Đức Đalai Lama: LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT

Để Sống Xứng Đáng Hơn

Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.

MỤC LỤC

CHƯƠNG 8. TÂM CHÂN NHƯ CỬA TỬ

Thấy ra thân vô thường / giống như chiếc bình đất.
Biết pháp không tự tánh / chỉ giống như ảo ảnh.
Vũ khí tham độc hại / hấp dẫn như là hoa,
Phá được rồi thì dù / cảnh chết cũng vượt thoát.
—Lời Phật

BÀI KỆ SỐ 12 [GIAI ĐOẠN KHÔNG THỨ TƯ: NGUYỆN CHÂN NHƯ MẸ VÀ CON GẶP NHAU]

  1. Khi “cận-thành-tựu” tan / vào cảnh giới “thuần không”
    Mọi niệm khởi đều dứt / bước vào trong kinh nghiệm
    Không một chút ô nhiễm / trong trẻo như trời thu,
    Nguyện khi ấy chân như / mẹ và con gặp mặt.

Theo Mật tông tối thượng du già, không có tâm nào vi tế hơn tâm chân như. Tâm này là nền tảng xuất ra mọi cảnh hiện trong cõi luân hồi và niết bàn. Tâm chân như này vốn có từ vô thủy sinh tử. Vì không tạm bợ nên gọi là bản giác. Trong khi đó, tâm đen-cận-thành-tựu, tâm đỏ-cam-tăng-hiện, hay trắng-hiện vân vân, là những loại tâm vừa mới tùy duyên sinh ra, rồi cũng sẽ tùy duyên mà diệt, nên gọi là tâm nhất thời, là tâm sinh diệt. Tâm bản giác chân như thuần-không này là cái tâm sâu thẳm nhất.

 Các loại tâm khác mặc dù cũng có thô có tế khác nhau, nhưng so với tâm bản giác chân như, có thể nói rằng tất cả đều là thô lậu cả. Đến như tâm trắng-hiện, đỏ-cam-tăng-hiện, hay đen-cận-thành-tựu, dù vi tế hơn các loại tâm bình thường khác nhưng nếu so với tâm bản giác chân như thì chỉ là tâm sinh diệt.

Nhìn từ góc cạnh này, thành trì vọng kiến lầm tâm và  cảnh (nhắc đến trong bài kệ số 4) có thể ứng vào những hiện tượng do nghiệp sinh ra, và nghiệp này phát sinh từ niệm thô lậu ở các tầng tâm thức thô lậu. Bao giờ có thể an trú vĩnh viễn trong bản giác chân như, không còn rơi về những tầng tâm thức thô lậu nữa, chừng đó sẽ thôi không còn tích nghiệp. Tuy vậy, để có thể vĩnh viễn an trú nơi tâm bản giác chân như, quý vị phải quét sạch mọi chướng ngại ngăn che  trí toàn giác [sở tri chướng, hay trí chướng], là niệm hư vọng, nhìn vào cảnh hiện mà phân biệt thành đối tượng và chủ thể, thấy có tự tánh. An trụ nơi bản giác chân như thì niệm dứt. Chưa an trụ thì sẽ luôn bị niệm khởi nhất thời của các tầng tâm thức thô lậu chi phối, và sẽ tích nghiệp.

Vào giai đoạn cuối của quá trình vào cửa tử, khi tâm thức thô lậu tan vào cảnh giới thuần-không của tâm bản giác chân như, vạn vật cùng niệm khởi, như là khái niệm về sự đồng nhất và dị biệt, đều tan vào cõi tâm vi tế nhất này. Môi trường bên ngoài cùng loài hữu tình đều tự thu nhiếp về. Ở thời điểm này, nếu có thể chuyển tâm chân như cửa tử thành đạo, tâm ấy sẽ thấy được diện mục của chính mình, là tâm bản giác chân như.

Đối với người không tu, tướng hiện thô lậu cũng tan biến. Tuy nhiên, tan biến như vậy không phải nhờ chứng chân thực tại qua pháp thiền. Ở bốn giai đoạn cuối của quá trình vào cửa tử, khí chở tâm càng lúc càng vi tế. Vào tới giai đoạn cuối thì mọi khí sinh diệt chở tâm đều tan biến cả, khi ấy tâm (bất kể là của người có tu hay không tu) trở nên giống như là vô phân biệt, cảnh giới sáng trong rộng mở hiện ra.

Nhưng đã là hành giả, quý vị không nhắm vào kinh nghiệm tánh không bình phàm này, vốn chỉ đơn giản là sự vắng mặt của tướng hiện quy ước. Khi chân như ló dạng, quý vị phải làm sao vận dụng được tâm này để chứng tánh không. Đây không phải là việc có thể thực hiện bằng công phu ở thời điểm chân như hiển lộ, mà phải đến từ lực huân tập sẵn có trước khi bước vào giai đoạn tan nhập, và từ năng lực chánh niệm chân như khi ba tâm trắng, đỏ, và đen hiện ra. Điều này khẳng định tầm quan trọng của sự thường xuyên liên tục hành trì.

Rường cột pháp hành của tôi [lời đức Đalai Lama] là quán niệm bốn giáo pháp căn bản về vô thường, khổ, không, và vô ngã. Thêm vào đó, trong tám pháp tu hàng ngày của tôi có cả pháp quán về quá trình vào cửa tử. Tôi tưởng tượng đất tan vào nước, nước tan vào lửa, vân vân. Mặc dầu không thể nói là mình có bất kỳ kinh nghiệm thâm sâu nào, nhưng khi tưởng tượng giai đoạn mọi cảnh hiện tan biến, hơi thở của tôi có dứt đi một lúc. Tôi chắc chắn rằng nếu có thời gian để quán cho đầy đủ tận tường, kinh nghiệm trọn vẹn hơn sẽ có thể ló dạng. Vì các pháp bổn tôn du già tôi tu hàng ngày đều có quán về cái chết, nên tôi theo đó làm quen với quá trình vào cửa tử. Đến khi cái chết thật sự đến, có lẽ đã quen thuộc với từng bước một. Tuy vậy liệu có sẽ thành công hay không, tôi không biết.

Một vài người bạn đạo của tôi, trong đó có chư vị hành giả thuộc hệ giáo pháp Đại Viên Mãn dòng Nyingma trong Phật Giáo Tây Tạng, cho biết họ có được kinh nghiệm sâu về quá trình tan nhập, nhưng hãy còn trong lãnh vực tương tự, chưa phải quá trình vào cửa tử thật sự. Có một số người Tây tạng đã được tuyên bố chết lâm sàng, nhưng cơ thể không phân hủy trong một thời gian khá dài. Mới năm ngoái có một vị Lama dòng Sakya, thi thể vẫn tươi không hư thối trong thời gian hơn 20 ngày. Vị này “chết” ở Dharamsala, nhưng đã ở lại trong đại định ở Dharamsala.  Sau đó nhục thân được đưa về Rajpur vùng Dehra Dun, đến nơi vẫn hãy còn tươi. Thật phi thường. Tôi biết có khoảng 15 trường hợp tương tự, thi thể không phân hủy, có người được vài ngày, có người dài hơn, dài nhất là ba tuần. Ling Rinpoche, sư phụ chính của tôi, ở lại được 13 ngày.

Trường hợp chuyển tâm thành công này được gọi là chân như mẹ gặp chân như con. Tâm chân như hiện ra tự nhiên khi chết do nghiệp lực được gọi là chân như mẹ. Chân như đến từ công phu đạt đạo do nỗ lực tu thiền từ trước của hành giả được gọi là chân như con. Chân như mẹ gặp chân như con không phải giống như hai thực thể gặp nhau, mà là chân như mẹ ở cửa tử, hiện ra do nghiệp lực, chuyển thành đạo, là chân như con. Khi xảy ra việc này thì gọi đó là chân như mẹ và con gặp nhau.

Có một cách giải thích khác: chân như con là tánh không, sự gặp gỡ giữa chân như mẹ và con có nghĩa là khi chân như mẹ hiện ra, không để tâm ấy làm tâm phàm, ngược lại dùng tâm này để nhận tánh không làm đối cảnh, chân như con. Cách gọi chân như mẹ là tâm phàm cửa tử phổ biến hơn, nhưng hai cách giải thích cơ bản đều như nhau.

GIỌT VI TẾ LÀM NỀN CHO TÂM VI TẾ

Như đã mô tả ở trên, các tầng tâm thức sâu hơn lần lượt hiện ra, và điều này gắn liền mật thiết với quá trình biến chuyển của bốn yếu tố vật lý đất, nước, lửa, gió, đặc biệt là yếu tố thứ tư, vì khí là căn cứ của tâm. Tham dự vào quá trình cửa tử này còn có các giọt tủy ở nơi tim, là vật thể vi tế chứa loại tâm thức phàm phu vi tế nhất.

Mật pháp Kalachakra, cũng là pháp Mật tông tối thượng du già Phật dạy, phổ biến ở Ấn độ vào thế kỷ thứ 10, có một trình bày khá lạ về tám giọt tủy nằm ở tám vị trí then chốt trong cơ thể. Đây là những vị trí ô nhiễm cần được thanh tịnh, chứa tiềm năng có thể tận dụng. Tương tự như giọt tủy nơi tim trong mật pháp Guhyasamaja (là hệ giáo pháp mà sách này dựa vào), tám giọt này là vật thể vi tế có kích thước to bằng hạt cải, gồm hai thành phần trắng và đỏ cơ bản, và cũng là nơi chứa những tầng tâm vi tế. Chủng nghiệp hình thành từ những việc thiện ác đã gieo trong quá khứ được tẩm trong các tầng tâm thức vi tế này. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp cấy chủng tử  vào các tầng tâm thức chứa trong các giọt vật thể vi tế, nằm yên đó cho đến khi gặp duyên tố kích hoạt, trổ thành kinh nghiệm sướng khổ cùng các sự kiện khác trong sinh tử luân hồi.  

Tám giọt này phân thành hai bộ, mỗi bộ bốn giọt, đi liền thành cặp, cùng nhau tạo ra nhiều trạng thái tâm thức khác nhau. Bộ một nằm ở (1) trán (đỉnh đầu), (2) cổ, (3) tim, và (4) rốn. Bộ hai nằm ở (1) rốn, (2) chỗ kín (cuối cột sống), (3) trung tâm bộ phận sinh dục, và (4) đầu bộ phận sinh dục. Hai giọt ở trán và rốn tạo trạng thái tỉnh; hai giọt ở cổ và cuối cột sống tạo trạng thái chiêm bao; hai giọt ở tim và trung tâm bộ phận sinh dục tạo trạng thái ngủ sâu; và hai giọt ở rốn và đầu cơ quan sinh dục tạo trạng thái khoái lạc tình dục. Quý vị thấy đó, một giọt ở rốn có chứa hai chủng tử  khác nhau: là giọt thứ tư của bộ một, tạo trạng thái tỉnh, và là giọt thứ nhất của bộ hai, tạo trạng thái khoái lạc tình dục.

Mỗi giọt chứa hai lực, tịnh và bất tịnh.

  • Khi tỉnh,
    • khí ở phần trên cơ thể tụ nơi trán và
    • khí ở phần dưới cơ thể tụ nơi rốn;
    • lực tịnh sinh đối cảnh đơn thuần và
    • lực bất tịnh sinh đối cảnh bất tịnh.
  • Khi chiêm bao,
    • khí trên tụ nơi cổ,
    • khí dưới tụ chỗ kín;
    • lực tịnh sinh âm thanh, còn
    • lực bất tịnh sinh ra lời nói lẫn lộn.
  • Khi ngủ sâu,
    • khí trên tụ nơi tim,
    • khí dưới tụ ở trung tâm bộ phận sinh dục;
    • lực tịnh sinh ra sự sáng sủa của tâm vô niệm, còn
    • lực bất tịnh sinh ra bóng tối.
  • Khi động tình,
    • khí trên tụ nơi rốn,
    • khí dưới tụ nơi đầu bộ phận sinh dục, do đó
    • lực tịnh tạo ra hỉ lạc, và
    • lực bất tịnh làm xuất tinh (nam cũng như nữ).

Pháp môn Kalachakra hướng đến việc thanh tịnh bốn cặp giọt tủy này:

  • Hai giọt tủy nơi trán và rốn làm phát sinh đối cảnh bất tịnh khi tỉnh, làm sạch rồi thì đối cảnh thành sắc-không, nghĩa là sắc tướng siêu việt vật thể, có thể dùng trên đường tu giác ngộ.
  • Hai giọt tủy nơi cổ và cuối cột sống có khả năng tạo lời nói lẫn lộn, làm sạch rồi “âm thanh tối thắng” sẽ hiển lộ, có thể dùng trên đường tu.
  • Hai giọt tủy nơi tim và giữa bộ phận sinh dục có khả năng tạo bóng tối, làm sạch rồi sẽ biến thành trí tuệ vô niệm, có thể dùng trên đường tu.
  • Hai giọt tủy nơi rốn và đầu bộ phận sinh dục có khả năng làm xuất tinh, làm sạch rồi dục lạc trở thành đại lạc bất động không xuất tinh, có thể dùng trên đường tu.

Khả năng tích cực được phát triển càng lúc càng cao hơn, cuối cùng trở thành thân khẩu ý kim cang, và đại lạc của Phật đà.

Trong pháp môn Kalachakra này, mọi che chướng ràng buộc chúng sinh vào cảnh khổ đau ngăn ngại, không thể mở lòng vị tha, tất cả đều nằm ở bốn giọt tủy này. Nhưng nghiệp chướng không thấm vào chất liệu của giọt tủy, mà chính tâm và khí vi tế nằm trong hai bộ bốn giọt tủy này mới là nơi chuyên chở nghiệp lực cả thiện lẫn ác. Chất liệu của giọt tủy chỉ làm nền chứa các loại tâm và khí này, cũng giống như cơ thể vật lý thô lậu của chúng ta là nơi chứa tâm thức.

Hai năm trước có một vị hành giả Tây Tạng thuộc pháp môn Đại Viên Mãn dòng Nyingma đã thu nhiếp toàn bộ thân vật lý thô lậu của mình, thành tựu được điều chúng tôi gọi là “thân cầu vồng.” Vị này tên là Achok, đến từ Nyarong, thỉnh thoảng có đến học giáo lý tại trường đại học Sera dòng Geluk, và nhận pháp từ đức Trijang Rinpoche, sư phụ thứ của tôi, tuy vậy sư phụ chính của ông ta là đức Dujom Rinpoche dòng Nyingma. Mặc dù tu mật pháp theo cả hai trường phái cựu dịch và tân dịch của Phật giáo Tây tạng, công phu chính của ông vẫn là trì chú Om Mani Padme Hung [Lục tự chú] cùng pháp quán tưởng đi kèm.

Cho đến khoảng 3 năm về trước, ông thường nói rằng ông hy vọng có được cơ hội diện kiến Đalai Lama trong đời này. Rồi một hôm ông bảo chúng đệ tử lập pháp đàn cúng dường cầu thọ cho Đalai Lama. Sau pháp lễ cúng dường, ông bất ngờ nói rằng mình sẽ ra đi. Ông đắp y, dặn đệ tử cho mình vào phòng, niêm kín cửa phòng trong thời gian một tuần. Đệ tử làm theo lời dặn, sau một tuần mở niêm thì thấy ông đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại y áo. Sau đó, một vị đệ tử của ông cùng với bạn đồng tu đến đã Dharamsala kể lại cho tôi nghe việc này, và tặng tôi một mẩu áo cà sa của ông.

Với nếp sống ẩn dật của người xuất gia không kiểu cách, khác với một số vị Lama khác, ông đã chứng minh mình là người tu giỏi, và cuối cùng đã làm được việc này. Quý vị có thể thấy mối tương quan nhân quả. Nhiều người được xem là có thần thông, nhưng lại không có được nhân tố tương xứng.

Trong hệ Mật tông tối thượng du già, [nghiệp] lực là điều, tạo ra đầy đủ ngoại cảnh và chúng hữu tình trong cảnh phàm phu qua tâm và khí rất vi tế. Tu là để làm sạch [nghiệp] lực này, chuyển thành ý, khẩu và thân thanh tịnh vị tha của một đấng Phật đà. Mục đích hành trì là làm hiển lộ tầng tâm thức vi tế nhất, tâm bản giác chân như, an trụ nơi đó không rơi về những trạng thái tâm thô lậu hơn. Tuy vậy, trạng thái thanh tịnh này không chỉ là ý thanh tịnh mà còn có cả thân, một cái thân thuần là khí, làm nơi chuyên chở tâm bản giác chân như. Mục tiêu cứu cánh là để giúp cho tất cả chúng sanh cùng vượt thoát mọi khổ đau ngăn ngại.

Trọng điểm của quá trình thanh tịnh này là chứng được tánh sáng và tánh biết của tâm, biết rằng phiền não ô nhiễm như tham lam, hận thù, ganh ghen, chống đối vốn không nằm trong bản tánh của tâm mà chỉ ở ven rìa. Bao giờ tâm tự chứng biết bản tánh của chính mình, sự biết này phối hợp với khả năng tập trung mạnh mẽ, khi ấy sẽ có khả năng làm giảm dần rồi cuối cùng tận diệt mọi nhiễm tâm phiền não, lực đẩy của khổ đau sinh tử luân hồi. Đó là tri kiến Phật giáo Tây tạng về mối tương quan mật thiết giữa tâm thức và vật thể, cùng sự tương tác của mối tương quan này trong quá trình thanh tịnh vì mục đích vị tha.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

12.1. Giai đoạn cuối của quá trình vào cửa tử là khi  tâm bản giác chân như hiển lộ. Tâm này vốn vô thủy vô chung.

12.2. Bao giờ đạt quả vị Phật, quý vị sẽ có thể an trú trong tâm bản giác chân như này, không còn phải đi qua quá trình đảo ngược về những trạng thái thô lậu của tâm. Bấy giờ sẽ thôi không còn tích nghiệp.

12.3. Người phàm phu không từng tu tập, khi chết trạng thái tâm vắng bặt mọi tướng hiện thô lậu cũng vẫn đến, nhưng người có trình độ tu cao sẽ vận dụng tâm này để chứng chân thực tại, nhờ vào năng lực huân tập có được do thiền quán về tánh không.

12.4. Tâm chân như hiển lộ tự nhiên ở cuối quá trình vào cửa tử được gọi là chân-như-mẹ, và tâm-chân-như hiển lộ qua công phu tu tập được gọi là chân-như-con.

12.5. Chân-như-mẹ của cái chết hiển lộ do nghiệp. Dùng tâm này chuyển thành cái tâm chứng biết tánh không—chân-như-con—sự chuyển hóa này được gọi là “chân như mẹ và con gặp nhau.”

BÀI KỆ SỐ 13 [TRONG SUỐT THỜI GIAN BỐN KHÔNG HIỆN: NGUYỆN NHẬP ĐỊNH TRÍ GIÁC LẠC-KHÔNG HỢP NHẤT]

  1. Trong cõi Tuệ hợp nhất / của lạc-không bản lai
    Ở giai đoạn bốn không, / khi ngọn lửa Tu-mô
    Uy lực như điện chớp / làm giọt trăng trắng chảy,
    Nguyện nhất tâm bất loạn / trong chánh định thâm sâu.

Bằng pháp thiền, hành giả khai nhiệt nội hỏa, được gọi là “nữ uy,” (tiếng Tạng là Tumo). Vị trí chính của nội hỏa nằm ở đám rối thân tạng, từ đó đi lên theo mạch khí trung đạo, làm tan chảy giọt trắng ở đám rối khí mạch trên đỉnh (gọi là luân xa đại lạc). Giọt tinh chất trắng được ví như “mặt trăng,” và được gọi là tâm bồ đề. Giọt trắng này khi tan ra và chảy xuống bên trong mạch khí trung đạo, lần lượt chảy đến bốn luân xa cổ, tim, bụng và chỗ kín, mang đến bốn cấp độ hỉ lạc: lạc, tối lạc, lạc đặc biệt, lạc bản lai. 

Bốn lạc này là trí giác đại lạc, lấy tánh không làm đối cảnh chứng ngộ, vì vậy gọi là lạc-không-hợp-nhất. Nhờ nhập định trí giác đại lạc theo Mật tông tối thượng du già, khi chân như mẹ theo nghiệp hiện ra ở thời điểm chết, người tu có khả năng chuyển kinh nghiệm này thành đạo (chân như con). Lời nguyện này của đức Panchen Lama đời thứ nhất—lời nguyện cuối cùng về cái chết—là để có được khả năng này.

Người tu theo Mật tông tối thượng du già, mỗi ngày đều quán tám tướng cận tử—ảo ảnh, khói, đom đóm, lửa nến, rực rỡ trắng-hiện, rực rỡ đỏ-cam-tăng-hiện, rực rỡ đen-cận-thành-tựu, và chân như—phối hợp cùng quán tánh không. Làm như vậy với ba chánh niệm: nhận diện tướng đang hiện, nhận diện tướng hiện trước đó, và nhận diện tướng hiện tiếp theo sau. Ví dụ, “đom đóm đang hiện. Khói vừa qua. Lửa sắp hiện.” Tám tướng cận tử này không thật sự hiện ra trong pháp thiền, trừ phi là với những bậc hành giả chứng ngộ cao, nhưng vẫn duy trì ba chánh niệm này trong tưởng tượng để tập cho quen dần với tám tướng cận tử này. Trong pháp thiền thật sự, khi quý vị đạt được trình độ tu thiền thật sự, quý vị ở trong đại định tánh không và tướng cận tử này sẽ tự hiện ra.

ĐẠO SƯ DU GIÀ

Pháp mật tông dùng sự tưởng tượng để thúc đẩy tiến độ thành tựu tâm linh.  Pháp bổn tôn du già đòi hỏi người tu phải (1) tưởng tượng tâm mình (mặc dù chỉ là tâm phàm phu với đầy cả nhiễm tâm phiền não) là trí tuệ với động lực từ bi; (2) lấy thân trí tuệ từ bi thay thế tướng hiện phàm phu của thân máu thịt  này; và (3) lấy tướng hiện thanh tịnh của thân tâm trong cảnh giới toàn hảo làm ngã, khởi niềm tự tín nơi cái ngã thanh tịnh này, làm lợi cho chúng sinh. Theo cách này, quý vị quán tưởng mình mang thân Phật, làm việc Phật làm, hưởng điều Phật hưởng, sống cảnh Phật sống. Chủ yếu dựa vào trí tưởng tượng. Tưởng tượng mình ở trong môi trường toàn hảo ấy, bắt đầu bằng tư duy về tánh không, phát khởi nhận thức về tánh không không tự tánh càng nhiều càng tốt. Chính từ nơi nhận thức này, bổn tôn sẽ hiện ra. Tâm chứng tánh không hoạt hiện thành sắc tướng đấng bổn tôn cùng cảnh giới, thọ dụng, và thiện hạnh từ bi. Vì vậy mà nói pháp bổn tôn du già là trí tuệ và từ bi hợp nhất: chính trí tuệ chứng tánh không hoạt hiện sắc tướng từ bi của đấng bổn tôn.

Mật tông tối thượng du già đặc biệt có pháp bổn tôn du già, mỗi ngày sáu lần hành trì, người tu cũng làm tương tự:  trước tiên quán về tánh không, rồi với bất kỳ sự hiểu nào về tánh không có được, mang ra phối hợp cùng tám tướng cận tử lần lượt hiện ra. Ở bước cuối cùng, lấy tâm-chân-như-chứng-tánh-không—hoặc một cái tâm bắt chước theo như vậy—lấy đó làm nền tảng hoạt hiện sắc tướng từ bi toàn hảo của đấng bổn tôn.

GIAO PHỐI VÀ ĐƯỜNG TU

Hành giả nào đã có được sự chứng đắc vững vàng về từ bi và trí tuệ có thể vận dụng phương pháp giao phối để tăng cường định tâm và làm hiển lộ bản giác chân như. Mục đích là để hội nhập và duy trì tầng tâm thức thâm sâu, vận dụng năng lực này làm cho chứng ngộ tánh không càng thêm thâm sâu. Quan hệ tình dục không liên quan gì đến việc tu, nhưng khi người tu đã đạt đến cảnh giới cao của trí tuệ và từ bi thì dù hai bộ phận sinh dục có giao nhau, tâm vẫn đứng yên trong hạnh thanh tịnh.

Giao phối giúp gì được cho đường tu? Tiềm năng của các tầng tâm thức thô lậu rất giới hạn, ngược lại, các tầng tâm thức vi tế mạnh mẽ hơn rất nhiều. Do đó, hành giả trình độ cao cần hội nhập các tầng tâm thức vi tế. Muốn làm được việc này, cần giảm và dứt hoạt động của tâm thô lậu. Muốn làm được việc này, cần thay đổi toàn diện dòng lưu thông của khí trong thân thể. Mặc dù phiên bản ngắn của tầng tâm thức vi tế có thể hiển lộ khi nhảy mũi hay khi ngáp, nhưng rõ ràng là không thể kéo dài. Hơn nữa, phải có kinh nghiệm hiển lộ tâm vi tế đi trước, sau đó mới có thể dùng được tâm này khi ngủ sâu. Vì lý do này mà dùng phương tiện giao phối. Áp dụng phương pháp đặc biệt nhập định nơi tâm cực khoái, hành giả trình độ cao có thể kéo dài trạng thái thâm sâu, vi tế và dũng mãnh này để chứng tánh không. Tuy vậy, nếu là giao phối với cái tâm phàm tục thì không được lợi gì.

Thân phụ của đức Serkong Rinpoche quá cố vừa là học giả vĩ đại vừa là hành giả tu chứng. Ngài xuất thân từ tu viện Ganden, cách Lhasa khá xa về phía đông nam, nhưng sư phụ chính của ngài là đức Trin Ngawang Norbu ở tu viện Drepung, về phía Tây của Lhasa. Thành ra có lúc thân phụ của đức Serkong Rinpoche trú ở Lhasa, mỗi sáng sớm đều đi quảng đường dài đến Drepung gánh nước cho sư phụ, quét rửa dọn dẹp, thỉnh thoảng thọ pháp trong ngày, rồi trở về Lhasa.

Một đêm, ông gặp một người con gái và lỡ phá giới. Vô cùng hối hận, sáng hôm sau nước mắt đầm đìa ông tới Drepung, nhưng khi vào đến phòng sư phụ thì thấy sư phụ đã làm lễ đền bù. Sư phụ bảo, “Con lại đọa, nhưng thôi vậy cũng đúng. Bây giờ con hãy tu mật pháp với phối ngẫu.” Chuyện này tự nó đã là điều bất thường, nhưng phi thường hơn nữa đó là sau khi vị phối ngẫu thị tịch, minh chú Vajrayogini hiện ra ngay trên xương sọ của bà.

Cùng một khoảng thời gian có một vị lama khác tên là Tabung Rinpoche, tu cùng phối ngẫu. Vào một ngày cát tường trong tháng, khi Nhiếp chính vương và một số lama cao trọng khác như đức Trijang Rinpochay (người đã trở thành sư phụ thứ của tôi) đang thọ pháp với ngài, pháp lễ khi ấy có hai nhạc khí tương tự như sáo. Hai người thổi sáo đứng đối diện với nhau, người dùng tay phải, người dùng tay trái bấm lỗ sáo, nhìn nhau tới lui sao rốt cuộc lại thành hai âm điệu hoàn toàn khác nhau. Toàn bộ đại chúng ngừng tụng niệm, cười ngã nghiêng vì điệu nhạc kỳ quái. Nhưng khi nhìn lên đức Tabung Rinpoche, thấy ngài ngồi đó, hoàn toàn không biết việc gì đang xảy ra mặc dù không ngủ.  Về sau đức Nhiếp chính vương nhận ra rằng ngay vào lúc đó, Tabung Rinpoche đang thọ pháp trong cảnh hiện thanh tịnh.

Vào khoảng thời gian đó, đức Đalai Lama đời thứ 13 tiến hành truy cứu trong tu viện, xem lama nào là chân chính, và đã trục xuất khá nhiều vị, nhưng lại xem thân phụ của Serkong Rinpochay và Tabung Rinpochay là trường hợp ngoại lệ. Cũng có nghĩa là đức Đalai Lama đã chính thức công nhận trình độ phi thường và quyền sử dụng phối ngẫu của hai vị khi tu mật pháp. Vì vậy, hai vị ấy chắc chắn phải có một số kinh nghiệm thâm sâu hơn nữa, nhưng tôi chưa từng thấy ở đâu có ghi lời hai vị nói về khả năng này của mình.

TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN

13.1. Khi chết, tâm chân-như-mẹ hiển lộ do nghiệp, hành giả hàng tối thượng thừa sẽ có thể chuyển tâm này vào đạo quả.

13.2. Hành giả ở các trình độ thấp hơn, ngày ngày đều tu pháp bổn tôn du già của Mật tông tối thượng du già, giữ ba chánh niệm để mà quán tám tướng cận tử, nhận diện tướng nào đang hiện, tướng nào đi trước, tướng nào theo sau. Quán tám tướng này chung với quán tánh không. Mỗi tướng có ba phần, ngoại trừ tướng đầu và cuối chỉ có hai.

1- Ảo ảnh hiện ra. Khói sắp hiện.

2- Khói hiện ra. Ảo ảnh vừa qua. Đom đóm sắp hiện.

3- Đom đóm hiện ra. Khói vừa qua. Lửa nến sắp hiện.

4- Lửa nến hiện ra. Đom đóm vừa qua. Rực rỡ trắng-hiện sắp xuất hiện.

5- Trắng-hiện rực rỡ hiện ra. Lửa nến vừa qua. Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng sắp xuất hiện.

6- Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng hiện ra. Rực rỡ trắng hiện vừa qua. Rực rỡ tối-đen sắp xuất hiện.

7- Rực rỡ tối-đen hiện ra. Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng vừa qua. Bản giác chân như sắp xuất hiện.

8- Bản giác chân như hiện ra. Rực rỡ tối đen vừa qua.

13.3. Đặc biệt khi tu pháp bổn tôn du già của Mật tông tối thượng du già, phải phối hợp bất cứ mức độ hiểu biết nào của mình về tánh không theo với tuần tự hiện ra của tám tướng cận tử. Rồi vận dụng tâm chân như chứng tánh không—hay cái tâm bắt chước tâm ấy—lấy đó làm nền tảng hiện ra sắc tướng đấng bổn tôn toàn hảo, từ hòa.

13.4. Bậc hành giả hạng cao đã có được tâm bồ đề và trí tuệ [tánh không] vững chắc có thể vận dụng phương tiện hợp phối để nhiếp tâm và hiển lộ bản giác chân như, dùng cái tâm vi tế sâu thẳm nhất này để chứng tánh không một cách mãnh liệt nhất.

MỤC LỤC

image_pdfimage_print