Dilgo Khyentse Rinpoche giảng KHO TÀNG TÂM CỦA ĐẤNG GIÁC NGỘ

PHẦN BA
Quyết Tâm Thoát Sinh Tử

– Quay Lưng Với Việc Thế Gian

Điểm tinh túy của tâm chán sinh tử là thả hết việc thế gian để chuyên tâm tu theo chánh pháp.

— VIỆC LÀM

65. Làm để làm gì? Việc nào cũng gieo toàn nhân sinh tử.
Xem việc đã làm vô nghĩa biết bao.
Nay thà ngưng hết, đừng làm gì cả,
thả hết chuyện làm, trì Lục tự chú.

Chỉ có Phật mới có thể đếm hết được những lần chúng ta đã sinh ra trong cõi luân hồi vô thủy này, và chỉ có Phật mới có thể nói luân hồi khởi đầu từ lúc nào. Trong Diệu Pháp Minh Niệm có câu nói rằng, nếu có thể gom hết số lượng thân xác của mình trong các đời quá khứ, dù mỗi thân chỉ nhỏ như xác côn trùng, sẽ chất thành đống cao hơn cả núi Tu di; và nếu có thể gom hết số lượng nước mắt đã tuôn ra vì đớn đau, sẽ đong thành đại dương sâu rộng hơn bất cứ biển rộng nào trên toàn cõi thế gian này. Vì sao? Vì cho đến bây giờ, tất cả mọi việc quí vị đã từng làm đều là việc gây hại, may mắn lắm thì được là việc phù phiếm vô nghĩa.

Chúng sinh hữu tình luôn bận rộn. Loài người như chúng ta đây, bận rộn đấu đá cạnh tranh lẫn nhau, mua, bán, tạo, phá. Loài chim bận rộn chuyện xây tổ, đẻ trứng, bón mồi cho chim non. Loài ong bận rộn hút nhụy, làm mật. Loài thú bận rộn kiếm ăn, săn mồi, canh chừng nguy hiểm, bảo vệ đàn con.

Càng làm lại càng thêm việc, càng thêm vất vả, nhưng kết quả cho sự lao nhọc này không kéo dài lâu hơn bức tranh vẽ bằng ngón tay trên mặt nước. Bao giờ thấy ra những việc làm vô nghĩa kia phù du đáng chán đến mức nào, tự nhiên quí vị sẽ hiểu điều duy nhất thật sự đáng làm, đó là hành trì theo chánh pháp.

— NÓI

66. Nói để làm chi? Toàn chuyện tào lao.
Nhìn xem khiến tâm tán loạn cỡ nào.
Nay thà lặng thinh trong cõi tịch lặng,
ngưng hẳn tiếng lời, trì Lục tự chú.

Khi người ta nói chuyện, phần lớn đều là nói lời vô bổ. Chủ yếu mọi câu chuyện đều phát xuất từ lòng ưa ghét, chỉ khiến nọc độc phiền não thêm sâu dày. Nói không để làm gì, chỉ khiến ý tưởng loạn lên như trăm vạn lá cờ giấy phần phật trong gió lộng.

Sách có câu “lỗ miệng là cửa địa ngục.” Nói chuyện tào lao, nói lời dối láo, nói lời thô ác, nói lời tọc mạch, lời nói nào cũng khiến tâm tán loạn và lo lắng không thôi. Dù với tài hùng biện, với lời rõ ràng mạch lạc dễ nghe, rồi cũng chỉ khiến ta thêm lãng phí thời gian và gặp chuyện rắc rối. Vì vậy Mật thừa có câu nói rằng một tháng tịnh khẩu tụng chú lợi ích lớn hơn một năm tụng chú xen kẽ chuyện thế gian. Tụng cho ra tụng, không xen lẫn bất kỳ lời nói nào khác, công phu trì chú giữ được năng lực tối đa, rồi sẽ giúp ta chứng được chân tánh siêu việt ngôn từ, vì chú Mani là âm vang tự nhiên của chân tánh bất khả tư nghì này. Pháp hành của quí vị, vì vậy, sẽ tiến bộ nhanh chóng nếu có thể dứt bỏ mọi chuyện phiếm bất tận của đời sống hàng ngày bằng cách phát nguyện tịnh khẩu, không còn thốt ra lời nào khác hơn là Lục tự chú.

— ĐI

67. Tấc bậc làm gì? tới lui thêm mệt.
Nhìn xem chánh pháp lạc xa cỡ nào.
Nay thà một chỗ, để tâm thư giãn,
Ổn định an nhiên, trì Lục tự chú.

Chạy đua loanh quanh, lăng xăng chỗ này chỗ nọ, chỉ thêm mệt chẳng để làm gì. Chúng ta luôn lăng xăng xem chuyện gì đang xảy ra ở nơi khác, can dự vào đủ thứ chuyện ở bên ngoài. Nhưng trong suốt thời gian đó, bên trong thật ra có thừa việc để nhìn, trong sự động tịnh của niệm, và thừa việc cần làm để hàng phục vọng niệm này.

Cho đến bây giờ, quí vị cứ mãi rong ruổi quẩn quanh, trôi lạc triền miên trong mấy cõi sinh tử, chẳng được gì ngoài nỗi khổ đau. Gieo nghiệp và chịu khổ đau quả báo, lạc khỏi chánh pháp càng lúc càng xa. Đã vậy chi bằng ngồi lại một mình ở chốn yên tĩnh thuận tiện cho việc tu, chẳng tốt hơn sao? Quán ân sư nhiệm mầu, quán giáo pháp nhiệm mầu, cho đến khi chân nghĩa chánh pháp hoàn toàn thấm nhuần trong tâm, đây là cách duy nhất khiến thân người quí giá này trở nên thật sự xứng đáng. Nếu quí vị có thể làm được như vậy, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn, đã là sự gia trì lớn lao.

— ĂN

68. Ăn để làm gì? Chỉ toàn thành phẩn.
Xem bụng bây giờ ăn chẳng biết no.
Nay thà sống bằng lương thực chánh định,
dứt bỏ chuyện ăn, trì Lục tự chú.

Bất kể ăn gì, dù ngon hay dở, rồi cũng thành phân như nhau, có gì để phải hám ăn đến thế? Tốt hơn hãy xem món ăn là món cúng dường, nhờ vậy tích lũy công đức thay vì tăng bồi lòng tham.

Khi ăn, hãy quán tưởng thức ăn thức uống là cam lồ thanh tịnh, trước dâng lên Tam Bảo, sau tưởng tượng chư Phật ban lại cho mình, dùng thức ăn như thọ lực gia trì. Cuối bữa ăn, quán tưởng mình là đức Quan Thế Âm, thực phẩm vừa dùng biến thành cam lồ, từ các ngón tay và toàn thân tuôn ra, giải cơn đói khát cho hết thảy chúng sinh cõi ngạ quĩ. Việc ăn uống tầm thường, nhờ vậy, trở thành phương tiện tích lũy công đức. Phối hợp Phật-pháp vào sinh hoạt hàng ngày, mọi mặt trong đời sống thường nhật đều có thể biến thành pháp hành, giúp sự hiểu của quí vị trở nên phong phú thâm sâu hơn.

Cần gì thèm thuồng những món ngon thịnh soạn. Gắng nuông chiều lòng tham chỉ tựa như uống nước muối, càng uống càng khát. Nhìn lại mà xem, thiên hạ bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc chỉ vì một bữa ăn ngon. Thay vào đó, vui cùng thực phẩm giản tiện vừa đủ, thưởng thức vị cam lồ chánh định của thiền chỉ quán, đây là điều mang đến sự toại nguyện sâu xa, quét sạch vô minh tăm tối. Hãy nhận diện cội nguồn của dưỡng thực chân chính, trì Lục tự chú.

— TƯ DUY

69. Suy nghĩ làm gì? Càng thêm hư vọng.
Xem lại mục tiêu đạt có là bao.
Nay chuyện đời này thà chẳng nghĩ xa,
buông mọi lo toan, trì Lục tự chú.

Đừng kéo dài ý niệm đã qua, đừng mời gọi ý niệm chưa đến, giữ tánh biết sáng trong của thời điểm hiện tại. Bằng không, chẳng làm sao kết thúc được chuỗi vọng niệm nối dài. Như bậc thánh trí Gyalse Thogme đã dạy, “những thứ được gọi là niềm vui và nỗi khổ kia đều chỉ như tranh vẽ mặt nước, theo đuổi làm gì? Nếu quí vị nhất định phải có một điều gì để mà nghĩ đến, vậy hãy thử nghĩ mà xem có phải là được gì mất đó, tạo dựng bao nhiêu sẽ tan rã bấy nhiêu.” Tương lai biết đâu chừng mà tính việc xa xôi. Làm như vậy cũng vô nghĩa như câu chuyện Cha của Danh Nguyệt:

Vào một đêm kia, có anh nông dân mang bao lúa mạch to tướng vừa mới thu hoạch về, cột lên xà ngang trên đầu giường mà ngủ. Anh ta ngã lưng xuống nệm, hai tay kê đầu nhìn bao lúa, nghĩ rằng, “lúa này nhất định sẽ bán được giá,” rồi lại nghĩ, “với số tiền này, mình đủ khả năng lấy về một cô vợ đẹp. Chẳng bao lâu sẽ được một thằng cu kháu khỉnh… để xem, đặt tên cho nó là gì nhỉ?” Nhìn thấy trăng rằm chiếu xuyên khung cửa, anh chợt có ý nghĩ hay, “biết rồi! ta sẽ gọi con trai ta là Danh Nguyệt…” Vừa lúc ấy, con chuột nãy giờ gặm sợi dây buộc bao lúa vừa xong việc, bao lúa nặng rớt xuống, và đến đó là hết, cả anh nông dân lẫn toan tính của anh ấy.

Đừng để tâm miên man trong dự tính. Buông bỏ mọi lo toan vì những mối bận tâm thế tục đời này, nhớ rằng mỗi phút giây đi qua là một cơ hội tu tập quí giá như thế nào, hướng mỗi tâm mỗi niệm về hết cho đức Quan Thế Âm. Thay vì đầu hàng sức mạnh của hư vọng, hãy rót đầy tâm mình bằng đại từ đại bi; thay vì lao lực vô ích để đeo đuổi những mục tiêu thế tục, hãy trú tâm bình đẳng đến từ đại định thâm sâu. Tu được như vậy, dù chỉ trong thời gian một tiếng đồng hồ ngắn ngủi, cũng vẫn là liều thuốc hữu hiệu hóa giải phiền não vô minh, nhất định sẽ giúp quí vị tiến bộ trên đường tu. Vậy hãy chặt hết mọi hy vọng, toan tính, mong đợi khiến tâm thêm loạn động, trì Lục tự chú.

— SỞ HỮU

70. Sở hữu làm gì? Chỉ càng thêm vướng.
Nhìn xem sớm ngày phải bỏ mà đi.
Nay thà đoạn dứt tham lam tài sản,
ngưng om của cải, trì Lục tự chú.

Sở hữu cũng như mọi tài vật khác, nhất định sẽ phải mất, không sớm thì muộn. Phú quí là cội nguồn của nỗi lo bất tận và đủ loại tội ác. Sách có câu nói rằng, “Của cải càng nhiều, bất hạnh càng lớn.” Quí vị có thể dành trọn đời mình để tích lũy tiền tài của cải, đến nỗi giàu sánh Thần Tài, nhưng rồi thình lình chết đến, cướp đi tất cả. Hãy nhìn lại mà xem bao quốc vương quyền uy tột bực, bao triều đại tài lực thênh thanh, phải chịu cảnh mưu đồ, thảm cảnh, lật đổ, chiến tranh, cùng biết bao khổ đau khác kéo về.

Thấy có người cầm ngọc quí trong tay như cầm đá sỏi tầm thường, chơi một lúc rồi vất đi, chẳng xót lắm sao? Nhưng vẫn chưa xót bằng thấy có người đủ cơ hội hành trì theo chánh pháp mà lại phí bỏ đời mình vì lầm lẫn đeo đuổi những mục tiêu bất xứng. Dùng thân người quí giá này cho bất cứ việc gì khác hơn là mục tiêu chân thật, có khác gì dùng chậu vàng ròng để mà hứng phân.

Đừng lãng phí, đừng dùng sai cơ hội quí giá này Đừng phí thì giờ để mà tích lũy những thứ không cần thiết. Tốt hơn hãy nên dành thời gian để gầy dựng kho công đức cho pháp hành.

Cho dù chỉ tụng một vài chú Mani hay chỉ hành trì trong giây lát cũng đủ giúp quí vị tích lũy thêm dồi dào kho tàng tâm của đấng giác ngộ. Biết rõ không tài sản thế gian nào có thể mang đến lợi ích chân thật dù cho đời này hay đời sau, trì Lục tự chú bằng trọn lòng tinh tấn, trọn tâm hướng về, và trọn niềm hỉ lạc.

— NGỦ

71. Ngủ để làm gì? Càng thêm trì trệ.
Nhìn xem đời sống trôi trong dật dờ.
Nay thà bắt đầu hết lòng nỗ lực,
ngày cũng như đêm, đá bỏ tán tâm, trì Lục tự chú.

Tính đến năm 70 tuổi, quí vị đã ngủ tất cả là 70 lần 365 đêm, hơn 20 năm nằm ngủ như xác chết. Giấc ngủ phàm phu không những không lợi ích cho pháp tu mà còn tăng bồi thêm nghiệp khí vô minh, đủ sức đẩy quí vị đọa rơi vào ác đạo luân hồi. Vì vậy quan trọng nhất là phải từ bỏ biếng lười, dồn hết nỗ lực về nơi pháp hành.

Và thêm một điều cũng rất quan trọng, đó là phải biết dùng những phương pháp chuyển giấc ngủ thế gian thành pháp hành để tiến xa hơn trên đường tu. Ban đêm trước khi ngủ, hãy nhớ lại việc đã làm trong ngày. Sám hối việc bất thiện, hạ quyết tâm không tái phạm. Nhớ việc thiện đã làm, hồi hướng công đức tích lũy trong ngày về cho chúng sinh sớm thoát sinh tử. Rồi nằm theo “thế sư tử,” nghiêng phía bên phải, bàn tay phải đặt dưới má phải, cánh tay trái đặt xuôi bên mình ở phía trái; đây là tư thế Phật nằm khi nhập niết bàn.

Tiếp theo, quán tưởng đức Quan Thế Âm to cỡ bằng ngón tay cái, ngồi trên đài sen đỏ bốn cánh nơi tim. Ánh sáng từ thân ngài tỏa ra, rót đầy thân thể quí vị, đầy ắp căn phòng, từ từ đầy khắp vũ trụ, làm cho tất cả tan thành ánh sáng rực rỡ. Nhiếp tâm vào đó để đi vào giấc ngủ.

Nếu dùng giấc ngủ để tu thì công phu ngày và đêm sẽ liên tục hòa vào trong nhau. Tương tự như vậy, nếu chuyển hết mọi sinh hoạt trong ngày thành pháp tu thì thời gian xuất thiền và tọa thiền sẽ hòa vào nhau một cách liên tục; việc này hỗ trợ cho việc kia, quí vị sẽ tiến bộ nhanh chóng. Hãy nỗ lực ngày cũng như đêm, trì Lục tự chú.

– Phải Gấp Tu Ngay

72. Không rảnh! không rảnh để mà ngủ nghỉ!
Thình lình chết đến biết phải làm sao?
Nay thà tức khắc diệu pháp khởi tu,
gấp lên, mau lên, trì Lục tự chú.

Quí vị có thể biết chắc rằng cái chết sẽ đến, nhưng không thể biết lúc nào, ở đâu, và làm sao. Có thể là ngay trong ngày hôm nay. Quyền lực, hùng binh không làm cho cái chết nao núng; sắc đẹp rực rỡ cũng không khiến cái chết động tâm; chẳng thể dùng tiền tài để mua chuộc cám dỗ, cũng không lấy gì đẩy lui được, dù chỉ phút giây. Khi giờ chết điểm, điều duy nhất có thể giúp quí vị đó là bất kỳ công phu nào đã tu. Hãy luôn nhớ cái chết. Như chư đạo sư dòng Kadampa dạy, “chính nhờ luôn nhớ đến cái chết, nên trước tiên tâm về với Pháp,  tiếp theo thúc đẩy nỗ lực tu, rốt lại chứng biết chết là Pháp thân.” Tuy vậy, lúc mạng chung không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu tu. Ngay bây giờ mới phải lúc, khi tâm không vướng âu lo, khi thân không vướng tật bệnh. Bắt đầu tu ngay, dù chết đến thình lình quí vị cũng đã sẵn sàng, không tiếc, không sợ.

Đừng bao giờ quên đời sống này qua nhanh như tia chớp mùa hạ, như một cái vẫy tay. Nay đủ thiện duyên để tu thì dù chỉ một phút một giây cũng đừng lãng phí cho bất cứ điều gì khác, dốc hết công sức và nỗ lực, trì Lục tự chú.

73. Nói gì đến chuyện năm, tháng, hay ngày,
nhìn việc trước mắt thay đổi liền tay,
cái chết thêm gần, mỗi phút, mỗi giây,
phải ngay bây giờ, trì Lục tự chú.

Không có việc gì đứng yên bao giờ. Mỗi lúc mỗi thay đổi. Mùa xuân hạt nảy mầm; mùa hè mầm ra lá, trổ nụ và đơm hoa; mùa thu trĩu hạt chín vàng; mùa đông đất lại chuẩn bị đón hoa mầu năm tới. Mặt trăng tròn rồi khuyến trong cùng một tháng; mặt trời mọc rồi lặn trong cùng một ngày, mọi sự không ngừng biến chuyển thay đổi.

Buổi trưa cả ngàn người múa hát trên bãi chợ phiên. Buổi tối nhìn lại hoang vu không người. Trong thời gian đó, mỗi người đều đã vuột mất vài giờ, đến gần hơn với cái chết.

Mọi sự trên đời đều luôn chuyển động theo hành trình bất biến dẫn đến sự hủy diệt sau cùng. Mạng sống của quí vị cũng vậy, như ngọn đèn bơ đang cháy, rồi sẽ cạn. Chẳng phải quá điên rồ hay sao, khi nghĩ rằng cứ lo làm cho xong việc trước rồi dành thời gian cuối đời để tu. Lấy gì biết chắc rằng mình sẽ sống lâu như vậy? Chẳng phải cái chết không chừa một ai, dù trẻ hay già hay sao? Bất kể đang làm gì, hãy nhớ đến cái chết để giữ tâm chuyên chú nơi chánh pháp. Cứ như vậy, trì Lục tự chú.

74. Mạng sống cạn dần như mặt trời lặn;
cái chết đến như bóng đổ chiều tà;
còn lại chút gì vội bóng chiều tan:
không còn thời gian! trì Lục tự chú.

Từ lúc chào đời đã phải lãnh án chết. Không danh y nào có thể ngăn chận được điều này, dù tài giỏi đến đâu chăng nữa. Cái chết lạnh lùng tiến đến cạnh bên, như rặng núi Tây đổ bóng lúc chiều tà, nuốt chửng cảnh vật vào trong bóng tối. Đức Phật diễn tả, kẻ thần tốc tóm được cả bốn mũi tên do bốn tay xạ thủ dũng mãnh cùng lúc bắn ra từ bốn phía, thế nhưng cái chết khi đến lại còn nhanh hơn thế nữa.

Có lần đức Phật gặp bốn người lực lưỡng đang loay hoay vần một khối đá to khổng lồ. Phật chỉ cần một chân đưa nhẹ, hất khối đá lên cao khiến vỡ tan thành từng mảnh. Quá kinh ngạc, mấy người đàn ông hỏi, “ngài làm thế nào có được thần lực dũng mãnh đến thế,” đức Phật trả lời, “đó là nhờ tích lũy công đức.” Họ lại hỏi, “có ai mạnh hơn thế được chăng?” “Có chứ,” đức Phật trả lời, “có cái chết mạnh hơn như vậy. Vì cái chết mà tôi sẽ phải lìa cả thân này với đủ mọi tướng hảo chánh phụ.” Đức Phật dạy rằng nhớ chết và vô thường là động lực lớn nhất thúc đẩy chúng ta tu.

– Hàng Phục Tâm

75. Dù Lục tự chú có là diệu Pháp,
tán tâm nói nhìn, tụng cũng như không.
Lại ham đếm số, càng mất trọng điểm.
Hãy chuyên quán tâm, trì Lục tự chú.

Lục tự chú tuy đủ khả năng hóa giải mọi phiền não và mang đến lợi ích không thể nghĩ bàn, thế nhưng nếu tụng chú mà không chú tâm đúng mức thì sẽ không có hiệu quả. Nếu cứ xao lãng khi tụng, duyên theo cảm xúc của thân, theo sắc trần bên ngoài, theo chuyện phiếm với người xung quanh, hay theo ý tưởng lan man trong đầu, thì năng lực của minh chú sẽ như khối vàng đóng bụi, không thể nhìn ra. Dù lần tràng hạt quanh đầu ngón tay với vận tốc siêu nhanh, công phu rỗng không như vậy liệu có ích gì? Trọng điểm không nằm ở chỗ phải bằng mọi giá đạt túc số thật cao, mà phải có được hiểu biết sâu hơn về pháp hành và về mục tiêu cứu cánh.

Để có thể gặt hái thành quả tối đa của công phu trì chú, điều quan trọng là giữ thân theo đúng tư thế, không cựa quậy bồn chồn; giữ khẩu theo câu chú, không nói gì khác; và giữ ý với nội dung quán tưởng, không xao lãng vì bận nhớ nghĩ đến quá khứ hay toan tính cho tương lai.

Hãy phát nguyện làm theo như đức Milarepa tôn quí, bỏ hết phía sau mọi chộn rộn và xao lãng vô ích của đời sống thế gian, quét hết trong tâm mọi biếng lười và phiền não, cống hiến trọn thân mình cho pháp hành. Nếu quí vị tu được như vậy, nhất định dòng tâm thức của quí vị sẽ được hết thảy Phật đà bồ tát hộ niệm gia trì.

76. Nếu biết thường xuyên liên tục xét tâm
thì mọi việc làm đều thành diệu pháp
Trong vạn lời dạy, cốt tủy là đây
Qui về làm một, trì Lục tự chú.

Toàn bộ tinh túy của giáo pháp Phật dạy là để hàng phục tâm. Hàng phục được tâm thì làm chủ được thân và khẩu, và chỉ như vậy thì khổ đau của mình và người mới có thể chấm dứt. Còn nếu để trong tâm ứ tràn phiền não thì dù việc làm và lời nói biểu hiện tốt thế nào, quí vị cũng vẫn đã lìa xa chánh đạo.

Muốn hàng phục được tâm thì phải ráo riết canh chừng mọi ý nghĩ và hành động của mình. Cần xét tâm luôn luôn. Niệm bất thiện vừa dấy lên, lập tức áp dụng biện pháp đối trị tương ứng. Niệm thiện vừa nổi lên, lập tức tăng bồi bằng cách hồi hướng công đức về cho chúng sinh thành tựu vô thượng bồ đề. Giữ chánh niệm liên tục trong chỉ quán, rồi sẽ có lúc quí vị đủ khả năng duy trì tánh biết của trí giác ngay giữa mọi bận rộn tán loạn cõi thế gian. Chánh niệm là cơ bản, là thuốc chữa lành mọi nhiễm tâm sinh tử.

Pháp hành phải giúp quí vị đạt đến khả năng duy trì tánh biết một cách liên tục, dù tọa thiền hay xuất thiền. Đây là điểm tinh túy của tất cả mọi lời khai thị. Thiếu mất điểm này thì dù tụng chú và cầu nguyện bao nhiêu lần, dù lễ lạy và đi nhiễu cả trăm ngàn lần, hễ tâm còn xao lãng thì tất cả những việc làm này đều không thể giúp quí vị quét bỏ phiền não che chướng.  Không quên điểm tối quan trọng này, trì Lục tự chú.

image_pdfimage_print