Trưởng Lão HT Thích Trí Quang

KINH KIM CƯƠNG – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

phần tụng niệm

Kinh
Kim cương bát nhã ba la mật

Dịch giải: Tỷ kheo Trí Quang
2531 – 1987

Duyệt xong,
Mười bảy tháng năm, 2537 – 1993
Trí quang


Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

23.10.2531
Trí quang


Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.

Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.

Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.

Kinh Kim cương bát nhã ba la mật

(1)
(1-8) Tôi nghe như vầy :
Một thời Thế tôn
ở nước Xá vệ,
trong khu lâm viên
Chiến thắng Thiện thí,
cùng với một ngàn
hai trăm năm chục
vị đại tỷ kheo.

(2)
(9-22) Vào lúc bấy giờ
gần đến giờ ăn,
nên đức Thế tôn
sửa y, cầm bát,
đi vào khất thực
trong thành Xá vệ.
Tuần tự khất thực
trong thành này rồi,
Ngài về chỗ ở
ăn uống xong xuôi,
thu dọn y bát,
rửa sạch hai chân
và trải đồ lót
lót chỗ mà ngồi.

(3)
(23-48) Lúc ấy Thiện hiện,
một vị trưởng lão,
cũng có ở trong
các đại tỷ kheo.
Từ chỗ mình ngồi,
trưởng lão đứng dậy,
vắt một vạt y,
để trần vai phải,
đầu gối bên phải
quì xuống chấm đất,
hai tay chắp lại
cung kính mà thưa :
kính bạch Thế tôn,
Ngài thật hiếm có ;
Ngài khéo nâng đỡ
cho các Bồ tát,
lại khéo giao phó
cho các Bồ tát.
Kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
Và phải làm sao
để sửa tâm mình ?

(4)
(49-70) Ðức Thế tôn dạy :
tốt lắm Thiện hiện ;
thật đúng như lời
trưởng lão đã nói,
Như lai rất khéo
nâng đỡ Bồ tát,
Như lai rất khéo
giao phó Bồ tát.
Do vậy, trưởng lão,
hãy nghe cho kỹ,
Như lai sẽ nói
cho các vị biết
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề
thì bằng cách nào
trú ở tâm ấy,
và bằng cách nào
sửa chữa tâm mình.
Trưởng lão thưa rằng,
dạ, bạch Thế tôn,
chúng con ước muốn
được nghe Ngài dạy.

(5)
(71-102) Trưởng lão Thiện hiện
Bồ tát thì phải
sửa chữa tâm mình
bằng tuệ giác này :
Bao nhiêu chúng sinh
hoặc sinh bằng trứng,
hoặc sinh bằng thai,
sinh bằng ẩm thấp,
sinh bằng biến hóa,
hoặc có hình sắc
hoặc không hình sắc,
hoặc có tư tưởng,
hoặc không tư tưởng,
có không tư tưởng,
ta làm hết thảy
đều được nhập vào
niết bàn hoàn toàn
mà giải thoát cả.
Làm cho vô lượng
vô số chúng sinh
niết bàn như vậy,
mà thật không thấy
có chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Tại sao như vậy ?
trưởng lão Thiện hiện,
vì nếu Bồ tát
mà vẫn còn có
ý tưởng ngã, nhân,
chúng sinh, thọ giả
thì Bồ tát ấy
không phải Bồ tát.

(6)
(103-144) Trưởng lão Thiện hiện
đối với các pháp,
Bồ tát không nên
trú ở đâu cả
mà làm bố thí :
không ở nơi sắc
mà làm bố thí,
không ở nơi thanh
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát hãy nên
bố thí như thế :
không ở đâu cả.
Tại sao như vậy,
vì nếu Bồ tát
không ở đâu cả
mà làm bố thí
thì được phước đức
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
không gian hướng đông
có lường được không ?
Không, bạch Thế tôn.
Trưởng lão Thiện hiện,
không gian hướng nam,
hướng tây hướng bắc,
và cả bốn góc,
cả trên cả dưới,
có lường được không ?
Càng không, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát bố thí
mà không ở đâu
thì được phước đức
cũng y như thế
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát chỉ nên
trú ở theo lời
Như lai dạy đây.

(7)
(145-164) Trưởng lão Thiện hiện
ông nghĩ thế nào,
đối với Như lai,
có thể hay không
thấy bằng đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không thể thấy Ngài
bằng các đặc tướng ;
tại sao như vậy,
vì theo Ngài dạy
thì các đặc tướng
là phi đặc tướng.
Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
hễ có đặc tướng
thì đặc tướng ấy
toàn là giả dối,
nếu thấy đặc tướng
là phi đặc tướng
thì thấy Như lai.

(8)
(165-234) Trưởng lão Thiện hiện ;
bạch đức Thế tôn,
có thể có ai
nghe pháp thoại này
mà sinh đức tin
đúng chân lý không ?
Ðức Thế tôn dạy,
đừng hỏi như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
sau khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
năm trăm năm sau,
có ai giữ giới,
làm phước, tu tuệ,
thì với pháp thoại
như thế này đây,
có thể tin tưởng
đúng với chân lý.
Trưởng lão phải biết
những người như vậy
không chỉ gieo trồng
gốc rễ điều lành
nơi một đức Phật,
nơi hai đức Phật,
nơi ba bốn năm
đức Phật mà thôi,
mà đã gieo trồng
gốc rễ điều lành
ở nơi vô số
ngàn vạn đức Phật.
Những người như vậy
mà được nghe đến
pháp thoại thế này
thì dầu đến nỗi
chỉ một ý niệm
tin tưởng trong sáng,
Như lai cũng vẫn
biết và thấy rõ
họ thực hiện được
vô lượng phước đức.
Tại sao như vậy,
vì những người này
không còn có nữa
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
không còn có nữa
ý tưởng về pháp
và về phi pháp.
Nếu những người này
còn có ý tưởng
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
còn ý tưởng pháp
là còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
còn tưởng phi pháp
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Vì lý do ấy,
đừng nắm lấy pháp,
lại càng đừng nên
nắm lấy phi pháp.
Do ý nghĩa này
Như lai thường nói,
các vị Tỷ kheo
hãy nhận thức rằng
pháp Như lai nói
tựa như chiếc bè :
pháp còn phải bỏ,
huống chi phi pháp ?

(9)
(235-262) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Như lai
được vô thượng giác ?
phải chăng Như lai
có sự thuyết pháp ?
Trưởng lão thưa rằng
kính bạch Thế tôn,
theo con hiểu biết
ý của Ngài nói,
thì không thể có
một pháp khẳng định
để được mệnh danh
là vô thượng giác,
cũng không thể có
một pháp khẳng định
để được gọi là
Thế tôn thuyết pháp.
Tại sao như vậy,
vì Pháp Ngài nói
không thể nắm lấy
không thể diễn tả,
không phải là pháp
không phải phi pháp
lý do là vì
hết thảy hiền thánh
toàn do Vô vi
biểu hiện khác biệt.

(10)
(263-300) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có ai đem cho
đủ hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
đại thiên thế giới,
thì người cho ấy
được phước nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
vì phước đức ấy
Ngài đã nói là
tính phi phước đức,
thế nên Ngài nói
phước đức rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nhưng nếu có ai
từ pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu là chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người ấy
vẫn hơn người trước.
Tại sao như vậy,
vì lẽ, trưởng lão,
hết thảy Phật đà
cùng với Phật pháp
– Pháp vô thượng giác
của các Phật đà –
toàn là xuất ra
từ pháp thoại này.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là Phật pháp
thì Như lai nói
là phi Phật pháp,
thế nên Như lai
nói là Phật pháp.

(11)
(301-392) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tu đà hoàn
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tu đà hoàn chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tu đà hoàn
là Vào dòng nước,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
nhập vào đâu cả :
không nhập sắc thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
nên được mệnh danh
là Tu đà hoàn.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tư đà hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tư đà hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tư đà hàm
là Một trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
một lần trở lại,
nên được mệnh danh
là Tư đà hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A na hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A na hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì A na hàm
là Không trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
không còn trở lại,
nên được mệnh danh
là A na hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A la hán
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A la hán chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì lẽ thật ra
không có cái gì
là A la hán,
nên được mệnh danh
là A la hán.
Kính bạch Thế tôn,
nếu vị La hán
nghĩ rằng mình được
đạo quả La hán,
thì như thế là
chấp trước ngã nhân,
chấp trước chúng sinh,
chấp trước thọ giả.
Bạch Ngài, Ngài nói
trong số những người
được định Không cãi,
con là hơn hết,
con là La hán
ly dục bậc nhất ;
nhưng con không có
ý nghĩ mình là
một vị La hán
ly dục bậc nhất.
Nếu con còn nghĩ
mình là La hán,
thì Ngài không nói
Thiện hiện là người
thích thú làm theo
chánh định Không cãi ;
vì con không còn
làm theo gì cả,
nên Ngài nói con
theo định Không cãi.

(12)
(393-402) Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai xưa kia
nơi đức Nhiên đăng,
được pháp gì chăng ?
Không, bạch Thế tôn ;
nơi đức Nhiên đăng,
thực sự Thế tôn
không được pháp gì.

(13)
(403-426) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Bồ tát
trang hoàng cõi Phật ?
Không, bạch Thế tôn ;
lý do là vì
trang hoàng cõi Phật,
sự trang hoàng ấy
Thế tôn đã nói
là phi trang hoàng,
thế nên Ngài nói
đó là trang hoàng.
Do vậy, trưởng lão,
Bồ tát đại sĩ
hãy sinh cái tâm
trong sạch như vầy :
không ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
không ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra ;
hãy đừng ở vào
bất cứ chỗ nào
mà sinh tâm ra.

(14)
(427-438) Trưởng lão Thiện hiện,
ví dụ có người
thân thể cao lớn
như núi Tu di,
ông nghĩ thế nào,
thân ấy lớn không ?
rất lớn, bạch Ngài ;
tại sao, bởi vì
Ngài nói thân lớn
là phi thân lớn,
thế nên Ngài nói
đó là thân lớn.

(15)
(439-506) Trưởng lão Thiện hiện,
giả thiết sông Hằng
có bao nhiêu cát,
thì mỗi hạt cát,
là một sông Hằng,
ông nghĩ thế nào,
số cát tất cả
sông Hằng như vậy
nhiều hay không nhiều ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
số lượng sông Hằng
đã là vô số,
huống chi số cát
những sông Hằng ấy.
Trưởng lão Thiện hiện,
với lời nói thật,
Như lai hôm nay
nói với trưởng lão :
giả sử thiện nam
hay thiện nữ nào
đem hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
thế giới đại thiên
nhiều như số cát
những sông Hằng ấy
mà làm bố thí,
thì phước họ được
là nhiều hay ít ?
Trưởng lão kính thưa,
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ khác
với pháp thoại này,
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người này
hơn phước người trước.
Thêm nữa, trưởng lão,
chỗ nào giảng dạy
pháp thoại như vầy,
dầu chỉ bốn câu,
trưởng lão cũng phải
nhận thức chỗ ấy,
tất cả thế giới
chư thiên nhân loại
và a tu la
đều nên hiến cúng
chùa tháp Như lai.
Huống chi có người
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
giảng nói cho người
trọn pháp thoại này ;
trưởng lão phải biết
người ấy đạt được
cái pháp tối thượng
hiếm có bậc nhất,
và những địa điểm
người ấy giảng dạy
pháp thoại như vầy
là có Như lai
hay có các vị
đệ tử cao trọng.

(16)
(507-532) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
bạch đức Thế tôn,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên gì ?
chúng con cần phải
ghi nhớ thế nào ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên là
Kim cương bát nhã
ba la mật đa,
trưởng lão hãy nhớ
pháp thoại như vầy
qua danh hiệu ấy.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì bát nhã
ba la mật đa
thì Như lai nói
là phi bát nhã
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là bát nhã
ba la mật đa.

(17)
(533-540) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai có sự
thuyết pháp hay không ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn,
Thế tôn không có
thuyết pháp gì cả.

(18)
(541-558) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
thế giới đại thiên
có bao vi trần,
số lượng nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
những vi trần ấy,
Như lai nói chúng
là phi vi trần,
thế nên Như lai
nói là vi trần.
Và bao thế giới,
Như lai cũng nói
những thế giới ấy
là phi thế giới,
thế nên Như lai
nói là thế giới.

(19)
(559-572) Trưởng lão Thiện hiện
trong ý của ông
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng,
thế nên Thế tôn
nói là đặc tướng.

(20)
(573-586) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
đem thân mạng mình
bằng cát sông Hằng
mà bố thí cả,
và có người khác
với pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và đem giảng nói
cho bao người khác,
thì phước người này
quá nhiều hơn nữa.

(21)
(587-662) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện,
nghe pháp thoại này
lĩnh hội sâu xa,
lòng đầy xúc cảm,
rơi lụy mà khóc.
Trưởng lão thưa rằng,
thật quá hiếm có,
kính bạch Thế tôn ;
Ngài đã tuyên thuyết
pháp thoại cực sâu.
Từ khi có được
con mắt tuệ giác
cho đến ngày nay,
con chưa nghe được
pháp thoại như vầy.
Bạch Ngài, có ai
nghe pháp thoại này
tin tưởng trong sáng
và phát sinh được
cái tuệ giác thật,
thì biết người ấy
đạt được công đức
hiếm có bậc nhất.
Kính bạch Thế tôn,
tuệ giác thật ấy
thì Ngài nói là
phi tuệ giác thật,
thế nên Ngài nói
là tuệ giác thật.
Kính bạch Thế tôn,
hôm nay con được
nghe pháp thoại này,
tin tưởng lĩnh hội,
tiếp nhận ghi nhớ,
thì không khó mấy.
Nhưng nếu tương lai,
năm trăm năm sau
người nào nghe được
pháp thoại như vầy,
tin tưởng, lĩnh hội,
tiếp nhận, ghi nhớ,
mới hiếm có nhất.
Tại sao như vậy,
bởi vì người ấy
thì không còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả –
Ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
là phi ý tưởng :
phi mọi ý tưởng
thì thế gọi là
chư Phật như lai.
Ðức Thế tôn dạy
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy :
nếu có người này
được nghe pháp thoại
Bát nhã như vầy
mà không kinh ngạc,
cũng không sợ hãi,
thì biết người ấy
cực kỳ hiếm có.
Tại sao, trưởng lão,
bởi vì Bát nhã
chính là tối thượng
ba la mật đa,
và Như lai nói
cái pháp tối thượng
ba la mật đa
là phi tối thượng
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là tối thượng
ba la mật đa.

(22)
(663-696) Trưởng lão Thiện hiện,
cái pháp nhẫn nhục
ba la mật đa,
Như lai cũng nói
là phi nhẫn nhục
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là nhẫn nhục
ba la mật đa.
Tại sao trưởng lão,
vì như xưa kia,
trong khi Như lai
bị Ca lị vương
cắt thịt khắp nơi
tay chân Như lai,
Như lai không có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Nếu lúc bấy giờ
Như lai còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì phải sinh ra
giận dữ oán hận.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai lại nhớ
trong thì quá khứ,
có năm trăm đời
Như lai đã làm
tiên nhân Nhẫn nhục.
Vào lúc bấy giờ,
Như lai cũng không
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(23)
(697-758) Vì lý do ấy,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì phải
rời mọi ý tưởng
mà phát huy tâm
vô thượng bồ đề ;
đừng ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
đừng ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra.
Hãy sinh cái tâm
không ở đâu cả.
Nếu tâm ở đâu
thì chính như thế
là phi trú ở.
Vì lý do này,
Như lai nói rằng
Bồ tát thì phải
không ở sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì vì
ích lợi chúng sinh
một cách khắp cả
mà hãy bố thí
theo cách như vậy.
Vì Như lai nói
ý tưởng chúng sinh
là phi ý tưởng,
Như lai cũng nói
hết thảy chúng sinh
là phi chúng sinh.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai là người
nói phải, nói chắc,
nói như sự thật,
nói không lừa đảo,
nói không mâu thuẫn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Pháp mà Như lai
đã chứng ngộ được,
cái Pháp như vậy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát nếu tâm
ở nơi mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
vào trong bóng tối,
không còn thấy được
một thứ gì hết ;
Bồ tát nếu tâm
không ở mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
đã có mắt sáng,
lại có ánh sáng
mặt trời soi rõ,
nên thấy đủ cả.

(24)
(759-776) Trưởng lão Thiện hiện,
trong thì vị lai,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác,
thì thế là được
Như lai sử dụng
tuệ giác Như lai
mà biết rất rõ,
và thấy rất rõ,
rằng người như vậy
ai cũng đạt được
vô lượng công đức.

(25)
(777-848) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
buổi sáng đã đem
hằng sa thân mạng
mà bố thí cả,
buổi trưa cũng đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí nữa,
buổi chiều lại đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí luôn,
và sự bố thí
thân mạng như vậy
làm đến trăm ngàn
vạn ức thời kỳ ;
và có người khác
nghe pháp thoại này,
trong lòng tin tưởng
chứ không đối kháng,
thì phước người này
hơn phước người trước,
huống chi có người
sao chép ấn hành
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.
Trưởng lão Thiện hiện,
chính yếu mà nói
thì bài pháp thoại
Bát nhã như vầy
có những công đức
ngoài tầm nghĩ bàn,
ước lượng, đối chiếu,
siêu việt giới hạn ;
Như lai nói cho
những người đi theo
giáo pháp đại thừa,
nói cho những người
đi theo giáo pháp
đại thừa tối thượng.
Ai có năng lực
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
trình bày phong phú
cho bao người khác,
thì chính Như lai
biết rõ người ấy,
thấy rõ người ấy,
đạt được công đức
không thể ước lượng,
không thể đối chiếu,
không có giới hạn,
ngoài tầm nghĩ bàn.
Những người như vậy
có thể gánh vác
tuệ giác vô thượng
của ta, Như lai.
Tại sao như thế,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì những ai
ưa pháp tiểu thừa,
vẫn còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
thì với pháp này
không thể lắng nghe,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.

(26)
(848-862) Trưởng lão Thiện hiện,
bất cứ chỗ nào,
hễ có bản kinh
Kim cương bát nhã,
thì cả thế giới
chư thiên, nhân loại
và a tu la,
đều nên hiến cúng.
Nên biết chỗ ấy
chính là chùa tháp
tôn thờ Như lai ;
hãy lạy, đi nhiễu,
tung rãi các loại
bông hoa, hương liệu.

(27)
(863-878) Thêm nữa, trưởng lão,
bất cứ thiện nam
hay thiện nữ nào
học hỏi ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
kinh Kim cương này
mà bị khinh dễ,
thì biết người ấy
tội ác đời trước
đáng sa chỗ dữ,
nhưng vì đời này
bị người khinh dễ
thì tội ác đó
tiêu tan hết cả,
người ấy sẽ được
tuệ giác vô thượng.

(28)
(879-934) Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai nhớ lại
quá khứ vô số
55
thời kỳ vô số,
trước khi Như lai
gặp đức Nhiên đăng,
thì đã gặp được
tám trăm bốn ngàn
vạn ức trăm triệu
chư Phật như lai,
đối với Ngài nào
Như lai cũng đồng
thừa sự hiến cúng
chứ không bỏ qua.
Nhưng nếu có ai
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có năng lực
học hỏi, ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã này đây,
thì bao công đức
người ấy đạt được,
công đức Như lai
phụng sự chư Phật
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
đến nỗi toán pháp
và ví dụ nữa,
cũng không bằng được
một phần nào cả.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có khả năng
tiếp nhận, ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã như vầy,
bao nhiêu công đức
mà họ đạt được,
nếu Như lai nói
một cách đầy đủ,
thì tất có kẻ
nghe mà nổi khùng,
bối rối, hoài nghi,
không thể tin được.
Trưởng lão Thiện hiện,
phải nhận thức rằng
ý nghĩa Kim cương
không thể nghĩ bàn,
hiệu quả cũng vậy
không thể nghĩ bàn.

(29)
(935-970) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
và phải làm sao
để sửa tâm mình ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề,
thì sửa tâm mình
bằng tuệ giác này :
ta phải làm cho
hết thảy chúng sinh
được niết bàn rồi
mà thật không thấy
một chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Lý do là vì
Bồ tát mà có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì như thế là
không phải Bồ tát.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
là người phát tâm
vô thượng bồ đề.

(30)
(971-1042) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
nơi đức Nhiên đăng,
phải chăng Như lai
có một pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề ?
Không, bạch Thế tôn ;
theo chỗ con hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn dạy cho
thì khi Ngài ở
nơi đức Nhiên đăng,
không có pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề.
Ðức Thế tôn dạy,
đúng vậy, Thiện hiện,
đúng là không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề.
Nếu có pháp gì
gọi là Như lai
đạt được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì đức Nhiên đăng
đã không ghi nhận,
rằng trong tương lai
ông thành Phật đà,
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni ;
vì thật không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
nên đức Nhiên đăng
mới ghi nhận cho,
bằng cách nói rằng
ông thành Phật đà
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni
tại sao như vậy ?
vì chữ Như lai
chính là nghĩa Như
của tất cả pháp.
Nếu có ai nói
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
thì nói như vậy
là không chính xác,
bởi vì, trưởng lão,
thật ra không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
sự đạt được ấy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Vì lý do này,
Như lai tuyên ngôn
rằng tất cả pháp
toàn là Phật pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
tất cả pháp ấy
Như lai đã nói
phi tất cả pháp,
nên Như lai nói
là tất cả pháp.

(31)
(1043-1068) Trưởng lão Thiện hiện,
ví như có người
thân thể cao lớn…
Trưởng lão Thiện hiện
liền bạch Thế tôn,
thân cao lớn ấy
thì Ngài đã nói
phi thân cao lớn,
thế nên Ngài nói
là thân cao lớn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát cũng vậy :
Bồ tát mà nói
ta phải làm cho
vô số chúng sinh
dều được niết bàn,
thì không được gọi
là vị Bồ tát ;
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
gọi là Bồ tát.
Vì thế Như lai
nói tất cả pháp
không phải ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(32)
(1069-1086) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu Bồ tát nói
ta phải trang hoàng
cõi Phật của ta,
thì không được gọi
là vị Bồ tát.
Tại sao, trưởng lão,
trang hoàng cõi Phật
thì Như lai nói
là phi trang hoàng,
thế nên Như lai
nói là trang hoàng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thấu triệt
về sự vô ngã,
Như lai mới nói
vị ấy đích thực
là vị Bồ tát.

(33)
(1087-1138) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có đúng Như lai
hiện có mắt thịt,
mắt trời phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt thịt
và có mắt trời.
Có đúng Như lai
hiện có mắt tuệ,
mắt pháp phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt tuệ
và có mắt pháp.
Như lai hiện có
mắt Phật phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt Phật.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
cát trong sông Hằng
Như lai cũng nói
là cát phải không ?
Phải, Ngài nói cát.
Ông nghĩ thế nào,
có bao nhiêu cát
trong một sông Hằng
thì có sông Hằng
bằng số cát ấy,
và những cõi Phật
bằng với số cát
những sông Hằng này
thì nhiều hay không ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
bao nhiêu tâm tưởng
tất cả chúng sinh
trong những cõi Phật
được nói như vậy,
Như lai biết hết.
Tại sao, trưởng lão,
Như lai nói rằng
bao tâm tưởng ấy
là phi tâm tưởng,
thế nên Như lai
nói là tâm tưởng :
Tâm tưởng quá khứ
không thể nhận được,
tâm tưởng hiện tại
không thể nhận được,
tâm tưởng vị lai
không thể nhận được.

(34)
(1139-1156) Trưởng lão Thiện hiện,
giả sử có ai
đem hết vàng ngọc
đầy cõi đại thiên
mà bố thí cả,
người này vì thế
được phước nhiều không ?
Rất nhiều, bạch Ngài,
người này vì thế
được phước rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu phước có thật
thì Như lai đã
không nói phước nhiều,
nhưng vì phước ấy
thật là phi phước,
thế nên Như lai
nói là phước nhiều.

(35)
(1157-1196) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Tại sao như vậy,
vì cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi sắc thân
toàn hảo đặc tướng,
đó là lý do
tại sao Thế tôn
nói là sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả.
Tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
toàn hảo tất cả
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng
toàn hảo tất cả,
đó là lý do
tại sao Thế tôn,
nói là đặc tướng
toàn hảo tất cả.

(36)
(1197-1216) Trưởng lão Thiện hiện,
đừng nói Như lai
có cái ý nghĩ
Như lai thuyết pháp.
Ðừng nói như vậy.
Lý do tại sao,
vì nói Như lai
có sự thuyết pháp
thì thế chính là
phỉ báng Như lai.
Nói thế tức là
không khéo lĩnh hội
ý nghĩa đã được
Như lai tuyên thuyết.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là thuyết pháp
là thật không có
pháp gì để thuyết,
như thế mới được
gọi là thuyết pháp.

(37)
(1217-1234) Lúc ấy Thiện hiện,
người lấy tuệ giác
mà làm tính mạng,
kính bạch Thế tôn,
có thể có ai
trong thì vị lai
nghe Pháp như vầy
mà tin tưởng không ?
Ðức Thế tôn dạy,
những người như vậy
không phải chúng sinh
hay không chúng sinh ;
tại sao, trưởng lão,
gọi là chúng sinh
thì Như lai nói
là phi chúng sinh,
vì thế Như lai
gọi là chúng sinh.

(38)
(1235-1264) Trưởng lão Thiện hiện,
kính bạch Thế tôn,
Thế tôn đạt được
vô thượng bồ đề,
thật ra là sự
phi đạt được chăng ?
Ðúng, đúng như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
Như lai đối với
vô thượng bồ đề
không có chút gì
gọi là đạt được
nên được gọi là
vô thượng bồ đề.
Thêm nữa, trưởng lão,
Pháp thì đồng đẳng,
không bất đồng đẳng,
thế nên gọi là
vô thượng bồ đề :
không có ngã nhân
chúng sinh thọ giả
mà làm pháp lành,
thế thì đạt được
vô thượng bồ đề.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là pháp lành
thì Như lai nói
là phi pháp lành,
thế nên Như lai
gọi là pháp lành.

(39)
(1265-1282) Trưởng lão Thiện hiện,
có người đem cho
bảy loại vàng ngọc
chất đống bằng với
những núi Tu di
trong cõi đại thiên,
và có người khác
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu
bản kinh Bát nhã
ba la mật này,
và nói cho người,
thì phước người trước
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
toán pháp, ví dụ,
cũng không bằng được
một phần nào cả.

(40)
(1283-1308) Trưởng lão Thiện hiện,
các vị đừng nói
Như lai nghĩ rằng
Như lai giải thoát
các loại chúng sinh ;
trưởng lão Thiện hiện,
đừng nghĩ như vậy,
vì thật không có
một chúng sinh nào
Như lai giải thoát.
Nếu có chúng sinh
Như lai giải thoát,
thì thế chính là
Như lai đã có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng về ngã
thì Như lai nói
phi ý tưởng ngã,
nhưng người tầm thường
thì bảo là ngã.
Trưởng lão Thiện hiện,
người tầm thường ấy
Như lai nói là
người phi tầm thường.

(41)
(1309-1348) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng có thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Kính bạch Thế tôn,
theo chỗ con hiểu
nghĩa của Ngài dạy,
không thể nhìn Ngài
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy,
bởi vì nếu nhìn
ba mươi hai nét
đặc tướng siêu nhân
mà cho có thể
nhìn thấy Như lai
thì Chuyển luân vương
cũng là Như lai.
Thế nên không thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ;
hãy nhìn Như lai
bằng cách nhìn thấy
tất cả đặc tướng
là phi đặc tướng.
Bãy giờ Thế tôn
nói chỉnh cú này :
“Nếu đem sắc tướng
nhìn thấy Như lai,
hoặc đem âm thanh
nhận thức Như lai,
thì những người ấy
đã đi lạc đường,
không còn có thể
thấy biết Như lai”.

(42)
(1349-1360) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
Như lai không do
đặc tướng toàn hảo
mà được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì này trưởng lão,
đừng nghĩ như vậy,
rằng ta, Như lai,
không do đặc tướng
toàn hảo mà được
vô thượng bồ đề.

(43)
(1361-1372) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
nói rằng các pháp
là tiêu diệt hẳn,
thì đừng nghĩ thế,
tại sao, bởi vì
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
đối với các pháp
không nói tiêu diệt.

(44)
(1373-1400) Trưởng lão Thiện hiện,
một vị Bồ tát
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy thế giới
như cát sông Hằng ;
vị Bồ tát khác
biết tất cả pháp
toàn là vô ngã,
thành được sức Nhẫn,
thì Bồ tát này
hơn Bồ tát trước.
Lý do là vì,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì không
tiếp nhận phước đức.
Trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
tại sao Bồ tát
không nhận phước đức
Bởi vì, Thiện hiện,
Bồ tát làm hết
mọi sự phước đức,
thế nhưng không nên
tham đắm phước đức,
Như lai do vậy
nói là không nhận
mọi sự phước đức.

(45)
(1401-1412) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu nói Như lai
có đến, có đi,
có ngồi, có nằm,
thì người nói ấy
không hiểu ý nghĩa
Như lai đã nói.
Tại sao như vậy,
bởi vì Như lai
không đến từ đâu,
không đi về đâu,
nên gọi Như lai.

(46)
(1413-1530) Trưởng lão Thiện hiện,
có ai nghiền nát
thế giới đại thiên
thành ra vi trần,
thì ông nghĩ sao,
những vi trần ấy
là nhiều hay ít ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Tại sao, bởi vì
những vi trần ấy
nếu là thật có,
thì Ngài không nói
là những vi trần –
Thế nhưng vi trần
thì Ngài đã nói
là phi vi trần,
do đó Ngài nói
là những vi trần.

(47)
(1069-1086) Và bạch Thế tôn,
cái mà Ngài nói
thế giới đại thiên
là phi thế giới,
vì thế nên được
gọi là thế giới.
Tại sao như vậy,
bởi vì nếu nói
thế giới thật có,
thì đó chỉ là
ý tưởng hợp nhất –
Ý tưởng hợp nhất
thì Ngài nói phi
ý tưởng hợp nhất,
nên được gọi là
ý tưởng hợp nhất.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng hợp nhất
thì không là gì
để mà nói cả,
nhưng người tầm thường
đam mê dính mắc
cái sự như vậy.

(48)
(1455-1478) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có ai nói
Thế tôn nói về
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì này trưởng lão,
ông nghĩ thế nào,
người đó có hiểu
ý nghĩa Như lai
đã nói hay không ?
Không, bạch Thế tôn,
người ấy không hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn nói ra.
Lý do tại sao,
vì Thế tôn nói
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì tức là phi
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thế nên gọi là
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(49)
(1479-1494) Trưởng lão Thiện hiện,
những người phát tâm
vô thượng bồ đề,
thì với các pháp
hãy biết như vậy,
hãy thấy như vậy,
tin tưởng, lĩnh hội
cũng là như vậy :
đừng nên trú ở
nơi ý tưởng pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
nói ý tưởng pháp
thì Như lai nói
phi ý tưởng pháp,
vì thế mới gọi
là ý tưởng pháp.

(50)
(1495-1512) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có người nào
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy vô lượng
vô số thế giới,
và có người khác,
không kể thiện nam
hay là thiện nữ,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc,
diễn tả cho người,
thì dầu chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
phước họ đạt được
vẫn hơn người trước.

(51)
(1513-1528) Diễn tả cho người
bằng cách thế nào ?
Bằng cách đừng nắm
ý tưởng về pháp,
mà như sự Như
chứ không dao động.
Tại sao mà phải
diễn tả cách ấy ?
Bởi vì tất cả
các pháp hữu vi
toàn là giống như
chiêm bao, ảo thuật,
bóng nước, ảnh tượng,
sương mai, điện chớp ;
rất cần phải có
cái nhìn như vậy.

(52)
(1529-1344) Khi đức Thế tôn
tuyên thuyết hoàn tất
bản kinh Kim cương
bát nhã này rồi,
trưởng lão Thiện hiện,
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni,
những cận sự nam
và cận sự nữ,
toàn thể thế giới
chư thiên, nhân loại,
và a tu la,
được nghe những điều
Thế tôn tuyên thuyết,
ai cũng hoan hỷ,
tín thọ, phụng hành.

hồi hướng

Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn (3 lần)
Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.
Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.
Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.


| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

image_pdfimage_print