Đức Đalai Lama: THẮP SÁNG BA TÍN TÂM

“THẮP SÁNG BA TÍN TÂM”
Lời Tụng Tôn Kính Mười Bảy Vị
Đại Hiền Thánh Cựu Học Viện Na Lan Ðà

[“The Illuminating Of The Three [Kinds] Of Faith:” A PRAYER TO THE 17 GREAT PANDITS OF THE GLORIOUS NALANDA]

Tác giả: Đức Đalai Lama XIV Tenzin Gyatso
Hồng Như chuyển Việt ngữ (từ bản Anh ngữ của Ven. Geshe Lhakdor), bản dịch 2006.

Hạ Tải [Bản Việt ngữ PDF]

  1. [Buddha Sakyamuni] Trước đấng chúa tể / của khắp chư thiên, / đản sinh từ lòng / đại bi thương xót / tất cả chúng sinh, / trở thành nơi chốn / chở che tối thượng, / với hạnh xả bỏ / cùng hạnh thành tựu / tròn đầy viên mãn, / thuyết pháp duyên khởi / phổ độ chúng sinh. / Trước đức Mâu ni / như ánh mặt trời / giữa các giảng sư, / chúng con kính lễ.
  2. [Nāgārjuna] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Long Thọ. / Đúng như lời Phật / đã từng tiên đoán. / Ngài chính là bậc / tổ sư khai mở / đường tu tối hảo / đại thừa trung đạo. / Dựa vào lý lẽ / thâm sâu vi diệu / của thuyết duyên khởi / Ngài khéo minh giải / ý nghĩa tánh như / thoát mọi cực đoan, / đúng như ý thật / của đấng Phật mẫu.
  3. [Bodhisattva Āryadeva] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / bồ tát Thánh Thiên, / là đại đệ tử / [của đức Long Thọ], / trí tuệ, thành tựu / không ai sánh bằng / Ngài đã vượt qua / biển rộng giáo lý / nội điển, ngoại điển; / hạt ngọc vương đỉnh / trong số tất cả / những bậc truyền thừa / giáo pháp Long Thọ.
  4. [Buddhapālita] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Phật Hộ / là người minh giải / ý nghĩa cứu cánh / của thuyết duyên khởi / đúng với ý thật / của bậc thánh giả / về điểm tinh yếu / của pháp thậm thâm, / [tất cả các pháp] / chỉ là giả danh.
  5. [Ācārya Bhāvaviveka] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / A-xà -lê Thanh Biện, / là người khai mở / hệ thống triết lý / phủ nhận tất cả / thái độ cực đoan / như là chấp vào / pháp sinh thật có / và cũng chấp nhận / có nhận thức chung / giữa cái biết đúng / cùng với ngoại cảnh.
  6. [Candrakīrti] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đại sư Nguyệt Xứng / Ngài khéo hoằng dương / trọn vẹn con đường / hiển kinh mật kinh, / khéo léo giải thích / giáo pháp trung đạo / thâm sâu quảng đại, / tất cả chỉ tùy / theo duyên mà hiện / dựa vào tướng hiện / cùng với tánh không / loại bỏ cực đoan / chấp thường, chấp đoạn.
  7. [Bodhisattva Śāntideva] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / bồ tát Tịch Thiên. / Ngài vì tất cả / đệ tử hữu duyên / vận dụng phương tiện / lý luận phong phú / đến từ hai dòng / giáo lý thâm, quảng / khéo léo thuyết giảng / đường tu nhiệm mầu / của tâm đại bi.
  8. [Śāntaraksita] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / bậc đại phương trượng / viện Na lan đà: / Thiện Hải Tịch Hộ. / Ngài mở đường vào / tánh không trung đạo / thuận theo căn cơ / của chúng đệ tử, / khéo léo lý giải / luận lý trung đạo / cùng với lượng học, / Ngài cũng gieo trồng / giáo pháp của Phật / nơi vùng xứ tuyết.
  9. [Kamalaśīla] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đức Liên Hoa Giới, / dựa theo hiển kinh / cùng với mật kinh, / Ngài tận tường dạy / trình tự tu thiền / tri kiến trung đạo, / thoát mọi cực đoan, / cùng với pháp tu / kết hợp chỉ quán, / và khéo minh giải / không chút sai lầm / giáo pháp của Phật / nơi vùng xứ tuyết.
  10. [Asanga] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Vô Trước, / được Phật di lạc / giữ gìn chở che, / Ngài khéo hoằng dương / kinh luận đại thừa / vén mở đường tu / phương tiện quảng đại, / thắp sáng con đường / tông phái Duy thức. / Đúng như lời Phật / đã từng tiên tri.
  11. [Acārya Vasubhandu] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / A-xà-lê Thế thân. / là người giữ gìn / hệ hai tánh không / nằm trong “bảy luận / A-tì-đạt-ma”, / minh giải toàn bộ / hệ thống giáo lý / Tì bà xa bộ / và Kinh lượng bộ / cùng với Duy thức, / học giả lỗi lạc / nổi danh là đấng / giác ngộ thứ hai.
  12. [Dignāga] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Trần Na, / là bậc luận sư / giúp cho chúng ta / khai mở mắt nhìn / phân tích sáng suốt / bằng cách mở ra / hàng trăm cánh cửa / nhận thức đúng đắn / vén mở con đường / thâm nhập kinh điển / dựa vào nền tảng / lý luận tự nhiên.
  13. [Dharmakīrti] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Pháp Xứng, / là người tường tận / quán chiếu mọi điểm / tinh yếu nằm trong / hệ thống lượng học, / trong, ngoài Phật giáo, / mang lại niềm tin / xác quyết ở nơi / hai pháp quảng-thâm / của Kinh lượng bộ / và Duy thức tông, / khéo léo giải thích / lối đi nhiệm mầu / của pháp Phật dạy.
  14. [Vimuktisena] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đức Giải Thoát Quân, / là người thắp lên / ngọn đèn soi sáng / ý nghĩa của luận / hiện quán trang nghiêm / thuận theo trung đạo / thoát mọi cực đoan / chấp thường, chấp đoạn, / soi sáng ý nghĩa / Tuệ ba la mật / truyền từ hai vị / Vô trước – Thế thân.
  15. [Haribhadra] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đức Sư Tử Hiền / là người minh giải / nghĩa tam Phật mẫu, / kinh điển bát nhã / ba la mật đa, / theo đúng như lời / khai thị của đức / di lạc từ tôn, / và cũng là người / Phật từng tiên tri / là sẽ tận tường / giảng nghĩa Phật mẫu.
  16. [Gunaprabha] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / tôn giả Đức Quang / là người cực kỳ / an định, thông tuệ; / thâu nhiếp tinh túy / luật tạng phong phú / hàng trăm ngàn chương, / thuận theo truyền thống / nhất thiết hữu bộ / giải thích trọn vẹn / đường tu thanh văn / tận tường, chính xác.
  17. [Śākyaprabha] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đức Thích Ca Quang, / vị thầy tuyệt hảo / hộ trì luật tạng, / thấu triệt kho tàng / tánh đức quí giá / của giới định tuệ, / tận tường giải thích / kinh điển quảng đại / để cho giáo pháp / luật học trong sáng / hưng thịnh lâu dài.
  18. [jowo Atīśa] Đệ tử cúi xin / ghi nhớ trong tâm / đức A-ti-sa, / pháp vương từ hòa / đã giúp Phật pháp / phát triển hưng thịnh / nơi vùng xứ tuyết, / đúc kết Phật pháp / thâm sâu, quảng đại, / thành một đường tu / phù hợp cho cả / ba loại căn cơ.
  19. Đệ tử kính dâng / lời khẩn nguyện này / với trọn lòng tin / tròn đầy trong sáng / đến các bậc thầy / cao cả tuyệt hảo / là ngọc quí của / toàn cõi diêm phù, / là nguồn chánh pháp / nhiệm mầu, tuyệt diệu, / nguyện xin chư vị / hộ niệm gia trì / cho tâm thức con / chín mùi thuần thục / đạt quả giải thoát.
  20. Hiểu được ý nghĩa / của hai chân lý, / là chân tánh của / hết thảy sự vật, / nhờ vào tứ đế / mà xác quyết được / mình làm thế nào / trầm luân lưu lạc / và phải làm sao / giải thoát luân hồi. / dựa vào nền tảng / nhận thức đúng đắn, / nguyện con có được / lòng tin vững chắc / nơi Phật pháp tăng. / Nguyện chư tôn đức / gia trì hộ niệm, / cho con vững vàng / vun trồng gốc rễ / đường tu giải thoát.
  21. Nguyện xin chư vị / gia trì hộ niệm, / cho con phát tâm / bồ đề viên mãn, / tâm này bắt rễ / từ tâm buông xả /—là chí nguyện muốn / giải thoát luân hồi / tận diệt khổ đau / cùng nhân tạo khổ—/ và cũng bắt rễ / từ tâm đại bi /—là chí nguyện muốn / che chở chúng sinh / trôi lạc luân hồi.
  22. Nguyện xin chư vị / gia trì hộ niệm / cho con dễ dàng / mau chóng có được / lòng tin xác quyết / nơi pháp thậm thâm / của mọi đường tu / tuệ ba la mật / cùng kim cang thừa / nhờ văn, tư, tu / luận văn của các / đạo sư tiên phong.
  23. Trong mọi đời kiếp / nguyện con luôn được / tái sinh làm người / bao gồm đầy đủ / ba môn vô lậu / noi theo gót chân / các bậc tiên phong, / hộ trì, hoằng dương / chánh pháp Phật dạy / bao gồm ngôn từ / cùng với chứng ngộ, / bằng hai phương tiện / thuyết giảng, hành trì.
  24. Nguyện cho tất cả / đoàn thể Phật giáo, / đầy ắp thánh giả / hành giả cao cả, / dành trọn thời gian, / lắng nghe, tư duy / diễn giải, hành trì / từ bỏ hoàn toàn / lối sống bất xứng. / Nguyện cho mặt đất / trong cõi thế này / trang nghiêm như vậy.
  25. Nhờ năng lực này / nguyện con tinh tấn / vượt qua tất cả / mọi con đường tu, / mọi địa thành tựu / thuộc về hiển tông / cũng như mật tông, / sớm đạt địa vị / thế tôn toàn giác, / nhờ đó, cả hai / mục tiêu cứu cánh / tự nhiên viên thành. / Lúc ấy không gian / nếu chưa cùng tận, / nguyện con còn vẫn / phụng sự chúng sinh.

Đối với giáo pháp thâm sâu và quảng đại của đức Phật Thế Tôn Chánh Đẳng Giác, các vị thánh giả Xứ Ấn, như có nói ở trên,  đã từng soạn tác cả một kho tàng luận giải tuyệt hảo, có khả năng khai mở mắt tuệ của những ai có trí tầm tư. Hơn 2550 năm trôi qua, giáo pháp Phật dạy về văn, tư và tu vẫn còn lưu truyền tại thế, không thất thoát hư hao.  Xin nguyện khắc ghi tấm lòng từ bi vô lượng của chư đạo sư tuyệt hảo vô song, nguyện noi theo gót chân các Ngài với tín tâm tròn đầy vững chắc.

Nhìn lại thế giới ngày nay, mọi lãnh vực khoa học kỹ thuật  đều tiến bộ vượt bậc, nhưng tâm trí con người luôn bị xáo trộn với lắm nỗi bất an trong đời sống đầy âu lo bận rộn, vì vậy, là người noi theo bước chân Phật, chúng ta cần tìm hiểu cho tận tường giáo Phật dạy, dựa vào đó xây dựng chánh tín. Phải vận dụng trí tuệ không thiên vị, quán chiếu phân tích kỹ lưỡng để nắm vững cơ sở của tín tâm, thẳng thắng truy xét những điểm hoài nghi.

Tín tâm cần được phát triển dựa vào nền tảng của trí tuệ và lý luận, vì vậy kho tàng luận giải về đường tu quảng thâm của tám vị hiền thánh, thường gọi là “Sáu Bảo Trang” và “Hai Tôn Giả”, cùng các Ngài Phật Hộ, Giải Thoát Quân cùng nhiều bậc tôn đức khác là điều không thể thiếu. Vì hiểu như vậy nên tôi khởi ước nguyện muốn nhờ người vẽ lại bức tranh của Sáu Bảo Trang, Hai Tôn Giả, thêm vào chín vị đạo sư, tổng cộng là mười bảy vị hiền thánh Học viện Na-lan-đà.

Đồng thời cũng mang ước nguyện soạn tác một bài tụng để bày tỏ tấm lòng tôn kính sâu xa của tôi đối với các bậc thầy cao trọng, ước nguyện này cũng được một số đạo hữu hoan hỉ khuyến khích. Do duyên khởi như vậy mà tôi, tỷ kheo Tenzin Gyatso, Đệ tử hạng bét nhưng có lòng tin trong sáng vững chắc nơi các bộ luận của các thầy, vua của hàng học giả, đã viết nên bài tụng này với tựa đề Thắp Sáng Ba Bậc Tín Tâm: Lời Tụng Tôn Kính Mười Bảy Vị Hiền Giả Cựu Học Viện Na Lan Đà, vào năm 2545 Phật lịch, nhằm ngày mùng một, tháng mười một, năm Rắn Sắt hệ thứ 17 Tạng lịch, tương đương với ngày 15 tháng 12 năm 2001 dương lịch, tại Thekchen Choeling, Dharamsala, thuộc huyện Kangra, tỉnh Himachal nước Ấn Độ.

 

Với lời nguyện hòa bình

image_pdfimage_print