên hộ trì bản kinh vua tối thượng, đừng để mai một mà được lưu hành mãi. Đại biện tài thiên nữ, lúc ấy, lạy ngang chân đức Thế tôn rồi trở về chỗ cũ.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 44]

Bấy giờ vị Bà la môn họ Kiều trần như, tên Pháp sư thọ ký, vâng theo uy lực của đức Thế tôn, đứng trước đại hội mà tán dương Đại biện tài thiên nữ.

(12) Biện tài thiên nữ
thông minh tinh tiến,
người trời hiến cúng
đáng nên tiếp nhận,
danh vang thế giới
tràn khắp mọi nơi,
ban cho ước nguyện
của bao chúng sinh.

(13) Trên đỉnh núi cao
nơi rất siêu việt,
lợp tranh làm phòng
mà ở trong đó,
bện những cỏ mềm
mà làm áo mặc,
bất cứ ở đâu
thường kiễng một chân.

(14) Vậy mà chư thiên
thường đến tụ tập
cùng nhau một lòng
tán dương thỉnh cầu.
Kính xin thiên nữ
bậc đại hùng biện,
hãy cho mọi người
lời tiếng vi diệu.

Đại biện tài thiên nữ liền chấp nhận thỉnh cầu mà tuyên thuyết minh chú sau đây : Tát da tha, mi ri, chi ô rê, a va tê, a va jê va ti, hin gu lê, min gu lê, pin ga lê va ti, ăn khu sa, ma ri chi dê, sặm ma ti, vi sặm ma ti, a gra ti, mắc khi dê, ta ra chi, ta ra chi va ti, chia si, chi ri, si ri mi ri, ma nan đi, đa ma khê, ma ri chi dê, pra na pa ri dê, lô ka ji dết tha, lô ka, si nết thi, lô ka via dê, sít đa, pa ra tê, bi ma mu khi, su chi cha ri, a pra ti ha tê, a pra ti ha ta bút đi, na mút chi, na mu chi, ma ha đếp dê, pra ti, gra ha, na mát ka ra, ma ma, bút đi, đa sa hi, bút đi, a pra ti ha ta, ba va tu, si ra ha mê, vi sút đa, chi tô, sát tra si lô ka, măn tra, pi ta ka, ka pi da đi sô, tát da tha, ma ha pra ba va, hi li, mi li, vi cha ra tu, vi bút đi, ma ma, bút đi, sút đi, ba ga vát ti dê, đê vê dăm, Sa rát va tim, ka ra ti, kê du ra ma ti, hi ri, mi ri, hi ri, mi ri, a ba da, mê, ma ha đê vi, bút đa, sát dê na, đa ma, sát dê na, săn ga, sát dê na, In dra, sát dê na, Va ru na, sát dê na, dê lô ki dê sát da, sát dê na, tê săm, sát dê na, sát da va cha ni da, a ba da, mê, ma ha đê vi, hi li, mi li, hi li, mi li, vi cha ra tu, ma ma, bút đi, nô, nam mô, ba ga va ti, ma ha đê vê, Sa rát va ti da, sít đi dăn tu, măn tra, pa đa, mê, soa ha. (Tadyatha miri cyore avate avajevati hingule mingule pingalevati ankhusa maricye sammati visammati agrati makhye taraci taracivati cirsi ciri sirimiri manandhi damakhe maricye pranaparye lokajyestha loka snesthi lokavirye siddha parate bhimamukhi sucicari apratihate apratihatabuddhi namuci namuci mahadevye prati graha namaskara mama buddhi darsahi buddhi apratihata bhavatu sirahame visuddha cito sastrasloka mantra pitaka kapiyadiso tadyatha mahaprabhava hili mili vicaratu vibuddhi mama buddhi suddhi bhagavatye deveyam Sarasvatim karati keyuramati hiri miri hiri miri abhaya me mahadevi buddha satyena dharma satyena sangha satyena Indra satyena Varuna satyena yelokyesatya satyena tesam satyena satyavacaniya abhaya me mahadevi hili mili hili mili vicaratu mama buddhi no namo bhagavati mahadeve Sarasvatya siddhiyantu mantra pada me svaha).

Đại biện tài thiên nữ tuyên thuyết minh chú như vậy rồi, nói với Bà la môn, rằng lành thay đại nhân, ông có thể vì những người cầu sự hùng biện nhiệm mầu, cầu châu ngọc, cầu thần thông trí tuệ, để lợi ích tất cả và mau chứng bồ đề, thì nên biết cách thức thọ trì minh chú nói trên. Đại biện tài thiên nữ tức thì nói những lời chỉnh cú sau đây.

(15) Trì minh chú này
trước phải thuộc lòng
sao cho thuần thục
không sai không sót.
Kế đó qui kính
Tam bảo chư thiên,
cầu xin da trì
ước nguyện tùy tâm.

(16) Kính lạy Phật bảo
cùng với Pháp bảo
Tăng bảo Bồ tát
Độc giác Thanh văn,
kế lạy Phạn vương
cùng với Đế thích
bốn vị Thiên vương
hộ vệ thế giới.

(17) Đối với những vị
thường tu phạn hạnh,
thì hết lòng thành
thiết tha kính lạy.
Hãy ở lan nhã
yên tĩnh yên ổn
mà tụng lớn tiếng
minh chú nói trên.

(18) Trước tượng Thế tôn
và trước thiên long,
tùy mình có gì
thì đem hiến cúng.
Đối với hết thảy
bao loại chúng sinh
tâm hãy nổi dậy
từ bi thương cảm.

(19) Thế tôn tướng tốt
thân màu vàng tía,
tập trung tâm tưởng
vào tướng tốt ấy.
Thế tôn da trì
tuyên thuyết giáo pháp
cho người thích hợp
tu tập thiền định.

(20) Khéo nghĩ chữ nghĩa
của giáo pháp ấy,
lại theo nghĩa Không
tu tập chính xác.
Hãy ngồi ở trước
hình tượng Thế tôn
nhất tâm chánh niệm
về giáo pháp Ngài.

(21) Thế thì thực hiện
Diệu trí tam muội,
lại còn thực hiện
tổng trì tối thắng.
Miệng vàng Thế tôn
tuyên thuyết giáo pháp,
tiếng mầu thuần hóa
chư thiên nhân loại.

(22) Tướng lưỡi tùy cơ
biểu hiện hiếm có
rộng dài bao trùm
đại thiên thế giới  ;
tiếng mầu lưỡi ấy
của đức Thế tôn
chí thành nhớ lấy
lòng không nghi ngại.

(23) Thế tôn do sự
phát nguyện rộng lớn,
nên được tướng lưỡi
bất khả tư nghị,
tuyên thuyết các pháp
toàn là phi hữu,
tựa như không gian
không có vướng mắc.

(24) Âm­ thanh, trường thiệt
của đức Thế tôn,
tư duy hai tướng
thì thỏa nguyện cầu.
Thấy ai hiến cúng
Đại biện thiên nữ,
hoặc thấy đệ tử
theo lời thầy dạy,

(25) truyền cho mật pháp
bảo nên tu học,
trân trọng thiết tha
nguyện gì cũng thành.
Muốn thực hiện được
trí giác tối thượng,
thì phải nhất tâm
trì mật pháp ấy.

(26) Tăng trưởng tư lương
phước đức trí tuệ,
quyết định thành tựu
đừng có nghi hoặc ;
cầu mong tài sản
được lắm tài sản,
cầu mong danh vọng
được danh vọng tốt.

(27) Cầu nguyện giải thoát
thì được giải thoát,
quyết định thành tựu
đừng có nghi hoặc.
Thành tựu công đức
vô lượng vô biên,
toàn đúng ước nguyện
nội tâm người cầu.

(28) Nếu có khả năng
y thế tu hành
thì được thành tựu
đừng có nghi hoặc.

(29) Nên chọn chỗ sạch
và mặc đồ sạch,
mà làm đàn tràng
lớn nhỏ tùy ý.
Dùng bốn bình sạch
mà đựng mĩ vị,
cùng với hương hoa
hiến cúng tùy lúc.

(30) Giăng treo lụa màu
tràng phan bảo cái,
bôi rải khắp cả
bằng bột hương liệu,
hiến cúng Thế tôn
và Biện tài thiên,
cầu thấy thiên thân
cũng được toại nguyện.

(31) Hai mươi mốt ngày
tụng minh chú trên,
bằng cách đối trước
tượng Biện tài thiên.
Nếu chưa thấy được
thân Biện tài thiên,
thì nên dụng tâm
thêm chín ngày nữa.

(32) Mà nửa đêm sau
vẫn chưa thấy được,
thì nên tìm chỗ
thanh tịnh đẹp hơn,
rồi vẽ đúng cách
tượng Biện tài thiên,
hiến cúng trì tụng
chứ không xả bỏ.

(33) Cả ngày liền đêm
không hề biếng nhác,
sẽ được vô cùng
tự lợi lợi tha.
Đem kết quả ấy
hồi hướng chúng sinh,
thì cầu nguyện gì
cũng thành tựu cả.

(34) Nếu chưa toại ý
thì phải ba tháng,
sáu tháng chín tháng
cho đến một năm,
thiết tha thỉnh cầu
lòng không dao động,
thì được thiên nhãn
được tha tâm thông.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 45]

Bà la môn Kiều trần như nghe Đại biện tài thiên nữ nói như vậy thì hoan hỷ, phấn chấn, khen chưa từng có. Ông thưa đại hội mà nói như vầy, tất cả đại hội nhân loại chư thiên nên biết và nghe cho, tôi lại muốn theo phép thế đế mà tán dương Đại biện tài thiên nữ. Ông liền nói những chỉnh cú sau đây.

(35) Kính lạy Thiên nữ
bậc đại dũng mãnh
và đại tự tại
trong thế giới này ;
nay tôi tán dương
bậc tôn cao ấy,
với lời tựa như
lời tiên nhân xưa.

(36) Cát tường hoàn thiện
tâm trí thanh thoát,
thông minh tàm quí
có danh tiếng lớn.
Là bậc mẹ sinh
của cả thế giới,
dũng mãnh thường hành
sự đại tinh tiến.

(37) Ở trong quân trận
chiến đấu thường thắng,
giáo dục thuần hóa
từ bi nhẫn nhục.
Hiện làm chị cả
của Diêm la vương,
mà thường mặc áo
kén tằm hoang xanh.

(38) Dung nhan khi đẹp
khi thì xấu xí,
xấu thì mắt nhìn
đã làm khiếp sợ.
Nhiều việc đặc thù
vượt trên thế giới,
những ai tin tưởng
thì thu nhận cả.

(39) Hoặc ở hang núi
chỗ sâu và hiểm,
hoặc ở hầm sâu
hay ở bên sông,
hoặc ở đại thụ
hay ở lùm cây,
Thiên nữ phần nhiều
cư trú như vậy.

(40) Giả sử những người
rừng núi hoang dã,
mà thường hiến cúng
đối với Thiên nữ,
lấy những lông công
mà làm phan cờ,
thì cũng thường được
Thiên nữ hộ trì.

(41) Sư tử cọp beo
thường thường vây quanh,
bò dê gà trĩ
cũng thường nương tựa.
Rung cái linh lớn
âm thanh phát ra,
chúng núi Tân đà
cũng nghe âm vang.

(42) Hoặc cầm cái kích,
đầu tóc búi tròn,
và tay thường cầm
tinh kỳ nhật nguyệt.
Ngày chín, mười một
của tháng trăng tối ([72])
lúc ấy thì nên
hiến cúng Thiên nữ.

(43) Hiện làm em gái
Bà tô đại thiên,
thấy có chiến tranh
lòng đầy thương xót.
Quan sát tất cả
bao loại chúng sinh,
thấy không có ai
hơn được Thiên nữ.

(44) Lại hiện nữ nhân
Mục ngưu hoan hỷ,
chiến với chư thiên
thường thường đắc thắng.
Có thể sống lâu
ở trong cuộc đời,
khi thì hòa nhẫn
khi thì bạo ác.

(45) Bốn loại minh luận
của Bà la môn,
trong có biến hóa,
đều tinh thông cả.
Là tự tại nhất
trong chúng thiên tiên,
tạo ra hạt giống
cùng với đất đai.

(46) Khi các thiên nữ
tụ tập với nhau,
Thiên nữ ứng đến
y như thủy triều ([73]).
Với các bộ loại
long thần dược xoa,
thì làm cầm đầu
thuần hóa được cả.

(47) Phạn hạnh Thiên nữ
hơn mọi nữ nhân.
Nói thật, y như
chúa tể thế giới.
Trong giới vua chúa
thì như hoa sen.
Sông mê bến khổ
thì làm cầu, thuyền.

(48) Khuôn mặt thì giống
mặt trăng tròn đầy.
Đa văn toàn hảo
là nơi nương tựa.
Hùng biện nổi bật
in như núi cao.
Ai tưởng niệm đến
thì làm cồn, bãi ([74]).

(49) Bộ loại tu la
cùng với chư thiên,
ai cũng tán dương
công đức Thiên nữ.
Ngay như Đế thích
với cả ngàn mắt,
cũng nhìn với lòng
kính trọng nồng hậu.

(50) Chúng sinh nếu có
mong cầu những gì,
thì làm cho họ
thành đạt mau chóng.
Giúp kẻ hùng biện
toàn hảo nghe nhớ.
Là kẻ hơn hết
giữ cho địa cầu.

(51) Ở trong thế giới
khắp cả mười phương,
làm ánh đèn lớn
chiếu soi thường xuyên.
Cho đến quỉ thần
cùng với cầm thú
cũng toại nguyện cho
những gì chúng cầu.

(52) Trong mọi nữ nhân,
như đỉnh núi cao.
Sống lâu ở đời
như tiên nhân xưa.
Thường xuyên ly dục
như Thiếu nữ thiên.
Lời nói chân thành
như Đại thế chúa.

(53) Nhìn khắp thế giới
chủng loại khác nhau,
cho đến chư thiên
của cả Dục giới,
chỉ thấy Thiên nữ
đáng xưng tôn quí,
không thấy có ai
hơn được Thiên nữ.

(54) Những ai kinh hoàng
ở trong chiến trận,
những ai sa vào
ở trong hố lửa,
sông ngòi hiểm nạn
và gặp đạo tặc,
thì được làm cho
hết cả sợ hãi.

(55) Ai bị phép vua
bắt bớ cùm kẹp,
ai bị oán thù
muốn giết muốn hại,
mà nhớ Thiên nữ
lòng không dao động,
quyết định thoát được
mọi nỗi lo sợ.

(56) Người hiền kẻ dữ
đều giúp đỡ cả,
ý niệm từ bi
thường ở trước mắt.
Thế nên nay tôi
đem lòng chân thành
kính lạy ngưỡng vọng
Đại biện thiên nữ.

Bà la môn, lúc ấy, lại chú tán ([75]) Đại biện tài thiên nữ như sau :

(57) Tôi kính lạy bậc
tôn quí trong đời,
là mẹ hơn hết
tất cả bà mẹ.
Ba loại thế giới ([76])
đều hiến cúng cả.
Mặt và dáng dấp
ai cũng thích nhìn.

(58) Diệu đức đa dạng
trang sức thân thể.
Mắt như cánh sen
xanh mà lớn dài.
Ánh sáng phước trí
nổi tiếng khắp nơi,
tựa như ngọc quí
như ý vô giá.

(59) Tôi nay ca tụng
một bậc siêu việt,
bậc làm thành tựu
cho sự mong cầu,
bậc diệu cát tường
chân thật công đức,
bậc như hoa sen
rất ư thanh khiết.

(60) Thân sắc uy nghiêm
ai cũng thích nhìn.
Tướng tốt hiếm có
không thể nghĩ bàn.
Phóng ra ánh sáng
trí tuệ trong sạch.
Ý niệm hơn hết
trong mọi ý niệm.

(61) Ví như sư tử
nhất trong loài thú,
thường có tám tay
tự trang hoàng mình :
cầm cung, cầm tên
cầm đao, giáo, búa,
chày, bánh xe sắt,
cùng với dây buộc.

(62) Đẹp đẽ thích nhìn
tựa như trăng tròn.
Nói năng thông suốt
mà lại hòa nhã.
Những ai trong lòng
cầu nguyện những gì,
bậc Thiện sĩ này
tùy niệm thỏa mãn.

(63) Đế thích, chư thiên
đều kính trọng cả,
đều cùng tán dương
là nơi nương tựa.
Công đức xuất sinh
thật khó nghĩ bàn,
trong mọi thì gian
tôi khởi cung kính
Soa ha (svaha) ([77]).

(64) Ai muốn cầu đảo
Đại biện thiên nữ,
hãy y lời chữ
bài chú tán này,
hôm sớm tinh khiết
chí thành mà tụng,
thì điều cầu nguyện
ứng nghiệm tùy tâm.

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Bà la môn, lành thay, ông có thể lợi ích chúng sinh như vậy, ban cho họ yên vui, bằng cách tán dương Đại biện tài thiên nữ, thỉnh cầu da hộ, được phước vô biên ([78]).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 46]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 8

Phẩm 15/2 – Đại Biện Thiên Nữ

Bà la môn Kiều trần như nói những chỉnh cú tán dương và chú tán Đại biện tài thiên nữ rồi, lại nói    với đại hội, thưa các vị, nếu muốn thỉnh cầu Đại biện tài thiên nữ từ mẫn da hộ, để hiện tại được hùng biện vô ngại, đại trí thông minh, ngôn ngữ tuyệt diệu, bác học kỳ tài, thảo luận văn hoa, tùy ý hoàn thành mà không ngưng trệ, thì nên làm như thế này. Trước hết chí thành thiết tha mà triệu thỉnh

Nam mô Phật đà da,
Nam mô Đạt ma da,
Nam mô Tăng dà da,
Kính lạy chư vị Bồ tát,
Kính lạy chư vị Độc giác,
Kính lạy chư vị Thanh văn,
Kính lạy chư vị Hiền thánh.

Chư vị Thế tôn quá khứ hiện tại đã tập lời nói chân thật, lời nói tùy thuận, lời nói hợp thời cơ, lời nói không lừa dối. Chư vị Thế tôn trong vô lượng đại kiếp thường xuyên nói chắc chắn. Nói chắc chắn thì ai cũng tùy hỷ. Vì không vọng ngữ nên quảng trường thiệt tướng xuất ra thì khắp cả khuôn mặt, khắp cả đại lục Thiệm bộ và ba đại lục khác, khắp một ngàn cho đến ba ngàn thế giới, khắp mười phương thế giới, phủ khắp tất cả một cách bất khả tư nghị, loại trừ nhiệt lực cao độ của phiền não. Kính lạy kính lạy quảng trường thiệt tướng như vậy của chư vị Thế tôn, nguyện con thành tựu hùng biện nhiệm mầu. Con xin chí tâm kính lạy

(65) Kính lạy sự hùng biện
của chư vị Thế tôn.
Kính lạy sự hùng biện
của chư vị Bồ tát.
Kính lạy sự hùng biện
của chư vị Độc giác.
Kính lạy sự hùng biện
của chư vị Thanh văn.

(66) Kính lạy sự hùng biện
của tiếng nói tứ đế.
Kính lạy sự hùng biện
của chánh hành chánh kiến.
Kính lạy sự hùng biện
của Phạn thiên, chư tiên.
Kính lạy sự hùng biện
của Ô ma đại thiên.

(67) Kính lạy sự hùng biện
của Tắc kiến đà thiên.
Kính lạy sự hùng biện
của Ma na tư vương.
Kính lạy sự hùng biện
của Thông minh dạ thiên.
Kính lạy sự hùng biện
của bốn Đại thiên vương.

(68) Kính lạy sự hùng biện
của Thiện trú thiên tử.
Kính lạy sự hùng biện
của Kim cang mật chủ.
Kính lạy sự hùng biện
của Phệ sốt nộ thiên.
Kính lạy sự hùng biện
của Tì ma thiên nữ.

(69) Kính lạy sự hùng biện
của Thị số thiên thần.
Kính lạy sự hùng biện
của Thất thị mạt đa.
Kính lạy sự hùng biện
của lời tiếng Hê lị.

(70) Kính lạy sự hùng biện
của Mẹ lớn các mẹ.
Kính lạy sự hùng biện
quỉ mẫu Ha rị để.
Kính lạy sự hùng biện
của chư thần Dược xoa.
Kính lạy sự hùng biện
của chư vương mười phương([79]).

(71) Có bao nhiêu thắng nghiệp
xin giúp đỡ cho con,
làm cho con thực hiện
sự hùng biện nhiệm mầu.

(72) Con xin kính lạy
bậc không dối trá.
Con xin kính lạy
bậc đã giải thoát.
Con xin kính lạy
bậc đã ly dục.
Con xin kính lạy
bậc hết triền cái ([80]).

(73) Con xin kính lạy
bậc tâm thanh tịnh.
Con xin kính lạy
bậc đầy ánh sáng.
Con xin kính lạy
bậc nói chân thật.
Con xin kính lạy
bậc hết trần tập ([81]).

(74) Con xin kính lạy
bậc ở thắng nghĩa.
Con xin kính lạy
bậc đại chúng sinh.
Con xin kính lạy
Đại biện thiên nữ,
hãy làm cho con
lời tiếng vô ngại.

(75) Cầu cho cái điều
con nguyện cầu đây
mau chóng thành đạt
một cách toàn hảo.
Cầu con vô bịnh,
cầu con yên ổn,
cầu con thọ lượng
được kéo dài ra,

(76) cầu con thể hội
các lời minh chú,
cầu con siêng tu
các pháp giác phần,
cầu con lợi lạc
cho bao chúng sinh,
cầu con sớm toại
tâm nguyện như trên.

(77) Con nói những lời
chân thành chắc thật,
con nói những lời
không hề dối trá ;
cầu sự hùng biện
của Đại thiên nữ
giúp đỡ cho con
được thành đạt cả.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 47]

(78) Cầu nguyện Thiên nữ
ứng đến chỗ con,
làm con nói năng
không bị ngưng trệ,
đưa vào mau chóng
trong thân miệng con
sự đại thông minh
hùng biện toàn hảo.

(79) Cầu nguyện làm cho
cái lưỡi của con
sẽ được hùng biện
giống đức Thế tôn,
và do uy lực
của hùng biện ấy
mà con thuần hóa
cho bao chúng sinh.

(80) Lúc con xuất ra
lời tiếng hùng biện,
thì tùy sự việc
được thành tựu cả ;
bởi vì người nghe
sinh ra kính trọng,
nên nói và làm
không vô hiệu quả.

(81) Nếu con cầu nguyện
về sự hùng biện
mà sự thể ấy
không được hiệu nghiệm,
thì lời chắc thật
Thiên nữ đã nói
sẽ toàn thành ra
hư vọng tất cả.

(82) Có kẻ đã làm
năm tội vô gián,
mà lời Thế tôn
làm họ thuần hóa.
Lại như các bậc
thánh giả La hán
nói ra những lời
báo đáp ân huệ.

(83) Và lời các ngài
Thu tử, Mục liên,
đứng đầu thánh chúng
đệ tử Thế tôn.
Tất cả lời nói
chân thật trên đây,
nguyện cầu cho con
cũng được như vậy.

(84) Nay con chí thành
triệu thỉnh các bậc
thánh chúng Thanh văn
của đức Thế tôn,
nguyện xin các ngài
mau đến chỗ con,
tác thành cho con
lời nguyện cầu này.

(85) Lời cầu của con
là lời chân thật,
lời nguyện của con
là không hư dối.
Trên từ chư thiên
của Sắc cứu cánh,
cùng với thánh giả
năm nơi Tịnh cư ;

(86) chư vị Phạn vương
chư thiên Phạn phụ
cùng với tất cả
chư thiên Phạn chúng ;
và Đại phạn vương
chúa tể tự phong
của cả đại thiên
thế giới Sách ha,

(87) cùng với tất cả
chư thiên tùy thuộc ;
giờ này con xin
triệu thỉnh tất cả,
ước nguyện tất cả
rủ lòng từ mẫn,
thương tưởng đến con
mà cùng nhiếp thọ.

(88) Tha hóa tự tại,
Lạc biến hóa thiên,
Đỗ sư đa thiên
nơi có Từ tôn ;

(89) chư thiên Dạ ma,
chư thiên Đao lợi,
cùng với chư thiên
nơi bốn Thiên vương ;

(90) tất cả chư thần
đất nước lửa gió
ở núi Diệu cao
tất cả chư thần
bảy lớp biển cả
bảy lớp núi lớn,
cùng với bao nhiêu
tùy thuộc của họ ;

(91) Mãn tài, Ngũ đỉnh ([82]),
nhật nguyệt tinh tú,
tất cả chư thiên
có cái tâm nguyện
làm cho thế giới
nhân loại yên ổn ;

(92) chư thiên chư thần
không thích tạo tội ;
quỉ mẫu cùng với
đứa con nhỏ nhất ;

(93) lại còn tất cả
tám bộ thiên long.

(94) Nay con dựa vào
uy lực Thế tôn
mà triệu thỉnh cả,
nguyện xin từ mẫn
mà giúp cho con
hùng biện vô ngại.

(95) Tất cả nhân loại
cùng với chư thiên
những vị biết được
tâm nguyện của người,
nguyện đem thần lực
gia hộ cho con,
giúp con có được
hùng biện nhiệm mầu.

(96) Cho đến nguyện cầu
hết thảy chúng sinh
cùng tận không gian
khắp cả pháp giới,
giúp con có được
hùng biện nhiệm mầu.

Đại biện tài thiên nữ, bấy giờ, nghe lời nguyện cầu như vậy, thì nói với Bà la môn, rằng lành thay, đại nhân ! Nếu thiện nam hay thiện nữ nào có thể y theo minh chú và chú tán như trước đã nói mà thọ trì đúng cách, qui kính Tam bảo, chí thành chánh niệm, thì mọi sự cầu nguyện đều không vô hiệu. Những người ấy nếu còn thọ trì đọc tụng bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim này, thì mọi sở nguyện càng không vô hiệu, thành đạt mau chóng, trừ kẻ không có chí tâm. Bấy giờ Bà la môn, từ trong tâm trí sâu xa, rất là hoan hỷ, chắp tay thành kính mà vâng lời.

Đức Thế tôn bảo Đại biện tài thiên nữ, rằng lành thay, thiện nữ ! Thiện nữ có thể quảng bá kinh này như vậy, hộ vệ cho những người thọ trì kinh này, và lợi ích cho chúng sinh an lạc.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này, [kết thúc rằng] ban cho hùng biện thì bất khả tư nghị, phước được vô lượng, làm cho những người phát tâm cùng đi mau đến vô thượng bồ đề.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 48]

Phẩm 16 – Cát Tường Thiên Nữ

Vào lúc bấy giờ Đại cát tường thiên nữ tức thì đứ  ng dậy khỏi chỗ mình ngồi, bước tới đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, nếu con thấy trong bốn bộ đệ tử của đức Thế tôn có ai tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giảng nói cho người bản kinh Ánh sáng hoàng kim này, thì con chuyên tâm tôn kính hiến cúng những vị pháp sư ấy. Đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm, dược phẩm, cùng với tất cả đồ dùng cần thiết cho đời sống, con làm cho đủ cả, không thiếu thứ gì. Để những vị pháp sư ấy sống thư thái mà, ngày cũng như đêm, tư duy cứu xét văn tự và nghĩa ý của bản kinh vua này. Nhờ vậy mà làm cho bản kinh vua này quảng bá rộng rãi trong đại lục Thiệm bộ, để cho những người đã trồng thiện căn nơi chỗ vô số chư vị Thế tôn thường được lắng nghe, chứ không ẩn mất mau chóng ; để cho những người ấy trong vô số kiếp sẽ hưởng hạnh phúc vượt bậc trong nhân loại chư thiên, hiện tại thì sung túc, không bao giờ còn bị đói khát. Lại nhờ vậy mà làm cho chúng sinh được hưởng yên vui, được gặp chư vị Thế tôn, vị lai mau được vô thượng bồ đề, tuyệt hẳn cái khổ luân hồi ba nẻo đường dữ.

Bạch đức Thế tôn, con nhớ quá khứ có đức Thế tôn danh hiệu Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, đủ mười đức hiệu. Con đã gieo trồng thiện căn ở nơi đức Thế tôn ấy. Chính nhờ thần lực của đức Thế tôn ấy từ bi da trì mà làm cho con nghĩ chỗ nào, nhìn hướng nào, đến nước nào, đều đem lại lạc thú cho vô số chúng sinh ; ngoài y phục, ẩm thực, những thứ cần thiết để sống, họ còn có cả bạc vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu. Do vậy, những ai chí tâm đọc tụng kinh vua Ánh sáng hoàng kim này, thì cũng nên mỗi ngày đốt những hương liệu danh tiếng, chưng những bông hoa tốt đẹp, vì con mà hiến cúng đức Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, thêm nữa, mỗi ngày ba buổi xưng niệm danh hiệu của con, đặt riêng hương hoa và mĩ vị mà hiến cúng cho con. Những ai lắng nghe tiếp nhận kinh vua này thì cũng được phước như trên.

Đại cát tường thiên nữ nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Do sự trì kinh
như con đã nói,
mà bản thân họ
cùng với thân quyến
tách rời thật xa
bao sự suy biến,
đồ dùng đầy đủ
không bao giờ thiếu,
uy quang, thọ lượng
đều khó cùng tận.

(2) Cái lực trì kinh
làm đất màu mỡ,
làm mưa với gió
rất đúng thời vụ,
chư thiên đẹp dạ,
chư thần ra sức.

(3) Cây trái tốt tươi,
lúa má toàn hảo,
cầu tài cũng thỏa,
nghĩ gì toại ý.

Đức Thế tôn bảo Đại cát tường thiên nữ, rằng lành thay, thiện nữ có thể nhớ trả ơn xưa mà chỉ cách hiến cúng, lợi ích yên vui cho vô số chúng sinh, và quảng bá kinh này thì phước đức thật bất tận.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 49]

Phẩm 17
Tăng Trưởng Tài Vật

Bấy giờ Đại cát tường thiên nữ lại thưa, bạch đức Thế tôn, Đa văn thiên vương ở hướng bắc có thành trì tên là Hữu tài. Cách thành trì ấy không xa thì có hoa viên tên là Diệu hoa phước quang. Trong hoa viên này có cung điện thù thắng, do bảy chất liệu quí báu tạo thành. Con thường ở trong cung điện ấy. Những ai muốn cầu ngũ cốc mỗi ngày mỗi thêm, kho lẫm tràn đầy, thì phải có cái tâm kính tin, sửa dọn một phòng cho sạch, dùng cù ma mà tráng nền. Hãy vẽ tượng con với những chuỗi ngọc trang sức khắp người. Phải tắm rửa mình mẩy, xoa xát hương liệu, mặc đồ sạch sẽ. Vào tịnh thất thì hãy phát tâm vì con mà mỗi ngày  ba bu2.4ổi xưng niệm hồng danh đức Thế tôn của con, và danh hiệu kinh này mà kính lạy. Hãy niệm Nam mô Lưu ly kim sơn bảo hoa quang chiếu cát tường công đức hải như lai, [Nam mô Kim quang minh tối thắng vương kinh]. Hãy đem hương hoa và mĩ vị mà chí tâm phụng hiến. Cũng hiến cúng hình tượng của con bằng hương hoa và ẩm thực. Lại đem ẩm thực mà vãi các phương hướng, hiến cho chư thần. Rồi nói thành thật mà triệu thỉnh con, Đại cát tường thiên nữ, để phát ra ước nguyện của mình. Và rằng nếu Thiên nữ nói thật thì đừng để thỉnh nguyện của con vô hiệu quả. Bấy giờ con, Đại cát tường thiên nữ, biết sự thể này thì thương tưởng, làm cho nhà họ thêm thóc lúa, thêm tài vật. Hãy tụng minh chú sau đây mà triệu thỉnh con. Nhưng trước khi tụng minh chú, hãy chí tâm mà xướng và lạy hồng danh của chư vị Như lai và chư vị Bồ tát.

Kính lạy chư vị Như lai khắp mười phương hướng trong ba thì gian,
Kính lạy đức Bảo kế như lai,
Kính lạy đức Vô cấu quang minh bảo tràng như lai,
Kính lạy đức Kim tràng quang như lai,
Kính lạy đức Bách kim quang tạng như lai,
Kính lạy đức Kim cái bảo tích như lai.
Kính lạy đức Kim hoa quang tràng như lai,
Kính lạy đức Đại đăng quang như lai,
Kính lạy đức Đại bảo tràng như lai,
Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
Kính lạy đức Vô lượng thọ như lai ở hướng tây,
Kính lạy đức Thiên cổ âm vương như lai ở hướng bắc,
Kính lạy đức Diệu tràng bồ tát,
Kính lạy đức Kim quang bồ tát,
Kính lạy đức Kim tạng bồ tát,
Kính lạy đức Thường đề bồ tát,
Kính lạy đức Pháp thượng bồ tát,
Kính lạy đức Thiện an bồ tát.

Kính lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát rồi, kế đó, trì tụng minh chú sau đây mà triệu thỉnh con, Đại cát tường thiên nữ. Do cái lực của minh chú này mà sự nguyện cầu được hiệu quả. Đại cát tường thiên nữ tức thì tuyên thuyết minh chú ấy : Nam mô, Sri ma ha đê vi, tát da tha, pa ri pua na cha rê, Sa măn ta đar sa ni, ma ha vi ha ra ga tê, sa man ta, pi ta ma ma ti, ma ha ka ri da, prát vít tha pi ni, sar văn tơ, a sa măn tan, su pra ti pu rê, a da na đa ma ta, ma ha ba gê na, ma ha mai tri, u pa săm hê tê, ma hắt lê sa, su sam gri hơ tê, a nu pu la na, soa ha. (Namo Srimahadevi tadyatha paripurnacare Samantadarsani mahaviharagate samanta pitamamati mahakarya prat’visthapini sarvant asamantan (  ?) supratipure ayanadharmata mahabhagena mahamaitri upasamhete mahaklesa susamgrh’te anupulana svaha).

Bạch đức Thế tôn, ai trì tụng minh chú này để triệu thỉnh con, thì con nghe là đến ngay chỗ người ấy để làm cho họ toại nguyện. Bạch đức Thế tôn, minh chú này là câu chữ của đại pháp quán đảnh, câu chữ của đại định thành tựu, câu chữ tối chân thật, câu chữ không dối trá, là việc làm bình đẳng, là thiện căn chính yếu đối với chúng sinh. Thọ trì đọc tụng minh chú này thì phải bảy ngày đêm thọ giới Bát quan trai, mỗi buổi sáng sớm đánh răng súc miệng sạch sẽ rồi, sau lúc quá trưa ([83]) thì hiến cúng hương hoa lên chư vị Thế tôn, phát lộ tội lỗi của mình. Hãy vì bản thân và vì chúng sinh mà hồi hướng, phát nguyện. Như thế mới làm cho hy vọng mau thành tựu. Hãy dọn sạch một cái phòng, hoặc ở chỗ trống vắng, hoặc ở chỗ lan nhã, dùng cù ma mà làm đàn tràng, đốt đàn hương mà hiến cúng. Hãy đặt một cái ghế đặc biệt, trang hoàng tràng phan, lọng dù. Hãy dùng bông hoa danh tiếng mà sắp ra trong đàn tràng. Rồi chí tâm tụng trì minh chú đã nói ở trên, mong ước con đến. Lúc này con tức khắc nghĩ đến người ấy, quan sát người ấy, và đến trong đàn tràng, ngồi nơi cái ghế đặc biệt, nhận sự hiến cúng của người ấy. Từ đó về sau, con làm cho người ấy được mộng thấy con. Người ấy cầu gì thì cứ nói thật. Thì dầu ở trong làng xóm, ở cạnh đầm chằm, hay ở trong trú xứ chư tăng, cầu gì cũng thỏa. Bạc vàng, tài sản, gia súc, thóc lúa, ẩm thực, y phục, đều tùy tâm ước muốn mà hưởng thụ lạc thú. Nhưng được sự linh nghiệm rồi, trước hết phải đem phần thượng hạng mà hiến cúng Tam bảo, hồi thí cho con. Hãy làm pháp hội lớn, thiết ẩm thực và bày hoa hương. Hiến cúng rồi thì cúng phẩm đem bán đi, lấy tiền mà hiến cúng nữa. Trọn đời người ấy con thường ở bên cạnh, giúp cho người ấy không thiếu thứ gì, cầu gì cũng thỏa. Nhưng cũng phải thường xuyên chu cấp cho người nghèo thiếu, không được tiếc lẫn, chỉ vị bản thân. Lại thường đọc tụng kinh này, hiến cúng không ngớt. Phải đem cái phước này phổ thí tất cả mà hồi hướng bồ đề, nguyện vượt sinh tử mà giải thoát mau chóng.

Bấy giờ đức Thế tôn tán dương, rằng lành thay Đại cát tường thiên nữ. Thiên nữ có thể quảng bá kinh này như vậy. Thì thật bất khả tư nghị, lợi ích cho cả bản thân và tha nhân.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 50]

Phẩm 18
Kiên Lao Địa Thần

Vào lúc bấy giờ Kiên lao địa thần ở trong đại hội tức thì đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong hiện tại hay trong vị lai, những nơi thành thị, làng xóm, cung vua, lầu đài, lan nhã, chằm núi, rừng hoang, chỗ nào có bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này quảng bá thì, bạch đức Thế tôn, con sẽ đến chỗ ấy, hiến cúng, tôn kính, hộ vệ, quảng bá. Chỗ nào đặt tòa cao cho vị pháp sư diễn giảng kinh này, thì con đem thần lực, không biểu hiện bản thân, mà ở ngay nơi tòa cao đưa đỉnh đầu đội chân cho vị pháp sư ấy bước lên. Con được nghe pháp, thâm tâm hoan hỷ, được hưởng pháp vị, tăng thêm uy quang, mừng vui vô hạn. Bản thân con được lợi ích như vậy, con làm cho cõi đất to lớn này, sâu một trăm sáu mươi tám ngàn, sâu đến kim cang luân, màu mỡ của đất đều thêm lên. Trong bốn biển, đất đai tất cả hải đảo cũng vậy, được làm cho màu mỡ hơn ngày thường. Trong đại lục Thiệm bộ, bao nhiêu sông rào ao hồ mà có các loại cây, cỏ thuốc, lùm rừng với các thứ hoa quả, rễ thân, nhánh lá, cùng với lúa má, thì bề ngoài ai cũng đã thích nhìn, màu sắc hương vị đủ cả, và thứ nào cũng dùng được. Dùng những ẩm thực phẩm khác thường như vậy thì tăng thêm sống lâu, sắc đẹp, và sức mạnh, tất cả giác quan đều ổn định, tươi sáng thêm lên, đau đớn không còn. Tâm trí mạnh mẽ, đủ mọi kham năng. Cả địa cầu này cần gì thì hàng trăm hàng ngàn sự việc đều hoàn bị. Bạch đức Thế tôn, vì tình trạng này mà cả đại lục Thiệm bộ yên ổn sung túc, dân chúng đông đảo, không mọi suy tổn, ai cũng an lạc.

Cả cơ thể và tâm trí hưởng được lạc thú như vậy, thì đối với bản kinh vua này càng thêm mến trọng sâu xa, ở đâu cũng muốn thọ trì, hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương. Lại cùng nhau đến chỗ pháp tòa của vị pháp sư, vì chúng sinh mà thỉnh cầu diễn giảng bản kinh vua tối thắng này. Tại sao, vì bạch đức Thế tôn, diễn giảng kinh này thì bản thân con và mọi tùy thuộc đều nhờ lợi ích, khí lực tươi sáng, uy thế mạnh mẽ, dung mạo đoan trang, sắc tướng đẹp đẽ, tất cả đều hơn ngày thường. Bạch đức Thế tôn, con, Kiên lao địa thần, hưởng được pháp vị rồi, có thể làm cho đại lục này, với bảy ngàn lần trăm triệu chu vi đất đai đều màu mỡ, cho đến như trước đã nói ai cũng an lạc. Do vậy, bạch đức Thế tôn, lúc đó chúng sinh, để trả ơn con, nên nghĩ như vậy, ta nhất định phải lắng nghe tiếp nhận kinh vua ấy, cung kính hiến cúng tôn trọng, tán dương. Nghĩ vậy nên từ bất cứ chỗ nào họ cư trú, họ cùng đến pháp hội, kính lạy pháp sư, lắng nghe kinh này. Lắng nghe rồi, ai nấy trở về chỗ cũ, lòng rất mừng vui, và nói rằng nay chúng ta được nghe cái pháp thậm thâm vô thượng, thế là đã thu nhận cái khối phước đức bất khả tư nghị. Do cái lực của kinh này, chúng ta sẽ gặp được vô lượng chư vị Thế tôn mà phụng sự hiến cúng, vĩnh ly những chỗ tối khổ là ba nẻo đường dữ. Thêm nữa là vị lai, trong hàng trăm hàng ngàn đời, thường hưởng hạnh phúc hơn hết ở trong nhân loại và trên chư thiên. Khi trở về chỗ cũ, họ cũng nói cho những người đồng hương về bản kinh vua này. Họ nói kinh này qua một sự ví dụ, một phẩm, một chuyện đời trước, một danh hiệu Thế tôn, một danh hiệu Bồ tát, một bài chỉnh cú bốn câu, hoặc một câu có nghĩa, hay đến nỗi chỉ nói tên kinh. Như thế thì bạch đức Thế tôn, chỗ họ cư trú đất đai phì nhiêu hơn chỗ khác. Đất đai ấy sản xuất gì cũng tăng trưởng, tươi tốt, to lớn, làm cho chúng sinh thụ hưởng lạc thú, nhiều của, ưa bố thí, tâm chí kiên định mà thâm tín Tam bảo.

Kiên lao địa thần thưa như vậy rồi, đức Thế tôn bảo, rằng Kiên lao địa thần, nếu ai nghe được kinh vua Ánh sáng hoàng kim thì, dầu chỉ một câu, họ chết cũng sinh Đao lợi hay các thiên xứ khác. Ai vì sự hiến cúng kinh vua này mà trang hoàng nhà cửa, thì đến nỗi chỉ trương một cái lọng dù, treo một cái tràng phan, cũng do nhân tố ấy mà sinh trong sáu thiên xứ cõi Dục, sống trong cung điện thất bảo mà thụ hưởng tùy thích, và điều mà ai cũng tự nhiên có được là vui với bảy ngàn thiên nữ, ngày đêm thường xuyên hưởng thụ cái phước đặc biệt và khó mà nghĩ bàn.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 51]

Đức Thế tôn dạy như vầy rồi, Kiên lao địa thần lại thưa, bạch đức Thế tôn, chính vì sự thể đức Thế tôn đã nói, nên những ai trong bốn bộ đệ tử của Ngài lên ngồi pháp tòa diễn giảng kinh này, thì con ngày đêm hộ vệ những người ấy, tự ẩn mình đi, đưa đỉnh đầu mình mà đỡ chân cho vị pháp sư khi bước lên và khi ngồi trên pháp tòa. Bạch đức Thế tôn, kinh này vì những người đã trồng thiện căn nơi vô số chư vị Thế tôn mà quảng bá bất tuyệt trong đại lục Thiệm bộ. Những người ấy lắng nghe kinh này thì vị lai vô số kiếp thường hưởng hạnh phúc vượt bậc trong chư thiên nhân loại, được gặp chư vị Thế tôn, được mau thành tựu vô thượng bồ đề, và nhất là không còn phải trải qua cái khổ sống và chết trong ba nẻo đường dữ.

Khi ấy Kiên lao địa thần lại thưa, bạch đức Thế tôn, con có một bài minh chú ([84]) có năng lực lợi ích nhân thiên, an lạc tất cả. Nam tử nữ nhân nào, hay bốn bộ đệ tử của đức Thế tôn, muốn được đích thân nhìn thấy chân thân của con, thì phải chí tâm mà trì minh chú ấy. Thì tùy sở nguyện mà toại ý cả. Là như nguyện được đồ dùng để sống, nguyện được tài sản, nguyện được vàng ngọc, nguyện được kho tàng ẩn trong lòng đất, nguyện được những khả năng thần kỳ, nguyện được thuốc thần để trường sinh hay trị liệu mọi bịnh, nguyện chiến thắng thù địch, nguyện chế ngự các thứ luận thuyết. Hãy dọn một tịnh thất mà thiết đạo tràng, tắm mình mẩy, mặc đồ sạch, ngồi nệm cỏ. Hãy đối trước hình tượng Phật có xá lợi, hay trước chùa tháp Phật có xá lợi, mà đốt hương, rải hoa, hiến dâng ẩm thực. Lấy ngày tám tháng trăng sáng ([85]), hoặc là ngày sao Bố sái ([86]) mà tụng minh chú triệu thỉnh con, Kiên lao địa thần : Tát da tha, chi ri, chi ri, chu ru, chu ru, ku ru, ku ru, ku tu, ku tu, tô tu, tô tu, ba ha, ba ha, sa va ri, sa va ri, soa ha. (Tadyatha ciri ciri curu curu kuru kuru kutu kutu totu totu bhaha bhaha savari savari svaha).

Bạch đức Thế tôn, minh chú này, nếu có ai trong bốn bộ đệ tử Thế tôn tụng được một trăm tám biến mà triệu thỉnh con, thì con sẽ đến tức khắc. Lại nữa, bạch đức Thế tôn, nếu ai muốn thấy con biểu hiện thân ra để nói chuyện với nhau, thì cũng phải sắp đặt như trước rồi tụng minh chú này : Tát da tha, a cha ni, gri li ga, kơ sa na ti, si ra, sít đa ri, ha, ha, hi, hi, ku ru, ba rê, soa ha. (Tadyatha acani griliga ksanati sira sidhari ha ha hi hi kuru bhare svaha).

Bạch đức Thế tôn, tụng minh chú này thì phải một trăm tám biến, lại tụng minh chú trên nữa, thì quyết chắc con sẽ biểu hiện thân con, thành tựu cho sở nguyện của họ, hoàn toàn không vô hiệu quả. Nhưng muốn tụng minh chú này thì trước hết phải tụng minh chú giữ mình : Tát da tha, ni si ri, ma sa ka ni, na ti, ku ti, bút đi, bút đi rê, bi ti, bi ti, ku ku ti, ba chi ri, soa ha. (Tadyatha nisiri masakani nati kuti budhi budhire biti biti kukuti baciri svaha).

Bạch đức Thế tôn, tụng minh chú này thì dùng chỉ ngũ sắc, tụng hai mươi mốt biến thì thắt hai mươi mốt gút, đem buộc sau khuỷu tay trái, thì giữ mình mà không có gì sợ hãi nữa. Chí tâm mà tụng minh chú này thì cầu gì cũng thỏa. Con không vọng ngữ. Phật pháp tăng là chứng điệp của con, chứng nhận cho con.

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Kiên lao địa thần, lành thay, địa thần có thể đem minh chú nói thật mà hộ trì kinh này và pháp sư quảng bá kinh này. Nhân tố này làm cho địa thần được phước báo vô số lượng.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 52]

Phẩm 19 – Dược Xoa Đại Tướng

Vào lúc bấy giờ, đại tướng Dược xoa là Chánh liễu tri, cùng với chư thần hai mươi tám bộ Dược xoa, ở trong đại hội cùng nhau đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, ở thành thị, ở làng xóm, ở chằm núi, ở rừng hoang, ở cung điện vua, ở tăng trú xứ, ở bất cứ chỗ nào mà bản kinh vua Ánh sáng hoàng kim này quảng bá đến, thì, bạch đức Thế tôn, con, đại tướng Chánh liễu tri, cùng chư thần hai mươi tám bộ Dược xoa, đều đến chỗ ấy, cùng ẩn mình đi, tùy chỗ mà hộ vệ cho vị thuyết pháp khỏi suy tổn, hưởng yên vui ; hộ vệ cho những người nghe pháp, bất kể nam hay nữ, đồng nam hay đồng nữ, mà đối với bản kinh vua này dầu chỉ tiếp nhận ghi nhớ một bài chỉnh cú bốn câu, hoặc một câu có nghĩa, hoặc cái tên của bản kinh vua này mà thôi, hoặc một danh hiệu Thế tôn hay một danh hiệu Bồ tát trong bản kinh vua này mà phát tâm xưng niệm tôn kính hiến cúng, thì con hộ vệ, thu nhận, làm cho khỏi tai nạn, rời khổ được vui.

Bạch đức Thế tôn, tại sao tên con là Chánh liễu tri, [thấu hiểu chính xác]  ? Điều này thì chính đức Thế tôn đích thân làm chứng cho con. Con biết các pháp, con hiểu các pháp. Tùy các pháp có gì, như các pháp là gì ([87]) thì, bạch đức Thế tôn, con thấu hiểu cả. Con có ánh sáng trí tuệ khó lường, có ánh đuốc trí tuệ khó lường, có việc làm trí tuệ khó lường, có cái khối trí tuệ   khó lường, nên đối với lĩnh vực trí tuệ khó lường con thông suốt được cả. Bạch đức Thế tôn, vì đối với các pháp con biết chính xác, hiểu chính xác, ngộ chính xác, có năng lực chính xác quan sát, nên bạch đức Thế tôn, con tên là đại tướng Chánh liễu tri. Do yếu tố này mà con làm cho người thuyết pháp ngôn từ hùng biện đều cụ túc trang nghiêm, lại làm cho sinh khí nhập vào qua lỗ chân lông nên toàn hảo tất cả thể lực sung mãn, uy thần mạnh mẽ, trí quang khó lường ; được ký ức chính xác nên không có khuất phục, được thể lực gia tăng nên không có suy tổn, được giác quan thư thái nên thường sinh hoan hỷ ; và vì vậy mà quảng bá kinh vua này trong đại lục Thiệm bộ cho những người gieo trồng thiện căn và tu tạo phước nghiệp nơi vô số chư vị Thế tôn, chứ không để ẩn mất mau chóng. Những người này lắng nghe kinh vua này thì được cái ánh trí tuệ nan tư nghị và được cái khối phước trí vô số lượng ; và trong thì vị lai thì vô số kiếp thường được thụ hưởng hạnh phúc vượt bậc trong nhân loại chư thiên, được gặp chư vị Thế tôn, được mau chứng vô thượng bồ đề, đặc biệt không còn đi qua những nỗi tối khổ trong ba nẻo đường dữ của lĩnh vực Diêm la.

Bấy giờ đại tướng Chánh liễu tri thưa rằng, bạch đức Thế tôn, con có một minh chú, xin đích thân tự trình bày trước đức Thế tôn, để thương tưởng lợi ích cho bao chúng sinh : Nam mô Bút đa da, nam mô Đa ma da, nam mô Săm ga da, nam mô Brắt ma da, nam mô In đra da, na ma hơ cha tu năm, ma ha ra ja năm, tát da tha, hi ri, hi ri, mi li, mi li, Gau ri, Ma ha gau ri, Găn đa ri, Ma ha găn đa ri, Đra vi đi, Ma ha đra vi đi, đăn đa, khu kun tê, ha, ha, ha, ha, ha, hi, hi, hi, hi, hi, hô, hô, hô, hô, hô, ha la, đa ma, ku đa mê, cha, cha, cha, cha, chi, chi, chi, chi, chu, chu, chu, chu, chăn đê soa ra, sít kha ra, sít kha ra, út tít ta hi, ba ga văn, săm chin ja da, soa ha. (Namo Buddhaya, namo Dharmaya, namah Samghaya, namo Brahmaya, namo Indraya, namah caturnam mahasjanam, tadyatha hiri hiri mili mili Gauri Mahagauri Gandhari Mahagandhari Dravidi Mahadravidi danda khukunte ha ha ha ha ha, hi hi hi hi hi, ho ho ho ho ho, hala dhana kudame, ca ca ca ca, ci ci ci ci, cu cu cu cu, candesvara sikhara sikhara uttistahi bhagavan saceinjaya svaha).

Bạch đức Thế tôn, ai thọ trì được minh chú này thì con cung phụng đủ cả đồ dùng để sống để vui, cung cấp ẩm thực, y phục, hoa quả, trân bảo, hoặc cầu con trai con gái, cầu bạc vàng trân bảo, hay cầu những chuỗi ngọc, con cung phụng cho cả, không để nguyện cầu mà thiếu thốn. Minh chú này có uy lực cực lớn. Trì tụng minh chú này thì con đến mau chỗ người ấy, làm cho toại ý mà không có gì trở ngại. Trì tụng minh chú này thì phải biết cách thức. Ấy là trước hết vẽ tượng con trên một mặt phẳng, cao bốn năm thước xưa, tay cầm mâu thử ([88]). Trước tượng này làm cái đàn bốn hướng, đặt bốn cái bình trong đựng đầy nước mật hay nước đường. Rồi xoa hương liệu, đốt hương liệu, và hiến những vòng hoa. Trước đàn để cái lò đất, trong để tro nóng có lửa mà đốt tô ma giới tử. Tụng minh chú trên một trăm tám biến, mỗi biến đốt một lần. Cho đến lúc con, đại tướng Chánh liễu tri, tự đến biểu hiện bản thân, hỏi người tụng chú, rằng cần gì thì cứ nói. Con tức khắc tùy lời người ấy nói mà làm cho thỏa mãn. Cần bạc vàng, cần kho tàng ẩn trong lòng đất, cần thần tiên lướt không gian mà đến, cần thiên nhãn thông, cần tha tâm thông, tất cả sự cần cầu như vậy để lợi ích chúng sinh thì tùy ý thành tựu, cho đến làm cho chúng sinh diệt phiền não, chứng giải thoát, cũng thực hiện được cả.

Bấy giờ đức Thế tôn bảo đại tướng dược xoa Chánh liễu tri, rằng lành thay đại tướng. Đại tướng có thể lợi ích chúng sinh như vậy, tuyên thuyết minh chú để hộ vệ chánh pháp, phước lợi thật vô biên.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 53]

Phẩm 20 – Vương Pháp Chính Luận

Bấy giờ nữ thần đại địa tên Kiên lao địa thần, ở trong đại hội lại từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức Thế tôn, trong mọi quốc gia, những người làm quốc vương, nếu không có chánh pháp thì không thể quản trị quốc gia, an dưỡng quốc dân, bảo đảm bản thân ngồi lâu vương vị. Kính xin đức Thế tôn từ bi thương tưởng, dạy cho con nghe về vương pháp chính luận, chủ yếu của sự quản trị quốc gia. Để cho các vị quốc vương nghe được chánh pháp này thì tuân hành đúng như huấn dụ, đem chánh pháp mà hoá cải quốc dân, làm cho ngôi vua an ninh, quốc dân lợi lạc. Lúc ấy, ở trong đại hội, đức Thế tôn bảo Kiên lao địa thần, địa thần hãy nghe cho kỹ. Quá khứ có quốc vương tên là Lực tôn tràng. Quốc vương có thái tử tên Diệu tràng. Đăng quang không bao lâu, phụ vương bảo Diệu tràng, có vương pháp chính luận tên là Pháp của trời dạy. Trước đây ta đăng quang làm quốc vương, thì phụ vương của ta tên Trí lực tôn tràng đã dạy cho ta chính luận ấy. Ta y theo nên khéo quản trị quốc gia trong hai mươi ngàn năm, ta nhớ không hề mống lên một ý nghĩ làm điều phi pháp. Ngày nay con cũng phải như vậy. Đừng đem điều phi pháp mà quản trị quốc gia. Vương pháp chính luận là gì, con hãy nghe cho khéo, ta sẽ nói cho. Thế rồi quốc vương Lực tôn tràng liền nói cho con về chính luận ấy, bằng những chỉnh cú sau đây.

(1) Tôi nói vương pháp luận
lợi lạc bao sinh linh,
để loại trừ hoài nghi
và loại bỏ lỗi lầm.

(2) Tất cả các thiên chủ
cùng với các nhân vương
nên sinh tâm hoan hỷ
chắp tay nghe tôi nói.

(3) Xưa bộ chúng chư thiên
họp tại Kim cương sơn,
bốn Thiên vương đứng dậy
xin hỏi Đại phạn vương.

(4) Đại phạn vương tối tôn
tự tại nhất chư thiên,
xin thương tưởng chúng tôi
loại trừ giúp hoài nghi.

(5) Làm sao ở nhân loại
mà được gọi là trời  ?
lại vì lý do nào
mà gọi là con trời  ?

(6) Tại sao sinh nhân gian
một mình làm nhân vương  ?
rồi sao tại chư thiên
lại được làm thiên chủ  ?

(7) Người hộ vệ thế giới
hỏi Đại phạn vương rồi,
Đại phạn vương bấy giờ
liền nói cho họ nghe.

(8) Người hộ vệ thế giới,
vì ích lợi bao kẻ
mà hỏi phép trị nước,
ta nói, hãy lắng nghe.

(9) Do lực thiện nghiệp cũ
sinh thiên làm thiên chủ ;
lại ở trong nhân loại
làm quốc vương thống lĩnh.

(10) Chư thiên cùng da hộ
mới nhập vào thai mẹ,
khi ở trong thai mẹ
chư thiên vẫn giữ gìn.

(11) Dẫu sinh trong nhân loại
tôn hơn nên gọi trời,
do chư thiên hộ vệ
nên được gọi con trời.

(12) Chúa trời Đao lợi thiên
phân sức giúp nhân vương,
và tất cả chư thiên
cũng giúp sức tự tại.

(13) Loại trừ mọi phi pháp
không cho sinh ác nghiệp,
dạy người tu điều thiện
để họ sinh chư thiên.

(14) Nhân loại, a tô la,
càn thát bà vân vân,
la sát, chiên trà la,
cùng giúp đến nửa sức.

(15) Cha mẹ giúp nửa sức
để bỏ ác làm lành,
chư thiên càng hộ trì
chỉ cho thấy phước báo.

(16) Nếu tạo tác ác nghiệp
thì ngay trong hiện tại
chư thiên đã không giúp
chỉ cho thấy ác báo.

(17) Quốc dân tạo ác nghiệp,
quốc vương không cấm đoán,
thế là phi chánh pháp
không đúng cách trị đuổi.

(18) Thấy ác mà không chận,
phi pháp tự tươi lớn,
thế là trong vương quốc
gian trá ngày càng nhiều.

(19) Quốc vương thấy quốc dân
làm ác mà không ngăn,
thì chư thiên Đạo lợi
cùng sinh ra phẫn nộ.

(20) Nên quốc chính thương tổn
dối trá lan khắp nước,
bị ngoại thù xâm lược
hủy diệt cả vương quốc.

(21) Nhà ở với đồ dùng
tài sản đều tan hoang,
nịnh và láo đa dạng
chiếm đoạt hại lẫn nhau.

(22) Do Pháp mới làm vua,
mà không tuân hành Pháp,
quốc dân phải tan rã
như hồ sen voi dẫm.

(23) Gió dữ nổi lên mãi,
mưa dữ đổ trái mùa,
yêu tinh lắm biến quái,
nhật nguyệt thực tối mờ.

(24) Ngũ cốc cùng hoa quả
trái hạt đều hư hỏng,
quốc gia bị đói khát
vì vua bỏ chánh pháp.

(25) Vua mà bỏ chánh pháp
đem phi pháp dạy dân,
thì ở cung điện mình
chư thiên vẫn lo rầu.

(26) Những vị thiên vương ấy
cùng nhau nói như vầy,
vua mà làm phi pháp,
phe ác hùa với nhau.

(27) Thì ngôi vua bất an,
chư thiên cùng phẫn nộ,
chư thiên mà phẫn nộ,
quốc gia ấy bại vong.

(28) Giáo dục bằng phi pháp
lan tràn trong quốc gia,
thì đấu tranh gian dối,
thì bịnh dịch hoành hành.

(29) Thiên chủ không hộ vệ,
chư thiên khác cũng bỏ,
quốc gia sẽ diệt vong,
quốc vương bị khổ ách.

(30) Cha mẹ và vợ con
anh em và chị em
đều bị khổ biệt ly,
đến nỗi phải mất mạng.

(31) Biến quái và sao sa,
nóng như hai mặt trời,
giặc thù đến từ ngoài,
quốc dân phải tan hoang.

(32) Đại thần cả nước trọng
thì chết oan chết uổng,
đến voi ngựa vân vân
cũng tản mát sạch không.

(33) Giặc giã khắp mọi nơi,
dân chết vì phi pháp,
ác quỉ thì xâm nhập,
bịnh dịch thì hoành hành.

(34) Tối đại thần trong nước,
cùng các vị phụ tướng,
lòng đầy những dua nịnh,
cùng nhau làm phi pháp.

(35) Thấy kẻ làm phi pháp
mà yêu mến kính nể,
thấy người làm thiện pháp
lại hành hạ khổ sở.

(36) Do yêu nể kẻ ác
mà hành hạ người lành,
nên tinh tú, phong, vũ,
không còn thuận thời tiết.

(37) Ba điều xấu ấy sinh
thì chánh pháp ẩn mất,
con người hết tươi sáng,
màu mở đất cũng mất.

(38) Vì nể ác khinh lành,
có ba điều xấu nữa :
sương, mưa đá trái mùa,
đói, dịch, cùng lưu hành.

(39) Lúa má với trái hạt
phẩm chất đều tổn giảm,
thế nên trong quốc gia
dân đa số bịnh tật.

(40) Những loại cây thổ sản
trước đây là ngon ngọt,
nay vì thế tổn giảm
đắng chát không ra gì.

(41) Trước đây lâm viên đẹp,
toàn chỗ du ngoạn tốt,
nay bỗng nhiên khô cằn,
ai thấy cũng lo rầu.

(42) Lúa, nếp, thứ chắc hạt,
phẩm chất tiêu mất dần,
ăn không còn thấy thích,
làm sao tăng thể lực  ?

(43) Dân chúng mất tươi sáng,
đẹp và khỏe suy tàn,
ăn với uống tuy nhiều,
vẫn không làm sung sức.

(64) Trong cả quốc gia ấy
mọi tầng lớp quốc dân
ít sức, không khoẻ mạnh,
làm việc không kham năng.

(65) Quốc dân nhiều bịnh hoạn
cơ thể nhiều đau đớn,
quỉ mị tràn khắp nơi
tùy theo sinh la sát.

(66) Vua mà làm phi pháp
thân gần với kẻ ác,
thì cả ba thế giới ([89])
do vậy suy tổn cả.

(67) Vô số hiện tượng xấu
xuất hiện trong quốc gia,
toàn do thấy kẻ ác
bỏ qua, không trị, đuổi.

(68) Do chư thiên da hộ
được làm vị quốc vương,
mà không đem chánh pháp
bảo vệ lấy quốc gia.

(69) Nhưng người làm điều lành
thì sẽ sinh chư thiên,
còn kẻ làm điều ác
chết đọa ba đường dữ.

(70) Quốc vương mà buông thả
để quốc dân làm ác,
thì chư thiên Đao lợi
nóng bức cả tâm trí.

(71) Chư thiên dạy không nghe
cha mẹ nói không cứ
thì là người phi pháp
phi vua phi hiếu tử.

(72) Nếu trong quốc gia mình
thấy ai làm phi pháp,
phải trị phạt đúng phép
không nên bỏ cho qua.

(73) Thế nên hàng chư thiên
cùng hộ trì vua ấy,
vì vua diệt ác pháp
và theo được thiện pháp.

(74) Vua ấy trong đời này
đón nhận quả báo tốt,
vì đối với thiện, ác
biết khuyên dân làm, bỏ.

(75) Huấn thị thiện ác báo,
nên làm vị quốc vương,
chư thiên cùng hộ trì,
chư thiên cùng tùy hỷ.

(76) Do tự lợi lợi tha
trị nước bằng chánh pháp,
nên thấy kẻ dua nịnh
thì phải trị đúng phép.

(77) Giả sử mất ngôi vua,
gặp cảnh ngộ mất mạng,
cũng quyết không làm ác,
không thấy ác bỏ qua.

(78) Tai hại nặng nề nhất
cho sự mất ngôi vua
là toàn vì dua nịnh,
do đó phải trị phạt.

(79) Dua nịnh là dối trá
làm tan nát quốc gia,
làm thương tổn vương pháp,
như voi vào vườn hoa.

(80) Thiên chủ tức giận cả,
a tô la cũng vậy,
ấy là làm quốc vương
không trị nước bằng Pháp.

(81) Thế nên phải đúng phép
trị phạt những kẻ ác,
cải hóa bằng điều thiện,
chứ không theo phi pháp.

(82) Thà là mất thân mạng
không theo bạn phi pháp,
với thân với không thân
bình đẳng nhìn tất cả.

(83) Làm vị vua chánh pháp
không thiên vị phe cánh,
thì tiếng khen”vua pháp”
vang cả trong ba cõi.

(84) Chư thiên ở Đao lợi
hoan hỷ mà nói rằng
vị vua nhân loại này
chính là con của ta.

(85) Biết thiện hóa quốc dân,
biết chánh pháp trị nước,
khuyến hóa thực hành Pháp,
sẽ sinh cung điện ta.

(86) Chư thiên, chư thiên tử,
cùng bộ chúng tô la,
do vua hành hóa Pháp
mà tâm họ hoan hỷ.

(87) Chư thiên cùng hoan hỷ
hộ trì cho vua ấy,
tinh tú đi đúng ngôi,
nhật nguyệt không sai độ.

(88) Gió hòa đúng thời tiết,
mưa ngọt thuận thời vụ,
thóc trái khéo sinh, lớn,
quốc dân không đói khát.

(89) Tất cả hàng chư thiên
hay ẩn mình cung vua
cầu chúc cho nhà vua
quên mình quảng bá Pháp.

(90) Hãy tôn trọng Pháp bảo
mà yên vui quốc dân,
hãy thân thiết Pháp bảo,
phước báo tự trang hoàng.

(91) Thân quyến thường hoan hỷ
thường lánh xa ác pháp :
đem Pháp giáo dục người
thì an lạc thường xuyên.

(92) Làm cho cả quốc dân
tu hành mười thiện nghiệp,
thì cả nước sung túc,
thì quốc gia thanh bình.

(93) Vua mà hành hóa Pháp
thuần hóa kẻ làm ác,
thì được danh vọng tốt
vì lợi lạc quốc dân.

Bấy giờ đại hội, trong đó có các vị quốc vương, nghe đức Thế tôn nói về chánh pháp quản trị quốc gia của quốc vương xưa, ai cũng được sự tâm đắc hiếm có, cùng đại hoan hỷ mà tin tưởng, tiếp nhận và phụng hành.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 54]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 9

Phẩm 21 – Thiện Sinh Luân Vương

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì cả đại hội nói về vương pháp chính luận rồi, lại bảo, đại hội các người nên lắng nghe. Như lai lại nói cho các người về một sự phụng hành chánh pháp xưa kia của Như lai. Ngay lúc ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Như lai xưa kia
làm vị luân vương,
bỏ hết đại địa
và cả đại dương,
đem bao trân bảo
đầy bốn đại lục
cung kính hiến cúng
chư vị Như lai.

(2) Như lai xưa kia
trong vô lượng kiếp,
vì cầu pháp thân
tối cực chân tịnh,
nên bao bảo vật
đều xả bỏ cả,
cả đến thân mạng
cũng không tiếc lẫn.

(3) Trong thì quá khứ
khó lường đời kiếp,
có bậc đẳng giác
danh hiệu Bảo kế ;
sau khi Ngài đã
nhập vào niết bàn,
có một vị vua
tên là Thiện sinh.

(4) Làm bậc luân vương
cả bốn đại lục,
ngoại biên đại dương
đều qui phục cả ;
vua có hoàng thành
tên Diệu âm nhạc,
vua thường cư trú
nơi hoàng thành ấy.

(5) Đêm mộng thấy nói
phước trí Như lai.
Thấy có pháp sư
tên là Bảo tích,
ngồi nghiêm trên tòa
tựa vầng thái dương,
diễn giảng kinh mầu
Ánh sáng hoàng kim.

(6) Sau khi tỉnh mộng,
vua rất hoan hỷ,
nỗi hoan hỷ lớn
tràn khắp cơ thể.
Đến lúc trời sáng,
vua ra hoàng cung,
đi đến dà lam
của chư Bí sô.

(7) Luân vương tôn kính
cúng thánh chúng rồi,
liền hỏi các ngài  :
trong thánh chúng này
có hay không có
pháp sư Bảo tích
thành tựu công hạnh
hóa độ chúng sinh  ?

(8) Bấy giờ Bảo tích,
vị đại pháp sư,
cư trú ở trong
một cái tịnh thất,
chánh niệm trì tụng
kinh mầu Hoàng kim,
trang nghiêm bất động,
thân tâm vui đẹp.

(9) Một vị Bí sô
hướng dẫn luân vương
đến chỗ cư trú
của ngài Bảo tích,
thấy trong tịnh thất
ngài ngồi thẳng mình,
toàn thân đầy cả
ánh sáng tướng đẹp.

(10) Bí sô bảo vua :
đây, ngài Bảo tích,
giữ được hành xứ
sâu xa của Phật,
đó là bản kinh
Ánh sáng hoàng kim,
kinh vua các kinh,
tối thượng bậc nhất.

(11) Luân vương tức thì
lạy ngài Bảo tích,
cung kính chắp tay
mà thỉnh cầu ngài :
Xin bậc mặt đẹp
tựa như trăng đầy,
nói cho con nghe
diệu pháp Hoàng kim.

(12) Pháp sư Bảo tích
nhận lời thỉnh cầu,
hứa sẽ nói cho
bản kinh vua ấy.
Thế là khắp cả
đại thiên thế giới,
hết thảy chư thiên
cùng đại hoan hỷ.

(13) Vua dùng một nơi
rộng rãi sạch sẽ,
tận lực trang hoàng
trân bảo quí lạ,
rưới bụi bằng nước
hương liệu thượng hạng,
rải những bông hoa
màu sắc đa dạng.

(14) Nơi đặc biệt này
vua đặt tòa cao,
trang hoàng bảo cái
tràng phan gấm lụa ;
xát hương xoa hương
với đủ mọi cách,
hơi thơm tỏa ra
khắp cả mọi nơi.

(15) Thiên, long, tô la,
và khẩn na la,
ma hô lạc dà
cùng với dược xoa,
nhất là chư thiên
rải hoa mạn đà,
hiến cúng pháp tòa
rất cao cả ấy.

(16) Lại có hàng ngàn
hàng vạn chư thiên
ưa nghe chánh pháp
cùng đến tụ tập.
Pháp sư bắt đầu
rời chỗ ngồi cũ,
họ đã hiến cúng
bằng những thiên hoa.

(17) Bấy giờ Bảo tích,
vị đại pháp sư,
tắm rửa mình mẩy,
mặc đồ sạch sẽ,
đi đến đại hội,
lại chỗ pháp tòa,
chắp tay chân thành
mà kính lễ bái.

(18) Thiên chủ, thiên chúng,
cùng với thiên nữ,
chung nhau rải xuống
thiên hoa mạn đà ;
trăm ngàn thiên nhạc
khó nghĩ khó tả,
ở trong không trung
xuất ra tiếng mầu.

(19) Bấy giờ Bảo tích,
vị đại pháp sư,
liền lên pháp tòa
mà ngồi xếp bằng,
tập trung tâm trí
nghĩ đến mười phương
trăm ngàn vạn ức
bậc Đại từ tôn.

(20) Nghĩ đến tất cả
chúng sinh đau khổ,
phát sinh ý niệm
từ bi bình đẳng.
Rồi vì chủ mời
là Thiện sinh vương,
mà giảng kinh mầu
Ánh sáng hoàng kim.

(21) Vua đã nghe được
diệu pháp như vậy,
thành tâm chắp tay
nói rằng tùy hỷ.
Nghe pháp hiếm có,
Vua trào nước mắt,
nỗi mừng lớn lao
tràn ngập thân tâm.

(22) Bấy giờ quốc chúa
luân vương Thiện sinh,
vì muốn hiến cúng
kinh vua Hoàng kim,
nên cầm viên ngọc
như ý ma ni,
nguyện rằng hãy vì
bao loại chúng sinh.

(23) Hãy ngay nơi đây,
đại lục Thiệm bộ,
mưa xuống thất bảo,
những xâu chuỗi ngọc,
để người nghèo thiếu
đồ dùng tiền của
hảy đều tùy ý
thụ hưởng hạnh phúc.

(24) Tức thì thất bảo
đổ xuống khắp nơi,
sung mãn dân chúng
cả bốn đại lục,
cần gì tùy ý :
chuỗi ngọc làm đẹp
y phục ẩm thực
không thiếu thứ gì.

(25) Bấy giờ quốc chúa
luân vương Thiện sinh
thấy bốn đại lục
được mưa trân bảo,
thì đem hiến cúng
Bảo kế như lai,
và Bí sô tăng
theo di huấn Ngài.

(26) Đại hội nên biết
luân vương Thiện sinh
ngày nay chính là
bản thân Như lai,
xưa kia đã bỏ
cả đại địa này,
cả bao trân bảo
đầy bốn đại lục.

(27) Còn ngài Bảo tích,
vị đại pháp sư,
đã thuyết diệu pháp
cho Thiện sinh vương,
diễn giảng kinh vua
cho nhà vua ấy,
nay ở hướng đông
thành đức Bất động.

(28) Như lai xưa kia
lắng nghe kinh vua,
chắp tay nói rằng
con xin tùy hỷ,
quảng thí thất bảo,
do những phước ấy
được kim cương thân
tối thắng bậc nhất.

(29) Thân ấy ánh vàng
trăm phước trang nghiêm,
ai nhìn thấy được
cũng hoan hỷ cả ;
tất cả chúng sinh
không ai không thích,
vô số chư thiên
cũng thích như vậy.

(30) Như lai trải qua
chín mươi chín lần
vô số đời kiếp
làm vị luân vương,
hoặc làm quốc vương
cho những tiểu quốc
cũng đến số lượng
trăm ngàn đời kiếp.

(31) Trong vô lượng kiếp
lại làm Đế thích,
và cũng đã làm
bậc Đại phạn vương,
hiến cúng Thập lực
đại từ thế tôn
số lượng đời kiếp
cũng khó biết hết.

(32) Như lai xưa kia
nghe kinh, tùy hỷ,
khối phước có được
số lượng khó biết ;
do khối phước ấy
được vô thượng giác,
được pháp tánh thân
diệu trí chân thường.

Bấy giờ đại hội nghe sự tuyên thuyết như vậy ai cũng than là hiếm có. Ai cũng nguyện phụng trì kinh vua Ánh sáng hoàng kim, quảng bá bất tuyệt.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 55]

Phẩm 22 – Tám Bộ Hộ Trì ([90])

Bấy giờ đức Thế tôn bảo Đại cát tường thiên nữ, rằng nếu có thiện nam hay thiện nữ đức tin trong sáng nào muốn đem cúng phẩm bất tư nghị phụng hiến chư vị Như lai trong ba thì gian, lại muốn thấu hiểu hành xứ ([91]) rất sâu của các Ngài, thì người ấy quyết định phải hết lòng tùy bản kinh vua này ở đâu hãy diễn giảng quảng bá cho chúng sinh chỗ ấy, dầu chỗ ấy là thành thị, xóm làng hay trong chằm núi. Còn những người nghe pháp thì phải bỏ tâm tưởng tán loạn mà tập trung thính giác, chuyên chú tâm trí. Bấy giờ đức Thế tôn liền nói những chỉnh cú sau đây cho chư thiên và đại hội.

(1) Đối với chư Như lai
muốn hiến cúng siêu việt,
lại muốn hiểu lĩnh vực
sâu xa của các Ngài,

(2) thì thấy ai diễn giảng
kinh Ánh sáng hoàng kim,
hãy đích thân đi đến
những chỗ diễn giảng ấy.

(3) Kinh ấy khó nghĩ bàn,
phát sinh mọi phước đức,
trong biển khổ rộng lớn
cứu vớt bao chúng sinh.

(4) Như lai thấy kinh này
đầu giữa cuối đều hay,
đều sâu không lường nổi,
thí dụ cũng không bằng.

(5) Giả như cát sông Hằng,
bụi đại địa, nước biển,
đá núi cả không gian,
không ví được ít phần.

(6) Muốn hội nhập pháp tánh
hãy lắng nghe kinh này :
nơi chùa tháp pháp tánh
mới khéo được hội nhập.

(7) Trong chùa tháp như vậy
Thấy ta, đấng Mâu ni,
với ý đẹp lời hay
quảng diễn kinh vua này.

(8) Thấy thế nên nhiều kiếp
số lượng khó nghĩ bàn,
thường ở trong trời người
hưởng được vui siêu việt.

(9) Lắng nghe kinh vua này
hãy tư duy như vầy :
ta được một hợp thể
phước đức bất tư nghị.

(10) Giả sử khối lửa lớn
trải dài trăm thiện na,
nhưng vì nghe kinh này
bước qua không do dự.

(11) Đến chỗ giảng kinh này
được nghe kinh này rồi,
ác nghiệp loại trừ hết,
ác mộng cũng loại trừ.

(12) Ác tinh và biến quái
cổ đạo cùng tà mị,
lúc nghe được kinh này
thì rời xa tất cả.

(13) Hãy trang trí tòa cao
đẹp sạch tựa hoa sen,
pháp sư ngồi trên đó
trông như chúa đại dương.

(14) An tọa pháp tòa rồi
giảng kinh sâu xa này,
lại sao chép tụng trì
và giải thích ý nghĩa

(15) Pháp sư rời tòa ấy
đi đến các nơi khác,
thì nơi tòa cao ấy
tưởng thấy bao thần biến.

(16) Hoặc thấy hình pháp sư
còn ngồi trên tòa cao.
Hoặc thấy hình Như lai
cùng chư vị Bồ tát.

(17) Hoặc tưởng đức Phổ hiền,
hoặc tưởng Diệu cát tường,
hoặc thấy Từ thị tôn,
ngồi trên tòa cao ấy.

(18) Hoặc thấy tướng kỳ diệu
hay thấy hình chư thiên,
và mới thấy như vậy
thoạt cái đã biến mất.

(19) Thấy những điềm lành ấy
làm gì cũng vừa ý,
phước đức viên mãn cả :
Như lai nói như vậy.

(20) Siêu việt và danh tiếng,
hủy diệt mọi phiền não,
giặc ngoại xâm trừ được,
chiến đấu thường đắc thắng.

(21) Ác mộng toàn không có
độc tố cũng tiêu tan,
ác nghiệp thân miệng ý
kinh lực cũng diệt được.

(22) Trong đại lục Thiệm bộ
danh tiếng tràn đầy cả,
bao nhiêu những oán thù
rời xa được hết thảy.

(23) Thù địch đến xâm lăng
nghe danh cũng triệt thoái,
không động đến vũ khí,
đối trận sinh hoan hỷ.

(24) Phạn vương và Đế thích,
bốn Thiên vương hộ thế,
và Kim cương dược xoa,
Chánh liễu tri đại tướng,

(25) long vương hồ Vô nhiệt,
cùng với Sa yết la,
nhạc thần Khẩn na la,
Tô la kim sí chủ,

(26) Đại biện tài thiên nữ,
Đại cát tường thiên nữ,
chư thiên đứng đầu này
thống lãnh cả thiên chúng,

(27) thường hiến cúng Như lai
và Pháp bảo siêu việt,
thường sinh tâm hoan hỷ
tôn kính kinh vua này.

(28) Thiên chúng như thế này
đều cùng nhau suy nghĩ,
quan sát người làm phước
rồi cùng nói như vầy :

(29) Hãy coi những người ấy
là bậc đại phước đức,
thiện căn tinh tiến lực
sẽ sinh lên Thiên giới.

(30) Để nghe kinh vua này,
người ấy kính đến đây,
hiến cúng chùa tháp Pháp
vì lòng tôn trọng Pháp.

(31) Người ấy thương chúng sinh
mà làm đại lợi ích,
và là đồ chứa đựng
kinh vua sâu xa này.

(32) Nhập được pháp môn này
là nhập được pháp tánh,
nên với kinh Hoàng kim
hãy hết lòng lắng nghe.

(33) Người ấy đã hiến cúng
vô số chư Như lai,
do thiện căn lực ấy
mới được nghe kinh này.

(34) Do vậy các thiên chủ,
thiên nữ Đại biện tài,
thiên nữ Đại cát tường,
cùng bốn vị Thiên vương,

(35) và vô số Dược xoa
dũng mãnh đầy thần lực,
phân nhau ra bốn phía
thường đến hộ vệ cho.

(36) Nhật nguyệt và Đế thích,
chư thần nước gió lửa,
Phệ sốt nộ, Diêm la,
Đại biện tài vân vân,

(37) Các Thiên vương hộ thế
dũng liệt, đủ uy thần,
hộ vệ người trì kinh
ngày đêm không rời xa.

(38) Đại lực dược xoa vương,
Na la diên, Tự tại,
hâm tám thần Dược xoa,
Chánh liễu tri cầm đầu,

(39) và trăm ngàn Dược xoa
sức lớn lại thần thông,
thường đến chỗ hiểm nguy
ủng hộ người trì kinh.

(40) Kim cương dược xoa vương
với năm trăm tùy thuộc,
cùng chư đại bồ tát
cũng thường đến hộ trì.

(41) Bảo vương dược xoa chủ,
cùng với Mãn hiền vương,
Khoáng dã, Kim tì la,
Tân độ la, Hoàng sắc ([92]).

(42) Mỗi dược xoa vương này
cùng năm trăm tùy thuộc,
thấy ai nghe kinh vua
thì cùng đến hộ vệ.

(43) Thái quân, Kiền thát bà,
Vi vương, Thường chiến thắng,
Châu cảnh và Thanh cảnh,
và Bột lý sa vương,

(44) Đại tối thắng, Đại hắc,
Tô bạt noa kê xá,
Bán chi ca, Dương túc,
cùng với Đại bà dà,

(45) Tiểu cừ và Hộ pháp,
cọng với Di hầu vương,
Châm mao và Nhật chi,
Bảo phát, cùng đến giúp.

(46) Đại cừ, Nặc câu la,
Chiên đàn, Dục trung thắng,
Xá la với Tuyết sơn,
cùng với Sa đa sơn ([93]),

(47) đều có thần thông lớn
hùng mãnh đủ đại lực,
thấy người trì kinh ấy,
cùng đến mà hộ vệ.

(48) A na bà đáp đa,
cùng với Sa yết ra,
Mục chân, Ê La diệp,
Nan đà, Nan đà nhỏ ([94]),

(49) rồng trong trăm ngàn rồng,
đủ thần thông uy đức,
cùng giúp người trì kinh,
ngày đêm không rời bỏ.

(50) Bà trĩ, La hầu la,
Tì ma chất đa la,
Mẫu chỉ chiêm bát ra,
Đại kiên và Hoan hỷ ([95]).

(51) Và tô la vương khác
cùng vô số thiên chúng,
có sức lớn, mạnh mẽ,
đều đến giữ người ấy.

(52) Mẫu thần Ha lị để,
Dược xoa chúng năm trăm,
người trì kinh thức dậy
là đến hộ vệ cho.

(53) Chiên trà, Chiên trà lị,
Chiên trĩ nữ dược xoa,
Côn đế, Câu tra xỉ,
Hút tinh chất chúng sinh ([96]),

(54) thần chúng như thế ấy
sức lớn, có thần thông,
giữ gìn người trì kinh
ngày đêm thường không rời.

(55) Vô lượng các thiên nữ
Biện tài thiên cầm đầu,
bao nhiêu là tùy thuộc
Cát tường thiên lãnh đạo,

(56) Nữ thần đại địa này,
thần trái hạt vườn rừng,
thần cây, thần sông rào,
thần chùa tháp, vân vân,

(57) chư thiên thần như vậy
lòng sinh đại hoan hỷ,
cùng đến mà hộ vệ
người đọc tụng kinh vua.

(58) Thấy ai trì kinh vua,
tăng thọ lượng sắc lực,
tăng uy quang phước đức,
tăng tướng tốt trang nghiêm,

(59) mà tinh tú biến quái
xúc phạm đến người ấy,
thì đến nỗi ác mộng
cũng làm cho tan biến.

(60) Nữ thần đại địa này
Kiên cố đầy uy thế,
bằng năng lực pháp vị
của kinh vua Hoàng kim,

(61) làm cho màu mỡ đất
vốn thấm xuống rất sâu,
nay lại được thấm lên
tươi nhuần cho đại địa.

(62) Đại địa dày sáu mươi
tám ức du thiện na,
từ ngoại biên kim cương
màu đất vẫn thấm lên.

(63) Lại do nghe kinh vua
được khối đại công đức,
làm cho chính chư thiên
cũng nhờ được ích lợi ;

(64) làm cho chư thiên ấy
tăng uy lực ánh sáng,
tăng hoan hỷ yên vui,
hết hiện tượng suy đồi.

(65) Đại lục phía nam này
thần cây trái lúa thóc
cũng do lực kinh vua
mà tâm thường hoan hỷ,

(66) làm lúa cây thành thục,
bông hoa đều sum sê,
trái hạt đầy phẩm chất,
tất cả tràn đại địa.

(67) Bao nhiêu loại cây cỏ,
và cả những vườn rừng,
đều sinh ra hoa đẹp,
hương thơm thường lan tỏa.

(68) Những loại cây có hoa
kết ra các thứ trái,
thì trái ngon và ngọt,
và chỗ nào cũng có.

(69) Cũng tại đại lục này,
vô số những long nữ
tâm sinh đại hoan hỷ,
cùng vào trong ao hồ.

(70) Sen hồng, sen trắng nở,
sen xanh và sen trắng,
ao hồ nào cũng trồng
và hoa đầy ao hồ.

(71) Uy lực kinh vua này
làm không gian trong sáng,
mây mù bị xua tan,
toàn bộ đều sáng sủa.

(72) Thái dương phóng ánh sáng
trong suốt và rực rỡ,
do lực kinh vua này
sáng huy hoàng khắp nơi.

(73) Uy lực kinh vua này
hỗ trợ cho quốc chúa,
có và dùng vàng ròng
mà kiến tạo cung điện.

(74) Thần thái dương vui vẻ
nhìn thấy đại lục này,
nên thường đem sáng lớn
chiếu rực khắp mọi nơi.

(75) Do vậy trong đại địa
bao nhiêu hồ ao sen,
ánh sáng chiếu đúng lúc
nên hoa sinh nở cả.

(76) Trong cả đại lục này
trái hạt và dược liệu
đều khéo thành thục hết
và tràn đầy đại địa.

(77) Do uy lực kinh vua,
nhật nguyệt chiếu đến đâu
tinh tú đúng hành độ
gió mưa thuận thời tiết.

(78) Khắp đại lục Thiệm bộ
đất nước rất giàu vui,
chỗ nào có kinh vua
hơn chỗ khác bội phần.

(79) Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
quảng bá đến chỗ nào,
có người giảng và tụng
thì phước được như vậy.

Bấy giờ Đại cát tường thiên nữ, cùng chư thiên vân vân, nghe đức Thế tôn tuyên thuyết như vậy thì ai cũng đại hoan hỷ, nhất tâm hộ vệ kinh vua và những người thọ trì kinh vua, làm cho những người ấy không lo buồn, được an lạc.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 56]

Phẩm 23 – Thọ Ký Thành Phật

Bấy giờ đức Thế tôn ở trong đại hội thuyết pháp phong phú rồi, muốn thọ ký cho bồ tát Diệu tràng và hai người con, Ngân tràng và Ngân quang, sẽ được vô thượng bồ đề. Lúc ấy có mười ngàn thiên tử, do thiên tử Tối thắng quang minh cầm đầu, từ Đao lợi thiên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài rồi ngồi qua một phía, lắng nghe Ngài thuyết pháp.

Đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, trong vị lai, quá vô lượng vô số kiếp, tại thế giới hệ Kim quang minh, ông sẽ thành vô thượng giác, với danh hiệu Kim bảo sơn vương như lai, đủ mười đức hiệu. Sau khi đức Kim bảo sơn vương như lai nhập niết bàn, giáo pháp cũng hết, thì trưởng tử là Ngân tràng sẽ ở chính nơi thế giới hệ ấy mà kế tiếp chỗ Ngài, được thành Phật đà danh hiệu Kim tràng quang như lai, đủ mười đức hiệu, và thế giới hệ ấy bấy giờ chuyển danh là Tịnh tràng. Sau khi đức Kim tràng quang như lai nhập niết bàn, giáo pháp cũng hết, thì thứ tử là Ngân quang cũng ở chính nơi thế giới hệ ấy mà kế tiếp chỗ Ngài, được thành Phật đà, danh hiệu Kim quang minh như lai, đủ mười đức hiệu.

Mười ngàn thiên tử nghe ba vị đại sĩ được thọ ký, trước đó lại nghe kinh vua tối thượng, nên tâm hoan hỷ, sạch như hư không. Đức Thế tôn biết mười ngàn thiên tử ấy thiện căn thuần thục, nên cũng thọ ký cho sẽ được đại bồ đề. Rằng các thiên tử, trong vị lai, quá vô lượng vô số kiếp, các người sẽ ở nơi thế giới hệ Tối thắng nhân đà ra cao tràng mà thành tựu vô thượng bồ đề, cùng một dòng họ, cùng một danh hiệu. Danh hiệu ấy là Diệm mục thanh tịnh ưu bát la hương sơn như lai, đủ mười đức hiệu. Mười ngàn đức Như lai như vậy tuần tự tiếp nhau mà xuất hiện.

Bấy giờ Bồ đề thọ thần thưa, bạch đức Thế tôn, mười ngàn thiên tử này mới từ Đao lợi đến chỗ đức Thế tôn để nghe pháp, tại sao đức Thế tôn thọ ký liền cho sẽ thành Phật đà  ? Bạch đức Thế tôn, con chưa nghe những thiên tử này tu tập đầy đủ sáu ba la mật và những khổ hạnh khó làm như vô lượng bồ tát khác, xả bỏ tay chân, đầu mắt, tủy não, thân quyến, vợ con, voi ngựa, xe cộ, tôi tớ, bộc tùng, cung điện, vườn rừng, bạc vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, bích ngọc, bạch ngọc, đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm, dược phẩm, đem cúng phẩm hiến cúng vô số chư vị Thế tôn. Mà bồ tát thì phải làm như vậy, và ai cũng phải trải qua vô số kiếp, sau đó mới được thọ ký thành tựu vô thượng bồ đề. Bạch đức Thế tôn, các thiên tử này vì lý do nào, tu thắng hạnh gì, trồng thiện căn chi, mà từ Đao lợi đến đây, mới nghe pháp lại được thọ ký liền  ? Xin đức Thế tôn giải thích cho con khỏi hoài nghi.

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, theo thiện nữ nói thì phải từ thiện căn thắng diệu là siêng khổ tu tập mới được thọ ký. Nhưng các thiên tử này từ bỏ lạc thú ở thiên cung mà cố đến đây lắng nghe kinh Ánh sáng hoàng kim. Nghe rồi thiết tha tôn trọng kinh ấy. Tâm họ như lưu ly, không gợn dơ bẩn. Họ lại nghe sự thọ ký của ba vị đại sĩ. Họ còn có yếu tố thệ nguyện và chánh hạnh mà quá khứ đã tu tập lâu xa. Do vậy mà Như lai thọ ký cho trong vị lại sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Bồ đề thọ thần nghe đức Thế tôn giải thích như vậy thì hoan hỷ tín thọ.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 57]

Phẩm 24 – Chữa Trị Bịnh Khổ

Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần, hãy nghe cho kyլ hãy khéo nghĩ nhớ. Như lai nay nói cho thiện nữ nghe về bản nguyện của mười ngàn thiên tử.

Thiện nữ, quá khứ vô số kiếp, bấy giờ có đức Phật đà xuất hiện thế giới, danh hiệu Bảo kế như lai, đủ mười đức hiệu. Sau khi đức Như lai ấy nhập niết bàn, giáo pháp nguyên chất hết rồi, trong giáo pháp tương tự có một quốc vương tên Thiên tự tại quang, luôn luôn áp dụng chánh pháp mà hóa cải quốc dân, tựa như cha mẹ đối với con cái. Trong vương quốc có một trưởng giả tên Trì thủy, hiểu rành y học, thông suốt tám thuật. Ai bịnh khổ, tứ đại bất ổn, ông cứu chữa được cả.

Thiện nữ, Trì thủy trưởng giả có người con trai duy nhất, tên là Lưu thủy. Người đẹp, nghiêm chỉnh, ai cũng thích nhìn. Bẩm tính thông minh, quán triệt mọi luận thuyết và kyՠthuật. Bấy giờ trong vương quốc nhiều người bị bịnh truyền nhiễm, khổ sở đến nỗi không thích sống nữa. Thiện nữ, trưởng giả tử Lưu thủy thấy vậy thì sinh đại bi tâm, nghĩ như vầy. Bao nhiêu là người bịnh khổ ! Cha ta rành y học, khéo tám thuật, chữa được mọi bịnh do tứ đại hoặc thêm hoặc bớt. Nhưng cha ta già yếu rồi. Đi đâu cũng phải đỡ, làm sao đến được những nơi làng xóm thành thị mà chữa bịnh. Thế thì bao người bịnh nặng mà không ai cứu chữa. Vậy ta hãy đến chỗ cha ta, vị đại lương y, hỏi bí quyết chữa bịnh. Biết được bí quyết ấy, ta sẽ đi đến thành thị làng xóm mà cứu chữa cho người, làm cho họ an lạc. Trưởng giả tử nghĩ rồi tức tốc đến chỗ cha, lạy ngang chân ông, chắp tay cung kính, đứng qua một bên, dùng lời chỉnh cú mà thỉnh cầu.

(1) Xin cha thương tưởng con.
Con muốn cứu mọi người.
Nay con hỏi y thuật,
mong cha nói cho con.

(2) Tại sao thân suy hỏng,
tứ đại có thêm bớt  ?
Và ở vào lúc nào
thì bịnh tật sinh ra  ?

(3) Ăn uống như thế nào
để hưởng được yên vui  ?
Làm sao trong cơ thể
nhiệt lực không suy tổn  ?

(4) Bịnh con người có bốn,
có bịnh phong, nhiệt, đàm,
lại có bịnh hỗn hợp,
làm sao trị liệu được  ?

(5) Lúc nào nổi bịnh phong  ?
lúc nào phát bịnh nhiệt  ?
lúc nào động bịnh đàm  ?
lúc nào bịnh hỗn hợp  ?

Trì thủy trưởng gia nghe con hỏi rồi, cũng nói lại bằng chỉnh cú.

(6) Y theo phép chữa bịnh
của tiên nhân đời xưa,
cha tuần tự nói cho,
khéo nghe để cứu người.

(7) Ba tháng là mùa xuân,
ba tháng là mùa hè,
ba tháng là mùa thu,
ba tháng là mùa đông.

(8) Ấy là theo một năm
ba tháng một mà nói.
Hai tháng một một tiết
một năm thành sáu tiết :

(9) giêng hai là tiết hoa,
ba tư là tiết nóng,
năm sáu là tiết mưa,
bảy tám là tiết thu,

(10) chín mười là tiết lạnh
một chạp là tiết tuyết.
Phải phân biệt như vậy,
cho thuốc đừng sai chậy

(11) Tùy theo mùa tiết ấy
mà điều hòa ăn uống,
vào bụng tiêu hóa được,
mọi bịnh mới không sinh.

(12) Khí hậu nếu thay đổi
thì tứ đại biến động,
bấy giờ mà không thuốc
thì tất sinh bịnh khổ.

(13) Thầy thuốc biết bốn mùa,
lại biết về sáu tiết,
biết bảy phần cơ thể
thì cho thuốc không sai.

(14) Bảy phần là vị ([97]), máu,
thịt, mỡ, xương, tủy, não.
Biết bịnh nhập bảy phần
lại biết chữa được không.

(15) Bịnh thì có bốn loại :
các loại phong, nhiệt, đàm,
và loại bịnh hỗn hợp,
nên biết lúc chúng phát :

(16) mùa xuân phát bịnh đàm
mùa hè phát bịnh phong,
mùa thu phát bịnh nhiệt,
mùa đông biểnh hỗn hợp.

(17) Xuân ăn chất nóng cay,
hè béo nóng mặn dấm,
thu ăn lạnh ngọt béo,
đông ăn chát béo ngọt.

(18) Trong bốn mùa như vậy,
dùng thuốc và ăn uống
theo như mùi vị ấy,
bịnh không lý do sinh.

(19) Sau ăn bịnh do đàm,
ăn tiêu bịnh do nhiệt,
sau tiêu bịnh do phong,
cứ thế nhận thức bịnh.

(20) Nhận thức gốc bịnh rồi,
tùy bịnh mà cho thuốc.
Nếu bịnh trạng khác đi,
cũng chữa cái gốc trước.

(21) Phong thì dùng dầu, kem,
nhiệt thì lợi đại tiểu,
đàm thì hóa, thông, thổ,
hỗn hợp thì cả ba.

(22) Phong nhiệt đàm cùng có,
thế gọi là hỗn hợp.
Tuy biết lúc bịnh phát,
cũng phải xét gốc bịnh.

(23) Xét biết như vậy rồi,
tùy lúc mà cho thuốc.
Ăn, uống, thuốc, không sai,
mới gọi thầy thuốc giỏi.

(24) Lại nữa biết tám thuật
bao quát mọi cách chữa.
Nếu hiểu rõ tám thuật
hãy chữa bịnh cho người.

(25) Tám thuật là châm chích,
giải phẫu, chữa thân bịnh,
chữa tâm bịnh, trúng độc,
khoa nhi với khoa lão,
sau hết là dưỡng sinh,
[đó, tám thuật chữa bịnh].

(26) Trước xem xét hình sắc,
nói năng và tánh tình,
sau hỏi đến chiêm bao,
thì biết phong nhiệt đàm.

(27) Khô ốm đầu ít tóc,
tâm tính không ổn định,
nói nhiều mộng bay đi,
đó là thuộc loại phong.

(28) Tuổi trẻ mọc tóc trắng,
nhiều mồ hôi, hay giận,
thông minh, mộng thấy lửa,
đó là thuộc loại nhiệt.

(29) Tâm ổn, thân ngay thẳng,
nghĩ kyլ đầu nhờn, cáu,
mộng thấy nước, vật trắng,
đó là thuộc loại đàm.

(30) Hỗn hợp thì có chung,
chung hai hay chung ba,
và hễ loại nào nhiều
là tính bịnh hỗn hợp.

(31) Biết gốc, đặc tính bịnh,
chuẩn bịnh mà cho thuốc.
Nhưng thấy không tướng chết
mới rõ bịnh cứu được.

(32) Giác quan thì thác loạn,
khinh khi thầy thuốc giỏi,
thấy bạn thân cũng giận,
đó là hiện tượng chết.

(33) Mắt trái biến màu trắng
lưỡi đen, sống mũi lệch,
vành tai không như cũ,
môi dưới thì xệ xuống ([98])

(34) Ha lê lặc một thứ
có đủ cả sáu vị,
trừ được tất cả bịnh,
là thuốc vua, không kị.

(35) Lại ba trái ba cay ([99])
là thuốc dễ có được,
đường cát, mật ong, sữa,
cũng chữa được nhiều bịnh.

(36) Ngoài ra, dược liệu khác,
tùy bịnh mà thêm vào.
Nhưng trước phải từ tâm,
đừng mưu tính tài lợi.

(37) Cha đã nói những việc
cần cho sự chữa bịnh.
Con đem ra cứu người
thì phước sẽ vô biên.

Thiện nữ, bấy giờ trưởng giả tử Lưu thủy đích thân hỏi và nghe cha nói về tám thuật, về tứ đại thêm bớt, về thời tiết bất đồng, về cách cho thuốc. Hiểu biết rành rẽ rồi, trưởng giả tử tự xét kyՠmình đủ sức cứu chữa mọi bịnh. Bèn đi đến thành thị thôn xóm, chỗ nào có bịnh nhân cũng đến, dịu ngọt an ủi, và rằng tôi là thầy thuốc, tôi là thầy thuốc, tôi rành thuốc chữa bịnh. Tôi sẽ chữa cho các người lành mạnh. Thiện nữ, bấy giờ người ta nghe trưởng giả tử an ủi, hứa chữa bịnh cho, thì bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng nghe lời ấy cũng phấn chấn thân tâm, vui mừng hiếm có. Do vậy mà bịnh khổ tiêu tan, khí lực sung mãn, bình phục như cũ. Thiện nữ, bấy giờ lại có bao nhiêu bịnh nhân trầm trọng mà khó cứu chữa, tức thì đến chỗ trưởng giả tử xin chữa thêm. Trưởng giả tử tức thì cho thuốc, bảo dùng, và ai cũng lành cả. Thiện nữ, cứ như thế, trưởng giả tử Lưu thủy chữa lành cho bao nhiêu bịnh nhân ở trong vương quốc.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 58]

Phẩm 25 – Truyện Của Lưu Thủy

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ, xưa kia, trưởng giả tử Lưu thủy chữa cho bao nhiêu bịnh nhân trong vương quốc của quốc vương Thiên tự tại quang, làm cho ai cũng bình phục, yên vui. Bấy giờ vì hết bịnh nên con người làm nhiều phước nghiệp, làm rộng huệ thí, và tự lấy thế làm vui. Họ cùng đến chỗ trưởng giả tử. Ai cũng tôn kính mà thưa, lành thay đại trưởng giả tử ! Ngài khéo làm tươi tốt và lớn lên những sự phước đức. Ngài đem thêm sự yên ổn và sống lâu cho chúng tôi. Ngài thật là thầy thuốc vĩ đại, là bồ tát từ bi, giỏi y học và chữa bịnh. Khen như vậy khắp cả thành thị thôn xóm.

Thiện nữ, trưởng giả tử có vợ tên Thủy kiên tạng, có hai người con, một tên Thủy mãn, một tên Thủy tạng. Trưởng giả tử đem hai con du hành, qua khu chằm trống, chỗ sâu hiểm, thấy những cầm thú ăn thịt đều bay và chạy theo một hướng. Ông nghĩ tại sao những cầm thú này bay chạy về một phía  ? Ta nên đi theo coi. Ông tức khắc đi theo, thấy nơi hồ lớn, hồ Dã sinh, nước sắp cạn hết. Trong hồ có nhiều cá. Thấy vậy nên ông sinh tâm đại bi. Bấy giờ có một thọ thần hiện ra nửa mình, nói lành thay thiện nam tử. Ông có phải là người thật tên Lưu thủy thì hãy thương hồ cá này mà cho chúng nước. Lưu thủy là cái tên có hai lý do, một là làm nước chảy, hai là đem cho nước. Ông nên làm theo tên mình. Trưởng giả tử Lưu thủy hỏi thọ thần, hồ cá này có mấy con  ? Thọ thần nói, đúng mười ngàn. Thiện nữ, Ông nghe con số ấy thì càng thương. Hồ lại bị phơi nắng, nước còn không bao nhiêu. Mười ngàn cá sắp chết, xoay trở lội chậm, thấy trưởng giả tử thì như có hy vọng, nhìn theo không rời. Ông thấy vậy, chạy khắp bốn phía kiếm nước mà không có. Trông qua một bên thấy có đại thọ, tức thì trèo lên bẻ nhánh lá mà làm bóng mát. Rồi đi tìm xuất xứ của nước hồ này. Thì thấy đó là con sông lớn tên Thủy sinh. Bấy giờ bờ sông có những ngư dân, vì bắt cá nên tìm chỗ hiểm của thượng lưu sông ấy, xoi nước [cho chảy qua chỗ khác] mà không cho chảy xuống. Chỗ họ xoi thật khó đắp lại cho chóng. Ông nghĩ, chỗ này sâu hiểm, cả trăm cả ngàn người, mất vài ba tháng, cũng chưa lấp được, huống chi mình ta. Trưởng giả tử tức tốc trở về hoàng thành mình ở, đến chỗ quốc vương, đem cả đầu mặt lạy ngang chân, rồi đứng qua một bên, chắp tay cung kính mà tâu, hạ dân đã chữa bịnh cho cả quốc dân, làm cho ai cũng lành mạnh. Vừa rồi hạ dân du hành đến khu chằm trống, thấy hồ Dã sinh sắp khô nước. Mười ngàn cá trong đó bị phơi nắng, sắp chết. Kính xin đại vương thương mà cho hai mươi con voi lớn, tạm chở nước tới cứu mạng chúng — như hạ dân đã đem sự sống lại cho bao bịnh nhân. Quốc vương nghe vậy, tức tốc hạ lịnh cho đại thần, rằng đem ngay voi lớn cấp cho ông vua thầy thuốc này. Đại thần tuân lịnh, thưa trưởng giả tử, lành thay đại sĩ, ngài nên tự theo đến chuồng voi mà tùy ý chọn lấy hai mươi con lớn để lợi ích chúng sinh. Trưởng giả tử, với hai người con, dẫn hai mươi con voi lớn, với bao da đã mượn, đến ngay chỗ nước bị xoi, đem bao da chứa nước cho voi mang về hồ Dã sinh mà đổ. Và nước lại đầy như cũ.

Thiện nữ, trưởng giả tử lúc ấy đi ven theo bốn phía bờ hồ mà nhìn, thấy đám cá cũng theo bờ hồ mà lội. Ông nghĩ, đám cá tại sao cứ lội theo ta  ? Tất chúng đói nên theo ta kiếm ăn đây. Ta nên cho chúng. Ông bảo hai con, hãy đem con voi mạnh nhất, chạy mau về nhà, thưa với ông nội, trong nhà có gì ăn được, kể cả phần ăn của ông bà, của mẹ con các con, của tôi tớ, đều gom lại chở đến đây. Theo lời cha bảo, hai người con cỡi voi mạnh nhất, chạy về thưa chuyện với ông nội, thu gom những gì ăn được đặt trên lưng voi, đi mau trở lại chỗ cha đang chờ bên hồ. Ông thấy con trở lại thì cả thân ông và tâm ông đều mừng rỡ, đem đồ ăn vãi khắp trong hồ.

Thiện nữ, đám cá ăn no rồi, ông lại nghĩ, ngày nay ta cho đám cá này thực phẩm, nguyện đời sau ta cho đám cá này pháp thực. Lại nghĩ, ngày trước, nơi khu rừng trống vắng, ta đã thấy một vị Bí sô đọc tụng kinh đại thừa, nói về cái pháp sâu xa là mười hai duyên khởi. Kinh ấy lại nói, chúng sinh sắp chết mà nghe danh hiêểu đức Bảo kế như lai thì được sinh chư thiên. Ta nay nên vì mười ngàn cá này mà nói mười hai duyên khởi sâu xa, lại niệm cho chúng hồng danh đức Bảo kế như lai. Nhưng người đại lục Thiệm bộ có hai loại, có loại thâm tín đại thừa, có loại phỉ báng không tin. Ta cũng nên phát sinh và tăng trưởng tín tâm cho loại này. Ông nghĩ ta nên vào trong hồ nói diệu pháp cho đám cá. Nghĩ rồi, ông bước xuống nước, xướng lớn : Kính lạy đức Bảo kế như lai đã nhập niết bàn, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời. Đức Bảo kế như lai, xưa kia, khi làm việc làm bồ tát, có lời nguyện như vầy : mười phương quốc độ, bao nhiêu chúng sinh có ai sắp chết mà nghe được danh hiệu của Như lai, thì chết rồi được sinh Đao lợi. Trưởng giả tử lại nói diệu pháp cho đám cá. Diệu pháp ấy là sự thể này có thì có sự thể kia, sự thể này sinh thì sinh sự thể kia, đó là vô minh sinh nên sinh hành, cho đến sinh sinh nên sinh già bịnh chết ; sự thể này không thì không sự thể kia, sự thể này diệt thì diệt sự thể kia, đó là vô minh diệt nên diệt hành, cho đến sinh diệt nên diệt già bịnh chết. Và thế là cái khối đau khổ thuần túy và cùng cực hủy diệt tất cả. Trưởng giả tử nói diệu pháp này rồi, lại nói minh chú thích ứng với mười hai duyên khởi : Tát da tha, vi cha ni, vi cha ni, vi cha ni, săm sơ cha ni, săm sơ cha ni, săm sơ cha ni, bi si ni, bi si ni, bi si ni, soa ha ; tát da tha, na mi ni, na mi ni, na mi ni, soa ha ; sa ti ni, sa ti ni, sa ti ni, soa ha ; si pri sa ni, si pri sa ni, si pri sa ni, soa ha ; tát da tha, vê đa ni, vê đa ni, vê đa ni, soa ha ; tri si ni, tri si ni, tri si ni, u pa đi ni, u pa đi ni, u pa đi ni, soa ha ; tát da tha, ba vi ni, ba vi ni, ba vi ni, soa ha ; tát da tha, ja ti ni, ja ti ni, ja ti ni, soa ha ; jăm ma ni ni, jăm ma ni ni, jăm ma ni ni, soa ha. (Tadyatha vicani vicani vicani samscani samscani samscani bhisini bhisini bhisini svaha, tadyatha namini namini namini svaha, satini satini satini svaha, sprsani sprsani sprsani svaha, tadyatha vedani vedani vedani svaha, trsni trsni trsni upadhini upadhini upadhini svaha, tadyatha bhavini bhavini bhavini svaha, tadyatha jatini jatini jatini svaha, jammanini jammanini jammanini svaha).

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 59]

Bấy giờ, khi đức Thế tôn nói cho đại hội truyện xưa của trưởng giả tử Lưu thủy, thì bộ chúng nhân loại và bộ chúng chư thiên đều than là sự chưa từng có. Bốn vị Thiên vương cùng ở nơi chỗ họ ngồi, khác miệng cùng tiếng mà nói như vầy :

(1) Lành thay đức Thích tôn !
nói minh chú diệu pháp,
sinh phước và diệt tội,
thích ứng mười hai chi.

(2) Chúng con cũng nói chú
hộ trì diệu pháp ấy.
Ai chống đối trái nghịch
không khéo tùy thuận theo,

(3) thì đầu vỡ làm bảy
tựa như ngọn lan hương.
Đối trước đức Thế tôn
chúng con nói minh chú :

Tát da tha, hi ri ni, ga tê, găn đa ri, chăn đa ni, đi ri, jăm va rê, si hi ba rê, pu rê, pu rê, gu gu ma ti, khi ra ma ti, đa đim mu khi, lau ru ba, mu ru ba, ku cha mu ru kăn tê, đu ru, đu ru, đu ru, vi ri da, ai đi si, đa đê vê, đa đa vê, út tri, út tra va ti, ăn sa pra ha ti, pát ma va ti, ku su ma va tê, soa ha. (Tadyatha hirini gate gandhari candari dhiri jamvare sihibhare pure pure gugumati khiramati dadhimukhi laurubha murubha kucamurukante duru duru duru virya aidhisi dadheve dadhave ustri ustravati ansaprahati padmavati kusumavate svaha).

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ, bấy giờ trưởng giả tử Lưu thủy với hai con cho nước cho ăn bầy cá trong hồ, lại thuyết Pháp niệm Phật cho chúng rồi, cùng nhau về nhà. Sau đó, nhân có cuộc hội họp, ông nghe nhạc, say rượu mà nằm. Còn mười ngàn cá thì cùng lúc chết với nhau, sinh Đao lợi thiên, nghĩ rằng chúng ta vì thiện nghiệp nào mà sinh lên cõi trời này  ? Họ nói với nhau, trước đây chúng ta đọa vào loài bàng sinh ở đại lục Thiệm bộ, làm thân cá tất cả. Nhờ trưởng giả tử Lưu thủy cho chúng ta nước và cho chúng ta ăn, lại thuyết cho chúng ta diệu pháp mười hai duyên khởi và minh chú tương ứng, niệm cho chúng ta hồng danh của đức Bảo kế như lai. Vì yếu tố này mà chúng ta được sinh lên đây. Bây giờ chúng ta phải đến chỗ trưởng giả tử Lưu thủy mà hiến cúng trả ơn. Mười ngàn thiên tử tức thì ẩn mất khỏi Đao lợi thiên, hiện đến chỗ đại y vương. Bấy giờ ông đang ngủ yên trên lầu cao. Mười ngàn thiên tử cùng nhau đem một xâu chuỗi mười ngàn hạt ngọc chân châu để bên khuôn mặt của ông, đem một xâu nữa đặt chỗ chân ông, đem một xâu nữa đặt bên hông phải, đem một xâu nữa đặt bên hông trái, rồi rải hoa mạn đà la và đại mạn đà la cao đến đầu gối, chiếu ánh sáng khắp cả, tấu thiên nhạc nhiệm mầu, làm cho đại lục Thiệm bộ ai đang ngủ cũng thức. Trưởng giả tử cũng thức. Mười ngàn thiên tử hiến cúng rồi lướt không gian mà bay, khắp cả quốc gia của quốc vương Thiên tự tại quang, chỗ nào họ cũng rải xuống hoa sen đẹp của chư thiên. Họ bay đến chỗ cũ, nơi hồ trong chằm trống, rải xuống các thứ thiên hoa. Rồi ẩn mất, trở về thiên cung, hưởng hạnh phúc tùy thích. Quốc vương Thiên tự tại quang sáng ngày hỏi đại thần, đêm qua vì gì mà bỗng nhiên có hiện tượng lành là ánh sáng phóng lớn  ? Đại thần tâu, xin đại vương biết cho, đó là có một chúng chư thiên đến nhà trưởng giả tử Lưu thủy, hiến bốn xâu chuỗi mỗi xâu có mười ngàn hạt ngọc chân châu, lại rải thiên hoa mạn đà la dày đến đầu gối. Quốc vương bảo đại thần, hãy đến nhà trưởng giả Trì thủy triệu trưởng giả tử Lưu thủy đến đây. Đại thần tuân lịnh, đến tuyên vương mạng mà mời ông. Ông đến chỗ quốc vương tức thì. Quốc vương hỏi, vì gì mà đêm qua hiện ra hiện tượng hiếm có  ? Ông tâu, theo hạ dân nghĩ, thì chắc chắn bầy cá trong hồ, như trong kinh dạy, đã chết và sinh lên Đao lợi, họ đến trả ơn nên có những hiện tượng hiếm có và kỳ lạ như vậy. Quốc vương nói làm sao biết được  ? Ông tâu, xin đại vương phái sứ giả đi với hai con hạ dân, đến ngay hồ ấy mà xét nghiệm coi ra sao  ? Mười ngàn cá chết hay sống  ? Quốc vương nghe vậy, tức thì phái sứ giả và hai con của ông đến ngay bên hồ. Thì thấy trong hồ có nhiều hoa mạn đà la, dồn thành đống lớn. Bầy cá đã chết cả. Thấy rồi chạy về tâu rõ với quốc vương. Quốc vương nghe thế, hoan hỷ hết sức, than là sự thể chưa bao giờ đã có.

Đức Thế tôn bảo Bồ đề thọ thần, thiện nữ nên biết, trưởng giả tử Lưu thủy xưa kia chính là bản thân Như lai. Trưởng giả Trì thủy nay là bồ tát Diệu tràng. Hai người con của trưởng giả tử thì con trưởng Thủy mãn nay là Ngân tràng, con thứ Thủy tạng nay là Ngân quang. Quốc vương Thiên tự tại quang thì chính là thiện nữ, Bồ đề thọ thần. Còn bầy cá mười ngàn chính là mười ngàn thiên tử đây. Vì xưa kia Như lai cho họ nước để họ sống, cho họ ăn để họ no, lại thuyết cho họ diệu pháp mười hai duyên khởi và minh chú thích ứng diệu pháp ấy, niệm cho họ hồng danh của đức Bảo kế như lai, do thiện căn như vậy mà họ sinh chư thiên, [và liên tiếp sinh chư thiên mãi]. Nay đến chỗ Như lai, hoan hỷ nghe pháp, và Như lai thọ ký cho họ thành tựu vô thượng bồ đề, nói cho họ biết danh hiệu của họ. Thiện nữ, xưa kia, trong sinh tử luân hồi mà Như lai vẫn làm lợi ích cho chúng sinh một cách rộng rãi. Đối với vô lượng chúng sinh, Như lai làm cho họ tuần tự thành thục vô thượng bồ đề và thọ ký cho họ. Các người hãy làm như Như lai, cần cầu giải thoát, đừng có phóng dật.

Đại hội lúc ấy nghe đức Thế tôn nói như vậy thì ai cũng hiểu rằng, phải do đại bi cứu giúp tất cả, siêng làm khổ hạnh, mới chứng được vô thượng giác. Ai cũng phát ra tâm nguyện sâu xa, tín thọ một cách hoan hỷ.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 60]

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – cuốn 10

Phẩm 26 – Xả Bỏ Thân Mạng

Nói cho đại hội về chuyện xưa của mười ngàn thiên tử rồi, đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần và đại hội, rằng trong quá khứ, Như lai đi theo đường đi bồ tát, chẳng những cho nước cho ăn để cứu mạng bầy cá, mà đến nỗi cái thân tiếc nuối cũng xả bỏ. Sự thể như vậy đáng cùng nhau quan sát.

Bấy giờ đức Thế tôn — bậc như lai ứng cúng chánh đẳng giác, bậc cao nhất tôn nhất trên trời dưới trời, bậc hàng trăm hàng ngàn ánh sáng chiếu khắp thế giới mười phương, bậc hoàn hảo nhất thế trí và viên mãn đại công đức — đem các vị Bí sô và cả đại hội đến khu dân cư Bát giá ra, đi vào một cánh rừng. Ở đây đất bằng phẳng, không có gai góc, hoa danh tiếng, cỏ mềm mại, bủa khắp mặt đất. Đức Thế tôn bảo trưởng lão A nan đà hãy trải tọa cụ cho Như lai dưới gốc cây kia. Trưởng lão vâng lời, trải tọa cụ rồi, thưa, bạch đức Thế tôn, con đã trải tọa cụ sắp chỗ ngồi rồi, xin đức Thế tôn biết cho đã đến lúc thích hợp. Đức Thế tôn đến ngồi xếp bằng trên chỗ ấy, thẳng mình, chính niệm, bảo các vị Bí sô, các vị muốn thấy xá lợi của Bồ tát khổ hạnh thời xưa không  ? Các vị Bí sô thưa, chúng con muốn thấy. Đức Thế tôn liền dùng cái tay trăm phước trang nghiêm mà ấn xuống đất. Tức thì đại địa chấn động với sáu hình thức, và nứt ra, một ngôi tháp thất bảo bỗng nhiên xuất hiện, phủ lên trên là mạng lưới kết ngọc. Đại hội thấy vậy lấy làm hiếm có. Đức Thế tôn tức thì đứng dậy khỏi chỗ Ngài ngồi, làm lễ bảo pháp, nhiễu quanh theo chiều bên phải, rồi trở lại chỗ ngồi, bảo trưởng lão A nan đà hãy mở cửa tháp. Trưởng lão mở ra, thấy có cái hộp thất bảo, được trang sức bằng những trân bảo kỳ lạ. Trưởng lão bạch đức Thế tôn, có cái hộp thất bảo, trang sức bằng các loại ngọc. Đức Thế tôn bảo hãy mở ra. Trưởng lão tuân mệnh, mở ra, thì thấy có xá lợi trắng như của đại sĩ lại đây. Trưởng lão A nan đà liền lấy xá lợi ấy kính trao cho đức Thế tôn. Ngài cầm lấy mà bảo các vị Bí sô, các vị hãy nhìn xá lợi của Bồ tát khổ hạnh. Ngài lại nói chỉnh cú :

(1) Đức cao của Bồ tát
tương ứng có tuệ giác,
dũng mãnh mà tinh tiến
viên mãn cả sáu độ.
Thường xuyên tu không ngừng
và chỉ vì bồ đề,
không rời sự kiên cố
tâm không có mệt mỏi.

Các vị Bí sô, hãy cùng nhau kính lạy xá lợi của Bồ tát. Xá lợi này được xông bởi vô lượng hương liệu giới định tuệ, là ruộng phước tối thượng, cực kỳ khó gặp. Các vị Bí sô, và cả đại hội, đều nhất tâm, chắp tay, cung kính mà đảnh lễ xá lợi ấy, tán dương hiếm có. Bấy giờ trưởng lão A nan đà bước tới, lạy ngang chân đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, Ngài là vị thầy cao cả, vượt trên hết thảy, được hết thảy chúng sinh tôn kính, tại sao lại lạy linh cốt xá lợi này  ? Đức Thế tôn dạy, trưởng lão A nan đà, Như lai nhờ xá lợi này mà tốc chứng vô thượng bồ đề. Để báo ơn xưa nên Như lai kính lạy. Ngài lại bảo, An nan đà, Như lai sẽ giải trừ hoài nghi cho trưởng lão, và cả đại hội, mà nói chuyện cũ của xá lợi này. Các người hãy khéo nghĩ, hãy chuyên nhất tâm trí mà nghe. Trưởng lão A nan đà thưa, chúng con ước muốn được nghe. Xin đức Thế tôn khai thị cho chúng con.

Đức Thế tôn dạy, trưởng lão A nan đà, quá khứ có một quốc vương tên Đại xa, giàu lớn, lắm của, kho lẫm đầy ắp, quân binh vũ dũng, ai cũng khâm phục. Quốc vương lại thường xuyên đem chánh pháp mà khai hóa đến cả những người đen đủi. Quốc dân đông đảo, không có giặc thù. Hoàng hậu sinh được ba con trai, đẹp, nghiêm, ai cũng thích nhìn. Thái tử tên Ma ha ba la, thứ tử tên Ma ha đề bà, ấu tử tên Ma ha tát đỏa. Bấy giờ quốc vương xuất du núi rừng. Ba vương tử cũng tùy tùng. Ham tìm hoa trái nên ba anh em tách ra, đi quanh quẩn đến nhằm khu rừng tre lớn, nghỉ ngơi ở đây. Vương tử thứ nhất nói, anh cảm thấy sợ hãi, chỗ này có mãnh thú hại chúng ta chăng  ? Vương tử thứ hai nói, chưa bao giờ em tiếc thân mình, chỉ sợ người thân có cái khổ biệt ly. Vương tử thứ ba thưa hai anh.

(2) Đây là nơi chốn
thần tiên cư trú.
Em không sợ hãi,
không khổ biệt ly.
Thân và tâm em
tràn ngập hoan hỷ,
cái điềm sẽ được
công đức đặc thù  !

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 61]

Ba vương tử nói linh tính mình rồi đi tới, thấy con cọp sinh bảy con. Sinh mới mấy ngày mà cọp mẹ bị bầy con quấn quýt nên đói khát, thân hình gầy ốm, có vẻ sắp chết. Vương tử thứ nhất nói cọp này thật đáng thương, bị con quấn quýt, không đi kiếm ăn được, đói quá chắc phải ăn đến con. Vương tử Tát đỏa hỏi anh, cọp mẹ này thường ăn thứ gì  ? Vương tử thứ nhất nói với em

(3) Cọp báo sói sư tử
chỉ ăn thịt máu nóng
chứ không ăn gì khác
mà qua cơn đói này.

Vương tử thứ hai nghe thế, nói con cọp này đói sắp chết, nhưng chúng ta làm sao kiếm được thực phẩm như anh nói  ? Ai chịu bỏ thân mạng mà cứu cơn đói của nó  ? Vương tử thứ nhất nói, không có gì khó bỏ cho bằng thân mình. Vương tử Tát đỏa nói, chúng ta tiếc nuối thân mạng, lại không trí tuệ, không làm được gì lợi cho kẻ khác. Nhưng bậc đại sĩ thì có đại bi tâm, thường vì lợi người mà bỏ mình. Vương tử Tát đỏa nghĩ riêng, thân ta đây hàng trăm hàng ngàn đời vất bỏ thối rã mà chẳng được ích gì, tại sao ngày nay ta không bỏ để cứu cái khổ cơn đói. Cả ba vương tử nói với nhau như trên kia, ai cũng thương xót, ái ngại nhìn cọp đói, bồi hồi bỏ đi. Nhưng vương tử Tát đỏa lại liên tiếp nghĩ riêng, nay chính là lúc thích đáng cho ta bỏ thân này. Tại sao  ?

(4) Vì xưa đến nay
ta giữ thân này,
cái thân xú uế
không thể thích được.
Ta cấp đồ nằm
cùng với đồ mặc,
cung đốn xe ngựa
và bao của quí.

(5) Nhưng thân hư rã
vì vốn vô thường,
cầu hoài không thỏa
giữ mãi vẫn chết.
Ta cung dưỡng nó
nó lại hại ta,
cuối cùng bỏ ta
chẳng biết ơn nghĩa !

Thêm nữa, thân này không bền, vô ích cho ta. Thân này đáng sợ như giặc, dơ bẩn như phân. Ngày nay ta sai cái thân này làm cái việc cao cả. Trong biển sinh tử, nó phải là thuyền tàu to lớn. Nó phải bỏ luân hồi, đạt đến giải thoát. Vương tử lại nghĩ, bỏ thân này là bỏ không ít ác bịnh và bao nhiêu kinh hãi. Thân này chỉ có phân giải. Nó mong manh như bóng nước. Nó, nơi sâu giòi tập hợp, sống chỉ vì gân cốt huyết mạch dính líu với nhau. Vậy ta nên bỏ, để cầu Niết bàn tối thượng và cứu cánh. Ở đó vĩnh biệt vô thường, vĩnh ly sinh tử, vĩnh đoạn trần lụy. Ở đó huân tu bằng định lực và tuệ lực, trang nghiêm với cả trăm phước đức. Ở đó hoàn thành nhất thế trí, chứng đắc diệu pháp thân. Hoàn thành và chứng đắc như vậy rồi đem cho chúng sinh vô biên pháp lạc. Vương tử Tát đỏa bấy giờ nổi dậy sự đại dũng mãnh, phát ra sự đại thệ nguyện, và tăng cường tâm mình bằng sự đại từ bi. Nhưng vương tử sợ hai anh lưu luyến sợ hãi mà cản trở, nên nói, hai anh đi trước, em đi sau một chút. Vương tử Ma ha tát đỏa liền trở lại khu rừng, đến chỗ cọp đói, thoát hết y phục mắc trên cây tre, phát nguyện như vầy.

(6) Ta vì chúng sinh
khắp cả pháp giới,
chí cầu Bồ đề
tuệ giác tối thượng.
Khởi tâm đại bi
không thể dao động,
mà bỏ cái thân
phàm phu luyến tiếc.

(7) Trạng huống Bồ đề
không có nóng bức,
ai người có trí
đều rất ưa thích.
Bao nhiêu chúng sinh
trong biển khổ lớn,
ta nguyện cứu vớt
đưa lên Bồ đề.

Vương tử phát nguyện như vậy rồi đến nằm buông mình trước cọp đói. Nhưng do uy thế từ bi của Bồ tát, cọp không làm gì được. Thấy vậy, Bồ tát chạy lên núi cao mà gieo mình xuống, thì thần tiên tiếp đỡ nên không thương tổn gì. Vương tử nghĩ, cọp đói lả, không ăn ta nổi. Liền đứng dậy tìm dao, dao không có. Nên vương tử lấy tre khô thích cổ chảy huyết, đi lại bên cọp. Bấy giờ đại địa chấn động với sáu hình thức, như gió khích nước, vọt lên dội xuống không yên. Mặt trời không sáng, như bị la hầu che. Khắp nơi mờ tối, không còn ánh sáng. Chư thiên rải xuống danh hoa và diệu hương khắp cả khu rừng. Trong không gian, chư thiên nhìn cảnh tượng như vậy thì tâm tùy hỷ, than hiếm có, cùng khen lành thay bậc đại sĩ ! Họ ca tụng

(8) Đại sĩ vận dụng
đại bi cứu vật,
nhìn toàn chúng sinh
coi như con một ;
mạnh mẽ hoan hỷ,
lòng không tiếc nuối,
xả thân cứu khổ,
việc thật khó lường !

(9) Quyết định đạt đến
chân thường siêu việt,
thoát bỏ sinh tử
mọi thứ buộc ràng ;
mau chóng chứng được
tuệ giác Bồ đề,
vắng lặng yên vui
thể hiện Vô sinh.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 62]

Bấy giờ cọp đói ngửi thấy huyết từ cổ Bồ tát chảy ra thì liếm lấy, và ăn hết thịt Bồ tát, còn lại chỉ có xương.

Vương tử thứ nhất thấy đất động thì nói với em hai

(10) Đại địa núi sông
chấn động tất cả,
bốn phía mờ tối
không ánh mặt trời,
thiên hoa rơi xuống
khắp cả không gian,
chắc chắn là điềm
em ba bỏ mình.

Vương tử thứ hai nghe anh nói rồi, tự nói chỉnh cú

(11) Em nghe Tát đỏa
nói lời từ bi,
khi thấy cọp đói
thân thể ốm xọp,
đói hành nó quá
chắc ăn cả con.
Em nghi em ba
xả thân mất rồi.

Vương tử thứ hai rất buồn rầu đau khổ, khóc lóc than thở. Tức khắc cùng anh trở lại chỗ cọp. Thì thấy y phục của em treo để trên tre, còn xương với tóc thì vung vãi ra. Máu thấm đỏ cả đất. Thấy thế ngất đi, không tự chủ được. Rơi mình trên xương em, hồi lâu mới tỉnh, dơ tay, kêu gào, khóc lớn, than thở :

(12) Em ta dung mạo đẹp,
cha mẹ thương hơn hết,
tại sao cùng ra đi
giờ bỏ mình, không về !

(13) Nếu cha mẹ ta hỏi,
ta phải nói thế nào  ?
Thà ta cùng bỏ mình,
chứ sống để làm gì  ?

Hai anh em vương tử khóc lóc áo não, tạm rời mà về. Trong khi những kẻ tháp tùng của vương tử út thì bảo nhau, vương tử đi đâu, chúng ta phải tìm.

Còn hoàng hậu thì ngủ trên lầu cao. Trong mộng thấy hiện tượng bất tường. Nhũ bộ bị cắt cả đôi. Răng rụng hết. Được ba con bồ câu non, một con bị cắt bắt, hai con kinh hoàng. Khi động đất, hoàng hậu thức, thì trong lòng sầu não :

(14) Tại sao hôm nay
đại địa chấn động,
sông ngòi rừng rú
đều rung lắc cả,
mặt trời mờ tối
như bị che khuất,
mắt máy vú động
khác hơn ngày thường  ?

(15) Tim như trúng tên
lo sợ bức xúc,
cả người run rẩy
không kềm chế được.
Hiện tượng bất tường
mà ta mộng thấy,
tất có tai biến
phi thường nào đây !

Nhũ bộ của hoàng hậu bỗng nhiên chảy sữa. Bà nghĩ tất có biến quái. Bấy giờ thị nữ nghe người ngoài nói tìm vương tử chưa được thì sợ quá, tức tốc vào tâu với hoàng hậu, rằng xin hoàng hậu biết cho, ở ngoài người ta bổ ra đi tìm vương tử khắp cả mà chưa thấy. Hoàng hậu nghe thế càng lo sợ, nước mắt đầy tròng, đến chỗ quốc vương mà tâu : Đại vương, thần thiếp nghe người ngoài nói đứa con nhỏ nhất mà chúng ta thương nhất đã mất đâu rồi. Quốc vương nghe thì kinh hoàng, nấc lên : Khổ quá, ta mất đứa con yêu thương rồi. Nhưng ông phải lau nước mắt mà an ủi hoàng hậu : Hiền thủ, đừng khóc nữa. Chúng ta cùng đi tìm đứa con yêu thương của chúng ta. Rồi ông cùng hoàng hậu và thần dân ra khỏi hoàng thành, phân tán tìm tòi khắp nơi. Một lát, một đại thần bước tới, tâu rằng đã nghe các vương tử hãy còn, xin vương thượng đừng lo. Chỉ vương tử nhỏ nhất thì tìm chưa thấy mà thôi. Quốc vương nghe vậy, than thở khổ thay cho ta, ta mất đứa con thương yêu nhất rồi !

(16) Khi mới có con
ta vui mừng ít,
giờ con mất đi
ta khổ sở nhiều.
Ai làm con ta
sống còn lại được,
thì mất mạng ta
ta cũng không khổ.

Hoàng hậu nghe thì như bị trúng tên bắn, than thở

(17) Con ta ba đứa
đi với thị tùng,
cùng vào trong rừng
thưởng ngoạn cảnh trí.
Giờ đứa nhỏ nhất
mình nó không về,
chắc chắn có điều
tai biến mất rồi !

Kế tiếp, vị đại thần thứ hai đến chỗ quốc vương, vương hỏi ngay, con ta đâu  ? Đại thần áo não, lưỡi khô, cổ rát, miệng không nói được, không biết trả lời làm sao. Hoàng hậu bảo

(18) Thượng quan nói gấp,
con ta ở đâu  ?
Ta nóng cả người
như thiêu như đốt,
kinh hoàng hoảng hốt
mất cả bình tâm,
đừng để bụng ta
rách vỡ cả ra !

Vị đại thần phải đem việc vương tử xả thân mà tâu quốc vương. Quốc vương với hoàng hậu nghe rồi, bi thiết không thể chịu nổi, nhắm chỗ vương tử xả thân mà chạy tới. Đi đến rừng tre, chỗ Bồ tát xả thân. Thấy xương vung vãi, ai cũng gieo mình xuống đất, cơ hồ sắp chết. Họ như đại thọ bị gió mạnh xô ngã. Họ bất tỉnh. Đại thần rưới nước, một lát tỉnh lại. Họ lại dơ tay, khóc, than :

(19) Tai họa cho con !
con đẹp đẽ lắm !
tại sao cái chết
áp bức con trước  ?
Phải chi nếu cha
được chết trước con
thì đâu phải thấy
khổ quá thế này !

Hoàng hậu hơi tỉnh, lại đầu bù tóc rối, hai tay đấm bụng, quằn quại dưới đất. Như cá trên đất, như bò mất con, hoàng hậu buồn thảm :

(20) Ai giết mất con ta
mà chỉ còn xương cốt  ?
ta mất con yêu thương
bi thiết chịu sao nổi !

(21) Ai giết mất con ta
gây ra cảnh bi thảm  ?
lòng ta phi kim cương
làm sao không tan nát !

(22) Trong mộng ta đã thấy
nhũ bộ ta bị cắt,
răng cũng rụng mất cả,
nay khổ quá thế này !

(23) Lại mộng ba bồ câu
một bị cắt bắt đi,
ra ta mất con quí,
ác mộng thật không sai !

Bấy giờ quốc vương, cùng hoàng hậu với hai con, ai cũng gào khóc, bỏ cả chuỗi ngọc. Họ cùng quốc dân thu nhặt xá lợi của Bồ tát, tôn trí trong tháp để hiến cúng. Trưởng lão A nan đà, các người nên biết, đây là xá lợi ấy của Bồ tát.

Đức Thế tôn lại bảo trưởng lão A nan đà, xưa kia, Như lai đủ cả tham sân si, mọi thứ phiền não, vậy mà ngay trong năm nẻo đường dữ, Như lai vẫn tùy cảnh ngộ cứu vớt chúng sinh ra khỏi chỗ ấy ; huống chi nay đây Như lai đã hết cả phiền não, thói quen cũng không còn, được gọi là bậc Thiên nhân sư, đủ Nhất thế trí, mà không thể vì mỗi một chúng sinh trải qua nhiều kiếp ở ngay trong địa ngục, và bao chỗ khác, thay họ chịu khổ, làm cho họ thoát ly sinh tử, phiền não và luân hồi hay sao.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 63]

Bấy giờ đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(24) Như lai nhớ quá khứ
vô lượng vô số kiếp,
khi thì làm quốc vương
khi thì làm vương tử.

(25) Thường làm bố thí lớn,
cho cả thân đáng tiếc,
nguyện thoát sinh tử khổ
đi đến đại bồ đề

(26) Xưa có quốc gia lớn
quốc vương tên Đại xa,
vương tử tên Dũng mãnh
bố thí không tiếc lẫn.

(27) Vương tử có hai anh
Đại cừ với Đại thiên.
Ba anh em xuất du,
đi lần vào núi rừng.

(28) Thấy cọp mẹ bị đói
thì nghĩ như thế này,
cọp bị đói hành hạ
mà không có gì ăn.

(29) Đại sĩ thấy như thế
sợ nó ăn con nó,
nên xả thân không tiếc
để cứu cả mẹ con.

(30) Đại địa và núi non
đồng thời chấn động cả,
sông biển cũng sôi sục
sóng dữ mà nước ngược.

(31) Trời đất mất ánh sáng
mờ tối không thấy gì.
Cầm thú rừng, đồng nội
bay chạy mất chỗ ở.

(32) Hai anh quái mất em
lo buồn đến bi thảm,
tức khắc cùng thị tùng
tìm khắp cả lùm rừng.

(33) Hai anh bàn với nhau
hãy trở lại núi sâu,
nhìn quanh không có em
chỉ thấy con cọp đói.

(34) Cọp mẹ với bảy con
miệng toàn có vấy máu,
còn xương tàn với tóc
thì vung vãi mặt đất.

(35) Lại thấy có huyết chảy
dính nhằm mấy cây rừng.
Hai anh thấy như thế
lòng sinh đại sợ hãi.

(36) Ngã đất mà chết giấc
mê man hết biết gì,
bụi đất lấm cả người
giác quan mất ý thức.

(37) Thị tùng hai vương tử
khóc lóc lòng lo sợ,
lấy nước rưới tỉnh lại
lại dơ tay gào khóc.

(38) Khi Bồ tát bỏ mình
thì mẹ ở trong cung,
cùng năm trăm thế nữ
đang hưởng thụ vui thú.

(39) Hai nhũ bộ hoàng hậu
bỗng nhiên chảy sữa ra,
cả người như kim chích
đau đớn rất bất an.

(40) Đột nhiên nghĩ mất con
sợ như tim trúng tên,
tức khắc tâu vua hay
nỗi khổ bà đang có.

(41) Khóc lóc không nhịn được
thảm thiết nói với vua,
vua nên biết cho thiếp
thiếp đang khổ vô cùng.

(42) Nhũ bộ bỗng chảy sữa
ngưng lại cũng không được,
cả mình như kim chích
nóng bực bụng muốn vỡ.

(42) Điềm ác mộng trước đây
biết chắc mất con yêu.
Xin vua cứu mạng thiếp
tìm biết con còn mất.

(44) Mộng thấy ba bồ câu
nhỏ nhất là con cưng,
bỗng bị cắt bắt mất
đau buồn khó nói hết.

(45) Thiếp ngập trong lo sợ
đi mau đến cái chết,
e con không toàn mạng
xin vua đi tìm gấp.

(46) Lại nghe người ngoài nói
con út tìm không thấy,
lòng thiếp rất bồn chồn
xin vua thương xót thiếp !

(47) Hoàng hậu tâu vua rồi
cả người quị xuống đất,
đau đớn tâm mê man
hôn mê hết hay biết.

(48) Thế nữ thấy hoàng hậu
ngất xỉu xuống mặt đất
thì cất tiếng khóc lớn
bàng hoàng mất chỗ dựa.

(49) Vua nghe hoàng hậu nói
cũng lo không chịu nổi,
ra lịnh cho quần thần
tìm kiếm con thương nhất.

(50) Vua tôi ra hoàng thành
chia nhau mà truy tìm,
gặp ai cũng khóc hỏi
thấy vương tử ở đâu.

(51) Vương tử còn hay mất  ?
ai biết đi chỗ nào  ?
làm sao cho ta thấy
giải cho ta lo sợ.

(52) Ai cũng nghe nói chuyền
rằng vương tử chết rồi.
Ai nghe cũng thương cảm
buồn đau khó chế ngự.

(53) Bấy giờ Đại xa vương
kêu than mà đứng dậy
đến chỗ hoàng hậu ngất
lấy nước rưới thân bà.

(54) Hoàng hậu được nước rưới
lát lâu mới hồi tỉnh,
khóc thảm mà hỏi vua
con của thiếp còn không  ?

(55) Vua nói với hoàng hậu
ta đã phái mọi người
bốn hướng tìm vương tử
nhưng chưa có tin tức.

(56) Vua lại bảo hoàng hậu
hậu đừng quá phiền muộn,
cố bình tỉnh một chút
để cùng đi tìm con.

(57) Vua cùng với hoàng hậu
xa giá đi mau tới,
với tiếng kêu thê thảm
lo như lửa đốt lòng.

(58) Cả ngàn vạn dân chúng
cùng đi theo nhà vua,
cùng muốn tìm vương tử,
tiếng kêu than không ngớt.

(59) Vua cố tìm con yêu,
mắt nhìn cả bốn phía,
thấy một người bước đến,
tóc xõa mình đầy máu,

(60) khắp mình dính đất bụi,
buồn khóc đi ngược lại.
Vua thấy ác tướng ấy
càng nóng ruột lo sợ.

(61) Vua giơ cả hai tay
gào thảm không tự chế.
Vị đại thần thứ nhất
vội vàng đến chỗ vua,

(62) gắng gượng mà tấu bạch,
xin đừng quá bi thương,
vương tử vua thương nhất,
hiện vẫn chưa tìm được,

(63) nhưng lát nữa chắc đến
để giải lo cho vua.
Vua lại đi tới nữa
gặp đại thần thứ hai.

(64) Vị này đến chỗ vua
chảy nước mắt mà tâu,
hai vương tử hiện còn
nhưng đang bị quá lo.

(65) Còn vương tử thứ ba
vô thường nuốt mất rồi.
Cọp đói mới sinh con
sắp ăn chính con nó.

(66) Tiểu vương tử Tát đỏa
thấy vậy lòng thương xót,
nguyện cầu đạo vô thượng
quảng độ cho tất cả.

(67) Chuyên tâm đại bồ đề
rộng sâu như biển cả,
nên lên trên núi cao
gieo mình trước cọp đói.

(68) Cọp yếu nên không thể
vồ mà ăn vương tử,
vương tử phải dùng tre
tự thích cổ đổ máu.
Cọp liếm, ăn vương tử,
chỉ còn lại xương cốt.

(69) Vua cùng với hoàng hậu
nghe rồi cùng ngất xỉu,
lòng ngập trong đau thương
trong lửa dữ phiền não.

(70) Đại thần lấy nước hương
rưới vua và hoàng hậu,
hồi tỉnh lại thét gào
tự tay đấm ngực bụng.

(71) Vị đại thần thứ ba
tâu vua như thế này,
đã thấy hai vương tử
ngất xỉu ở trong rừng.

(72) Hạ thần rưới nước lạnh
hai vương tử mới tỉnh,
nhìn khắp cả bốn phía
thấy như lửa lan tràn.

(73) Nên dậy rồi lại ngã,
gào khóc không ngưng nổi,
và giơ tay mà than
em tôi thật hiếm có.

(74) Vua nghe nói như vậy
lo càng nung nấu hơn.
Hoàng hậu gào lớn lên
mà than vãn như vầy.

(75) Con út của ta
ta thương xiết bao,
nay thì đã bị
quỉ chết nuốt rồi !
Hai đứa con lớn
tuy vẫn hiện còn,
nhưng bị thiêu đốt
bởi lửa lo buồn.

(76) Ta phải đi mau
đến dưới núi kia,
an ủi cho chúng
bảo tồn mạng sống.
Hoàng hậu tức khắc
rong xe đi tới,
cố mong đến gấp
chỗ út bỏ mình.

(77) Trên đường gặp con
vừa đi vừa khóc,
đấm bụng áo não
mất hết uy phong.
Cha mẹ thấy vậy
buồn thảm ôm con,
cùng vào núi rừng
chỗ út bỏ mình.

(78) Khi đến cái chỗ
Bồ tát xả thân,
cả nhà gào khóc
đau đớn cùng cực,
cởi bỏ chuỗi ngọc,
cùng nhau bi thương
thu nhặt xương cốt
của thân Bồ tát.

(79) Rồi cùng mọi người
chung nhau hiến cúng :
đem xá lợi trên
đặt trong hộp này,
xây dựng tại đó
ngôi tháp thất bảo,
mới về hoàng thành
với sự đau buồn.

(80) Trưởng lão A nan đà,
Tát đỏa xưa kia ấy
nay là ta, Mâu ni,
đừng nghĩ là ai khác.

(81) Quốc vương là Tịnh phạn,
hoàng hậu là Ma da,
thái tử là Từ thị,
thứ tử là Mạn thù,

(82) Cọp là Đại thế chúa ([101]),
năm con : năm Bí sô ([102]),
một nữa : Mục kiền liên
một nữa : Xá lợi phất.

(83) Như lai nói việc cũ
để thấy phải lợi tha
mới là bồ tát hạnh,
là nhân tố thành Phật :
toàn thể đại hội này
phải học tập như vậy.

(84) Khi Bồ tát xả thân
thì đã phát đại nguyện,
nguyện xương cốt của mình
sẽ lợi ích lớn lao
cho bao nhiêu chúng sinh
trong bao kiếp sau đó.

(85) Và địa điểm này đây
chính là chỗ xưa kia
Bồ tát đã xả thân,
là chỗ tháp thất bảo,
vì trải qua nhiều kiếp
nên vùi sâu xuống đất.

(86) Do nguyện lực xưa kia,
rằng tùy theo cơ hội
mà tế độ chúng sinh,
nên nay vì ích lợi
cho bao nhiêu nhân thiên
mà bảo tháp xuất hiện.

Khi đức Thế tôn nói về chuyện cũ này thì cả đại hội, bao gồm vô số nhân loại và chư thiên, ai cũng vô cùng bi cảm, hoan hỷ, tán dương là sự thể chưa bao giờ đã có, và cùng phát tâm vô thượng bồ đề. Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần, Như lai vì trả ơn mà kính lạy. Rồi Ngài thu hồi thần lực thì bảo tháp trở lại lòng đất.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 64]

Phẩm 27 – Bồ Tát Tán Dương

Khi đức Thích ca mâu ni thế tôn tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim, thì mười phương quốc độ có vô lượng bồ tát, đều từ quốc độ của mình mà đến đỉnh Thứu phong, chỗ đức Thế tôn, năm bộ phận gieo xuống sát đất, đảnh lễ Ngài rồi nhất tâm chấp tay, khác miệng cùng tiếng mà tán dương.

(1) Sắc thân Thế tôn
như màu hoàng kim,
ánh sáng trải khắp
như núi vàng thật,
trong sạch ôn nhu
như là hoa sen,
với bao màu sắc
trang sức tuyệt đẹp.

(2) Ba mươi hai tướng
trang hoàng cả người,
tám mươi nét đẹp
trang sức toàn hảo,
ánh sáng rực rỡ
không ai đồng đẳng,
trong suốt tựa như
vầng trăng tròn đầy.

(3) Tiếng Ngài trong thanh
cực kỳ tinh tế,
oai như sấm nổ
như sư tử gầm,
với tám đặc tính ([103])
thích ứng mọi người,
hơn cả tiếng chim
tần dà vân vân.

(4) Trang nghiêm hình dung
bằng trăm phước mầu,
ánh sáng toàn hảo
không gợn vẩn đục,
tuệ giác lắng trong
in như biển cả,
công đức rộng lớn
in như không gian.

(5) Viên quang chiếu khắp
mười phương quốc độ,
tùy duyên hóa độ
vô lượng sinh linh,
ái nhiễm thì đến
thói quen cũng hết,
đuốc Pháp thường đốt
không bao giờ tắt.

(6) Xót thương ích lợi
bao loại chúng sinh,
hiện tại vị lai
đều cho yên vui,
thường tuyên thuyết cho
đệ nhất nghĩa đế,
làm cho thể chứng
Niết bàn chân tịnh.

(7) Thế tôn nói pháp
cam lộ siêu việt,
đem cho nghĩa lý
cam lộ nhiệm mầu,
dẫn vào thành trì
cam lộ niết bàn,
làm cho thụ hưởng
cam lộ pháp lạc.

(8) Thường xuyên ở trong
biển cả sống chết,
cứu vớt đau khổ
cho bao chúng sinh,
làm họ đứng vững
đại lộ yên ổn,
đem cho cái vui
như ý khó lường.

(9) Biển cả công đức
cực kỳ sâu rộng,
không phải ví dụ
có thể minh họa,
thường nổi đại bi
đối với chúng sinh,
phương tiện hóa độ
không lúc nào ngừng.

(10) Biển cả tuệ giác
không có ngoại biên,
nhân loại chư thiên
cùng nhau ước lượng,
giả sử đến cả
ngàn vạn ức kiếp
cũng không biết được
một phần chút ít.

(11) Chúng con ước lược
tán dương Phật đức,
chỉ là một giọt
trong biển đức ấy,
hướng khối phước này
về cho chúng sinh,
nguyện cùng tốc chứng
bồ đề diệu quả.

Khi ấy đức Thế tôn bảo chư vị bồ tát, lành thay, chư vị khéo tán dương như vậy đối với phẩm chất của Phật, lợi ích chúng sinh, quảng tác việc Phật : diệt được vô lượng ác nghiệp, sinh được vô lượng phước báo.

Phẩm 28
Diệu Tràng Tán Dương

Lúc ấy bồ tát Diệu tràng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà tán dương.

(1) Tướng hảo Thế tôn
trăm phước viên mãn,
vô lượng công đức
tự trang nghiêm mình,
thanh tịnh bàng bạc
ai cũng thích nhìn,
ánh sáng chiếu tỏa
như ngàn mặt nhật.

(2) Ánh sáng rực lên
với bao màu sắc,
tướng hảo uy nghi
như khối ngọc quí,
như mặt trời mọc
chiếu sáng không gian,
với màu hồng, trắng
xen màu hoàng kim.

(3) Và như núi vàng
trải rộng ánh sáng
khắp mọi nơi chốn
trăm ngàn quốc độ,
diệt cho chúng sinh
vô lượng đau khổ,
đem cho chúng sinh
an vui siêu việt.

(4) Tướng hảo đầy đủ
và rất nghiêm tịnh,
chúng sinh thích nhìn
không ai biết chán.
Tóc thì mềm mịn
với màu xanh sẫm,
như ong đen huyền
họp trên hoa đẹp.

(5) Đại hỷ đại xả
rất là trang nghiêm,
đại từ đại bi
rất là viên mãn,
tướng hảo tuyệt diệu
trang sức thân thể,
là do các pháp
giác phần tạo thành.

(6) Ban cho chúng sinh
bao nhiêu phước đức,
để họ thường được
yên vui lớn lao.
Và được trang hoàng
bằng các diệu đức,
nên trải ánh sáng
ngàn vạn quốc độ.

(7) Ánh sáng, tướng hảo
cùng cực viên minh,
nên như mặt trời
sáng rực không trung.
Và như tu di
công đức đủ cả,
biến thể cùng khắp
mười phương quốc độ.

(8) Miệng vàng tuyệt đẹp
và rất uy nghiêm.
Răng trắng, đều, khít
giống như tuyết, ngọc.
Và cả khuôn mặt
không ai sánh bằng,
với tướng bạch hào
uốn theo chiều phải ;

(9) sáng nhuận tươi trắng
in như pha lê,
lại như trăng tròn
lồng lộng không trung.

Đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, bồ tát tán dương Phật đức như vậy thật bất khả tư nghị, lợi ích chúng sinh, làm cho những người trước đây chưa biết đến đều tùy thuận tu học.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 65]

Phẩm 29 – Thọ Thần Tán Dương

Bấy giờ Bồ đề thọ thần cũng sử dụng chỉnh cú tán dương đức Thế tôn.

(1) Kính lạy tuệ giác
cực kỳ thanh tịnh,
kính lạy tuệ giác
thường cầu chánh pháp,
kính lạy tuệ giác
tách rời phi pháp,
kính lạy tuệ giác
vĩnh siêu phân biệt.

(2) Hiếm có cái hạnh
không có biên cương,
hiếm có khó thấy
như hoa ưu đàm,
hiếm có như biển
trấn cho núi chúa ([104]),
hiếm có ánh sáng
không có số lượng.

(3) Hiếm có cái nguyện
từ bi rộng lớn,
hiếm có cái sáng
vượt quá thái dương,
tuyên thuyết kinh này
ngọc trong các kinh,
thương tưởng lợi ích
cho bao sinh linh.

(4) Thể hiện vắng lặng
giác quan định tĩnh,
hội nhập vắng lặng
thành trì niết bàn,
sống trong vắng lặng.
các pháp đẳng trì ([105]),
thấu triệt vắng lặng
lĩnh vực sâu xa.

(5) Trú ở ở trong
cái Không siêu việt,
đệ tử cũng thấy
bản thân là không,
cũng thấy các pháp
toàn không tự tánh,
cũng thấy chúng sinh
toàn là vắng lặng.

(6) Con thường nhớ đến
chư vị Thế tôn,
con thường thích nhìn
chư vị Thế tôn,
con thường thiết tha
đối với Thế tôn,
con thường gặp được
mặt trời Thế tôn.

(7) Con thường kính lạy
chư vị Thế tôn,
khao khát ước nguyện
lòng không rời bỏ,
cảm kích rơi lệ
lòng không gián đoạn,
nguyện được phụng sự
lòng không nhàm chán.

(8) Xin đức Thế tôn
khởi tâm đại bi,
cho con thường thấy
dung nghi Thế tôn,
nguyện cầu Thế tôn
cùng Thanh tịnh chúng
thường xuyên tế độ
vô lượng nhân thiên.

(9) Thân Ngài rỗng sáng
in như không gian,
biến thể thì như
ảo tượng, trăng nước ([106]).
Xin Ngài tuyên thuyết
niết bàn cam lộ,
để phát sinh ra
cái khối công đức.

(10) Lĩnh vực thanh tịnh
của đức Thế tôn,
từ bi, chánh hạnh
toàn bất tư nghị ;
Thanh văn Độc giác
đã không lường nổi,
mà chư Bồ tát
cũng không lường thấu.

(11) Xin đức Thế tôn
thương tưởng đến con,
thường cho con thấy
thân đấng Đại bi.
Con đem ba nghiệp
không hề mệt mỏi
thờ đức Đại từ,
nguyện con mau chóng
thoát khỏi sinh tử
hội về chân như.

Đức Thế tôn nghe những chỉnh cú tán dương này rồi, dùng tiếng Phạn âm mà bảo Bồ đề thọ thần, lành thay thiện nữ ; thiện nữ có thể có những lời tán dương tự lợi lợi tha như vậy, tán dương diệu tướng của pháp thân Như lai, cái thân chân thật, không dối, trong sáng. Do công đức tán dương này làm cho thiện nữ mau chóng chứng được bồ đề tối thượng, lại làm cho chúng sinh cùng tu tập như thiện nữ. Ai nghe được những lời tán dương này thì nhập vào Cam lộ, vào cửa Vô sinh.

Phẩm 30
Biện Tài Tán Dương

Vào lúc bấy giờ Đại biện tài thiên nữ tức thì đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, chắp tay cung kính, đem những trực từ dưới đây mà tán dương đức Thế tôn.

Con xin kính lạy Ngài, đức Thích ca mâu ni, đấng Như lai, đấng Ứng cúng, đấng Chánh đẳng giác. Thân màu hoàng kim. Cổ như xa cừ. Mặt như trăng rằm. Mắt như sen xanh. Môi và miệng đỏ và đẹp như pha lê. Mũi cao, dài và thẳng như đỉnh vàng. Răng trắng, đều và khít như sen trắng. Ánh sáng thân thể chiếu tỏa như trăm ngàn mặt trời. Màu sắc ánh sáng ấy như vàng Thiệm bộ.

Nói không sai lầm. Mở ba cửa giải thoát và chỉ ba đường giác ngộ. Tâm thường thanh tịnh, ý thích cũng vậy. Chỗ Ngài ở và chỗ Ngài đi ([107]) cũng thường thanh tịnh. Không thiếu uy nghi, cử chỉ không sơ suất. Hành khổ hạnh sáu năm, chuyển pháp luân ba vòng, hóa độ chúng sinh khốn khổ, làm cho trở về bờ giác. Thân tướng giống như câu đà đại thọ. Sáu độ huân tu, ba nghiệp toàn hảo. Đủ nhất thế trí, viên mãn tự lợi lợi tha. Nói gì cũng là vì chúng sinh. Nói không vô ích, làm đại sư tử họ Thích. Kiên cố, dũng mãnh, hoàn thiện tám pháp giải thoát.

Nay con tùy khả năng của mình mà tán dương chút ít phẩm chất của đức Thế tôn. Việc ấy chỉ như muỗi mòng uống nước biển cả. Nhưng con xin đem cái phước này hồi hướng cho tất cả chúng sinh, nguyện cùng vĩnh ly sinh tử khổ, thành tựu vô thượng đạo.

Đức Thế tôn bảo Đại biện tài thiên nữ, lành thay thiện nữ ; thiện nữ tu tập đã lâu và có đại hùng biện, nay lại trình bày sự tán dương đối với Như lai. Việc này làm cho thiện nữ tốc chứng pháp môn tối thượng, tướng hảo viên minh, ích lợi tất cả.

[Tạm ngừng]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

[NGÀY 66]

Phẩm 31 – Ký Thác Kinh Vua

Khi ấy đức Thế tôn phổ cáo đại hội, gồm có vô lượng bồ tát, nhân loại và chư thiên, rằng các người nên biết, trong vô số đại kiếp, Như lai siêng tu khổ hạnh, mới được cái Pháp cực sâu — cái Pháp làm nhân tố chính yếu cho tuệ giác bồ đề, và nay đã đem nói cho các người. Các người ai có chí dũng mãnh mà cung kính giữ gìn Pháp ấy  ? Như lai nhập niết bàn rồi, đối với Pháp ấy ai là người có khả năng quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này  ?

Trong đại hội, bấy giờ, có sáu mươi câu chi bồ tát và sáu mươi câu chi chư thiên, khác miệng cùng tiếng mà tác bạch như vầy, bạch đức Thế tôn, chúng con ai cũng hân hoan, thích thú, không tiếc tính mạng để kính giữ cái Pháp cực sâu — cái Pháp làm nhân tố chính yếu của tuệ giác bồ đề, mà đức Thế tôn tu hành khổ hạnh trong vô số đại kiếp mới đạt được. Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn, đối với Pháp ấy, chúng con sẽ quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này. Các vị đại bồ tát tức thì đối trước đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Thế tôn nói chân thật,
trú ở pháp chân thật :
chính sự chân thật ấy
hộ trì cho kinh này.

(2) Đại bi làm áo giáp,
đại từ làm đất đứng :
do từ bi lực ấy
hộ trì cho kinh này.

(3) Viên mãn phước tư lương,
thì sinh trí tư lương ;
chính sự viên mãn ấy
hộ trì cho kinh này.

(4) Chiến thắng các loại ma,
hủy diệt các tà thuyết,
loại trừ các ác kiến,
hộ trì cho kinh này.

(5) Thiên vương và Đế thích,
Phạn vương và tám bộ,
chư thiên thiện thần ấy
hộ trì cho kinh này.

(6) Trên đất và trong không,
ở lâu những chỗ này,
kính tuân lời Phật dạy
hộ trì cho kinh này.

(7) Thích ứng bốn phạn trú,
trang hoàng bốn thánh đế,
chiến thắng bốn loại ma,
hộ trì cho kinh này.

(8) Hư không thành chất ngại,
chất ngại thành hư không,
nhưng Pháp mà Phật giữ
thì không thể khuynh đảo.

Bốn vị Thiên vương nghe đức Thế tôn hỏi sự hộ trì Pháp, thì ai cũng tùy hỷ, hộ trì Pháp ấy, và cùng lúc cùng tiếng mà nói chỉnh cú.

(9) Đối với kinh pháp này,
chúng con và quyến thuộc
đều nhất tâm hộ trì
cho lưu thông rộng rãi.
Có ai trì kinh này,
tạo bồ đề chính nhân,
chúng con từ mọi phía
hộ vệ và phụng sự.

Đế thích chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(10) Thế tôn chứng Pháp này,
rồi muốn báo ơn đức
nên tuyên thuyết kinh này
lợi ích cho bồ tát.

(11) Con đối với Thế tôn
thường nghĩ sự báo ơn,
nên hộ vệ kinh này
cùng những người thọ trì.

Đỗ sử đa thiên tử chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(12) Thế tôn thuyết kinh này,
nếu ai thọ trì được
thì ở ngôi tuệ giác
mà sinh Đỗ sử đa.

(13) Thế tôn, con hân hoan
bỏ lạc thú chư thiên
mà ở trong Thiệm bộ
tuyên dương kinh vua này.

Phạn vương chủ thế giới Sách ha chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(14) Các định có vô lượng,
các thiền, các giải  thoát,
toàn xuất từ kinh này,
nên kinh này phải nói.

(15) Ngay chỗ nói kinh này,
con bỏ vui của con,
để được nghe kinh này,
thường hộ vệ chỗ ấy.

Con trai của Ma vương tên là Thương chủ, chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú

(16) Những ai trì kinh này,
bản kinh thuận chánh hạnh,
thì không tùy ma hành,
và diệt trừ ma nghiệp.

(17) Nên đối với kinh này
chúng con cũng hộ vệ ;
chúng con đại tinh tiến
tùy chỗ mà quảng bá.

Ma vương chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú

(18) Những ai trì kinh này,
đàn áp các phiền não,
thì những người như vậy
con giữ cho yên vui.

(19) Những ai giảng kinh này
thì ma không được dịp ;
do uy thần Thế tôn
con sẽ hộ vệ họ.

Diệu cát tường thiên tử cũng đối trước đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.

(20) Tuệ giác của Thế tôn
được nói trong kinh này,
nên ai trì kinh này
là hiến cúng Thế tôn.

(21) Con sẽ trì kinh này
giảng nói cho chư thiên,
ai cung kính lắng nghe
thì khuyên đến bồ đề.

Di lạc từ tôn chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(22) Những ai đứng vững vàng
nơi bản thể bồ đề,
thì vì họ con làm
người bạn không cần mời ;
cho đến bỏ tính mạng
mà hộ trì kinh vua.

(23) Con nghe Pháp này rồi
trở về Đỗ sử đa,
do Thế tôn da trì
mà nói cho nhân thiên.

Đại ca diếp ba thượng thủ chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(24) Đức Thế tôn đã nói
rằng con ít trí tuệ,
nên con tùy sức mình
mà hộ trì kinh này.

(25) Ai trì được kinh này
thì con sẽ thu nhận,
trao cho từ vô ngại
cùng với biện vô ngại ([108]),
và con thường tùy hỷ
tán dương rằng lành thay.

Trưởng lão A nan đà chắp tay hướng về đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.

(26) Đích thân từ Thế tôn
con nghe vô số kinh,
nhưng chưa từng được nghe
kinh vua của các kinh.

(27) Con nghe được kinh này
là thân nghe trước Ngài,
ai ưa thích tuệ giác
con quảng bá cho họ.

Bấy giờ đức Thế tôn thấy chư vị bồ tát, chư thiên và nhân loại, cùng cả đại hội, ai cũng phát tâm quảng bá hộ vệ kinh vua này, khuyến tiến bồ tát và quảng lợi chúng sinh, nên đức Thế tôn tán dương rằng lành thay, đối với kinh vua này các người chân thành quảng bá được như vậy, đến nỗi sau khi Như lai niết bàn cũng nguyện không để kinh vua này mất đi. Việc làm này chính là nhân tố chính yếu của vô thượng bồ đề, và công đức đạt được thì nói mấy kiếp cũng không cùng tận. Bốn bộ đệ tử của Như lai, và những thiện nam hay thiện nữ khác, biết hiến cúng, tôn kính, sao chép, lưu hành và giải thích đối với kinh vua này, thì công đức đạt được cũng là như vậy. Do vậy, đại hội các người hãy siêng năng thực thi sự khuyến khích của Như lai.

Bấy giờ cả đại hội nghe đức Thế tôn huấn dụ, thì ai cũng đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

[HẾT]

Hồi hướng:

    • cho chư Chân Sư và Chánh Pháp được trường tồn trên đất này;
    • cho việc làm vì chúng sinh của chư vị luôn được suông sẻ chóng vánh;
  • cho quốc thái dân an, khắp nơi trên cõi thế đều thoát nạn chiến tranh, bạo động, thiên tai, tật dịch, đói kém, cho mọi người được bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, cát tường.
  • Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
    nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
    nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
    vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

  • Nếu có thời gian, có thể đọc các bài hồi hướng sâu rộng hơn: Hồi hướng Tịch Thiên, Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền
  • Nếu cảm thấy an lạc chưa muốn ngưng, xin hoan hỉ đáo trở lại ngày một để đọc tiếp.

<<< Trở lại Lịch Trì Tụng >>>


Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)

Ghi chú

[Cáo lỗi: so với sách, ghi chú ở đây nhỏ đi một số, vì ghi chú đầu tiên đếm riêng dưới tên kinh]

([1]) Chính văn là độc, tụng, thọ, trì, thư tả.

([2]) Diệu tràng, Phạn : Ruciraketu. Bản ngài Đàm mô sấm dịch là Tín tướng.

([3]) Chính văn là kiếp.

([4]) Chính văn là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh, thọ giả, dưỡng dục, tà kiến, ngã ngã sở kiến, đoạn thường kiến.

([5]) Hiến cúng (cúng dường = cung dưỡng) có 3 : một là lợi hiến cúng : hiến dâng cúng phẩm ; hai là kính hiến cúng : kính trọng đủ cách ; ba là tu hiến cúng : thực hành thiện căn (luận Đại trang nghiêm, Chính 39/198).

([6]) Chính văn là căn tánh ý lạc và thắng giải.

([7]) Chính văn là thị giáo lợi hỷ.

([8]) Chính văn là thập nhị phần giáo.

([9]) Chính văn ở đây là khí lượng : dung lượng của đồ chứa. Trình độ của chúng sinh là như khí lượng : tùy khả năng mà tiếp nhận Phật pháp khác nhau.

([10]) Cảnh trí : tâm trí như gương. Không phải chỉ là đại viên cảnh trí, mà ở đây chỉ cho vô phân biệt trí.

([11]) Như như : như nhau như nhau. Chính nghĩa là vô phân biệt.

([12]) Chính văn là tự tha, chính xác thì nên dịch là chủ thể khách thể.

([13]) Những định không còn tư tưởng và cảm giác, như vô tưởng định, diệt tận định.

([14]) Không ảnh là hình ảnh có ra là có trong không gian, nhờ không gian ; nếu không có khoảng trống thì chẳng hình ảnh nào có được.

([15]) Cũng nên nói bất trụ sinh tử nữa (Chính 39/217).

([16]) Chính văn là hành pháp : cái pháp có tính cách chuyển biến (tức hữu vi).

([17]) Thật ra nên nói cả 10 địa nữa, vì đây là tha thọ dụng thân.

([18]) Chính văn là tướng cập tướng xứ, Chính 39/222 nói là nhân ngã pháp ngã. Tôi nghĩ hơi khác ; tướng là ngã pháp, tướng xứ là y tha phần nhiễm. Do vậy, đáng lẽ tướng cập tướng xứ nên dịch là ảo giác và căn cứ của ảo giác.

([19]) Niết bàn và đường đến niết bàn.

([20]) Thân này là thân này đây, thân chúng ta đây, mà nói chính xác là cái “thắng thân” (thân hơn bình thường), cái thân “đạo khí” (đồ chứa đựng Phật pháp) mà ghi chú 21 nói. Coi thêm ghi chú ấy.

([21]) Chính văn là thị thân nhân duyên cảnh giới xứ sở quả y ư bản. Theo Chính 39/223, thân (bản thân) là quả báo được cái thắng thân làm đồ chứa đựng chánh pháp, và đó là dị thục quả. Nhân duyên (yếu tố) là thắng thiện đã tu trong đời trước, và đó là tăng thượng quả. Cảnh giới (đối cảnh) là bồ đề và niết bàn, sở duyên của đẳng lưu quả. Xứ sở (đối tượng) là đại bồ đề mà sĩ dụng quả nguyện cầu. Quả y ư bản (kết quả ; nhưng 4 chữ liền lại thành 1 từ ngữ thì phải dịch là căn bản) là ly hệ quả không rời như như lý. Nhưng cách chấm câu như vậy tôi không đồng ý, nên đã chấm câu và dịch như đã dịch.

([22]) Chính văn là đại thừa, Như lai tánh, Như lai tạng.

([23]) Tự tại là ngã. Ngã trong 4 đức niết bàn của Phật không phải là nghĩa chủ tể (khái niệm về ngã của ngã chấp).

([24]) Là 32 tướng tốt, 80 tướng phụ, 18 bất cọng, 10 lực, 4 vô úy, đai bi, 3 niệm, 32 độc đắc. Tham chiếu Chính 39/224-226.

([25]) Chính văn ở đây là tướng. Chính văn ở đây là tướng.

([26]) Ở đây nghĩa là phi nhị biên.

([27]) Là pháp thân, đại định, đại trí.

([28]) Chính văn là thế thiện, nói đủ là thế gian thiện căn, đối lại với xuất thế thiện căn.

([29]) Có 5 sự : sợ không đủ sống, sợ chết, sợ đường dữ, sợ tiếng dữ, sợ công chúng.

([30]) Là trung tính, không thiện, không ác, tản mạn, không kiểm soát.

([31]) Dịch đủ là mộng thấy trống vàng ròng phát ra âm thanh diễn đạt diệu pháp sám hối.

([32]) Tám nơi là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh (khổ quá) bắc câu lô (vui quá) cõi trời trường thọ (yên ổn quá) điếc mù câm ngọng, thế trí biện thông (thông minh rất đời) sinh trước hay sau Phật (mà không còn Phật pháp). Đây là 8 nơi gọi là nạn (khó cho sự thấy Phật nghe Pháp) là không rảnh (không có sự tu tập xen vào).

([33]) Chính văn là hữu hải, chỉ cho 3 cõi mà tổng kê có 25. Có, hữu, là hiện hữu sinh tử, không phải niết bàn (như ngoại chấp không dưới 3 trong số 25 hữu ấy).

([34]) Nói ở phẩm 7 cuốn 5.

([35]) Coi  37.

([36]) Chính văn là nhân duyên.

([37]) Từ số 35 đến đây dịch theo sự sớ giải của Chính 39/245-246.

([38]) Đối chiếu văn chỉnh cú (coi ghi chú 39) thì câu này có nghĩa coi các vị bồ tát mới tu cũng như bậc Nhất thế trí (để thân gần, phụng sự, tu học).

([39]) Nghĩ, chính văn là tưởng. Phải đổi, vì tưởng đặt ở đây, ngữ khí sẽ có nghĩa ngỡ là, không đúng ý ở đây.

([40]) Tướng là người cho, người nhận, vật cho, là mục đích và quả báo. Trú tướng thì chấp có, xả tướng thì chấp không, hồi hướng bố thí mà như vậy thì không chính xác đối với tâm lý và mục đích của sự hồi hướng bố thí.

([41]) Chính 39/250 nói, không thể sánh bằng là vì kinh này năng lực làm cho những thắng hạnh ấy được thực hành, nên nói không thể sánh bằng. Không phải những thắng hạnh ấy không thể sánh bằng. Xin thêm rằng đây chỉ là cách đề cao kinh này. Có 11 thắng hạnh không thể sánh bằng. Nhưng câu kết, dịch “thì không thể sánh bằng” khác hẳn nếu dịch “cũng không thể sánh bằng”.

([42]) Chữ của chính văn, nhưng không chắc hoàn toàn có nghĩa như ngày nay hiểu.

([43]) Tu hành : pháp được tu, không phải tu hành : pháp phải diệt ; ở đây 2 thứ này là của tâm bồ đề (Chính 39/253).

([44]) Đúng ra nên nói là phục tạng : Kho tàng ngầm dưới mặt đất mặt nước.

([45]) Các hành ở đây là 12 duyên khởi.

([46]) Năm chướng nạn là ác thú, ác quỉ, giặc thù, tai họa nước lửa, ba loại khổ não. Mười địa giống nhau.

([47]) Ghi chú này có 2 điều Một, văn trước minh chú đổi thứ tự một chút cho thích hợp hơn. Hai, minh chú không chép phiên âm của Hoa văn, vì nhiều chữ tra không ra cách đọc, tra có ra cũng đọc rất khó. Nên ở đây dịch âm từ Phạn tự, và sao lục cả Phạn tự ấy. Phạn tự sao lục từ ghi chú của Chính 16/420-450, còn dịch âm là do Hòa thượng Thích Minh Châu (lưu ý : chữ có R ở giữa thì đọc như chữ Pháp, thí dụ : tra là tr-a, sri là sr-i, v/v) Kinh này có 35 bài minh chú tất cả, và đều làm như vậy.

([48]) Dịch đủ là sự ca tụng Phật là công đức ví như hoa sen.

([49]) Dịch đúng chính văn là phòng tối (ám thất).

([50]) Thức ăn tịnh hắc là thế nào thì không biết, chỉ biết Chính 39/272 nói nhuộm cho đen cũng được. Nhưng tại sao phải là thức ăn màu đen, và tại sao phải ăn lúc mặt trời chưa mọc, thì không thấy xuất xứ trên giải thích.

([51]) Thiện phương tiện : phương cách khéo léo. Thắng nhân duyên : yếu tố ưu việt.

([52]) Tri giả : chủ thể tri thức. Tác giả : chủ thể hành động.

([53]) Tức là điểu táng.

([54]) Tật dịch là bịnh dịch, bịnh thời khí, nói chung là bịnh truyền nhiễm.

([55]) Đoạn nhỏ này có lược mấy câu.

([56]) Chúng sinh có liên hệ với mình, chính văn là hữu duyên chúng sinh.

([57]) Tức như nói mất chủ quyền, độc lập.

([58]) Tức như nói nhiệt độ gấp đôi.

([59]) Chính văn là tịnh thất.

([60]) Tịnh thất : cái phòng sạch sẽ.

([61]) Cù ma (gomaya) là ngưu phấn. Coi ghi chú 68.

([62]) Ngài Nghĩa tịnh tự ghi : Ca li sa ba na (karsapana) đúng ra chỉ là bối xỉ (bối xỉ là vỏ sò, xưa lấy làm tiền tiêu). Nhưng tùy xứ mà chữ ấy có nơi là bối xỉ, có nơi là tiền kim loại. Xứ Ma kiệt đà thì 1 karsapana ăn 1600 bối xỉ (1 bối xỉ ăn 16 hay 19 tiền cổ). Nhưng có Phạn bản chép mỗi ngày cho 100 trần na ra (tiền vàng). Trì chú này thì suốt đời ngày nào cũng được cho như vậy. Ấn độ cầu nguyện đa số linh nghiệm, trừ ra không dốc lòng. (Chính 16/431).

([63]) Dịch đủ là như vành bánh xe có cả ngàn cái díp.

([64]) Năng lực là đạt được kết quả, đường chính là phi nhị biên, lý thể là chân như, sức mạnh là diệt ác sinh thiện.

([65]) Phạn tự của tên 4 vị này như sau : Agate, Satadru, Cyutaprabha, Sutamani.

([66]) Dịch Quan thế âm là từ một thuyết khác, và danh hiệu này không đủ, không phải chính phiên (Chính 39/300).

([67]) Đây là Phạn văn của 32 vị. Tham chiếu Chính 16/434-435.

  1. xương bồ (vaca) 2. ngưu hoàng (gorocana) 3. mục túc hương (sephalika) 4. xạ hương (mahabhaga) 5. hùng hoàng (manassila) 6. hợp hôn thụ (sirisa) 7. bạch cập (indrahasta) 8. khung cùng (syamaka) 9. câu kỷ căn (sami) 10. tùng chi (sri – vibhitaka) 11. quế bì (tvaca) 12. hương phụ tử (musta) 13. trầm hương (agaru) 14. chiên đàn (candana) 15. linh lăng hương (tagara) 16. đinh tử (  ?) 17. uất kim (knnkuma) 18. bà luật cao (galava) 19. vi hương (naradamsa) 20. trúc hoàng (gorocana) 21. tế đậu khấu (sukumara) 22. cam tùng (misganta) 23. hoắc hương (patna) 24. mao căn hương (usira) 25. sất chi (sallaki) 26. ngải nạp (saileya) 27. an tức hương (guggula) 28. giới tử (sarsapa) 29. mã cân (sophaghni or sosani) 30. long hoa tu (nagakesala) 31. bạch giao (sarjarasa) 32. thanh mộc (kustha).

([68]) Phạm văn : Pusya. Kinh cũ gọi là quỉ tinh (Chính 39/302)

([69]) Tráng lát nền nhà hay tường vách, đều dùng vật liệu hiện đại, mới sạch sẽ trang trọng.

([70]) Đồng tử : giữa tuổi thiếu nhi với thiếu niên.

([71]) Ấn với Tàu phân tích tất cả âm điệu có 5 cung bậc, gọi là ngũ âm.

([72]) Là mỗi tháng âm lịch mà là nửa sau, tức 16-30. Ngày 9 là 24, ngày 11 là 26.

([73]) Là như thủy triều ứng theo mặt trăng.

([74]) Là làm cù lao, làm bãi nổi, cho người khỏi bị trôi cuốn.

([75]) Chú tán là tán dương bằng minh chú, và minh chú ở đây là hiển ngữ (lời chữ không bí mật).

([76]) Là 3 loại thế gian. Thông thường là 1. ngũ uẩn thế gian : thế giới tổng thể, tức 5 uẩn ; 2. chúng sinh thế gian : thế giới chủ thể, tức thọ tưởng hành thức và phần nội sắc ; 3. quốc độ thế gian : thế giới khách thể, tức phần ngoại sắc.

([77]) Ngài Nghĩa tịnh ghi chú : Trên đây là minh chú để trì tụng, cũng là minh chú để tán dương. Khi tụng chú thì phải tụng chú tán này trước. (Chính 16/437).

([78]) Ngài Nghĩa tịnh ghi chú : Minh chú phẩm này có lược có rộng, có mở có hợp, trước sau bất đồng. Phạn bản có nhiều. Tôi y theo 1 bản mà dịch. Sau này ai tìm hiểu thì phải biết như vậy (Chính 16/437)

([79]) 1. Tất cả chỉnh cú đoạn này có thể dịch khác hơn, thí dụ “Kính lạy chư Như lai, bậc hùng biện nhiệm mầu”… Nhưng xét ra không bằng dịch như đã dịch.

  1. Sau đây là một số Phạn văn trong đoạn này : Ô ma : Uma, Tắc kiến đà : Skanda, Ma na tư : Manasi, Thông minh dạ thiên : Ratridevata, Phệ sốt nộ thiên : Visnu, Tì ma thiên nữ : Bhima, Thị số thiên thần : Samkhyayama (  ?), Thất lị thiện nữ : Sisumata, Hê lị : Heli, Ha ri để : Hariti.

([80]) Triền : những sự ràng buộc tâm thức, cái : những sự che đậy tâm trí.

([81]) Trần tập : tập khí của phiền não.

([82]) Mãn tài : Purna – bhadra. Ngũ đỉnh : Pancasikhi.

([83]) Thì gian thích hợp lẽ ra là sau lúc bình minh.

([84]) Đúng chính văn là tâm chú – Tâm chú cũng như tâm kinh. Bài minh chú tinh túy, cốt lõi, thì gọi là tâm chú.

([85]) Là mỗi tháng âm lịch mà là nửa trước. Đối lại, nửa sau gọi là tháng trăng tối.

([86]) Coi lại ghi chú 67.

([87]) Các pháp có gì là hiện tượng, các pháp là gì là bản thể. Tùy hiện tượng mà biết thì gọi là như lượng trí (cái trí biết hết cái lượng của các pháp). Như bản thể mà biết thì gọi là như lý trí (cái trí biết đúng cái thể của các pháp).

([88]) Tra không ra. Đọc mâu thử cũng chỉ đọc theo bán âm. Và theo bán âm này mà suy thì mâu thử có thể là một loại mâu.

([89]) Coi lại ghi chú 75.

([90]) Đề này, đúng chính văn là chư thiên và dược xoa hộ trì. Nhưng nội dung phẩm này nói tám bộ hộ trì, nhất là bộ chúng dược xoa. Nên Phạn văn chỉ đề Yaksa.

([91]) Hành xứ : chỗ đi. Là chỗ Phật biết và Phật làm, gọi là hành xứ của Phật.

([92]) Sau đây là Phạn văn những tên trong các bài chỉnh cú 25-41. Hồ vô nhiệt : Anayatapta, Sa yết ra : Sagara, Tô la kim sí chủ : Asura (metri causa), Phệ sốt nộ : Visnu, Diêm la : Yama, Na la diên : Narayama, Tự tại : Mahesvara, Chánh liễu tri : Sanjaya, Kim cương dược xoa : Vajrapani, Bảo vương dược xoa chủ : Manibhadra, Mãn hiền vương : Purnabhadra, Khoáng dã : Atavaka, Kim tì la : Kumbira, Tân độ la : Pingala, Hoàng sắc : Kapila.

([93]) Đây là Phạn văn những tên trong các chỉnh cú 43-46. Thái quân : Citrasena, Vi vương : Jinaraja, Thường chiến thắng : Jinarsabha, Châu cảnh : Manikanta, Thanh cảnh : Nilakanta, Bột lý sa vương : Varsadhipati, Đại tối thắng : Mahagrasa, Đại hắc : Mahakala, Tô bạt noa kê xá : Suvarnakesin, Bán chi ca : Pancika, Dương túc : Chagarapada, Đại bà dà : Mahabhaga, Tiểu cừ : Pranali, Hộ pháp : Dharmapala, Di hầu vương : Markada, Châm mao : Suciloma, Nhật chi : Suryamitra, Bảo phát : Ratnakesa, Đại cừ : Mahapranali, Nặc câu la : Nakula, Chiên đàn : Candana, Dục trung thắng : Kamasresta, Xá la : Nagayasas, Tuyết sơn : Hemavanta, Sa đa sơn : Satagiri.

([94]) Đây là Phạn văn của các tên trong chỉnh cú 48. A na bà đáp đa : Anavatapta, Sa yết ra : Sagara, Mục chân : Mucilinda, Ế la diệp : Erapata, Nan đà : Nanda, Nan đà nhỏ : Upananda.

([95]) Phạn văn các tên trong chỉnh cú 50. Bà trĩ : Vali, La hầu la : Rahula, Tì ma chất đa la : Vemacitra, Mẫu chỉ chiêm bạt ra : Samavara, Đại kiên : Khuraskanda, [bản ấn tống 1994 ngừng sau dấu phẩy, thiếu tên Phạn văn của Hoan Hỷ]

([96]) Phạn văn các tên trong chỉnh cú 52 và 53. Ha lị để : Haliti, Chiên trà : Canda, Chiên trà lị : Candalika, Chiên trĩ nữ : Candika, Côn đế : Danti, Câu tra xỉ : Kutadanti, Hút tinh chất chúng sinh : Sarvasattojaharini.

([97]) Thực phẩm vào dạ dầy thì một mặt thành đại tiểu thải ra, một mặt thành tự vị nuôi thân. Vị là tư vị ấy.

([98]) Ngang đây rõ ràng là thiếu. Mà có thể thiếu không dưới vài ba câu. Đáng lẽ nói thêm và kết thúc về tướng chết, mới nói về thuốc. Ở đây nói liền về thuốc thì không thích đáng. Bản dịch Đàm mô sấm càng không hơn gì.

([99]) 3 trái là ha lê lặc ca, ca ma lặc ca, tỉ tỉ đắc ca. 3 cay là can cương, hồ tiêu, tất bát. (Chính 39/326).

([100]) Chính văn là câu vật đầu. Có người nói là sen trắng, có người nói là sen hồng, có người nói chưa nở thì trắng, nở rồi hồng đậm. Ở đây ý kiến sen trắng thích hợp hơn.

([101]) Đại thế chúa (Mahaprajabati) (?)

([102]) Là 5 vị tỷ kheo đầu tiên của Phật.

([103]) Có 3 kinh nói đến, tôi chọn 1 : kinh Phạn ma dụ. Kinh ấy nói 8 đặc tính của tiếng Phật là tuyệt diệu, dễ hiểu, sâu xa, dịu ngọt, không dối, không lầm, tuệ giác, điều hòa (Chính 39/337).

([104]) Lẽ ra nên nói trái lại.

([105]) Đẳng trì : dị danh của định.

([106]) Lược bớt 1 ví dụ là sóng nắng (chỉ để cho chỉnh chữ). Ảo tượng, sóng nắng, trăng dưới nước, là biến thể muôn vàn.

([107]) Chỗ Phật ở chỗ Phật đi là chân như và tuệ giác chân như.

([108]) Từ là lời tiếng (gồm cả ngữ văn). Biện là hùng biện.


Nguyện bồ đề tâm, vô vàn trân quí
nơi nào chưa có, nguyện sẽ nảy sinh
nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển
vĩnh viễn tăng trưởng không bao giờ ngừng.

Mời cùng trì tụng kinh Ánh Sáng Hoàng Kim do Tỷ kheo Thích Trí Quang Việt dịch (từ Hoa Văn)




Trừ Bệnh: HỘ LUÂN KIM CANG GIÁP [Protection Wheel of Vajra Armor – Dorje Gotrab]

-Tựa Đề Anh Ngữ (English Title)The Protection Wheel of Vajra Armor, Short & long practices translated and composed by Lama Zopa Rinpoche
-Đạo Sư (Teacher): Kyabje Lama Zopa Rinpoche
-Việt ngữ: Hồng Như
Hạ tải văn bản: Nghi thức dài và ngắn, tiếng Việt <PDF>

Ghi chú: đây là pháp quán vận dụng năng lực từ bi để sám hối giải ác nghiệp, ác bệnh, ác chướng, tà chướng. Có thể tự hành trì để giải trừ bệnh dữ cho chính mình, hoặc hành trì giúp người khác. Xin lưu ý làm đúng theo điều kiện hành trì.

Gần đây Lama Zopa Rinpoche khuyên nên tụng chú này để tự bảo vệ mình cùng người quanh mình trước hiểm nạn coronavirus. Xem thêm chi tiết <Trước hiểm nạn Coronavirus>. Trong thời kỳ tối ám tam tai ngũ trược, ác bệnh tràn lan như lốc xoáy, nguyện bài pháp này có thể làm bạn đồng hành, giúp nhiều người tăng nguồn nghị lực, kiên cố trong chánh pháp, chuyển hết ác bệnh ác chướng thành nhân tố đạt giác ngộ.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đệ tử Hồng Như Thubten Munsel.
02, 2020



Điều kiện hành trì Mọi người đều có thể hành trì.
Để quán tưởng mình là bổn tôn Vajrapani, cần thọ những pháp sau đây:

  • Quán đảnh (wang) Vajrapani;
  • hoặc là thọ quán đảnh bất cứ đấng bổn tôn nào thuộc bộ mật tông hành, mật tông du già hay là mật tông tối thượng du già, và pháp jenang của đức Vajrapani;
  • hoặc thọ quán đảnh của bất cứ đấng bổn tôn nào thuộc bộ Như Lai hay Kim Cang của mật tông tác và pháp jenang của đức Vajrapani.
  • Nếu không, hãy quán tưởng đức Vajrapani trên đỉnh đầu, hay trước mặt.

Hộ Luân Kim Cang Giáp – Nghi thức Ngắn

rang nyi chhag dor thing nag ngam
Khởi hiện sắc tướng đức Kim Cang Thủ màu xanh đêm
[ND. Tự khởi nếu đã có quán đảnh, bằng không quán bổn tôn ở phía trước mặt]
dor je drül zhag dzin pa yi
Tay cầm chùy kim cang và thòng lọng
ku la dur thrö päl chhä dzog
Thân trang điểm đầy đủ mọi phẩm trang sức nghĩa trang
zhab zung pä nyir dor tab drä
Chân sải rộng trên đài sen và mặt trời,
ye she me pung long du zhug
Đứng giữa vùng lửa trí tuệ siêu việt chói sáng.
ku lä me khyung chag dig dang
Từ nơi thân phóng ra kim sí điểu lửa, bò cạp sắt,
phag nag lung me tsän dug gi
heo đen, gió lửa và khí độc
ngän lung ser lung tshub tar thrö
mãnh liệt như cuồng phong bão đá
nä rim dön geg lag par sam
Tiêu trừ mọi ác bệnh, tật dịch, tà chướng, ác chướng.

HUM VAJRA PHAT! OM PÄDMA SHAWA RI PHAT / NÄN PAR SHIG / NAGA NÄN/ TAD YA THA / SARVA BI RI TA / HANA HANA / VAJRE NA RAKSHA RAKSHA SVAHA
[Hung bên-za pây / ôm pê-ma sa-wa ri pây / nên pa-xừng / na-ga-nên /

ta-ya-tha / sạt-wa / bê-rê-ta / ha-na ha-na / bên zê na / rak-sa rak-sa / sô-ha]

Có thể tụng được bao nhiêu thì tụng bấy nhiêu. Tụng xong, [thổi vào] nước để gia trì. Rồi uống và xoa bằng nước này. <LZR:  Cũng có thể tụng chú rồi thổi vào kem, hay bơ, rồi xoa lên chỗ da bị nhiễm>. Tu mỗi ngày thì thổi vào lỗ mũi  <LZR: Tụng chú xong đặt hai tay trước miệng và thổi lên để khí đi vào lỗ mũi.> 

Khi hoàn tất thời công phu, hãy nghĩ rằng tất cả mọi tật bệnh, tà chướng, ác chướng đều bị tiêu diệt triệt để. Trú tâm một lúc trong pháp thiền chân tánh, siêu việt đối tượng và chủ thể của sự hộ trì.

Từ trong tánh không, khởi hiện sắc tướng Bổn tôn [ND. Tự khởi nếu đã có quán đảnh, bằng không quán bổn tôn trên đầu hay phía trước mặt].

Rồi phát nguyện, hồi hướng, và nguyện cát tường

Với thiện căn công đức / của con và chúng sinh / của chư Phật, Bồ Tát, / tích lũy từ ba thời / nguyện tất cả những ai / thấy, nghe hay nhớ nghĩ / hay là chạm vào con, / có bao nhiêu nguyện ước, / nguyện con như là cây / hay như ngọc như ý / làm cho mọi ước nguyện / đều rốt ráo viên thành.

Nguyện ác nghiệp ác chướng tích lũy từ vô thủy sinh tử liền tức thì thanh tịnh. Nguyện khởi tâm bồ đề, quí người hơn bản thân. Nguyện minh quang đại thủ ấn dễ dàng khởi trong tâm, mau chóng thành tựu quả vô thượng bồ đề.

Tóm lại nguyện làm / vui lòng đạo sư, // Đa văn hiểu thấu / ý thật của Phật// Mà khéo vượt qua / bến bờ bên kia // Hoằng dương Pháp Phật / ở khắp mười phương.

Bài pháp này do Jñana trích từ Bánh Xe Tối Oai Nộ Hộ Trì Gốc Rễ Thành Tựu, để dùng làm pháp tu hàng ngày

Xuất xứ bản gốc: Hồi hướng do người mang tên Thupten Zopa viết ra để cho [TD. thân người]  ung sung sung mãn trở nên có ý nghĩa.
Xuất xứ ấn bản Anh ngữ: Đầu tiên là Lama Zopa Rinpoche chuyển Anh ngữ vào tháng 3, 2003 và Holly Ansett chép văn bản. Kendall Magnussen nhuận văn tháng 8, 2011, dựa vào văn bản tương tự do Ven. Thubten Pemba dịch, tháng 05, 2009. Ba câu hồi hướng do Fabrizio Pallotti Champa Pelgye, chuyển Anh ngữ, 2014. Phiên âm minh chú: Ven. Tenzin Tsomo and Joona Repo, FPMT Education Services, May 2019. Soát bản văn Joona Repo, FPMT Translation Services, August 2019.
Ấn bản Việt ngữ: Hồng Như Thupten Munsel dịch và thực hiện. Bản dịch đầu 2006. Cập nhật theo ấn bản Anh ngữ FPMT-2011: năm 2016. Cập nhật theo ấn bản FPMT-2019 – thêm hình đức Vajrapani từ FPMT gửi ra: 02, 2020,



Pháp Quán Hộ Luân Kim Cang Giáp – Nghi thức dài

1. Qui Y –  Phát Tâm Bồ Đề  [Refuge – Bodhicitta]

Nơi Phật, nơi Pháp / cùng Tăng tôn quí
Cho đến bồ đề / xin về qui y
Nhờ công đức tu / sáu hạnh toàn hảo
Nguyện vì chúng sinh / đạt quả vị Phật. (3x)

2. Tám Thi Kệ Chuyển Tâm  [8 Verses Mind Training]

  1. Với quyết tâm thành tựu / lợi lạc lớn lao nhất / nhờ tất cả chúng sinh, / tôi nguyện luôn giữ gìn / chúng sinh trong đáy tim, / vì chúng sinh quí hơn / cả bảo châu như ý.
  2. Khi gặp gỡ tiếp xúc / với bất kỳ một ai, / nguyện tôi luôn thấy mình / là kẻ thấp kém nhất; / từ đáy lòng chân thật / luôn tôn kính mọi người / như kính bậc tối cao.
  3. Nguyện trong từng hành động / tôi luôn tự xét mình. / Phiền não vừa dấy lên, / đe dọa mình và người, / nguyện tức thì nhận diện, / và tức thì dẹp tan.
  4. Khi gặp người hiểm ác / vì bị tâm phiền não / và ác nghiệp tác động, / nguyện tôi quí người ấy / như vừa tìm ra được / kho tàng trân quí nhất.
  5. Khi gặp người vì lòng / ganh ghen và đố kỵ / miệt thị phỉ báng tôi, / nguyện tôi nhận phần thua, / nhường đi mọi phần thắng.
  6. Khi gặp người mà tôi / giúp đỡ, đặt kỳ vọng, / lại vong ân bội nghĩa / gây tổn hại cho tôi, / nguyện tôi xem người ấy / là một đấng tôn sư.
  7. Tóm lại tôi xin nguyện / trực tiếp và gián tiếp / trao tặng mọi lợi lạc / cho tất cả chúng sinh / đều là mẹ của tôi / từ vô lượng kiếp trước. / Nguyện âm thầm gánh chịu / mọi ác nghiệp khổ não / thay thế cho chúng sinh.
  8. Nguyện những điều nói trên / không bị vướng ô nhiễm / bởi tám ngọn gió chướng. / Nguyện tôi thấy mọi sự / hiện ra trong cõi đời / đều chỉ như huyễn mộng / cho tâm thôi chấp bám / thoát ràng buộc luân hồi.

3. Tứ Vô Lượng Tâm [Four Immeasurable]

Ước gì  chúng sinh / trú tâm đại xả / không gần vì luyến, / không xa vì thù.
Nguyện cho chúng sinh / trú nơi tâm này.
Tôi sẽ khiến họ / trú nơi tâm này.
Đức Phật – Đạo sư / xin hãy gia lực / cho con đủ sức / làm nên việc này

Ước gì chúng sinh / đạt quả vị Phật.
       [LZR đổi chữ “tìm được hạnh phúc…” thành “chữ “đạt quả vị Phật” 

Nguyện cho chúng sinh / đạt quả vị Phật.
Tôi sẽ khiến họ / đạt quả Phật
Đức Phật – Đạo sư / xin hãy gia lực / cho con đủ sức / làm nên việc này.

Ước gì chúng sinh / thoát hết khổ đau / cùng nhân tạo khổ
Nguyện khắp chúng sinh / thoát hết khổ đau / cùng nhân tạo khổ
Tôi sẽ khiến họ / thoát hết khổ đau / cùng nhân tạo khổ
Đức Phật – Đạo sư / xin hãy gia lực / cho con đủ sức / làm nên việc này.

Ước gì chúng sinh / không lìa niềm vui / thiện đạo, giải thoát
Nguyện cho chúng sinh / không lìa niềm vui.
Tôi sẽ khiến họ / không lìa niềm vui
Đức Phật – Đạo sư / xin hãy gia lực / cho con đủ sức / làm nên việc này

4. Pháp Quán Cho và Nhận  [Tong-len]

[Hãy khởi tâm từ bi vô lượng đối với chúng sinh, nghĩ rằng:]

“Thật tốt biết bao nếu tất cả chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau và thoát cả nguyên nhân tạo khổ.”

Gánh hết khổ nạn của chúng sinh về phần mình, nhất là khổ vì bệnh, khổ vì người thân. Nhận lãnh mọi khổ đau, mọi nguyên nhân tạo khổ, mọi mê muội tối ám—là điều không ai mong cầu— gom thành một khối ô nhiễm, tan vào tâm ngã ái. Ngã ái bị hủy diệt triệt để, và cái “ngã” mà tâm ngã ái này bám vào, cho rằng quí giá lắm, bây giờ trở thành không. Trú tâm vào nơi tánh không này càng lâu càng tốt.

Khi tu pháp nhận, nên dành một ít thời gian để quán tánh không. Thỉnh thoảng mở lòng từ ái, mang thân thể, tài sản, ba thời công đức, cống hiến cho chúng sinh, đặc biệt là những ai thù ghét ta. Tuy vậy, chủ yếu vẫn là dành thời gian cho pháp nhận.

5. Diệt Ngã Ái [Destroying the Self-Cherishing Thought]

<LZR: Điều cần phải nhớ rõ, cần thường xuyên tự nhắc nhở mình như sau>

Mọi khổ nạn đều phát sinh từ ngã ái. Mọi vấn đề xảy ra đều là do ngã ái ban tặng, chẳng việc gì  tôi phải nhận chịu. Vậy tôi nay hoàn trả về lại cho tâm ngã ái, cho ngã ái chịu khổ một mình.

Bất cứ lúc nào, hễ gặp khổ nạn, quí vị cứ hãy làm theo như vậy. Cố gắng nhận diện ngã ái, dùng làm vũ khí diệt sạch ngã ái bằng cách trả mọi khổ nạn về lại cho nó.

Mỗi khi gặp khổ nạn, thay vì thống trách hoàn cảnh bên ngoài, hãy nên trách tâm ngã ái, mang hết mọi vấn đề hoàn trả lại cho ngã ái. Phải luôn thấy ngã ái chính là kẻ thù độc hại nhất của ta, phải lánh xa như lánh rắn độc. Được vậy  bất kể gặp bao nhiêu vấn đề, dù to như quả địa cầu, dù nhiều như bão đá, liền tức khắc vấn đề đã không còn là vấn đề. Đó là pháp chuyển tâm Đại thừa trọng yếu bậc nhất, làm cách  nào chận đứng tức thì mọi vấn đề.

6. Quán Tưởng  [Visualisation]

Quán tưởng đức bổn tôn như trong tranh, là một với mọi đấng đạo sư mà quí vị đã chọn nương theo và đã kết nối [ví dụ đã thọ pháp dưới danh nghĩa đạo sư đệ tử]

[Đức Vajrapani màu xanh đêm, vô cùng oai nộ, tay cầm chùy kim cang và rắn thòng lọng. Thân tướng nhiệm mầu của Ngài được trang điểm đầy đủ mọi phẩm trang sức nghĩa trang. Chân sải rộng trên đài sen và mặt trời, Ngài đứng giữa vùng lửa trí tuệ siêu việt chói sáng. Từ nơi thân Ngài phóng ra kim sí điểu lửa, bò cạp sắt, heo đen, gió, và lửa, với sức mạnh cuồng phong mãnh liệt như bão đá, tiêu diệt mọi ác bệnh, tật dịch, tà chướng, ác chướng.]

7. Tụng Chú [Mantra Recitation]

Trong khi tụng chú, dòng cam lồ ngũ sắc rót vào năm điểm khác nhau trên thân thể quí vị: sắc trắng từ trán, đỏ từ cổ, xanh dương từ tim, vàng từ bụng dưới, và xanh lá từ chỗ kín. Dòng cam lồ ngũ sắc này thanh tịnh năm loại phiền não, thanh tịnh mọi tập khí phiền não, mọi ác nghiệp do phiền não mà có, mọi mê muội, mọi ác nghiệp tích tụ từ vô lượng đời kiếp, mọi tật bịnh do long thần hay các loại tà ma ác quỉ tác hại. Tất cả đều thoát ra ngoài từ các lỗ chân lông và các cửa dưới, dưới dạng nước đen bẩn như khi giặt tắm. Tiếp theo, mọi tật bịnh—như bịnh ung thư hay các chứng bịnh ác hiểm khác mà quí vị đang phải chịu—đều thoát ra ngoài dưới dạng súc vật, rắn, ếch và các loài vật sống dưới biển.

Minh Chú Hộ Luân Kim Cang Giáp [Dorje Gotrab Mantra]

HUM VAJRA PHAT! OM PÄDMA SHAWA RI PHAT / NÄN PAR SHIG / NAGA NÄN/ TAD YA THA / SARVA BI RI TA / HANA HANA / VAJRE NA RAKSHA RAKSHA SVAHA

<LZR: Mỗi lần tụng một tràng hạt 108 chú thì có 87 chú cho người tụng và 21 cho chúng sinh. Thổi vào nước sau khi tụng. Còn một cách khác, nấu nước rồi cho vào bình hay hủ lớn (hay bất cứ vật chứa gì khác) đặt trước mặt, quán tưởng dòng cam lồ ngũ sắc xuất ra từ Kim Cang Giáp, tan vào trong nước. Thổi vào nước thêm một lần nữa.>

Khởi niềm tự tin rằng chắc nước này bây giờ trở thành nước cam lồ của đại trí vô thượng, đại bi vô lượng, và đại dũng lực có khả năng tức thì thanh tịnh và hàng phục mọi tật bịnh—như chứng ung thư hay tất cả mọi ác bịnh nào khác mà quí vị đang có—cùng tất cả  nhiễm tâm.

Tụng xong một chuỗi hạt lại thổi vào nước. Cứ làm như vậy mỗi ngày bao nhiêu thời cũng được—ba hay bốn thời. Mỗi thời từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ hay nhiều hơn, phải cố gắng tiếp tục sám hối như vậy và gia trì cho nước.

8. Pháp Quán Hoàn Tất [Concluding visualization]

Cuối thời công phu, tất cả ác nghiệp tật bịnh tuôn ra dưới nhiều sắc dạng khác nhau, giờ chất lại như núi quanh quí vị, che lấp hết cõi địa cầu. Dưới chỗ quí vị ngồi, đất nẻ chín tầng sâu. Diêm Vương hiện ra, há miệng. Tất cả chui vào miệng Diêm Vương và đều biến thành nước cam lồ. Diêm Vương thập phần hoan hỉ, chày vàng kim cang niêm kín miệng, quay về chỗ ở của mình, rất xa nơi này, không thể nào trở lại. Đất khi nãy nẻ ra bây giờ khép lại liền lạc. Làm vậy thì pháp tu này sẽ là pháp trường thọ.

9. Hồi Hướng  [Dedication]

Bồ đề tâm trân quí
Nơi nào chưa có, nguyện cho phát sinh; 
Nơi nào đã sinh, nguyện không thoái chuyển; 
Vĩnh viễn tăng trưởng, không bao giờ ngừng.

Bài hồi hướng này Lama Zopa Rinpoche có nhiều cách triển khai khác nhau, phổ thông nhất là:

Nương công đức ba thời / của con cũng như của / vô số Phật, bồ tát, / và vô số chúng sinh / nguyện cho bồ đề tâm / sinh trong tim chúng sinh / ở khắp cả sáu cõi / đặc biệt là trong tim / người cõi thế gian này, / bao gồm chúng đệ tử / thí chủ, thiện nguyện viên / ở FPMT, / người nương dựa vào con, / người mà con đã hứa / sẽ cầu nguyện giúp cho, / người đưa tên cho con. / Nguyện cho bồ đề tâm / sinh trong tim của con, / của thân nhân, gia đình / của người còn, kẻ mất. Nguyện cho bồ đề tâm / nơi nào đã khởi sinh / sẽ luôn luôn tăng trưởng.

<LZR: Tưởng tượng cống hiến hết thân khẩu và ý của mình, cùng mọi sở hữu, tài sản, công đức ba thời, mọi quả an lạc hạnh phúc cho đến tận quả giác ngộ, mang hết ra cống hiến cho chúng sinh cõi địa ngục v.v…, cho khắp cả chúng sinh>

Tất cả mọi nghiệp khổ / mà chúng sinh phải chịu / nguyện đổ về nơi con.  / Tất cả mọi công đức / mà con tích tụ được / nguyện hồi hướng chúng sinh.

Với công đức ba thời / của con và chúng sinh, / của chư Phật, Bồ Tát, / nguyện mọi việc con làm / không bao giờ gây hại / nhỏ nhoi nào cho ai / ngược lại tạo lợi ích / cho tất cả mọi người.

Đời sống dù có là  / khổ đau hay hạnh phúc / nguyện luôn làm nhân tố / cho tất cả chúng sinh / sớm đạt quả giác ngộ.

Với công đức ba thời / của con và chúng sinh / của chư Phật, Bồ Tát,  / nguyện bao nhiêu chúng sinh / đang chịu nhiều bịnh khổ, / hoặc gặp chứng ung thư, / hoặc gặp chứng truyền nhiễm, / hoặc đeo nặng ác nghiệp / phải chịu quả tật bịnh, / những chúng sinh như vậy / nguyện cùng được thoát hết, / vĩnh viễn không bao giờ / phải chịu cảnh ốm đau.

Với công đức ba thời / của con và chúng sinh, / của chư Phật, Bồ Tát,  / —thực chất chỉ là Không— / nguyện cho bản thân con  / —thực chất chỉ là Không—  / đạt địa vị toàn giác / của đạo sư pháp chủ / —thực chất chỉ là Không— / nguyện cho bản thân con / —thực chất chỉ là không / dựa vào sức một người  / mà dẫn dắt chúng sinh / —thực chất chỉ là Không— / mau chóng đạt giác ngộ / —thực chất chỉ là Không.

Hướng dẫn hành trì [Practice Advice]

Liên tục hành trì công phu này mỗi ngày ít nhất là một thời, nhiều hơn càng tốt. Nhắp ba, bốn, hay năm ngụm nước đầy sau mỗi thời công phu, nghĩ rằng tất cả mọi ác bịnh đều được thanh tịnh, và cả nguyên nhân của tật bịnh—là ác nghiệp, vọng tâm và phiền não—cũng đều được thanh tịnh. Sau khi uống nước, hãy nghĩ rằng mình vừa nhận được trí toàn giác viên mãn, được tâm từ bi vô lượng che khắp chúng sinh hữu tình, và được tất cả mọi tánh đức vô lượng của bậc chánh đẳng chánh giác.

Đây là một trong những câu minh chú có năng lực hóa giải nghiệp ung thư mãnh liệt nhất, và cũng thường được dùng để giải trừ các loại nghiệp gây ác bịnh khác, giải nghiệp tà ma ám hại. Đọc minh chú này nhiều lần mỗi ngày có thể có được khả năng chữa bịnh cho người khác. Đọc tụng minh chú này để gia trì cho nước, rồi dùng nước ấy cho người bịnh uống.

Xuất xứ:

Nghi Thức này (bản Anh ngữ) do Lama Thubten Zopa Rinpoche soạn tại Genting, Malaysia, tháng 04/1997. Ven. Jampa Lundrup đánh máy và nhuận văn. Kendall Magnussen nhuận văn tháng 8, 2011. Phần để trong “[ ]” mô tả sắc tướng bổn tôn được trích từ nghi thức ngắn, thêm vào đây cho tiện việc hành trì.

Phiên âm chú: . Tenzin Tsomo and Joona Repo, FPMT Education Services, May 2019. Các bài kệ sau đây được cập nhật: Quy y – Phát tâm bồ đề, Tám Thi Kệ Chuyển Tâm, Tứ Vô Lượng Tâm và bài hồi hướng đầu tiên và cuối cùng, tháng 10, 2019.

Ấn bản Việt ngữ: Hồng Như Thupten Munsel dịch và thực hiện. Bản dịch đầu 2006. Cập nhật theo ấn bản Anh ngữ FPMT-2011: năm 2016. Cập nhật theo ấn bản FPMT-2019 – thêm hình: 02, 2020






Lama Zopa Rinpoche: ĐẠI BI TRƯỜNG CHÚ [có audio]

-Đạo Sư (Teacher): Kyabje Lama Zopa Rinpoche giảng và tụng
-Việt ngữ: Hồng Như dịch phần giảng
Hạ tải văn bản <pdf>

Trì tụng
ĐẠI BI TRƯỜNG CHÚ
[The Longest Compassionate Buddha Mantra ]

Cùng loại nhưng dài hơn chú Đại Bi.
Đọc thêm: Lama Zopa Rinpoche hướng dẫn pháp trì Đại Bi Trường Chú

Lần 1

NAMO RATNA TRAYAAYA / NAMA ARYAA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA / MAHAA SATTVAAYA / MAHAA KAARUNIKAAYA / TADYATHAA / OM SARVA BANDHANA / CTSHE DHANA KARAAYA / SARVA PAAPA SAMUDROCTSHO SHANA KARAAYA / SARVA BYAADHI PRASHAMANA KARAAYA / SARVA ITYU PADRA BABI NAASHAANA KARAAYA / SARVA BHAYE SHUTARNA KARAAYA / TA SYA / NAMA SKRI TVAA / IDAM / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / TAVA / NIILAKANTHA NAAMAPA RAMA HRIDAYAM / APARTTA YISHYAAMI / SARVAARTHASAADHANAAM / SHUBHA CHETANAAM / SARVA BHUUTAANAAM / PAAPA MAARGA VISHO DHAKAM / TADYATHAA / AVALOKITE / SHVARYAA / ALOKE / ADHIPATI / LOKA ATIKRAANTE / EH HI / EH HI / MAHA BODHISATTVA / HE BODHISATTVA / HE MAHA BODHISATTVA / HE PRIYA / BODHISATTVA / HE MAHAKAARUNIKA / MAHA SMARA HRIDAYENA / EH HI / EH HI / AARYAA AVALOKITESHVARAAYA / PARA MAMAI TRI CHITTA KAARUNIKA KURU KURU / KARMA SAADHAYA SAADHAYA / VIDYANA DEHI DEHI / ME ARAM GAMAM GAMA / BIHAM GAMA / SIDDHA YOGII SHVARA / DUHU DUHU BIRYANATE / MAHA BIRYANATE / DHARA / DHARA / DHARENDRE SHVARA / TSALA / TSALA / BIMALA MURTE / ARYA AVALOKITESHVARA / JINA KRISHNA JATAA MUKUTA / ALAM KRITASHARIIRA / LAMBA / PRALAMBA / PILOMBA / MAHASIDDHA BIDYA DHARA / BALA / BALA / MAHABALA / MALA / MALA / MAHA MALA / TSALA / TSALA / MAHA TSALA / KRISHNA VARNA / KRISHNA PAKSHA / KRISHNA PAASHA / NIRGHAA TANA / HE / PADMA HASTA / TSARA TSARA / NISHCHARE SHVARE / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITA / EH HI / EH HI / MAHA VAARAAHA MUKHA HRIPURA DAHANE SHVARA / NAARAAYANA BALA RUUPA VESHA DHARA / HE / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / MAHA HALA / HALA / VISHA NIRJATA / LOKASYA / RAAGA VISHA VINAA SHANAM / DVESHA VISHA VINAA SHANAM / MOHA VISHA VINA SHANAM / NIRMO KSHANA / HULU / HULU / MUÑCHA /MUÑCHA / MUHU / MUHU / RAHULA /RAHULA / HALA / HALAA / HAARE / MAHA PADMA NAABHI / SARA / SARA / SIRI / SIRI / SURU / SURU / BUDDHYA / BUDDHYA / BODHAYA / BODHAYA / BODHAYAA TABA / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / BAAMA STHITA / MAHA SIMHA MUKHA / HASA / HASA / MUÑCHA / MUÑCHA / MAHA TTA TTA HAASYA / EH HI / EH HI / BHO BHO / MAHA SIDDHA YOGI SHVARA / BHANDHA BHANDHA / PAATSANA / SAADHAYA / SAADHAYA / VIDYAAM / SMARA / SMARA / TVAM / HE / BHAGAVAN / ALOKA VILOKA TVAM / TATHAAGATANAM / DAHIDAAHIME / DARSHANA / KAAMASYA / DARSHANAM / PRASAADHAYA ME SVAHA / IDA DHAYA SVAHA / MAHA SIDAHAAYA SVAHA / SIDDHA YOGI SHVARAAYA SVAHA / NILAKANTHAYA SVAHA / BAARAAHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA BAARAAHA MUKHAYA SVAHA / NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / VAJRA HASTAAYA SVAHA / MAHA VAJRA HAASTAYA SVAHA / SIDDHA VIDYAADHARAAYA SVAHA / MAHA SIDDHA VIDYADHARAAYA SVAHA / PADMA HASTAAYA SVAHA / MAHA PADMA HASTAAYA SVAHA / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITAAYA SVAHA / MAHA MAALA MUKUTA DHARAAYA SVAHA / CHAKRAAYU DHADHARAAYA SVAHA / SHAMKHA SHABDA NIRNAA DANA KARAAYAA SVAHA / BODHANA KARAAYA SVAHA / BAAMA STHITA SKANDHA DESHA KRISHNAA JINAAYA SVAHA / VAAMA HASTA BYAAGHRA CHARMANI RABHASANAAYA SVAHA / LOKESHVARAAYA SVAHA / MAHA LOKESHVARAAYA SVAHA / SARVA SIDDHESHVARAAYA SVAHA / RAKSHA RAKSHA MAM SVAHA / KURU RAKSHA MUDRAANAAM SVAHA / NAMO BHAGAVATE / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA MAHASATTVAAYA / MAHAKAARUNIKAAYA SIDDHYANTUME MANDRA PADAANI SVAHA //

 Lần 2

NAMO RATNA TRAYAAYA / NAMA ARYAA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA / MAHAA SATTVAAYA / MAHAA KAARUNIKAAYA / TADYATHAA / OM SARVA BANDHANA / CTSHE DHANA KARAAYA / SARVA PAAPA SAMUDROCTSHO SHANA KARAAYA / SARVA BYAADHI PRASHAMANA KARAAYA / SARVA ITYU PADRA BABI NAASHAANA KARAAYA / SARVA BHAYE SHUTARNA KARAAYA / TA SYA / NAMA SKRI TVAA / IDAM / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / TAVA / NIILAKANTHA NAAMAPA RAMA HRIDAYAM / APARTTA YISHYAAMI / SARVAARTHASAADHANAAM / SHUBHA CHETANAAM / SARVA BHUUTAANAAM / PAAPA MAARGA VISHO DHAKAM / TADYATHAA / AVALOKITE / SHVARYAA / ALOKE / ADHIPATI / LOKA ATIKRAANTE / EH HI / EH HI / MAHA BODHISATTVA / HE BODHISATTVA / HE MAHA BODHISATTVA / HE PRIYA / BODHISATTVA / HE MAHAKAARUNIKA / MAHA SMARA HRIDAYENA / EH HI / EH HI / AARYAA AVALOKITESHVARAAYA / PARA MAMAI TRI CHITTA KAARUNIKA KURU KURU / KARMA SAADHAYA SAADHAYA / VIDYANA DEHI DEHI / ME ARAM GAMAM GAMA / BIHAM GAMA / SIDDHA YOGII SHVARA / DUHU DUHU BIRYANATE / MAHA BIRYANATE / DHARA / DHARA / DHARENDRE SHVARA / TSALA / TSALA / BIMALA MURTE / ARYA AVALOKITESHVARA / JINA KRISHNA JATAA MUKUTA / ALAM KRITASHARIIRA / LAMBA / PRALAMBA / PILOMBA / MAHASIDDHA BIDYA DHARA / BALA / BALA / MAHABALA / MALA / MALA / MAHA MALA / TSALA / TSALA / MAHA TSALA / KRISHNA VARNA / KRISHNA PAKSHA / KRISHNA PAASHA / NIRGHAA TANA / HE / PADMA HASTA / TSARA TSARA / NISHCHARE SHVARE / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITA / EH HI / EH HI / MAHA VAARAAHA MUKHA HRIPURA DAHANE SHVARA / NAARAAYANA BALA RUUPA VESHA DHARA / HE / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / MAHA HALA / HALA / VISHA NIRJATA / LOKASYA / RAAGA VISHA VINAA SHANAM / DVESHA VISHA VINAA SHANAM / MOHA VISHA VINA SHANAM / NIRMO KSHANA / HULU / HULU / MUÑCHA /MUÑCHA / MUHU / MUHU / RAHULA /RAHULA / HALA / HALAA / HAARE / MAHA PADMA NAABHI / SARA / SARA / SIRI / SIRI / SURU / SURU / BUDDHYA / BUDDHYA / BODHAYA / BODHAYA / BODHAYAA TABA / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / BAAMA STHITA / MAHA SIMHA MUKHA / HASA / HASA / MUÑCHA / MUÑCHA / MAHA TTA TTA HAASYA / EH HI / EH HI / BHO BHO / MAHA SIDDHA YOGI SHVARA / BHANDHA BHANDHA / PAATSANA / SAADHAYA / SAADHAYA / VIDYAAM / SMARA / SMARA / TVAM / HE / BHAGAVAN / ALOKA VILOKA TVAM / TATHAAGATANAM / DAHIDAAHIME / DARSHANA / KAAMASYA / DARSHANAM / PRASAADHAYA ME SVAHA / IDA DHAYA SVAHA / MAHA SIDAHAAYA SVAHA / SIDDHA YOGI SHVARAAYA SVAHA / NILAKANTHAYA SVAHA / BAARAAHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA BAARAAHA MUKHAYA SVAHA / NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / VAJRA HASTAAYA SVAHA / MAHA VAJRA HAASTAYA SVAHA / SIDDHA VIDYAADHARAAYA SVAHA / MAHA SIDDHA VIDYADHARAAYA SVAHA / PADMA HASTAAYA SVAHA / MAHA PADMA HASTAAYA SVAHA / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITAAYA SVAHA / MAHA MAALA MUKUTA DHARAAYA SVAHA / CHAKRAAYU DHADHARAAYA SVAHA / SHAMKHA SHABDA NIRNAA DANA KARAAYAA SVAHA / BODHANA KARAAYA SVAHA / BAAMA STHITA SKANDHA DESHA KRISHNAA JINAAYA SVAHA / VAAMA HASTA BYAAGHRA CHARMANI RABHASANAAYA SVAHA / LOKESHVARAAYA SVAHA / MAHA LOKESHVARAAYA SVAHA / SARVA SIDDHESHVARAAYA SVAHA / RAKSHA RAKSHA MAM SVAHA / KURU RAKSHA MUDRAANAAM SVAHA / NAMO BHAGAVATE / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA MAHASATTVAAYA / MAHAKAARUNIKAAYA SIDDHYANTUME MANDRA PADAANI SVAHA //

Lần 3

NAMO RATNA TRAYAAYA / NAMA ARYAA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA / MAHAA SATTVAAYA / MAHAA KAARUNIKAAYA / TADYATHAA / OM SARVA BANDHANA / CTSHE DHANA KARAAYA / SARVA PAAPA SAMUDROCTSHO SHANA KARAAYA / SARVA BYAADHI PRASHAMANA KARAAYA / SARVA ITYU PADRA BABI NAASHAANA KARAAYA / SARVA BHAYE SHUTARNA KARAAYA / TA SYA / NAMA SKRI TVAA / IDAM / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / TAVA / NIILAKANTHA NAAMAPA RAMA HRIDAYAM / APARTTA YISHYAAMI / SARVAARTHASAADHANAAM / SHUBHA CHETANAAM / SARVA BHUUTAANAAM / PAAPA MAARGA VISHO DHAKAM / TADYATHAA / AVALOKITE / SHVARYAA / ALOKE / ADHIPATI / LOKA ATIKRAANTE / EH HI / EH HI / MAHA BODHISATTVA / HE BODHISATTVA / HE MAHA BODHISATTVA / HE PRIYA / BODHISATTVA / HE MAHAKAARUNIKA / MAHA SMARA HRIDAYENA / EH HI / EH HI / AARYAA AVALOKITESHVARAAYA / PARA MAMAI TRI CHITTA KAARUNIKA KURU KURU / KARMA SAADHAYA SAADHAYA / VIDYANA DEHI DEHI / ME ARAM GAMAM GAMA / BIHAM GAMA / SIDDHA YOGII SHVARA / DUHU DUHU BIRYANATE / MAHA BIRYANATE / DHARA / DHARA / DHARENDRE SHVARA / TSALA / TSALA / BIMALA MURTE / ARYA AVALOKITESHVARA / JINA KRISHNA JATAA MUKUTA / ALAM KRITASHARIIRA / LAMBA / PRALAMBA / PILOMBA / MAHASIDDHA BIDYA DHARA / BALA / BALA / MAHABALA / MALA / MALA / MAHA MALA / TSALA / TSALA / MAHA TSALA / KRISHNA VARNA / KRISHNA PAKSHA / KRISHNA PAASHA / NIRGHAA TANA / HE / PADMA HASTA / TSARA TSARA / NISHCHARE SHVARE / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITA / EH HI / EH HI / MAHA VAARAAHA MUKHA HRIPURA DAHANE SHVARA / NAARAAYANA BALA RUUPA VESHA DHARA / HE / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / MAHA HALA / HALA / VISHA NIRJATA / LOKASYA / RAAGA VISHA VINAA SHANAM / DVESHA VISHA VINAA SHANAM / MOHA VISHA VINA SHANAM / NIRMO KSHANA / HULU / HULU / MUÑCHA /MUÑCHA / MUHU / MUHU / RAHULA /RAHULA / HALA / HALAA / HAARE / MAHA PADMA NAABHI / SARA / SARA / SIRI / SIRI / SURU / SURU / BUDDHYA / BUDDHYA / BODHAYA / BODHAYA / BODHAYAA TABA / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / NIILAKANTHA / EH HI / EH HI / BAAMA STHITA / MAHA SIMHA MUKHA / HASA / HASA / MUÑCHA / MUÑCHA / MAHA TTA TTA HAASYA / EH HI / EH HI / BHO BHO / MAHA SIDDHA YOGI SHVARA / BHANDHA BHANDHA / PAATSANA / SAADHAYA / SAADHAYA / VIDYAAM / SMARA / SMARA / TVAM / HE / BHAGAVAN / ALOKA VILOKA TVAM / TATHAAGATANAM / DAHIDAAHIME / DARSHANA / KAAMASYA / DARSHANAM / PRASAADHAYA ME SVAHA / IDA DHAYA SVAHA / MAHA SIDAHAAYA SVAHA / SIDDHA YOGI SHVARAAYA SVAHA / NILAKANTHAYA SVAHA / BAARAAHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA BAARAAHA MUKHAYA SVAHA / NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / MAHA NARA SIMHA MUKHAAYA SVAHA / VAJRA HASTAAYA SVAHA / MAHA VAJRA HAASTAYA SVAHA / SIDDHA VIDYAADHARAAYA SVAHA / MAHA SIDDHA VIDYADHARAAYA SVAHA / PADMA HASTAAYA SVAHA / MAHA PADMA HASTAAYA SVAHA / KRISHNA SARVA KRITAYA JÑOPABIITAAYA SVAHA / MAHA MAALA MUKUTA DHARAAYA SVAHA / CHAKRAAYU DHADHARAAYA SVAHA / SHAMKHA SHABDA NIRNAA DANA KARAAYAA SVAHA / BODHANA KARAAYA SVAHA / BAAMA STHITA SKANDHA DESHA KRISHNAA JINAAYA SVAHA / VAAMA HASTA BYAAGHRA CHARMANI RABHASANAAYA SVAHA / LOKESHVARAAYA SVAHA / MAHA LOKESHVARAAYA SVAHA / SARVA SIDDHESHVARAAYA SVAHA / RAKSHA RAKSHA MAM SVAHA / KURU RAKSHA MUDRAANAAM SVAHA / NAMO BHAGAVATE / ARYA AVALOKITESHVARAAYA / BODHISATTVAAYA MAHASATTVAAYA / MAHAKAARUNIKAAYA SIDDHYANTUME MANDRA PADAANI SVAHA //


ĐẠI BI TỊNH THỦY SÁM PHÁP

[WATER BLESSING BY CHENREZIG – ADVICES TO STUDENTS]

Lama Zopa Rinpoche hướng dẫn cho đệ tử

1. Trường Chú Đại Bi (cho đệ tử bị bệnh mắt)

Niệm Đại Bi Trường Chú hai hay ba lần mỗi ngày. Quán tưởng nước cam lồ từ bàn tay nhiệm mầu của đức Quan Thế Âm rót xuống, thanh tịnh hết thảy mọi ác nghiệp, ác chướng, tà chướng, ác bệnh. Chủ yếu là cần phải thanh tịnh ác nghiệp trong các đời quá khứ đã gieo vì bị phiền não và nghiệp chướng tác động, đây chính là gốc rễ phát sinh mọi vấn đề hiện tại. Nước cam lồ rót xuống đôi mắt [nơi có bệnh], rất dịu và rất thanh.

Đặt nước trước ảnh tượng của đức Quan Thế Âm, khi tụng chú hãy nghĩ rằng mình đang tịnh hóa nước này. Giữ một miếng vải, thấm ướt bằng nước ấy và lau mắt. Làm như vậy vài lần trong ngày. Mỗi khi chùi mắt, hãy nghĩ rằng nhờ vào nước này mà tất cả mọi nhiễm tâm ác nghiệp đã tạo ra trong quá khứ, vì đó mà sinh ác bệnh trong hiện tại, đều được thanh tịnh tất cả. Nếu có lòng tin mạnh mẽ nơi đức Quan Thế Âm, hoàn toàn phó thác bản thân cho Ngài, thì đây sẽ là một phương pháp sám hối rất hiệu nghiệm.

Source: https://www.lamayeshe.com/advice/eye-conditions

2. Đại Bi Trường Chú tịnh ác nghiệp

Phương pháp trì tụng chú này, kinh sách có dạy, trước tiên hãy khởi tâm đại bi trước chúng sinh sáu cõi, vì chúng sinh mà hy sinh bản thân, chịu khổ thay cho chúng sinh, để chúng sinh thoát cảnh trầm luân sinh tử, đạt niết bàn giải thoát. Sau đó, hãy nhớ, phát nguyện chịu khổ thay cho chúng sinh, rồi việc làm này trở thành nhân mang hạnh phúc, cho hết thảy chúng sinh thoát mọi khổ đau sinh tử, đạt quả giác ngộ. Rồi sau khi tụng niệm hãy nhất tâm chuyên chú nhớ tên Thầy, và tụng tên của Thầy. Nhớ đức A Di Đà. Vậy, nhớ đức Quan Thế Âm và đức A Di Đà, rồi nếu tụng chú này bảy lần vào buổi tối, sẽ tịnh được 800 triệu đại kiếp ác nghiệp, tịnh được bấy nhiêu ác nghiệp nhờ tụng chú này bảy lần trong một đêm.

Source: https://www.lamayeshe.com/article/chapter/oral-transmission-long-chenrezig-mantra

3. Lục Tự Đại Minh Chú OM MANI PADME HUM (cho đệ tử bị khối u trong não)

Nên gia trì nước bằng cách tụng Lục Tự Chú, quán tưởng đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm, trên bình nước. Nước cam lồ từ tim đức Quan Thế Âm rót vào bình, chan chứa mãnh liệt năng lực gia trì. Tưởng tượng bình nước này đầy ắp năng lực gia trì của đức Quan Thế Âm.

Tụng xong một tràng hạt thì quán như vậy. Mỗi ngày tụng tối thiểu ba tràng hạt và gia trì cho nước—không được ít hơn, nhiều hơn càng tốt. Trong khi quán tưởng, cần khởi lòng tin mạnh mẽ rằng đức Quan Thế Âm thật sự gia trì cho nước này bằng suối cam lồ quét sạch bốn thứ: ác nghiệp, tà chướng, ác chướng và ác bệnh (bướu não).

Sau khi quán tưởng hãy chú tâm vào nước trong bình, nghĩ rằng: “bây giờ nước này chính là cam lồ.” Uống nước này mỗi ngày vài lần, mỗi lần vài ngụm.

Tiếp tục làm như vậy mỗi ngày. Hết nước thì châm thêm nước mới vào bình và tiếp tục gia trì cho nước.

Source: https://www.lamayeshe.com/advice/water-blessed-chenrezig

Nghe Lama Zopa Rinpoche tụng Đại Bi Trường Chú:

có phụ đề để đọc theo: https://youtu.be/VhgOEMv-bes





Lama Zopa Rinpoche: HƯỚNG DẪN TU TONG-LEN ĐỂ PHÁT TÂM TỪ BI

The Preliminary Practice of Tong-len (click to access the English version)
-Lama Zopa Rinpoche hướng dẫn tu Ngondro – Tong-len
-Đạo Sư (Teacher ): Kyabje Lama Zopa Rinpoche (2006) –
-Việt ngữ (translation): Hồng Như, bản dịch tháng 2 năm 2018

1- Hướng Dẫn Ngắn Gọn  (Short Teachings)
2- Nghi Thức Giản Lược Tu Tong-len (Short Practice)

HƯỚNG DẪN PHÁP TU TONG-LEN [ĐỂ PHÁT TÂM BỒ ĐỀ] theo khuôn khổ Pháp Tu Sơ Khởi (Ngondro)

Tong-len là “nhận và cho.” Đây là pháp tu phát tâm bồ đề can đảm bậc nhất. “Tong-wa” là tặng cho chúng sinh mọi công đức an vui của mình; “Len-pa” là nhận về mọi khổ nạn ác nghiệp của chúng sinh, lấy đó đập ngay vào tâm ngã ái, làm cho ngã ái này tiêu tan không còn.

Nhận và cho như vậy là phương pháp phát tâm bồ đề chóng vánh nhất, là con đường từ bỏ biển khổ sinh tử nhanh nhất, cũng là cách viên thành chánh quả (lìa mọi mê lầm, đạt mọi thiện đức) sớm nhất, và là cách nhanh chóng có được khả năng độ chúng sinh thoát biển khổ địa ngục, ngạ quĩ, súc sinh, người, trời, A-tu-la và cõi trung ấm, đạt quả vô thượng bồ đề. Nói ví dụ, mặc dù Phật Di Lặc phát tâm bồ đề tâm trước nhưng đấng bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật lại đạt quả vô thượng bồ đề sớm hơn, là vì có được lòng từ bi mạnh mẽ hơn.

Pháp thiền này là phương pháp chuyển tâm thù thắng nhất, cũng là phương pháp tâm lý trị liệu tốt nhất giúp người Tây phương giữ tâm an lạc khi gặp vấn đề tinh thần, thể xác. Đây là phương pháp trị liệu tâm bệnh tốt nhất, nhờ đó cũng trị được thân bệnh. Nếu gặp bệnh khổ thì đây là phương pháp trị liệu tốt nhất, và cũng có thể trị bệnh cho người khác.

CÁCH ĐẾM TÚC SỐ

Để đếm túc số Tong-len cho pháp tu sơ khởi (ngondro), quí vị có thể chọn câu kệ tong-len trong Cúng Dường Đạo Sư (Lama Chöpa, câu kệ số v.95):

Đạo sư tôn quí, đạo sư từ bi,
Con khẩn xin Thầy gia trì hộ niệm
Cho mọi khổ đau, ác nghiệp, ác chướng,
Của mẹ chúng sinh, nguyện ngay bây giờ
Trổ quả nơi con không chút thiếu sót,
Nguyện mang an lạc cùng mọi thiện đức
Tặng cho chúng sinh, nhờ đó tất cả
Đều được hạnh phúc.

Đọc bài kệ này để đếm túc số, vừa đọc vừa quán tưởng. Mỗi lần như vậy quí vị tích lũy được biết bao nhiêu trời rộng công đức, tịnh được biết bao nhiêu ác nghiệp, đến gần hơn với quả giác ngộ. Pháp tu này sẽ giúp quí vị phát tâm bồ đề.

 Quí vị cũng có thể chọn bài kệ của đức Long Thọ (Nagarjuna):

Chúng sinh bao nhiêu khổ
Nguyện trổ quả nơi tôi;
Tôi được bao an vui
Nguyện tặng chúng sinh hưởng.

Phần đầu quán pháp nhận. Phần sau quán pháp cho. Đếm số lần tụng bài kệ này bằng chuỗi hạt. Tôi nghĩ tu như vậy tâm của quí vị sẽ vô cùng an lạc và chúng sinh cũng sẽ được an lạc vô cùng!

Hoặc là chọn bài kệ của Shakya Shri Bhadra:

Nếu như có khổ, hãy gánh khổ nạn cho khắp chúng sinh;
Nguyện cho chúng sinh cạn vơi biển khổ.
Nếu như có vui, hãy tặng vui cho chúng sinh tạo phước;
Nguyện chúng sinh được trời rộng an vui.

Chọn một trong ba bài kệ trên để tụng và quán tưởng. Hoặc quí vị cũng có thể thay đổi, tụng bài này rồi tụng bài kia. Thực hành tong-len bằng cách vừa tụng vừa quán, đây là pháp tu có tác dụng mãnh liệt bậc nhất.

CÁCH THỰC HÀNH TONG-LEN

-PHÁP NHẬN

Nói cho ngắn gọn, tu tong-len thì đầu tiên là tu pháp nhận:

(1) Khởi tâm bi. Tiếp theo, nhận về khổ đau của từng cõi luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, trời, a tu la và cõi trung ấm. Pháp Lamrim có giải thích cặn kẽ về các loại khổ đau này, hãy nhận hết vào trong tim;

(2) nhận cả nguyên nhân của khổ, là nghiệp và nhiễm tâm phiền não cùng tập khí phiền não; hãy nhận hết về;

(3) nhận cả môi trường sống khó khăn. Ví dụ cõi địa ngục, nền sắt nung cháy bỏng, nhà sắt nung không cửa ra vào, không cửa sổ, hay là hàn ngục với những ngọn núi băng lạnh cóng. Rồi cõi quỉ đói, cảnh sống thật thê lương không cả nước uống, hoặc quá nóng, hoặc quá lạnh. Cõi người thì khổ vì môi trường bẩn thỉu, chông gai đại loại. Khổ đau vì môi trường sống, hãy nhận hết về.

Nhận khổ về dưới dạng khói đen, ô nhiễm – như khói trong thành phố. Chúng sinh nhiều vô lượng, hãy nhận về khổ đau của từng chúng sinh, không sót một ai. Tưởng tượng thật sự nhận được khổ đau này, đưa vào trong tim, phá tan ngã ái, là kẻ thù tệ nhất của bản thân.

Cái tôi này, tâm ngã ái này, là nguyên nhân sinh ra mọi khổ đau mà quí vị đã phải gánh chịu từ vô thủy sinh tử, khổ đau chung của toàn bộ luân hồi cũng như khổ đau riêng biệt của các cõi trời người và ác đạo—địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Không chỉ là nguyên nhân của khổ đau trong quá khứ mà còn là nguyên nhân của khổ đau triền miên không dứt trong luân hồi.

Ngã, ngã ái, là tà ma lớn nhất, tạo trở ngại khiến quí vị không có khả năng đạt quả giác ngộ. Cho đến bây giờ vẫn cản trở không cho quí vị đạt quả giác ngộ, thậm chí không cho phép quí vị giải thoát luân hồi, cũng không cho phép quí vị cứu độ chúng sinh, cứu một chúng sinh thôi cũng không thể. Nói vậy đủ thấy ngã này không phải chỉ là kẻ thù của cá nhân riêng mình mà còn là kẻ thù của khắp cả chúng sinh.

Nhận khổ đau về, quí vị đừng nghĩ rằng chỉ có ngã và ngã ái bị đập nát tiêu tan, mà đến cả vô minh, gốc rễ của luân hồi—là vọng niệm chấp cái tôi thật có—cũng tiêu tan không còn. Cũng là như vậy, đối tượng của vô minh—là cái tôi có hiện hữu chắc thật, cái tôi hiện ra ngay đó—cũng hoàn toàn tiêu tan. Thấy được ngã này vốn không hiện hữu, tự tánh chỉ là không; ngay từ đầu vốn không từng tồn tại. Trú tâm ít lâu trong pháp quán tánh không này. Thiền quán như vậy rất tốt, không chỉ quán tâm bồ đề cầu quả giác ngộ mà còn quán về tánh không.

-PHÁP CHO

Nhận khổ chúng sinh rồi, tiếp theo thực hành pháp cho: tặng cho chúng sinh nguồn an vui hạnh phúc.

(1) Khởi tâm từ. Tiếp theo, cho ra hết thảy công đức có được trong khắp ba thời quá khứ hiện tại và vị lai, cùng mọi thiện báo đến từ công đức ấy, cho ra mọi an lạc nhất thời trong luân hồi, an lạc cứu cánh [giải thoát luân hồi], và an lạc vô song của quả vị chánh đẳng giác. Ai thiếu an lạc nhất thời, quí vị cho nguồn an lạc nhất thời. Ai có an lạc nhất thời nhưng thiếu an lạc cứu cánh, quí vị cho nguồn an lạc cứu cánh. Ai có an lạc cứu cánh, đã thoát sinh tử luân hồi nhưng thiếu an lạc vô song quả chánh đẳng giác, quí vị cho nguồn an lạc vô song quả chánh đẳng giác.

Cho ra tất cả, một cách trọn vẹn, tặng cho vô lượng chúng sinh cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời, a tu la và cõi trung ấm. Nghĩ rằng mỗi chúng sinh đều nhận được và nhờ vậy mà tâm họ chuyển thành Pháp thân và thân họ chuyển thành Sắc thân,

(2) Tiếp theo, cho ra thân thể của mình dưới dạng ngọc như ý. Hiến tặng thân này cho vô lượng chúng sinh cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời, a tu la và cõi trung ấm. Nghĩ rằng nhờ đó họ nhận được mọi điều ước mong, kể cả quả giác ngộ.

(3) Tiếp theo, cho ra tất cả tài sản, sở hữu. Nói ví dụ quí vị có được bao nhiêu chiếc nón đều mang ra cho hết: nón mùa hè, nón mùa đông, nón mùa xuân, nón đội ngoài đường, nón đội trong nhà v.v… Cho hết tất cả. Cho hết mọi thứ, từ chiếc nón đội trên đầu cho đến đôi vớ mang dưới chân. Cho luôn tiền bạc trong ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, thân nhân bằng hữu quanh mình. Tặng hết cho chúng sinh cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời, a tu la và cõi trung ấm.

-LỢI ÍCH TU TONG-LEN

Nhận khổ chúng sinh thì tích lũy được lượng công đức nhiều đến không làm sao tin nổi, và được sự tịnh hóa cũng vô cùng khó tin. Mỗi lần tu tong-len là vô lượng ác nghiệp quá khứ được thanh tịnh. Vô số, vô số che chướng được quét đi. Và cũng tích lũy được vô lượng công đức.

Rồi tu pháp cho, công đức cũng nhiều không thể tưởng. Mỗi lần quí vị mang hạnh phúc của mình, nhất thời, cứu cánh, và vô song, tặng cho chúng sinh là tích lũy được biết bao nhiêu bầu trời công đức. Cho ra hạnh phúc hiện tại cùng mọi hạnh phúc tương lai, từ niềm vui trong giây phút kế tiếp theo đây cho đến khi thành tựu đại giác, gồm cả giải thoát luân hồi cùng mọi chứng quả khác, tất cả tặng hết cho mỗi mỗi chúng sinh trong khắp các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời và a tu la, rồi cho ra hết thảy công đức của cả ba thời quá khứ hiện tại và vị lai, làm như vậy quí vị tích lũy được biết bao nhiêu bầu trời công đức vô biên.

Rồi mỗi lần cho ra thân thể dưới dạng ngọc như ý là lại tích lũy thêm nhiều bầu trời công đức. Dù chỉ cho riêng chúng sinh cõi địa ngục thôi cũng đủ tích lũy vô vàn bầu trời công đức, là vì chúng sinh cõi ấy nhiều vô lượng, nên công đức tích lũy được cũng nhiều vô lượng.

Rồi mang tài sản sở hữu tặng hết cho chúng sinh, tích lũy thêm bao nhiêu bầu trời công đức. Bất kể là sở hữu nhiều hay ít, tặng chúng sinh chỉ một món thôi cũng đủ tích lũy được vô lượng công đức, là vì chúng sinh ấy nhiều vô lượng. Vậy khi quí vị mang hết từ nón đến vớ tặng cho chúng sinh các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, trời, a tu la, và chúng sinh cõi trung ấm, là quí vị có được vô vàn bầu trời công đức. Rồi mỗi khi cho ra thân nhân bằng hữu quanh mình, lại tích lũy thêm vô vàn bầu trời công đức.

Tuyệt vời! Thật là Tuyệt vời! Thật quá tuyệt vời! Làm như vậy đời sống có ý nghĩa biết bao, phong phú biết bao.

Quí vị thấy đó, vì chúng sinh nhiều vô lượng cho nên công đức tặng cho chúng sinh cũng nhiều vô lượng. Quí vị không tưởng tượng nổi đâu. Tôi cho rằng nếu quí vị thật sự biết được công đức này nhiều đến cỡ nào, chắc chắn té xỉu ngay tại chỗ, khó lòng ngồi dậy. Hy vọng là không té xỉu quá lâu. Hy vọng là người nhà không chở quí vị đi khám bác sĩ hay khám chuyên gia tâm lý. Hy vọng người nhà không vì vậy mà phải chở quí vị đến bệnh viện!

[HẾT]

Hồng Như chuyển Việt ngữ 02/2018

Nguyên bản tiếng Anh: https://www.lamayeshe.com/article/chapter/tong-len-short-practice
Tiếng Việt Online: http://www.hongnhu.org/huong-dan-tu-ngondro-tong-len-lzr/


1- Hướng Dẫn Ngắn Gọn  (Short Teachings)
2- Nghi Thức Giản Lược Tu Tong-len (Short Practice)

NGHI THỨC GIẢN LƯỢC  TU TONG-LEN
theo khuôn khổ Pháp Tu Sơ Khởi Ngondro

Đạo Sư hướng dẫn: Kyabje Lama Zopa Rinpoche

Nghi thức giản lược tu Tong-len do tỷ kheo ni Sarah 
ghi lại dựa theo lời hướng dẫn của Lama Zopa Rinpoche.

Muốn tu tong-len cho pháp sơ khởi (ngondro), quí vị có thể chọn một trong ba bài kệ dưới đây để tụng và quán tưởng đếm túc số.

– trích Cúng Dường Đạo Sư (Lama Chöpa, chỉnh cú số v.95):

Đạo sư tôn quí, đạo sư từ bi,
Con khẩn xin Thầy gia trì hộ niệm
Cho mọi khổ đau, ác nghiệp, ác chướng, của mẹ chúng sinh,
Nguyện ngay bây giờ trổ quả nơi con không chút thiếu sót,
Nguyện mang an lạc cùng mọi thiện đức tặng cho chúng sinh
Nhờ đó tất cả đều được hạnh phúc.

Hoặc bài kệ của đức Long Thọ (Nagarjuna):

Chúng sinh bao nhiêu khổ
Nguyện trổ quả nơi tôi;
Tôi được bao an vui
Nguyện tặng chúng sinh hưởng.

Hoặc bài kệ của đức Shakya Shri Bhadra:

Nếu như có khổ, hãy gánh khổ nạn cho khắp chúng sinh
Nguyện cho chúng sinh cạn vơi biển khổ
Nếu như có vui, hãy tặng vui cho chúng sinh tạo phước;
Nguyện chúng sinh được trời rộng an vui.

Pháp Nhận: gánh khổ chúng sinh

Tu pháp nhận, trước tiên mở tâm đại bi đối với vô lượng chúng sinh đang chịu khổ đau vì bị phiền não và nghiệp khống chế, rồi nhận về:

khổ đau của khắp chúng sinh;
nguyên nhân của khổ đau: nghiệp, phiền não, và tập khí phiền não;
– khổ đau vì môi trường sống;

Nhận về lần lượt hay đồng loạt khổ đau của các cõi:
– địa ngục
– ngạ quỉ
– súc sinh
– người
– trời
– a-tu-la
– cõi trung ấm

Nhận tất cả vào tim theo dạng khói đen ô nhiễm, tưởng tượng luồng khói này tan vào cái tôi, diệt tan ngã ái. Thấy không chỉ có ngã ái bị tiêu tan mà cả vô minh, gốc rễ của luân hồi—chấp cái tôi này thật có—cũng tiêu tan không còn.  Đồng thời, đối tượng của vô minh—là cái tôi có hiện hữu chắc thật, cái tôi hiện ra ngay đó—cũng hoàn toàn tiêu tan. Thấy được ngã này vốn không hiện hữu, tự nó chỉ là không; ngay từ đầu vốn không từng tồn tại. Trú tâm an định một lúc trong pháp quán tánh không này.

Cũng có thể nhận về mọi chướng ngại cản trở không cho:

– chư đạo sư tùy thuận chúng sinh mà làm việc lợi ích;
– Phật Pháp lan xa hưng thịnh;
– thí chủ phụng sự chánh pháp và Tăng Đoàn.

Pháp nhận này có thể tùy thời gian nhiều ít mà quán chi tiết, hoặc vừa phải, hoặc giản lược bằng cách đồng loạt nhận về.

Pháp Cho:  Tặng Cho Chúng sinh

Trước tiên khởi tâm đại từ. Tiếp theo, tặng cho vô lượng chúng sinh các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, a-tu-la và cõi trung ấm những điều sau đây:

– hết thảy công đức vô lượng trong quá khứ, hiện tại và vị lai của bạn;
– hết thảy thiện báo mà công đức ấy mang lại, cho đến tận quả giác ngộ;
– lấy thân mình quán tưởng thành vô số viên ngọc như ý đầy khắp cả trời rộng;
– hết thảy hưởng dụng, tài sản, cho đến cả gia đình, thân nhân và bằng hữu.

Tưởng tượng vô lượng chúng sinh nhận được tất cả những điều này, nhờ đó có được:

– thân người toàn hảo, gặp được chánh pháp Đại thừa, tìm được đạo sư đầy đủ tánh hạnh đủ khả năng khai sáng đường tu giác ngộ;
– cảnh sống toàn hảo, bạn đồng hành tuyệt hảo, sanh vào tịnh độ, ở đó không có khổ đau, chỉ có cảnh đẹp, có đầy cây như ý ban cho mọi điều ước mong;
– viên thành đường tu giác ngộ, giải thoát biển khổ và nguyên nhân của khổ là phiền não và nghiệp, bao gồm nhiễm tâm thô lậu và vi tế;
– đạt thiện đức không thể nghĩ bàn của một đấng Phật đà, hành trì pháp Phật Bổn Tôn nào thì thành đức Phật ấy; – tâm thành Pháp thân, và thân thành Sắc thân.

Hãy vui vì đã giúp chúng sinh đạt quả giác ngộ. Pháp Cho cũng có thể quán một cách chi tiết, vừa phải, hoặc giản lược, tùy thời gian cho phép.  Mỗi lần thực hành pháp cho và nhận, đều tạo được được lượng công đức nhiều không thể nghĩ bàn, bước đến gần hơn với quả giác ngộ, và như vậy cũng có nghĩa là đến gần hơn với việc độ thoát vô lượng chúng sinh.

Hoàn Tất Thời Công Phu

Cuối thời công phu, hãy nghĩ như sau:

“Đây chỉ là tưởng tượng. Thật ra chúng sinh vẫn khổ. Tôi cần phải giải thoát chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi cùng nhân tạo khổ là nghiệp và phiền não, chính tôi phải đưa chúng sinh đến với quả giác ngộ. Vì vậy bản thân tôi phải đạt quả vị Phật. Và vì vậy, tôi phải dấn thân hành thiện. Nguyện tất cả mọi hoạt động thân khẩu và ý của tôi đều trở thành nhân tố cho tôi cùng chúng sinh đạt quả vô thượng bồ đề.”

[Hết]

Hồng Như Thupten Munsel chuyển việt ngữ 02/20018.

Mọi sai sót là của người dịch
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh

Nguyên bản tiếng Anh: https://www.lamayeshe.com/article/chapter/tong-len-short-practice
Tiếng Việt Online: http://www.hongnhu.org/huong-dan-tu-ngondro-tong-len-lzr/

Creative Commons License
This work is licensed under a Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License.




Geshe Dawa giảng về LAMA TSONGKHAPA ĐẠO SƯ DU GIÀ (đánh máy)

Geshe Dawa giảng về Trăm Đấng Bổn Tôn Cõi Đâu Xuất Tịnh Độ – Ganden Lha Gyama – pháp đạo sư du già Lama Tông Khách Ba
Thể loại:
Đánh máy bài giảng
– Ngôn ngữ:
Việt
– Việt ngữ: Hồng Như
Điều kiện – Prerequisites: Mọi người đều có thể đọc và hành trì – Everyone can read and practice
  • Hạ Tải – Download: [ PDF Chánh Văn – Root text  Eng-Vi-Tib]
  • Nghe giảng – Teachings (Tib-Eng-Vi): Geshe Thubten Dawa giảng và hướng dẫn phương pháp hành trì pháp Ganden Lha Gyama – Đây là pháp Đạo Sư Du Già với đức Lama Tông Khách Ba là đấng bổn sư. Bài giảng tiếng Tạng, dịch Anh ngữ và Việt ngữ
    Geshe Thubten Dawa teachings and instructions on the practice of Ganden Lha Gyama – This is Guru Yoga practice with Lama Tsongkhapa as the root guru.
    [ MP3 – Geshe Thubten Dawa: Ganden Lha Gyama ]
  • Đánh Máy – Transcript: 

    • ngày 1
    • ngày 2
    • ngày 3 [chưa có]
    • ngày 4 [chưa có]
    • ngày 5 [chưa có]


TRĂM ĐẤNG HỘ PHẬT CÕI TỊNH ĐỘ ĐÂU SUẤT / GANDEN LHA GYAMA
Geshe Thubten Dawa thuyết giảng
Địa điểm: 1 Cairo Avenue, Padstow NSW 2211 –Australia
Dịch Việt ngữ: Hồng Như Thubten Munsel

Ngày 1 – thứ Bảy 8/5/2010

Giới Thiệu

Theo lời thỉnh cầu của chư đệ tử, Thầy sẽ bắt đầu giảng về bài pháp được gọi là “Trăm Đấng Bổn Tôn cõi Tịnh Độ Đâu Xuất”, và chúng ta cũng sẽ cùng Thầy hành trì bài pháp này chứ không chỉ nghe giảng.

Khi chúng ta tụng bài pháp này, đó đã là hành trì, hay khi quán niệm về ý nghĩa của từng câu, đó cũng là một cách hành trì, tuy vậy pháp hành này cũng có thể rất thâm sâu. Vậy khi chúng ta tụng bài Trăm Đấng Bổn Tôn Cõi Tịnh Độ Đâu Xuất, đồng thời phải chiêm nghiệm và thiền quán về ý nghĩa lời kệ.

Để pháp hành hàng ngày của mình trở nên đầy đủ trọn vẹn, người tu cần tu pháp Đạo Sư Du Già, là pháp tu rất quan trọng, rồi hành trì pháp du già của vị bổn tôn của mình, rồi tu pháp hiển tông, bao gồm pháp bảy hạnh Phổ Hiền, và rồi quan trọng cuối thời công phu cần hồi hướng tất cả công đức có được nhờ hành trì.

Pháp tu dòng Nyingma có nói về ba gốc của pháp hành: thứ nhất là pháp Đạo Sư Du Già, quán tưởng, thiền quán về vị bổn sư của mình; thứ hai là Bổn Tôn Du Già, pháp tu về đấng bổn tôn của mình, và thứ ba là pháp hành hộ pháp. Thầy nói rằng mặc dù bốn tông phái Nyingma, Kagyu, Sakya và Gelug có những vị bổn sư, bổn tôn và hộ pháp khác nhau, nhưng phương pháp tu thì đều giống nhau cả. Nói về pháp Đạo Sư Du Già thì dòng Gelugpa (là dòng pháp của Thầy) lấy đức Tông Khách Ba làm đấng bổn sư. Tu theo dòng Nyingma thì bổn sư là ngài Guru Rinpoche (đức Liên Hoa Sanh). Tu theo dòng Kagyu thì bổn sư có thể là ngài Milarepa. Chi tiết có khác nhưng nội dung và phương pháp tu đều như nhau.

Pháp Đạo Sư Du Già có hai loại, thuộc hệ hiển pháp hay mật pháp. “Trăm Đấng Bổn Tôn cõi Tịnh Độ Đâu Xuất” ở bước khởi đầu là hiển pháp, nhưng không nhất thiết, pháp này cũng có thể dẫn chúng ta thâm nhập hệ mật pháp của Đạo Sư Du Già, vô cùng thâm sâu.

Cho người tu dòng Gelug thì bậc đạo sư chính là Lama Tông Khách Ba (sơ tổ dòng Gelug), nên pháp Đạo Sư Du Già ở đây là pháp Đạo Sư Du Già Lama Tông Khách Ba. Chắc quí vị cũng đã nghe qua về thiện đức của ngài. Lama Tông Khách Ba là bậc đại học giả, đại thiền giả, đại hành giả du già. Ngài mang đủ mọi tánh đức, trí tuệ của ngài không chỉ là hiểu biết kiến thức mà còn là kinh nghiệm chứng ngộ. Ba loại tánh đức ngài đều có đủ: tôn quí, thông tuệ và từ bi. Sử liệu về cuộc cuộc đời của đức Lama Tông Khách Ba tóm tắt ngắn gọn như sau: đoạn đầu học hỏi thọ pháp rộng rãi từ nhiều bậc Đạo sư; đoạn giữa thấy được mọi pháp đã học đã nghe đều là pháp hành, mọi kinh điển luận điển Phật dạy đều là để hành trì; đoạn cuối, áp dụng tất cả những gì đã học thành pháp hành, miên mật ngày đêm không gián đoạn, không bao giờ ngừng tu tập, hành trì và hồi hướng về cho tất cả chúng sinh. Vậy ngài Tông Khách Ba có ba thiện đức chính: một là thông tuệ đa văn; hai là vô cùng tôn quý; và ba là từ bi vô lượng. Nói rằng ngài vô cùng tôn quý và từ bi vô lượng để thấy rằng trí tuệ của đức Tông Khách Ba không phải chỉ là kiến thức suông mà là thành tựu đến từ công phu tu tập hành trì. Vậy ngài đã học, tu và chứng, (văn, tư và tu), chứng ngộ rồi ngài hoằng pháp rộng rãi trên lĩnh vực hiển pháp, rồi ngài cũng học rất rộng, tu rất sâu, chứng ngộ và hoằng pháp rộng rãi trên phương diện mật pháp. Cuộc đời đức Lama Tông Khách Ba bao gồm mọi khía cạnh của hiển và mật, hoằng pháp sâu xa và rộng rãi.

Vậy nếu muốn tu pháp Đạo Sư Du Già, pháp tu về đấng đạo sư của mình, thì điểm quan trọng trước nhất là phải biết đạo sư của mình là ai. Cần phải chọn một đấng bổn sư để hành trì pháp Đạo sư Du Già này. Bổn sư mà chúng ta chọn phải là một vị đạo sư đầy đủ mọi tánh hạnh, mọi chứng ngộ, có vậy pháp hành mới có kết quả. Lama Tông Khách Ba là một trong những bậc đại đạo sư đầy đủ mọi tánh hạnh, rất xứng đáng để chọn làm đấng bổn sư. Ngài đã viên thành biển rộng hiển pháp, mật pháp. Vì vậy chọn Lama Tông Khách Ba để tu pháp Đạo Sư Du Già là sự lựa chọn rất an toàn. Ngài hiện đang ngự cõi Tịnh Độ Đâu Xuất, nếu dịch sát nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì được gọi là cõi Hỷ Lạc.

Các Bước Thực Hành

1. Thỉnh Đạo sư về trước mặt

Chúng ta bắt đầu pháp hành này, đọc câu tụng đầu tiên trong bài pháp “Trăm Đấng Bổn Tôn cõi Tịnh Độ Đâu Xuất”:

(6.1) Trên cụm mây sáng chứa mưa, / tựa đồi sữa trắng tươi thanh mát,
Hiện từ tim đấng Pháp chủ đứng đầu / chư Hộ Phật cõi Đâu Xuất Tịnh Độ,/
là đấng Pháp Vương Toàn Giác Lozang Dragpa, / cùng hai bậc trưởng tử,/
Chúng con khẩn xin các ngài từ bi giá lâm đạo tràng.

Đấng pháp chủ của cõi Đâu Xuất Tịnh Độ nói ở đây là đức Phật Di Lạc. Đức Di Lạc trong cõi Đâu Xuất Tịnh Độ cũng giống như đức Thích Ca trong cõi của chúng ta đây. Ở cõi Đâu Xuất Tịnh Độ, Phật Di Lạc tượng trưng cho Phật Thích Ca. Khi tu pháp Đạo Sư Du Già này, đầu tiên cần cung thỉnh Đạo sư về trước mặt của chúng ta. Để cung thỉnh Lama Tông Khách Ba, chúng ta hướng về trú xứ của ngài là cõi Đâu Xuất, quán tưởng một biển mây sáng, tương tự như sữa hay sữa chua, hiện ra từ tim đức Di Lạc, trên đó là ngài Tông Khách Ba cùng hai vị trưởng tử, là nhị đại đệ tử của Lama Tông Khách Ba. Hướng về đó để cung thỉnh chư vị về phía trước mặt của mình. Quán tưởng như vậy khi đọc câu 6.1. Vì sao thỉnh đức Lama Tông Khách Ba về phía trước mặt? Để tích lũy công đức và sám hối nghiệp chướng của chính mình.

2. Hành Trì Bảy Hạnh Phổ Hiền bằng Chỉ và Quán

Cung thỉnh đức Tông Khách Ba về hiện phía trước mặt rồi, tiếp theo chúng ta hành trì Bảy Hạnh Phổ Hiền.

Chánh văn câu 6.2 nói rằng:

(6.2) Ở nơi khoảng trời / trước mặt con đây, / trên tòa sư tử, / hai tòa sen, nguyệt, /
là đấng đạo sư / môi cười từ hòa / sáng tươi rạng tỏa. / Thầy là ruộng phước / giúp cho chúng con / tín tâm tròn đầy / tích tụ công đức. / Chúng con khẩn xin / đạo sư trụ thế / thêm trăm đại kiếp / để cho giáo pháp / hưng thịnh lâu dài.

Như vậy, quán tưởng Lama Tông Khách Ba ngồi trên một pháp tòa tươi đẹp với đài sen và đài mặt trăng; môi cười từ hòa. Hướng về đức Tông Khách Ba phía trước mặt như vậy để mà thỉnh ngài đừng nhập Niết Bàn. Thỉnh đạo sư trụ thế, đừng nhập Niết Bàn, đó là một trong bảy Hạnh Phổ Hiền. Tiếp theo là hạnh tán dương và đảnh lễ đức Tông Khách Ba với câu 6.3. Ở đây, lời tán dương nói về tất cả những tánh hạnh, thiện đức của Thân, Khẩu và Ý của Lama Tông Khách Ba. Về Ý, chánh văn nói rằng:

Tâm Thầy bao trùm / tất cả những gì / có thể biết được

Trí thông tuệ của Lama Tông Khách Ba bao trùm tất cả đối cảnh mà trí có thể biết. Về Khẩu, chánh văn nói rằng:

Lời Thầy khéo léo / minh giải kinh luận, / là trang sức quí / dành cho đôi tai / của kẻ thiện duyên

Câu này nói về Khẩu của Lama Tông Khách Ba. Về thân, chánh văn nói rằng:

Thân Thầy đẹp ngời / hồng danh rạng tỏa.

Tiếp theo chúng ta hướng về đức Tông Khách Ba như vậy, đọc rằng:

Xin kính lạy Thầy / đấng rất xứng đáng / cho chúng con nhìn / nghe và niệm tưởng.

Hành trì hạnh đảnh lễ tán dương: chúng ta lạy đức Lama Tông Khách Ba ở phía trước mặt. Vì những tánh hạnh thiện đức vượt bậc của ngài, chỉ cần nghe nhắc đến ngài, nhớ nghĩ đến ngài, là cuộc sống của chúng ta đã trở nên vô cùng có ý nghĩa rồi. Hạnh Phổ Hiền tán dương và đảnh lễ là như vậy.

Chúng ta đang xem tới phần Bảy Hạnh Phổ Hiền trong pháp tu Đạo Sư Du Già của đức Lama Tông Khách Ba. Bảy Hạnh Phổ Hiền gồm đủ hai phần: 1/ để tích tụ phước trí, và 2/ để thanh tịnh nghiệp chướng. Khi tu tập và hành trì, quan trọng nhất ở bước đầu là cần tích lũy phước và trí, sau đó phải thanh tịnh nghiệp chướng của mình. Hành trì Bảy Hạnh Phổ Hiền là đầy đủ tất cả, có thể giúp chúng ta hoàn thành hai mục tiêu này. Bảy Hạnh Phổ Hiền là: 1/ tán dương, đảnh lễ, 2/ cúng dường, 3/ sám hối, 4/ tùy hỉ công đức, 5/ thỉnh Phật trụ thế, đừng nhập Niết Bàn, 6/ thỉnh chuyển pháp luân, 7/ hồi hướng công đức. Để hành trì Bảy Hạnh Phổ Hiền này, Thầy dạy chúng ta truớc tiên thỉnh Lama Tông Khách Ba hiện ra ở phía trước mặt. Đối trước đức Tông Khách Ba -là bổn sư của mình-, để thực hành Bảy Hạnh Phổ Hiền.

Tu Bảy Hạnh Phổ Hiền như vậy là gồm cả hai phần quán và chỉ. Lúc đầu hãy nhấn mạnh phần quán trước: hành trì bảy hạnh này theo tuần tự, quán niệm về từng điểm một, rồi sau đó tu thiền chỉ sau: lấy hình ảnh của Lama Tông Khách Ba làm đề mục thiền chỉ để trú tâm nơi đó. Vậy pháp tu này gồm cả hai phần: chỉ và quán. Chúng ta có thể chọn, hoặc nhấn mạnh phần quán trước rồi tu chỉ sau, hoặc là ngay từ lúc đầu tu chỉ trước rồi phần sau mới tu quán. Với mức độ của chúng ta, chia ra làm hai phần như vậy sẽ dễ hơn. Nếu chọn quán trước chỉ sau, thì chúng ta tuần tự quán về Bảy Hạnh Phổ Hiền này. Đối trước Lama Tông Khách Ba, quán từng hạnh một, theo tuần tự, mỗi hạnh Phổ Hiền sẽ giúp điều trị một loại phiền não hay nhiễm tâm, ví dụ hạnh tán dương đảnh lễ, ở đây là tán dương đảnh lễ ngài Tông Khách Ba, pháp này sẽ giúp chúng ta trị tâm kiêu mạn của mình; cúng dường là để trị tâm keo bẩn; thỉnh chuyển pháp luân để trị ác nghiệp, ác chướng đối với sư phụ của mình: trong các thời quá khứ nếu có từng phạm lầm lỗi với sư phụ, bây giờ thỉnh chuyển pháp luân sẽ giúp thanh tịnh loại nghiệp chướng này; tùy hỉ công đức để trị lòng ganh ghen; thỉnh đạo sư trụ thế để trị yểu mệnh, giúp sống đời trường thọ; v.v… Vậy mỗi Hạnh Phổ Hiền sẽ giúp chúng ta thành tựu một ưu điểm trên đường tu và nhằm trị một loại nhiễm tâm, lầm lỗi, ác nghiệp của mình. Hành trì đủ Bảy Hạnh Phổ Hiền sẽ giúp cho chúng ta tích lũy phước đức, thanh tịnh nghiệp chướng.

Đồng thời, Thầy dạy rằng khi thỉnh đức Tông Khách Ba hiện ra ở phía trước mặt như vậy, chúng ta phải đồng thời giữ ý thức về tánh không. Khi hành trì mỗi hạnh trong Bảy hạnh Phổ Hiền, đều hành trì trong sự nhớ nghĩ về tánh không, biết rằng người làm, việc làm và đối tượng, cả ba điều đều không lìa tánh không. Ý thức về tánh không như vậy sẽ giúp chúng ta tích lũy phần trí tuệ. Phước đức là nhân tố giúp chúng ta đạt sắc thân Phật, còn trí tuệ là nhân tố giúp chúng ta đạt pháp thân Phật. Vì vậy mà nói pháp hành này rất đầy đủ, gồm cả hai pháp thiền là chỉ và quán, gồm cả hai tích lũy là phước đức và trí tuệ. Thầy nói lúc đầu chúng ta quán về Lama Tông Khách Ba, nhớ nghĩ đến tất cả những thiện đức của ngài, từ từ sẽ phát khởi niềm tin tưởng trong sáng nơi đạo sư Tông Khách Ba, và thấy được đạo sư chính là đức Phật. Nhờ chiêm nghiệm, quán tưởng về thiện đức của đạo sư, từ đó khởi tín tâm trong sáng nơi đạo sư, thấy được đạo sư chính là Phật, đây chính là cốt tủy của pháp Đạo Sư Du Già.

Nếu muốn tu định, chúng ta có thể chọn Lama Tông Khách Ba làm đề mục thiền chỉ. Có thể lấy một hình tượng về đức Tông Khách Ba, ghi nhớ hình ảnh đó, đến khi nào có thể mường tượng thấy được hình ảnh của ngài trong tâm thì lấy đó làm đề mục thiền chỉ. Khi tu thiền chỉ như vậy, Thầy nhắc chúng ta phải nhớ thế ngồi Bảy điểm Kim Cang: đầu, chân, tay, lưng, vai, môi-răng và mắt phải như thế nào. Thầy đã giảng phần này ở những nơi khác, không cần lặp lại ở đây. Thầy nói khi chúng ta quán tưởng hình ảnh của đức Tông Khách Ba như vậy, quán tưởng to cỡ nào thì giữ nguyên cỡ đó, đừng để to ra hay nhỏ lại, hãy giữ nguyên. Thấy màu sắc thế nào, to cỡ bao nhiêu, cứ hãy giữ nguyên như vậy. Điều quan trọng là phải có niềm tin mãnh liệt nơi đức Tông Khách Ba. Thầy nói nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ về lòng từ bi và thiện đức của bổn sư, nếu có thể cảm nhận lòng từ bi của bổn sư, ở đây là Lama Tông Khách Ba, còn từ bi với chúng ta hơn cả Phật, từ đó sẽ rất dễ dàng có thể thấy được bổn sư chính là Phật.

Thầy dạy khi thiền chỉ mà hình ảnh không rõ, mờ mịt như lúc mới ngủ dậy, thì đừng nên cố gắng quá độ, cứ để tự nhiên, từ từ hình sẽ rõ hơn. Nếu tâm bị xáo trộn, chúng ta có thể ngưng và thực hành pháp thở chín vòng hô hấp: ba vòng hít lỗ mũi này thở ra lỗ mũi kia, ba vòng hít lỗ mũi kia thở ra lỗ mũi này rồi ba vòng hít vào và thở ra cả hai lỗ mũi. Làm chín vòng hô hấp như vậy sẽ giúp tâm quân bình trở lại. Tâm quân bình rồi mới có thể định tâm được dễ dàng hơn. Tu chỉ rồi, sau đó hành trì bảy hạnh Phổ Hiền. Như vậy, chúng ta có thể hoặc tu quán trước rồi tu chỉ sau, hoặc tu chỉ trước rồi tu quán sau.

Điểm quan trọng nhất khi tu pháp này là cần phải thấy được đấng bổn sư trong pháp Đạo Sư Du Già chính là Phật. Muốn có được cái tâm thấy như vậy, chúng ta cần tìm hiểu thêm về đấng bổn sư của mình, đọc tiểu sử, đặc biệt là đọc những tiểu sử kín mật nói về những thiện đức phi thường của đấng bổn sư của mình, phát sinh được lòng tin tưởng trong sáng nơi đấng bổn sư, từ đó có thể dễ dàng thấy bổn sư chính là Phật. Với cái thấy như vậy hành trì pháp tu này mới có kết quả.

Tuần sau Thầy sẽ hướng dẫn thiền chỉ và thiền quán về Lama Tông Khách Ba, cùng với Bảy Hạnh Phổ Hiền. Chánh văn bắt đầu từ các đoạn 6.1, 6.2 … rất là đơn giản. Thầy khuyên chúng ta về đọc trước, học trước, nếu thuộc lòng được thì tốt, sau đó tới trung tâm Thầy sẽ hướng dẫn chúng ta hành thiền.

[hết ngày 1]


  • Hạ Tải – Download: [ PDF Chánh Văn – Root text  Eng-Vi-Tib]
  • Nghe giảng – Teachings (Tib-Eng-Vi): Geshe Thubten Dawa giảng và hướng dẫn phương pháp hành trì pháp Ganden Lha Gyama – Đây là pháp Đạo Sư Du Già với đức Lama Tông Khách Ba là đấng bổn sư. Bài giảng tiếng Tạng, dịch Anh ngữ và Việt ngữ
    Geshe Thubten Dawa teachings and instructions on the practice of Ganden Lha Gyama – This is Guru Yoga practice with Lama Tsongkhapa as the root guru.
    [ MP3 – Geshe Thubten Dawa: Ganden Lha Gyama ]
  • Đánh Máy – Transcript: 

    • ngày 1
    • ngày 2
    • ngày 3 [chưa có]
    • ngày 4 [chưa có]
    • ngày 5 [chưa có]

TRĂM ĐẤNG HỘ PHẬT CÕI TỊNH ĐỘ ĐÂU SUẤT / GANDEN LHA GYAMA
Geshe Thubten Dawa thuyết giảng
Địa điểm: 1 Cairo Avenue, Padstow NSW 2211 –Australia
Dịch Việt ngữ: Hồng Như Thubten Munsel

Ngày 2 – thứ Bảy 15/5/2010

Thỉnh Đạo sư

Tuần trước chúng ta đã xem sơ lược về pháp tu của bài pháp thỉnh nguyện Trăm Đấng Bổn Tôn Cõi Tịnh Độ Đâu Xuất, cùng Thầy xem 2 đoạn đầu của bài pháp này. Chánh văn bắt đầu từ đoạn số 6. Chúng ta đã cùng Thầy xem câu số 1 và câu số 2. Câu số 1 là:

(6.1) Trên cụm mây sáng chứa mưa,
Tựa đồi sữa trắng tươi thanh mát,
Hiện từ tim đấng Pháp chủ đứng đầu
Chư Bổn Tôn cõi Đâu Xuất Tịnh Độ, 
Là đấng Pháp Vương Toàn Giác Lozang Dragpa, cùng hai bậc trưởng tử,
Chúng con khẩn xin / các ngài từ bi / giá lâm đạo tràng.

Đây là lời thỉnh đức Lama Tông Khách Ba cùng với hai vị đại đệ tử về trước mặt của chúng ta. Thỉnh đức Tông Khách Ba về trước mặt rồi, chúng ta đọc tiếp câu thứ 2 để thỉnh đức Tông Khách Ba đừng nhập Niết Bàn:

(6.2) Ở nơi khoảng trời /
trước mặt con đây, /
trên tòa sư tử, /
hai tòa sen, nguyệt, /
là đấng đạo sư /
môi cười từ hòa /
sáng tươi rạng tỏa. /
Thầy là ruộng phước /
giúp cho chúng con /
tín tâm tròn đầy /
tích tụ công đức.
Chúng con khẩn xin /
đạo sư trụ thế /
thêm trăm đại kiếp /
để cho giáo pháp /
hưng thịnh lâu dài.

Khi cất lời thỉnh mời đức Tông Khách Ba cùng hai vị đại đệ tử về, chúng ta hãy quán tưởng có một tòa sư tử thật đẹp, trên đó có đài sen và đài mặt trăng. Đức Tông Khách Ba ngồi bên trên, chúng ta tưởng tượng ngài mỉm cười, nụ cười vô cùng từ hòa. Ngài về trước mặt chúng ta như vậy là để giúp chúng ta tích lũy công đức, vì vậy hãy đối trước đức Tông Khách Ba với lòng tin tưởng thật tròn đầy để hành trì Bảy hạnh Phổ Hiền.

Hạnh thứ nhất là thỉnh đạo sư trụ thế không nhập Niết Bàn ở câu số 6.2.

Thế Ngồi 7 Điểm Kim Cang

Thầy dạy khi tu phải để ý tới thế ngồi của mình, điều này rất quan trọng. Chúng ta có thể dùng pháp tu này để tu chỉ và quán. Bất kể tu theo pháp nào cũng cần phải chú ý tới thế ngồi bảy điểm kim cang, Thầy đã nhiều lần giải thích về thế ngồi này. Một, chân xếp thế kiết già. Hai, tay bắt ấn tam muội: tay trái đặt ở dưới, tay phải đặt phía trên, đầu hai ngón cái chạm vào nhau. Ba, lưng thẳng như mũi tên. Bốn, đầu hơi nghiêng về phía trước. Năm: mắt nhìn vào khoảng không xuôi theo chóp mũi; sáu, đầu lưỡi chạm chân răng, làm như vậy sẽ giúp chúng ta khi ngồi lâu thứ nhất là không ra nhiều nước miếng, thứ hai là không bị khát nước. Môi và răng để trong thế tự nhiên và bảy, hai vai để cân bằng một cách tự nhiên. Thế ngồi 7 điểm kim cang này sẽ giúp cho chúng ta có thể ngồi thiền trong một thời gian dài mà không đau, không mỏi. Thế ngồi cực kỳ quan trọng, cần chú tâm điểm này.

Sau đó, ngồi thế kiết già rồi, chúng ta hành trì chín vòng hô hấp. Đó là: 3 lần hít vào lỗ mũi bên phải và thở ra bằng lỗ mũi bên trái, 3 lần tiếp theo hít vào lỗ mũi bên trái, thở ra bằng lỗ mũi bên phải và 3 lần cuối hít vào và thở ra bằng cả hai lỗ mũi. Pháp hô hấp chín vòng này sẽ giúp thân và tâm an định trở lại, đưa tâm về trạng thái trung tính, nhờ đó có thể dễ dàng phát triển tâm thiện.

Thiền Chỉ

Sau khi ổn định thế ngồi, đưa tâm về trạng thái trung tính rồi, chúng ta có thể bắt đầu tu chỉ để tăng định lực. Thỉnh đức Tông Khách Ba về phía trước mặt, chọn đức Tông Khách Ba làm đề mục nhiếp tâm, giữ hình ảnh ngài trong tâm, càng rõ càng tốt. Mới đầu có thể chỉ được một lúc rất ngắn ngủi, dần dần nhờ tu chỉ sẽ có thể tăng thời gian giữ hình ảnh này trong tâm, càng lúc càng lâu hơn, định lực sẽ theo đó tăng dần. Thầy nói ban đầu có thể hình ảnh không rõ, điều này không quan trọng, cứ hãy tiếp tục kiên trì, càng lúc càng quen, hình ảnh sẽ càng lúc càng rõ hơn lên. Khi tâm an định hơn, tỉnh táo hơn, hình ảnh sẽ hiện rõ. Khi tâm khuấy động, mất hình ảnh, chúng ta cần nâng cao tỉnh giác, mang hình ảnh về lại trong tâm, lấy hình ảnh đức Tông Khách Ba trong tâm mình làm đề mục tu chỉ.

Bao giờ có thể thấy được Lama Tông Khách Ba ở trong tâm, giữ được hình ảnh này một cách rõ ràng, hiển hiện và không mất đi, không sao lãng trong một thời gian dài từ 2-3 tiếng, khi ấy có thể nói rằng chúng ta đã đạt định về pháp tu của đức Tông Khách Ba này. Tu chỉ là như vậy, nhiếp tâm trong hình ảnh này, giữ hình ảnh rõ ràng, không chao động.

Ngoài chỉ quán ra, còn một cách hành trì khác, đó là đọc bài pháp này và quán niệm ý nghĩa sơ lược của bài pháp. Giống như khi chúng ta ngồi trên máy bay nhìn một vòng quanh nước Úc, không thực sự tìm hiểu tận tường. Tương tự như vậy, chúng ta có thể đọc xuôi theo lời văn của bài pháp, hiểu ý nghĩa từng câu nhưng không quán, cũng không tu chỉ, như vậy gọi là quán nghĩa sơ lược (glance meditation). Còn nếu vừa đọc vừa quán ý nghĩa của từng câu, để ý nghĩa hiện ra rõ ràng trong tâm, như vậy là phần tu quán.

Pháp tu ta đang học đây là pháp Đạo Sư Du Già của Lama Tông Khách Ba. Đạo Sư Du Già có nhiều mức độ khác nhau. Có thể chọn tu chỉ về Lama Tông Khách Ba, đây cũng là một cách tu tập Đạo Sư Du Già. Hoặc là phối hợp chỉ quán, tu như vậy sẽ dẫn đến quả chỉ quán hợp nhất. Đạo sư trong pháp tu ở đây chính là đức Lama Tông Khách Ba. Hình ảnh Lama Tông Khách Ba như đã thấy trên bức thangka tại Trung tâm, một mặt, hai tay ngài bắt ấn chuyển pháp luân tức là ấn thuyết pháp, và mỗi tay cầm 1 đóa hoa ưu đàm. Trên đóa hoa ở một bên là thanh gươm trí tuệ, còn trên đóa hoa phía bên kia là Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa. Thân ngài sắc trắng hồng, ngồi thế kiết già, khoác ba lớp áo cà sa, đội mũ vàng hiền thánh. Đó là hình ảnh của đức Tông Khách Ba.

Nếu chọn hình ảnh đức Tông Khách Ba để tu thiền chỉ, hãy chọn một bức tượng, hay một bức tranh, chọn cái nào rồi thì phải giữ nguyên cái đó, đừng thay đổi. Nếu thay đổi, đổi màu sắc, đổi tướng dạng, đổi cách trình bày, làm như vậy sẽ khiến tâm khó an định, vì vậy đã chọn hình nào rồi hãy nên giữ nguyên hình đó để dựng hình ảnh trong tâm, một khi hình ảnh đã hiện ra trong tâm, hãy cứ giữ nguyên như vậy để tu chỉ.

Hình ảnh trong tâm đừng để giống như một bức tượng hay là một bức tranh, phải tưởng tượng như là Lama Tông Khách Ba đang thật sự có mặt ở nơi đó, hình ảnh thật sống động, đấy mới chính là đề mục để chúng ta nhiếp tâm vào. Tu chỉ là nhiếp tâm vào đề mục, đề mục ở đây là đức Tông Khách Ba. Tuyệt đối đừng nghĩ tới bất cứ điều gì khác, chỉ đơn giản đặt tâm mình nơi hình ảnh đức Tông Khách Ba.

Nói về tu chỉ thì phải nói đến “chánh niệm”. Chánh niệm ở đây có nghĩa là không quên hình ảnh đức Tông Khách Ba, giữ lấy hình ảnh đó. Chính chánh niệm là điều giúp chúng ta lưu giữ hình ảnh Lama Tông Khách Ba trong tâm mình, bắt đầu chỉ được một lúc, từ từ, càng tu càng quen, sức mạnh của chánh niệm sẽ tăng dần, giúp chúng ta giữ được hình ảnh càng lúc càng lâu hơn. Khi tu chỉ quen rồi thì tỉnh giác cũng sẽ tăng, và chính tỉnh giác sẽ giúp cho hình ảnh càng lúc càng rõ ràng hơn lên. Đây là những điều sẽ đến, trải qua một quá trình tu tập kiên trì nhiều nỗ lực. Nếu kiên trì tu tập, nỗ lực nhiếp tâm vào hình ảnh của đức Tông Khách Ba, cứ như vậy sẽ có lúc chánh niệm và tỉnh giác đều tăng, giúp chúng ta giữ được một cách rõ ràng đề mục quán trưởng trong một thời gian lâu dài hơn.

Dùng pháp tu này để tu chỉ, nhiếp tâm vào hình ảnh Lama Tông Khách Ba, chọn đức Tông Khách Ba làm đề mục thiền chỉ của mình. Khi chúng ta làm như vậy, lợi ích không thể đếm kể, đó là vì đức Tông Khách Ba là đạo sư, và chúng ta nhiếp tâm vào hình ảnh của đạo sư với lòng tin tuyệt đối. Làm như thế sẽ tạo được lượng công đức rất lớn, không thể nghĩ bàn. Điều này khác với việc chọn một đề mục bình thường để tu chỉ, chỉ ngay chính bản thân của đề mục đã là điều mang đến cho chúng ta lợi ích vô cùng lớn lao.

Vậy chúng ta chọn đức Tông Khách Ba làm đề mục tu chỉ. Ngồi xuống tu với thế bảy điểm kim cang, sau đó hành trì pháp 9 vòng hô hấp: 3 vòng hít vào lỗ mũi bên phải thở ra lỗ mũi bên trái, 3 vòng hít vào lỗ mũi bên trái, thở ra lỗ mũi bên phải, sau đó 3 vòng hít vào và thở ra bằng cả 2 lỗ mũi. Quán 9 vòng hô hấp như vậy sẽ giúp tâm an định, đưa tâm về lại trạng thái trung tính. Một khi tâm đã về lại với trạng thái trung tính rồi, chúng ta có thể nhiếp tâm vào hình ảnh của đức Tông Khách Ba để mà tu chỉ. Nếu sau 9 vòng hô hấp thấy tâm vẫn còn phiền não, không trở về được với trạng thái trung tính, chúng ta có thể làm 27 vòng (3×9 thay vì 3×3).

Thầy nhắc lại khi quán tưởng Lama Tông Khách Ba, đừng thấy ngài như bức tượng hay bức tranh, đều là những vật “chết.” Ngược lại chúng ta cần quán tưởng ngài như người sống, thật sự có mặt phía trước mặt mình. Nếu được, không những thấy ngài là có thật, mà toàn thân ngài chỉ toàn là ánh sáng, không có thành phần vật lý. Tất cả toàn là ánh sáng có thể nhìn xuyên qua được, nhưng màu sắc, tướng dạng và hình ảnh vẫn rõ ràng đầy đủ, chỉ là mang tính chất của ánh sáng, có thể nhìn xuyên suốt. Nếu được thì quán như vậy tốt hơn, còn nếu quá khó, vẫn có thể quán tưởng giống như người thật ở trước mặt của mình.

Bây giờ chúng ta cùng thực hành:

Trước hết hãy chỉnh lại tư thế ngồi:

  • lưng thẳng như mũi tên,
  • hai tay kiết ấn tam muội: tay phải đặt trên tay trái, hai ngón cái chạm nhau,
  • hai vai giữ thẳng cân bằng,
  • đầu và cổ hơi nghiêng về phía trước,
  • mắt hạ xuống xuôi theo dọc mũi,
  • đầu lưỡi chạm vào chân răng hàm trên, môi và răng để thế bình thường,
  • thân không căng thẳng quá, để trong trạng thái tự nhiên, nhưng không để chùng xuống, phải giữ thật thẳng nhưng cũng đừng quá căng.

Thân tâm hãy để cho thật thoải mái. Nếu thân tâm thoải mái thì tu thiền sẽ có kết quả hơn.

Tiếp theo, chúng ta làm 9 vòng hô hấp. Nếu gặp khó khăn trong việc hít vào lỗ mũi này thở ra lỗ mũi kia, chúng ta có thể dùng ngón tay che một lỗ mũi lại. Bắt đầu bằng hít vào lỗ mũi bên phải và thở ra lỗ mũi trái, lập lại 3 lần. Rồi hít vào bầng lỗ mũi trái, thở ra lỗ mũi phải, lập lại 3 lần. Tiếp theo, làm 3 lần hít vào và thở ra bằng cả hai lỗ mũi. Khi chúng ta kết thúc vòng hít vào và thở ra bằng hai lỗ mũi thì tới lần cuối cùng, hãy giữ hơi thở ở vùng ngực một lúc.

Bây giờ bắt đầu quán tưởng hình ảnh Lama Tông Khách Ba. Trong tâm hiện ra bất cứ hình ảnh nào thì hãy cứ giữ hình ảnh đó, nhiếp tâm nơi ấy một thời gian.

Đây là phương pháp để chúng ta có thể xây dựng dần dần pháp tu thiền của mình, để tu thiền định (ở đây là thiền chỉ) tức là tu chỉ để đạt tâm chỉ. Thầy nói lúc ban đầu rất khó, lúc mới tu, chúng ta không có khả năng giữ hình ảnh, đề mục này được lâu, được 1 vài giây là đã tốt rồi. Vậy nên lúc đầu cần lập thời tọa thiền thật ngắn, lặp đi lặp lại, thường xuyên, liên tục như vậy cho quen dần, rồi sau này tâm sẽ có khả năng giữ hình ảnh càng lúc càng lâu hơn. Cho tới khi chúng ta giữ được hình ảnh không bị mất, không bị mờ, được khoảng 4-5 phút, lúc đó chúng ta đã bắt đầu có một pháp tu đúng đường, đúng hướng. Vậy Thầy vừa hướng dẫn cho chúng ta phương pháp tu định. Khi chúng ta có thể tăng cường định lực của mình, từ đó sẽ dần dần tiến đến bước tiếp theo là thành tựu chỉ. Đó là pháp tu chỉ.

Thiền quán

Ngoài ra, tu quán cũng rất quan trọng. Khi tu quán, trước khi bắt đầu chúng ta cần phải điều chỉnh tâm nguyện động cơ của mình. Đây cũng là một yếu tố của pháp tu quán. Cần khởi tâm vì lợi ích của chúng sinh để tu tập hành trì. Có được tâm nguyện này pháp tu của chúng ta mới có hiệu quả. Sau khi phát tâm rồi, chúng ta ngồi tọa thiền theo thế bảy điểm kim cang, khởi tâm tin tưởng tròn đầy nơi đức Tông Khách Ba. Lòng tin tưởng này phát sinh như thế nào? Cần quán về tất cả những thiện đức của đức Tông Khách Ba, nhớ lại đức Tông Khách Ba là bậc đã thành tựu được tâm đại từ đại bi, có đại trí đại dũng, bi-trí-dũng ngài có đủ. Hướng về đức Tông Khách Ba với đầy đủ mọi thiện đức như vậy để khởi tín tâm. Ngài là người đã soạn tác 18 bộ luận rất có giá trị, là bậc đại học giả, đại hành giả, viên thành mọi thánh đạo. Không những bản thân ngài đã thành tựu được, ngài còn hướng dẫn biết bao đệ tử đạt quả vô thượng bồ đề. Chỉ cần nhìn vào công hạnh của chư đệ tử của Lama Tông Khách Ba, đến mãi bây giờ vẫn còn dẫn dắt chúng sinh, hoằng pháp rộng rãi ở Tây Tạng và ở nhiều nơi khác, chúng ta có thể đoán biết được sự vĩ đại của Lama Tông Khách Ba. Vậy nhờ quán về thiện đức của Lama Tông Khách Ba mà có được niềm tin tưởng tròn đầy nơi ngài.

Vậy, phát tâm một cách chính xác, rồi khởi tín tâm nơi Lama Tông Khách Ba, rồi sau đó chúng ta bắt đầu đọc bài pháp này, bắt đầu bằng câu 6.1. Như đã nói, câu này là để thỉnh đức Tông Khách Ba về. Thầy dạy rằng sau khi Lama Tông Khách Ba nhập tịch, ngài đi vào cõi Tịnh Độ Đâu Xuất. Đấng Pháp chủ cõi Đâu Xuất Tịnh Độ là đức Di Lạc. Từ nơi tim của đức Di Lạc tỏa ra một cụm mây sáng, trên đám mây sáng này, chúng ta cung thỉnh đức Tông Khách Ba cùng nhị đại đệ tử về, hiện ở phía trước mặt của chúng ta. Hướng về đức Tông Khách Ba cùng nhị đại đệ tử, chúng ta hành trì bảy Hạnh Phổ Hiền, bắt đầu từ câu số 6.2. Đọc đến đâu hãy quán tưởng hình ảnh lời tụng hiện ra phía trước mặt:

Ở nơi khoảng trời / trước mặt con đây, / trên tòa sư tử, / hai tòa sen, nguyệt, / là đấng đạo sư / môi cười từ hòa / sáng tươi rạng tỏa. /

Chúng ta quán tưởng hình ảnh của pháp tòa sư tử, có đài sen và đài mặt trăng, trên đó là đức Tông Khách Ba, mỉm cười hiền hòa, sáng tươi rạng tỏa.

Thầy là ruộng phước / giúp cho chúng con / tín tâm tròn đầy / tích tụ công đức.

Ở đây, chúng ta bắt đầu Bảy Hạnh Phổ Hiền. Hạnh này là hạnh thứ năm, thỉnh đạo sư trụ thế:

Chúng con khẩn xin / đạo sư trụ thế / thêm trăm đại kiếp / để cho giáo pháp / hưng thịnh lâu dài.

Đối trước hình ảnh của đức Tông Khách Ba trong quán tưởng, hiển hiện linh động như là chính đức Tông Khách Ba đang hiện ra ở phía trước mặt của mình, hành trì 7 Hạnh Phổ Hiền. Bảy hạnh này gọn nhẹ mà đủ năng lực giúp chúng ta tích tụ công đức dồi dào và có thể sám hối được nghiệp chướng của mình. Thầy nhắc lại Bảy Hạnh Phổ Hiền này là 1/ tán dương, đảnh lễ, 2/ cúng dường, 3/ Sám hối, 4/ Tùy hỉ, 5/ thỉnh Phật trụ thế , 6/ Thỉnh Phật chuyển pháp luân, 7/ hồi hướng công đức. Hành trì bảy hạnh này sẽ giúp chúng ta tích tụ công đức một cách nhanh chóng và dồi dào, cũng giúp chúng ta thanh tịnh được nghiệp chướng. Hạnh thứ 5 nằm ở cuối câu số 6.2.

Sau đó câu 6.3 trở lại hạnh thứ nhất, tán dương và đảnh lễ. Ở đây, đảnh lễ đức Tông Khách Ba cũng là đảnh lễ tất cả những thiện đức của đức Tông Khách Ba, vì vậy chánh văn có lời tán dương thân, khẩu và ý của ngài.

(6.3)
[Ý] Tâm Thầy bao trùm / tất cả những gì / có thể biết được;
[Khẩu] Lời Thầy khéo léo / minh giải kinh luận, /
là trang sức quí / dành cho đôi tai / của kẻ thiện duyên;

[Thân]: Thân Thầy đẹp ngời / hồng danh rạng tỏa.
[Đảnh lễ]Xin kính lạy Thầy / đấng rất xứng đáng / cho chúng con nhìn / nghe và niệm tưởng.

Hướng về thân-khẩu-ý tuyệt hảo của đức Tông Khách Ba là để tán dương đảnh lễ, nên cuối câu 6.3 là phần đảnh lễ đức Tông Khách Ba:

Tán dương đảnh lễ như vậy giúp chúng ta tích lũy nguồn công đức vô cùng dồi dào. Ở đây Thầy chỉ cho chúng ta cách lễ Phật. Lạy Phật có nhiều cách, hoặc lạy bằng tâm, hoặc lạy bằng lời nói, hoặc dùng thân để lạy. Thân, khẩu và ý đều có thể lạy Phật. Ở đây nói lạy Phật, là lạy bằng thân. Đặt tay trên đỉnh đầu, Thầy dạy rằng trong tất cả các tướng hảo của Phật, khó đạt nhất là tướng nhục kế trên đỉnh. Đặt tay lên đỉnh đầu khi lạy Phật sẽ giúp chúng ta tích lũy công đức đạt tướng hảo khó đạt này. Tiếp theo, đặt tay nơi trán là gieo công đức để đạt tướng xoáy tóc nơi trán Phật. Đặt tay ở nơi cổ là gieo công đức đạt phạm âm, âm thanh tuyệt hảo của Phật. Chắp tay nơi tim là gieo công đức đạt tâm Phật.

Thầy dạy khi nhập thất tu pháp tu Đạo Sư Du Già Lama Tông Khách Ba này, nếu muốn có thể làm torma nhưng điều quan trọng là đọc theo chánh văn đến câu kệ Migtsema thì phải tụng câu này cho đủ túc số. Nhập thất cần tụng bao nhiêu thì phải tụng đủ bấy nhiêu. Nếu tu theo pháp tu này mà không nhập thất thì không cần làm torma, chỉ cần bày biện bảy phẩm cúng dường trên bàn thờ rồi ngồi xuống tọa cụ theo thế bảy điểm kim cang như Thầy đã hướng dẫn, rồi quán tưởng theo lời bài pháp ở đây: Thứ nhất, quán tưởng từ tim của đức Phật Di Lạc tỏa ra một cụm mây trắng, trên đó hiện ra đức Tông Khách Ba cùng hai bậc trưởng tử; tiếp theo, thỉnh Lama Tông Khách Ba về tọa pháp tòa sư tử trên đài sen và nguyệt, rồi Lama Tông Khách Ba mỉm cười từ hòa v.v… đọc xuôi theo câu 6.1, 6.2, rồi thỉnh cầu đức Tông Khách Ba trụ thế, đừng vội nhập niết bàn, rồi tán dương và đảnh lễ, v.v… xuôi theo bài pháp như vậy cho đến câu chú Migtsema, ở đây đọc số lượng bao nhiêu tùy ý vì không phải đang nhập thất. Tu pháp Đạo Sư Du Già Lama Tông Khách Ba là vậy.

[Hết ngày 2]


  • Hạ Tải – Download: [ PDF Chánh Văn – Root text  Eng-Vi-Tib]
  • Nghe giảng – Teachings (Tib-Eng-Vi): Geshe Thubten Dawa giảng và hướng dẫn phương pháp hành trì pháp Ganden Lha Gyama – Đây là pháp Đạo Sư Du Già với đức Lama Tông Khách Ba là đấng bổn sư. Bài giảng tiếng Tạng, dịch Anh ngữ và Việt ngữ
    Geshe Thubten Dawa teachings and instructions on the practice of Ganden Lha Gyama – This is Guru Yoga practice with Lama Tsongkhapa as the root guru.
    [ MP3 – Geshe Thubten Dawa: Ganden Lha Gyama ]
  • Đánh Máy – Transcript: 

    • ngày 1
    • ngày 2
    • ngày 3 [chưa có]
    • ngày 4 [chưa có]
    • ngày 5 [chưa có]

TRĂM ĐẤNG HỘ PHẬT CÕI TỊNH ĐỘ ĐÂU SUẤT / GANDEN LHA GYAMA
Geshe Thubten Dawa thuyết giảng
Địa điểm: 1 Cairo Avenue, Padstow NSW 2211 –Australia
Dịch Việt ngữ: Hồng Như Thubten Munsel

Ngày 3

[Chưa Có, Xin Hoan Hỉ Đợi]




ĐẠO SƯ DU GIÀ Lama Tsongkhapa (Trăm Đấng Bổn Tôn Cõi Đâu Xuất Tịnh Độ – Ganden Lha Gyama)

 – English Title: Hundreds Deities of Tushita
– Tibetan:  GANDEN LHA GYA MA
– Ngôn ngữ: Anh – Việt – Tạng Âm
Việt ngữ: Hồng Như
Điều kiện – Prerequisites: Mọi người đều có thể đọc và hành trì – Everyone can read and practice

LAMA TÔNG KHÁCH BA: Lam-rim Tiểu Luận: Chứng Đạo Ca

  • Nghe giảng – Teachings: Geshe Thubten Dawa giảng và hướng dẫn phương pháp hành trì pháp Ganden Lha Gyama – Đây là pháp Đạo Sư Du Già với đức Lama Tông Khách Ba là đấng bổn sư. Bài giảng tiếng Tạng, dịch Anh ngữ và Việt ngữ – Geshe Thubten Dawa teachings and instructions on the practice of Ganden Lha Gyama – This is Guru Yoga practice with Lama Tsongkhapa as the root guru. [MP3 – Geshe Thubten Dawa: Ganden Lha Gyama (Tib-Eng-Vi)]
  • Đánh Máy – Transcript:  [Đọc trực tuyến – tiếng Việt]

(1) Refuge & bodhicitta– Qui Y & Phát Tâm Bồ Đề (3x)

(1) I go for refuge until I am enlightened
To the Buddhas, the Dharma and the Highest Assembly
From the virtuous merit that I collect by practicing giving and other perfections
May I attain the state of a Buddha to benefit all sentient beings.
(1) Từ nay cho đến ngày / thành tựu chánh đẳng giác
Nguyện quay về nương dựa / Nơi Phật Pháp và Tăng.
Với công đức có được / nhờ hành trì hạnh Thí
cùng hạnh Toàn Hảo khác / nguyện vì khắp chúng sinh,
quyết trọn thành Phật đạo. (3x)
(1) SANG GYÉ CHÖ DANG TSHOG KYI CHOG NAM LA
JANG CHUB BAR DU DAG NI KYAB SU CHI
DAG GI JIN SOG GYI PÉ SÖ NAM GYI
DRO LA PHÄN CHIR SANG GYÉ DRUB PAR SHOG

(2) Purifying the Place – Thanh Tịnh Ngoại Cảnh

(2) Everywhere may the ground be pure,
free of the roughness of pebbles and so forth.
May it be the nature of lapis and smooth as the palm of one’s hand.
(2) Nguyện mặt đất mọi nơi trong cõi thế
Được thanh tịnh, không đá sỏi gập ghềnh.
Như ngọc xanh biếc sáng trong, như lòng bàn tay phẳng mịn.
(2) THAM CHÉ DU NI SA ZHI DAG
SEG MA LA SOG MAY PA DANG
LAG TIL TAR NYAM BAY DUR YÉ
RANG ZHIN JAM POR NÉ GYUR CHIG

(3) Offering Prayer – Cúng Dường

(3) May offering substances human and divine, those actual and those which are emanated, unsurpassed Samantabhadra clouds of offerings fill the entire space.
(3) Tất cả phẩm vật / trong cõi con người / cùng trong cõi trời, / cụ thể bày ra / và bày biện bằng / công phu quán tưởng, / Biển mây trùng điệp / cúng phẩm Phổ Hiền / nguyện dâng đầy khắp / không gian vô tận.
(3) LHA DANG MI YI CHO PAI DZÉ
NGO SU SHAM DANG YI KYI TRUL
KUN ZANG CHO DRIM LA NA MÉ
NAM KHAI KAM KUN KYAB GYUR CHIG

(4) Offering Dharani – Đà La Ni Cúng Dường

OM NAMO BHAGAVATE BENZAY SARWAPARMA DANA TATHAGATAYA ARHATE SAMYAKSAM BUDDHAYA TAYATA OM BENZAY BENDZAY MAHA BENZAY MAHA TAYDZA BENDZAY MAHA BIDYA BENDZAY MAHA BODHICITTA BENDZAY MAHA BODHI MENDO PASAM KRAMANA BENDZAY SARWA KARMA AWARANA BISHO DANA BENDZAY SOHA.

(5) Power of the truth – Năng Lực của Sự Thật

(5) By the power of truth of the Three Jewels, the power of the inspiration of all the Buddhas and Bodhisattvas, the power of the great might of the completed two collections, and the power of the intrisically pure and inconceivable sphere of reality, may (these offerings) become suchness.
(5) Với năng lực của sự thật về Tam Bảo,
Với năng lực hộ trì của chư Phật cùng chư Bồ tát
Với năng lực của hai bồ tư lương viên mãn
Và của chân cảnh giới, thanh tịnh triệt để, ngoài tầm nghĩ bàn;
Nguyện cho (cúng phẩm này) đều trở thành chân như.
(5) KON CHOG SUM GYI DEN PA DANG / SANG GYÉ DANG JANG CHUB SEM PA THAM CHÉ KYI JIN LAB DANG TSOG NYI YONG SU DZOG PÉ NGA TANG CHEN PO DANG / CHO KYI YING NAM PAR DAG CHING SAM GYI MI KYAB PÉ TOB KYI DÉ ZHIN NYI DU GYUR CHIG

(6) GANDEN LHA GYA MA – CHÁNH VĂN

(6.1) From the heart of the protector of the hundreds of deities of the Land of Joy [Tushita], comes a cloud that resembles a mass of fresh, white curd. Omniscient Lozang Dragpa, King of the Dharma, together with [the pair of] your sons, I request you to come here now.
(6.1) Trên cụm mây sáng chứa mưa,/ tựa đồi sữa trắng tươi thanh mát,
Hiện từ tim đấng Pháp chủ đứng đầu / chư Hộ Phật cõi Đâu Xuất Tịnh Độ,/ là đấng Pháp Vương Toàn Giác Lozang Dragpa, / cùng hai bậc trưởng tử,/ Chúng con khẩn xin các ngài từ bi giá lâm đạo tràng.
(6.1) GAN DEN LHA GYA GON GYI TUG KAR NÉ
RAB KAR ZHO SAR PUNG DRÉ CHU DZIN TZER
CHO KYI GYEL PO KUN KYEN LO ZANG DRAG
SÉ DANG CHÉ PA NÉ DIR SHEG SU SOL

(6.2) O venerable Gurus with the white sailes of delight,
Seated on lion-thrones, lotus and moon in the space before me
I request you to remain for hundreds of eons in order to spread the teachings and be the supreme Field of Merit for my mind of faith
(6.2) Ở nơi khoảng trời / trước mặt con đây, / trên tòa sư tử, / hai tòa sen, nguyệt, / là đấng đạo sư / môi cười từ hòa / sáng tươi rạng tỏa. /
Thầy là ruộng phước / giúp cho chúng con / tín tâm tròn đầy / tích tụ công đức. / Chúng con khẩn xin / đạo sư trụ thế / thêm trăm đại kiếp / để cho giáo pháp / hưng thịnh lâu dài.
(6.2) DUN GYI NAM KHA SENG TRI PÉ DÉ TENG
JE TSUN LA MA GYÉ PÉ DZUM KAR CHEN
DAG LO DÉ PÉ SO NAM ZHING CHOG DU
TEN PA GYÉ CHIR KEL GYAR ZHUG SU SOL

(6.3) Your minds have the intellect that comprehends the full extent of what can be known, your speech, with its elegant explanations, becomes an adornment for the ears of those of good fortune, your bodies are radiantly handsome with glory renowned, I prostrate to you whom to behold, hear, or recall is worthwhile.
(6.3) Tâm thầy bao trùm / tất cả những gì / có thể biết được; / lời thầy khéo léo / minh giải kinh luận, / là trang sức quí / dành cho đôi tai / của kẻ thiện duyên; / Thân thầy đẹp ngời / hồng danh rạng tỏa. / Xin kính lạy thầy / đấng rất xứng đáng / cho chúng con nhìn / nghe và niệm tưởng.
(6.3) SHÉ JÉ KHYON KUN JAL WAI LO DRO TUG
KAL ZANG NA WAI GYEN GYUR LEG SHE SUNG
DRAG PÉ PEL GYI LHAM MER DZÉ PAY KU
TONG TO DREN PÉ DON DEN LA CHAG TSEL

(6.4) Pleasing water offerings, various flowers, fragrant incense, lights, scented water; An ocean of actual and visualised cloud-like offerings, both actually arranged and mentally created, I present to you, O supreme Field of Merit.
(6.4) Biển mây cúng dường / hiện trong quán tưởng / hay thật bày ra: / Nước, hoa, hương đốt, / đèn đuốc nước hương, / Chúng con cúng dường / ruộng phước tối thượng.
(6.4) YI ONG CHO YON NA TSOG MÉ TOG DANG
DRI ZHIM DUG PO NANG SEL DRI CHAB SOG
NGO SHAM YI TRUL CHO TRIN GYA TSO DI
SO NAM ZHING CHOG KHYE LA CHO PAR BUL

(6.5) Whatever non-virtues of body, speech, and mind I have accumulated from beginningless time, and especially the breaches of my three sets of vows, I confess over and again with fervent regret from my heart.
(6.5) Biết bao tội lỗi / do thân miệng ý / mà phát sinh ra, / tích tụ kể từ / vô lượng đời kiếp, / nhất là phá phạm / ba loại giới hạnh. / Nay chúng con nguyện / phát lộ tất cả, / từ tận đáy lòng / thành tâm sám hối.
(6.5) DAG GI TOG ME DU NÉ SAG PA YI
LU NGAG YI KYI MI GÉ CHI GYI DANG
KHYE PAR DOM PA SUM GYI MI TUN CHOG
NYING NÉ GYO PA DRAG PO SO SOR SHAG.

(6.6) From the depths of our hearts we rejoice, O protectors, in the great waves of your deeds, you who trove to learn and practice in this degenerate age and made life meaningful by abandoning the eight worldly feelings.
(6.6) Nhờ gắng đạt trí thông tuệ vượt bực
Trong thời kỳ giáo pháp suy đồi / lìa tám mối bận tâm thế tục
Nên mọi kiếp sống của thầy / đều tràn đầy ý nghĩa
Từ tận đáy lòng / chúng con mừng vui
Giữa muôn sóng cả / thiện hạnh của Thầy.
(6.6) NYIG MÉ DU DIR MANG TO TRUB LA TSON
CHO GYE PANG PÉ DEL JOR DON YO JÉ
GON PO KHYO KYI LAB CHEN DZA PA LA
DAG CHAG SAM PA TAG PÉ YI RANG NGO

(6.7) O holy and venerable Lama, from the clouds of compassion that form in the skies of your Dharmakaya wisdom, please release a rain of vast and profound Dharma precisely in accordance with the needs of those to be trained.
(6.7) Kính thỉnh đấng đạo sư tôn kính
Từ những cụm mây sáng từ bi
Tụ giữa nền trời của Trí Tuệ Pháp thân,
Xin Thầy cho Phật Pháp quảng thâm thành mưa rơi xuống,
Tắm mát chúng sinh đủ loại căn cơ.
(6.7) JE TSUN LA MA DAM PA KHYE NAM KYI
CHO KU KHA LA KHYEN TSE CHU DZIN TRIG
JI TAR TSAM PÉ DUL JE DZIN MA LA
ZAB GYE CHO KYI CHAR PA AB TU SOL

(6.8) I dedicate what ever virtues I have ever collected for the benefit of the teachings and of all sentient beings, and in particular for the essential teachings of Venerable Lozang Dragpa to shine forever.
(6.8) Nhờ công phu này / được bao công đức, / nguyện xin hồi hướng / về cho chánh pháp / cùng mọi chúng sinh / đặc biệt nhất là / tinh túy giáo pháp / của thầy Lozang / vĩnh viễn hưng thịnh.
(6.8) DAG GI JI NYE SAG PÉ GÉ WA DI
TEN DANG DRO WA KUN LA GANG PEN DANG
KHYE PAR JE TSUN LO ZANG DRAG PA YI
TEN PAI NYING PO RING DU SEL JAY SHOG

(7) Mandala Offering – Cúng Dường Mạn Đà La

(7) ‘This ground, anointed with perfume, flowers strewn,
Mount Meru, four lands, sun and moon,
Imagined as a Buddha land and offered to you
May all beings enjoy this pure land.’
(7) Con xin hiến cúng / Đất này trang nghiêm hương hoa
Điểm núi Tu Di, tứ đại bộ châu, mặt trời và mặt trăng
Quán tưởng thành cõi Phật
Nguyện chúng sinh yên vui trong cảnh thanh tịnh này
(7) SA ZHI PO KYI JUG SHING ME TOG TRAM
RI RAB LING ZHI NYI DA GYEN PA DI
SANG GYÉ ZHING DU MIG TE UL WAR GYI
DRO KUN NAM DAG ZHING LA CHO PAR SHOG

IDAM GURU RATNA MANDALAKAM NIRYA TAYAMI

(8) Short Request to Lama Tsong Khapa – Thỉnh Nguyện Lama Tông Khách Ba

(8) Avalokiteshvara, great treasure of immeasurable compassion,
Manjushri, Lord of the stainless wisdom,
[Vajrapani, destroyer of Mara’s forces without exception,]
Tsong-khapa, crown jewel of the sages of the Land of the Snow,
Losang Dragpa, I make requests at your feet.
(Recite many times with the visualisation that follows on point 9)
(8) Thầy là Quan Thế Âm: kho tàng đại bi tâm;
Thầy là đức Văn Thù: là bậc đại đạo sư, với trí tuệ vô cấu;
[Thầy là Kim Cang Thủ: dũng lực diệt ma vương;]
Lama Tông Khách Ba: là ngọc quí trên đỉnh bậc thánh hiền xứ tuyết
Losang Drakpa, con xin về đảnh lễ dưới chân sen của thầy.
Kính xin thầy từ bi hộ niệm.
(Đọc nhiều lần. Vừa đọc vừa quán tưởng theo chi tiết ghi trong câu 9)
(8) MIG MÉ TSE WAI TER CHEN CHEN RE ZI
DRI ME KHYEN PE WONG PO JAM PÉ YANG
[DU PUNG MA LU JOM DZÉ SANG WAI DAG]
GANG CHEN KHÉ PÉ TZUG GYEN TSONG KHA PA
LO ZANG DRAG PEI ZHAB LA SOL WA DEB

(9) Purification Visualisation – Quán Tưởng Tịnh Hóa

‘White light eminates from the OM at Lama Tsong Khapa’s brow and enters my brow. My negativities of body (killing, stealing and sexual misconduct) are completely purified. Red light eminates from the AH at Lama Tsong Khapa’s Throat and enters my throat. My negativities of speech (lying, devisive speech, harsh words and idle gossip) are completely purified. Blue light eminates from the HUNG at Lama Tsong Khapa’s Heart and enters my heart. My negativities of mind (coverting what belongs to others, harmful intent and wrong veiws) are completely purified. The three coloured beams of light emanate simulltaneously from Lama Tsong Khapa’s three places and purify completely all my delusions and subtle obscuraions to Omniscience.’
Ánh sáng trắng từ chữ OM nơi trán Lama Tông Khách Ba phóng ra, rót vào trán tôi: mọi thân nghiệp (sát sinh, trộm cắp, tà dâm) hết thảy đều được thanh tịnh. Ánh sáng đỏ từ chữ AH nơi cổ Lama Tông Khách Ba phóng ra, rót vào cổ tôi: mọi khẩu nghiệp (nói lời không thật, nói lời chia rẻ, nói lời thô ác và nói chuyện tào lao) hết thảy đều được thanh tịnh. Ánh sáng xanh dương từ chữ HUNG từ tim Lama Tông Khách Ba phóng ra, rót vào tim tôi: mọi ý nghiệp (tham của người khác, ác ý và ác kiến) hết thảy đều được thanh tịnh. Ba luồng ánh sáng ba màu đồng loạt phóng ra từ ba nơi [trên người] Lama Tông Khách Ba, thanh tịnh hết thảy mọi vọng tâm và chướng ngại vi tế ngăn cản trí toàn giác.

(10) Request and Absorption – Thỉnh Nguyện và Tan Nhập

Magnificent and precious root guru
Please sit on the lotus and moon at my crown
With your great kindness, keep me in your care.
Grant me realisations of your body, speech and mind.
Thỉnh bổn sư tôn quí
về trụ tòa sen nguyệt / ở trên đỉnh đầu con

Xin dẫn dắt con đi / bằng tình thương rộng lớn
Xin cho con thành tựu / thân ngữ ý thanh tịnh / nhiệm mầu của đạo sư.
PAL DEN TSA WEI LA MA RINPOCHE
DAG GYI CHI WOR PÉ MÉ TEN ZHUG LA
KA DRIN CHEN PO GO NÉ JÉ ZUNG TÉ
KU SUNG TUG KYI NGO DRUB TZEL DU SOL

Magnificient and precious root guru,
Please sit on the lotus and moon at my heart
With your great kindness, keep me in your care
Grant me the general and sublime realisations.
Thỉnh bổn sư tôn quí /
về trụ tòa sen nguyệt / ngay giữa trái tim con

Xin dẫn dắt con đi / bằng tình thương rộng lớn
Cho con đạt thành tựu / xuất thế và thế gian.
PAL DEN TSA WEI LA MA RINPOCHE
DAG GI NYING KAR PÉ MÉ TEN ZHUG LA
KA DRIN CHEN PO GO NÉ JE ZUNG TÉ
CHOG DANG TUN MONG NGO DRUB TSEL DU SOL

Magnificent and precious root goru
Please sit on the lotus and moon at my heart
With your great kindness, keep me in your care
Please remain firmly until I attain enlightenment.
Thỉnh đạo sư tôn quí /
về trụ tòa sen nguyệt / ngay giữa trái tim con
Xin dẫn dắt con đi / bằng tình thương rộng lớn,
Ở lại cho đến khi / con đạt quả bồ đề.
PAL DEN TSA WEI LA MA RINPOCHE
DAG GI NYING KAR PÉ MÉ TEN ZHUG LA
KA DRIN CHEN PO GO NÉ JE ZUNG TÉ
JANG CHUB NYING PO BAR DU TEN PAR ZHUG

(11) Making Special Request – Lời Thỉnh Cầu Đặc Biệt

May the wisdom of learning, thinking and meditation increase
and may the wisdom of teaching, debating and writing increase.
May I achieve ordinary and extraordinary accomplisments
Please bless me to quickly become like you.
Tuệ văn, tư, và tu / nguyện luôn luôn tăng trưởng.
Trí thuyết, luận, soạn tác / nguyện luôn luôn tăng trưởng.
Nguyện con đạt thành tựu / thế gian và xuất thế.
Xin gia trì cho con / mau được giống như Thầy.
TO SAM GOM PÉ SHÉ RAB PEL DU SOL
CHÉ TSO TSOM PEI LO DRO GYE SU SOL
CHOG DANG TUN MONG NGO DRUB TSEL DU SOL
NYUR DU KYE RANG TA BUR JIN GYI LOB

May the simultaneous-born great bliss shine immediately
And the delusion-shadow of grasping at inherent existence be cleared.
May I cut the net of doubt of the true nature of mind.
Please bless me to quickly become like you.
Nguyện trí lạc bản lai / ngay tức thì rạng sáng
Xoá tan mọi bóng tối / của chấp ngã vọng tâm
Nguyện chặt sạch võng lưới / hoài nghi về chân tánh
Xin gia trì cho con / mau được giống như Thầy.
DÉ CHEN LHEN KYE YÉ SHÉ CHAR DU SOL
NGO DZIN TRUL PAL DRI MA SEL DU SOL
SEM NYI TÉ TSOM DRA WA CHÉ DU SOL
NYUR DU KYE RANG TA BUR JIN GYI LOB

(12) Dedication – Hồi Hướng

In all future lives, through the Conqueror TsongKhapa acting in person as Mahayana Guru, let me not turn aside for even a moment from the excellent path the conquerors have praised.
Đời này kiếp sau / nhờ trực tiếp được / thầy Tông Khách ba, /
là đấng chiến thắng, / đích thân dẫn dắt / trong pháp đại thừa,
nguyện không lìa xa / dù chỉ phút giây / đường tu tối thượng /
mà mười phương Phật / vẫn hằng tán dương.
TSE RAB KUN DU GYAL WA TSONG KHA PAY
TEN CHOG SHI NYI NGO SUL TZE PAY TU
GYAL WAY NGAG PAY LAM SANGDE NYI LAY
KAY CHIG TSAM YONG DOG PA MA GYUR CHIG

 

02/2016




SỔ TAY QUI Y

Notes on Refuge (Vietnamese only)
Giảng Sư (Teacher): Geshe Thubten Dawa
Việt ngữ: Hồng Như biên tập
Ngôn ngữ (Languages): Việt
Bài Giảng Gốc (original teachings): < nghe giảng >

Đây là sổ tay học trò, ghi lại bài giảng của Geshe Thubten Dawa về pháp Quy Y, tham khảo với bài giảng Uttaratantra của ngài Kirti Tsenshab Rinpoche. 

Xin lưu ý Sổ Tay Học Trò là do học trò thực hiện, dựa theo sức hiểu ở thời điểm ấy, không phải chính xác nội dung lời Thầy giảng.
Xin nghe nội dung bài giảng ở đây: < nghe giảng Tạng – Anh – Việt >

Sổ tay này có 3 phần: 

  1. Tam Bảo là gì?
  2. Làm sao Qui Y?
  3. Qui y rồi làm gì?

Phần 1: Tam Bảo là gì?

Công phu Phật giáo Đại thừa nào cũng đều phải bao gồm ba phần:

– Đầu: qui y tam bảo, phát tâm bồ đề
– Giữa: công phu hành trì chính
– Cuối: hồi hướng công đức

Ba phần này quan trọng, phải có đủ.
Vậy trước tiên Thầy sẽ giảng về công phu Qui Y Tam Bảo.

Dù tụng theo ngôn ngữ nào, Tạng, Phạn, Anh, hay Việt, nội dung lời qui y đều như nhau:

Quy y Phật,
Quy y Pháp,
Quy y Tăng

Qui y là nương dựa. Vậy Qui Y Tam Bảo là nương dựa Tam Bảo, là Phật, Pháp và Tăng. Gọi là Tam Bảo, vì đây là ba điều rất quí giá hiếm hoi.

Ý nghĩa của Tam Bảo có nhiều mức độ. Có ý nghĩa phổ thông phần lớn ai cũng đã biết, lại có nghĩa phi thường (uncommon), chỉ thấy trong Đại thừa. Ở đây Thầy giảng theo nghĩa phi thường.

Muốn qui y, ít ra phải biết mình qui y những gì. Không rõ là gì mà qui y thì sự quy y này vô nghĩa, làm vậy công phu qui y sẽ rất khô cằn, không nhiều lợi ích. Tâm qui y có vững chắc thuần tịnh hay không còn tùy mình có hiểu rõ đối tượng qui y là gì hay không. Phải biết Tam Bảo là gì, vì sao nên qui y, qui y thì phải làm gì và được lợi ích gì. Càng hiểu rõ về Tam Bảo, tâm qui y sẽ càng thêm vững chắc.

Ghi chú bên lề: cuối buổi giảng 2, hỏi Thầy thì biết ý nghĩa Tam Bảo dạy ở đây dựa vào luận giải Kinh Bát Nhã của đức Di Lạc do ngài Vô Trước chép lại, nằm trong hai bộ luận Uttaratantra và Hiện Quán Trang Nghiêm. Như vậy ý nghĩa Tam bảo nói ở đây không những là của Đại thừa mà còn là Đại Thừa Trung Quán Tông. Theo đức Dalai Lama XIV, đây là tông phái trình bày chân tướng của thực tại chính xác nhất.


I. PHẬT

– ĐỊNH NGHĨA

Nguyên văn tiếng Tạng gọi Phật là San-gye.

Âm đầu, “San“, ứng với nghĩa đoạn diệt tất cả những gì cần đoạn diệt, nghĩa là toàn bộ phiền não chướng và trí chướng [còn gọi là sở tri chướng, chướng ngại đến từ tập khí phiền não, làm ngăn ngại trí toàn giác]

Âm sau, “gye“, ứng với nghĩa thành tựu tất cả những gì những gì cần thành tựu, nghĩa là có được trí toàn giác, là trí biết đúng và biết khắp cả, đầy đủ mọi thiện đức không thiếu thứ chi.

Vậy Phật, hay Sangye, có nghĩa là tâm giác ngộ, hay là người giác ngộ, rốt ráo đoạn diệt mọi chướng ngại, thành tựu mọi thiện đức.

PHẨM CHẤT

Đức Phật như vậy có đủ tám phẩm chất như sau:

I.1. Tự Tánh Thân: Svabhavakaya

Phẩm chất thứ nhất, là bản tánh tự nhiên thanh tịnh, thoát mọi ô nhiễm, không sinh diệt, không nhân duyên, là tánh không của tâm giác ngộ của Phật, còn gọi là niết bàn vô trú, là tự tánh thân.

Bản tánh tự nhiên thanh tịnh này là chân tánh của tâm Phật, và cũng là chân tánh của tâm của chúng sinh, vì tánh không tâm Phật và tánh không tâm chúng sinh vốn không khác. Khác nhau chỉ ở chỗ tâm của chúng ta bị chướng ngại ngăn che mắt tuệ nên không thấy được chân tánh của mình.

Vì chân tánh của tâm Phật và chân tánh của tâm chúng sinh giống nhau nên chúng sinh có khả năng tu thành Phật. Vì Phật đã thoát mọi chướng ngại còn chúng sinh thì bị đủ loại che chướng, nên chúng sinh vẫn phải tu.

Muốn hội nhập chân tánh của mình thì phải làm sao? Phải dựa vào tín tâm, một lòng hướng về Phật, hướng về chân tánh Tâm Phật vốn có trong mình. Tâm hướng Phật là điều giúp chúng ta hiển lộ chân tâm của mình. Vì vậy cần hiểu rõ phẩm chất thứ nhất này của Phật, hiểu rằng bản tánh tâm mình và bản tánh tâm Phật vốn không khác, từ đó phát sinh niềm tin xác quyết là mình có thể thành Phật, tự tin nơi bản tánh của tâm mình để khởi chí nguyện tu thành Phật.

I.2. Trí Pháp Thân: Jnana-Dharma-kaya

Phẩm chất thứ hai là trạng thái tách lìa chướng ngại ô nhiễm của tâm Phật. Vì tách lìa mọi chướng ngại ô nhiễm nên tâm Phật tỏa ra cùng khắp không ngăn ngại. Biết đúng, đủ, và cùng khắp, hoàn toàn không chút dụng công.

Nói không dụng công ở đây là nghĩa gì? Đọc theo thầy Kirti Tsenshab Rinpoche giảng trong Uttaratantra về phẩm chất này của Phật, dạy rằng ví dụ chúng ta khi muốn làm 1 việc gì thì phải suy nghĩ, quyết định, thực hiện, rồi việc có khi thành, có khi không v.v… làm một việc nhỏ cũng cần rất nhiều công đoạn, nhiều nỗ lực. Ngược lại, vì Tâm Phật vì đã thoát mọi che chướng ngăn ngại nên khi làm việc gì Phật đều không cần trải qua nhiều công đoạn, không cần cố gắng mà xong ngay tức thời. Vì vậy gọi là không chút dụng công.

Khác với phẩm chất thứ nhất, phẩm chất thứ hai này do nhân duyên mà có. Như thế nào gọi là do nhân duyên mà có? Là người tu hành trì theo đạo đế, vào địa bồ tát tận cùng địa vị (địa thứ 10), khi ấy bồ tát nhập định quán tánh không để đoạn chướng, cho đến cuối dòng tâm thức chúng sinh, ở ngay ở thời điểm cuối cùng gần sát tới tâm giác ngộ, chút trí chướng vi tế nhất còn sót lại cũng tan biến, ngay lúc ấy chấm dứt dòng tâm thức chúng sinh, chuyển thành Trí Phật.

Ví như quét nhà, rác bụi là thứ cần quét bỏ, hết bụi thì nhà sạch. Tương tự như vậy, bồ tát trên đường tu, trải qua 5 chứng đạo, bất cứ điều gì cần xả bỏ thì đều xả bỏ, đến khi xả bỏ sạch rồi, điều còn lại là trạng thái vắng bặt mọi chướng ngại ô nhiễm, đó chính là diệt đế, là pháp thân. Là phẩm chất thứ hai nói ở đây.

I.3. Không thể nhờ bên ngoài mà biết: sangye nyi rang

Phẩm chất thứ ba: Phật, hay tâm giác ngộ của Phật, vốn không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì). Nghĩa là:

– không thể dùng ngôn từ giải thích
– không thể dựa vào tri kiến phàm phu, hay dựa vào khái niệm để hiểu
– chỉ Phật mới có thể biết đúng như sự thật

Nói cách khác, chân tánh của tâm Phật, nghe người khác nói, hay là học hỏi tư duy, đều không thể biết. Muốn biết không thể dựa vào văn tuệ hay tư tuệ mà phải nhờ tu tuệ, nghĩa là phải nhập định, nhiếp tâm quán tánh không, quán chân tánh của tâm, phải từ trong định mà chứng biết.

Ba phẩm chất nói trên của Phật (1, 2, 3) đều là Tự Lợi.
Ba phẩm chất tiếp theo đây của Phật, 4, 5, 6, đều là Lợi Tha

I.4. Trí

Trí Phật có nghĩa là trí toàn giác, bao gồm:

– trí biết chân tánh của vạn vật
– trí biết tướng hiện qui ước của sự vật

Trí toàn giác là trí biết đúng và khắp. Nghĩa là sự thật như thế nào thì biết hết tất cả, và biết đúng như sự thật. Với cái trí như vậy, Phật biết rõ chúng sinh cần gì để có thể hướng dẫn chúng sinh thoát khổ một cách hữu hiệu.

I.5. Bi

Khi còn tu học, Phật đã vì tất cả chúng sinh mà phát tâm nguyện muốn tu thành Phật, cho nên khi thành Phật, tâm Bi là một phẩm chất, có chức năng hướng dẫn chúng sinh trên mọi bước đường tu cứu cánh và qui ước.

I.6. Dũng

Bao gồm lực của Năng Trí và của Bi.
Có khả năng bẻ gãy chuỗi 12 duyên khởi, phá tận gốc rễ nhiễm tâm và vô minh.

I.7. Tự Lợi

Phẩm chất thứ bảy là Tự Lợi, bao hàm ba phẩm chất 1-2-3.
Vì 1, 2, 3 đều là Pháp Thân, là chân tánh của tâm Phật, có khả năng tự lợi.

I.8. Lợi Tha

Phẩm chất thứ 8 là Lợi Tha, bao hàm ba phẩm chất 4-5-6.
Vì 4, 5, 6 là Sắc Thân, có khả năng tác thành cho chúng sinh, mang lợi ích cho người khác.

Như vậy 8 phẩm chất của Phật, 3 cái đầu ứng vào với Pháp Thân, ba cái sau ứng vào với Sắc Thân, đầy đủ tính tự lợi, lợi tha. Trong tâm của Phật,có đại bi hướng về tất cả chúng sinh, nên mọi điều Phật làm, đều là vì chúng sinh; lại có đại trí, là trí toàn giác biết đúng và đủ, nên Phật có khả năng chỉ cho chúng sinh biết điều gì cần bỏ, điều gì cần theo. Vì có đại bi và đại trí nên Pháp của Phật dạy là điều chắc thật, không hư ngụy, không sai lầm. Đức Phật như vậy được gọi là đấng Thế Tôn, Bhavagan, xứng đáng cho chúng ta tin tưởng, nương dựa.


II. PHÁP

— ĐỊNH NGHĨA

Pháp là tánh trong sáng và thanh tịnh trong tâm đấng giác ngộ. Trong sáng có nghĩa là viên mãn mọi tánh đức và thanh tịnh là đoạn diệt mọi chướng ngại nhiễm tâm.

Pháp có 8 phẩm chất như sau:

II.1. Không thể nghĩ

Pháp vượt ngoài phạm trù tư duy suy nghĩ.
Nói như vậy là nghĩa gì?
Đó là khi quán xét về chân tướng của sự vật, xem có phải là
– có hiện hữu, hay là
– không hiện hữu, hay là
– vừa có vừa không có, hay là
– không phải vừa có vừa không có
xét như vậy, vẫn không thể tìm ra chân tướng, cho nên mới nói Pháp thì không thể tư duy.

II.2. Không thể bàn

Pháp thì vượt ngoài phạm trù của khái niệm, ý tưởng, chữ nghĩa, mô tả, không thể dùng lời nói để diễn tả cho chính xác đúng như sự thật.

II.3. Không đến từ bên ngoài

Pháp chỉ có thể thấy đúng như sự thật qua kinh nghiệm thực chứng của của đấng giác ngộ, vượt ngoài mọi phạm trù đối đãi phân biệt cho nên không thể đến từ bên ngoài, chỉ thân chứng mới biết đúng.

Ba phẩm chất nói trên của Pháp (1, 2, 3) đều là diệt đế
Ba phẩm chất tiếp theo đây của Pháp (4, 5, 6), đều là đạo đế

II.4. Tịnh

Pháp vốn trong thanh (thanh tịnh). Trong vì bản chất vốn tự nhiên trong. Dứt ô nhiễm thì tánh trong hiện. Phẩm chất này sát theo nguyên văn gọi là [i]trí giác vô cấu [/i],

II.5. Sáng

Pháp vốn sáng (chiếu). Sáng vì không ngăn ngại nên có thể chiếu soi khắp cả.
Trí này vừa có khả năng soi chiếu hết thảy các pháp thâm sâu, thấy rõ chân tánh của thực tại (là tánh không), nói cách khác, thấy đúng như sự thật; lại vừa có khả năng soi chiếu hết thảy các pháp quảng đại, thấy rõ tướng hiện phong phú của vạn pháp, nói cách khác, thấy đủ và khắp.

II.6. Hóa giải

Pháp vốn có khả năng hóa giải ba chất độc tham sân và si.
Từ tâm chúng sinh cho đến tâm Phật đà, người tu cần qua năm chứng đạo.
Mỗi chứng đạo có những chướng ngại nào cần quét, thì Pháp sẽ giúp quét sạch. Vì vậy mà nói Pháp có khả năng hóa giải.

II.7. Diệt Đế

Bao gồm ba phẩm chất 1, 2, 3 của Pháp.
Đây là trạng thái khách thể của tâm sau khi đoạn diệt toàn bộ mọi chướng ngại (phiền não chướng và trí chướng). Nói ” khách thể”, là tạm dùng chữ để diễn tả trạng thái đạt đến sau khi đoạn diệt nhị chướng.

II.8. Đạo Đế

Bao gồm ba phẩm chất 4, 5, 6, của Pháp.
Đây là cái tâm chủ thể sau khi đoạn diệt nhị chướng. Nói “chủ thể” cũng là tạm dùng chữ để diễn tả cái tâm làm nhân tố tách lìa chướng ngại.

Pháp có tám phẩm chất quí hiếm như vậy. Cần tìm hiểu cho sâu cho tận tường, để có thể khởi tâm qui y thuần tịnh nơi Pháp.


III. TĂNG

—ĐỊNH NGHĨA

Nguyên văn tiếng Tạng gọi Tăng là Gedun
Ge nghĩa là thiện đức, ứng vào Phật quả
Dun nghĩa là tín tâm, là sự hướng về

Vậy có thể nói định nghĩa của Tăng là những bậc thượng nhân hướng về thượng pháp.
Tăng như vậy phải là hành giả Đại thừa, từ Kiến Đạo trở lên. Nói như vậy là nghĩa gì? Chứng đạo có năm: tích lũy đạo, gia hạnh đạo, kiến đạo, tu tập đạo, vô học đạo. Đại thừa và Thanh văn thừa đều có năm chứng đạo, và nội dung đều khác nhau. Ở đây là nói đến kiến đạo trong Đại thừa.

Hành giả Đại thừa ở giai đoạn gia hạnh đạo, nhập định quán vô ngã. Vô ngã có nhiều mức độ, ở đây là nói đến tâm vô minh căn bản, bẩm sinh chấp có một thực tại khách quan độc lập và cố định. Vô ngã như vậy bao gồm vô nhân ngã và vô pháp ngã, là tánh không của Đại thừa. Hành giả nhập định quán tánh không như vậy, cho đến khi chứng được tánh không bằng kinh nghiệm trực chứng, ngay thời điểm ấy bước vào kiến đạo, nhập địa bồ tát thứ nhất. Người tu như vậy thuộc về Tăng Bảo.

Nhờ chứng tánh không Bồ tát nhập kiến đạo, vì vậy nắm được liều thuốc hóa giải vô minh căn bản, có khả năng hóa giải nhị chướng (phiền não chướng và trí chướng), không còn thoái chuyển, vì vậy mà gọi là bậc thượng nhân, thuộc hàng Tăng bảo. Tuy nhiên, có thuốc hóa giải không có nghĩa là đã hóa giải được cả. Đối với vô minh bồ tát khởi từ kiến đạo thì hóa giải từng phần, đến địa vị Phật đà thì hóa giải toàn phần. Vì vậy tám phẩm chất này của Tăng Bảo, Phật có toàn phần, còn các bậc thượng nhân đại thừa kiến đạo trở lên chỉ mới có từng phần.

Tướng và tánh của Tăng Bảo:
Tăng Bảo Tục đế ứng vào những bậc thượng nhân bồ tát từ kiến đạo trở lên còn Tăng Bảo Chân đế thì không ứng vào con người mà là trạng thái tối hảo của tâm thức, là diệt đế và đạo đế trong tâm Phật, trạng thái đã diệt tất cả những gì cần diệt, ngộ tất cả những gì cần ngộ.

Tám phẩm chất của Tăng như vậy có thể qui nạp thành hai:
Rigpa: tánh giác, phẩm chất giác ngộ, chứng biết;
Drolwa: tánh siêu thoát, phẩm chất xả bỏ.

III.1. Chứng Chân đế

(chân lý cứu cánh ứng vào với cảnh giới chân thật của vạn pháp)
Là trí thấy được chân tướng của thực tại, trực chứng tánh không. Sự vật vốn hiện hữu như thế nào thì thấy đúng như vậy.
Thấy được như vậy, là vì 1/ tâm thể vốn tự nhiên trong sáng, và 2/ nhiễm tâm vốn không tự tánh, tách lìa với tâm thể.

III.2. Chứng Tục đế

(chân lý hư huyễn, đây là cảnh giới phong phú của tướng hiện)
Thấy được Tục đế nên thấy được tiềm năng có thể thành Phật của tất cả chúng sinh, thấy được Phật tánh trong dòng tâm thức của chúng sinh.

III.3. Chứng tự tánh thanh tịnh

Thấy được chân tánh của chúng sinh, thấy chúng sinh vốn tự nhiên thanh tịnh, sung mãn mọi tiềm năng chuyển trí phàm phu thành trí giác siêu việt của bậc thượng nhân.

Ba phẩm chất nói trên của Tăng (1, 2, 3) là nói đến khía cạnh biết (rigpa) của tâm Phật
Ba phẩm chất tiếp theo đây của Tăng (4, 5, 6) là nói đến khía cạnh buông (siêu thoát, drolwa) của tâm Phật.

Khi nhập định trực chứng tánh không, hành giả đoạn diệt từ từ các chướng ngại:

III.4. Đoạn tham chướng
xả bỏ toàn bộ mọi tâm lý phiền não xáo trộn

III.5. Đoạn trí chướng

Xả bỏ toàn bộ những che chướng áng ngữ trí toàn giác

III.6. Đoạn tiểu nguyện chướng

Buông bỏ tâm nguyện vị kỷ vì mình mà tu. Phật đà và các vị bồ tát từ địa thứ 8 trở lên không còn vướng vào loại chướng ngại này nữa.

Tiếp theo là hai phẩm chất nền tảng của 6 phẩm chất nói trên:

III.7. Tánh biết

Rigpa, nền tảng của phẩm chất 1, 2, 3

III.8. Tánh Siêu thoát

Drolwa, nền tảng của phẩm chất 4, 5, 6

(Hết Phần 1)

Xin lưu ý Sổ Tay Học Trò là do học trò thực hiện, dựa theo sức hiểu ở thời điểm ấy, không phải chính xác nội dung lời Thầy giảng.
Xin nghe nội dung bài giảng ở đây: < nghe giảng Tạng – Anh – Việt >


 

SỔ TAY HỌC TRÒ – QUI Y PHẬT PHÁP TĂNG (2)
LÀM SAO QUI Y?

Bài giảng 3 phần sau &4 của thầy Geshe Thubten Dawa,
ngày 8 tháng 03 năm 2008
tại Tashi Choling Institute, Sydney Australia

Trong Sổ Tay Qui Y 1,  chúng ta đã biết Phật Pháp và Tăng là gì, có những phẩm chất đặc biệt như thế nào, để hiểu rõ nơi chốn mình về qui y là nơi nào. Tuy đếm ra thì Phật có 8 phẩm chất, Pháp và Tăng cũng vậy, nhưng đây chỉ là trình bày cho dễ hiểu. Thật ra phẩm chất của Phật Pháp Tăng nhiều vô hạn, không thể đếm kể.

Biết Phật Pháp Tăng đặc biệt như vậy, muốn qui y thì phải làm sao? Làm cách nào để có được tâm qui y Tam Bảo?

Nhân tố phát khởi tâm qui y:

Muốn khởi tâm qui y, chúng ta cần hội tụ đầy đủ nhân tố. Nhân đủ thì quả sẽ phát sinh.

Vậy nhân nào sinh tâm qui y? Nhân này có hai:

– sợ khổ sinh tử, đặc biệt là khổ đau ba cõi ác đạo: địa ngục, ngạ quỹ và súc sinh;
– tin tưởng Tam bảo có khả năng giúp ta thoát khổ.

Một khi có đủ hai nhân này, tâm qui y sẽ phát sinh.

Không sợ khổ sinh tử thì chẳng lý do gì để qui y.
Sợ khổ nhưng không tin nơi Tam bảo thì không có nhu cầu muốn qui y.

Vậy khi thọ Tam qui chúng ta phải ý thức rõ là mình qui y những gì, vì lý do gì mà qui y. Trong tâm khởi chí nguyện mạnh mẽ, rằng từ nay cho đến khi chết sẽ luôn về nương dựa nơi Tam bảo. Qui y rồi hãy nên tận sức giữ gìn, đừng bao giờ để mất tâm qui y.

Ba mức độ qui y

Ba mức độ này ứng với ba loại tâm nguyện của Phật tử khi qui y

  1. Vì sợ bản thân phải chịu khổ ba cõi ác đạo mà qui y, đây là tâm qui y của bậc sơ căn [tu vì cầu thoát khổ ác đạo].
  2. Vì sợ bản thân phải chịu khổ sáu cõi sinh tử mà qui y, đây là tâm qui y của bậc trung căn [tu vì cầu thoát khổ sinh tử luân hồi].
  3. Vì biết chán sợ cảnh khổ sinh tử luân hồi, vì mong chính mình và chúng sinh không một ai phải chịu khổ sinh tử luân hồi mà qui y, đây là tâm qui y của bậc thượng căn [tu vì cầu chính mình cùng chúng sinh thoát khổ sinh tử luân hồi].

Vì vậy mà nói rằng Phật Pháp Tăng là nơi chốn nương dựa của những ai mong cầu giải thoát.

Phật Pháp Tăng trong cảnh Tục Đế

Phật: chốn qui y căn bản,

Phật là bậc đã thành tựu được cả hai mục tiêu tự lợi lợi tha và cũng là bậc đã xả bỏ mọi chướng ngại, viên mãn mọi tánh đức. Phật như vậy có bốn thân: hai pháp thân và hai sắc thân.

Sắc thân [Rupakaya] là thân có sắc tướng, còn được gọi là đức Phật qui ước quí hiếm [thân Phật trong Tục Đế, cảnh giới huyễn hiện]. Sắc thân có hai loại:

– Thọ dụng thân, còn gọi là Báo thân
– Biến hóa thân, còn gọi là hóa thân, hay ứng hóa thân.

Pháp thân [Dharmakaya]: là Phật cứu cánh quí hiếm [thân Phật trong Chân Đế, cảnh giới cứu cánh]. Pháp thân cũng có hai loại

– Tự tánh thân [svabhavakaya].
– Trí pháp thân [jnana-dharma-kaya]

Pháp:

là diệt đế và đạo đế, chân lý giải thoát trong tâm của bậc giác ngộ,

Bồ tát khi bước vào giai đoạn gọi là “không còn chướng ngại”, chướng ngại nhiễm tâm sạch hết, lúc đó trực chứng tánh không, đạt được diệt đế trong kiến đạo.

Tăng:

là người mang tâm hướng về thiện hạnh thiện đức, là bậc thượng nhân hướng về thượng pháp. Tăng bảo chân thật bao gồm 8 phẩm chất – có 4 phẩm chất thành tựu và 4 phẩm chất giải thoát – đều là bậc thánh tăng [xem sổ tay 1].

Một vị thánh tăng là hiện thân của Tăng bảo. Các vị xuất gia thọ cụ túc giới [tỷ kheo, tỷ kheo ni], dù chỉ là thường tăng, chưa chứng ngộ, nhưng nếu có bốn vị hợp lại thì cũng là Tăng bảo. Cúng dường Tăng đoàn bốn vị thường tăng cũng được công đức ngang bằng với cúng dường thánh tăng.

Giá trị của Tam Bảo

– Gọi Phật bảo là nơi qui y căn bản, vì nhờ có Phật chúng ta mới biết được phương pháp và lối đi trên con đường giải thoát, cũng nhờ Phật hướng dẫn mới biết để mà về qui y Tam bảo.

– Gọi Pháp bảo là nơi qui y thật sự, vì Pháp chính là diệt đế và đạo đế trong tâm. Tâm nào có được diệt đế và đạo đế thì tâm ấy chuyển từ tâm chúng sinh thành tâm Phật.

– Gọi Tăng bảo là thiện tri thức, vì Tăng là bạn đồng hành, cùng chúng ta bước trên con đường qui y, thành tựu đạo quả. Dù đức Phật không còn tại thế, nhưng vẫn còn Tăng, tiếp tục hoằng dương Phật Pháp.

Tam bảo như vậy, có cần phải qui y cả ba?

Nếu cầu giải thoát khổ đau lục đạo luân hồi, nhất định phải nương dựa cả ba. Ví như người bệnh nan y, cần thầy thuốc giỏi định bệnh ra toa, cần thuốc hay để trị bệnh, lại cần người chăm sóc tận tụy, mới hy vọng khỏi.

Nếu chỉ để giải quyết một vài vấn đề lặt vặt, đôi ba chướng ngại nhỏ, chúng ta không cần phương tiện lớn, cũng như bệnh nhẹ không cần thầy giỏi, thuốc hay, tự chăm sóc có khi cũng khỏi. Nhưng ở đây chúng ta đang nói đến chứng bệnh sinh tử luân hồi, vấn đề vĩ đại đến từ những chướng ngại lớn lao, vì vậy nhất định Phật Pháp và Tăng phải nương dựa đầy đủ cả ba.

Một khi có được tâm qui y Tam bảo, dù là tâm qui y của bậc sơ căn, hãy dựa vào tâm đó để sám hối, thanh tịnh nghiệp đọa sinh ác đạo. Nghiệp đã thanh tịnh rồi thì cho dù có muốn cũng không thể nào đọa ác đạo.

Phật là nơi qui y căn bản, rất khéo léo phương tiện hộ trì cho chúng ta thoát mọi vấn đề. Không những vậy, Phật còn có tâm đại bi không phân biệt xa gần, bao trùm cùng khắp, vì vậy bất kể là ai, Phật đều hộ trì không phân biệt.

Xin lưu ý Sổ Tay Học Trò là do học trò thực hiện, dựa theo sức hiểu ở thời điểm ấy, không phải chính xác nội dung lời Thầy giảng.
Xin nghe nội dung bài giảng ở đây: < nghe giảng Tạng – Anh – Việt >


SỔ TAY HỌC TRÒ – QUI Y PHẬT PHÁP TĂNG (3)
QUI Y RỒI LÀM GÌ?

Bài giảng 5 của thầy Geshe Thubten Dawa,
ngày 15 tháng 03 năm 2008
tại Tashi Choling Institute, Sydney Australia

Như đã xem qua, chúng ta nhờ vào hai nhân tố: 1/ sợ khổ đau và 2/ tin Tam bảo, nhờ đó có được tâm qui y.

Một khi qui y rồi chúng ta phải làm gì?

Công phu qui y là nền tảng của mọi pháp tu, nên mọi pháp hành đều bắt đầu bằng qui y. Vì là công phu căn bản nên đi đâu cũng gặp, dễ khiến chúng ta sinh tâm ỷ y, nghĩ rằng mình đã biết đã hiểu. Thật ra qui y là nương dựa những gì, qui y rồi phải làm gì, những điều này nếu không bỏ công tìm hiểu sẽ không thể biết rõ. Nếu không biết rõ thì tâm qui y sẽ không thuần tịnh.

Qui y những gì

Qui y là nương dựa vào Phật Pháp và Tăng.

Phật là bậc chỉ đường, là nơi qui y căn bản.
Pháp là điều đưa chúng ta đạt mục tiêu, là nơi qui y thật sự.
Tăng là thiện tri thức, là bạn đồng hành, giúp chúng ta tiến trên đường giác ngộ.

Qui y rồi phải làm gì: Phải tu theo Pháp

Một khi qui y rồi, phải hành trì Phật Pháp. Công phu hành trì bao gồm hai mặt:

  1. bỏ hết những gì cần phải bỏ,
  2. làm hết những gì cần phải làm.

Điều cần bỏ

Khổ đau là điều không ai muốn, vì vậy khổ là điều cần từ bỏ, và cả nguyên nhân tạo khổ cũng cần phải bỏ hết. Nói cách khác, khổ đế và tập đế là điều cần tận diệt.

Điều cần làm

Vì khổ đau là điều phải diệt, cho nên diệt khổ chính là điều phải làm. Diệt khổ bằng cách nào? Bằng con đường diệt khổ. Vậy diệt đế vào đạo đế là điều cần thực hiện.

Đây chính là Tứ Đế. Khổ và tập là hai điều cần từ bỏ, Diệt và đạo là hai điều cần thực hiện. Vậy qui y rồi thì phải tu tập hành trì Tứ đế cho thật tận tường.

Tu Tứ Đế

Vì nhận diện được khổ [khổ đế], nên không muốn khổ. Không muốn khổ thì phải biết vì sao mà có khổ [tập đế]. Có hai nguyên nhân tạo ra quả khổ, đó là nghiệp và phiền não. Nghiệp có thiện nghiệp và ác nghiệp. Phiền não có nhiều loại, quan trọng nhất là vô minh, còn gọi là si. Vì si nên phát sinh tham và sân. Rồi từ tham sân si này mà phát sinh đủ loại sắc thái phiền não khác.

Nghiệp và phiền não như vậy có thể bỏ được hay không? Khẳng định là được

Bằng cách nào? Bằng đạo đế.

Vậy đạo đế là gì?

Đạo đế có thể nói là tâm thật thuần tịnh, thấy rõ cảnh giới cứu cánh và cảnh giới qui ước (chân đế và tục đế), là tâm thấy được chân tánh của thực tại, thấy tất cả chính xác đúng như sự thật. Tâm này hoàn toàn trong và sáng [tịnh, chiếu], siêu thoát mọi phiền não nhiễm tâm. Người tu khi vào tới kiến đạo thì có thể bắt đầu trực tiếp thấy được chân tánh của tâm,. Rồi khi từ kiến đạo mà bước qua tu tập đạo sẽ có khả năng lần lượt diệt bỏ những điều cần bỏ. Từ địa bồ tát thứ nhất ở tu tập đạo thì bắt đầu diệt bỏ từng phần phiền não chướng [chướng ngại đến từ phiền não],đến địa bồ tát thứ 7 thì tận diệt. Từ địa bồ tát thứ 8 là bắt đầu diệt bỏ từng phần trí chướng [chướng ngại ngăn che trí toàn giác, còn gọi là sở tri chướng], đến hết địa bồ tát thứ 10 thì tận diệt cả loại trí chướng vi tế nhất, thoát mọi chướng ngại, hiển lộ tâm Phật.

Có thể nói Phật giáo là tôn giáo duy nhất lấy tứ đế làm nền tảng.

Không có pháp tu nào trong Phật giáo mà không thuộc về tứ đế. Đạo đế là tâm thấy tánh không, thấy được chính xác đúng như sự thật. Vì vậy cần phải luyện tâm. Cho dù đã vào kiến đạo, bắt đầu có được cái thấy đúng như sự thật rồi, cũng vẫn phải tiếp tục luyện tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật.

Nói thêm về qui y Phật trong Đại thừa

Khi mới qui y, chúng ta lấy tâm qui y làm nhân tố tu hành, mang tâm hướng Phật, thỉnh Phật, nương dựa nơi Phật, là bậc có khả năng che chở. Tin tưởng Phật thì dễ có được tín tâm nơi lời Phật dạy, kiên trì tu theo lời hướng dẫn của Phật. Đến khi thành tựu thì tâm quí vị đồng với tâm của Phật, vì vậy qui y cũng là qui y nơi thành quả mà chúng ta sau này sẽ tự mình đạt đến.

Nói thêm về qui y Pháp trong Đại thừa

Trước tiên, đức Phật dạy về tứ đế. Nói đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự tận diệt của khổ, và đây là con đường diệt khổ [khổ, tập, diệt, đạo]. Khổ và tập là hai điều cần bỏ, và diệt và đạo là hai điều cần theo. Toàn bộ Phật Pháp được xây dựng trên nền tảng của Tứ Đế, tất cả mọi tông phái trong Phật giáo đều chấp nhận Tứ Đế.

Sau đó, đức Phật ở Drepung [heap of rice] đã truyền mật pháp Kalachakra. Đồng thời, đức Phật cũng giảng về tánh không bát nhã. Trước đó Phật đã dạy về vô ngã, nhưng chỉ nói đến nhân vô ngã [vô ngã của bản thân con người], chưa nói đến pháp vô ngã [vô ngã của thế giới hiện tượng]. Phải đến khi thuyết về không bát nhã thì Phật mới giảng trọn vẹn ý nghĩa của vô ngã. Nếu chưa thấy được chân tánh của thực tại thì chưa thể đạt giác ngộ. Vì vậy chứng tánh không bát nhã, là điều không thể thiếu.

Tuần tự đường tu

[nhắc lại năm chứng đạo: 1. tích lũy đạo, 2. gia hành đạo, 3. kiến đạo, 4. tu tập đạo, 5. vô học đạo.]

1. Tích lũy đạo [path of accumulation]:

Khởi phát tâm bồ đề là khởi bước vào đường tu đại thừa, nhập tích lũy đạo. Đây là chứng đạo đầu tiên. Gọi là “tích lũy”, vì muốn chứng không bát nhã, người tu cần lượng công đức và trí tuệ nhiều vô lượng, vì vậy trong tích lũy đạo người tu cần tích tụ vô lượng công đức nhờ phát tâm bồ đề và hành bồ tát hạnh. Tất cả đều là hướng về chứng ngộ không bát nhã.

2. Gia hành đạo [path of preparation]:

Trong khi tích lũy công đức trí tuệ nhờ phát tâm bồ đề và hành bồ tát hạnh, người tu song tu chỉ quán về tánh không. Đến thời điểm thành tựu được chỉ quán hợp nhất, thì bước qua chứng đạo thứ nhì, đó là gia hành đạo. Trong giai đoạn này, người tu coi như đã được nối liền vơi kiến đạo.

Gia hành đạo có bốn lớp: nhiệt [heat], nhẫn [patience], pic [chót điểm], diệu pháp [excellent Dharma]. Vào đến mức thứ 4 thì hành giả đã gần sát với kiến đạo. Trong một thời tọa thiền, tâm hành giả chuyển từ gia hành đạo vào kiến đạo.

3. Kiến đạo [path of seeing]:

Vào kiến đạo người tu nhập địa bồ tát thứ nhất. Ở thời gian đầu người tu vẫn chưa phá được tâm chấp hiện hữu có tự tánh. Đến giai đoạn được gọi là ‘không còn chướng ngại” [no more obstacle], người tu bước qua “đạo giải thoát” [path of liberation], phá bỏ được tâm chấp tự tánh, nhập tu tập đạo.

4. Tu tập đạo [path of meditation]:

Khi vào tu tập đạo người tu vẫn còn ở địa bồ tát thứ nhất. Đến giai đoạn được gọi là “không còn chướng ngại”, người tu bước qua “đạo giải thoát” và nhập địa bồ tát thứ hai. Rồi địa thứ hai cũng vậy, đến giai đoạn ‘không còn chướng ngại”, bước qua “đạo giải thoát” và nhập địa bồ tát thứ ba, cứ như vậy cho đến địa bồ tát thứ 7. Trong giai đoạn từ địa 1 đến địa 7, người tu lần lượt phá bỏ loại chướng ngại được gọi là phiền não chướng, là loại chướng ngại ngăn cản giải thoát luân hồi. Đến địa thứ 7, phiền não chướng đoạn diệt, người tu nhập địa bồ tát thứ 8.

Từ địa 8 cho đến địa 10, người tu lần lượt phá bỏ trí chướng. Trí chướng này bao gồm chín loại nhiễm tâm, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 8, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 9, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 10. Trong chín loại này, ba loại đầu thô lậu nhất, nên gọi là đại đại, đại trung, và đại tiểu. Tiếp theo ba loại được phá bỏ ở địa thứ 9 được gọi là trung đại, trung trung, và trung tiểu. Cuối cùng còn ba loại vi tế nhất, được phá bỏ ở địa thứ 10, tiểu đại, tiểu trung, tiểu tiểu. Cho đến khi loại nhiễm tâm vi tế nhất trong các loại vi tế bị phá bỏ, thì Pháp thân hiển lộ, đó chính là Trí Pháp Thân [Dharma-jnana-kaya]. Đến giai đoạn “không còn chướng ngại” của địa bồ tát thứ mười thì người tu đi thẳng vào Phật quả.

Như vậy có thể nói rằng tính từ giai đoạn “không còn chướng ngại” ở kiến đạo, địa bồ tát thứ nhất, cho đến giai đoạn “không còn chướng ngại” ở địa bồ tát thứ mười, con đường đó là Pháp: từ kiến đạo trở đi, người tu bắt đầu có được diệt đế và đạo đế, đây chính là Pháp,  là điều giúp chúng ta thật sự bỏ hết những gì cần bỏ [diệt], làm hết những điều cần làm [đạo].

Nói thêm về qui y Tăng trong Đại thừa

Tăng là những bậc từ kiến đạo trở lên.

Nếu là đường tu nguyên thủy, thì Tăng là những bậc đang đi từ kiến đạo cho đến quả A La Hán.

Nếu là đường tu đại thừa, thì Tăng là những bậc đang đi từ kiến đạo cho đến quả vị Phật.

Tóm Tắt Qui Y Phật Pháp Tăng

Phật đã nhờ Pháp mà thành Phật.

Tăng đang nhờ pháp mà thành Thánh Tăng

Người tu như chúng ta, cho dù chưa vào được kiến đạo, chưa có chứng ngộ, nhưng tu theo Phật pháp, sám hối tội chướng, kèm theo đủ bốn năng lực sám hối, như vậy sẽ không sinh ác đạo, cũng vẫn có thể nương dựa nơi pháp, để bắt đầu hành trình thoát khổ.

Kinh Phật có nói đối với nỗi khổ của chúng sinh, Phật không thể dùng tay xoa đầu chúng sinh để giúp chúng sinh thoát khổ, cũng không thể chuyển trí giác của Phật vào cho chúng sinh, chỉ có thể chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh.

Người có bịnh mà nhờ Phật xoa đầu nên hết bịnh, sắp chết mà nhờ Phật xoa đầu nên thoát chết, Phật nói đó không phải nhờ nơi Phật xoa đầu, mà chỉ là nhờ nghiệp, nhờ tín tâm.

Hết bài giảng thứ 5