Đức Đalai Lama: LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT

Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopkins. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.

LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT
Để Sống Xứng Đáng Hơn

Người nào cũng chết, 
nhưng không có người chết
—Tục ngữ Tây Tạng
”MỤC


bản thâu nháp giọng Hồng Như đọc, 
nghe bản giọng đọc nhân tạo hoàn chỉnh hơn: https://youtu.be/TWtUGTWMOU0

CHƯƠNG 1.   NHỚ CÁI CHẾT

Như người dệt vải 
Vải dệt vừa xong
Sợi đã dùng hết,
Đời người cũng vậy.
—Lời Phật

Quan trọng nhất là phải nhớ đến cái chết. Phải luôn thấy rằng mình sẽ không ở lại lâu trong kiếp này. Không nhớ đến cái chết sẽ không thể tận dụng kiếp người đặc biệt quý giá mà mình đang có đây. Điều này thật sự rất quan trọng, là vì dựa vào đó, mọi thành tựu quan trọng nhất đều có thể đạt được. Chiêm nghiệm về cái chết không phải để sợ mà để biết trân quý kiếp sống này, nhờ vào đó chúng ta có được cơ hội thực hiện nhiều pháp tu trọng yếu. Thay vì sợ hãi, hãy nghĩ rằng chết là mất hết cơ hội hành trì quý giá này. Quán chiếu về cái chết sẽ giúp quý vị hăng hái tu tập hơn.

Quý vị cần chấp nhận chết là điều tự nhiên trong cuộc sống. Như đức Phật từng nói,

“Dù ở trên trời hay là dưới biển
Hay là cho dù đứng giữa núi cao
Không có nơi nào
Chết không đến viếng”

Nếu biết chấp nhận chết là một phần của sự sống thì khi cái chết thật sự đến, quý vị sẽ đối mặt dễ dàng hơn.

Còn nếu trong thâm tâm tuy biết mình sẽ chết nhưng lại cố tình tránh né không muốn nghĩ đến, thái độ này thật thiếu thực tế, hoàn toàn phản tác dụng. Cũng như tuổi già, không chấp nhận đây là một phần của đời sống, ngược lại cứ chối bỏ tránh né không muốn nghĩ đến, làm vậy chỉ khiến mình thiếu sự chuẩn bị, đến khi tuổi già thật sự ập đến không thể tránh, quý vị sẽ thấy vô cùng vất vả khó khăn.

Nhiều người đã già mà vẫn làm như mình hãy còn trẻ. Thỉnh thoảng, khi tôi gặp lại những người bạn lâu năm, ví dụ như quý thượng nghị sĩ ở những quốc gia như Hoa Kỳ, tôi gọi họ là “bạn già,” có nghĩa là chúng tôi quen nhau đã lâu chứ không phải muốn nói đến tuổi tác già hay trẻ. Nhưng khi nghe tôi nói như vậy, một số người đáp trả như sau, “Chúng ta đâu có già! Chúng ta là những người bạn lâu năm.” Nói cho ngay, họ thật sự đã già, tai đã có lông,  đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng họ vẫn thấy không thoải mái với tuổi tác của mình. Thật là thiếu sáng suốt.

Tôi thường nghĩ đời người dài lắm là một trăm năm, so với tuổi thọ của hành tinh này thật quá ngắn ngủi. Với một cuộc sống ngắn ngủi như vậy, chúng ta cần phải sống sao để đừng gây khổ đau cho người khác. Phải có sự quyết tâm không phá hoại, ít ra là không gây hại, tạo rắc rối cho ai. Làm được như vậy thì khoảng thời gian ngắn ngủi ghé thăm hành tinh này sẽ có ý nghĩa. Chỉ là khách qua đường, dừng chân ít lâu mà gây ra đủ chuyện rắc rối, chẳng phải là ngốc lắm sao. Làm khách qua đường, mang niềm vui đến cho mọi người trong thời gian ngắn ngủi ghé chân, vậy mới là khôn. Đến khi dời gót sang chỗ khác, quý vị sẽ cảm thấy vui vẻ. Còn nếu gây ra đủ mọi vấn đề rắc rối thì dù bản thân không gặp khó khăn gì trong khoảng thời gian ghé chân, quý vị vẫn sẽ băn khoăn không biết mình đến đây là để làm gì.

Trong thời gian một trăm năm làm người, phần đầu làm con nít, phần sau làm người già, đa phần chỉ sống như loài súc sanh, hết ăn lại ngủ. Ở giữa họa may có được 6-7 chục năm có thể dùng làm việc có ý nghĩa. Như đức Phật từng nói:

“Mất nửa đời cho giấc ngủ, 10 năm cho tuổi thơ, 20 năm cho tuổi già. Thời gian 20 năm còn lại, mất hết bao nhiêu cho nỗi muộn phiền, than van, khủng hoảng, lại mất thêm bao nhiêu cho trăm thứ tật bệnh tàn phá xác thân.”

Muốn sống cho có ý nghĩa thì phải chấp nhận tuổi già và cái chết là một phần của đời sống. Nếu thấy mình không thể nào chết, cảm nhận này sẽ chỉ khiến cho lòng càng thêm tham lam, gây thêm nhiều vấn đề, thậm chí cố tình gây hại cho người khác. Nhìn lại những người có địa vị cao như vua chúa vân vân, họ thường xây bao nhiêu  lầu thành to lớn nguy nga, đủ thấy trong thâm tâm họ luôn nghĩ rằng họ sẽ sống đời. Tự dối mình như vậy sẽ gây đớn đau rắc rối đến cho nhiều người khác.

Cho dù không tin có kiếp sau, chiêm nghiệm về cái chết vẫn rất hữu ích và khoa học. Là vì dù là con người hay tâm thức, hết thảy các pháp sinh diệt đều do nhân duyên kết hợp mà có, luôn biến chuyển thay đổi trong từng sát na và, vì vậy, luôn có khả năng biến chuyển theo chiều hướng tốt. Nếu sự vật không thay đổi thì khổ đau sẽ vĩnh viễn. Nhưng một khi biết được rằng sự vật vẫn luôn biến chuyển thay đổi thì dù có gặp cảnh ngộ ngặt nghèo, quý vị vẫn sẽ thấy yên tâm vì biết cảnh hiện tại sẽ không kéo dài vĩnh viễn, không việc gì phải quá bận tâm.

Đến cả việc tốt cũng không trường tồn, nên không việc gì phải luyến chấp cảnh thuận tiện. Khái niệm thường còn là vấn đề lớn. Dù tin có kiếp sau, quý vị vẫn sẽ dồn hết tâm sức vào kiếp sống hiện tại trước mắt, không còn chỗ để lo cho đời sau, cứ thế vuột mất cơ hội lớn trong đời. Quý vị sẽ không thể tận dụng thân người hiện tại với đầy đủ mọi ung dung sung mãn để có thể tiến nhanh vượt bực trong pháp hành. Vì vậy, nhớ vô thường là điều rất hữu ích.

Muốn ý thức về vô thường phải có kỷ luật, biết tự chế ngự tâm của chính mình. Nhưng điều này không có nghĩa là trừng phạt hay đàn áp từ bên ngoài. Kỷ luật không có nghĩa là cấm đoán, chỉ là khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích nhất thời và lợi ích lâu dài, quý vị đủ nghị lực để hy sinh việc trước mắt, lo cho việc lâu dài về sau. Khả năng tự chế này đến từ ý thức về nhân quả trong hành động. Lấy ví dụ, tự giác tránh ăn chua uống lạnh để hỗ trợ cho đường tiêu hóa sau khi bệnh. Vừa mới bệnh xong, nên mặc dù rất thích ăn chua uống lạnh, tôi vẫn tránh. Tự kềm chế như vậy là để tự bảo vệ cho chính mình. Để có thể chiêm nghiệm về cái chết, ta cần phải biết tự kềm chế, tự bảo vệ, không phải là trừng phạt hay đàn áp bản thân.

Con người có khả năng làm điều tốt, nhưng khả năng này chỉ có thể phát huy trong tự do, thoải mái. Độc tài sẽ làm cho tâm bị nghẽn. Thêm vào đó, nói “tự mình,” điều này có nghĩa là không trông cậy vào ngoại cảnh, cũng không chờ đợi mệnh lệnh từ người khác, mà luôn nắm phần chủ động. Vì vậy, Phật thường nhắc đến “giải thoát cá nhân,” có nghĩa là tự giải thoát chứ không trông cậy vào một đoàn thể nào. Cá nhân mỗi người tự tạo lấy cho mình một tương lai tốt đẹp. Tự do và tự chủ như vậy đòi hỏi sự tự chế. Nếu lạm dụng tự do và tự chủ để phóng túng buông lung theo nhiễm tâm, hậu quả sẽ tai hại khôn lường. Vì vậy, tự do phải luôn đi kèm với tự chế.

Mở Rộng Tầm Nhìn

Theo quan điểm Phật giáo, mục tiêu cao nhất là thành Phật để độ giúp chúng sinh. Nhưng trước đó có thành tựu bậc trung là thoát vòng khổ não sinh lão bệnh tử, và thành tựu bậc thấp hơn, nhưng vẫn là một thành tựu đáng kể, là đạt được kiếp tái sinh tốt lành. Sau mỗi lần tái sinh đều tiến bộ, nhờ vậy sẽ có lúc đạt được quả giải thoát, rồi dựa vào đó sẽ có lúc thành Phật. Trước tiên, quý vị nới rộng tầm nhìn đến những kiếp tái sinh về sau. Rồi nhờ hiểu được cảnh khổ của mình ở đây, quý vị mở rộng thêm tầm nhìn đến cảnh khổ triền miên không dứt trong sinh tử luân hồi. Cuối cùng, quý vị nới rộng tầm nhìn đến cảnh khổ của người khác, khởi tâm nguyện từ bi, cầu cho khắp chúng sinh thoát mọi khổ đau cùng mọi nguyên nhân tạo khổ. Tâm từ bi này sẽ khiến quý vị khát khao hướng về quả vị Phật.

Phải biết quan tâm đến những gì trong đời này tạo ảnh hưởng cho đời sau, rồi mới có thể hiểu thấu được bản chất khổ đau của sinh tử luân hồi. Và phải hiểu thấu được bản chất khổ đau sinh tử luân hồi rồi mới có thể khởi được tâm từ bi. Cũng giống như người Tây tạng chúng tôi, vì muốn giúp quê nhà nên nỗ lực tìm nền  tự trị, nhưng vẫn ra sức gầy dựng đời sống tị nạn tại xứ Ấn. Là vì mục tiêu lớn là nền tự trị có thực hiện được hay không hãy còn tùy vào mục tiêu nhất thời là đời sống tại xứ Ấn này gầy dựng có thành công hay không.

Tai Hại Không Nhớ Chết

Nhớ cái chết là điều rất tốt. Vì sao? Vì không nhớ chết thì sẽ không nhớ pháp hành, lãng phí một đời làm toàn chuyện vô nghĩa, không suy xét xem việc gì sẽ khiến khổ đau, việc gì sẽ tạo hạnh phúc.

Nếu không nhớ rằng cái chết có thể đã đến cạnh bên, quý vị sẽ vướng ảo tưởng trường tồn. “Tôi chưa chết ngay đâu, còn lâu mới chết.” Đợi khi giờ chết điểm, dù gắng làm gì cũng không còn đủ sức. Tây Tạng có nhiều người từ nhỏ đã xuất gia, vào chùa học những kinh sách nói về cách tu, nhưng đến khi thật sự cần tu lại không đủ khả năng. Đó là vì họ không thật sự hiểu về vô thường.

Suy nghĩ về pháp tu, biết nghĩa vô thường, quý vị sẽ cảm thấy thôi thúc muốn bế quan nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để hành trì. Nhưng nếu không liên tục quán về vô thường, sự thôi thúc này sẽ dần vơi cạn. Đó là lý do vì sao nhiều người nhập thất lâu năm vẫn không giữ lại được chút gì cho kiếp sau. Pháp quán vô thường không chỉ là động cơ lúc ban đầu mà phải là xăng dầu nuôi dưỡng pháp tu.

Nếu cảm nhận được sâu xa rằng mình sẽ chết, và có thể chết bất cứ lúc nào, tự nhiên trong tim sẽ cảm thấy thúc bách. Như có một người bạn hiền luôn ở cạnh bên nhắc nhở, “Cẩn thận nhé, nhanh lên nào, lại một ngày nữa vừa trôi qua!”

Quý vị thậm chí có thể rời nhà, vào chùa xuất gia. Trong trường hợp này, quý vị sẽ có tên mới, áo mới.  Bớt chộn rộn, đổi tác phong, hướng tâm về những mục tiêu cao cả hơn. Nếu xuất gia mà vẫn tiếp tục bận rộn theo đuổi việc đời trước mắt—muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, hí luận thỏa chí, nhiều bạn, nhiều người quen, và cũng lắm kẻ thù, những người khiến quý vị phật lòng rồi phát sinh cãi vả, tranh chấp—làm vậy có khác gì trước khi tu, lắm lúc còn tệ hơn trước. Quý vị phải nhớ kỹ, rằng ngưng việc tào tạp vì sợ người ngoài dị nghị, làm như vậy là không đủ. Sự thay đổi phải xuất phát từ bên trong. Điều này đúng cho hàng tăng ni và cũng đúng cho cả hàng cư sĩ tu tại gia.

Quý vị có thể cảm thấy bận tâm khi có chút cảm nhận về vô thường, nghĩ rằng, “bây giờ mình chưa chết, vậy sẵn lúc còn kịp phải ăn cho thật ngon, mặc cho thật đẹp, nói cho thật sướng miệng.” Mặc dù về lâu về dài những điều này hoàn toàn không có chút giá trị nào cả, nhưng để thỏa mãn lòng tham, quý vị vẫn làm đủ thứ chuyện vô liêm sĩ: cho vay nặng lãi, xem thường bạn bè, đấu đá kiện tụng, chỉ để có được nhiều thêm những gì vốn đã quá đủ.

Chạy theo cảnh này, quý vị sẽ thích tiền hơn thích tu. Dù có thử tu cũng sẽ không mấy quan tâm. Thấy tờ kinh rơi xuống, quý vị tần ngần không muốn nhặt, nhưng nếu là tiền rơi, nhất định sẽ nhặt ngay. Gặp người thật sự cống hiến đời mình cho mục tiêu cao cả, quý vị có thể thấy ngưỡng mộ, rồi thôi. Nhưng nếu thấy có ai khoát tấm áo thanh lịch cao quý, quý vị sẽ thèm thuồng, khát khao, lòng tham sẽ càng lúc càng dâng đầy, cuối cùng quý vị sẽ làm đủ mọi cách để cho mình cũng được giống như vậy.

Một khi tâm đã bám dính vào cảnh phù du thế tục, nhiễm tâm phiền não sẽ tăng, vì đó mà phạm thêm nhiều việc ác. Trạng thái tiêu cực này chỉ mang rắc rối đến cho quý vị, khiến quý vị và người xung quanh mất hết bình yên. Dù có bỏ ra chút ít thời gian để học về đường tu giác ngộ, quý vị vẫn sẽ tích lũy càng lúc càng nhiều của cải, dây dưa với càng lúc càng nhiều người, đến mức có thể nói rằng công phu tu tập của quý vị là vun đắp chuyện tào tạp trong đời, mục đích hành thiền của quý vị là để huân dưỡng lòng tham luyến người thân, oán ghét kẻ thù, mọi nỗ lực của quý vị chỉ là để phát huy tối đa nhiễm tâm phiền não. Đến nước này, dù có được nghe về pháp hành chân chính, quý vị vẫn sẽ thấy rằng, “Ừ thì biết vậy, nhưng mà…,” hết “nhưng mà” này đến “nhưng mà” kia. Quý vị không những đã quá quen với nhiễm tâm phiền não từ vô thủy, bây giờ lại còn nỗ lực chuyên cần với chuyện tào tạp khiến đã tệ lại càng tệ hơn. Hoàn toàn quay lưng với những gì thật sự có ích.

Để cho tham dục dắt đi như vậy, quý vị sẽ không bao giờ tìm được bình an. Không làm người khác vui, và chắc chắn cũng không tìm được niềm vui cho chính mình. Càng lúc càng bị trói chặt trong cái tôi, “cái này của tôi, cái kia của tôi,” “thân thể của tôi,” “tài sản của tôi…” ai chạm vào là nổi nóng ngay. Nhưng quý vị dù xem trọng “bạn của tôi,” “người thân của tôi” đến đâu chăng nữa, họ vẫn không thể giúp được gì cho quý vị trên bước đường sinh tử. Quý vị vẫn phải một mình vào đời, một mình lìa đời. Ngày lìa đời, nếu thân nhân bằng hữu có thể cùng đi theo thì tham luyến nơi họ hãy còn có chút ý nghĩa, nhưng đâu thể nào. Tái sinh vào cõi xa lạ, nếu thân nhân bằng hữu đời trước có thể giúp ích được gì, thì hãy còn xét lại, nhưng nào có ai đâu. Vậy mà ở giữa hai đầu sinh tử, trong thời gian vài chục năm, tôi lại bám vào họ, gọi họ là “bạn tôi,” “chị tôi,” “anh tôi,” “em tôi.” Khái niệm sai lầm này thật sự không giúp được gì, chỉ tạo thêm nhiều hoang mang, tham luyến, hận thù.

Khái niệm “bạn” một khi đã bị phóng đại thì nhất định khái niệm “thù” cũng bị phóng đại tương tự. Khi chào đời, quý vị không quen biết một ai, cũng không một ai quen biết quý vị. Mặc dù mọi người đều cầu vui lánh khổ như nhau, nhưng ai nhìn mặt thấy thích thì quý vị gọi là bạn, thấy ghét thì quý vị gọi là thù. Cứ thế mà dán nhãn hiệu với danh xưng lên người khác, rốt lại chỉ luyện cho tâm càng thêm tham luyến người thân, oán ghét kẻ thù. Để được những gì? Không được gì cả. Quý vị đổ hết công sức vào những lo toan hời hợt, không đi xa hơn bề mặt phù phiếm của chuyện đời này, bỏ hết những điều thật sự thâm sâu chỉ để chạy theo việc tào tạp.

Khi tu được lại không tu, để đến lúc mạng chung, thân nhân bằng hữu vây quanh khóc than, níu kéo, không có lấy được một ai ở cạnh bên nhắc nhở thiện pháp cho mình nhớ, thật quá khốn đốn, toàn là tự mình gieo họa cho chính mình. Sai ở đâu? Ở chỗ đã không nhớ đến vô thường.

Lợi Ích Nhớ Vô Thường

Tốt hơn hết là đừng đợi đến cuối con đường mới biết ra là mình rồi cũng sẽ chết, ngay từ đầu hãy nhìn nhận thực tại này, để xét xem đâu mới là điều thật sự đáng làm. Nhớ đời này chóng vánh ra sao, quý vị sẽ trân quý thời gian còn lại của mình, chỉ dành cho những việc đáng giá. Biết cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, quý vị sẽ nghe lòng thôi thúc muốn tu, muốn sửa tâm, không lãng phí thời gian với những chuyện vụn vặt như là ăn, uống, bàn luận không ngưng về chiến tranh, tình yêu, hay chuyện phiếm.

Chúng ta ai cũng cầu vui lánh khổ. Chúng ta dùng đủ cách để dẹp bỏ khổ đau, từ dạng thô sơ nhất đến tinh vi nhất, nhưng phần lớn chỉ có loài người mới biết cách nỗ lực lúc ban đầu để tránh khổ về sau. Người có tu hay không tu gì cũng đều muốn giảm thiểu khổ đau trong cuộc sống của mình, nhiều khi còn cố tình chịu đau nhỏ để giảm đau lớn, tìm lấy chút bình yên.

Bất cứ là ai cũng đều cố gắng loại bỏ thứ khổ đau thô lậu, nhưng có một hệ phương pháp khác, nhằm loại bỏ khổ đau ở một mức độ sâu hơn, ít ra là giảm thiểu khổ đau của những kiếp tái sinh về sau, hoặc là, đi xa hơn nữa, loại bỏ tất cả mọi khổ đau cho bản thân của chính mình và cho tất cả chúng sinh. Tu theo chánh pháp là như vậy.

Những phương pháp này chủ yếu giúp ta điều chỉnh thái độ của mình. Nói tu theo chánh pháp có nghĩa là khéo sửa lấy tâm. Nguyên nghĩa tiếng Phạn, pháp (dharma) là “chỗ giữ.” Nhờ theo chánh pháp sửa tâm mà thoát khổ, nên chánh pháp là nơi giữ lại không để ta rơi vào khổ đau ấy. Chánh pháp có khả năng bảo vệ giữ gìn cho quý vị.

Trước nhất, tự hiểu rõ hoàn cảnh của chính mình trong sinh tử, tìm cách giữ chính mình không để rơi vào cảnh khổ. Sau đó mở rộng đến cảnh ngộ của khắp chúng sinh, khởi tâm từ bi, dốc sức giữ chúng sinh không để rơi vào cảnh khổ. Quý vị thấy một mình lo cho vô số người là điều rất tự nhiên, nhưng khi chú tâm lo cho sự an nguy của người khác, bản thân của quý vị cũng sẽ thấy vui hơn. Với lòng từ bi, quý vị sẽ bớt sợ khổ, nghị lực sẽ dồi dào. Lòng từ bi sẽ gia lực cho quý vị làm được hết những việc cần làm, trở thành nguồn khích lệ lớn lao.

Để tôi cho quý vị một ví dụ nhỏ. Gần đây khi ở Bồ Đề Đạo Tràng, tôi bị chứng nhiễm trùng đường ruột mãn tính hành hạ. Trên đường đến bệnh viện, bụng đau kịch liệt khiến tôi toát đẫm cả mồ hôi. Xe hơi đi ngang vùng Đỉnh Linh Thứu (nơi Phật thuyết pháp). Dân làng ở đây nghèo khổ vô cùng. Tiểu bang Bihar nói chung rất nghèo, nhưng riêng vùng này lại càng nghèo hơn gấp bội. Tôi không thấy có đứa trẻ nào đến trường hay tan trường. Chỉ có nghèo và tật bệnh. Tôi nhớ rất rõ có một bé trai bị bại liệt, chân đeo chống sắt đã rỉ sét, nạng sắt chống đến tận nách, rõ ràng là không được ai chăm sóc cho cả. Tôi xúc động vô cùng. Một lát sau lại thấy một ông già gần quán trà, khoát trên người chỉ mỗi mảnh giẻ dơ dáy, té dưới đất chờ chết không một ai đoái hoài.

Vào tới bệnh viện rồi, tâm trí tôi vẫn miên man nhớ đến cảnh vừa thấy, cảm thấy thật buồn. Ở đây tôi có người lo cho, nhưng những người nghèo khổ kia không ai chăm sóc. Tâm tôi ở đó với họ, thay vì ở đây với nỗi đau của chính mình. Mặc dù thân thể xuất hạn đầm đìa, tâm trí tôi bận bịu ở chốn khác.

Cứ thế, mặc dù thân thể đau đớn rất nhiều (ruột bị lủng một lỗ), làm tôi không ngủ được, nhưng tâm tôi thì lại không thấy sợ hãi hay khó chịu gì cả. Sự việc chắc chắn tệ hơn nếu tôi chỉ nghĩ đến vấn đề của chính mình. Kinh nghiệm nhỏ này là một ví dụ cho thấy lòng từ bi sẽ giúp chính bản thân mình bớt đau thể xác, bớt khổ tinh thần, cho dù người khác có thật sự được giúp hay không.

Từ bi sẽ giúp cho quý vị có được tầm nhìn rộng lớn mạnh mẽ. Với dũng lực này, quý vị sẽ thấy thoải mái hơn. Một khi đã quen nhìn vào khổ đau của vô lượng chúng sinh, có là gì đâu, khổ đau của chính mình.

[Hết Chương 1] 

MỤC LỤC

image_pdfimage_print